BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73323)
(Xem: 62234)
(Xem: 39423)
(Xem: 31169)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Đảng cần đổi mới mạnh mẽ đường lối của Đảng

27 Tháng Hai 200612:00 SA(Xem: 949)
Đảng cần đổi mới mạnh mẽ đường lối của Đảng
50Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
00
Đọc Dự thảo báo cáo Chính trị tại Đại hội X của Đảng, tôi có những suy nghĩ như sau :

 Tôi tán thành với Báo cáo nhận định : “Nền kinh tế đã vượt qua thời kỳ suy giảm, đạt tốc độ tăng trưởng khá cao và phát triển tương đối toàn diện...,... Tuy nhiên chúng ta còn những khuyết điểm yếu kém : Nhịp độ tăng trưởng kinh tế chưa tương xứng với khả năng, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp, chưa vững chắc; cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm... Đầu tư của Nhà nước dàn trải, bị thất thoát nhiều... Chủ nghĩa cá nhân, thiếu trung thực và tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí vẫn nghiêm trọng... Tư duy của Đảng trên một số lĩnh vực chậm đổi mới...”

Thực tiễn cho thấy, sau Đại hội 6 của Đảng (1986) có những đổi mới xoá bỏ “ngăn sông cấm chợ, khoán nông nghiệp, xé rào trong doanh nghiệp Nhà nước, chấp nhận kinh tế thị trường v.v...” nên thoát khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế từ sau 30/4/1975 mà đạt được sự tiến bộ như ngày nay. Nhưng sự tiến bộ của Đảng vẫn chưa triệt để toàn diện, đúng như Đảng đã tự nhận “Tư duy của Đảng trên một số lĩnh vực chậm đổi mới”.

Tôi đề nghị, trong thời đại mới, thời cơ mới, Đảng phải đổi mới triệt để mạnh mẽ hơn nữa. Cụ thể :

1. Nên bỏ cụm từ định hướng xã hội chủ nghĩa trong kinh tế thị trường. Bởi vì kinh tế thị trường có quy luật cạnh tranh, quy luật giá trị, tự do kinh doanh. Khẳng định kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là mấu thuẫn với nhau về cơ bản. Chủ nghĩa xã hội là thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa cộng sản. Mà chủ nghĩa cộng sản thì không chấp nhận quyền tư hữu. Những doanh nhân e ngại đầu tư lớn, làm giầu lớn sẽ bị chủ nghĩa xã hội đến lúc nào đó lại tước đoạt hết tài sản của họ như thời kỳ cải tạo tư sản chăng !?

2. Chấp nhận đa nguyên đa đảng. Sau Cách mạng Tháng tám ta có Đảng Xã hội, Đảng Dân chủ. Phải có đa nguyên, đa đảng mới tập hợp được hiền tài, nguyên khí quốc gia, có lực lượng đối thoại với Đảng để giải quyết những mâu thuẫn, cùng nhau tìm đường xây dựng đất nước, dân tộc giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Tình trạng nước ta, 30 năm trước đây GDP tương đương với các nước xung quanh trong cùng khu vực. Vậy mà nay chỉ so sánh với vài nước ta đã rất kém. Ví dụ GDP của ta 400$/đầu người/năm. Mà Thái Lan 2.000$; Hàn Quốc 16.000$; Singapore 25.000$. Tức là ta đã chỉ bằng 1/5 của Thái Lan; 1/32 của Hàn Quốc; 1/50 của Singapore. Ngày nay thế giới xếp nước ta vào loại nghèo nhất thế giới. Đồng thời hiện tượng tham nhũng tràn lan từ trên xuống dưới trở thành quốc nạn, cũng được thế giới xếp vào loại nước tham nhũng hàng đầu. Nguyên nhân chính là do ta chỉ có một Đảng cộng sản cầm quyền. Do đó, Đảng đã trở thành đảng trị, độc tôn, độc tài không có dân chủ và nhân quyền, đã đưa đất nước, dân tộc vào tình trạng hiện nay.

3. Phải có tự do ngôn luận, tự do báo chí. Mọi người dân đều có quyền tự do suy nghĩ, tự do phát biểu để góp phần xây dựng Tổ quốc. Hiện nay không có tự do báo chí, tự do ngôn luận chính là một trong những nguyên nhân quan trọng làm cho Đất nước, Dân tộc yếu kém, nghèo nàn như vậy. Vì vậy đề nghị Đảng phải cho ra báo tư nhân, kể cả truyền hình tư nhân, phát thanh tư nhân nữa.

4. Phải có tự do ứng cử, tự do đề cử và tự do bầu cử vào Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp. Xoá bỏ thủ tục những người ứng cử, đề cử, phải thông qua Mặt trận Tổ quốc duyệt. Mặt trận Tổ quốc không được tham gia vào các hoạt động bầu cử bộ máy lập pháp nữa để chấm dứt hiện tượng xưa nay dân đời thường nói từ lâu "Đảng cử dân bầu". Những người đề cử, ứng cử phải có cuộc trao đổi, tranh luận công khai với dân để dân lựa chọn.

5. Người đứng đầu Nhà nước - Chủ tịch nước, phải do dân bầu, những hiền tài của Đất nước ra tranh cử, tranh luận công khai trước công luận truyền hình và người dân tự lựa chọn, bầu, mời sự giám sát của quốc tế. Chấm dứt việc người đứng đầu Đảng - Tổng Bí thư, cũng đồng nghĩa với người đứng đầu đất nước như hiện nay.

6. Phân rõ tam quyền phân lập trong bộ máy Nhà nước. Quốc hội là lập pháp; Chính phủ là hành pháp; Hệ thống Kiểm sát và Toà án là tư pháp. Trong Báo cáo nhiều lần viết “Xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa” là không hợp với một đất nước dân chủ và nhân quyền. Vì đưa chữ chủ nghĩa xã hội vào pháp quyền của Nhà nước tức là Đảng vẫn can thiệp vào những công việc của các chuyên ngành trên. Điều đó càng làm cho nhân dân ta không có dân chủ và nhân quyền.

7. Tôn trọng quyền tự do tôn giáo, hoạt động của các tôn giáo. Dân Việt Nam đại đa số theo đạo Phật. Vậy mà bản cương lĩnh của Giáo hội Phật giáo Việt Nam tiêu chí phải viết : Đạo pháp - Dân tộc - Xã hội chủ nghĩa. Đề nghị bỏ chữ xã hội chủ nghĩa mà thay bằng chữ Pháp trị, tức là tôn giáo hoạt động cũng theo pháp luật. Để từ xã hội chủ nghĩa ở đây là không đúng vì chủ nghĩa xã hội là bước đầu của chủ nghĩa cộng sản mà cộng sản thì theo thuyết duy vật, vô thần, phủ định thế giới tâm linh, nên đại đa số phật tử bất bình với tiêu chí này.

8. Nên công bố Hiệp định biên giới và lãnh hải Việt Nam - Trung Quốc. Báo Pháp Luật, số ngày 5/5/2004, viết : Trong tờ trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nói : Diện tích đất trồng lúa nước ta đến năm 2010 sẽ là gần 4,2 triệu ha trong tổng diện tích đất tự nhiên của cả nước 32,9 triệu ha (diện tích nước ta sao bị cắt chỉ còn có thế ?) Riêng phần đất liền trẻ con vẫn được học là 331.030km2 (theo sách giáo khoa lớp 9) và... co lại còn 330.991 km2 (theo sách giáo khoa lớp 12). Đấy, sách giáo khoa mà còn có lúc co lúc dãn nói chi đến con số thống kê của Bộ trưởng ! Chênh nhau gần 500.000 ha thì “nhằm nhò” gì? Nguyệt san Công an Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, 12/2003, thì lại viết 329.707 km2. Cho nên cần để nhân dân ta biết chính xác diện tích nước ta bây giờ là bao nhiêu ?

Phải kiên quyết đòi đảo Hoàng Sa, Trung Quốc chiếm của tư từ 1974. Báo Tuổi trẻ Thành phố Hồ Chí Minh 15/1/2004 đăng bài của Lam Điền, người dành cả đời người nghiên cứu Hoàng Sa viết : Cần giáo dục cho các con cháu Việt Nam hiểu rằng Hoàng Sa sự thật và mãi mãi là đất của Việt Nam.

Thực hiện lời kêu gọi góp ý kiến của Đảng vào Dự thảo báo cáo Chính trị tại Đại hội X của Đảng, tôi xin có ý kiến như trên.

Xin kính chúc Đại hội X thành công tốt đẹp.

 Ngày 25 tháng 2 năm 2006
Phạm Quế Dương

37 Lý Nam Đế - Hà Nội
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn