BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 72827)
(Xem: 62104)
(Xem: 39204)
(Xem: 31058)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Hãy gọi đối thủ là đối thủ

21 Tháng Tám 201212:00 SA(Xem: 932)
Hãy gọi đối thủ là đối thủ
50Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
00
Nhan đề bài viết này được mô phỏng từ một bài viết của James Randy Forbes, Dân biểu vùng Virginia ở Mỹ, trên báo The Diplomat ngày 7 tháng 6, 2012: “ Hãy thừa nhận Trung Quốc là một đối thủ” (Admit it, China is a competitor).

Quan điểm của Randy Forbes có thể được tóm tắt như sau: Lâu nay Trung Quốc đang cạnh tranh ráo riết với Mỹ trên rất nhiều phương diện, đặc biệt trong hai lãnh vực chính trị và quân sự, thế nhưng chính phủ Mỹ lại thường xuyên né tránh việc đề cập đến những khả năng cạnh tranh ấy, ít nhất một cách công khai, trên các diễn đàn công cộng. Trong các văn bản chính thức về chiến lược quân sự trên mặt biển của Bộ Quốc Phòng cũng như của lực lượng Hải quân, người ta đều không nhắc đến tên Trung Quốc. Trong các cuộc họp hành hay hội nghị, từ cấp trung đên cấp cao, từ giới hành chính đến giới nghiên cứu, người ta cũng ngại ngùng trong việc nêu tên Trung Quốc. Khi, một cách bất đắc dĩ, phải nhắc, người ta nhắc bằng một thứ ngôn ngữ ngoại giao vòng vo và khéo léo để làm mờ và làm nhẹ vấn đề đi.



 Tại sao?
 
Forbes nêu lên hai lý do chính mà ông thường nghe nhất:
 
Thứ nhất, việc đề cập khả năng cạnh tranh của Trung Quốc có thể gợi lại tâm thức Chiến tranh lạnh (Cold War mentality) vốn kéo dài từ thời đệ nhị thế chiến cho đến đầu thập niên 1990, lúc chế độ cộng sản sụp đổ hoàn toàn ở Nga và Đông Âu.
 
Thứ hai, nó dễ bị hiểu là một sự khiêu khích đối với Trung Quốc, từ đó, xô đẩy Trung Quốc ra xa và cũng thúc đẩy Trung Quốc tham gia vào cuộc chạy đua vũ trang như thời Chiến tranh lạnh, một điều không ai muốn cả.
 
Randy Forbes bác bỏ cả hai ý kiến ấy. Thứ nhất, dù cách hành xử của Mỹ và Trung Quốc thế nào thì người ta cũng không thể quay trở lại cuộc Chiến tranh lạnh trước đây. Lý do là, một, giữa hai nước không còn những mâu thuẫn về ý thức hệ nữa; hai, hai nước càng ngày càng có những quan hệ chặt chẽ về thương mại. Cả hai đều cần nhau. Nhưng sự cần nhau ấy không loại trừ khả năng cạnh tranh về kinh tế, địa lý và các vùng chiến lược. Thứ hai, không nên sợ khiêu khích vì, trên thực tế, Trung Quốc đã và đang cạnh tranh gay gắt với Mỹ. Hơn nữa, họ còn công khai hóa cuộc cạnh tranh ấy trên nhiều diễn đàn, ngay cả trong các văn kiện phát triển quốc phòng của họ. Như vậy, Mỹ không cần né tránh nữa. Né tránh cũng vô ích: Nó đã là hiện thực. Hơn nữa, đó là một chọn lựa nguy hiểm: Cách tốt nhất để tránh những xung đột lớn là tích cực chuẩn bị. Muốn chuẩn bị tốt, cần phải thảo luận công khai với Quốc Hội và với dân chúng Mỹ.
 
Đọc bài viết ấy, tôi không thể không nghĩ đến mối quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc, ở đó, cũng có rất nhiều nghịch lý: Một mặt, về phía Trung Quốc, từ ngôn ngữ đến hành động, người ta luôn luôn tỏ ra thù nghịch với Việt Nam; mặt khác, về phía Việt Nam, ngược lại, người ta lúc nào cũng tỏ ra mềm mỏng và ngọt ngào, lúc nào cũng là “bạn”, là “hai nước anh em”, là “đối tác chiến lược”, là “láng giềng tốt”, v.v.
 
Tại sao?
 
Lý do, rất dễ hiểu: Việt Nam không muốn khiêu khích Trung Quốc. Họ không muốn tạo ra bất cứ một cái cớ nào để Trung Quốc có thể tấn công họ. Mà khả năng Trung Quốc tấn công Việt Nam không phải không có. Thứ nhất, Trung Quốc chắc chắn không từ bỏ mưu đồ độc chiếm Biển Đông. Họ tuyên bổ rất rõ điều đó. Đó là lợi ích chiến lược cốt lõi, cái mà họ sẽ không nhân nhượng ai cả. Thứ hai, Trung Quốc rất muốn dằn mặt các nước khác trong khu vực và đặc biệt những nước đang tranh chấp biển và đảo với Trung Quốc. Trong các nước ấy, khó nhất là Nhật Bản, tiếp theo là Hàn Quốc: Cả hai đều, một, có nền kinh phát triển rất cao; hai, kỹ thuật quân sự không thua gì Trung Quốc; và ba, có quan hệ quốc phòng chặt chẽ với Mỹ. Chỉ có hai nước tương đối dễ đánh: Philippines và Việt Nam. Giữa hai nước, nếu chọn một, chắc chắn là Trung Quốc sẽ chọn Việt Nam. Thứ nhất, vùng tranh chấp với Philippines khá nhỏ; thứ hai, Philippines có khá nhiều đồng minh, đặc biệt là Mỹ, những người sẵn sàng giúp đỡ và bảo vệ họ. Chỉ có Việt Nam là thân cô thế cô. Lại giáp biên giới với Trung Quốc. Tấn công Việt Nam, phần thắng của Trung Quốc sẽ rất cao.
 
Việt Nam thừa hiểu điều đó. Nên họ tránh mọi thái độ có thể bị xem là khiêu khích. Bi quan, chúng ta có thể cho là họ khiếp sợ và hèn hạ. Lạc quan, chúng ta tin là họ nhẫn nhục vì họ cần thời gian để làm ít nhất một số điều cần phải làm: một là mua thêm vũ khí và phương tiện chiến tranh trên mặt biển; hai là tạo quan hệ đồng minh với các nước khác hầu có sự hậu thuẫn cần thiết khi chiến tranh bùng nổ.
 
Đối diện với một nước lớn, mạnh và hung hăng như Trung Quốc, việc tránh khiêu khích là điều nên làm. Việc nhịn nhục để có thời gian chuẩn bị càng là điều nên làm. Tuy nhiên, ở đây lại có ít nhất hai vấn đề cần bàn.
 
Thứ nhất, về mức độ: Nên nhịn đến mức nào? Và đến khi nào?
 
Thứ hai, có nên vì muốn tránh khiêu khích mà cứ ra rả những lời nói sai trái và dối trá về một thứ quan hệ tốt đẹp không có thật như vậy hay không?
 
Trong bài này, tôi chỉ xin bàn đến vấn đề thứ hai.
 
Để cho rõ, xin nói ngay, tôi không nghĩ là chính phủ Việt Nam nên công khai tuyên bố Trung Quốc là kẻ thù. Về phương diện ngoại giao, đó là điều không cần thiết. Về phương diện chính trị, đó là một sự dại dột. Nhưng ngoài việc tuyên bố công khai như thế, Việt Nam vẫn còn một số lựa chọn khác. Chứ không nhất thiết phải tụng mãi mấy câu kinh “4 tốt” và “16 chữ vàng” như họ đã và đang làm lâu nay. Nếu việc làm ấy có chút lợi là làm dịu lại cơn giận dữ của Trung Quốc thì nó lại gây ra nhiều điều nguy hiểm khác.
 
Thứ nhất và cũng rõ rệt nhất, nó gợi nhắc lại cuộc hội nghị ở Thành Đô vào tháng 9 năm 1990, lúc giới lãnh đạo tối cao của đảng Cộng sản Việt Nam, từ Nguyễn Văn Linh đến Lê Đức Anh và Đỗ Mười đều tỏ ra khiếp nhược trước Đặng Tiểu Bình và hầu như đầu hàng hẳn Trung Quốc. Lâu nay, đảng Cộng sản và chính quyền vẫn muốn giấu giếm cuộc hội nghị ấy. Nhưng cuối cùng, nó vẫn được tiết lộ qua hồi ký của Lý Gia Trung, nguyên tham tán Tòa Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam, và đặc biệt, hồi ký của Trần Quang Cơ, nguyên thứ trưởng Bộ ngoại giao lúc ấy. Từ khi bị tiết lộ, mấy chữ “hội nghị Thành Đô” trở thành một vết nhục cho đảng. Những chữ “4 tốt” và “16 chữ vàng” càng làm cho người ta nhớ đến vết nhục ấy. Thiệt hại lớn không biết bao nhiêu mà kể.
 
Thứ hai, để tránh khiêu khích và cũng để làm vừa lòng Trung Quốc, nhà cầm quyền Việt Nam lại đi xa hơn việc lặp lại như vẹt những câu khẩu hiệu sáo rỗng là sẵn sàng trấn áp mọi biểu hiện yêu nước và phẫn nộ trước chủ nghĩa bá quyền Trung Quốc của dân chúng. Hơn nữa sự trấn áp ấy lại vượt khỏi giới hạn cần thiết: vu khống người dân trên các phương tiện truyền thông và trước tòa án. Bằng những cách hành xử như vậy, chính quyền, một mặt, càng ngày càng bị cô lập trước nhân dân; mặt khác, không thể tránh được ấn tượng là hèn nhát, thậm chí, bán nước. Ở trên, chúng ta đặt giả thuyết là nhà cầm quyền phải nhịn nhục để có thời gian chuẩn bị chiến tranh (mua vũ khí và tìm đồng minh), nhưng nếu lúc ấy, họ đã mất nhân dân thì liệu hai thứ kia có còn cần thiết nữa hay không? Lúc ấy liệu họ có thể đánh nổi Trung Quốc hay không? Trong ba yếu tố vũ khí, đồng minh và nhân dân, ai cũng biết nhân dân là quan trọng nhất. Tại sao lại đạp vào mặt nhân dân và xua đuổi nhân dân?
 
Thứ ba, thứ ngôn ngữ ngoại giao giả dối về một thứ quan hệ không có thật với Trung Quốc có một cái hại càng ngày càng thấy rõ: nó làm mọi người mất hết cảnh giác. Lâu nay, mỗi lần phát hiện ra một hành động sai trái nào đó của chính quyền, từ trung ương xuống địa phương, liên quan đến Trung Quốc, chúng ta đều tự hỏi: Tại sao người ta lại bất cẩn đến vậy nhỉ? Tại sao nguyên một Bộ lớn của Trung ương lại giao cho Trung Quốc quản lý nguyên một trang mạng bằng tiếng Việt để muốn tuyên truyền gì cho họ thì tuyên truyền, kể cả việc họ tập trận trên những quần đảo được gọi là của họ, như Hoàng Sa? Tại sao nhiều trang web ở Việt lại gọi Biển Đông là South China Sea, Biển Nam Hải? Tại sao người Trung Quốc vào làm ăn lậu ở ngay những khu vực nhạy cảm về quân sự của Việt Nam mà không ai biết? Tại sao lá cờ của Trung Quốc ở Việt Nam lại mọc thêm một ngôi sao nhỏ nữa? Tại sao những bức ảnh phóng lớn ca ngợi quân đội Việt Nam dựng ngay ngoài đường phố lại là hình của Trung Quốc? Có cả hàng ngàn câu hỏi tại sao như vậy. Trong mọi trường hợp, câu trả lời chúng ta nghe nhiều nhất là: Bất cẩn. Nhưng tại sao người ta lại bất cẩn đến vậy? Nguyên nhân có thể khá nhiều, nhưng nguyên nhân chính chắc chắn là vì sự tuyên truyền của chính quyền. Vì người ta tưởng Trung Quốc không có gì nguy hiểm cả. Thì đảng và chính phủ nói vậy mà!
 
Gọi Trung Quốc là bạn, hơn nữa, là bạn tốt trong khi họ đang là đối thủ, hơn nữa, đối thủ cực kỳ nguy hiểm, là một trò chơi với lửa. Có khi người chơi trò đó bị cháy rụi trước cả lúc thực sự đối mặt với kẻ thù.
Nguyễn Hưng Quốc

20-08-2012

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn