BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 72808)
(Xem: 62102)
(Xem: 39197)
(Xem: 31055)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Thiếu lãnh đạo

13 Tháng Tám 201212:00 SA(Xem: 802)
Thiếu lãnh đạo
53Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
53
Việt Nam thiếu nhiều thứ. Về kinh tế: rất nhiều người thiếu công ăn việc làm; phần lớn dân chúng thiếu tiền bạc, thiếu cả những nhu cầu cần thiết nhất cho một cuộc sống bình thường. Về xã hội, thiếu sự ổn định và không có bảo đảm gì cho tương lai cả. Về giáo dục, thiếu trường tốt và thầy cô giáo tốt; thiếu một chương trình cũng như một cơ chế giảng dạy hợp lý và hiệu quả; thiếu không khí tốt lành để đạo đức và học thuật được phát triển. Về chính trị, cũng thế, nhìn đâu cũng thấy thiếu: thiếu dân chủ, thiếu tự do, thiếu công bằng, thiếu minh bạch, v.v. 
 



Nhưng ở đây, tôi chỉ tập trung vào một cái thiếu mà tôi cho là quan trọng nhất trong tình hình hiện nay: thiếu lãnh đạo.
 
Nhận định ấy, thoạt nghe, dễ có cảm tưởng như nghịch lý. Trên nguyên tắc, Việt Nam được lãnh đạo bởi đảng Cộng sản, mà đảng Cộng sản hiện nay lại có đến 3,6 triệu đảng viên. Số đảng viên ấy lại được lãnh đạo bởi 175 ủy viên trong Ban chấp hành Trung ương. Số ủy viên ấy lại được lãnh đạo bởi 14 người trong Bộ chính trị, cơ quan quyền lực cao nhất của đảng đồng thời của cả nước. Rõ ràng đó là một con số khổng lồ cho thành phần lãnh đạo một đất nước. Ở các nước dân chủ, chẳng hạn ở Mỹ hay ở Úc, nói đến giới lãnh đạo, người ta chỉ kể đến Tổng thống, Phó tổng thống (ở Úc là Thủ tướng và Phó thủ tướng), nội các và vài người lãnh đạo trong Quốc Hội. Hết. Tổng cộng, nhiều lắm là 20-30 người.
 
Tuy vậy, nhìn vào thực tế, đặc biệt những năm gần đây, điều hầu như ai cũng thấy là Việt Nam hoàn toàn thiếu lãnh đạo. Tất cả, từ Bộ chính trị đến Trung ương đảng, từ chính phủ đến Quốc hội, ngồi đó, thật nhiều; mặt mày ai cũng hồng hào phè phỡn, nói năng như thánh phán, nhưng lại không có ai thực sự lãnh đạo cả.
 
Lãnh đạo chứ không phải quản lý.
 
Quản lý là làm cho guồng máy chạy đều và chạy tốt, ít nhất trong từng thời điểm nhất định. Lãnh đạo là định hướng cho cả guồng máy ấy vượt qua các thử thách trong hiện tại cũng như trong tương lai để bảo đảm sự an toàn cũng như sự tốt đẹp không phải chỉ trong một hai năm tới mà trong cả nhiều thập niên tới. Không phải chỉ cho thế hệ này mà còn cho các thế hệ kế tiếp.
 
Ai cũng biết, từ mấy năm nay, một trong những thử thách nghiêm trọng nhất đối với Việt Nam là vấn đề quan hệ với Trung Quốc. Các chính sách về lãnh thổ và lãnh hải của Trung Quốc là một đe dọa trực tiếp đối với chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Không những chỉ có chính sách hay lời nói. Sự đe dọa được thể hiện cụ thể bằng hành động: Trung Quốc cho xây dựng các cơ sở hành chính và quân sự trên các hòn đảo vốn thuộc chủ quyền của Việt Nam; cho khai thác dầu khí trên lãnh hải Việt Nam; ngăn chận các công ty ngoại quốc ký kết hợp đồng điều tra và khai thác dầu khí do Việt Nam tổ chức ngay trong các vùng được xem là đặc quyền kinh tế của Việt Nam; bắt bớ, thậm chí, giết chết các ngư dân Việt Nam đang đánh bắt cá ở trong vùng lãnh hải của Việt Nam. Một số người Trung Quốc, thuộc giới học giả cũng như giới quân sự, có khi khá cao cấp, thỉnh thoảng bắn tiếng về một cuộc tấn công có quy mô lớn nhắm vào Việt Nam. Đó là chưa kể đến các âm mưu lũng đoạn kinh tế, xã hội và chính trị của Trung Quốc. Công nhân Trung Quốc, từ hợp pháp đến bất hợp pháp, tràn lan ở Việt Nam, ngay ở những địa điểm được xem là có ý nghĩa chiến lược về quân sự. Có thể nói hiện nay Trung Quốc là nguy cơ lớn nhất, nếu không muốn nói là duy nhất của Việt Nam.
 
Thật ra, ngoài Việt Nam, âm mưu bành trướng của Trung Quốc là một đe dọa đối với rất nhiều nước khác. Trong các nước ấy, xa và lâu dài nhất, là Mỹ; gần và cụ thể nhất là một số nước thuộc châu Á, từ Nhật Bản đến Phi Luật Tân, Hàn Quốc, Malaysia, Brunei, nhưng đặc biệt, trầm trọng nhất là Việt Nam. Có ba lý do chính: Một, nước có số đảo tranh chấp nhiều nhất là Việt Nam; hai, nếu con đường chữ U thành hiện thực, nước bị ảnh hưởng nặng nhất cũng là Việt Nam; và ba, Việt Nam là nước duy nhất có chung biên giới với Việt Nam. Nếu Trung Quốc chọn một quốc gia nào đó trong khu vực để tấn công nhằm hợp thức hóa, bằng bạo lực, con đường chữ U, nhằm biểu dương sức mạnh và nhằm uy hiếp tất cả các nước khác, nước ấy chắc chắn sẽ là Việt Nam.
 
Tất cả những điều ấy, hầu như ai cũng biết. Cả thế giới đều biết. Người Việt, nếu có chút sáng suốt, cũng đều biết. Biết, nên mọi người đều chờ đợi một chính sách nhất quán và hiệu quả từ giới lãnh đạo. Tuy nhiên, cho đến nay, giới lãnh đạo lại chọn một biện pháp dễ dãi nhất là né tránh việc công bố bất cứ một chính sách nào, nghĩa là, nói cách khác, né tránh chính việc lãnh đạo của mình.
 
Trong các diễn văn, giới cầm quyền chỉ nói những nguyên tắc chung chung và sáo rỗng như hợp tác và hữu nghị, như hai phương châm gọi là “4 tốt” (láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt) và “16 chữ vàng” (Láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai) do Giang Trạch Dân đưa ra vào năm 1999. Hết. Nhưng đó chỉ là nguyên tắc và phương châm. Trong chính trị, từ những nguyên tắc và phương châm chung chung như vậy, người ta cần đặt ra ít nhất bốn vấn đề khác: Một, những nguyên tắc và phương châm ấy có còn hợp thời và hợp lý hay không; hai, nếu còn, làm cách nào để thực hiện chúng, đặc biệt trước những khiêu khích và đe dọa thường xuyên, hơn nữa, càng ngày càng tăng của Trung Quốc, một kẻ rõ ràng không phải là “láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt và đối tác tốt”; ba, nếu không, Việt Nam cần có chính sách gì để đối phó với những hành động khiêu khích và đe dọa, thậm chí, âm mưu thôn tính của Trung Quốc; và bốn, cần có những chiến thuật gì để hiện thực hóa chiến lược ấy?
 
Đó là những câu hỏi bình thường ai cũng đặt ra. Với tất cả, giới cầm quyền Việt Nam đều im lặng. Theo dõi các động thái của họ, người ta cũng không tìm được một câu trả lời nào cả. Được xem là có quyền lực nhất trong Bộ chính trị và trong đảng hiện nay là ba người: ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng bí thư; ông Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng; và ông Trương Tấn Sang, Chủ tịch nước. Có cảm tưởng như có một sự phân công nào đó giữa họ với nhau: Nguyễn Tấn Dũng thì lo chuyện đối nội; Nguyễn Phú Trọng thì ngọt ngào ve vuốt Trung Quốc; còn Trương Tấn Sang thì đi tìm một số đồng minh khác để cân bằng lực lượng với Trung Quốc. Có vẻ thế. Nhưng điều đó, nếu có thật, cũng không thực sự là lãnh đạo. Bởi lãnh đạo của một đảng cũng như của một nước, nhất là khi đảng ấy lại là đảng cầm quyền duy nhất, cần có một tiếng nói chung; hoặc ít nhất, một tiếng nói có nhiều sức nặng, có ảnh hưởng và có khả năng chi phối guồng máy đảng và nhà nước nhất. Ở Việt Nam, tiếng nói chung: không có. Tiếng nói nổi bật nhất: cũng không có. Những gì ông Nguyễn Phú Trọng nói, người ta xem như ngớ ngẩn (xin nhớ lại bài nói về chủ nghĩa xã hội của Nguyễn Phú Trọng tại Cuba vào ngày 10/4/2012). Những gì ông Nguyễn Tấn Dũng nói thì lại không còn chút uy tín gì vì từ lâu ông bị xem là nói một đàng làm một nẻo (đặc biệt qua các vụ án tham nhũng cũng như các vụ lỗ lã nặng nề của các công ty quốc doanh). Còn ông Trương Tấn Sang thì bị xem là không có quyền lực thực sự: Vai trò của Chủ tịch nước Việt Nam, từ xưa đến nay, vốn chỉ là một hư vị. Chỉ có ý nghĩa tượng trưng.
 
Thành ra, dù có chăm chú lắng nghe và theo dõi lời nói cũng như hoạt động của cả ba người đứng đầu đảng và chính phủ Việt Nam hiện nay, người ta cũng không thể biết là họ muốn gì.
 
Họ, với tư cách tập thể cũng như với tư cách cá nhân, hoàn toàn không đưa ra một chính sách nào cả. Không đưa ra một viễn kiến nào cả. Nghĩa là, nói tóm lại, không thể hiện bất cứ một sự lãnh đạo nào cả.
 
Họ hoàn toàn né tránh bài toán hóc búa nhất hiện nay.

Nguyễn Hưng Quốc

12-08-2012

Theo Blog Nguyễn Hưng Quốc
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn