BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73216)
(Xem: 62209)
(Xem: 39387)
(Xem: 31147)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Khi giả thiết đã trở thành sự thật !

04 Tháng Chín 200912:00 SA(Xem: 1242)
Khi giả thiết đã trở thành sự thật !
52Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
52
Ông Nguyễn Văn An, nguyên Chủ tịch Quốc hội (QH) vừa viết bài "Bàn về phân công quyền lực nhà nước“ đăng trên Tuần VN điện tử ngày 21.8, một tờ báo của Bộ Thông tin và Truyền thông. Ông An đã viết bài này vào dịp kỉ niệm 64 năm „Cách mạng tháng 8“ dưới sự lãnh đạo của ĐCSVN. Nhưng mục tiêu chính có lẽ ông An nhắm tới Đại hội 11(ĐH) của ĐCSVN sẽ diễn ra vào tháng 1.2011 và hiện nay không khí chuẩn bị đang rất xôi động trong nhiều giới, cả trong nội bộ đảng cũng như ngoài xã hội. Ai ở, ai đi tại những cơ quan trung ương trong Đảng và Nhà nước, nhất là các ghế hái ra tiền, đang được chạy đua và giành giật. Cho nên đây là một vấn đề rất thời sự mà còn rất quan trọng không chỉ cho ĐCSVN mà cho cả nước!

Trước khi bàn về nội dung và ẩn ý bài của Nguyễn Văn An, thiết tưởng cần biết qua tiểu sử của ông. Ông An đã được bầu làm Ủy viên (UV) chính thức trong Trung ương Đảng (TUĐ) từ Khóa 6 (1986), rồi nhẩy lên Bộ chính trị (BCT) từ Khóa 8 (1996), cơ quan quyền lực cao nhất của Đảng và chế độ; nhiều năm làm Trưởng ban Tổ chức Trung ương, tức là cơ quan cao nhất của đảng phụ trách công tác đào luyện, tuyển chọn và tiến cử các cán bộ chủ chốt vào những chức vụ then chốt cho Đảng, Chính phủ và QH. Trong Khóa 9 (2001) Nguyễn Văn An được tiếp tục bầu vào BCT, sau đó được BCT cử làm Chủ tịch QH (2001-2006). Như vậy qua nhiều năm đảm nhận những chức vụ quan trọng ở cấp cao nhất, cho nên ông An tất phải biết rõ nguyên tắc tổ chức và cách vận hành của cơ chế quyền lực của chế độ ở các cấp cao nhất từ trong Đảng (như BCT, Ban Bí Thư, TUĐ và các Ban TU), tới Chính phủ (CP) và QH. Do đó, những nhận định của ông trong bài „Bàn về phân công quyền lực nhà nước“ phải coi là cách rút kinh nghiệm của chính bản thân về lí thuyết, thực tiễn và hậu quả của việc phân công quyền lực giữa Đảng với Nhà nước. Từ Nhà nước hiểu theo ngôn ngữ của chế độ này bao gồm: Hội đồng Nhà nước (nay thường gọi Chủ tịch nước), QH và CP, Tòa án Nhân dân tối cao (TANDTC) và Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao (VKSNDTC), tức Công tố viện.

Khi giả thiết đã trở thành sự thực


Trong bài trên Nguyễn Văn An đã trình bày ba lãnh vực: Thần linh pháp quyền, Đảng làm thay hậu quả sẽ khôn lường, Phân công rành mạch. Trong phần „Đảng làm thay hậu quả sẽ khôn lường“ ông An đã đưa ra một „giả thiết“ về một trường hợp xấu nhất cho đất nước khi ban lãnh đạo Đảng „trực tiếp làm thay các cơ quan nhà nước“. Trong trường hợp đó ông khẳng định là ban lãnh đạo Đảng đã „làm… trái Hiến pháp“. Dưới đây là nguyên văn giả thiết và kết luận của ông An:

„Nếu cơ quan lãnh đạo của Đảng chỉ đạo trực tiếp làm thay các cơ quan nhà nước thì điều gì sẽ xẩy ra? Đây là một câu hỏi mang tính chất của một giả thiết, để thử phân tích hậu quả khi chức năng quản lý nhà nước bị vi phạm.

Trong trường hợp chủ trương lãnh đạo của Đảng chưa được luật hóa, và Đảng trực tiếp chỉ đạo làm thay các cơ quan nhà nước, thì Đảng đã tự cho mình trở thành cơ quan quyền lực nhà nước song song và đứng trên cơ quan quyền lực nhà nước.

Trước tiên, việc làm như giả thiết nêu trên là trái với Hiến pháp, vì tại Điều 4 Hiến pháp đã ghi rằng ... Đảng ...là lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội, chứ không ghi Đảng chỉ đạo trực tiếp làm thay các cơ quan nhà nước. Chúng ta đều biết rằng, lãnh đạo là chức năng của Đảng, còn chỉ đạo và quản lý là chức năng của nhà nước, cho nên không thể lẫn lộn hai chức năng đó được.“

Nếu căn cứ vào giả thiết và kết luận rất rõ ràng trên của Nguyễn Văn An để đối chiếu với cách lãnh đạo và chỉ đạo của cấp đứng đầu Đảng đang diễn ra một cách thực tế đã làm cho nhiều giới rất quan tâm, nhất là những người quan sát tìm hiểu chế độ này.

Thực vậy, căn cứ vào hiện trạng xã hội VN từ khi ĐCSVN cầm quyền trong 64 năm xuyên qua nhiều lãnh vực từ chính trị, ngoại giao, kinh tế, pháp luật, giáo dục, báo chí tới tôn giáo…thì những điều ông An mới chỉ cho là „giả thiết“, nhưng quả thực đã là một hiện thực trong suốt trên 60 năm qua. Trong đó „cơ quan lãnh đạo của Đảng chỉ đạo trực tiếp làm thay các cơ quan nhà nước“. Vì các „chủ trương lãnh đạo của Đảng chưa được luật hóa, và Đảng trực tiếp chỉ đạo làm thay các cơ quan nhà nước“. Như vậy, vẫn theo lí luận trên đây của Nguyễn Văn An „thì Đảng đã tự cho mình trở thành cơ quan quyền lực nhà nước song song và đứng trên cơ quan quyền lực nhà nước.“ Nghĩa là trong mấy thập kỉ qua những người lãnh đạo Đảng đã „làm… trái Hiến pháp“.

Thí dụ chứng minh mới nhất và đang trở thành một đề tài rất bức xúc và nóng bỏng là vấn đề ngoại giao, quốc phòng, kinh tế và môi trường trong việc để cho Bắc kinh khai thác bauxit ở Tây nguyên. Trong đó QH chưa có một lần nào được hỏi ý kiến và QH cũng chưa có biểu quyết, mặc dầu theo Hiến pháp 1992 thì QH là cơ quan quyền lực cao nhất của nước!

Việc khai thác bauxit mới được ghi một cách rất tổng quát trong Báo cáo chính trị của ĐCSVN tại ĐH 10 (2006). Nhưng trước áp lực của Bắc kinh (BK) muốn chiếm lãnh và khai thác tài nguyên VN để đưa Trung quốc sớm trở thành cường quốc kinh tế, nên Nông Đức Mạnh, người đứng đầu ĐCSVN, đã thỏa thuận riêng với Hồ Cẩm Đào khi thăm Trung quốc 5.08. Mặc dầu cho tới thời điểm đó việc này chưa được bàn trong QH lẫn Chính phủ. Vài tháng sau đó Nguyễn Tấn Dũng, người cầm đầu chính phủ, cũng tới BK phải làm công tác thông qua quyết định đã xong giữa Nông Đức Mạnh và Hồ Cầm Đào. Từ cuối năm 2008 nhiều giới am tường những thiệt hại về kinh tế, môi trường và nguy hiểm về an ninh quốc phòng cho VN đã lên tiếng công khai phê bình quyết định vi Hiến của Nông Đức Mạnh và Nguyễn Tấn Dũng. Việc này khẩn thiết và nguy hại đến nỗi Đại tướng Võ Nguyên Giáp, một đại công thần cuối cùng còn sống của chế độ, dù gần 100 tuổi cũng đã phải ba lần công khai lên tiếng phản đối và đòi hủy bỏ quyết định sai trái và cực kì nguy hiểm này. Nhiều sĩ quan cao cấp, lão thành cách mạng (LTCM) và hàng ngàn nhà khoa học và nhân sĩ cũng đã công khai lên tiếng chống lại việc làm sai trái Hiến pháp này.

Trước tình thế bất đắc dĩ, những người cầm đầu đảng đã phải đưa ra QH trong kì họp thứ 5 vào cuối tháng 5 vừa qua. Nhưng trong buổi điều trần vào giữa tháng 6, đại diện chính phủ là UV BCT Phó TT Thứ nhất Nguyễn Sinh Hùng chỉ thông tin lấy lệ cho QH và còn tìm cách lấp liếm, ngụy biện một việc làm đã xong. Tuy thế, một số đại biểu đã lên tiếng phản đối, nhưng chưa có một cuộc biểu quyết toàn thể và công khai trong QH. Thế nhưng khi kết thúc cuộc họp của QH (giữa 6.09) Nguyễn Phú Trọng, UV BCT, Chủ tịch QH- người được coi là có quyền hành rất lớn và thần phục Bắc kinh, đã dối trá nói rất trắng trợn là: "Qua theo dõi, tôi có một cảm nhận là các ý kiến đều nói đồng ý về chủ trương và tán thành với kết luận của Bộ Chính trị“ việc để cho BK khai thác bauxit ở Tây nguyên. Ba ông Mạnh, Dũng và Trọng đều là Ủy viên trong BCT, cơ quan lãnh đạo của ĐCSVN, và đều giữ trọng trách đứng đầu Đảng, chính phủ và QH. Như vậy thật là rõ ràng, trong quyết định để cho BK khai thác bauxit ở Tây nguyên, ba nhân vật này không chỉ làm công tác lãnh đạo mà còn làm cả công tác chỉ đạo trực tiếp trong các cơ quan nhà nước! Chính phủ và QH chỉ là người thừa hành, tay sai của Đảng. Nói cho đúng ra các cơ quan nhà nước chỉ thi hành chỉ thị của một số người có quyền lực trong BCT mà thôi. Nhân dân hoàn toàn không được hỏi ý kiến. Những phản biện của Tướng Võ Nguyên Giáp và nhiều nhà khoa học và nhân sĩ có uy tín hoàn toàn không được xét tới!

Như vậy thật là hết sức rõ ràng, nếu theo lí luận trên của cựu Chủ tịch QH Nguyễn Văn An, thì trong việc để cho Bắc kinh khai thác bauxit ở Tây nguyên mới chỉ là một „"chủ trương lãnh đạo của Đảng“, nhưng tới nay „chưa được luật hóa“. Mặc dầu vậy, những người cầm đấu Đảng đã vẫn ngang nhiên „trực tiếp chỉ đạo làm thay các cơ quan nhà nước“. Như thế, vẫn theo lí luận trong bài trên của ông An thì Đảng CSVN –mà ở đây chính là một vài người có quyền lực nhất đã hống hách và chuyên quyền „tự cho mình trở thành cơ quan quyền lực nhà nước song song và đứng trên cơ quan quyền lực nhà nước.„ Cũng vẫn theo lí luận của ông An thì những người này hiển nhiên đã „làm… trái Hiến pháp“. Như vậy là họ đã chống và vi phạm luật pháp cao nhất của nước. Đây là một tội lớn nhất, nhưng những người này tới nay chẳng hề hấn gì, vẫn tiếp tục lãnh đạo và chỉ đạo! Chẳng những thế họ còn đang ra tay bôi nhọ và bắt giam những ai lên tiếng tố cáo những hành động chà đạp pháp luật của họ!

Một dẫn chứng khác liên quan tới việc vi phạm phân công rất trắng trợn trong lãnh vực luật pháp giữa Đảng và Nhà nước. Trong vụ tham nhũng PMU 18 mà Tướng Giáp trong thư gởi cho BCT đầu năm 2006 đã gọi là „vụ tham nhũng cực kì nghiêm trọng“. Trong đó nhiều nhân vật trong TUĐ, bộ trưởng Giao thông vận tải đã toa rập với các nhà thầu rút ruột hàng ngàn tỉ đồng tài sản của nhân dân trong các công trình xây dựng. Báo chí trong nước đã cho biết cả con rể của Nông Đức Mạnh cũng dính líu. Khi ấy các cơ quan như Viện kiểm sát Nhân dân Tối cao và nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải đã xác nhận việc này. Chính ông Khải đã cách chức bộ trưởng Giao thông và Viện KSNDTC đã cho bắt giam Thứ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Việt Tiến. Một vụ tham nhũng cực kì nghiêm trọng như thế nhưng đã không được thảo luận công khai trong ĐH 10, mặc dầu Tướng Giáp, nhiều LTCM và đảng viên đã công khai đòi hỏi. Không những thế, sau ĐH 10 Nguyễn Việt Tiến còn được tha, nhưng một số cán bộ công an điều tra vụ này và một số nhà báo tố cáo tham nhũng đã bị đưa ra tòa. Nghĩa là trong vụ tham nhũng cực kì nghiệm trọng này, những người có quyền lực trong BCT thấy nguy hiểm cho an ninh và địa vị của họ, thì họ đã lợi dụng quyền hành, sử dụng không từ mọi thủ đoạn nham hiểm cho tới đê tiện nhất để biến chuyện con voi thành con kiến, biến có thành không, biến đen thành trắng; người có tội thì được tha và người tố cáo và điều tra thì lại bị tù tội. Đúng như nguyên UV TUĐ và Chánh án TANDTC Nguyễn Văn Hiện đã từng cho biết, Tòa án nhân dân xử thế nào cũng được! Như vậy trong vụ tham nhũng cực kì nghiêm trọng PMU 18 đã cho thấy, cả một hệ thống đã thối nát ngay từ nóc trở xuống. Vì quyền lợi cá nhân, gia đình và vây cánh, cho nên những người lãnh đạo đảng ở trong Đảng và Nhà nước đã chỉ đạo trực tiếp và hết sức trắng trợn để bẻ gẫy Điều lệ Đảng, đạp lên pháp luật do chính họ làm ra để củng cố quyền hành! Chẳng thế mà Nông Đức Mạnh đã vẫn nắm tiếp tục chiếc ghế Tổng bí thư, hiện nay còn kiêm cả „Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương học tập và làm theo tấm gương đạo đức HCM“ và thường không ngượng miệng rao giảng đạo đức là "Học Bác là nói đi đôi với làm"!

Cả vụ việc Tổng cục II và T4 mà Tướng Giáp và nhiều cựu UV BCT đã phải xác nhận đó là “Vụ án chính trị siêu nghiêm trọng” cũng là một bằng chứng cho thấy một số người lãnh đạo Đảng đã biến cơ quan của Nhà nước thành tay sai phục vụ ý đồ riêng. Khi nắm chức Bộ trưởng Quốc phòng từ cuối thập niên 80 của Thế kỉ trước, rồi sau đó nhẩy lên làm Chủ tịch Nước, Lê Đức Anh, nguyên Ủy viên BCT, đã biến Tổng cục II trở thành một bộ phận tình báo cho riêng cá nhân và vây cánh nhằm triệt hạ các đối thủ chính trị ngay trong TUĐ và BCT –trong đó nhiều người có công lớn với chế độ- Trong các vụ việc này Lê Đức Anh, do các động lực cá nhân và vây cánh, kể cả liên hệ với BK, bằng những thủ đoạn quỉ quyệt và vô đạo đức nhất đã đạp lên kỉ cương của Đảng và pháp luật của nhà nước. Khiến cho dư luận đã phải kết luận là cơ quan này đã trở thành siêu chính phủ, đứng trên chính phủ. Nhiều LTCM và cả Tướng Giáp đã viết thư công khai tới BCT và TUĐ đòi phải đưa ra xét xử nghiêm minh. Nhưng cả hơn chục năm nay vụ này vẫn im lìm và Tổng cục II vẫn tiếp tục lộng quyền. Ở đây không chỉ phép nước đã bị gẫy, mà cả luật pháp Nhà nước, kỉ cương điều lệ của Đảng cũng đã bị một vài người có thế lực vứt vào sọt rác! Những vụ việc này ông An phải biết, vì khi đó ông đang giữ các chức vụ then chốt trong Ban Tổ chức Trung ương, hoặc trong BCT và Chủ tịch QH.

Trong khi đó, gần đây theo lời hứa của những người cầm đầu chế độ cũng như được Hiến pháp và luật pháp nhìn nhận, nhiều người dân –đặc biệt là các nhà khoa học, nhân sĩ và giới trẻ- làm phận sự phản biện, tố cáo những sai lầm của chế độ, tham nhũng của một số nhân vật thì liền bị chụp mũ là „chống chế độ, nói xấu lãnh đạo, phá hoại đoàn kết, cấu kết với bên ngoài“….Họ để cho công an mật vụ tổ chức các vụ đấu tố, hay cho công an làm du côn đánh đập nhân dân. Người cầm đầu cơ quan tư tưởng, UV BCT Tô Huy Rứa, thì ra lệnh bịt miệng báo chí, bắt báo chí chỉ được phép tô hồng những việc gì họ muốn và tô đen những ai họ ghét. Nhiều người dân chủ đã còn bị bỏ tù. Gần đây một số trí thức trẻ không chỉ bị bắt mà còn bị nhục mạ bằng cách ép buộc nhận tội và xin khoan hồng. Những hành động bạo ngược và phạm pháp này đã được họ giao cho công an mật vụ, một công cụ tàn nhẫn khát máu của chế độ, dựng đứng lên và thổi phồng rồi để cho đài và báo dưới quyền tự do xuyên tạc và chụp mũ những người trẻ chính vào dịp kỉ niệm „Cách mạng Tháng 8“ để đánh lạc dư luận bất mãn của nhân dân trước vụ bauxit Tây nguyên và sự nhu nhược, đầu hàng của những người cầm đầu ĐCSVN trước những đòi hỏi hống hách và ngang ngược về biển Đông của Bắc kinh. Họ đang hâm nóng vụ này và mở rộng cuộc đàn áp những người dân chủ để hi vọng giữ ghế chia phần trong ĐH 11 vào đầu tháng 1.2011. Cần để ý rằng, không chỉ bắt người trái luật pháp mà họ còn cho sử dụng cả các hành động nhục mạ danh dự và chụp mũ cho những người trẻ vừa bị bắt. Mặc dầu chế độ này đã hết kí Công ước Quốc tế về chính trị, kinh tế và nhân quyền, cấm tra tấn và nhục mạ tù nhân… và mặc dầu trong Hiến pháp 1992 cũng nhìn nhận các quyền công dân căn bản !

Nếu liệt kê những vụ việc mà những người cầm đầu Đảng và Nhà nước trong suốt 64 năm qua đã giết hại, đàn áp nhân dân vô cùng tàn bạo bất chấp kỉ luật Đảng, luật pháp và đạo đức lương tri thì không thể nào tưởng tượng được: Hàng trăm ngàn nông dân đã bị đấu tố, trả thù và giết hại trong phong trào Cải cách Ruộng đất giữa thập niên 50 của Thế kỉ trước; cuộc đàn áp thô bỉ và tàn bạo các trí thức và những văn nghệ sĩ thời kì Nhân văn Giai phẩm cũng vào cuối thập niên 50; cuộc đàn áp và thanh trừng nhiều cán bộ và sĩ quan cao cấp trong vụ án „xét lại chống đảng“ trong thập niên 60. Sau khi chiếm được miền Nam bằng bạo lực thì những người cầm đảng Đảng lúc đó đã nuốt lời hứa với nhân dân VN và thế giới, thay vì hòa giải dân tộc, họ đã bắt mấy trăm ngàn binh sĩ, công chức, trí thức, tu sĩ và những người hoạt động chính trị miền Nam giam cầm nhiều năm trong các „Trại cải tạo“. Tịch thu toàn bộ các xí nghiệp, công ti của tư nhân và đẩy hàng trăm ngàn „tư sản mại bản“ về những vùng „kinh tế mới“ trong những khu rừng thiêng nước độc. Do các chính sách kì thị và cực đoan đàn áp chính trị, tôn giáo khiến mấy triệu dân miền Nam đã phải bỏ nước ra đi tìm tự do bằng những chiếc thuyền mong manh. Hàng trăm ngàn người đã bỏ mình ngoài khơi. Cuộc di cư của hàng triệu thuyền nhân VN đã làm chấn động lương tâm nhân loại. Trong khi đó những người cầm đầu Đảng không chỉ lặng thinh mà còn để cho cán bộ và chính quyền nhiều địa phương bắt các thuyền nhân phải nộp vàng, bạc, tiền và các tài sản khác!

Đây là những chứng cớ rất rõ ràng liên tiếp diễn ra trên 60 năm qua, đại đa số đảng viên và nhân dân ai cũng biết, trong đó bao nhiêu triệu người đã từng là nạn nhân ! Nó cho thấy, một số người có quyền lực ở trong Đảng, vì lợi ích riêng, vì tham quyền-tiền đã chỉ đạo trực tiếp các cơ quan của Chính phủ, của Viện KSNDTC và TANDTC phải có những quyết định có lợi cho họ, trong đó không đếm xỉa gì tới Điều lệ Đảng, luật pháp Nhà nước và đạo đức cũng như luân lí của xã hội!

Nguyên nhân từ đâu mà có

Tất cả những vụ việc như khinh thường kỉ luật Đảng, luật pháp Nhà nước và thái độ ngạo mạn trên đây của một số người có quyền lực lớn nhất trong ĐCSVN từng thời kì không phải chỉ một lần mà là đã lập đi lập lại thường xuyên và trường kì diễn ra trong trên 60 năm qua ở VN trong chế độ độc đảng.

Vì thế, hai câu hỏi xuyên suốt nhất và quan trọng nhất phải được nêu ra là, có thể chờ đợi một chế độ độc đảng có sự phân công rành mạch và minh bạch được không? Có thể chờ đợi những người ở cấp lãnh đạo trong một chế độ độc đảng biết tôn trọng pháp luật và đạo lí được không?

Trong tất cả chế độ độc đảng từ cựu Liên xô tới các nước CS Đông Âu trước đây, Trung quốc, Bắc Hàn và VN hiện nay đều có một căn bệnh chung rất kinh niên là sự phân công quyền lực giữa ĐCS và Nhà nước chỉ có trên giấy tờ chứ hoàn toàn không có trên thực tế. Những người cầm đầu các chế độ toàn trị này luôn luôn lợi dụng, lạm dụng quyền lực để củng cố địa vị và tiền bạc cho bản thân, vây cánh. Nếu một khi thấy nguy hiểm cho an ninh và địa vị của họ thì họ sẵn sàng dùng tất cả các phương tiện để triệt tiêu, ám hại những ai có thể gây nguy hiểm, đồng thời tìm cách ém nhẹm các tội ác; không những thế, còn bắt các cơ quan thông tin báo chí dưới quyền đưa tin và viết bài ca tụng „sự lãnh đạo sáng suốt“ hay „lòng nhân đạo“ cũa họ nữa!

Ông An có thấy một ngoại lệ nào không thì xin chỉ giáo, ngay cả trong thời gian ông là Ủy viên BCT và Chủ tịch QH?

Sở dĩ một sự phân công rành mạch và minh bạch đã không có và sẽ không thể có trong một chế độ độc đảng, bởi vì quy luật quyền lực từ cổ chí kim, từ đông sang tây đã chứng minh là: Quyền lực có mãnh lực rất mạnh, ai có quyền lực cũng đều muốn đòi hỏi có nhiều hơn và sẵn sàng đạp bỏ mọi thứ từ luật pháp tới đạo lí để đạt được độc quyền! Chính các chế độ độc quyền cá nhân (của các triều đại phong kiến trước đây) và các chế độ độc đảng hiện nay là mụ đỡ và kẻ che chở của những tên độc tài, là nguồn gốc để cho những ung nhọt tàn bạo, bất công và thối nát nhất trong xã hội tự do sinh sôi nẩy nở !

Trở lại trường hợp của VN hiện nay dưới chế độ độc đảng, chúng ta thấy có những đặc điểm nào?

Xuyên suốt từ khi cướp được chính quyền cho tới nay đã 64 năm, cơ quan lãnh đạo có quyền hành cao nhất trong ĐCSVN không phải là Trung ương đảng như ghi trong Điều lệ Đảng, mà là BCT. Nhưng thực tế, ngay trong BCT trong mỗi thời kì không phải tất cả mười mấy người trong BCT đều có quyền hành, mà thực ra chỉ một vài người có thế lực nhất đã lèo lái, bao biện mọi việc từ trong Đảng tới Nhà nước.

Cách tổ chức và vận hành quyền lực trong Đảng, Nhà nước của chế độ CSVN có những đặc điểm sau đây: Từ trước tới nay các Chủ tịch nước, Chủ tịch QH, Thủ tướng, Chánh án TANDTC và Viện trưởng Viện KSNDTC hầu như chỉ do các Ủy viên BCT, Ban Bí thư hoặc TUĐ đảm nhiệm. Theo Điều lệ của ĐCSVN thì các đảng viên phải trung thành tuyệt đối với Đảng và người lãnh đạo. Ở cấp cao nhất thì hoạt động theo nguyên tắc „tập trung dân chủ“, mà thực tế là chỉ một vài người có thế lực nhất bao biện tất cả. Nghĩa là đa số các Ủy viên BCT chỉ chạy theo, làm theo mà thôi. Chính sự hoạt động mất dân chủ này ở ngay trong cơ quan cao nhất của Đảng đã bị cố Ủy viên BCT và TT Võ Văn Kiệt đã nhiều lần xác nhận trong các thư gởi cho các đồng nghiệp của ông khi ông còn làm TT cũng như khi không còn giữ chức vụ gì trong Đảng. Ông Kiệt đã kết án gay gắt cách tổ chức và điều hành phản dân chủ này, đồng thời yêu cầu hủy bỏ lề lối vừa đá bóng vừa thổi còi này. Nhưng các người có quyền hành không thèm để ý tới những đòi hỏi này.

Chính vì thế, đòi hỏi của Ông An là phải có sự „phân công rành mạch“ giữa Đảng với các cơ quan Nhà nước cũng chưa hề có, như các chứng minh trên đây. Trong thực tế, sự phân công trong chế độ toàn trị hiện nay ở VN không phải là sự phân công giữa các cơ quan độc lập và bình đẳng (Lập pháp, Hành pháp và Tư pháp) như trong một thể chế Dân chủ Đa nguyên (DCĐN), mà chỉ là sự phân công về mặt nhân sự giữa một số ủy viên BCT của một đảng duy nhất. Chính điều này Ủy viên BCT và Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng đã từng nói trong nhiều dịp khác nhau. Các nhân vật trong cùng một đảng tất phải chấp nhận một kỉ luật chung và nguyên tắc lãnh đạo chung của đảng mình, điều này lại càng cứng rắn hơn nữa trong chế độ độc đảng. Từ đó, theo qui luật của quyền lực, tất nhiên dẫn tới lạm dụng quyền hành của một số người có quyền lực lớn nhất !

Trong thực tế ở các nước theo chế độ độc đảng như hiện nay ở VN, sự phân công quyền lực chỉ giới hạn trong tay một vài người có quyền lực mạnh nhất trong BCT (chứ không phải tất cả các Ủy viên trong BCT). Cho nên họ thường lấn át và bao thầu tất cả mọi hoạt động trong Đảng, Chính phủ và Quốc hội. Qui luật lấn chiếm địa bàn của những người có quyền lực và qui luật ngậm miệng của đại đa số là một đặc điểm chung của các chế độ độc tài! Sự phân công giữa một vài nhân vật có quyền lực lớn nhất của một đảng độc quyền không thể lẫn lộn với sự phân công quyền lực giữa Lập pháp, Hành pháp và Tư pháp trong một xã hội DCĐN được, vì nền tảng triết lí, nguyên tắc tổ chức và điều hành giữa hai chế độ độc đảng và DCĐN hoàn toàn khác nhau như trắng với đen. Vì thế, những đòi hỏi hay chờ đợi của ông An là phải có sự „phân công rành mạch“ giữa Đảng và Nhà nước trong chế độ độc đảng như ở VN hiện nay là hoàn toàn không tưởng !

Rút kinh nghiệm tai hại của các chế độ độc tài, nên nền tảng triết lí của thể chế DCĐN là phủ nhận, chống đối và ngăn cấm sự độc quyền của một cá nhân hay của một đảng. Cho nên trong các chế độ này sự phân công của ba quyền Lập pháp, Hành pháp và Tư pháp là độc lập và bình đẳng; quyền này không được phép xâm phạm vào quyền kia. Nếu xẩy ra những trường hợp như vậy thì sẽ bị các cơ quan pháp luật cao nhất xét xử và báo chí cũng như dư luận theo dõi kiểm soát chặt chẽ và thường xuyên. Trong khi đó, triết lí của chế độ toàn trị là ca tụng, tôn trọng và bảo vệ sự độc quyền của một đảng và thần thánh hóa lãnh tụ!

Ngay trong các xã hội DCĐN đã trưởng thành và ba quyền được độc lập và phân công rành mạch, nhưng đôi khi vẫn xẩy ra lạm quyền hay tham nhũng của những người có quyền lực lớn, nhất là trong cơ quan Hành pháp (tổng thống hay thủ tướng). Nhưng khác biệt quan trọng ở đây là, trong một nước theo thể chế DCĐN, nếu các vụ lạm quyền, tham nhũng hay bê bối đạo đức bị bại lộ thì thủ phạm bị các cơ quan pháp luật trừng trị nghiêm túc, từ cách chức tới bị tù, bất kể người đó đang giữ chức vụ gì. Việc TT Nixon phải từ chức vì vụ Watergate, hay TT Clinton bị QH Mĩ điều tra vì bê bối đạo đức, việc Thủ tướng Kohl (Đức) và đảng cầm quyền CDU bị mất quyền và bị kết án trong vụ vi phạm luật tài chánh của các chính đảng ở Đức (cuối thập niên 80 đầu thập niên 90) là những dẫn chứng rõ ràng về qui luật của quyền lực luôn luôn có khuynh hướng lạm dụng và độc đoán ngay cả trong một xã hội theo DCĐN. Nhưng khác biệt căn bản nhất ỏ đây là, trong chế độ DCĐN thì những ai lạm dụng quyền lực thì bị trừng trị đích đáng bất cứ nắm giữ chức vị gì như một số dẫn chứng trên đây. Còn trong các chế độ độc đảng, như ở VN hiện nay, thì những người lãnh đạo lạm dụng quyền lực và tham nhũng không bị luật pháp trừng trị; mà ngược lại, chính những người này còn nhân danh luật pháp ra tay đàn áp và giam giữ những ai tố cáo và chống đối họ, như các điển hình đã dẫn chứng ở phần đầu trong bài này!

* * *

Nói tóm lại, nhận định của Nguyễn Văn An gọi là „giả thiết“ cho rằng, nếu ban lãnh đạo Đảng „trực tiếp làm thay các cơ quan nhà nước“ là „làm… trái Hiến pháp“. Trong thực tế, nếu dám nhìn thẳng và nói thật về thực chất của xã hội VN hiện nay thì phải thấy rằng, đây không còn nằm trong giả thiết mà đã trở nên một sự thật phũ phàng, xẩy ra hàng ngày, đang đưa lại những hậu quả rất tại hại cho VN suốt trên 60 năm qua!

Ông An, cũng như bất cứ ai, nếu xem xét một cách nghiêm túc các việc làm của những người cầm đầu ĐCSVN trong trên 60 năm qua đều phải thừa nhận rằng, tuyệt đại đa số những chủ trương của Đảng đều không được luật hóa, hay chỉ được luật hóa hình thức. Nhưng nó đã trở thành mệnh lệnh bắt các cơ quan Nhà nước phải thi hành. Chính vì thế nó đang gây ra những hậu quả vô cùng tai hại cho nhân dân và đất nước! Bởi vì những người có quyền lực trong Đảng đã lợi dụng địa vị sử dụng quyền hành để sai khiến từ các cơ quan của Đảng tới các cơ quan Nhà nước như một tài sản riêng của mình, nhào nặn túy ý, cho ai sống, bắt ai chết là quyền sinh sát của họ.

Sỡ dĩ tình trạng như vậy đang diễn ra ở VN là vì chế độ độc đảng đang ngư trị và tôn sùng từ trên 60 năm qua. Những độc hại của nó đang đè nặng trên mọi lãnh vực. Nếu ông An hiểu được qui luật quyền lực trong chính trị thì ông không thể đòi hỏi và chờ đợi là phải có sự „phân công rành mạch“ giữa Đảng và Nhà nước trong chế độ độc đảng của ĐCSVN. Kêu gọi hay chờ đợi như thế hóa ra là khờ dại, ngây ngô, ngồi chờ sung rụng! Mong một tên đồ tể tự trở nên thánh thiện! Nhưng nếu Nguyễn Văn An biết nguyên nhân của tình trạng tha hóa và tàn bạo này mà lại lên tiếng bề ngoài để ru ngủ mình mà ru ngủ người khác thì đây là một cái tội. Tội của những kẻ biết mà không dám nói, hay nói mà không dám làm !♣

Mục Thời sự Tạp chí Dân chủ & Phát triển điện tử:

http://www.dcpt.org/ hay http://www.dcvapt.net/

TuanVietNam
Bàn về phân công quyền lực nhà nước


21/08/2009 06:26 (GMT + 7)

http://www.baomoi.com/Home/DoiNoi-DoiNgoai/tuanvietnam.net/Ban-ve-phan-cong-quyen-luc-nha-nuoc/3106917.epi

(TuanVietNam)- Quyền lực nhà nước được phân công cho các cơ quan nhà nước nhằm để phòng ngừa sự lạm dụng quyền lực, chuyển từ Vương quốc của một Ông Vua sang Vương quốc của Nhân Dân, từ xã hội Thần Dân sang xã hội Công Dân.

>> Kinh nghiệm Đảng giới thiệu, Quốc hội bầu
>> “Chỉ giao trọng trách cho người có tư tưởng Đổi Mới” Thực hành chức năng theo quy định của pháp luật phải là một nguyên tắc tối thiết trong lãnh đạo và quản lý nhà nước hàng ngày, cũng như trong quá trình xây dựng nhà nước pháp quyền Việt Nam XHCN. Tuần Việt Nam giới thiệu bài viết tiếp theo của nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An về thực hành chức năng theo quy định của pháp luật.

Thần linh pháp quyền

Hiến pháp và pháp luật nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đã quy định chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn (sau đây gọi tắt là chức năng) của các cấp, các ngành quản lý nhà nước; quy định chức năng lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và chức năng quản lý nhà nước của Quốc hội, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, ...

Chỉ khi nào chức năng của từng cơ quan được tôn trọng và chấp hành nghiêm chỉnh thì hoạt động của hệ thống bộ máy mới có hiệu lực và hiệu quả cao. Hiện nay, trong cuộc sống thường nhật còn diễn ra không ít những sai phạm về chức năng, làm ảnh hưởng không tốt tới hiệu lực và hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, nhất là của hệ thống quản lý nhà nước.

Các cơ quan đảng và nhà nước, các đảng viên và công chức nhà nước phải chấp hành nghiêm chỉnh chức năng của cơ quan mình và tôn trọng chức năng của các cơ quan khác. Các cơ quan và công chức nhà nước chỉ được làm những gì mà pháp luật cho phép.

Xây dựng nhà nước pháp quyền Việt Nam XHCN đòi hỏi mọi người phải sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật, phải thực hành đúng chức năng, mà trước hết là trách nhiệm nêu gương mẫu mực của các cơ quan đảng và nhà nước, các đảng viên và công chức nhà nước.

Quốc hội là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất. Theo Hiến pháp quy định thì Quốc hội được quyền phân công quyền lực nhà nước cho Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao,... và cho chính Quốc hội khi thực hiện chức năng lập hiến. Quốc hội được quyền quyết định nhân sự cấp cao của Nhà nước và giám sát tối cao đối với toàn bộ hoạt động của Nhà nước... Đó là những quyền cực kỳ quan trọng và cao nhất, Chính phủ và Tòa án nhân dân tối cao không có được các quyền đó.

Tuy vậy, sau khi Hiến pháp đã được ban hành, Quốc hội cũng vẫn phải tôn trọng và chấp hành nghiêm chỉnh chức năng hiến định đã được phân công, không được can thiệp hoặc làm thay chức năng riêng có cao nhất của Chính phủ và của Tòa án nhân dân tối cao.

Tương tự như vậy, Quốc hội và Chính phủ cũng phải tôn trọng chức năng xét xử của Tòa án, tôn trọng phán quyết đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án; Quốc hội và Tòa án cũng phải tôn trọng chức năng quản lý hành chính nhà nước cao nhất của Chính phủ, mọi người tham gia giao thông cũng phải tuân theo cái gậy chỉ đường của chiến sĩ cảnh sát giao thông.

Tóm lại, Quốc hội là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất cũng vẫn phải chấp hành nghiêm chỉnh chức năng đã được phân công, tôn trọng chức năng của các cơ quan khác, không can thiệp hoặc làm thay chức năng của các cơ quan khác.

Đảng làm thay hậu quả sẽ khôn lường
Đảng Cộng sản Việt nam là lực lượng chính trị lãnh đạo Nhà nước và xã hội, song Đảng không phải là cơ quan quyền lực nhà nước. Đảng không đứng trên cùng một mặt bằng quyền lực nhà nước với các cơ quan nhà nước, mà đứng ở tầm cao của Đảng lãnh đạo, và lãnh đạo cả Nhà nước và xã hội.

Đảng lãnh đạo chứ không chỉ đạo trực tiếp làm thay chức năng quyền lực nhà nước của các cơ quan nhà nước. Sự lãnh đạo của Đảng phải được luật hoá, thể hiện ở trong hệ thống pháp luật, thông qua đội ngũ cán bộ đảng viên và thiết chế bộ máy của hệ thống chính trị.

Đảng đề xuất về đường lối, tiến cử về cán bộ, cả đảng viên và không đảng viên, nhân dân và các cơ quan nhà nước lựa chọn và quyết định theo quy định của pháp luật. Trí tuệ lãnh đạo, soi đường chỉ lối của Đảng cùng với trí tuệ lựa chọn quyết định trực tiếp của nhân dân và các cơ quan nhà nước là một cơ chế cần thiết và tối ưu trong điều kiện một đảng duy nhất lãnh đạo để bảo đảm lòng Dân ý Đảng là một, trong đó lòng Dân là gốc.

Nếu cơ quan lãnh đạo của Đảng chỉ đạo trực tiếp làm thay các cơ quan nhà nước thì điều gì sẽ xẩy ra? Đây là một câu hỏi mang tính chất của một giả thiết, để thử phân tích hậu quả khi chức năng quản lý nhà nước bị vi phạm.

Trong trường hợp chủ trương lãnh đạo của Đảng chưa được luật hóa, và Đảng trực tiếp chỉ đạo làm thay các cơ quan nhà nước, thì Đảng đã tự cho mình trở thành cơ quan quyền lực nhà nước song song và đứng trên cơ quan quyền lực nhà nước.

Trước tiên, việc làm như giả thiết nêu trên là trái với Hiến pháp, vì tại Điều 4 Hiến pháp đã ghi rằng ... Đảng ...là lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội, chứ không ghi Đảng chỉ đạo trực tiếp làm thay các cơ quan nhà nước. Chúng ta đều biết rằng, lãnh đạo là chức năng của Đảng, còn chỉ đạo và quản lý là chức năng của nhà nước, cho nên không thể lẫn lộn hai chức năng đó được.

Thứ nữa, trách nhiệm và quyền hạn của các cơ quan nhà nước lúc đó sẽ không còn tương thích: Đảng là người có quyền quyết định song lại không chịu trách nhiệm trước pháp luật, còn người đứng đầu cơ quan nhà nước không có quyền quyết định lại phải chịu trách nhiệm trước nhân dân theo pháp luật. Quyền hạn và trách nhiệm tách rời nhau là điều không thể chấp nhận trong thiết chế tổ chức và nhân sự, trong lãnh đạo và quản lý nhà nước.

Cuối cùng, cơ quan nhà nước lúc đó sẽ trở thành hình thức, trách nhiệm cá nhân sẽ không được đề cao, hiệu lực và hiệu quả hoạt động sẽ giảm sút, và toàn bộ thiết chế bộ máy nhà nước sẽ rối loạn ở mức độ tương ứng với mức độ chỉ đạo trực tiếp làm thay của các cơ quan đảng.

Sự thiếu tôn trọng, chỉ đạo trực tiếp làm thay hoặc can thiệp của cán bộ trong cấp ủy và ủy ban nhân dân ở một số địa phương vào hoạt động của các cơ quan quản lý hành chính nhà nước và xét xử của ngành Tòa án trong thời gian vừa qua đã cho chúng ta những bài học kinh nghiệm phản diện sâu sắc. Nếu sai phạm để sẩy ra ở cấp trung ương thì kỷ cương phép nước sẽ bị rối loạn, hậu quả sẽ là khôn lường.

Tóm lại, sau khi có đường lối đúng, Đảng tiến cử những cán bộ, cả đảng viên và không đảng viên, có đức tài, có chuyên môn nghiệp vụ cao nhất để nhân dân trực tiếp lựa chọn bầu hoặc cơ quan nhà nước xem xét bổ nhiệm vào những chức danh thuộc lĩnh vực phù hợp theo quy định của pháp luật, và họ phải chịu trách nhiệm hoàn toàn trước pháp luật về nhiệm vụ được giao.

Nếu họ không hoàn thành nhiệm vụ thì phải bị xử lý, cả về đảng, cả về nhà nước, và khi thật cần thiết thì phải thay thế họ, chứ không thể cứ để họ ở đó rồi cơ quan đảng lại chỉ đạo trực tiếp làm thay họ.

Như trên đã phân tích, nếu sự lãnh đạo của Đảng không bảo đảm nguyên tắc pháp luật là tối thượng và cơ quan đảng chỉ đạo trực tiếp làm thay các cơ quan nhà nước thì hậu quả sẽ là khôn lường.

Cũng giống như cơ chế của một thiết bị cơ học nào đó, ví dụ như bộ máy của chiếc đồng hồ chẳng hạn. Mỗi một bánh răng cưa, mỗi một loại kim chỉ giây, phút, giờ...phải làm việc theo một chức năng nhất định, không thể làm thay nhau được, nếu ta đem thay thế vị trí của chúng thì đồng hồ sẽ chỉ lung tung, thậm chí nó sẽ chết ngay lập tức.

Hoặc như cơ chế của một dàn nhạc cũng thế, chỉ có một nhạc trưởng duy nhất chỉ huy, mỗi một nhạc cụ chỉ có một nhạc công duy nhất được phân công, nếu có trục trặc gì thì phải xử lý ngay ở những khâu có vấn đề trong nội bộ dàn nhạc, kể cả việc thay nhạc trưởng, nhạc công và nhạc cụ, không thể cứ để dàn nhạc trục trặc như cũ mà lại chữa trị bằng cách bổ xung chỉ huy hay nhạc công đứng từ bên ngoài dàn nhạc được.

Khi phân tích tình hình thực hành chức năng và sự phối hợp giữa các cơ quan nhà nước dưới sự lãnh đạo của Đảng, chúng ta phải đứng vững trên quan điểm lịch sử cụ thể. Chúng ta đang ở trong quá trình tiến hành công cuộc đổi mới toàn diện đất nước. Chúng ta cần phân tích sâu sắc những nhận thức cũ không còn phù hợp với quy luật khách quan và thực tiễn Việt Nam, song không phủ định sạch trơn, không phải cái gì cũng đổi mới.

Chỉ đổi mới cái gì không còn phù hợp với Việt nam, cái gì cản trở sự phát triển theo đường lối đổi mới của Đảng. Có những cái phù hợp với thời chiến, phù hợp với thời kỳ non trẻ của chính quyền, thì đến nay lại cần phải được đổi mới cho phù hợp với thời bình, phù hợp với thời kỳ xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN, phù hợp với thời kỳ hợp tác và hội nhập kinh tế. Nhưng đổi mới cũng phải là một quá trình, vì đổi mới nhận thức, đổi mới thượng tầng kiến trúc và hạ tầng cơ sở cũng phải có quá trình, không thể chủ quan nóng vội.

Đổi mới đúng, có nguyên tắc, có bước đi phù hợp sẽ tạo ra động lực và phát huy nguồn lực tiềm tàng vô cùng to lớn, ngược lại nó cũng có sức tàn phá ghê gớm, gây bất ổn, đổ vỡ, thậm chí chệch mục tiêu lý tưởng cách mạng. Đổi mới không phải là mục đích tự thân. Mục đích đổi mới của chúng ta là ổn định và phát triển bền vững theo đường lối của Đảng, vì mục tiêu dân giầu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

Song có một câu hỏi thường được đặt ra là, nếu một cơ quan nào đó của Nhà nước có sai phạm thì sao, lúc đó có giao cho cơ quan lãnh đạo của Đảng hay một cơ quan khác của Nhà nước được quyền làm thay chức năng của cơ quan đó để sửa chữa sai phạm đã xảy ra hay chúng ta cam chịu đứng nhìn?

Về nguyên tắc, cơ quan lãnh đạo của Đảng và các cơ quan của Nhà nước cũng đều là những cơ thể sống, mặc dù chúng ta mong muốn và đòi hỏi các cơ quan đó không được phạm sai lầm, vì hậu quả của nó là khôn lường, song chắc cũng khó có thể khẳng định rằng các cơ quan đó sẽ tuyệt đối không bao giờ phạm sai lầm.

Thực tiễn cuộc sống đã chứng minh rất rõ điều đó. Ông cha ta thường nói, chỉ có bào thai trong bụng mẹ và người đã qua đời nằm trong áo quan mới không phạm khuyết điểm.

Cho nên không thể giao cho cơ quan lãnh đạo của Đảng hay một cơ quan khác của Nhà nước làm thay chức năng của cơ quan có sai phạm để sửa chữa sai phạm của cơ quan đó, mà phải thực hiện đúng chức năng đã được pháp luật quy định và phải xử lý nghiêm minh, kịp thời cơ quan và cá nhân có sai phạm theo pháp luật.

Chính vì nhận thức được thực tiễn đó nên khi xây dựng bộ máy các cơ quan nhà nước, ở nước ta cũng như ở các nước khác trên thế giới, đã đặc biệt quan tâm đến cơ chế tự xử lý và phòng ngừa tối đa những sai phạm có thể xẩy ra.

Những cơ chế đó đã được pháp luật quy định khá cụ thể và chúng ta có thể sửa đổi, bổ sung để không ngừng hoàn thiện từ bên trong của mỗi cơ quan, chứ không thể bổ khuyết bằng sự chỉ đạo làm thay từ bên ngoài của một cơ quan khác.

Cũng giống như việc sửa chữa đồng hồ, phải sửa chữa bộ phận hư hỏng ở bên trong, chứ không thể cứ để nguyên hư hỏng ở bên trong mà chỉ lo can thiệp từ bên ngoài, vì làm như vậy thì đồng hồ vẫn hư hỏng và không thể chạy được. Đối với dàn nhạc cũng vậy, cũng phải xử lý và hoàn thiện từ bên trong.

Phân công rành mạch

Hãy xem xét cơ chế pháp luật của một cơ quan nào đó, ví dụ như ngành Toà án chẳng hạn. Pháp luật quy định Toà án xét xử theo hai cấp: sơ thẩm và phúc thẩm.

Bản án sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị trong thời hạn do pháp luật quy định thì có hiệu lực pháp luật; nếu bị kháng cáo, kháng nghị thì vụ án phải được xét xử phúc thẩm. Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật. Đối với những bản án có hiệu lực pháp luật mà phát hiện có vi phạm pháp luật hoặc có tình tiết mới thì được xem xét lại theo trình tự giám đốc thẩm hay tái thẩm do pháp luật tố tụng quy định. Cơ chế xét sử đó đã được pháp luật quy định khá chặt chẽ. Quốc hội giám sát hoạt động của Toà án nhân dân tối cao, bầu và bãi nhiệm Chánh án toà án nhân dân tối cao.

Khi thấy có dấu hiệu sai phạm trong hoạt động của Tòa án, cơ quan chức năng của Quốc hội và Quốc hội nêu kiến nghị, yêu cầu để Tòa án tự xem xét và giải quyết theo chức năng được phân công, trưòng hợp thật cần thiết thì Quốc hội phải điều chỉnh lại cơ chế pháp luật, quy trách nhiệm cá nhân và xử lý nhân sự theo quy định của pháp luật, chứ Quốc hội cũng không chỉ đạo can thiệp vào công việc thuộc chức năng xét xử cao nhất của TANDTC.

Vụ án vi phạm luật đất đai ở Đồ Sơn vừa qua là một ví dụ cho thấy cơ chế xét xử của ngành Toà án đã được pháp luật lường trước những tình huống có thể xẩy ra: Sau khi xét xử ở cấp sơ thẩm, do có sai phạm nên dư luận nhân dân và báo chí đã phê phán gay gắt, đã có kháng cáo, kháng nghị, và vụ án đã được xét xử ở cấp phúc thẩm. Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật.

Nếu sau này phát hiện có vi phạm pháp luật hoặc có tình tiết mới thì vẫn còn hai van an toàn dự phòng nữa là giám đốc thẩm và tái thẩm như pháp luật đã quy định. Cơ chế pháp luật xét xử của ngành Tòa án cùng với sự giám sát của quần chúng nhân dân và các cơ quan chức năng như vậy là đã tính đến tình huống phải tự xử lý và phòng ngừa tối đa những sai phạm có thể xẩy ra trong việc thực hành chức năng xét xử của ngành Toà án.

Sự phân công rành mạch giữa các cơ quan nhà nước cùng với cơ chế tự điều chỉnh của mỗi cơ quan như vậy sẽ góp phần ngăn chặn việc lạm dụng quyền lực nhà nước, bảo đảm cho việc tự xử lý và phòng ngừa tối đa những sai phạm có thể xẩy ra trong nội bộ từng cơ quan.

Và nếu có sai phạm xảy ra thì chúng ta phải xử lý từ bên trong, phải hoàn thiện cơ chế pháp luật, và khi cần thì phải chỉnh đốn lại đội ngũ cán bộ, kể cả người đứng đầu các cơ quan quyền lực cao nhất của nhà nước, chứ không thể bổ khuyết bằng sự chỉ đạo can thiệp làm thay từ bên ngoài của một cơ quan khác.

Quyền lực nhà nước được phân công cho các cơ quan nhà nước nhằm để phòng ngừa sự lạm dụng quyền lực, chuyển từ Vương quốc của một Ông Vua sang Vương quốc của Nhân Dân, từ xã hội Thần Dân sang xã hội Công Dân. Đó là tính ưu việt cực kỳ to lớn và có ý nghĩa lịch sử trong việc phân công quyền lực nhà nước, là một thành tựu vĩ đại của văn minh nhân loại. Đối với nước ta, đây là thắng lợi vĩ đại của nhân dân ta đã giành được trong cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và Bác Hồ muôn vàn kính yêu.

Tóm lại, mỗi cơ quan đảng và nhà nước phải thực hành đúng, đầy đủ và thực chất chức năng đã được pháp luật quy định, phối hợp chặt chẽ với nhau và tôn trọng chức năng của nhau. Tuân thủ chức năng chính là tuân thủ pháp luật, và cũng chính là tuân thủ nguyên tắc đảng.

Thực hành chức năng theo quy định của pháp luật phải là một nguyên tắc tối thiết trong lãnh đạo và quản lý nhà nước hàng ngày, cũng như trong quá trình xây dựng nhà nước pháp quyền Việt Nam XHCN.

  • Nguyễn Văn An

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn