BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73230)
(Xem: 62212)
(Xem: 39389)
(Xem: 31148)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Luận Cứ Bào Chữa Cho Phạm Bá Hải Tại Phiên Tòa Phúc Thẩm

08 Tháng Tám 200812:00 SA(Xem: 1016)
Luận Cứ Bào Chữa Cho Phạm Bá Hải Tại Phiên Tòa Phúc Thẩm
51Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
51

Được sự đồng ý của Thạc sĩ Lê Trần Luật - Luật sư bào chữa cho ông Phạm Bá Hải, CL&ST đăng lại toàn văn bản luận cứ bào chữa này. Bản luận cứ đã được Luật sư Lê Trần Luật trình bày tại phiên tòa phúc thẩm khai mạc lúc 8 giờ ngày 08/8/2008, Tòa Án Nhân Dân Tối Cao tại Thành phố Hồ Chí Minh,

 

 

 


Thưa HĐXX!

Tôi, Luật sư Lê Trần Luật, người được TAND TC chấp thuận bào chữa cho nhà hoạt động vì dân chủ Phạm Bá Hải.



Sở dĩ tôi không gọi Phạm Bá Hải là bị cáo mà gọi là nhà hoạt động dân chủ vì tôi tin rằng những hành động của anh vừa bị cấp sơ thẩm buộc tội là những hành động không phạm tội nếu không muốn nói là sẽ mang lại nhiều kết quả tốt đẹp cho tiến trình phát triển dân chủ ở Việt Nam. Mà một xã hội dân chủ là ước muốn của dân tộc Việt Nam và là bản chất, là mục tiêu của Nhà nước CHXHCN Việt Nam.

Thưa HĐXX!

Trước hết tôi muốn cùng VKS làm sáng tỏ:

I- Như thế nào là chống NN CHXHCN Việt Nam?

Tôi bắt đầu biện hộ cho anh Phạm Bá Hải bằng cách tranh luận với VKS về khái niệm pháp lý: “Nhà nước XHCN Việt Nam” và như thế nào được gọi là “chống Nhà nước XHCN Việt Nam”. Tôi xin nhắc lại là tôi muốn tranh luận ở góc độ pháp lý về khái niệm này. Tôi không tìm thấy bất kỳ văn bản hướng dẫn nào của Tòa án tối cao cũng như của Quốc Hội giải thích thuật ngữ pháp lý “chống Nhà nước XHCN Việt Nam” được biểu hiện bằng hành vi cụ thể ra sao và nội dung biểu hiện của nó như thế nào? Cần nhắc lại rằng, một trong những yếu tố cấu thành tội phạm đó là khách thể hay còn gọi là quan hệ pháp luật bị xâm phạm. Vì vậy VKS phải chỉ ra cho được ở Điều 88 này thì hành vi của Phạm Bá Hải đã xâm phạm vào quan hệ xã hội nào, hay nhóm quan hệ xã hội nào?

Thưa HĐXX!

Để tiếp tục biện minh cho hành vi của Phạm Bá Hải, tôi thấy cần thiết phải nêu ra khái niệm pháp lý “Nhà nước CHXHCN Việt Nam” nên được hiểu như thế nào cho đầy đủ.

Cách mạng tháng Tám năm 1945 xóa bỏ chế độ phong kiến, chấm dứt hẳn cơ chế “truyền ngôi thế tập” để xây dựng một Nhà nước dân chủ, mà ở đó quyền lực thuộc về nhân dân thông qua cơ chế bầu cử, lấy tiêu chí dân chủ, công bằng, văn minh, đời sống ấm no làm mục đích. Với tiêu chí và mục đích như vậy, các nhà lãnh đạo cách mạng Việt Nam đã cương quyết đi theo đường lối tư tưởng của Mác - Lênin để xây dựng một Nhà nước được gọi là Nhà nước CHXHCN Việt Nam. Như vậy, trước hết, khái niệm Nhà nước XHCN nói chung và Nhà nước XHCN Việt Nam nói riêng là một hệ thống tư tưởng.

Theo tôi, hệ thống tư tưởng này được biểu hiện ra thế giới khách quan ở 2 nội dung cơ bản, đó là: hệ thống chính trị, hệ thống bộ máy Nhà nước và các hoạt động của 2 hệ thống này. Trong nhiều văn kiện của Đại hội Đảng CSVN cũng đã từng thừa nhận sự khiếm khuyết trong quá trình vận động các hệ thống này và nhất thiết phải chỉnh đốn để hoàn thiện, để phù hợp với nhu cầu khách quan của dân tộc Việt Nam là mong muốn một đời sống ấm no, dân chủ, hạnh phúc. Trong sự vận động của các hệ thống này chắc chắn chứa đựng những nhân tố, những yếu tố cản trở sự hoàn thành mục tiêu nêu trên của nhà nước CHXHCNVN.

Việc phản kháng và chống lại những nhân tố, yếu tố cản trở đó liệu có phải là chống lại Nhà nước CHXCN Việt Nam hay không?

Sở dĩ tôi đưa ra lập luận này và yêu cầu Kiểm sát phải chỉ ra được những quan hệ pháp luật nào bị xâm phạm bởi vì khái niệm Nhà nước là một khái niệm cực kỳ trừu tượng mà tôi chắc rằng tôi và VKS cũng chưa thật sự hiểu được một cách thấu đáo. Mặt khác điều 88 BLHS là một điều luật hết sức tù mù, khó hiểu mà chúng ta lại không có văn bản hướng dẫn của Tòa án tối cao hay Quốc Hội về các khái niệm pháp lý trong tội này thì chúng ta sẽ dễ rơi vào tình trạng chủ quan, quy kết và “chụp mũ”.

Nếu quý VKS muốn quy kết hành vi của Phạm Bá Hải là chống Nhà nước CHXHCN VN thì phải chỉ rõ được quan hệ pháp luật nào đã bị xâm phạm.

Việc chỉ ra quan hệ pháp luật nào được gọi là chống Nhà nước sẽ làm sáng tỏ ý thức về mặt chủ quan của Phạm Bá Hải có chống Nhà nước XHCN Việt Nam hay không mà tôi sẽ trình bày ở phần kế tiếp. .

Thưa HĐXX!

Tiếp theo tôi đi sâu vào phân tích các hành vi cụ thể của Phạm Bá Hải và tổ chức Bạch Đằng Giang:

II - Hành vi của Phạm Bá Hải không nhằm chống lại NN CHXHCNVN mà chỉ chống lại những nhân tố, những yếu tố đang cản trở sự tiến bộ xã hội.

Cấp sơ thẩm đã tuyên buộc Phạm Bá Hải tội tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam dựa vào chuỗi hành vi sau đây:

1- Thành lập tổ chức Bạch Đằng Giang với 4 nhiệm vụ:

a. Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, cung cấp cho quần chúng sự thật về sự phát triển của đất nước. Cổ vũ, ủng hộ và truyền bá mọi phong trào, tư tưởng dân chủ tự do;

b. Ủng hộ thành lập công đoàn độc lập bênh vực quyền lợi công nhân, đi đến thay thế Nhà nước CHXHCN Việt Nam, xây dựng chế độ đa nguyên, đa đảng;

c. Cung cấp học bổng cho con em những người trốn đi nước ngoài buộc phải hồi hương mà tổ chức Bạch Đằng Giang gọi là “nạn nhân sự kỳ thị, phân biệt và ngược đãi” nhằm đào tạo, xây dựng một thế hệ trẻ mới;

d. Hoạt động nhân đạo để khích lệ vật chất và tinh thần cho số thương phế binh ngụy và mọi thành phần, cá nhân là nạn nhân của bạo quyền Cộng sản.

2- Viết những bài sau: “Thư viết cho Hòa thượng Thích Mãn Giác tại Hoa Kỳ ngày 17/3/2005” (Bản án sơ thẩm cho rằng trong thư đề cập đến việc Phạm Bá Hải “bị đuổi khỏi trường Luật, bị giam giữ 6 tháng tại Công an Thủ Đức” là không đúng sự thật), “Nỗi nhục của Việt Nam trên đường chạy đua với Đài Loan và Hàn Quốc”, “Cơ hội vượt lên đã bị tước 1954 - 1975”, “Thống nhất đất nước, cơ hội nghìn vàng cho phát triển”, “Tiến lên CNXH, 10 năm để tìm ra đấu mối dây trói”, “Những gì có thể cứu vãn từ hôm nay”.

3- Tham gia vào khối 8406.

Tôi cho rằng cấp sơ thẩm đã không chứng minh được ý thức chủ quan của Phạm Bá Hải là nhằm chống lại Nhà nước CHXHCN Việt Nam. Theo tôi, về mặt chủ quan Phạm Bá Hải chỉ có ý thức phản kháng và chống lại những yếu tố đã cản trở tiến trình phát triển của đất nước Việt Nam.

Trước hết, tôi xin đặt câu hỏi với VKS trong hệ thống pháp luật VN có điều khoản nào cấm thành lập tổ chức hay không? Nếu không, tôi tiếp tục phân tích:

1) Việc thành lập tổ chức Bạch Đằng Giang với 4 nhiệm vụ như bản án sơ thẩm liệt kê mà tôi đã trình bày lại ở phần trên không thấy có nhiệm vụ nào nhằm chống lại Nhà nước CHXHCN Việt Nam.

- Chẳng lẽ “cung cấp cho quần chúng sự thật về sự phát triển của đất nước. Cổ vũ, ủng hộ và truyền bá mọi phong trào, tư tưởng dân chủ tự do” là chống lại Nhà nước CHXHCN Việt Nam? Tư tưởng tự do dân chủ là một trong những nhiệm vụ hàng đầu mà Nhà nước CHXHCN Việt Nam hướng tới. Vậy hà cớ gì hành động cổ vũ cho tư tưởng dân chủ tự do lại bị xem là chống lại Nhà nước CHXHCN Việt Nam?

- Ủng hộ thành lập công đoàn độc lập bênh vực quyền lợi công nhân, đi đến thay thế Nhà nước CHXHCN Việt Nam, xây dựng chế độ đa nguyên, đa đảng. Trước hết trong nguyên bản mục tiêu của tổ chức Bạch Đằng Giang đăng công khai tại địa chỉ www.bachdanggiang.org ghi rõ “đi đến thay thế độc tài độc đảng bằng “đa nguyên dân chủ tự do”, hoàn toàn không có câu “đi đến thay thế Nhà nước CHXHCN Việt Nam, xây dựng chế độ đa nguyên, đa đảng” (Bút lục 0060, 0061). Rõ ràng cấp sơ thẩm đã tự ý thay thế cụm từ “thay thế độc tài độc đảng” bằng cụm từ “thay thế Nhà nước CHXHCN Việt Nam”. Đó là sự cố tình bịa đặt để gán ghép cho Phạm Bá Hải và tổ chức Bạch Đằng Giang về ý thức chống lại Nhà nước CHXHCN Việt Nam.

- Trở lại vấn đề ủng hộ thành lập công đoàn độc lập bênh vực quyền lợi của công đoàn công nhân. Tôi xin được nhắc lại rằng Nhà nước CHXHCN Việt Nam nói riêng và Nhà nước CHXHCN nói chung đều dựa vào nền tảng các quyền lợi của giai cấp công nhân. Như vậy việc thành lập công đoàn độc lập và bênh vực quyền lợi công nhân chính là ủng hộ Nhà nước CHXHCN Việt Nam chứ không phải chống lại Nhà nước CHXHCN Việt Nam như cấp sơ thẩm đã qui kết.

- Việc kêu gọi thực hiện chế độ đa nguyên, đa đảng, theo tôi đây chỉ đơn thuần là một giải pháp cho tiến trình dân chủ hóa đất nước. Các vị lãnh đạo của Nhà nước ta cho rằng chỉ cần 1 Đảng CS lãnh đạo là đủ, đây cũng là 1 giải pháp. Đưa ra 1 giải pháp cho 1 tiến trình dân chủ không phải là nhằm mục đích chống lại Nhà nước CHXHCN VN. Cần nhắc lại rằng khi xóa bỏ chế độ phong kiến truyền ngôi thế tập, các vị lãnh đạo của ta đã mong muốn xây dựng 1 chế độ dân chủ mà ở đó quyền lực thuộc về nhân dân thông qua cơ chế bầu cử để người dân thực hiện quyền lực của mình. Tôi không bình luận về việc đa nguyên, đa đảng là đúng hay sai nhưng tôi cho rằng đa nguyên, đa đảng không phải là 1 giải pháp không có lý.

- Việc cấp học bổng và hỗ trợ cho thương phế binh đơn thuần là một hoạt động nhân đạo của một tổ chức, thiết nghĩ không cần bình luận thêm thì VKS và HĐXX cũng dễ dàng nhận ra.

Bản kết luận điều tra bổ sung số 145/ANTĐ ngày 12/9/2007 của Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an cho rằng Phạm Bá Hải cấp học bổng là “nhằm mục đích đào tạo thế hệ lãnh đạo trẻ để thay thế các đồng chí lãnh đạo của Đảng CSVN đối với đất nước” là sự suy diễn chủ quan. Nó thể hiện tư duy bảo thủ, trì trệ, tham quyền cố vị và phản khoa học của Cơ quan ANĐT Bộ Công an. Bất cứ ai, kể cả lãnh đạo, đều cũng phải già và chết đi, “tre già măng mọc” là quy luật tiến hóa của xã hội. Nếu lớp trẻ do Phạm Bá Hải cấp học bổng đào tạo có tài năng, đạo đức xứng đáng lãnh đạo đất nước thì đó là việc rất tốt, đáng mừng, là phúc phận của dân tộc Việt Nam. Mục tiêu xây dựng đất nước của Chính phủ Việt Nam là tiến tới một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh thì người có đầy đủ tài năng, đức độ hà cớ gì lại không được thay thế các vị lãnh đạo Đảng CSVN để tiếp tục lãnh đạo đất nước?

Như vậy, việc thành lập tổ chức Bạch Đằng Giang với những nhiệm vụ đã nêu trên theo tôi là hướng tới xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ chớ không nhằm hướng tới chống lại Nhà nước XHCN VN.

2) Cấp sơ thẩm nhận định Phạm Bá Hải có 6 bài viết và dựa vào kết luận giám định của ông Nguyễn Minh Nghiệp để quy kết rằng Phạm Bá Hải có ý thức chủ quan là chống lại Nhà nước CHXHCN Việt Nam là không thỏa đáng bởi lẽ:

- Thư viết cho Hòa thượng Thích Mãn Giác là thư trao đổi giữa cá nhân với cá nhân, được thu giữ tại nhà riêng (hoặc in từ máy vi tính của Phạm Bá Hải, tài liệu điều tra không nêu rõ, Bút lục 0140). Đây là thư cá nhân của Phạm Bá Hải trao đổi với Hòa thượng Thích Mãn Giác, do vậy người viết thư có thể viết gì tùy thích, thậm chí có thể hư cấu thêm nhiều tình tiết không có thật, v.v… không lý gì một lá thư cá nhân lại phải viết đúng đường lối, chính sách của nhà cầm quyền. Tôi thật sự không hiểu nổi 1 lá thư riêng của một cá nhân lại bị coi là chống Nhà nước.

- 5 bài viết còn lại thì chỉ duy nhất tên bài “Nỗi nhục của Việt Nam trên đường chạy đua với Đài Loan và Hàn Quốc” có đưa vào hồ sơ vụ án và được trưng cầu giám định, còn nội dung những bài này thì không thấy đưa vào, không biết viết những gì, trong phầm thẩm vấn công khai tại tại phiên tòa cấp sơ thẩm cũng không đề cập tới nội dung các bài viết này là gì, không làm sáng tỏ viết sai chổ nào, thì lấy căn cứ nào cho rằng nội dung những bài viết trên là sai trái?

- Trong bài viết: “Nỗi nhục của Việt Nam trên đường chạy đua với Đài Loan và Hàn Quốc”, Phạm Bá Hải cho rằng Hoàng Sa, Trường Sa và ải Nam Quan là một phần lãnh thổ VN. Phạm Bá Hải đã đau xót khi một phần đất nước của mình bị về tay nước khác giống như anh đau xót khi bị mất một phần thân thể của mình. Cũng cần nhắc lại rằng trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của chúng ta thì Trung Quốc là một trong những nước xâm chiếm đất nước ta nhiều nhất. Chắc điều này VKS là người biết rõ hơn. Đau xót khi một phần đất nước về tay một nước khác lẽ nào lại bị xem là chống Nhà nước XHCN Việt Nam?

- 5 bài viết còn lại không thấy cấp sơ thẩm đề cập. Do vậy, theo quy định tại Khoản 1 Điều 184 BLTTHS là “Bản án chỉ được căn cứ vào những chứng cứ đã được xem xét tại phiên tòa”, 5 bài viết trên không được đưa ra xem xét tại phiên tòa sơ thẩm nên không thể coi là chứng cứ buộc tội Phạm Bá Hải.

Mặt khác, cấp sơ thẩm dựa vào kết luận giám định số 123/KLGĐTP ngày 25/10/2006 của ông Nguyễn Minh Nghiệp để buộc tội Phạm Bá Hải là không khách quan:

- Về hình thức: Bản kết luận giám định số 123/KLGĐTP này không hợp pháp bởi ông Nguyễn Minh Nghiệp ký tên với tư cách là Giám định viên chịu trách nhiệm giám định nhưng không thấy có Quyết định bổ nhiệm ông Nghiệp là Giám định viên tư pháp của UBND Thành phố HCM hoặc xác nhận chữ ký Giám định viên của UBND Thành phố nên không chứng minh được tư cách Giám định viên của ông Nghiệp. Xác nhận chữ ký ông Nguyễn Minh Sơn (là người giao nhận) của Phòng Kiểm tra văn hóa phẩm xuất nhập khẩu thuộc Sở VH-TT TP HCM là tư cách Phó Phòng kiểm tra VHPXNK, không phải tư cách Giám định viên. Vì vậy, Bản kết luận giám định số 123/KLGĐTP không có giá trị dùng làm chứng cứ buộc tội. (Khoản 3 Điều 9 Pháp lệnh Giám định tư pháp).

Cần nói thêm rằng, Sở VH-TT TP HCM là một cơ quan Nhà nước, một bộ phận cấu thành trong hệ thống bộ máy Nhà nước thì giám định kết luận về một vấn đề mà chính mình là đối tượng bị “chống” thì rõ ràng là không khách quan. Lẽ ra, Cơ quan ANĐT Bộ Công an phải “trưng cầu cá nhân, tổ chức giám định nước ngoài” độc lập (khoản 2 Điều 24 Pháp lệnh GĐTP) chớ không phải từ cấp Cục “trưng cầu ngược” xuống cấp dưới là cán bộ Sở VH-TT TP HCM.

- Về nội dung: Bản kết luận giám định số 123/KLGĐTP kết luận: “Đây là một tài liệu xấu, bài viết có tư tưởng kích động, kêu gọi bằng ngôn ngữ chính trị có tính chất lật đổ, tác động xấu đến tính ổn định xã hội của công cuộc đổi mới, gây hại đến tình hình an ninh quốc gia, vi phạm pháp luật Việt Nam. Tài liệu cho thấy tính chất nguy hiểm của một khuynh hướng chống đối được cấu trúc chặt chẽ bởi một tổ chức, một hệ thống có quy mô lớn, có quan hệ với một thế lực phản động ở nước ngoài, de dọa một cách thực tế lên an ninh quốc gia, sự an toàn xã hội”. Rõ ràng, đây là nhận định có tính chất suy diễn theo ý chí chủ quan của ông Nguyễn Minh Nghiệp, vì ông Nghiệp chỉ lặp đi lặp lặp lại được mấy từ “xuyên tạc”, “nói xấu”, “tài liệu xấu”… mà không chỉ ra được cụ thể câu nào “xuyên tạc” sai sự thật, “xấu” chổ nào, sự thật việc ấy ra sao, xâm hại đến tính ổn định xã hội ở chổ nào, hậu quả thế nào. Ông Nghiệp còn tự cho mình thay quyền cơ quan tố tụng kết luận rằng “hệ thống có quy mô lớn, có quan hệ với một thế lực phản động ở nước ngoài” mà không viện dẫn được “thế lực phản động ở nước ngoài” đó là “thế lực” nào? Cuối cùng, ông Nghiệp cũng chỉ nói chung chung là vi phạm Luật Báo Chí, Nghị định 55/NĐ-CP mà không chỉ ra được vi phạm cụ thể vào điểm, khoản, Điều nào của hai văn bản đó.

Tuy bản án sơ thẩm không nêu rõ về loạt bài viết “Nỗi nhục của Việt Nam trên đường chạy đua với Đài Loan và Hàn Quốc”, nhưng được nêu trong Bản Kết Luận Điều Tra Bổ Sung nên tôi phân tích thêm:

Bài 1: “Cơ hội vượt lên đã bị tước, 1954 - 1975”.

Cơ quan tố tụng cho rằng Phạm Bá Hải “xuyên tạc thành quả đấu tranh giải phóng dân tộc” thông qua câu:

“Sự hiếu chiến và tàn bạo của CSVN đã gây ra cho đồng bào miền Bắc ra sao suốt 30 năm, lịch sử đã ghi rõ. CSVN sao không để đồng bào miền Nam, với bối cảnh tương tự, chăm lo phát triển kinh tế, chạy đua với Đài Loan và Hàn Quốc”. Câu đầu Phạm Bá Hải chỉ nói là lịch sử sẽ ghi nhận, không nhận định, không bình luận gì nên không thể suy diễn là “xuyên tạc”. Câu sau, bằng cách dùng từ nghi vấn “sao không” là Phạm Bá Hải đặt ra giả thiết giả dụ về một giai đoạn xã hội, cũng không khẳng định điều gì thì càng không thể quy kết là tác giả xuyên tạc sự thật.

Bài 2: “Thống nhất đất nước - cơ hội nghìn vàng cho phát triển?”

Bị coi là “xuyên tạc sự phát triển kinh tế, phê phán sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước” căn cứ vào đoạn: “Năm 1986 chế độ XHCN đánh dấu sự bần cùng của người dân bằng siêu lạm phát đạt kỷ lục thế giới 777,7%. Đâu rồi những thành tựu xây dựng XHCN ở miền Bắc?”.

Có lẽ cơ quan tố tụng quên rằng Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI Đảng Cộng sản Việt Nam được coi là Đại Hội đầu tiên mở ra thời kỳ đổi mới nền kinh tế Việt Nam. Vì sao phải đổi mới? Vì nền kinh tế lúc đó bị khủng hoảng nghiêm trọng, Nhà nước Việt Nam phải chọn lựa giữa 2 con đường “đổi mới hay là chết”, và Đại hội VI đã lựa chọn con đường đổi mới.

Nghị quyết Đại hội VI nhận định: “tình hình kinh tế - xã hội đang có những khó khăn gay gắt: sản xuất tăng chậm; hiệu quả sản xuất và đầu tư thấp; phân phối, lưu thông có nhiều rối ren; những mất cân đối lớn trong nền kinh tế chậm được thu hẹp, có mặt gay gắt hơn; quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa chậm được củng cố; đời sống nhân dân lao động còn nhiều khó khăn; hiện tượng tiêu cực xảy ra ở nhiều nơi và có nơi nghiêm trọng.”, “chưa kiên quyết khắc phục chủ quan nóng vội và bảo thủ trì trệ trong bố trí cơ cấu kinh tế, cải tạo xã hội chủ nghĩa và quản lý kinh tế, lại phạm những sai lầm mới, nghiêm trọng trong lĩnh vực phân phối, lưu thông”.

Do đó, Nghị quyết Đại hội VI đề ra phương hướng: “Khẩn trương sửa đổi, bổ sung các chính sách kinh tế, đặc biệt là chính sách về cung ứng vật tư, lưu thông hàng hoá, giá, thuế, tín dụng, tiền lương... nhằm khuyến khích các cơ sở và công nhân, nông dân, thợ thủ công hăng hái phát triển sản xuất”. “Đổi mới cơ chế quản lý kinh tế nhằm tạo ra động lực thúc đẩy các đơn vị kinh tế và quần chúng lao động hăng hái phát triển sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế”.

Những trích dẫn từ Văn kiện Đại hội VI ở trên cho thấy Phạm Bá Hải viết đúng thực tế xã hội Việt Nam thời điểm năm 1986 nên cáo buộc “xuyên tạc sự phát triển kinh tế, phê phán sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước” là vô căn cứ.

Bài 3: “Tiến lên XHCN - Mười năm để tìm ra đầu mối dây trói” bị cho là “xuyên tạc đường lối phát triển kinh tế đất nước” có đoạn: “Dân lành được cải thiện đời sống nhiều hay ít, bị kìm kẹp và được giải phóng đến mức độ nào, 30 năm qua và thời gian tới, phụ thuộc vào tay những người CSVN. Họ có nghĩ cơ hội dù muộn màng này là cơ hội lớn của dân tộc hay không, mà thả sức dân, rửa nỗi nhục triền miên nỗi nhục”. Câu đầu từ “Dân lành… đến người CSVN” là nhận định hoàn toàn đúng đắn của Phạm Bá Hải về tình hình thực tế Việt Nam. Đảng CSVN đang lãnh đạo đất nước Việt Nam thì người dân phụ thuộc vào những người CSVN là đúng, chớ chẳng lẽ lại phụ thuộc vào những tay tư bản nước ngoài? Ở câu sau, từ “Họ” là đề chỉ những người CS, người viết đặt câu hỏi là tại sao không “thả sức dân”? Đừng bắt dân làm việc mà dân chưa kham nổi, “khoan sức dân là kế sâu rễ bền gốc” cũng là ý của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn đã viết trong “Hịch Tướng Sĩ”. Nếu suy diễn rằng đòi hỏi “khoan sức dân” mà là xuyên tạc đường lối thì hóa ra Hưng Đạo Vương cũng là người “xuyên tạc đường lối phát triển kinh tế” của vua Trần?

Bài 4: “Những gì có thể cứu vãn hôm nay” bị quy kết là “nói xấu đường lối lãnh đạo của Đảng CS” qua câu: “Truyền hình CS phải chiếu những phim ảnh của họ để đáp ứng thị hiếu của người dân, bên cạnh ca nhạc, thời trang, v.v… Văn hóa Đảng, phim ảnh tuyên truyền đã làm cho đời sống tinh thần người dân què quặt, mất thăng bằng. Kết quả bi đát ấy là hàng chục ngàn cô gái Việt Nam đi làm dâu xứ người, chịu đựng không biết bao nhiêu tủi nhục trên đất Đài Loan, Hàn Quốc..”, “Giải pháp kinh tế triệt để để rút ngắn khoảng cách cách biệt, xóa dần nỗi quốc nhục; giải pháp chính trị triệt để để duy trì tính hiệu quả và phát huy hết tiềm lực quốc gia. Chương trình hành động của người dân của người dân yêu nước hôm nay là theo tiếng gọi của các nhà Dân Chủ, đòi đa nguyên đa đảng và tổng tuyển cử tự do”.

Trong câu trích dẫn này, Bản KLĐTBS đã cắt bỏ câu đầu là “Nỗi nhục của nước CHXHCN VN là thua kém và lạc hậu, cái thua kém đè nặng lên lương tri trí thức yêu nước, cái lạc hậu vây kín dân lành và người nghèo” mà chỉ lấy mệnh đề tiếp theo phía sau, làm câu văn trở thành tối nghĩa, sai lạc ý của người viết.

Việc “hàng chục ngàn cô gái Việt Nam đi làm dâu xứ người”, phải sống cảnh nô lệ tình dục, bị đánh đập, thậm chí bị giết chết dã man… là một thực trạng mà không ai có thể phủ nhận. Nói lên một thực trạng xã hội Việt Nam mà ai cũng biết thì không phải là “nói xấu Đảng”. Thực tế không thể chối cãi là kinh tế nước ta không thể phát triển bằng Đài Loan, Hàn Quốc, chúng ta lạc hậu hơn họ, dân ta nghèo hơn dân họ. Nói chúng ta cảm thấy nhục với những nước có cùng điều kiện, hoàn cảnh như ta nhưng họ phát triển, văn minh hơn ta là hoàn toàn đúng. Chẳng lẽ chúng ta lại tự hào, hãnh diện vì nước mình thua kém và lạc hậu hơn nước khác hay sao?

Bộ Luật Hình Sự không có tội danh nào quy định hành vi “nói xấu đường lối lãnh đạo của Đảng CS” nên “nói xấu đường lối lãnh đạo của Đảng CS” (nếu có) cũng không phải là chống Nhà nước XHCN.

Xét về tổng thể toàn bộ các bài viết của Phạm Bá Hải thì tình tiết, số liệu về tình hình kinh tế VN đưa vào dẫn chứng trong bài viết đều chính xác. Khi đánh giá một tác phẩm chúng ta phải đánh giá trên cơ sở toàn diện, khách quan, chớ không được quyền cắt khúc câu chữ ra khỏi bối cảnh chung của bài viết rồi suy diễn sai lạc theo ý người đọc như Bản kết luận giám định và Bản KLĐTBS đã làm.

Do đó, có thể khẳng định rằng, những bài viết trên là dựa trên sự kiện chính xác, thể hiện tư tưởng phản kháng của Phạm Bá Hải đối với những nhân tố, yếu tố cản trở sự tiến bộ xã hội chớ không nhằm mục đích chống Nhà nước XHCN VN.

3- Hành vi tham gia vào Khối 8406:

Tại Quyết định số 127/2007/QĐ-THS ngày 19/7/2007 của TAND Thành phố Hồ Chí Minh đã yêu cầu cung cấp các tài liệu, chứng cứ chứng minh “hoạt động của 8406 chống chính quyền nhân dân như thế nào?” thì Bản kết luận điều tra bổ sung số 145/ANTĐ ngày 12/9/2007 của Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã không cung cấp thêm được tài liệu, chứng cứ nào.

Tại phiên tòa hôm nay, nếu VKS chỉ ra được tài liệu, chứng cứ thể hiện được kết luận hoạt động của khối 8406 là nhằm chống Nhà nước XHCN Việt Nam, tài liệu đã được Chính phủ Việt Nam công bố một cách công khai hay chưa, nếu có thì tôi đồng ý rằng Phạm Bá Hải đã có mục đích chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam.. [11:39:38 PM] Ngo Van Hieu says: 3- Hành vi tham gia vào Khối 8406:

Tại Quyết định số 127/2007/QĐ-THS ngày 19/7/2007 của TAND Thành phố Hồ Chí Minh đã yêu cầu cung cấp các tài liệu, chứng cứ chứng minh “hoạt động của 8406 chống chính quyền nhân dân như thế nào?” thì Bản kết luận điều tra bổ sung số 145/ANTĐ ngày 12/9/2007 của Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã không cung cấp thêm được tài liệu, chứng cứ nào.

Tại phiên tòa hôm nay, nếu VKS chỉ ra được tài liệu, chứng cứ thể hiện được kết luận hoạt động của khối 8406 là nhằm chống Nhà nước XHCN Việt Nam, tài liệu đã được Chính phủ Việt Nam công bố một cách công khai hay chưa, nếu có thì tôi đồng ý rằng Phạm Bá Hải đã có mục đích chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam. Nếu VKS không cung cấp thêm được chứng cứ mới thì hành vi này đương nhiên không phạm vào tội tuyên truyền chống NN CHXHCN VN.

Thưa HĐXX!

Từ những lập luận đã trình bày ở trên, tôi kính đề nghị HĐXX tuyên bố Phạm Bá Hải không phạm tội tuyên truyền chống NN CHXHCN VN. Để cùng VKS làm sáng tỏ hành vi của Phạm Bá Hải, tôi tóm tắt 4 vấn đề chính để tranh luận:

- Như thế nào là chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam?

- Hành vi thành lập tổ chức Bạch Đằng Giang và viết bài của Phạm Bá Hải có nhằm mục đích chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam hay không?

- Hành vi tham gia vào khối 8406 có nhằm mục đích chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam hay không?

- Kết luận giám định có khách quan hay không?

Xin cảm ơn HĐXX đã lắng nghe tôi trình bày!
Luật sư LÊ TRẦN LUẬT

 

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn