BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73229)
(Xem: 62212)
(Xem: 39389)
(Xem: 31148)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Bổ nhiệm, bổ chửng

24 Tháng Năm 201212:00 SA(Xem: 983)
Bổ nhiệm, bổ chửng
52Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
52


Phàm những chức này chức nọ quan trọng, ngoài một vài trường hợp phải bầu bán, lấy ý kiến số đông, thì phần lớn là do bổ nhiệm.

Cứ hiểu nôm na, bổ nhiệm là quy trình từ trên xuống dưới, nghĩa là nhằm đặt ai vào chiếc ghế nào đó, ví dụ thủ trưởng cấp trên ký quyết định chuẩn y cho Nguyễn Văn Mỗ được giữ chức này nọ. Theo lẽ thường, Mỗ phải là người tài giỏi, xứng đáng; còn quyết định của thủ trưởng là sáng suốt, khó phản bác. Ấy vậy, vẫn cứ có ngoại lệ, mà nhiều ngoại lệ là đằng khác, hoàn toàn ngược lại lẽ thường nói trên.

Thiên hạ đang rất mất công xì xào chuyện ông Cục trưởng cục Hàng hải Dương Chí Dũng. Ông ta tài ba giỏi giang điều gì chả biết, chỉ biết suốt bao năm ông ấy nắm cái doanh nghiệp nhà nước Vinalines, lúc thì Tổng giám đốc, lúc thì Chủ tịch HĐTV, nó cứ triền miên thua lỗ, nợ đầm đìa, chết lên chết xuống. Nhà nước bơm tiền cứu, nó vẫn ngắc ngoải, biến thành cái lò đốt tiền thuế do dân đóng góp. Đùng một cái, đáng lý phải ra trước vành móng ngựa để giả nhời về “tài quản lý kinh tế” hại nước hại dân ấy, ông ta lại được phóng một phát lên chức cao hơn, chễm trệ hơn, oai hơn, bổng lộc nhiều hơn. Tất nhiên không phải do ông ta bắc thang tự trèo mà phải có người nâng đỡ. Cái người nâng đỡ trực tiếp, rõ nhất chính là người đã ký quyết định bổ nhiệm Dương Chí Dũng vào chức cục trưởng. Chưa biết vì lý do gì mà đến giờ không thấy báo chí công khai danh tính của vị này. Và hết sức nực cười, sau khi ông cục trưởng bị khởi tố, một vị thứ trưởng bộ giao thông vận tải vẫn quanh co bảo rằng ông Dũng được bổ nhiệm trước khi có quyết định thanh tra. Chả còn gì để nói nữa. Nghị quyết 4 cũng nên xem xét luôn ông này cùng với cái ông ký quyết định kia một thể.



Trường hợp nữa cũng liên quan đến bổ nhiệm khiến dư luận dở khóc dở cười là chuyện thành lập nhà hát kịch quốc gia. Bộ Văn hóa – Thể thao – Du lịch ra quyết định đàng hoàng, sáp nhập 2 nhà hát Kịch Việt Nam và Tuổi Trẻ thành nhà hát quốc gia, bổ nhiệm NSND đạo diễn Lê Hùng làm giám đốc. Anh chị em nghệ sĩ phản đối rầm trời, thậm chí còn gửi đơn lên tận thủ tướng để bày tỏ sự không đồng ý quyết định trên. Thấy không ổn, lãnh đạo bộ tìm cách xuê xoa, giải thích căn nguyên “vì quá tin ông Lê Hùng”, sau đó rút lại quyết định, không nhập thì thôi, có gì mà ầm ĩ. Giời ạ, chuyện đại sự quốc gia mà các vị ấy coi như chuyện đùa, cứ nhắm mắt ký bừa, thây kệ thiên hạ ra sao thì ra. Khi biết sai chỉ cần quanh co vòng vèo vài đường ảo thuật, rồi đâu lại vào đó, đã chết ai mà rộn. Xin thưa với các vị, chả chết đứa nào đâu, chỉ chết dần chết mòn niềm tin của dân vào những người cầm cân nảy mực như các vị thôi.

Ở xứ này, xưa nay công tác cán bộ được coi là khâu then chốt, quyết định mọi thành bại. Chả thế mà từ trung ương xuống địa phương, về phía chính quyền có bộ Nội vụ, bên đảng có hẳn ban Tổ chức Trung ương (thậm chí quyền hành còn hơn bộ Nội vụ), cứ thế từ trên xuống dưới là cả bộ máy tổ chức chặt chẽ, cồng kềnh, tầng tầng lớp lớp, tưởng con kiến cũng không chui lọt. Họ có đủ cả quy trình, quy định, quy tắc, quy chế, sàng sảy kỹ hơn sàng tấm, lúc nào cũng rêu rao chọn người tài đức, vừa hồng vừa chuyên. Bao năm nay người dân vẫn tin thế, nhưng khi phát hiện ra ông to bà nhớn móc ngoặc với nhau đưa con cháu, quý tử vào bộ máy công quyền bất chấp tiêu chuẩn thì họ đã nghi ngờ, rồi lại chứng kiến thêm những vụ hài kịch như bổ nhiệm ông Dũng, ông Hùng thì họ thực sự thất vọng. Và họ càng bi quan, thất vọng hơn khi những vị quyền cao chức trọng đã coi rẻ niềm tin của dân, cầm cây bút dân trao ký bổ nhiệm cái rẹt rất vô trách nhiệm, lúc có sự cố phủi tay như không có chuyện gì xảy ra.

Có người bảo rằng bây giờ bổ nhiệm bộ trưởng, thứ trưởng hoặc người đứng đầu cục này vụ nọ ban kia còn dễ hơn bầu trưởng thôn. Chỉ có điều, trưởng thôn mà không làm việc ra trò là dân truất ngay, còn những người được quan trên bổ nhiệm dù dở dù tồi vẫn cứ phây phây.

Viết đến đây, tôi lại nhớ câu nói để đời của con khỉ Tôn Ngộ Không trong bộ tiểu thuyết lừng danh Tây du ký “làm vua phải thay phiên nhau mà làm”. Không xứng đáng thì xuống đi, trả chỗ cho người khác, kể cả anh ký lẫn anh được ký.

22.5.2012
Nguyễn Thông

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn