BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 72827)
(Xem: 62104)
(Xem: 39204)
(Xem: 31058)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Ý thức đạo đức của Mỹ

20 Tháng Năm 201212:00 SA(Xem: 818)
Ý thức đạo đức của Mỹ
51Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
51
Liên quan đến sự kiện nhà tranh đấu cho nhân quyền Trần Quang Thành xin lánh nạn tại Tòa Đại sứ Mỹ ở Bắc Kinh vào ngày 22 tháng 4 vừa qua, dư luận trên báo chí Mỹ vẫn còn tiếp tục ồn ào. Ồn ào không phải về chuyện chính quyền Trung Quốc trấn áp dân chúng nước họ. Chuyện đó thì ai cũng đã biết. Người ta chỉ ồn ào về cách hành xử của Bộ Ngoại giao Mỹ.



Thoạt đầu, khi hình ảnh Trần Quang Thành được chở đến bệnh viện ở Bắc Kinh với một khuôn mặt rạng rỡ tươi cười, ai cũng cho đó là một chiến thắng lớn lao của Mỹ: Họ vừa giúp đỡ được người rất cần giúp vừa bảo vệ được quan hệ tốt đẹp với Trung Quốc, trước hết, là bảo vệ sự thành công của cuộc hội nghị về chiến lược và kinh tế (Strategic and Economic Dialogue) giữa phái đoàn Mỹ do Ngoại trưởng Hillary Clinton dẫn đầu và giới lãnh đạo Bắc Kinh ngay sau đó. Người ta cho đó là một hành động quân bình giữa nguyên tắc và chiến thuật, giữa đạo đức và chính trị, giữa các lợi ích chiến lược lâu dài và các quyền lợi kinh tế trước mắt.

Tuy nhiên, một thời gian ngắn, rất ngắn ngay sau đó, khi chứng kiến cảnh Trần Quang Thành, một người mù, bị vây hãm trong bệnh viện, còn gia đình thì bị đe dọa đến độ một người nổi tiếng gan dạ như ông bỗng dưng có những phản ứng hốt hoảng đến độ sẵn sàng xin sang Mỹ tị nạn, giới bình luận lại thay đổi ý kiến. Người ta bắt đầu quay sang phê phán chính phủ Mỹ. Sự phê phán tập trung chủ yếu vào hai điểm: Thứ nhất, chính phủ, đặc biệt Bộ Ngoại giao đã quá hấp tấp trong việc giải quyết trường hợp của Trần Quang Thành: Họ muốn dọn dẹp hết tất cả các gai góc có thể án ngữ con đường đến dự hội nghị của Ngoại trưởng Hillary Clinton tại Trung Quốc. Thứ hai, họ có vẻ cả tin đối với sự hứa hẹn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc về việc bảo đảm an toàn cho Trần Quang Thành. Nhân đó, người ta cũng phanh phui ra hai sự kiện: một, trong cơ cấu quyền lực của Trung Quốc, Bộ Ngoại giao vốn không có ai nằm trong Bộ Chính trị, có một vị thế rất yếu; và hai, trong quá khứ, không phải một lần mà là nhiều lần, một số cam kết của Bộ Ngoại giao đã trở thành vô hiệu chỉ vì sau đó, chúng bị Bộ Chính trị bác bỏ một cách không thương tiếc. Bởi vậy, nghe lời hứa hẹn của một nhân viên nào đó trong Bộ Ngoại giao Trung Quốc, dù là cấp Thứ trưởng, chẳng khác gì việc bán lúa giống cho con buôn chỉ vì một lời hứa hẹn hão huyền.

Chúng ta hoàn toàn không biết cuối cùng vấn đề Trần Quang Thành sẽ được giải quyết ra sao. Ông sẽ được sang Mỹ du học và sẽ ở lại luôn hay ông sẽ bị làm khó dễ, cuối cùng tiếp tục làm một nạn nhân thê thảm của một chế độ độc tài và tàn bạo?

Đó là chuyện của tương lai. Trước mắt, điều khiến tôi phân vân là tại sao giới phóng viên và bình luận viên chính trị lại quan tâm đến một người mù ở một đất nước xa xôi như Trần Quang Thành đến độ quay sang phê phán chính phủ của họ một cách gay gắt như vậy? Tại sao họ đòi hỏi chính phủ Mỹ phải cứng rắn, sẵn sàng chấp nhận cả sự hy sinh một số quyền lợi kinh tế, để bảo vệ cho một con người tàn tật như vị luật sư chân đất mù lòa kia? Và tại sao chính phủ Mỹ có vẻ lo lắng trước những sự phê phán ấy đến thế? Lo lắng nên họ thường xuyên cải chính và đính chính. Lo lắng nên họ tìm mọi cách để chứng tỏ là họ quan tâm đến số phận của Trần Quang Thành. Là họ không bỏ rơi ông. Không lừa dối ông. Không quay lưng lại với ông sau khi ông đồng ý vào bệnh viện ở Bắc Kinh.

Tại sao?

Thật ra, với người Mỹ cũng như chính phủ Mỹ, chuyện của ông Trần Quang Thành không phải là chuyện của một cá nhân. Ông không phải là công dân Mỹ. Chính phủ Mỹ không có trách nhiệm gì với ông cả. Vấn đề ở đây là nguyên tắc. Nguyên tắc ấy có thể tóm gọn vào một điểm: bảo vệ con người. Điểm ấy lại bao gồm hai khía cạnh chính: Một, tất cả các chính quyền chà đạp lên con người đều bị phê phán; và hai, bất cứ người nào cần được giúp đỡ, người ấy phải được giúp đỡ. Chà đạp lên người khác là có tội. Quay lưng lại với nạn nhân đang trong thế cùng cũng là một cái tội. Tội với lương tâm. Và tội với nguyên tắc nhân quyền vốn được xem là nền tảng của mọi chế độ dân chủ.

Lợi ích có thể hy sinh, nhưng nguyên tắc thì phải được bảo vệ. Nếu không, niềm tự hào của Mỹ sẽ bị sụp đổ.

Gần đây, chúng ta hay nói đến vai trò của cái gọi là quyền lực mềm (soft power) của các siêu cường quốc. Cốt lõi của cái gọi là quyền lực mềm ấy chính là một bảng giá trị chung, có tính chất phổ quát, dựa trên sự tôn trọng nhân quyền. Cái gọi là nhân quyền ấy không phải là một ý niệm trừu tượng, có thể đồng nhất với quốc gia và có thể dễ dàng bị hy sinh cho các quyền lợi được gọi là thuộc về quốc gia. Tôn trọng nhân quyền, thật ra, là tôn trọng quyền sống một cách tự do và đầy phẩm giá của từng cá nhân cụ thể. Ông Trần Quang Thành chỉ là một ví dụ điển hình.

Chúng ta sẽ hiểu hơn về nguyên tắc này khi nghe lại lời phát biểu của Tổng thống Barack Obama nhân dịp kỷ niệm một năm ngày Osama bin Laden bị giết chết. Ngày ấy, Tổng thống Obama cùng với bộ tham mưu của ông ngồi trong phòng Cảnh huống (Situation Room) trong Nhà Trắng, qua hệ thống vệ tinh, chứng kiến từ đầu đến cuối cuộc tấn công. Đến lúc nhận được tin bin Laden đã bị giết chết với hình ảnh thật rõ ràng, dĩ nhiên mọi người đều thở phào nhẹ nhõm. Thứ nhất, sứ mệnh của họ đã hoàn tất. Thứ hai, những người lính biệt động được gửi đến Pakistan làm cái công việc cực kỳ nguy hiểm và đầy bất trắc ấy đã trở về căn cứ một cách an toàn. Thứ ba, cuộc săn lùng kéo dài cả mười năm vô cùng tốn kém đã kết thúc. Thứ tư, kẻ thù của nước Mỹ và cũng là biểu tượng của phong trào khủng bộ toàn cầu đã bị tiêu diệt. Bin Laden chết, đó là một thắng lợi thuộc loại lớn nhất của nước Mỹ và đặc biệt của Tổng thống Obama, một thắng lợi mà vị tổng thống tiền nhiệm, George W. Bush từng mơ ước, mơ ước từng ngày từng đêm, nhưng vẫn không thực hiện được.

Ai cũng dễ dàng đoán được niềm vui của Tổng thống Obama lớn lao đến độ nào.

Tuy nhiên, như lời ông kể, lúc ấy, ông không hề đứng dậy đập tay vào người khác để bày tỏ sự mừng rỡ như cái cách thức hành xử quen thuộc của người Mỹ (high-five). Ông nói: “Bạn phải luôn luôn tự kiềm chế [khi chứng kiến] cái chết, bất kể là cái chết của ai.” (regardless of who it is, you always have to be sober about death.)

Tôn trọng nhân quyền là tôn trọng mọi người. Ngay cả với những người đã chết. Dù đó là kẻ thù của mình.

Nguyễn Hưng Quốc

19-05-2012

Theo Blog Nguyễn Hưng Quốc
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn