BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73314)
(Xem: 62231)
(Xem: 39418)
(Xem: 31165)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Bản Phúc Trình Về tình trạng vi phạm nhân quyền tại Việt Nam

04 Tháng Bảy 199912:00 SA(Xem: 1147)
Bản Phúc Trình Về tình trạng vi phạm nhân quyền tại Việt Nam
50Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
00

Phúc trình


Kính gởi:


Cao Ủy Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc

Liên Đoàn Quốc Tế Nhân Quyền
Ủy Ban Bảo Vệ Quyền Làm Người Việt Nam (Trụ Sở tại Pháp)
Tổng Thống và Quốc Hội Hoa-Kỳ
Tổng Thống và Quốc Hội Pháp
Đồng Bào Việt Nam

Đầu tiên, tôi xin thay mặt những người đang đấu tranh vì mục đích chính trị, ngay trong lao tù ở Việt Nam, kính gởi đến Quý Vị lòng biết ơn về sự quan tâm của Quý Vị đến vấn đề Nhân Quyền đang diễn ra ở Việt Nam, đất nước thân yêu của chúng tôi. Chính nhờ sự quan tâm của Quý Vị mà trong thời gian vừa qua, một số tù nhân chính trị đã được trả tự do tại Việt Nam. Dù rằng sự Tự Do ấy chỉ là một sự tự do vô cùng giới hạn, như một giọt nước trong cả thùng lớn, nhưng cũng đã là một điều hạnh phúc lớn lao cho những người đang kiên trì tranh đấu cho một nước Việt Nam Dân Chủ, Tự Do, và Hoà Bình.

Nhờ sự quan tâm của Quý Vị, tôi cũng đã là một trong những người được trả tự do sau gần 6 năm bị giam cầm, đày đọa tại ngay quê hương mình, và được trở về nước Pháp, nơi đã đón nhận và dung chứa tôi sau một cuộc vượt biển trốn chạy Cộng Sản đầy kinh hoàng năm 1982.

Vì vấn đề Nhân Quyền tại Việt Nam còn quá nhiều bức xúc; Vì các tù nhân chính trị còn bị giam giữ và ngược đãi một cách quá bất công và vô nhân bản. Vì tương lai dân tộc Việt Nam, và thế hệ mai sau, tôi trân trọng làm bản phúc trình này, công khai công bố những gì chính tôi đã mắt được nhìn, tai được nghe, và bản thân đã trải qua. Tôi cam kết hoàn toàn chịu trách nhiệm và chứng thực về những điều tôi công bố.

Bản Phúc Trình sẽ được viết theo trình tự thời gian để Quý Vị dễ theo dõi. Vì để bảo vệ sinh mạng của những chiến hữu và đồng bào của tôi hiện còn đang bị giam giữ, sẽ có những chi tiết mà cá nhân tôi không thể công khai tiết lộ trong lúc này, kính mong quý vị thông cảm.

Vì thời gian gấp rút, và vì tình trạng sức khoẻ suy thoái hiện nay của tôi, bên cạnh đó tôi còn nhiều công việc khẩn thiết khác đối với Cộng Đồng cũng như xã hội, đặc biệt là đối với những tù nhân chính trị hiện vẫn bị Cộng Sản Việt Nam giam giữ, tôi có những hoạt động cần phải di chuyển nhiều nơi. Vì vậy, bản phúc trình có thể sẽ không được đầy đủ, rất mong sẽ nhận được sự quan tâm và bao dung của Quý Vị.

Nội dung phúc trình

PHẦN I : Bị bắt, tống giam, xử án

Ngày 05 tháng 3 năm 1993, một tuần sau khi từ Pháp trở về Việt Nam, tôi bị bắt tại Sài Gòn (Quận Tân Bình, Thành Phố Hồ Chí Minh). Người trực tiếp chỉ huy cuộc bắt giữ tôi là Thượng Tá công an Nguyễn Hoạt, Cục Phó Cục An Ninh Điều Tra thuộc Bộ Nội Vụ (Việt Nam).

Việc bắt giữ xảy ra khi tôi đến nhà ông Nguyễn Ngọc Đăng, tại số 150 đường Hoàng Văn Thụ, Quận Tân Bình, để lấy lại vali cá nhân của tôi. Tới đây tôi đã bị ấn súng vào đầu, tay bị khoá giật ra sau lưng và, tức khắc, bị nặn soát từng phân vuông trên người. Nhưng họ không tìm thấy bất cứ tang chứng phạm pháp nào khi lục soát.

Toán công an đã thi hành lệnh bắt một cách lịch sự. Chính ông Hoạt cũng đã tỏ ra lịch sự trong việc bắt giữ tôi. Tuy nhiên họ rất cương quyết và lộ vẻ rất căng thẳng. Tôi ý thức được rằng bất cứ một sự chống cự nhỏ nhất của tôi, sẽ tức khắc đem lại cái chết cho chính mình. Không khí tại hiện trường và sắc diện từng người thi hành lệnh bắt lúc đó đã cho tôi thấy rõ điều này.

Trong khoảng 15 phút thẩm cung tại chỗ, tôi luôn xác định rằng tôi là một khách du lịch. Nhưng lệnh bắt vẫn được ký ngay. Tôi yêu cầu được liên lạc với luật sư riêng thì họ cười cách mỉa mai và nói: “Ông đang đứng trên đất nước của chúng tôi!”

Một số kíp mìn và thuốc nổ TNT, một số biểu ngữ và cờ Quốc Gia (cờ vàng ba sọc đỏ) chứa trong khoảng 7, 8 chiếc túi cói, được xếp ngay ngắn trước mặt tôi. Gần đó hai thợ chụp hình cùng hai máy quay phim bận bịu làm công việc thu hình. Thật ra, đây chỉ là những “hàng hoá” của chính công an dàn dựng để vu khống và buộc tội tôi. Đương nhiên tôi không nhận rằng những món hàng này là của tôi. Dù vậy, biên bản vẫn được làm, trong đó ghi tội danh của tôi “Dùng chất nổ phá hoại những công trình an ninh quốc gia”. Dĩ nhiên, tôi không ký biên bản.

Ký hay không ký thì việc bắt giữ tôi vẫn được thi hành. Hai tay bị còng, súng kè hai bên hông, tôi được đưa ra xe và áp giải về trại giam B34. Đây là một trại giam của Tổng Nha Cảnh Sát Quốc Gia trước tháng 4, 1975, nằm ngay trung tâm thành phố Hồ Chí Minh, trên đường Nguyễn Văn Cừ.

Sau khoảng hai tiếng rưỡi bị thẩm cung, tôi bị lột hết thường phục cũng như đồng hồ đeo tay, nhẫn cưới. Với một bộ quần áo tù, tôi bị dẫn vào buồng giam số 5 tại tầng trệt. Tầng này gồm 9 buồng xà lim. Để vào được bên trong xà lim, từ phòng thẩm vấn phải qua 4 lần cửa sắt mới đến chỗ nằm. Tình trạng vệ sinh vô cùng tồi tệ. Muì xú uế luôn xông lên từ bồn cầu, và có thể nhìn thấy chuột cống chạy lông rông khắp phòng. Họ ném cho tôi một cái màn và một chiếc chiếu cũ. Màn và chiếu đều có nhiều rệp!!! Buồng số 5 có chiều ngang 3 mét và chiều dài 3 mét rưỡi. Giữa buồng có một bệ nằm xây bằng xi măng, dành cho hai người. Tôi bị giữ tại buồng này một mình, cho tới lúc gần ra toà.

Sự tra tấn trên thân xác không thấy diễn ra ở đây, nhưng việc khảo cung và tra tấn tâm lý thì liên tục bất kể giờ giấc, có ngày phải đến cả mười lần khảo cung, mỗi lần kéo dài ít nhất là một tiếng rưỡi. Hàng chục nhân viên khảo cung thay phiên nhau tra vấn một tù nhân. Mỗi lần bị gọi khảo cung là lại phải nghe những tiếng cửa sắt được cố ý dập mạnh để tù nhân phải nghe những âm thanh chát chúa như dùi đục vào tận màng óc! Một vài tháng như vậy là quá sức chịu đựng đối với một người bình thường, và kết qủa là: những người được gọi là “can phạm” sẽ ký nhận tất cả, kể cả những việc mà chính họ cũng chưa bao giờ nghĩ đến, miễn là tránh khỏi phải đi khảo cung, và được ngủ yên trong vài tiếng đồng hồ.

Tình trạng ăn uống và ô cửa thông hơi được “ban phát” tùy theo thái độ nhận tội, và mức độ “hợp tác” của tù nhân. Nếu không hợp tác theo như những lời buộc tội, thì chỉ có hai bữa ăn, mỗi bữa hai chén cơm nguội và một chút cá khô, một chút rau. (Tiêu chuẩn này thực ra còn cao hơn nhiều so với khi tù nhân phải đi lao động khổ sai ở các trại!) Ô cửa thông hơi được nới rộng hay thu hẹp cũng tùy thái độ của tù nhân. Riêng phần tôi, ô cửa thông hơi chỉ bằng bàn tay ấy, rất ít khi được mở ra. Buồng giam luôn luôn ngột ngạt mùi bồn cầu xông lên, trong khi chuột và gián chạy lổn ngổn, giành giựt với tôi chút không gian hạn hẹp của phòng giam.

Cuối tháng 6 năm 1993, sau khi bị thẩm tra liên tục suốt 4 tháng, Ban Điều Tra đã đưa giấy bút cho tôi và buộc tôi viết một bản cam đoan, nội dung như sau:

Cam đoan không tái phạm
Cam đoan hợp tác với nhà nước CHXHCNVN

Tôi đã làm giấy cam kết với nội dung duy nhất: Tôi cam kết sống và bảo vệ danh dự, quyền lợi của Tổ Quốc và người dân Việt Nam. Ban Điều Tra sau đó đã nói với tôi rằng: “Cơ hội được phóng thích anh đã để vuột mất! Chúng tôi buộc phải đưa anh ra toà.”

Ngày 22/8/1993, nhà cầm quyền CSVN đưa chúng tôi ra toà. Tôi không nhận luật sư được chỉ định vì xét thấy có luật sư cũng chỉ bằng thừa ở trong cái toà án kịch cỡm như trò hề đó.

Những lời nói của tôi trước toà, nếu có liên quan đến chính trị, đều bị làm nhiễu âm, hoặc bị chánh án nện búa bắt im lặng. Qua cung cách của chánh án, những người ngồi ghế quan toà và bồi thẩm đoàn, thì trình độ hiểu biết, đạo đức, ứng xử, kiến thức về luật pháp địa phương cũng như quốc tế, và về nhân quyền của họ xem ra cũng gần như con số không. Tính cách của một toà án như vậy, thật là một sự phỉ báng công lý không gì so sánh được. Nền luật pháp của nước Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam thực chất chỉ là một công cụ để đảng Cộng Sản Việt Nam kềm chế đời sống chính trị và xã hội của người dân. Vụ án của tôi đã diễn ra là một bằng chứng cụ thể.

“Toà Án Tối Cao” ấy đã tuyên án tôi 12 năm tù khổ sai! Lời luận tội và đề nghị mức án của “Viện Kiểm Sát Nhân Dân Tối Cao” như sau: “Phạm Văn Thành, mặc dù chưa bắt được quả tang vậtchứng và hành vi phạm tội, nhưng xét vì tư tưởng cực kỳ nguy hiểm cho nền an ninh xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đề nghị giữ y án chiếu theo Khoản I điều 173 bộ luật hình sự nước CHXHCNVN”. Khoản I điều 173 quy định mức án từ 12 năm đến chung thân hoặc tử hình. Xét ra, như vậy là toà án này đã tuyên án tôi ở mức nhẹ nhất rồi đấy!

Ngày 14 tháng 9 năm 1993, trùng hợp với ngày Hoa-Kỳ tuyên bố bãi bỏ lệnh cấm vận kinh tế đối với Việt Nam, chúng tôi bị giải đi trại lao động khổ sai. Không ai trong chúng tôi biết mình sẽ bị giải đi đâu. Tay chân bị cùm xích, chúng tôi bị dồn trên hai chiếc xe. Xe đi theo hướng Bắc sau khi rời Thành Phố HCM. Khi tới trại K3 Xuân Lộc, họ tháo cùm cho bà Trần thị Nhạn. Bà Nhạn là một người nhỏ bé, rất nghèo, bị dính líu vào vụ án hoàn toàn là do sự tình cờ. Bà Nhạn cũng bị xử 12 năm. Họ đã để duy nhất bà Nhạn ở lại trại K3 Xuân Lộc, cách Sài Gòn khoảng 80 cây số. Mười một người đàn ông còn lại bị đưa ra trại A20, Phú Yên, cách thành phố HCM khoảng 600 cây số .

PHẦN II: Tại các trại tù

A. Trại A20 Phú Yên

Trại A20 Phú Yên là trại tù được xây dựng từ những năm 1975-1976 do những người Việt Nam trở về từ Hoa-Kỳ trên con tàu mang tên “Việt Nam Thương Tín.” Con tàu này trong biến cố 1975 đã đưa khoảng 2000 người trốn chạy khỏi Việt Nam và đã cập bến Hoa-Kỳ. Sau ít ngày, nhiều người trên chiếc tàu đã quyết định theo tàu trở lại Việt Nam. Thật chua chát và phũ phàng, tất cả đều đã bị bắt giữ và phải tận lực đổ mồ hôi xây dựng nên nơi giam hãm, đày ải chính mình. Đa số đã bị giam giữ mãi đến những năm 1980. Nhiều người đã chết tại trại vì khí hậu nghiệt ngã và chế độ ngược đãi của nhà Cầm Quyền Cộng Sản Việt Nam.

Trại tù A20 Xuân Phước là trại tù “kỷ luật” của hệ thống các trại tù Cộng Sản Miền Nam Việt Nam. Những thành phần được coi là “nguy hiểm cho nền an ninh quốc gia” đều bị đày đọa ở đây.

Từ ngày được dựng lên đến năm 1984, trại gồm 4 phân trại (gọi là bốn K). Đến năm 1993 chỉ còn lại ba phân trại nhưng trong đó phân trại C không còn giữ tù. Phân trại B giữ tù giam lỏng và được ra ngoài lao động. Còn lại khoảng 600 tù nhân bị tập trung hết tại trại trung tâm (phân trại A). Trong số những tù nhân này, hơn 200 người có án danh liên quan đến những lý do chính trị, như “Gián điệp xâm nhập” (ám chỉ những lực lượng kháng chiến về từ Thái Lan); “Tuyên truyền chống chế độ” (ám chỉ những người đấu tranh cho tự do tôn giáo và có những hành vi, lời nói bài xích chế độ); “Âm mưu lật đổ chính quyền” (ám chỉ những tổ chức hoạt động chống đối, vũ trang hoặc không vũ trang.) Sau năm 1995, tội danh vừa kể được đổi thành “Hoạt động lật đổ chính quyền nhân dân” và “Dùng chất nổ phá hoại các công trình an ninh quốc gia”.

Đời sống tù nhân vô cùng cơ cực. Họ phải lao động rất nặng nhọc, như làm gạch, làm ruộng, đào ao, phá hoang, xẻ gỗ, làm mộc... để làm giàu cho Cán Bộ Quản Tù, trong khi lương thực, và những nhu cầu căn bản chỉ đủ giữ cho họ sống lây lất qua ngày. Tính cho đến năm 1993, tôi đã tận mắt nhìn được trên sổ mộ chí, đã có ít nhất 2000 (hai ngàn) ngôi mộ của tù nhân. Tất cả những ngôi mộ này đều đã bị sập, hoặc sắp sửa bị mất hết vết tích. Những tù nhân có tư tưởng đối lập kiên định đều bị tra tấn rất dã man. Tôi sẽ nêu ra ở đây một số trường hợp điển hình.

1. Trường hợp thứ nhất: ông Nguyễn Văn Bảo:

Ông Nguyễn Văn Bảo, nguyên là giáo sư Sử Địa, dạy trung học thời Việt Nam Cộng Hoà, bị bắt khoảng năm 1978 với tội danh “Âm mưu lật đổ chính quyền”. Năm 1984, ông bị bắt quả tang đang luân lưu một tài liệu tư tưởng do ông viết. Tài liệu này là một triết thuyết của nhóm Nhân-Bản-Việt. Ông bị cùm giam liên tục sau vụ này; bị bỏ đói và đánh đập dã man. Nhiều lần ông đã bị treo ngược đầu dọc theo thân cây dừa và bị tù thường phạm, do sĩ quan an ninh trực tiếp chỉ thị, đánh ông bằng gậy. Sĩ quan an ninh này hiện nay là thiếu tá, tên là Lâm, một “hung thần” của trại A20 trong những năm 1984-1993.Bây giờ (tháng 11 năm 1998) ông Nguyễn Văn Bảo trở thành nửa điên nửa tỉnh và mang bệnh phổi rất nặng. Tuổi ông đã ngoài 60, gia đình nghèo khó không thăm nuôi được, hiện Ông đang bị giam giữ tại trại Trung Ương Số 5, Thanh Hoá, thuộc Đội 12, phòng giam số 7.

2. Trường hợp thứ hai: các Linh Mục Nguyễn Luân, Linh Mục Vinh-Sơn Minh và Linh Mục Nguyễn Văn Vàng:

Tất cả các vị linh mục này đều đã chết thảm trong buồng cùm biệt giam.

Linh mục Nguyễn Văn Vàng chết trong khi hai chân vẫn còn bị cùm dính xuống nền đá xi-măng. Nguyên nhân đưa đến việc ngài bị cùm liên tục gần hai năm là do tư tưởng cương quyết không chịu khuất phục chế độ Cộng Sản của ngài. Ngài đã xây dựng nhân lực cách mạng ngay trong nhà tù để chuẩn bị cho một chính phủ thay thế, ngay khi chế độ Cộng Sản xụp đổ. Ý chí cương quyết của ngài đã phải trả giá bằng chính sinh mạng của ngài. Ngài bị cùm và bỏ đói liên tục, đến độ mỗi lần phải đi khảo cung, ngài chỉ như một xác chết di động, lê từng bước cách khó khăn. Mỗi khi đến gần được các hàng rào cây dại, lần nào ngài cũng quơ vội tay, giật lấy những lá “dâm bụt”, hoặc bất cứ thứ lá gì để nhai ngấu nghiến! Cộng Sản đã chôn ngài ngay bìa trại và không hề báo tin cho gia đình ngài. Khi gia đình của ngài được tin (theo đường dây riêng của tù nhân) liền đến trại để xin đưa thi hài về chôn cất. Nhưng Ban Giám Thị trại đã cương quyết từ chối, viện cớ: “Bộ Nội Vụ không cho phép.” Linh mục Nguyễn Văn Vàng qua đời ngày 03 tháng 6 năm 1985 tại xà lim cùm biệt giam, thuộc phân trại B, trại A20, Xuân Phước. Cuối năm 1993, vào ngày 01 tháng 11, tôi đã vận động tài chánh từ gia đình, và nhờ những người tù đã hết án, lén quật mộ ngài, mục đích để đưa hài cốt ngài về Sài Gòn (Dòng Chúa Cứu Thế). Nhưng chúng tôi bị bất ngờ, vì không hề tìm thấy xương cốt của ngài, huyệt mộ trống rỗng! Cho đến nay chúng tôi không trả lời được lý do tại sao.

Linh mục Nguyễn Luân bị cùm biệt giam đến chết, vì tội “gieo rắc mê tín dị đoan” khi ngài tổ chức lén đem Bánh Thánh vào trại tù để cử hành thánh lễ đêm Noel 1985. Ngài bị tố cáo đã cử hành thánh lễ trong đêm và trao Bánh Thánh cho một số tù nhân. Bọn công an đã khảo tra để cố tìm ra những người đã được trao Bánh Thánh. Linh Mục Nguyễn Luân trước sau chỉ im lặng, chịu tra tấn và cùm kẹp cho đến chết.

Linh mục Vinh Sơn Minh đã bị cùm đến chết, chỉ vì một lý do rất đơn giản, nhất là đối với người Tây phương, đó là ngài đã không bao giờ chịu viết hàng chữ “Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam - Độc Lập Tự Do Hạnh Phúc” trên bất cứ văn bản tự khai nào. Ngài đã giữ lòng ngay thẳng cho đến hơi thở cuối cùng. Trước khi cho chôn ngài, Cộng Sản đã ra lệnh nhồi đầy bụng và họng ngài một dải vải xô rất dài. Các tù nhân thường phạm đã phải rất khó khăn mới dồn hết số vải ấy, được luồn sâu vào họng vị linh mục. Tù nhân, cho tới bây giờ, không ai giải thích được lý do tại sao Cộng Sản đã làm điều này cho ngài sau khi ngài đã chết.

Cả ba vị linh mục đều đã chết trong buồng cùm biệt giam vào khoảng thời gian những năm 1985 và 1986. Chúng tôi sẽ cung cấp đầy đủ nhân chứng sống về những sự việc này nếu có sự yêu cầu của các cơ quan Nhân Quyền quốc tế. Tuy nhiên, đây là việc an nguy liên quan đến nhiều người, đòi hỏi sự thận trọng của các cơ quan trách nhiệm, vì tất cả những nhân chứng đều đang sống tại Việt Nam, nhiều người trong đó vẫn còn đang bị Cộng Sản giam cầm.

3. Trường hợp thứ ba: ông Vũ Đình Thụy:

Ông Vũ Đình Thụy tên thật là Võ Lâm Tể, nguyên sĩ quan Quân Lực VNCH. Ông bị bắt tại chiến trường năm 1975 đang khi cố thủ một cứ điểm phòng thủ tại Pleiku. Ông bị giam cầm và trả tự do vào năm 1979. Sau khi rời nhà tù, ông tiếp tục hoạt động, thành lập những tổ chức kháng cự chống chính quyền tại các tỉnh Miền Trung Việt Nam. Ông bị bắt lại và bị kết án 20 năm tù. Năm 1984, ông bị bắt quả tang khi đang làm một tập thơ trong tù. Ông bị xử “chồng án” thành chung thân. Ông đã bị đánh đập dã man và hiện đã hư một bên mắt. Ông hiện bị giam tại đội 12, trại Trung Ương 5, Thanh Hoá Việt Nam. Tình trạng sức khoẻ của ông rất tồi tệ.

4. Trường hợp thứ tư: ông Võ Đằng Phương:

Ông Võ Đằng Phương, nguyên trung tá Thủy Quân Lục Chiến (QLVNCH). Ông bị giam giữ từ năm 1975, bị xử ”chồng án” trong tù vì đã đưa ra lý thuyết “Cộng Hoà Đệ Tam Cho Việt Nam”. Ông bị đối xử nghiệt ngã suốt 18 năm trời. Tháng 8 năm 1993 ông được trả tự do. Từ ngoài nhà tù A20, ông tiếp tục tham gia vào chiến dịch phổ biến những tư liệu nhân quyền liên quan đến nhà tù A20 ra thế giới. Chỉ vài tháng sau, chúng tôi được biết ông đã chết trong một bệnh viện tại thành phố HCM. Cái chết của ông gây nghi ngờ cho tất cả những người liên quan đến sự việc đã xảy ra tại trại A20 vào ngày 28 tháng 10 năm 1994 (một số chi tiết liên quan đến sự việc này đã được trình bày trong cuốn “Cuộc Nổi Dậy Ở Trại A20” do nhà xuất bản Quê Mẹ tại Pháp ấn hành năm 1997). Lý do khiến chúng tôi nghi ngờ về cái chết của ông vì ông Võ Đằng Phương vốn là một người có bộ não rất tốt và có một sức khoẻ rất bền bỉ. Trong bản phúc trình này, tôi trân trọng nêu lên nghi vấn về cái chết của ông Phương. Chúng tôi có những dữ kiện để nghi ngờ rằng ông đã bị thủ tiêu trong bệnh viện bằng phương tiện y tế. Xin công luận quan tâm đặc biệt đến trường hợp này.

5. Trường hợp thứ năm: ông Phạm Mạnh Long (tức Lê Phạm Long):

Tương tự như trường hợp ông Võ Đằng Phương. Ông Phạm Mạnh Long là một trong những người đã trực tiếp tham gia trong cuộc nổi dậy của tù nhân ngày 28 tháng 10/ 1994. Ông Long đã tham gia cố vấn cho Ban Hành Động Bảo Vệ Danh Dự Tù Nhân Chính Trị. Ông đã chết, cũng tại bệnh viện, chỉ vài tháng sau khi rời khỏi trại giam. Chúng tôi biết chắc chắn ông có một sức khoẻ rất tốt và luôn có những hoạt động cũng như sinh hoạt cách mẫu mực.

6. Trường hợp thứ sáu: Bác Sĩ Nguyễn Kim Long:

Sau hơn 10 năm bị giam tại trại A20 Xuân Phước vì lý do hoạt động trong “Cao Trào Nhân Bản” (do Bác Sĩ Nguyễn Đan Quế lãnh đạo). Năm 1995 ông bị đưa ra Trại Trung Ương 5 Thanh Hoá. Hơn 1 năm sau ông đã chết vì bệnh lao. Ông chết vì không có thuốc chữa trị. Gia đình quá nghèo nên không thể chữa chạy được cho ông, trong khi nhà tù Cộng Sản không hề lo lắng thuốc thang cho trường hợp bệnh lao nặng trầm kha này. Phải chăng Cộng Sản đã cố ý giết ông Nguyễn Kim Long?

7. Trường hợp thứ bảy: Tu Sĩ Mai Đắc Chương:

Ông là một tu sĩ Công Giáo thuộc dòng Đồng Công (Thủ Đức), bị bắt và giam tù vì đã ngăn cản việc Công An ngang nhiên tịch thu đất đai và Nhà Nguyện của Dòng Đồng Công tại Thủ Đức năm 1985. Ông cũng đã rao giảng Kinh Thánh và kêu gọi giáo dân đừng khiếp nhược trước các thế lực tàn bạo của con người Cộng Sản; nhưng phải biết hy sinh, đấu tranh cho công bằng và công lý. Ông bị gán tội “Tuyên truyền chống phá chế độ XHCN” với án tù 17 năm. Ông bị giam giữ nghiệt ngã mặc dù đã gần 70 tuổi, sức khoẻ đã rất yếu kém. Hiện ông đang bị giam giữ tại trại Trung Ương 5, Thanh Hoá, Việt Nam.

8. Trường hợp thứ tám: ông Nguyễn Thành:

Hiện ông Thành đã ra khỏi tù sau 19 năm bị giam giữ. Thời gian ở tù ông bị tra tấn đến đứt gân nhượng của cả hai chân. Hiện ông sinh sống tại Huế, tàn tật và lao phổi nhưng vẫn bị Cộng Sản quản chế rất chặt chẽ.

9. Trường hợp thứ chín: ông Lầu Sĩ Phúc:

Ông Lầu Sĩ Phúc sinh khoảng 1965. Cha ông là một cựu chiến binh Mỹ trong chiến tranh Việt Nam. Mẹ ông mất sớm từ khi ông còn nhỏ nên một người Công Giáo đã nhận nuôi ông đến khôn lớn. Ông bị bắt trong vụ án “Dòng Đồng Công” năm 1985 và bị kết án 18 năm tù. Màu da đen và thân hình to lớn của ông đã là một yếu tố gây thêm động lực tra tấn cho những người công an Việt Nam trong suốt thời gian ông bị bắt cũng như giam cầm. Hiện ông vẫn bị giam giữ tại trại Nam Hà, bắc Việt Nam. Cha mẹ nuôi của ông đã rất già, không còn đủ khả năng nuôi ông trong tù.

Hơn một năm bị giam giữ tại Xuân Phước A20, tôi đã được biết, đã tiếp xúc, và bị giam giữ với hàng trăm tù chính trị. Nhưng Nhà Cầm Quyền Việt Nam, cho mãi đến bây giờ, vẫn bưng bít và che dấu một cách trơ trẽn sự thật này. Đó là sự việc Nhà Cầm Quyền Việt Nam luôn “khẳng định” trước dư luận thế giới là: “Việt Nam không có tù chính trị”

Một hành vi nhỏ chống đối chính quyền, lên tiếng phát biểu những tư tưởng đối lập, phản đối những chính sách bất công, phản đối những người cầm quyền thiếu đạo đức, thiếu văn hoá v.v... Những hành vi xem ra rất căn bản và cần thiết như hơi thở ấy, đều dẫn đến việc bị bắt bớ, bị đánh đập tra tấn cách dã man; rồi bị đưa ra toà mà không có quyền nhờ người bênh vực, biện hộ riêng. Để sau đó bị tuyên án bằng những bản án đã được sắp đặt, định đoạt trước khi xử án. Cuối cùng là tù giam, là cưỡng bức lao động khổ sai đến sức cùng lực kiệt hoặc bị thủ tiêu bằng những phương tiện y khoa họ có sẵn trong tay. Nếu những hành động kể trên không được kể là hành động liên quan đến chính trị; Nếu những tù nhân kể trên không được kể là những tù nhân chính trị, thì quả thật Nhà Cầm Quyền Việt Nam đã khinh thường và phỉ báng Công Luận Quốc Tế một cách trơ trẽn đến không thể tưởng tượng được.

Đảng Cộng Sản Việt Nam đã kềm chế trọn vẹn đời sống chính trị và tước đoạt những quyền tự do căn bản nhất của nhân dân Việt Nam. Bất cứ một tổ chức chống đối nào cũng đều bị vu cho là “bạo loạn, lật đổ”. Nhà cầm quyền Việt Nam đã xử tử biết bao người cũng chỉ vì đã tham gia cách trực tiếp hay gián tiếp, vào những hoạt động đối lập với “Đảng và Nhà Nướcõõ. Tôi xin đính kèm với phúc trình này một danh sách những người đã bị xử tử mà tôi đã thu thập được, và trí óc tôi còn nhớ được cụ thể. Những dữ kiện này, nếu cần thiết, sẽ có những người sẵn sàng làm chứng.

Sự tàn bạo và xem thường dư luận quốc tế của nhà cầm quyền Việt Nam nên được coi như thế nào? Phải được đối phó làm sao? Điều này người dân Việt Nam trong nước hiện nay không thể lên tiếng được, nên chúng tôi trân trọng đặt niềm tin nơi quý vị, những tổ chức nhân quyền và các vị nhân sĩ trí thức quốc tế.

Việt Nam là một quốc gia đã có nền văn hiến lâu đời. Người dân Việt Nam hiền hoà, cần mẫn. Chúng tôi mong muốn nhìn thấy một nước Việt Nam Công Bình, Thịnh Vượng, sống hoà bình và tôn trọng các nền văn hoá khác; chia chung trách nhiệm xây dựng một xã hội loài người Nhân-Bản và Tiến-Bộ. Mơ ước này chúng tôi, mỗi người có mỗi cách thực hiện khác nhau, nhưng tựu trung, trong những thập niên gần đây, vẫn là phải giải quyết vấn đề công bằng, tự do và dân chủ trên đất nước chúng tôi.

Đối chọi với thế lực bạo tàn của những người Cộng Sản Việt Nam độc tài đảng trị, chúng tôi chỉ có những con tim nồng nhiệt và những bàn tay không. Hơn bao giờ hết, Đất Nước và nhân dân Việt Nam cần thiết đến vô cùng sự quan tâm của quý vị. Quan tâm với tất cả tình nhân loại, trong Danh Dự và Lương Tâm con người. Sự quan tâm của quý vị chính là giòng suối mát, đổ vào cánh đồng đã quá khô cằn; đổ vào những tấm thân xác đang khô héo trong tuyệt vọng của những người dân đang sống trên đất nước chúng tôi.

Dù đảng Cộng Sản Việt Nam có khôn ngoan đến đâu, có che dấu tài tình đến đâu; Dù bộ mặt của một vài thành phố lớn tại Việt Nam có loè loẹt đến đâu, táo tợn đến đâu, thì khát vọng nhân quyền, khát vọng dân chủ, vẫn luôn luôn âm ỉ và cháy bỏng trong từng mỗi người dân Việt.

Chi Tiết cuộc Biểu Tình Nổi Dậy Tại Trại A20, Xuân Phước, Phú Yên.

Trở lại đề tài chính của bản phúc trình này, tôi xin trình bày về sự kiện ngày 28 tháng 10 năm 1994. Sự kiện này bắt nguồn từ chuyện nhà cầm quyền Việt Nam Cộng Sản luôn phủ nhận việc có giam giữ tù nhân liên quan đến chính trị.

Tôi đến trại Xuân Phước A20 tháng 9 năm 1993. Đến tháng 6 năm 1994 chúng tôi đã lập được một danh sách của hơn 100 người có liên quan đến chính trị. Danh sách hơn 100 người này chưa phải là một danh sách đầy đủ với các tên tuổi quan trọng. Sự đi lại của tôi trong trại tù bị rất hạn chế. Vì thế, những nhân vật mà trại này coi là “đặc biệt nguy hiểm” rất khó tiếp xúc với chúng tôi.

Bằng nhiều cách thức thật mạo hiểm, chúng tôi đã chuyển được những tài liệu về việc vi phạm nhân quyền của Cộng Sản Việt Nam ra khỏi trại và tổ chức đường dây đưa ra hải ngoại. Những tài liệu này đã được trân trọng gởi đến các cơ quan truyền thông và nhân quyền Việt Nam cũng như quốc tế. Trong những cơ quan nhân quyền mà chúng tôi liên lạc, thì đặc biệt Ủy Ban Bảo Vệ Quyền Làm Người Việt Nam đã quan tâm tận tình và giúp chúng tôi đem được tiếng nói nhân quyền từ những trại tù Việt Nam ra trước diễn đàn Liên Hiệp Quốc. Trong tinh thần viết bản phúc Trình Nhân Quyền về trại tù Việt Nam này, tôi xin được thay mặt “Tổ Chức Hành Động Bảo Vệ Danh Dự Tù Chính Trị Trại A20 Xuân Phước”, chân thành kính gởi đến Ủy Ban Bảo Vệ Quyền Làm Người Việt Nam lòng biết ơn của chúng tôi.

Với danh sách hơn 100 người cùng với những thư cáo buộc vi phạm nhân quyền mà Ủy Ban Bảo Vệ Quyền Làm Người Việt Nam công bố cùng quý vị, cùng với sự loan truyền cách rộng rãi của các cơ quan truyền thông và báo chí, ngày 27 tháng 10 năm 1994, một phái đoàn nhân quyền đã đến Việt Nam và vào trại A20. Nhưng chúng tôi đã bị công an đem dấu kín, không được gặp Phái Đoàn. Những công an Cộng Sản đã lùa chúng tôi vào rừng sâu từ sáng sớm, và nói rằng chúng tôi phải đi lao động xa.
Buổi tối, khi về đến trại, chúng tôi mới được những tù thường phạm cho biết phái đoàn Nhân Quyền có đến thăm trại. Sự tráo trở đê tiện của chính quyền Việt Nam đã khiến chúng tôi bất mãn và đồng loạt hành động để tổ chức một cuộc biểu tình ngay trong nhà tù. Chúng tôi đã hô vang các khẩu hiệu nhân quyền suốt ba ngày liên tục, mỗi ngày đều tập trung trước sân trại, ba lần vào buổi sáng và ba lần vào buổi chiều, trong khi công an xả nhiều loạt đạn đe doạ. Tuy nhiên đã không có ai trong chúng tôi bị trúng đạn.

Đến ngày thứ ba, Bộ Nội Vụ (Cộng Sản Việt Nam) đã quyết định đưa ra một kế hoạch thâm hiểm. Họ đã ép buộc những phạm nhân hình sự trên 70 tuổi, nguyên là những sĩ quan bộ đội Cộng Sản, vào sát trong những buồng giam đang tạm thời nhốt giấu tù chính trị. Họ cũng buộc khoảng 50 người tù hình sự phải vào đứng sẵn trong sân khu “cách ly”. Trong khi đó, một lực lượng công an đặc biệt, được trang bị chất độc hoá học với tất cả dụng cụ phòng chống hơi độc, cùng với hơn 40 sĩ quan thuộc Bộ Nội Vụ, mang áo giáp và mặt nạ chống hơi độc với lựu đạn đặc chủng đã sẵn sàng thực hiện kế hoạch. Cũng nên nói rõ thêm ở đây là: nhờ chúng tôi có những đường giây móc nối, với một số ít công an còn chút lương tri, cũng như một số tù hình sự (những người được trại tin tưởng) nên có thể biết trước được một số toan tính của trại. Kế hoạch của họ là dùng một số tù hình sự để gây rối loạn giả tạo, lùa họ vào để xô sát náo loạn trong khi công an và bộ đội thả hơi độc và tìm cách giết những tù hình sự nguyên là sĩ quan bộ đội, những người đã quá già yếu, thậm chí đi đứng không còn vững. Cũng theo kế hoạch này, tất cả những sự kiện nếu xảy ra, sẽ được thâu hình và chắt lọc bởi ba máy quay phim đã được chuẩn bị chu đáo. Như vậy, cuộc nổi dậy của chúng tôi, trước dư luận quốc tế, qua sự dàn cảnh lươn lẹo bóp méo sự thật của Bộ Nội Vụ và Cán Bộ Quản Trại, sẽ trở thành một cuộc nổi loạn của những người mất trí, điên rồ!!! Đây là âm mưu thâm độc của Bộ Nội Vụ, do những sĩ quan cao cấp của họ, từ Hà Nội đến để trực tiếp chỉ huy.

Từ những tin tức được phối kiểm và những nhận định vừa nêu, chúng tôi quyết định tạm ngưng biểu tình và chấp nhận đối thoại với Ban Giám Thị. Tinh thần đối thoại đó lập tức bị lợi dụng và đàn áp! Tôi đã đứng ra giữa sân để thương thảo, đồng ý để họ cùm xích một mình tôi và yêu cầu không làm khó dễ những người còn lại. Theo tinh thần sự thương lượng thì nếu Ban Giám Thị đồng ý điều kiện đó, tôi sẽ chấp nhận kỷ luật cùm và anh em sẽ giải tán.

Nhưng ngay sau khi cùm được tôi, nhà cầm quyền đã lập tức trả thù những người còn lại. Kết quả cuối cùng của sự trả thù là hơn 100 người đã bị đày ra 3 trại kỷ luật ở Miền Bắc, những nơi đối với gia đình các tù nhân ở Miền Nam là vô cùng khó khăn, vì không đủ phương tiện để thăm nuôi người thân. Trong số hơn 100 người này, hơn 40 người bị chuyển đến trại Phủ Lý Nam Hà; hơn 60 người bị chuyển đến trại Trung Ương 5 Thanh Hoá, và đặc biệt 13 người bị chuyển đến trại Thanh Cẩm.

B. Trại Trung Ương Số 5 Và Trại Thanh Cẩm (Thanh Hoá)

Ngày 08 tháng 11 năm 1994, 10 người chúng tôi bị áp giải tới trại 5 (Thanh Hoá) trong một chuyến xe thật hãi hùng. Tất cả bị cùm dính chân vào hai cây sắt dài, tay người này bị còng lại với tay người kia. Trên đoạn đường hơn 1000 cây số đó, chúng tôi không hề được tháo cùm. Việc làm vệ sinh cá nhân đã trở thành sự nhục mạ phẩm giá con người đến tột độ. Tôi đã lên tiếng dọa tự sát và đoàn xe đã được cho dừng lại khoảng 5 phút ở một cánh đồng tại tỉnh Quảng Bình. Chúng tôi vẫn bị cùm một chân, và tay bị còng dính hai người một, lò cò nhảy xuống ruộng để tiểu tiện, đại tiện, trước những họng súng lăm lăm, cực kỳ căng thẳng, sẵn sàng nhả đạn bất cứ lúc nào!!!

Sự di chuyển tù nhân chính trị từ Miền Nam ra Miền Bắc, trên một khoảng đường hàng ngàn cây số, đường xá nhiều đoạn rất xấu, gập gềnh, lầy lội; sông phà đêm tối hiểm trở... trong khi tay chân đều bị cùm dính nhiều người với nhau bằng một cây thép, lòng xe thì thấp và vô cùng chật chội... mà không hề được cho xuống xe để giải quyết vệ sinh cá nhân. Mọi việc tiểu tiện đại tiện đều ở trên xe, vô cùng khó khăn, vô cùng bất tiện và vô cùng xúc phạm, nhất là đối với những người tu trì, những bậc trưởng lão! Đây là những hành vi mà Bộ Nội Vụ Cộng Sản Việt Nam đã đối xử với chúng tôi trên đường di chuyển từ Nam ra Bắc. Tôi cực lực lên án hành vi Quyền-Lực-Thú-Tính này.

Trại Trung Ương số 5 đã được dựng lên từ năm 1947 với cái tên dân giả là Trại Đầm Đùn. Trại này đầu tiên đã giam giữ những người Pháp và người Việt thân Pháp cũng như những người chống Việt Minh (Cộng Sản Việt Nam) trong những năm 1947 đến 1956. Sau năm 1975, trại này đã là nơi giam giữ nhiều vị sĩ quan cấp tướng, cấp tá của Quân Lực VNCH. Nữ Văn Sĩ Thụy An cũng đã từng bị giam giữ tại trại này trong những năm 1970-1975.

Khi chúng tôi bị đưa đến đây (tháng 11 năm 1994), trại gồm 3 phân trại. Khoảng 500 đến 700 nữ phạm nhân và khoảng hơn 2000 nam phạm nhân đang bị giam giữ vào thời điểm đó. Trong số này, chỉ có khoảng 60 người bị mang những án danh liên quan đến chính trị, như “Gián Điệp Xâm Nhập” (những người trong lực lượng ông Hoàng Cơ Minh, về nước trong đợt thứ 3, năm 1990), “Tuyên Truyền Chống Phá Chế Độ”, “Gây Rối An Ninh Xã Hội” (những người đấu tranh đòi công bằng ruộng đất ở Thanh Hoá và Nghệ An.)

10 người chúng tôi bị cách ly, bị khủng bố tinh thần và giảm phần ăn đến mức thấp nhất. Trong suốt 5 tháng đầu tiên, chúng tôi không hề được liên lạc với gia đình. Đầu năm 1995, gần ba tháng sau khi chúng tôi bị chuyển đi, thì những người còn lại tại trại Xuân Phước cũng bị chuyển ra Miền Bắc. Khoảng 40 người bị chuyển đến Trại Nam Hà, 60 người khác bị đưa đến Trại Trung Ương 5 và đặc biệt, Trại Thanh Cẩm, 13 người.

13 người này là những người không liên quan gì đến danh sách 13 người chủ chốt trong vụ nổi dậy tại trại A20 Xuân Phước ngày 28 tháng 10 năm 1994, do chúng tôi chuyển ra ngoài, mà truyền thông quốc tế, đài BBC, VOA, RFI,... đã loan tin cách rộng rãi. Bộ Nội Vụ CSVN đã dùng mánh khoé bịp bợm một cách tinh vi, khi loan tin trong nội bộ của họ, là 13 người chống đối tại A20 đã và đang bị trừng phạt nghiêm khắc. Họ đã nhằm mục đích chứng minh với dư luận trong nội bộ đảng, là Đảng CSVN vẫn còn nguyên sức mạnh và quyền lực, rằng Đảng CSVN vẫn có đủ thế lực trừng phạt bất cứ hành vi chống đối nào, cho dù những người chống đối ấy có sự bênh vực của dư luận quốc tế.

Thực sự 13 người chủ chốt trong vụ nổi dậy tại trại A20 (trong đó có tôi) đã bị trộn vào với những tù nhân bị chuyển đến trại Trung Ương 5, cũng như trại Phủ Lý Nam Hà. Trong khi đó, 13 người bị đưa đến trại Thanh Cẩm đã bị “trả thù oan” một cách vô cùng dã man. Họ bị giam kín trong hai buồng giam vuông, rộng 3 mét mỗi chiều. Điều dã man nhất là hai buồng giam này không có bồn cầu. Những người này đã phải chịu đựng sự hôi thối và dòi bọ suốt ngày đêm trong khí hậu giá rét của những tháng đầu năm tại miền Bắc. Khẩu phần ăn của họ cũng ở mức tồi tệ: 9 kilo thực phẩm cho một tháng, trong đó gồm 5 kilo gạo hẩm và 4 kilo khoai mì lát (củ sắn sắt lát phơi khô). Họ chỉ được dắt đi tắm một tuần một lần tại dòng sông Mã đục ngàu; 6, 7 người bị xích tay vào nhau. Tình trạng đói rét và tra tấn dã man ở trại Thanh Cẩm đã dẫn đến cái chết của ông KõTum.

Ngày 11 tháng 7 năm 1995, ngày chính phủ Hoa-Kỳ và Cộng Sản Việt Nam ký kết bình thường hoá quan hệ ngoại giao! Cộng Sản Việt Nam đã chuyển 13 người này từ trại Thanh Cẩm đến trại Trung Ương 5 Thanh Hoá. 13 người như 13 cái xác dật dờ, chỉ còn da bọc xương! Ông KõTum đã chết tại buồng cùm số 2, phân trại C, trại Trung Ương 5 (bên cạnh tôi, là buồng cùm số 1), 6 tháng sau khi ông bị chuyển từ trại Thanh Cẩm. Ông chết ngày 10 tháng Giêng năm 1996. Gia đình ông không hề được báo tin về cái chết của ông. Trại tù cho đem ông đi chôn trong đêm và cấm ngặt những tù thường phạm (những người được giao việc chôn cất) không được tiết lộ ra ngoài việc họ làm. Khoảng 1 tháng sau, những người tù thường phạm này cũng bị chuyển đi nơi khác.

Trại Trung Ương 5 có một đội ngũ công an đông đảo, với trình độ học vấn tương đối cao hơn, so với đội ngũ công an tại trại A20 Xuân Phước. Kỷ luật ở Xuân Phước đã là gắt gao nhưng ở đây còn gắt gao hơn nhiều lần. “Hàng Rào Bảo Mật Tin Tức” được bố trí rất chặt chẽ. Đó chính là lý do tại sao kể từ khi chúng tôi bị chuyển ra trại 5, bên ngoài không nhận được bất cứ sự thông tin nào của chúng tôi trong suốt 4 năm,

Thời tiết ở trại này luôn luôn thất thường. Nước rất khan hiếm vì là vùng ít mưa. Bệnh tật, vì thế ở tỉ lệ rất cao và nghiêm trọng. Trong khi đó chế độ chăm sóc y tế gần như con số không. Cụ thể là trường hợp bác sĩ Nguyễn Kim Long, đã chết vì bệnh lao, khoảng 3 năm sau khi bị đưa ra trại 5, chỉ vì tình trạng thiếu thốn thuốc men và sự điều trị cho có lệ của những người có trách nhiệm. Những trường hợp bị bệnh lao khác là các ông Nguyễn Văn Bảo, Sunaymal, Trần Minh Tuấn, Huỳnh Ngọc Tuấn, v.v... đều ở trong tình trạng điều trị chiếu lệ. Họ vẫn bị giam chung buồng, nằm cạnh chiếu, với hơn 40 người khác, không hề có bất cứ chế độ chăm sóc đặc biệt nào.

Khẩu phần lương thực, đối với các phạm nhân liên quan đến chính trị bị chuyển từ trại Xuân Phước ra, có phần tươm tất hơn. Cơm (dù nấu bằng thứ gạo tồi tệ) vẫn tương đối gần đủ ăn cho một ngày hai bữa, và có rau hằng ngày (suốt cả năm chỉ có hai loại, 8 tháng rau muống và 4 tháng rau cải (lá cải củ). Trên giấy tờ, khẩu phần một phạm nhân được 300gr thịt và 500gr cá cho... một tháng. Nhưng thịt chỉ thường là phần thịt-mỡ-da rất xấu. Những phần ngon của con heo sau khi được mổ đã được phân tán cho cán bộ và gia đình cán bộ hoặc bán ra bên ngoài để làm giàu cho cán bộ.

Tháng 8 năm 1995, Trung Ương (Bộ Nội Vụ) đưa người về mở một khoá “học tập chính trị,” mục đích là khủng bố tinh thần những người đã tham gia vào vụ việc ngày 28 tháng 10 năm 1994, đồng thời yêu cầu những tù nhân liên quan đến vụ này làm “văn bản thú tội.” Đa số những người từ Xuân Phước đã cương quyết giữ vững lập trường và tất cả đều đã phải trả giá đắt cho thái độ của họ. Chúng tôi bị ngăn chặn tiếp tế (không được thăm nuôi hoặc nhận quà của gia đình); bị giảm khẩu phần ăn (12 kilo gạo hẩm mỗi tháng), bị cách ly, thậm chí bị đe doạ, sỉ nhục và gây hấn, bởi chính một số sĩ quan công an quản giáo.

Vào ngày 14 tháng 9 năm 1995, đã xảy ra một sự việc liên quan đến chính tôi. Một đại uý công an, lúc đó là quản giáo của đội 16 (đa số gồm những tù nhân liên quan đến chính trị, đã trở về Việt Nam từ Thái Lan). Viên công an này đã có những lời lẽ gây hấn, khiêu khích và sỉ nhục những người tù chính trị đã bị đưa ra từ Xuân Phước, và chỉ đích danh tôi. Tôi cố giữ im lặng với hy vọng có thể đề nghị một hình thức tranh luận công khai về thái độ đúng sai của một số quản giáo cực đoan quá khích này. Tuy nhiên những tù nhân từ Xuân Phước khác đã có thái độ phản kháng ngay. Họ lớn tiếng phản đối và tôi, dĩ nhiên, phải bênh vực họ. Kết quả đã có 8 người bị giam vào những buồng cùm kỷ luật. Ông Phạm Anh Dũng về từ Pháp, và ông Nguyễn Ngọc Đăng về từ Canada cũng bị cùm “kiên giam” cùng với chúng tôi.

Chế độ cùm xà-lim ở trại Trung Ương 5 không thua gì chế độ cùm ở xà lim trại Xuân Phước. Những tù nhân tuyệt thực đều bị cắt luôn nước uống. Chính tôi trong hai lần tuyệt thực đều không hề nhận được một chút nước uống nào. Dù cố gắng đến đâu, tôi cũng chỉ có thể chịu đựng được 5, hoặc 6 ngày không nước uống.

Ở trại 5, chúng tôi không được tự do chia xẻ phần ăn với nhau. Gia đình dù có giúp được chúng tôi bằng cách gởi tiền vào trại, chúng tôi cũng chỉ được mua đồ ăn, lương khô (với giá cao hơn bên ngoài) trong giới hạn 200 ngàn đồng (tiền Việt Nam, tương đương 15 đô-la) mỗi tháng. Dù muốn chia xẻ với những người không có trợ giúp của gia đình, chúng tôi cũng không được phép làm. Đây là một thủ đoạn hèn hạ mà Bộ Nội Vụ (Cộng Sản Việt Nam) đã dùng để khống chế, hành hạ đời sống tù nhân chính trị.

Qua sự can thiệp của Đại Sứ Pháp, vợ và con tôi đã được phép vào Việt Nam và đến trại để thăm tôi. Nhưng cả hai lần thăm viếng này, Mẹ vợ, con gái nhỏ, và vợ tôi đều bị đuổi về không được gặp mặt tôi. Phần tôi, bị gọi “làm việc” liên tục và yêu cầu phải ký những văn bản nhận tội “tổ chức bạo loạn trong trại tù” để đổi lấy việc gặp vợ con và người thân. Nếu không ký thì không được gặp.

Dù rất đau lòng, tôi buộc lòng phải chấp nhận việc không được gặp vợ con từ Pháp về, lặn lội từ nhiều ngàn dặm, vượt qua bao cửa ải, để chỉ mong gặp mặt chồng, nhìn mặt cha, sau những năm dài mong đợi. Ngày tôi rời Pháp, con gái tôi mới vừa 5 tháng!!! Đâu là nhân đạo? Đâu là Lương Tâm của những người Cầm Quyền trong một đất nuớc mà chính họ thường huênh hoang là tiến bộ, độc lập, tự do, hạnh phúc..

Nhà cầm quyền Việt Nam, từ những năm 1982, đã ký cam kết tôn trọng và thực hiện những quy ước quốc tế về nhân quyền. Sự cam kết này đã không được nhà cầm quyền Việt Nam (Cộng Sản) tôn trọng và thi hành. Và có lẽ họ sẽ không bao giờ tôn trọng nếu không có những áp lực Quốc Tế và của những người hết lòng vì Tổ Quốc, vì Đồng Bào và vì Tình Nhân Lọai. Hiện thời, Chính Quyền Việt Nam vẫn tận lực bắt bớ, giam tù, cùm xích... những người có tư tưởng và hành động đối lập. Toà Án Nhân Dân, một công cụ đàn áp của chế độ, đã xử tử biết bao người mà dư luận trong và ngoài nước không hề biết đến vì Cộng Sản Việt Nam đã khéo léo đàn áp, bưng bít sự thật. Danh sách mà tôi đính kèm theo bản phúc trình này chỉ là một danh sách thu thập khiêm tốn, rất khiêm tốn so với những sự thực đã và đang diễn ra trên đất nước Việt Nam. Tôi xin lấy sinh mạng mình để bảo chứng giá trị thực của những tin tức này, và trân trọng kêu gọi sự quan tâm nhiều hơn nữa của các tổ chức nhân quyền quốc tế, cũng như lương tâm của quý vị thức giả đang đấu tranh cho Công Lý và Con Người trên toàn thế giới.

Tôi khẩn thiết kêu gọi luật pháp quốc tế hãy lên tiếng, hãy yêu cầu nhà cầm quyền Việt Nam phải ngưng ngay tức khắc những hình thức vi phạm nhân quyền một cách trắng trợn và dã man. Đặc biệt, tôi khẩn thiết kêu gọi quyền lực quốc tế lên tiếng ngăn chặn những hành vi tra tấn tù nhân tại Việt Nam. Trong nhiều trường hợp ra toà của các vụ án hình sự, 80% trăm bị cáo đều đã bị tra tấn ép cung, để buộc phải nhận những điều cáo buộc do Ban Điều Tra đưa ra. Tôi xin được nêu ra ở đây những trại giam tại Việt Nam hiện nay vẫn áp dụng hình thức cùm giam:

Trại Thái Bình và Hải Phòng: Trại giam của Ty Công An. Tại đây các phạm nhân thường phạm vẫn bị ép cung bằng ”Cùm Lập Là”. Loại cùm này được làm bằng hai miếng thép có hình dạng giống với một chiếc chân gỗ. Người tù bị đặt cả phần cẳng chân (từ cổ chân lên đến gần đầu gối) vào miếng thép dưới, ôm sát bụng chân. Miếng thép thứ hai được dập từ trên xuống, kẹp dính trọn cẳng chân của người bị cùm. Hầu hết những “cùm lập là” đều được làm với kích thước nhỏ hơn so với chân người bình thường. 90% những người bị cùm đều bị bật máu và chỉ vài ngày sau sẽ bị tê bại hoặc bị ung thối bắp chân. Chính tôi đã nhìn thấy những vết thẹo còn để lại trên chân của một số người tại trại 5. Họ đã xác nhận là nạn nhân của “cùm lập là” tại trại Tỉnh Thái Bình và Hải Phòng. Tình trạng cùm kẹp tại hầu hết các trại đều vẫn còn áp dụng. Chính tôi từng bị cùm nhiều lần, mỗi lần 12 ngày. Cùm dính sát chân xuống nền bê-tông, bàn chân áp sát vào tường. Người bị cùm không thể đứng lên được, chỉ có thể nằm hoặc ngồi, mọi việc vệ sinh đều vô cùng khó khăn và đau đớn. Trời nóng hay lạnh, đều duy nhất một bộ quần áo lót, không chăn màn, không khí ngột ngạt vì cửa gió rất hẹp, bóng tối và muỗi tràn đầy.

Trong khi đời sống chung quanh chúng ta, không ai còn phải quan tâm đến việc ăn uống, vì nó là một nhu cầu phải có và có sẵn, thì trong nhà tù của nước Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam hiện nay, tù nhân luôn luôn bị đói ăn, thiếu mặc. Vậy mà nhà nước Cộng Sản lúc nào cũng rêu rao rằng chính sách của họ là khoan dung, là nhân đạo!

Nhân đạo ở đâu khi mà trước mắt tôi, bao nhiêu tù nhân bệnh lao chỉ nằm chờ chết! Thuốc chữa lao chỉ dược cấp phát một liều lượng bằng 1 phần 10 nhu cầu của người bệnh. Cách chữa bệnh lao như vậy có khác chi cách giết người cách nhẩn nha để... những người Cộng Sản tiêu khiển. Tất cả những người mắc bệnh lao trong tù vì lây nhiễm, khi trở về với gia đình đều không thể chữa trị nổi chỉ vì cách “điều trị” vô cùng bất nhân cuả những kẻ được gọi là “y sĩ” trong nhà tù Cộng Sản, cách điều trị nửa mùa.

Bên cạnh đó, những tù nhân kinh tế (bọn cán bộ, công an tham nhũng, ăn cướp của dân) vung đồng tiền ra để mua chuộc sự giảm án hằng năm, thậm chí có trường hợp một năm được giảm 3 năm. Nếu có tiền, và chịu khó “chi” thì tất cả những việc lao dịch trong nhà tù đều được... miễn, hoặc có người khác làm thế. Tù nhân phải rình rập nhau, tố cáo nhau, mới mong có cơ hội được khoan hồng, nhất là đối với những tội danh chính trị.

Tù nhân bị buộc phải học tập hàng tháng, “kiểm thảo” và “tự xét” mình trước “tập thể” để rồi “bình xét” chung. Mọi người bị buộc phải phát biểu: “Thành thực ăn năn thống hối tội lỗi của mình”. Trước khi “tự xét”, mọi người phải xướng lên trước những người hiện diện “4 tiêu chuẩn cải tạo”, đã bị buộc phải học thuộc lòng ngay từ khi nhập trại. Đây là một hành động tự kỷ tinh vi, dai dẳng, trường kỳ, nhằm mục đích khiến những người tù chính trị phải tự đánh mất chính mình. Những người kiên cường giữ được khí tiết đều phải trả giá rất đắt, như bị giam buồng tối, bỏ đói, cắt giảm phần ăn, cắt liên lạc gia đình, không cho nhận quà thăm nuôi,... Những người tù chính trị chỉ còn có thể sống bằng ý chí và niềm tin. Trước mắt tôi, tại trại Đầm Đùn (còn gọi là Lam Sơn) vào tháng 6 năm 1996, bác sĩ Nguyễn Kim Long đã chết như thế. Không thăm nuôi, không được chữa bệnh, không được săn sóc. Một Thiếu Tá Quân Y VNCH lại có thể chết vì bệnh lao! Vì thiếu thuốc và suy dinh dưỡng!
Chính vì sự tra tấn dai dẳng và vì thèm ăn (do quá đói) mà ông KõTUM đã phải chết trong buồng biệt giam số 2, trại Lam Sơn, phân trại C, ngày 10 tháng 1 năm 1996. Chính sách dùng miếng ăn để khống chế, để phân hoá đội ngũ tù nhân, là một chính sách đê hèn của những con người Cộng Sản mệnh danh là giải phóng dân tộc, giải phóng áp bức.

Việc dùng quyền lực để ngăn chặn sự liên lạc giữa các tù nhân và gia đình họ là một việc làm dã man không có tính người. Gia đình nào cũng than phiền là không nhận được thư của người thân trong hàng năm trời. Trong khi đó hàng tháng, những tù nhân vẫn bị buộc phải “viết thư cho gia đình” ngay tại văn phòng, trước mặt “cán bộ an ninh.” Những tù nhân cứng cỏi rất ít khi nhận được thư gia đình, mặc dù họ biết chắc chắn gia đình họ vẫn hàng tháng gởi thư cho họ. Tất cả những người tù chính trị giữ lòng ngay thẳng trước bạo quyền đều bị hãm dìm tối đa việc nhận thư từ. Đa số những thư từ của gia đình họ không bao giờ được chuyển cho họ!

Các cán bộ công an còn tìm cách lăng mạ và xúc phạm danh dự các tù nhân, bằng cách bắt buộc các tù nhân phải gọi họ bằng “ông”, bằng “bà” và phải xưng là “cháu”. Có nơi nào trên thế giới mà tù nhân bị đối xử một cách ngược ngạo như vậy chăng?

Trong khi nhân loại ngày nay đang chủ trương đối thoại, đang nỗ lực dùng mọi khả năng trí tuệ để hoà giải những thù hận và dị biệt; thì ở Việt Nam, trong những năm tháng cuối cùng của thế kỷ 20, nhà cầm quyền Cộng Sản vẫn còn đang dùng cùm xích, dùng sự đói khát, dùng sự lăng mạ, để đàn áp cách dai dẳng các tù nhân, đặc biệt là những tù chính trị đối lập!

Đảng Cộng Sản đã quá coi thường dư luận thế giới và lương tâm con người. Tôi xin trích câu nói của một sĩ quan thuộc Bộ Nội Vụ, đã nói năm 1994 tại trại Xuân Phước, với những tù nhân đã được chính họ sắp xếp, như là những “đại diện tù nhân” để gặp phái đoàn Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc: “Tây đến rồi Tây lại đi. Chỉ còn lại chúng tôi và các anh sống chết trên đất này. Khôn khéo giữ mồm giữ miệng thì ấm thân, nói ngu nói dại thì suốt đời mang hoạ”

Tôi xin dùng câu nói của người cán bộ này để làm những hàng kết thúc cho phần giải trình liên quan đến vấn đề nhân quyền mà cá nhân tôi từng trải nghiệm, trong những nhà tù của nước Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam.

********** Phần thứ hai liên quan đến nhận định của cá nhân tôi về vấn đề luật pháp, một vấn đề thời sự đang xảy ra cách trầm trọng từng ngày trên đất nước Việt Nam, đặc biệt liên quan tới toà án và những trại tù.

Một quốc gia với một luật pháp ấu trĩ thì quốc gia ấy không thể nào hoà hợp được với cộng đồng thế giới và với văn minh loài người. Luật pháp hiện nay của Việt Nam Cộng Sản hiện nguyên dạng là một nền luật pháp rừng rú. Nền luật pháp ấy được xây dựng bởi những con người yếu ớt về nhân cách, nhỏ mọn về tâm hồn, nghèo nàn về kiến thức, và nhất là mù mờ về đạo đức luân lý. Cái gọi là Quốc Hội của nước Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam được hình thành không bởi những người được dân chúng tự do chọn lựa, từ ứng cử tới bầu cử. Trái lại, bầu cử ở Việt Nam hiện nay chỉ là một trò tuồng bịp bợm. Tất cả đều là đảng cử, đảng chọn. Người dân chỉ làm một thủ tục duy nhất là đi bầu xuông, bầu mà cũng chẳng cần biết mình bầu cho ai vì họ có quan tâm cũng bằng thừa. Tất cả đều đã được chọn trước. Dân “bị bắt” đi bầu để “hợp thức hoá” sự chọn lựa đã rồi của Đảng.

Người được bầu, hay nói đúng hơn người được chọn sẵn, vì thế mà không am tường, không có đủ những hiểu biết về luật pháp, để có thể làm một vị dân biểu. Trong mấy trăm ghế quốc hội hiện nay, có lẽ chỉ tìm được vài người có kiến thức và đạo đức. Mà một vài người thì làm được gì so với cái số còn lại xấp xỉ nửa ngàn nghèo-đói-văn-hoá kia!

Quốc Hội làm ra luật. Và những con người thiếu kém văn hoá kia, thiếu hẳn cái hiểu biết về Pháp Luật kia, đã đứng ra làm luật! Căn bản của những “người làm luật” này chỉ chất chứa trong đầu họ một điều duy nhất. Ấy là làm thế nào để Đảng bền vững. Đối với họ, lúc nào Đảng cũng cao nhất, Đảng là Anh Minh, Đảng là Không Thể Sai Lầm. Đảng đứng cả trên Tổ Quốc. Mà cái gọi là “Tổ Quốc” nằm trong đầu họ lại là một thứ “Tổ Quốc” được định nghĩa cách khác hẳn với chữ nghĩa Tổ Quốc thông thường. Ấy là “Tổ Quốc Xã Hội Chủ Nghĩa”, một thứ “tổ quốc” được giải thích cách mơ hồ và bịp bợm bởi lãnh đạo Đảng. Những người Cộng Sản đã dùng những hình thức mị dân, mơ hồ để lừa gạt người dân, để xúi bẩy, xô đẩy họ hy sinh cho cái “lý tưởng” không tưởng Cộng Sản. Trong khi đó những kẻ cầm quyền chóp bu chỉ việc ngồi trên hưởng lợi, mặc tình thao túng nền chính trị và xã hội của toàn quốc gia! Đảng bao giờ cũng đúng và những kẻ ngồi ghế Quốc Hội kia chỉ biết làm những ông bà... gật, những kẻ không biết phản đối.

Tư pháp là cái trò hề công lý ở đất nước Việt Nam hiện nay. Luật sư tại tòa án, thay vì bảo vệ thân chủ, lại quay ra “tố cáo” họ! Lương tâm của một luật sư được định nghĩa và đánh giá như thế nào tại Việt Nam, hỏi ai có thể giải thích được? Trong tất cả các phiên toà có liên quan đến chính trị ở Việt Nam, luật sư đều trở thành kẻ buộc tội bị can, những “thân chủ” của họ.

Còn trình độ thẩm phán thì thật vô cùng khôi hài. Có những “thẩm phán” chưa bao giờ học hết trung học! Có những thẩm phán ngọng ngoẹo, lóng ngóng khi ký tên trên những bản án tử hình, chẳng khác gì chữ ký của một người già tập viết những chữ đầu đời!
Hãy nhìn đất nước Việt Nam hôm nay: lập pháp, tư pháp và hành pháp đều nằm gọn trong sự khống chế của bộ máy công an, công cụ đắc lực và chủ yếu của Đảng Cộng Sản. Công an chỉ huy tất cả. Đảng khống chế tất cả.

Một bộ máy tư pháp không quyền hạn!
Một tập đoàn lập pháp không trí tuệ!
Một đội quân hành pháp không đạo đức!

Đấy là chân dung của luật pháp Việt Nam hiện tại. Đảng Cộng Sản đã thao túng tất cả, chỉ huy tất cả, hưởng lợi trên tất cả!!!

Đảng Cộng Sản Việt Nam phải chịu mọi trách nhiệm trước Lịch Sử Dân Tộc và trước Lương Tri Nhân Loại về sự nghèo đói và băng hoại tinh thần của thế hệ Việt Nam hôm nay.

Vào những tháng 9 và 10 năm 1998, nhà cầm quyền CSVN đã lớn tiếng tuyên truyền trước công luận thế giới về việc họ trả tự do cho hơn 8000 tù nhân tại Việt Nam, hàm ý chứng minh sự “nhân đạo” của chế độ đối với tù nhân, nhất là những người được dư luận thế giới gọi bằng danh xưng “Tù Nhân Lương Tâm”.

Thực chất, nhà cầm quyền Việt Nam đã chỉ trả tự do cho khoảng 30 tù nhân lương tâm, những người mà đã được dư luận quốc tế biết đến cách rộng rãi. Đại đa số tù nhân lương tâm vẫn còn bị giam giữ một cách nghiệt ngã. Con số mà chúng tôi biết được đã là hơn 50 người tại trại Trung Ương số 5, hơn 40 người tại trại Nam Hà, hơn 20 người tại Z30A (Xuân Lộc) và hơn 20 người tại trại Z30D (Hàm Tân). Rất khó để có thể biết cụ thể tên tuổi và địa chỉ của từng người một cách đầy đủ trong thời gian này (từ tháng 11, 1998 đến tháng 7 năm 1999). Tuy nhiên đây là một công việc không ngừng nghỉ của chúng tôi, cho đến khi mọi người được tự do.

Để kết thúc phần Phúc Trình Nhân Quyền về Nhà Tù Việt Nam, tôi trân trọng công bố danh sách những người đã bị Cộng Sản Việt Nam xử tử hình, bằng hình thức này hoặc hình thức khác; công khai hoặc lén lút. Tôi cũng đính kèm theo đây danh sách những tù nhân chính trị hiện còn bị giam giữ tại các trại Trung Ương 5, Nam Hà, Z30A, và Z30D do tôi biết hoặc thâu thập từ những nguồn hoàn toàn khả tín. Danh sách này chắc chắn không đầy đủ vì có những người tôi không có cơ hội biết đến, hoặc không thể nhớ được. Tất cả những người trong danh sách này đều mang án danh: “Hoạt Động (hoặc Âm Mưu) Lật Đổ Chính Quyền Nhân Dân”. Cuối cùng, tôi cũng đính kèm hình ảnh một số tù nhân chính trị mà chúng tôi đã lén chụp được năm 1994, tại trại A20, Xuân Phước. Đây chỉ là một phần nhỏ của sự thật, một sự thật mà Đảng Cộng Sản Việt Nam đã bằng mọi cách che đậy, bưng bít, lấp liếm, từ bấy lâu nay.

Đây cũng là câu trả lời cụ thể nhất, câu trả lời không thể chối cãi được cho lập luận “Ở Việt Nam Không Có Tù Chính Trị” mà Đảng Cộng Sản Việt Nam hằng rêu rao trước dư luận thế giới.

Đảng Cộng Sản Việt Nam có tôn trọng dư luận thế giới hay không? Đảng Cộng Sản Việt Nam phải chăng đã từng coi diễn đàn Nhân Quyền thế giới như một phường chèo hề? Thì đây, sự công bố này như là một lời xác định rõ ràng nhất.

Tôi, Phạm Văn Thành, một trung niên chẳng còn có gì để cống hiến, chỉ còn sinh mạng của mình nguyện dâng cho xứ sở. Và tôi trân trọng lấy sinh mạng mình để làm bảo chứng cho giá trị trung thực của toàn Bản Phúc Trình này. Tôi chỉ có một ước nguyện duy nhất, là ước mong một ngày không xa, Dân Tộc Việt Nam được hưởng những quyền tự do căn bản của con người, được hoà mình cách bình đẳng trong cộng đồng Nhân Loại, trong những tháng ngày cuối cùng của thế kỷ 20, trên quả đất này.

Trân Trọng Kính Trình,

Làm tại Paris ngày 25 tháng 11 năm 1998
(Bổ xung ngày 04 tháng 7 năm 1999 tại Connecticut, Hoa-Kỳ)
Phạm Văn Thành, Hội Viên Hội Yểm Trợ Nhân Quyền Việt Nam, Paris.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn