BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 76181)
(Xem: 62953)
(Xem: 40364)
(Xem: 31960)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Luận cứ bào chữa của LS anh Phạm văn Trội

08 Tháng Mười 200912:00 SA(Xem: 1393)
Luận cứ bào chữa của LS anh Phạm văn Trội
51Vote
41Vote
30Vote
20Vote
11Vote
3.33
  LUẬN CỨ BÀO CHỮA CỦA LUẬT SƯ HUỲNH VĂN ĐÔNG TRONG


VỤ PHẠM VĂN TRỘI BỊ TRUY TỐ THEO ĐIỀU 88 BỘ LUẬT HÌNH SỰ NƯỚC CHXHCN VIỆT NAM TẠI PHIÊN TÒA XÉT XỬ ÁN SƠ THẨM NGÀY 08.10.2009 TẠI TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI


Thưa Hội đồng xét xử (HĐXX)


 Tôi, luật sư Huỳnh Văn Đông thuộc văn phòng luật sư Thiên Tuế đảm nhận bào chữa cho anh Phạm Văn Trội bị truy tố và đưa ra xét xử về tội “Tuyên truyền chống nhà nước CHXH CN VN” theo yêu cầu của chị Nguyễn Thị Huyền Trang- vợ của Phạm Văn Trội.


 Trước khi vào phần bào chữa của mình, tôi cần thiết phải nói rằng; việc tôi tham gia bào chữa cho anh Trội xuất phát từ ý thức trách nhiệm nghề nghiệp của một người Luật sư được pháp luật nhà nước bảo hộ, thông qua việc bào chữa chúng tôi nói lên tiếng nói của người Luật sư nhằm xác minh sự thật để biện hộ cho thân chủ. Mọi sự quy chụp (nếu có) để nói rằng chúng tôi lạm dụng phiên tòa để tuyên truyền chống nhà nước là suy diễn mang tính chủ quan, vô căn cứ cần phải loại bỏ ngay lúc này – nếu ai đó đang cố tình thực hiện kế hoạch nhằm mục đích khép tội chúng tôi. Và qua đây, chúng tôi thành thật xin lỗi anh Trội cũng như gia đình anh về việc tôi đã không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của người Luật sư trong giai đoạn tiền xét xử. Mặc dù thủ tục chúng tôi đã làm đầy đủ và đã gởi cho tòa án nhân dân thành phố Hà Nội rất lâu (từ ngày 6.7.2009) nhưng mãi đến ngày 15.9.2009 tôi mới nhận trực tiếp từ trụ sở Toà án. 


 Để bắt đầu đi vào luận cứ bào chữa, tôi xin được tóm tắt nội dung bản cáo trạng số 02/VKSTC-V2 ngày 26 tháng 5 năm 2009 của VKSND Tối Cao như sau:


 “Từ năm 1999, công an tỉnh Hà Tây có nhận được nhiều đơn thư tố giác của quần chúng về hoạt động bất hợp pháp của anh Phạm Văn Trội.





 Tháng 11 năm 2006, để thể hiện rõ ý thức chống đối của mình, Phạm Văn Trội đã viết bài “Đơn tố cáo về chính sách an ninh của Nhà nước và ĐCSVN”. Nội dung của lá đơn này theo cáo trạng, anh Trội đã xuyên tạc sự thật, vu cáo nhà nước đàn áp dân chủ và bày tỏ quan điểm công khai ủng hộ Khối 8406.


 Trả lời phỏng vấn trên các báo đài về việc bị công an, quần chúng đánh đập.


 Và kiểm tra máy tính của anh Trội, cơ quan công an đã thu giữ được các tài liệu có nội dung xuyên tạc, vu khống nhà nước CHXH CN VN…”…vv…


 Trên đây là nội dung tóm lược từ cáo trạng số 02/VKSTC-V2 và là chứng cứ nhằm buộc tội Phạm Văn Trội đã phạm vào tội “Tuyên truyền chống nhà nước CHXHCNVN” theo điểm c, khoản 1 điều 88 BLHS. Điểm c, khoản 1, điều 88 quy định: “người nào có một trong các hành vi sau đây nhằm chống Nhà nước CHXHCNVN, thì bị phạt tù từ 3 năm đến 12 năm”


 c) Làm ra, tàng trữ các tài liệu có nội dung chống nhà nước CHXHCN VN. 


 Trước khi phân tích từng chứng cứ cụ thể, chúng tôi thiết nghĩ cần làm rõ khái niệm thế nào là tuyên truyền. Tuyên truyền theo khái niệm tiếng Việt là “truyền ra cho mọi người cùng biết”


 Nhắc đến hoạt động tuyên truyền chúng ta phải hiểu đó là việc làm của 1 tổ chức với đầy đủ trang thiết bị nhằm đưa thông tin về một vấn đề gì đó cho 1 cộng đồng dân cư cụ thể. Nếu chỉ một cá nhân với một chiếc máy tính nhỏ thì không đủ điều kiện để thực hiện hành vi có tính chất, qui mô cái gọi là tuyên truyền.


 Cáo trạng cáo buộc anh Trội đã thực hiện 2 hành vi theo điểm c; “làm ra” và “tàng trữ”. 


 1. Việc anh Phạm Văn Trội (PVT) “làm ra” đơn tố cáo về chính sách an ninh của nhà nước và ĐCSVN và được loan tải trên mạng inernet không phải là hành vi tuyên truyền chống nhà nước. Vì các lẽ sau đây:


 + Các trang web mà cáo trạng đưa ra như www.thongtin.brinkster.net hay trang www.ykien.com là những trang mà trình duyệt web hiện nay dù cố nhiều lần chúng tôi vẫn không thể vào được, vì các trang này bị chặn bởi tất cả hoặc hầu hết các nhà cung cấp dịch vụ Internet tại Việt Nam nên người dân VN ở trong nước khó có khả năng tiếp cận những trang tin này để đọc các tin tức nói chung và bài viết của bị cáo nói riêng.


 Theo Viện kiểm sát nhân dân TP – Hà Nội (VKSNDTPHN), phạm vi của việc tuyên truyền (dù việc phát tán ở đây không phải do bị cáo thực hiện), là lớn đến đâu ? Và bằng cách nào có thể xác định được phạm vi ảnh hưởng (mà một yếu tố là lượng người đọc) của bài viết này ? để từ đó định lượng được mức độ nghiêm trọng của hành vi ? Chúng tôi cho rằng, mặc dù tội phạm điều 88 có cấu thành hình thức nhưng yếu tố ảnh hưởng của cái gọi là “tuyên truyền” cần phải được chứng minh một rõ ràng để phân biệt hành vi đó có phải là “tuyên truyển chống nhà nước” hay chỉ là một sự trao đổi thông tin bình thường giữa các cá nhân với nhau. Điều này, VKSNDTP - HN cũng chưa làm được.


 + Kể từ khi “làm ra” tài liệu, bị cáo chỉ gửi nó cho một số người trong mail-list (danh sách địa chỉ email cá nhân) của mình. Việc gửi nhận trong mail-list có tính riêng tư, với số người nhận hạn chế. Bị cáo không hề phát tán tài liệu một cách rộng rãi, dù là trực tiếp hay gián tiếp (ở đây là qua mạng Internet). Việc phát tán này, thực tế, được thực hiện bởi một người nào đó mà anh Trội cũng không hề biết. Nếu VKS cho rằng việc phát tán trên mạng Internet được thực hiện bởi tác giả, VKSNDTP-HN phải chứng minh cụ thể việc tác giả gửi tài liệu cho các trang tin trên mạng Internet bằng cách nào ? Tuy nhiên, hồ sơ đã không có bằng chứng nào để chứng minh điều đó.


 + Xét nội dung của Đơn tố cáo : Phần đầu, anh Phạm Văn Trội có nêu lên những việc làm sai trái của cơ quan công an tỉnh Hà Tây. Ngày 12/11/2006 có 5 người tự xưng là công an đã có hành vi ngăn cấm việc anh Trội trong việc tự do đi lại một cách trái pháp luật. Sự việc này kéo dài cho tới ngày 20/11/2006.


 Phần sau của lá đơn anh bày tỏ quan điểm của mình một cách ôn hoà để phản ánh những bất cập còn tồn tại mà người công dân chân chính cần phải đấu tranh. “Là công dân, tôi có trách nhiệm bảo vệ tổ quốc mình – bộ mặt của cả dân tộc Việt Nam, bảo vệ những lẽ phải, bảo vệ mọi việc làm đúng đắn và chính nghĩa, đấu tranh chống lại mọi tiêu cực, sẳn sàng hợp tác chống khủng bố, chống việc lật đổ nhà nước được nhân dân bầu lên thông qua tổng tuyển cử do công bằng và dân chủ thực sự…”


 Hành vi của công an tỉnh Hà Tây cũ rõ ràng trái pháp luật bỡi lẽ : Anh Phạm Văn Trội khi đó không hề chịu sự quản chế bằng một quyết định có hiệu lực pháp luật nào của cơ quan có thẩm quyền. Việc tố cáo hành vi trái pháp luật của bất cứ ai, kể cả cơ quan nhà nước là một hành vi tự vệ bình thường mà bất cứ công dân Việt Nam nào cũng được quyền làm, rất hợp pháp và không bị cấm cản của bất cứ quy định pháp luật nào.


 Thưa quý tòa!


 Đọc qua toàn bộ nội dung của lá “Đơn tố cáo và phản đối chính sách an ninh của nhà nước và ĐCSVN” của anh Phạm Văn Trội viết, chúng ta có thể bắt gặp vài câu chữ phản đối chính sách đàn áp vô cớ của cơ quan an ninh mà bản thân anh Trội là nạn nhân của những cuộc trấn áp đó. Và cũng vì xuất phát từ sự đàn áp vô pháp của công an, an ninh tỉnh Hà Tây cũ nên anh Trội đã có cuộc trả lời phỏng vấn bằng điện thoại trên các phương tiện tuyền thông đây là biểu hiện tự vệ, phản kháng của một cá nhân khi quyền lợi của mình bị phương hại.


 Một điều lạ nhưng hết sức bình thường ở Việt Nam chúng ta là khi một cá nhân hay tổ chức nói rằng bị chính quyền đàn áp dù sự việc có thật hay không thật nhưng thực tế cho thấy, chính các cơ quan truyền thông trong nước đã không đến tìm hiểu và phỏng vấn anh Trội, khi bản thân mình bị đối xử trái pháp luật mà có người thăm hỏi, phỏng vấn thì về mặt tâm lý cá nhân rõ ràng trả lời, chia sẻ về chính mình là điều hết sức tự nhiên. Hỏi và trả lời là một quá trình giao tiếp thông thường của con người, hơn nữa, thực tế anh Trội được gọi điện thoại hỏi chứ không phải tự anh gọi điện thoại đến báo, đài ấy để yêu cầu tuyên truyền cho mình. Pháp luật Việt nam không có quy định nào cấm trả lời phỏng vấn. Như vậy, việc trả lời trên các báo đài ấy của anh Trội không thể được xem là hành vi “tuyên truyền” như VKSNDTP - HN đã nêu. Tự do thông tin, tự do báo chí phải cho các bên được quyền nói lên tiếng nói bảo vệ mình.


 Người xưa có câu: “Không có lửa làm sao có khói”, nếu không bị đàn áp việc gì anh Trội lại tố cáo, quý vị hãy xem lại hình ảnh ngày 28 tháng 6 năm 2008 với vết thương còn chảy máu trên mí mắt chắc chắn không thể do anh Trội tự gây ra – vì anh Trội không phải là người tâm thần và cuộc trả lời Phỏng vấn của anh Ngô Quỳnh trên diễn đàn Paltalk trên Mạng toàn cầu cùng ngày sẽ giúp cho quí Tòa hiểu được phần nào của sự việc có hay không anh Trội bị đánh đập một cách vô cớ. 


 Nội dung đơn tố cáo còn nói lên những suy nghĩ, nhận định và mong muốn của riêng cá nhân anh Trội. Những điều trăn trở, ưu tư đó tôi nghĩ không dành cho riêng anh PVT mà là cho tất cả công dân có trách nhiệm của Việt Nam.


 Công khai bày tỏ thái độ bảo vệ Tổ quốc, công khai bày tỏ và ủng hộ cho Dân chủ, Tự Do, Nhân quyền, công khai chống lại áp bức, bất công, khủng bố lại là hành vi nguy hiểm cho xã hội được sao ? Một đất nước tiến bộ và văn minh sẽ không bao giờ có cách suy nghĩ và hành động mang tính quy chụp như thế. Văn minh XHCN không cho phép chúng ta suy diễn hành vi, tư tuởng của người khác một cách thô thiển, vụng về. Văn minh XHCN không cho phép chúng ta làm trái Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị, Tuyên ngôn toàn thế giới về nhân quyền mà “nhà nước của chúng ta” đã tự nguyện gia nhập. Thật vậy, tại điều khoản cuối cùng của bản Tuyên ngôn có viết "Không được phép diễn giải bất kỳ điều khoản nào trong Bản tuyên ngôn này theo hướng ngầm ý cho phép bất kỳ quốc gia, nhóm người hay cá nhân nào được quyền tham gia vào bất kỳ hoạt động nào hay thực hiện bất kỳ hành vi nào nhằm phá hoại bất kỳ quyền và tự do nào nêu trong Bản tuyên ngôn này".


 Tóm lại, hành vi “làm ra” cái “Đơn tố cáo chính sách an ninh nhà nước và ĐCSVN” không hề có nội dung xuyên tạc, vu khống cho bất kỳ một cá nhân nào nói chi đến nhà nước. Nội dung của lá đơn đó chỉ thể hiện quan điểm, nhận định của một cá nhân về một vấn đề khách quan bằng phương pháp xã hội mà những điều này không trái với quy định hiện hành của nhà nước.


 2. Về các tài liệu thu thập được từ hộp thư điện tử của anh Phạm Văn Trội (PVT) để cáo buộc PVT có hành vi “tàng trữ”: 


 Chúng tôi cần nhắc lại rằng, qua ba lần cho phần mềm phục hồi các dữ liệu đã mất vào máy tính của anh Trội, thì cơ quan an ninh điều tra mới in ra được hơn 30 đầu tài liệu các loại. Cáo trạng nhận định đây là những tài liệu có nội dung “phản động, chống phá nhà nước”... Tôi chưa cần phải phân tích nội dung cùa những tài liệu ấy “phản động” đến đâu hay chỉ là những tài liệu trao đổi thông tin một cách bình thường giữa cá nhân anh Trội với người khác hay với tổ chức khác. Tôi chỉ cần lưu ý một điểm rằng, những tài liệu này là nằm trong “hộp thư đến” của anh Trội, tức những tài liệu này được người khác gởi cho anh. Nếu anh trội có hành vi tàng trữ những tài liệu có nội dung chống nhà nước thì không riêng chỉ hộp thư đến mà ngay trong ổ cứng của máy tính anh Trội cũng thể hiện điều đó. Trong hồ sơ vụ án, chúng ta không hề thấy có một tài liệu liệu nào trong máy tính của Trội dù cho cơ quan công an đã cài phần mềm phục hồi. Chứng tỏ, anh Trội không “tàng trữ” bất cứ tài liệu nào mà có hại cho đảng và nhà nước. Những tài liệu nằm trong hộp thư điện tử của anh Trội nó tồn tại ngoài ý chí chủ quan của anh Trội. Việc người khác có điạ chỉ email của anh Trội là chuyện bình thường, nên người ta có thể gởi cho anh ta bất cứ thứ gì mà anh không thể kiểm soát. Đừng nói gì đến thư điện tử trong thời đại internet phát triển mạnh mẽ như hiện nay, ngay cả hộp thư gia đình bình thường để ở ngoài đầu cổng, ai có thể kiểm soát được người gởi đã gởi cho gia chủ đó cái gì nếu không lấy ra để kiểm tra ? Nếu ai đó cố tình gởi cho tôi một vật hay 1 lá thư có nội dung nói xấu nhà nước rồi ngay lập tức công an ập đến bắt tôi và rồi phải đứng trước tòa như anh Trội ngày hôm nay và tôi phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi “tàng trữ” như anh Trội sao ? 


 Theo từ điển tiếng Việt, tàng trữ có nghĩa là "cất giấu", hoặc có thể hiểu đơn thuần là "lưu giữ".


 Anh Phạm Văn Trội, vào thời điểm bị khởi tố, cơ quan điều tra không tìm thấy bất cứ một tài liệu có nội dung chống nhà nước trong máy của anh Trội. Các “Tài liệu” này được cơ quan điều tra an ninh tìm ra nhờ biện pháp khôi phục dữ liệu.


 Ở đây, hành vi của anh Phạm Văn Trội không thể được xét theo nghĩa "lưu giữ", vì anh Trội đã xóa bỏ tài liệu này khỏi máy tính (nếu có). Hành vi lưu giữ và hành vi xóa bỏ là hai hành vi trái ngược nhau. Cho nên, chỉ có thể xét hành vi của bị cáo theo nghĩa còn lại là "cất giấu".


 Cũng theo từ điển tiếng Việt, "cất giấu" có nghĩa là: "để vào chỗ kín đáo, không cho ai thấy, ai biết". Mục đích của việc cất giấu là để tránh bị phát hiện. Việc cất giấu có thể mang tính tạm thời, hoặc vĩnh viễn.


 (a). Nếu việc cất giấu mang tính tạm thời, thì người cất giấu một cái gì đó phải có ý định lẫn khả năng lấy lại từ nơi cất giấu cái đã cất giấu.


 Nếu cho rằng bị cáo dùng cách thức xóa tài liệu như một cách thức cất giấu tạm thời, thì VKSNDTP-HN phải chứng minh được rằng bị cáo có ý định lẫn khả năng lấy lại từ máy tính tài liệu này. Nếu không chứng minh được, thì tài liệu này không thể được dùng như một bằng chứng của việc cất giấu tạm thời (tàng trữ).


 (b). Nếu việc cất giấu mang tính vĩnh viễn, thì hoặc người cất giấu không có ý định lấy lại thứ đã cất giấu, hoặc người cất giấu không có khả năng lấy lại thứ đã cất giấu.


 (b1) Nếu không có ý định lấy lại thứ đã cất giấu, thì có nghĩa người cất giấu không hề có ý định tiếp tục giữ cho mình thứ đã cất giấu,


 (b2) Nếu không có khả năng lấy lại thứ đã cất giấu, thì có nghĩa người cất giấu không hề có khả năng tiếp tục giữ cho mình thứ đã cất giấu.


 Trong cả hai trường hợp (b1) và (b2), người cất giấu, sau khi thực hiện hành vi cất giấu, không có ý định hoặc khả năng gây phương hại cho xã hội bằng cái đã cất giấu, nên không thể truy cứu hành vi này như một tội.


 Tội phạm và cấu thành tội phạm phải được dựa trên cơ sở luật định. Mặt chủ quan là một trong bốn yếu tố cấu thành tội phạm. Chúng ta cần phải làm rõ ý thức chủ quan của anh Trội trong việc tồn tại hơn 30 tài liệu trên. Theo chúng tôi nhận thấy, sự tồn tại của hơn 30 đầu tài liệu này nằm ngoài tầm kiểm soát của anh trội, hoặc như anh Trội có hành vi tàng trữ thật thì đến thời điểm khởi tố vụ án, những tài liệu ấy đã không còn, nên rõ ràng anh Phạm Văn Trội không hề có hành vi tàng trữ như cáo buộc của VKSDNTP- HN.


 Thưa quý toà và toàn thể HĐXX !


 Trong Công ước quốc tế về quyền dân sự và chính trị tại điều 19 có nói rõ rằng: “Mọi người đều có quyền giữ vững quan niệm mà không ai bị can thiệp – mọi người có quyền tự do phát biểu quan điểm, quyền này bao gồm quyền tự do tìm kiếm, tiếp nhận và phổ biến mọi tin tức và ý kiến bằng truyền khẩu, bút tự hay in ấn, dưới hình thức nghệ thuật hay bằng mọi phương tiện truyền thông khác không kể biên giới, quốc gia….”. Và Điều 2 Công ước này cũng quy định: “Các quốc gia thành viên ký kết Công ước này cam kết tôn trọng và bảo đảm thực thi những quyền được nhìn nhận trong Công ước cho tất cả mọi người sống trong lãnh thổ và thuộc thẩm quyền quốc gia, không phân biệt chủng tộc, màu da, giới tính, ngôn ngữ, tôn giáo, nam nữ, chính kiến hay quan niệm, nguồn gốc quốc gia hay xã hội”. Chúng ta cũng đều biết rõ rằng Nhà nước CHXHCN Việt Nam đã tham gia và cam kết thực hiện các Công ước quốc tế đó được cụ thể hóa bằng điều 69 của Hiến pháp quy định rằng : “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, có quyền được thông tin, có quyền được hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật ”


 Vì vậy, hành vi của anh PVT là hành vi của một công dân đang thực hiện những gì pháp luật cho phép. Chúng tôi không thể tin rằng, ở một xã hội dân chủ và văn minh như VN mà quyền tự do phát biểu, tự do có chính kiến riêng của mình, tỏ rõ thái độ yêu đất nước lại có thể bị bắt giam và đưa ra xét xử như thế này. Trong vụ án này nếu có tội, anh Phạm Văn Trội chỉ phạm một tội duy nhất là tội dám nói lên những tiêu cực còn tồn tại trong xã hội, dám nói thật và nói thẳng những quan điểm, chính kiến của mình và chấp nhận hậu quả cho những hành động đó nhưng tội danh này không có trong bộ luật hình sự của nước CHXHCN VN.


 Nếu xét xử và buộc tội anh PVT có hành vi tuyên truyền chống nhà nước bằng cái đơn “Tố cáo chính sách an ninh nhà nước và ĐCSVN” thì tôi nghĩ rằng cả tập thể Tòa soạn báo ĐCSVN cũng phải đi tù nốt vì hành vi công khai dâng biển cho Trung Quốc bằng việc biểu dương sức mạnh của quân đội Trung quốc trên vùng biển Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam thông qua bài báo trên trang báo điện tử trên mạng của ĐCSVN ngày 4.9.2009 vừa rồi. Nhưng chúng ta chỉ thấy ông tổng biên tập Đào Duy Quát chỉ bị “khiển trách” hết sức nhẹ nhàng và bị phạt 30 triệu đồng VN. Dư luận rất bất bình trước những thông tin được loan tải trên trang nhà của ĐCSVN và càng bức xúc trước “hình phạt” như gãi ngứa đối với cá nhân có trách nhiệm nên có người gọi đó là thứ “Công lý bất công” !!! 


 Từ những phân tích trên, căn cứ vào chứng cứ có trong hồ sơ và diễn biến công khai tại phiên toà hôm nay, căn cứ vào các quy định của pháp luật hiện hành. Chúng tôi nhận thấy rằng, hành vi của anh Phạm Văn Trội không hề gây nguy hiểm cho xã hội, không phương hại cho bất cứ một quan hệ nào được pháp luật bảo vệ và vì thế, đương nhiên Phạm Văn Trội không phạm tội.


 Tôi đề nghị quý HĐXX tuyên bố anh Phạm Văn Trội không phạm tội và nên được phóng thích tại Tòa.


 Và để kết thúc phần trình bày của mình, tôi xin được trích dẫn một đoạn trong cuốn Lên Án Chủ Nghĩa Thực Dân do Nhà xuất bản Sự Thật phát hành năm 1959 như sau:


 “Nhà tù nhiều hơn trường học và lúc nào cũng chật ních người. Bất kỳ người nào có tư tưởng về chế độ khác đều bị bắt mà không cần xét xử. Chúng tôi không có quyền tự do báo chí và tự do ngôn luận, ngay cả quyền tự do hội họp và lập hội cũng không có. Việc những tờ báo hoặc tạp chí có tư tưởng tiến bộ được coi là một tội nặng. Rượu cồn và thuốc phiện cùng với báo chí phản động của bọn cầm quyền bổ sung cho công cuộc làm ngu dân của chính phủ. Nhà tù làm nốt phần còn lại…


 Đối ngoại chúng cúi đầu uốn gối, cam chịu cắt đất đai của đất nước, ngậm hơi nuốt nhục dâng quyền lợi của nhân dân cho ngoại bang…


 Chúng vụng về trong việc phát triển kinh tế đất nước , nhưng chúng lão luyện trong nghề đàn áp dã man và trong việc chế tạo ra lòng trung thành bắt buộc. Nếu các ông Ganh Di, de Valera sinh ra ở đây có lẽ đã bị chúng cho lên thiên đàng từ lâu rồi. Bị tất cả những thủ đoạn thâm hiểm của tòa án vây quanh, một chiến sĩ ở bản xứ khó lòng tiến hành giáo dục cho đồng bào mình hiểu bị áp bức, bóc lột thế nào mà không bị sa vào nanh vuốt của chúng…..


Yêu cầu


Ân xá toàn thể chính trị phạm ở Việt Nam


Tự do báo chí và tự do tư tưởng


Tự do lập hội và tự do hội họp


Thay đổi sắc lệnh bằng đạo luật.


 Và chúng tôi khẳng định, xã hội XHCN chúng ta không phải là xã hội Thực Dân nên hy vọng sẽ không có sự lên án tương tự như ông Hồ Chí Minh đã lên án như trên. Tôi trân trọng cảm ơn HĐXX đã lắng nghe.


Luật sư Huỳnh Văn Đông


Tại Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội số 43 phố Hai Bà Trưng, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội


Ngày 08/10/2009



Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn