BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73356)
(Xem: 62245)
(Xem: 39432)
(Xem: 31178)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Khủng hoảng và giải pháp cho Việt Nam

29 Tháng Năm 200812:00 SA(Xem: 1271)
Khủng hoảng và giải pháp cho Việt Nam
52Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
52
Chỉ số giá tiêu dùng ở Việt Nam sau một tháng “hạ nhiệt” đã tiếp tục leo thang cùng sự xuống dốc không phanh của thị trường chứng khoán.

Hệ thống ngân hàng thì mong manh có thể gặp vấn đề bất kỳ lúc nào cho dù Ngân hàng nhà nước luôn khẳng định về sự ổn định. Thị trường bất động sản lại đóng băng.

Tất cả những vấn đề đó chưa nóng bằng những cơn sốt hàng hoá có thể diễn ra bất kỳ lúc nào, khiến chính phủ “toát mồ hôi hột” dập tắt cũng như công khai nguyên nhân tại sao có sốt.

Sao đến nông nỗi này ?

Một năm trước đây, vẫn hệ thống - thể chế đó, vẫn những con người đó, Việt Nam đã từng nghĩ đến cơ hội đổi vận thì nay trở thành thách thức chưa biết sẽ đi về đâu.

Việt Nam đang phải trả giá cho việc trọng dụng những con người tư tưởng - ý thức hệ, thiếu năng lực nhưng giỏi thích ứng trong môi trường xã hội chủ nghĩa.

Trong khi đó, giới trí thức bị đảng cầm quyền “soi xét” nếu sử dụng và gần như không có cơ hội trở thành lãnh đạo chủ chốt.

Một xã hội, một nền kinh tế không được vận hành theo qui luật khách quan, đã “ngấm” trong lòng Việt Nam, thay vào đó là những khẩu hiệu, những chỉ tiêu, kế hoạch...mang nặng tính hình thức, duy ý chí được áp đặt từ nhà cầm quyền.

Ngay cả khi đảng cầm quyền chấp nhận đổi mới, thừa nhận kinh tế thị trường, thì quyền được làm giàu của người dân cũng bị “loại trừ” trong nhiều lĩnh vực.

Về chính trị, các quyền của người dân lại càng “mờ mịt” hơn. Nói cách khác, nhà nước là quyền lực khống chế sức bật của cả dân tộc khiến người dân mất đi sự năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm.

Trong khi đó, những kẻ cơ hội lại ngày càng sinh sôi nảy nở, trở thành một quyền lực vô hình, từng bước kiểm soát xã hội cả về kinh tế và chính trị.

Chính Thủ tướng Dũng đã thừa nhận trước Quốc hội, rằng những khó khăn (chứ không dám nói là khủng hoảng) là do yếu kém nhiều năm trước đây tích tụ, nay phát tác, trong khi chính phủ thiếu năng lực dự báo.

Trách nhiệm

Dư luận muốn thấy trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức đã đưa đất nước vào “vòng xoáy” khủng hoảng mang tính dây chuyền hiện nay. Đó không phải là nhận trách nhiệm để rồi tiếp tục tại vị đến hết nhiệm kỳ.

Cần có những cá nhân phải từ chức hoặc bị cách chức để những con người có năng lực hơn, dám làm hơn, dám chịu trách nhiệm cá nhân, có cơ hội làm việc cho dân, cho nước.

Ngoài ra là trách nhiệm của người đứng đầu chính phủ, vì dù sao, bộ trưởng, những tư lệnh ngành cũng chỉ là người giúp việc cho thủ tướng.

Nếu trách nhiệm không rõ ràng, đến bao giờ người tài, có năng lực, dám làm, dám chịu mới được thi thố tài năng? Những kẻ yếu kém, cơ hội, mới bị thanh lọc?

Người ta không thể quên được Thủ tướng Dũng đã “đối thoại” với dân như thế nào, đã chỉ đạo như thế nào về các “vụ án trọng điểm” khi mới nhận cương vị người đứng đầu chính phủ.

Từ những thể hiện bên ngoài đó, xã hội, giới đầu tư đã kỳ vọng vào ông, vào cơ hội của đất nước. Đã đến lúc Thủ tướng cần đáp lại những kỳ vọng đó, cho nhân dân biết ông đã thực hiện những gì và chưa làm được những gì của các cuộc đối thoại.

Trong thông điệp gửi nhân dân về quyết tâm kiềm chế lạm phát , một trong những giải pháp được người đứng đầu chính phủ thông báo cho toàn dân là: giảm chi tiêu và đầu tư công.

Vậy, trong hai tháng đã qua, Việt Nam đã giảm được bao nhiêu đồng và những chuyển biến tích cực nào từ chuyện giảm đó?

Nhân dân cũng nhớ, thủ tướng là người ký các quyết định cho thành lập “thử nghiệm” tám tập đoàn kinh tế nhà nước, kể từ tháng 8/2006 đến năm 2007.

Kết quả thử nghiệm đó ra sao? Cần những con số, những đánh giá độc lập về các tập đoàn kinh tế nhà nước để người dân biết mồ hôi - công sức của mình được quản lý hiệu quả, không có rủi ro.

Và cũng để môi trường kinh doanh không bị méo mó làm cho đất nước mất khả năng hấp dẫn, chỉ vì “quyền” kinh doanh và tác động đến chính sách của các tập đoàn này.

Mở cửa để có giải pháp

Những ngày gần đây, ngoài các vấn đề kinh tế ảnh hưởng trực tiếp đến đại bộ phận nhân dân thì có rất nhiều “sự kiện” liên quan đến truyền thông và tiếng nói của nhân dân.

Đó là “sự kiện” ông Nguyễn Việt Tiến được minh oan và đồng hành với việc minh oan trên có hai nhà báo đã trở thành can phạm đã tạo ra hiệu ứng không tích cực đối với đất nước.

Chẳng nhẽ, dân cứ phải đóng thuế để nuôi truyền thông nhà nước trong khi muốn biết tin “sốt dẻo” nhiều khi là chính xác lại phải tìm đến thông tấn xã ...vỉa hè ?

Đó là chưa nói đến cái giá Việt Nam phải mang khi thế giới “đặt điều” rằng truyền thông Việt Nam “thỉnh thoảng” bị “bịt miệng”.

Ngoài những thách thức từ bên trong, Việt Nam còn phải đối diện với nguy cơ từ bên ngoài. Đó không chỉ là tranh chấp trực diện về lợi ích giữa Việt Nam và Trung Quốc.

Trước hết, con đường của Việt Nam chỉ có thể là về đối nội, đảng cầm quyền cần thanh lọc chính mình, thoát khỏi dây trói của ý thức hệ.

Hai là, thay vì kiểm soát tinh vi ngành truyền thông đã đến lúc cần nghĩ lớn: truyền thông là cánh cửa đến thế giới phát triển. Không phải tự nhiên Anh - Mỹ là những quốc gia hàng đầu về truyền thông.

Không nên “bỏ một giỏ” vào hệ thống truyền thông nhà nước, khi tư nhân làm hiệu quả hơn. Hãy luật hoá để tư nhân được danh chính ngôn thuận đầu tư – kinh doanh truyền thông, in ấn, xuất bản ở Việt Nam.

Ba là: Không thể trao tài sản quốc gia vào tay những doanh nghiệp nhà nước. Đã đến lúc toàn cầu hóa đội ngũ nhân sự các công ty nhà nước, hoạt động theo lệnh thị trường.

Ngưng “thử nghiệm” mô hình tập đoàn kinh tế nhà nước, cũng như biến các lĩnh vực động quyền nhà nước trong đó có tài nguyên quốc gia thành môi trường cạnh tranh, thúc đẩy kinh tế tư nhân tham gia vào mọi lĩnh vực kinh tế.

Bốn là: Thúc đẩy các trung tâm nghiên cứu và phát triển tư nhân, của các tập đoàn đa quốc gia. Mô hình Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn, Viện Nghiên cứu Phát triển (IDS) cần được nhân rộng.

Đặc biệt cần mời các trung tâm nghiên cứu và phát triển ( R&D) của các tập đoàn đa quốc gia, thu hút họ đến Việt Nam.

Năm là: Đảng cầm quyền, thúc đẩy các doanh nhân thành đạt trên thương trường tham gia điều hành đất nước với vị trí tỉnh trưởng hoặc bộ trưởng. Hội nhập toàn cầu cần những con người của thương trường trên chính trường.

Trường hợp ông Nguyễn Quốc Kỳ tham gia quản lý (quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch) gần đây thể hiện xu thế này. Đáng tiếc, ông Kỳ, đúng hơn là những người “mời ông “ tham chính đã không đủ bản lĩnh thực hiện ý tưởng của mình.

Sáu là: Bằng mọi giá, đảng cầm quyền, sức ép của nhân dân phải tách tư pháp độc lập. Vụ liên quan tới ông Nguyễn Việt Tiến và các nhà báo càng đòi hỏi điều đó.

Bảy là: Tập trung nguồn lực, chính sách, tạo lực đẩy cho nông nghiệp Việt Nam có một vị thế chi phối trên thị trường nông nghiệp toàn cầu.

Khi nguy cơ khủng hoảng thực phẩm ngày một rõ nét, không có lý gì một nhà xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới như Việt Nam không vươn lên kiểm soát thị trường, ấn định luật chơi?

Người ta sống vì tương lai. Đó cũng là văn hoá và lựa chọn của người Á Đông, mà trong trường hợp này là người Việt Nam. Những sai lầm chỉ có một cách sửa là thay đổi càng sớm và càng triệt để thì mới lấy lại được niềm tin của xã hội.

Điều người dân muốn lúc này không phải là sự trấn an kiểu: Việt Nam có triển vọng dài hạn sáng sủa, khó khăn trước mắt có thể vượt qua, hãy tin vào đảng cầm quyền.

Phạm Hùng Vỹ

Gửi cho BBC từ Hà Nội
29/05/2008

Tác giả làm việc tại công ty tư nhân mang tên Giải pháp Việt Nam ở Hà Nội. Bài viết thể hiện quan điểm riêng của người viết.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn