BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 72814)
(Xem: 62102)
(Xem: 39201)
(Xem: 31056)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Nghĩ về Thượng tọa Thích Thiện Minh

24 Tháng Tư 200812:00 SA(Xem: 876)
Nghĩ về Thượng tọa Thích Thiện Minh
51Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
51
Trước kia chẳng biết Thầy Minh 
Thì nay không hẹn mà mình gặp nhau. 
Đức Chúa, Đức Phật trên cao, 
Hai ta ngục sĩ kết giao nghĩa tình. 

Tôi muốn mô phỏng bài thơ mà đồng nghiệp của tôi, Linh mục Nguyễn Luân, đã tặng cho Thượng tọa Thích Thiện Minh khi hai vị gặp nhau ở trại tù A20 Xuân Phước. Tôi thì chưa có vinh hạnh gặp Thượng tọa diện đối diện, chỉ đôi lần trò chuyện ngắn gọn qua điện thoại thôi. Nhưng tâm hồn tôi đã gặp tâm hồn Thượng tọa từ lâu, ngay sau khi Thượng tọa ra tù ngày 02-02-2005 (cùng lúc với chiến hữu của tôi là linh mục Nguyễn Văn Lý) và bắt đầu trả lời nhiều cuộc phỏng vấn trên đài phát thanh Chân Trời Mới lẫn Quê Hương. Khi ấy, liên tưởng tới lời Đức cố Giáo hoàng Phaolô VI (+1978) nhắn nhủ tín hữu Công giáo: “Làm Kitô hữu trong thời đại này mà chẳng chịu gian khổ thì không thể là Kitô hữu đích thật”, tôi đã thấy ngay rằng một tín đồ Phật giáo, hơn nữa là một tăng sĩ, chịu gian khổ vì công lý 26 năm trời (từ ngày 28-03-79) trong cái chế độ Cộng sản phi nhân tàn ác này, quả là một tín đồ, một tăng sĩ đích thực! Niềm xác tín ấy của tôi được củng cố và còn pha hoà nỗi cảm xúc khi tôi được đọc Thỉnh nguyện thư của Thượng toạ gởi Uỷ ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ ngày 21-02-2005. Trong Thỉnh nguyện thư này, ngoài việc trình bày đại nạn của bản thân, của các tôn giáo nói chung và Giáo hội PGVNTN nói riêng cũng như đưa ra 10 đòi hỏi đối với nhà cầm quyền Cộng sản VN, Thượng toạ còn đặc biệt nhắc đến cuộc khổ nạn kinh hoàng của rất nhiều chức sắc tôn giáo đã chết hay còn bị giam giữ trong tù ngục Cộng sản, trong đó có nhiều linh mục, đồng đạo và đồng nghiệp của tôi. Lời tiết lộ về tình trạng bi thảm của các chức sắc tôn giáo tù nhân lương tâm đó –mà xưa nay bị chế độ bưng bít rất kỹ- cũng như bảng đòi hỏi 10 điểm của Thượng tọa quả đã gây chấn động toàn cầu, và qua đó bộc lộ một tâm hồn “đại bi, đại dũng” hết sức rung cảm trước nỗi khổ của tha nhân và hết mực can đảm làm chứng cho công lý. 

Và thế là Thượng tọa lại tiếp tục trả giá cho thái độ bênh vực công lý này. Như mọi người, tôi đã theo dõi bước đường gian truân của Thượng tọa trong nhà tù lớn sau khi ra khỏi nhà tù nhỏ. Những trò dụ dỗ, gạt gẫm, sách nhiễu, quấy phá, đấu tố, tịch thu, cấm cản, hăm dọa, ngăn chận... hết sức hạ cấp và vô liêm sỉ –mà chỉ Cộng sản mới dám thực hiện- không những đối với vị ngục sĩ thời danh này mà còn đối với thân nhân bằng hữu của ngài tại Bặc Liêu, một đàng phô bày bản chất dối trá tàn bạo không hề thay đổi, lòng dạ báo thù căm ghét chẳng lúc nào nguôi của chế độ, đàng khác càng làm sáng tỏ ý chí sắt đá và tấm lòng trung trinh của một nhà tu hành rất xuất thế (nghĩa là không dính bén với lợi lộc thế trần, không toa rập với quyền lực thế gian, không ngửa tay xin ân huệ của chính đảng thế tục, để rồi trở thành đồng lõa với những kẻ áp bức) lại vừa rất nhập thế, nghĩa là quyết tâm đem đạo vào đời, xả thân cứu nạn “bọt trong bể khổ, bèo đầu bến mê”, dù bản thân mình luôn lâm vòng nguy hiểm do lũ ma vương, ác quỷ, tiểu yêu đội lốt người. Làm sao quên được những lời tường trình đầy bức xúc của Thượng tọa, chẳng hạn như: “Khi trả tự do, họ buộc tôi phải về gia đình các em ruột, họ bắt buộc các em tôi phải làm cam đoan, cam kết, dùng tình cảm thân nhân để hạn chế mọi tự do cá nhân trong thường nhật... Hiện nay mỗi khi rời nhà ra đi thì có công an theo dõi, chẳng hạn như ngày 16-02-2005 vừa qua, tôi lên Sài Gòn để siêu âm bệnh ung bướu. Chỉ đi một ngày thôi mà công an Phường 1 Quận Tân Bình và công an Quận này đã khám xét nhà, lập biên bản tạm trú bất hợp pháp, mời tôi và chị ruột là Huỳnh Thị Hai phải đến phường làm việc, điều tra. Từ khi đi khám bệnh tại trung tâm Ung Bướu cho đến khi về nhà chị, kể cả khi lên xe về Bạc Liêu, lúc nào cũng có công an trực chiến 100% và trực tiếp tại nhà chị tôi ! Khi về đến Bạc Liêu thì công an tỉnh tên Minh lại mời em rể thứ tư của tôi thuyết phục để giám sát tôi. Trong một ngày rời khỏi nhà đi khám bệnh, công an điện liên tục hỏi thăm các em tôi đủ mọi điều. Sự theo dõi này khiến tôi cảm thấy tưởng chừng như đang bị cầm tù trong một nhà tù mới khác hơn trại tù cũ mà thôi!” (Trích Thỉnh nguyện thư). 



Bất chấp tất cả, Thượng tọa vẫn tiếp tục con đường tranh đấu của mình. Bằng tâm Đại Hùng-Đại Lực, vào ngày 19-11-2006, Thượng tọa đã cùng một số cựu tù nhân lương tâm, từ trong giới tu hành lẫn trong giới dân sự, đứng ra thành lập Hội Ái Hữu Tù Nhân Chính trị Tôn giáo Việt Nam. Đó là Giáo sư Hòang Minh Chính, Cựu Đại tá Phạm Quế Dương, Giáo sư Nguyễn Đình Huy, Học giả Trần Khuê, Cựu Trung Tá Trần Anh Kim, Hội trưởng Lê Quang Liêm, Linh mục Nguyễn Văn Lý, Tiến Sĩ Hà Sĩ Phu, Bác sĩ Nguyễn Đan Quế, Thượng tọa Thích Không Tánh, Bác sĩ Phạm Hồng Ký giả Nguyễn Khắc Toàn, bản thân kẻ viết bài này và nhiều vị khác nữa.... Thật là một sáng kiến độc đáo, xuất phát từ một tâm hồn đã nếm trải được thế nào là kiếp tù lao và thế nào tình đồng cảnh ngộ, nhất là cảnh ngộ bị giam cầm vì công lý. Sự ra đời của Hội là một biến cố lịch sử và đã được sự hưởng ứng nồng nhiệt từ các nhà đấu tranh trong lẫn ngòai nước mà bản thân đều là các cựu tù nhân chính trị... Dĩ nhiên Thượng tọa Hội trưởng cũng đã phải điêu đứng vì sáng kiến này. Cả một chiến dịch bôi nhọ, đánh phá hết sức đê hèn đã được CS tung ra. Những thông báo và kháng thư tới tấp của Hội Ái hữu Tù nhân đã vạch trần tất cả những màn vi phạm nhân quyền đó. Nhưng làm gì được đối với “thép đã tôi thế đấy” trong hỏa lò tù ngục 26 năm ròng rã? Thế là CS đành trả thù vặt bằng cách kết án vị Phó Hội trưởng là kỹ sư Trương Minh Nguyệt 4 năm tù giam và hai năm quản chế trong một phiên tòa ô nhục ngày 11-12-2007. 

Riêng câu trả lời của Thượng tọa Hội trưởng là tập Hồi Ký 26 Năm Lưu Đày trình làng ngày 20-01-2007 tại thành phố San Jose, Hoa Kỳ, nhân Lễ Ra mắt Ban Điều hành Hải ngọai Hội Ái hữu Tù nhân Chính trị Tôn giáo Việt Nam. Với 12 chương và một phần phụ lục, tác phẩm này là chứng từ giá trị của một nhà tu hành đã gian khổ vì công lý và là sử liệu quý báu về một giai đoạn đen tối nhất của dân tộc. Trong đó bóng tối và ánh sáng chen nhau: bóng tối của hận thù, đàn áp, mưu mô, xảo quyệt, bạo tàn, ác tâm... và ánh sáng của từ bi, nhân ái, hy sinh, nhẫn nại, thứ tha, xả kỷ... Bóng tối tạo nên bởi thứ chủ nghĩa Mác-Lê phi nhân, sai lạc, phá huỷ lương tâm và lương tri con người, bởi thứ chế độ Cộng sản dối gian, tàn bạo, đã hạ con người xuống hàng con vật và biến những kẻ xây nên nó thành những con thú mất hẳn tính người và tình người. Địa ngục âm phủ mà các tôn giáo trình bày có lẽ cũng không ghê gớm bằng địa ngục trần gian do người CS xây nên để đày đọa đồng bào của mình trong đó. Làm sao quên được những đoạn mô tả dù là những sinh hoạt bình thường nhất: “Chúng tôi tắm ở một ao nước rất cạn và dơ. Khi tắm giặt, nước bên trên chảy xuống ao, cứ múc lên tắm tiếp. Thậm chí khi khát nước cũng cứ múc lên mà uống. Cái ao này nữ tù cũng cũng thường xuyên tắm giặt, giặt đủ mọi thứ trên đời kể cả tấm tã lót của các cháu bé. Nước ao càng ngày càng bị cạn và đục ngàu, nhưng mọi người tù khát nước cứ tự nhiên múc lên mà uống, uống một cách ngon lành, dường như chẳng có suy nghĩ chuyện gì đã xảy ra.” (Chương III, tr. 55, nói về trại giam Vĩnh Lợi, tỉnh Minh Hải). Làm sao quên được chân dung những kẻ có lẽ đã từ nòi ma vương ác quỷ mà sinh ra thôi: tay chấp pháp tên Nguyễn Ngọc Cơ tự Sáu Búa, đương kim Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Minh Hải. “Thời kỳ còn họat động trong rừng, ông này phụ trách thi hành án tử hình. Một hôm nọ, tòa án xử tử hình một bà lão trên 70 tuổi. Cụ bà bị khép vào tội “làm điềm” tức là chỉ điểm cho Quân Đội VNCH… Đáng lý ra ông ta thi hành án xử tử bằng mã tấu. Nhưng đây là phiên tòa nhân dân lưu động đặc biệt, nên xử xong là thi hành án ngay. Hôm đó ông không đem theo mã tấu bên mình, nên đành tạm mượn một chiếc búa của dân làng. Ông phải cật lực và ra đòn đúng sáu nhát búa bà cụ mới tắt thở. Có người cho rằng bà cụ bị hàm oan cho nên khi chết đôi mắt cứ mở trao láo, mà không chịu nhắm nghiền lại … Ở Viện Kiểm sát, tội nhân chỉ nghe danh ông ta thôi thì đã khiếp đảm, rởn tóc gáy rồi !” (Chương V, tr. 85, nói về trại tù Cà Mau). Rõ ràng là Thượng tọa đã vẽ nên một địa ngục trần gian, một cơn ác mộng không thể tìm thấy ở một nơi nào trên thế giới. Vậy mà, kinh hoàng thay, nó đã và đang xảy ra tại Việt Nam. Trong chiến tranh, ở một nơi nào đó, người ta có thể giết chết nhau tàn bạo trong tư cách kẻ thù dị chủng. Thế nhưng trên mảnh đất hình chữ S này, trong hòa bình, người ta đã thản nhiên dùng những tay sai hung ác nhất, những thủ đọan tàn độc nhất, những âm mưu thâm hiểm nhất, những trò tra tấn tinh vi nhất để giết hại hằng triệu đồng bào… chỉ vì mục tiêu duy nhất là thỏa mãn bản năng quyền lực cuồng điên và bảo vệ ngai vàng quyền lực hung hãn. 

Thế nhưng trong kiếp đọa đày của bản thân, cảnh khốn khổ của gia đình, niềm đau thương của đồng loại và nỗi bất hạnh của dân tộc, suốt 256 trang giấy, Thượng tọa tác giả đã không biểu lộ hay khơi dậy căm thù, mà lúc nào cũng giữ gìn phong thái nhân hiền của một vị tu sĩ: “Cuối cùng tôi nguyện cầu mười phương chư Phật khai thị Phật tánh cố hữu của những tư tưởng bảo thủ trong Đảng CSVN, sớm giải thóat khỏi phiền trược, dứt bỏ ác nghiệp cơ cầu, hồi tâm chuyển ý, quay về nẻo thiện để đưa Dân Tộc, Tổ Quốc Việt Nam ngày càng thăng hoa phát triển” (tr. 256). Đó cũng chính là tình thần của kinh Hoà bình, tác phẩm thời danh của một vị tu sĩ Công giáo, thánh Phanxicô Khó nghèo (1182-1226): “Đem yêu thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nơi lăng nhục, đem an hoà vào nơi tranh chấp, đem chân lý vào chốn lạc lầm”. 

Những con Phật, con Chúa rốt cùng cũng gặp nhau nơi tấm lòng nhân ái bao dung, bởi lẽ: “Sự đời sắc sắc không không! Trăm năm còn lại tấm lòng từ bi” !!! 

Viết tại Huế ngày 24-04-2008 
Linh mục Phêrô Phan Văn Lợi. 
 

Vài lời để in vào phía sau: 

“Trong bất cứ tôn giáo nào, kẻ tu hành không hẳn là người thoát ly sự đời, cắt đứt mọi vương vấn rồi tìm đến một tu viện, để gọt dũa chính mình cho hoàn hảo bằng cách luyện đủ nhân đức trong cảnh an tĩnh, nhưng đúng hơn là người có tinh thần từ bỏ mọi sự để quyết chí noi gương và phụng thờ Đấng Tuyệt đối Tối cao bằng cách xả thân cho tha nhân, hy sinh cho đồng loại, dấn mình vào đau khổ để cứu vớt kẻ khổ đau, chấp nhận là nạn nhân của độc ác để giải thoát kẻ ác độc, nhất là khi nơi mình sinh sống đang chịu sự thống trị của bạo lực, độc tài. Tôi thiết nghĩ Thượng toạ Thích Thiện Minh là một mẫu người tu hành như thế!” 
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn