BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73398)
(Xem: 62246)
(Xem: 39435)
(Xem: 31178)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Trả lời phỏng vấn của đài Tiếng Nước Tôi về Chỉ thị 37 của TT Nguyễn Tấn Dũng

29 Tháng Mười Hai 200612:00 SA(Xem: 935)
Trả lời phỏng vấn của đài Tiếng Nước Tôi về Chỉ thị 37 của TT Nguyễn Tấn Dũng
50Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
00





1/Thưa cha, ngày 29-12-2006 vừa qua, thủ tướng cộng sản Việt Nam, ông Nguyễn Tấn Dũng, đã ra chỉ thị số 37, có tiêu đề rất dài là “Chỉ thị về việc thực hiện kết luận của Bộ Chính Trị về một số biện pháp tăng cường lãnh đạo và quản lý báo chí”. Một số nhà phân tích cho rằng đây là một chỉ thị để siết chặt báo chí thêm nữa. Thưa cha, Nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam luôn luôn được xếp vào hàng những nước bóp nghẹt tự do ngôn luận nhất thế giới. Như vậy thì báo chí đâu còn chỗ nào để cựa quậy mà đảng lại phải siết chặt hơn nữa.

 Đúng là VN được xếp vào hàng những nước đàn áp tự do ngôn luận nhất thế giới, như chúng ta đã thấy qua chiến dịch của tổ chức Phóng viên Không biên giới ngày 7-11 mới rồi, một chiến dịch tố cáo VN như một trong 13 nước kẻ thù lớn nhất của internet. Tất cả 600 tờ báo đều nằm trong tay đảng, toà soạn báo nào cũng có một đảng uỷ cầm chịch, thậm chí các báo nghe có vẻ tôn giáo như báo Công giáo Dân tộc hay báo Giác ngộ vẫn luôn chịu sự chi phối của một ông đảng viên vô thần. Tuy nhiên, từ hơn một thập niên nay, do vấn đề mở cửa kinh tế, hội nhập vào thị trường, thì những tệ nạn xã hội như tham nhũng, cướp đất, đoạt nhà, ăn gian làm dối xuất hiện ngày càng nhiều, và do đó tiếng dân kêu ngày càng lớn. Thành thử báo chí không thể không lên tiếng và đảng không thể không cho báo chí trình bày vụ việc. Mà càng lên tiếng về các tệ nạn thì báo chí càng lần xuống tận gốc, hay nói cách khác càng phăng dần lên cao, động tới những tay tham nhũng bóc lột cỡ gộc. Mà trong xã hội cộng sản này, tham nhũng bóc lột cỡ gộc là những kẻ có quyền hành lớn hơn hết. Thành thử là động đến các cán bộ cao cấp, các uỷ viên trung ương (trên dưới 150 người), các uỷ viên bộ chính trị (khoảng 15 người). Ngửi thấy mối nguy do báo chí gây ra cho quyền lực quyền lợi, uy tín uy danh của mình, nên bộ chính trị, qua ông Nguyễn Tấn Dũng, đã ra Chỉ thị 37 như chúng ta vừa thấy, hòng siết chặt lại vòng kim cô trên đầu, thắt lại dây thòng lọng trên cổ báo chí. 



 2/ Theo nhận định của cha thì chỉ thị này khác với những văn bản, nghị quyết trước đây về việc hạn chế quyền tự do thông tin, tự do ngôn luận ở chỗ nào?

 So với 23 văn kiện về báo chí trước đây, kể từ Luật báo chí ngày 28-12-1989 đến Nghị định 56 hôm 06-06-2006 mới rồi, thì Chỉ thị 37 tuy ngắn nhưng lại rất bao trùm, nghĩa là quản lý toàn diện, từ đường lối, chủ trương, nội dung, tổ chức, đến cơ quan chủ quản của các báo và đến ban biên tập các địa phương. Nói cách khác, xét về chủ thể quản lý thì gồm Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương của đảng, Bộ Văn hóa Thông tin và các bộ ngành của chính phủ, Hội Nhà báo Việt Nam và các cơ quan liên hệ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các cơ quan chủ quản báo chí và các cơ quan báo chí, Xét về đối tượng quản lý thì đủ mọi loại báo: báo in, báo điện tử, phát thanh, truyền hình, thậm chí cả phụ san, phụ trương, chuyên đề... đủ mọi thành phần nhân sự làm báo: chủ nhiệm, chủ bút, tổng biên tập, biên tập, phóng viên... đủ mọi yếu tố liên quan đến tờ báo: từ hệ thống văn bản pháp luật về báo chí mà cần phải luôn hoàn thiện, đến việc cung cấp thông tin, việc tổ chức bồi dưỡng mặt lý luận chính trị, kiến thức pháp luật, nghiệp vụ chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp, việc thanh tra tài chánh của báo chí. Đặc biệt nhất là mục 2 khoản d) : “Kiên quyết không để tư nhân hóa báo chí dưới mọi hình thức và không để bất cứ tổ chức hoặc cá nhân nào lợi dụng, chi phối báo chí để phục vụ lợi ích riêng, gây tổn hại lợi ích đất nước.”

 Theo nhận xét của ông Bùi Tín trong cuộc phỏng vấn của đài RFA hôm 02-12-2006, thì Chỉ thị 37 này không phải là một chủ trương và chính sách kiểu chiến thuật như các văn kiện về báo chí trước, mà đây là một chủ trương kiểu chiến lược, có ý nghĩa chiến lược lâu dài, áp dụng cho thời kỳ hậu WTO, khi VN bắt đầu hội nhập vào thị trường quốc tế và phải hội nhập vào thị trường quốc tế.

 3/ Thưa cha theo như tiêu đề của chỉ thị 37 là “Chỉ thị về việc thực hiện kết luận của Bộ Chính Trị về một số biện pháp tăng cường lãnh đạo và quản lý báo chí”. Nói nôm na thì chỉ thị này là để thực hiện kết luận của bộ chính trị. Cha có biết bộ chính trị đã kết luận về việc gì và kết luận như thế nào không ạ.

 Bộ Chính trị đã có ra Thông báo số 41-TB/TW ngày 11-10-2006, trong đó đưa ra những kết luận về việc tăng cường lãnh đạo và quản lý báo chí. Tôi đã có vào internet để tìm nguyên văn Thông báo kết luận này gần cả một buổi chiều. Tiếc là không tìm ra. Nhưng tôi thiết nghĩ toàn bộ nội dung của Thông báo đó hẳn đã được đưa vào văn kiện của Thủ tướng CS Nguyễn Tấn Dũng và mang tên mới là Chỉ thị 37. Vì tựu trung lại, chính phủ cộng sản cũng như quốc hội và toà án CS đều là công cụ của Bộ chính trị đảng CS. Ý muốn của bộ Chính trị hoàn toàn được tuân hành và phản ảnh trong các văn bản của những công cụ nhà nước này. Những cái tên như Bộ luật, Pháp lệnh, Chỉ thị, Nghị quyết, Nghị định, Thông tư... của chính phủ, của quốc hội là chỉ để lừa gạt quốc tế, làm ra vẻ ta đây cũng có tam quyền phân lập.

 4/ Thưa cha, theo cha thì chỉ thị 37 mà ông nguyễn Tấn Dũng vừa ban hành có phải là một phản ứng để đối phó với với những tờ báo ngoài luồng, không chịu sự khống chế của đảng như tờ Tự do Ngôn luận, tờ Canh Tân, tờ Tự do dân chủ, tờ Tổ quốc, v.v.... cũng như đối phó với những nhà báo trong luồng, nhưng cố vừa "viết" vừa "lách" để phục vụ hữu ích cho quần chúng. Thí dụ như 8 tờ báo bị phạt vào cuối tháng trước.

 Theo thiển ý của tôi, Chỉ thị 37 này trước hết nhằm đối phó với các tờ báo và các nhà báo trong luồng. Như đã nói trên, từ ngày mở cửa cho kinh tế, thì các tệ nạn cũng ùa vào mà hang ổ chủ yếu của các tệ nạn đó là đảng CS. Mặt khác, CS thấy cần phải tỏ ra muốn hội nhập với thế giới văn minh để người ta bang giao hợp tác, cụ thể là vào WTO cho được. Chính hai hoàn cảnh này đã tạo thuận lợi cho báo chí. CS buộc phải cởi trói cho báo chí để báo chí đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, rồi phải cho phép báo chí trao đổi chút ít về vấn đề tự do dân chủ, chút ít thôi, nhằm tạo nên hình ảnh một Việt Nam cởi mở và thân thiện. Nhưng giới nhà báo Việt Nam đa phần trẻ tuổi, có trình độ, và khá năng động. Được nới lỏng vòng kim cô, dây thòng lọng, họ nhập cuộc một cách hăm hở, cố gắng tận dụng quyền lực mà báo chí có tự bản chất. Người ta vẫn gọi báo chí là quyền lực thứ 4 đó mà. Thành thử nhiều sai lầm và tội ác, sai lầm trong chính sách đường lối và tội ác trong hành vi hoạt động, đặc biệt của lực lượng chính quyền và lực lượng đảng CS bị phanh phui. Nổi cộm là vụ phóng viên Lan Anh nêu lên tội lỗi của bộ Y tế là chuyện buôn bán thuốc tây với giá ngất trời năm 2004, mới đây là vụ 6 tờ báo tố cáo tội lỗi của Ngân hàng quốc gia trong việc in tiền polymer với rất nhiều sai lỗi, vụ nhiều báo chí nêu lên chuyện làm ăn bê bối của VietNam Airline với 5 khuyết điểm lớn... Nhưng khi thông tin về tham nhũng, tiêu cực ngày càng nhiều trên báo chí thì uy tín của nhà nước và đảng ngày càng giảm sút, đảng ngày càng lộ nguyên hình là một băng đảng mafia chính hiệu dưới cái lốt chính quyền nhân dân. Nhân dân từ đó mất lòng tin, từ mất lòng tin chuyển sang phản kháng, từ phản kháng chuyển sang đối lập, từ đối lập nhóm chuyển sang đối lập khối, đối lập có lực lượng v.v... Bộ Chính Trị Đảng Cộng Sản nhận thức rõ nguy cơ là nếu tiếp tục để báo chí tự do như vậy thì họ sẽ mất dần quyền kiểm soát báo chí, kiểm soát công luận, kiểm soát cả toàn dân. Và đó là hiểm họa không cùng cho cái đảng độc quyền muốn trường trị này. Cho nên cách đây hơn tháng, có chuyện bịt miệng các tờ báo nói đến vụ Ngân hàng nhà nước và vụ Hàng không VN. Tiếp đó, ngay trước khi Việt Nam được vào WTO và Hội Nghị APEC được tổ chức, bộ chính trị đã ra Thông báo số 41-TB/TW ngày 11-10-2006 và sau khi 2 sự kiện trọng đại vừa nói đã xảy ra thì Thông báo này biến thành Chỉ thị 37 của Thủ tướng Chính phủ.

 Ngoài ra, Chỉ thị này còn nhắm tới một số tờ báo tư nhân đã xuất hiện từ vài tháng nay như tờ: Tự Do Ngôn Luận, Tự Do Dân Chủ, Tổ Quốc, Hoa Mai. Các tờ báo này chưa phải là mối đe dọa với Đảng Cộng Sản, vì hoặc đang ở trên mạng, hoặc có in ra mà chưa công khai và số lượng còn ít, người dân trong nước biết đến chưa được nhiều. Tuy nhiên, các tờ báo tư nhân, độc lập này vẫn là những ngọn lửa tự do đang âm ỷ cháy, và với sự phát triển của cao trào đấu tranh, của các phương tiện truyền thông hiện đại, ngọn lửa này sẽ bùng lên thành đám cháy lớn, thiêu sạch bức màn bưng bít thông tin và bộ máy xuyên tạc lịch sử của CS.

 5/ Thưa cha, theo nhận định của cha thì chỉ thị 37 này có liên quan gì đến cách đối phó của đảng với những ràng buộc trong việc Việt Nam gia nhập WTO hay không ? Thí dụ như tinh thần của WTO, lấy tự do làm nền tảng, cùng với qui luật kinh tế thị trường lấy tư nhân làm gốc; trong khi nghị định này lại tước đoạt tự do và không cho tư nhân ra báo ?

 Các nhà lãnh đạo đảng CS đã cảm nhận rất rõ rằng khi vào WTO là mọi sự sẽ không còn như trước nữa. Các cam kết đối với quốc tế trong WTO đòi buộc VN phải lấy sự tự do, sự công khai, sự minh bạch, sự bất độc quyền làm nguyên tắc hành xử, phải lấy tư nhân làm gốc trong kinh tế thị trường và trong chính trị xã hội. Các nguyên tắc chung của thế giới này sẽ tác động đến mọi sinh hoạt và mọi thể chế trong nước, đặc biệt đến nền báo chí, đến tự do ngôn luận. Bộ chính trị đảng CS đã dự kiến là sẽ có một làn sóng, một không khí tràn vào về đòi tự do dân chủ và tự do ngôn luận, cụ thể là đòi tự do báo chí. Cho nên họ buộc phải có một chủ trương chiến lược kịp thời để ngăn chận tự do này. Điều này không lạ gì với não trạng CS, một não trạng trong thời chiến mang cái tên “vừa đánh vừa đàm”, trong thời bình là vừa tỏ ra cởi mở với bên ngoài vừa đàn áp quyết liệt bên trong, vừa ra những văn bản pháp lý hết sức phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế vừa có những chủ trương và hành xử kiểu man rợ, vô lý, vô luật đối với nhân dân. CS vẫn luôn tin tưởng vào ba chân kiềng của mình là bạo lực, bít lấp và bịp lừa. Nhưng đó là một sự tin tưởng mù quáng, mê muội, phát xuất từ một đầu óc đầy tham vọng quyền lực và luôn muốn bám chiếc ghế cho tới khi không còn bám được thì thôi, bất chấp danh dự, lương tâm, liêm sỉ của mình và bất chấp sự thống khổ của dân chúng, sự tụt hậu của dân tộc.

 6/ Thưa cha, trên nguyên tắc thì chỉ thị 37 này sẽ chi phối cả báo chí ngoại quốc tại Việt Nam. Cha đã ghi nhận được một phản ứng nào của báo giới ngoại quốc tại Việt Nam chưa?

 Thú thật là cho tới giờ phút này, bản thân tôi chưa ghi nhận được một phản ứng nào của báo giới ngoại quốc tại VN. Nhưng theo các luật sư Trần Thanh Hiệp, Nguyễn Văn Đài và Lê Thị Công Nhân cũng như nhà báo Bùi Tín cho biết, nhà cầm quyền CS đã bắt đầu thấy được phản ứng của báo giới VN và báo giới ngoại quốc tại VN. Cái vòng kim cô Chỉ thị 37 không thể không gây phản ứng giận dữ trên lực lượng truyền thông.

 7/ Thưa cha, chỉ thị 37 nhấn mạnh đến việc nhất định không cho phép báo tư nhân được xuất bản hay hoạt động. Từ trước đến nay, không cần chỉ thị mới này, thì đảng vẫn khống chế và không cho phép báo tư nhân hoạt động. Như vậy thì phải chăng đã xuất hiện một số yếu tố nào đó khiến cái não trạng bất an của đảng càng cảm thấy bất an hơn, nên phải ra thêm chỉ thị này?

 Dĩ nhiên là đảng CS đang thấy phong trào dân chủ đang dâng lên. Bộ ngoại giao của CS, cách đây hơn tháng, đã phải công nhận sự hiện hữu của Khối 8406 dù cho đó là một tổ chức bất hợp pháp. Suốt trong thời gian trước và sau Hội nghị APEC, CS đã tung toàn bộ lực lượng công an để trấn áp các nhà đấu tranh dân chủ khắp nước, các dân oan cả ba miền để chính giới và báo giới quốc tế không tiếp xúc được với họ. CS đang thấy các tờ báo dân chủ trong nước được in ra, dù với số lượng còn ít, còn rất ít so với báo quốc doanh, đang thấy các tờ báo đó xâm nhập vào các cơ quan chính phủ, vào cả Mặt trận tổ quốc, vào cả lực lượng công an và quân đội. Tờ Tự do Ngôn luận của chúng tôi hiện có sự hỗ trợ âm thầm nhưng hữu hiệu của nhiều cán bộ công an và chiến sĩ quân đội có ý thức phản tỉnh và tinh thần dân chủ. Và có lẽ tờ báo đó cũng được sự ủng hộ cách nào đó của một vài thành viên cao cấp nhất trong đảng cho nên nó mới không bị đập dẹp ngay từ số 2 mà đã tồn tại cho tới bây giờ là số 16.

 8/ Thưa cha, về khía cạnh pháp lý thì chỉ thị này có giá trị như thế nào ? Tức là nó có phù hợp với hiến pháp không? và nó sẽ được áp dụng như thế nào? có tính cách cưỡng chế hay không khi mà nó không phải là luật hay pháp lệnh hay nghị định?

Như Khối 8406 mà tôi là thành viên vừa mới nói trong Kháng thư số 09 công bố ngày 08-12 vừa qua, Chỉ Thị 37 đã mâu thuẫn với điều 69 và điều 146 Hiến pháp năm 1992 khi viết ở mục 2 khoản d) của Chỉ thị rằng : “Phải thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn, làm tốt công tác động viên, khen thưởng để phát huy tốt vai trò của báo chí ; đồng thời, chỉ đạo uốn nắn kịp thời và xử lý đúng pháp luật các sai phạm của báo chí. Kiên quyết không để tư nhân hóa báo chí dưới mọi hình thức và không để bất cứ tổ chức hoặc cá nhân nào lợi dụng, chi phối báo chí để phục vụ lợi ích riêng, gây tổn hại lợi ích đất nước.” Điều 69 của Hiến pháp nói: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí ; có quyền được thông tin ; có quyền hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật.” Còn Điều 146, phần b nói: “Hiến pháp Nước CHXHCNVN là luật cơ bản của Nhà nước, có hiệu lực pháp lý cao nhất. Mọi văn bản pháp luật khác phải phù hợp với Hiến pháp này”. Chính phần b Điều 146 này, tức câu “Mọi văn bản pháp luật khác phải phù hợp với Hiến pháp là yếu tố vô hiệu hóa bất cứ Pháp lệnh, Chỉ thị, Nghị quyết, Nghị định, Thông tư… nào không phù hợp với các Quyền của Công dân do chính Hiến pháp 1992 này quy định. Thậm chí nó còn vô hiệu hóa bất cứ Điều luật nào trong Hiến pháp này mâu thuẫn với các Quyền Công dân nói trên, vì trong trường hợp ấy chính Hiến pháp đã tự vi hiến, nghĩa là tự mâu thuẫn.

Thực ra, Hiến pháp 1992 có rất nhiều điều tự mâu thuẫn và đang mâu thuẫn với các Tuyên ngôn, Công ước Quốc tế… hiện hành của Liên Hiệp Quốc. Một ví dụ là cụm từ “theo quy định của pháp luật” được thêm vào cuối Điều 69 (cũng như cuối các Điều 54, 57, 62, 68, 73, 80 trong Hiến pháp). Đây là một cái đuôi mà Nhà cầm quyền độc tài hạng bét nào cũng luôn biết cách xảo trá thêm vào, để khống chế và có khi xoá sạch các quyền vừa được những điều trên, cụ thể là điều 69 xác nhận. Nhưng chính cái đuôi “theo quy định của pháp luật” này lại bị chính phần b của Điều 146 nói trên vô hiệu hóa. Những mâu thuẫn nội tại trong Hiến pháp của CS như vừa nói không có gì là lạ, bởi lẽ bản Hiến pháp đó đã phát sinh do ý muốn độc tôn của đảng cộng sản độc tài. Nó thật sự không xứng đáng được gọi là “Hiến Pháp”, và từ “vi hiến” chúng ta đang dùng ở đây cũng không có nghĩa thông thường như đối với các bộ Hiến pháp dân chủ phát xuất từ ý dân tại các nước văn minh. Thành ra, chắc chắn trong tương lai gần, Toàn Dân Việt sẽ phải hợp lực để hủy bỏ bản Hiến pháp giả tạo năm 1992 và thay thế bằng một Hiến pháp mới, đúng nghĩa hơn, dân chủ hơn, hợp lý hơn, hợp lòng dân hơn. /.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn