BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73353)
(Xem: 62245)
(Xem: 39432)
(Xem: 31176)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

30 Tháng 4: Ngày Giải Phóng???

20 Tháng Tư 200612:00 SA(Xem: 1022)
30 Tháng 4: Ngày Giải Phóng???
50Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
00
Suốt 30 năm nay, báo chí truyền thanh truyền hình Cộng sản Việt Nam vẫn ra rả gọi biến cố 30-4-1975 là "Ngày Giải phóng"!? Đến hôm đó, mọi cơ quan xí nghiệp phải tổ chức ăn mừng, mọi sinh viên học sinh phải đi cắm trại hay trình diễn để gọi là kỷ niệm "Năm thứ.... đất nước nở hoa"!? Có nơi nhân dân buộc phải bỏ công ăn việc làm để đi biểu tình cám ơn Đảng đã ra công "giải phóng" miền Nam! Bộ máy tuyên truyền cũng khiến toàn dân nhập tâm cụm từ "Sau ngày giải phóng"!!

Nhưng ba thập kỷ trôi qua, mỹ từ "giải phóng" ấy phải được hiểu và đã được hiểu như thế nào?

1- Kinh nghiệm của gần 90 năm chế độ Mác xít cho nhân loại thấy rằng từ ngữ được Cộng sản dùng - nhất là các từ về chính trị và xã hội - không nhắm diễn tả đúng bản chất thực tại nhưng nhắm mê hoặc và lừa gạt tâm trí con người, dư luận quốc tế.

Quả thế, hai từ "giải phóng" (vốn có nghĩa đưa ra khỏi tình trạng nô dịch, chiếm đóng, đem lại tự do, theo Từ điển tiếng Việt của Văn Tân), đang được vang lên ầm ỹ trên các phương tiện truyền thông, tô dán đỏ chói trên các khẩu hiệu khắp thành thị thôn làng miền Nam sau ngày 30-4-1975, thì cả một hệ thống hành chánh chặt chẽ chưa từng thấy đã trói buộc chân tay và bao tử nhân dân, qua chế độ "hộ khẩu" và "tem phiếu", cả một mạng lưới quản lý-an ninh dày đặc gồm đảng, chính quyền, công an, mặt trận đã tròng xuống cổ mọi người, không ai ngọ nguậy nổi.

"Thông điệp giải phóng" của "chính quyền Cách mạng" vừa được ban ra thì hàng trăm ngàn quân nhân viên chức chế độ Việt Nam Cộng Hòa - nghe lời kêu gọi hãy trình diện để học tập chính sách của chế độ mới trong thời gian ngắn rồi sẽ tiếp tục phục vụ đất nước như cũ- đã bị đày vào những nơi gọi là "trại cải tạo" chốn rừng thiêng nước độc không hẹn ngày về và gần cả trăm ngàn người phải bỏ thây tại đó. Vô số nhân tài tiềm lực, sức trẻ thiện chí của quốc gia bị huỷ bỏ không thương tiếc hay biến thành vô dụng. Gia đình của họ cũng đau khổ, điêu đứng hay tan nát theo. Bao thế hệ trẻ mang tiếng "con ngụy" cũng thấy tương lai tiêu tùng vì bị kỳ thị tàn nhẫn trong học hành và làm việc.

Chế độ mới rêu rao: "Việt Nam đã bước vào kỷ nguyên ánh sáng, chủ nghĩa xã hội đẹp thêm năm tháng" (lời một bài hát ca tụng đảng). Thế nhưng hàng ngàn, rồi hàng vạn, rồi hàng triệu người đã "dại dột" rời bỏ cái xã hội "đẹp đẽ" đó, "dân chủ gấp triệu lần tư bản" đó.



Cắn răng từ giã quê hương đất mẹ, mồ mả tổ tiên, gia tài sản nghiệp, họ vượt biển băng rừng, bất chấp bão bùng sóng gió, cướp đường hải tặc, ra đi tìm đến một nơi vô định với hai bàn tay trắng, vì không thể hiểu nổi và chịu nổi sự "giải phóng" do CS mang lại. Gần nửa số người vượt biên đã bỏ thây giữa lòng Nam Hải, vô số phụ nữ già trẻ đã tan nát cuộc đời trên vịnh Thái Lan, hàng ngàn kẻ đến nay vẫn bơ vơ trong trại tỵ nạn nơi đất khách quê người. Mặc cho nghị quyết 36 ra sức chiêu dụ gọi mời, tuyệt đại đa số đồng bào hải ngoại, dù đã công thành danh toại, lạc nghiệp an cư và lòng luôn khắc khoải "nỗi sầu viễn xứ", hiện nay vẫn nhất quyết không hồi hương để hợp tác làm ăn hay định cư vĩnh viễn, vì đã thấm thía cái "chế độ giải phóng, chính quyền cách mạng" này.

Chốn thành thị miền Nam, nhà nước kêu gọi "đi xây dựng quê hương kinh tế mới", để "giải phóng tiềm lực sản xuất của nhân dân", "làm cuộc cách mạng đổi đời trong lao động vinh quang". Vì thất nghiệp, vì thuộc chế độ cũ, vì bị liệt vào sổ đen tư sản bóc lột, nhiều thị dân đã phải bỏ lại nhà cửa cơ ngơi cho những kẻ chiến thắng (có lúc bị đuổi ra khỏi căn hộ và xúc hốt lên xe), hay bán đổ bán tháo cho cán bộ đảng viên, bồng bế nhau tới những nơi đồi núi khô cằn cây không mọc nổi, chỗ bãi chiến trường xưa dầy dẫy bom mìn, chốn rừng thiêng nước độc sơn lam chướng khí. Đổi đời đâu chả thấy, chỉ thấy gia cảnh điêu đứng, kinh tế kiệt quệ, con cái thất học, bệnh tật đầy mình. Hàng vạn Hoa kiều đang sống phú túc nhờ đất lành nước Việt cũng bị xua ra biên ải, đuổi về cố quốc mà từ bao thế hệ họ đã xa rời, sau khi đã bị vét sạch của cải. Thập niên gần đây, hàng chục vạn đồng bào từ Bắc hay Trung, nghe theo chủ trương của nhà nước "giải phóng sức lao động, nâng cao sức sản xuất", kéo nhau vô Nam để làm công nhân trong những công ty xí nghiệp nước ngoài. Nhưng sức lao động của họ chẳng hề được giải phóng, trái lại bị bóc lột đến tận xương tủy, bởi những chủ tư bản ngoại quốc được sự thông đồng bao che của cái đảng mệnh danh là "đại diện trung thành của giai cấp công nhân". Hàng trăm ngàn người đang vùng lên để đòi một sự giải phóng đúng nghĩa. Đó là chưa kể hàng chục vạn thanh niên thiếu nữ bị lừa ra ngoại quốc để trở thành những nô lệ của thời mới.

Các tôn giáo cũng được nhà nước bảo là đã "giải phóng khỏi sự lệ thuộc ngoại bang" qua việc trục xuất những thừa sai, tu sĩ nước ngoài, rằng từ nay các giáo hội "toàn quyền nắm vận mạng của chính mình trong tự do độc lập".

Nhưng rồi nghị quyết 297 của Hội đồng bộ trưởng năm 1977, nghị quyết 24 của Bộ chính trị năm 1990, nghị định 69 của Hội đồng bộ trưởng năm 1991, chỉ thị 397 của Thủ tướng năm 1993, chỉ thị của Bộ chính trị năm 1998, nghị định 26 của Thủ tướng năm 1999, nghị quyết của Ban chấp hành trung ương đảng năm 2003, pháp lệnh tôn giáo của Quốc hội năm 2004, nghị định tôn giáo của Chính phủ năm 2005 đã như những vòng kim cô, dây thòng lọng, sợi xích sắt liên tục siết cổ các tôn giáo ngày càng thêm chặt. Các giáo hội đều bị lũng đoạn từ bên trong, qua việc nhà nước chọn lựa những chức sắc lãnh đạo vừa ý với mình, nghĩa là những chức sắc biết sẵn sàng im lặng và ngoan ngoãn tuân phục. Kiểu "giải phóng" của nhà nước cọng sản từ đó đã hầu như triệt tiêu sức mạnh giải phóng đích thực của các tôn giáo.

2- Tuy nhiên, nếu hiểu "giải phóng" theo nghĩa "gạt bỏ, tháo gỡ những gì còn cản trở cho việc sử dụng lại một vật" (cũng theo Từ điển tiếng Việt của Văn Tân) và cách tiêu cực là buông cương thả lỏng, tháo cũi sổ lồng, để mặc sức tung hoành... thì quả thật điều ấy được nghiệm thấy rõ ràng nơi chế độ CSVN suốt 30 năm nay.

a- Trước hết là buông cương thả lỏng cho lòng thù hận, cho sự báo thù. Quả thế, tiếng súng vừa chấm dứt thì những đồng bào bị coi là "có nợ máu với Cách mạng, với nhân dân" đã bị tước đoạt, lưu đày, giam giữ, đầu độc hoặc thủ tiêu, trong số đó không thiếu những nhà tu hành đủ mọi tôn giáo, theo "chính sách khoan hồng của Cách mạng".... Thân nhân, bằng hữu của họ cũng bị vạ lây. Chẳng khác gì thời Cải cách ruộng đất. Thậm chí những chiến sĩ VNCH đã chết cho tổ quốc cũng bị san bằng mồ mả. Tất cả đã bị trả thù không cần xét xử, chẳng quyền biện hộ. Vua chúa Việt Nam ngày xưa, sau khi chiến thắng quân Tàu xâm lược, còn biết mở lòng hiếu sinh, đức nhân nghĩa mà tha hết và thả hết kẻ ngoại thù. Lòng thù hận của CS đến nay vẫn còn giáng xuống khốc liệt trên những nhà đấu tranh dân chủ hay tôn giáo đồng bào ruột thịt trong lẫn ngoài nước. Chưa hết, hai tấm bia tưởng niệm thuyền nhân bỏ mình, dù xây nơi xứ người, cũng bị nhát búa hận thù của CSVN vung qua, đập cho vỡ vụn. Đâu rồi đạo lý dân tộc ngàn đời "nghĩa tử là nghĩa tận"?

b- Tiếp đến là buông cương thả lỏng cho óc duy ý chí, thói độc đoán trong đường lối, chính sách kinh tế, chính trị, xã hội. Nhà nước cứ tưởng ra lệnh là dân thuận lòng, là việc kết quả, là "tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên xã hội chủ nghĩa".

Nhưng rồi những vụ đổi tiền, hợp tác hóa, tách nhập tỉnh, xây dựng vùng kinh tế mới, cải tạo công thương nghiệp... không cần luận chứng đúng đắn, bất xét tính cách khả thi, chẳng kể lòng dân ý nước, đã đưa Việt Nam đến bờ vực thẳm và nay vẫn mãi lẹt đẹt sau người.

Chủ nghĩa Mác-Lênin kèm tư tưởng Hồ Chí Minh, kinh tế thị trường với cái đuôi "định hướng xã hội chủ nghĩa", dẫu sai lầm trên mặt lý luận và thất bại trên mặt thực tế, vẫn được đảng kiên trì nắm vững, theo đuổi và áp đặt lên toàn thể đất nước. Nền "dân chủ độc đảng" vẫn tiếp tục được khẳng định, dẫu nó mâu thuẫn tự bản chất. Bạo lực cách mạng vẫn được đề cao như lối giải quyết rốt ráo mọi vấn đề.

c- Tiếp đến là buông cương thả lỏng cho bệnh thành tích, nạn công thần. Cán bộ đảng viên tìm mọi cách ngoi lên trong bộ máy quyền lực hay giai tầng xã hội bằng những thành tích công lao, những thành tích hoặc do bóc lộ sức dân, đàn áp kẻ yếu, hoặc do hành xử gian dối, báo cáo thổi phồng, lời giả lỗ thật; kéo theo cả một xã hội chỉ vụ hình thức, chỉ tìm tiếng khen, chỉ mộng làm quan, chỉ trưng học vị, chỉ khoe bằng cấp, dù đó là bằng cấp giả. Người ta thản nhiên trước việc chẳng cần thực lực, đức hạnh, tài năng mà vẫn tiến thân đạt đích, vẫn có quyền cao chức trọng. Cả một nền giáo dục sa sút đến cùng cực vừa là nguyên nhân vừa là hậu quả của bệnh thành tích và nạn công thần đó, thành tích dâng đảng độc tôn và công thần chế độ độc tài.

d- Tiếp đến là buông cương thả lỏng cho thói vô trách nhiệm, thiếu ý thức. "Sống chết mặc bây, tiền thầy bỏ túi" hay "quyền đầy đảng nắm" là nguyên tắc sống của vô số con người, vô số viên chức cán bộ. Lòng tự trọng và xấu hổ thiếu đến độ hiếm thấy những bậc hữu trách chính yếu nói lời xin lỗi, rời ghế từ chức, đền bù thiệt hại khi những tai họa đổ xuống đầu nhân dân. Đảng sẵn sàng cắt đất dâng biển của tổ tiên, bán an ninh tài nguyên của đất nước, để đồng bào bị ngoại bang hành hạ hay giết chết, mà không thấy được nạn mất nước, mất lòng dân, mất tiếng thơm, chỉ mong giữ ghế quyền lực và túi quyền lợi trước mắt. Nạn buông lỏng quản lý cũng từ đó phát xuất, khiến đất nước điêu đứng tụt hậu, dân lành lầm than khốn khổ, chính sách kế hoạch bỏ dở, nợ nước ngoài ngày càng chồng chất, vì nạn tham ô, đục khoét chẳng có thắng hãm và mức trần nào. PMU 18 là bề nổi gần đây nhất của tảng băng vô trách nhiệm ấy. Nguyên nhân đẻ ra nó chính cái cơ chế đảng toàn quyền, chẳng do dân bầu, đứng trên luật pháp và không hề chịu trách nhiệm trước quốc dân.

Thói vô trách nhiệm, thiếu ý thức này khổ thay cũng lan đến các tôn giáo, phát triển nơi những lãnh đạo tinh thần mà tinh thần đã bị CS lãnh đạo, nên trở thành những ngôn sứ ngậm câm hay nói năng vô thưởng vô phạt, những mục tử bỏ mặc đàn chiên cho sói cướp đất, cướp nhà, cướp hồn, cướp cả sinh mạng mà vẫn dửng dưng vô cảm, còn khép mình trong vỏ ốc "không làm chính trị"!!!

e- Tiếp đến là buông cương thả lỏng cho thói hưởng thụ. Sự mệt mỏi vì chiến tranh, nỗi đau khổ vì một thời thiếu thốn, tính vô đạo đức của chủ nghĩa cộng sản, lại thêm quan niệm duy vật đã được nhồi nhét vào đầu, đã và đang đẩy vô số người, đặc biệt giới trẻ con ông cháu cha, cán bộ đảng viên cao cấp đến chỗ coi hưởng thụ là ý nghĩa cuộc đời. Bi thảm hơn nữa là hưởng thụ nhờ trấn lột công sức của người, cướp đoạt tài nguyên của đất nước, bỏ túi tiền viện trợ ngoại quốc. Nhà nước vay mượn + cán bộ ăn chơi + nhân dân trả nợ là một điệp khúc vang mãi suốt 30 năm nay. Tụ điểm ăn chơi, trung tâm giải trí được xây nhiều hơn, đẹp hơn, tốt hơn nhà thương trường học. Thi và bảo trợ thi sắc đẹp phong phú hơn thi và bảo trợ thi tài năng. Người ta sẵn sàng tàn phá môi trường, huỷ diệt đất thiêng, đày ải dân lành để tăng kinh tế, thu lợi nhuận, nhưng chỉ nhằm thỏa mãn thói ăn chơi hưởng thụ của bản thân, phe nhóm và bè đảng.

f- Cuối cùng là buông cương thả lỏng cho mê tín dị đoan, tin vơ thờ quấy. Đang khi các tôn giáo chân chính bị kềm tỏa đủ cách, luân lý của tôn giáo bị cấm cản, đóng góp của tôn giáo bị giới hạnm hoạt động của tôn giáo bị kiểm soát bởi đảng và nhà nước, thì thứ tôn giáo duy vật và duy lợi tha hồ phát triển. Lắm kẻ xưa nay tự hào vì có tinh thần duy vật khoa học, trong đó đa phần là cán bộ đảng viên, nay cũng xì xụp khói nhang, hương đèn lễ phẩm, xin xăm bói toán tại các miếu thánh am thiêng, điện cô đền bà, với mục đích thoát luật pháp, thêm chức quyền, tăng lợi lộc. Cứ những này rằm, ngày vía, ngày hội... là từng đoàn xe công bảng số xanh chật cứng sân bãi các miếu điện này. Quả là vô thần duy vật chừng nào, người ta càng mê tín dị đoan chừng ấy. Trong một chế độ chống Thiên Chúa thì người ta sẽ tôn thờ tất cả, ngoại trừ Thiên Chúa!

Kết

Hơn ba mươi năm trôi qua đã bày ra một đất nước tang thương, một dân tình ngao ngán, một chính thể mục ruỗng, một tiền đồ tăm tối, một tương lai vô định. Việt Nam cần một cuộc giải phóng đích thực.

Cuộc giải phóng này đã bắt đầu thành hình, qua từng đoàn nông dân ra tận trung ương kiên trì khiếu kiện, từng đoàn công nhân đình công đòi tăng lương và quyền sống, từng nhóm nhà đấu tranh dân chủ hay tôn giáo ra các thư góp ý, thư phản kháng, lời tuyên bố, lời kêu gọi.

Đặc biệt gần đây là Lời Kêu gọi bầu cử đa đảng và tẩy chay bầu cử độc đảng, Lời Kêu gọi cho quyền công nhân và hoạt động công đoàn, Lời Kêu gọi cho quyền thành lập và hoạt động đảng phái, Tuyên ngôn Tự do Dân chủ năm 2006 của 118 nhà tranh đấu, tờ bán nguyệt san không giấy phép mang tên Tự DO NGÔN LUẬN.

Bên ngoài là Nghị quyết 1481 rất đanh thép của Hội đồng Âu châu, là các hoạt động, phong trào, tổ chức đấu tranh ngày càng dâng cao và lớn mạnh của đồng bào hải ngoại, là sự thức tỉnh và hỗ trợ ngày càng hiệu quả của quốc tế đối với vấn đề nhân quyền tại Việt Nam. Ngày giải phóng đích thực cho dân tộc chẳng còn xa nữa!

Thành phố Huế,
ngày 20-4-2006
Lm. PHAN VĂN LỢI
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn