BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73231)
(Xem: 62212)
(Xem: 39390)
(Xem: 31148)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Huyền sử về người lính Việt Nam Cộng Hòa

11 Tháng Sáu 201012:00 SA(Xem: 4261)
Huyền sử về người lính Việt Nam Cộng Hòa
52Vote
416Vote
30Vote
20Vote
143Vote
1.961




Trong nỗi buồn của những ngày Tháng Tư, tôi có một niềm vui bất ngờ, niềm vui thầm lặng pha lẫn nỗi xót xa khi đọc được một bài viết ngắn trong mục “CASUAL” trên tuần báo The Weekly Standard số ra ngày 5.4.2010.

Bài viết mang tựa đề War Music của tác giả Robert Messenger nói về các bản nhạc nổi tiếng mà những người lính đã hát trên chiến địa ở mọi nơi trong lịch sử, nhưng hầu như toàn bài viết đã được dùng để thuật lại một trận đánh ác liệt khi quân Pháp bị bao vây trong tám tuần lễ tại Điện Biên Phủ năm 1954.

Messenger kể rằng vào cao điểm của cuộc vây hãm, một đơn vị phòng thủ nhỏ của quân đội Pháp đã quyết định phản công sau 11 ngày đêm đẩy lui các đợt tấn công liên tục của Việt Minh nhắm vào những ngọn đồi trọng yếu ở tuyến phòng thủ phiá đông. Khởi sự từ 6 giờ 10 phút sáng ngày 10 tháng 4, ba đại đội “trừ” của Tiểu đoàn 6 Dù Thuộc địa, khoảng 180 người, đã tái chiếm một trong những cứ điểm giao tranh dữ dội nhất là đồi Eliane 1. Bị tổn thất nặng, nhưng những toán phóng hỏa đã tiến lên dưới làn đạn để phun lửa lùa bộ đội Việt Minh ra khỏi nơi ẩn náu, và sau một cuộc đánh xáp lá cà ác liệt lính dù Pháp đã làm chủ đỉnh đồi.

Bộ đội Việt Minh tức thì phản công, và tuy quân lính Pháp giữ vững phòng tuyến, những cuộc tấn công vẫn không ngừng. Cuộc giao tranh đã diễn ra ngang ngửa trong đêm tối, và cuộc chiến đấu tiếp tục dưới ánh sáng ma trơi của những trái hoả châu treo lơ lửng dưới những chiếc dù. Viên sĩ quan Pháp chỉ huy dùng máy truyền tin gửi đi một lời kêu gọi tới các đơn vị bạn ở gần để xin tiếp cứu.

Lực lượng tiếp cứu đến đầu tiên là hai Đại đội 2 và 3 của Tiểu đoàn Dù Lê Dương Ngoại quốc. Quân số bình thường của các đại đội gồm từ 150 tới 200 người, nhưng sau một tháng giao tranh tại Điện Biên Phủ đã làm quân số mỗi đại đội giảm xuống còn khoảng 50 tay súng. Khi tiến lên ngọn đồi đang giao chiến ác liệt dưới ánh sáng hoả châu màu xanh lục, họ bắt đầu hát vang bài quân hành của Lữ đoàn mang tên “Contre les Viets” (được đổi từ bài hát nguyên thủy “Contre les Rouges”).

Những người lính Lê Dương tiến lên đồi Eliane đã hát giống như họ đã từng hát trong khi làm việc để lên tinh thần. Và họ đã không cô đơn. Ngay sau khi họ bắt đầu tiến lên ngọn đồi đầy hầm hố và xác chết, Đại đội 2 và Đại đội 3 của Tiểu đoàn 5 Dù Việt Nam đã tới cứu viện. Vì mới vừa được thành lập, các người lính Dù Việt Nam đã không có bài quân hành của chính họ, nhưng họ hãnh diện là những người lính chiến. Họ đã chiến đấu dũng cảm và tới nửa đêm, ngọn đồi đã vào tay những người lính Dù, và họ đã giữ vững thêm được 20 ngày nữa cho đến khi bị Việt Minh tràn ngập.

Điện Biên Phủ thất thủ và trở thành một địa danh lớn trong chiến sử thế giới, và là một vết nhơ trong lịch sử nước Pháp, nhưng có lẽ không sử sách nào ghi lại cuộc chiến đấu hào hùng của hai đại đội Dù của Quân đội Việt Nam lúc ấy còn non trẻ vừa được thành lập trong một hoàn cảnh lịch sử cay nghiệt.

Trong cuốn “Tôn Vinh Cuộc Chiến Đấu Thần Thánh Của Quân Lực VNCH”, xuất bản năm 1999, cuốn sách thứ 36 và cuối cùng của ông, cố Học giả Phạm Kim Vinh đã viết như sau về sự ra đời của Quân Lực VNCH:

“Được coi như ra đời trên thực tế từ năm 1950, quân đội quốc gia Việt Nam chỉ có hân hạnh được chính thức hoá sự hiện hữu của mình mười lăm năm sau đó, bằng một văn kiện hành chánh ấn định lập Ngày Quân Lực Việt Nam. Đây mới chỉ là một trong bao nhiêu điều nghịch thường chồng chất lên quân đội quốc gia Việt Nam, một quân đội gặp nhiều bất hạnh ngay từ khi mới được thành lập.

“Sau năm 1948, một số người Việt quốc gia đứng trước một chọn lựa đau đớn: họ đã bắt đầu nhận ra sự lừa bịp của Hồ Chí Minh dưới chiêu bài kháng chiến chống Pháp để giành độc lập, nhưng mặt khác, những người ấy không thể tìm được ngọn lửa hăng say khi mà người Pháp rõ rệt là chỉ muốn tái lập chế độ thuộc địa tại Đông Dương. Câu hỏi lớn nhất với người Việt quốc gia từ năm 1948 trở đi là sau khi hai đảng chính trị lớn nhất của người quốc gia -- Việt Nam Quốc Dân Đảng và Việt Nam Cách Mạng Đồng Minh Hội -- đã bị tàn sát hầu hết cán bộ cao cấp và trung cấp vì thủ đoạn vô cùng xảo quyệt và khát máu của Hồ Chí Minh thì những người không chấp nhận đường lối của Hồ Chí Minh sẽ tìm chất liệu ở đâu, tìm được những người lãnh đạo nào để họ theo đuổi con đường xây dựng một nước Việt Nam không cộng sản? Thiếu vắng một chính nghĩa rõ rệt, cũng như thiếu hẳn một hình thức lãnh đạo chính trị hữu hiệu, những người Việt này ngơ ngác, và bắt buộc giữ một thái độ cầm chừng, trong khi người Pháp tiếp tục ngoan cố không chịu nói chuyện với phiá người Việt quốc gia. Cuối năm 1949, Hồ Chí Minh ra lệnh tổng động viên mọi người Việt từ 18 đến 45 tuổi (đây là những người sống dưới sự kiểm soát của họ Hồ). Cuộc tổng động viên ấy được họ Hồ coi là để chuẩn bị giai đoạn tổng tấn công quân Pháp tại Việt Nam. Lúc ấy, Hoa lục vừa bị Mao Trạch Đông chiếm trọn nên nước Mỹ bắt đầu có cái nhìn khác về Đông Dương. Tuy vẫn còn bị người Pháp bắt chẹt (Pháp sau Thế chiến II là chủ lực của Minh ước Bắc Đại Tây Dương, một tổ chức được người Mỹ dùng để chặn sự bành trướng của Sô Viết tại Âu Châu), nhưng người Mỹ đã dần dần gia tăng áp lực để buộc Pháp nói chuyện với người Việt quốc gia.

“Dưới áp lực ấy, Pháp chịu ký thoả hiệp tại Điện Elysée ngày 8.3.1949, thừa nhận sự độc lập của nước Việt Nam dưới sự lãnh đạo của cựu hoàng Bảo Đại, nhưng là độc lập trong khuôn khổ ‘Liên Hiệp Pháp’. Dĩ nhiên là hình thức độc lập nhỏ giọt ấy làm cho nhiều người quốc gia thất vọng. Trong số những người có khả năng trở thành người lãnh đạo của phiá quốc gia, nhiều người chán nản vì thái độ ngoan cố của Pháp nên đã tìm đường lưu vong. Cũng có người nhắm mắt theo chân cộng sản.

“Đến khi thấy Hồ Chí Minh tổng động viên, nước Pháp (lúc ấy là nội các René Pleven) mới vội vàng ‘long trọng cam kết’ một lần nữa là sẽ thi hành thoả hiệp Elysée 8.3.1949, và hứa đến ngày 1.1.1951 là chậm nhất, sẽ trao lại quyền hành chánh cho người Việt Nam, và trao quyền quân sự cho quân đội quốc gia càng sớm càng hay. Vì sự cam kết ấy cho nên về mặt hành chánh, quân đội quốc gia Việt Nam được coi như ra đời năm 1950 (11.5.1950).” (ngưng trích)


Từ khi được thành lập, Quân đội Quốc gia Việt Nam đã không ngừng phát triển và trưởng thành trong khói lửa dù bị người Pháp chèn ép, ăn chặn viện trợ Mỹ, và cướp đoạt nhiều loại vũ khí của Mỹ giúp cho quân đội non trẻ Việt Nam.

Dù ra đời trong hoàn cảnh nghiệt ngã, vì phần nào bị nhìn như tay sai của thực dân Pháp, người lính quốc gia đã chiến đấu dũng cảm, như hai đại đội Dù trong trận Điện Biên Phủ được thuật lại trong bài viết của Robert Messenger. Có lẽ Messenger không biết rằng binh chủng Dù tinh nhuệ oai hùng của Quân đội Việt Nam cho đến sau này cũng chỉ có một khẩu hiệu đơn giản: “Nhảy dù - cố gắng!” Những người lính can trường ấy đã “cố gắng” trong suốt cuộc đời chiến binh của họ!

Chỉ sau khi Pháp thua trận Điện Biên Phủ và Việt Nam bị chia đôi, chế độ Cộng Hoà được thành lập tại miền Nam năm 1955, Quân đội Quốc gia mới thực sự độc lập và chiến đấu bảo vệ đất nước trong 20 năm, để rồi cuối cùng tan rã trong 55 ngày và bị “bạn” cũng như thù bôi nhọ.

Sau năm 1975, đã có một số tác giả ở Mỹ và phương Tây viết những cuốn sách nói lên sự thật, mà cuốn mới nhất có lẽ là Ride The Thunder của Richard Botkin, do WorldNetDaily xuất bản năm 2009. Đây là một cuốn sách được viết bằng lương tâm của một người lính Mỹ về người lính Việt Nam trong cuộc chiến Việt Nam - một cuộc chiến thảm khốc với nhiều toan tính bất lương từ bên ngoài và bên trong, với những nhân danh giả tạo từ phiá bên này và phiá bên kia. Chỉ có máu của người lính là thật. Sự hy sinh vô bờ bến của họ là thật.

Trong cuộc chiến tàn khốc kéo dài ba thập niên ấy, người lính Pháp đã chiến đấu cho tham vọng thuộc địa của thực dân Pháp, người lính miền Bắc Việt Nam đã chết cho chủ nghiã cộng sản dưới chiêu bài kháng chiến chống ngoại xâm, người lính Mỹ tới Việt Nam rồi ra đi theo lệnh của những chính khách con buôn ở Washington, chỉ có người lính miền Nam Việt Nam đã chiến đấu để bảo vệ chính đất nước của mình, bảo vệ gia đình mình, làng xóm của mình và tự do của chính mình.

Người lính ấy đã miệt mài chiến đấu cho đến khi ngã xuống hay trở thành phế nhân. Họ không cần biết tới những toan tính ở Washington, ở Mac-tư-khoa, ở Bắc Kinh, ở Hà-nội, hay Sài-gòn. Họ không quan tâm tới tiếng chê, lời khen phù phiếm của những nhà báo, nhà văn đi tìm danh lợi ở phương Tây xa xôi và an lạc.

Người lính ấy cũng không cần ai “phục hồi danh dự”, vì họ đã có danh dự do chính họ tạo ra bằng những hy sinh cao quý không gì sánh được. Trên mỗi vùng đất miền Nam Việt Nam, từ An Lộc, Bình Long, tới Gio Linh, Quảng Trị, đều có thấm những giọt máu của người lính đã chiến đấu đến viên đạn cuối cùng mà huyền sử đã được ghi trên đá, trên hoa.

Danh dự và huyền sử bi hùng của người lính Việt Nam Cộng Hoà không có gì làm bợn nhơ được với hàng trăm người - từ tướng tới quân - đã tự chọn cái chết trước cuộc tan hàng oan nghiệt vào Tháng Tư 1975.

Sơn Tùng
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn