Tháng tư bảy mươi lăm, chúng tôi ra trường, lễ mãn khóa tổ chức đơn sơ và vội vàng. do nhu cầu cấp bách thời chiến, các khóa thâm niên quân trường được làm lễ ra trường sớm, trước dự định. Không khí rất căng thẳng vì cuộc chiến đến hồi cao điểm nhất. Các tỉnh miền Trung mất dần . Lãnh thổ VNCH còn lại từ Rừng Lá trở lại Biên Hòa, ai có ngờ đâu là vùng đất nơi mỗi anh em chúng tôi “Quỳ xuống hỡi Sinh Viên Sĩ Quan và đứng dậy Tân Sĩ Quan”. Và quan trọng nhất là nơi đây chúng tôi đồng thanh cất cao lời “xin thề”, nguyện tuyệt đối trung thành với tổ quốc và quyết tâm bảo vệ quốc gia. Lễ nghi quân cách đơn sơ hơn, nhưng cũng mang trọn vẹn ý nghĩa y như các khóa ra trường tại Đà Lạt, chỉ khác là các tân sĩ quan chỉ mặc đồ trận khi gắn lon. Quân nhạc do sư đoàn 18 tổ chức. Phía trên hàng ghế danh dự thấy vắng nhiều chỗ tối cao nhất. Nhưng về phía trái, phải khán đài, thân nhân các tân sĩ quan từ các nơi di tản về, tham dự rất đông đảo.
Ngày chúng tôi rời Đà Lạt, mỗi anh em chúng tôi như mang một cái tang nặng trong tâm hồn. Đà Lạt thơ mộng, đẹp như những chuyện thần tiên đầy lãng mạn. Nơi đây có những con đường nhỏ quanh co và những hàng thông vi vút trước gió. Đà Lạt là của hẹn hò, tình yêu đôi lứa, nơi có những cặp tình nhân khép nép bên nhau… trên đồi Cù bên rừng Ái Ân, phía đập Đa Thiện, quanh bờ Thủy Tạ, len lỏi thác Prenn, xa hơn nữa, bên bờ thác trữ tình Dantanla…
Đà Lạt đối với chúng tôi là chiếc nôi nung đúc chí can trường của đời trai thời ly loạn. Đà Lạt yêu thương đếm tháng đếm ngày giai đoạn huấn nhục quân trường. Đà Lạt về đêm nghe vang vọng tiếng thọ phạt thi hành dã chiến, mười vòng Vũ Đình Trường… Đà Lạt thương biết bao khi nhìn cảnh đàn anh “săn sóc” đàn em bằng những ngày đêm hành xác để biến dạng chúng tôi từ những chàng thư sinh mềm yếu thành những chiến sĩ dạn dày phong sương, biết chân cứng đá mềm. Đà Lạt biết và đón mừng chúng tôi buổi sớm mai đi phép đầu đời binh nghiệp sau lễ Gắn Alpha như là quán chè Minh Mạng, kem Thủy Tiên, phở Bằng, cá phê Tùng, khu thương xá Hòa Bình, họ đón chào với nụ cười tươi thắm và thân thiện. Dân Đà Lạt thừa biết từ bốn phương trời, tinh hoa đất nước được tuyển chọn về đây nhằm đào tạo tài nguyên văn võ song toàn để cung ứng cho đất nước. Họ rất hiểu và trân trọng sự dấn thân đó của bao chàng trai của thời đại. Nét biểu hiệu thấy rõ trên hè phố Phan Đình Phùng, Duy Tân, khu Bùi Thị Xuân, người dân tỏ vẻ thân thiện, hiếu khách, thêm vào đó là sự tô điểm đường phố sáng Chủ Nhật với những chàng trai trên vai có phù hiệu sinh viên sĩ quan mang thêm niềm vui cho thành phố Anh Đào này. Đà Lạt ấm cúng và nuôi dưỡng mãi thân thiện đó và có biết bao nữ sinh viên yêu kiều say mê giấc mộng hào hùng của những chàng trai này, thế nên họ nên duyên vợ chồng đồng nhịp dấn thân theo sự thăng trầm của người yêu nơi trận mạc. Đà Lạt thật chung tình với những truyền thống đó, tự thuở nào, cho đến thuở nào.
Thế nên, tiếp nối truyền thống đó, rồi lại chính chúng tôi phải bỏ Đà Lạt mà đi vì vận nước, thử hỏi tâm trạng chúng tôi đau đớn đến thế nào! Ngày di tản bỏ Đà Lạt thân yêu, chúng tôi đối diện một số cư dân vì quá tin tưởng vào chúng tôi nên tỏ ra ngỡ ngàng bức xúc khi chúng tôi đành đoạn bỏ trường mà đi: đó là cái bức tử đầu tiên chúng tôi hứng chịu.
***
Bạn bè chúng tôi quây quần bên chiếc bàn tròn của câu lạc bộ. Sau lễ mãn khóa, thân nhân, bạn bè, người yêu có những giây phút thiêng liêng của một đời người, họ ngồi với nhau, có khi không nói chi nhiều và nhìn nhau, chan chứa. Bài ca ly biệt của người Do Thái ngày xưa kết đoàn lại trước khi chết ngộp trong các trại giam của Đức Quốc Xã bỗng tìm về trong giây phút:
Gặp nhau phút giây đây
bạn ơi, vui ra đi, bạn ơi hỡi, nắm tay thề
chúng ta sẽ gặp lại, chúng ta sẽ gặp lại bạn ơi, bạn hỡi…
Bên những ly bia uống mừng rồi chia tay
ngày mai đây đứa một phương trời, biết bao giờ gặp lại.
những ngày tháng quân trường gian khổ nhưng có nhau trong tình nghĩa đệ huynh,
san sẻ, chia sẻ an ủi nhau kiếp sống xa nhà
lấy núi rừng làm chăn chiếu, lấy gian nan làm chất liệu sống. đời lính là thế đó
chấp nhận dấn thân là thế đó.
Người khóa đàn em, Hòa, tỏ ra rộn rang nhất từ khi tôi chọn đơn vị, chợt hỏi:
- Niên trưởng à, tôi xin hỏi vì sao anh chọn Thủy Quân Lục Chiến?
Tôi trả lời như đã nung nấu từ hồi nào:
- Tôi nhớ Huế kỳ Mậu Thân, người lính Thủy Quân Lục Chiến đã đổ máu xương để giành lại miền đất Thần Kinh thương nhớ, vùng đất tạo ra cho tôi biết bao niềm tin vào cuộc sống. sự hy sinh lớn lao và cao quý quá. Tôi có mặt trong những ngày Huế đen tối đó và có dịp nhìn tận mắt những người lính trận này giành từng thước đất cho người dân Huế. Gần đây, Thủy Quân Lục Chiến tái chiếm cổ thành Quãng Trị với biết bao hy sinh xương máu. Giờ đây Huế mất vào tay cộng Sản, gia đình tôi thất lạc tin nhau. Tôi yêu màu áo lính, yêu truyền thống xã thân vì đại cuộc của binh chủng, tôi ước mơ một ngày nào cầm súng đi tái chiếm quê hương. Từ ước mơ đó, tôi tình nguyện “đăng” vào Thủy Quân Lục Chiến! Người bạn thân của tôi, Ngô C. Tâm, vốn đã chọn đơn vị Nhảy Dù, nghe tôi nói vậy, mủi lòng, và sau đó xin đổi, hoán chuyển về cùng đơn vị với nhau.
Tôi giã từ bạn bè, nắm tay chúc mừng các bạn khóa đàn em ở lại vui vẻ. Trong ánh mắt ngấn lệ của Hòa, Văn, Dung, Luyện, tôi đọc thấy niềm thương yêu sâu kín đời huynh đệ chi binh. Tôi lột chiếc bê rê quân trường, để lại cho Luyện làm quà chia tay…
Mới đó mà đã gần ba năm thụ huấn nơi miền đất “Hoàng Triều Cương Thổ” nầy. Khi tôi còn ở năm cuối trường Quốc Học ở Huế, có những phái đoàn quân sự đến thuyết trình để tuyển nhân lực. Tôi cất giữ dáng dấp hiên ngang của những chàng trai thời đại: từ cách đi đứng, nói cười, phong cách, kiến thức của họ quả là một trời đầy kiêu hãnh, bên trên túi áo áo in hình tay đấm tức là huyền đai Thái Cực Đạo… Và vì thế, khi đậu Tú Tài II, tôi đã ngập ngừng chao đảo trước một hướng đi cho đời mình, nhưng cuối cùng thì việc gì đến phải đến.
Năm 1972 lệnh đôn quân ban hành, tôi vào quân đội. Mới ngồi chưa nóng chỗ tại giảng đường B Đại Học Khoa Học, mơ ước vào trường Y Khoa trở thành ảo tưởng. Tôi nhập vào từng đoàn người hiên ngang đầu quân theo tiếng gọi non song vào tháng 7/ 1972 tôi gia nhập khóa 4/72 TBTX Thủ Đức. Sau lễ Gắn Alpha thì có nhiều đợt tuyển quân từ các trường lớn khác như Không Quân, Hải Quân, Quân Y, Đà Lạt, và tôi tình nguyện nộp đơn chọn binh nghiệp cho cuộc đời. vào cuối năm 1972, tôi xách túi marin, vác ba lô lên xứ Anh Đào nhập cuộc.
Cuối tháng 4/1975 trời Biên Hòa nóng nực, phố chợ quân đội tấp nập người. toàn là lính, đủ màu, đủ sắc trong khu Tam Hiệp các quán nhậu nghi ngút khói, độc món quê truyền thống: thịt chó, với các tên hay: Nai Đồng Quê, Sống Trên Đời, Tiết Canh Chó. Các chiến sĩ từ mặt trận Long Khánh về sống sót sau trận thư hùng với quân chính quy Bắc Việt. Về đây tha hồ nhậu, để quên, để nhớ, để sầu…
Và cũng tại nơi đây, có những chiếc GMC túc trực sẵn, với những người lính mang quân phục từng đơn vị đợi chờ trong tư thế sẵn sang. Tân Sĩ quan, chọn binh chủng tổng Trừ Bị, nhảy lên xe vội vàng, im lặng và đằng sau tiếng nổ giòn của đoàn quân, anh em vẫy tay, vẫy tay chào nhau… Và cũng từ đó biền biệt, sẽ chẳng bao giờ gặp lại nhau trọn vẹn nữa… nhu cầu cấp bách thời chiến đã không cho phép chúng tôi được nghĩ ngơi sau lễ mãn khóa. Không khí quen thuộc và dĩ vãng bao năm thao trường tôi luyện đẫm mồ hôi xa dần, xa dần: giai đoạn đẹp nhất của đời binh nghiệp đã qua. Trong số người đưa tiễn có nhiều bạn có người yêu tiễn đưa dầm dề nước mắt. riêng tôi chỉ có bạn bè, cha mẹ thất lạc ngoài miền Trung, không có tin tức, và người yêu thì cũng biệt tăm biệt tích.
***
Tôi được đưa ra đơn vị tác chiến cùng ngày. Sau khi trình diện Bộ Tư Lệnh. Các đơn vị về nhận “con cái”, và trước khi ra tuyến đầu, tài xế có ghé qua hậu cứ tiểu đoàn trong căn cứ Sóng Thần, Thủ Đức để làm hồ sơ, đồng thời chở tiếp tế cho đơn vị hành quân. Bao nhiêu đổi thay cho một ngày, tôi nhét không hết vào ký ức, nên để cho hình ảnh trước mặt qua đi, qua đi, như tình cờ. tâm trạng người về đơn vị mới với những bồi hồi, ưu tư pha lẫn lo lắng: Ra đơn vị mang cả danh dự làm trai thời chiến, chấp nhận sa trường da ngựa bọc thây, và nhất là hoài bão từ quân trường với ý chí và lòng nhiệt huyết, phải chấp nhận tất cả và tiến tới. thật đúng kỷ luật là sức mạnh của quân đội, mọi mệnh lệnh ban đi, tất cả tuân hành răm rắp. Quanh đơn vị, tất cả như một bộ máy, nề nếp, gọn, nhanh và nghiêm ngặt. Khi tôi mặc bộ áo màu “sóng biển” vào, thường gọi là “đồ bệt”, thấy hùng dũng và oai vệ khác thường. Mọi sinh hoạt đi đứng, chào kính như sắt đá, lính tráng thưa trình, ăn mặc rất đúng quân kỷ, quân phong.
Đơn vị chúng tôi được phân phối phòng thủ vòng 2. Vòng một có nghĩa là khu Tao Đàn, Cầu Xa Lộ, Xa Cảng Miền Tây, Ngã Tư Bảy Hiền, Cầu Rạch Chiếc, Cảng Sài Gòn do Sư Đoàn Dù trấn đóng, mục đích bảo vệ thủ đô trước mọi nguy biến. Các bạn chọn đơn vị Thiên Thần Mũ Đỏ có dịp về lại Sài Gòn, cũng vui như một niềm mơ ước, cho dù xa hơn, nằm ở Biên Hòa, Long Thành, Vũng Tàu: nhiệm vụ trấn áp mục tiêu tấn công và trục tiến quân của chúng từ Rừng Lá và Bình Tuy băng qua, đồng thời bảo vệ Quốc Lộ 1 quanh Bộ Chỉ Huy Quân Đoàn và Xa Lộ Sài Gòn Vũng Tàu, nơi hiện có hàng ngàn thường dân di chuyển ngược xuôi. Hôm đó tôi và mấy anh em từ các quân trường mới ra trình diện Bộ Tư Lệnh mà cho đến bây giờ ít có dịp gặp lại hoặc có nhiều người vĩnh viễn ra đi. Cũng do niềm xúc động đó mà tôi ấp ủ những dòng bút ký này để nhớ đến những người bạn đã gắn bó với nhau trong giai đoạn cuối cùng của cuộc chiến. Tốt tướng, đô con nên tôi được lãnh đi đầu ra ngoài Trung Đội, thằng bạn dại dột của tôi hoán chuyển về đơn vị Thủy Quân Lục Chiến nhờ sinh non (nhỏ tuổi) nên được giữ lại ở Bộ Chỉ Huy Tiểu Đoàn.
Biên Hòa đất đỏ, áp lực Cộng quân lúc này lên cao, mục đích muốn phá vỡ phòng tuyến để tiến về Sài Gòn. Ngày đêm đạn pháo nổ tơi bời. chặng đầu đối diện hiểm nguy, nhờ những ngày tháng huấn nhục, cái chuổi ngày địa ngục trần gian ban đầu đó đã giúp chúng tôi vượt qua nhiều thử thách, nhất là khi anh em binh sĩ tò mò pha thích thú lén nhìn “ông thầy” (tức ông Trung Đội Trưởng) có giật mình khiếp sợ sau một tiếng pháo 82 ly của Việt Cộng hay không? Mẹ kiếp, ông phóng lao theo lao, đời một lần chết, không ai chạy trốn lằn tên mũi đạn được. Nghĩ thế nên thấy an tâm và liều lĩnh hơn.
Đơn vị tôi đổi tuyến liên tục, chiếc xẻng là sự sống. Khi vừa có tọa độ đóng quân là đào hố ngay, chiếc hố đất đá ong Biên Hòa “ấm” hơn gường nệm Mỹ, nhất là khi tiếng pháo rít lên, bay vút ngang đầu, âm thanh ghê rợn đó chợt ngưng một hai giây rồi mới nổ. Lính quen dần những pha này, ngồi dưới hố họ có thể đọc thư tình, xem ảnh người yêu, nghe radio hoặc niệm Phật hay cầu kinh. Thậm chí đôi lúc tiểu tiện hoặc có khi liều ngã đầu thư dãn trong cái giây phút sống chết cận kề này. Chiến thuật bàn tay xòe được phối trí để nơi nào có “đụng” thì các đơn vị khác xoay về yểm trợ. Ví dụ ngón tay út bị tấn công thì bốn ngón tay còn lại xoay về góp sức chống trả. Nhờ thế nên sức chống cự rất mạnh và vấn đề bảo toàn lực lượng được lâu dài. Các binh sĩ phải siêng đào hố vì Việt Cộng đánh hơi rất lẹ, pháo chúng tìm đến ngay. Trinh sát pháo của chúng trà trộn, xen kẻ giữa thường dân để tìm mục tiêu. Biết được yếu điểm của chúng, Quân Báo Sư Đoàn của Thủy Quân Lục Chiến cũng khai thác được nên có nhẹ áp lực phần nào. Đã ba ngày tròn không ngủ một giây, đơn vị phải di chuyển liên tục. cơm nước không nấu được, đa số là mưu sinh. Thiếu nước trong người thấy bần thần, khó chịu. Bồ đồ trận ướt nhẹp mồ hôi rồi khô, nhiều lần như thế. Hôm mới đến, Tiếp Vận cung cấp bồ đồ ngon mới tinh, mặc vào với đủ phù hiệu Sư Đoàn, Lữ Đoàn, Tiểu Đoàn, đặc biệt là phù hiệu Quái Điểu ở bên tay áo phải, danh hiệu Tiểu Đoàn 1 Thủy Quân Lục Chiến mà chiến sĩ nhắc tới nhiều lần nhờ những chiến công lớn. Nay sau ba ngày lặn lội với lửa đạn, bộ áo đã bạc màu do mồ hôi và đất đỏ Long Thành. Cái lon thiếu úy ngụy trang trên ve áo do tôi lấy viết vẽ lên vì chưa kịp mua, nay đã phai nhòa. Đến xế chiều 27/4, vì áp lực nặng do cánh quân của Cộng Sản từ Bình Tuy băng qua. Không quân ta yểm trợ bằng các phi tuần A-37 dội bom xuống mặt trận. Một trái bom đã rơi vào làn ranh của hai bên. Tôi chợt nghe một tiếng rít ghê rợn từ trên xuống. Và như phản xạ, tất cả thu mình trong chiếc hố cá nhân định mệnh đó. Một tiếng nổ lớn khủng khiếp, tiếp là khói lửa mịt mùng đất đá tung lên, bụi đất vùi dập miệng hố tôi đang ngồi. Từ trong lớp đất tôi nghe tiếng cành cây ngã đổ ào ào. Giây lát, tôi định thần, thử mình còn sống không và vươn dậy, đẩy lớp đất ra và bò ra miệng hố. Đây là lần thứ hai tôi trổi dậy từ cái chết. Lần đầu khi trình diện quân trường Bộ Binh Thủ Đức khi nhập khóa 4/72. Huynh trưởng khăn đỏ khóa 1/72 đã “dần” anh em khóa tôi quanh Vũ Đình Trường chạy, chạy hoài cho đến khi tôi rớt xuống cái ầm và ngất đi. Mở mắt ra, tôi nghe từ loa phóng thanh trổi lên bài ca “Đường đi khó, không khó vì ngăn sông cách núi, mà khó vì lòng người ngại núi e sông”… Sau đó, như được tiếp sức, tôi tỉnh dậy và tiếp tục hành trình cùng các bạn. Xin cám ơn hết thảy các huynh trưởng và các niên trưởng đã “tận tình” săn sóc. Xin nhớ và trân trọng những đêm dã chiến. Vai ba lô súng đạn đúng quân phục số 5. Một hai ba bốn chạy quanh núi đồi Đà Lạt mù sương, mồ hôi đổ như tắm dù trời lạnh buốt xương, bàn chân như máy không biết mỏi trước lệnh thi hành thọ phạt. Đêm ngày 24/24 lệnh trình diện với đủ quân phục tác chiến từ giày đến mũ sắt, ba lô súng đạn, quân trang trong vòng ba mươi tiếng đếm… Người cưu sinh viên sĩ quan phải tuân hành tuyệt đối với kỷ luật sắt đá này để có dịp ứng phó với hoàn cảnh chiến trường.
Từ tinh thần huấn nhục, tôi đứng dậy trở về với nhiệm vụ. Tôi còn hơi thở, chân tay còn di động và đầu óc còn sáng suốt. Tôi đảo qua lại trấn an anh em. “Ông thầy” (gọi Trung đội Trưởng) mà làm gương thế thì anh em phải quyết tiếp tục chiến đấu.
***
Chiều 28/4, đơn vị tôi đổi tuyến một lần nữa. Tất cả các đại đội tung ra trấn thủ mặt tiền hướng về căn cứ Long Thành nơi có trường Bộ Binh và Thiết Giáp đang bị áp lực nặng nề của Bắc Quân. Đơn vị tôi tùng thiết, nghĩa là có thiết giáp hành quân phối hợp. Nằm dưới tàng cây cao su ở ngã ba Thái Lan Long Thành, tôi mở radio nghe đài phát thanh Sài Gòn được tin Dương văn Minh lên nhậm chức Tổng Thống Việt Nam Cộng Hòa. Lính tráng ở tiền tuyến yên phận dưới hố cá nhân, hững hờ với mặc ai đi và ở, dù trên bầu trời từng đoàn trực thăng di tản ra vào Sài Gòn như én lượn. Binh sĩ đáng thương chỉ còn một thế giới là chiếc hố cá nhân và hướng địch trước mặt Họ vô tư, chất phác và chấp lệnh tuyệt đối, và đang đứng đầu chiến tuyến bảo vệ cho người ở lại, cho kẻ ra đi cùng những kẻ trốn chạy khi đối diện quân thù. Sự chịu đựng và sự hy sinh vô bờ mấy người thấu hiểu? Khói lửa mịt mù thỉnh thoảng tiễn đưa vài chiến sĩ vào cõi thiên thu. Chiếc ba lô trên vai nặng trĩu có thể là nhà bếp, nhà thương, gường ngủ, là kho tiếp vận cá nhân nơi anh chiến sĩ đang sống mà tử thần có thể gọi đến bất cứ lúc nào.
Trời chập choạng tối, tôi nghe rõ âm thanh gầm rú lên xuống dốc đồi của thiết giáp địch đang chồm tới. Hai chiếc M-48 của phe ta gầm thét quay pháo tháp đại bác 100 ly quất ngã nhẹ nhàng các cây cao su mở rộng xạ trường. chiến trận căng dần. Những tiếng nổ M-16 nghe lốp bốp bên cạnh những tràng pháo ầm ĩ và những đại bác hai bên chiến xa xung chiến. Tôi nhận lệnh cấp trên phải tuyệt đối giữ chân hai con cua sắt (xe tăng) nhà mình, cua sắt chạy thì lính sẽ rã hàng ngay, phải cài răng lược theo nghi thức bộ binh, lớn yểm trợ bé, bé bảo vệ lớn. Từ phía trường Bộ Binh Long Thành, xe tăng địch hướng về phe ta, chia ra làm ba hướng đánh trực xạ và đâm thủng cạnh sườn nhằm phá vở tuyến ta. Chiếc tăng biệt phái cho đơn vị tôi gầm rú, quay pháo tháp và chuyển hướng chạy ngược về phía sau. Tôi ban lệnh chĩa M-72 vào xe và dọa bắn. Tăng của mình trở về vị trí cũ đúng lúc một trái pháo nổ cạnh hố Lê Châu Khai, Đại Đội Trưởng, một mảnh đạn lớn chém. vào lưng trái máu ra nhiều và được tải thương ngay.
Trời tối, tôi nhìn rõ những con cua sắt địch gầm vang khi vượt qua những mô đất do pháo cối gây ra, chúng mở đèn sương mù. Thấy ánh đèn giựt lên giựt xuống khi vượt những lùm sim, pháo binh và đại bác trên xe tăng ta tiếp tục “chơi”. Phía Tiểu Đoàn gọi khẩn cấp cho các tuyến đầu đốc thúc “con cái” giữ tuyến, đào hố sâu hơn, mở chốt an toàn M-72 và bảo vệ tuyến bằng mọi giá. Tôi và hai bạn trung đội trưởng khác đồng thanh đứng dậy để đi từng hầm đốc thúc con cái tỉnh táo trước quân thù. Bỗng nhiên tôi nhìn qua trung đội bạn, thấy đồng nghiệp mình bật ngã rơi xuống. Đó là Thiếu Úy Nguyễn Văn D. mới ra một lần với nhau, anh hiên ngang cầm súng trường đi lại chỉ huy đốc thúc con cái thì một miểng đạn pháo ghim vào bọng đái làm anh rớt ngay. Tôi quên hết, bay sang cứu anh, thấy đôi mắt anh trở trắng, da tái dần và thấy máu ra phía dưới quần, tôi và y tá giật nút kéo ra băng bó. Tội nghiệp, anh ta đau đớn đến độ mà mắc cở, cố thu tàn lực, đưa tay kéo chiếc quần lên. Tôi nhìn thấy một vệt máu nâu tia ra từ bọng đái, y tá và binh sĩ lo tải thương ngay và từ đó đến giờ tôi bặt tin anh.
Cuộc chiến tiếp diễn, miệng tôi đắng khô vì đói và khát. Màn đêm phủ xuống một màn đêm đầy đe dọa. tôi nghe rất rõ âm thanh reo hò của Bắc quân đang tràn lên. Mặc, ta cứ trả lễ bằng lựu đạn, M-72 và mìm claymore. Những ánh chớp lóe xanh bầu trời, thỉnh thoảng có một trái lựu đạn lân tinh bắn ra một vệt sang đẹp như pháo bong. Tiểu Đoàn trấn an, bảo cố cầm cự, sẽ gởi sĩ quan xuống tăng viện. Lệnh lập đi, lập lại đôn đốc và giữ lính cho kỹ. Quanh tôi mịt mù thuốc súng, trời tối quá, tôi chỉ giới hạn đôn đốc những chốt còn lại trong tầm tay. Quá sức khát, tôi cố nuốt nước bọt mà muốn chợt cả cổ. Khi tôi nhận lệnh cuối cùng từ Tiểu Đoàn bảo đi điều động con cái chuẩn bị cận chiến thì một trái pháo rơi ngay trước mặt. thoáng nghe trong mình có gì khác và rơi xuống ngay bên miệng hố, ngực nhói đau theo từng nhịp thở. Một miểng đạn ghim vào ngực, cạnh tim, máu trào ra như vòi. Tôi quằn quại cố trở mình vì chiếc áo ướt nhẹp máu, giây lát mới quen được và nhìn thấy bầu trời trong xanh, không một gợn mây nơi có những vì sao lung linh. Xưa học chương trình Pháp hồi trung học, nghe bài “Những Vì Sao” của Alphonse Daudet, có những vì sao lung linh trên nền trời chợt đến, chợt đi. Sao lớn, sao nhỏ, sao Thiên Mã. Sao Tình Yêu, sao lạc loài… Tôi cố định vị cho mình một vì sao trên cõi mông lung đó, nơi đó trong lành, hết tranh chấp, trọn vẹn ân tình nước non, nhẹ nhàng rong chơi ở chốn thần tiên.
Nhưng số tôi chưa chết ở đây, người y tá tài ba của đại đội mà tôi chưa kịp nhìn rõ và biết tên cho đến ngày nay. Anh ta đè nhẹ ngực xuống, mặc máu cứ tuôn, rồi đốt một điếu thuốc President đầu lọc đưa lên môi tôi và nói khẩn:
-Thiếu úy, làm một hơi thuốc đi, cố gắng lên, sống hay chết sau hơi thuốc này là biết ngay!
Kinh nghiệm chiến trường giúp anh đọc được sự sống hay sự chết đang kề cận, đó là thiên thần của máu đổ thịt rơi. Ai thấu rõ sự cao quý dấn thân, lầm lủi vào chốn hiểm nguy, nơi anh tiếp tay Thượng Đế nắn lại hình hài và bồi nhịp thở hồi sinh, cho dù chính nơi anh bom đạn vẫn vây bủa, vẫn rình mò. Y tá chiến trường ắt phải đầy Hạnh Bồ Tát, Thiên Thần. Vai mang túi trường sinh cứu tử để cứu nguy những vết thương chiến tranh đang hủy diệt bao lớp trẻ anh hùng.
Khi tôi hít được hơi thuốc vào bằng tất cả tâm, trí lực. Nghe anh, tôi nín thở, ngực vừa đau, vừa tức, rồi ho sặc sụa, tôi nghĩ “nguy” rồi. Mũi thèm hít không khí mà sao ngộp quá vì phổi bơm không kịp, tôi quằn quại tìm sự sống theo bản năng. Anh y tá vặn đèn pin, quan sát giây lâu, anh nói:
-Thiếu úy sống rồi đó, hơi thuốc không tràn qua phổi để ra ngoài có nghĩa là Wisky chưa phải là Kilo (Wisky ngụy âm là Wonded. Kilo ngụy âm Killed – chết).
Vị cứu tinh cho tiền tuyến từ cánh B tức Tiểu Đoàn Phó chỉ huy, tìm lên như tên bắn. Anh tên là Bùi Bồn, Đại Úy lừng danh của màu áo đơn vị. Vóc người nhỏ, nhanh nhẹn, can cường như cọp rừng xanh. Cũng với cây súng trường M-16 anh nhảy lên tuyến đầu dù màn đêm tăm tối dày đặc, anh mở đường, lòn lách dưới làn đạn như lưới để tiếp ứng và giải tỏa thương binh. Hai người lính tải thương xốc nách tôi kéo đi giữa rừng cao su, hướng về chiếc xe cứu thương, nơi lẽ sống đang chờ. Bỗng một tiếng rú ghê rợn vụt qua trên đỉnh đầu, rất cướp tinh thần, làm hai người lính té nhào xuống, hất tôi rơi tự nhiên trên mặt đường. Vết thương bị chấn động làm máu ọc ra nhiều hơn, tôi đau đớn tột cùng và nhắm mắt chờ đợi… đó là tiếng hỏa tiễn tầm nhiệt SA7 mà Việt Cộng dung để bắn chiến xa ta. Khi tôi tỉnh lại, thấy nằm gọn trên chiếc băng ca bê bết toàn là máu, thấy ấm cúng chi lạ. Xếp phó Bùi Bồn đứng bên cạnh dõng dạc nói, giọng Quãng Bình nghe quen quen:
- Coi còn đứa nào nữa cho đi luôn.
Địch bám sát tuyến, súng nổ giòn giữa đêm trường, lớn nhỏ, mìm, pháo đồng thanh vang dậy. Xếp phó cho tải thương ngay và tiếp tục trụ tấn tuyến đầu và tôi không còn biết gì nữa cả.
Tôi được đưa về bệnh viện sư đoàn Lê Hữu Sanh ngay ngày sau đó, sau một đêm nằm lại Long Bình để cấp cứu. chiếc GMC chở đầy nhóc các thương binh và xác chết từ chiến trường. Xe chạy qua cầu Biên Hòa, tôi thấy mìn chất cao bằng đầu người, từng ụ vây phòng khi phá cầu ngăn tăng địch tiến vào thành phố. Xe ghé tại Nghĩa Trang Quân Đội để chuyển xác chết cho đơn vị Chung Sự (tẩm liệm). Thân nhân binh sĩ đợi chờ ở đây, kêu khóc thảm thiết tiếc thương chồng con bỏ mình hy sinh ở phút cuối của cuộc chiến đấu anh hùng.
Tại bệnh viện, thương binh đầy nhóc, không khí yên tĩnh. Còn có lúc này một phái đoàn đang ủy lạo, cho tiền, quà sửa… tôi thấy rất ít nhân viên. Một vị bác sĩ ghé vào tai nói: “Tình hình bên ngoài sao rồi?” Tôi im lặng không nói được và sau đó tôi ngủ suốt một đêm trường – khi mở mắt vào sáng hôm sau tức 30 tháng 4, thấy vắng hoe – kể cả thương binh, y tá, bác sĩ không còn một ai – chỉ còn vài anh em bị nặng không đi được. Khoảng 10 giờ sáng, tôi thấy trên ti vi đang mở hình ảnh tướng Hạnh đọc lệnh đầu hàng! Tôi vốn liệt người, nghe xong hết muốn dậy. đang phân vân chưa biết tính sao thì một người đàn ông, mặt nhơn đức, xuất hiện:
-Thiếu úy ở lại đây không hay, tôi thuê bao chiếc xe lam chở ông và mấy anh em về Sài Gòn, Xa đây đi, chúng nó đến không tốt đâu.
Tôi lết về tới cầu xa cảng thì kiệt sức. Quanh căn cứ và ra tới xa lộ - ngập tràn áo quần lính và ba lô, nón sắt… vất bừa bải… Xe chạy trên xa lộ cùng lúc với tăng của phe địch đang tiến vào thành phố - long tôi buồn nhất của một cuộc đời làm người – làm kẻ chiến bại.
Vận hên, tôi gặp một người bạn, hắn chưa ra trình diện đơn vị đang còn nghỉ phép mãn khóa. Thanh, đỡ đầu, dìu dắt tôi chặng đường này, dẫn dắt từng bệnh viện thí để tiếp tục điều trị. Bác sĩ làm việc đa số là phe ta, còn tình cảm, giúp làm vết thương tiêm thuốc men, rồi… đi, mọi nơi đều như vậy, đổi chủ nhà! Sau cùng, vết thương kín lại, phó mặc mảnh đạn to bằng ngón tay út nằm lì trong lồng ngực cho đến ngày nay. May mà chưa phạm đến phổi và tim. Vết đạn đau nhức khi trời đổi gió, buốt lên khi đổi mùa. Vết đạn nhói lên khi bồng con, khi thương vợ. Vết đạn làm giấc ngủ dang dở bao đêm trường vì cơn đau còn thôi thúc, còn nhớ những người bạn còn sống hoặc ra đi hoặc dang dở thế sự. từ sau 1975 đến giờ, mỗi lần làm việc nặng ráng sức, đôi lúc phải bỏ ra vài giây, đưa hai tay lên ngực như lặng thinh cầu nguyện. Vết đạn qua năm năm trường trong trại cải tạo với công việc phá rừng Sông Mực ở Thanh Hóa thay trời làm nước. Hoặc đã khai phá Hoành sơn Fuler, Bình Điền Bastogne thành trung du tươi tốt sắn khoai. Vết đạn khi ẩn khi hiện, như nhắc nhở, như chung tình với niềm đau mất nước qua cả bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông.
Sau 1975, trong trại cải tạo Cồn Tiên, Ái Tử, tôi gặp lại anh em trong gia đình Thủy Quân Lục Chiến như Hiệp ếch, Cẩm Lai, Phong Sún, Hiền Ngồi, Phước Răng Vàng, Châu Lác, Châu đam, Hiền sĩ, Điệp Điêu… và quý niên trưởng như anh Trà, Tiền, Cang. Thế ra quả đất tròn câu chuyện gia đình màu áo hoa biển vẫn thiên thu bất tận, nên truyền thống đơn vị trong trại tù vẫn hiên ngang và bất khuất. Lũ Vẹm cai tù cũng phải nể phục. Có những giây phút hạnh ngộ bất ngờ, anh em gặp nhau trên rừng lúc đốn củi, về “Đoàn” xem phim hay điều trị, văn nghệ văn công đến tập họp đi xem, gặp nhau từ các trại tù, ôi vui mừng khó tả.
Tôi còn nhớ lại trên đường lưu lạc làm ăn, có gặp chị Chúc, chị Nghĩa. Hai bà “tiên nữ” chuyên chi, ứng tiền cho anh em sinh viên sĩ quan, tức là ký sổ nợ để chi tiêu khi dạo phố, khi gặp người thân, hoặc người yêu, thời hoa mộng mà! Nợ còn thiếu, giờ đây vẫn chưa trả và có lẽ chẳng bao giờ trả hết được. Danh sách “ân tình” đó đầy cả cuốn sổ tay, có tên từng khóa, từng đại đội. Mục nào ký ngày nào. Tôi cười hỏi:
- Chị mất nhiều quá xá, chị cho chúng em nhiều quá, chị có buồn không?
Chị bảo:
- Cái mất mát của chị sá gì so với các em, những chàng trai trẻ hiến thân cho đất nước, âm thầm hy sinh tuổi trẻ đầy lý tưởng cho quê hương, mà bây giờ có còn chi cho các em đâu. Cái mất của các em mới là lớn. Ta đau niềm đau chung của vận nước, Tổ quốc mất các em là mất đi một tài nguyên lớn.
MX HOA BIỂN
Ý kiến bạn đọc
05 Tháng Ba 20128:00 SA
huỳnh thanh Dũng
Khách
Mất mát của chị có sá gì so vơi các em . Ta đau niềm đau chung của vận nước. .Quả thật các anh các chú , tất cả chưa phảilà những tiền nhân công xá vỉ đại gì với đất nước , nhưng tập thể các chiến binh trong màu áo TQLC , Nhảy Dù ,BĐQ và cả những cá nhân cá biệt như cac chiến sỉ CS tại bộ TLCSQG hay các chiến sỉ ĐPQ , NQ tại các tiền đồn miền Tây ngày 30/4 tự sát tập thể, kiên cường trên chốt phòng thủ dù tên tội đồ D.V Minh đả ra huấn thị đầu hàng. Tất cả là những gương sáng vị quốc vong thân , là niềm kiêu hảnh và an ủi cho chúng tôi lớp con cháu không may mắn phải ở lại với loài quỷ dử hứng chịu mọi sự trả thù đốn mạt cố nuốt tủi nục , thậm chí đổi màu để tồn tại. Nhưng tất cả quả thật chẳng sá gì với những gì các tiền nhân gánh chịu , đáng quí hơn tất cả là mọi thứ trở nên vô nghỉa vì Nước mất thì bại tướng còn chi !Nhưng chúng ta kiêu hùng là làm tròn phận sự với QG, dủng mãnh với những chiến trận cuối cùng của một giai đoạn Quân Sử thấm thía đau cùng niềm đau chung của vận nước...