Để 20 triệu dân Miền Nam được thở bầu không khí tự do, quân đội phải trả giá với khoảng 300 ngàn binh sĩ đền nợ nước, thêm 1.2 triệu thương tích. Như trong lời thơ của một thời chinh chiến:
...Giặc đánh lớn - mùa mưa đã tới
Mùa mưa như một trận mưa liền
Châu thổ mang mang trời nước sát
Hồn chừng hiu hắt nỗi không tên
Tiếp tế khó - đôi lần phải lục
Trên người bạn gục đạn mươi viên
Di tản khó - sâu dòi lúc nhúc
Trong vết thương người bạn nín rên
Người chết mấy ngày chưa lấy xác
Thây sình mặt nát lạch mương tanh...
(Qua Sông-Tô Thuỳ Yên)
Qua hằng ngàn chiến trận lớn nhỏ khác nhau, người lính VNCH đã đứng vững -- cho đến giờ phút cuối cùng, giữa một Sài Gòn ngã đạn. Sau đây là đôi nét nhìn lại cuộc chiến giữ gìn bờ cõi kiêu hùng của Quân Lực VNCH mấy thập niên trước.
Huế nước mắt Mậu Thân
Cố đô Huế là chiến trường thảm khốc nhất trận Mậu Thân. Hơn 10 ngàn cán binh cộng sản chiếm giữ thành phố gần trọn Tháng Giêng 1968. Đây cũng là một trong những trận đánh hiệp đồng tác chiến lớn giữa quân đội VNCH và các đơn vị đồng minh Hoa Kỳ. Chỉ 4 ngày sau khi mất Huế, từ Mồng 5 Tết, cùng với quân bạn đồng minh, quân đội Miền Nam mở cuộc phản công (chánh yếu với các đơn vị Dù, Thuỷ Quân Lục Chiến, và Sư đoàn 1 Bộ binh của Tướng Ngô Quang Trưởng). Cộng quân trốn vô Thành Nội, đào hầm hố địa đạo cố thủ, nên quân bạn phải đánh hỏa lực mạnh, gây nhiều thiệt hại. Thành phố Huế bị tàn hại gần 80%; Thành Nội gần như hoàn toàn sụp đổ; cửa Ngọ Môn hư hại nặng... Cuối cùng, cộng quân triệt thoái ngày 22-2-1968, chết ít nhất 2,500 bộ đội.
Phía quân đội VNCH cũng chịu hằng ngàn thương vong để chiếm lại Huế. Thêm hằng ngàn dân chúng bị thảm sát trong thời gian cộng quân "giải phóng" đất cố đô. Không chỉ thất bại quân sự, cộng quân thua luôn thế trận tâm lý chiến vì người Miền Nam lần đầu tiên nhìn thấy phương pháp "triệt để" của họ trên diện rộng.
An Lộc tử thủ
Bốn năm sau Mậu Thân, cộng quân hồi phục, mở trận Mùa Hè Đỏ Lửa. Từ đầu Tháng Ba 1972, Bắc Việt tung 14 sư đoàn vào trận địa, với khoảng 120,000 lính và 1,200 chiến xa đủ loại. Thị xã An Lộc bé xíu, thuộc tỉnh Bình Long, gần biên giới Cao Miên, diện tích chừng 4 cây số vuông, với 45 ngàn dân -- là 1 trong những mục tiêu chánh. Vì ở vị trí quan yếu, cách thủ đô Sài Gòn chỉ khoảng 100 km, An Lộc đã có thể trở nên "thủ đô" cho mặt trận cộng sản ở Miền Nam. Cộng quân tính đánh chiếm An Lộc trong một ngày, nhưng quân phòng thủ (chánh yếu là Sư đoàn 5 Bộ binh của Tướng Lê Văn Hưng và các đơn vị Biệt động quân) đã tử thủ trong khoảng 2 tháng trời. Phía cộng quân có ít nhất 3 Sư đoàn và nhiều đơn vị yểm trợ, lên tới 40,000 bộ đội, cùng hằng trăm chiến xa. Sau 7 đợt tấn công ác liệt, cộng quân thất bại, chết ít nhất 10,000 bộ đội, hằng trăm chiến xa T-54 và đại bác bị bắn cháy. Mặt trận An Lộc hoàn toàn yên tĩnh ngày 9-6-1972.
Trong trận này, binh sĩ VNCH chứng tỏ can đảm, đánh xáp lá cà, cận chiến với bộ đội cộng sản trên từng thước đất An Lộc. Các lực lượng giải cứu (chánh yếu Sư Đoàn 21 Bộ Binh của Tướng Hồ Trung Hậu và các đơn vị Dù, gồm cả Biệt Cách Dù 81) phải hứng chịu... cơn mưa pháo kích của cộng quân suốt 26 km từ Chơn Thành lên An Lộc. Mất hằng tuần lễ, họ vẫn tiến lên, cho đến ngày bắt tay được với quân phòng thủ. Trận An Lộc cho thấy quân đội Miền Nam tinh thần can cường, đủ sức bảo vệ quê cha đất tổ, một khi có hiệp đồng tác chiến và hoả lực yểm trợ.
Quảng Trị - tái chiếm cổ thành
Thị xã Quảng Trị, vùng địa đầu giới tuyến, là một mục tiêu tối hậu khác của cộng quân trong trận Mùa Hè Đỏ Lửa 1972. Đầu Tháng Năm, quyết định chiến thuật sai lầm của một vị tư lịnh khiến xảy ra cảnh thảm sát trên "Đại Lộ Kinh Hoàng" và cổ thành Quảng Trị bỏ ngỏ. Từ 28-6, tướng Ngô Quang Trưởng (tư lịnh Quân Đoàn 1) chỉ huy cuộc phản công tái chiếm cổ thành, chánh yếu với Sư đoàn Thủy quân Lục chiến của Tướng Bùi Thế Lân và vài đơn vị Dù.
Để cố thủ Quảng Trị, cộng quân có ít nhất 4 sư đoàn chủ lực, thêm pháo binh tầm xa, và 2 trung đoàn chiến xa. Địch quân được tiếp tế đạn dược, lương thực, thuốc men thoải mái từ Cửa Việt. Phía quân đội VNCH có lợi thế không quân và hải pháo -- nguyên do của khoảng 80% thương vong cho cộng quân. Kết quả: Toàn bộ 1,500 bộ đội cộng sản cố thủ trong cổ thành coi như bị xoá sổ; ước lượng thương vong của địch quân lên quá 10 ngàn. Phía quân bạn, Thuỷ Quân Lục Chiến thiệt hại nặng với trên 3,500 quân nhân hy sinh, trung bình mỗi ngày có 150 binh sĩ Cọp Biển chết trận.
Đây là một trong những trận chiến ác liệt bậc nhất chiến cuộc VN -- kéo dài gần 3 tháng, với tổn thất nặng nề cho cả 2 bên. Binh sĩ VNCH tỏ ra thiện chiến, chiếm lại cổ thành, nhưng bờ Bắc sông Thạch Hãn, phần còn lại của tỉnh Quảng Trị, đành chịu mất luôn về tay Bắc Việt.
Thường Đức & đồi máu 1062
Đây là nơi hẻo lánh hiểm trở, không mấy ai muốn tới, dù chỉ cách Đà Nẵng khoảng 60 cây số về hướng Tây. Nó nằm trên trục đường "Đông Trường Sơn" hệ trọng cho Bắc Việt. Ngày nào Thường Đức còn đứng vững, canh gác "Đường 14", thì cộng quân không thể thoải mái đi lại, chuyển quân về uy hiếp Sài Gòn. Phía VNCH chỉ có Liên Đoàn 14 Biệt Động Quân bảo vệ. Bắc Việt gom góp đến 3 sư đoàn để đánh Thường Đức từ 29-7-1974, khiến nơi này thất thủ nhanh chóng. Tiểu Đoàn Biệt Động Quân 79 oai hùng, chiến đấu gan lì, bị xoá sổ. Từ 8-8-1974, các đơn vị của Lữ đoàn Nhảy Dù tổ chức phản công. Tuy nhiên, đối phương lập tuyến phòng thủ chắc chắn, quyết giữ bằng được Thường Đức. Giao tranh chánh yếu diễn ra trên ngọn đồi 1062 phía đông Thường Đức. Nhiều lần ngọn đồi đổi chủ, với trên 1,000 cộng quân mất mạng và nhiều ngàn bị thương. Bên quân đội VNCH, có nhiều đơn vị Dù thiệt hại quân số trên 50%. Cuối cùng, VNCH chiếm giữ đồi 1062, nhưng không lấy lại được Thường Đức.
Xét về mức độ ác liệt, trận Thường Đức có lẽ chỉ kém trận Cổ Thành Quảng Trị và trận An Lộc. Đây là quận lỵ đầu tiên của VNCH rơi vào tay Bắc Việt sau hiệp định đình chiến Paris 1973. Các lực lượng cộng sản nổ súng để đo lường phản ứng của VNCH và đồng minh. Thất thủ êm thấm, Thường Đức trở nên con cờ domino đầu tiên trong cuộc cờ lớn của các siêu cường, với thân phận và xương máu quân dân Miền Nam bị hy sinh trong trò chơi lịch sử.
Xuân Lộc phòng tuyến chót
Vào những ngày thập tử nhất sinh cuối Tháng Ba đầu Tháng Tư 1975, VNCH lập phòng tuyến Xuân Lộc để bảo vệ cửa ngõ phía đông của Sài Gòn, chịu trách nhiệm chánh là Sư đoàn 18 của Tướng Lê Minh Đảo. Tại đây, quân đội Miền Nam có khoảng 12,000 tay súng, lâm vào cảnh phải đương đầu địch quân với 40,000 bộ đội từ 4 sư đoàn, và nhiều lực lượng yểm trợ khác. Chiến trận diễn ra từ 9-4 đến 20-4, sau cùng Sư đoàn 18 triệt thoái về hướng Sài Gòn. Trận đánh đẫm máu nhất tại Dầu Giây, Chiến Đoàn 52 Bộ Binh đánh trong thế 1 chọi 10. Khi hầm chỉ huy bị sập, chiến đoàn trưởng lui binh chỉ còn 200 người sống sót. Sư đoàn 18 tính chung thiệt hại 30% quân số. Cũng trong trận này, không quân VNCH mang 2 trái bom Daisy Cutter, được mệnh danh là "tiểu nguyên tử" thả lên vùng tập trung của Bắc Việt tại ngã ba Dầu Giây, với lúc nhúc chiến xa, đại pháo, gây thiệt hại không nhỏ.
Xuân Lộc là trận đánh lớn cuối cùng của một đại đơn vị quân lực VNCH trong chiến tranh Việt Nam. Đây cũng là trận hiệp đồng tác chiến sau chót với đơn vị bạn của Không Quân VNCH, sử dụng phản lực cơ A-37 và F-5. Giai đoạn đầu, Xuân Lộc giúp nâng cao tinh thần binh sĩ, đem lại chút hy vọng kháng cự cho Dinh Độc Lập. Về sau, nỗ lực của Sư đoàn 18 có thể đã giúp mua thêm chút thời gian cho dân chúng Sài Gòn di tản, chạy trốn cộng sản.
Sài Gòn ngày cuối
Quân đội VNCH, vào cuối tháng 3-1975, sau khi Quân Đoàn 1 và 2 thất thủ, chỉ còn khoảng 1/2 binh lực. Bốn tuần sau đó, thêm Quân Đoàn 3 kể như cũng tan rã. Chỉ còn Biệt Khu Thủ Đô bảo vệ đô thành Saigon với vài chục chiến xa M-41 và M-48, một số chiến đấu cơ và trực thăng, và những đơn vị lẻ tẻ. Để đối đầu khoảng 20 sư đoàn của địch quân, với hàng ngàn chiến xa, trọng pháo đang từ mọi ngả rầm rập kéo về Sài Gòn. Mặc dù không còn gì có thể cứu vãn, một số đơn vị và binh sĩ vẫn tổ chức kháng cự đến phút cuối cùng. Cầu Rạch Chiếc (trên xa lộ Sài Gòn - Biên Hòa, cách dinh Độc Lập 7km) tổ chức phòng thủ chắc, đêm 27-4 đến sáng 30-4 còn quần thảo ra trò với đối phương. Binh sĩ Thủy quân lục chiến, một chi đội thiết giáp pháo binh, chiến hạm của hải quân Sài Gòn ở Tân Cảng, các đơn vị Liên Trường Thủ Đức... phối hợp đánh giặc trận cuối, kết quả có 52 cán binh cộng sản đã bỏ mạng ở cầu này.
Các quân nhân Liên đoàn Biệt Cách Dù 81 vẫn giữ an ninh cho Bộ Tổng Tham Mưu đến trưa ngày 30-4-1975. Nhiều xác xe tăng cộng sản cháy rải rác từ Ngã Tư Bảy Hiền sang Lăng Cha Cả. Thiết giáp cộng sản qua Hàng Xanh, bọc cầu Thị Nghè để tiến vào dinh Độc Lập, thì gặp quân Dù kháng cự, bắn cháy vài chiến xa và quân xa. Ngay sau khi vị tổng thống cuối cùng của VNCH kêu gọi binh sĩ Miền Nam buông súng, vẫn còn giao tranh ở ngã tư Hồng Thập Tự và Lê Văn Duyệt, cách Dinh Độc Lập không xa. Bốn binh sĩ Dù quần thảo với địch quân lần chót trong khoảng 45 phút, đến hết đạn rồi tất cả cùng tự sát.
Những binh sĩ này nằm xuống trong giờ phút chung cuộc của Miền Nam tự do. Họ yên nghỉ khi tóc vẫn còn xanh, mộng đời còn chưa trọn. Họ thuộc về hằng trăm ngàn chiến sĩ khác, hữu danh và vô danh, đã vị quốc vong thân. Họ là hình ảnh những tấm gương kiêu dũng, nhưng cũng ít nhiều cô độc, trong cuộc chiến bi hùng của quân đội Miền Nam.
Thanh Dũng
Nguồn Trẻ
Gửi ý kiến của bạn