BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 77515)
(Xem: 63336)
(Xem: 40784)
(Xem: 32413)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Hồi ức giờ thứ 25 của lịch sử!

27 Tháng Năm 201512:00 SA(Xem: 3443)
Hồi ức giờ thứ 25 của lịch sử!
56Vote
41Vote
30Vote
20Vote
11Vote
4.48

Kỷ niệm 40 năm ngày đau thương của dân tộc
30.4.1975 - 30.4.2015


Tiểu đoàn Thanh Long/530/ĐP/Biệt Lập có KBC. 4005 thuộc TK/Kiên Giang/Quân Khu 4, hoạt động vùng Kiên Lương-Hà Tiên, bao trùm luôn mật khu Trà Ten, tôi cùng ba đại đội 2, 3 và 4 trong số 5 đại đội của tiểu đoàn đang hành quân ở đó, chúng tôi được đặt dưới quyền chỉ huy HQ của Bộ Chỉ Huy HQ Sư Đoàn 9. Vào lúc 03.45 sáng ngày 24 tháng 4, 1975, chúng tôi nhận được công điện hỏa tốc của BTL/QĐIV/QK4: “Đơn vị đóng quân tại chỗ chờ lệnh. Stop/- Riêng tiểu đoàn trưởng chuẩn bị sẵn sàng trước 07.00 sáng, sẽ có trực thăng đến đón về Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn IV/Quân Khu 4 để dự phiên họp đặc biệt. Chi tiết sẽ cho biết sau. Hết/.” Đúng giờ ấn định, một chiếc trực thăng đến đón tôi, trên trực thăng có 3 thiếu tá đã ngồi sẵn, trong đó có 2 Th/Tá quận trưởng và Thiếu Tá Nguyễn Văn Mừng/TĐT/ĐP/BL/TK/Châu Đốc là bạn cùng khóa chỉ huy tham mưu cao cấp với tôi, rồi trực thăng tiếp tục bay lên Hà Tiên để đón Thiếu Tá Quận Trưởng Cao Ngọc Vân. Sau cùng chúng tôi trực chỉ BTL/QĐIV/QK4... Chúng tôi cùng tiến về phòng họp của BTL/QĐIV/QK4, tại đây đã có rất nhiều vị tỉnh trưởng, quận trưởng, liên đoàn trưởng/ĐPQ và 5 hay 6 tiểu đoàn trưởng/ĐP/Biệt Lập như chúng tôi. Mọi người đều thắc mắc, bàn tán, không biết họp bàn về vấn đề gì quan trọng mà sao đông đủ quý vị chỉ huy của toàn Quân Khu 4. Sau phần nghi lễ thường lệ, Đại Tá Trương Dềnh Quây, tham mưu trưởng QĐ giới thiệu thành phần chủ tọa, phòng họp hoàn toàn im lặng như đang trông chờ đợi một điều gì vô cùng quan trọng! Mở đầu, thiếu tướng tư lệnh QĐIV kiêm QK4 Nguyễn Khoa Nam với gương mặt nghiêm trọng ẩn chứa một thoáng buồn, người nói: “Tổ quốc lâm nguy, lâm nguy! Người bạn đồng minh Hoa Kỳ của chúng ta đã thật sự phản bội, bỏ rơi chúng ta!... Giờ đây, chỉ có chúng ta tự cứu. Bằng cách chúng ta phải chiến đấu tử thủ để bảo toàn lãnh thổ QĐ IV/QK 4, không để mất một tấc đất, để Bộ Tổng Tham Mưu QLVNCH sẽ dời về đây, cùng chúng ta chiến đấu để làm tuyến phòng thủ cuối cùng để chờ... chờ. Lệnh hành quân tử thủ bắt đầu có hiệu lực kể từ giờ phút nầy, hôm nay. Lệnh HQ chi tiết và phóng đồ HQ sẽ gởi đến sau.” Tiếp theo là những chỉ thị và lời dặn dò bổ túc do Chuẩn Tướng Tư Lệnh Phó QĐIV/QK4 Lê Văn Hưng ban hành. Sau khi nhị vị thiếu tướng và chuẩn tướng trả lời một số câu hỏi và giải quyết mọi thắc mắc, phiên họp đã chấm dứt một cách vội vàng để mọi người có thời gian về chuẩn bị cho kế hoạch HQ tử thủ. Chúng tôi ra về không ngớt bàn tán, đến nỗi quên cả chào từ giã như thường lệ. Vì mỗi người chúng tôi đều mang trong lòng một tâm trạng nặng trĩu với bao nỗi lo âu vì trách nhiệm quá nặng nề, khó khăn chồng chất trước mặt, trong đó là hỏa lực tác chiến bị hạn chế, hỏa lực yểm trợ Phi Pháo không còn như trước nữa, vì nguồn tiếp tế nhiên liệu, đạn dược hầu như đã cạn. Đặc biệt vấn đề trực thăng tải thương giờ đây không còn nữa, tức là phải tự túc!

Chúng tôi được huấn luyện theo binh thư của người Mỹ áp dụng trong chiến tranh trận địa chiến. Trong thế công cũng như trong phòng ngự phải dùng tối đa hỏa lực phi cơ và pháo binh cũng như các phương tiện chiến tranh hiện đại để tiêu diệt địch hay san bằng các mục tiêu để tạo chiến thắng,... Đây là cách thức đánh giặc theo kiểu “nhà giàu.” Hôm nay người bạn đồng minh Hoa Kỳ đã nhẫn tâm phản bội khi họ đã nuốt lời hứa và đã bỏ rơi chúng ta. Họ không những đã rút hết trên 500 ngàn quân về nước, mà còn cắt đứt mọi nguồn tiếp tế vũ khí, nhiên liệu, phương tiện chiến tranh! Đặc biệt nhất, họ đã đành đoạn từ chối viện trợ 300 triệu sau cùng, trước lời thỉnh cầu vô cùng khẩn thiết, nếu không muốn nói là lời van xin như muốn khóc của TT Nguyễn Văn Thiệu để cứu vãn Miền Nam VN khỏi sụp đổ trước họa xâm lăng của CSBV. Trong lúc đó lực lượng CSBV lại được các nước CS quốc tế anh em hết lòng giúp đỡ và viện trợ tốt đa để dứt điểm Miền Nam VN thân yêu của chúng ta! Do đó, chúng tôi từ một quân đội đánh giặc theo kiểu nhà giàu nay phải thay đổi chiến thuật đánh giặc theo kiểu nhà nghèo! Nghĩa là chúng ta phải chiến đấu tử thủ đến giọt máu cuối cùng bằng kinh nghiệm, trí thông minh, sự khôn khéo và bằng chính sinh mạng của mỗi người chiến sĩ của QĐIV/QK4. Chúng ta thề tử thủ cho Tổ Quốc và Quân Đội sống còn và đồng bào được sống trong tự do hạnh phúc. Trực thăng đưa chúng tôi trở về đơn vị để chuẩn bị thi hành nhiệm vụ đã ấn định.

Thời gian vốn qua nhanh, nhưng với chúng tôi lúc này, thời gian trôi đi thật chậm! Các đơn vị vẫn tiếp tục giao tranh, những báo cáo giết được địch, thu được chiến lợi phẩm cũng như thương vong của ta vẫn tiếp tục tới tấp gởi về! Mối ưu tư tột cùng của chúng tôi là làm sao săn sóc các thương binh trong hoàn cảnh cực kỳ thiếu thốn và khó khăn nầy để bảo toàn sinh mạng cho anh em! Lệnh giới nghiêm toàn vùng đã ban hành, đường sá vắng tanh không phương tiện di chuyển, chúng tôi phải tản thương tự túc bằng võng, bằng xuồng, bằng nghe gắn máy đuôi tôm đến các bệnh xá hay y trạm gần nhất! Để tự trấn an mình về nỗi lo âu trước sự sống còn của các em binh sĩ bị thương, tôi chỉ biết thành tâm nguyện cầu cho anh em, vì giờ đây tất cả sinh mạng họ đều ngoài tầm tay của chúng tôi! Ngày và đêm trở nên dài hơn, ngày thì chạm địch, đêm thì giao tranh, bị pháo kích thường xuyên,... anh em chúng tôi hầu hết đều bơ phờ, mất ngủ triền miên, nghĩa là thèm... thèm ngủ!...

Trưa ngày 25 tháng 4, 1975, một chiếc quan sát L.19 bay qua đầu, rồi liệng vòng đáp xuống phi trường Kiên Lương có chở Trung Tá Vương văn Trổ, tỉnh trưởng kiêm tiểu khu trưởng TK/Kiên Giang, tôi cứ ngỡ Tr/Tá VVTrổ lên đây để thị sát mặt trận và gắn lon thiếu tá cho tôi theo như lời thông báo của Trung Tâm Hành Quân TK/KG và Đại Úy Trần Hoàng Hai phụ tá Phòng Tổng Quản Trị/TKKG. Nào ngờ, vì quá hăng say trong công việc, Tr/Tá VVTrổ chỉ quan tâm đến thị sát mặt trận cùng thanh tra các tuyến phòng thủ và ban hành các chỉ thị cần thiết, rồi vội vã lên máy bay ra về, vì bận có cuộc họp sau đó. Phần tôi vì quá bù đầu, bận tâm với nhiều công việc cấp bách và các chỉ thị vừa ghi nhận, nên cũng quên lửng việc “gắn lon thiếu tá,” mặc dù phó bản quyết định thăng cấp thiếu tá kể từ ngày 1 tháng 1, 1975, do ông tổng trưởng Quốc Phòng ký ngày 27 tháng 2, 1975 đang nằm trong túi áo trên và cặp lon thiếu tá mới toanh được đặt trong lọ dầu chải đầu Tancho của Nhật và cuốn Niên Giám Thăng Thưởng Thường Niên 1975 phần đệ nhất tam cá nguyệt đã mở sẵn và “highlight” tên họ của tôi, Phan Văn Phước đang để trên bàn! Sự đời có rủi ắt có may như chuyện “Tái ông mất ngựa” trong Cổ Học Tinh Hoa! Nên sau ngày 30 tháng 4, 1975, khi bị đi “Tù Tập Trung” tôi chỉ khai là đại úy tiểu đoàn trưởng thay vì khai “Thiếu tá TĐT và trung tâm phó TT/Phượng Hoàng,” nên chỉ ở tù có 7 năm mà thôi! Sau này, khi đi du lịch qua Mỹ, tôi có liên lạc thăm hỏi Tr/Tá VVTrổ và kính lời cảm ơn ông, đồng thời có nói đùa: “Trung tá còn nợ em cặp lon thiếu tá!” Ông cười và nói tiếp lời tôi: “Đúng, tôi xin lỗi, tôi còn nợ anh, nhưng Thiếu Tướng Nguyễn Khoa Nam cũng còn nợ tôi cặp lon đại tá...hì hì”...

Chuẩn tướng Lê Văn Hưng


Ngày 27 tháng 4, 1975, vào lúc 15 giờ 45 chiều, chúng tôi nhận lệnh qua hệ thống truyền tin: “Chuẩn bị bãi đáp, 20 phút nữa, Thái Dương sẽ đến thăm.” Thái Dương là danh hiệu Truyền Tin của Chuẩn Tướng Lê Văn Hưng TLPhó/QĐIV/QK4. Tôi đứng chờ tại bãi đáp, sau khi trực thăng đáp xuống, tôi tiến đến gần để chào chuẩn tướng và mời chuẩn tướng lên xe đưa vào BCH/TĐ để nghe tôi thuyết trình về tình hình an ninh trong phạm vị lãnh thổ trách nhiệm và diễn tiến hành quân trong những ngày vừa qua:

...“Kính trình chuẩn tướng, đêm 25 tháng 4, 1975, Đại Đội 4 hoạt động vùng ven biển gần Chùa Hang đi phục kích bắn hạ 3 tên VC, tịch thu 02 súng AK.47. bên ta có hai binh sĩ bị thương, một nhẹ, một nặng, tất cả đã được tải thương về bệnh xá Kiên Lương.”

Chuẩn tướng hỏi:

“VC thuộc đơn vị nào?”

Tôi trả lời:

“Qua trang phục, tôi đoán họ thuộc bộ đội địa phương vì bọn họ không mang giấy tờ gì cả, ngoài 4 quả lựu đạn nội hóa và 1 gói cơm vắt với bọc muối hòa với ớt và bột ngọt.”

Tôi trình bày tiếp:

“Cùng đêm 25 tháng 4, 1975, Đại Đội 2 đóng ở Mật Khu Trà Ten bị địch tấn công, nhưng nhờ có đơn vị đi tiền đồn đã phát hiện sớm và chạm địch từ xa, nên căn cứ của ĐĐ2 do Trung Úy Nguyễn văn Nhán chỉ huy đã sẵn sàng tư thế chiến đấu ngay từ giờ phút đầu. Vì mất yếu tố bất ngờ, nên bọn CSBV đã thất bại sau hai lần nỗ lực tấn công, cuối cùng bọn chúng phải tháo lui. Rạng ngày 26 tháng 4, 1975, sau khi lục soát chiến trường, địch để lại 4 xác và ta bắt sống một tên CSBV bị gẫy chân nằm trốn dưới mương. ta tịch thu 3 súng AK.47 và 7 ống mìn tự chế để công phá hàng rào mở đường cho cuộc tấn công đồn và nhiều chất nổ khác...”

“Họ thuộc đơn vị nào?”

“Kính thưa họ thuộc đơn vị Công Trường 9 CSBV, đã xâm nhập vào Bưu Trạm 75 và 80 trong vùng mật khu Trà Ten...”

...Qua phần thuyết trình, tôi nhận thấy chuẩn tướng vừa gật đầu vừa cười đầy vẻ hài lòng, cuối cùng người nói: “Tôi có lời khen ngợi tinh thần chiến đấu gan dạ của anh em, gắng lên.” Sau đó chuẩn tướng muốn đi quan sát hệ thống phòng thủ và phối trí hỏa lực của toàn đơn vị.... Tôi tiễn chuẩn tướng ra về, khi gần đến bên chiếc trực thăng đã đậu sẵn, chuẩn tướng dừng lại và quay mặt về hướng tôi, tôi đứng nghiêm chào, chuẩn tướng chào lại và tiến về hướng tôi đưa tay cho tôi bắt, tôi bước lên một hai bước để bắt tay chuẩn tướng. Thay vì bắt tay như thương lệ, chuẩn tướng đã nắm lấy ngón cái của tôi, nên tôi phải nắm lấy ngón tay cái của chuẩn tướng. Kế đến chuẩn tướng bước thêm một hai bước nữa cho gần tôi hơn và cánh tay trái của người đã ôm choàng lấy người tôi, nên tôi cũng ôm choàng lấy thân hình của chuẩn tướng. Bên tai tôi, người căn dặn: “Hãy cố gắng lên, đây là trận chiến quyết định cuối cùng. Hãy chiến đấu tử thủ quyết liệt và kiên cường để xứng đáng là chiến sĩ của QLVNCH mà Tổ Quốc và đồng bào đang mong đợi.” Tôi kính cẩn trả lời: “Dạ, em xin tuân lệnh, xin chuẩn tướng yên tâm và tin tưởng.” Chuẩn tướng vừa nói vừa vỗ nhẹ vào lưng tôi như nhắn gởi bao lời tâm huyết. Sau đó chuẩn tướng lên trực thăng, ngồi trên trực thăng, Người nhìn tôi và vẫy tay chào, miệng cười nhưng đôi mắt hình như thầm thoáng một nét buồn u uẩn làm cho tôi cùng buồn theo mãi cho đến khi tôi trở lại công việc phòng thủ.

Sau 40 năm, hôm nay ngồi ghi lại những kỷ niệm này, lòng tôi vô cùng bùi ngùi thương tiếc Chuẩn Tướng Lê Văn Hưng, một cấp chỉ huy can trường trên chiến địa “Anh Hùng An Lộc” nhưng rất lịch sự, hiền hòa và đầy nhân đức với dáng dấp của một văn nhân thi sĩ hơn là một vị võ tướng. Những lời căn dặn chân tình sau cùng đầy cương quyết, nặng tình thiết tha với tổ quốc và dân tộc, những cái vỗ vai trìu mến đầy tình huynh đệ chi binh và cái bắt tay khác thường khó quên đang hiện rõ nồm nộp trong trí tôi như mới diễn ra ngày hôm qua! Nào ngờ cái bắt tay khác thường đó là cái bắt tay cuối cùng và những lời dặn dò thiết tha đó là lời trăng trối, biệt ly ngàn trùng xa cách! Tuy ca cách người nhưng hình dáng và phong thái của người vẫn mãi mãi trong tâm trí tôi, đặc biệt nhất vào mỗi mùa quốc hận 30 tháng 4.

Mặc dầu đã có “Lệnh Buông Súng Đầu Hàng của TT. Dương Văn Minh lúc 10 giờ sáng ngày 30 tháng 4, 1975,” nhưng đơn vị chúng tôi đã tuân hành lệnh của các cấp chỉ huy trực tiếp và vẫn tiếp tục “chiến đấu tử thủ đến 01giờ 45 phút sáng ngày 1 tháng 5, 1975.” Chúng tôi đã anh dũng chiến đấu trong cô đơn, không có yểm trợ, không có tiếp tế, không có tải thương, không có cấp chỉ huy và không có quân bạn bên trái, bên phải, trước mặt hay sau lưng để liên lạc, để xin yểm trợ hay xin lệnh kế tiếp. Bởi vì Thiếu Tướng Tư Lệnh Nguyễn Khoa Nam Và Chuẩn Tướng Tư Lệnh Phó Lê Văn Hưng đã tuẫn tiết lúc 10 giờ tối 30 tháng 4, 1975 mà chúng tôi không hề hay biết, vẫn tiếp tục chiến đấu và tiếp tục gọi máy truyền tin để liên lạc nhưng không có một ai trả lời, hay trong lúc BCH/Hành Quân/SĐ9 và Trung Tâm/HQ/TKKG đã bỏ ngõ từ lúc nào mà chúng tôi cũng không rõ nhưng chúng tôi vẫn tiếp tục chiến đấu và vẫn tiếp tục liên lạc nhưng tất cả đều im lặng như tờ!

Chúng tôi vẫn tiếp tục anh dũng chiến đấu trong cô đơn bên cạnh vợ, con và gia đình binh sĩ, họ là những chiến sĩ vô danh, không có số quân, không được hưởng lương giống như quý vị lương cao, bổng hậu, nhưng trong giờ phút Tổ quốc lâm nguy thì họ cùng vợ con gia đình hay cùng với thuộc cấp của mình đã cao chạy xa bay để tìm hạnh phúc cho bản thân và gia đình, trong khi các chiến hữu của họ đang âm thầm tiếp tục anh dũng chiến đấu trong gian khổ hy sinh để bảo vệ Tổ quốc và đồng bào trong cơn nguy biến!... Tại sao tất cả đều “Im Lặng Vô Tuyến” không có một ai lên tiếng trả lời, mặc dầu chúng tôi đã dùng mọi phương tiện truyền tin kể cả “quây đầu bò” để gởi các điện văn (tích tích, tè tè) hỏa tốc; nhưng chỉ còn nghe tiếng rè rè từ máy truyền tin vọng lại thật là ai oán não nề đáng ghét! Lòng vô cùng bồn chồn, lo lắng và phân vân tột độ! Bồn chồn lo lắng không phải vì sợ lửa đạn chinh chiến mà vì không có cấp chỉ huy, không có yểm trợ, không có bạn bè, trong lúc các đơn vị vẫn tiếp tục chạm súng và thương vong! nên cảm thấy vô cùng cô đơn, hoang mang, mờ mịt như người đi lạc trong rừng không có địa bàn, không thấy mặt trời để định hướng! Trong giờ phút quan trọng của lịch sử nầy, chỉ cần một quyết định sai lầm, thiếu chính xác của cấp chỉ huy sẽ ảnh hưởng đến sinh mạng của hằng trăm binh sĩ và thân nhân gia đình họ hay sẽ mang trọng tội với Tổ quốc và dân tộc! Tại sao...Tại sao tất cả đều im tiếng, không lẽ bạn bè anh em mình chết hết cả rồi hay sao!?... Lòng chúng tôi vô cùng hoang mang, bồn chồn, nôn nao như lửa đốt, điên cả người muốn chết được!... Cuối cùng khoảng lúc 01 giờ 30 sáng ngày 1 tháng 5, 1975, trên hệ thống truyền tin PRC/25 và cả máy PRC/46 có tiếng nói, thầy trò chúng tôi vui mừng vô kể! Nhưng sau khi nghe kỹ lại, tôi nhận ra giọng nói Quảng Bình-Nghệ An, đúng là giọng nói của dân quê “Bạc!” Họ bảo: “Yêu cầu buộng sụng đầu hàng, nệu không thì sẽ chệt. Nghe rọ trạ lời!” Tôi đáp lại: “Đi chỗ khác chơi, để chỗ cho các ông làm việc. Có ngon, xin mời đến đây, sẽ biết!” Việc VC vào hệ thống truyền tin chửi bới nhau là chuyện thường tình xảy ra, không quan trọng. Cuộc đối thoại kéo dài độ 5, 7 phút, thình lình có một giọng nói chững chạc, có lẽ là cấp chỉ huy, phát âm theo giọng Hải Phòng: “Xin nỗi ai đầu máy, hãy nghe đây, cấp chỉ huy của các anh đã chết, có người đã đầu hàng và đang bàn rao. Các anh còn đấm đá cái gì lữa. Buông súng đầu hàng đi, không kẻo chết!”

Tất cả mọi người chúng tôi trong hầm Chỉ Huy Hành Quân như chết lặng, đứng như trời trồng! Bàng hoàng, nửa mơ nửa tỉnh! Im lặng ngơ ngác mà nhìn nhau, không ai nói nên lời. Thời gian trôi nhanh mà lại chậm, tuy chậm mà lại nhanh! Tôi hít vào và thở ra những hơi thở gấp và sâu như để lấy lại bình tĩnh vì tôi không biết tình hình ở Bộ Tư Lệnh QĐ IV/QK 4 và BCH//HQ/SĐ9 và TT/HQ/TK/KG như thế nào! Cuối cùng, tôi vừa suy nghĩ, tôi vừa gọi:

“Giới chức, giới chức, Thanh Long gọi, trả lời.”

Có người đáp:

“Tôi nghe đây, lói đi.”

Tôi hỏi:

“Xin lỗi, giới chức là ai và đang ở đâu gọi tôi, trả lời.”

Vẫn giọng nói Hải Phòng đáp:

“Chúng tôi nà QĐCM, đang đứng tại BCH /Tiểu Khu/KG của các anh, trả nồi”

Tôi hỏi tiếp:

“Yêu cầu cho tôi nói chuyện với sĩ quan trực, trả lời.”

Có tiếng đáp lại:

“Không có SQ trực lào cả, chỉ có QĐCM mà thôi. Hãy buông súng đầu hàng, nhớ treo một tấm vải trắng bên cạnh một cây đèn bão, để QCM biết nà các anh đã đầu hàng và sẽ không lỗ súng. Chờ đấy, sẽ có QCM đến tiếp thu bàn rao.”

Ôi Trời ơi! Chúng con điên mất cả rồi! Mọi người trong hầm Chỉ Huy HQ ngao ngán muốn chết được! Ngoài sân cờ, binh sĩ và vợ con đang nghe ngóng, mọi người nhốn nháo! Ở góc nầy, có nhiều binh sĩ thét lên....thét lên “Trời ơi là Trời” vì tức tối! Đằng góc kia có lắm kẻ thụt thùi khóc trong nghẹn ngào, tức tưởi. Nhiều chị, vợ của anh em binh sĩ chạy đến nắm cánh tay tôi lắc lắc: “Anh Hai, mình chưa thua mà anh Hai! Tại sao mình phải buông súng đầu hàng, anh Hai? Không đầu hàng! Xin anh Hai phát súng hay lựu đạn cho chúng em, tụi em biết sử dụng mà anh Hai!” Nhìn những gương mặt các chị, các em tràn trụa nước mắt, ngơ ngác, đau khổ với những câu hỏi tại sao, tại sao ? Lòng tôi nghẹn ngào không nói được, lồng ngực đau nhói, như người mất hồn, đi lững thững nhìn lên bầu trời đêm tối đang phủ đầy những đám mây đen nghịt, trần mây thật thấp và đang cuồn cuộn lấy nhau hòa lẫn trong những tiếng sét kinh hoàng và ánh chớp vô cùng ghê rợn. Ôi cả một màu đen u ám, rờn rợn như cảnh trời đất sắp tận thế! Báo hiệu một màu đen tang thương, đau buồn cho cả dân tộc, cho cả quê hương VN đau thương kể từ đây!...

Bỗng nhiên, tôi nghe nhiều tiếng la lớn thất thanh, gần cổng chánh: “Sang... Sang... mày nghe đây, hãy nghe Bố nói...Sang... Sang!” Thì ra, đó là những tiếng hét của ông Đại Úy Tiểu Đoàn Phó Lý Thọ Trường. Tôi chạy nhanh về cổng chánh thì chứng kiến cảnh Trung Úy Nguyễn Hoàng Sang, đại đội trưởng ĐĐ1, đang rút chốt lựu đạn tự tử, nhưng Đại Úy LTTrường là bố nuôi của Tr/úy Nguyễn Hoàng Sang, vừa làm chủ hôn đám cưới cho vợ chồng Sang đầu tháng 1, 1975, đang lớn tiếng nhắc nhở cho Sang biết là vợ Sang đang mang thai! Và nhiều chiến hữu khác đang can thiệp và ngăn chặn kịp thời; Nếu không thì đã gây thương vong rất nhiều, vì có nhiều binh sĩ và gia đình thân nhân binh sĩ đang đứng quanh quẩn, đầy cả sân cờ!... Mọi việc như tạm ổn, sau khi lấy lại bình tĩnh, tôi nhờ Đ/úy LT Trường tập họp BCH/TĐ, Đại Đội 1 và ĐĐ/Chỉ Huy Công Vụ tại sân cờ, tất cả vũ khí cá nhân đều tháo băng đạn và làm hai phát an toàn, đồng thời gom vũ khí đạn dược lại, để một nơi cách xa hàng quân, không cho ai lại gần, để đề phòng những kẻ đục nước béo cò trong lúc tang gia bối rối, hầu bảo vệ sanh mạng cho toàn thể đơn vị trong giờ thứ 25! Phân công tất cả SQ và HSQ đi kiếm soát từng hàng quân một. Phần tôi xuống hầm Chỉ Huy Hành Quân, ban hành lệnh tan hàng và những lời từ biệt cùng các đại đội trưởng/ĐĐ 2, ĐĐ 3 và ĐĐ4...

Sau khi đơn vị tập họp xong, tôi nói lời cuối cùng với các chiến hữu thân thương của tôi: “Cùng các chiến hữu thân mến, trước đây cũng tại sân cờ nầy, bản thân tôi đã yêu cầu các chiến hữu cùng tôi chiến đấu tử thủ đến giọt máu cuối cùng, theo lệnh của thượng cấp. Hôm nay, Tổ quốc VN chúng ta đang bước vào một khúc quanh lịch sử vô cùng quan trọng! Là quân nhân, chúng ta phải tuân hành mệnh lệnh của cấp chỉ huy, nên tôi tuyên bố buông súng, không còn chiến đấu nữa, kể từ giờ phút nầy... Chúng ta hãy dành một phút để tưởng niệm các đồng đội đã hy sinh dưới ngọn cờ vàng ba sọc đỏ của Tổ quốc VN thân yêu và cờ của TĐ/Thanh Long/530/BL.” (Bỗng tôi im lặng, đổi sang thế đứng nghiêm và cúi đầu tưởng niệm, tất cả mọi người trong các hàng quân đều tự động làm theo.) “Thành thật cảm ơn toàn thể các chiến hữu, cảm ơn các chị, các em đã cùng chồng, con mình chiến đấu hết lòng đến giờ thứ 25 của lịch sử. Tôi xin hoàn trả cuộc đời dân sự cho các bạn với một thân hình nguyên vẹn. Đó là trách nhiệm tinh thần của một cấp chỉ huy mà tôi luôn cố gắng giữ gìn và bảo vệ. Thân mến cầu chúc các bạn một cuộc sống mới tràn đầy hạnh phúc bên mái gia đình êm ấm, thuận hòa.” (Nghiêm, chào tay... chào...) “Thân mến chào tạm biệt các bạn.”

Lời phát biểu của tôi vừa dứt, hầu như mọi người đều khóc trong tức tưởi nghẹn ngào, đầy thương cảm! Anh em binh sĩ họ ôm chầm lấy nhau, họ chạy lại ôm lấy tôi, các chị các em vợ lính đến nắm lấy tay tôi khóc, trong tiếng sụt sùi, nức nở, cảnh tượng trông thật đau lòng! Trong lúc đó vợ tôi cùng nhiều vợ con binh sĩ đang đứng ở trên văn phòng nhìn xuống cũng đau khổ nghẹn ngào và khóc theo! Ôi làm sao tả hết nỗi đau thương, trìu mến, bùi ngùi nầy, vì từ nay “Đường ai nấy đi!”... Thật là một cảnh tượng đau buồn với bao tâm trạng khác biệt chồng chất, lẫn lộn thật khó tả, suốt đời không quên. Sau đó anh em chúng tôi âm thầm lặng lẽ chia tay nhau mỗi người đi mỗi phương, cùng nhau lần lượt rời khỏi vị trí càng nhanh càng tốt vì sợ bọn hạ tầng cơ sở VC nằm vùng hay những tên “VC 30” nổi lên thanh toán, giết bậy để lập công. Chúng tôi đã cố tình không thắp đèn bão, không treo cờ trắng để đầu hàng và không bàn giao đúng theo lời yêu cầu của CSBV. Vì chúng tôi không đầu hàng mà chỉ có làm lễ tan hàng trong trật tự và kỷ luật đúng theo lễ nghi quân cách của QLVNCH.

Trên đường đi lánh nạn, vợ chồng chúng tôi lầm lũi đi trong mưa to, gió lộng bốn bề, cố nhanh chân tìm đến nhà dân để mướn ghe thoát khỏi vùng nguy hiểm! Đôi khi chúng tôi qay đầu nhìn lại căn cứ BCH/TĐ, tất cả đang chìm đắm trong một màu đen u ám dưới cơn mưa tầm tã nặng hột chưa từng thấy, vừa chợt đến một cách lạ thường và xa xa có nhiều ánh đèn đang di chuyển thật nhanh về phía chúng tôi và nhiều tràng súng AK cũng như lẻ tẻ đang vang vọng đâu đó, càng ngày càng gần chúng tôi hơn! Trên trời sấm sét liên hồi giống như những trái pháo, trái bom đang nổ chụp trên đầu chúng tôi, trông thật ghê rợn như là điềm trời báo trước những điều chẳng lành cho quê hương và dân tộc, đã tạo thành bức tranh đầy vẻ ảm đậm thê lương như lòng chúng tôi đang vô cùng đau buồn, hoang mang, chán chường và âu lo không biết số phận mình, gia đình mình, đất nước mình, đồng bào mình ngày mai sẽ ra sao!?

Đêm nay 30 tháng 4 năm 2015, sau 40 năm của cái đêm kinh hoàng đầy bi tráng đó, tôi ngồi ghi lại những giây phút đau buồn này của TĐ/Thanh Long/530/ĐP/BL KBC.4005 mà lòng vô cùng thương tiếc cho các chiến hữu thân thương của tôi đã bất hạnh anh dũng hy sinh trong giờ thứ 25 của lịch sử. Các bạn có tên có họ, có đơn vị, có số quân, có số súng, có số giày đầy đủ nhưng vì các bạn đã bất hạnh nằm xuống trong giờ thứ 25, nên không ai hay biết, không bạn bè tiễn đưa đến nơi an nghỉ cuối cùng, mai táng không được nghe tiếng kèn truy điệu và không được phủ cờ quốc gia VN và - và không ai còn nhắc nhở đến các bạn! Các bạn đã trở thành những anh hùng vô danh! Chỉ có vợ, con gia đình người thân của các bạn phải gánh chịu bao nỗi đắng cay đau thương nầy!

Đêm nay, 30 tháng 4 là ngày giỗ năm thứ 40 của các bạn, đúng vào giờ phút linh thiêng nầy, tôi xin thành kính cúi đầu tưởng niệm với chí tâm nguyện cầu cho Hương Linh các bạn luôn được bình an nơi cõi vĩnh hằng và xin các bạn nhớ cho rằng trên trần thế nầy, còn có một cấp chỉ huy khiêm nhường, một chiến hữu thân thương của các bạn luôn tưởng nhớ và thầm cảm ơn đến các bạn; đồng thời tôi xin nguyện cầu cho các bạn thương phế binh thân thương của tôi luôn gặp mọi điều an bình và hạnh phúc.

Những giờ phút đau buồn xé nát tâm can nầy của đêm 30 tháng 4 1975 đối với người chiến sĩ can trường ở tuổi 33, nay là một ông già 73 tuổi, nhưng những hình ảnh oai hùng, bi tráng, kinh hoàng, rờn rợn và những tình cảm bùi ngùi thương tiếc lẫn nghẹn ngào trong tức tưởi luôn mãi mãi trong tâm trí tôi vào mỗi mùa Quốc Hận lại trở về, đặc biệt nhất là đêm nay, kỷ niệm 40 năm ngày tan hàng gẫy súng của chúng ta!

(Kỷ niệm 40 năm ngày đau thương của dân tộc)

Phan Văn Phước, Kh.13/TĐ
Thanh Long. KBC.4005


 
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn