BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73313)
(Xem: 62231)
(Xem: 39417)
(Xem: 31164)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Chiến Dịch Hành Quân Tam Giác Sắt

18 Tháng Mười 201312:00 SA(Xem: 3253)
Chiến Dịch Hành Quân Tam Giác Sắt
56Vote
413Vote
36Vote
21Vote
10Vote
3.926
Chiến dịch Cedar Falls là chiến dịch quân sự từ ngày 8 tháng 1 đến 16 tháng 1 năm 1967 trong Chiến tranh Việt Nam do Quân đội Mỹ và Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa thực hiện nhằm triệt nhổ gốc rễ các căn cứ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam ở “Tam giác sắt” (khu vực rộng 155 km² nằm giữa sông Sài Gòn và đường 13, khoảng 40 km phía bắc trung tâm Sài Gòn).

Chiến dịch có sự tham gia của 16 ngàn lính Mỹ và 14 ngàn lính Việt Nam Cộng hòa. Trong chiến dịch này, “lính chuột cống“ (Tunnel Rat) được sử dụng lần đầu tiên để xâm nhập hầm trú ẩn và hệ thống công sự ngầm của quân Giải Phóng.

 Tháng 1 năm 1967.

Văn phòng Người Nhái trực nhận được công điện “Khẩn” của BTL/HQ/P3. NN chuẩn bị công tác. Tôi và NN Nguyễn Đức Nguyên với đầy đủ trang bị, khoảng 20 phút sau chúng tôi lên quân xa 4x4 trực chỉ lên Tỉnh Bình Dương….

Khi đến Bình Dương chúng tôi được một sĩ quan Hải Quân trách nhiệm, đón chúng tôi và cho chúng tôi biết Hải Quân tham dự cuộc hành quân vào khu Tam Giác Sắt với một lực lượng hùng hậu của Giang Đoàn tăng phái khoảng 50 Chiến Đỉnh, hợp cùng với các quân, binh chủng Không Quân và Lục Quân Việt, Mỹ. Cuộc hành quân qui mô rộng lớn, gồm khoảng 16,000 quân Mỹ và 14,000 quân Việt Nam Cộng Hòa. Nhiệm vụ của Hải Quân là di tản dân chúng ra khỏi vùng hành quân. Trách nhiệm NN của chúng tôi là: - Bảo vệ mấy chiếc cầu để các chiến đỉnh cập vào nghỉ đêm, v.v. (an ninh phòng thủ hải cảng, bảo vệ cầu cống, cũng là nhiệm vụ của NN) và tháp tùng với các chiến đỉnh bảo vệ đoàn Giang Đỉnh tiến vào vùng Tam Giác Sắt để đón dân chúng di tản ra khỏi vùng hành quân và đưa về Bình Dương.

Sau đó chúng tôi được hướng dẫn vào lều vải quân đội trong khuôn viên Ty Bưu Điện cạnh bờ sông để tạm trú, nơi đây là trạm Vô Tuyến truyền tin của HQ. Chúng tôi gặp anh trưởng toán là Thượng sĩ Vô Tuyến Nguyễn Văn Lý (anh Lý là người kỳ cựu nhất kể từ khi HQ Pháp bàn giao, rất giỏi trong ngành Vô Tuyến của HQ/VNCH) và anh bạn cùng khóa 26 chuyên nghiệp là Hạ sĩ Vô Tuyến Nguyễn Viết Hiển. Các anh đến đây trước để lo sắp xếp máy móc liên lạc với các quân, binh chủng bạn. Chúng tôi chào nhau thăm hỏi. Các anh cho chúng tôi biết cuộc hành quân đã diễn ra mấy ngày rồi, và đoàn Giang đỉnh cũng vừa mới đến hôm nay cùng lúc với NN chúng tôi, v.v.

Tôi nhớ lại chuyến công tác áp tải đạn dược tiếp tế cho quận Dầu Tiếng mới đây chỉ cách khoảng một tháng trước cũng trên dòng sông hiểm ác này. Có thể chuyến công tác đó là để chuẩn bị đầy đủ đạn dược cho quân đội VNCH trong chiến dịch hành quân Tam Giác Sắt, nhưng vì bảo mật nên không ai được biết.

Việc canh gác trên các chiến đỉnh ngày đêm thì do nhân viên cơ hữu HQ, kiểm soát và canh chừng những đám lục bình hoặc cỏ rác tấp vào chiến đỉnh, vì đặc công thủy VC có thể ẩn núp dưới đó.

Thời tiết lúc này cuối mùa Đông có gió Bấc (Bắc) hiu hiu rất lạnh. Khoảng 10 giờ tối và 5 giờ sáng mỗi ngày. Tôi và NN Nguyên mang bình hơi lặn xuống để kiểm soát lại tất cả dưới lườn các chiến đỉnh, các chân cầu và các điểm khả nghi, v.v. Bảo đảm an toàn cho đoàn chiến đỉnh. Có điều đặc biệt là trên mặt nước sông có gió lạnh nhưng lặn xuống dưới mặt nước thì dòng nước lại âm ấm chớ không lạnh như ở trên mặt sông.

Khi đoàn giang đỉnh khởi hành, tôi và NN Nguyên chia nhau xuống hai chiếc Tiểu Giáp Đỉnh (Fom) cùng vào nhiệm sở tác chiến với nhân viên cơ hữu HQ đi đầu mở đường cho đoàn giang đỉnh tiến vào vùng hành quân.

Trên dòng sông rộng, chúng tôi nhìn về hướng hành quân, cả một vùng trời rộng thênh thang, vang rền tiếng bom đạn, từng bựng khói đen bung lên cao do các phi cơ đủ loại của Mỹ từ nhiều căn cứ trên đất liền, và từ Đệ Thất Hạm Đội bay vào tấn công, Không Quân Việt Nam cũng tham gia cuộc hành quân phi pháo và oanh kích vào vùng địch.

Khoảng 5 hay 6 mũi tiến quân. Mỗi mũi tiến quân đều có trên trời một Quan sát cơ L19 như con diều hâu nhẹ nhàng bay lượn, theo dõi và chỉ điểm cho các căn cứ pháo binh pháo kích, và các phi cơ oanh tạc. Tiếng gầm thét vang trời của các loại phi cơ phản lực Việt, Mỹ phối hợp mở đường giúp cho Lục quân tiến sâu vào vùng Tam Giác Sắt. Theo tin tình báo cho biết vùng này VC đã thực hiện một hệ thống địa đạo rất kiên cố. Nên Không Quân đã sử dụng loại bom hạng nặng 500 lbs. để phá hủy các địa đạo và hầm núp, hàng loạt Phản lực cơ B52 bay từ đảo Guam đến trải thảm vào vùng địch, làm rung chuyển cả vùng trên mặt đất làm xao động cả mặt sông dài.

Đoàn chiến đỉnh hướng về thượng nguồn đã qua khỏi ngã ba nhà máy xay lúa, trước đây là vùng nguy hiểm tác xạ tự do, nhưng lần này chúng tôi không cần tác xạ vì quân bạn đang bao vây vùng này. Trên không một chiếc quan sát cơ L19 Không Quân VN bay lượn theo đoàn chiến đỉnh để giúp đỡ mỗi khi thấy những điểm khả nghi thì L19 gọi trực thăng bắn phá trước khi đoàn chiến đỉnh di chuyển đến. Chúng tôi nghĩ có thể mật khu của chúng đang bị tấn công nên VC chỉ còn lo đào thoát chớ không còn sức kháng cự lại.

Dòng sông cũng là hành lang của cuộc hành quân. Khi tiến vào khu vực, chúng tôi thấy trên bờ sông phía bên trái có rất nhiều Thiết Giáp và Thiết Vận Xa của Hoa Kỳ ngụy trang, phục kích mỗi chiếc cách khoảng nhau chừng 100 thước, dài suốt mấy cây số.



Trong chuyến công tác trước của tôi trên dòng sông này. Một dòng sông đã từ lâu hứng chịu sự hy sinh đầy xương máu của quân nhân VNCH. Vì tuân hành lệnh cấp trên thi hành công tác, các chiến đỉnh HQ đã bất chấp mọi nguy hiểm khi phải vượt qua các mật khu của VC nơi đây, các chiến đỉnh HQ đã bị bọn việt cộng gài đặt mìn bẫy và bắn phá hoặc thả mìn trôi theo dòng nước để phá hủy các giang đỉnh, các quân nhân HQ đã phải hy sinh đền nợ nước rất nhiều trên đoạn sông này.

Nhưng hôm nay cũng trên đoạn sông này đổi ngược lại. Một cảnh thê lương đầy chết chóc diễn ra trước mắt, những thây xác đàn ông và đàn bà đang trôi dật dờ là cán binh, cán bộ Việt Cộng. Còn trên bờ sông bên phải, cũng đầy thây xác của VC nằm vung vãi khắp nơi, trên bờ đê và trên ruộng đồng.

Nguyên nhân vì quân đội Việt, Mỹ đang bao vây chặt chẽ hai mặt trên bộ và càn quét trong vùng mật khu an toàn của chúng, buộc bọn Việt Cộng phải đào thoát về hướng thứ ba của hình tam giác là hướng dòng sông mà Việt Cộng hy vọng là sinh lộ. Để tránh bị phát giác trong việc đào thoát, chúng chờ đến ban đêm mới rút ra bờ sông, nhưng chúng không ngờ lại bị lọt vào vòng phục kích của bộ binh Tùng Thiết Mỹ bên bờ sông đối diện. Với vũ khí tối tân và hồng ngoại tuyến nhìn thấy rõ ban đêm, nên bọn VC không làm sao thoát được dưới hỏa lực kinh hồn của thiết Giáp kỵ Binh Hoa Kỳ.



Đến Bến Súc địa điểm ấn định. Các chiến đỉnh lập vòng đai an toàn, còn các Quân Vận Đỉnh ủi bãi để đón dân chúng. Được biết người dân sống rải rác trong thôn xóm hẻo lánh vùng này do đơn vị Nhảy Dù VN trách nhiệm, đã phối hợp cùng với Đoàn Dân Sự Vụ Tỉnh Bình Dương tập trung dân chúng lại tại đây. Đoàn Tâm Lý chiến của HQ cùng nhân viên cơ hữu HQ hướng dẫn giúp đỡ đưa dân xuống tàu. Sau đó đoàn giang đỉnh trở về Bình Dương chiều hôm đó, đưa dân chúng lên bờ giao lại cho các cơ quan dân sự tiếp đón đưa vào trại tạm cư để gạn lọc lại, đề phòng việt cộng có thể trà trộn trong dân tỵ nạn.

Suốt tuần lễ công tác, sáng đi chiều về để di tản dân chúng ra khỏi vùng lửa đạn. Chiến đỉnh chúng tôi phải ngược xuôi trên đoạn sông đầy xác người chết, trôi nổi ra vào theo con nước lớn và ròng của thủy triều, mùi tanh hôi nồng nặc bốc lên rất khó chịu. Mấy ngày đầu xác người sình lên, đàn ông thì nằm úp còn xác đàn bà thì lại nằm ngửa mặt lên trên mặt nước. Nhưng vài ngày sau thì xác thịt bị rữa lần, da nám đen và thun nhỏ lại, tóc bị rụng hết, và xác đàn ông, đàn bà đều lật ngửa ra hết rồi chìm lần. Nhưng mỗi ngày khi di chuyển vào vùng này chúng tôi đều thấy có xác chết mới khác lại trôi nổi thêm trên mặt sông, và cả trên bờ sông, đồng ruộng, đâu đâu cũng dẫy đầy xác chết mới. Có lẽ vì mỗi đêm đều có VC bị bắn chết vì đào thoát về hướng con sông này.

Chiến dịch hành quân “Tam Giác Sắt” (The Iron Triangle) được giữ bí mật nên cấm tất cả phóng viên chiến trường và giới truyền thông Việt và Mỹ đều không được tham dự. Vì vậy vào thời điểm đó giới truyền thông báo chí không thể loan tin đầy đủ cho chiến dịch hành quân to lớn nêu trên.



Mật khu Tam Giác Sắt, nơi đây là trường huấn luyện đặc công đưa vào phá hoại trong thành phố và cũng là nơi HL cho thành phần sinh viên thân cộng, và các thành phần bất mãn với chế độ VNCH, các Ni Cô, Sư Sãi giả danh, chống đối chính quyền, được VC móc nối đưa vào đây học tập rồi đưa về nội thành tổ chức phá hoại qua nhiều hình thức, v.v.

Chúng tôi xin ghi lại hồi ức mà chúng tôi đã trực tiếp tham gia trong chiến dịch để lưu lại chiến tích hào hùng của quân đội VNCH phối hợp hành quân cùng quân đội Hoa Kỳ. Gót giày trận của các quân nhân VNCH đã từng xông pha dẫm nát những nơi như vùng mật khu Tam Giác Sắt này, mà bọn việt cộng rêu rao tuyên bố là vùng “bất khả xâm phạm”.

Để chấm dứt bài viết, xin xem kết quả của cuộc hành quân vào khu Tam Giác Sắt qua tài liệu trên trang nhà dưới đây:

“… Quân đội Mỹ và quân đội Việt Nam Cộng hòa thông báo tiêu diệt 750 Việt Cộng và bắt 280 tù binh. Thiệt hại của Việt Cộng còn bao gồm 23 vũ khí hạng nặng, 590 vũ khí cá nhân và 200 mìn, lựu đạn, đạn pháo và súng cối. 100 công trình kiên cố, 250 hầm và hơn 500 công trình khác bị phá hủy. 60 ngàn băng đạn cho vũ khí cá nhân, 7,500 bộ quân phục, 3.7 ngàn tấn gạo và khoảng nửa triệu trang tài liệu bị thu giữ cùng nhiều vật liệu chiến tranh khác.

Thương vong về phía Mỹ là 72 thiệt mạng và 337 bị thương; phía Việt Nam Cộng hòa là 11 chết và 8 bị thương. Phía Mỹ bị phá hủy 2 xe tăng, 5 xe bọc thép; ngoài ra còn bị hư hại 3 xe tăng, 9 xe bọc thép, 1 xe tăng hạng nặng, 2 xe ô tô và 2 trực thăng trinh sát nhẹ. Quân đội Việt Nam Cộng hòa mất 3 vũ khí cá nhân.”

NN Lê Đình An
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn