BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 72811)
(Xem: 62102)
(Xem: 39201)
(Xem: 31055)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Hồi ký dang dở...

25 Tháng Tư 201312:00 SA(Xem: 2704)
Hồi ký dang dở...
53Vote
41Vote
30Vote
20Vote
10Vote
4.84
Sau ngày quốc hận 30 Tháng Tư, 1975, có một số anh chị em Quân Dân Cán Chính và gia đình, tuy may mắn được di tản ra nước ngoài, nhưng không có dịp “may” ở lại để chứng kiến tận mắt được những hành động ngu xuẩn, tàn ác đến man rợ của của những người cộng sản Việt Nam từ miền Bắc vào, tự xưng là để “giải phóng cho đồng bào ruột thịt đói rách ở Miền Nam,” của những người cùng uống nước sông Cửu Long nhưng tự hào được cộng sản Bắc Việt cho “ tạm mang dép râu, đội nón cối” (mà không biết!), và của những con “cọp 30,” những người Miền Nam hống hách được cộng sản cho mang băng đỏ trên tay áo, thuộc hệ thống nằm vùng, và nhất thời làm tay sai cho cộng sản!!!

Có thể nói đây là một trang sử bi thảm nhất của người dân Miền Nam Việt Nam nói riêng và dân tộc Việt Nam nói chung. Những đồng bào nào được may mắn rời khỏi Việt Nam trước ngày 30 Tháng Tư, 1975, và những em cháu thuộc những gia đình này (tính đến nay cũng từ 21 tuổi trở lên, kể cả những con em của tất cả người Việt Nam được chào đời trên các nước phương Tây tự do) không bao giờ hình dung được cái ngày lịch sử đen tối này, vì cộng sản Việt Nam đã cố tình sửa lịch sử ngay từ đầu chiến dịch tiến chiếm Miền Nam để giành lấy chánh nghĩa “giải phóng dân tộc” cho đảng.

Cho đến giờ này dù chúng tôi có nói lên những sự việc thật sự đã xảy ra từ trước và sau ngày 30 Tháng Tư, 1975, thì bà con nào đã rời khỏi đất nước trước ngày lịch sử đó (nhất là thế hệ sau 75) cũng không ai muốn tin và chịu tin đó là sự thật, một phần vì có người còn cho chúng tôi thuộc thành phần chống cộng, thù ghét cộng sản nên chỉ nhằm tuyên truyền chống cộng mà thôi, một phần vì bà con không ai ngờ là “cùng là người Việt Nam với nhau ai lại có tâm địa vô nhân đạo, phi đạo đức và phi dân tộc đến như thế được.

Do đó những gì chúng tôi kể lại đây không hẳn là những trang “hồi ký” của riêng cá nhân mình mà thật sự là những gì đã xảy ra tại Saigon và những vùng phụ cận trong những ngày trước và sau 30 Tháng Tư, 1975, kể lại trung thực những sự việc mà chính bản thân chúng tôi vừa là một nạn nhân, vừa là nhân chứng, những sự việc mà chính mắt chúng tôi đã thấy, chính tai chúng tôi đã nghe... để tạm gọi là “luận cổ” (nói về chuyện xưa). để những anh em bạn già sống tha phương cầu thực chúng ta có đầy đủ yếu tố mà trao đổi nhận định, và để các thế hệ con cháu chúng mình có thêm sự hiểu biết chính xác hơn về bản chất, về con người, về đường lối chủ trương và chánh sách của người cộng sản Việt Nam mà “suy kim” (suy biết được cái hiện tại). tức là để thấy được việc làm của người cộng sản trong hiện tại và trong tương lai...

Người dân Miền Nam chúng ta gọi ngày 30 Tháng Tư là “Ngày Quốc Hận” vì Nước Việt Nam Cộng Hòa của chúng ta bị xóa tên khỏi bản đồ của thế giới nói chung và của thế giới tự do nói riêng, từ ngày 30 Tháng Tư, 1975, vì cộng sản Bắc Việt đã xé bỏ Hiệp Định Ba Lê 1973 mà chúng đã vừa long trọng ký kết, vừa xua quân công khai tiến chiếm Miền Nam Việt Nam. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến ngày mất nước, khách quan có, chủ quan có, xa, gần đều có v.v... chúng tôi không muốn bàn thêm ở đây, vì trong gần 30 năm qua đã có rất nhiều sách báo, hồi ký, Việt có, Mỹ có, Pháp có, tất cả đều có phân tách rất rõ ràng rồi. Chúng tôi chỉ muốn ghi lại một vài mẩu chuyện thật, vui buồn lẫn lộn của bản thân, có liên quan đến ngày quốc hận này, để gọi là đóng góp thêm một ít tài liệu vào trang lịch sử đau thương của đất nước.

***

Ngày 1 Tháng Hai năm 1973

Tôi và một nhóm anh em sĩ quan cấp tướng tá thuộc Khóa 5 Cao Đẳng Quốc Phòng được thuyên chuyển về Ban Liên Hợp Quân Sự Trung Ương vừa được thành lập theo điều khoản của Hiệp Định Ngừng Bắn Ba Lê, được ký kết giữa 4 Bên ngày 27 Tháng Giêng 1973 tại Ba Lê.

Từ hơn một tháng qua, anh em học viên Cao Đẳng Quốc Phòng chúng tôi được lệnh chia nhau từng toán sửa lại từng điều khoản một, trong bản thảo của cái gọi là Hiệp Định Ngừng Bắn sắp được 4 Bên ký kết ở Ba Lê (Pháp), vì qua nghiên cứu chánh phủ không thấy có một câu nào, một đoạn văn nào trong bất cứ điều khoản nào mà không có lợi hoàn toàn cho phía Bắc Việt, ngược lại chỉ có hại hoàn toàn cho Miền Nam Việt Nam mà thôi. Cũng qua nghiên cứu anh em học viên chúng tôi đều thấy là: toàn bộ bản văn tiếng Việt của hiệp định này rõ ràng là tác phẩm của cộng sản Bắc Việt được Lê Đức Thọ trao cho Kissinger dịch ra tiếng Anh, một bản dịch “thật sát nghĩa” từ ý lẫn lời văn của tác giả Miền Bắc!

Đúng vào ngày 27 Tháng Giêng 1973 sau khi ký kết hiệp định cả chánh phủ và chúng tôi đều hết sức thất vọng vì không thấy được một dấu vết sửa chữa nhỏ nào cuối cùng được thực hiện trước khi các bên ký kết.

Tôi muốn ghi lại chi tiết này để chúng ta cùng thấy được là nước VNCH của chúng ta đã bị Đồng Minh của mình phản bội, bán đứng cho cộng sản Bắc Việt ngay từ khi họ dàn xếp được Hội Nghị Paris (có cả MTGPMN là một trong 4 Bên ở Bàn Hội Nghị) một ít lâu sau Tết Mậu Thân 1968, để rút chân ra khỏi cuộc chiến với một danh từ thật kêu là “Việt Nam Hóa Chiến Tranh.”

....

Ngày 28 Tháng Tư, 1975: 8 giờ sáng

Đại Tá Nguyễn Hồng Đài từ tư dinh của Đại Tướng Dương văn Minh điện thoại ngay cho tôi nhờ đưa một phái đoàn đại diện cho tổng thống đến gặp phái đoàn cộng sản Bắc Việt và Việt Cộng (MTGPMN) ở trại Davis. Phái đoàn gồm có Luật Sư Nguyễn Văn Huyền, phó tổng thống; Luật Sư Vũ Văn Mẫu, thủ tướng và Chuẩn Tướng Nguyễn Hữu Hạnh, quyền tham mưu trưởng QLVNCH từ ngày 28 Tháng Tư, 1975. (một bộ hạ thân tín của Tướng Dương Văn Minh ở Bộ Tư Lệnh Hành Quân từ 1955, sau này mới được biết là đã làm tay sai cho CS từ đầu thập niên 70 và từ đó đã trở thành một Việt Cộng nằm vùng rất đắc lực của Bắc Việt.) Khối Ngoại Vụ chúng tôi cho biết là CSBV và Việt Cộng không tiếp phái đoàn, nhưng Đại Tá Đài cho tôi biết là “ông già nhấn mạnh là tôi nên cố gắng, vì cuộc gặp mặt này rất quan trọng.” Tôi đành phải đích thân gọi vào trại Davis, gặp Đại Tá Sĩ để điều đình và cuối cùng phái đoàn của Tổng Thống Minh “được đồng ý cho vào trại Davis gọi là để viếng thăm hai phái đoàn cộng sản Bắc Việt và CPLTMN” (nguyên văn lời Đại Tá Sĩ trực tiếp nói với tôi qua điện thoại).

(Xin mở một dấu ngoặc ở đây để nói rõ về anh Đại Tá Sĩ này. Tôi biết được anh Nguyễn Văn Sĩ trước học ở trường Collège Cần Thơ, có biệt danh là “Sĩ Kiến, Theo bản trận liệt mà chúng ta biết được thì anh Sĩ là tư lệnh Sư Đoàn 7 Bộ Binh của MTGPMN. Chúng tôi hai đứa gặp nhau và nhìn lại nhau ở cương vị đối nghịch nhau tại bàn hội nghị Ban Liên Hợp Quân Sự 4 Bên ở Tân Sơn Nhất. Nhờ đó mỗi khi gặp bế tắc trong bất cứ vấn đề gì ở bàn hội nghị, nhất là về trao trả tù binh thì anh Sĩ lại được Tướng Trần Văn Trà cho anh đại diện cho Cộng sản để “mật đàm với đại tá Nghĩa” nhằm tìm ra giải pháp. Đến năm 1989, sau khi ra khỏi trại tù cải tạo, nhân một dịp đi xuống Cần Thơ, tôi lại được gặp anh Sĩ vài lần ở ngay sân quần vợt Cần Thơ, và đươc biết là anh đã rời khỏi quân ngũ từ 1977, vì lý do đảng tịch, và là người Miền Nam nên anh phải “đi một xuồng” với Tướng Trà.)

Phái đoàn của Luật Sư Huyền vào trại Davis lúc 9 giờ 30 và rời khỏi trại hồi 10 giờ hơn. Tôi tò mò muốn biết kết quả của cuộc gặp gỡ này, nhưng Đại Tá Đài không cho biết vì anh không được biết hay vì anh không muốn tiết lộ, hay vì một lý do nào khác? Qua Đại Tá Sĩ thì tôi cũng không được biết gì hơn ngoài câu “như đã thỏa thuận với anh hồi nãy,” tức phải được hiểu ngầm là “chỉ có viếng thăm xã giao mà không có bàn đến các vấn đề gì khác”

Tò mò hơn, qua điện thoại với trung tá chánh văn phòng Trương Minh Đẩu, tôi được biết là Ông Dương Văn Minh đã “mò” lên tận vùng Long Khánh (không rõ chính xác ở đâu) với liên lạc viên Dương Văn Nhật để gặp Lê Đức Thọ từ mấy ngày trước, qua đường dây liên lạc đặc biệt nào đó mà anh không biết.

(Dương Văn Nhật là em ruột của Tướng Minh, tập kết ra Bắc năm 1954, về Nam với quân hàm trung tá của MTGPMN, vào ở ngay Dinh Hoa Lan tại đường Trần Quý Cáp với gia đình Tướng Minh từ lâu, dĩ nhiên trong nhiệm vụ sĩ quan liên lạc của cộng sản.)

Vẫn theo lời anh Đẩu thì sau khi phái đoàn của ông Nguyễn Văn Huyền về đến Dinh Hoa Lan, ông Minh họp Hội Đồng Chánh Phủ và cho biết là MTGPMN đã bác bỏ đề nghị của ông nhằm tìm một giải pháp chánh trị cho Miền Nam Việt Nam. Vì vậy ông đã quyết định là “chỉ còn một cách duy nhất là “đầu hàng vô điều kiện” mà thôi.

4 giờ chiều:

Tôi muốn nhắc lại ở đây một đoạn đàm thoại ngắn giữa tôi và thiếu tướng Nguyễn Cao Kỳ qua điện thoại mà ông gọi tôi lúc 4 giờ chiều ngày hôm nay từ tư dinh của ông ngay trong căn cứ Không Quân Tân Sơn Nhất.

-Anh còn ở đây chưa đi đâu sao anh Nghĩa?

-Thưa thiếu tướng chưa, vì tôi còn trách nhiệm phải lo cho gia đình các anh em quân nhân của Ban Liên Hợp đi cho xong rồi tôi mới đi. Dự trù chiều mai 29 thưa thiếu tướng.

-Gia đình anh đi chưa ?

-Thưa thiếu tướng đã đi xong đêm 26 vừa rồi. Còn thiếu tướng sao giờ này còn ở đây?

-Tôi và gia đình đang sắp sửa đi đây, Anh Tiên (Chuẩn Tướng Phan Phụng Tiên) cho phi cơ đưa chúng tôi đi nhưng anh Tiên thì còn ở lại, đi sau.

Nói đến đây ông hơi ngập ngừng chừng một phút rồi mới nói tiếp:

-Phải đi chớ ở lại đây sao được anh Nghĩa ? Tôi vừa mới từ nhà ông Minh về đây. Theo lời ông Minh nói với tôi lúc nãy thì chúng ta coi như đã, mất hết rồi không còn quyền gì nữa hết, anh Nghĩa, kể cả quyền làm chánh trị !...

Ông Minh đã nói thẳng cho tôi như thế, lúc này thì mình còn ở lại đây để làm gì nữa anh Nghĩa?
Nói tới đây ông sụt sùi và tôi nghe có tiếng khóc nghẹn ngào của ông qua điện thoại. Tôi nghĩ có lẽ ông vừa bực tức ông Minh vừa bực tức vì một đời ngang dọc của ông coi như bị trói cả hai tay trong lãnh vực quân sự lẫn chánh trị... và xúc động thấy mình sắp phải rời khỏi quê hương.

Không thấy tôi nói gì nữa ông nói tiếp:

-Vậy tôi đi hôm nay nghe, anh cũng nên đi luôn đi, coi chừng đi không kịp nữa đó. Anh Tiên chắc cũng đi sau tôi. Còn sấp xếp cho anh em Không quân nữa, chắc phải đưa tất cả phi cơ đi cho hết. Thôi anh ở lại đi sau nghe, chúc anh may mắn

-Xin chúc thiếu tướng và gia đình thượng lộ bình an.

-Cám ơn anh.

Một lúc sau đó anh Phan Nhật Nam về gặp tôi ở Ban Liên Hợp xác nhận là gia đình ông Kỳ vừa bay ra Hạm Đội 7 bằng trực thăng và anh cũng nhân đó hỏi tôi đã nói gì với ông Kỳ làm cho ông khóc vậy? Tôi đáp:

-Có lẽ ông cảm động trước khi rời khỏi quê hương, và bực tức vì lời nói của ông Minh Dương chớ tôi thì không có nói gì cả?

Từ sáng sớm hôm nay, căn cứ Không Quân Biên Hòa được lệnh dời hết về Tân Sơn Nhất tất cả phi cơ các loại, từ phi cơ chiến đấu, vận tải đến trực thăng các loại, tất cả nhân viên phi hành và không phi hành đều lục tục kéo nhau về hết ở đây cho đến gần 7 giờ chiều mà vẫn chưa hết. Người nào có gia đình hay thân nhân ở vùng Sài Gòn Chợ Lớn Gia định thì được phép về nhà nhưng toàn bộ vũ khí cá nhân đều phải gởi lại hết ờ Tân Sơn Nhất. Như thế là cả Vùng 3 và Biệt Khu Thủ Đô chỉ còn có mỗi căn cứ Không Quân Tân Sơn Nhất mà thôi.

6 giờ chiều:

Chúng tôi vào D.A.O. đưa một toán 200 người thuộc gia đình sĩ quan và hạ sĩ quan /Ban Liên Hợp Quân sự ra phi cơ trong chương trình di tản (toán thứ 8).



Chờ cho phi cơ cất cánh xong (9 giờ) chúng tôi mới trở về lại Ban Liên Hợp, vẫn phải trực như mọi người và mọi đơn vị.

10 giờ đêm:

Từ 10 giờ đêm, Bắc Việt bắt đầu pháo kích và bắn hỏa tiễn vào sân bay Tân Sơn Nhất. Ngay ban chiều vào khoảng 7 giờ, họ đã cho một loạt tác xạ điều chỉnh vào khu vực sân bay rồi: tất cả 5, 6 quả và 2 hỏa tiễn đều rơi vào khu dân cư ở xóm Trương minh Giảng và Lăng Cha Cà ở bên ngoài khu vực sân bay. Nhưng từ 10 giờ đêm trở đi thì tất cả đạn pháo nặng nhẹ từ 130 ly đến bách kích pháo 82 ly và hỏa tiễn đều rơi vào các đường bay, các ụ chứa phi cơ và các kho bom đạn cũng như Bộ chỉ huy các Không đoàn, Riêng Ban Liên Hợp chúng tôi cũng được hưởng mấy trái hỏa tiễn và đạn pháo 130 ly làm cho 3 dãy nhà bị cháy và gây tử thương vài binh sĩ, làm bị thương một số khác

Chúng tôi và Đại Tá Ba ra ngoài đường thoát nước lộ thiên bằng xi măng trước văn phòng nằm tránh đạn. Chiếc xe của tôi đậu cách chỗ nằm của chúng tôi chừng 15 thước bị một mảnh đạn và bốc cháy mà chúng tôi không dám chữa.Từ đó, Bắc Việt pháo kích từng chập từng chập cách nhau chừng 15 phút, đủ loại, không ngừng cho đến sáng hôm sau. Hầu như không có phi cơ quan sát hay tiềm kích nào cất cánh lên được suốt đêm nay, và cũng không nghe thấy có tiếng súng phản pháo nào.

Riêng trại Davis của hai phái đoàn cộng sản, cách văn phòng chúng tôi chừng 100 thước, thì không bị một quả đạn nào, tất nhiên đây là vị trí của tiền sát viên Bắc Việt giúp điều chỉnh tác xạ suốt đêm nay thật chính xác, vì trong 2 năm ở đây họ đã nắm rõ từng vị trí trong sân bay này rồi!

(Còn tiếp)

Dương Hiếu Nghĩa

Theo Người Việt
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn