Ngày 30 tháng 4 năm nay, thời tiết Cali rực rỡ, ánh nắng chan hòa, nhưng cứ vào thời điểm này, trong lòng tôi, lại dấy lên những cảm giác ngậm ngùi của chuyến vượt biển 37 năm về trước.
Tôi còn nhớ rõ, vào năm 1975, tôi đang làm việc tại một tỉnh miền Tây. Những ngày cuối tháng tư, tôi đã xin nghỉ phép để chạy đôn chạy đáo, chạy ngược chạy xuôi, xấc bấc sang bang, mong kiếm đường dời bỏ đất nước, chạy trốn cái thảm họa CS lần thứ hai trong cuộc đời. Ôi cái kiếp người VN trong giai đoạn hỗn mang đó, thực là mong manh như sợi tơ, đen tối và sầu thảm như một vũng lầy oan nghiệt. Tôi đã phải xuống nước qụy lụy, van lơn kẻ quen người lạ, mong tìm phương tiện đưa gia đình chạy thoát khỏi cơn hồng thủy CS sẽ tràn ngập miền Nam bất cứ lúc nào Tôi đã được nghe biết bao lời hứa hẹn về những chuyến bay đem gia đình tôi dời khỏi VN. Tôi đã cắn xén cái gia tài bé nhỏ, dè sẻn suốt chục năm trời, để đặt cọc cho những chỗ ngồi trên các chuyến tàu, mà tôi chỉ được nghe hứa hẹn bằng miệng. Về nhà, tôi luôn đề cao cảnh giác, đơi chờ một sứ gỉa tới đưa tin. Tôi không dám đi xa khỏi nhà, không dám mời bạn bè tới chơi, không chuyện trò với ai lâu. Trong tủ, mấy bọc hành lý đơn giản đã sắp sẵn gọn gàng, những túi thức ăn lương khô quân đội, với mục đích no lâu, đã được tôi sục sạo mua với giá cắt cổ để phòng khi hữu sự. Gọn và nhẹ, tôi sửa soạn cho chuyến vượt thoát CS của gia đình tôi. Trong lòng, không chút gì luyến tiếc cái tài sản bỏ lại, mà tôi đã từng chắt chiu, làm lụng nửa cuộc đời để đầu tư cho tuổi về già. Nguyện ước của tôi khi đó, là phải ra thoát nanh vuốt CS, bằng bất cứ giá nào. Chế độ CS, một chế độ mà mấy thế hệ trong gia đình tôi đã coi như kẻ thù một mất, một còn.
Chương trình sửa soạn của tôi kể như đã toàn vẹn, nhưng kết quả lại chẳng tới đâu ! Ngày 30 tháng 4 năm 75, tôi vẫn còn ngồi nhà, theo dõi tình hình biến chuyển qua máy truyền thanh. Lòng tôi nóng như lửa đốt khi tình hình đất nước ngày một tuyệt vọng. Ngồi trong nhà, hai mắt tôi luôn dõi ra hướng cửa. Hai tai tôi chờ đợi một tiếng gõ nhẹ, để kịp thời chạy ra mở cửa. Nhưng hoàn toàn vô vọng! Người sứ giả được hứa hẹn, mang gia đình tôi lên máy bay, hoặc xuống tàu, không hề thấy xuất hiện
Tới 5 giờ chiều ngày 30 tháng 4, khi được tin Tướng Nguyễn Khoa Nam tự vận, thì tôi hoàn toàn tuyệt vọng. Tôi ra khỏi nhà, chạy tới mấy chỗ quen biết có uy tín trong tỉnh. cố gắng một lần chót, cầu mong tìm được cơ may cuối cùng. Tin may cuối cùng nhận được là, đêm nay ông tỉnh trưởng, sẽ cho một chiếc “Bac”(ghe lớn) chở những quân nhân, công chức, tự thấy cần phải ra đi, vì ở lại, sẽ nguy hiểm. “Bac” sẽ chở mọi người ra ngoài hải phận quốc tế, và tàu của Hoa Kỳ đã đợi sẵn, để vớt mọi người lên tàu. Chiếc “Bac” với khả năng giới hạn, chỉ di chuyển được trong sông, ra biển sẽ bị sóng đánh bể , nên không đi quá xa được.
Tôi trở về nhà, sửa soạn, vứt bỏ bớt các quần áo, chỉ đem theo thức ăn, thuốc men và những thứ tối cần thiết. Khi tôi ra tới bến “Bac”, thì trời bắt đầu sập tối. Nhờ những ngọn đèn pin của những người đã có mặt, tôi thấy nhiều người đã tụ tập trên bở, chiếc “Bac” đậu xa bờ chừng vài thước. Vài ba cây tre được nối vào bờ để làm cầu đi xuống “Bac”. Tôi thấy mà “rụng rời”, vì cầu không có tay vịn, mà tôi lại không quen đi “cầu khỉ”. Hầu như toàn thể những người hiện diện đều là phái nam. Họ măc quần áo dân sự. Ai nấy đều yên lặng, trầm ngâm, trên mặt hiện rõ nét lo lắng, bồn chồn. Bầu không khí nơi đây thực căng thẳng. Nhìn xa xa, trong sân tòa hành chánh tỉnh, từng đám lửa bốc cao, khói đen tỏa mù mịt. Một vài người giải thích rằng, nhân viên hành chánh đang thiêu hủy những hồ sơ “mật” trước khi chính quyền đổi chủ.
Tôi đem được gia đình xuống “Bac” với sự giúp đỡ của nhiều người. Các hành lý của tôi đều để dưới gốc cây trên bờ, dự tính sẽ trở lại lấy, sau khi di chuyển hết mấy đứa con xuống “Bac”. Tuy nhiên, khi tôi vừa đem đứa con chót xuống, chưa kịp trở tay, thì chiếc “Bac” đã rút cầu tre, nổ máy dời bến. Tôi kêu la phản đối om xòm, nhưng chẳng ai quan tâm. Tôi đứng trên “Bac” sững sờ. Đầu óc tôi bỗng dưng tê liệt vì lo sợ và tuyệt vọng. Gia sản vượt biên của tôi giờ đây, chỉ còn hai bàn tay trắng với mấy đứa con. Tôi lấy gì cho chúng nó ăn vào sáng sớm mai đây? Làm sao mà tôi nuôi chúng trong những ngày kế tiếp ?
Thần kinh của tôi như sợi dây đàn căng thẳng. Trong hoàn cảnh rối loạn đó, tôi chẳng quan tâm gì tới sự di chuyển của chiếc “Bac”. Khi ánh sáng mặt trời chói lọi trên đầu, tôi mới biết, là đã trải qua một đêm không ngủ. Tiếng lao xao của những người bạn đi chung, làm tôi ý thức được, là chiếc “Bac” đã ra tới hải phận quốc tế. Nhìn xung quanh, trời nước mênh mông, chẳng thấy Tàu hải quân Hoa Kỳ đâu cả ! Trên mặt biển, vật vờ dăm chiếc ghe đánh cá, không người lái đang trôi lềnh bềnh. Người ta giải thích cho tôi rằng, chiếc “Bac” tới quá trễ ! Tàu hải quân Mỹ, đã vớt những ghe đánh cá tới trước, và bỏ đi rồi. Trên “Bac” đột nhiên ồn ào vì những cuộc tranh luận sôi nổi. Người thì muốn tiếp tục ra khơi để mong cơ may, gặp được chiếc tàu Mỹ khác, người thì muốn quay trở về, vì lý do ra xa, chiếc “Bac” sẽ bị sóng biển đánh bể. Vả lại số dầu nhớt cung cấp cho chiếc “Bac” chỉ có giới hạn, không thể đi xa được.
Thế là chiếc “Bac” quay trở vào bờ. Thần kinh của tôi lại căng thẳng, vì phải sắp xếp để đương đầu với những khó khăn, thử thách mới, gần kề. Lên bờ, các hành lý tôi để quên đêm qua, dưới gốc cây, đã không cánh mà bay. Nhìn 2 bên đường, thấy quần áo trận vứt ngổn ngang, nón lính và súng trận cũng bỏ trên vệ đường. Trên đầu, chiếc loa oang oang chào mừng chế độ mới. Cái cảnh bại trận sao mà đau đớn, thảm khốc quá vậy ! Bỗng dưng, trong tuyệt vọng, tôi cầu mong một trái bom nổ trên không trung để tôi biến mất khỏi thế gian này.
Thế nhưng, không có trái bom nào nổ cả. Tôi phải ở lại trên thế gian, làm việc dưới chế độc CS, và miệt mài tìm đường đi vượt biên. Tôi đã đi vượt biên 4 lần, và tới lần thứ tư, tới được bờ bến tự do. Tôi tới Hoa Kỳ trễ hơn những người khác tới 10 năm, nhưng sau tôi, vẫn còn nhiều người tiếp tục. Hôm nay đây, nhìn về đất nước VN, tôi không ngớt cảm tạ thượng đế đã giúp đỡ tôi thoát khỏi cái chế độ đầy trầm luân, oan nghiệt này. Cái chế độ CS mà mấy thế hệ trong gia đình tôi đã ghê sợ như ma quỷ.
Hôm nay là đúng 37 năm, sau ngày miền Nam rơi vào họa CS. Ngậm ngùi hồi tưởng những kỷ niệm xưa, tôi xin thắp nén nhang thơm, cầu nguyện cho đất nước, dân tộc VN sớm giải thoát khỏi ách độc tài bán nước CS.
Giao Tiên
04/2012
Gửi ý kiến của bạn