Bên cạnh tôi là anh bạn Nguyễn Thanh Liêm, thứ trưởng Giáo Dục. Khách dự lễ tổng cộng có mấy chục người, năm ba ông dân biểu hiện diện, còn có Trung Tướng Nguyễn Văn Minh, tư lệnh Không Quân, Thiếu Tướng Nguyễn Văn Chức, tổng cục trưởng Công Binh và một số sĩ quan, viên chức của Phủ Tổng Thống.
Không lâu sau lễ bàn giao, một sĩ quan Không Quân, cộng sản nội tuyến, giội bom dinh Độc Lập, rồi Việt Cộng pháo kích phi trường Tân Sơn Nhứt như mưa, rồi quân của nó tràn vào tứ phía, từ nhà tôi ở đường Mạc Đỉnh Chi, đứng ngoài bao lơn nhìn thấy xe tăng cộng sản chạy ngang trên đường Thống Nhứt, chúng đi thẳng vào Dinh Độc Lập. Thôi hết rồi. Vận nước đến hồi tận!
Tôi trình diện đi tù với danh nghĩa “học tập cải tạo,” một trong nhiều xảo ngôn, mưu mẹo dùng trong xảo thuật tuyên truyền mà chỉ có cộng sản Hà Nội mới sáng tạo ra được những thứ đó. Rồi tôi đi tù, được thả ra sớm, được dụ dỗ hợp tác phục vụ đất nước. Sự từ chối của tôi buộc phải đi tù một lần nữa, rồi lại được dụ dỗ ngon ngọt hơn, nhưng tôi lại khước từ nên phải trả giá 11 năm hành hạ thê thảm trong biệt giam, trong khu tử hình, trong nhà giam tập thể (xin đọc hồi ký Võ Long Triều Tập II). Nhưng số mạng còn cho phép tôi ngồi đây tìm hiểu ai đã phản bội đồng minh, ai ép chết Việt Nam Cộng Hòa?
Được trả tự do năm 1988 tôi có dịp đọc hồi ký của ngoại trưởng Mỹ thời đó là ông Henry Kissinger mới biết rõ, chính ông ta dâng miền Nam Việt Nam cho Thủ Tướng Trung Cộng Chu Ân Lai khi ông nầy yêu cầu: “Nếu Mỹ bỏ miền Nam Việt Nam thì các ông lật đổ chế độ Việt Nam Cộng Hòa cho chúng tôi.” Kissinger trả lời: “Vì danh dự và thể diện, chúng tôi không thể làm việc đó nhưng các ông hành động chúng tôi không ngăn cản.”
Sự phản bội này thể hiện qua cuộc thương thuyết mà Kissinger tự ý móc nối, dàn xếp, thương lượng giùm cho Việt Nam Cộng Hòa trong cái “gọi là hội đàm Paris.” Tiếng là Nam Bắc Việt Nam đàm phán tìm giải pháp hòa bình cho Việt Nam nhưng thực tế là Mỹ đàm phán để giao miền Nam cho Hà Nội. Bằng cớ là nhiều tài liệu của Đại Sứ Bùi Diễm từ Washington, Paris, London gởi trình cho Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu từ ngày 5 đến ngày 19 tháng 1 năm 1973 chứng minh hành động của Kissinger và Tướng Haig, thứ trưởng Ngoại Giao, mật đàm với Lê Đức Thọ bất kể lập trường và ý kiến của Việt Nam Cộng Hòa.
Bản nháp viết tay tờ trình của Đại Sứ Bùi Diễm trước khi đánh máy gởi Tổng Thống Thiệu như sau:
“[Kissinger] thố lộ rằng những buổi mật đàm với Lê Đức Thọ trong những năm qua, Lê Đức Thọ đã đề nghị với ông rằng chỉ cần đánh đổ chế độ miền Nam Việt Nam thì Bắc Việt sẽ chịu hết mọi điều kiện khác. Ông nói ông đã bày tỏ tất cả những đề nghị ‘đi đôi’ của Lê Đức Thọ trong nhiều năm không thành.”
Và sự kiện chứng minh rõ ràng nhứt, Kissinger và Tướng Haig tự ý thương lượng với Bắc Việt mà không hề hỏi ý kiến chính phủ Việt Nam Cộng Hòa trong khi cả thế giới hiểu rằng sự đàm phán phải do hai bên Nam, Bắc Việt thương lượng điều kiện để tiến tới hòa bình. Hội đàm Paris chỉ là một màn kịch do Hoa Kỳ đạo diễn để trao Việt Nam Cộng Hòa vào tay cộng sản Hà Nội.
Cũng trong bản chép tay của Đại Sứ Bùi Diễm:
“Chúng tôi lúc đó có nói lại rằng: Nếu có sự trục trặc giữa hai chính phủ thì một phần lớn cũng là do ở chỗ hồi tháng 10, khi ông và ông Kissinger mang bản dự thảo thỏa hiệp với cộng sản tới Saigon, các ông đã không hỏi ý kiến chính phủ Việt Nam trước. Về điểm nầy ông Haig nhìn nhận là các ông có lầm lẫn.”
Mặc dù đã nhìn nhận có lầm lẫn nhưng hai ông Kissinger và Haig vẫn tiếp tục mật đàm riêng với Bắc Việt, bất kể quyền lợi của Việt Nam Cộng Hòa. Vẫn theo bản viết tay của cựu đại sứ Bùi Diễm:
“Trong buổi họp ông đã kể lại những điểm khác biệt giữa bản dự thảo thỏa hiệp mới và bản dự thảo thỏa hiệp tháng 10, những khác biệt mà ông gọi là 'Considerable improvements' lập luận và lời lẽ của ông thì cũng quyết liệt như lập luận và lời lẽ của ông Haig khi gặp chúng tôi ở Hoa Thịnh Đốn.”
Sau những lời giải thích phi lý luôn luôn có tính cách thuận lợi cho cộng sản Bắc Việt, Kissinger và Tướng Haig giở giọng hăm dọa trắng trợn rằng: Nếu có một thỏa thuận mà Tổng Thống Nixon chấp nhận và Tổng Thống Thiệu bác bỏ thì Mỹ sẽ bỏ rơi Việt Nam. Rõ ràng Kissinger thương thuyết cho quyền lợi của Hoa Kỳ bất kể người đồng minh Việt Nam mà báo chí và chính trị gia Mỹ thường vuốt ve đề cao là “Tiền Đồn Chống Cộng” trong chiến lược của Hoa Kỳ khi chủ trương “be bờ cộng sản.”
Đại Sứ Bùi Diễm viết tiếp: “Ông nói: 'If there is an agreement accepted by our president and if your president decides to reject it, it will be the end of everything or in other words it will be the 'abandon' of Việt Nam', ông nói là ông không có một sự nghi ngờ nào về sự quyết tâm của Tổng Thống Nixon.”
Sự hù dọa nầy được Đại Sứ Bùi Diễm phúc trình như sau: “Còn về phần Hoa Kỳ, khi thái độ của các ông Rogers, Kissinger, Haig có thể chứa đựng một phần nào tính cách 'hù' (hay nói một cách nôm na hơn, tính cách dọa dẫm), tính cách 'hù' đó chỉ là một phần thôi.”
Và sau đó Tướng Haig thực hiện lời đe dọa của ông trong cuộc gặp Tổng Thống Thiệu lần cuối cùng: “Rồi ông kết luận là ông sẽ đi Saigon trong một tương lai gần và lúc đó sẽ là 'moment of truth.'”
Người ta còn nhớ cuộc gặp gỡ của Tướng Haig với Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu tại Dinh Độc Lập, Sài Gòn, ông hăm dọa bằng những lời lẽ như thể đánh tiếng: Sẽ là “moment of truth”? Và Tổng Thống Thiệu có hoảng sợ nghĩ tới số phận của người tiền nhiệm ông là cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm không? Phải chăng vì sợ Mỹ nhiều hơn lòng can đảm dám hy sinh bản thân mình để bảo vệ nhân dân và đất nước mà ông Thiệu luôn luôn chấp nhận mọi điều kiện và sự cố vấn của người Mỹ, kể cả sự rút quân vội vã, trái ngược với ý kiến của nhiều tướng lãnh Việt Nam trong đó có Tướng Đặng Văn Quang là người thân cận Tổng Thống Thiệu.
Để kết luận, người ta có thể mượn lời thú nhận của Kissinger tại Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ năm trước trong cuộc thảo luận về kinh nghiệm đã qua, ông nói Việt Nam Cộng Hòa mất về tay cộng sản Hà Nội là do lỗi lầm của Hoa Kỳ. Lời thú tội muộn màng của con người xảo quyệt, đã từng khuyến dụ các ông Đại Sứ Bùi Diễm, Trần Kim Phượng, Vương Văn Bắc là các ông nên “tự tin” phải xem kết quả này là một “thắng lợi” của các ông!
Mặt khác trong tập hồi ký của cố Tổng Thống Richard Nixon, ông viết rằng, khi thấy đoàn người Việt Nam di tản ngơ ngác trước cảnh lạ quê người, ông thầm nghĩ nếu ông còn tại chức sẽ không có cảnh tượng đáng thương nầy. Lòng trắc ẩn thật hay lương tâm bất ổn vì những quyết định tàn nhẫn của chính mình?
Võ Long Triều
Theo Người Việt
Gửi ý kiến của bạn