BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73318)
(Xem: 62233)
(Xem: 39420)
(Xem: 31168)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Nhà Tù – THỐNG KHỔ NHẬP MÔN – 15

13 Tháng Ba 201212:00 SA(Xem: 1614)
Nhà Tù – THỐNG KHỔ NHẬP MÔN – 15
51Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
51

Phần thứ hai
THỐNG KHỔ NHẬP MÔN
(ĐỀ LAO GIA ĐỊNH)


-15-


Hôm sau, vẫn ở phòng chấp pháp khu B, tôi làm việc với chấp pháp số 7. Tôi... đi khách lần thứ bẩy. Chấp pháp số 7 giống hệt tên lái buôn thô lỗ. Mà tôi, nàng Kiều chưa thể chuyên nghiệp.

- Hôm nay anh viết tự khai.

- Tôì đã viết bên Sở hai lần.

- Sở là sở, Trại là trại. Với Trại, mọi chuyện bắt đầu.

- Tôi đã viết thêm một lần ở Trại.

- Anh chưa làm việc với tôi.

Chấp pháp số 7 móc thuốc Vàm Cỏ và hộp diêm Samasa đặt trên bàn:

- Anh tự do hút thuốc. Hết thì sẽ có thêm. Anh được uống cà-phê. Lát nữa, quản giáo đem tới.

Từ nửa tháng nay, đề lao cấm chỉ cà-phê, trà. Vì có phòng bị phát hiện nấu nước sôi bằng lon sữa bò và túi ni lông bện lại nhóm lửa. Cà-phê, trà bị cấm. Sữa đặc bị khui ra đổ vào keo nhựa hay túi ni-lông rồi mới cho vô phòng. Ở tù phiền lắm. Một người vi phạm nội quy, ngàn người vạ lây. Cách mạng có dịp diễn tả sự tử tế: “Chúng tôi không cấm đoán các anh, mọi khó khăn do chính các anh tạo ra”.

Chấp pháp số 7 chưa phát giấy bút. Hắn... mạn đàm:

- Tôi nhắc lại: Anh viết tự khai.

- Tôi hiểu.

- Tốt. Trong các anh, nhiều người chướng lắm. Lố lăng nhất là thằng Trần Dạ Từ. Bảo viết tự khai, nó làm thơ chéo.

Tôi chưa biết thơ chéo ra sao.

- Nó đòi làm việc với nhà văn miền Bắc! Công an bắt nó mà nó mơ mộng. Cuối cùng, nó vẫn làm tự khai.

Chấp pháp số 7 dằn mặt tôi. Hắn lôi người không ở chung phòng tôi ra dẫn chứng. Đây là đòn công an. Như gã chấp pháp xứ Nghệ đã “bỏ nhỏ” Nguyễn Mạnh Côn khai về tôi “không lấy gì làm đẹp”. Cộng sản dùng kế ly gián để chúng tôi bôi lẫn nhau cả những chuyện không liên can tới văn nghệ phản động. Tôi biết chắc họ đã đem tôi ra “bỏ nhỏ” với người này, người kia. Công an chế độ nào cũng giống nhau. Công an và an ninh quân đội. Đòn ly gián rất ếp-phê. “Nhà văn hoá” Trần Tam Tiệp đã áp dụng thủ thuật khốn kiếp này. Muốn bêu tôi, ông ta gửi về tặng Dương Hùng Cường gói thuốc tây, kèm theo cái thư có đoạn “bỏ nhỏ”: Này, thằng Duyên Anh đang ở Paris, nó uống rượu tối ngày, nó chửi mày dữ quá! Dương Hùng Cường sẽ nổi điên, nghĩ rằng thật, nó sang Pháp sung sướng còn nỡ chửi anh em. Bèn hài tội Duyên Anh, thêu dệt đủ tội. Khi người ta phẫn nộ thì ghê lắm, “Nhà văn hoá” Trần Tam Tiệp, gốc an ninh quân đội, chớp được thư nhà, phô-tô cóp-pi vung vít mà gửi khắp quần hào. Cái tác phong ngụy tiểu nhân của cớm sớm muộn nó cũng lòi ra. Bọn bất tài vô tướng thường chơi thủ thuật. Chừng thủ thuật hết thiêng, chúng nó lêu bêu như lũ chó ghẻ già nua.

Chấp pháp số 7 nói tiếp:

- Cái thằng Như Phong Lê Văn Tiến vẫn ngoan cố. Bầy đặt tuyệt thực. Thời đại của Thiệu đã cáo chung. Đứa nào muốn chết cháv, cứ tự nhiên. Gia đình nó sẽ đóng thuế ngu cho nó. Rốt cuộc, Như Phong đành tự khai. Các anh không kiên trì bằng người cộng sản. Các anh là đá, chúng tôi là nước. Nước chảy đá mòn. Các anh là sắt, chúng tôi là át-xít. Át-xít gặm mòn sắt. Chúng tôi có giai đoạn rõ rệt. Kiên trì rồi kiên quyết. Khoan hồng rồi trấn áp. Các anh thích làm anh hùng, chúng tôi biến thành anh hèn ngay. Khẩn trương, đột xuất.

Hắn đánh phủ đầu tới tấp. Nhờ hắn tiết lộ, tôi tin chuyện Như Phong đã khước từ cơm tù 41 ngày mà anh em C-2 kể cho tôi nghe khi anh em chuyển sang C-l, chung phòng tôi, mấy tháng sau. Như Phong “yoga” ở cachot. Anh không viết tự khai, không làm tự điển Việt Nam Quốc Dân Đảng. Nhà quân sự Phải Gió uống nước chanh đường mà yoga. Mức yoga của Như Phong đến bậc thượng thừa. Đề lao biết anh... tuyệt thực, cứ giả vờ như không biết. Ô cửa gió mở. Quản giáo thường xuyên theo rõi. Bấy giờ, Trưởng trại T-20 tức Giám thị đề lao Gia Định là thiếu tá công an Tuấn, Phó trại là Tư Long, tên nằm vùng bán vé xe đò bến Saigon - Đà Lạt cho hãng xe Minh Trung. Tư Long đeo quân hàm đại úy. Ngày thứ 41, Tư Long cúp ống dẫn nước vào cachot. Quân sư Như Phong kềnh ngay lập tức. Người ta khuân anh ra Phòng Y Tế. Người ta chích nước biển. Như Phong còn đủ sức co tay, Tư Long xỉ vả anh. Như Phong thều thào: “Anh nên lễ độ, tôi chấp nhận cái chết”. Bác sĩ Quang năn nỉ Như Phong: “Xin anh cho tôi làm bổn phận y sĩ”. Người ta đè anh, trói chân anh, tay anh trên giường. Và vào nước biển tiếp sức. Như Phong được đề lao bồi dưỡng một thùng sữa đặc, trở thành tù nhân de luxe của đề lao. Anh ra phòng tập thể C-2, ngày ngày đi mạn đàm với chấp pháp. Rồi anh viết tự khai...

Chấp pháp số 7 đã đưa giấy bút cho tôi.

- Anh viết khẩn trương vì tôi sẽ về Hà Nội công tác đột xuất. Tự khai lần này khác.

Tôi hỏi:

- Tôi sẽ viết thế nào?

Hắn đáp:

- Cuộc đời anh từ năm anh 10 tuổi đến ngày anh bị bắt. Thật chi tiết. Chính xác ngày, tháng, năm.

- Làm sao tôi nhớ ngày tháng?

- Cố nhớ đến đâu hay đến đó. Anh hay khoe anh có trí nhớ tốt mà.

- Chỉ vậy?

- Anh tóm tắt mỗi cuốn sách của anh, khai rõ cảm hứng nào anh viết, anh viết nhằm mục đích gì, ai thuê anh viết, mỗi cuốn giá bao nhiêu... Anh đừng quên những bài báo của anh trên những tờ báo anh cộng tác.

- Tôi viết cả 10 ngàn bài dài ngắn.

- Cố nhớ.

Bạn thấy hệ lụy văn chương của những nhà văn ở lại bị bắt chưa? Tôi muốn ông “nhà xuất bản” Đại Nam và các ông “nhà báo” viết thuê cho ông Đại Nam chửi bới tôi đọc Nhà Tù. Hy vọng lương tri các ông ấy thức tỉnh. Tôi cũng muốn độc giả thân mến của tôi tỏ thái độ quyết liệt với những kẻ sống trên lưng nhà văn, sống trên nỗi thống khổ mà nhà văn phải chịu đựng vì hệ lụy văn chương của mình. Cái công trình mồ hôi, nước mắt, tim óc của chúng tôi đã bị chà đạp ở quê nhà, còn bị ăn cướp ở quê người. Và những kẻ cướp đó lại là người Việt Nam, nạn nhân của cộng sản như chúng tôi, nhưng may mắn hơn chúng tôi. Tôi sắp chịu cực hình, đau đớn trên mọi tra tấn. Là tóm tắt 50 cuốn sách của tôi. Và phát biểu cảm tưởng về chữ nghĩa dĩ vãng. Và bôi nhục nó. Và nguyền rủa nó. Ôi, văn chương, nó đã đưa tôi lên và nó đã dìm tôi xuống. Không, cộng sản đã dìm tôi và văn chương của tôi. Hai chúng tôi đang “chết đuối trên cạn”, đang sặc sụa, đang đạp dẫy.

- Tôi nói để anh chuẩn bị tư tưởng: Anh phải tranh thủ thời gian.

Gã quản giáo đã đem ca cà-phê đá tới. Tôi bắt đầu viết tự khai, bắt đầu chơi lại một trò chơi quái đản của ý thức hệ. Trò chơi khốn kiếp này, tôi đã chơi và đã thể hiện ở một tiểu thuyết mới nhất của tôi.* Xin trích một đoạn:

- “Tôi đã viết ba lần.

- Ba lần anh viết khác nhau. Tôi chỉ yêu cầu hai lần giống nhau là đủ. Anh viết ba lần ba cuộc đời của ba con người!

- Cô cho phép tôi đọc cả ba bản để cô so sánh.

- James, anh đã biết điều, nên tiếp tục biết điều. Tù nhân không được quyền yêu sách. Anh được đọc nội quy nhà tù chưa?

- Chưa.

- “Triệt để thi hành mệnh lệnh của cán bộ”. Anh viết lại tự khai.

- Bắt đầu?

- Phải, từ năm anh mười tuổi đến khi anh bị bắt.

James viết tự khai lần thứ tư. James viết tự khai lần thứ năm. Lần thứ sáu. Lần thứ bảy. Lần thứ tám. Lần thứ chín. Lần thứ mười, về cuộc đời chàng từ năm chàng mười tuổi đến khi chàng bị bắt. Đến lần thứ ba mươi, ấu thơ chàng, niên thiếu chàng, thanh xuân chàng, kỷ niệm chàng, tình yêu chàng, mơ ước chàng, hạnh phúc chàng, gia đình chàng, trường lớp chàng, thầy cô chàng, bạn bè chàng, nơi chôn rau cắt rốn chàng, dòng sông chàng, cánh đồng chàng, khu rừng chàng, ngọn núi chàng, sân cỏ chàng ... ngậm ngùi lếch thếch dắt díu nhau lên trên những trang tự khai quái đản. Dĩ vãng đi. Dĩ vãng về. Dĩ vãng bò. Dĩ vãng lết. Dĩ vãng nhẩy. Dĩ văng chạy. Dĩ vãng vấp. Dĩ vãng ngã. Dĩ vãng tới. Dĩ vãng lui. Dĩ vãng nằm nghiêng. Dĩ vãng nằm ngửa. Tuổi hồng của James bị bầm vặp. Tháng ngày đẹp nhất đời người của James bị đâm chém. James sợ hãi, James kinh hoàng viết về dĩ vãng, về ấu thơ, về gia đình, về trường lớp, về tình yêu. Người lính Mỹ tên là James Fisher tâm hồn thánh thiện, biểu tượng sáng chói của cái thật, cái tốt, cái đẹp của dân tộc Mỹ, tham dự chiến tranh ở Việt Nam không hề mang theo ý thức hệ, không hề nhân danh chủ nghĩa tư bản, chỉ đáp theo tiếng gọi của tổ quốc yếu dấu, đang bị quay chóng mặt trong trò chơi của ý thức hệ. Và trò chơi mang tên tự khai, một kiểu tra tấn tinh thần tinh vi nhất, độc ác nhất trong thời đại mà bóng tối đã phủ kín lương trí loài người.

James Fisher bơ phờ, hốc hác. Chúa Jesus không bị viết tự khai như James Fisher nên ngài mới bình thản nói: “Đừng lo lắng chi về ngày mai, vì ngày mai sẽ tự lo lắng cho ngày mai”, James đã thấm đòn tự khai. Chàng lo lắng ngày mai vô cùng. Chàng sợ hãi ngày mai. Ngày mai quằn quại hơn hôm nay. Ngày mai, chàng nhìn rõ móng vuốt nó nhọn hoắt cào cấu đầu óc chàng; chàng nhìn rõ răng nó sắc bén gậm nhắm thần kinh chàng. Trên những trang giấy hãi hùng. Một cây bút, một xấp giấy. Nhỏ bé và êm ái. Thế mà bút và giấy đã khiến chàng bấn loạn điên khùng. James chỉ muốn chết để khỏi viết tự khai. Bây giờ chàng mới hiểu nhà tù cộng sản và sự khoan hồng, nhân đạo cộng sản. Tám năm chịu đựng thống khổ dưới hầm đá, trong các cachots, James đã chịu đựng nổi và sẽ chịu đựng hoài cho tới ngày nhận “phần thưởng trên trời”. Nhưng tự khai, chàng không hứa hẹn lần “no đủ sự công nghĩa”, dẫu tự khai cuộc đời chàng từ năm chàng mười tuổi đến khi chàng bị bắt.

Nàng Chi Mai chẳng thèm xúc động. Chàng viết tự khai lần thứ năm mươi thì ba mươi trang giấy thừa quá nhiều. “Tôi rất tiếc James ạ”! James không thể viết tự khai nữa. Thần kinh của chàng căng thẳng. Chi Mai không tha chàng, không mảy may trắc ẩn. Nàng bày thêm chi tiết của trò chơi. James sắp ăn, nàng gọi lên viết tự khai. James đang ngủ, nàng gọi lên viết tự khai. James mệt mỏi, nàng gọi lên viết tự khai. James ốm đau, nàng gọi lên viết tự khai. Rồi James hết thèm ăn, chán ngủ, James gầy gò, xanh xao. Mắt James thâm quầng. Râu ria James tua tủa. James chẳng còn biết chàng đã viết gì. James mất tự chủ. James hôn mê khi viết tự khai. James viết bậy bạ. James viết thư cho cha mẹ. James viết những lời thương nhớ Susan McCareen. James viết lời quốc ca. James vẽ bản đồ nước Mỹ. James làm thơ. James gọi Thượng Đế. James cầu cứu Chúa Jésus. Vào đúng lúc James tê liệt dễ sai khiến nhất, bảo sao làm vậy miễn là đừng bắt viết tự khai cuộc đời mình từ năm mười tuổi đến ngày bị bắt thì Chi Mai gọi chàng lên văn phòng của nàng.

- James, anh viết bao nhiêu lần rồi, nhớ không?

- Bẩy mươi.

- Sai.

- Sáu mươi.

- Sai. Cố nhớ đi!

- Tôi không nhớ.

- Một trăm mười hai lần!

Chi Mai nhoẻn miệng cười:

- Chưa phải là kỷ lục tự khai.

James hồi hộp chờ đợi một câu nói mà chàng sợ hãi nghe. Nàng cố tình nín thinh. Nàng khoái kéo dài sự lo lắng của James Fisher. Con sói cái muốn vờn con cừu non mềm nhũn, ngã qụy rồi mới rút ruột.

- James!

- Tôi nghe.

- Tôi rất tiếc James ạ!

James Fisher choáng váng.

- Tôi rất tiếc những lần sau cùng anh viết lung tung. Anh mệt mỏi, anh rã rượi rồi, hả?

Chàng thành thật:

- Phải, tôi rã rượi rồi."

......

Thật sự, nhân vật tiểu thuyết của tôi chưa rã rượi bằng tôi. Tôi đã nói tôi sợ tôi không đủ khả năng diễn tả một buổi trưa hè trong một phòng giam của đề lao Gia Định. Thì làm sao tôi viết hết nổi cảm giác nhục nhằn của tự khai. Nhân vật tiếu thuyết của tôi chi phải tự khai từ năm 10 tuổi đến ngày bị bắt. Còn tôi, tôi phải truy nã hồi tưởng mà tự khai 50 cuốn sách và 10 ngàn bài báo của 15 năm viết lách mưu sinh. Năm 1937, Nguyễn Vĩ than vãn:

Thời thế bây giờ vẫn thấy khó
Nhà văn An nam khổ như chó
Mỗi lần cầm bủt viết văn chương
Nhìn đàn chó đói gặm trơ xương
Rồi nhìn chúng mình hì hục viết
Suốt mấy năm trời kiết vẫn kiết.


Nỗi khổ “kiết vẫn kiết” thấm gì với nỗi khổ tự khai của nhà văn Việt Nam năm 1976. Không có hình phạt nào thảm thê bằng hình phạt tự khai. Mọi thống khổ ngục tù trại tập trung là cỏ hèn dưới chân đại thụ tự khai sừng sững. Tự khai của các nhà văn, cuộc truy nã thân phận mình, sự nghiệp mình và kết tội mình. Tự khai của các nhà văn, niềm đau đớn tổng hợp niềm đau đớn của chữ nghĩa cổ kim, Đông Tây. Đó là một tra tấn tổng hợp những tra tấn của loài người ác độc. Tôi đã cố gắng ghi chép:

Người ta đưa cho anh mt sp giy trng
đã ki
m soát s trang
anh có th
gch xóa nhiu hàng
nh
ưng cm anh xé b
t
ư tưởng anh b soi kính hin vi tng cái chm nh
Vi
ết gì
T
khai
T
khai gì
Cu
c đi anh t lên mười đến ngày anh vào r

Người ta đưa thêm cho anh một sấp giấy trắng
đã kiểm soát số trang
Viết gì
Tự khai
Tôi viết rồi
Viết nữa
Khai gì
Cuộc đời anh từ lên mười đến ngày anh vào rọ


Người ta lại đưa cho anh một sấp giấy trắng
đã kiểm soát số trang
Viết gì
Tự khai
Tôi đã viết hai lần
Viết thêm nữa
Khai gì
Cuộc đời anh từ lên mười đến ngày anh vào rọ


Anh phải viết ngày này qua tháng nọ
viết đến khi anh phờ phạc dại khờ
dĩ vãng hiện tại anh đảo lộn mập mờ
Viết đến khi anh đớn đau chết ngất
Đó là lúc người ta tìm ra sự thật
để kết án anh dù anh chẳng có tội chi


Này bạn
Bạn sẽ chép lại được mấy lần bức thư tình đã viết
Riêng tôi rất oanh liệt
Viết bốn trăm lần một bản tự khai
**

Những nhà văn bị nhốt ở Sở Công An, ở đề lao Gia Định đều bị tra tấn theo cung cách này. Tất cả đều chóng mặt. Tất cả đều rã rượi. Tất cả đều bị chữ nghĩa tự khai xoáy mòn xương thịt. Ở những giây phút hôn mê ấy, chỉ có tù nhân và chấp pháp. Đôi khi, chỉ có một tù nhân trong căn phòng nhỏ. Nhà văn cô đơn sáng tạo. Nhà văn cô đơn tự khai. Chắc chắn, không có lão Toan Ánh đứng ngoài nhìn trộm và nghe lén qua khe cửa để bịa đặt tin bẩn, thứ tin chó dại ngoạm vào nỗi thống khổ của người oan khổ dưới bút hiệu Lã Vi. Và, chắc chắn, chỉ một gã chủ báo chưa vỡ nghĩa “người đi đường và con chó” của Quốc văn giáo khoa thư lớp sơ đẳng mới tự phóng uế lên lương tâm mình mà toa rập với “người đi đường” khốn kiếp và ác độc. Không ai biết được nỗi đau đớn, không ai biết được lòng quả cảm và sự hèn mọn ở không gian tự khai cả. Người cộng sản tim thép không xúc động. Họ lại có thú vui nhìn con người quằn quại. Người nhà văn viết tự khai “phờ phạc dại khờ”, “dĩ vãng hiện tại đảo lộn”, chẳng còn hiểu nổi cả sự hiện hữu của bản thân mình. Nhưng tôi, tôi dám thách thức cộng sản Việt Nam xuất bản Tự Khai dầy ngót 2000 trang viết tay giòng thưa của tôi. Tôi thách thức cộng sản Việt Nam công bố một sự thật về tôi có dấu tích thủ bút của tôi ở đề lao Gia Định, nơi tôi đã viết tự khai ròng rã 40 ngày đêm, nếu họ can đảm bằng không, họ nên chấm dứt cái điệp vụ văn hoá rẻ tiền nhằm hạ uy tín chống cộng của tôi, nhằm làm tê liệt sự phản kháng của tôi, nhằm cô lập tôi với đồng bào của tôi. Trò chơi này đã quê kệch và mất ép-phê. Ép-phê ngược là đằng khác. Sau ba năm trở lại nghề viết và hiên ngang sống bằng chữ nghĩa, tính từ tháng 4-1984 đến tháng 4-1987 tôi được phép ngạo mạn ngồi lên mặt cộng sản và những kẻ a dua cộng sản bêu nhục tôi. Tôi đã không chết. Tôi đã không cúi mặt. Tôi vẫn ngẩng mặt. Tôi mãi mãi phong phú sinh lực sáng tạo. Để chiến đấu và để góp phần tạo hạnh phúc cho cả cộng sản lam lũ, bần hàn.

Như nhân vật James Fisher, trong tiểu thuyết mới nhất mang nhan đề tiếng Việt Một định nghĩa tình yêu của tôi mà nhà xuất bản Belford muốn đặt là Un prisonnier américain au Vietnam, tôi đã viết tự khai vào những giờ giấc toan tính của chấp pháp số 7. Hắn chỉ thị quản giáo rình mò tôi. Buổi sáng, nước sôi vào phòng, tôi pha mì vụn điểm tâm, chưa kịp ăn, hắn đã gọi tôi ra viết tự khai. Tôi ngồi viết một chập, hắn cho về ăn lót dạ. Mì chương đầy ca, tôi không muốn ăn. Hắn lại gọi ra. Qua bữa ăn trưa, hắn cho về. Tôi nhấm nhá cầm hơi. Nằm nghỉ chưa kịp nhắm mắt, hắn gọi ra. Tối hắn gọi ra. Đêm hắn gọi ra. Tranh thủ thời gian.Viết ngày không đủ, tranh thủ viết đêm. Tôi mất ăn, mất ngủ. Tôi ngẩn ngơ quên cả ghẻ nước, ghẻ mủ. Phép lạ hay niềm tin đã giúp tôi đủ sức cầm cự đòn tra tấn thần kinh tự khai? Tôi chẳng biết anh em có bị tra tấn như tôi. Nhà văn, nhà báo đã bị cách ly . Nhà văn còn bị cách ly với cả các tù nhân cùng phòng, thời gian viết tự khai. Tại tôi mệt lử cò bọ, về phòng là nằm bất động, các bạn trẻ không thích quấy rầy tôi hay họ bị ra lệnh cấm liên hệ với tôi? Đêm thứ 40, tôi nhớ rõ, tôi đánh số trang 1780, sang phần tự khai những tờ báo tôi viết thuê, tôi làm chủ bút, chủ nhiệm và những bài báo tôi đã ký một lô bút hiệu Thương Sinh, Thập Nguyên, Mõ Báo, Vạn Tóc Mai, Lệnh Hồ Xung, Thái Anh, Nã Cẩu, Bếp Nhỏ, Bếp Phụ... Hạnh phúc cho tôi là tôi được ngưng ở trang 1780.

- Anh tạm nghi. Sáng mai tôi về Hà Nội.

Chấp pháp số 7 nói:

- Chúng ta sẽ tiếp tục làm việc. Có một dấu hiệu chứng tỏ anh thiếu thành khẩn.

Hắn giải thich ngay:

- Năm trang tự khai của anh mới bằng một trang bản thảo tiểu thuyết của anh. Anh viết ngoài thói quen viết sít hàng, chữ nhỏ li ti của anh. Ngoài thói quen là ngoài ý muốn. Tư tưởng thể hiện hành động. Anh thiếu thiện chí cải tạo.

Thiện chí cải tạo! Bạn hiểu chưa? Ở xã hội cộng sản, xã hội ưu việt của loài người, con người còn cần biểu lộ thiện chí vào tù, thiện chí chịu đựng đau khổ, thiện chí lãnh đòn tra tấn tinh thần.

Chấp pháp số 7 lôi từ xặc-cột của hắn ra một trang bản thảo tiểu thuyết Người con gái ngồi đợi mộí chuyến tàu về *** mà đám côn quang đã lục xét, tịch thu tại nhà tôi đêm 8-4-1976. Bản thảo của tôi sạch, đẹp, ít bôi chữa, viết chữ thật nhỏ, dòng thật khít. Đó là thói quen. Tôi lại thích viết bằng giấy in nhật báo. Vì nó mềm và thấm mực bút nguyên tử. Ở tòa soạn, tôi thường viết những bài báo đằng sau bản tin Việt Tấn Xã in một mặt. Tôi không hiểu tại sao chấp pháp số 7 chọn trang thứ nhất của bản thảo Người con gái ngồi đợi một chuyến tầu về là trang tôi viết nhỏ nhất, sít dòng nhất mà so sánh. Hắn đã cho tôi viết tự khai trên pelure mỏng, thứ giấy pelure sản xuất tại Việt Trì mầu như mầu giấy dầu.

- Với cách mạng, anh không thể dấu diếm nổi tư tưởng thầm kín của anh đâu, cách hành văn tự khai của anh như người mới tập viết. Anh bẻ dừa bẻ ngô, râu ria thừa thãi.

Phê bình văn chương tự khai của tôi một lúc, hắn đưa tôi về phòng I C-1. Tôi có những ngày ăn ngủ điều hòa. Cộng sản đã tính sức chịu đựng của tôi. Thêm nữa, tôi sẽ chết gục trên tự khai. Họ chỉ cần hành hạ tôi chứ cần gì tôi tóm tắt toàn bộ tác phẩm của tôi. Họ đã đọc hết, đọc từ lâu. Tôi chờ đợi chấp pháp số 7 trở lại Sàigòn.


* Un prisonnier Americain au Vietnam, cuốn thứ ba của Duyên Anh viết cho nhà Belfond. Giao kèo của Belfond yêu cầu Duyên Anh viết cho họ 5 cuốn.

** La Torture (Tra Tấn) trong tập Poèmes de prison do Les Éditions de Caux, Thụy Sĩ xuất bản

*** Tiểu thuyết này đăng được 10 chương trên tạp chí Tuổi Ngọc thì dang dở vì cộng sản thôn thính miền Nam.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn