BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 72811)
(Xem: 62102)
(Xem: 39201)
(Xem: 31055)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Những đứa trẻ Thái Bình – Cuối Thu Đường Đời (118 – 121)

01 Tháng Ba 201212:00 SA(Xem: 1231)
Những đứa trẻ Thái Bình – Cuối Thu Đường Đời (118 – 121)
51Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
51

PHẦN SÁU


CUỐI THU ĐƯỜNG ĐỜI


118


 


Ngày xưa còn bé, có lần tôi đã nói với Vũ trong cách mạng đang sôi nổi rằng: Tao chán mít tinh, biểu tình, hội họp, ca hát rồi. Tao chán nhi đồng, chán bác Hồ, chán hết cả rồi. Tao chán thằng Luyến nghịch ngợm, chán thằng Lộc pha trò nhạt phếch, chán thằng Long chuyên phá thối. Tao chán cả mày luôn.


 


 


Nếu cái chán của tôi, trừ đi tất cả, còn giữ lại chán mít tinh, chán biểu tình, chán hội họp, chán bác Hồ, thì mọi đổ vỡ của đời tôi sẽ không xẩy ra, hôm nay. Nhưng mai, tôi chán bao nhiêu, rồi lại thích bấy nhiêu. Thế mới chết hết mộng ước của mình! Có lẽ, thời đại cuốn xoáy nghiệt ngã, đến nỗi những nhà đại trí thức còn lao đao, còn u mê nghiệp chướng, nữa là thằng nhóc như tôi. Cả nước say mê mít tinh. Cả nước say mê biểu tình. Cả nước say mê hội họp. Cả nước say mê gọi Hồ Chí minh bằng bác. Bác Hồ. Cụ già hơn Hồ Chí Minh ba bốn chục tuổi cũng Bác Hồ. Trẻ em cũng Bác Hồ. Người du học bên Pháp trở về như thạc sĩ Huy Thông, như tiến sĩ Nguyễn Mạnh Tường… hoan hỉ gọi Hồ Chí Minh là Bác. Bác Hồ vĩ đại của dân tộc. Nhạc sĩ nào biết Hồ Chí Minh bôn ba hải ngoại ra sao mà ca ngợi Cha Hồ:


Hoàn cầu vang danh Cha chúng ta Hồ Chí Minh


Một đời gian khó hy sinh luôn đấu tranh


Hận thù nung gan im máu sôi đời nổi trôi


Nhìn xa xăm mắt đăm đăm trông phía trời


80 năm qua trong lầm than sông núi ơi


Dưới ách nô vong thắt tâm can vì non nước


Tấm than cô đơn phong trần bôn ba khắp nơi


Tự do vinh quang chung lòng vun cho giống nòi


Thu nao Cha về


Hoa sao rừng người


Hồng vàng tươi thắm nước Nam reo vui


Dân tin Cha Hồ


Kính yêu muôn đời


Con thuyền Việt Nam phó trong tay Người…


Thi sĩ nào biết Hồ Chí Minh làm cách mạng ra sao mà ca ngợi mặt Người như nước Việt:


Hồ Chí Minh mặt người như nước Việt


Thấm thía mang một sức sống phi thường


Vừng trán rộng Trường Sơn trong sớm biếc


Mắt tinh anh sâu thẳm Thái Bình Dương


Và hồn Người hồn Việt Nam thuần túy


Ôi đơn sơ lời nói cảm rung sao


“Bởi không muốn làm tên dân nô lệ


Nên tôi làm cách mạng bấy nhiêu lâu


Lũ chúng tôi ít nhiều đều đứt rễ


Mang nỗi buồn thế hệ ở trong tâm


Dân tộc tôi đã từng phen ngạo nghễ


Ngoảnh mặt lên cao trời lệch đất gầm”


Và Người đó Hồ Chí Minh bề thế


Vẫy vùng bơi giữa biển cả gian nan


Hồ Chí Minh chỉ Người là có thể


Đưa con thuyền tổ quốc đến vinh quang


Nhạc sĩ, thi sĩ, văn sĩ, họa sĩ đua nhau suy tôn Hồ Chí Minh, từ ngày Cha già mới về. Trí thức trong nước, trí thức ngoài nước khiêng Hồ Chí Minh, thổi bong bóng lên tận trời xanh. Tôi chán, rồi lại không chán. Tâm hồn tôi hồi đó dễ mở rộng, đón nhận bất hạnh và hữu hạnh, khác hẳn bây giờ, khép kín mít những phản bội vào thêm lần nữa. Các bạn có phẫn nộ khi bị công khai lừa dối không? Để chuyện phản bội lại, tôi sẽ kể sau. Tôi mê độc lập khi thực dân Pháp chiếm miền Nam Bộ. Chắc Luyến còn nhớ, những đêm thị xã thức trắng, Vũ thổi ác mô ni ca và chúng ta hát những bài với địa danh xa lạ tận miền Nam để căm thù giặc Pháp.


Pháp chiếm miền Nam, chúng ta còn căm thù buốt ruột, huống chi nó chiếm miền Bắc, chúng ta căm thù nó dường nào?


Mất thủ đô Hà Nội, dân chúng phải tản cư về nông thôn. Hồ Chí Minh, sau khi tàn sát các đảng phái, hô hào toàn dân đoàn kết kháng chiến chống thực dân Pháp. Các bạn nghe rõ sáu chữ toàn dân đoàn kết kháng chiến và nhớ kỹ. Hồ Chí Minh nhờ có Pháp thực dân, nổi vun vút như một lãnh tụ chống xâm lăng vĩ đại của dân tộc Việt Nam.


Thị xã Thái Bình tiêu thổ kháng chiến vì yêu nước quá, vì muốn trở thành Stalingrad, quê hương Nga xô viết của Hồ Chí Minh. Tôi chưa hiểu quê hương Liên xô và Hồ Chí Minh, lúc ấy.


Các nhạc sĩ, thi sĩ, văn sĩ, họa sĩ và trí thức chưa hiểu nổi chăng? Và, mù tịt chuyện Khái Hưng (1) bị chết dìm trên sông, Lan Khai (2) bị cho vào rọ thả trôi dưới nước! Bởi chưa biết, hay bọn trí thức hèn hạ, bọn nghệ sĩ nham nhở vào hùa tâng bốc Hồ Chí Minh, lừa dối chúng ta, những trẻ dại khờ, chưa biết gì thật sự. Chúng nó coi Hồ Chí Minh như Chúa Giê xu.


Phạm Duy ngon cái miệng… Khi ngừng chờ gió đến, Bên bờ dòng nước trong. Ôi, tường chừng đây đó, Cha Già vọng trời Đông. Nó Cha Già khắp nơi… Bên đây là phía tự do, vẫn được Cha Già làm toàn dân ấm no. Còn nhiều nữa. Khi chúng ta rõ công ty bịp bợm Hồ Chí Minh làm chủ, và trí thức, nghệ sĩ làm công nhân; chúng ta nghĩ sao đây?


Tiêu thổ kháng chiến xong, tôi về Ô Mễ sống nồng nhiệt hơn năm tổng khởi nghĩa. Bố tôi là một địa chủ lãng tử, không biết có bao nhiêu ruộng và bán bao nhiêu, còn lại bao nhiêu. Bố tôi, một tay ăn chơi ở thị xã, chẳng phiền chi ai. Dạo thầy Trần Cao Đàn bị Nhật bắt hụt, bố tôi thận trọng yêu nước. Đến ngày tản cư về làng, bố tôi bị ăn bùa mê cháo lú của Cách Mạng hay sao ấy, bố tôi bốc đồng, biến căn nhà ba tầng thành quán trọ của cán bộ Chính phủ dân chủ cộng hòa. Tôi có dịp gặp nghệ sĩ nổi tiếng Hà Nội. Và, cán bộ cấp cao. Tố Hữu, chẳng hạn. Chính Tố Hữu đã khuyên tôi đủ tuổi vào Trường lục quân Trần Quốc Tuấn trên Sơn Tây mà học. Học lớp sĩ quan cho hách. Ba năm trời tiếp đã cán bộ, không biết bay đi bao nhiêu mẫu ruộng, bố tôi chẳng để ý. Người ta khuyến khích bố tôi nâng đỡ nghệ sĩ cải lương. Bố tôi bèn làm chủ gánh hát Thống Nhất, đi lưu diễn khắp vùng. Tôi có dịp sang Đống Năm gặp Luyến chuyện trò. Luyến nhớ chứ? Tôi thấy Luyến mê học, không thích nói về cách mạng, không ham vào bộ đội. Tôi bất bình. Bạn thân Monguillot của tôi như Vũ đã đi liên lạc viên, như Long, Lộc đã gia nhập bộ đội. Người nào cũng hiểu trách nhiệm của mình trong buổi chống thực dân xâm lăng. Lê Huy Luyến nghịch ngợm đã hết nghịch ngợm, trở nên ông cụ non thích triết lý vặt. Hình như, thời đại này, bước chân của chúng ta như bước chân phù thủy, đi rất xa và bước rất nhanh. Bây giờ, tôi hiểu triết lý sống của Luyến vững chắc vô cùng. ít ra, Luyến chẳng bị cách mạng phản bội.


Cuối 1949, trước khi đi Sơn Tây, tôi có đến Tường An thăm gia đình em Khoa. Bấy giờ, tôi hơi sợ. Các bạn biết tôi sợ gì không? Tôi sợ bạn bè xa nhau, xa thật lâu, và lớn lên, lớn thật mau, chắc sẽ ngỡ ngàng, lạnh nhạt. Không ngỡ ngàng, lạnh nhạt gì cả. Tôi mừng lắm.


Vừa mới tới Sơn Tây, tôi được tin Pháp chIếm Thái Bình. Bố tôi nói, hôm gặp lại tôi, bố tôi hồi cư thị xã, hai tuần sau, cả gia đình tôi vào Hà Nội. Bố tôi nhục nhã, không dám ở Thái Bình hồi sa sút nữa. Bố tôi ôn lại dĩ vãng, chợt tỉnh ngộ, vì biết cách mạng cho vô tròng. Cách mạng đã rút hết ruộng đất của bố tôi, biến địa chủ lãng tử thành bần cố nông tay trắng mà vẫn bị đấu tố vì quá khứ của mình.


Ông nội tôi đã khuyến cáo, bố tôi không nghe. Các bạn hãy tưởng tượng xem, thằng Tố Hữu đã nghĩ gì khi ăn uống ê hề ở nhà tôi? Chắc nó cười mục mả bố tôi?


À, tôi nói về đi học Trường lục quân Trần Quốc Tuấn cho các bạn nghe… Đầu năm 1950, trường mở khóa mới. Tôi đến đúng dịp. Số đen đến với tôi, không học lục quân mà học đấu tranh giai cấp. Trước khi đấu tranh giai cấp, tôi phải phân loại giai cấp trong xã hội Việt Nam. Có tưng đây giai cấp: Giai cấp công nhân, giai cấp nông dân, giai cấp vô sản, giai cấp tư sản, giai cấp tiểu tư sản.


Có một Đảng ra đời để lãnh đạo giai cấp đấu tranh, gọi là Đảng lao động, thực ra, chính nó lả Đảng cộng sản do Hồ Chí Minh làm chủ tịch. Các bạn khỏi gọi nó là cách mạng, là Việt Minh nữa. Cứ gọi đích danh là CộNG SẢN.


Phân loại giai cấp xong, tôi phải nhặt thành phần mà định giai cấp của nó. Thợ nhà máy điện, thợ sửa ô tô, thợ nhà máy nước, thợ làm gạch ngói… thuộc giai cấp công nhân. Phú nông, trung nông, bần cố nông thuôc giai cấp nông dân. Không có nghề nghiệp, học hành, tiền bạc thuộc giai cấp vô sản. Tỉ phú, triệu phú, trọc phú, buôn bán giầu có, địa chủ ác ôn, cường hào ác bá thuộc giai cấp tư sản. Trí thức tiêu cực, trí thức làng nhàng thuộc giai cấp tiểu tư sản. Trí thức tích cực, trí thức yêu nước không có giai cấp riêng biệt, có thể cho vào giai cấp vô sản. Công nhân vốn ít hơn nông dân nên gộp chung giai cấp công nhân và giai cấp nông ndân thành giai cấp công nông. Công nông với vô sản là một, nên gọi là giai cấp vô sản. Giai cấp vô sản là cộng sản đấy!


Quê hương của người cộng sản không phải nước Đức của Karl Marx và nước Anh của Friedrick Engels, mà là Liên xô của Vladimir Ilttch Lénine và Joseph Staline. Quê hương của người cộng sản Hồ Chí minh không phải nước Việt Nam. Bởi thế, Hồ Chí Minh mới ra lệnh tiêu thổ kháng chiến thị xã Thái Bình, biến thị xã thành Stalingrad để nịnh hót Liên xô.


Các bạn biết tôi, Đặng Xuân Côn, thành phần gì, giai cấp nào? Thưa các bạn, tôi thành phần địa chủ ác ôn, giai cấp tư sản! Giai cấp của tôi là kẻ thù không đội trời chung với giai cấp vô sản.


Giai cấp vô sản có Đảng công sản đầy đủ pháp luật và thừa thãi vũ khí, tàn sát giai cấp tư sản chỉ có nước chết. Ôi, các bạn nghĩ xem, từ bốn nghìn năm nay, có ai chia rẽ tình người một cách thâm hiểm như cộng sản? Chúng ta sinh ra để sống hòa thuận với nhau, dù hạnh phúc hay không hạnh phúc. Cuộc đời chỉ có hạng giầu và hạng nghèo. Giầu vì được Trời thương và chăm chỉ làm việc. Nghèo vì chưa được Trời thương và lười biếng làm việc. Oán ức thì nhìn lên Trời than vãn. Trời phán một câu: Ai giầu ba họ, ai khó ba đời. Nghèo đã thỏa mãn rồi, chăm chỉ làm việc, Trời sắp cho giầu đến nơi. Cộng sản muốn hơn Trời, khác Trời. Cộng sản phán: Này, anh chị em bần cố nông thân mến, tại sao anh chị em nghèo khổ, không có cơm mà ăn, không có áo mà mặc, không được làm người vậy? Đó là bọn địa chủ gian ác đã bóc lột anh chị em, năm này qua tháng nọ. Nó không bóc lột hiện tại, đã bóc lột quá khứ. Phải thẳng tay đánh đập chúng nó, của ta làm ra phải trở về ta. Bần cố nông không thích đấu tố địa chủ, cộng sản bắt phải đấu tố, phải học đấu tố.


Nhạc, thơ và chính trị ngày nào cũng nhét vào lỗ tai bần cố nông. Riết rồi, họ căm thù địa chủ thật sự. Người này thù người nọ. Người nọ thù người kia. Cả nước thù lẫn nhau. Vì giai cấp. Cộng sản sinh giai cấp và bắt thù hận. Giai cấp, nói theo Vũ thuở tiểu học, là cái củ thìu biu. Thời đại có cộng sản nó đẻ ra gian dối và hận thù. Chúng ta đã chiến đấu cho công sản, chứ không cho dân tộc. Cộng sản đã loại bỏ Vệ quốc đoàn, thành lập Quân đội nhân dân đấy, các bạn ạ! Lính giai cấp tiểu tư sản đã bị lính giai cấp vô sản đá cái vèo. Thế mà Hồ Chí Minh gian dối bảo là toàn dân kháng chiến.


Hồ Chí Minh mong mỏi từ ngót năm năm phải có ngày được tuyên bố cuộc kháng chiến này của riêng cộng sản và chỉ cộng sản mới lãnh đạo thành công. Toàn dân ra rìa. Cộng sản dã dọn trước một lối đi. Giảo quyệt thật. Chúng ta sẽ hứng chịu chia rẽ và hận thù. Anh em mình chơi với nhau thân thiết, biết giai cấp là gì! Cộng sản còn tuyệt đối cấm con người yêu thương gia đình. Tôi đã đọc báo Văn Nghệ, tường thuật lễ mãn khóa lớp chỉnh huấn, và tôi bất bình giùm thi sĩ Yên Thao. Các bạn đọc bài thơ Nhà tôi chưa nhỉ? À, còn nhiều thì giờ chán, tôi đọc cho các bạn nghe:


Tôi đứng bên này sông


Bên kia vùng địch đóng


Làng tôi đầy xạm đen mầu huyết đọng


Tre cau buồn ủ rũ ướt mưa sương


Mầu trắng vôi lồm lộp mấy khung tường


Nếp đình xưa người hỡi đau gì không


Tôi là anh lính chiến


Rời quê hương từ độ máu khơi dòng


Buông tay gầu mơ lại thuở bình Mông


Ghì nấc súng nhớ ôi ngày đắc thắng


Chân chưa vẹt trên nẻo đường vạn dậm


Áo nào không phai bạc chút mầu xưa


Đêm hôm nay tôi trở về lành lạnh


Sông sâu buồn lấp lánh sao lưa thưa


Tôi có người vợ trẻ đẹp như thơ


Tuổi chớm đôi mươi cưới buổi dâng cờ


Má trắng mịn thơm thơm mùa lúa chín


Ai ra đi mà chẳng từng bịn rịn


Rồi chia ly nào đã mấy ai vui


Em lặng buồn trong giây phút chia phôi


Tôi mạnh bước mà nghe hồn nhỏ lệ


Tôi còn người mẹ


Tóc đã ngả mầu bông


Tuổi già non thế kỷ


Lưng còng chĩu nặng kiếp long đong


Nắng mưa từ độ tang chồng


Tơ tằm rút mãi cho lòng héo hon


Thôi xa rồi mẹ ơi


Cơ chừng chợt tỉnh đêm vơi


Nghe ròn tiếng súng nhớ lời chia ly


Mẹ ơi con mẹ tìm đi


Bao giờ hết giặc con về mẹ vui


Đêm nay lành lạnh


Sông sâu buồn lấp lánh sao lưa thưa


ống quần nâu đã vá mụn giang hồ


Chắc tay súng tôi mơ về Nguyễn Huệ


Làng tôi đó bên trại thù quạnh quẽ


Trông im lìm như một nấm mồ ma


Có còn không em hỡi mẹ tôi già


Những người thân yêu khóc buổi tôi xa


Tôi là anh lính chiến


Theo đoàn quân về giải phóng quê hương


Mái đầu xanh bụi viễn phương


Bước chân đất đạp xiêu dồn lũy địch


Này anh đồng chí


Người bạn pháo binh


Đã đến giờ chưa nhỉ


Mà tôi nghe như trại giặc tan tành


Anh rót cho khéo nhé


Kẻo nhằm trúng nhà tôi


Nhà tôi ở cuối thôn Đoài


Có giàn thiên lý có người tôi yêu (3)


Tố Hữu, cái thằng ăn dầm ở dề nhà tôi ấy mà, người cộng sản chống tiểu tư sản đã đành, còn chống luôn tình cảm tiểu tư sản, văn nghệ chiều hướng tiểu tư sản, nhãn quan tiểu tư sản. Tình cản của người tư sản đơn giản thôi. Có biết yêu làng mới biết yêu đất nước mình. Có biết yêu nước mình mớ1 biết yêu thế giới. Có biết yêu cha mẹ mình, vợ con mình, đồng bào mình mới biết yêu nhân loại. Như thế, khác hẳn người cộng sản Tố Hữu không yêu ai, không yêu cái gì, mà chỉ yêu quốc tế, làm nghĩa vụ quốc tế. Bởi vì, người cộng sản không cha mẹ, không vợ con, không anh em, cao thượng một cách giả hình:


Tôi đã là con của vạn nhà


Là em của vạn kiếp phôi pha


Là anh vạn mái đầu em bé


Không áo cơm cù bất cù bơ (4)


Người cộng sản Tố Hữu là con của vạn nhà bất lương, là em của một vạn con đĩ, là anh của một vạn thằng ăn cắp, móc túi. Tố Hữu đã mượn uy thế lãnh đạo văn nghệ để phê bình Yên Thao cạn tầu ráo máng. Không nhắc tới tình thương mẹ, tình yêu vợ của Yên Thao, Tố Hữu chỉ đem Nhà tôi đánh nát tình cảm tiểu tư sản. Anh sợ đạn rớt lầm nhà anh thôi à? Còn nhà nhân dân, nhà giai cấp vô sản, nhà cộng sản, anh không thèm chú ý. Rõ là thi ca tiểu tư sản ích kỷ và xa rời tình tự giai cấp!


Các bạn của tôi ơi, tôi đã ghê tởm cộng sản, tôi nhìn đâu cũng toàn cộng sản giả hình. Tôi đang nói chuyện của tôi, lại quàng sang chuyện văn nghệ, đọc thơ Yên Thao. Có lẽ thù hận làm tôi điên rồi! Tôi tiếp tục nốt chuyện tôi. Các bạn cảm phiền nhé!


Đến đâu rồi nhỉ? À, học tập chia giai cấp và xếp thành phần, tôi biết tôi là địa chủ ác ôn! Lính giai cấp nông dân không chấp nhận sĩ quan địa chủ. Tôi cảm thấy sắp rắc rối to, vội trốn về Hà Nội ở với ông bác. Tôi gặp bố tôi ở đây.


Bị sốt rét rừng, Tôi nằm chữa bệnh mất mấy tháng. Tôi định không bao giờ trở lại Thái Bình khi mình mẩy sưng lên những mụn thất bại. Ông tôi đã bị cộng sản sát hại ghê tởm. Ông tôi chết thảm không phải địa phương làm sai đâu, mà nằm trong chính sách của Đảng cộng sản. Tại sao cộng sản đi bắt một ông già mù lòa nằm trong cái rổ xề để ông ấy đói khát chết dần? Tại sao? Tại sao? Truy nguyên ra, ông tôi đảng viên cao cấp của Việt Nam quốc dân đảng, thời Nguyễn Thái Học. Khi Nguyễn Thái Học và các dồng chí lên đoạn đầu đài, ông tôi chán nản, vì tinh hoa của Việt Nam quốc dân đảng chết hết cả rồi. Ông tôi ngưng hoạt động, tuyên bố công khai về quê làm ruộng và quên hết chuyện đời. Mọi người đều tin thế. Cộng sản không tin thế. Với cộng sản, đã là Việt Nam quốc dân đảng, sẽ mãi mãi là Việt Nam quốc dân đảng. Đảng viên của bất cứ một đảng nào ở Việt Nam, chỉ thanh trừng, không có hồi hưu! Cộng sản chưa giết ông tôi vì chưa muốn giết. Thế thôi. Thời đại tranh tối tranh sáng, Vũ Hồng Khanh trốn về Hà Nội làm Bộ trưởng thanh niên, cộng tác với Bảo Đại; Phạm Phan Côn làm tới chức vụ Giám đốc… Họ đều là Việt Nam quốc dân đảng, đàn em của ông tôi. Cộng sản giết ông tôi để cảnh cáo Việt Nam quốc dân đảng sắp ùn ùn cộng tác với Bảo Đại.


Chao ôi, giết một người già nua, mù lòa trong cái rổ xề, phơi giữa cánh đồng, cộng sản vẫn nhận là tinh hoa của loài người. Thế đấy. Cộng sản quên những tháng năm ăn dầm năm dề ở nhà con trai người già nua, mù lòa! Vô nhân đạo, vô nhân đạo. tội ác của cộng sản múc hết nước sông Trà Lý rửa không sạch. Bố tôi được tin ông tôi bị cộng sản sát hại, mang tiếng bất hiếu, không dám về Ô Mễ.


Tôi phải về. Về tận Ô Mễ. Ôm lấy huyệt mộ ông tôi. Cho hận thù ngập trái tim. Tôi, bây giờ, những người không kháng chiến là bạn tôi; những người kháng chiến cho cộng sản là kẻ thù tôi, đồng lứa cộng sản. Lập trường dứt khoát. Cộng vản đưa tôi vào con đưòng máu duy nhất. Là chiến đấu tiêu diệt cộng sản…


 


(1) Khái Hưng, nhà văn nổi tiếng thời tiền chiến. Vencuzenđơ bị Việt Minh thủ tiêu năm 1946


(2) Lan Khai, nhà văn chuyên viết tiểu thuyết lịch sử, bị học trò Việt Minh thủ tiêu 1946, vì Vencuzenđơ


(3) Yên Thao làm có bài Nhà tôi. Trong cuộc chỉnh huấn 1950, bị lãnh đạo văn nghệ Tố Hữu phê bình sát ván, Yên Thao không thèm làm thơ nữa


(4) Tố Hữu, lãnh tụ văn nghệ hồi Hồ Chí Minh còn sống. Bốn câu thơ trên trích trong tập thơ Từ ấy. Năm 1986, Tố Hữu bị thanh trừng


 


 


 


119


 


Luyến, Ngọc và Khoa ngồi im lặng hàng tiếng đồng hồ. Không cắt ngang câu chuyện, không thắc mắc điều chi. Cứ mặc Côn diễn thuyết trước ba người thân yêu. Nói dài. Nói lung tung. Kệ Côn. Luyến im lặng, kính trọng nỗi đau khổ của Côn. Luyến hiểu đang cùng cực trong nỗi khổ, Côn cần phải nhả ra cho vơi bớt những phiền tủi, đau đớn chứa chất trong lòng. Côn có tâm sự cay đắng. Sự cay đắng làm vàng võ một đời người. Luyến vẫn để dành những giọt nước mắt cho Côn. Nếu nó bị cuộc đời xua đuổi. Côn đã bị cách mạng xua đuổi. Côn đã bị cộng sản, theo ý Côn, xua đuổi. Năm năm trời, Côn cũng giống Vũ, giống Long, giống Lộc, đem hết nhiệt tình dâng cách mạng. Khốn nỗi, cách mạng lại dối gạt Côn, lừa đảo niềm tin của Côn. Để bây giờ, Côn đâm ra thù hận cách mạng. Chẳng có cách mạng cách mung, Việt Minh việt meo gì hết. Cách mạng giả hình đã hiện nguyên hình cộng sản. Côn nghĩ thế. Có lẽ đúng. Cuộc đời bao la. Công sản bé nhỏ. Cuộc đời chưa xua đuổi, không xua đuổi Côn. Luyến vẫn để dành những giọt nước mắt khóc Côn.


Từ ngày về thị xã, Luyến trải thân mình rộng ra như tấm da thú, chịu đựng bao nhiêu mũi tên tẩm thuốc độc oan nghiệt bắn vào. Những mũi tên đó, Luyến tưởng đã là khủng khiếp của thời đại chiến tranh. Nó bị xóa mờ đi, khi Côn đề cập giai cấp trong chủ nghĩa cộng sản. Phân chia giai cấp để chia rẽ tình người, để con người thù hận con người, để dân tộc chém giết nhau. Và ly tán. Chả biết đấu tranh giai cấp có lợi gì cho cộng sản? Chỉ biết con người đã nghi kỵ con người, đã căm phẫn con người, đã đề phòng con người. Vì, sắp có đấu tranh giai cấp, máu sẽ như nước lũ, ào ạt chẩy tự rừng núi xuống đồng bằng. Giai cấp là trò chơi khốn nạn nhất của cộng sản.


Dân Thái Bình đã chết đói cơ man, đã chết bom đạn vô số, lại sắp chết giai cấp đấu tranh, nếu cộng sản giải phóng Thái Bình. Chưa thấy bần cố nông đấu tố địa chủ ác ôn. Đã thấy con địa chủ hốc hác, già đi, tưởng chừng quên thời tuổi vàng hoa mộng vì học tập chia giai cấp, phân loại thành phần và hiểu mình thuộc thành phần nào, giai cấp nào. Luyến không ác cảm với cộng sản, nhưng phân chia giai cấp, Luyến phẫn nộ. Và thương Côn.


Chiều tối hôm qua, Luyến đến nhà Khoa gặp Côn. Luyến bàng hoàng thấy Côn già đi nhiều quá. Đặng Xuân Côn hôm nay khác hẳn thằng Côn năm xưa. Năm xưa, thằng Côn thắc mắc độc lập là gì, thực dân là gì, phát xít là gì, Việt gian là gì, thì thằng Luyến đíu thắc mắc, cứ nằm một chỗ chơi; rủ đi nghịch ngợm, thằng Luyến đi liền. Thằng Côn chê thằng Luyến nhút nhát, sợ hãi Nhật lùn. Bẩy năm rồi, Côn mới tiếc giá như Luyến. Mỗi người có một đời. Côn tiếc làm chi. Luyến kể chuyện thị xã những tháng năm vắng Côn, Vũ, Long, Lộc. Nó khôi hài mất một chân. Côn cười. Luyến không quên nói với Côn những gì xẩy ra cho nó và Ngọc. Hai đứa yêu nhau và sẽ cưới nhau. Côn không xúc động, chúc Luyến và Ngọc hạnh phúc suốt đời. Chỉ muốn làm cho Côn ngạc nhiên, nên còn dấu thằng Vọng ghẻ tầu. Luyến dặn Khoa đừng nhắc gì tới Vọng, cả cha mẹ Khoa nữa. Cứ để mặc Côn tưởng Vọng đã chết đói năm Ất Dậu.


Sáng nay, Luyến mời Côn về nhà mình. Có Ngọc và Khoa.


- Nói nữa đi, anh Côn! Nói nhiều cho ẩn ức nó trào ra, mình sẽ hết ẩn ức.


Ngọc tha thiết đề nghị.


- Nhiều ẩn ức lắm, Ngọc ạ! Chẳng bao giờ hết nổi. Họa khi nào cộng sản chết hết.


Côn buồn rầu trả lời.


- Ai cũng có niềm ẩn ức. Anh Luyến ẩn ức hơi nhiều. Nhờ anh chịu suy nghĩ và viết lên giấy, ẩn ức của anh vơi đi. ẩn ức trong cuộc đời còn mãi. Anh Côn biết không, từ Luyến nghịch ngợm đến Luyến cụt chân, bây giờ anh ấy định cư ở Luyến tiểu thuyết.


Ngọc vui vẻ nói.


- Mày viết văn đấy hả, Luyến?


Côn hỏi.


- Đang tập viết.


Luyến đáp.


- Anh Luyến đinh viết cuốn Cầu Bo trầm lặng. Cầu Bo, chứng tích lịch sử của Thái Bình.


Khoa nói.


- Có thể, mày sẽ hay hơn các nhà văn nổi tiếng tiền chiến. Chưa ai dám nghĩ viết cuốn tiểu thuyết lịch sử về tỉnh mình đâu, Luyến ạ!


Côn nói.


- Luyến cụt chân hết làm Luyến nghịch ngợm, tất phải năng suy nghĩ. Luyến bây giờ làm việc bằng đầu óc. Làm việc bằng đầu óc không ai bì nổi, dẫu họ có trăm ngàn tay chân.


Côn nói.


- Anh thấy chưa, Luyến. Em nói có sai đâu. Anh Côn cũng bảo Luyến đầu óc mà…


Ngọc thích chí khoe.


- Biết viết văn là nhất rồi. Mình có thể bỏ tù Hồ Chí Minh vạn vạn năm. Trong tù, Hồ Chí Minh sẽ than: Bầy trò phân chia giai cấp là hèn, đốn mạt. Người ta sinh ra để được sống no ấm bên nhau, chứ đâu phải để thù nhau, ghét nhau.


Côn nói.


- Thời đại sẽ xoay vần, nghiến nát cộng sản. Chúng ta nên chờ đợi, vì chúng ta chống sao nổi thời đại. Cộng sản, tư bản đang chiến tranh lạnh. Cả hai đều là những con ốc của thời đại được dịp múa may quay cuồng. Hết dịp thì chỉ là sắt vụn rỉ, chả ai thèm biết tới. Thử nghĩ xem, ai mạnh bằng Mông Cổ Thành Cát Tư Hãn, chiếm từ Á sang Âu. Người thù của mặt trời Thành Cát Tư Hãn đi tìm mặt trời để giết, vì mặt trời cứ tối, làm quân Mông Cổ phải dừng chân nghỉ ngơi, không tung vó ngựa đi chinh phục được. Sau Thành Cát Tư Hãn là gì? Một miếng đất cằn cỗi, thiếu nước, nghèo khổ cho dân Mông Cổ. Thời đại nó xoay, ai ngờ được. Ai mạnh bằng đế quốc Babylone, La Mã? Thời đại nó xoay, Babylone chìm xuống biển, La Mã bị lãng quên, không biết tên nước nữa. Ấy đó, thời đại luôn luôn xoay vần. Ai giỏi hơn Hitler, ai khỏe hơn phát xít Đức, Nhật? Thế mà cũng tiêu. Cộng sản đang ở chu kỳ rực rỡ, nó sẽ leo cao tuyệt đỉnh, rồi sẽ xuống đất đen. Cần gì phải bỏ tù Hồ Chí Minh?


Luyến nói.


- Mày là nhà văn, mày có quyền nghĩ xa xôi, làm việc xa xôi. Tao là chiến sĩ, chỉ nghĩ đến chuyện trước mắt. Và, trước mắt tao đang lù lù mấy thằng cộng sản. Giết nó đi, khỏi chờ thời đại xoay vần.


Côn nói. Rồi im lặng. Luyến đốt thuốc lá. Côn cũng vậy. Hai đứa cùng nhả khói và nhìn nhau, cùng cười.


- Giá, có thằng Vọng nhỉ?


Luyến nói.


- Nó chết rồi. May cho nó. Nếu nó còn sống, nó sẽ là kẻ thù của tao. Bố nó công nhân. Chết vẫn để lại giai cấp! Mẹ nó người bán hàng rong. Vọng thuộc giai cấp vô sản. Tao thành phần địa chủ ác ôn, giai cấp tư sản. Hai giai cấp đánh nhau. Phần chết sẽ về tao.


Côn nói.


- Khi nó chơi với chúng mình, nó có biết giai cấp là gì không? Thằng Vũ, con ông buôn bán hàng chuyến giai cấp gì? Thằng Long, con ông bán hàng sắt, giai cấp gì? Thằng Lộc, con ông chủ hiệu xe đạp, giai cấp gì. Mày giai cấp gi? Tao giai cấp gì? Mà vẫn chơi với nhau khắng khít.


Luyến nói.


- Dạo ấy, chưa có cộng sản.


Côn nói.


- Mày nghi oan cho thằng Vọng rồi, Côn ạ!


Luyến nói.


- Không oan, nếu nó còn sống.


Côn nói.


- Anh Vọng vẫn còn sống, anh ạ!


Khoa nói.


- Nó chết rồi mà.


Côn nói.


- Tháng 11, 1950, anh ấy còn đóng quân ở làng em. Bây giờ, chắc anh ấy đã đổi đi nơi khác.


Khoa nói.


- Vọng còn sống, lạ nhỉ.


Côn nói.


- Không lạ đâu. Khoa kể chuyện anh Vọng cho anh Côn nghe đi.


Luyến nói.


Khoa thuật từ đoạn Vũ, Côn, Luyến, Long, Lộc đem cơm bánh đến cứu Vọng. Lần này, không bị người đói cướp giật. Vào đến nhà, không có Vọng, chỉ thấy mẹ Vọng đã chết. Tất cả đều cho là Vọng chết giúi ở chỗ nào. Thực ra, cách đấy ba ngày, thầy Nguyễn Công Hoan sai người đến cứu Vọng, đem Vọng xuống Tiền Hải. Từ đó, Vọng học làm cách mạng. Vì bận nhiều việc, Vọng không về thị xã. Cho đến tháng 9, 1950, Vọng về Tường An, làm chính ủy trung đội và khuyên gia đình Khoa vào thị xã, càng nhanh càng tốt. Nếu gia đình Khoa ở lại, Vọng đi khỏi, bộ đội mới về, có thể sai chính sách, thi hành lầm, gia đình Khoa sẽ gặp nhiều oan trái. Khoa nói ba người thương Vọng nhất trên đời là Vũ, Côn, Luyến. Vọng đã khóc. Vọng bắt Khoa kể chuyện đá bóng năm xưa, hỏi Vũ, Côn, Luyến ở đâu, làm gì. Vọng mừng khôn tả. Vọng có tên mới: Kỳ Bá. Vọng bảo Khoa muốn gọi là Vọng hay Kỳ Bá cũng đưọc. Khoa vào thị xã cuối năm l950. Vọng từ biệt Khoa và hứa gặp Khoa ngày giải phóng thị xã.


- Thầy Nguyễn Công Hoan dạy Vọng làm cách mạng à?


Côn hỏi.


- Vâng.


Khoa đáp.


- Nguyễn Công Hoan là tổ sư cộng sản, dạy thằng Vọng làm tổ sư cộng sản. Nó đi lính tới chức chính ủy, nó phải vào Đảng cộng sản. Phải không, em Khoa?


Côn chua cay hỏi.


- Vâng, anh ấy là đảng viên Đảng cộng sản.


Khoa bình tĩnh đáp.


- Giai cấp vô sản lại đảng viên Đảng cộng sản, thôi Khoa, anh không muốn nghe chuyện thằng ghẻ tầu nữa. Quên nó đi. Anh hết thương nó rồi. Cả ông Nguyễn Công Hoan. Bây giờ, gặp cộng sản ở đâu, chỉ có đạn bắn trúng tim chúng nó. À, anh còn trả thù cho thầy Đàn nữa. Thầy đã bị cộng sản thủ tiêu rồi. Như Khái Hưng, Lan Khai…


Côn nói rất tàn bạo. Khoa há miệng chưng hửng. Ngọc ngạc nhiên. Luyến nhìn Khoa, thầm bảo Khao đừng nhắc Vọng lúc này. Luyến hiểu côn căm thù cộng sản muốn phát điên. Ai ở trong trường hợp Côn cũng giống Côn hết. Mắt Côn đỏ lên, long lanh thù hận:


- Không thể Bạn và Thù lẫn lộn được. Chúng ta cứ để Thù là Bạn chúng ta mãi, ngày kia, Thù sẽ cắt cổ chúng ta. Chúng ta lớn rồi, hiểu biết rồi, chúng ta là Quốc Gia. Thằng Vọng lớn rồi, khôn gấp bội chúng ta, thủ đoạn gian manh đầy người, thằng Vọng là Cộng Sản. Lời nói của cộng sản chỉ là đãi bôi. Nước mắt cộng sản chỉ là nước mắt cá sấu. Các bạn tin vào lời nói của thằng Vọng ư? Các bạn tin vào nước mắt của thằng Vọng ư? Tôi không tin, ngàn lần không tin thằng cộng sản đó. Với tôi, chỉ có sống hay chết trong chiến đấu diệt cộng sản.


- Côn ơi, mày và tao lên cầu Bo chơi. Tao sẽ nói tại sao tao muốn viết văn.


Luyến nháy mắt. Ngọc đứng dậy xin phép về đi chợ. Khoa nói có hẹn với thằng bạn sang Bồ Xuyên, sáng nay. Luyến đã chống nạng.


- Ừ, lên cầu Bo.


Côn và Luyến bước trên phố chính. Hai đứa không nói năng gì. Sự im lặng, một bước dài heo hút, ngăn cách giữa hôm qua và hôm nay. Hôm qua vui vẻ, hồn nhiên và yêu đương ngập tràn. Hôm nay buồn bả, cô đơn và hận thù kín lối. Luyến thương Côn quá. Người bạn ngày xưa, từ cách mạng tới giờ, thấm thoát bẩy năm,.thay đổi toàn bộ nhân sinh quan. Ở miệng Côn thở ra căm thù và căm thù. Thái Bình, quả thật, đã trải qua cuộc dâu biển tàn bạo. Lâu lắm rồi, kể tự sứ quân Trần Lãm dấy binh, đến Đinh Bộ Lĩnh làm yên đất nước, Thái Bình chỉ biết chịu đựng thù hận, không nói đến hận thù. Thời đại nó đẩy người Thái Bình đến chỗ phải biết hận thù và kiếm cách trả thù hận. Cách mạng, chiến tranh, hay cộng sản?


Tiếng nạng gỗ của Luyến nghe buồn tênh …


 


 


 


120


 


Ngoài kia lời non nước đang nhắc ta


mau mến yêu giống nòi


yêu mến muôn giống người


Ngoài kia công nhân ơi


Quốc tế đang giơ tay đón mời bầy con đoàn kết


Từng nhớ những phút chiến thắng


tiền phong đua tranh bao năm


lầm than đau thương trong khốn cùng


Giải phóng thống nhất tiến tới


Việt Nam ra công chen vai


cùng thế giới mới sẽ sống chung


Tranh đấu cuối cùng là đời sống với giang sơn


Công nhân Việt Nam tiến tới


Cùng sống tập đoàn


toàn thế giới công khai


và kiến thiết xã hội ngày mai


Lúc đế quốc đang sắp tan rã dần


Ta tiền phong tiến tới


Sức chiến đấu đi tới miền Đông Nam


Lúc đế quốc đã tàn


- Mày thấy giai cấp công nhân của thằng Vọng đáng sợ chưa?


- Bài hát mày thuộc ở đâu?


- Sơn Tây.


- Tên gì?


- Công nhân kiến thiết xã hội.


- Chỉ có công nhân biết kiến tiết xã hội thôi à?


- Công nhân là xương sống của cộng sản. Thiếu nó, cộng sản đâu còn gọi là cộng sản. Cộng sản phải dùng giai cấp nông dân vì công nhân ít người. Giai cấp công nông, chứ kh6ng giai cấp nông công. Mày chú ý xem, cờ cộng sản vẽ Búa Liềm vàng trên nền đỏ máu. Búa đè trên Liềm. Và, Búa to hơn Liềm, mạnh hơn Liềm. Cộng sản dùng giai cấp nông dân, nhưng ghét giai cấp này nhất hạng.


- Tại sao?


- Mày viết văn nên chỉ dọc văn chương, triết lý, sử địa là cùng. Tao chiến sĩ chống cộng sản, thành thử tao tìm sách báo viết về cộng sản để đọc. Mấy tháng chữa bệnh sốt rét rừng, tao đọc vô số sách chống cộng và thân cộng. Tao đọc sách của cộng sản viết nữa. Cộng sản đã giết hàng triệu nông dân Kiev bên Nga. Trùm Staline bán lúa mì cho Tây Âu để dân Kiev chết đói. Người Nga đi đếm xác chết như dân Thái Bình năm Ất Dậu.


- Chỉ ghét nông dân mà bắt nông dân chết đói?


- Tao nghĩ xa hơn. Giai cấp công nhân không có của chìm, chẳng có của nổi. Nhà máy thì của… nhân dân, nhà nước cộng sản quản lý. Nhà ở cộng sản cũng quản lý luôn. Công nhân có tư hữu gì đâu, mà đòi làm chủ tư hữu của mình? Cơm ăn, áo mặc cộng sản lo giùm hết. Quyền sống, công nhân không cần lo. Công nhân mới là người nghèo nhất nước. Giai cấp nông dân khác hẳn. Mảnh vườn, cái ao, thửa ruộng là tư hữu của nông dân. Quốc hữu hóa, nông dân đòi quyền tư hữu đến nơi đến chốn. Thế thì giai cấp nông dân giống hệt giai cấp tiểu tư sản. Cái Búa phải to hơn cái Liềm. Khi cần, cái Búa sẽ đập cái Liềm nát bấy.


- Nông dân có biết chính mình là tiểu tư sản không?


- Không.


- Tách nông dân tiểu tư sản ra khỏi nông dân, cộng sản hết làm ăn.


- Ý kiến hay.


- Như thế là đấu tranh chính trị. Tư tưởng chống cộng sản tiêu diệt tư tưởng cộng sản. Tao cho như thế mày mới thắng cộng sản, không cần đổ máu. Cái cung cách chống cộng sản của Bảo Hoàng, tao thấy chỉ làm cho cộng sản vươn lên.


- Mày thấy Bảo hoàng chống cộng sản ra sao?


- Vu dân vô tội là cộng sản, tra tấn họ và làm tiền họ. Rồi chống cộng sản bằng mồm. Đả đảo cộng sản. Đả đảo riết, rồi chết. Cộng sản vẫn sống nhăn răng.


- Ở Hà Nội, toàn những thằng chống cộng sản kiểu ấy.


- Tao không chống cộng sản và thân cộng sản. Tao rửng rưng chuyện thiên hạ. Mày đã biết tao theo thuyết… đợi thời đại xoay vần. Côn ạ, mày phải làm lãnh tụ chống cộng.


- Tao làm lãnh tụ?


- Tại sao không? Đã lãnh tụ Hồ Chí Minh, phải lãnh tụ Đặng Xuân Côn. Người cộng sản, người chống cộng sản.


- Mày giúp tao không?


- Không.


- Tao làm một mình à?


- Engels viết bài Tuyên ngôn đảng cộng sản có một mình. Khi ấy, Marx chết rồi. Engels hô hào Vô sản trên thế giới hãy vùng lên cũng một mình. Đặng Xuân Côn, dân Thái Bình, năm 1952, hô hào Tiểu tư sản trên thế giới hãy vùng lên xem sao. Mày nên nhớ rằng, tiểu tư sản đông kinh khủng, ăn đứt tư bản và cộng sản về kiến thức, tài năng. Buồn một nỗi, tiểu tư sản chuyên làm nô lệ cho tư bản và cộng sản, bị tư bản và cộng sản khinh bỉ. Mày nghĩ cách làm cho tiểu tư sản đoàn kết lại. Ấy là mày giải quyết cả thế giới, không riêng gì Việt Nam.


- À, mày đọc sách chính trị, hả? Thế mà tao dám chê mày!


- Thỉnh thoảng. Vớ được quyển nào, đọc quyển đó. Què cụt chỉ còn thú đọc sách thôi, mày ạ!


- Tiểu tư sản là vấn đề ăn nhất, cộng sản sẽ điên cuồng, bấn loạn.


- Mày phải làm lãnh tụ cơ.


- Để tao nghĩ.


- Trong khi mày nghĩ có làm lãnh tụ hay không, tao góp chút ý kiến.


- Nói đi.


- Thằng Vũ đang theo kháng chiến, thằng Lộc đang theo kháng chiến. Hhư chúng ta, chúng nó chỉ mơ ước Pháp thua sớm, trở về thị xã, xây dựng lại căn nhà cũ. Giấc mơ thật đơn giản. Chúng nó chiến đấu vì thị xã, nơi chúng nó sinh ra, lớn lên, hưởng trọn tuổi vàng hoa mộng. Chúng nó mong về để chết với thị xã. Bảo chúng nó đánh nhau cho cộng sản, tội nghiệp chúng nó. Thiên hạ đã chia rẽ nhau, thù hận nhau, chúng nó gây chi nên tội mà chúng ta phải chia rẽ chúng nó? Thằng Vọng gần chết đói, có người đến cứu nó và dạy nó thành người cộng sản. Chuyện rất thường. Nếu chúng ta đến sớm ba ngày, Vọng sẽ theo chúng ta. Vọng ở rất xa chúng ta bằng giai cấp. Lời nói của nó thì rất gần, êm ái như thuở Monguillot. Thằng cộng sản Vọng đã nói một câu, khiến thằng què cụt Luyến phải tôn nó lên làm bậc thầy. Côn ạ, hôm nay, mày cần nghĩ xa cuộc chiến đấu tiêu diệt cộng sản bằng tư tưởng của mày, để ý chi đến súng đạn và máu, để ý chi đến thằng Vọng, thằng Vũ, thằng Lộc, những ngươi bạn thân yêu của mày…


Côn kh6ng trả lời. Nó lái sang bài hát Công nhân kiến thiết xã hội.


- Cộng sản Việt Nam đã hé mùi quốc tế cho người ta sợ nó. Nó đòi sống tập đoàn với thế giới cơ! Đế quốc Mỹ sắp tan rã. Khi nó chiếm được các nước vùng Đông Nam Á, là đế quốc Mỹ tàn lụi. Còn nằm trong hang đá, cộng sản đã mơ đô hộ Thái lan, Mã lai, Tân gia ba…


Luyến không thích nghe chuyện đàm tiếu người cộng sản của Côn nữa. Nó nói:


- Đến cầu Báng rồi. Dừng xe ăn một cái bánh chưng. Lâu lắm không được ăn bánh chưng cầu Báng.


Người lái xích lô ngưng lại. Hai đứa bước vào quán. Hôm qua, Côn rủ Luyến về Ô Mễ thăm mộ cụ Hào Điền. Luyến không cuốc bộ được sáu cây số liền một lúc, đi xe đạp chưa quen. Côn thuê chiếc xích lô, bao nửa ngày để chở khứ hồi. Con huyện lộ số 24 đã lấp hết hố chữ chi, sửa sang bằng phẳng. Cầu Báng bị phá sụp đổ, quân Pháp phải bắc chiếc cầu mới kế cận, xe cộ nhà binh mới lưu thông dễ dàng.


Cây cầu Báng của làng Đồng Thanh. Làng này nổi tiếng nhờ bánh chưng ngon. Vì hai quán bánh chưng bán cho người đi qua đường sát cây cầu, nên không ai gọi bánh chưng Đồng Thanh. Mà, bánh chưng cầu Báng. Miền Bắc, mỗi địa danh thường cung cấp cho con người một món ăn đặc biệt. Như bánh gai ở Ninh Giang, cá rô ở đầm Sét, ổi ở cầu Bo… Nhiều người biết tiếng nó quá, nó đi vào vè. Bánh chưng cần Báng chẳng hạn:


… Tương Bần Yên Nhân


Nước mắm Vạn Vân


Bánh chưng cầu Báng…


Cầu Báng không bao giờ làm bánh chưng tết, hình vuông, kiểu bánh chưng báo hiếu của Lang Liêu, hoàng tử thứ 16, con vua Hùng Vương thứ 6. Có lẽ, bánh chưng để bán, cầu Báng làm khác đi. Một người ăn một chiếc, vẫn còn thòm thèm, ăn hai chiếc thì hơi no. Chiếc bánh chưng cầu Báng như chiếc bánh giò, to hơn và gói bằng lá de.


Là de lạ lắm. Khi luộc bánh, người ta tính thì giờ vào cây hương đốt. Cầu Báng khỏi cần hương, chỉ cần thói quen. Bánh chín, lá de đổi mầu sắc bên ngoài, thành mầu lá cây mùa thu. Bên trong, lá de như một cặp môi ngậm đầy sữa, hôn lên bánh đều đặn, khiến bánh xanh từng hạt nếp bìa. Bánh chưng ai chẳng tẩm đỗ với thịt? Thịt và đỗ cầu Báng mới ngon! Bánh chưng cầu Báng ngon tất cả. Toàn diện.


Luyến và Côn đã ăn bánh chưng xong. Tự thị xã tới Đồng Thanh phải qua Đoan Túc, Tri Lai, Thắng Cựu. Ngồi trên xích lô, xe chạy tới làng Chành, đến Ô Mễ.


- Cây đa làng Chành sống lâu lắm, Luyến ạ! Lụt năm 1945, nước phủ trắng xóa đến nửa tháng, nó không chết.


Luyến nhìn cây đa lành Chành. Nó nghĩ rằng cây cổ thụ sống lâu đã thành thần thánh rồi. Nó cần sống lâu thêm nữa. Để xem thời đại xoay vần.


- Mình xuống đây.


- Phải băng qua con đường mòn này à?


- ừ. Ngắn thôi. Đồn Pháp đóng ở chợ, mất lối vào cổng chính của mình.


Côn dặn người phu xích lô đậu tại gốc cây đa làng Chành chờ đợi. Hai đứa vào con đường mòn. Côn đi trước, Luyến chống nạng theo sau. Một lúc, hai đứa vào làng Ô Mễ. Nhà Côn xây ba từng, rộng rãi thênh thang. Bây giờ càng rộng rãi. Luyến cảm tưởng cảnh đìu hiu đã trùm kín căn nhà. Con chó nằm ỳ một chỗ, chẳng chạy ra mừng chủ về, không sủa thấy khách lạ tới. Đó là dấu hiệu của sự đi xuống thảm bại. Người nhà tíu tít hỏi thăm Côn. Lát sau, dân làng kéo tới, và trẻ con lũ lượt đến xem mặt chú Côn có khác ngày xưa không. Côn vẫn được cụ Hào Điển che chở trong tình thương dân làng. Côn bảo họ hàng mang khăn tang cho Côn quấn để Côn ra lễ ông nội ngoài mộ.


Đứng trước ngôi mộ cụ Hào Điển, Côn khóc rưng rưng. Nó thầm nguyện cầu những gì, Luyến không biết. Khi về, Côn lau nước mắt, nghiến răng, và giọng nó chứa đầy phẫn nộ:


- Cháu sẽ trả thù cho ông, từng đứa một. Không gì cản nổi cháu, cản nổi mối huyết thù của cháu.


Côn nhìn họ hàng:


- Mọi người nhớ cho kỹ, kẻ thù của chúng ta là cách mạng, kháng chiến, cộng sản. Ba thứ đó đều một phường khốn nạn!


Luyến và Côn trở lại căn nhà tiêu điều cũ. Côn chỉ cho Luyến cái rổ xề cộng sản bắt nhốt cụ Hào Điển trong đó và trả tự do về huyệt mộ, cũng trong đó. Nó là chiếc rổ lớn, đựng bèo đã giã nhỏ cho lợn ăn. Con người ví với con vật. Luyến hỏi:


- Tao muốn ngắm cống Hào Diển, được không?


Côn đáp:


- Nó ở ranh giới giữa làng Ô Mễ và làng Thụy Bình, xa lắm, mày không đi được.


Luyến nói:


- Không ai để gì cụ thể cho nước non, dân tộc cả. Chỉ cụ Hào Điển để lại cái cống Hào Điển cho dân Ô Mễ là cụ thể nhất thôi. Chả ai nhớ những người đã xưng hùng xưng bá làm hay cho dân tộc cả. Cụ Hào Điển thì khác. Chỉ một cái cống cho dân Ô Mễ. Đời đời, kiếp kiếp, nông dân Ô Mễ còn cần nước sông Trà Lý, còn nói tới cống Hào Điền. Cụ sống với nông dân mãi mãi, cụ có chết đâu?


Côn mỉa mai:


- Cụ có chết trong rổ đựng bèo cho lợn đâu!


Luyến không nói năng gì nữa. Hai đứa về thị xã. Đến cây đa làng Chành, chỗ người phu xích lô đang neo xe đợi, Côn bảo Luyến:


- Mày về trước nhé! Sáng mai, tao sẽ có mặt ở nhà mày. Tao còn một số việc cần giải quywết với họ hàng. Có một điều tao nói riêng với mày: Trường Sĩ Quan Nam Định di về Thủ Đức, miền Nam. Tao tình nguyện học ở Trường sĩ quan trừ bị Thủ Đức. Tao nản Thái Bình lắm rồi.


Côn trở lại con đường mòn. Một mình Luyến ngồi trên xích lô, nghĩ ngợi về bạn mình. Côn không thể làm lãnh tụ đối nghịch với lãnh tụ Hồ Chí Minh được. Chẳng phải riêng Côn, mọi người, kể cả trí thức khoa bảng, đều nghĩ như Côn. Không ai dám làm lãnh tụ. Đi làm nô lệ phục vụ cho lãnh tụ sướng hơn. Cho nên, chỉ một người xưng mình là lãnh tụ duy nhất trên đất nước khốn khó này. Mọi sự chống đối của thiên hạ, lãnh tụ coi thường và khinh thường. Côn rồi cũng bị lãnh tụ cộng sản khinh thường thôi. Mỗi người có một cuộc đời. Côn xoay xở lấy cuộc đời của nó. Bằng thù hận.


 


 


 


121


 


Côn không ghé Luyến, không ghé Khoa. Từ Ô Mễ, nó vào thị xã sớm, mua vé xe Con Voi lên Hà Nội. Côn chẳng muốn liên hệ gì với Thái Bình nữa thì phải.


Ở Thái Bình, Côn gặp lại Luyến, thấy Luyến đã què quặt, tâm hồn hơi hướng về bên kia vì có em kháng chiến, Côn chán nản. Còn bốn thằng bạn: Long đã chết trận, Vũ và Lộc đang chiến đấu trong hư vô, Vọng thì cộng sản đứt đuôi con nòng nọc. Những thằng bạn còn sống đã là cộng sản hay đổ máu cho cộng sản, đều là kẻ thù của Côn. Cộng sản chia xã hội Việt Nam thành từng giai cấp để hận thù nhau. Côn không hạ cộng sản bằng chống chia giai cấp để thương yêu nhau. Côn ghim thù hận trong máu, làm mau, nếu mình có thể, chứ không chịu đợi lâu. Chống đối tư tưởng, người ta mất hàng trăm năm. Côn ngỡ tư tưởng nó lòi lên, cứ chém là đứt, là thành công. Thù hận làm lóe mắt Côn. Luyến vẫn yêu Côn. Vì, Côn chỉ là một con người yếu đuối.


Côn bỏ thị xã Thái Bình ngót ba tháng rồi, chẳng nhận được bức thư nào của nó. Sắp nghỉ hè. Khoa chuẩn bị sang Nam Định thi trung học phổ thông. Hôm qua, Luyến gặp Khoa, nó tâm sự với Luyến đủ thứ chuyện. Những chuyện về Côn, Luyến để trong lòng, Khoa cũng biết.


- Anh đã khôn khéo khuyên anh Côn đừng thù hận anh Vọng, anh Vũ, anh Lộc, chứ gì!


- Sao em biết?


- Nhìn ở đáy mắt anh.


- Em nghĩ về anh Côn còn đẹp như ngày xưa không?


- Anh Côn bao giờ cũng tốt, cũng đẹp. Em thương anh ấy lắm. Vì thù hận, anh Côn mất trí. Vì mất trí, anh ấy mất suy nghĩ. Anh ấy giống những nhân vật đi tầm thù trong truyện kiếm hiệp. Bố mình bị nó giết, tìm nó trả thù. Con nó thấy bố chết, tìm mình tuyết hận. Cháu mình thấy ông chết, tìm con nó… Cứ đi tìm suốt đời nọ sang đời kia mà trả thù. Đời sống chỉ vậy sao?


- Em nghĩ thật đi, mình phải làm gì, Khoa?


- Bố em bị cường quyền giết, mình không thể trả thù nổi. Cường quyền đông lắm và khỏe lắm. Mình đành im lặng. Bố em bị người tầm thường giết, mình tha thứ. Sẽ không có thù hận đời sau. Có vẻ Quốc văn giáo khoa thư, anh nhỉ?


- Không, cuộc đời lắm chứ.


- Anh Côn chẳng nghe ai đâu. Anh thường bảo mỗi người có một cuộc đời, anh Côn có một cuộc đời thù hận, anh ấy sẽ sống bằng thù hận, cô đơn vô tả. Em lại thương anh ấy thêm lên.


- Khoa, em là thằng bé đi hia bẩy dặm.


- Nhờ anh chỉ dạy.


- Em đang nghĩ gì?


- Về một chuyện tình…


Khoa nhớ con Liên từ lâu, từ ngày hồi cư thị xã. Nếu Khoa về thị xã, cố xin bố mẹ, cho lên Hà Nội chơi, nhé! Nhà Liên ở số 42, phố cửa Bắc. Liên đã nói với Khoa thế. Nó đã về thị xã, ngay cả một bức thư viết dễ dàng, nó cũng không viết. Cha nó đi Hà nội luôn, nó chả thèm nhắn lời hỏi thăm Liên. Hỏi thăm Liên, nó phải cho cha nó địa chỉ của Liên. Cha mẹ nó tưởng nó đã quên con Liên rồi, chuyện hai đứa quen nhau, chơi với nhau, hồi tản cư.


Khoa đâu có quên Liên. Nó yêu say đắm, yêu Liên còn hơn Vũ yêu Thúy. Thời đại của Vũ náo động và sôi nổi thật, song thua hẳn thời đại của Khoa lãng mạn và tình tự. Thời đại của Khoa có trống đồng thôi thúc dân gian đừng quên giặc Pháp xâm lược sẽ đến; có trận giả làm những đứa bé biết mơ thành người sông Lô; có bao nhiêu bộ đội tiểu tư sản ở Hà nội, Hải Phòng, Hải Dương, Nam Định về dạy thiếu nhi học, thiếu nhi hát; có những đêm kịch ve vuốt tài năng tuổi ngọc; có những lớp Bình dân học vụ, biến bà nội, ông ngoại, dì cô, chú bác thành học trò của Khoa, của Liên, xui Khoa và Liên cảm động như đĩa đèn dầu lạc thắp bấc long lanh những giọt nước mắt… Thời đại Vũ làm gì có. Vũ đã theo kháng chiến, xa hẳn tuổi thơ bồng bế để lại cho Khoa những ngày vàng hoa mộng.


Khoa quen Liên trong thời đại ấy, rực rỡ dân tộc của chu kỳ đất vỡ chiêm bao. Khoa đã đưa Liên về đường mòn thấm ướt trăng sao, những đêm tập kịch. Mùa đông, hai đứa đi sát bên nhau, tay đứa này trong túi đứa nọ, móc lạc rang nhai cho trời hết lạnh. Khoa đã đeo lên tai nhụy hoa mẫu đơn cho Liên, bắt Liên đừng quên hoa ngâu. Trời ơi, Khoa còn rủ Liên ngồi trên cầu Chờ chờ đợi một nỗi niềm gì đó; lên quán Nghỉ, hẹn hò người bâng quơ…


Làm sao Khoa có thể quên Liên? Nó nhớ Liên âm thầm. Đã nhiều lần, Khoa muốn viết thư cho liên. Rồi, tự lòng nó đã nói: Gượm đã. Khoa lại sợ Liên quên hết chuyện Tường An, nghèo xơ nghèo xác. Ở Tường An đi chơi với cu khoa được, ở Hà Nội thì không. Khoa sợ hãi tiếng không ghê lắm. Sợ hãi rồi ngờ vực. Chả biết Liên Hà Nội đã thay đổi gì chưa! Đời có nhiều mùa. Mùa vào tuổi lớn, Khoa cáu ghét cái mùa vào tuổi; và Khoa cảm thấy nhớ âm thầm, yêu âm thầm là để yêu người không bị thất vọng. Điều đau khổ nhất trên đời, Là yêu người mãi mà người chẳng yêu. Ai đã nói thế? Có phải vậy không?


Luyến tủm tỉm cừi:


- Tình yêu đến, tình yêu đi, ai biết?


Và nói tiếp:


- Tình yêu chỉ đến với em thôi. Em là người hạnh phúc, đụng tới đâu, hạnh phúc trào ra tới đó. Đẹp giai, học giỏi, giai cấp… cao thượng, con gái mê mệt, vất đi không hết, tội gì đau khổ nhất trên đời.


Khoa bịn rịn:


- Em yêu Liên như thời hoa mộng của em, đánh mốc chu kỳ rực rỡ của dân tộc. Chu kỳ ấy có bốn niên. Nếu sống thêm nhiều tháng năm buồn nhạt, bây giờ chẳng hạn, đổi lấy bốn năm huy hoàng, em đổi ngay. Em đã yêu Liên vào lúc đó.


Luyến thở, khói thuốc lá bay:


- Em đã nói yêu Liên chưa?


Khoa bẻ bão tay:


- Chưa.


Luyến hít đẫy đà thuốc Cotab:


- Em đã cảm giác yêu Liên và Liên đã mơ hồ yêu em. Tình yêu thế mới gọi là thơ mộng. Lúc nào tình em yêu Liên, tình Liên yêu em cũng bảng lảng. Em đừng sợ hãi mùa vào tuổi nữa. Mùa ấy làm Liên yêu em hơn, dù xa cách. Tháng chín, năm nay, em lên Hà Nội học ban tú tài, tìm Liên còn sớm chán.


Khoa hơi cúi đầu:


- Em đỗ trung học, sẽ bỏ đệ tam, nhẩy đệ nhị, anh ạ!


Luyến nhìn Khoa:


- Tùy ý em. À, anh chưa biết Liên họ gì?


Khoa cười:


- Nguyễn. Nguyễn Kiều Liên.


Luyến khen:


- Hay quá, tên nàng hay qua, chàng ạ!


Khoa sung sướng quá, im lặng. Đó, tâm sự của Khoa, tâm sự tình yêu đẹp hơn thơ của nó.


Luyến vẫn nhớ đến Côn nhiều hơn. Đường như Côn là nỗi ám ảnh của Luyến. Mỗi người có một cuộc đời. Cuộc đời của Côn không bình thường, cuộc đời Côn bị thù hận mới định cư. Tưởng chừng nó đồn trú trong tim Côn từ đời nào. Khoa nhận xét đúng, Côn đã mất trí. Côn mất trí, cuộc đời Côn sẽ lạc hướng. Côn xa Luyến, xa Vũ, xa Vọng, xa Lộc vĩnh viễn. Luyến thở dài: Chiến trnanh và chủ nghĩa! Chiến tranh làm con người xa nhau, rồi làm con người gần nhau, dù con người có mù, quẻ, câm, điéc hay chết mất tích, chết thảm thương. Vẫn không xa nhau. Chủ nghĩa làm con người đoạn tuyệt con người. Là người không theo chủ nghĩa, không chống chủ nghĩa, biến thành nạn nhân của chủ nghĩa, Luyến đấy. Chính Côn đã xa lìa Luyến. Chính Luyến đã lìa Côn. Không phải vì bất đồng chính kiến. Mà vì không có chính kiến.


Thời đại này oái oăm thật. Những người mơ thị xã Thái Bình sống êm đềm bên sông Trà Lý, có cầu Bo thơ mộng, hàng hồi phố chính tỏa hương thơm ngát, chắc chắn sẽ tuyệt vọng. Nước lũ không chẩy xiết gầm cầu vào tháng Bẩy. Nước lũ chẩy quanh năm. Mỗi ngày. Luyến ngồi im. Suy nghĩ…


(Còn tiếp)

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn