BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73173)
(Xem: 62202)
(Xem: 39376)
(Xem: 31130)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Những đứa trẻ Thái Bình – Thấp Thoáng Chia Ly (87 – 90)

16 Tháng Hai 201212:00 SA(Xem: 1189)
Những đứa trẻ Thái Bình – Thấp Thoáng Chia Ly (87 – 90)
51Vote
40Vote
30Vote
20Vote
11Vote
32

PHẦN NĂM


THẤP THOÁNG CHIA LY


87

 Chính ủy Kỳ Bá rất hài lòng, vì công tác ở Tương An phấn khởi, đạt chỉ tiêu. Kỳ Bá luôn luôn báo cáo về trung đoàn 84 lưu động, đóng chốt tại Hưng Nhân. Mới gần một tháng, Kỳ Bá đã tiếp thu trên 60 thanh niên nông dân xung phong vào bộ đội. Anh dự định sẽ huấn luyện họ ở miễu Vang. An ninh Tường An khá chu đáo. Nếu Pháp đồn Ô Mễ không giở giói gì, anh tính chỉ mất ba tháng nữa. Là hoàn thành công tác của Bác và Đảng đã giao cho.

Về rèn quân, Kỳ Bá phó thác cho chính ủy các tiểu đội gắng sức làm hồ hởi binh sĩ học tập không ngừng. Mỗi ngày. Điểm cần thiết nắm được, Quân đội nhân dân phải ý thức rõ ràng giai cấp của mình. Giai cấp nông dân và công nhân còn lắm kẻ thù, chưa tiêu diệt nổi. Kẻ thù quan trọng nhất là thực dân Pháp. Khi tận diệt Pháp, giai cấp vô sản sẽ phô trương thanh thế. Lúc đó, bọn tư sản, bọn tiểu tư sản, bọn trí thức lừng khừng sẽ theo bọn địa chủ gian ác, bọn cường hào lưu manh vào chỗ chết. Chỉ còn giai cấp công nông hay vô sản thôi.

Nhiệm vụ của Kỳ Bá và các chính ủy tiểu đội là làm cho lính tin rằng, giai cấp của họ sẽ độc quyền chuyên chính. Cái quyền đó, giai cấp vô sản ủy phó cho Đảng lãnh đạo. Hồ Chí Minh làm chủ tịch Đảng. Bác vô cùng sáng suốt nên Đảng cũng vô cùng sáng suốt. Không hề sai trái. Người lính của giai cấp vô sản phải triệt để tin tưởng Bác và Đảng, chịu khó chịu khổ để lập chiến công.

Lập công ta dâng lên Bác

Chúng ta là con của Người

Luôn luôn lúc nào cũng nhớ

Trung thành với Đảng với dân

Về chỉnh cán, Kỳ Bá vừa bổ sung vào Ủy ban nhân dân Tường An một cán bộ bí thư. Bí thư xã rất quan trọng. Vì họ nắm gọn quyền hành, đi đúng đường đi, nước bước của trung ương, có Bác và Đảng bên cạnh. Chủ tịch Ủy ban nhân dân thi hành bất cứ chính sách nào cũng phải có sự đồng ý của bí thư. Thường thường, bí thư bao quát mọi vấn đề. Bởi bí thư đã được kết nạp vào Đảng, làm việc gì nhất nhất phải theo Đảng. Bí thư xã trung kiên với Đảng. Đảng tin yêu bí thư xã nhất. Nắm bí thư xã mới kiện toàn trung ương một cách dễ dàng.

Từ khi Đảng ra đời, Bác đã nghĩ ngay việc cấy bí thư xuống tận Ủy ban nhân dân xã. Mỗi bí thư xã là một đôi mắt của Bác. Chính ủy Kỳ Bá đã góp một phần công lao dâng lên Bác. Anh còn muốn lập công dài dài, đều đều. Để đền công ơn giáo dục của Bác và Đảng đã biến anh thành người cách mạng vô sản chuyên chính.

Hôm nay, Kỳ Bá hoan hỉ ra mặt. Các chính ủy tiểu đội báo cáo thành tích của mình tại Tường An, Đồng Đức, Đại Đồng, nơi họ phụ trách tìm hiểu các vấn đề sinh hoạt của nhân dân. Chính ủy quân đội mang trọng trách rất hệ trọng trong thời chiến. Họ là ủy viên chính trị của cả quân đội lẫn nhân dân.

Miền Bắc, các làng xã nhiều lắm. Như Thái Bình có mười hai phủ huyện. Bên đây sông Trà Lý là Thư Trì, Vũ Tiên, Kiến Xương, Tiền Hải. Bên kia sông Trà Lý là Hưng Nhân, Tiên Hưng, Thái Ninh, Đông Hà, Quỳnh Côi, Phụ Dực, Thụy Anh, Duyên Hà. Mỗi huyện, mấy chục làng xã. Xã đông, bí thư xã đông. Và phải kiểm soát chặt chẽ. Chính ủy phục vụ Bác và Đảng rất đắc lực. Họ cũng làm những việc của bí thư làm. Bí mật. Bí thư không thể biết. Đảng muốn quân đội nắm hết các cơ cấu. Để ngăn ngừa phản bội.

- Báo cáo đồng chí chính ủy trung đội, tôi Hai Nhỏ, chính ủy tiểu đội 3, trung đội 23, xin báo cáo lên đồng chí những vấn đề đã xảy ra ở Đại Đồng.

- Rõ.

- Về nhân dân, không thấy bất mãn chuyển mình từ ngày bộ đội về làng. Về phụ nữ, nhi đồng đều tích cực tham gia công tác cách mạng. Về thanh niên nông dân, đã tuyển 17 người vào hàng ngũ quân đội, 3 người xung phong. Về Ủy ban nhân dân, rất sáng suốt điều hành theo yêu cầu của Bác, Đảng và Nhà nước. Đặc biệt, đồng chí bí thư vượt khó, vượt khổ để tiến lên đạt chỉ tiêu công tác. Về Ủy ban Hội Tề, đã thấy bất mãn trong họ, khi bộ đội can thiệp vào việc lên đồn của giặc Pháp thường xuyên của họ và về không chịu báo cáo từng chi tiết. Báo cáo hết.

Kỳ Bá nghiêm túc nói:

- Đồng chí chính ủy tiểu đội 3 báo cáo tường tận. Tôi, thay mặt Bác, Đảng và Nhà nước, biểu dương tinh thần của đồng chí. Những công tác của đồng chí ở Đại Đồng đều tốt. Riêng Ủy ban Hội Tề, đồng chí không nên tự ý can thiệp vào, khiến họ bất mãn, có thể đi đến phản động nguy hiểm, trong khi ta hoạt động trong lòng địch, rất cần thiết đến sự bảo trợ của họ. Đồng chí phải về ngay Đại Đồng, khiêm tốn hơn cả bao giờ, nói với Ủy ban Hội Tề này rằng, sự can thiệp của đồng chí chỉ là ý kiến cá nhân, không phải ý kiến tập thể. Ý kiến cá nhân thường sai lầm. Bác, Đảng và Nhà nước luôn luôn tin tưởng vào Ủy ban Hội Tề.

Hai Nhỏ đứng lên, nghiêm trang chào Kỳ Bá:

- Thưa đồng chí, rõ.

Đến lượt người thứ hai.

- Báo cáo đồng chí chính ủy trung đội, tôi Tư Lành, chính ủy tiểu đội 2. trung đội 23, xin báo cáo lên đồng chí những vãn đề đã xẩy ra ở Đồng Đức.

- Rõ.

- Về nhân dân, rất phấn khởi từ lúc bộ đội về làng. Về phụ nữ, nhi đồng thi đua giữ vững tinh thần kiên quyết thù giặc Pháp. Về thanh niên nông dân, đã tuyển 27 người vào bộ đội, trong số đó, 2 ngưòi thuộc gia đình bần cố nông. Về Ủy ban nhân dân, điều hành tốt. Đồng chí bí thư đáng biểu dương. Về Ủy ban Hội Tề, làm đúng những chỉ thị của Bác, Đảng và Nhà nước đề ra. Về địa chủ, chúng nó cũng tốt, chân thành mời chúng tôi đến nhà chơi, ăn uống rượu chè. Chúng tôi khước từ ra mặt. Báo cáo hết.

Kỳ Bá lắc đầu:

- Đồng chí chính ủy tiểu đội 2 báo cáo đầy đủ. Tôi, thay mặt Bác, Đảng và Nhà nước, biểu dương tinh thần của đồng chí. Có điều, đồng chí sai lầm lớn, đi ra ngoài chính sách đấu tố địa chủ hôm nay. Hôm nay, giặc Pháp chưa diệt xong, chúng ta không đấu tố địa chủ được. Phải hòa hoãn, hòa hoãn và hoà hoãn. Lúc này, chúng ta chỉ nói vu vơ: Địa chủ gian ác là kẻ thù của nhân dân. Không địa chủ nào nhận mình gian ác hết. Đồng chí không khéo từ chối mời mọc của địa chủ. Cứ đem công tác bận bịu ra, mà nói thiếu thì giờ, không đáp ứng được lòng tốt của địa chủ. Nếu để chúng nó biết ta căm thù chúng nó, chúng nó sẽ đề phòng và có thể kết hợp với bọn phản động chống đối ta. Vậy đồng chí nên thận trọng.

Tư Lành đứng lên, nghiêm trang chào Kỳ Bá:

- Thưa đồng chí, rõ.

Đến lượt người thứ ba.

- Báo cáo đồng chí chính ủy trung đội, tôi Năm Vườn, chính ủy tiểu đội 1, trung đội 23, xin báo cáo lên đồng chí những vấn đề đã xẩy ra ở Tường An.

- Rõ.

- Về nhân dân, tinh thần chống Pháp rất cao. Chưa hề có người làm nghề buôn bán nào về thị xã Thái Bình theo giặc. Bộ đội ta vững tâm ở Tường An. Về phụ nữ, nhi đồng, tinh thần phấn chấn, một lòng tham gia học tập. Về thanh niên nông dân, đã tuyển 19 người vào quân đội ta. Về Ủy ban nhân dân, từ ngày hoán chuyển bí thư mới, Ủy ban khởi sắc. Về Ủy ban Hội Tề, ta nói gì, nghe nấy, bảo gì, làm nấy. Một thắc mắc nêu ra: Nhi đồng, phụ nữ, thanh niên kêu ca bài hát mới nhiều danh từ khó và chữ ngoại quốc. Báo cáo hết.

Kỳ Bá mỉm cười:

- Đồng chí chính ủy tiểu đội 1 báo cáo tươm tất lắm. Tôi, thay mặt Bác, Đảng và Nhà nước, biểu dương tinh thần của đồng chí. Thắc mắc mà đồng chí nêu ra, sao không giải đáp cho nhân dân.

Năm Vườn thành khẩn:

- Thưa đồng chí, chính tôi cũng cần được giải đáp…

- Bài nào?

- Thưa, Bàn tay chúng ta.

- À, Kồng sô môn, Von ga, Đông…

- Đúng.

- Giải đáp Kông sô môn là Thanh niên đoàn Kông sô môn bên Liên xô. Von ga, Đông là tên hai dòng sông bên Liên xô.

- Rõ.

- Còn thắc mắc gì không?

- Còn.

- Nói đi!

- Thiếu niên thắc mắc: Trung hoa, Trung quốc giống Tầu phù hết. Ngày xưa, ta chửi Tầu, sao ngày nay ta hoan hô Tầu, noi gương Tầu?

- Ngày xưa, Tầu Tưởng Giới Thạch đại phản động; ngày nay, Trung quốc vĩ đại Mao Trạch Đông, người cách mạng, bạn thân của chúng ta.

- Rõ.

- Thắc mắc gì nữa không?

- Hết.

Kỳ Bá ra lệnh:

- Chúng ta hát bài ca Đảng lấy khí thế để bế mạc buổi báo cáo. Nào, Đảng lao động Việt Nam, một, hai, ba…

Đảng lao động Việt Nam

Đảng của chúng ta

Vì giai cấp cần lao

Đứng lên giải phóng nước nhà

Đảng chúng ta là mặt trời

Hồ Chí Minh là mặt trời

Vạch lối cho muôn lớp người vùng lên

Đảng lao động Việt Nam

Đảng là cứu tinh…

Bài ca Đảng lao động chấm dứt. Kỳ Bá hỏi:

- Các đồng chí nắm vững tình hình tân binh chưa?

- Nắm vững rồi.

- Tiểu đội 1?

- 19 người.

- Tiểu đội 2?

- 27 người.

- Tiểu đội 3?

- 20 người.

Kỳ Bá nói lời cuối cùng:

- Đêm mai, các đồng chí chuyển quân tới miễu Vang làng Từơng An. Tôi sẽ đến cùng trung đội trưởng, trung đội phó và các cấp chỉ huy tiểu đội. Giải tán.

88

Đêm ngày rằm, trăng sáng tỏ. Trời không mưa. Hơi lành lạnh. Sương sớm đã làm ướt lá cành. Tự nhiên, Khoa muốn rủ Đường đi chơi đêm nay. Chơi hết cả đêm cũng được. Khoa nhớ người bạn gái dễ thương. Nó đã dắt tay Liên, bước sóng đôi lên miễu Vang vào những đêm trăng sao đầy bầu trời. Nhìn xuống mặt nước hồ Mơ, trăng sao có vẻ gần gũi. Khoa nhớ nhiều lần Liên đã kể chuyện Hà Nội cho nó nghe, khi hai đứa ngồi trên cầu Chờ, trong quán Nghỉ hay bên hồ Mơ. Liên hay nói với Khoa về hồ Hoàn Kiếm thần thoại, với những con rùa to tướng, về hồ Tây lịch sử mênh mông. Khoa thú nhất Hà Nội ba mươi sáu phố phường, với năm cửa Ô thu hút. Anh Vũ của Khoa cũng đã ở Hà Nội. Ở không lâu nên hãy còn mù tịt những lúc sảng khoái bốc lên chín tầng mây. Liên bắt Khoa kể chuyện Thái Bình. Ôi, Thái Bình có gì, ngoài cây cầu Bo ôm đầy kỷ niệm. Thái Bình chỉ khác các thành phố, các tỉnh lỵ miền Bắc nhờ hai hàng hồi trồng dọc bên đường, dọc theo phố chính nằm ngay trên quốc lộ số 10. Cây hồi lạ lắm. Nó thấp nhỏ như dân thị xã. Trái to bằng nửa trái soan. Mùa xuân, hồi trổ hoa, những cụm hoa trắng mùi thơm hăng hắc. Mùa hạ phong nhụy và kết trái. Trái hồi không ăn được, chẳng dùng làm gì. Mùa thu hồi chín, rụng xuống hè phố ngập đầy, vô tích sự. Mà dân thị xã lại thích cái mùi thơm hăng hắc của nó. Không bao giờ có hàng cây hồi nữa, hồi tiêu thổ kháng chiến, người ta đã chặt phá hàng hồi. Thái Bình cũng là thị xã nhà cửa bị đập tan nát, không nhường cho giặc Pháp. Với Khoa, có lẽ Thái Bình đẹp nhất, vì đội bóng tròn của anh Vũ, anh Côn, anh Luyến, anh Vọng…

Nhất định rủ thằng Đường lên miễu Vang chơi, Khoa nghĩ thế. Và cơm chiều vừa xong, trăng vừa mọc, Khoa đã sang nhà Đường kéo nó đi.

- Từ hôm con Liên về Hà Nội, mày đã thề không lên miễu Vang nữa cơ mà?

- Chạy giặc, tao vẫn lên miễu Vang thì sao?

- Chạy giặc khác với đi chơi. Tao đoán…

- Đoán gì?

- Mày nhớ con Liên!

- Ừ, tao nhớ con Liên.

- Không có con Liên mày mới rủ tao.

- Mày đâu biết kể chuyện Hà Nội mà rủ mày!

- Con Liên nói chuyện Hà nội ở miễu Vang à?

- Ừ.

- Ở hồ Mơ à?

- Ừ.

- Ở quan Nghỉ à?

- Ừ.

- Ở bến Đợi à?

- Không, tao chưa dẫn nó ra bến Đợi. Sao mày biết rõ thế?

- Tao nói bừa, chẳng ngờ lại đúng.

Con đường mà hai đứa đang đi, hai bên là ruộng xanh mầu lúa sắp vào mẩy. Vắng vẻ. Hai đứa phải chạy một quãng mới tới miễu Vang. Sao lạnh lùng thế, miễu Vang! Những đêm rằm, năm năm về trước, đông người đến cầu phụng, lễ bái, xin xâm chặt cả miễu. Nay giặc giã hoành hành, người ta lười biếng đi lễ. Miễu Vang nhỏ thôi, nó xây dựng trên nghìn mẫu đất rộng thênh thang và cây cối um tùm, nên cái vẻ thiêng liêng của nó không ai dám chối bỏ. Ông từ và gia đình trụ trì cái miễu này. Bây giờ, tuy ông từ vẫn còn ngụ tại miễu, song đèn nhang không có, tối om. Khoa và Đường thấy rờn rợn. Hai đứa chẳng dám vào miễu Vang.

- Này Đường, mình xuống hồ Mơ thôi.

- Sợ cái gì?

- Tao sợ rắn rết trong bụi cây ra vồ chúng mình.

- Mày cứ nói sợ ma đi!

- Sợ ma mà dám hát ở bãi tha ma?

- Ma tha ma không đáng sợ bằng ma miễu Vang.

- Tao sợ sự hoang vắng.

- Thế tao mới nghe lọt lỗ tai.

- Mình nhặt ít ngói vỡ.

- Ừa.

Hai đứa đang đứng sát bên hồ Mơ. Nơi đây ngập ánh trăng sao. Cảnh tượng đượm mùi thơ mộng, khác hẳn sự rét mướt luồn qua lá cây ở miễu Vang làm người ta run sợ. Khoa muốn múc một ít ánh trăng đem lên chơi. Trăng sao in mặt nước hồ Mơ, lãng mạn không cùng. Khoa ném viên ngói vỡ giữa hồ. Nước khua động. Trăng lung linh. Giá lúc này có con Liên, Khoa dám nhẩy xuống hồ vớt trăng sao tặng con bé.

- Khoa ơi!

- Gì?

- Tao cho mày mấy miếng trăng sao nhẩy nhót trên mặt hồ, nhá!

- Mày đừng nói phét.

- Tao nói thật đấy.

- Thật sao?

- Mày vất một viên gạch vỡ xuống hồ, chỉ chừng ngụm nước xôn xao. Tao ném một viên, cả dòng nước cựa mình.

Đường ném thia lia. Viên ngói nhẩy dài trên mặt hồ, cứ mỗi bước nhẩy của ngói là ánh trăng rướn mình, tung lên thật dài. Khoa phục Đường quá. Nó mà biết ném thia lia trước đây, đã biểu diễn cho con Liên mê tít thò lò.

- Đường ơi!

- Cái gì?

- Dạy tao ném thia lia đi.

- Ừa.

Hai đứa nhặt cả đống ngói vụn, và say sưa ném thia lia, quên hết mọi chuyện. Bất ngờ, tiếng hát của đoàn người vang lên ở miễu Vang.

Qua miền Tây Bắc

ta hát mừng hò reo

Suối sâu

đèo cao

Bao khó khăn vượt qua

Bộ đội ta

Vâng mệnh Cha già

Về đây giải phóng quê nhà

Chiến thắng

miền Tây Bắc

Liên hoan

một đêm vui

Dưới ách loài giặc tàn ác

Quân với dân một lòng

Không phân biệt xuôi ngược

Cùng đồng tâm tiêu hết quân thù

- Ai hát đấy, Đường?

- Bộ đội tò te!

- Sao lại tò te?

- Bộ đội mới tuyển ấy mà. Bộ đội mới… mới mà lỵ!

- Sao lại mới mới?

- Mày… lạc hậu rồi.

- Ừ, tao lạc hậu rồi!

- Mày có biết tại sao mày lạc hậu không?

- Không.

- Từ hồi Pháp nó về làng ta, hết chạy giặc, mày lại nằm nhà, chả hiểu tình hình nó là củ cải gì cả. Khác với tao, tao bò khắp chỗ lê la, nên tao tiến bộ cao. Đấy, bộ đội mới về làng, đuổi bộ đội cũ lạc hậu đi, mày cũng không biết.

- Ừ, tao tiến bộ thấp!

- Bộ đội mới mới là bộ đội mới vào… bộ đội, thay thế bộ đội cũ, chết hết rồi. Bộ đội mới tuyển mộ bộ đội mới mới trong giai cấp nông dân. Anh họ tao mới vào bộ đội mới mới. Chắc bộ đội mới mới đang tập bò, tập đi, tập bắn bằng súng gỗ! Mót khai mót. Mốt hai mốt… Không thèm ném thia lia nữa, đi lên xem bộ đội mới mới hát lấy khí thế… mót khoai.

Hai đứa lại lên miễu Vang, đứng xa, nhòm toán người đang ngồi bệt trên đất. Chỗ này không có cây nên ánh sáng trăng chiếu rõ mồn một. Pháp ở đồn Ô Mễ ít hành quân ban đêm. Tường An đã vào tề và cách Ô Mễ hơn năm cây số, hát to thả cửa, Pháp đâu nghe được mà sợ. Pháp hay bắn loạn cả lên khi đi càn quét. Chúng nó chẳng chịu bí mật hốt nguyên ổ Việt Minh về. Nếu Pháp có hành quân làng Tường An, tới đầu làng Thọ Bi, đã tắc bọp, tắc bọp, bộ đội mới và tân binh đã chạy trốn mất đằng nào. Chính ủy đã nghiên cứu chán chê mới cho bộ đội tò te tập bắn súng giả ở miễu Vang.

- Các đồng chí hát bài nữa lấy khí thế, chờ đồng chí chính ủy trung đội tới.

Khoa vỗ vai Đường:

- Đêm nay tao gặp chính ủy Kỳ Bá rồi.

Đường gật đầu:

- Chắc phải gặp.

Bộ đội tân binh đã cất giọng ca.

… Nhớ một chiều

giặc lên Tây Bắc

Nó bòn từng giành khoai bơ thóc

Nó bắt vợ

chặt chân con

Anh căm hờn bền gan du kích

Dao anh

sạch lời thề

Bom anh

hẹn ngày về

Đèo Cao Pha một đêm bừng đuốc

cùng anh giải phóng

cùng chém đầu Tây

Thắng giặc rồi

mài thêm dao quắm

Nó còn về đây nghe súng

Tiếng Nghĩa Lộ

mồ chôn Tây

Chôn luôn hồn giặc mơ xứ Thái…

- Bao giờ chính ủy Kỳ Bá mới tới?

- Tao không biết.

- Mày có tin Kỳ Bá tới không?

- Tao tin. Chỉ sợ chính ủy Kỳ Bá thay đổi đột xuất!

- Là cái gì?

- Muốn hết lạc hậu, bất thình lình mày phải nói là đột xuất.

- Kỳ Bá thay đồi đột xuất cái gì?

- Ấy, chính ủy đến kia kìa…

Khoa nhìn theo tay Đường chỉ. Chính ủy Kỳ Bá đến thật. Ký Bá mặc quần áo nâu, đầu đội mũ ny lông bọc kín, không rõ mầu đen hay tím, chân đi giép Bình-Trị-Thiên. Trên vai, Kỳ Bá đeo chiếc xặc cột. Rõ là chính ủy. Bộ đội mới mới đứng hết cả lên. Kỳ Bá đã xuất hiện trước mắt mọi người. Trung đội phó trung đội 23 hô dõng dạc:

- Nghiêm!

Chỉnh đốn hàng ngũ xong, trung đội phó quay người về phía Kỳ Bá:

- Báo cáo đồng chí chính ủy trung đội, tân binh gồm 66 người, có mặt đủ. Chờ lệnh chính ủy.

Chính ủy Kỳ Bá buông gọn hai tiếng:

- Được rồi.

Trung đội phó:

- Rõ.

Ký Bá ban huấn lệnh:

- Các đồng chí thân thương,

Nhờ ơn Bác, Đảng và Nhà nước, tôi mới có dịp gặp gỡ các đồng chí. Các đồng chí gia nhập bộ đội trong hoàn cảnh hôm nay, phải đấu tranh với cá nhân thật gay go để phục vụ giai cấp công nông và tổ quốc kính mến…

Khoa không nghe Kỳ Bá nói. Nó mở căng mắt nhìn Kỳ Bá. Ánh trăng soi mỗi lúc một rõ. Nó vừa nghi ngờ một điều gì. Kéo áo Đường, Khoa hỏi:

- Trong huyện Vũ Tiên có mấy làng Tường An hở, mày?

Đường ngạc nhiên:

- Mày hỏi, bố tao cũng không trả lời được.

Khoa nóng ruột:

- Trong huyện Vũ Tiên có mấy làng Tường An?

Đường đành chiều bạn:

- Theo ý tao, có một Tường An thôi.

- Trong tỉnh có mấy làng Tường An?

- Một.

- Trong huyện Vũ Tiên có mấy làng Kỳ Bá?

- Một. Mà sao tên làng Kỳ Bá lại trùng với chính ủy Kỳ Bá?

Khoa im lặng. Chính ủy đã đi sang đoạn:

- … Các đồng chí phải ý thức rằng, kẻ thù chính của giai cấp công nhân, giai cấp nông dân là bọn địa chủ gian ác…

Khoa thì thầm:

- Đúng anh ấy rồi. Mình khó quên mặt anh ấy, dù đã năm năm. Làng Kỳ Bá sát thị xã Thái Bình, cống Kỳ Bá mình đã tới bơi lội. Kỳ Bá, kỷ niệm êm đềm của anh Vũ, anh Côn, anh Luyến… Anh ấy chết rồi, mà chết đói tháng ba năm Ất Dậu. Sao anh ấy còn sống?

Khoa vẫn không rời mắt nhìn Kỳ Bá. Nó chỉ nhìn Kỳ Bá. Hình như Kỳ Bá thôi miên Khoa. Tiếng vỗ tay đáp lễ Kỳ Bá. Khoa không thèm biết.

- Này Đường, anh Kỳ Bá có về một mình không?

- Đến một mình thì về một mình

- Lát nữa anh về, mình theo anh ấy.

- Làm cái gì?

Khoa không trả lời. Bộ đội tân binh lại hát một bài lấy khí thế trước khi bế mạc.

Ánh bình minh trong sáng

Bừng bao tia nắng

Cha về đất nước tươi vui

Dắt đàn con yêu dấu

Vùng lên tranh đấu

Bóng Cha trùm lớp dân nghèo…

Chính ủy trung đội chúc mọi người ở lại học tập tốt và huấn luyện tốt và lãnh đạo tốt. Rồi chính ủy về Tường An. Khoa và Đường theo sau thật xa. Kỳ Bá đi nhanh lắm. Khoa và Đường phải chạy chầm chậm. Đền gần quán Nghỉ, tại đầu làng, Khoa mới thu hết can đảm gọi thật lớn:

- Anh Vọng, anh Vọng…

Kỳ Bá dừng bước, ngoái cổ lại.

- Anh Vọng cống Kỳ Bá ơi!

Chờ Khoa và Đường đến, Kỳ Bá hỏi:

- Em nào biết tên anh đấy?

Khoa sướng quá run lên:

- Em… Khoa đây… Em anh Vũ đây… Anh a văng xăng Hội Kỳ Bá đá bóng tuyệt cú mèo…

Kỳ Bá nắm tay Khoa:

- Anh nhớ rồi. Em lớn quá, anh nhận không ra kịp. Em là con ông Hùng, em anh Vũ. Em ở đâu?

Khoa đáp hổn hển:

- Ồ Tường An, làng này.

Kỳ Bá cười, rất tươi:

- Trời ơi, anh không hề biết.

Kỳ Bá hất đầu:

- Em này là ai hở, Khoa?

Khoa nói:

- Bạn em, Đường.

Kỳ Bá nói:

- Này nhé, bây giờ khuya rồi và lạnh quá. Rất tiếc không được nói chuyện với Khoa lâu. Anh hẹn hai em chiều mai, ở nhà cô Thi. Biết nhà cô Thi không?

Đường nhanh nhẩu:

- Em biết. Vào nhà chị Thi phải leo qua cầu khỉ bắc qua con ngòi.

Kỳ Bá tủm tỉm:

- Đúng rồi. Chiều mai, anh đợi hai em. Chia tay nhé!

Kỳ Bá rảo bước. Khoa mừng như cờ mở hội, trông theo. Đến khi Ký Bá khuất sau bụi tre, Khoa mới kéo Đường trở về. Vừa đi, nó vừa tưởng tượng những cú ngả bàn đèn của thằng Vọng…

89

Khoa tới nhà, trời đã khuya. Gà gáy canh hai rồi. Cha mẹ ngủ say, Khoa không dám đánh thức mà báo tin vui. Tin vui thật. Vì Vọng còn sống, đi bộ đội vẫn sống. Thì Vũ còn sống và vẫn sống. Từ ngày Pháp về Tường An, gia đình bặt tin Vũ. Chỉ một mình Vũ là thần tượng bóng tròn của Khoa. Trường Monguillot còn có Luyến mít sơ lanh, Côn đánh tết hết bắt, và sau này, Vọng ngả bàn đèn. Thần tượng cả đấy. Khoa yêu nhất Vũ trên đời nên thần tượng anh nó cứ hay nhất trên đời.

Những thần tượng đã xa Khoa cả. Vì chiến tranh. Chiến tranh tạo chia ly. Chiến tranh cũng còn làm ra đoàn tụ trong khoảng khắc. Như Khoa gặp gỡ Vọng. Ngày mai hay ngày mốt, Vọng lại lên đường. Chắc chắn thế. Bởi chẳng cái gì vĩnh cửu ở thời chiến. Chẳng cái gì hứa hẹn ở thời chiến. Có lẽ, cái vĩnh cửu là kỷ niệm, cái hứa hẹn là tương lai. Khoa nghĩ đến kỷ niệm, nghĩ miên man về kỷ niệm. Ai dâng hiến ta kỷ niệm, người ấy vĩnh cửu. Vọng là kỷ niệm của Vũ. đã vào đội bóng của Vũ, đã đẩy Vũ lên cao vút, đã đưa An Tập xuống bùn đen. Kia kìa, An Tập đang dẫn bóng lên cao…

Thằng Sơn dập dờn trái bóng trước mặt Vũ. Nó lừa, khẩy nhẹ qua hai chân Vũ, rồi một mình nó tiến sâu xuống vùng đất cấm. Thằng Sơn chuyền cho thằng Minh. Thằng Minh chuyền cho thằng Cử. Dũng sĩ giữ thành cho Monguillot bị bọn cổ võ An Tập làm cho xuống tinh thần đoán đường bóng sai. Thủ môn Luyến, nhựa mít sơ lanh của hội nhà, không nao núng. Thằng Cử nhằm khe hở của Monguillot, sút một trái như búa bổ. Luyến mít sơ lanh nhẩy lên, từ góc phải qua góc trái, bắt gọn trong tay và ngồi xuống sân cỏ lăn ba vòng.

- Hoan hô Luyến mít sơ lanh!

- Hoan hô nhựa và săm ô tô!

- Đến tết, An Tập mới phá màng trinh của Monguillot!

Bọn cổ võ hội nhà hò hét long cả phổi. Luyến nhằm chỗ Vịnh đá bổng bóng lên. Vịnh được bóng, chuyền cho Côn. Vịnh đá nhẹ, chưa tới chỗ Côn, khiến thằng Phát được tặng trái bóng ăn không một cách dễ dàng. Nó dẫn bóng xuống. Hải ra chèn. Thằng Phát chuyền bóng cho thằng Sơn. Thằng Sơn trả lại thằng Phát, thọc mạnh xuống góc phải. Thằng Phát dẫn sâu thêm, đưa bóng vào giữa cho thằng Cử. Con nhà này lại sút sệt, trái bóng nặng chín tấn. Luyến phải bông nhông chộp bóng.

- Hoan hô Luyến mít sơ lanh!

- An Tập hết làm ăn rồi!

- Còn tí thớ nào, Luyến mít sơ lanh cho mất tí thớ ấy!

Hội nhà vỗ tay xưng vù. Vẫn vỗ. Đội An Tập tưởng bở, lên cao cả lũ. Luyến lợi dụng sự khinh địch của đối phương, đá bổng bóng lên.. Vịnh chạy nhanh theo bóng. Hậu vệ An Tập đuổi theo. Vịnh dẫn bóng một mình, vào đất địch trống. Có mỗi thằng Mai nhựa đường muốn chạy ra, lại muốn đứng yên xoay sở. Bọn cổ võ hội nhà ngỡ chắc ăn rồi, mỡ để miệng mèo, khung thành An Tập tự nhiên to bằng cửa biển Trà Lý, chỉ đợi Vịnh tống bóng vào. Thằng Quýnh, thằng Tâm đuổi Vịnh cách xa hai bước. Đến chỗ sút pê nan ti, Vịnh sửa bóng và sút. Mai nhựa đường bông nhông bắt. Khốn nỗi, nhựa đường dính sân cỏ, và trái bóng vô duyên chạy nhởn nhơ ngoài cột gôn! Bọn cổ võ An Tập nói xỏ xiên bọn cổ võ Monguillot.

- Thằng Vịnh cừ thật!

- Nó cố tình đá ra ngoài đấy mà!

- Cứ sút thế, sẽ thành vô địch Monguillot!

Bọn cổ võ Monguillot tức điên lên, nhè Vịnh mà dũa.

- Đuổi thằng Vịnh ra!

- Tống cổ nó ra rìa ngay!

- Sút bóng như củ cải ấy!

- Như củ thìu biu!

Vịnh không bị đuổi ra ngoài. Nó tiếp tục biểu diễn nghệ thuật nhồi bóng. Chỉ bất tài thôi. Vịnh thầm thì trên sân cỏ: Có tài ngả bàn đèn như thằng Vũ, đánh cú tết hết bắt như thằng Côn, mà bóng không tới chân, cũng đành chịu. Đá bóng có số cả đấy!

Lần này, nó cướp bóng trong chân hậu vệ Quýnh, không bị thằng này cộp cho ngã. Ấy tại Quýnh ỷ tài, cách khung thành chẳng mấy xa xôi, lại đợi Vịnh chạy hết tốc lực tới toan cướp bóng, bấy giờ còn mầu mè riêu cua, vời vẽ những bước lừa bóng. Bị mất. Thằng Quýnh đuổi theo. Nó bị vấp ngã lăn kềnh trên sân cỏ. Chó ngáp phải ruồi, Vịnh ta sẽ ăn cỗ một mình một chiếu. Vịnh vừa dẫn bóng vừa nghĩ: Tao đem vinh quang cho trường Monguillot. Những thằng đòi đuổi tao ra rìa sẽ xấu hổ. Không gì xấu hổ cho bằng những kẻ khinh ta, chửi bới ta buổi sáng, lại đón rước ta, ca ngợi ta buổi chiều. Vịnh nhìn Mai nhựa đường mỉm cười. Nhớ chụp bóng phải có bóng, chụp bóng mà tay không sờ bóng thì chuế người đó, con ạ! Trái bóng đúng điểm pê nan ti, Vịnh toan sút làm bàn. Hỡi ơi, nó nằm trên cỏ. Nó bị chuột rút bất thình lình. Thằng Mai nhựa đường thong thả ra lượm bóng.

Bọn cổ võ Monguillot tuyệt vọng trong tiếng cười chế riễu của bọn cổ võ An Tập. Người ta khiêng Vịnh ra. Và người ta cho thằng cầu thủ mới vào. Nó là ai? Thằng Vọng ghẻ tầu đấy.

- Hoan hô Vọng!

- Có Vọng vào, An Tập sẽ nát thây!

- Bravo, bravo…

Khoa tù từ mở mắt. Nó ngạc nhiên thấy cha mẹ cùng đứng trong phòng của nó.

- Đêm qua, con về muộn lắm phải không?

Cha Khoa hỏi.

- Con đi chơi đâu?

Mẹ Khoa hỏi.

- Con lên hồ Mơ?

Khoa đáp.

- Hèn chi con chả nằm mộng. Bravo ai đấy?

Cha nó cười. Khoa đã ngồi dậy.

- Anh Vọng! Bố mẹ ơi, anh Vọng còn sống. Anh ấy làm chính ủy trung đội, hiện đang đóng ở làng ta.

Mẹ Khoa tươi nét mặt:

- Thế thì thằng Vũ nhà ta không việc gì đâu.

Cha Khoa mắng yêu:

- Con nằm mơ anh Vọng tự hai giờ khuya, tới sáng bạch bành banh hãy còn mơ. Anh Vọng ra sao?

- Anh ấy đã hết ghẻ tầu!

- Chính ủy giỏi chính trị lắm, hả?

- Anh ấy nói chuyện chính trị thao thao…

- Anh Vọng có muốn gặp con không?

- Anh ấy hẹn chiều nay con đến thăm anh, tâm sự nhiều.

- Ở đâu?

- Nhà chị Thi.

- À, chị Thi bán bánh cuốn. Con gặp anh Vọng, đừng nên nhắc chuyện ghẻ tầu, dĩ vãng nghèo nàn, đau khổ của anh ấy. Bố sợ anh ấy buồn.

- Con chỉ nói chuyện anh Vọng đá bóng ba chê, khiến anh Vũ phải bốc về trường

- Ừ. Hôm qua, bố mới cất vó ao nhà bắt vài con chép để mốt giỗ ông. Con sẽ mang hai con biếu anh Vọng, bảo anh ấy đến nhà mình chơi.

- Vâng.

Mẹ Khoa dặn dò:

- Con không được làm anh Vọng buồn phiền. Nhớ đấy.

Và thêm:

- Từ nay đi đâu, con phải cho bố mẹ biết. Và về sơm sớm, kẻo em con lo ngại.

Khoa nhỏ nhẹ đáp:

- Vâng ạ!

Cha mẹ ra khỏi phòng. Khoa cười thèn thẹn. Nó không ngờ ngủ đến nằm mơ. Có bao giờ Khoa nằm mơ đâu? Nằm mơ mới gặp Vọng, tưởng Vọng chết rồi, Khoa mừng rỡ vô cùng. Nỗi mừng của Khoa đã tạo ra giấc mơ. Khoa đã mơ thấy Vọng lừng lững trên sân cỏ ấu thời. Nó sung sướng quá, vỗ tay bravo, bravo to đến nỗi cha mẹ nó tưởng đi chơi về khuya nó đau ốm mất rồi…

90

Nếu con ngòi là biển bao vây chung quanh, nhà Thi sẽ là một hòn đảo tuyệt vời. Tuyệt vời vì Vọng, thần tượng ngả bàn đèn bóng tròn của tuổi ngọc Thái Bình, đang ngự trong đó. Vào nhà Thi phải qua chiếc cầu khỉ bắc ngang con ngòi. Khoa mang hai chú cá chép máng toòng teng bằng sợi lạt tre, bước trên hai khúc cây bập bềnh của cầu khỉ. Một tay cầm cá, một tay vịn tay cầu, Khoa thong thả bước từng bước. Đường đã sang bên kia đợi Khoa. Cầu khỉ chắc khỉ đi nhanh nhẹn lắm. Khoa không phải khỉ nên đi thận trọng. Rồi cũng tới nơi.

Xế trưa, Đường đã vội vàng đến nhà Khoa hỏi chuyện chính ủy Kỳ Bá. Nó nóng ruột muốn biết ngay tại sao Khoa lại quen biết Kỳ Bá. Đường đã khôi hài chính ủy mà Khoa thì thân với chính ủy nên rắc tối to. Đường có ý tránh gặp Kỳ Bá. Nhưng những hôm chưa thấy Kỳ Bá, Khoa chẳng chê Kỳ Bá là gì! Khoa không nỡ hại Đường đâu. Nghĩ vậy, nhưng Đường vẫn ham biết Kỳ Bá, trước khi gặp Kỳ Bá.

- Khoa ơi, mày thân với anh chính ủy bao giờ?

- Tao không thân với anh ấy, anh Vũ tao mới chơi thân với anh ấy. Mà anh Vũ cũng không chơi thân với chính ủy Kỳ Bá, chỉ chơi thân với anh Vọng thôi.

- Mày quen anh Kỳ Bá vậy.

- Tao không quen Kỳ Bá. Tao mê anh Vọng.

- Thế Kỳ Bá là cái gì?

- Kỳ Bá là tên làng của anh Vọng.

- À, ra thế đấy.

- Hiểu rồi chứ?

- Tại sao mày mê anh Vọng?

- Vì anh Vọng ghẻ tầu và đá bóng hay nhất nước.

- Tao hỏi một câu nữa, mày nói thật, nhé!

- Tao có nói dối mày bao giờ đâu?

- Mày có mê chính ủy không?

- Không.

- Chính ủy Vọng thì sao?

- Tao mê anh Vọng, không thèm mê chính ủy.

- Hề hề, chính ủy là cái bề hê gì! Tao vững dạ rồi.

Lũy tre già đánh đai nhà Thi nên kín đáo lắm. Cha mẹ chị làm ruộng, còn chị bán bánh cuốn ở đầu làng, những hôm nghỉ việc đồng áng. Chị của Thi lấy chồng bên Đồng Đức. Hai đứa em, một trai, một gái, còn nhỏ, ở nhà săn sóc những công việc lặt vặt.

Bộ đội đã rời Tường An lâu rồi. Bộ đội thường đến năm bữa nửa tháng và chia tay dân làng vội vã, để sang Nam Định hay Hải Phòng giết giặc. Thái Bình còn yên ổn, bộ đội dùng làm chỗ dưỡng quân.

Nay bộ đội lại về Tường An, khi giặc Pháp gần kề. Và bộ đội mới chê bộ đội cũ lạc hậu! Khoa sẽ không đụng chạm tới Kỳ Bá. Mà chỉ thăm Vọng và nói chuyện về Vọng, làm theo ý muốn của cha mẹ Khoa.

Đi một khúc đường mòn ngắn, Khoa và Đường tới căn nhà ba gian hai chái, tường đất, mái rạ của cha mẹ Thi. Chọn một gia đình để cùng ăn, cùng ở, cùng làm, chính ủy Ký Bá, chắc chắn, đã nghiên cứu kỹ lưỡng. Gia đình Thi thuộc thành phần bần nông trong giai cấp công nông. Không thể để chính ủy ở nhà bần cố nông được. Vì bần cố nông cơm đâu mà cùng ăn, nhà đâu mà cùng ở, việc đâu mà cùng làm. Cũng không để chính ủy sống với phú nông hay địa chủ gian ác. Thành phần bần nông lý tưởng nhất cho chính ủy và bộ đội. Cho cả cán bộ nữa.

Kỳ Bá đã nhận ra hai đứa bé đêm qua. Anh bước ra ngoài sân, vui vẻ:

- Em Khoa và em Đường đúng hẹn quá nhỉ?

Đường nhanh miệng:

- Chúng em không làm gì, rảnh rỗi lắm.

Khoa nói:

- Em đã thưa chuyện gặp anh với bố mẹ em. Bố mẹ em vui lắm, hỏi em anh Vọng ra sao. Em đáp anh Vọng khỏe. Thưa anh, bố em bảo em biếu anh hai con cá chép, cất vó ao nhà. Anh nhận cho bố mẹ em vui lòng.

Kỳ Bá tươi tỉnh:

- Cám ơn bố mẹ em. Em giữ giùm anh!

Khoa tưởng Kỳ Bá nói thật, thản nhiên xách hai con cá trong tay. Kỳ Bá dẫn Khoa và Đường vào nhà, mời hai thằng bé ngồi trên ngưỡng cửa. Hôm nay, Kỳ Bá vẫn mặc quần áo nâu, đi đôi dép Bình-Trị-Thiên. Tuy ở trong nhà, Kỳ Bá cứ thích đội mũ và đeo xặc cột. Chắc lúc nào và ở đâu, Kỳ Bá cũng chuẩn bị mang hết vật phòng thân chạy giặc. Khoa nhìn kỹ hơn đêm qua. Cái mũ của Ký Bá được bọc bằng ny lông mầu đen. Cả chiếc xặc cột vải cũng thế.

- Nhà không có bàn ghế, hai em ngồi tạm trên ngưỡng cửa. Anh ngồi chung với hai em.

Kỳ Bá cười xòa:

- Không có nước trà mời hai em đâu, nhé!

Khoa thành thật:

- Em đi tập kịch, ngồi trên ngưỡng cửa và nằm trên nền nhà đất không chiếu có sao đâu, anh.

Đường tiếp Khoa:

- Nhóc con như chúng em uống nước trà không thú vị, anh ạ!

Kỳ Bá hỏi Đường:

- Bố em làm gì?

Đường đáp:

- Nông dân.

- Khá chứ?

- Đủ ăn anh ạ!

- Có đóng góp đều đều cho cách mạng không?

- Có.

- Thí dụ?

- Thóc nuôi quân năm nào nhà em cũng đóng trước nhất. Bố em đi dân công hai lần rồi.

- Tốt, tốt.

Kỳ Bá vỗ vai Đường thân mật:

- Em Đường ra sân chơi. Anh muốn nói riêng với Khoa chuyện gia đình.

Đường đứng dậy, bước ra khỏi nhà. Kỳ Bá ngồi sát Khoa, vuốt tóc nó:

- Nào, nói về anh Vũ, anh Côn, anh Luyến, anh Vọng đi, Khoa!

Khoa đặt hai con cá xuống nền nhà:

- Em nói về anh Vọng trước cơ?

- Không thích Kỳ Bá à?

- Không.

- Tại sao?

- Vì anh Vọng mới là thần tượng của em, của học trò trường Monguillot, của bọn nhóc thị xã Thái Bình. Anh, a văng xăng cừ khôi của đội Kỳ Bá, chiếm giải Cam tích tán với những cú ngả bàn đèn tuyệt cú mèo. Anh, cầu thủ chiến của đội bóng lớp nhì 1 của anh Vũ, cho An Tập ba cái hột gà về luộc chấm củ cải. Anh đã bắt tay em, và những nhãi ranh Monguillot hò hét, vỗ tay xưng cả cổ, chẩy cả máu tay. Đời người chỉ có một lần như thế. Anh đã cho em một lần ấy, anh Vọng! Đi vào kỷ niệm đẹp rực rỡ ấu thời của em là Vọng tuyệt vời, là anh Vọng đang ngồi cạnh em, không bao giờ là Kỳ Bá.

Kỳ Bá chớp mắt:

- Là Vọng ghẻ tầu, là Vọng đói khổ!

Khoa muốn khóc:

- Vọng ghẻ tầu và đói khổ, hay bất cứ cái gì dính vào Vọng, đã thành kỷ niệm rồi, anh ạ!

Kỳ Bá đưa tay lên mặt, che giấu một cảm xúc thật người:

- Còn Kỳ Bá?

Khoa không ngờ nó nói hay đến thế. Cách mạng tháng Tám và các anh bộ đội tiểu tư sản đã dạy Khoa. Nó thấm vào hồn thằng nhóc con lúc nào không biết. Nó chờ dịp mà tuôn ra.

- Kỳ Bá là cách mạng. Cách mạng không cho em nhiều kỷ niệm. Kỷ niệm trên sân cỏ, giữa đội nhà đấu với đội khác, Kỳ Bá không cho em được, anh Vọng ơi!

- Em nói về thằng Vọng nữa đi…

- Cú bóng trồng cây chuối, cách mạng có dạy anh đá không? Cú bóng ngả bàn đèn, cách mạng có dạy anh đá không? Cú bóng xuyên chỉ qua kim, cách mạng có dạy anh đá không? Không, cách mạng không làm được việc ấy! Trời phú cho anh tài đá bóng, tự nhiên anh biết anh đá bóng cừ; tự nhiên anh hiểu anh đá bóng ba chê. Chẳng một ai huấn luyện nổi thiên tài, chẳng trường nào huấn luyện nổi thần tượng.

Khoa ngừng lại giây lát. Rồi không cần Kỳ Bá giục, nó tiếp tục:

- Anh có biết ai thương anh nhất trên đời này không?

- Ai?

- Anh Vũ em. Ai thương anh nhất trên đời này nữa?

- Ai?

- Anh Côn. Ai thương anh thứ nhất trên đời này nữa?

- Ai?

- Anh Luyến.

Im lặng. Khoa nhìn thẳng Kỳ Bá:

- Trên đời được ba người đá bóng tuyệt cú mèo thương yêu đã thừa rồi. Cần gì người thứ tư, thứ năm, thứ sáu… Nhớ hồi chết đói năm Ất Dậu, ba người thương anh nhất đã nhiều lần mang cơm bánh vào Kỳ Bá nuôi mẹ con anh. Lần nào cũng bị người đói vồ cướp. Đến hôm họ nghĩ kế mang thức ăn vào được tận nhà anh, thì mẹ anh đã chết rồi. Và anh mất tích. Ai nấy bảo anh chết đói rồi. Anh Vũ khóc hu hu, quát tháo Nó không chết, thằng Vọng không chết. Anh Côn, anh Luyến, anh Lộc, anh Long khóc theo nức nở. Một tháng sau, anh Luyến trách các bạn: Giá chúng mình rủ thằng Vọng về nhà chúng mình ở, chắc nó không thể bị chết đói. Anh Côn, anh Vũ ân hận dễ quá mà không nghĩ ra. Anh Vọng ạ, em nói để anh hiểu lòng những người đã thương anh.

Nước mắt đùn lên ngập khuôn mặt đôn hậu của Khoa. Kỳ Bá ôm chầm lấy Khoa, sụt sịt khóc. Kỳ Bá kể lể:

- Anh mất tích vì thầy Hoan, Nguyễn Công Hoan, cứu anh, sau khi mẹ anh chết thê thảm. Thầy Hoan đưa anh đi xa. Và anh trở thành người cách mạng. Anh lấy tên là Kỳ Bá làm bí danh, cũng coi như tên thật luôn. Anh quên thằng Vọng, quên dĩ vãng u tối của nó, để sống cuộc đời mới, hết đau khổ, em ạ! Kỳ Bá, tên một nơi cha anh đã sinh ra, rồi chết vì bệnh ho lao. Kỳ Bá, tên một nơi mẹ anh đã sinh ra, rồi chết đói. Kỳ Bá, tên một nơi anh đã sinh ra, chịu đựng oan khiên và thống khổ. Anh muốn quên Vọng ghẻ tầu, anh muốn nhớ mãi Kỳ Bá cách mạng.

Khoa khẽ lắc đầu:

- Anh có quyền là Kỳ Bá. Em có quyền coi anh là Vọng. Em mong muốn người cách mạng yêu bóng tròn, người bóng tròn yêu cách mạng. Thế thôi.

Kỳ Bá đưa ống tay áo thấm nước mắt:

- Chẳng biết đởi sống có giản dị, cho mình yêu cả hai thứ không?

Để chấm dứt câu chuyện làm mình suy nghĩ miên man, Kỳ Bá chuyển mục:

- Khoa chưa nói với anh vể Vũ?

- Anh Vũ làm liên lạc viên cho đại đội 4, trung đoàn 44. Bây giờ, anh đã vào bộ đội rồi. Dạo nọ, anh viết thư cho nhà hay anh theo quân chuyển về Tiền Hải dưỡng sức, sau khi đánh giặc tại Hưng Yên.

- Còn Thúy?

- Chị ấy về Trực Nội, bên kia sông Trà Lý.

- Côn?

- Anh Côn đã lên Sơn Tây, học lớp sĩ quan ở trường Trần Quốc Tuấn.

- Luyến?

- Anh Luyến tản cư về Đống Năm. Chả hiểu Luyến mít sơ lanh vào thị xã chưa!

Kỳ Bá thở dài:

- Mới có năm năm, mà thay đổi tất cả. Thời cuộc như ngọn gió heo may trải dài trên ruộng lúa vào mẩy. Thị xã Thái Bình giống hệt nước Việt Nam. Chết đói. Chết no. Nhật đảo chính Pháp. Cách mạng làm cuộc tổng khởi nghĩa. Giết Việt gian. Lụt lội. Tầu tước võ khí Nhật. Tiêu thổ kháng chiến. Tản cư. Pháp sang Thái Bình…

Vẻ buồn tỉnh lỵ cũng là vẻ buồn dân tộc. Em thấy chưa? Một mai, em sẽ oán trách người này, bênh vực người nọ. Rồi em sẽ ân hận, vì oán trách sai, bênh vực sai nốt. Con người này chống đối con người nọ không phải con người thích chống con người. Mà hoàn cảnh nó dìu đi.

Khoa ngạc nhiên đến thích thú. Nó tưởng gặp Kỳ Bá là bị nghe danh từ chính trị khó tiêu. Những là giai cấp vô sản, nắm vững vấn đề, vượt chỉ tiêu, đấu tố địa chủ, nhờ ơn Bác, Đảng, và Nhà nước…

Kỳ Bá không hề nói tới. Anh ta chỉ nói đơn giản mà sâu sắc, cảm động, bên trong muốn chứa một cái gì, tâm sự nào. Kỳ Bá vẫn là Vọng lớn lên. Con người thật của Vọng là tiểu tư sản. Con người thật của Kỳ Bá không phải là vô sản.

- Em Khoa ạ, giờ này anh lại đi công tác. Hôm nào, anh em mình tâm sự thật lâu.

- Vâng ạ!

- Em giỏi quá, anh còn kém em.

Kỳ Bá và Khoa cùng đứng dậy. Ban đầu, Kỳ Bá bảo Khoa em giữ giùm anh hai con cá chép, để lúc chia tay, Kỳ Bá từ chối khéo không nhận. Câu chuyện với Khoa ăn sâu vào tình cảm, Kỳ Bá cầm cá lên, nói thành thật:

- Em về thưa bố mẹ rằng, anh cám ơn nhiều nhé! Nay mai đỡ bận rộn, anh sẽ vào nhà em kính thăm bố mẹ.

Kỳ Bá ra sân gọi Đường. Khoa đảo mắt xuống bếp. Không thấy Thi và cha mẹ. Chắc làm việc đồng sắp về. Hai đứa em Thi đang ăn khoai nướng. Kỳ Bá đưa Khoa và Đường tới khúc đường mòn. Anh vẫy tay và đi vào.

 (Còn Tiếp)
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn