BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73355)
(Xem: 62245)
(Xem: 39432)
(Xem: 31177)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

DUYÊN ANH (1935-1997) NHÌN LẠI BẾN BỜ

24 Tháng Bảy 200012:00 SA(Xem: 2166)
DUYÊN ANH (1935-1997) NHÌN LẠI BẾN BỜ
52Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
52
 I. LỜI MỞ:

Giáo sư đại học Sorbonne - nhà văn, nhà sử gia người Pháp Piere Chaune đã viết về Duyên Anh: "Duyên Anh là nhà thơ lớn, vinh quang của quốc gia" ("un grand poète, une gloire nationale -vantuyen.net). Quốc gia nào? Không ít người biết Duyên Anh là nhà văn của thiếu nhi và "bạn" của những kẻ cù bơ, những giang hồ thời cũ. Tại sao giáo sư một trường nước ngoài gọi Duyên Anh là nhà thơ lớn?

Vũ Mộng Long (Duyên Anh) sinh ngày 16 tháng 8 năm 1935 tại Thái Bình. Ông viết văn rất sớm và với số lượng tác phẩm và chủ đề về tuổi thơ, tuổi học trò, về những bụi đời..., Duyên Anh hầu như không có đối thủ trên lĩnh vực này. Những tác phẩm tiêu biểu trong 50 cuốn: “Hoa thiên lý”, “Thằng Vũ”, “Điệu ru nước mắt”, “Ngày xưa còn bé”, “Vết thù trên lưng ngựa hoang”, “Dzũng Đakao”, “Thằng Côn”, “Mơ thành người Quang Trung”, “Tuổi mười ba”, “Bồn lừa”, “Ngựa chứng trên sân trường”, “Áo tiểu thơ”, “Chương còm”, “Mặt trời nhỏ”, “Gấu rừng”, “Cỏ non”, “Lứa tuổi thích ô mai”…

Những nhân vật Trần Đại, Tường Vi, Dũng ĐaKao, Chương Còm..., những "Tuổi ngọc" (tên tòa soạn) mà Duyên Anh viết với các đặc tính lỳ lợm, rắn mắt, nghịch ngợm, giang hồ... thật quyến rũ, mang giá trị hiện thực. Gạt ra những râu ria mà người có nhiệm vụ mổ xẻ cho là tính "chính trị", thiết nghĩ, khó có ai viết văn mà gọn gàng, văn vẻ, gần gủi cuộc đời với tốc độ nhanh như vậy, nhiều kẻ thù đến vậy. Tiếng tăm văn học của ông vang dội đến nổi nhà nước Việt Nam sau 1975 đã xếp ông vào “một trong mười nhà văn nguy hiểm nhất” của chế độ. Sự thật đúng vậy chăng?

Tặng cho Duyên Anh một giá trị "một trong những nhà văn lớn của đương thời" (Mai Thảo, Trầm Hương, Mộng Giác, Đinh Tiến Luyện, Hồ Trường An, Nguyễn Tấn Hưng. Võ Kỳ Điền, Thâm Tâm Tuyền…) cũng không nói "nịnh bợ, tâng bốc" cho lắm!

Xét một người với tư cách "nhà văn, nhà thơ"..., người nghiên cứu cần điểm qua hết những sáng tác, những công trình. Chúng ta đừng đứng trên quan điểm chính trị cứng ngắt (chính trị cũng cần cái "ướt át" để thay hình đổi dạng cho hợp với từng giai đoạn, từng hoàn cảnh...) mà loại bỏ một tài năng. Những sáng tác, những công trình nếu chỉ phục vụ mục đích chính trị cho một thời điểm, một chế độ, chúng chỉ có giá trị nhất định trong thời điểm với chế độ đó mà thôi! Chung quy lại, những sáng tác, những công trình mang tính quần chúng, đụng chạm đời thường (vướng mắc tư tưởng, những khát vọng tự do, ước mơ hạnh phúc hay đúc kết những kinh nghiệm sống, những thăng trầm trong thương yêu, những cung bạc hận thù với những điệu ru nước mắt bằng trái tim đau thắt với tiếng lòng không biên giới như tiếng sóng vẫn mãi vỗ nơi bờ) là mang giá trị vĩnh cữu!

Bản thân nền văn học Việt Nam đâu tự nhiên mà có? Nó cũng không chỉ từ một người nào mà nên. Do đó, ta càng không thể phủ nhận công trình "mỗi người góp ít chất xám” từ những con người sinh trưởng ba miền với đẵng cấp, trình độ, nghề nghiệp, chế độ khác nhau... tạo nên nền “Văn học Việt Nam” từ cổ chí kim (không phải chỉ là nền văn học một chế độ).

Duyên Anh đã đặt một viên đá vào "cây trụ đồng" văn học Việt Nam ("Đồng trụ chiết, Giáo Chỉ diệt" - Cây trụ đồng ngã, nước Giao Chỉ bị tiêu theo sự nguyền rủa ác khẩu của Mã Viện).

Những tác phẩm của Duyên Anh nơi xứ người từng đô hộ dân ta một trăm năm lại được người xứ ấy đón nhận hết lòng, ngưỡng mộ vô song thì tại sao ở ngay cái nơi "chôn nhau cắt rún", chúng lại bị coi như một "kẻ thù nguy hiểm" tệ hơn cảnh "mẹ ghẻ con chồng"? Tâm trạng bị bỏ rơi quả "rất đau" đối với một người nặng nợ văn chương như Duyên Anh nói riêng và những ai vướng vòng nghiệp chướng văn nghiệp nói chung - nạn nhân của "cuộc cách mạng văn hóa" không cần thiết phải là cuộc văn hóa "copy"!

Chúng ta đã từng học câu dạy của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn trong "Hịch tướng sĩ": "Kiền canh nóng thổi rau nguội" (“Đương dĩ trường canh suy tê vi giới”#trừng ư canh nhi xuy tê hề” - Sợ canh nóng quá đến cả rau nguội cũng thổi) để đề phòng bất trắc cho an ninh quốc gia. Tôi mượn câu này với cái ý "đề phòng" nhưng lại "đề phòng văn học" trong lĩnh vực "đại cách mạng văn hóa, tư tưởng, chính trị" của một chế độ đàn anh Trung Quốc thời kỳ 1966 -1976. Thời kỳ này, với bàn tay sắc của Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình (Trung Quốc từng tự hào không có Mao, Trung Quốc không mạnh, không có Bình, Trung Quốc không no) có sự sơ hở. Chính sự sơ hở trong vụ “cách mạng đỏ” của Trung Quốc dưới thời Mao đã ghi vào lịch sử Trung Quốc những bài học sai lầm trong chính sách sắt thép. Đi theo gót đàn anh, Việt Nam thời sau 1975 sao chép y chang những bài học lịch sử này cũng không có gì lạ cho tâm trạng "thổi cả rau nguội vì sợ canh nóng"! Bởi vì, văn học là vũ khí chiến lược rất có hiệu quả cho bất cứ một chiến lược tuyên truyền, vận động. Tư tưởng “sợ văn như sợ cọp” là bởi thế.

Dòng "nước mắt chảy xuôi" đã bắt đầu chảy ngược. Dòng văn thơ bên lề cuộc đời đã xuất hiện từ xưa "điểu tận cung tàn" với Nguyễn Trãi, Ngô Thì Nhậm... được bổ sung thêm bởi những tiếng lòng "đất trời bao la mà ta không chốn nương thân" - chốn nương thân của văn học bất đắc chí dành Cao Bá Quát, Nguyễn Khuyến, Tú Xương, Nguyễn Công Trứ... Văn thơ bên lề đón nhận họ thì nay có dang tay đón thêm một người nữa không phải là danh nhân như Nguyễn Trãi, không đến nổi bần cùng như Tú Xương, không quá ngạo nghễ như Cao Bá Quát, không an phận như Nguyễn Khuyến mà chỉ là loại "rau nguội" để khi đói lòng người ta ăn đó là Duyên Anh?

Nhiều người viết thạo chỉ một lĩnh vực hoặc văn, hoặc thơ, có người tài hoa trên mọi lĩnh vực. Riêng Duyên Anh chỉ khiêm tốn chọn một khoảng giữa văn và thơ. Văn là sở trường còn thơ là là "bất đắc dĩ" khi "gặp thời thế, thế thời phải thế." Duyên Anh trong một thời gian không dài ở hải ngoại đã nhanh chóng chuyển mình từ “cái tôi” cuộc đời sang “cái ta” của thời cuộc để trở thành một nhà thơ lớn. Nhà thơ, nhà văn lớn hay nhỏ không thành vấn đề. Vấn đề chính ở chỗ họ có đóng góp gì cho nền văn học Việt Nam?

Tôi chỉ là người thích "nói chuyện bên lề" của những trái tim thơ. Những trái tim thơ rỉ máu vì đau thương hay cô đơn hoặc là đá tảng, là băng giá, loạn nhịp đời... cũng làm tôi rung động. Một thoáng rung động này xin gởi đến tập thơ Duyên Anh “Em, Tôi, SàiGòn và Paris”, tôi xin coi như một nén hương tưởng niệm ba năm mất của Người.

MỘT PHẦN ĐỜI DUYÊN ANH VÀ THỜI ĐẠI

1. Duyên Anh: Nỗi buồn "tàn phế":

Duyên Anh sinh ra giữa lúc cao trào "Xô Viết Nghệ Tĩnh" (1931-1935), phong trào "Phản phong, phản đế" (1935 - 1939) đi đến giai đoạn cuối. Các nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ đã có những tác phẩm để đời ra đời. Vũ Trọng Phụng tính từ mốc 1935 trở đi đã có: "Cơm thầy cơm cô", "Giông tố", "Vỡ đê", "Số đỏ". Nam Cao đã có: "Chí Phèo". Nguyễn Công Hoan có truyện ngắn "Kép tư Bền” (1935). Văn Cao có: "Buồn tàn thu", "Cung đàn xưa" (1939). Lưu Trọng Lư có "Tiếng thu" (1939). Nguyễn Bính giải khuyến khích thơ của Tự Lực Văn Đoàn với tập "Tâm Hồn Tôi". Nhóm Tự Lực Văn Đoàn trong đó có Nhất Linh ra đời tờ "Ngày Nay", "Kỷ nguyên mới" với Thạch Lam (1935). Khái Hưng có "Trống Mái", "Gia Đình" (1936). Hoàng Đạo có "Trước Vành Móng Ngựa", "Mười điều tâm niệm" (1937). Thạch Lam có "Gió Đầu Mùa" (1937)...

Tất cả những tác phẩm viết từ thời đó đã phản ảnh trung thực không nhiều thì ít những vấn đề thuộc địa, vấn đề đề cần lao, phản phong, phản đế. Đồng thời, chúng ít nhiều đứng về những người dân quê, những tầng lớp trong xã hội trong những năm tháng "Súng đạn nổ nhiều hơn hoa nở. Kiếp sống mòn nghẹt thở, kiếm lối ra".

Nỗi đau dân tộc bị chia cắt như một đoàn tàu bị cắt thành nhiều đoạn. Bốn mươi năm sau, hình ảnh đoàn tàu chia cắt từng đoạn đó đã không mờ mà vẫn hiện rõ từng mối thương tâm, ray rứt trong "Sắt thép đau" của Duyên Anh:

Hồn ta thanh sắt đường rầy
Con tàu oan nghiệt tháng ngày nghiến lên.
Cường toan nhỏ giọt đêm đen
Lặng thinh ta đếm ưu phiền rụng rơi!

(1975)

Hãy đặt bài thơ trong bối cảnh lịch sử lúc bấy giờ là năm 1975: Con tàu đã nối kết Bắc - Nam nhưng "cơn bão loạn lạc" đã dạt nhà văn này sang bờ cải tạo. Nếu cuộc “Cải cách ruộng đất năm 1953-1956” với chủ trương “Trí, Phú, Địa, Hào đào tận gốc, trốc tận rễ” như nạn diệt chủng với bao nhiêu oan khiên hận thù ngút ngàn, rồi đến việc loại bỏ cái gọi là "Nhân Văn - Giai Phẩm" hơn bốn mươi văn sĩ như Nguyễn Hữu Đang, Thụy An, Đào Duy Anh, Lê Đạt, Hoàng Cầm, Trần Dần, Văn Cao, Phùng Quán, Trương Tửu, Phan Khôi... là một sai lầm lớn thì cuộc “Cải cách ruộng đất năm 1976” với chủ trương, chính sách “Di dân từ Bắc vào Nam” tạo ra một cuộc di dân bản địa lên “Kinh tế mới” như một cuộc tái chiếm miền Nam lần thứ hai đã làm dân tình đảo lộn, thế sự rối ren. Lại thêm “chính sách tư tưởng văn hóa” cấm văn sĩ sáng tác tự do. Đó có khác nào bẻ tay, chặt chân? Con cua bò bằng tám cái càng, nay bị bẻ càng thì nó bò làm sao? Sống làm sao?

Thế là "thanh sắt đường rầy" được "tôi luyện" để cho những chuyến xe lửa chạy qua, chạy về đưa người về bến bãi nay bỗng bị vứt bên lề trở thành phế liệu! Cái hồn người đang tràn trề khát vọng, sống kiếp tầm nhả tơ dệt cho đời những sắc màu huyền thoại bỗng chốc bị tách ra, xô dạt vào một chỗ không còn gì để bám thì có khác nào cái "thanh sắt đường rầy" kia đón một "chuyến tàu oan nghiệt" không như đợi mong! Hai hình ảnh, hai vế so sánh ngầm với cách ''vật hóa" để nhằm nói lên một nỗi đau không được trọng dụng, thiệt hoài phí. Đàn ông tuổi bốn mươi chỉ mới là bắt đầu những "tinh hoa phát sáng". Bẻ bút từ giai đoạn này, đời coi như tàn phế!

Với Duyên Anh, bẻ bút là tàn phế cộng với nỗi ê chề. Một động từ "nghiến" lột hết sự tàn nhẫn của tháng ngày vô vị đã trở thành kẻ sát nhân trí tuệ nghiến nát tâm hồn con người. Thử tưởng tượng xem: Bác sĩ bị tước bằng hành nghề, nhạc sĩ không được kẽ dòng nhạc, họa sĩ không cầm cọ, giáo viên không cho cầm viên phấn... đồng tàn phế như nhà văn, nhà thơ không cầm bút. Thôi thì... ăn một viên đạn "ân huệ" cho xong!

Với hình ảnh ẩn dụ của đường tàu, sắt thép, Cung Trầm Tưởng đã nhìn thấy sự lỡ làng vì thời cuộc:

Con tàu khởi động đã từ lâu
Nên chuyến ra đi lại trễ tàu.


(Khoảng cách)

Sự “trễ tàu” cũng như “trễ chuyến đò" định mệnh của Huỳnh Liễu Ngạn trong “Thuận An”:

Trễ chuyến đò đưa chung lòng qua bến
Hai nẻo đời - hai nẻo mộng - sơn khê.


Trong khi đó, Tô Thùy Yên cảm nhận một cơn đau âm ĩ:

Tàu đi như một cơn điên đảo
Sắt thép kinh hoàng va chạm nhau.
Ta tưởng chừng nghe thời đại động
Xô đi ầm ĩ một cơn đau.


Sắt, thép, con tàu” và nỗi đau của Duyên Anh sâu sắc, ẩn dụ hơn với sự tàn phế. Cái hay, cái tài của Duyên Anh là chỉ dùng hình tượng, mượn cảnh mà tâm tình. Trong "Sắt thép đau" ngoài cái "đau" của tựa đề, ta không thấy chữ "đau" thả xuống toàn bài thơ mà lại thấm thía "cái đau" của người chỉ còn biết "lặng thinh ta đếm ưu phiền rụng rơi". Tức là ngày đã tàn, đời đã tan!

Trong bài "Phù ảo" chỉ có 6 câu nói về cái thân trong tù mà ta không thấy có một chữ tù; nói ý "buồn tàn thu" như Văn Cao đã dạo thành ca khúc mà lại không thấy chữ buồn, chán nào:

Ngồi đây cứ tưởng ngồi đâu
Không xin ở lại, chẳng cầu ra đi.
Trong ta bít lối chia ly
Ngoài người biết có nẻo về thênh thang.
Thoáng ban mai, vội chiều tàn
Mới hay hồn đã úa vàng kiếp xưa.


(1975).

Một nhà văn có tầm cỡ, một người đàn ông tuổi bốn mươi mà đã "bít lối", nẻo đi đường về "thênh thang", mơ hồ. Người buồn cảnh có vui đâu thì lấy gì mà không thấy bóng chiều, lấy gì mà không nghe cái hồn mới sáng là "ban mai" mà đã "chiều tàn" già cỗi? Buồn quá! Đọc câu thơ này, ta cảm nhận tâm sự man mác của Đặng Dung ngồi mài gươm dưới trăng chờ chặt đầu tên giặc gian ác Trương Phụ thời Minh ngày nào:

Thời lai đồ điếu thành công dị
Vận khứ anh hùng ẩm hận đa.


(Cảm hoài)

(Gặp thời, kẻ thường cũng thành công. Anh hùng lỡ bước ôm hận lòng!) Sao mà chua chát! Sự chát chua đó, trước kia ngàn năm đã có Lý Bạch mượn chén rượu say mèm đến bỏ mặc sự đời trong "Xuân nhật túy khởi ngôn chí":

Xử thế nhược đại mộng
Hồ vi lao kỳ sinh?


(Giấc mộng của đời lớn quá biết làm gì, nhọc lòng mà chi?). Bài thơ khai bút đầu năm của Lý Bạch mãi cho đến mấy thế kỷ trôi qua mới được tác giả Hoa Thiên Lý - Duyên Anh "Khai bút" lại vào ngày mồng một tết Ất Sửu:

Hình như trên mỗi nụ đào
Nỗi ta phảng phất chiêm bao cuối đời.
Rượu xuân mừng chén lênh đênh
Nghìn năm sau vẫn một mình mình thôi.


Ta không thấy Duyên Anh nói một từ "chán" hay một lời trăn trối mà y như ta đang nghe lời thì thào, trăn trối với nỗi "phảng phất chiêm bao cuối đời"! Giấc "chiêm bao" mà "cuối đời" mà cái đời đã "tắt lửa thiêng", mà cái đời chỉ là "thanh sắt đường rầy" mặc xác cho tháng ngày "nghiến" thì chỉ là một giấc chiêm bao tàn lụi, một đốm lửa chập chờn lóe lên rồi vụt tan biến! Người ta hồn nhiên, như ý thường có những giấc chiêm bao đẹp, no nê. Một Nguyễn Bính trong "Cô hàng xóm" trong giấc ngủ chàng đã thấy gì?:

Tôi chiêm bao rất nhẹ nhàng
Có con bướm trắng thường sang bên này.


Một giấc chiêm bao tương tư lãng mạn bởi lẽ chàng ta chưa bị "con tàu oan nghiệt tháng ngày" nghiến qua đời. Duyên Anh sinh sau Nguyễn Bính mười sáu năm lại không có giấc chiêm bao lãng mạn đó. "Nụ đào", nụ hồng là hình ảnh của mầm sống, là tuổi trẻ và ước mơ nhưng Duyên Anh đã không thấy sức sống đó nữa. Anh chớp mắt đã thấy đời tàn lụi ngay trên cái mầm mới vừa lú lên đã... chết héo! "Sáng chưa hạnh phúc đã oan nghiệt chiều" đó cũng là lời ru mà Duyên Anh đã tự "Ru ta, ru người". Trong "SàiGòn ra đường", Duyên Anh đã nhận ra sự thay đổi nhanh chóng của con người:

Mắt chim khuyên đã diều hâu hết
Cuối xuống nhìn lên vẫn ngậm ngùi.


(1981)

Con người tráo trở nghĩa nhân, đánh mất lương tri và hèn nhát. Tác nhân chính vẫn là thế thời mà con người đành phải làm con, kỳ nhông, tắc kè mới qua thời khốn khó. Duyên Anh thở dài trong "Bài ta":

Chiều nay ta thấy ra rời rã
Nhan sắc hồng lâu nguội phấn hương
.

Ta cũng bắt chước Đặng Dung thốt: "Thế sự du du nại lão hà" để chia sẻ nỗi niềm cay đắng, già trước tuổi với chàng trai tác giả "Mơ thành người Quang Trung" nay đã thành "phế nhân". Con người "phế nhân" mà Hàn Mặc Tử đã đau đớn kêu gào so với "phế nhân" Duyên Anh có khác gì nhau? Khác xa về nghĩa thật. Một bị "phế" phần "Hồn", một bị "phế" phần "Xác". Con người phải hài hòa giữa hai phần hồn và xác. Thiếu một trong hai phần đó, con người chỉ còn lại một từ "phế" giống nhau đến buốt lòng. Duyên Anh đã ôm cái buốt lòng ấy mà "hoài cổ":

2. Duyên Anh: Nỗi niềm luyến tiếc quá khứ:

Con người khi lỡ "đu dây cuộc sống" té nhào, không bám rễ vào hiện tại thì chới với, phải "bám víu" vào quá khứ. Quá khứ càng rực rỡ bao nhiêu thì sự luyến tiếc càng lớn bấy nhiêu và làm cái hiện tại rã rời thêm nữa. Luyến tiếc của Duyên Anh là sự luyến tiếc "tài hoa" không được sử dụng và có sử dụng thì cũng không đúng tầm. Từ cổ chí kim người ta vẫn gọi là "bất đắc chí" mà Duyên Anh đã mượn hình ảnh con ngựa để tỏ bày u uẩn trong "Khai bút":

Ngựa về vết chém ngang lưng
Ủ ê chiến tích rưng rưng chiến bào.
Tài hoa mối gặm hư hao
Tủi thân nhan sắc, nghẹn ngào phấn son.


Hai câu đầu đã đủ gợi lại một cảnh chiến trường mà kẻ thua không thấy xác và kẻ thắng cũng tan tác, cũng lằn dọc, lằn ngang. Chiến trường cũng là nguồn cảm hứng là chất liệu cho thi ca. Đỗ Mục đời Tam quốc khi đi ngang qua sông Xích Bích đã không nén được cảm xúc mà "khai bút" trong "Xích Bích hoài cổ":

Chiếc kịch trầm sa thiết vị tiêu
Tư tương ma tẩy nhận tiền triều.


(Lưỡi kích còn vùi dưới cát, có thể thấy dấu vết triều xưa). Bởi con sông Xích Bích là nơi Chu Du mượn gió Đông mà đốt 80 vạn quân Tào Tháo. Thắng bại gì cũng tạo ra vô số oan hồn chết chốc làm người hoài cổ rơi lệ!

Trương Hán Siêu vì cảm kích con sông Bạch Đằng - mồ chôn hai lần giặc Nguyên - Mông thời Trần Hưng Đạo và Ngô Quyền mà đã có bài "Bạch Đằng giang phú" nổi tiếng!

Trở lại "chiến trường" của Duyên Anh trong lục bát "khai bút". Lục bát dành cho ca dao thì trơn tru, dành cho dòng thơ tình yêu thì man mác niềm vui trong cay đắng lẫn nỗi đau trong ngọt ngào, dành cho nỗi niềm tâm sự "công không thành, danh không toại" là tiếng nấc nghẹn ngào, ngỗn ngang bao nỗi! Bốn câu lục bát trên, tự nó vạch nhịp 2/2 rõ ràng đều đều không đổi nhưng tôi vốn không thích lắm cách mổ xẻ vạch, bằng, trắc nhức đầu, chóng mặt, rối rắm, vô bổ nên lui xuống một bước để cho người đầy đủ công lực thơ chuyên nghiệp xông vào.

Dòng nhạc hay, hấp dẫn một phần nhờ phách, nhịp được hình thành do cao độ, trường độ, cường độ, âm sắc nhưng thơ thì tự người viết cảm hứng, bức xúc mà viết ra nên tự nó có nhịp sẵn. Không ai sắp nhịp sẵn nằm dài đó rồi bỏ chữ vào. Thơ phải có luật nhưng luật của thơ chính là dòng cảm xúc chứ không phải ba cái bằng, trắc chết tiệt kia! Với dòng cảm xúc của Duyên Anh, sự mã đáo thành công đã không là niềm kiêu hãnh của kẻ thắng cuộc. Hình ảnh kẻ thắng trận ủ dột quá, ngậm ngùi quá qua phương cách nhân hóa: Chiến tích biết ủ ê, biết ê chề; chiến bào rưng rưng lưng tròng nước mắt. Con ngựa, chiến bào là hiện thân của một con người qua ẩn dụ lần nữa lại trở thành kẻ bại trận không phải kẻ thắng.

Trong "Quá Linh Đinh Dương" của Văn Thiên Tường đời Tống có hai câu như một phương cách sống của kẻ làm người:

Nhân sinh tự cổ thùy vô tử
Lưu thủ đan tâm chiếu hãn thanh.


Ý ngụ rằng ai mà không chết! Vì thế cần lưu lại tấm lòng son cho sử xanh. Con "Ngựa chứng trong sân trường" sau khi lao ra "chiến trường sách vở" thì đã trở về với "Vết thù trên lưng ngựa hoang"! Chiến trường súng đạn gươm đao với chiến trường chữ nghĩa lại khác nhau mà thương đau giống nhau như chữ "phế" trong "phế nhân". Duyên Anh lại không nhắc đến chữ "anh hùng" mà ta lại liên tưởng liền đến con người anh hùng. Anh hùng trên chiến trận và anh hùng trên văn đàn khác nhau mà cũng giống nhau ở chỗ "hãnh diện" vì đã dám "tử chiến giữa sa trường"! Nhưng ngựa Duyên Anh trở thành con ngựa bị thương.

Con ngựa trong Hoàng Trúc Ly với "Nhân dạng" cũng thê thảm:

Mây còn bay cho chim chấp cánh
Ngựa què rồi em cỡi lưng anh.


Thế là chút hãnh diện còn lại cũng bị thương tổn, bị què quặt mất luôn. Vì sao vậy? Bởi vì "chiến tích" ngày nào đã không được coi trọng, áo chiến bào cũng nằm một xó, rưng rưng vì người ta đã không cần đến nó nữa. Sau đó, chịu không thấu cái ngụ ý lấp lửng, Duyên Anh đành phải bộc bạch:

Tài hoa mối gặm hư hao
Tủi thân nhan sắc, nghẹn ngào phấn son.


Câu đầu lại là một hình ảnh ẩn dụ độc đáo: Con mối ăn luồn tài hoa của con người. Con mối gặm giấy vở, gỗ chứ nào gặm được sự "tài hoa". "Tài hoa" đó lại ngầm theo hai nghĩa: Một, tài hoa đã phát tiết trên từng trang sách không ai đọc, bỏ mặc cho con mối (mối thật) gặm. Hai, tài hoa là con người không có đất dụng võ nữa thì thành là miếng mồi ngon cho loài mối (mối người) chết tiệt chuyên phá hoại kia. Khổng Tử từng nói: "Dụng nhân như dụng mộc" nhưng ông cũng cho "Gỗ mục không thể khắc". Vậy thì lũ mối kia đã là tác nhân cho sự mục ruỗng, vô tích sự này!

Nhìn lại lịch sử văn học đi cùng lịch sử Việt Nam thì những giai đoạn giao thời 45-54, 54-75, tiếng Việt chính vẫn là cái chữ quốc ngữ đâu phải chữ Tàu, chữ Tây gì mà kẻ viết văn phải gát bút, lặng lẽ rút lui để người thưởng thức nỗi ngậm ngùi như "Ông Đồ già" của Vũ Đình Liên khi: "Giấy đỏ buồn không thấm, mực đọng trong nghiên sầu":

Ông Đồ vẫn ngồi đấy
Qua đường không ai hay
Lá vàng rơi trên giấy
Ngoài trời mưa bụi bay.


Nỗi ngậm ngùi, luyến tiếc ở đây là cái tiếc một tài hoa với "đôi tay thảo những nét như phượng múa rồng bay" của ông đồ già khi không ai thuê viết chữ Tàu nữa. Còn sự ngậm ngùi, luyến tiếc tài hoa của Duyên Anh là cái gì? Tác giả cũng không hề nói mà ta cũng đã biết đó là: Những tác phẩm trong nước đã bị tịch thu, bị cấm, bị hủy! Tác phẩm ở nước ngoài thì “văn mình, vợ người” giữa bao nhiêu là Trần Ích Tắc, Lê Chiêu Thống, Câu Tiễn?

Đọc tiếp câu sau, ta không khỏi giật mình khi Duyên Anh đã cho câu: "Tủi thân nhan sắc nghẹn ngào phấn son" vào đây. Duyên Anh hình như đã chế ngạo, mỉa mai thân phận mình như một người đàn bà? Ta muốn cười mà cười không được vì câu thơ có "tếu" một chút nhưng buồn não ruột. Hóa ra không phải Duyên Anh đem đàn bà vào thơ để riễu mà chỉ là qua cách nhân hóa "nhan sắc tủi thân, phấn son nghẹn ngào" thêm nét hoán dụ, bổ sung cho "tài hoa" bởi sự thiên phú (nhan sắc), bởi sự trau chuốt (phấn son) để nói đến con người vô dụng mà thôi. Thiên tài không phải có sẵn mà phải do mình luyện tập cần cù mà ra. Càng đọc kỹ mới thấy tứ thơ "ý tại ngôn ngoại" trong thơ Duyên Anh thâm thúy lắm. Người càng cay đắng, thơ càng hay. Gừng càng cay, tình càng nồng. Quan niệm của người xưa vẫn đúng đó mà!

Nhìn lại những tác phẩm văn học từ cổ chí kim, từ trong nước đến ngoài nước, mấy ai có cái may mắn bước qua cái cầu văn học mà không chìm nổi lênh đênh. Văn học đi cùng lịch sử. Lịch sử thay đổi qua từng triều đại. Bên kia công thần thì bên này là đối nghịch. Duyên Anh đã đối nghịch với biến cố 1975 nhưng thơ Duyên Anh chẳng thấy một câu chửi rủa hạ cấp mà chỉ là tiếng kêu của con chim Cuốc. Hoài cổ chỉ còn là tiếng thở dài tiếp nối thở dài trong "Ta và ta" năm 1986:

Hồn oan sa vũng bùn luân lạc
Thoi thóp hoàng hôn, mỏi cánh chim
.

Duyên Anh lúc này đã 51 tuổi nhưng cái tuổi độ ấy so với ông Bành "vẫn thiếu niên" mà ngẫm nghĩ ra, khi người ta không làm được cái tích sự gì thì cảm thấy "già" ghê lắm.

Nguyễn Công Trứ lận đận trên con đường quan trường, thi cử nên chữ già thêm nặng nề: "Đồi hồ mao phát tiệm tham lam. Bất giác niên đăng ngũ thập tam. Đương thế thi thư hà sử dụng. Lão lai quan đái thương đa tâm":

Tuổi thêm thêm được tóc râu phờ
Nay đã năm mươi có lẻ ba!
Sách vở ích gì thời buổi ấy
Áo xiêm nghĩ lại thẹn thân già.


(Xuân nhật thị chư nhi - Ngày xuân răn con cháu).

Duyên Anh cũng không nói chữ "già" nhưng lại thêm nét nhân hóa "hoàng hôn thoi thóp", "cánh chim mỏi" đảo vị ngữ nhấn mạnh cái gì khác hơn sự tàn tạ? Tuổi già mới tàn tạ, mới thoi thóp, mới mỏi mệt vậy. Con người vô tích sự khác nào con người già cỗi. Ta lại thấy hai nghĩa già đen, bóng của thể xác, của linh hồn đều giống ở chỗ "tàn tạ", bị "quên lãng" cả.

Tế Hanh nổi tiếng với "Nhớ con Sông quê hương" lại chạnh lòng với những con đường:

Những con đường bị bỏ trong quên lãng
Sầu tủi nằm thương dưới bụi mờ.


(Có những con đường)

Những con đường vô tội còn bị bỏ quên huống chi là con người "có tội". Đường đời như thế, “đường người” là cái chi? Hãy nghe Duyên Anh than trong "Bài lưu đầy" 1987:

Đường người chó sói nhe răng nhọn
Nghe buốt đau thương cả đế giầy
Vàng thau lẫn lộn phiền than lửa
Ngọc đá ganh đua rộn dũa mài


Thế gian lẫn lộn như "vàng thau" chẳng biết đâu là chó sói với người thường? Chán lắm thay! Xem ra, "vết chém ngang lưng" con ngựa trong "khai bút" và cái "chém ngang" độc nhất vô song trong "Lý Thông" đều cùng một đao phủ chém mà "chém ngang" có nghĩa là chém giống như người ta... sả cây chuối làm hai khúc đều nhau, "hết cựa"! Giọng thơ ca ngợi vết chém "có một không hai" hàm hai nghĩa mỉa mai và cực kỳ chua chát nhưng ta không tìm ra một câu nào tỏ vẻ "phẩn nộ" hoặc "căm thù" tên "đao phủ" ra chiêu độc!

Hồ Xuân Hương lúc bực thân phận thôi cũng đòi "chém cha, chém chú". Tú Xương thi hoài không đổ cũng "quạu" lên đòi "bỏ văn chương học võ biền". Cao Bá Quát trước khi bị xử trảm cũng rủa "cha kiếp", "mẹ đời". Nguyễn Công Trứ ê chề cảnh quan trường cũng buồn "trách ông xanh", ông đỏ. Riêng kẻ sinh sau đẻ muộn như Duyên Anh tất "khôn ngoan" hơn. Người ta nói: "Kẻ hiểu biết thời cuộc mới là tuấn kiệt", Duyên Anh chưa hẳn là "tuấn kiệt" nhưng trong "Sông lấp", Anh đã nói thẳng:

Trái tim anh hằn rõ những lằn roi
Anh khôn quá nuốt từng hơi thù hận
Cứ thế mãi lòng anh đầy u ẩn
Tâm tư anh rướm máu uá trên đường.


Đọc thơ Duyên Anh mới thấy rằng Duyên Anh quả thật "hồn oan". Thơ Anh có nói "thù hận" mà ta không thấy cái hận thù sâu đến cỡ nào chỉ thấy thương tâm cho một "hồn oan" đang chứa đầy nỗi "u ẩn" (không bày tỏ được cùng ai), một "tâm tư rướm máu" (bị tước bỏ một trái tim thơ). Hỡi ơi! Lòng đầy u ẩn ấy đã bị rấy phá bởi "từng hơi thù hận" ám ảnh suốt đời là những con "hồ ly", những tên "Lý Thông" trong "Ta và Ta":

Cuối đường hiu hắt chiều giăng mắc
Thấp thoáng hồ ly đóm lửa xa.


hoặc trong "Khai bút":

Đường xa rêu lấp xanh buồn
Hồ ly rình rập hớp hồn tinh anh
.

hay trong "Nhớ cổ tích":

Bộ xương cá bóng là dao nhọn
Đâm nát hồn ta lũ Lý Thông
.

Những "hồ ly", "chồn tinh" của Duyên Anh khiến ta nhớ đến một Đắc Kỷ mê hoặc Trụ Vương làm tiêu tan mấy trăm năm nhà Trụ. “Hồ ly” của Duyên Anh không phải là những Đắc Kỷ mà chính là “hồ ly” người mưu sâu, kế quỷ ác với đồng loại. Thời đại nào mà không có những hồ ly, những Lý Thông gian ác, quỷ quyệt, tài chẳng bằng người nên tim nhuốm màu đen!

Khi bóng dáng "Hồ ly" trong Vũ Đình Chương mờ ảo:

Hồ ly không hiện, người không đến.
Chỉ ánh trăng vào khuôn cửa thôi!


thì bóng dáng "biển dâu có khoác áo chồn tinh" trong thơ Duyên Anh cũng hiện đầy không bụt nào trừng phạt! Buồn tàn cuộc đã đến lúc hạ hồi phân giải. Quá khứ chìm đi trong nỗi buồn tàn phế, nỗi "bất đắc chí" lại quay về với "cái tôi" trong Duyên Anh.

3. Duyên Anh: Trái tim chua chát, ngạo trời.

Với những người tài không được dụng, nỗi niềm "bất đắc chí" biểu lộ theo nhiều chiều hướng khác nhau phù hợp từng tính cách của mỗi người. Cao Bá Quát được người đương thời coi là một văn tài xuất chúng ở thế kỷ XIX lại là kẻ bị đánh trượt nhiều lần nên đâm ra ngạo mạn cả với triều đình. Họ Cao đã từng ngạo mạn với cả vua Tự Đức nên cái kiêu căng, ngạo nghễ của Bá Quát mang tính chất cá nhân đáng nễ. Ngay cả ở trong tù, Cao vẫn ngông cuồng, chơi chữ với cái vòng xích sắt sao dám cùm chân một bậc ngang Thiên tử, Vương tôn:

Một chiếc cùm lim chân có Đế
Ba vòng xích sắt đứng thì Vương.


Nhìn thấy được cái "bi" của tư tưởng này, Duyên Anh trong "Bài ta" năm 1987 đã đồng điệu qua lối chơi chữ biến danh từ thành động từ thịnh nộ thế thời:

Hỡi Cao Bá quát trùm thiên địa
Một nhát gươm vung rớt mộng cuồng
.

Nguyễn Công Trứ không có cái "vài chung lếu láo" cũng như ''mộng cuồng" của Cao Bá Quát bởi ông xuất thân trong một gia đình khoa bảng. Con đường hoạn lộ của ông khi là Binh Bộ Thượng Thư, khi tuột dốc làm một tên lính thú, dù sao, ông cũng mắn may hơn Chu Thần. Do đó, cái chua chát, ngạo đời của ông cũng thật lặng lẽ, chỉ trách cứ tạo hóa trớ trêu:

Kiếp sau xin chớ làm người
Làm cây thông đứng giữa trời mà reo.
Giữa trời vách đá cheo leo
Ai mà chịu rét thì trèo với thông.


Ta thật ngưỡng mộ cái tính khí này của ông quá, một thách thức không thua gì Chu Thần nhưng khẩu khí nhẹ nhàng. Nguyễn Khuyến không có tính khí trên nhưng trái tim chua chát, ngạo đời sau mấy kỳ thi hỏng rồi thăng quan tiến chức đến "sụn bà chè" như Công Trứ nên âm thầm quay về "tự trào" với mình: "Nghĩ mình lại gớm cho mình nhỉ" (Tự trào) "Nghĩ ra ông sợ cái ông này" (Tự thuật).

Duyên Anh mang những đặc tính của ba người. Thơ Anh với trái tim chua chát nhưng không ngạo vương quyền, không thách thức con người, không cười mình mà ngước nhìn trời cười ngạo:

Thản nhiên ngước mặt ngạo trời
Trong cơn hồng thủy vẫn cười ngửa nghiêng.
Kể từ đời tắt lửa thiêng
Nỗi ta đối địa nghịch thiên mộng cuồng
… Chung thân can tội nghịch thiên
Còn say cuồng vọng thản nhiên ngạo trời.


(Nghịch thiên - 1987)

Ta thích tính cách cao ngạo của Cao Bá Quát. Ta ngưỡng mộ Nguyễn Công Trứ với khí khái của ông. Ta cảm thông nổi cười cợt thâm trầm của Nguyễn Khuyến. Nếu Duyên Anh còn sống, ít ra thế gian này còn có vài người "can tội nghịch thiên" không cô đơn cho lắm. Cái "mưu sự tại nhân" nhưng "thành sự tại thiên" kia không đổ cho trời thì đổ vào ai? Duyên Anh ngạo trời mà còn tự nghĩ mình có tội. Tội lỗi gì? Trời đất tính đi, nghĩ lại cũng chỉ là "bạn bè" với con người với câu "vũ trụ chi giao huynh đệ". Khi đất trời nổi quạu thì cũng ác liệt, nghiêng ngã:

Tiếng vang vang như thần kêu quỷ hét
Trời ngập ngập như quân khiêu tướng hét.


(Chính khí Việt - Lý Đông A)

Thiên tai làm con người lâm cảnh "màn trời chiếu đất", con mất cha, vợ khóc chồng thì chửi "thằng bạn" này vài tiếng "trời già mắc dịch, khốn kiếp" đâu có gì gọi là quá quắc!?

Đời suông sẻ "thuận buồm xuôi gió" ai ngạo trời làm gì! Người hạnh phúc không phải "đưa người ta không đưa sang sông", không làm kiếp hát rong, kiếp đưa đò, ai ngạo trời làm chi? Kẻ không sợ trời, không sợ đất, ít ra phải có một bản lĩnh nhất định nào đó: Một tài năng bị vùi dập, một trái tim nhân đạo bị bàn chân vấy bùn dẫm lên, một khối óc biết lẽ đời bị chính cái trái đời giam hãm... Con người thiếu những cái cần có trên đời tầm thường, sống chẳng biết vấn vương làm sao mà có cái quá khứ "liệt oanh" mà vương, làm gì có dĩ vãng "đau thương" mà nhớ!

Duyên Anh dù nói "say cuồng vọng thản nhiên ngạo trời" nhưng lại là một lời cam chịu, dù nói "nỗi ta đối địch nghịch thiên mộng cuồng" nhưng ta không thấy sự đối nghịch thù hằn gì cũng chẳng thấy cái "mộng cuồng" là cái gì dữ tợn?

Nguyễn Công Trứ với mộng cuồng chỉ về với chén rượu, cảnh vật trong "Thoát vòng danh lợi":

Hẹn với lợi danh ba chén rượu
Vui cùng phong nguyệt một bầu thơ


Cao Bá Quát với "mộng cuồng" cũng quay về chén rượu, câu thơ trong "Đời người thắm thoát":

Chén rượu thánh, câu thơ tiên thích chí
... Bốn mùa xuân lại, thu qua.


Nguyễn Khuyến với "mộng cuồng" cũng không thoát cảnh "uống rượu tiêu sầu" trong "Tự thuật":

Câu thơ được chửa, thưa rằng được
Chén rượu say rồi, nói chửa say.


Hồ Xuân Hương trong "mộng cuồng" cũng chỉ muốn "đổi phận làm trai" trong "Đền Sầm thái thú" thôi:

Ví bằng đổi phận làm trai được
Sự nghiệp anh hùng há bấy nhiêu.


Ngay cả Lý Bạch trong "mộng cuồng" cũng vớ quách chén rượu trong "Xuân nhật túy khởi ngôn chí":

Sỡ dĩ chung nhật túy
Đồi nhiên ngọa tiền doanh


(Say cả ngày, nằm đại trước cột hiên).

Tú Xương "mộng cuồng" khi vác trời bán đại trong "Tự cười mình":

Lúc túng toan lên bán cả trời
Trời cười thằng bé nói hay chơi.


Nguyễn Trãi từng nói: "Lão khứ cuồng hưu quái ngã" (Già rồi hay nói cuồng, đừng lạ ta) để chua chát cho cái thời "điểu tận cung tàn"! Nói chi cho xa xôi, người cùng thời với Duyên Anh (lớn hơn vài chục tuổi) là Hàn Mặc Tử trong "mộng cuồng" tuy không uống rượu nhưng cũng vác... trăng rao bán cả đêm: “Ai mua trăng tôi bán trăng cho"!

Kẻ tầm thường mượn rượu để mạnh miệng chửi người. Người bất phùng thời mượn rượu để tiêu sầu, để khơi hừng cái gan “đội đá vá trời” của Nữ Oa.

Hà Huyền Chi cũng từng như thế trong “Đỉnh nhớ”:

Rượu đau tính chuyện vá trời
Chai đầy hận nước, cha vơi thù nhà.
…Chôn đi ngàn nỗi tủi phiền
Ngàn tên vong bản đã quên tiếng người.


Chao ơi toàn là những người tài hoa, những kẻ có trái tim rướm máu, có khối óc đau lẽ đời ôm "mộng cuồng" hết trọi:

Mộng cuồng quả đúng mười mươi
Chờ ta xuống dưới cùng chơi với người.


Có chút khoác lác. Đó là "mộng cuồng" của một nthh, đừng để ý.

Tâm tưởng "mộng cuồng" của Duyên Anh hóa ra gợi một nguồn cảm hứng cho ai thích viết cuồng. Một chút "lạc quan" từ cõi "tàn phế", từ cõi "lưu đày" là điểm sáng cuối cùng của Duyên Anh (thản nhiên, cười) dù chỉ là chút sáng le lói nhưng thật đáng trân trọng. Khí khái này của Duyên Anh giống Trần Bình Trọng ngữa cổ chịu chém tại pháp trường Thiên Tường - Trung Quốc vì không chịu đầu hàng giặc Nguyên. "Mộng cuồng" của Duyên Anh "hiền lành" hơn. Ngay cả khi Duyên Anh để cho: "Bộ xương cá bống là dao nhọn" tưởng đâu "đâm chết" lũ Lý Thông, ai ngờ lại trở ngược để cho bè lũ Lý Thông lấy dao nhọn đó "đâm nát hồn ta"! Kết cục bất ngờ: Người bị đâm chịu nhát dao oan nghiệt còn kẻ đâm ra tay độc hơn, chúng không đâm một nhát vào tim cho kẻ bị đâm chết quách mà lại đâm đến… nát bấy cái hồn người?

Thơ Duyên Anh với trái tim chua chát, ngạo đời không có một dòng cầu xin thương xót mà ta vẫn nghe thương đến đắng lòng. Nỗi đau này đâu của riêng ai lại là "rất riêng" cho từng con người trong từng hoàn cảnh. Nếu Nguyễn Công Trứ muốn làm cây thông hiên ngang, Xuân Diệu muốn làm một ngọn Hy Mã Lạp Sơn hùng vĩ thì Duyên Anh vẫn chỉ cười một cái "cười ngửa nghiêng" ra nước mắt.

Một Thanh Nam nối tiếp mộng cuồng thì lại ru mình với cái "tôi" bất lực:

Ta ru ta khúc ưu phiền
Ngủ ngon đi nhé cơn điên hôm nào
.

(Đêm cuối năm uống rượu một mình)

Cái "tôi" cay đắng ngạo trời của Duyên Anh nhập vào "cái ta" bất đắc chí của những người mà tên họ đã theo cùng năm tháng mà lớn lên, không bao giờ già:

Chấp kích lang cừu khinh Hạng Võ
Đêm mong đợi kiếm báu Trương Lương.


(Bài ta -1987)

Hạng Võ “hữu dũng vô mưu” nên cuối cùng cũng không qua nổi nạn tự tử ở Ô Giang nhưng Trương Lương - Trương Tử Phòng đa mưu túc trí, cuối cùng rồi cũng “công thành danh thoái”! Gươm báu kia cũng chỉ có một thời! Duyên Anh tổng kết công trạng của những kẻ sĩ thời nào thất thế mà chẳng thế qua lối ẩn dụ sâu sắc:

Xác xơ chữ nghĩa gầy nghiên bút
Rượu ngút trời thiêu giấc bá vương.


Có thay bậc đổi ngôi đâu mà “giấc mộng Hòe” của Trương Sinh với giấc “bá vương” của Thành Cát Tư Hãn? Chẳng qua, tan giấc mộng con vì “lỡ đò”, vì “trễ tàu”, vì “sắt thép đau” - nỗi đau phế liệu văn chương mà thành. Mới nói: Rớt từ ngọn cây xuống đất, ai mà chẳng bị thương! Kẻ đeo theo giấc mơ quan trường, chính trường, thương trường, gặp thời thì “như diều gặp gió”, “hô phong hoán vũ”, “cỡi ngựa bắn cung” nhưng đến khi hết thời, “cỡi… kiến, lấy dây thun bắn ruồi” là thế! Ruồi cũng gian manh, bay lượn nhanh thì cũng chẳng làm sao mà bắn! Con ruồi khoái mật ngọt với “thớt có tanh tao ruồi mới đến, gan không mật mỡ, kiến bò chi” như Nguyễn Bỉnh Khiêm đã ví trong “thói đời”. Con người “thức thời vụ” còn như thế nào?

Trong tập: “Em, Ta, SàiGòn và Paris”, Duyên Anh đã nhìn thấy những “mộng cuồng” toan “mưu bá đồ vương” không thực lực trong “Bài lưu đày” năm 1987. Họ là những kẻ:

Học đòi Câu Tiễn nuôi thù hận
Chí lớn xem chừng cái móng tay
Răng rụng trống tung còn hám lợi
Thân lươn lãnh tụ đắm mưa lầy
Hư danh gạt gẫm phường khoa bảng
Nguyệt mộ khơi rồi chửa tỉnh say
Đeo mo mấy đứa buôn dân tộc
Cứu nước khom lưng trướng chủ thầy
Nỗi buồn quốc sỉ Lê Chiêu Thống
Gươm giáo Quang Trung có thở dài


Phải nói đây là một trong những bài thơ có giá trị liên thành về tư cách sống sao cho ra “Người”. Đọc lên những câu này, nếu chúng ném về phía nhóm người nào thì nhóm đó sẽ vì thẹn lòng mà thành ra thù hận. Việt Vương Câu Tiễn đã vì cái nhục bị giam ba năm ở Cối Kê bởi Phù Sai mà nuôi mộng trả thù. Không có Phạm Lãi, Văn Chủng thì cả đời Câu Tiễn chả làm được cái quái gì ngoài dùng “mỹ nhân kế” hiến một trong “tứ đại mỹ nhân” là Tây Thi cho Ngô vương Phù Sai. Anh hùng còn lắm chuyện để bàn luận, đánh giá (khi công thành thì quay ra giết kẻ đại thần như Câu Tiễn đã giết Văn Chủng. Lê Lợi giết Phạm Văn Xảo, Trần Nguyên Hãn… triều đại nào mà chằng có “thỏ hết thì mạng chó săn chẳng còn"!) nhưng chí của Câu Tiễn quả đúng là chí của kẻ mưu đồ phục quốc. Chí của những kẻ bắt chước Câu Tiễn trong mắt Duyên Anh chỉ là “cái móng tay”! (Sao có nhiều Câu Tiễn quá, khi phục quốc thì Câu Tiễn nào sẽ làm vua? Vậy thì “Hán - Sở tranh hùng” lại dấy lên, “Tam quốc chí” lại sống dậy. Ai sung sướng? Ai khổ nạn?). Chí lớn như “cái móng tay” đó, người ta có thể khảy nó dễ dàng bằng một cái nhíp cắt! Vì sao? Nó bé nhỏ vì nó không chứa đựng một mối thù dân tộc mà chỉ là thù hận cá nhân, mất danh lợi và nó không có cái gan “Ngọa tân thường đảm” tức là “nếm mật nằm gai” như Câu Tiễn. Bọn người đó dưới đôi mắt của Duyên Anh là đồ tầm thường vì kẻ nuôi thù hận bằng “hư danh”, bằng “gạt gẫm”, bằng “khom lưng” không thực lực và chỉ là phường “mượn râu hùm run nhát khỉ” như Phan Văn Trị từng mắng Tôn Thọ Tường thì có gì mà trân quý, mà gọi là cái chí khí của “quân tử trả thù mười năm chưa muộn”? Vậy thì chẳng khác nào Lê Chiêu Thống thân còn lo chưa xong lại phải nhục nhã gọt đầu, đổi áo mà cầu cạnh Càn Long? Làm sao giống Nguyễn Ánh một tay gây dựng cơ đồ, chịu hèn ở Xiêm La? Bởi vậy mà “gươm giáo Quang Trung có thở dài”! Có gươm trung nhưng không có chủ tốt thì gươm báu cũng hoài! Ngựa Xích Thố không có Quan Công cỡi thì cũng phí! Mới nói: Nhìn thấu lẽ đời là Duyên Anh. Thấy sâu nghĩa dỏm của những kẻ cơ hội cũng chính là Duyên Anh. Người tầm cao thì khó kết giao với kẻ hạng bại. Thù hằn từ đấy mà ra! Mày không chết xuống địa ngục thì tao chẳng có đường lên thiên đàng. Duyên Anh bị đánh đến “tàn phế’ chính là cái chỗ “hơn người’ này! Xưa nay “vĩ nhân có ước mơ, phàm nhân chỉ ham muốn”, kẻ tiểu nhân toàn ra chiêu hèn hạ sau lưng là thế cả!

Tác giả "Điệu ru nước mắt" đã giã từ "Ảo vọng tuổi trẻ" ôm "Vết thù trên lưng ngựa hoang" với "Nước mắt lưng tròng" trong nỗi buồn "tàn phế". Con người "Mơ thành người Quang Trung" luyến tiếc cái quá khứ "Ngày xưa còn bé" với "Tuổi 13", "Ngựa chứng trên sân trường" để "Dấu chân sỏi đá" ngậm ngùi lê trên "Sa mạc tuổi trẻ" đã là cái bóng mờ. Người viết "Hoa Thiên Lý" mang cái bóng mờ với nỗi ngạo đời, đem "mộng cuồng" vào "Ánh lửa đêm tù", trút đi cái "Nặng nợ giang hồ" trở thành “Con bò sữa gặm cỏ cháy”. Con bò sữa nay đã thành con bò già tránh xa "Bầy sư tử lãng mạn" hôm nào để "Về yêu hoa cúc", lặng lẽ viết "Thư tình trên cát" chỉ một dòng thôi cho tình yêu "Cám ơn em đã yêu anh". Tác giả "Em, Tôi, SàiGòn và Paris" lại là con người với những niềm riêng một đời dấu kín.

4. Duyên Anh: Với những niềm riêng

* Những niềm riêng cho quê hương.

"Quê hương" của Đỗ Trung Quân là "chùm khế ngọt là cầu tre nhỏ, là con diều biếc". Quê hương của Hồ Dzếnh trong "Lũy tre xanh" là: "đê thắm, bướm vàng. Con sông be bé, cái làng xa xa". Quê hương của Giang Nam "có chim, có bướm... có một phần xương thịt của em tôi". Quê hương của Tế Hanh "Có con sông xanh biếc, nước gương trong xỏa tóc những hàng tre”.

Ai nhắc "quê hương" cũng nhớ những bài ca dao, những câu chuyện cổ tích. Người tha phương nhớ quê qua hình ảnh con sông. Hình ảnh ẩn dụ con sông chuyển tải những nghịch lý, những nghiệt ngã đời thường với Nguyễn Tất Nhiên là khúc hát đưa đò trong “Ninh khúc1”:

Sông kia nào biết vô thường

Từ khi nguyệt nọ là trăng giang hồ.

Hôm nay sông bỗng tình cờ

Hay ra mình đã đưa đò trăng tan.

Dòng sông của Thanh Tâm Tuyền là dấu hỏi đau đáu một kiếp người bất phùng thời:

Dò dẫm lối về đêm tối mịt

Sông xa núi thẳm quê nhà đâu?.

(Ngã trên núi Việt Hồng…)

Dòng sông trong những kẻ nhờ trăng người làm ngọn đèn soi bóng tổ quốc, mượn kỷ niệm để xa xót quê hương đều như thế đó. Duyên Anh nào có ngoại lệ gì! Quê hương của Duyên Anh trong "Nhớ cổ tích" đầy hình ảnh sinh động nhưng buồn da diết. Đó cũng đúng với dòng thơ cay đắng của Anh, đúng với con người của Anh ngập đầy xa xót:

Quê nhà mẹ có giàn thiên lý

Một dãi rấm hiền giữa nắng trưa.

...

Tiếng sáo diều ai làm nhạc đệm

Chống gươm con bọ ngựa mơ màng

Thấy chân cổ tích đi trên lá

Mặt nước hồn thơ bỗng xốn xang.

Hình ảnh "giàn thiên lý" kia không làm ta say mê bằng hình ảnh "con bọ ngựa chống gươm mơ màng", câu chuyện cổ tích bỗng có "chân đi trên lá", cái mặt nước cũng vì "xốn xang" mà làm thơ! Trời ạ! Mạch thơ này cũng là một nguồn cảm xúc vô tận về nội dung lẫn nghệ thuật cho những trái tim thơ hay cả những chuyên gia "mổ xẻ" thơ.

Hình ảnh con diều bay lên thường phát ra một âm thanh kỳ lạ. Tôi thường thả diều giấy trắng học trò khi còn bé nên tôi quen với âm thanh này nhưng đủ hồn thơ lúc đó mà chuyển âm thanh con diều qua "Tiếng sáo diều" để làm "nhạc đệm" thì tôi chưa hề nghĩ đến. Có da diết với tuổi thơ và phải có cái Hồn thật là thơ mộng mới nghe được tiếng nhạc từ cánh diều kia. Một "Tiếng sáo thiên thai" của Phạm Duy đã đưa người ta bay lên mây. "Tiếng sáo Trương Chi ru hồn nàng Mỵ" qua dòng nhạc Văn Cao. Tức cảnh sinh tình. Tiếng "nhạc đệm" kia ra sao? Vui hay buồn? Xuân Diệu trong "Nguyệt Cầm" từng chạnh lòng: "Trăng Nhớ Tầm Dương, nhạc nhớ người."

Duyên Anh nghe tiếng "nhạc đệm" kia lại thấy con bọ ngựa. Có phải chàng võ sĩ ngựa trong "Dế mèm phiêu lưu ký" của Tô Hoài? Ta lại gặp đảo vị ngữ đi cùng nhân hóa để thấy cái hình ảnh "chống gươm" của "con bọ ngựa"- chàng trai đang sung sức - "mơ màng". Đất nước thanh bình nên chàng mới chống gươm mơ màng như vậy chứ đánh nhau trời long đất lở thì "hồn nào hồn để đánh nhau, hồn nào hồn để vào đâu mơ màng" mà:

Thấy chân cổ tích đi trên lá

Mặt nước hồn thơ bỗng xốn xang.

Chao! Câu thơ đầy chất suy nghĩ với nhiều hình tượng. Cổ tích? Ngày xưa người ta thường đặt ra những câu chuyện, sự kiện, sự tích để lý giải nhiều vấn đề khác nhau nhằm mục đích "hướng thiện". Cổ tích nằm trong bộ phận văn học dân gian đi với thần thoại, ca dao, tục ngữ từ xưa đến nay đã "ngon giấc" nay lại cựa mình (giật mình) có phải vì nghe tiếng sáo diều, một tiếng kêu cứu bằng âm điệu không phải ai cũng nghe và hiểu được? Cổ tích có chân đi nhẹ trên lá. Hình ảnh này sao mà "thanh thót", "ý nghĩa" quá làm sao ta đủ ngôn từ diễn được hết cái ý tưởng cao siêu này?

Cổ tích cùng người xưa trở về để nhắc nhở cái gì, cảnh cáo cái gì mà "mặt nước hồn thơ bỗng xốn xang"? Vẫn giữ phép nghệ thuật như đã nói trên, thực ra, người làm thơ đâu có định dùng biện pháp tu từ gì mà họ chỉ viết theo mạch cảm xúc thôi. Mạch cảm xúc chứa nội dung chi phối các biện pháp tu từ. Trước đây, người ta đã cho học trò phân tích theo cách từ nghệ thuật sang nội dung thật không phải cách. Kiểm chứng lại bằng cách cho mình tự làm một bài thơ xem sao? Lập tức ý tưởng cảm xúc về cái gì định nói đó hình thành ngay câu thơ và bài thơ nhanh chậm tùy khả năng của mỗi người.

Ta có thể hình dung ra người "Người học trò và con chó đá" qua hình ảnh cổ tích đi về. Con chó đá vẫy đuôi và không vẫy đuôi có một nghĩa gì, ai cũng nhớ. Cổ tích đi về lại có hai nghĩa: Một, thời bình nên giữa người và vật không còn ranh giới khi nụ hôn của hoàng tử đặt lên môi "nàng công chúa ngủ trong lâu đài" đã hóa giải lời nguyền của bà phù thủy: Mọi vật sống dậy từ mấy trăm năm. Mấy trăm năm chỉ trong giấc mơ, một giấc ngủ. Loài người sống được đến bao lâu để vào cổ tích? Con bọ ngựa mơ màng cũng phải. Hãy tự chui vào cổ tích đi để thấy rõ hai mặt thiện và ác của người. Hai thời loạn lạc trái-phải, bất phân; giỏi-dở khó định; ma-người lẫn lộn; hiền-ác không tường. Cho nên, cổ tích phải đi làm công việc của nó: Phân xử và sàn lọc; ban thưởng và luận tội. Cổ tích không thiên vị, không tham lam, dĩ nhiên, xử án giữa "thanh thiên bạch nhật" nếu "vua phạm pháp cũng trị tội như thứ dân". Chao! Những thứ đó cũng chỉ còn trong... cổ tích! Vậy, cổ cổ tích của Duyên Anh vừa là cứu cánh, vừa cũng là hư ảo không có thật bao giờ đến nổi Anh than với dòng thơ của Anh:

Và những chuyện nghe xong,chẳng khóc

Chẳng buồn và chẳng thiết yêu ai.

Đời hiếm hoi những lần Bụt hiện

Nên chi đoạn kết thảm vô cùng!

Có phải Duyên Anh đã "khô cạn" cảm xúc, trơ lòng với những mối dây ràng buộc qua "chẳng khóc, chẳng buồn, chẳng thiết" như một cách "phủi tay" và kèm một tiếng thở dài? "Bụt" chỉ có ở trong cổ tích "Tấm Cám", "Cây tre trăm đốt". Bà tiên chỉ có trong cổ tích "Cô gái nhà nghèo", "Cô bé lọ lem". Cuộc đời không là cổ tích nhưng mà lại có lắm Lý Thông "nên chi đoạn kết thảm vô cùng". “Những lần Bụt hiện” là công lý nhưng “đời hiếm hoi những lần Bụt hiện” tức là công lý nằm ở nơi đâu đâu…Nói trắng ra: Mẹ kiếp! Ở hiền chẳng gặp lành, kẻ gieo gió chẳng bao giờ gặp bão! Người ta "đờ" ra, vô cảm vì thất vọng. Tâm trạng "chẳng khóc, chẳng buồn, chẳng thiết” kia thật ra là "tha thiết" lắm! Ôm nỗi uất lòng, nghẹn đắng không nói được mới là "tâm bệnh". Khi người ta bức xúc quá, đừng nên đè nén trong lòng mà hãy tìm một chỗ... trút hết đi bằng mọi cách mà cách tốt nhất là "hét thật to" cho sập trời cũng được!

Duyên Anh không chịu hét to mà âm ỉ "nuốt vào lòng" để buông ra một sự vô cảm cũng chỉ bắt nguồn từ cái "từ chối hiện thực" mà thôi! Bởi vậy, mặt nước vô hồn bỗng chốc lênh láng, hồn thơ xốn xang. Người và cảnh vật đã nhập lại làm một loại hình văn học khác: Hình thức ngụ ngôn mà J. La Fontaine đang giữ vị trí số một trên thế giới. Thơ Duyên Anh lẫn vào những dòng sông thơ khác và đã tự nổi lên với cái "phao ngụ ngôn" này và ta thử nghĩ: nếu ai không gặp cái "kết cục thảm" như Anh thì làm sao mà có được chất "ngụ ngôn" đầy ẩn ý, đầy ngụ tình như vậy? Do đó, có thể nói "con người và thời đại, con người và tác phẩm, tác phẩm với thời đại và con người" là cái kiềng ba chân để đánh giá một tác giả. Dòng thơ cho quê hương qua cổ tích của Duyên Anh với ngụ ngôn não nề để lại một kết cục bi thảm mà sự bi thảm đó chính là sự "hy sinh có một ước mơ":

Kẻ đốt giải lời thề kết tóc

Người tan thành giọt lệ lưu ly.

(Nhớ cổ tích)

Đỗ Trung Quân trong "Chuyện ngày thường" cũng nhận ra “cuộc đời hệt như là cổ tích" như Duyên Anh. Cổ tích trong Duyên Anh là hình ảnh một Thạch Sanh ôm đàn để tiếng:

Nhạc xuyên qua đất buồn qua lá

Thành gió thành mưa phá điện vàng.

Thạch Sanh trong cổ tích với tiếng đàn "tích tịch tình tang, ai đem công chúa lên thang mà về" than thở số phận, còn Thạch Sanh của Duyên Anh không đơn giản như vậy mà tiếng đàn phát ra tiếng nhạc "xuyên" qua đất, qua lá thành gió, mưa công "phá" điện vàng biểu tưởng của một chế độ, một vương triều!

Ta có thể so sánh tiếng đàn Duyên Anh với cái "cán bút", “vần thơ” xưa như trái đất của Chế Lan Viên khi chàng ta muốn:

Dùng cán bút làm đòn xoay chế độ
Mỗi vần thơ bom đạn phá cường quyền.

Với Duyên Anh: Nhạc chuyển thành gió mưa phá điện vàng. Với Chế Lan Viên: Bút trở thành đòn xoay chế độ. Thơ trở thành bom đạn phá cường quyền. Sự công phá của Duyên Anh là sự công phá trong cổ tích nên thơ Duyên Anh đọc lên âm hưởng "hiền lành" hơn với những dòng chữ "buồn như lá". Hơi thơ không có sức mạnh đằng sau "truyền công lực" nên đầy nỗi cô đơn làm cho đất trời động lòng, khiến cho "gió, mưa" trợ giúp bởi tiếng nhạc kia có "hồn", thần kỳquá! Trong khi đó, sự công phá họ Chế là sự công phá của đời thường như một "nguyên soái" vâng lệnh vua ra trận nên giọng thơ có sự "truyền công lực" đằng sau mà trở nên "mạnh mẽ", không nói là “lên gân, lên dây cót”!

Ta tự hỏi nếu Duyên Anh được "dùng cán bút", "dùng vần thơ", Duyên Anh sẽ làm gì cho chế độ mới đây khi được "lột xác", "đổi đời" như Chế Lan Viên và biết bao người từ chế độ này chuyển sang phục vụ cho một chết độ khác đối nghịch? Nếu giữ đúng ranh giới và “chúa ai người nấy thờ” thì ta chẳng có một Nguyễn Du. Chính vì vậy (có sức mạnh đằng sau và không có) mà hai cây bút, một người tha hồ vùng vẫy, một kẻ nép mình đắng cay với tiếng đàn Thạch Sanh trong cổ tích mơ "chém chằn tinh, giết đại bàng" phá cung điện trong... cổ tích. Cái bi thảm đó chính là sự "hy sinh" có một ước mơ":

Kẻ tốt giải lời thề kết tóc

Người tan thành giọt lệ lưu ly

(Nhớ cổ tích).

Thạch Sanh trong thơ Duyên Anh gói gọn:

Lên đời sừng sững kiêu sang
Thơ châu báu với nhạc vàng ôm nhau
Thả hồn ngất đỉnh trời cao
Nỗi đau hang lấp xôn xao cuộc đời
(Thạch Sanh).

Cổ tích của Duyên Anh còn là những giọt nước mắt:

Nước mắt đầm đìa thương Cúc Hoa

Mừng cho cái Tấm nhờ ơn Phật

Khổ trước rồi sau hết xót xa

Mừng cho Tấm, nói với Tấm, Cúc Hoa thì mình cũng như tự vỗ về mình "khổ trước, sướng sau" như để kết thúc "có hậu" cho câu: "Đời hiếm hoi những lần Bụt hiện. Cho nên đoạn kết thảm vô cùng". Thật ra, nếu câu "khổ trước, sướng sau" đúng như vậy chúng ta thà "sướng trước" để rồi bị đày xuống 18 hay 36 tầng địa ngục cũng cam lòng!

Người ta cũng thường nói: Những tâm hồn lớn hay gặp nhau. Đúng hơn, những tâm hồn có "nỗi u uất" thường gặp nhau. Cô Tấm của Duyên Anh gặp cô Tấm của Trần Mạnh Hảo và đó cũng là hình ảnh của "Tổ Quốc", hình ảnh quê hương:

Trăng liềm như cô Tấm trèo cau

Phải sắc đẹp là lưỡi dao chặt gốc.

Hỡi câu ca dao mọc đình làng khó nhọc

Cho ta chết rồi về lại Thăng Long.

(Tổ Quốc)

Giọng thơ hai kẻ: Một già, một trẻ sinh trưởng cùng nơi nhưng sống dưới hai chế độ khác nhau lại gặp nhau ở một ý: Nhạc phá cung điện, sắc đẹp là lưỡi dao! Lưỡi dao chặt gốc của Trần Mạnh Hảo tàn nhẫn như "vết chém ngang lưng con ngựa" của Duyên Anh dẫn tới "thân tàn ma dại". Ca dao là loại dễ phát sinh trong dân gian mà không "mọc" nỗi ở chốn đình làng dân gian? Có phải "phép vua thua lệ làng" ở Thăng Long - thủ đô ngàn năm văn vật ngày xưa, là nơi mà sự bảo tồn văn hóa được coi trọng? Ước vọng này của Trần Mạnh Hảo khi nào mới là sự thật? Ước vọng của Duyên Anh về lại dòng sông ngày cũ, nhìn lại bến bờ đã đi trước Trần Mạnh Hảo mà vào nghìn thu vĩnh biệt! Chao! Đời muôn hình muôn vẻ nên thơ cũng thiên biến vạn hóa. Ta lạc vào rừng thơ ấy thấy ngất ngây mà tiếc thay cõi lòng ta tối tăm quá, hiểu không hết nghĩa người làm thơ muốn nói cũng như:

Có những chuyện nghe hoài không biết chán

Bắt đầu là ngày xửa, ngày xưa...

(Nhớ cổ tích)

Quê hương trong cổ tích của Duyên Anh cũng như của Tế Hanh cũng nhớ một dòng sông cũ:

Dòng sông cũ làm sao anh quên được

Tuổi thơ anh theo con nước vui buồn

...

Con cá măng trườn mình lên bãi cát

Anh ngày xưa trần trụi tắm hoa niên.

(Sông lấp)

Ai một lần trong đời được "trần trụi" ngụp lặn dưới con sông, con lạch, cái bàu ở quê mình mà không nhớ những buồn vui thời thơ ấu? Riêng Duyên Anh đã chớm cái vui buồn sớm của tuổi thơ. "Biết buồn sớm hèn nào đời chẳng khổ, không khổ tình yêu cũng lận đận tình trường!". Tôi "phán" đại một câu "xanh rờn" y như thật mà ngẫm nghĩ đời mình sao cũng đúng gớm, đúng ghê! Duyên Anh đâu có ngờ:

Ru đời anh câu lục bát vuông tròn

Khi bước xuống đu leo dây cuộc sống.

Trót ngã đau, anh buông đời lêu lõng.

Con người chưa "trang bị" cho mình đầy đủ "thủ tục" nhất là “lý lịch đỏ” nên khi bước vào đời giống như kẻ không biết bơi sẽ chết đuối giữa dòng, như kẻ không biết ảo thuật xiếc mà đu dây xiếc! Sao không rớt bịch, sao không ngã đau? Với Duyên Anh đâu phải "trèo cao, té nặng" gì đâu, chỉ ao ước đời thường như một võ sĩ bọ ngựa mà không xong! "Ngã đau" từ này dùng vẫn còn nhẹ "đô", tôi cho là ngã một cái “chõng gọng" từ khi bị "treo bút" vĩnh viễn, Anh... cùi tay luôn! "Tàn phế" mất rồi, sức còn gì đâu mà "buông đời lêu lõng".

Hoàng Cầm và nhóm “Nhân văn - Giai phẩm” không bị “treo bút” ba mươi năm là gì? Đó cũng chỉ là một cách nói "an ủi" mà ai đó khi bức xúc đều "phản ứng" như vậy cả! Cuộc sống con người như một trò chơi đu dây dễ bị vuột tay theo Duyên Anh. Thật ra, cuộc sống còn là một trò chơi "bập bênh, bập bênh, anh lên, tôi xuống, anh xuống, tôi lên"! Chán quá, không thể không buông một lời tâm sự với ai đó? Duyên Anh đã tìm một chỗ để bày tỏ nỗi lòng:

Anh, bây giờ trên cạn bủa mùa sương

Sông đã lấp tìm ai về xưng tội?

Con sông của Duyên Anh đã bị lấp, con đường của Tế Hanh bị bỏ quên. Duyên Anh muốn tìm về "xưng tội". Tế Hanh có nhà không dám vô cứ đi, đi mãi:

Đi mãi không hề biết mỏi xa

Đi suông không dám ngó vô nhà.

(Có những con đường)

Một người "đi mãi" chẳng biết đi đâu đấy mới là "buông đời lêu lõng". Duyên Anh buộc phải đi, muốn về, về không được đấy mới là "cắt đứt dây chuông". Duyên Anh "trót ngã đau". Anh ngã thật nhưng hình ảnh con bọ ngựa chống kiếm mơ màng kia không phải là Anh sao? Anh không phải tự an ủi: "Khổ trước rồi sau hết xót xa" sao? Anh không phải đã muốn mượn cổ tích xua đi huyền thoại sao? Dòng sông quê hương đã lấp rồi (lấp thật cũng được, lấp trong tưởng tượng cũng được) làm sao được một lần xưng tội? Cái tội đã tự cho mình "buông đời lêu lõng".

Bài thơ mang âm hưởng như một bản tự kiểm "rươm rướm máu" sao mà đầy u ẩn"! Tiếng lòng này đáng cho ta trân trọng. Nó được phát ra tự một tâm hồn nặng nợ văn chương nhưng văn chương ấy lại là văn chương kiếp bèo bị dạt như "con cá măng" mắc mớ gì "trườn mình lên bãi cát" để: "Tỉnh mê hoang thì hỏng vốn hư lời”. Mất trắng!

Dòng sông của Duyên Anh:

Dòng sông êm đềm, dòng sông màu mỡ

Vun bồi anh mật ngậy sữa phù sa.

Dòng sông mà "êm đềm, màu mỡ" đầy ắp phù sa là dòng sông bình thường mà thơ ca cần có nhưng cái "phù sa" của Duyên Anh lại là "mật ngậy sữa" ăn được, uống được. Thậm chí nó làm cho ta muốn lăn vào lòng mẹ tìm dòng sữa ngọt ngào một thời mẹ chắt chiu nuôi ta khôn lớn. Với Duyên Anh, kỷ niệm đó dùng từ gì khác hơn, "công suất" hơn từ "gắn bó sâu sắc"? Một con người biết trân trọng kỷ niệm thơ ấu với dòng sông ngàn năm miên man chảy thì con người đó sẽ quý cái hiện tại và mơ ước cho tương lai. Duyên Anh bị cắt ra một nửa (chém ngang chưa lành) nên hiện tại bế tắc, tương lai chằng chịt. Những điều "quý" và "mơ ước" đành dồn hết về cho kỷ niệm "nên kỷ niệm như mũi tên phiêu bạc" cho con bọ ngựa chống gươm mơ màng... cổ tích!

Con sông của Duyên Anh thời "anh nào biết có hoàng hôn":

Sông dài bao dung, sông rộng vị tha

Sông không chìu anh ngủ vùi sung sướng.

Ai "bao dung"? Ai "rộng vị tha", Ai "nuông chìu"? Là sông hay là mẹ là quê hương? Trước đã bao dung sao nay không bao dung lần nữa? Duyên Anh một lần nữa lại "chơi chữ" với cả tên mình trong "Ai tín" (Ru tín) năm 1983 với nỗi niềm riêng vì con sông không "dẫn độ" Anh về quê hương:

Tổ quốc anh đâu, tổ quốc nghìn xưa
Tiếng anh gọi đã sương mù vĩnh quyết
Tiếng anh gọi đã nghĩa trang đào huyệt
Nghĩa là anh mất hết tự đêm nào
Giòng sông đưa anh ra biển ngập sao
Giòng sông không dẫn anh về quê hương anh nữa
Em,
Anh đã đến Paris
Mùa thu đầy xác lá
Xác lá mùa thu, xác lá duyên anh


Với Duyên Anh dù "dòng sông không dẫn anh về quê hương anh nữa" nhưng "dòng sông cũ làm sao anh quên được" đã khép lại những dòng chảy cuộc đời vẫn mãi lặng lẽ trôi. Đến Paris thì phải ở lại nơi "mùa thu đầy xác lá, xác lá duyên anh" vì Anh không còn con đường lựa chọn nào khác. Trời thu đầy xác lá. Lòng người cũng xác xơ. Đời tơi tớt với lá thu khô rơi xiết quanh trời! Cô đơn đến nơi. Trong nỗi niềm riêng, Duyên Anh vẫn dành cho tình yêu một khoảng trời xanh biếc.

* Duyên Anh: Tình yêu theo năm tháng.

Người ta cho Xuân Diệu là đỉnh cao của "Thơ mới", là đỉnh cao của thơ tình yêu nhưng cái gì cũng có thời gian, khó có ai giữ mãi huy chương vàng suốt cuộc đời mà không "vui lòng" nhường lại cho những "hậu sinh khả uý". Tình yêu của Duyên Anh da diết và đằm thắm hơn Xuân Diệu nhiều. Tình yêu của Duyên Anh là tình yêu theo tháng năm từ tháng giêng đến tháng mười hai, là tình yêu chờ đợi mỗi ngày mỗi da diết trong "Niên thiếu":

Nụ hôn mừng tuổi ngon mùi tết

Anh bảo em rằng mới tháng hai

...

Khi về hoa bưởi thơm mùi nhớ

Anh bảo em rằng qua tháng ba.

Xuân Diệu làm sao mà chờ đợi nổi kiểu tình yêu nay bởi dù:

Anh chỉ có một tình yêu thứ nhất

Anh cho em nên anh đã mất rồi.

(Tình yêu thứ nhất)

Xuân Diệu lao vào yêu cuồng nhiệt, yêu "vội vàng". Kiểu tình yêu này nóng bỏng thật nhưng vỡ tan nhanh chóng. Ta đọc những dòng thơ tình yêu của Bích Khê, Hồ Dzếnh sinh cùng năm với Xuân Diệu cũng yêu "lắm lắm" mà hình như "vắng em" là anh cũng "tiêu" luôn, cũng "thiu" luôn:

Trăng nay không nàng như trăng thiu

Đêm nay không nàng như đêm hiu.

(Tỳ Bà)

Yêu không được thì "chết" như trong "Xuân ý" của Hồ Dzếnh:

Mày ai bán nguyệt, người ai nhỏ

Em ạ! Yêu nhau chết cũng đành.

Không ai có thứ tình yêu mà Duyên Anh đã có. Nó thắm quyện giữa con người với "cái tuổi ngon mùi Tết" với cái "hoa bưởi thơm mùi nhớ". Thật háo hức làm sao! Trẻ trung làm sao! Tinh khiết biết dường nào! Hoa cau người ta nói nhiều nhưng hoa thơm nhất, không sao quên được vẫn là hoa bưởi. Tình yêu đậm mùi hoa bưởi mộc mạc gắn liền với quê hương là tình yêu bất diệt. Thơ Duyên Anh chỗ nào cũng đầy hình ảnh sâu sắc, đọc tới đọc lui mới tìm ra, phát hiện ẩn ý mà tác giả. Rồi thời gian qua đi, tình yêu hồn nhiên "rất mềm", "đủ mộng, sương mơ" ấy vượt cả không gian làm người trong cuộc thắc tha, thắc thỏm:

Chửa chiều đã ngỡ sao quên mọc

Anh bảo em rằng sắp tháng năm.

Đọc qua câu thơ "Chửa chiều đã ngỡ sao quên mọc", Duyên Anh bỏ luôn chữ "ngỡ" vào người đọc ngỡ như đơn giản mà đầy ngụ ý. Từ "ngỡ" cho ta cảm giác thời gian như chững ra, dừng lại. Không chờ đợi thì làm sao biết thời gian nhanh, chậm như thế nào? "Sao quên mọc" nhắc chừng một cái hẹn hò ban đêm đó! Nhưng "chửa chiều": Cái chưa đến làm sao mà đợi cái tiếp theo? Tình yêu của chàng coi bộ đã tăng theo từng cấp số. Nụ "hôn" từ đoạn mở đầu bài "Niên thiếu" cũng chỉ là nụ hôn "mừng tuổi ngon mùi Tết" thôi. Rồi một đêm "thức trắng canh tam cúc" giữa hai người nảy nở một "tình yêu hoa bưởi". Chàng khôn ngoan "vẽ hẹn hò" với nàng trên đường quê. Chao! Mới quen nhau chưa lâu thì đi dạo lòng vòng, nói lóng ca, lóng ngóng, hồn đi đường hồn, xác đi đường xác thấy mà... run, tim nện bịch bịch... e ấp làm sao! Thần tiên quá chừng! Đột nhiên thấy giật nẩy:

Vô tình tay nắm tay khắng khít

Anh bảo em rằng đang tháng tư.

Thật ra, câu thơ lập đi lập lại mãi một điệp khúc: "Anh bảo em rằng..." chỉ mình chàng ngầm hiểu để cho nàng biết rằng chàng yêu nàng không "vội vã" như Trảo Nha - Xuân Diệu, không mồm mép ca tụng nàng như Hồ Dzếnh, Bích Khê như Lưu Trọng Lư, Huy Cận kiểu ngoa dụ:

Em lùa gió biếc vào trong tóc

Thổi lại phòng anh cả núi non.

(Áo trắng)

Cử chỉ nắm tay" "vô tình" ấy hóa ra "có tình" làm ngọn cỏ cũng bồi hồi xúc động. Hai luồng điện nối kết như người ta nối mạng trên Internet với nhau để rồi đầy quá, tràn ra ngoài. Duyên Anh không nói đến từ xao xuyến mà ta thấy một trời xao xuyến. Nếu ta không chút động lòng nào khi đọc những dòng thơ này để nhớ lại cái tình "thuở ấy làm sao quên" thì quả ta mắc một chứng mà bác sĩ tâm lý học gọi là "lãnh cảm’!

Các dòng thơ viết về tình yêu loại này đều bày tỏ tấm lòng, khẳng định mình nhớ thương người yêu ngay và hay dùng chữ "thương". Diệu Thanh trong "Yêu thương" bày tỏ:

Thương nhớ hơn ngàn mây ấp núi

Hơn thuyền ru bóng giữa dòng sông.

Trong khi đó, Nguyễn Đình Thư khẳng định rằng:

Một thương là sự đã liều

Thì theo cho đến xế chiều chứ sao.

(Đến chiều)

Bàng Bá Lân trong "Chưa bao giờ thương thế" thì kêu to:

Ôi thương em, thương em

Chưa bao giờ thương thế.

Ta thấy cái "thương" của Trần Dạ Từ hồn nhiên mà đậm đà hơn:

Hôm nay chợt nhớ thương người

Tiếng ve mùa cũ rụng rời vai anh.

(Nụ hôn đầu)

Nhưng cái "thương" của Duyên Anh mặn mòi nhất. Tình yêu của Duyên Anh đặc biệt theo từng tháng, từng mùa nóng, lạnh, bão giông. Tình ấy mới nồng. Tình ấy mới không "chót lưỡi đầu môi". Tôi bỗng "thèm" cái yêu rất đổi nhẹ nhàng của Anh:

Anh bảo em nhiều đếm hết hông

Những lời tháng sáu có mưa giông.

Những câu tháng bảy heo mây lượn

Tháng Tám tình xanh, tháng chín hồng.

Tháng "tình xanh" tháng "tình hồng" nghĩa là tình yêu đã đi vào mùa kết nụ. Duyên Anh không như Đinh Hùng đã ngây ngất:

Anh say ngất tình em trong khóe mắt

Say hương thầm trên mái tóc nhung tơ.

(Ân tình dạ khúc)

Duyên Anh không nói "say ngất", không nói yêu nàng vì "mái tóc nhung tơ" hay giống như Nguyên Sa yêu "nhan sắc":

Trên cuộc đời sẽ chẳng có giai nhân

Vì anh gọi tên em là nhan sắc.

mà như đã lột hết cái tình ngất ngây qua ngôn ngữ cực tình tinh tế "đếm hết hông". Cụm động từ "đếm hết không" với "đếm hết hông" chỉ khác một mẫu tự K mà nội dung khác hẳn. "Không" chững chạc hỏi một phát một và cần trả lời phát một. Nó được dùng trong trường hợp dùng để hỏi, tự khẳng định bởi phủ định và mang tính nghiêm túc. Ví dụ Tế Hanh dùng "không" để khẳng định trong "Ước ao" cái tình của mình:

Anh không uống, anh không ăn, không ngủ

Anh khóc than, than khóc đến bao giờ.

Với T.T.Kh - Nàng thơ bí ẩn trong lịch sử văn học trong bài "Bài thơ cuối cùng" sử dụng 4 từ "không" cũng để khẳng định một tình yêu tuyệt vọng mà vô cùng tha thiết:

Đi nhớ người không muốn nhớ lời

... Nếu không yêu được thì tôi chết

... Giận anh không nỡ! Nhớ không thôi!

Nguyên Sa dùng "không" để hỏi: "Paris có gì lạ không em?" Từ "không" trong "Hai sắc hoa Ti-Gôn" của T.T.Kh một lần nữa vang giữa thinh không đau xé:

Nếu biết rằng tôi đã có chồng

Trời ơi! Người ấy có buồn không?

Thay những từ "không" bằng từ "hông" vào đây, các bài thơ trên coi như... hỏng! Bỗng nhiên từ "hông" của Duyên Anh trở thành "độc bá võ lâm" từ năm 1974 cho tới 12 năm sau có một người nhỏ hơn Duyên Anh 29 tuổi đã tình cờ để rớt từ "hông" vào bài thơ "Tháng sáu - Tình xa":

Ve khao khát gọi người qua bụng õng

Tháng sáu ngoài kia nhớ tháng sáu này hông?

"Hông" của hai người đều mang tính cách nhẹ nhàng, nũng nịu có hàm ý hỏi mà như tự trả lời. Chính từ "hông" được gói ghém trong chín tháng đó đã đẩy tình yêu bùng vỡ vào tháng mười và kết tụ vào tháng mười một:

Anh vỡ lòng yêu cuối tháng mười

Đóa hôn mười một cháy bùng môi.

Cụm động từ "vỡ lòng" ở đây còn mang tính chất "chơi chữ". Một, lòng vỡ yêu tức là lúc này "tá hỏa" ra mình yêu. Chàng trai của Duyên Anh (may mắn hơn vì nàng còn sống chứ không như cô hàng xóm của Nguyễn Bính mất, lúc ấy, Nguyễn Bính mới thấy rằng "quả tôi yêu nàng") phải mất tới chín tháng mới khẳng định sự bùng nổ đó. Hai, "vỡ lòng" còn mang một ý nghĩa "mối tình đầu của tôi" giống như bài học "vỡ lòng" mà Đỗ Trung Quân ngụ ý trong "Quê Hương" tức là sự "đầu tiên".

Bài thơ "Niên thiếu" có 7 khổ thơ. Khổ đầu và khổ sau mở và kết bằng từ "hôn" nhưng khác nghĩa bởi từ đi kèm. Khổ đầu là "nụ hôn mừng tuổi" có tính cách một tình cảm chớm nở như "nụ". Hình như còn ám chỉ cô bé còn nhỏ lắm, vậy nên "hôn" chỉ là món quà mừng năm mới thay vì "lì xì" tiền. "Đóa hôn" như nụ kia đã nở chút ít tạo ra hình dáng một bông hoa. Bạn đừng hỏi bông hoa gì vì tôi làm sao mà biết? (Có người thích mỗi hoa Ngọc Lan trong khi tôi yêu hoa hồng)! Nụ hôn tết thì chắc chàng chẳng gởi lên môi cô bé đâu mà cái nụ hôn sau muời tháng kiểm tra tình cảm, rồi cân, đo, đong, đếm đâu đó chàng mới trao trên môi nàng. Dĩ nhiên một "đóa hôn" được ban ra phải có sự đồng ý của người nhận. Nếu không, hậu quả gì sẽ xảy ra? Ai biết!

Sau cái hôn cháy bùng, chàng trai của Duyên Anh dừng lại nhưng Tế Hanh trong "Ước ao" đã thấy:

Rồi anh chết, anh chết dần, chết héo

Linh hồn anh thất thểu dõi hồn em.

Duyên Anh yêu cũng đắm say nhưng rất tỉnh táo, giữ gìn:

Anh đắm say nhiều nhưng chưa hối tiếc

Treo cây đời trái cấm vẫn còn nguyên.

(Sông lấp)

Tình yêu ấy thiệt làm ta hâm mộ quá! Chàng trai tháng mười một hôn "cháy bùng môi" đến cuối năm thì "nhật thực":

Tháng mười hai gọn vòng tay ấm

Ấy lúc hồn anh biết rã rời.

Từ "gọn", tôi muốn thử từ "trọn" vào nhưng chữ "gọn" bao hàm sự nhỏ nhắn của nàng trong Duyên Anh. Từ "trọn" có vẻ "chiếm hữu". Nó thiếu sự "che chở" của chàng với nàng. Tình yêu thiếu đi sự tin cậy, chở che của chàng đối với nàng thì cũng là tình sáng đến, chiều đi mà thôi! Chao! lãng mạng như thuở hai mươi! "Rã rời" na ná như "đã đời" nhưng từ "đã đời" ý diễn đạt sự bạo dạn của tình "chiếm đoạt" mạnh lấn át cái thấm thía len lõi tận cùng, máu thịt. Nó còn hay như thế nào nữa mời độc giả thử yêu rồi bình xem sao!

Tình yêu có hương vị quê hương là nền. Có thời gian là thước đo ân tình thì mãi mãi là một tình yêu bất tử. Nó chỉ có trong giấc mơ cho người ta ước ao để người yêu thầm nhớ như Duyên Anh đã nhớ trong "Bấy giờ em ơi" năm 1984:

Có bao giờ em hỏi
Quê hương mình ở đâu
Có bao giờ em đợi
Tháng mấy trời mưa ngâu
Có bao giờ em nói
Lời tình tự ca dao
Có bao giờ em gọi
Hồn ta về với nhau


Mùi hương nào gợi nhớ
Vườn trăng thoảng hương cau
Con diều nâu đòi gió
Gửi nhạc sáo lên cao
Nhịp võng trưa mùa hạ
Ngày xưa ru ngày sau
Thi ca trong sữa lúa
Tiểu thuyết trên lụa đào

"Hương cau, mưa ngâu, sữa lúa, vườn trăng, lụa đào, con diều, nhịp võng" là tất cả hồn thơ, là cái nhụy của tình yêu vĩnh cửu của bài thơ, là quê hương của tác giả.

Trang Châu đã từng có "Ba điều ước" :

Em hãy đến rồi đi

Hãy ở xa và nhớ

Hãy muôn thuở là của anh mà không phải của anh.

Một tình yêu thần thánh chỉ để tôn thờ. Một tình yêu chỉ đẹp khi còn dang dở? Yêu như Duyên Anh, thiết nghĩ "trên đường tình ta đi" chẳng mấy ai! Có chăng cũng như Duyên Anh mơ màng... cổ tích! Hai từ cổ tích cũng khép lại dòng sông tình yêu êm đềm, sâu lắng của Duyên Anh để mở ra một ngã rẽ đau lòng khác trong "nỗi niềm riêng một đời dấu kín" của Anh.

* Duyên Anh: "Cám ơn em đã yêu anh" và xin "Hôn em kỷ niệm" với nỗi niềm tha hương:

Sau biến cố 1975, Duyên Anh cùng những người viết văn có tính chất "chống cộng" đã bị chính quyền mới cấm viết lách và bị giam không xét xử trong sáu năm tại các trại tập trung. Duyên Anh được trả tự do nhờ tổ chức quốc tế Amnesty International và Pen Club International can thiệp. Sau đó, Duyên Anh rời Việt Nam đến Pháp bằng chuyến vượt biển. Duyên Anh đã viết lại 20/50 tác phẩm và nổi danh nhanh chóng trên đất người. Đó cũng là câu trả lời vì sao, vị giáo sư Pháp lại ca ngợi nhà văn lão luyện vì thời cuộc mà trở thành nhà thơ nổi tiếng này!

Nghe từ "chép lại" đã ớn lạnh mà thêm "viết lại" thì ai mà chẳng nổi da gà. Phục quá!

Nhưng dù những hào quang quay quanh (báo chí, đài phát thanh, đài truyền hình, nhà xuất bản Pháp xúm đưa tin, nói, viết, in sách Duyên Anh) mà tác giả này vẫn cảm thấy cô đơn, hiu hắt:

Ta đến một mình không có ai

Gập ghềnh địa nạn, dốc thiên tai…

Ta đến một mình ta với ta

Bỗng dưng thương ngục đá đêm già.

Cuối đường hiu hắt chiều giăng mắc

Thấp thoáng hồ ly đóm lửa xa.

(Ta và ta -1986).

Một câu mà gieo tới ba từ "ta" sao mà lẻ loi. Hình ảnh "ngục đá đêm già" lại bắt ta động não rồi đây! Nếu ngục đá mà có dấu phẩy đằng sau "ngục đá, đêm già" thì chì là một ngục đá tầm thường như bao cái nhà tù khác. Còn cụm danh từ "ngục đá đêm già" dính chùm với nhau thì thành ra nhân hóa nỗi cô đơn lạnh lẽo của đá ra của người! "Điện từ cùng dấu thì đẩy nhau" vật lý so sánh trong lĩnh vực văn học coi bộ trật lất! Với Duyên Anh, ta một mình cô đơn nên ta xót, ta thương cái ngục đá cũng cô đơn lạnh lẽo như ta. Câu "đoạn trường ai có qua cầu mới hay" của Nguyễn Du trong "Truyện Kiều" bỏ vào chỗ này chắc không lộn chỗ! Thành ngữ "Ở trong chăn mới biết chăn có rận" thêm vào chắc cũng không lầm đường!

Lòng trống vắng lòng thêm cay đắng

Mới xót xa trái khổ qua già.

Chàng võ sĩ bọ ngựa thôi chống gươm mơ màng cổ tích, thôi cỡi trần tắm vũng hoa niên. Chàng bỏ dòng sông tình yêu mười hai tháng mà đi:

Ta đến một mình không có em

Mùa tàn, đất nẻ, bắt lời tim.

(Ta và ta)

Quê người, đất khách làm sao không thở dài: "Ta đến một mình không có em"! Bài thơ 4 khổ lập lại từng câu đầu "Ta đến một mình" nghe cô đơn lắm, buồn lắm! Người ra đi nếu là sự tự nguyện với mục đích nào đó thì không thể nói lời hối tiếc, buồn thương, cô đơn nhiều như vậy!

Cao Bá Quát chỉ rời làng Phú Thị (Gia Lâm - Bắc Ninh) "Đến làng Đông Du, đêm ngủ đỗ" mà đã buồn vì nhớ nhà:

Đầu song đứng ngóng quê hương

Quê hương đâu phải dặm trường xa xôi.

...

Biệt ly biết đến bao giờ

Vẫn còn nấn ná quê người một thân.

Đã "biệt ly" là phải nhớ nhung. Cung Tiến có bản "Biệt ly" nổi tiếng thập niên 60 cũng là gởi lòng ngậm ngùi xa cách mà thôi! Càng xa cách càng nhớ nhiều. Nỗi nhớ nhà sẽ là con mối gậm nhấm cho kẻ đi xa. Huy Cận cũng từng trào xúc cảm trong “Tràng giang”:

Lòng quê dờn dợn vời con nước

Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà.

Hai câu thơ này bao nhiêu người đã thuộc, bao nhiêu người nhớ nó trong cái phảng phất hơi thơ Đường hoài cổ và nó "đại diện" cho dòng thơ Huy Cận.

Với Duyên Anh, Paris buồn vì Duyên Anh đang thất thơ, thất thưởng. Không khí phồn hoa của "kinh thành ánh sáng", "ngàn năm văn vật" này không đủ sức quyến rũ họ Vũ này như đã làm Nguyên Sa chết mê, chết mệt:

Mai tôi đi chắc Paris sẽ buồn

Tôi yêu Paris hơn một người bạn yêu một người bạn hơn người

yêu yêu một người yêu.

(Paris)

Nguyên Sa đã quay về sao thời gian du học. Duyên Anh thì không còn chỗ mà về (dòng sông đã lấp). Anh không còn sống để mà về. Một đi không trở về này là viên đá tảng đè trên ngực đến phút cuối cùng và cũng là dòng thơ u ẩn như Duyên Anh đã viết, đã tâm sự, đã trăn trối:

Rượu xuân mừng chén lênh đênh

Nghìn năm sau vẫn một mình, mình thôi.

(Khai bút)

Nỗi niềm cô đơn cũng là nỗi lòng của tất cả những văn thi nhân đang vất vưỡng nơi xứ người.

Thanh Nam trong "đêm cuối năm uống rượu một mình" để nhìn ánh "Tà dương cuối đời" mà u hoài với cái Tết tha hương:

Chín năm đón Tết quê người
Vẫn ta ở tạm, vẫn đời ghé qua
Chín năm thương tuổi thêm già
Cành Xuân đã ngã qua bờ Thu Đông
.

Mượn cảnh tả mình, mượn hình tả bóng, mượn đàn bà tả đàn ông, mượn không nói có, mượn gió nói mây... là nét đặc sắc của dòng thơ Duyên Anh. Kẻ tha phương không có gì vui thật sự cả. Bốn câu trong bài "Tha phương" năm 1987 đã kết thúc dòng thơ Duyên Anh hết sức "tự trọng":

Nỗi em thẹn phấn son người

Bước vui hụt hẩng rã rời phồn hoa.

Soi gương mất dạng kiêu sa

Giật mình bỗng thấy cái ta bẽ bàng.

Chính "cái ta bẽ bàng" đó lại làm cho ta kính trọng. Với một người mà tâm hồn đã thuộc về thế giới của người cầm bút đúng nghĩa thực thụ của nó thì làm gì "già" đâu mà biết cái kiêu sa, thẹn son phấn? Bản tự kiểm này đáng giá quá. Đôi khi, ta hãy soi vào đây để xem ta đã đánh mất ta chưa. Nếu chưa thì cũng là "sắp sửa" đó thôi:

Thoáng ban mai, vội chiều tàn

Mới hay hồn đã úa vàng kiếp xưa.

(Phù ảo)

"Thoáng ban mai" của Duyên Anh đã nhập vào "một tâm khúc" của Du Tử Lê. Tình yêu của em với sự ly loạn chia cắt đã thành một nỗi nhớ khi em cũng là... quê hương:

Ở chỗ nhân gian không thể hiểu
Tôi có người hồ như hạt sương.
Có bông hoa đỏ chiều tâm khúc
Tôi thấy từ em một quê hương
.

(Bài nhân gian thứ nhất)

Quê hương đã bỏ lại sau lưng với những người vượt biển trong một hành trình đi tìm tự do. Người còn sống sau những vật lộn với thủy thần với hải tặc đã thực sự nhận ra giá trị của sự sống sau một lần... chết là một đêm định mệnh "thầm thầm tiếng sóng oan khiên" trong "Đêm im lặng" của Vũ Thùy Hạnh:

Tôi về nơi trú ẩn

Một mình

giữa cõi lòng riêng

Nghe gió vi vu một miền hiu quạnh

Có vì sao lấp lánh mắt nhìn

Xin cám ơn đất trời vô lượng

Đã cho tôi

Còn

Cõi lặng im.

Với Thùy Hạnh, "một mình" sống trong "một cõi lặng im" đã là niềm hạnh phúc và niềm hạnh phúc may mắn sống còn đó đã, đang và vẫn chôn giấu một nỗi niềm riêng trong "nỗi sống vô cùng"! Nó cũng tan vào "Phù ảo" của Duyên Anh.

Nếu như Nam Lộc hay những người cùng tương ý sau biến cố 1975 đã... khóc SàiGòn "SàiGòn ơi! Tôi đã mất người trong cuộc đời" thì Duyên Anh trong các bài "SàiGòn trường ca", "SàiGòn ra đường", "SàiGòn trong nhà", "SàiGòn thanh niên" vẫn khẳng định "SàiGòn không mất" với một điệp từ như một khúc ca quê hương:

Sàigòn tình thơ anh
Sàigòn ấu thơ anh
Sàigòn mưa tâm tư
Sàigòn nắng tâm tình
Sàigòn mênh mông
Sàigòn vời vợi
Sàigòn rất tươi
Sàigòn thật mới
Thế giới ơi, tôi không mất Sài gòn
(Sa Ác, 30-4-1979)


Với Quách Xuân Sơn, SàiGòn muôn đời vẫn là “SàiGòn nỗi nhớ”:

SàiGòn ta chẳng quên

Xin hẹn ngày gặp lại.

Với Duyên Anh, SàiGòn muôn đời là những tách cà phê ngọt lịm tình quê chứ không phải là những cốc cà phê "bấm nút" thời điện tử ở Paris kiêu sa lộng lẫy. Mất SàiGòn về tay kẻ ngoại bang mới gọi là mất, còn mất về một phiá bên kia thì làm sao mà gọi là mất quê hương? Đó cũng là cách nhìn nhận trung thực, công bằng dù còn nhiều điều mất mát u ẩn! Đó cũng còn hơn những kẻ có tổ quốc lại manh tâm xé nhỏ để bán rẻ tổ quốc mình? Lời chỉ trích này, con cháu ta cần học đến muôn đời!

Duyên Anh với những niềm riêng một đời khó giải đã theo Người xuống cửu tuyền đài với niềm tiếc thương cho những người đồng cảm. Người đồng cảm là những người biết đau với nỗi đau thế thái nhân tình của người thất cơ lỡ vận!

II. Kết:

Tập thơ "Em, Tôi, SàiGòn và Paris" gồm 49 bài thơ có ghi ngày tháng năm rõ ràng (quan trọng để tìm hiểu tác giả - thời đại) với các thể loại ngũ ngôn, thất ngôn, tự do, trong đó, lục bát chưa chín tới về nghệ thuật (chiếm 26/49) nhưng nội dung bao gồm những ẩn dụ sâu sắc về cuộc đời như "Sắt thép đau", "Khai bút", "Địa ngục trần gian", "Cái bang", "Trần thế", "Nghịch thiên"... Có thể nói đây là một tập thơ trong sạch về nghĩa khí, chín mùi về thế thời, sâu lắng về kỷ niệm, đột phá về tư tưởng, hiền lương về nhân cách, nghiệt ngã về số phận, chân thành về tình yêu, nặng nghĩa về tình bạn, tha thiết về tình quê. Tập thơ không đụng chạm mà trúng đích, không chỉ trích mà ám thị, không mạ lỵ nhưng khinh mạn, không than vãn mà ngạo đời, cam chịu số phận nhưng tự trọng trong nhân cách hiếm có trong văn học người Việt hải ngoại nói riêng và văn học Việt Nam nói chung.

Duyên Anh với những niềm riêng một đời giấu kín (quê hương, tình yêu và tha phương) đã lặng lẽ ra đi "ai nhớ và không cần ai nhớ". Thế giới thứ ba sẽ không còn chia cắt, không còn hận thù. Kính nễ Anh chính là sự kính nễ một kẻ biết làm "NGƯỜI". Từ nỗi đau "tàn phế" tinh thần (cấm viết) đến "tàn phế" thể xác (liệt nửa người vì bị kẻ thù hèn hạ tấn công) nhưng Anh không buông bút. Anh vẫn viết bằng tay trái và viết hơn một thời Phùng Quán quyết liệt trong "Lời mẹ dặn" năm 1957:

Tôi muốn làm nhà văn chân thật
chân thật trọn đời
Đường mật công danh không làm ngọt được lưỡi tôi
Sét nổ trên đầu không xô tôi ngã
Bút giấy tôi ai cướp giật đi
Tôi sẽ dùng dao viết văn lên đá.
Theo người bạn thân thiết của Duyên Anh là Vũ Trung Hiền tổng kết, với bàn tay trái, Duyên Anh đã thêm "14 quyển sách, tính đến lúc qua đời năm 1997. Tổng cộng, suốt cả cuộc đời cầm bút, Duyên Anh đã viết đến hàng ngàn bài báo, phiếm luận, 82 quyển sách, 3 tập thơ và hơn 100 bản nhạc. Ba tác phẩm của ông đã được dịch ra Pháp Văn, trong đó quyển La Colline de Fanta được phóng tác quay thành phim" ("Duyên Anh và tôi", hungviet.com).

Nhân bản đâu chỉ ở thương người là cho người tiền bạc, cơm áo? Nhân bản chính là ở lương tri. Lương tri của tri thức khi tri thức thuộc về nhân dân. Kêu gọi người sống thế là cho có "nhân cách", đó cũng chính là thuộc tính "Nhân bản". Kẻ làm chí sĩ thời nào, chế độ nào không chết sống cho chế độ đó, thời đại đó thì làm sao mà trở thành "chí nhân". Họ sẽ là những con... chí ẩn núp trên tóc người để hút máu mà thôi. Alexander Pope – nhà thơ nổi tiếng của Anh từng nói: "Fools rush in where angels fear to tread" (chỉ có người dại mới vào nơi mà thiên thần không dám đến). Duyên Anh đã đi vào làng văn và đã dám sống và chết vì nó. Đó là cái chết của những con thiên nga trên hồ văn học chứ chẳng phải là cái chết của con cò trên cánh đồng đã khô cạn nghĩa nhân.

Với Duyên Anh, những cái tên Thương Sinh, Thập Nguyên, Mõ Báo hay Đồng Nai Tư Mã, hoặc Độc Ngữ đã "tử chiến" trên sa trường văn học, báo chí một thời gian dài mang lại vinh quang và cả những tàn phế cho nhà văn cũng trôi theo dòng chảy thời gian. Có còn chăng là Duyên Anh của một thời "Tuổi ngọc", là Duyên Anh với những bài thơ sau biến cố 1975 giàu lòng vị tha, đầy tình yêu thương quê hương qua những ẩn dụ buốt lòng, sâu sắc, đượm buồn trong tháng ngày tiếc nuối... Ta đã hiểu vì sao sau những biến cố tàn phế, Duyên Anh tìm về những sáng tác "rất quê hương" như "Vỡ lòng ca dao", "Về với ca dao"... . Đánh giá về người đàn anh này, Phạm Anh Dũng nhận xét: "Những văn sĩ, thi sĩ, nhạc sĩ, họa sĩ, ca sĩ... nổi tiếng, tài giỏi, nghệ sĩ đến đâu thật ra cũng chỉ là người, không phải là... thánh. Cũng vậy, Duyên Anh chỉ là một người có những tính tốt đáng khen phục và những tính xấu cần phải chê trách. Vũ Mộng Long đã có những hận, thù, ghét và nhưng cũng đã có những yêu thương, tha thứ như mọi người. Duyên Anh được nhiều người mến thích và cũng lắm kẻ ghét không đội trời chung." ("Duyên Anh và tôi" dactrung.net).

Sách "Lễ Ký" có nói: "Sa chân thì chết đuối, sẩy miệng thì chết oan". Điều này thể hiện rất rõ trong giới giang hồ và trong việc thanh trừng các phe phái đối lập về chính trị. Chết oan là cái chắc! Duyên Anh thoát chết vì "sẩy miệng" nhưng tàn phế vì "sa chân" thì có khác gì sống không bằng chết? Trong ba cái kiêng nhất ở đời như Lã Khôn đã chỉ rõ thì Duyên Anh "quơ trọn" ít nhất là một trong ba: Đó là chữ "tài":

1. Khí kiên nhất là hung hăng.

2. Tâm kiên nhất là hẹp hòi.

3. Tài kiên nhất là bộc lộ.
Không ngẫu nhiên, Duyên Anh lại từ nhà văn chuyên nghiệp trở thành nhà thơ của lương tri và từ nhà thơ nhân bản. "He is truly wise who gains wisdom from another's mishap" (Người khôn học hỏi từ lỗi lầm của người khác). Anh đã trở thành... nhạc sĩ không chuyên với "Ru đời phù ảo" và dòng nhạc này đã ru hồn Duyên Anh ở lại với núi sông khi một lần nằm xuống! Lời hát: "Bạn bè còn đó anh biết không anh", Trịnh Công Sơn viết "Cho một người nằm xuống" nhưng đã không chỉ dành cho một người... đang từng bước thầm về phía quê hương. Anh đã tha thứ cho kẻ thù và đó cũng là cách duy nhất tự hoàn thiện mình. Muốn cai trị người khác, trước hết, tự biết cai trị bản thân mình. Vậy mới nói chiến thắng bản thân mới là chiến thắng vĩ đại nhất chứ không phải là chiến thắng của những viên đạn mù, những nhát dao hèn hạ đâm từ phía sau lưng. Không chiến đấu trực diện, chẳng có kẻ thắng nào được coi là anh hùng! Duyên Anh đã là người hiểu biết lẽ đời. Trong "Cuồng ngâm", Anh than:

Thời thế thế thời thê thảm thật
Thế thời thời thế thế thời thôi
!

Ta nghe như một Ngô Thời Nhậm thời Tây Sơn hào khí: "Gặp thời thế thế thời phải thế" để chết vì đòn da hèn hạ của Đặng Trần Thường thời Gia Long!

Thế giới thứ nhất của con người là cuộc đời với thiên đàng và địa ngục trần gian. Thế giới thứ hai là về với cát bụi. Thế giới thứ ba "cổ tích" mới là thế giới của những nhà văn, nhà thơ, những chí nhân!

"Em, Tôi, SàiGòn và Paris" là cây cầu nối nhịp cho những ai yêu thơ, thương "ngựa về vết chém ngang lưng" từ bến bờ bên kia nhìn lại bên này.

Thơ Duyên Anh với hình ảnh tinh tế và ẩn dụ ngụ ngôn sâu sắc là nghệ thuật. Duyên Anh - nỗi buồn "tàn phế", nỗi "hoài cổ", cái tôi ngạo trời, một nỗi niềm riêng là nội dung. Thơ Duyên Anh đã tổng hợp cả hai mặt nội dung và nghệ thuật nét cuồng ngông của kẻ có tài nhưng thất thế của Cao Bá Quát, có triết lý "thói đời" của Nguyễn Bỉnh Khiêm, mang tính dân tộc khinh ghét kẻ hèn bán nước, "mượn râu hùm nhát khỉ" của Phan Văn Trị, thể hiện khí phách "trèo thông trong tuyết" của Nguyễn Công Trứ, ẩn nhẩn với "khôn - dại" của Nguyễn Khuyến, âm hưởng khí chất kẻ sĩ chẳng gặp thời của qua chén rượu cạn một mình của Lý Bạch. Khi mượn cổ tích để khẳng định công lý, lẽ đời, thơ Duyên Anh bao trùm hồn thơ ẩn dụ, đậm sắc thái ngụ ngôn của La Fontaine. Chính vì vậy mà tập thơ này của Duyên Anh sẽ là "người bạn đồng hành" của những người một mai té ngựa! Ai có chắc ta sẽ là vĩnh viễn cỡi trên lưng con ngựa chứng thế thời? Không có ai!

Một tác giả lớn như vậy mà trong tuyển chọn 158 tác giả của nhóm Trương Đình Nho đã không có bóng dáng Duyên Anh! Vì thế, cuốn sách “20 năm văn học Việt Nam hải ngoại 1975-1995” cần xem xét lại tư cách đại diện cũng như khả năng đóng góp văn học của các tác giả và mục đích của nhóm tuyển chọn. Ngay cả Nguyễn Hưng Quốc là một nhà giáo có đầy đủ tư cách pháp nhân, tư cách văn học để phê người và giới thiệu người cũng không hề nhắc đến cái tên Duyên Anh trong bài khái quát “Hai mươi năm văn học Việt Nam ở hải ngoại” mở đầu cho cuốn sách của Trương Đình Nho. Một người chống Cộng lại không giới thiệu nổi một nhà văn chống Cộng “nguy hiểm nhất” của Cộng sản?? Nguyễn Hưng Quốc viết “Bức tranh văn học hải ngoại chỉ thực sự hừng sáng nhờ một biến cố, vẫn là một biến cố không có quan hệ gì đến văn học: phong trào vượt biển” (20 năm văn học VN hải ngoại 1975-1995, trang 17). Duyên Anh không từ kẻ vượt biển mà ra hay sao? Một loạt những cái gọi là “nhà văn, nhà thơ…” được xướng danh trong cuốn sách nói trên cũng có thể nói là sự cố gắng tìm kiếm thi nhân, thi văn của nhóm chủ trương nhưng thật sự mà nói, những cái tên ấy so với bút hiệu Duyên Anh thì chỉ đứng sau lưng ông ta hàng trăm cây số! Vậy thì tất cả những lời phán xét, nhận định về Duyên Anh cần phải đọc tác phẩm mới tìm ra ngọn nguồn “vì sao có sự bất thường? Vì sao có sự ghét thương lạ kỳ?” này đối với nhà văn, nhà thơ Duyên Anh?

Văn học không của riêng ai thì đừng vì những chút riêng tư, vị kỷ mà lãng quên nhân tài! Duyên Anh đã đặt một viên đá vào trụ đồng văn học. Có đặt trật hay không, người đời sau sẽ là những tình nguyện viên đặt lại để bàn tay Anh không chạm vào vết thương trên lưng ngựa lần nữa. Dòng sông xưa của Anh không hề lấp bao giờ: "Sông dài bao dung, sông rộng vị tha".

Chúng ta hãy để cho tâm hồn mình thành "sông dài", "sông rộng" mà cùng Duyên Anh "Nhìn Lại Bến Bờ"! Một bến bờ ẩn dụ tu từ học sâu sa…

Tháng 02/06/ 2000
Ngọc Thiên Hoa

TƯ LIỆU THAM KHẢO CÓ SỬ DỤNG:

1. Tập thơ "Tôi, Em, SàiGòn và Paris" (Duyên Anh, vantuyen.net, luongsonbac.com).

2. Thơ Thanh Nam, Trang Châu, Thanh Tâm Tuyền, Du Tử Lê, Tô Thùy Yên, Nguyễn Tất Nhiên, Cung Trầm Tưởng, Hoàng Xuân Sơn... (vietbay.com, thoivan.com, vantuyen.net), Vũ Thùy Hạnh, Huỳnh Liễu Ngạn (“20 năm văn học VN hải ngoại 1075-1995”, Nxb Đại Nam 1995)...

3. “Duyên Anh và tôi” (Phạm Anh Dũng, dactrung.net).

4. Tiểu sử Duyên Anh (vantuyen,net, luongsonthidan.com).

Xin chân thành cám ơn.

DUYÊN ANH (1935-1997) NHÌN LẠI BẾN BỜ

Ngọc Thiên Hoa

1. DUYÊN ANH (1935-1997) NHÌN LẠI BẾN BỜ

I. LỜI MỞ:

Giáo sư đại học Sorbonne - nhà văn, nhà sử gia người Pháp Piere Chaune đã viết về Duyên Anh: "Duyên Anh là nhà thơ lớn, vinh quang của quốc gia" ("un grand poète, un gloire natianlae" – vantuyen.net). Quốc gia nào? Không ít người biết Duyên Anh là nhà văn của thiếu nhi và "bạn" của những kẻ cù bơ, những giang hồ thời cũ. Tại sao giáo sư một trường nước ngoài gọi Duyên Anh là nhà thơ lớn?

Vũ Mộng Long (Duyên Anh) sinh ngày 16 tháng 8 năm 1935 tại Thái Bình. Ông viết văn rất sớm và với số lượng tác phẩm và chủ đề về tuổi thơ, tuổi học trò, về những bụi đời..., Duyên Anh hầu như không có đối thủ trên lĩnh vực này. Những tác phẩm tiêu biểu trong 50 cuốn: “Hoa thiên lý”, “Thằng Vũ”, “Điệu ru nước mắt”, “Ngày xưa còn bé”, “Vết thù trên lưng ngựa hoang”, “Dzũng Đakao”, “Thằng Côn”, “Mơ thành người Quang Trung”, “Tuổi mười ba”, “Bồn lừa”, “Ngựa chứng trên sân trường”, “Áo tiểu thơ”, “Chương còm”, “Mặt trời nhỏ”, “Gấu rừng”, “Cỏ non”, “Lứa tuổi thích ô mai”…

Những nhân vật Trần Đại, Tường Vi, Dũng ĐaKao, Chương Còm..., những "Tuổi ngọc" (tên tòa soạn) mà Duyên Anh viết với các đặc tính lỳ lợm, rắn mắt, nghịch ngợm, giang hồ... thật quyến rũ, mang giá trị hiện thực. Gạt ra những râu ria mà người có nhiệm vụ mổ xẻ cho là tính "chính trị", thiết nghĩ, khó có ai viết văn mà gọn gàng, văn vẻ, gần gủi cuộc đời với tốc độ nhanh như vậy, nhiều kẻ thù đến vậy. Tiếng tăm văn học của ông vang dội đến nổi nhà nước Việt Nam sau 1975 đã xếp ông vào “một trong mười nhà văn nguy hiểm nhất” của chế độ. Sự thật đúng vậy chăng?

Tặng cho Duyên Anh một giá trị "một trong những nhà văn lớn của đương thời" (Mai Thảo, Trầm Hương, Mộng Giác, Đinh Tiến Luyện, Hồ Trường An, Nguyễn Tấn Hưng. Võ Kỳ Điền, Thâm Tâm Tuyền…) cũng không nói "nịnh bợ, tâng bốc" cho lắm!

Xét một người với tư cách "nhà văn, nhà thơ"..., người nghiên cứu cần điểm qua hết những sáng tác, những công trình. Chúng ta đừng đứng trên quan điểm chính trị cứng ngắt (chính trị cũng cần cái "ướt át" để thay hình đổi dạng cho hợp với từng giai đoạn, từng hoàn cảnh...) mà loại bỏ một tài năng. Những sáng tác, những công trình nếu chỉ phục vụ mục đích chính trị cho một thời điểm, một chế độ, chúng chỉ có giá trị nhất định trong thời điểm với chế độ đó mà thôi! Chung quy lại, những sáng tác, những công trình mang tính quần chúng, đụng chạm đời thường (vướng mắc tư tưởng, những khát vọng tự do, ước mơ hạnh phúc hay đúc kết những kinh nghiệm sống, những thăng trầm trong thương yêu, những cung bạc hận thù với những điệu ru nước mắt bằng trái tim đau thắt với tiếng lòng không biên giới như tiếng sóng vẫn mãi vỗ nơi bờ) là mang giá trị vĩnh cữu!

Bản thân nền văn học Việt Nam đâu tự nhiên mà có? Nó cũng không chỉ từ một người nào mà nên. Do đó, ta càng không thể phủ nhận công trình "mỗi người góp ít chất xám” từ những con người sinh trưởng ba miền với đẵng cấp, trình độ, nghề nghiệp, chế độ khác nhau... tạo nên nền “Văn học Việt Nam” từ cổ chí kim (không phải chỉ là nền văn học một chế độ).

Duyên Anh đã đặt một viên đá vào "cây trụ đồng" văn học Việt Nam ("Đồng trụ chiết, Giáo Chỉ diệt" - Cây trụ đồng ngã, nước Giao Chỉ bị tiêu theo sự nguyền rủa ác khẩu của Mã Viện).

Những tác phẩm của Duyên Anh nơi xứ người từng đô hộ dân ta một trăm năm lại được người xứ ấy đón nhận hết lòng, ngưỡng mộ vô song thì tại sao ở ngay cái nơi "chôn nhau cắt rún", chúng lại bị coi như một "kẻ thù nguy hiểm" tệ hơn cảnh "mẹ ghẻ con chồng"? Tâm trạng bị bỏ rơi quả "rất đau" đối với một người nặng nợ văn chương như Duyên Anh nói riêng và những ai vướng vòng nghiệp chướng văn nghiệp nói chung - nạn nhân của "cuộc cách mạng văn hóa" không cần thiết phải là cuộc văn hóa "copy"!

Chúng ta đã từng học câu dạy của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn trong "Hịch tướng sĩ": "Kiền canh nóng thổi rau nguội" (“Đương dĩ trường canh suy tê vi giới”#trừng ư canh nhi xuy tê hề” - Sợ canh nóng quá đến cả rau nguội cũng thổi) để đề phòng bất trắc cho an ninh quốc gia. Tôi mượn câu này với cái ý "đề phòng" nhưng lại "đề phòng văn học" trong lĩnh vực "đại cách mạng văn hóa, tư tưởng, chính trị" của một chế độ đàn anh Trung Quốc thời kỳ 1966 -1976. Thời kỳ này, với bàn tay sắc của Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình (Trung Quốc từng tự hào không có Mao, Trung Quốc không mạnh, không có Bình, Trung Quốc không no) có sự sơ hở. Chính sự sơ hở trong vụ “cách mạng đỏ” của Trung Quốc dưới thời Mao đã ghi vào lịch sử Trung Quốc những bài học sai lầm trong chính sách sắt thép. Đi theo gót đàn anh, Việt Nam thời sau 1975 sao chép y chang những bài học lịch sử này cũng không có gì lạ cho tâm trạng "thổi cả rau nguội vì sợ canh nóng"! Bởi vì, văn học là vũ khí chiến lược rất có hiệu quả cho bất cứ một chiến lược tuyên truyền, vận động. Tư tưởng “sợ văn như sợ cọp” là bởi thế.

Dòng "nước mắt chảy xuôi" đã bắt đầu chảy ngược. Dòng văn thơ bên lề cuộc đời đã xuất hiện từ xưa "điểu tận cung tàn" với Nguyễn Trãi, Ngô Thì Nhậm... được bổ sung thêm bởi những tiếng lòng "đất trời bao la mà ta không chốn nương thân" - chốn nương thân của văn học bất đắc chí dành Cao Bá Quát, Nguyễn Khuyến, Tú Xương, Nguyễn Công Trứ... Văn thơ bên lề đón nhận họ thì nay có dang tay đón thêm một người nữa không phải là danh nhân như Nguyễn Trãi, không đến nổi bần cùng như Tú Xương, không quá ngạo nghễ như Cao Bá Quát, không an phận như Nguyễn Khuyến mà chỉ là loại "rau nguội" để khi đói lòng người ta ăn đó là Duyên Anh?

Nhiều người viết thạo chỉ một lĩnh vực hoặc văn, hoặc thơ, có người tài hoa trên mọi lĩnh vực. Riêng Duyên Anh chỉ khiêm tốn chọn một khoảng giữa văn và thơ. Văn là sở trường còn thơ là là "bất đắc dĩ" khi "gặp thời thế, thế thời phải thế." Duyên Anh trong một thời gian không dài ở hải ngoại đã nhanh chóng chuyển mình từ “cái tôi” cuộc đời sang “cái ta” của thời cuộc để trở thành một nhà thơ lớn. Nhà thơ, nhà văn lớn hay nhỏ không thành vấn đề. Vấn đề chính ở chỗ họ có đóng góp gì cho nền văn học Việt Nam?

Tôi chỉ là người thích "nói chuyện bên lề" của những trái tim thơ. Những trái tim thơ rỉ máu vì đau thương hay cô đơn hoặc là đá tảng, là băng giá, loạn nhịp đời... cũng làm tôi rung động. Một thoáng rung động này xin gởi đến tập thơ Duyên Anh “Em, Tôi, SàiGòn và Paris”, tôi xin coi như một nén hương tưởng niệm ba năm mất của Người.

MỘT PHẦN ĐỜI DUYÊN ANH VÀ THỜI ĐẠI

1. Duyên Anh: Nỗi buồn "tàn phế":

Duyên Anh sinh ra giữa lúc cao trào "Xô Viết Nghệ Tĩnh" (1931-1935), phong trào "Phản phong, phản đế" (1935 - 1939) đi đến giai đoạn cuối. Các nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ đã có những tác phẩm để đời ra đời. Vũ Trọng Phụng tính từ mốc 1935 trở đi đã có: "Cơm thầy cơm cô", "Giông tố", "Vỡ đê", "Số đỏ". Nam Cao đã có: "Chí Phèo". Nguyễn Công Hoan có truyện ngắn "Kép tư Bền” (1935). Văn Cao có: "Buồn tàn thu", "Cung đàn xưa" (1939). Lưu Trọng Lư có "Tiếng thu" (1939). Nguyễn Bính giải khuyến khích thơ của Tự Lực Văn Đoàn với tập "Tâm Hồn Tôi". Nhóm Tự Lực Văn Đoàn trong đó có Nhất Linh ra đời tờ "Ngày Nay", "Kỷ nguyên mới" với Thạch Lam (1935). Khái Hưng có "Trống Mái", "Gia Đình" (1936). Hoàng Đạo có "Trước Vành Móng Ngựa", "Mười điều tâm niệm" (1937). Thạch Lam có "Gió Đầu Mùa" (1937)...

Tất cả những tác phẩm viết từ thời đó đã phản ảnh trung thực không nhiều thì ít những vấn đề thuộc địa, vấn đề đề cần lao, phản phong, phản đế. Đồng thời, chúng ít nhiều đứng về những người dân quê, những tầng lớp trong xã hội trong những năm tháng "Súng đạn nổ nhiều hơn hoa nở. Kiếp sống mòn nghẹt thở, kiếm lối ra".

Nỗi đau dân tộc bị chia cắt như một đoàn tàu bị cắt thành nhiều đoạn. Bốn mươi năm sau, hình ảnh đoàn tàu chia cắt từng đoạn đó đã không mờ mà vẫn hiện rõ từng mối thương tâm, ray rứt trong "Sắt thép đau" của Duyên Anh:

Hồn ta thanh sắt đường rầy

Con tàu oan nghiệt tháng ngày nghiến lên.

Cường toan nhỏ giọt đêm đen

Lặng thinh ta đếm ưu phiền rụng rơi!

(1975)

Hãy đặt bài thơ trong bối cảnh lịch sử lúc bấy giờ là năm 1975: Con tàu đã nối kết Bắc - Nam nhưng "cơn bão loạn lạc" đã dạt nhà văn này sang bờ cải tạo. Nếu cuộc “Cải cách ruộng đất năm 1953-1956” với chủ trương “Trí, Phú, Địa, Hào đào tận gốc, trốc tận rễ” như nạn diệt chủng với bao nhiêu oan khiên hận thù ngút ngàn, rồi đến việc loại bỏ cái gọi là "Nhân Văn - Giai Phẩm" hơn bốn mươi văn sĩ như Nguyễn Hữu Đang, Thụy An, Đào Duy Anh, Lê Đạt, Hoàng Cầm, Trần Dần, Văn Cao, Phùng Quán, Trương Tửu, Phan Khôi... là một sai lầm lớn thì cuộc “Cải cách ruộng đất năm 1976” với chủ trương, chính sách “Di dân từ Bắc vào Nam” tạo ra một cuộc di dân bản địa lên “Kinh tế mới” như một cuộc tái chiếm miền Nam lần thứ hai đã làm dân tình đảo lộn, thế sự rối ren. Lại thêm “chính sách tư tưởng văn hóa” cấm văn sĩ sáng tác tự do. Đó có khác nào bẻ tay, chặt chân? Con cua bò bằng tám cái càng, nay bị bẻ càng thì nó bò làm sao? Sống làm sao?

Thế là "thanh sắt đường rầy" được "tôi luyện" để cho những chuyến xe lửa chạy qua, chạy về đưa người về bến bãi nay bỗng bị vứt bên lề trở thành phế liệu! Cái hồn người đang tràn trề khát vọng, sống kiếp tầm nhả tơ dệt cho đời những sắc màu huyền thoại bỗng chốc bị tách ra, xô dạt vào một chỗ không còn gì để bám thì có khác nào cái "thanh sắt đường rầy" kia đón một "chuyến tàu oan nghiệt" không như đợi mong! Hai hình ảnh, hai vế so sánh ngầm với cách ''vật hóa" để nhằm nói lên một nỗi đau không được trọng dụng, thiệt hoài phí. Đàn ông tuổi bốn mươi chỉ mới là bắt đầu những "tinh hoa phát sáng". Bẻ bút từ giai đoạn này, đời coi như tàn phế!

Với Duyên Anh, bẻ bút là tàn phế cộng với nỗi ê chề. Một động từ "nghiến" lột hết sự tàn nhẫn của tháng ngày vô vị đã trở thành kẻ sát nhân trí tuệ nghiến nát tâm hồn con người. Thử tưởng tượng xem: Bác sĩ bị tước bằng hành nghề, nhạc sĩ không được kẽ dòng nhạc, họa sĩ không cầm cọ, giáo viên không cho cầm viên phấn... đồng tàn phế như nhà văn, nhà thơ không cầm bút. Thôi thì... ăn một viên đạn "ân huệ" cho xong!

Với hình ảnh ẩn dụ của đường tàu, sắt thép, Cung Trầm Tưởng đã nhìn thấy sự lỡ làng vì thời cuộc:

Con tàu khởi động đã từ lâu
Nên chuyến ra đi lại trễ tàu.


(Khoảng cách)

Sự “trễ tàu” cũng như “trễ chuyến đò" định mệnh của Huỳnh Liễu Ngạn trong “Thuận An”:

Trễ chuyến đò đưa chung lòng qua bến
Hai nẻo đời - hai nẻo mộng - sơn khê.


Trong khi đó, Tô Thùy Yên cảm nhận một cơn đau âm ĩ:

Tàu đi như một cơn điên đảo
Sắt thép kinh hoàng va chạm nhau.
Ta tưởng chừng nghe thời đại động
Xô đi ầm ĩ một cơn đau.


Sắt, thép, con tàu” và nỗi đau của Duyên Anh sâu sắc, ẩn dụ hơn với sự tàn phế. Cái hay, cái tài của Duyên Anh là chỉ dùng hình tượng, mượn cảnh mà tâm tình. Trong "Sắt thép đau" ngoài cái "đau" của tựa đề, ta không thấy chữ "đau" thả xuống toàn bài thơ mà lại thấm thía "cái đau" của người chỉ còn biết "lặng thinh ta đếm ưu phiền rụng rơi". Tức là ngày đã tàn, đời đã tan!

Trong bài "Phù ảo" chỉ có 6 câu nói về cái thân trong tù mà ta không thấy có một chữ tù; nói ý "buồn tàn thu" như Văn Cao đã dạo thành ca khúc mà lại không thấy chữ buồn, chán nào:

Ngồi đây cứ tưởng ngồi đâu
Không xin ở lại, chẳng cầu ra đi.
Trong ta bít lối chia ly
Ngoài người biết có nẻo về thênh thang.
Thoáng ban mai, vội chiều tàn
Mới hay hồn đã úa vàng kiếp xưa.


(1975).

Một nhà văn có tầm cỡ, một người đàn ông tuổi bốn mươi mà đã "bít lối", nẻo đi đường về "thênh thang", mơ hồ. Người buồn cảnh có vui đâu thì lấy gì mà không thấy bóng chiều, lấy gì mà không nghe cái hồn mới sáng là "ban mai" mà đã "chiều tàn" già cỗi? Buồn quá! Đọc câu thơ này, ta cảm nhận tâm sự man mác của Đặng Dung ngồi mài gươm dưới trăng chờ chặt đầu tên giặc gian ác Trương Phụ thời Minh ngày nào:

Thời lai đồ điếu thành công dị
Vận khứ anh hùng ẩm hận đa.


(Cảm hoài)

(Gặp thời, kẻ thường cũng thành công. Anh hùng lỡ bước ôm hận lòng!) Sao mà chua chát! Sự chát chua đó, trước kia ngàn năm đã có Lý Bạch mượn chén rượu say mèm đến bỏ mặc sự đời trong "Xuân nhật túy khởi ngôn chí":

Xử thế nhược đại mộng
Hồ vi lao kỳ sinh?


(Giấc mộng của đời lớn quá biết làm gì, nhọc lòng mà chi?). Bài thơ khai bút đầu năm của Lý Bạch mãi cho đến mấy thế kỷ trôi qua mới được tác giả Hoa Thiên Lý - Duyên Anh "Khai bút" lại vào ngày mồng một tết Ất Sửu:

Hình như trên mỗi nụ đào
Nỗi ta phảng phất chiêm bao cuối đời.
Rượu xuân mừng chén lênh đênh
Nghìn năm sau vẫn một mình mình thôi.


Ta không thấy Duyên Anh nói một từ "chán" hay một lời trăn trối mà y như ta đang nghe lời thì thào, trăn trối với nỗi "phảng phất chiêm bao cuối đời"! Giấc "chiêm bao" mà "cuối đời" mà cái đời đã "tắt lửa thiêng", mà cái đời chỉ là "thanh sắt đường rầy" mặc xác cho tháng ngày "nghiến" thì chỉ là một giấc chiêm bao tàn lụi, một đốm lửa chập chờn lóe lên rồi vụt tan biến! Người ta hồn nhiên, như ý thường có những giấc chiêm bao đẹp, no nê. Một Nguyễn Bính trong "Cô hàng xóm" trong giấc ngủ chàng đã thấy gì?:

Tôi chiêm bao rất nhẹ nhàng
Có con bướm trắng thường sang bên này.


Một giấc chiêm bao tương tư lãng mạn bởi lẽ chàng ta chưa bị "con tàu oan nghiệt tháng ngày" nghiến qua đời. Duyên Anh sinh sau Nguyễn Bính mười sáu năm lại không có giấc chiêm bao lãng mạn đó. "Nụ đào", nụ hồng là hình ảnh của mầm sống, là tuổi trẻ và ước mơ nhưng Duyên Anh đã không thấy sức sống đó nữa. Anh chớp mắt đã thấy đời tàn lụi ngay trên cái mầm mới vừa lú lên đã... chết héo! "Sáng chưa hạnh phúc đã oan nghiệt chiều" đó cũng là lời ru mà Duyên Anh đã tự "Ru ta, ru người". Trong "SàiGòn ra đường", Duyên Anh đã nhận ra sự thay đổi nhanh chóng của con người:

Mắt chim khuyên đã diều hâu hết
Cuối xuống nhìn lên vẫn ngậm ngùi.


(1981)

Con người tráo trở nghĩa nhân, đánh mất lương tri và hèn nhát. Tác nhân chính vẫn là thế thời mà con người đành phải làm con, kỳ nhông, tắc kè mới qua thời khốn khó. Duyên Anh thở dài trong "Bài ta":

Chiều nay ta thấy ra rời rã
Nhan sắc hồng lâu nguội phấn hương
.

Ta cũng bắt chước Đặng Dung thốt: "Thế sự du du nại lão hà" để chia sẻ nỗi niềm cay đắng, già trước tuổi với chàng trai tác giả "Mơ thành người Quang Trung" nay đã thành "phế nhân". Con người "phế nhân" mà Hàn Mặc Tử đã đau đớn kêu gào so với "phế nhân" Duyên Anh có khác gì nhau? Khác xa về nghĩa thật. Một bị "phế" phần "Hồn", một bị "phế" phần "Xác". Con người phải hài hòa giữa hai phần hồn và xác. Thiếu một trong hai phần đó, con người chỉ còn lại một từ "phế" giống nhau đến buốt lòng. Duyên Anh đã ôm cái buốt lòng ấy mà "hoài cổ":

2. Duyên Anh: Nỗi niềm luyến tiếc quá khứ:

Con người khi lỡ "đu dây cuộc sống" té nhào, không bám rễ vào hiện tại thì chới với, phải "bám víu" vào quá khứ. Quá khứ càng rực rỡ bao nhiêu thì sự luyến tiếc càng lớn bấy nhiêu và làm cái hiện tại rã rời thêm nữa. Luyến tiếc của Duyên Anh là sự luyến tiếc "tài hoa" không được sử dụng và có sử dụng thì cũng không đúng tầm. Từ cổ chí kim người ta vẫn gọi là "bất đắc chí" mà Duyên Anh đã mượn hình ảnh con ngựa để tỏ bày u uẩn trong "Khai bút":

Ngựa về vết chém ngang lưng
Ủ ê chiến tích rưng rưng chiến bào.
Tài hoa mối gặm hư hao
Tủi thân nhan sắc, nghẹn ngào phấn son.


Hai câu đầu đã đủ gợi lại một cảnh chiến trường mà kẻ thua không thấy xác và kẻ thắng cũng tan tác, cũng lằn dọc, lằn ngang. Chiến trường cũng là nguồn cảm hứng là chất liệu cho thi ca. Đỗ Mục đời Tam quốc khi đi ngang qua sông Xích Bích đã không nén được cảm xúc mà "khai bút" trong "Xích Bích hoài cổ":

Chiếc kịch trầm sa thiết vị tiêu
Tư tương ma tẩy nhận tiền triều.


(Lưỡi kích còn vùi dưới cát, có thể thấy dấu vết triều xưa). Bởi con sông Xích Bích là nơi Chu Du mượn gió Đông mà đốt 80 vạn quân Tào Tháo. Thắng bại gì cũng tạo ra vô số oan hồn chết chốc làm người hoài cổ rơi lệ!

Trương Hán Siêu vì cảm kích con sông Bạch Đằng - mồ chôn hai lần giặc Nguyên - Mông thời Trần Hưng Đạo và Ngô Quyền mà đã có bài "Bạch Đằng giang phú" nổi tiếng!

Trở lại "chiến trường" của Duyên Anh trong lục bát "khai bút". Lục bát dành cho ca dao thì trơn tru, dành cho dòng thơ tình yêu thì man mác niềm vui trong cay đắng lẫn nỗi đau trong ngọt ngào, dành cho nỗi niềm tâm sự "công không thành, danh không toại" là tiếng nấc nghẹn ngào, ngỗn ngang bao nỗi! Bốn câu lục bát trên, tự nó vạch nhịp 2/2 rõ ràng đều đều không đổi nhưng tôi vốn không thích lắm cách mổ xẻ vạch, bằng, trắc nhức đầu, chóng mặt, rối rắm, vô bổ nên lui xuống một bước để cho người đầy đủ công lực thơ chuyên nghiệp xông vào.

Dòng nhạc hay, hấp dẫn một phần nhờ phách, nhịp được hình thành do cao độ, trường độ, cường độ, âm sắc nhưng thơ thì tự người viết cảm hứng, bức xúc mà viết ra nên tự nó có nhịp sẵn. Không ai sắp nhịp sẵn nằm dài đó rồi bỏ chữ vào. Thơ phải có luật nhưng luật của thơ chính là dòng cảm xúc chứ không phải ba cái bằng, trắc chết tiệt kia! Với dòng cảm xúc của Duyên Anh, sự mã đáo thành công đã không là niềm kiêu hãnh của kẻ thắng cuộc. Hình ảnh kẻ thắng trận ủ dột quá, ngậm ngùi quá qua phương cách nhân hóa: Chiến tích biết ủ ê, biết ê chề; chiến bào rưng rưng lưng tròng nước mắt. Con ngựa, chiến bào là hiện thân của một con người qua ẩn dụ lần nữa lại trở thành kẻ bại trận không phải kẻ thắng.

Trong "Quá Linh Đinh Dương" của Văn Thiên Tường đời Tống có hai câu như một phương cách sống của kẻ làm người:

Nhân sinh tự cổ thùy vô tử
Lưu thủ đan tâm chiếu hãn thanh.


Ý ngụ rằng ai mà không chết! Vì thế cần lưu lại tấm lòng son cho sử xanh. Con "Ngựa chứng trong sân trường" sau khi lao ra "chiến trường sách vở" thì đã trở về với "Vết thù trên lưng ngựa hoang"! Chiến trường súng đạn gươm đao với chiến trường chữ nghĩa lại khác nhau mà thương đau giống nhau như chữ "phế" trong "phế nhân". Duyên Anh lại không nhắc đến chữ "anh hùng" mà ta lại liên tưởng liền đến con người anh hùng. Anh hùng trên chiến trận và anh hùng trên văn đàn khác nhau mà cũng giống nhau ở chỗ "hãnh diện" vì đã dám "tử chiến giữa sa trường"! Nhưng ngựa Duyên Anh trở thành con ngựa bị thương.

Con ngựa trong Hoàng Trúc Ly với "Nhân dạng" cũng thê thảm:

Mây còn bay cho chim chấp cánh
Ngựa què rồi em cỡi lưng anh.


Thế là chút hãnh diện còn lại cũng bị thương tổn, bị què quặt mất luôn. Vì sao vậy? Bởi vì "chiến tích" ngày nào đã không được coi trọng, áo chiến bào cũng nằm một xó, rưng rưng vì người ta đã không cần đến nó nữa. Sau đó, chịu không thấu cái ngụ ý lấp lửng, Duyên Anh đành phải bộc bạch:

Tài hoa mối gặm hư hao
Tủi thân nhan sắc, nghẹn ngào phấn son.


Câu đầu lại là một hình ảnh ẩn dụ độc đáo: Con mối ăn luồn tài hoa của con người. Con mối gặm giấy vở, gỗ chứ nào gặm được sự "tài hoa". "Tài hoa" đó lại ngầm theo hai nghĩa: Một, tài hoa đã phát tiết trên từng trang sách không ai đọc, bỏ mặc cho con mối (mối thật) gặm. Hai, tài hoa là con người không có đất dụng võ nữa thì thành là miếng mồi ngon cho loài mối (mối người) chết tiệt chuyên phá hoại kia. Khổng Tử từng nói: "Dụng nhân như dụng mộc" nhưng ông cũng cho "Gỗ mục không thể khắc". Vậy thì lũ mối kia đã là tác nhân cho sự mục ruỗng, vô tích sự này!

Nhìn lại lịch sử văn học đi cùng lịch sử Việt Nam thì những giai đoạn giao thời 45-54, 54-75, tiếng Việt chính vẫn là cái chữ quốc ngữ đâu phải chữ Tàu, chữ Tây gì mà kẻ viết văn phải gát bút, lặng lẽ rút lui để người thưởng thức nỗi ngậm ngùi như "Ông Đồ già" của Vũ Đình Liên khi: "Giấy đỏ buồn không thấm, mực đọng trong nghiên sầu":

Ông Đồ vẫn ngồi đấy
Qua đường không ai hay
Lá vàng rơi trên giấy
Ngoài trời mưa bụi bay.


Nỗi ngậm ngùi, luyến tiếc ở đây là cái tiếc một tài hoa với "đôi tay thảo những nét như phượng múa rồng bay" của ông đồ già khi không ai thuê viết chữ Tàu nữa. Còn sự ngậm ngùi, luyến tiếc tài hoa của Duyên Anh là cái gì? Tác giả cũng không hề nói mà ta cũng đã biết đó là: Những tác phẩm trong nước đã bị tịch thu, bị cấm, bị hủy! Tác phẩm ở nước ngoài thì “văn mình, vợ người” giữa bao nhiêu là Trần Ích Tắc, Lê Chiêu Thống, Câu Tiễn?

Đọc tiếp câu sau, ta không khỏi giật mình khi Duyên Anh đã cho câu: "Tủi thân nhan sắc nghẹn ngào phấn son" vào đây. Duyên Anh hình như đã chế ngạo, mỉa mai thân phận mình như một người đàn bà? Ta muốn cười mà cười không được vì câu thơ có "tếu" một chút nhưng buồn não ruột. Hóa ra không phải Duyên Anh đem đàn bà vào thơ để riễu mà chỉ là qua cách nhân hóa "nhan sắc tủi thân, phấn son nghẹn ngào" thêm nét hoán dụ, bổ sung cho "tài hoa" bởi sự thiên phú (nhan sắc), bởi sự trau chuốt (phấn son) để nói đến con người vô dụng mà thôi. Thiên tài không phải có sẵn mà phải do mình luyện tập cần cù mà ra. Càng đọc kỹ mới thấy tứ thơ "ý tại ngôn ngoại" trong thơ Duyên Anh thâm thúy lắm. Người càng cay đắng, thơ càng hay. Gừng càng cay, tình càng nồng. Quan niệm của người xưa vẫn đúng đó mà!

Nhìn lại những tác phẩm văn học từ cổ chí kim, từ trong nước đến ngoài nước, mấy ai có cái may mắn bước qua cái cầu văn học mà không chìm nổi lênh đênh. Văn học đi cùng lịch sử. Lịch sử thay đổi qua từng triều đại. Bên kia công thần thì bên này là đối nghịch. Duyên Anh đã đối nghịch với biến cố 1975 nhưng thơ Duyên Anh chẳng thấy một câu chửi rủa hạ cấp mà chỉ là tiếng kêu của con chim Cuốc. Hoài cổ chỉ còn là tiếng thở dài tiếp nối thở dài trong "Ta và ta" năm 1986:

Hồn oan sa vũng bùn luân lạc
Thoi thóp hoàng hôn, mỏi cánh chim
.

Duyên Anh lúc này đã 51 tuổi nhưng cái tuổi độ ấy so với ông Bành "vẫn thiếu niên" mà ngẫm nghĩ ra, khi người ta không làm được cái tích sự gì thì cảm thấy "già" ghê lắm.

Nguyễn Công Trứ lận đận trên con đường quan trường, thi cử nên chữ già thêm nặng nề: "Đồi hồ mao phát tiệm tham lam. Bất giác niên đăng ngũ thập tam. Đương thế thi thư hà sử dụng. Lão lai quan đái thương đa tâm":

Tuổi thêm thêm được tóc râu phờ
Nay đã năm mươi có lẻ ba!
Sách vở ích gì thời buổi ấy
Áo xiêm nghĩ lại thẹn thân già.


(Xuân nhật thị chư nhi - Ngày xuân răn con cháu).

Duyên Anh cũng không nói chữ "già" nhưng lại thêm nét nhân hóa "hoàng hôn thoi thóp", "cánh chim mỏi" đảo vị ngữ nhấn mạnh cái gì khác hơn sự tàn tạ? Tuổi già mới tàn tạ, mới thoi thóp, mới mỏi mệt vậy. Con người vô tích sự khác nào con người già cỗi. Ta lại thấy hai nghĩa già đen, bóng của thể xác, của linh hồn đều giống ở chỗ "tàn tạ", bị "quên lãng" cả.

Tế Hanh nổi tiếng với "Nhớ con Sông quê hương" lại chạnh lòng với những con đường:

Những con đường bị bỏ trong quên lãng
Sầu tủi nằm thương dưới bụi mờ.


(Có những con đường)

Những con đường vô tội còn bị bỏ quên huống chi là con người "có tội". Đường đời như thế, “đường người” là cái chi? Hãy nghe Duyên Anh than trong "Bài lưu đầy" 1987:

Đường người chó sói nhe răng nhọn
Nghe buốt đau thương cả đế giầy
Vàng thau lẫn lộn phiền than lửa
Ngọc đá ganh đua rộn dũa mài


Thế gian lẫn lộn như "vàng thau" chẳng biết đâu là chó sói với người thường? Chán lắm thay! Xem ra, "vết chém ngang lưng" con ngựa trong "khai bút" và cái "chém ngang" độc nhất vô song trong "Lý Thông" đều cùng một đao phủ chém mà "chém ngang" có nghĩa là chém giống như người ta... sả cây chuối làm hai khúc đều nhau, "hết cựa"! Giọng thơ ca ngợi vết chém "có một không hai" hàm hai nghĩa mỉa mai và cực kỳ chua chát nhưng ta không tìm ra một câu nào tỏ vẻ "phẩn nộ" hoặc "căm thù" tên "đao phủ" ra chiêu độc!

Hồ Xuân Hương lúc bực thân phận thôi cũng đòi "chém cha, chém chú". Tú Xương thi hoài không đổ cũng "quạu" lên đòi "bỏ văn chương học võ biền". Cao Bá Quát trước khi bị xử trảm cũng rủa "cha kiếp", "mẹ đời". Nguyễn Công Trứ ê chề cảnh quan trường cũng buồn "trách ông xanh", ông đỏ. Riêng kẻ sinh sau đẻ muộn như Duyên Anh tất "khôn ngoan" hơn. Người ta nói: "Kẻ hiểu biết thời cuộc mới là tuấn kiệt", Duyên Anh chưa hẳn là "tuấn kiệt" nhưng trong "Sông lấp", Anh đã nói thẳng:

Trái tim anh hằn rõ những lằn roi
Anh khôn quá nuốt từng hơi thù hận
Cứ thế mãi lòng anh đầy u ẩn
Tâm tư anh rướm máu uá trên đường.


Đọc thơ Duyên Anh mới thấy rằng Duyên Anh quả thật "hồn oan". Thơ Anh có nói "thù hận" mà ta không thấy cái hận thù sâu đến cỡ nào chỉ thấy thương tâm cho một "hồn oan" đang chứa đầy nỗi "u ẩn" (không bày tỏ được cùng ai), một "tâm tư rướm máu" (bị tước bỏ một trái tim thơ). Hỡi ơi! Lòng đầy u ẩn ấy đã bị rấy phá bởi "từng hơi thù hận" ám ảnh suốt đời là những con "hồ ly", những tên "Lý Thông" trong "Ta và Ta":

Cuối đường hiu hắt chiều giăng mắc
Thấp thoáng hồ ly đóm lửa xa.


hoặc trong "Khai bút":

Đường xa rêu lấp xanh buồn
Hồ ly rình rập hớp hồn tinh anh
.

hay trong "Nhớ cổ tích":

Bộ xương cá bóng là dao nhọn
Đâm nát hồn ta lũ Lý Thông
.

Những "hồ ly", "chồn tinh" của Duyên Anh khiến ta nhớ đến một Đắc Kỷ mê hoặc Trụ Vương làm tiêu tan mấy trăm năm nhà Trụ. “Hồ ly” của Duyên Anh không phải là những Đắc Kỷ mà chính là “hồ ly” người mưu sâu, kế quỷ ác với đồng loại. Thời đại nào mà không có những hồ ly, những Lý Thông gian ác, quỷ quyệt, tài chẳng bằng người nên tim nhuốm màu đen!

Khi bóng dáng "Hồ ly" trong Vũ Đình Chương mờ ảo:

Hồ ly không hiện, người không đến.
Chỉ ánh trăng vào khuôn cửa thôi!


thì bóng dáng "biển dâu có khoác áo chồn tinh" trong thơ Duyên Anh cũng hiện đầy không bụt nào trừng phạt! Buồn tàn cuộc đã đến lúc hạ hồi phân giải. Quá khứ chìm đi trong nỗi buồn tàn phế, nỗi "bất đắc chí" lại quay về với "cái tôi" trong Duyên Anh.

3. Duyên Anh: Trái tim chua chát, ngạo trời.

Với những người tài không được dụng, nỗi niềm "bất đắc chí" biểu lộ theo nhiều chiều hướng khác nhau phù hợp từng tính cách của mỗi người. Cao Bá Quát được người đương thời coi là một văn tài xuất chúng ở thế kỷ XIX lại là kẻ bị đánh trượt nhiều lần nên đâm ra ngạo mạn cả với triều đình. Họ Cao đã từng ngạo mạn với cả vua Tự Đức nên cái kiêu căng, ngạo nghễ của Bá Quát mang tính chất cá nhân đáng nễ. Ngay cả ở trong tù, Cao vẫn ngông cuồng, chơi chữ với cái vòng xích sắt sao dám cùm chân một bậc ngang Thiên tử, Vương tôn:

Một chiếc cùm lim chân có Đế
Ba vòng xích sắt đứng thì Vương.


Nhìn thấy được cái "bi" của tư tưởng này, Duyên Anh trong "Bài ta" năm 1987 đã đồng điệu qua lối chơi chữ biến danh từ thành động từ thịnh nộ thế thời:

Hỡi Cao Bá quát trùm thiên địa
Một nhát gươm vung rớt mộng cuồng
.

Nguyễn Công Trứ không có cái "vài chung lếu láo" cũng như ''mộng cuồng" của Cao Bá Quát bởi ông xuất thân trong một gia đình khoa bảng. Con đường hoạn lộ của ông khi là Binh Bộ Thượng Thư, khi tuột dốc làm một tên lính thú, dù sao, ông cũng mắn may hơn Chu Thần. Do đó, cái chua chát, ngạo đời của ông cũng thật lặng lẽ, chỉ trách cứ tạo hóa trớ trêu:

Kiếp sau xin chớ làm người
Làm cây thông đứng giữa trời mà reo.
Giữa trời vách đá cheo leo
Ai mà chịu rét thì trèo với thông.


Ta thật ngưỡng mộ cái tính khí này của ông quá, một thách thức không thua gì Chu Thần nhưng khẩu khí nhẹ nhàng. Nguyễn Khuyến không có tính khí trên nhưng trái tim chua chát, ngạo đời sau mấy kỳ thi hỏng rồi thăng quan tiến chức đến "sụn bà chè" như Công Trứ nên âm thầm quay về "tự trào" với mình: "Nghĩ mình lại gớm cho mình nhỉ" (Tự trào) "Nghĩ ra ông sợ cái ông này" (Tự thuật).

Duyên Anh mang những đặc tính của ba người. Thơ Anh với trái tim chua chát nhưng không ngạo vương quyền, không thách thức con người, không cười mình mà ngước nhìn trời cười ngạo:

Thản nhiên ngước mặt ngạo trời
Trong cơn hồng thủy vẫn cười ngửa nghiêng.
Kể từ đời tắt lửa thiêng
Nỗi ta đối địa nghịch thiên mộng cuồng
… Chung thân can tội nghịch thiên
Còn say cuồng vọng thản nhiên ngạo trời.


(Nghịch thiên - 1987)

Ta thích tính cách cao ngạo của Cao Bá Quát. Ta ngưỡng mộ Nguyễn Công Trứ với khí khái của ông. Ta cảm thông nổi cười cợt thâm trầm của Nguyễn Khuyến. Nếu Duyên Anh còn sống, ít ra thế gian này còn có vài người "can tội nghịch thiên" không cô đơn cho lắm. Cái "mưu sự tại nhân" nhưng "thành sự tại thiên" kia không đổ cho trời thì đổ vào ai? Duyên Anh ngạo trời mà còn tự nghĩ mình có tội. Tội lỗi gì? Trời đất tính đi, nghĩ lại cũng chỉ là "bạn bè" với con người với câu "vũ trụ chi giao huynh đệ". Khi đất trời nổi quạu thì cũng ác liệt, nghiêng ngã:

Tiếng vang vang như thần kêu quỷ hét
Trời ngập ngập như quân khiêu tướng hét.


(Chính khí Việt - Lý Đông A)

Thiên tai làm con người lâm cảnh "màn trời chiếu đất", con mất cha, vợ khóc chồng thì chửi "thằng bạn" này vài tiếng "trời già mắc dịch, khốn kiếp" đâu có gì gọi là quá quắc!?

Đời suông sẻ "thuận buồm xuôi gió" ai ngạo trời làm gì! Người hạnh phúc không phải "đưa người ta không đưa sang sông", không làm kiếp hát rong, kiếp đưa đò, ai ngạo trời làm chi? Kẻ không sợ trời, không sợ đất, ít ra phải có một bản lĩnh nhất định nào đó: Một tài năng bị vùi dập, một trái tim nhân đạo bị bàn chân vấy bùn dẫm lên, một khối óc biết lẽ đời bị chính cái trái đời giam hãm... Con người thiếu những cái cần có trên đời tầm thường, sống chẳng biết vấn vương làm sao mà có cái quá khứ "liệt oanh" mà vương, làm gì có dĩ vãng "đau thương" mà nhớ!

Duyên Anh dù nói "say cuồng vọng thản nhiên ngạo trời" nhưng lại là một lời cam chịu, dù nói "nỗi ta đối địch nghịch thiên mộng cuồng" nhưng ta không thấy sự đối nghịch thù hằn gì cũng chẳng thấy cái "mộng cuồng" là cái gì dữ tợn?

Nguyễn Công Trứ với mộng cuồng chỉ về với chén rượu, cảnh vật trong "Thoát vòng danh lợi":

Hẹn với lợi danh ba chén rượu
Vui cùng phong nguyệt một bầu thơ


Cao Bá Quát với "mộng cuồng" cũng quay về chén rượu, câu thơ trong "Đời người thắm thoát":

Chén rượu thánh, câu thơ tiên thích chí
... Bốn mùa xuân lại, thu qua.


Nguyễn Khuyến với "mộng cuồng" cũng không thoát cảnh "uống rượu tiêu sầu" trong "Tự thuật":

Câu thơ được chửa, thưa rằng được
Chén rượu say rồi, nói chửa say.


Hồ Xuân Hương trong "mộng cuồng" cũng chỉ muốn "đổi phận làm trai" trong "Đền Sầm thái thú" thôi:

Ví bằng đổi phận làm trai được
Sự nghiệp anh hùng há bấy nhiêu.


Ngay cả Lý Bạch trong "mộng cuồng" cũng vớ quách chén rượu trong "Xuân nhật túy khởi ngôn chí":

Sỡ dĩ chung nhật túy
Đồi nhiên ngọa tiền doanh


(Say cả ngày, nằm đại trước cột hiên).

Tú Xương "mộng cuồng" khi vác trời bán đại trong "Tự cười mình":

Lúc túng toan lên bán cả trời
Trời cười thằng bé nói hay chơi.


Nguyễn Trãi từng nói: "Lão khứ cuồng hưu quái ngã" (Già rồi hay nói cuồng, đừng lạ ta) để chua chát cho cái thời "điểu tận cung tàn"! Nói chi cho xa xôi, người cùng thời với Duyên Anh (lớn hơn vài chục tuổi) là Hàn Mặc Tử trong "mộng cuồng" tuy không uống rượu nhưng cũng vác... trăng rao bán cả đêm: “Ai mua trăng tôi bán trăng cho"!

Kẻ tầm thường mượn rượu để mạnh miệng chửi người. Người bất phùng thời mượn rượu để tiêu sầu, để khơi hừng cái gan “đội đá vá trời” của Nữ Oa.

Hà Huyền Chi cũng từng như thế trong “Đỉnh nhớ”:

Rượu đau tính chuyện vá trời
Chai đầy hận nước, cha vơi thù nhà.
…Chôn đi ngàn nỗi tủi phiền
Ngàn tên vong bản đã quên tiếng người.


Chao ơi toàn là những người tài hoa, những kẻ có trái tim rướm máu, có khối óc đau lẽ đời ôm "mộng cuồng" hết trọi:

Mộng cuồng quả đúng mười mươi
Chờ ta xuống dưới cùng chơi với người.


Có chút khoác lác. Đó là "mộng cuồng" của một nthh, đừng để ý.

Tâm tưởng "mộng cuồng" của Duyên Anh hóa ra gợi một nguồn cảm hứng cho ai thích viết cuồng. Một chút "lạc quan" từ cõi "tàn phế", từ cõi "lưu đày" là điểm sáng cuối cùng của Duyên Anh (thản nhiên, cười) dù chỉ là chút sáng le lói nhưng thật đáng trân trọng. Khí khái này của Duyên Anh giống Trần Bình Trọng ngữa cổ chịu chém tại pháp trường Thiên Tường - Trung Quốc vì không chịu đầu hàng giặc Nguyên. "Mộng cuồng" của Duyên Anh "hiền lành" hơn. Ngay cả khi Duyên Anh để cho: "Bộ xương cá bống là dao nhọn" tưởng đâu "đâm chết" lũ Lý Thông, ai ngờ lại trở ngược để cho bè lũ Lý Thông lấy dao nhọn đó "đâm nát hồn ta"! Kết cục bất ngờ: Người bị đâm chịu nhát dao oan nghiệt còn kẻ đâm ra tay độc hơn, chúng không đâm một nhát vào tim cho kẻ bị đâm chết quách mà lại đâm đến… nát bấy cái hồn người?

Thơ Duyên Anh với trái tim chua chát, ngạo đời không có một dòng cầu xin thương xót mà ta vẫn nghe thương đến đắng lòng. Nỗi đau này đâu của riêng ai lại là "rất riêng" cho từng con người trong từng hoàn cảnh. Nếu Nguyễn Công Trứ muốn làm cây thông hiên ngang, Xuân Diệu muốn làm một ngọn Hy Mã Lạp Sơn hùng vĩ thì Duyên Anh vẫn chỉ cười một cái "cười ngửa nghiêng" ra nước mắt.

Một Thanh Nam nối tiếp mộng cuồng thì lại ru mình với cái "tôi" bất lực:

Ta ru ta khúc ưu phiền
Ngủ ngon đi nhé cơn điên hôm nào
.

(Đêm cuối năm uống rượu một mình)

Cái "tôi" cay đắng ngạo trời của Duyên Anh nhập vào "cái ta" bất đắc chí của những người mà tên họ đã theo cùng năm tháng mà lớn lên, không bao giờ già:

Chấp kích lang cừu khinh Hạng Võ
Đêm mong đợi kiếm báu Trương Lương.


(Bài ta -1987)

Hạng Võ “hữu dũng vô mưu” nên cuối cùng cũng không qua nổi nạn tự tử ở Ô Giang nhưng Trương Lương - Trương Tử Phòng đa mưu túc trí, cuối cùng rồi cũng “công thành danh thoái”! Gươm báu kia cũng chỉ có một thời! Duyên Anh tổng kết công trạng của những kẻ sĩ thời nào thất thế mà chẳng thế qua lối ẩn dụ sâu sắc:

Xác xơ chữ nghĩa gầy nghiên bút
Rượu ngút trời thiêu giấc bá vương.


Có thay bậc đổi ngôi đâu mà “giấc mộng Hòe” của Trương Sinh với giấc “bá vương” của Thành Cát Tư Hãn? Chẳng qua, tan giấc mộng con vì “lỡ đò”, vì “trễ tàu”, vì “sắt thép đau” - nỗi đau phế liệu văn chương mà thành. Mới nói: Rớt từ ngọn cây xuống đất, ai mà chẳng bị thương! Kẻ đeo theo giấc mơ quan trường, chính trường, thương trường, gặp thời thì “như diều gặp gió”, “hô phong hoán vũ”, “cỡi ngựa bắn cung” nhưng đến khi hết thời, “cỡi… kiến, lấy dây thun bắn ruồi” là thế! Ruồi cũng gian manh, bay lượn nhanh thì cũng chẳng làm sao mà bắn! Con ruồi khoái mật ngọt với “thớt có tanh tao ruồi mới đến, gan không mật mỡ, kiến bò chi” như Nguyễn Bỉnh Khiêm đã ví trong “thói đời”. Con người “thức thời vụ” còn như thế nào?

Trong tập: “Em, Ta, SàiGòn và Paris”, Duyên Anh đã nhìn thấy những “mộng cuồng” toan “mưu bá đồ vương” không thực lực trong “Bài lưu đày” năm 1987. Họ là những kẻ:

Học đòi Câu Tiễn nuôi thù hận
Chí lớn xem chừng cái móng tay
Răng rụng trống tung còn hám lợi
Thân lươn lãnh tụ đắm mưa lầy
Hư danh gạt gẫm phường khoa bảng
Nguyệt mộ khơi rồi chửa tỉnh say
Đeo mo mấy đứa buôn dân tộc
Cứu nước khom lưng trướng chủ thầy
Nỗi buồn quốc sỉ Lê Chiêu Thống
Gươm giáo Quang Trung có thở dài


Phải nói đây là một trong những bài thơ có giá trị liên thành về tư cách sống sao cho ra “Người”. Đọc lên những câu này, nếu chúng ném về phía nhóm người nào thì nhóm đó sẽ vì thẹn lòng mà thành ra thù hận. Việt Vương Câu Tiễn đã vì cái nhục bị giam ba năm ở Cối Kê bởi Phù Sai mà nuôi mộng trả thù. Không có Phạm Lãi, Văn Chủng thì cả đời Câu Tiễn chả làm được cái quái gì ngoài dùng “mỹ nhân kế” hiến một trong “tứ đại mỹ nhân” là Tây Thi cho Ngô vương Phù Sai. Anh hùng còn lắm chuyện để bàn luận, đánh giá (khi công thành thì quay ra giết kẻ đại thần như Câu Tiễn đã giết Văn Chủng. Lê Lợi giết Phạm Văn Xảo, Trần Nguyên Hãn… triều đại nào mà chằng có “thỏ hết thì mạng chó săn chẳng còn"!) nhưng chí của Câu Tiễn quả đúng là chí của kẻ mưu đồ phục quốc. Chí của những kẻ bắt chước Câu Tiễn trong mắt Duyên Anh chỉ là “cái móng tay”! (Sao có nhiều Câu Tiễn quá, khi phục quốc thì Câu Tiễn nào sẽ làm vua? Vậy thì “Hán - Sở tranh hùng” lại dấy lên, “Tam quốc chí” lại sống dậy. Ai sung sướng? Ai khổ nạn?). Chí lớn như “cái móng tay” đó, người ta có thể khảy nó dễ dàng bằng một cái nhíp cắt! Vì sao? Nó bé nhỏ vì nó không chứa đựng một mối thù dân tộc mà chỉ là thù hận cá nhân, mất danh lợi và nó không có cái gan “Ngọa tân thường đảm” tức là “nếm mật nằm gai” như Câu Tiễn. Bọn người đó dưới đôi mắt của Duyên Anh là đồ tầm thường vì kẻ nuôi thù hận bằng “hư danh”, bằng “gạt gẫm”, bằng “khom lưng” không thực lực và chỉ là phường “mượn râu hùm run nhát khỉ” như Phan Văn Trị từng mắng Tôn Thọ Tường thì có gì mà trân quý, mà gọi là cái chí khí của “quân tử trả thù mười năm chưa muộn”? Vậy thì chẳng khác nào Lê Chiêu Thống thân còn lo chưa xong lại phải nhục nhã gọt đầu, đổi áo mà cầu cạnh Càn Long? Làm sao giống Nguyễn Ánh một tay gây dựng cơ đồ, chịu hèn ở Xiêm La? Bởi vậy mà “gươm giáo Quang Trung có thở dài”! Có gươm trung nhưng không có chủ tốt thì gươm báu cũng hoài! Ngựa Xích Thố không có Quan Công cỡi thì cũng phí! Mới nói: Nhìn thấu lẽ đời là Duyên Anh. Thấy sâu nghĩa dỏm của những kẻ cơ hội cũng chính là Duyên Anh. Người tầm cao thì khó kết giao với kẻ hạng bại. Thù hằn từ đấy mà ra! Mày không chết xuống địa ngục thì tao chẳng có đường lên thiên đàng. Duyên Anh bị đánh đến “tàn phế’ chính là cái chỗ “hơn người’ này! Xưa nay “vĩ nhân có ước mơ, phàm nhân chỉ ham muốn”, kẻ tiểu nhân toàn ra chiêu hèn hạ sau lưng là thế cả!

Tác giả "Điệu ru nước mắt" đã giã từ "Ảo vọng tuổi trẻ" ôm "Vết thù trên lưng ngựa hoang" với "Nước mắt lưng tròng" trong nỗi buồn "tàn phế". Con người "Mơ thành người Quang Trung" luyến tiếc cái quá khứ "Ngày xưa còn bé" với "Tuổi 13", "Ngựa chứng trên sân trường" để "Dấu chân sỏi đá" ngậm ngùi lê trên "Sa mạc tuổi trẻ" đã là cái bóng mờ. Người viết "Hoa Thiên Lý" mang cái bóng mờ với nỗi ngạo đời, đem "mộng cuồng" vào "Ánh lửa đêm tù", trút đi cái "Nặng nợ giang hồ" trở thành “Con bò sữa gặm cỏ cháy”. Con bò sữa nay đã thành con bò già tránh xa "Bầy sư tử lãng mạn" hôm nào để "Về yêu hoa cúc", lặng lẽ viết "Thư tình trên cát" chỉ một dòng thôi cho tình yêu "Cám ơn em đã yêu anh". Tác giả "Em, Tôi, SàiGòn và Paris" lại là con người với những niềm riêng một đời dấu kín.

4. Duyên Anh: Với những niềm riêng

* Những niềm riêng cho quê hương.

"Quê hương" của Đỗ Trung Quân là "chùm khế ngọt là cầu tre nhỏ, là con diều biếc". Quê hương của Hồ Dzếnh trong "Lũy tre xanh" là: "đê thắm, bướm vàng. Con sông be bé, cái làng xa xa". Quê hương của Giang Nam "có chim, có bướm... có một phần xương thịt của em tôi". Quê hương của Tế Hanh "Có con sông xanh biếc, nước gương trong xỏa tóc những hàng tre”.

Ai nhắc "quê hương" cũng nhớ những bài ca dao, những câu chuyện cổ tích. Người tha phương nhớ quê qua hình ảnh con sông. Hình ảnh ẩn dụ con sông chuyển tải những nghịch lý, những nghiệt ngã đời thường với Nguyễn Tất Nhiên là khúc hát đưa đò trong “Ninh khúc1”:

Sông kia nào biết vô thường

Từ khi nguyệt nọ là trăng giang hồ.

Hôm nay sông bỗng tình cờ

Hay ra mình đã đưa đò trăng tan.

Dòng sông của Thanh Tâm Tuyền là dấu hỏi đau đáu một kiếp người bất phùng thời:

Dò dẫm lối về đêm tối mịt

Sông xa núi thẳm quê nhà đâu?.

(Ngã trên núi Việt Hồng…)

Dòng sông trong những kẻ nhờ trăng người làm ngọn đèn soi bóng tổ quốc, mượn kỷ niệm để xa xót quê hương đều như thế đó. Duyên Anh nào có ngoại lệ gì! Quê hương của Duyên Anh trong "Nhớ cổ tích" đầy hình ảnh sinh động nhưng buồn da diết. Đó cũng đúng với dòng thơ cay đắng của Anh, đúng với con người của Anh ngập đầy xa xót:

Quê nhà mẹ có giàn thiên lý

Một dãi rấm hiền giữa nắng trưa.

...

Tiếng sáo diều ai làm nhạc đệm

Chống gươm con bọ ngựa mơ màng

Thấy chân cổ tích đi trên lá

Mặt nước hồn thơ bỗng xốn xang.

Hình ảnh "giàn thiên lý" kia không làm ta say mê bằng hình ảnh "con bọ ngựa chống gươm mơ màng", câu chuyện cổ tích bỗng có "chân đi trên lá", cái mặt nước cũng vì "xốn xang" mà làm thơ! Trời ạ! Mạch thơ này cũng là một nguồn cảm xúc vô tận về nội dung lẫn nghệ thuật cho những trái tim thơ hay cả những chuyên gia "mổ xẻ" thơ.

Hình ảnh con diều bay lên thường phát ra một âm thanh kỳ lạ. Tôi thường thả diều giấy trắng học trò khi còn bé nên tôi quen với âm thanh này nhưng đủ hồn thơ lúc đó mà chuyển âm thanh con diều qua "Tiếng sáo diều" để làm "nhạc đệm" thì tôi chưa hề nghĩ đến. Có da diết với tuổi thơ và phải có cái Hồn thật là thơ mộng mới nghe được tiếng nhạc từ cánh diều kia. Một "Tiếng sáo thiên thai" của Phạm Duy đã đưa người ta bay lên mây. "Tiếng sáo Trương Chi ru hồn nàng Mỵ" qua dòng nhạc Văn Cao. Tức cảnh sinh tình. Tiếng "nhạc đệm" kia ra sao? Vui hay buồn? Xuân Diệu trong "Nguyệt Cầm" từng chạnh lòng: "Trăng Nhớ Tầm Dương, nhạc nhớ người."

Duyên Anh nghe tiếng "nhạc đệm" kia lại thấy con bọ ngựa. Có phải chàng võ sĩ ngựa trong "Dế mèm phiêu lưu ký" của Tô Hoài? Ta lại gặp đảo vị ngữ đi cùng nhân hóa để thấy cái hình ảnh "chống gươm" của "con bọ ngựa"- chàng trai đang sung sức - "mơ màng". Đất nước thanh bình nên chàng mới chống gươm mơ màng như vậy chứ đánh nhau trời long đất lở thì "hồn nào hồn để đánh nhau, hồn nào hồn để vào đâu mơ màng" mà:

Thấy chân cổ tích đi trên lá

Mặt nước hồn thơ bỗng xốn xang.

Chao! Câu thơ đầy chất suy nghĩ với nhiều hình tượng. Cổ tích? Ngày xưa người ta thường đặt ra những câu chuyện, sự kiện, sự tích để lý giải nhiều vấn đề khác nhau nhằm mục đích "hướng thiện". Cổ tích nằm trong bộ phận văn học dân gian đi với thần thoại, ca dao, tục ngữ từ xưa đến nay đã "ngon giấc" nay lại cựa mình (giật mình) có phải vì nghe tiếng sáo diều, một tiếng kêu cứu bằng âm điệu không phải ai cũng nghe và hiểu được? Cổ tích có chân đi nhẹ trên lá. Hình ảnh này sao mà "thanh thót", "ý nghĩa" quá làm sao ta đủ ngôn từ diễn được hết cái ý tưởng cao siêu này?

Cổ tích cùng người xưa trở về để nhắc nhở cái gì, cảnh cáo cái gì mà "mặt nước hồn thơ bỗng xốn xang"? Vẫn giữ phép nghệ thuật như đã nói trên, thực ra, người làm thơ đâu có định dùng biện pháp tu từ gì mà họ chỉ viết theo mạch cảm xúc thôi. Mạch cảm xúc chứa nội dung chi phối các biện pháp tu từ. Trước đây, người ta đã cho học trò phân tích theo cách từ nghệ thuật sang nội dung thật không phải cách. Kiểm chứng lại bằng cách cho mình tự làm một bài thơ xem sao? Lập tức ý tưởng cảm xúc về cái gì định nói đó hình thành ngay câu thơ và bài thơ nhanh chậm tùy khả năng của mỗi người.

Ta có thể hình dung ra người "Người học trò và con chó đá" qua hình ảnh cổ tích đi về. Con chó đá vẫy đuôi và không vẫy đuôi có một nghĩa gì, ai cũng nhớ. Cổ tích đi về lại có hai nghĩa: Một, thời bình nên giữa người và vật không còn ranh giới khi nụ hôn của hoàng tử đặt lên môi "nàng công chúa ngủ trong lâu đài" đã hóa giải lời nguyền của bà phù thủy: Mọi vật sống dậy từ mấy trăm năm. Mấy trăm năm chỉ trong giấc mơ, một giấc ngủ. Loài người sống được đến bao lâu để vào cổ tích? Con bọ ngựa mơ màng cũng phải. Hãy tự chui vào cổ tích đi để thấy rõ hai mặt thiện và ác của người. Hai thời loạn lạc trái-phải, bất phân; giỏi-dở khó định; ma-người lẫn lộn; hiền-ác không tường. Cho nên, cổ tích phải đi làm công việc của nó: Phân xử và sàn lọc; ban thưởng và luận tội. Cổ tích không thiên vị, không tham lam, dĩ nhiên, xử án giữa "thanh thiên bạch nhật" nếu "vua phạm pháp cũng trị tội như thứ dân". Chao! Những thứ đó cũng chỉ còn trong... cổ tích! Vậy, cổ cổ tích của Duyên Anh vừa là cứu cánh, vừa cũng là hư ảo không có thật bao giờ đến nổi Anh than với dòng thơ của Anh:

Và những chuyện nghe xong,chẳng khóc

Chẳng buồn và chẳng thiết yêu ai.

Đời hiếm hoi những lần Bụt hiện

Nên chi đoạn kết thảm vô cùng!

Có phải Duyên Anh đã "khô cạn" cảm xúc, trơ lòng với những mối dây ràng buộc qua "chẳng khóc, chẳng buồn, chẳng thiết" như một cách "phủi tay" và kèm một tiếng thở dài? "Bụt" chỉ có ở trong cổ tích "Tấm Cám", "Cây tre trăm đốt". Bà tiên chỉ có trong cổ tích "Cô gái nhà nghèo", "Cô bé lọ lem". Cuộc đời không là cổ tích nhưng mà lại có lắm Lý Thông "nên chi đoạn kết thảm vô cùng". “Những lần Bụt hiện” là công lý nhưng “đời hiếm hoi những lần Bụt hiện” tức là công lý nằm ở nơi đâu đâu…Nói trắng ra: Mẹ kiếp! Ở hiền chẳng gặp lành, kẻ gieo gió chẳng bao giờ gặp bão! Người ta "đờ" ra, vô cảm vì thất vọng. Tâm trạng "chẳng khóc, chẳng buồn, chẳng thiết” kia thật ra là "tha thiết" lắm! Ôm nỗi uất lòng, nghẹn đắng không nói được mới là "tâm bệnh". Khi người ta bức xúc quá, đừng nên đè nén trong lòng mà hãy tìm một chỗ... trút hết đi bằng mọi cách mà cách tốt nhất là "hét thật to" cho sập trời cũng được!

Duyên Anh không chịu hét to mà âm ỉ "nuốt vào lòng" để buông ra một sự vô cảm cũng chỉ bắt nguồn từ cái "từ chối hiện thực" mà thôi! Bởi vậy, mặt nước vô hồn bỗng chốc lênh láng, hồn thơ xốn xang. Người và cảnh vật đã nhập lại làm một loại hình văn học khác: Hình thức ngụ ngôn mà J. La Fontaine đang giữ vị trí số một trên thế giới. Thơ Duyên Anh lẫn vào những dòng sông thơ khác và đã tự nổi lên với cái "phao ngụ ngôn" này và ta thử nghĩ: nếu ai không gặp cái "kết cục thảm" như Anh thì làm sao mà có được chất "ngụ ngôn" đầy ẩn ý, đầy ngụ tình như vậy? Do đó, có thể nói "con người và thời đại, con người và tác phẩm, tác phẩm với thời đại và con người" là cái kiềng ba chân để đánh giá một tác giả. Dòng thơ cho quê hương qua cổ tích của Duyên Anh với ngụ ngôn não nề để lại một kết cục bi thảm mà sự bi thảm đó chính là sự "hy sinh có một ước mơ":

Kẻ đốt giải lời thề kết tóc

Người tan thành giọt lệ lưu ly.

(Nhớ cổ tích)

Đỗ Trung Quân trong "Chuyện ngày thường" cũng nhận ra “cuộc đời hệt như là cổ tích" như Duyên Anh. Cổ tích trong Duyên Anh là hình ảnh một Thạch Sanh ôm đàn để tiếng:

Nhạc xuyên qua đất buồn qua lá

Thành gió thành mưa phá điện vàng.

Thạch Sanh trong cổ tích với tiếng đàn "tích tịch tình tang, ai đem công chúa lên thang mà về" than thở số phận, còn Thạch Sanh của Duyên Anh không đơn giản như vậy mà tiếng đàn phát ra tiếng nhạc "xuyên" qua đất, qua lá thành gió, mưa công "phá" điện vàng biểu tưởng của một chế độ, một vương triều!

Ta có thể so sánh tiếng đàn Duyên Anh với cái "cán bút", “vần thơ” xưa như trái đất của Chế Lan Viên khi chàng ta muốn:

Dùng cán bút làm đòn xoay chế độ

Mỗi vần thơ bom đạn phá cường quyền.

Với Duyên Anh: Nhạc chuyển thành gió mưa phá điện vàng. Với Chế Lan Viên: Bút trở thành đòn xoay chế độ. Thơ trở thành bom đạn phá cường quyền. Sự công phá của Duyên Anh là sự công phá trong cổ tích nên thơ Duyên Anh đọc lên âm hưởng "hiền lành" hơn với những dòng chữ "buồn như lá". Hơi thơ không có sức mạnh đằng sau "truyền công lực" nên đầy nỗi cô đơn làm cho đất trời động lòng, khiến cho "gió, mưa" trợ giúp bởi tiếng nhạc kia có "hồn", thần kỳquá! Trong khi đó, sự công phá họ Chế là sự công phá của đời thường như một "nguyên soái" vâng lệnh vua ra trận nên giọng thơ có sự "truyền công lực" đằng sau mà trở nên "mạnh mẽ", không nói là “lên gân, lên dây cót”!

Ta tự hỏi nếu Duyên Anh được "dùng cán bút", "dùng vần thơ", Duyên Anh sẽ làm gì cho chế độ mới đây khi được "lột xác", "đổi đời" như Chế Lan Viên và biết bao người từ chế độ này chuyển sang phục vụ cho một chết độ khác đối nghịch? Nếu giữ đúng ranh giới và “chúa ai người nấy thờ” thì ta chẳng có một Nguyễn Du. Chính vì vậy (có sức mạnh đằng sau và không có) mà hai cây bút, một người tha hồ vùng vẫy, một kẻ nép mình đắng cay với tiếng đàn Thạch Sanh trong cổ tích mơ "chém chằn tinh, giết đại bàng" phá cung điện trong... cổ tích. Cái bi thảm đó chính là sự "hy sinh" có một ước mơ":

Kẻ tốt giải lời thề kết tóc

Người tan thành giọt lệ lưu ly

(Nhớ cổ tích).

Thạch Sanh trong thơ Duyên Anh gói gọn:

Lên đời sừng sững kiêu sang
Thơ châu báu với nhạc vàng ôm nhau
Thả hồn ngất đỉnh trời cao
Nỗi đau hang lấp xôn xao cuộc đời
(Thạch Sanh).

Cổ tích của Duyên Anh còn là những giọt nước mắt:

Nước mắt đầm đìa thương Cúc Hoa

Mừng cho cái Tấm nhờ ơn Phật

Khổ trước rồi sau hết xót xa

Mừng cho Tấm, nói với Tấm, Cúc Hoa thì mình cũng như tự vỗ về mình "khổ trước, sướng sau" như để kết thúc "có hậu" cho câu: "Đời hiếm hoi những lần Bụt hiện. Cho nên đoạn kết thảm vô cùng". Thật ra, nếu câu "khổ trước, sướng sau" đúng như vậy chúng ta thà "sướng trước" để rồi bị đày xuống 18 hay 36 tầng địa ngục cũng cam lòng!

Người ta cũng thường nói: Những tâm hồn lớn hay gặp nhau. Đúng hơn, những tâm hồn có "nỗi u uất" thường gặp nhau. Cô Tấm của Duyên Anh gặp cô Tấm của Trần Mạnh Hảo và đó cũng là hình ảnh của "Tổ Quốc", hình ảnh quê hương:

Trăng liềm như cô Tấm trèo cau

Phải sắc đẹp là lưỡi dao chặt gốc.

Hỡi câu ca dao mọc đình làng khó nhọc

Cho ta chết rồi về lại Thăng Long.

(Tổ Quốc)

Giọng thơ hai kẻ: Một già, một trẻ sinh trưởng cùng nơi nhưng sống dưới hai chế độ khác nhau lại gặp nhau ở một ý: Nhạc phá cung điện, sắc đẹp là lưỡi dao! Lưỡi dao chặt gốc của Trần Mạnh Hảo tàn nhẫn như "vết chém ngang lưng con ngựa" của Duyên Anh dẫn tới "thân tàn ma dại". Ca dao là loại dễ phát sinh trong dân gian mà không "mọc" nỗi ở chốn đình làng dân gian? Có phải "phép vua thua lệ làng" ở Thăng Long - thủ đô ngàn năm văn vật ngày xưa, là nơi mà sự bảo tồn văn hóa được coi trọng? Ước vọng này của Trần Mạnh Hảo khi nào mới là sự thật? Ước vọng của Duyên Anh về lại dòng sông ngày cũ, nhìn lại bến bờ đã đi trước Trần Mạnh Hảo mà vào nghìn thu vĩnh biệt! Chao! Đời muôn hình muôn vẻ nên thơ cũng thiên biến vạn hóa. Ta lạc vào rừng thơ ấy thấy ngất ngây mà tiếc thay cõi lòng ta tối tăm quá, hiểu không hết nghĩa người làm thơ muốn nói cũng như:

Có những chuyện nghe hoài không biết chán

Bắt đầu là ngày xửa, ngày xưa...

(Nhớ cổ tích)

Quê hương trong cổ tích của Duyên Anh cũng như của Tế Hanh cũng nhớ một dòng sông cũ:

Dòng sông cũ làm sao anh quên được

Tuổi thơ anh theo con nước vui buồn

...

Con cá măng trườn mình lên bãi cát

Anh ngày xưa trần trụi tắm hoa niên.

(Sông lấp)

Ai một lần trong đời được "trần trụi" ngụp lặn dưới con sông, con lạch, cái bàu ở quê mình mà không nhớ những buồn vui thời thơ ấu? Riêng Duyên Anh đã chớm cái vui buồn sớm của tuổi thơ. "Biết buồn sớm hèn nào đời chẳng khổ, không khổ tình yêu cũng lận đận tình trường!". Tôi "phán" đại một câu "xanh rờn" y như thật mà ngẫm nghĩ đời mình sao cũng đúng gớm, đúng ghê! Duyên Anh đâu có ngờ:

Ru đời anh câu lục bát vuông tròn

Khi bước xuống đu leo dây cuộc sống.

Trót ngã đau, anh buông đời lêu lõng.

Con người chưa "trang bị" cho mình đầy đủ "thủ tục" nhất là “lý lịch đỏ” nên khi bước vào đời giống như kẻ không biết bơi sẽ chết đuối giữa dòng, như kẻ không biết ảo thuật xiếc mà đu dây xiếc! Sao không rớt bịch, sao không ngã đau? Với Duyên Anh đâu phải "trèo cao, té nặng" gì đâu, chỉ ao ước đời thường như một võ sĩ bọ ngựa mà không xong! "Ngã đau" từ này dùng vẫn còn nhẹ "đô", tôi cho là ngã một cái “chõng gọng" từ khi bị "treo bút" vĩnh viễn, Anh... cùi tay luôn! "Tàn phế" mất rồi, sức còn gì đâu mà "buông đời lêu lõng".

Hoàng Cầm và nhóm “Nhân văn - Giai phẩm” không bị “treo bút” ba mươi năm là gì? Đó cũng chỉ là một cách nói "an ủi" mà ai đó khi bức xúc đều "phản ứng" như vậy cả! Cuộc sống con người như một trò chơi đu dây dễ bị vuột tay theo Duyên Anh. Thật ra, cuộc sống còn là một trò chơi "bập bênh, bập bênh, anh lên, tôi xuống, anh xuống, tôi lên"! Chán quá, không thể không buông một lời tâm sự với ai đó? Duyên Anh đã tìm một chỗ để bày tỏ nỗi lòng:

Anh, bây giờ trên cạn bủa mùa sương

Sông đã lấp tìm ai về xưng tội?

Con sông của Duyên Anh đã bị lấp, con đường của Tế Hanh bị bỏ quên. Duyên Anh muốn tìm về "xưng tội". Tế Hanh có nhà không dám vô cứ đi, đi mãi:

Đi mãi không hề biết mỏi xa

Đi suông không dám ngó vô nhà.

(Có những con đường)

Một người "đi mãi" chẳng biết đi đâu đấy mới là "buông đời lêu lõng". Duyên Anh buộc phải đi, muốn về, về không được đấy mới là "cắt đứt dây chuông". Duyên Anh "trót ngã đau". Anh ngã thật nhưng hình ảnh con bọ ngựa chống kiếm mơ màng kia không phải là Anh sao? Anh không phải tự an ủi: "Khổ trước rồi sau hết xót xa" sao? Anh không phải đã muốn mượn cổ tích xua đi huyền thoại sao? Dòng sông quê hương đã lấp rồi (lấp thật cũng được, lấp trong tưởng tượng cũng được) làm sao được một lần xưng tội? Cái tội đã tự cho mình "buông đời lêu lõng".

Bài thơ mang âm hưởng như một bản tự kiểm "rươm rướm máu" sao mà đầy u ẩn"! Tiếng lòng này đáng cho ta trân trọng. Nó được phát ra tự một tâm hồn nặng nợ văn chương nhưng văn chương ấy lại là văn chương kiếp bèo bị dạt như "con cá măng" mắc mớ gì "trườn mình lên bãi cát" để: "Tỉnh mê hoang thì hỏng vốn hư lời”. Mất trắng!

Dòng sông của Duyên Anh:

Dòng sông êm đềm, dòng sông màu mỡ

Vun bồi anh mật ngậy sữa phù sa.

Dòng sông mà "êm đềm, màu mỡ" đầy ắp phù sa là dòng sông bình thường mà thơ ca cần có nhưng cái "phù sa" của Duyên Anh lại là "mật ngậy sữa" ăn được, uống được. Thậm chí nó làm cho ta muốn lăn vào lòng mẹ tìm dòng sữa ngọt ngào một thời mẹ chắt chiu nuôi ta khôn lớn. Với Duyên Anh, kỷ niệm đó dùng từ gì khác hơn, "công suất" hơn từ "gắn bó sâu sắc"? Một con người biết trân trọng kỷ niệm thơ ấu với dòng sông ngàn năm miên man chảy thì con người đó sẽ quý cái hiện tại và mơ ước cho tương lai. Duyên Anh bị cắt ra một nửa (chém ngang chưa lành) nên hiện tại bế tắc, tương lai chằng chịt. Những điều "quý" và "mơ ước" đành dồn hết về cho kỷ niệm "nên kỷ niệm như mũi tên phiêu bạc" cho con bọ ngựa chống gươm mơ màng... cổ tích!

Con sông của Duyên Anh thời "anh nào biết có hoàng hôn":

Sông dài bao dung, sông rộng vị tha

Sông không chìu anh ngủ vùi sung sướng.

Ai "bao dung"? Ai "rộng vị tha", Ai "nuông chìu"? Là sông hay là mẹ là quê hương? Trước đã bao dung sao nay không bao dung lần nữa? Duyên Anh một lần nữa lại "chơi chữ" với cả tên mình trong "Ai tín" (Ru tín) năm 1983 với nỗi niềm riêng vì con sông không "dẫn độ" Anh về quê hương:

Tổ quốc anh đâu, tổ quốc nghìn xưa
Tiếng anh gọi đã sương mù vĩnh quyết
Tiếng anh gọi đã nghĩa trang đào huyệt
Nghĩa là anh mất hết tự đêm nào
Giòng sông đưa anh ra biển ngập sao
Giòng sông không dẫn anh về quê hương anh nữa
Em,
Anh đã đến Paris
Mùa thu đầy xác lá
Xác lá mùa thu, xác lá duyên anh


Với Duyên Anh dù "dòng sông không dẫn anh về quê hương anh nữa" nhưng "dòng sông cũ làm sao anh quên được" đã khép lại những dòng chảy cuộc đời vẫn mãi lặng lẽ trôi. Đến Paris thì phải ở lại nơi "mùa thu đầy xác lá, xác lá duyên anh" vì Anh không còn con đường lựa chọn nào khác. Trời thu đầy xác lá. Lòng người cũng xác xơ. Đời tơi tớt với lá thu khô rơi xiết quanh trời! Cô đơn đến nơi. Trong nỗi niềm riêng, Duyên Anh vẫn dành cho tình yêu một khoảng trời xanh biếc.

* Duyên Anh: Tình yêu theo năm tháng.

Người ta cho Xuân Diệu là đỉnh cao của "Thơ mới", là đỉnh cao của thơ tình yêu nhưng cái gì cũng có thời gian, khó có ai giữ mãi huy chương vàng suốt cuộc đời mà không "vui lòng" nhường lại cho những "hậu sinh khả uý". Tình yêu của Duyên Anh da diết và đằm thắm hơn Xuân Diệu nhiều. Tình yêu của Duyên Anh là tình yêu theo tháng năm từ tháng giêng đến tháng mười hai, là tình yêu chờ đợi mỗi ngày mỗi da diết trong "Niên thiếu":

Nụ hôn mừng tuổi ngon mùi tết

Anh bảo em rằng mới tháng hai

...

Khi về hoa bưởi thơm mùi nhớ

Anh bảo em rằng qua tháng ba.

Xuân Diệu làm sao mà chờ đợi nổi kiểu tình yêu nay bởi dù:

Anh chỉ có một tình yêu thứ nhất

Anh cho em nên anh đã mất rồi.

(Tình yêu thứ nhất)

Xuân Diệu lao vào yêu cuồng nhiệt, yêu "vội vàng". Kiểu tình yêu này nóng bỏng thật nhưng vỡ tan nhanh chóng. Ta đọc những dòng thơ tình yêu của Bích Khê, Hồ Dzếnh sinh cùng năm với Xuân Diệu cũng yêu "lắm lắm" mà hình như "vắng em" là anh cũng "tiêu" luôn, cũng "thiu" luôn:

Trăng nay không nàng như trăng thiu

Đêm nay không nàng như đêm hiu.

(Tỳ Bà)

Yêu không được thì "chết" như trong "Xuân ý" của Hồ Dzếnh:

Mày ai bán nguyệt, người ai nhỏ

Em ạ! Yêu nhau chết cũng đành.

Không ai có thứ tình yêu mà Duyên Anh đã có. Nó thắm quyện giữa con người với "cái tuổi ngon mùi Tết" với cái "hoa bưởi thơm mùi nhớ". Thật háo hức làm sao! Trẻ trung làm sao! Tinh khiết biết dường nào! Hoa cau người ta nói nhiều nhưng hoa thơm nhất, không sao quên được vẫn là hoa bưởi. Tình yêu đậm mùi hoa bưởi mộc mạc gắn liền với quê hương là tình yêu bất diệt. Thơ Duyên Anh chỗ nào cũng đầy hình ảnh sâu sắc, đọc tới đọc lui mới tìm ra, phát hiện ẩn ý mà tác giả. Rồi thời gian qua đi, tình yêu hồn nhiên "rất mềm", "đủ mộng, sương mơ" ấy vượt cả không gian làm người trong cuộc thắc tha, thắc thỏm:

Chửa chiều đã ngỡ sao quên mọc

Anh bảo em rằng sắp tháng năm.

Đọc qua câu thơ "Chửa chiều đã ngỡ sao quên mọc", Duyên Anh bỏ luôn chữ "ngỡ" vào người đọc ngỡ như đơn giản mà đầy ngụ ý. Từ "ngỡ" cho ta cảm giác thời gian như chững ra, dừng lại. Không chờ đợi thì làm sao biết thời gian nhanh, chậm như thế nào? "Sao quên mọc" nhắc chừng một cái hẹn hò ban đêm đó! Nhưng "chửa chiều": Cái chưa đến làm sao mà đợi cái tiếp theo? Tình yêu của chàng coi bộ đã tăng theo từng cấp số. Nụ "hôn" từ đoạn mở đầu bài "Niên thiếu" cũng chỉ là nụ hôn "mừng tuổi ngon mùi Tết" thôi. Rồi một đêm "thức trắng canh tam cúc" giữa hai người nảy nở một "tình yêu hoa bưởi". Chàng khôn ngoan "vẽ hẹn hò" với nàng trên đường quê. Chao! Mới quen nhau chưa lâu thì đi dạo lòng vòng, nói lóng ca, lóng ngóng, hồn đi đường hồn, xác đi đường xác thấy mà... run, tim nện bịch bịch... e ấp làm sao! Thần tiên quá chừng! Đột nhiên thấy giật nẩy:

Vô tình tay nắm tay khắng khít

Anh bảo em rằng đang tháng tư.

Thật ra, câu thơ lập đi lập lại mãi một điệp khúc: "Anh bảo em rằng..." chỉ mình chàng ngầm hiểu để cho nàng biết rằng chàng yêu nàng không "vội vã" như Trảo Nha - Xuân Diệu, không mồm mép ca tụng nàng như Hồ Dzếnh, Bích Khê như Lưu Trọng Lư, Huy Cận kiểu ngoa dụ:

Em lùa gió biếc vào trong tóc

Thổi lại phòng anh cả núi non.

(Áo trắng)

Cử chỉ nắm tay" "vô tình" ấy hóa ra "có tình" làm ngọn cỏ cũng bồi hồi xúc động. Hai luồng điện nối kết như người ta nối mạng trên Internet với nhau để rồi đầy quá, tràn ra ngoài. Duyên Anh không nói đến từ xao xuyến mà ta thấy một trời xao xuyến. Nếu ta không chút động lòng nào khi đọc những dòng thơ này để nhớ lại cái tình "thuở ấy làm sao quên" thì quả ta mắc một chứng mà bác sĩ tâm lý học gọi là "lãnh cảm’!

Các dòng thơ viết về tình yêu loại này đều bày tỏ tấm lòng, khẳng định mình nhớ thương người yêu ngay và hay dùng chữ "thương". Diệu Thanh trong "Yêu thương" bày tỏ:

Thương nhớ hơn ngàn mây ấp núi

Hơn thuyền ru bóng giữa dòng sông.

Trong khi đó, Nguyễn Đình Thư khẳng định rằng:

Một thương là sự đã liều

Thì theo cho đến xế chiều chứ sao.

(Đến chiều)

Bàng Bá Lân trong "Chưa bao giờ thương thế" thì kêu to:

Ôi thương em, thương em

Chưa bao giờ thương thế.

Ta thấy cái "thương" của Trần Dạ Từ hồn nhiên mà đậm đà hơn:

Hôm nay chợt nhớ thương người

Tiếng ve mùa cũ rụng rời vai anh.

(Nụ hôn đầu)

Nhưng cái "thương" của Duyên Anh mặn mòi nhất. Tình yêu của Duyên Anh đặc biệt theo từng tháng, từng mùa nóng, lạnh, bão giông. Tình ấy mới nồng. Tình ấy mới không "chót lưỡi đầu môi". Tôi bỗng "thèm" cái yêu rất đổi nhẹ nhàng của Anh:

Anh bảo em nhiều đếm hết hông

Những lời tháng sáu có mưa giông.

Những câu tháng bảy heo mây lượn

Tháng Tám tình xanh, tháng chín hồng.

Tháng "tình xanh" tháng "tình hồng" nghĩa là tình yêu đã đi vào mùa kết nụ. Duyên Anh không như Đinh Hùng đã ngây ngất:

Anh say ngất tình em trong khóe mắt

Say hương thầm trên mái tóc nhung tơ.

(Ân tình dạ khúc)

Duyên Anh không nói "say ngất", không nói yêu nàng vì "mái tóc nhung tơ" hay giống như Nguyên Sa yêu "nhan sắc":

Trên cuộc đời sẽ chẳng có giai nhân

Vì anh gọi tên em là nhan sắc.

mà như đã lột hết cái tình ngất ngây qua ngôn ngữ cực tình tinh tế "đếm hết hông". Cụm động từ "đếm hết không" với "đếm hết hông" chỉ khác một mẫu tự K mà nội dung khác hẳn. "Không" chững chạc hỏi một phát một và cần trả lời phát một. Nó được dùng trong trường hợp dùng để hỏi, tự khẳng định bởi phủ định và mang tính nghiêm túc. Ví dụ Tế Hanh dùng "không" để khẳng định trong "Ước ao" cái tình của mình:

Anh không uống, anh không ăn, không ngủ

Anh khóc than, than khóc đến bao giờ.

Với T.T.Kh - Nàng thơ bí ẩn trong lịch sử văn học trong bài "Bài thơ cuối cùng" sử dụng 4 từ "không" cũng để khẳng định một tình yêu tuyệt vọng mà vô cùng tha thiết:

Đi nhớ người không muốn nhớ lời

... Nếu không yêu được thì tôi chết

... Giận anh không nỡ! Nhớ không thôi!

Nguyên Sa dùng "không" để hỏi: "Paris có gì lạ không em?" Từ "không" trong "Hai sắc hoa Ti-Gôn" của T.T.Kh một lần nữa vang giữa thinh không đau xé:

Nếu biết rằng tôi đã có chồng

Trời ơi! Người ấy có buồn không?

Thay những từ "không" bằng từ "hông" vào đây, các bài thơ trên coi như... hỏng! Bỗng nhiên từ "hông" của Duyên Anh trở thành "độc bá võ lâm" từ năm 1974 cho tới 12 năm sau có một người nhỏ hơn Duyên Anh 29 tuổi đã tình cờ để rớt từ "hông" vào bài thơ "Tháng sáu - Tình xa":

Ve khao khát gọi người qua bụng õng

Tháng sáu ngoài kia nhớ tháng sáu này hông?

"Hông" của hai người đều mang tính cách nhẹ nhàng, nũng nịu có hàm ý hỏi mà như tự trả lời. Chính từ "hông" được gói ghém trong chín tháng đó đã đẩy tình yêu bùng vỡ vào tháng mười và kết tụ vào tháng mười một:

Anh vỡ lòng yêu cuối tháng mười

Đóa hôn mười một cháy bùng môi.

Cụm động từ "vỡ lòng" ở đây còn mang tính chất "chơi chữ". Một, lòng vỡ yêu tức là lúc này "tá hỏa" ra mình yêu. Chàng trai của Duyên Anh (may mắn hơn vì nàng còn sống chứ không như cô hàng xóm của Nguyễn Bính mất, lúc ấy, Nguyễn Bính mới thấy rằng "quả tôi yêu nàng") phải mất tới chín tháng mới khẳng định sự bùng nổ đó. Hai, "vỡ lòng" còn mang một ý nghĩa "mối tình đầu của tôi" giống như bài học "vỡ lòng" mà Đỗ Trung Quân ngụ ý trong "Quê Hương" tức là sự "đầu tiên".

Bài thơ "Niên thiếu" có 7 khổ thơ. Khổ đầu và khổ sau mở và kết bằng từ "hôn" nhưng khác nghĩa bởi từ đi kèm. Khổ đầu là "nụ hôn mừng tuổi" có tính cách một tình cảm chớm nở như "nụ". Hình như còn ám chỉ cô bé còn nhỏ lắm, vậy nên "hôn" chỉ là món quà mừng năm mới thay vì "lì xì" tiền. "Đóa hôn" như nụ kia đã nở chút ít tạo ra hình dáng một bông hoa. Bạn đừng hỏi bông hoa gì vì tôi làm sao mà biết? (Có người thích mỗi hoa Ngọc Lan trong khi tôi yêu hoa hồng)! Nụ hôn tết thì chắc chàng chẳng gởi lên môi cô bé đâu mà cái nụ hôn sau muời tháng kiểm tra tình cảm, rồi cân, đo, đong, đếm đâu đó chàng mới trao trên môi nàng. Dĩ nhiên một "đóa hôn" được ban ra phải có sự đồng ý của người nhận. Nếu không, hậu quả gì sẽ xảy ra? Ai biết!

Sau cái hôn cháy bùng, chàng trai của Duyên Anh dừng lại nhưng Tế Hanh trong "Ước ao" đã thấy:

Rồi anh chết, anh chết dần, chết héo

Linh hồn anh thất thểu dõi hồn em.

Duyên Anh yêu cũng đắm say nhưng rất tỉnh táo, giữ gìn:

Anh đắm say nhiều nhưng chưa hối tiếc

Treo cây đời trái cấm vẫn còn nguyên.

(Sông lấp)

Tình yêu ấy thiệt làm ta hâm mộ quá! Chàng trai tháng mười một hôn "cháy bùng môi" đến cuối năm thì "nhật thực":

Tháng mười hai gọn vòng tay ấm

Ấy lúc hồn anh biết rã rời.

Từ "gọn", tôi muốn thử từ "trọn" vào nhưng chữ "gọn" bao hàm sự nhỏ nhắn của nàng trong Duyên Anh. Từ "trọn" có vẻ "chiếm hữu". Nó thiếu sự "che chở" của chàng với nàng. Tình yêu thiếu đi sự tin cậy, chở che của chàng đối với nàng thì cũng là tình sáng đến, chiều đi mà thôi! Chao! lãng mạng như thuở hai mươi! "Rã rời" na ná như "đã đời" nhưng từ "đã đời" ý diễn đạt sự bạo dạn của tình "chiếm đoạt" mạnh lấn át cái thấm thía len lõi tận cùng, máu thịt. Nó còn hay như thế nào nữa mời độc giả thử yêu rồi bình xem sao!

Tình yêu có hương vị quê hương là nền. Có thời gian là thước đo ân tình thì mãi mãi là một tình yêu bất tử. Nó chỉ có trong giấc mơ cho người ta ước ao để người yêu thầm nhớ như Duyên Anh đã nhớ trong "Bấy giờ em ơi" năm 1984:

Có bao giờ em hỏi
Quê hương mình ở đâu
Có bao giờ em đợi
Tháng mấy trời mưa ngâu
Có bao giờ em nói
Lời tình tự ca dao
Có bao giờ em gọi
Hồn ta về với nhau


Mùi hương nào gợi nhớ
Vườn trăng thoảng hương cau
Con diều nâu đòi gió
Gửi nhạc sáo lên cao
Nhịp võng trưa mùa hạ
Ngày xưa ru ngày sau
Thi ca trong sữa lúa
Tiểu thuyết trên lụa đào

"Hương cau, mưa ngâu, sữa lúa, vườn trăng, lụa đào, con diều, nhịp võng" là tất cả hồn thơ, là cái nhụy của tình yêu vĩnh cửu của bài thơ, là quê hương của tác giả.

Trang Châu đã từng có "Ba điều ước" :

Em hãy đến rồi đi

Hãy ở xa và nhớ

Hãy muôn thuở là của anh mà không phải của anh.

Một tình yêu thần thánh chỉ để tôn thờ. Một tình yêu chỉ đẹp khi còn dang dở? Yêu như Duyên Anh, thiết nghĩ "trên đường tình ta đi" chẳng mấy ai! Có chăng cũng như Duyên Anh mơ màng... cổ tích! Hai từ cổ tích cũng khép lại dòng sông tình yêu êm đềm, sâu lắng của Duyên Anh để mở ra một ngã rẽ đau lòng khác trong "nỗi niềm riêng một đời dấu kín" của Anh.

* Duyên Anh: "Cám ơn em đã yêu anh" và xin "Hôn em kỷ niệm" với nỗi niềm tha hương:

Sau biến cố 1975, Duyên Anh cùng những người viết văn có tính chất "chống cộng" đã bị chính quyền mới cấm viết lách và bị giam không xét xử trong sáu năm tại các trại tập trung. Duyên Anh được trả tự do nhờ tổ chức quốc tế Amnesty International và Pen Club International can thiệp. Sau đó, Duyên Anh rời Việt Nam đến Pháp bằng chuyến vượt biển. Duyên Anh đã viết lại 20/50 tác phẩm và nổi danh nhanh chóng trên đất người. Đó cũng là câu trả lời vì sao, vị giáo sư Pháp lại ca ngợi nhà văn lão luyện vì thời cuộc mà trở thành nhà thơ nổi tiếng này!

Nghe từ "chép lại" đã ớn lạnh mà thêm "viết lại" thì ai mà chẳng nổi da gà. Phục quá!

Nhưng dù những hào quang quay quanh (báo chí, đài phát thanh, đài truyền hình, nhà xuất bản Pháp xúm đưa tin, nói, viết, in sách Duyên Anh) mà tác giả này vẫn cảm thấy cô đơn, hiu hắt:

Ta đến một mình không có ai

Gập ghềnh địa nạn, dốc thiên tai…

Ta đến một mình ta với ta

Bỗng dưng thương ngục đá đêm già.

Cuối đường hiu hắt chiều giăng mắc

Thấp thoáng hồ ly đóm lửa xa.

(Ta và ta -1986).

Một câu mà gieo tới ba từ "ta" sao mà lẻ loi. Hình ảnh "ngục đá đêm già" lại bắt ta động não rồi đây! Nếu ngục đá mà có dấu phẩy đằng sau "ngục đá, đêm già" thì chì là một ngục đá tầm thường như bao cái nhà tù khác. Còn cụm danh từ "ngục đá đêm già" dính chùm với nhau thì thành ra nhân hóa nỗi cô đơn lạnh lẽo của đá ra của người! "Điện từ cùng dấu thì đẩy nhau" vật lý so sánh trong lĩnh vực văn học coi bộ trật lất! Với Duyên Anh, ta một mình cô đơn nên ta xót, ta thương cái ngục đá cũng cô đơn lạnh lẽo như ta. Câu "đoạn trường ai có qua cầu mới hay" của Nguyễn Du trong "Truyện Kiều" bỏ vào chỗ này chắc không lộn chỗ! Thành ngữ "Ở trong chăn mới biết chăn có rận" thêm vào chắc cũng không lầm đường!

Lòng trống vắng lòng thêm cay đắng

Mới xót xa trái khổ qua già.

Chàng võ sĩ bọ ngựa thôi chống gươm mơ màng cổ tích, thôi cỡi trần tắm vũng hoa niên. Chàng bỏ dòng sông tình yêu mười hai tháng mà đi:

Ta đến một mình không có em

Mùa tàn, đất nẻ, bắt lời tim.

(Ta và ta)

Quê người, đất khách làm sao không thở dài: "Ta đến một mình không có em"! Bài thơ 4 khổ lập lại từng câu đầu "Ta đến một mình" nghe cô đơn lắm, buồn lắm! Người ra đi nếu là sự tự nguyện với mục đích nào đó thì không thể nói lời hối tiếc, buồn thương, cô đơn nhiều như vậy!

Cao Bá Quát chỉ rời làng Phú Thị (Gia Lâm - Bắc Ninh) "Đến làng Đông Du, đêm ngủ đỗ" mà đã buồn vì nhớ nhà:

Đầu song đứng ngóng quê hương

Quê hương đâu phải dặm trường xa xôi.

...

Biệt ly biết đến bao giờ

Vẫn còn nấn ná quê người một thân.

Đã "biệt ly" là phải nhớ nhung. Cung Tiến có bản "Biệt ly" nổi tiếng thập niên 60 cũng là gởi lòng ngậm ngùi xa cách mà thôi! Càng xa cách càng nhớ nhiều. Nỗi nhớ nhà sẽ là con mối gậm nhấm cho kẻ đi xa. Huy Cận cũng từng trào xúc cảm trong “Tràng giang”:

Lòng quê dờn dợn vời con nước

Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà.

Hai câu thơ này bao nhiêu người đã thuộc, bao nhiêu người nhớ nó trong cái phảng phất hơi thơ Đường hoài cổ và nó "đại diện" cho dòng thơ Huy Cận.

Với Duyên Anh, Paris buồn vì Duyên Anh đang thất thơ, thất thưởng. Không khí phồn hoa của "kinh thành ánh sáng", "ngàn năm văn vật" này không đủ sức quyến rũ họ Vũ này như đã làm Nguyên Sa chết mê, chết mệt:

Mai tôi đi chắc Paris sẽ buồn

Tôi yêu Paris hơn một người bạn yêu một người bạn hơn người

yêu yêu một người yêu.

(Paris)

Nguyên Sa đã quay về sao thời gian du học. Duyên Anh thì không còn chỗ mà về (dòng sông đã lấp). Anh không còn sống để mà về. Một đi không trở về này là viên đá tảng đè trên ngực đến phút cuối cùng và cũng là dòng thơ u ẩn như Duyên Anh đã viết, đã tâm sự, đã trăn trối:

Rượu xuân mừng chén lênh đênh

Nghìn năm sau vẫn một mình, mình thôi.

(Khai bút)

Nỗi niềm cô đơn cũng là nỗi lòng của tất cả những văn thi nhân đang vất vưỡng nơi xứ người.

Thanh Nam trong "đêm cuối năm uống rượu một mình" để nhìn ánh "Tà dương cuối đời" mà u hoài với cái Tết tha hương:

Chín năm đón Tết quê người
Vẫn ta ở tạm, vẫn đời ghé qua
Chín năm thương tuổi thêm già
Cành Xuân đã ngã qua bờ Thu Đông
.

Mượn cảnh tả mình, mượn hình tả bóng, mượn đàn bà tả đàn ông, mượn không nói có, mượn gió nói mây... là nét đặc sắc của dòng thơ Duyên Anh. Kẻ tha phương không có gì vui thật sự cả. Bốn câu trong bài "Tha phương" năm 1987 đã kết thúc dòng thơ Duyên Anh hết sức "tự trọng":

Nỗi em thẹn phấn son người

Bước vui hụt hẩng rã rời phồn hoa.

Soi gương mất dạng kiêu sa

Giật mình bỗng thấy cái ta bẽ bàng.

Chính "cái ta bẽ bàng" đó lại làm cho ta kính trọng. Với một người mà tâm hồn đã thuộc về thế giới của người cầm bút đúng nghĩa thực thụ của nó thì làm gì "già" đâu mà biết cái kiêu sa, thẹn son phấn? Bản tự kiểm này đáng giá quá. Đôi khi, ta hãy soi vào đây để xem ta đã đánh mất ta chưa. Nếu chưa thì cũng là "sắp sửa" đó thôi:

Thoáng ban mai, vội chiều tàn

Mới hay hồn đã úa vàng kiếp xưa.

(Phù ảo)

"Thoáng ban mai" của Duyên Anh đã nhập vào "một tâm khúc" của Du Tử Lê. Tình yêu của em với sự ly loạn chia cắt đã thành một nỗi nhớ khi em cũng là... quê hương:

Ở chỗ nhân gian không thể hiểu
Tôi có người hồ như hạt sương.
Có bông hoa đỏ chiều tâm khúc
Tôi thấy từ em một quê hương
.

(Bài nhân gian thứ nhất)

Quê hương đã bỏ lại sau lưng với những người vượt biển trong một hành trình đi tìm tự do. Người còn sống sau những vật lộn với thủy thần với hải tặc đã thực sự nhận ra giá trị của sự sống sau một lần... chết là một đêm định mệnh "thầm thầm tiếng sóng oan khiên" trong "Đêm im lặng" của Vũ Thùy Hạnh:

Tôi về nơi trú ẩn

Một mình

giữa cõi lòng riêng

Nghe gió vi vu một miền hiu quạnh

Có vì sao lấp lánh mắt nhìn

Xin cám ơn đất trời vô lượng

Đã cho tôi

Còn

Cõi lặng im.

Với Thùy Hạnh, "một mình" sống trong "một cõi lặng im" đã là niềm hạnh phúc và niềm hạnh phúc may mắn sống còn đó đã, đang và vẫn chôn giấu một nỗi niềm riêng trong "nỗi sống vô cùng"! Nó cũng tan vào "Phù ảo" của Duyên Anh.

Nếu như Nam Lộc hay những người cùng tương ý sau biến cố 1975 đã... khóc SàiGòn "SàiGòn ơi! Tôi đã mất người trong cuộc đời" thì Duyên Anh trong các bài "SàiGòn trường ca", "SàiGòn ra đường", "SàiGòn trong nhà", "SàiGòn thanh niên" vẫn khẳng định "SàiGòn không mất" với một điệp từ như một khúc ca quê hương:

Sàigòn tình thơ anh
Sàigòn ấu thơ anh
Sàigòn mưa tâm tư
Sàigòn nắng tâm tình
Sàigòn mênh mông
Sàigòn vời vợi
Sàigòn rất tươi
Sàigòn thật mới
Thế giới ơi, tôi không mất Sài gòn
(Sa Ác, 30-4-1979)


Với Quách Xuân Sơn, SàiGòn muôn đời vẫn là “SàiGòn nỗi nhớ”:

SàiGòn ta chẳng quên

Xin hẹn ngày gặp lại.

Với Duyên Anh, SàiGòn muôn đời là những tách cà phê ngọt lịm tình quê chứ không phải là những cốc cà phê "bấm nút" thời điện tử ở Paris kiêu sa lộng lẫy. Mất SàiGòn về tay kẻ ngoại bang mới gọi là mất, còn mất về một phiá bên kia thì làm sao mà gọi là mất quê hương? Đó cũng là cách nhìn nhận trung thực, công bằng dù còn nhiều điều mất mát u ẩn! Đó cũng còn hơn những kẻ có tổ quốc lại manh tâm xé nhỏ để bán rẻ tổ quốc mình? Lời chỉ trích này, con cháu ta cần học đến muôn đời!

Duyên Anh với những niềm riêng một đời khó giải đã theo Người xuống cửu tuyền đài với niềm tiếc thương cho những người đồng cảm. Người đồng cảm là những người biết đau với nỗi đau thế thái nhân tình của người thất cơ lỡ vận!

II. Kết:

Tập thơ "Em, Tôi, SàiGòn và Paris" gồm 49 bài thơ có ghi ngày tháng năm rõ ràng (quan trọng để tìm hiểu tác giả - thời đại) với các thể loại ngũ ngôn, thất ngôn, tự do, trong đó, lục bát chưa chín tới về nghệ thuật (chiếm 26/49) nhưng nội dung bao gồm những ẩn dụ sâu sắc về cuộc đời như "Sắt thép đau", "Khai bút", "Địa ngục trần gian", "Cái bang", "Trần thế", "Nghịch thiên"... Có thể nói đây là một tập thơ trong sạch về nghĩa khí, chín mùi về thế thời, sâu lắng về kỷ niệm, đột phá về tư tưởng, hiền lương về nhân cách, nghiệt ngã về số phận, chân thành về tình yêu, nặng nghĩa về tình bạn, tha thiết về tình quê. Tập thơ không đụng chạm mà trúng đích, không chỉ trích mà ám thị, không mạ lỵ nhưng khinh mạn, không than vãn mà ngạo đời, cam chịu số phận nhưng tự trọng trong nhân cách hiếm có trong văn học người Việt hải ngoại nói riêng và văn học Việt Nam nói chung.

Duyên Anh với những niềm riêng một đời giấu kín (quê hương, tình yêu và tha phương) đã lặng lẽ ra đi "ai nhớ và không cần ai nhớ". Thế giới thứ ba sẽ không còn chia cắt, không còn hận thù. Kính nễ Anh chính là sự kính nễ một kẻ biết làm "NGƯỜI". Từ nỗi đau "tàn phế" tinh thần (cấm viết) đến "tàn phế" thể xác (liệt nửa người vì bị kẻ thù hèn hạ tấn công) nhưng Anh không buông bút. Anh vẫn viết bằng tay trái và viết hơn một thời Phùng Quán quyết liệt trong "Lời mẹ dặn" năm 1957:

Tôi muốn làm nhà văn chân thật
chân thật trọn đời
Đường mật công danh không làm ngọt được lưỡi tôi
Sét nổ trên đầu không xô tôi ngã
Bút giấy tôi ai cướp giật đi
Tôi sẽ dùng dao viết văn lên đá.
Theo người bạn thân thiết của Duyên Anh là Vũ Trung Hiền tổng kết, với bàn tay trái, Duyên Anh đã thêm "14 quyển sách, tính đến lúc qua đời năm 1997. Tổng cộng, suốt cả cuộc đời cầm bút, Duyên Anh đã viết đến hàng ngàn bài báo, phiếm luận, 82 quyển sách, 3 tập thơ và hơn 100 bản nhạc. Ba tác phẩm của ông đã được dịch ra Pháp Văn, trong đó quyển La Colline de Fanta được phóng tác quay thành phim" ("Duyên Anh và tôi", hungviet.com).

Nhân bản đâu chỉ ở thương người là cho người tiền bạc, cơm áo? Nhân bản chính là ở lương tri. Lương tri của tri thức khi tri thức thuộc về nhân dân. Kêu gọi người sống thế là cho có "nhân cách", đó cũng chính là thuộc tính "Nhân bản". Kẻ làm chí sĩ thời nào, chế độ nào không chết sống cho chế độ đó, thời đại đó thì làm sao mà trở thành "chí nhân". Họ sẽ là những con... chí ẩn núp trên tóc người để hút máu mà thôi. Alexander Pope – nhà thơ nổi tiếng của Anh từng nói: "Fools rush in where angels fear to tread" (chỉ có người dại mới vào nơi mà thiên thần không dám đến). Duyên Anh đã đi vào làng văn và đã dám sống và chết vì nó. Đó là cái chết của những con thiên nga trên hồ văn học chứ chẳng phải là cái chết của con cò trên cánh đồng đã khô cạn nghĩa nhân.

Với Duyên Anh, những cái tên Thương Sinh, Thập Nguyên, Mõ Báo hay Đồng Nai Tư Mã, hoặc Độc Ngữ đã "tử chiến" trên sa trường văn học, báo chí một thời gian dài mang lại vinh quang và cả những tàn phế cho nhà văn cũng trôi theo dòng chảy thời gian. Có còn chăng là Duyên Anh của một thời "Tuổi ngọc", là Duyên Anh với những bài thơ sau biến cố 1975 giàu lòng vị tha, đầy tình yêu thương quê hương qua những ẩn dụ buốt lòng, sâu sắc, đượm buồn trong tháng ngày tiếc nuối... Ta đã hiểu vì sao sau những biến cố tàn phế, Duyên Anh tìm về những sáng tác "rất quê hương" như "Vỡ lòng ca dao", "Về với ca dao"... . Đánh giá về người đàn anh này, Phạm Anh Dũng nhận xét: "Những văn sĩ, thi sĩ, nhạc sĩ, họa sĩ, ca sĩ... nổi tiếng, tài giỏi, nghệ sĩ đến đâu thật ra cũng chỉ là người, không phải là... thánh. Cũng vậy, Duyên Anh chỉ là một người có những tính tốt đáng khen phục và những tính xấu cần phải chê trách. Vũ Mộng Long đã có những hận, thù, ghét và nhưng cũng đã có những yêu thương, tha thứ như mọi người. Duyên Anh được nhiều người mến thích và cũng lắm kẻ ghét không đội trời chung." ("Duyên Anh và tôi" dactrung.net).

Sách "Lễ Ký" có nói: "Sa chân thì chết đuối, sẩy miệng thì chết oan". Điều này thể hiện rất rõ trong giới giang hồ và trong việc thanh trừng các phe phái đối lập về chính trị. Chết oan là cái chắc! Duyên Anh thoát chết vì "sẩy miệng" nhưng tàn phế vì "sa chân" thì có khác gì sống không bằng chết? Trong ba cái kiêng nhất ở đời như Lã Khôn đã chỉ rõ thì Duyên Anh "quơ trọn" ít nhất là một trong ba: Đó là chữ "tài":

1. Khí kiên nhất là hung hăng.

2. Tâm kiên nhất là hẹp hòi.

3. Tài kiên nhất là bộc lộ.
Không ngẫu nhiên, Duyên Anh lại từ nhà văn chuyên nghiệp trở thành nhà thơ của lương tri và từ nhà thơ nhân bản. "He is truly wise who gains wisdom from another's mishap" (Người khôn học hỏi từ lỗi lầm của người khác). Anh đã trở thành... nhạc sĩ không chuyên với "Ru đời phù ảo" và dòng nhạc này đã ru hồn Duyên Anh ở lại với núi sông khi một lần nằm xuống! Lời hát: "Bạn bè còn đó anh biết không anh", Trịnh Công Sơn viết "Cho một người nằm xuống" nhưng đã không chỉ dành cho một người... đang từng bước thầm về phía quê hương. Anh đã tha thứ cho kẻ thù và đó cũng là cách duy nhất tự hoàn thiện mình. Muốn cai trị người khác, trước hết, tự biết cai trị bản thân mình. Vậy mới nói chiến thắng bản thân mới là chiến thắng vĩ đại nhất chứ không phải là chiến thắng của những viên đạn mù, những nhát dao hèn hạ đâm từ phía sau lưng. Không chiến đấu trực diện, chẳng có kẻ thắng nào được coi là anh hùng! Duyên Anh đã là người hiểu biết lẽ đời. Trong "Cuồng ngâm", Anh than:

Thời thế thế thời thê thảm thật
Thế thời thời thế thế thời thôi
!

Ta nghe như một Ngô Thời Nhậm thời Tây Sơn hào khí: "Gặp thời thế thế thời phải thế" để chết vì đòn da hèn hạ của Đặng Trần Thường thời Gia Long!

Thế giới thứ nhất của con người là cuộc đời với thiên đàng và địa ngục trần gian. Thế giới thứ hai là về với cát bụi. Thế giới thứ ba "cổ tích" mới là thế giới của những nhà văn, nhà thơ, những chí nhân!

"Em, Tôi, SàiGòn và Paris" là cây cầu nối nhịp cho những ai yêu thơ, thương "ngựa về vết chém ngang lưng" từ bến bờ bên kia nhìn lại bên này.

Thơ Duyên Anh với hình ảnh tinh tế và ẩn dụ ngụ ngôn sâu sắc là nghệ thuật. Duyên Anh - nỗi buồn "tàn phế", nỗi "hoài cổ", cái tôi ngạo trời, một nỗi niềm riêng là nội dung. Thơ Duyên Anh đã tổng hợp cả hai mặt nội dung và nghệ thuật nét cuồng ngông của kẻ có tài nhưng thất thế của Cao Bá Quát, có triết lý "thói đời" của Nguyễn Bỉnh Khiêm, mang tính dân tộc khinh ghét kẻ hèn bán nước, "mượn râu hùm nhát khỉ" của Phan Văn Trị, thể hiện khí phách "trèo thông trong tuyết" của Nguyễn Công Trứ, ẩn nhẩn với "khôn - dại" của Nguyễn Khuyến, âm hưởng khí chất kẻ sĩ chẳng gặp thời của qua chén rượu cạn một mình của Lý Bạch. Khi mượn cổ tích để khẳng định công lý, lẽ đời, thơ Duyên Anh bao trùm hồn thơ ẩn dụ, đậm sắc thái ngụ ngôn của La Fontaine. Chính vì vậy mà tập thơ này của Duyên Anh sẽ là "người bạn đồng hành" của những người một mai té ngựa! Ai có chắc ta sẽ là vĩnh viễn cỡi trên lưng con ngựa chứng thế thời? Không có ai!

Một tác giả lớn như vậy mà trong tuyển chọn 158 tác giả của nhóm Trương Đình Nho đã không có bóng dáng Duyên Anh! Vì thế, cuốn sách “20 năm văn học Việt Nam hải ngoại 1975-1995” cần xem xét lại tư cách đại diện cũng như khả năng đóng góp văn học của các tác giả và mục đích của nhóm tuyển chọn. Ngay cả Nguyễn Hưng Quốc là một nhà giáo có đầy đủ tư cách pháp nhân, tư cách văn học để phê người và giới thiệu người cũng không hề nhắc đến cái tên Duyên Anh trong bài khái quát “Hai mươi năm văn học Việt Nam ở hải ngoại” mở đầu cho cuốn sách của Trương Đình Nho. Một người chống Cộng lại không giới thiệu nổi một nhà văn chống Cộng “nguy hiểm nhất” của Cộng sản?? Nguyễn Hưng Quốc viết “Bức tranh văn học hải ngoại chỉ thực sự hừng sáng nhờ một biến cố, vẫn là một biến cố không có quan hệ gì đến văn học: phong trào vượt biển” (20 năm văn học VN hải ngoại 1975-1995, trang 17). Duyên Anh không từ kẻ vượt biển mà ra hay sao? Một loạt những cái gọi là “nhà văn, nhà thơ…” được xướng danh trong cuốn sách nói trên cũng có thể nói là sự cố gắng tìm kiếm thi nhân, thi văn của nhóm chủ trương nhưng thật sự mà nói, những cái tên ấy so với bút hiệu Duyên Anh thì chỉ đứng sau lưng ông ta hàng trăm cây số! Vậy thì tất cả những lời phán xét, nhận định về Duyên Anh cần phải đọc tác phẩm mới tìm ra ngọn nguồn “vì sao có sự bất thường? Vì sao có sự ghét thương lạ kỳ?” này đối với nhà văn, nhà thơ Duyên Anh?

Văn học không của riêng ai thì đừng vì những chút riêng tư, vị kỷ mà lãng quên nhân tài! Duyên Anh đã đặt một viên đá vào trụ đồng văn học. Có đặt trật hay không, người đời sau sẽ là những tình nguyện viên đặt lại để bàn tay Anh không chạm vào vết thương trên lưng ngựa lần nữa. Dòng sông xưa của Anh không hề lấp bao giờ: "Sông dài bao dung, sông rộng vị tha".

Chúng ta hãy để cho tâm hồn mình thành "sông dài", "sông rộng" mà cùng Duyên Anh "Nhìn Lại Bến Bờ"! Một bến bờ ẩn dụ tu từ học sâu sa…

Tháng 02/06/ 2000
Ngọc Thiên Hoa

TƯ LIỆU THAM KHẢO CÓ SỬ DỤNG:

1. Tập thơ "Tôi, Em, SàiGòn và Paris" (Duyên Anh, vantuyen.net, luongsonbac.com).

2. Thơ Thanh Nam, Trang Châu, Thanh Tâm Tuyền, Du Tử Lê, Tô Thùy Yên, Nguyễn Tất Nhiên, Cung Trầm Tưởng, Hoàng Xuân Sơn... (vietbay.com, thoivan.com, vantuyen.net), Vũ Thùy Hạnh, Huỳnh Liễu Ngạn (“20 năm văn học VN hải ngoại 1075-1995”, Nxb Đại Nam 1995)...

3. “Duyên Anh và tôi” (Phạm Anh Dũng, dactrung.net).

4. Tiểu sử Duyên Anh (vantuyen,net, luongsonthidan.com).

Xin chân thành cám ơn.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn