BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73410)
(Xem: 62247)
(Xem: 39435)
(Xem: 31180)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Những đứa trẻ Thái Bình - Tuổi Vàng Hoa Mộng (1 - 4)

28 Tháng Mười Hai 201112:00 SA(Xem: 1661)
Những đứa trẻ Thái Bình - Tuổi Vàng Hoa Mộng (1 - 4)
50Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
00
Dân Nam:

Nếu không có một hiểu biết nào đó về quá khứ, con người sẽ khó đánh giá được hiện tại một cách công bằng.

Đối với người Việt Nam, 1954 và 1975 là những mốc điểm vô cùng quan trọng trong lịch sử cận đại.

Một cách tổng quát, năm 1954, người Pháp đã rời Việt Nam sau gần một thế kỷ cai trị. Và từ đó, thế giới đã công nhận và có những mối quan hệ với hai quốc gia Việt Nam độc lập có thể chế chính trị khác biệt, với biên giới là dòng sông Bến Hải ở vĩ tuyến 17.

Cho đến năm 1975, sau 21 năm phát động và duy trì một cuộc chiến tổng thể với những hoạt động đủ các mặt, từ quân sự du kích, quân sự chính qui, cho tới chính trị, kinh tế…, nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa đã đánh thắng nước Việt Nam Cộng Hòa, chiếm nước này và tuyên bố thống nhất cả hai lãnh thổ thành một nước cộng hòa theo chủ nghĩa xã hội.

Tuy nhiên, một hiểu biết đứng đắn về lịch sử không thể chỉ bao gồm những con số, những dữ kiện thời gian, không gian. Vì nếu không nói đến hoặc không nói lên được về những con người bình thường trong số lượng dân chúng đông đảo đã thực sự sống trong những khoảng thời gian và không gian đó, với những tâm tư, vui mừng, âu lo, mà thường khi rất đơn giản của họ, thì điều thường được gọi là lịch sử sẽ chỉ thuần túy là một kết hợp thô sơ, khô khan, rỗng tuếch của những con số, và do vậy, rất dễ vừa thiếu, vừa sai. Loại lịch sử thiếu nhân tính này lắm khi chỉ là việc ghi lại một kết hợp những tuyên bố, khẩu hiệu, chiêu bài, mang tính tuyên truyền, vì đã bị bóp méo, đổi thay để phục vụ cho những quyền lợi riêng của các cá nhân hay phe nhóm.

Riêng trong trường hợp Việt Nam, tính từ biến cố dẫn đến việc thiết lập nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, cho đến năm 2010 này, đã hơn 35 năm trôi qua, nghĩa là đã có thêm gần hai thế hệ con người sinh ra và lớn lên trong chế độ xã hội chủ nghĩa. 35 năm tuy không dài, song cũng đã đủ để khiến đại đa số người Việt Nam khó có được một cái nhìn tương đối khách quan về lịch sử của chính đất nước mình, vì khó có cơ hội biết được tâm tư của những người “khác” mình, không “xã hội chủ nghĩa” như mình. Nói đại đa số vì con số này có thể lên tới ba phần tư toàn thể dân số Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam. Con số ba phần tư này bao gồm hai phần tư (một nửa) là những người gốc Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (rồi sau đó thành Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam) cùng con cái họ; và một phần tư là hai thế hệ mới, dưới tuổi 35, của những người gốc Việt Nam Cộng Hòa, đã sinh ra và lớn lên trong bối cảnh chính trị của một đất nước xã hội chủ nghĩa.

***


Duyên Anh được coi là nhà văn sáng giá của tuổi thơ. Thuở sinh thời, ông xác định ông không viết cho tuổi thơ, với nghĩa viết cho nhi đồng-thiếu nhi đọc để giải trí như loại Sách Hồng của nhà Đời Nay hay Truyền Bá của nhà Tân Dân xưa kia, mà ông viết về tuổi thơ, theo chúng tôi hiểu, là — như các tác phẩm khác nói về danh nhân, về người già, người lớn, thanh niên — để người đọc mọi lứa biết về những việc tuổi thơ nghĩ, làm, mà hiểu họ,…

Quả vậy, tác phẩm Những Đứa Trẻ Thái Bình (cũng còn được tác giả đặt tên là Vẻ Buồn Tỉnh Ly) viết về một thế hệ trẻ thơ sống trong cái thời đại có thể nói là cần ghi chép nhất trong dòng lịch sử đất nước chúng ta. Những nhân vật cũng như những sự việc ông ghi kể như vô cùng trung thực.

Ông viết về mỗi đứa trẻ vào riêng từng cuốn một (Thằng Vũ, Thằng Côn, Con Thúy, thằng Khoa, Thằng Vọng), sau tập hợp lại chung làm một tác phẩm như là một thứ lịch sử dưới dạng tiểu thuyết và cho chúng tôi biết đây là tác phẩm đắc ý nhất của ông..

Dù đã được in từ lâu bên nhà và đều được in lại khá nhiều lần tại hải ngoại, nhưng vẫn dưới dạng lẻ tẻ từng cuốn, nên người đọc không hiểu được dụng ý của ông. Do đó, chúng tôi mang toàn bộ lên mạng để phổ biến một tác phẩm vừa giá trị về văn chương vừa giá trị về lịch sử để độc giả và thân hữu có một cái nhìn chính xác về một thời kỳ.

Vì là một thứ lịch sử bán chính thức của một thời đại, tác giả thuộc thế hệ sinh năm 1935. nên những độc giả cùng tuổi đọc tất thông hiểu một cách dễ dàng, nhất là những sự việc ông kể lại thì ở đâu cũng đều xảy ra tương tự.

Tuy nhiên, với những độc giả chỉ sinh khoảng năm 1940 là đã không nắm vững được nhiều sự kiện, vì thời gian từ 1945 đến 1955 quá nhiều chuyện phức tạp. Do đó, chúng tôi mạn phép nói sơ qua về thời gian này:

Bên Âu Châu, vào thế kỷ 19, hai đế quốc Anh-Pháp tiến bộ về khoa học kỹ thuật, sản xuất dư thừa, có tàu chiến súng ống tối tân (với thời đó), đi xâm chiếm thuộc địa để khai thác tài nguyên, bóc lột lao động, cũng như giành giật thị trường. Nước ta, cũng như phần lớn các quốc gia khác, thua sút nên từ nửa sau thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20 bị người Pháp cai trị. Họ Nguyễn Phước chỉ còn là vua bù nhìn.

Sau Đức Quốc Xã mạnh lên, gây chiến (1939), thắng Anh-Pháp tại Âu Châu. Bên Á Châu, Nhật cũng hùng cường, đồng minh với Đức, và tung hoành tại Trung Hoa (Tàu) cũng như Đông Nam Á. Pháp tại Việt Miên Lào (Đông Dương/Đông Pháp) phải khuất phục, ngày 30-8-1940 ký hiệp ước thừa nhận đặc quyền của Nhật đối với Đông Dương, để ngày 22-9 Nhật đưa quân vào, và làm tay sai cho họ.

Tại Việt Nam, các đảng phái quốc gia (Việt Nam Quốc Dân Đảng gọi tắt là Việt Quốc, Đại Việt Quốc Dân Đảng gọi tắt là Đại Việt, Đại Việt Duy Dân gọi tắt là Duy Dân,…) cũng như quốc tế (cộng sản, Việt Nam Độc Lập Đồng Minh gọi tắt là Việt Minh) thừa thời cơ, tích cực hoạt động.

Rồi Anh, Pháp, Nga, Tàu được Mỹ giúp. Đức Nhật thành yếu thế. Tại Đông Dương, Nhật đảo chính (9-3-1945), bắt nhốt Pháp lại và giao trả độc lập cho ba nước Việt, Miên Lào.

Cuối cùng Đức đầu hàng không điều kiện ngày 9-5, Nhật ngày 14-8. Nam Triều (chính phủ Việt Nam của hoàng đế Bảo Đại và nội các Trần Trọng Kim) cũng như các đảng phái quốc gia non nớt về chính trị, không giám nhận lãnh trách nhiệm, một phần cũng vì ít nhiều liên hệ với Nhật Bản, nhường chính quyền cho những người cộng sản (30-8-1945).

Đồng Minh (Mỹ, Nga, Anh, Pháp, Tàu) giao cho Anh và Tàu giải giới quân đội Nhật tại Việt, Miên, Lào. Anh vào (6-9) mang Pháp theo kiểm soát từ cực nam tới vĩ tuyến 16. Trung Hoa mang quân đội xuống (9-9), kiểm soát từ biên giới phía bắc tới vĩ tuyến 16; các đảng phái quốc gia ở hải ngoại theo về.

Người cộng sản đứng trước hai địch thủ: tuyệt đối là những người quốc gia và tương đối là người Pháp tái xâm lăng. Tất nhiên họ lựa chọn đường lối bắt tay với Pháp, tương đối địch thủ, và hối lộ các tướng tá tham những Tàu để tận diệt tuyệt đối địch thủ.

Sau khi giải giới quân đội Nhật Bản, quân Anh rút, giao quyền cho Pháp ngày 5-3-1946; Tàu ký hiệp ước thủ lợi với Pháp, đội quân cuối cùng xuống tàu về nước ngày 18-9. Còn lại Pháp và Cộng Sản trực diện. Họ đánh nhau ngày19-12. Và Việt Nam bước vào cuộc chiến Đông Dương lần thứ nhất (1946-1954).

Người cộng sản, theo đúng sách lược của Nga Xô, hô hào chống thực dân giành độc lập. Ngưới dân Việt phần yêu nước phần không rõ bản chất cộng sản cho rằng cứ đánh Pháp đã rồi sẽ tính sau. Nhưng khi Trung Cộng đuổi được Tưởng Giới Thạch ra Đài Loan, làm chủ toàn lục địa Trung Hoa cuối năm 1949, và tích cực yểm trợ Việt Cộng, thì Pháp đành chịu thua, ký Hiệp Định Genève (21-7-1954) chia đôi Việt Nam ở vĩ tuyến 17. Chỉ một số rất ít người may mắn di cư được vào Nam (cũng như sau này, 30-4-1975, những người may mắn di tản ra được ngoại quốc, khi cuộc chiến Đông Dương lần thứ hai chấm dứt).

Đó là bối cảnh mà tác giả Duyên Anh viết trong tác phẩm đắc ý của ông. Ngoài ra, đôi khi có chút sai lạc nhỏ, khi nào tới, chúng tôi sẽ xin chú thích để giúp các độc giả thế hệ trẻ nắm vững sự kiện lịch sử hơn.

***


Kính tặng cha tôi, ông Vũ Mộng Hùng, nông dân, sinh ra và lớn khôn ở làng Tường An, huyện Vũ Tiên.

 Kính tặng Mẹ tôi, bà Nguyễn thị Đạt, nông dân, sinh ra và lớn khôn ở làng Thanh Triều, huyện Hưng Nhân.

 Cả Vũ Tiên và Hưng Nhân đều thuộc tỉnh Thái Bình.

 Cha nông dân, mẹ nông dân, đẻ con nông dân. Rất tự hào về Trần Thủ Độ chài

lưới, về Lê Lợi hào trưởng, về Nguyễn Huệ áo nâu…

 VŨ MỘNG LONG

 Kính tặng Thái Bình, quê hương tôi.

 Kính tặng Tường An, làng tôi.

 Kính tặng thị xã Thái Bình, nơi tôi gửi nhiều kỷ niệm tuổi nhỏ.

 Kính tặng người Thái Bình, cùng quê tôi.

 DUYÊN ANH

 I. TUỔI VÀNG HOA MỘNG

1

Vũ và Côn nằm dài trên chiếc chiếu rách, trải dưới giàn hoa lý, sau vườn. Bóng râm mỗi lúc một lan rộng ra. Nắng chiều yếu dần, nên màu xanh của lá và màu vàng của chùm hoa tươi lên, làm dịu mắt hai thằng bé.

Những con bọ ngựa trốn nắng hạ từ lâu, bây giờ, bò khắp chỗ đùa bỡn. Côn bỗng nhớ nhà quê. Vụ hè, năm ngoái, nó được theo bà ngoại nó về mãi làng Thanh Triều, tít tắp bên kia sông Trà Lý. Nó cũng đã từng nằm dưới bóng mát của giàn hoa, gần bờ ao, nghe tiếng cuốc kêu rỉ rả, tiếng tu hú bắt nhịp thời gian chạy uể oải. Nó đã chán cả tắm ao, câu cá, đập cào cào, đánh bẫy chim với tụi nhóc đồng nội. Côn bò lên tỉnh ngay, để khoe với thằng Vũ rằng, không có thằng Vũ, trên đời không có gì vui vẻ. Bây giờ, nằm bên thằng Vũ, nó lại nhớ nhà quê.

Côn và Vũ xấp xỉ mười ba tuổi. Chúng nó cùng học một lớp, cùng ngồi một bàn, cùng thích truyện kiếm hiệp Tầu, nên hợp nhau lắm. Bất cứ nơi nào, người ta cũng gặp hai đứa. Nửa trưa nắng gắt, chúng nó kéo bạn xuống phố An Tập, tổ chức đánh trận, vật lộn, ném đá, ném đất. Thằng nào thằng nấy nhễ nhãi mồ hôi, quần áo lem luốc, rách nát. Đôi bận bị xầy da, sứt trán, chúng nó giả vờ khai vấp ngã.

Được cái ở nhà chúng nó rất ngoan ngoãn, tới trường học hành siêng năng, nên cha mẹ chúng thả lỏng. Lần mò mãi vào hồ Phúc Khánh, cái hồ hàng năm ba bốn mạng chết đuối, câu cá, cũng bọn thằng Vũ. Sang làng Bồ Xuyên bắn chim, bắn gà con, bắn chó, cũng bọn thằng Vũ. Qua cầu Bo bẻ trộm ổi, bị đuổi mất cả mũ nón, cũng bọn thằng Vũ. Bấm chuông điện nhà ông Đốc, cho chó săn sủa inh ỏi, rồi chạy chí chết, cũng bọn thằng Vũ. Ghé thăm đền Mẫu, rứt râu ông hộ pháp, ăn cắp oản, xôi, hoa quả, trêu chọc bà đồng, ông từ, cũng bọn thằng Vũ nốt.

Thằng Vũ còn đầu têu trò chơi kiếm hiệp, bắt chước mọi hành động, cử chỉ của những tay giang hồ mã thượng thời nước Tầu cổ xưa, bắt chước luôn cả những tay hiệp sĩ mà chúng thích. Thằng Vũ là Triều Dương Hiệp, thằng Côn là Hà Nguyên Khánh. Mỗi thằng cầm đầu một bọn nhãi, chia làm hai môn phái. Khi không tìm ra môn phái địch thủ thứ ba nào, chúng thách thức, đấm đá nhau cho đỡ buồn. Khi tìm ra môn phái thích nghịch như chúng nó, chúng nó họp lại, tôn thằng Vũ làm chúa đảng, bầy mưu tính kế hạ kẻ thù. Chúng nó tự nhận là những kẻ cứu dân độ thế, mặc dù, cả chánh đảng Vũ cũng chẳng hiểu cứu dân độ thế là gì.

Hai thằng bé chỉ hiểu nghịch cho nhiều, càng nguy hiểm càng thú vị. Vũ tập lấy gân bụng thật rắn chắc. Ra trường, nó cởi trần, thách tụi cùng lớp thử sức. Nó cho mỗi đứa đấm một cái thật mạnh vào bụng. Mặt nó tỉnh khô, không tỏ vẻ gì đau đớn, khiến lũ học trò lớp nhì 1 phục sát đất. Lối biểu diễn này thu hút được nhiều đồ đệ lắm. Thằng Côn tập phóng dao. Chiều chiều, nó lén xuống cầu tiêu, tu luyện đến nát cả cánh cửa gỗ. Môn sở trường của nó, dần dần, thành cừ khôi. Cu cậu chỉ dám bắt nạt mấy thân cây bàng, cây hồi ngoài đường, hay trộ bạn bè thì phóng trên bảng đen, trên mặt bàn, chứ, cho kẹo cũng không dám rút dao dọa bạn.

Vũ còn khuyến khích Côn tập ném phi tiêu, để hẹn hò nhau cho bí mật. Trong cặp sách của thằng Côn không lúc nào không nhét hàng chục cái phi tiêu mũi bằng ghim-cài-đầu nhọn hoắt. Có khi, Vũ đang ngồi ăn cơm, chợt một mũi phi tiêu từ đâu bay tới, cắm phập vào cánh cửa. Vũ vội buông đũa buông bát, chạy rút mũi phi tiêu kèm theo bức thư, lẩm nhẩm đọc:

- Bữa nay ta đã rình mi rất lâu. Đáng lẽ, mũi tên này phải trúng cổ họng mi giữa lúc mi đang há hốc mồm và cơm. Song, ta nghĩ, môn phái ta không cho phép giết người sau lưng, nên ta tha chết cho mi và hẹn mi đến bốn giờ, chiều nay, ta sẽ gặp mi tại bờ sông Trà Lý để tranh tài cao thấp. Mi mà vắng mặt, mi là thằng hèn nhất thế giới.

Cuối bức thư vẽ mũi phi tiêu xuyên qua cái đầu lâu máu rì rì, mấy nét ngòng ngoèo ký đè lên. Biết rằng Hà Nguyên Khánh dọa mình, Triều Dương Hiệp ngấu nghiến đọc tiếp hàng chữ tái bút quan hệ:

- Chỗ mày chỉ tao nấp phóng phi tiêu cao quá, tao trèo mãi mới được. Đáng lẽ phóng từ chiều qua cơ đấy. Nhớ chiều nay nhé! Đông đủ cả bọn,có phao, có săm ô tô nữa. Tụi mình bơi qua sông ăn cắp ổi.

Triều Dương Hiệp mỉm cười khoái chí. Chàng vờ chạy ngay ra đường, ngó trước ngó sau. Nấp sau cây bàng, cách đó chừng hai thước, thích khách Hà Nguyên Khánh chỉ đợi có vậy, bèn xuất đầu lộ diện, miệng cười hứa hẹn. Chàng không quên làm bộ, chỉ tay, cáu giận mắng lớn:

- Khá đó, súc sinh! Ta tha đuổi mi, chiều nay, mi sẽ biết đường gươm họ Triều.

Rồi, hiệp sĩ Triều Dương Hiệp Vũ lại vào tiếp tục ăn cơm. Khi khác, Côn sang nhà chú nó ăn cỗ, về đến nhà đã thấy mảnh giấy cài lên bàn học, nguệch ngoạc vài dòng:

- Hà Nguyên Khánh, chắc nhà ngươi biết võ đài do hoàng thượng dựng lên ở nghĩa địa ngã tư Vũ Tiên, để anh hùng mười phương tới tỉ thí chứ? Nhà ngươi thường hãnh diện cái tài phóng dao lên bảng đen của nhà ngươi. Vậy, chiều nay, hai giờ rưỡi hay ba giờ, nhà ngươi hãy mang đủ thứ dao đến. Nếu sợ chết thì rủ thêm thằng Dực, thằng Hải đấu tay tư cho vui.

Cuối mảnh giấy vẽ hình người treo cổ, cũng ngòng ngoèo mấy nét chữ ký đè lên. Đó là dấu hiệu của thằng Vũ. Thư dọa giết, thư thách đố của hai hiệp sĩ này kỳ quặc là, luôn luôn, thêm tái bút.

- Cố xoay vài đồng, tụi mình xuống Đoan Túc chén canh bánh đa, mày nhé! Canh bánh đa Đoan Túc ngon lắm, mày ạ! Mầu vàng khè, béo ngậy, nghe đã thèm nhỏ rãi rồi…

Chúng nó ranh mãnh, quỷ quái thế đấy. Thế mà lúc này, nằm dưới giàn hoa, thằng thì nhớ nhà quê, thằng thì say sưa ngắm đôi bọ ngựa vung gươm chém nhau. Vũ tưởng tượng thấy đấu trường thời xưa, hai con bọ ngựa chính là hai chàng dũng sĩ.

Sự tưởng tượng của Vũ, nỗi nhớ nhung của Côn tiêu tán ngay, khi Côn, bỗng nhiên, ngồi nhổm dậy vỗ vai Vũ, hét lớn:

- Tao nhớ ra rồi, tuyệt, tuyệt, thằng này tuyệt…

Vũ ngồi nhổm dậy sung sướng hỏi:

- Tuyệt vừa vừa hay tuyệt cú mèo hở, mày?

- Tuyệt cú mèo!

- Nó ở đâu?

- Nó ở trường mình, lớp nhì 2.

- Sao mày biết?

- Hôm nọ, tao xuống cầu Kiến Xương ăn giỗ ông ngoại tao. Nghe nói có đá bóng, tao khoái quá, quên cả giỗ. Tao mò ra bãi xem hai hội Kỳ Bá, và Bồ Xuyên tranh cúp Cam tích tán của nhà thuốc Bình An. Hội Kỳ Bá có thằng lỏi tỳ đi trung phong, lừa gạt nhanh như máy. Chính nó làm bàn hai quả. Thiên hạ vỗ tay hoan hô nó như điên. Tao sôi cả ruột gan. Mãn cuộc, tao đứng nán lại xem trao cúp, và nhìn cho rõ mặt thằng trung phong lỏi tỳ. Đố mày biết nò là thằng nào?

- Thằng Môn.

- Thằng Môn xách dép cho nó không đáng!

- Thế thằng nào, thằng nào?

- Làm gì mà rối lên vậy?

- Tao ghét mày quá, đố với thách, nói nhanh nhanh tí mày!

- Thằng Vọng!

Vũ kinh ngạc:

- Vọng ghẻ đặc biệt hở?

- Ừ, chiến ghê lắm mày ạ! Nó đá đẹp ba chê!

Vũ đứng hẳn lên, vươn vai khoan khoái:

- Tao gạ gẫm nó đá cho bọn mình, mới hạ nổi tụi An Tập. Để mai, ra trường, tao rủ nó. Hì hì, nằm nghĩ nát óc chiều nay. Đội bóng của tao có thằng Vọng, chắc tụi An Tập kiềng mặt.

Côn lo ngại nói:

- Nhỡ thằng Vọng nó từ chối?

Vũ tin tưởng:

- Từ chối sao được, tao sẽ có cách. Thôi, tao về kẻo dì tao mong.

Côn không giữ bạn. Tự nhiên, nó vui lây cái niềm vui của thằng Vũ. Sau lần thua đội bóng lớp nhì 2 trường tiểu học An Tập, thằng Vũ buồn lắm. Ngày này sang ngày nọ, nó chỉ nghĩ đến phục thù. Muốn phục thù, đội bóng của nó cần phải có một thằng trung phong cừ. Nay, thằng Côn kiếm được thằng Vọng, hỏi chi Vũ chẳng sướng. Côn đưa bạn khỏi cửa.

Nắng đã tắt hẳn.

2

Vũ ngồi dưới gốc cây bàng đợi Vọng. Cạnh nó, Côn đang lẩm nhẩm ôn bài cách trí. Còn hai mươi phút nữa mới chào cờ. Ước gì không phải học sáng nay. Vũ thầm thì thế. Mặt nó không ngớt hướng ra cổng trường.

- Sao hôm nay, con nhà Vọng đến chậm thế, Côn?

- Tao biết đâu.

Vũ cáu sườn:

- Thôi, mày đừng ôn bài cho tao nhờ tí.

Côn vui vẻ chiều bạn. Bao giờ nó cũng nghe lời thằng Vũ như nghe lời anh nó. Không hẳn nó sợ thằng Vũ, chắc chắn, nó yêu thằng Vũ, phục thằng Vũ, hơn tất cả tụi bạn của nó.

Thỉnh thoảng, có thằng bạn mới nào hỏi Mày chơi với thằng Vũ lâu chưa, nó đều lắc đầu, nghĩ ngợi. Nó quên thật. Côn không nhớ bắt đầu chơi với Vũ tự ngày nào. Trong trí óc của nó, Côn chỉ còn nhớ một ván đáo lớn, gần năm đồng bạc xu, đi không hết, phải chồng vợi trên sân. Thằng Vũ chơi ván đáo đó. Côn chầu ngoài.

Mấy đứa giao hẹn trước khi chơi, là nếu hết tiền nộp mỗi lần chơi hỏng, đương nhiên thua. Ba thằng phạm luật ra rìa, cay cú lắm. Còn trần xì thằng Vũ chơi với thằng Quý. Ván đáo mỗi lúc một sôi nổi. Cổng trường khép kín hơn nửa giờ, mà bọn học trò còn quây quần ngồi xem ván đáo lịch sử.

Thằng Quý chuyên môn chơi bẩn. Nó cậy nhiều tiền, đi tưới lên rồi không chọi, hy vọng thằng Vũ ham ăn, chọi liền tù tì, và sẽ cạn tiền nộp phạt. Vũ biết, song cứ tỉnh khô. Nó gieo tiền rất khéo, gặp dịp ngon ăn, Vũ mừng quá hoá chọi hỏng. Thằng Quý sướng, nhảy rối rít. Nó đòi tiền giam. Vũ cháy túi, tai nó đỏ bừng, mặt nó tái đi, uất ức.

Đúng lúc bị bắt bí ấy, Côn móc túi, dúi vào tay Vũ một đồng. Không hỏi han, không ngạc nhiên gì cả, Vũ ném đồng bạc giấy xuống sân, nhổ nước bọt, gân cổ, dọa:

- Ông còn chơi đến tối, hết cải củ thìu biu đây này!

Ván đáo tiếp tục. Kết cuộc, thằng Vũ thắng. Thu tiền đầy túi xong xuôi, Vũ mới nhìn ân nhân của nó. Mắt nó chớp mau cảm động. Ván đáo vãn người, hai đứa trẻ ở lại, im lặng. Vũ trao đồng bạc cho Côn. Hai đứa cùng ngượng ngùng, sóng đôi bước trên đường về. Vũ mở đầu:

- Tại sao đằng ấy cho tớ mượn tiền?

- Tại tớ ghét con nhà Quý.

- Tại sao đằng ấy ghét con nhà Quý?

- Tại nó đánh gạo.

- Nhỡ tớ thua, đằng ấy có đòi tớ không?

- Không.

Vũ mỉm cười. Nó định nói Đằng ấy nói phét, vì nó nghĩ rằng, một đồng, chứ đâu phải một xu, một hào, mà thằng Côn không đòi. Vũ nhìn thẳng vào đôi mắt thằng Côn, khiến thằng Côn bẽn lẽn cúi xuống.

- Chắc nhà đằng ấy giầu, nhỉ?

Côn thành thực:

- ừ, mỗi ngày bố tớ cho hai đồng. Còn đằng ấy mỗi ngày lĩnh mấy đồng?

- Nhà tớ không giầu, cũng không nghèo. Bố tớ đi vắng luôn, dì tớ cho tớ mỗi sáng năm hào thôi.

- Thế mẹ đằng ấy đâu?

- Mẹ tớ chết rồi!

Côn len lén nhìn Vũ. Nó buồn buồn. Vũ thấy hai đứa cứ sóng đôi về cùng đường, nó hỏi:

- Nhà đằng ấy ở phố nào?

- Phố Jean Dupuis.

- Đằng ấy ở cùng phố tớ, nao sang nhà tớ chơi nhé!

- Ừ.

- Này!

- Gì?

- Tớ hỏi thật, nhỡ tớ thua đằng ấy tính sao?

- Đằng ấy có thua đâu mà tớ tính.

- Nhỡ cơ mà?

- Nhỡ sao được, đằng ấy chơi đáo mả khét tiếng.

Hai đứa bé nhìn nhau, cười rúc rích. Từ hôm ấy, Vũ chơi thân với Côn. Càng thân nhau, càng mến nhau. Cho nên, hễ Vũ muốn gì, là Côn chiều ngay.

Vũ toan rủ Côn rời gốc cây bàng, thằng Vọng đã khúm núm từ ngoài cổng lững thững bước vào sân trường, hai tay vẫn thủ trong áo dài, như thường lệ. Tội nghiệp thằng Vọng, con nhà nghèo lại ghẻ. Vọng sợ bạn bè ghê tởm, nên nó cứ giấu giếm.

Trong lớp học, dù cái ghẻ đào hào khơi rãnh sông trên bàn tay nó, ngứa đến mấy chăng nữa, nó cũng chỉ cắn răng chịu đựng, không dám gãi, tuy gãi thì sướng lắm, hả hê lắm. Luôn luôn, nó đút tay trong áo dài. Giờ ra chơi, nó lén vào cầu tiên, hay thậm thụt gần bờ dậu râm bụt, gãi bằng thích, gãi sứt cả máu, gãi đỏ bầng đôi bàn tay.

Bọn học trò lớp nhì 2, có đứa đọc truyện Ghẻ đặc biệt của Tô Hoài, đăng ở Phổ Thông bán nguyệt san, nó bỗng thấy thằng Vọng giống nhân vật Hoa trong truyện, từng ly từng tí. Cũng bẩn thỉu, cũng bị ghẻ, cũng giấu tay, cũng gãi nơi vắng vẻ. Thế là chúng nó đồn nhau, chúng nó xúi giục nhau, làm sống lại thằng Hoa của Tô Hoài, trong trường tiểu

học công lập thị xã Thái Bình.

Truyện Ghẻ đặc biệt được truyền tay đọc. Chúng nó xúm quanh nhau, nghe một thằng đọc, rồi cười như nắc nẻ. Chúng nó thuộc mọi hành động của thằng Hoa, thuộc mọi thủ đoạn của bạn nó trêu nó, để áp dụng vào thằng Vọng. Chúng nó theo rõi thằng Vọng khắp sân trường, bảo thằng Vọng có phù phép, vì chúng nó gặp thằng Vọng đan hai bàn tay lại bắt ấn. Rồi, y hệt chuyện của Tô Hoài, chúng nó ngấu nghiến đè thằng Vọng xuống sân cỏ, lôi tay thằng Vọng ra ngoài ánh sáng, để thấy bí mật của đôi tay nó, chỉ là bệnh ghẻ kinh niên!

Một thằng đứng giữa sân diễn thuyết. Ba bốn lớp vây quanh để cười. Bài văn của Tô Hoài được thay nhân vật Hoa bằng nhân vật Vọng. Đại khái:

- Thưa các bạn,

Nhân loại có hàng triệu chứng bệnh. Thí dụ, thối tai, hôi nách, chảy máu cam, đi tướt, táo kiết, chảy rãi, đái dầm, ỉa đùn. Chỉ có một thứ bệnh đáng sợ nhất. Đó là bệnh ghẻ, tiếng Pháp gọi là la gale. Ghẻ lại có nhiều loại. Thí dụ ghẻ Ấn độ, ghẻ Cao miên, tức Khờ me, ghe Lào, ghẻ Miến điện, ghẻ Ý đại lợi, ghẻ Nhật bản, ghẻ Thổ nhĩ kỳ, ghẻ Nga xô viết, ghẻ Nam dương quần đảo… Những bệnh ghẻ tôi vừa kể trên, đều là bệnh kinh khủng cả.

Còn một loại bệnh ghẻ kinh khủng hơn những bệnh ghẻ, kinh khủng nhất trên đời này, là ghẻ… tầu. Tại sao ghẻ tầu lại vĩ đại thế? Thưa, nó có từ đời nhà Hán, mà kẻ đem cái ghẻ sang xứ ta chính là Mã Viện. Sử ký Trần Trọng Kim trang… dòng… quyển… có ghi chuyện này. Muốn biết đúng hơn, xin quý bạn hỏi thằng Vọng, vì nó làm tổng đại lý cái ghẻ, nhãn hiệu Mã Viện, tức ghẻ tầu…

Bài diễn văn của anh học trò lớp nhất tung ra như trái bom ngạt. Cả trường biết thằng Vọng ghẻ tầu. Bọn con gái nhìn nó lắc đầu, nhéo mắt, khinh bỉ, khiến nhiều bận nó phát khóc. Thằng Vũ cũng khoái trò này lắm. Nó giống mấy thằng đầu têu, chỉ trêu thằng Vọng một lần thôi. Cái thằng trêu thằng Vọng khổ sở suốt ngày này sang ngày khác, là thằng Hách, con ông tham Lân. Nó cứ gọi thằng Vọng là thằng Hoa. Vọng biết thân phận mình, con nhà nghèo, ghẻ lở, đành im lặng, chịu nhục.

Thấy Vọng ủ rũ đi, Vũ bỗng thương hại nó. Vũ chợt quên rằng nó đang chờ thằng Vọng để gạ vào hội bóng của nó, chứ không phải để thương thằng học trò nghèo, ghẻ lở, cô thế. Vũ hỏi Côn:

- Nói với thằng Vọng thế nào hở, mày?

- Sao mày bảo đã có cách?

Vũ ngẫm nghĩ giây lát. Nó nói:

- Chúng mình đã a dua bọn lớp nhất chế nhạo nó, chả biết nó có ghét chúng mình không?

Côn băn khoăn:

- Tao đang lo thế.

Vọng tới gần bậc hiên trường. Vũ chưa hiểu tính thế nào, thì một quả ổi xanh đã ném bộp, trúng mũ của thằng Vọng. Và, thằng Hách toét miệng cười, từ trên bước xuống. Như thường lệ, thằng Hách bi bô:

- Ê, Hoa, đưa tay mày ra xem, cái ghẻ Mã Viện to bằng con bò chưa?

Vọng nhìn lên, nín thinh.

- Hoa, bố mày hỏi, mà mày không trả lời à?

Vọng vẫn nín. Nó đã quen nhịn nhục. Hách tới gần, đập mạnh vai nó, hất hàm hỏi:

- Mày câm hả, con?

Đôi mắt dỏ ngầu, vì bị áp bức, Vọng đau khổ nói:

- Anh để tôi yên thân.

Hách cười gằn:

- Muốn yên thân, thì bố mày hỏi, mày phải thưa chứ?

Giọng thằng Vọng chìm đi, lạc lõng:

- Anh hỏi tôi tử tế. Tôi tên là Vọng…

Hách đưa ngón tay, chỉ vào quần:

- Tử tế cái con củ c… ông đây này! Ông cứ gọi mày là Hoa. Ê Hoa, mẹ mày hôm nay có bán xôi chè không?

Vũ và Côn theo rõi cảnh bắt nạt này từ đầu. Vũ nghiến răng ken két, trong khi hai nắm tay Côn bóp chặt lại. Côn bảo Vũ:

- Mày chịu ngồi yên à?

- Khoan đã.

- Khoan cái đếch gì nữa, cách làm thằng Vọng nó đá cho hội mình, là đánh hộc máu mồm thằng Hách đi!

- Mày đừng dạy tao, tao chờ con nhà Hách đấm thằng Vọng, tao mới ra tay. Mày ra ngăn thằng Khải, thằng Ngọc, hai đứa bên thằng Hách, trước đi.

Côn rời khỏi gốc bàng, chạy ra phía đang cãi nhau. Lúc này, thằng Hách đã xắn tay áo. Nó chỉ nắm đấm trứơc mặt thằng Vọng, dọa nạt:

- Không trả lời bố, con sẽ nếm quả phật thủ này!

Vọng năn nỉ:

- Tôi xin anh…

Hách xỉa xói:

- Xin cái con củ c… á, xin cái gì?

- Xin anh đừng nói tới mẹ tôi…

- Tao cứ nói, con mẹ xôi chè, mẹ thằng Hoa ghẻ tầu!

Nước mắt Vọng ứa ra. Nó buông cái cặp cũ nát xuống sân trường, chắp tay lậy thằng Hách:

- Anh muốn bắt tôi làm gì, tôi cũng làm, đừng nói tới mẹ tôi…

Hách cười sằng sặc, khoái chí:

- Anh em làm chứng lời con nhà Hoa, nhé! Được, tao không thèm nói tới con mụ xôi chè, mày phải quỳ xuống lạy tao đi!

Nói dứt câu, Hách phóng chân đá tung cái cặp sách của thằng Vọng. Đúng dịp đó, Vũ nhảy vào vòng chiến. Nó nghiêm nét mặt, ra lệnh:

- Hách, mày nhặt cái cặp kia lên cho thằng Vọng!

Hách bị cụt hứng:

- Việc gì đến mày?

- Việc gì, hở? Cặp của tao đấy. Tao nhờ thằng Vọng mang hộ. Nào, mày có nhặt lên không?

Vọng giảng hòa:

- Thôi để tôi nhặt…

Vũ quát:

- Để thằng Hách nhặt, tao cấm mày đấy, Vọng!

Vọng chết đứng. Nó không ngờ chuyện của nó lại dính vào thằng Vũ, tay sừng của lớp nhì 1. Thấy Hách đứng trân trân, Vũ dục:

- Mày có nhặt lên không?

- Việc gì đến mày?

- Việc gì, hở? Mày xưng bố với thằng Vọng, mày bắt nó lạy mày. Bây giờ, tao xưng bố với mày, tao bắt mày lạy thằng Vọng. A lê, nhặt cặp lên cho bố Vọng mày, Hách!

Hách hung tiết:

- Cái con củ c… ông đây này!

Vũ xông tới đấm vào mặt thằng Hách. Hách tránh không kịp, trái đấm trúng mũi, máu cam chảy đầm đìa. Bọn học trò xanh mặt. Hách bị đau, lao người vào đấm Vũ. Nó không phải là địch thủ của thằng Vũ, nên ăn đấm nhừ người. Thằng Ngọc vào can thiệp, tiếp đến thằng Khải, đều bị thằng Côn giữ kéo lại. Vũ sợ hết giờ, đá thêm một phát trúng bụng

thằng Hách. Nó ngã sóng soài. Vũ lao tới, đặt chân lên mặt nó:

- Con hết đời rồi, con ơi!

Hách đau khổ, nhìn Vũ như muốn xin tha tội. Vũ hiểu ý nó, bèn ra lệnh:

- Bò ra nhặt cái cặp, trao vào tay thằng Vọng, và xin lỗi nó đi!

Hách răm rắp tuân lời. Vũ đe:

- Từ nay, bất cứ ở đâu, ông mà thấy mày bắt nạt thằng Vọng, thì ông đánh bỏ mẹ!

Nắm chặt tay thằng Vọng, Vũ dắt nó về phía sân sau, khiến bọn học trò kinh ngạc. Vọng cũng kinh ngạc đến run rẩy. Mấy năm, nó học ở cái trường tiểu học này, là mấy năm bị bạn bè hiếp đáp.

Nó vội mường tượng ngay quang cảnh lớp nhì 2. Nó ngồi bàn cuối cùng. Bạn bè xa lánh, thầy ít chú ý, mặc dù Vọng học giỏi. Đôi khi, thầy gọi, chỉ gọi, để xóa bảng, hay đi giặt khăn lau chùi bảng. Tết nhất, mẹ nó nghèo, không có tiền mua quà biếu thầy, nên thầy tỏ vẻ lãnh đạm. Thằng Vọng sống cô độc, đứa nào cũng nuốn bắt nạt nó. Vọng không thể ngờ có hôm nay. Vũ đã nắm chặt bàn tay ghẻ kinh niên của nó, bước sóng đôi với nó.

Vọng ứa nước mắt, thứ nước mắt của kẻ lâu ngày bị áp bức khổ sở, rút nhẹ tay mình khỏi tay thằng bạn mới. Vũ sững sờ hỏi:

- Gì thế mày?

Vọng rụt rè đáp:

- Tay tôi ghẻ!

- Chân mày có ghẻ không?

- Không.

- Thế thì tuyệt.

- Tuyệt sao?

- Tuyệt cú mèo!

Vọng ngớ ngẩn:

- Anh nói tôi chả hiểu gì cả…

- Tí nữa rồi mày hiểu. Ra gốc bàng kia, chúng mình nói chuyện. Mà đừng gọi tao bằng anh, xưng tôi nữa. Tao ít tuổi hơn mày, lại học dưới mày. Cứ mày tao cho thân. Mày ăn sáng chưa?

- Ăn rồi, sáng nào tôi cũng ăn xôi chè.

Vọng vẫn ngượng, chưa dám xưng tao. Vũ móc túi lấy thanh kẹo sô cô la, dúi vào tay Vọng:

- Chén đi, quà Hà Nội của bố tao đấy!

Vọng cứ nhìn thằng Vũ mãi. Biết nó ngượng, Vũ nói:

- Kẹo này ngon lắm. Mày đá bóng cừ thế, sao không vào hội tao?

Vọng tròn xoe đôi mắt:

- Sao cậu biết tớ đá bóng cừ?

Vũ vỗ vai thằng Vọng ghẻ tầu:

- Mày còn cậu cậu, tớ tớ nữa, tao đánh mày à! Mày giấu tài, y như hắc y hiệp sĩ trong truyện kiếm hiệp ấy. Thằng Côn nó bảo mày đi trung phong cho hội Kỳ Bá, mày sút lọt gôn Bồ Xuyên hai phát, đoạt giải Cam tích tán. Thôi, mày đừng chối nữa…

Một nỗi khoan khoái vừa lọt vào tâm hồn Vọng. Mắt nó sáng rực lên:

- Côn nó xem trận đó, hở?

-Ừ.

Giọng nó trở lại buồn buồn:

- Mày có biết tại sao tao không vào hội mày không?

- Không. Tại sao? Mày nói nhanh lên?

- Tại thằng Vịnh nó chê tao.

- Nó chê mày thế nào?

- Hôm tụi mày thua bọn trường Tầu, ở tăng đầu, tao muốn vào đá cho mày, thay chân thằng Vịnh. Nó chửi tao, nó bảo tao về đá với cái ghẻ. Tao xấu hổ quá, nên thôi.

Vũ cáu tiết, văng tục:

- Thằng Vịnh đá như củ thìu biu. A lê hấp, có mày tao cho nó ra rìa. Nó coi tụi An Tập hơn bố nó. Bóng vào chân đét dám sút, sợ lọt gôn, bọn An Tập nó cộp gẫy chân. Mày vào hội tao nhé!

Vọng ngần ngại:

- Nhỡ thằng Vịnh nó trả thù tao?

Vũ quả quyết:

- Thằng Hách ông còn cho om đòn, nữa là thằng oắt Vịnh. Mày đá cho hội tao đi, rồi mày xem, chúng nó sẽ coi mày như thánh!

Nghe Vũ hứa hẹn bảo vệ, Vọng gật đầu. Nó biết, thằng Vũ là thằng ngổ nhất trong trường. Vũ nghịch tinh, và đánh nhau như gà chọi, không kiềng thằng nào, dù lớn hơn nó một hai tuổi. Vọng được nhập phe thằng Vũ lấy làm hả hê lắm. Còn thằng Vũ bốc được cầu thủ cừ của hội Kỳ Bá, thì hớn hở ra mặt.

Vũ dúi vào tay thằng Vọng thanh kẹo sô cô la nữa. Ngay lúc đó, kẻng trường điểm chào cờ. Côn cũng vừa rảo cẳng tới, nhập bọn với Vũ và Vọng. Thằng Vọng tách hai đứa bạn mới, xếp hàng cùng lớp nhì 2. Vũ và Côn đứng trong hàng lớp nhì 1. Vũ dơ tay, bảo Côn:

- Mắt mày tinh, trông giùm tay tao, xem có con cái ghẻ Mã Viện nào

không?

Côn nhìn sang thằng Vọng, nháy mắt, cười…

3

Vũ nằm ngửa trên võng. Mắt nó mở thao láo, nhìn lũ thạch sùng đuổi nhau trên trần nhà. Chán rồi, nó khép mắt nằm im.

Mấy hôm nay, Vũ buồn lắm. Thằng em khác mẹ của nó vẫn bị sốt. Cơn sốtlên đến gần bốn mươi độ. Cha nó lại đi rồi. Chuyến này, cha nó lên mạn ngược. Cha Vũ buôn hàng chuyến, mỗi lần đi, ít ra, cũng mất một tháng. Dì nó cuống cả lên, không biết làm gì hơn là ôm con khóc. Vũ thích chạy nhảy, nhưng những bận em ốm, nó không thiết đi đâu cả.

Suốt ngày, Vũ ngồi trong giường, canh giấc ngủ cho em, hoặc kể chuyện vui, lúc em tỉnh. Mẹ Vũ chết năm nó ba tuổi. Qua năm sau, ba nó lấy vợ khác. Năm sau nữa, dì nó sinh Khoa, rồi lần lượt em Tú, em Mai. Vũ yêu Khoa nhất. Côn thường hỏi nó:

-Tại sao mày yêu thằng Khoa?

Vũ trả lời:

- Tại nó là con trai. Con gái nhát như cáy, chỉ được cái nước hơi tí mách mẹ, nên tao ghét.

Thằng Khoa cũng yêu anh lắm. Nó hay theo Vũ, dự vào những cuộc chơi nghịch. Những lần có Khoa, Vũ đều giao hẹn, cấm không đứa nào được đánh Khoa đau. Đánh khe khẽ thôi. Một hôm, giàn trận ở bờ sông, vô tình, thằng Toàn lớp ba quên mất lời đó, thoi thằng Khoa một thoi trúng mắt. Khoa nằm lăn ra khóc, dẫy đành đạch. Thế là Vũ chồm tới, đấm đá thằng Toàn tơi bời, không kịp nghe thằng này phân trần hay xin lỗi. Đánh sưng vù mặt thằng lỏi mà Vũ vẫn chưa nguôi giận. Nó còn nhào xuống sông, bốc bùn trát kín đầu thằng Toàn. Lát sau, thằng Côn bảo :

- Thằng Khoa đấm vào mũi thằng Toàn trước, mày đánh nó đau quá.

Vũ chẳng thèm đếm xỉa đến chuyện đó, nó nói:

- Ai bảo nó thoi em tao. Tao đã giao hẹn rồi. Em tao có đấm nó đau, nó cũng không được đấm lại. Đứa nào đấm lại, là tao cho ốm đòn. Mày có bênh em mày không?

Thấy thằng bạn thân của mình lý luận thế, Côn đành gật đầu:

- Có chứ.

- Thế tao bênh em tao, việc gì mày phải thương con nhà Toàn?

Côn ngẩn người im lặng. Vũ không cần biết nó phải hay trái. Hễ đứa nào đụng vào em nó, nó đánh, lớn nó không từ, bé nó không tha. Nó yêu em từ thuở thằng Khoa vừa lọt lòng. Tình yêu đó lớn dần theo tuổi nó. Dì nó thương nó, như nó thương em, nên nếu, mỗi năm, không có ngày giỗ mẹ, thì nó quên rằng mẹ nó đã chết.

Còn thằng Khoa, dù đã chín tuổi, nó vẫn tưởng thằng Vũ là anh ruột nó. Thằng Vũ làm bất cứ việc gì, nó đều khen rối rít. Đá bóng, chỉ anh Vũ nó đá hay. Đánh đáo, chỉ anh Vũ nó đánh cừ. Bắn chim, chỉ anh Vũ nó bắn tài. Đấm nhau, chỉ anh Vũ nó đấm chiến. Đi xe đạp, chỉ anh Vũ nó biết xăng đơ. Thổi ác mô ni ca, chỉ anh Vũ nó biết đánh tông. Đứa nào chê anh nó dở, nó gây sự ngay lập tức. Đối với nó, thằng Vũ là thần tượng. Trận đá bóng nào mà đội của Vũ thắng, nó hò hét khan cả cổ, trận nào thua, nó khóc sướt mướt. Cha chúng nó thường mắng yêu:

- Hai đứa cùng hỗn như nhau.

Dì nó bảo:

- Hai anh em giống nhau như đúc.

Có tiếng cựa quậy trong giường. Vũ giật mình, rời võng. Nó vén màn, chui đầu vào. Thằng Khoa mở mắt thao láo nhìn anh. Nó vẫy tay ra hiệu cho Vũ ngồi cạnh nó. Vũ sờ tay lên trán em. Nó sung sưóng:

- Em bớt nóng rồi.

Khoa khe khẽ nói:

- Bao giờ em mới khỏi hở, anh?

- Vài hôm nữa.

- Vài hôm lâu không?

- Làm gì mà lâu.

Khoa nghĩ đến những chú chim sẻ chưa vỡ bọng cứt, còn nhắm mắt quanh cái viền vàng dầy, nó tiếc rẻ:

- Vài hôm nữa, tụi chim sẻ mọc hết lông cánh, chúng bay mất, em bắt thế nào được?

Vũ vỗ về em:

- Mọc lông gì mà chóng thế em, còn lâu tụi nó mới biết bay. Anh thăm rồi, bọng cứt còn to tướng!

Khoa nói:

- Thật hở, anh? Thích ghê! Anh cho em ngụm nước.

Vũ rót nước. Nó nâng thằng em lên, và để tách nước kề miệng em nó. Khoa tợp một hơi hết liền. Nó đòi uống thêm. Vũ rót nữa. Uống xong, thằng bé bỗng tỉnh táo:

- Mai em đã khỏi chưa?

- Chưa.

- Nhỡ em khỏi thì sao?

- Khỏi, phải còn ăn giả bữa mới mạnh.

- Ăn giả bữa là gì hở, anh?

- Ăn giả bữa là…

Vũ vỗ trán suy nghĩ:

- Ăn giả bữa là… À, nhớ rồi. Mấy hôm ốm, không ăn gì, hôm nào khỏi, em phải ăn giả nợ những bữa đó.

Khoa hỏi:

- Em ốm mấy bữa rồi hở, anh?

Vũ xòe bàn tay, đếm lia lịa:

- Thứ hai, thứ ba… Một, hai, ba, bốn. Em ốm bốn hôm rồi.

- Bốn hôm ăn mấy bữa?

Vũ làm tính nhẩm:

- Bốn bữa quà sáng, tám bữa cơm, bốn bát canh bún buổi trưa, bốn bát chè đỗ đen buổi tối. Cộng tất cả hai mươi bữa.

Khoa lè lưỡi:

- Eo ôi! Hai mươi bữa cơ à?

- Ừ, hai mươi bữa.

_ Ăn giả bữa làm gì hở, anh?

- Ăn cho chóng khỏe.

- Ăn mấy ngày mới hết?

Vũ bối rối. Nó đã ăn giả bữa bao giờ đâu. Chỉ nghe nói thôi. Nó trả lời bừa:

- Ăn một ngày.

Khoa méo xệch cái mồm:

- Một ngày, ăn làm sao hết được?

- Cố ăn chứ.

- Anh đã ăn giả bữa chưa, anh Vũ?

Vũ lúng túng. Nó sắp bí rồi. Nó lờ đi, chuyển sang chuyện đá bóng.

- Tuần sau, đội bóng của anh trả thù tụi An Tập.

- Thế à!

- Ừ.

- Hạ tụi nó 5-0 nhé!

- Ừ.

Khoa tung chăn muốn vùng dậy. Vũ bắt nó nằm yên. Thằng bé này nghe chuyện đá bóng, thích lắm. Nhất là đội bóng có anh nó đi hữu nội. Niên học này, đội bóng của anh nó bị tụi An Tập đè bẹp, bị cộp xưng vù chân. Anh nó, đêm ngày, lo chuyện trả thù. Càng trả thù càng thua, anh nó càng cáu tiết. Khoa ao ước lớn ngay, để tập đá cho đội bóng của anh nó, thay chân anh Vịnh. Anh Vũ nó luôn mồn chê anh Vịnh đá tồi, sợ tụi An Tập. Anh nó muốn đuổi anh Vịnh, mà chưa tìm được người. Nay, thấy anh tính chuyện trả thù, Khoa tin rằng anh nó đã có người đá giúp. Nó vỗ tay:

- Bravo, bravo anh Vũ, thứ mấy tuần sau đá hở, anh?

- Thứ năm.

- Nó mời mình hay mình mời nó hở, anh?

- Mình.

- Ai thay anh Vịnh?

- Thằng Vọng.

Khoa há hốc mồm:

- Cái thằng Vọng ghẻ tầu, hở?

Vũ cười, vỗ nhẹ vào vai em:

- Đừng gọi nó là thằng nữa. Nó cừ lắm, đá cho hội Kỳ Bá, tranh giải Cam tích tán đấy. Mắt anh Côn trông thấy, nó đi trung phong, sút hai trái lọt gôn Bồ Xuyên. Giờ nó đá cho hội của anh.

Khoa lại vỗ tay:

- Bravo, bravo Vọng! Cho em đi xem nhé!

Vũ nói:

- Em có khoẻ, mới được đi.

- Em khoẻ mà…

Vũ trộ:

- Phải ăn giả nợ hai mươi bữa một ngày cơ!

Khoa gật đầu:

- Em ăn hai mươi bữa mạnh thủy tinh!

Hai anh em Vũ cười như nắc nẻ. Thấy em còn mệt, Vũ dục em ngủ. Khoa vâng lời anh. Nó nằm nhắm mắt, mường tượng trận đá bóng tới. Vũ cũng vậy, nó tin chắc đội bóng của nó sẽ thắng. Vũ đặt mình lên võng, mơ màng…

Ngay lúc ấy, bên ngoài nhà nó, nấp sau cây bàng, thằng Côn mắt la mày lém, ngó trước ngó sau, đoạn thong thả, đọc một câu tiếng lóng, cơ hồ con chim choè gọi bạn giữa trưa mùa hạ:

- Lũ vã lơ a, li đa lập tạ lá đi lóng bí (Vũ ơi đi tập đá bóng).

Đó là thứ tiếng lóng, do Vũ và Côn đặt ra, chỉ dùng vào những lúc gia đình cấm đoán, không cho đi chơi. Lũ vã là Vũ, bỏ chữ u ở tiếng lũ, chữ ã ở tiếng vã, và chắp lại thành Vũ. Cứ thế, muốn nói bao nhiêu câu cũng được.

Côn gọi bạn hai ba lần rồi, song, vì mải mơ mộng, thằng Vũ chưa kịp nhận ra. Lúc nó giật mình, là lúc em nó đòi nước. Nó đã bị tẽn tò. Giữa trưa hè im phăng phắc, thằng Khoa đang thiêm thiếp ngủ. Côn chờ mãi đâm sốt ruột. Nó lại cây bàng, cách nhà thằng Vũ độ mươi thước, réo to:

- Lũ vã lơi a, lày mà lâm ca lở hỉ? (Vũ ơi, mày câm hở?)

Vũ đâu có câm. Đánh hơi thấy thằng Côn, nó bèn rón rén mở cửa sau, rồi leo lên trên sân thượng. Nó đặt bàn tay vào miệng, tựa cái loa, trả lời:

- Ló cá lao ta lây đa! (Có tao đây!)

Côn rỉa rói bạn:

- Lưởng tả lày mà liếc đá. Hàm là lúng chá lao ta lợi đạ hâu la lóa quấy (Tưởng mày điếc. Làm chúng tao đợi lâu quá).

- Lồ đà lốc ngá, láo ta lang đa hằm là lơ ma. Liếc đá lái cá lủ cả lìu thà liu ba lây đa hày nề (Đồ ngốc, tao đang nằm mơ. Điếc cái củ thìu biu đây này).

- Có đi không?

Hai đứa tiếp tục đàm thoại bằng tiếng lóng.

- Đi đâu?

- Đi tập đá bóng. Đông đủ, cả thằng Vọng nữa.

Vũ ngập ngừng, nửa muốn đi, nửa muốn từ chối. Thứ năm, tuần sau, gặp tụi An Tập, không tập cho ăn giơ, lại thua mất, và không bao giờ hòng trả thù được. Đi tập, ở nhà em nó gọi nước, ai rót. Dì nó xuống cống Đậu hốt thuốc, ba giờ mới về. Vũ đang suy nghĩ, thì Côn hét lớn:

- Có đi không?

- Để tao xem sao đã.

- Xem gì?

- Em tao ốm.

- Không tập thì thua là chắc.

- Đợi tao tí, nhé!

- Ừ, mau lên, bãi giờ vắng. Chốc nữa, chúng nó tranh mất chỗ.

Vũ trở vào nhà. Nó coi đồng hồ. Mới có một giờ. Vén màn nhìn em. Nó thấy mồ hôi thằng Khoa đổ tầm tã, thấm ướt cả áo. Vũ xanh mặt. Nó trở ra, leo vội lên sân thượng, trả lời bạn:

- Chúng mày đi tập đi, hôm nay tao không đi được.

- Sao thế?

- Em tao sốt nặng.

- Mày không đi chúng nó đếch chịu tập.

- Đếch tập thì thôi!

- Thôi trả thù tụi An Tập à?

- Ừ, em tao ốm nặng.

Dứt lời, Vũ tụt xuống, chạy vào giường, ngồi bên em. Nó quên đá bóng, quên đánh nhau, quên hết. Trước mắt nó, một sự lo ngại to tát quá. Nó sợ em thức, nên không dám gọi chị ở. Vũ chỉ sợ thằng Khoa chết. Nước mắt nó ứa ra…

4

Hôm nay là thứ tư. Chiều mai, đội bóng của Vũ gặp lại tụi An Tập. Trận phục thù này đánh dấu một niên học và, luôn thể, đánh dấu một mùa bóng đầy thảm bại của Vũ. Nếu đội Vũ hạ được tụi An Tập, thì niên học tới mới hòng đá cho hội tuyển của trường, và ngôi sao của Vũ mới khỏi bị lu mờ. Chứ thua tụi An Tập, thì ê cả lũ.

Vũ vẫn tin tưởng ở nó, ở thằng Côn, nhất là, bây giờ, có thêm thằng Vọng. Mấy ngày tập dượt chung đủ chứng tỏ đội bóng của Vũ rất nhiều hy vọng. Từ những thằng đá ban bó dây chuối, đá ban bòng, đá ban ten nít, chúng nó đã trở thành đội đá ban da cỡ nhỏ. Như thế, tài nghệ của chúng đã tiến bộ vượt bực. Đấu với các lớp trong trường, bọn Vũ hạ hết,

được ông Đốc ban cho năm quả bóng và một giấy ban khen. Xui xẻo làm sao, hễ đụng trường Tầu là hòa và đụng trường An Tập thì thua đậm.

Vũ cay cú tụi An Tập lắm. Trận này mà hạ tụi An Tập 2-0, chắc nó lớn thêm ba tuổi. Vũ sắp đặt thành phần đội bóng của nó như sau: Thủ môn thằng Luyến, biệt hiệu Luyến mít sơ lanh, hữu vệ thằng Long, tả vệ thằng Lộc, trung ứng thằng Hổ, hữu ứng thằng Hải, tả ứng thằng Dực, trung phong thằng Vọng, tả nội thằng Côn, hữu nội là nó, tả biên

thằng Trân, hữu biên thằng Trình. Toàn những thằng cừ cả, nhất định, lần này, nó phải hạ tụi An Tập.

Men chiến thắng tưởng tượng ngấm vào tâm hồn nó. Vũ khoái chí, rút kèn ác mô ni ca trong túi. Nó đặt lên môi, lướt đi lướt lại hai ba lần. Âm thanh phát ra nghe như gió bão thổi nhanh. Nó lấy gót chân phải nện mạnh xuống đất một cái, rồi lại nện nhẹ năm đầu ngón chân hai cái tiếp theo, nhẹ hơn. Đoạn, nó bắt đầu thổi kèn. Nốt nhạc thứ nhất của bài hát ăn đúng với gót chân nện xuống đất của thằng Vũ. Bài nhạc vui nhanh, hùng hồn, kích động lòng nó một cách mãnh liệt.

Vũ đang trổ tài, thì Côn dẫn Vọng tới. Thấy Vũ chơi kèn, Côn dục:

- Thổi bài Chiều quê đi, mày!

Vũ nói:

- Bàn chuyện trả thù tụi An Tập đã.

Côn xua tay:

- Mày thổi bài Chiều quê, rồi bàn chuyện đá bóng sau.

Vỗ vai Vọng, Côn hỏi:

- Phải không hở, Vọng?

Vọng gật đầu. Vũ chiều Côn, đưa kèn lên môi. Trước khi thổi, nó nói:

- Bài này buồn lắm!

- Tao thích buồn, vì tao nhớ quê nội tao.

Hơi thằng Vũ lùa vào kèn, âm thanh thoát ra. Tiếng nhạc tha thiết, êm đềm, giống hệt lời ca. Nỗi buồn man mác vây quanh ba đứa trẻ. Côn rươm rướm nước mắt. Trong lúc Vũ đánh tông phù phép phép phù phép phép sau mỗi câu nhạc, mà nếu hát thì phải ngân dài, Vọng cảm hứng ca theo:

- Quê nhà tôi chiều khi nắng êm đềm, chạy dài trên khóm cây, đàn chim ríu rít ca…

Vũ ngừng thổi, ra hiệu cho Vọng đừng hát nữa. Nó giảng giải:

- Bài này điệu bốt tông, mày hát chầm chậm mới đúng nhịp. Nào, hát lại. Một, hai, ba…

Vọng cao giọng:

- … Bao người ra ngồi hay đứng bên thềm, đợi chồng con, mắt trông về phía trời xa…

Vũ lại ngừng thổi:

- Mày hát cao quá, chốc nữa đến đoạn giữa, lên giọng sao được? Hát thấp hơn mới hay.

- Tao sợ hát thấp, đến nốt trầm, xuống không nổi.

- Cứ thử xem. Nào, một, hai, ba…

Vọng cất tiếng. Côn hòa theo:

- Sáo diều êm nào khác lời thơ. Lúa vàng reo ngàn muôn sóng nhấp nhô… Bao người ra ngồi hay đứng bên thềm, chuyện trò vui với nhau, đời sống thần tiên…

Dứt bài hát, Côn và Vọng ngồi bẹt xuống đất, dưới bóng mát của cây sấu. Còn Vũ đứng hẳn lên, thổi bài Chiều quê lần nữa, từ đầu chí cuối.

Nó nhìn bầu trời xanh và mây trắng, trưa mùa hạ. Đôi mắt nó say sưa, và như vướng âm nhạc. Say sưa cơ hồ những lần nó dẫn ban trước thành tụi An Tập. Thổi xong, nó vẩy mạnh kèn, đút vào túi, ngồi cạnh bạn. Nó nói:

- Không ngờ thằng Vọng hát hay thế. Mày hát không kém gì anh Vũ Hổ, ở hướng đạo. Hè này, ba thằng mình lên sân khấu, hôm bãi trường, nhé!

Vọng cúi đầu, để tránh sự sung sướng biểu lộ trên khuôn mặt nó. Nó nói lảng:

- Bây giờ bàn chuyện đá bóng đi.

Vũ nhún vai:

- Thì tăng đầu Luyến, Long, Lộc, Hải, Hổ, Dực, Trân, Trình, và ba thằng mình. Tăng sau, không thay đổi thằng nào cả. Nếu bị tụi An Tập cộp, đau chân hãy thay. Mày coi tụi An Tập có thằng nào đáng sợ không?

Vọng trả lời:

- Chả có thằng nào đáng sợ cả, trừ con nhà Quýnh đứng hữu vệ, hay đánh khuỷu tay. Tao tính, nên mời ông Định làm trọng tài. Ông này ghét tụi hay cộp, có lợi cho tụi mình, mày ạ!

Côn vỗ tay:

- Bravo Vọng, mày khôn quá!

Vũ hùa theo:

- Cầu thủ Kỳ Bá có khác!

Vọng ngượng đỏ mặt. Từ những nỗi hất hủi tới những sự ca ngợi đến với nó nhanh quá, khiến thằng học trò nhà nghèo này luôn luôn xúc động. Nó bấm chặt ngón chân xuống nền đất.

Vũ nói:

- Tao định xin dì tao mấy đồng, nhưng nhiều quá, tao không dám xin.

Côn hỏi:

- Xin tiền để làm gì?

- Tiền để chúng mình ăn phở, ăn kem, nếu mình thắng tụi An Tập.

- Tao có hai đồng.

- Hai đồng không đủ đâu.

- Thế bao nhiêu mới đủ?

- Tao không biết.

Hai đứa nhìn nhau thất vọng. Bỗng Vũ chợt nhớ ra một điều hứng thú. Thằng Tom Sawyer Việt Nam cũng ở tỉnh lỵ, nhưng tỉnh lỵ bé nhỏ của một nước bé nhỏ lại bị nô lệ, nên nó không có phương tiện, tựa bạn nó là thằng Huckleberry Finn Côn, chẳng hạn, phiêu lưu trên sông Hồng, hay sông Cửu Long. Nó tinh nghịch, nghịch hơn Tom Sawyer. Và, thú thật rằng, nếu đem thằng Tom Sawyer của ông Mark Twain thả dù xuống mảnh

đất này, thì sợ Tom Sawyer chung số phận với thằng Hách mất. Chứ không thể nào qua mặt được thằng Triều Dương Hiệp cứu khốn phò nguy đâu.

Vũ nhếch mép cười, mắt nhấp nha nhấp nháy, và đầu nó rối loạn nguồn vui sắp tới. Nó dang đôi tay rộng ra, xòe hai bàn tay, rồi tầm đôi tay vừa với ngực, nó hạ thấp xuống quá bụng, giống hệt người diễn thuyết trong cơn rối loạn, khuyên thính giả hãy bình tĩnh. Nó ba hoa:

- Yên trí, yên trí, tao cớp được tiền ăn phở rồi.

Côn hỏi:

- Tiền đâu?

Vũ thản nhiên đáp:

- Ở đền Mẫu.

Bây giờ, đến lượt hai thằng bạn nó tròn xoe đôi mắt. Côn nghĩ tới chuyện Tầu chôn của, nó đùa:

- Mày chôn tiền, hở?

- Không.

- Thế tiền nào, lại nói phét!

- Nói phét làm đét gì.

- Thế tiền của ai?

Vũ cáu:

- Mày làm gì mà hỏi nhắng lên thế? Tiền của bác cả Hồng. Chiều nay, bác ấy lên đồng ở đềm Mẫu. Tao cớp hết tiền lộc cho chúng mày xem.

Vọng suýt soa:

- Phải tội chết.

- Tội cái củ thìu biu đây này!

Vọng toét miệng cười. Côn nghi ngờ:

- Sao mày biết bác ấy lên đồng chiều nay?

- Khó đét gì. Thúy…

Vũ buột mồm. Trót lỡ rồi, nó nói đủ để thằng Côn nghe:

- … Thúy nó rủ tao, chiều nay, đi xem bác cả Hồng lên đồng.

Vũ hơi ngượng, khi phải nhắc đến tên con bạn gái của nó, con Thúy, trước mặt tụi bạn trai. Mẹ Vũ, hồi còn sống, là bạn thân của bà Thụy. Bà Thụy, mẹ con Thúy. Bà Thụy thương Vũ lắm, năm bữa nửa tháng, bà lại tới nhà Vũ thăm Vũ. Lần nào bà cũng dắt con Thúy theo.

Chủ nhật, ngày lễ, bà Thụy hay kéo Vũ tới nhà bà chơi, suốt ngày, với con gái bà. Vũ ghét con gái nhất hạng. Thế mà nó lại ưa con Thúy. Hai đứa chơi với nhau qua tình hai nhà thân nhau. Tâm hồn thằng Vũ, thứ tâm hồn hiệp sĩ, nên nó không chịu được những trò chơi bán hàng, thổi cơm của con Thúy. Nó thích đánh nhau cơ. Thành thử, chỉ lúc nào thằng Côn đi vắng, nó mới chịu vác xác tới nhà bà Thụy.

Bà Thụy coi Vũ như con. Khi vắng vẻ, bà thường hỏi nó:

- Dì con có đánh con không?

Vũ liền rầu rầu nét mặt:

- Có ạ!

Thực ra thì dì Vũ chiều chuộng Vũ, họa huần mới mắng mỏ đôi câu. Tính thằng Vũ láu cá. Nó biết hễ cứ mếu máo, nhận bừa là bị đòn, thế nào bà Thụy cũng dúi vào tay nó năm hào hay gói kẹo bánh. Về nhà, nó thuật lại chuyện với dì nó, nó làm nũng:

- Bác Thụy hỏi dì có đánh con không. Đố dì biết con trả lời làm sao?

- Dì không biết.

- Con đọc bài Mẫn Tủ Khiên, dì ạ!

Dì Vũ không hiểu Mẫn Tử Khiên, hỏi Vũ:

- Tại sao con đọc bài Mẫn Tử Khiên?

Vũ bèn liến thoắng kể chuyện Mẫn Tử Khiên, mẹ mất sớm, cha lấy người vợ kế. Người vợ kế này ngược đãi Tử Khiên. Mùa đông, con mình mặc áo bông, còn Tử Khiên chỉ phong phanh manh áo vải mỏng. Một hôm, cha sai đi đẩy xe. Tử Khiên rét quá, ngã nhào. Người cha gọi vào mắng, thấy Tử Khiên mặc áo mỏng, đứng run cầm cập, giận lắm, đuổi người vợ kế đi. Tử Khiên khóc thưa: Dì con ở lại, chỉ có một mình con khổ. Chứ dì con mà đi, cả anh em con cùng khổ. Người dì ghẻ cảm động về tấm lòng tốt của Tử Khiên. Từ đấy, đối xử với Tử Khiên như con ruột.

Kể xong, Vũ nói tiếp:

- Con bảo bác Thụy là con không phải Mẫn Tử Khiên, vì dì không bắt con ở nhà, dì cho con đi chơi cả ngày.

Dì nó cũng cảm động như dì Mẫn Tử Khiên, mắng yêu:

- Mày láu tôm láu cá quá, Vũ ạ!

Vũ vờ gãi tai. Dì nó móc túi cho nó đồng bạc. Vũ hay bịa chuyện, để những người bạn của mẹ nó, thuở xưa, thương nó.

Đứng trước con Thúy, Vũ ta thường tịt họng. Nó lại sợ bạn bè chế riễu chơi với con gái, nên buột mồm nhắc đến tên con Thúy trưóc mặt thằng nào, nó ngượng.

Côn không chú ý chuyện này. Nó hỏi:

- Này có chắc không?

- Chắc chứ. Tao chỉ sợ có bác Thụy với con Thúy thôi.

Vọng xen vào:

- Con Thúy nào?

Vũ lấn giọng:

- Mày đét biết đâu, Vọng ạ, đừng hỏi nữa.

Côn nói:

- Có bác Thụy thì hốc xịt, hở?

Tự nhiên, nghe hai tiếng hốc xịt có vẻ chạm tự ái của hiệp sĩ quá, Vũ bốc liều:

- Ai bảo mày hốc xịt? A lê, chúng mày đi gọi thêm mấy đứa nữa, rồi đợi tao ở đền Mẫu. Moa phú bác Thụy, nhanh lên!

Còn tiếp
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn