BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 72812)
(Xem: 62102)
(Xem: 39201)
(Xem: 31055)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Trại Tập-Trung (Phần II – 16)

08 Tháng Mười Hai 201112:00 SA(Xem: 1432)
Trại Tập-Trung (Phần II – 16)
53Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
53

- 16 -


Những suy tư trong thống khổ của tôi dành nhiều cho tuổi trẻ. Từ ngày bị chuyển về Z30 D, tôi ít quan tâm tới thân phận tù đầy của tôi và những hình phạt tôi phải chịu đựng. Trại tập trung chẳng còn gì hấp dẫn tôi nữa. Nếu tôi đã thấy niềm bí ẩn của đời sống thì niềm bí ẩn ấy chỉ có dưới hầm phân nhung nhúc hàng tỷ con ròi, chỉ có dưới đáy sông Ray những sáng mùa đông đói lạnh lặn xuống móc đá tảng. Niềm bí ẩn ấy đã được soi sáng nhờ con gọng vó và triết lý sống bất hủ của nó. Sa Ác, trại tập trung khổ sai lao động, mang bí số TH6, với riêng tôi, là nơi chốn mà cái động đã rung rinh tận lóng xương, ống tủy của tôi:


Rừng nối rừng, cây tiếp nối cây
Đất gò mối rắn, cỏ tranh dầy
Mây leo cổ thụ gai nanh vuốt
Là chốn này đây, Xuyên Mộc đây.


Ta tới như thời lưu vãng xưa
Tay còng áo dấu ấn thô sơ
Sương mù Ba Thục tan huyền thoại
Chân bước nghe quanh khỉ vượn đùa.


Tự đó thân phơi giữa nắng trời
Hồn đêm nương ánh vỡ sao rơi
Nghe chăng hai tiếng nguyền Sa Ác
Đã đến là xong một kiếp người.


Ngẩng mặt lên nhìn ngọn Mây Tào
Lòng ta muối xát vẫn chiêm bao
Có gì êm ái hơn đau đớn
Khi biết hư vô ở chỗ nào.


Ai trước ngồi câu bờ Vị Thủy
Bây giờ ta tắm nước sông Ray
Thấy con gọng vó bèn bơi ngược
Soi sáng đời ta tử địa này.


(Thơ tù, Nam Á Paris)


Tôi phải cám ơn con gọng vó. Nó đã dạy tôi phấn đấu. Nó đã dạy tôi thản nhiên đi trên hệ lụy, đi trong nghịch cảnh như nó lội ngược dòng nghịch lũ. Và tôi noi gương nó:


Chẳng ngại đường oan bỏng sắt nung
Xin đi. Dù hiu quạnh trăm năm
Xin đi. Vì nỗi đau khôn lớn
Đi đến hồn nhau, đến tận cùng.


Do đó, tôi đã không mang nhà tù ra đời sống. Chẳng còn gì tẻ nhạt hơn là ngồi kiểm điểm nỗi buồn khổ của riêng mình hàng nghìn trang và bắt người khác phải đọc, phải nghe nỗi buồn khổ không làm rơi nước mắt đó. Nên tôi đã thích suy tư trong thống khổ để hy vọng được sáng tạo bằng đau thương gạn lọc. Nhưng tại sao nỗi suy tư của tôi dành nhiều cho tuổi trẻ? Tôi trả lời ngay đây. Tôi thấy, tuổi trẻ Việt Nam, ở bất cứ không gian và thời gian nào, ở bất cứ hoàn cảnh nào, đều chứng tỏ mình là sư tử. Trong nghịch cảnh, họ là sư tử lừng lững. Tất cả những người tuổi trẻ – học sinh và sinh viên, nam cũng như nữ - mà cộng sản kết tội “phản động”, tội “chống phá cách mạng” tôi đã gặp ở các nhà tù đều là những người làm rạng rỡ cho sự nghiệp chiến đấu giành độc lập, tự do, dân chủ của dân tộc. Phẩm cách và tinh thần bất khuất của họ đã làm cộng sản nể nang. Và khiếp sợ. Luôn luôn trực diện kẻ thù bầy tỏ thái độ, bầy tỏ ý chí khi cần thiết. Không thèm sách động trong bóng tối và không thèm chối cãi quanh co. Họ biết sống, biết chiến đấu và biết chết, dám chết. Hẳn nhiên, họ không thích chết sảng, chết ngu, chết lấy tiếng anh hùng rơm. Họ kiên trì chịu đựng gian khổ, không than van, không theo chủ nghĩa “buộc chặt cái túi thăm nuôi”. Họ hào sảng, chia sẻ và sẵn sàng hứng lấy cả thiệt thòi giùm người khác. Tôi cho rằng đó là những người lý tưởng mà tổ quốc và dân tộc kỳ vọng. Những người tuổi trẻ của quân đội, những sĩ quan tác chiến cấp úy, đa số, cũng là những người còn đầy lửa tim, còn cố gắng bảo vệ danh dự quân đội, danh dự con người khi đương đầu với cộng sản trong tù ngục. Thái độ sống của họ khác hẳn thái độ của sĩ quan tá già, của sĩ quan văn phòng. Càng khác hẳn thái độ sống của giai cấp thư lại. Nói tóm lại, tuổi trẻ Việt Nam trong tù hay ngoài đời vẫn là sư tử, là những kẻ cao thượng của một xã hội thấp hèn. Tôi suy tư về tuổi trẻ còn bởi cộng sản to họng nguyền rủa tôi đã “đầu độc tuổi trẻ” chống đối họ. Trong cuốn Những tên biệt kích của chủ nghĩa thực dân mới trên mặt trận văn hoá tư tưởng do nhà xuất bản Văn Hoá ấn hành năm 1980, công sản đã dành cả 30 trang để kết án tôi đã tìm một lý tưởng cho tuổi trẻ. Và tôi đã phản pháo cộng sản bằng Bầy sư tử lãng mạn. Tôi sắp cho cộng sản vỡ mặt bằng tung thêm Hồn say phấn lạ. Ở bộ tiểu thuyết 1000 trang này, độc giả sẽ thấy tuổi trẻ Sàigòn và tuổi trẻ Hà Nội – cả con cháu lãnh tụ cộng sản như Võ Điện Biên (con trai út của Võ Nguyên Giáp), Thọ lột (cháu Nguyễn Lương Bằng), Lê Điểu (con Lê Duẩn) v.v.. – chống cộng sản ngoạn mục ra sao. Đấy, lý do tôi suy tư nhiều về tuổi trẻ. Sự suy tư không mang cho tôi một lợi lộc gì mà còn đẩy tôi vào giữa gọng kìm của phỉ quyền và tàn dư ngụy quyền và bọn kháng chiến ảo tưởng, bịp bợm. Bởi vì, tôi nghĩ, cuộc chiến đấu giải thoát dân tộc và mưu cầu hạnh phúc cho dân tộc của tuổi trẻ là phải tiêu diệt phỉ quyền, loại bỏ ngụy quyền và bọn mưu đồ phục hồi quyền bính tham nhũng, thối nát cũ. Bộ tiểu thuyết Hồn say phấn lạ của tôi chưa xuất bản, chưa phát hành dù tôi đã hoàn tất từ cuối tháng 11-1985, mới chỉ đường tạp chí Ngày Nay ở Wichita – Kansa (Hoa Kỳ) – “dọa” phát hành đầu tháng 4-1987 (*) mà đã có một “tờ báo” chụp nguyên trang quảng cáo Hồn say phấn lạ, đánh máy thêm những dòng báo động:


Tại nhiều cộng đồng người Việt hải ngoại, nạn thanh niên du đãng và trụy lạc, chìm đắm trong tội ác, mỗi ngày một trầm trọng. Không ai chối cãi được. Vậy có cần loại tiểu thuyết này để tiếp sức đầu độc và vạch đường chỉ lối không ? Các chiến sĩ quốc gia nghĩ sao?


Thưa ông “tờ báo” mà tôi không biết tên (bạn tôi chỉ cắt trang ông chụp trang quảng cáo Hồn say phấn lạ), ông báo động hơi sớm đấy. Tiểu thuyết chưa hề xuất bản, ông biết gì mà bảo nó “tiếp sức đầu độc”. Chừng Hồn say phấn lạ phát hành, mua trọn bộ về nghiền ngẫm kỹ lưỡng, nếu lương thiện, ông sẽ quảng cáo giùm. Loại tiểu thuyết này vạch đường chỉ lối cho tuổi trẻ quốc nội (xin yên tâm, không dính dáng chi đến quốc ngoại cả) vận động cuộc cách mạng Tây Sơn mới, tiêu diệt cộng sản. Các chiến sĩ quốc gia (của ông thôi) nên mua càng nhiều càng tốt về học tập. Riêng ông thì học cách làm báo cho hay bằng báo bí mật Đạn lên nòng của tuổi trẻ Sàigòn đánh cộng sản.


Một điểm nhỏ vừa nêu đủ nói lên sự “khó khăn” cho suy tư của tôi. Tôi có nên bán đứt bản quyền Hồn say phấn lạ cho cộng sản để họ đốt đi không nhỉ? Chống cộng sản, bây giờ, còn gặp cả trở ngại quốc gia bẩn, quốc gia rắn rết, quốc gia “nghĩ sao” những điều mình chưa biết. Nhưng cần gì, “chó sủa mặc chó, đoàn lữ hành cứ đi”. Bao giờ và ở đâu thì tôi cũng vẫn chỉ là kẻ chống cộng tự nguyện, chống cộng không ăn cái giải gì mà bị ăn hơi kỹ cơm tù và nọc rắn. Cộng sản chửi tôi :” Từ Hoa thiên lý, Duyên Anh cho là đã viết với “niềm xúc động thật tình”. là một truyện chống cộng khá thâm hiểm. Thông qua câu chuyện tưởng như truyện tình cảm thuần túy, Duyên Anh đã quỷ quyệt gieo vào lòng người đọc tình cảm sai về miền Bắc” (**). Vẫn cộng sản chửi: “Đa số những truyện, ký của Duyên Anh đều sặc mùi phản động. Duyên Anh đã chống cộng với tất cả mối thâm thù cách mạng” (**). Cộng sản tiếp tục chửi: “Chỉ cần đọc câu: ‘Thôi đành chống cộng sản bằng cách gọi cái sự thấy mỗi cuối tháng của đàn bà bình thường là kéo cờ cộng sản vậy’ thì dù có hiền lành đến mấy đi cũng phải sôi gan” (**). Cộng sản lên án: “Thực ra, phải nói Duyên Anh căm thù cách mạng mới thật đúng với lòng dạ của hắn. Hắn căm thù cách mạng đến độ hầu như không một cuốn truyện nào, bài báo nào của hắn mà không có những đoạn, những câu nói xấu cách mạng, xuyên tạc, chửi rủa cộng sản” (**). Công sản cay cú: “Chẳng những hắn biện hộ, ca ngợi bọn du đãng mà còn không bỏ lỡ cơ hội nào để xuyên tạc, phỉ báng phong trào sinh viên học sinh và nói xấu cộng sản, nói xấu cách mạng . Ý đồ chống cách mạng của Duyên Anh trong loại tiểu thuyết du đãng còn lộ liễu trắng trợn hơn. Cái đuôi chống cách mạng của hắn đã thò ra ngay từ cuốn truyện du đãng đầu tiên” (**) Cộng sản đánh nhầu tôi, lôi cả ông nội tôi, bố tôi, em tôi, vợ tôi ra chửi. Quốc gia bẩn thì nhục mạ tôi… làm việc cho cộng sản, tay sai cộng sản! Cộng sản khẳng định truyện du đãng của tôi chống cách mạng cộng sản. Quốc gia bẩn bảo truyện du đãng của tôi “đầu độc quốc gia… bẩn". Kể ra cũng chẳng đáng ngạc nhiên. Bởi tôi đứng về chiến tuyến quốc gia chân chính. Mà quốc gia chân chính sẽ làm chính quyền, phải làm chính quyền. Chính quyền không dung dưỡng phỉ quyền, không chứa chấp ngụy quyền. Chính quyền sẽ nằm trong tay của tuổi trẻ lỗi lạc, sáng suốt, nhiệt tình và lương thiện. Chính quyền của nước Việt Nam tương lai khu trừ gốc rễ cộng sản, đã đành, còn loại bỏ toàn bô cơ cấu ngụy quyền tham nhũng, thối nát, ngu dốt, phản phúc. Vậy thì cộng sản nguyền rủa tôi, quốc gia bẩn của nguy quyền nham nhở nguyền rủa tôi chả là một song kiếm hợp nhất diệt kẻ thù chung. Rất lô gích. Vì, cộng sản đã nêu cao chính nghĩa nhờ quốc gia bẩn, quốc gia bẩn kiếm chác khấm khá nhờ chiêu bài độc quyền đấu thầu chống cộng sản. Phỉ quyền và ngụy quyền đã nương nhau, đã dựa dẫm nhau mà sống, mà moi ruột tổ quốc, mà móc mắt dân tộc, mà dẫm nát tình nghĩa đồng bào, mà làm băng hoại đất nước Việt Nam yêu dấu, mà tước đoạt quyền sống con người. Nhưng khi dân tộc ta, đất nước ta, tổ quốc chúng ta có chính quyền, bắt buộc, phỉ quyền và ngụy quyền sẽ bị tận diệt cùng một lúc. Không có đất sống cho phỉ quyền và ngụy quyền trên giang sơn gấm vóc của Lý Thường Kiệt, của Trần Hưng Đạo, của Quang Trung.. Phỉ quyền và ngụy quyền đều sợ hãi chính quyền. Là bởi chính quyền có chính danh, chính nghĩa, chính đạo. Chúng là bọn giả danh, giả nghĩa, giả đạo, giả mạo, giả nhân. Từ bản chất, chúng đã giả. Chân lý không của bọn giả danh, không của phỉ quyền và ngụy quyền. Tất cả đều đã nhìn rõ. Người tuổi trẻ hôm nay cần nhìn rõ hơn. Để nhận đường chiến đấu. Nếu không, mọi dấn thân sẽ chỉ đóng góp cho bè lũ tôi đòi vọng ngoai âm mưu phục hồi quyền bính bệ rạc dĩ vãng. Mãi mãi, dân tộc khốn khổ, Việt Nam sẽ bị thống trị bởi phỉ quyền và ngụy quyền, hoặc thời thống trị độc quyền của phỉ quyền, hoặc thời thống tri độc quyền của ngụy quyền. Còn bóng dáng phỉ quyền và ngụy quyền, dân tộc ta còn quằn quại, đau thương. Tôi muốn ví, ở bối cảnh lịch sử này, phỉ quyền như chúa Trịnh đàng ngoài, tàn dư ngụy quyền như chúa Nguyễn đàng trong. Chúng ta cần một cuộc cách mạng Tây Sơn mới. Của tuổi trẻ. Chừng nào chúng ta có chủ thuyết tiểu tư sản do người Việt Nam lập thuvết làm nòng cốt cho tân cách mạng Tây Sơn, chừng đó dân tộc ta mới được giải thoát, mới được sống hạnh phúc trong thương yêu (***)


Nhưng, trước hết, một điều kiện tiên quyết, tuổi trẻ Việt Nam phải khước từ lãnh tụ già nua, phải chối bỏ lãnh tụ mù lòa, phải đạp đổ lãnh tụ giả mạo. Tôi hoàn toàn đồng ý với người tuổi trẻ tên là Độc Ngữ trong bài thơ dưới đây:











Những con chó già


vẫn tưởng


răng mình còn sắc


Tuy đã


rụng lông



trên lưng


từng mảng ghẻ.


Những con mèo


ngu si


vẫn tưởng


mình cốt cách


sư tử


nhưng chết


khó hóa


thành cáo.


Những lão bình vôi


vẫn tưởng


nhờ mình cây đa


được trọng nể


mà quên


ông thần.


Những tên văn nghệ khụ khị


vẫn tưởng


thốn tâm thiên cổ


bằng tác phẩm


củi mục


và huyênh hoang


sau mình


đại hồng thủy


Bọn lãnh tụ


Bọn lãnh tụ


chúng nó đấy :


chó ghẻ


mèo ngu


bình vôi


củi mục


Trong mọi lãnh vực


chúng nó


ngăn chận


tuổi trẻ ta


Cách mạng :


-Chúng nó


Văn hóa :


- Chúng nó


Xã hội :


- Chúng nó


Chính trị :


-Chúng nó


Thụ hưởng :


-Chúng nó


Còn chúng ta



hít khói

lựu đạn cay

 


Còn chúng ta



ăn báng súng

dài dài

 


Chúng ta


lãnh đòn


cảnh sát


vào khám


ra tù


hụt hơi


mù mắt


Chúng ta


làm guốc


để chúng nó đi


Chúng tự cho mình là


đại dương


Còn chúng ta


kinh rạch


Chúng tự cho mình là


trái núi


Còn chúng ta


cỏ mục dưới chân


Đã phẫn nộ chưa


tuổi trẻ


hào hùng


bất cứ


giai đoạn lịch sử nào



 

Chúng ta

 


cũng đều


biến thành


vật tế thần


của tham vọng


cá nhân


Chúng nó cần ta


mà cứ khinh ta bé nhỏ


Chúng nó sử dụng ta



như những tên

 

 


nô lệ


như những trái chanh


vắt hết nước


liệng ngay


chằng hề


thương xót


Bọn lãnh tụ


Bọn lãnh tụ


chúng nó đấy :


chó ghẻ


mèo ngu


củi mục


bình vôi


Chó ghẻ bên trong


chó ghẻ bên ngoài


Chó ghẻ hôm qua


chó ghẻ hôm nay


Chó ghẻ xà mâu



giả hình

sư tử

 


Tuổi trẻ ta đâu


hãy đứng lên


dang chân


đạp lãnh tụ


Lãnh tụ bên trong


Lãnh tụ bên ngoài


Lãnh tụ ù lỳ


Lãnh tụ tay sai


Lãnh tụ lạc quyên


Lãnh tụ thỏa hiệp


Lãnh tụ cộng sản


Lãnh tụ lưu vong


rặt những thằng


khốn kiếp


thứ củi mục


hết xài


thứ bình vôi


đặc xịt


thứ hòn bi


thích ăn


thèm uống


thứ côn trùng


nhầy nhụa


háo danh


đã đục rỗng


ba mươi năm


đất nước


Phải xổ


sán giun


khỏi


ruột non


ruột già


tổ quốc


Phải phóng


nhiệt tình


và lòng tự phụ


vào trận địa


Dấn Thân


Tuổi trẻ ta đâu


kèn đã dục


kết đoàn


Bởi vì


chúng ta


mới thật là


Sư Tử


Chúng ta


hiện tại mặt trời


trăng sao quá khứ


Xuống thuyền thôi


Lịch sử



đang chờ

 

(Đạp đổ lãnh tụ, thơ Độc Ngữ)



Tôi mong rằng, tuổi trẻ Việt Nam hôm nay, sẽ luôn luôn truy nã bản thân mình, truy nã thân phận dân tộc mình. Sự truy nã thường xuyên sẽ soi rõ con đường chiến đấu của mình. Để không còn thất bại. Để tự hào là sư tử của tổ quốc. Tôi xin phép được khẳng định vị thế của tôi trong cuộc chiến đấu giải thoát giống nòi của tuổi trẻ. Tuổi trẻ là lãnh tụ cao quý của tôi. Tôi chỉ ngưỡng mộ tuổi trẻ lý tưởng và phục vụ lý tưởng của tuổi trẻ như một tên lính thổi kèn đi tiên phong.


Thôi, tôi phải về Z30 D, nơi tôi bị phỉ quyền cộng sản giam giữ và hành hạ khổ sai lao động vì đã dám chống đối cách mạng vô sản và xúi dục tuổi trẻ chống đối cách mạng vô sản.


Còn tiếp




(*) Vì Hồn say phấn lạ dầy quá, tạp chí Ngày Nay không đủ phương tiện xuất bản. Nên cứ … doạ mãi. Rốt cuộc Xuân Thu sẽ phát hành


(**) Những tên biệt kích của chủ nghĩa thực dân mới trên mặt trận văn hóa tư tưởng


(***)Tác giả đã gợi ý cho tuổi trẻ Việt Nam về chủ thuyết tiểu tư sản và tân cách mạng Tây Sơn ở những tiểu thuyết Sỏi đá ngậm ngùi, Bầy sư tử lãng mạn, Một người tên là Trần văn Bá và rõ rệt nhất ở Hồn say phấn lạ. Theo tác giả, hai chủ nghĩa tư bản và vô sản đã bất lực trong mưu cầu hạnh phúc cho nhân loại, đã cầy nát dân tộc Việt Nam, đã đưa dân tộc Việt Nam vào chiến tranh, thù hận, ngục tù, đói khổ, ngu dốt, lạc hậu.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn