BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73230)
(Xem: 62212)
(Xem: 39389)
(Xem: 31148)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Tân Xuân Thu Phục Quốc Tái Luận

16 Tháng Mười Một 201012:00 SA(Xem: 2058)
Tân Xuân Thu Phục Quốc Tái Luận
51Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
51

Có hai chuyện mưu bá đồ vương được ghi chép rõ ràng trong Đông Chu liệt quốc và Thiên Long bát bộ. Chuyện thứ nhất xẩy ra đời nhà Tấn, thời Xuân Thu. Về một sự "đổi đời" không cần quịt nợ "lịch sử đã sang trang", công tử Trùng Nhĩ phải "di tản" khỏi nước Tấn. Công tử, tuy còn trẻ, nhưng đã nổi tiếng là người hiền. Người hiền, hiểu theo nghĩa hôm nay, là người đức độ và không tham nhũng, ăn cắp tiền bạc của nhân dân chuyển sang ngân hàng Thụy sĩ. Hào quang Trùng Nhĩ tỏa chiếu tới nhiều quốc gia lân cận. Công tử Trùng Nhĩ bỏ nước ra đi với đám tòng vong bất hủ. Nghĩa khí ngất trời có Giôi Tử Thôi. Tài năng trùm lấp thiên hạ có Triệu Thôi, Ngụy Thù, Hồ Mao, Hồ Yển, Điên Hiệt ... Trùng Nhĩ tị nạn ở nước Địch, lấy nàng Quí Ngỡi, sinh con đẻ cái trên nước Địch mà cương quyết không nhập Địch tịch dù đã "định cư" hai mươi năm. Công tử nghĩ rằng, mình cứ giữ Tấn tịch thì về giải phóng dân tộc nó mới rạng ngời chính nghĩa. Và mình là người giải phóng. Vào Địch tịch mình hóa Địch dân, đem quân kháng chiến về giải phóng đất nước, người ta bảo Địch quân xâm lăng Tấn quốc là vỡ mặt. Bởi vậy, thà rau cháo sống đạm bạc, thề không mở quán rượu, làm bồi bàn, thề không mở lò bánh mì, thề không kiếm chân gác dan, cố giữ tư cách và phẩm cách một công tử lưu vong, thực hiện câu "giấy rách phải giữ lấy lề" mà ... mưu bá đồ vương. Đám tòng vong noi gương lãnh tụ và họ đã không làm nhục người nước Tấn. Họ không chôm chĩa tiền "mê đi keo, không in sách lậu, không bắt trộm chó và bồ câu mần thịt nhậu nhẹt" ! Sợ Trùng Nhĩ phục quốc, Tấn vương và Bộ Chính Trị sai người sang Địch ám sát Trùng Nhĩ. Đám tòng vong dục lãnh tụ tiếp tục ... tị nạn. Bắt đầu từ đây, sau 20 năm xa xứ buồn bã, lãnh tụ Trùng Nhĩ cảm thấy chán nản ... phục quốc. Có vợ đẹp cưỡi, có rượu ngon tu, thế sự nhỏ hơn cái lá đa. Đám tòng vong ép quá , rồi người đẹp Quí Ngỡi phải khuyên lãnh tụ lập sự nghiệp, lãnh tụ mới chịu khăn gói quả mướp tị nạn. Tề quốc là nơi sẽ đến. Muốn sang Tề phải qua Vệ. Trên bước đường tị nạn chính trị lêu bêu, lãnh tụ bị đàn em Đấu Tu cuỗm gọn gói bạc phú lỉnh. Vua quan nước Vệ không cho lãnh tụ vào thành. Lãnh tụ và đám tòng vong đói khát, bèn vòng chân thành nước Vệ mà lê bước tha hương. Ngụy Thù và Điên Hiệt phẫn nộ : "Vệ khốn lịn, xử ức ta, ta vô làng xóm của nó cướp giật thực phẩm mà ăn vừa bỏ ghét vừa đỡ đói". Lãnh tụ Trùng Nhĩ nói : "Cướp phá là quân đạo tặc, thà chết đói còn hơn". Câu nói xứng đáng ghi vào lịch sử ... tị nạn chính trị của muôn đời.


Thầy trò Trùng Nhĩ đói khát dắt díu nhau đi. Mượn cái nồi của thiên hạ nấu cháo ăn cầm hơi, thiên hạ mỉa mai : "Lấy đất mà nắn nồi" ! Triệu Thôi vét nốt gạo, kiếm nồi nấu cháo dâng lãnh tụ. Giới Tử Thôi xẻo thịt đùi mình hiến lãnh tụ để lãnh tụ đủ sức chịu đựng cơn đói hành hạ. Tới đất hứa Tề quốc, lãnh tụ lại ... lấy nàng Khương Thị tuyệt vời. Lãnh tụ mê gái, mê rượu quên chuyện phục quốc. Lãnh tụ phát ngôn bừa bãi : "Nay ta già rồi, vui chơi là đủ" ! Nàng Khương Thị lại phải bầy mưu với đám Ngụy Thù gài lãnh tụ vào cái thế "goodbye" nước Tề. Trùng Nhĩ nổi điên tuốt gươm muốn giết lũ tòng vong. "Chúa công về Tấn lên ngôi rồi giết chúng tôi cũng chưa muộn" ! Lãnh tụ ghé Tào quốc. Bị nhục mạ. Qua Tống, qua Trịnh. Bị bạc đãi. Vào nước Sở, được vua Sở quí mến vì nổi tiếng người hiền. Ở Sở, Triệu Thôi và Ngụy Thù có dịp chứng tỏ cái tài năng trùm thiên hạ của mình. Vua Sở cảm khái, tin tưởng Trùng Nhĩ đủ sức phục quốc. Trùng Nhĩ lại từ giã nước Sở để qua Tần. Tính ra vừa chẵn bốn mươi năm tị nạn chính trị. Nước Tần giúp Trùng Nhĩ về giài phóng dân tộc mình vô điều kiện.


Trùng Nhĩ lấy được quyền cai trị, làm rạng rỡ nước Tấn, tạo hạnh phúc, ấm no cho dân nước Tấn, không trả thù vặt, tha thứ cho kẻ toan ám sát mình, cho cả Đấu Tu. Đặc biệt, Trùng Nhĩ không lập các trại tập trung cải tạo ! Bên bờ sông ranh giới Tấn - Tần, trước khi xuống thuyền hồi hương, Trùng Nhĩ vất hết đồ đạc cũ. Ngụy Thù giận dỗi không muốn xuống thuyền. Trùng Nhĩ hỏi tại sao. Ngụy Thù đáp, sợ về nước Chúa công sẽ loại người cũ như Chúa công vất đồ cũ. Trùng Nhĩ xin lỗi. Giới Tử Thôi khinh Ngụy Thù : "Chúa công phục quốc là do hồng phúc của Chúa công. Ngụy Thù tiểu nhân, chưa gì đã kể lể công này nọ. Và Giới Tử Thôi lại làm nghề sửa giầy dép, không màng công danh, phú quí. Chàng phò Trùng Nhĩ chỉ muốn nước Tấn có vua hiền, dân chúng an cư lạc nghiệp và chàng yên ổn sửa giầy dép kiếm tiền nuôi mẹ. Thế thôi. Và thế là vàng son phục quốc. Là nghĩa sĩ muôn thuở.


Chuyện thứ hai xẩy ra trong Thiên Long bát bộ. Cha con nhà Mộ Dung ở Cô Tô, mưu đồ phục hưng nước Đại Yên. Võ nghệ của nhà Mộ Dung, chỉ nghe kể thôi, quần hào đã khiếp vía. Với triết lí "Lấy cái đạo của thiên hạ trả lại cho thiên hạ", Mộ Dung thừa sức chế ngự các võ phái Trung Nguyên, Tây vực. Đến nỗi Cưu Ma Trí phải đem lòng thần phục. Võ học và thủ đoạn của Mộ Dung Bắc đều bất hủ. Cứ gẫm cái thế gài thù hận giữa Đại Tống và Đại Liêu mới rõ nghĩa sâu sắc của kẻ mất nước thèm có nước. Thủ đoạn ấy tàn bạo thật đấy, thiếu nhân bản thật đấy, nhưng đã vì tổ quốc mình thì kể chi xương máu thiên hạ. Trên tất cả, Mộ Dung Bắc yêu nước Đại Yên vô cùng, một đời giang hồ xuôi ngược không ngoài mục đích phục quốc.


Đã có con trai Mộ Dung Phục lỗi lạc, lại thêm đám quần thần Đặng Bách Xuyên, Công Dã Càn, Bao Bất Đồng, Phong Bá Ác xuất chúng và đầy đủ trung, hiếu, nhân, nghĩa, lễ, trí, tín, thế mà Mộ Dung Bắc vẫn phải ẩn thân ở chùa Thiếu Lâm hai mươi năm đặng thâu tóm toàn bộ tinh hoa võ nghệ để chinh phục quần hào, đoạt ngôi vị bá chủ võ lâm, dùng sức mạnh thiên hạ giải phóng nước Đại Yên của mình. Hỡi ơi, một tâm hồn như Mộ Dung Bắc, bỏ vinh hoa phú quí, quên danh lợi, dấn thân vào cõi khổ chỉ bởi tấm lòng phục quốc, chẳng đáng ngưỡng mộ lắm ru ! Người xưa, vị quốc coi danh là hư danh, coi lợi là phù ảo, lấy miếng ngon làm nhục, lấy tước vị làm buồn. Người nay, vị quốc lấy danh làm vinh, lấy lợi làm hiển, coi miếng ngon là sướng, coi tước vị là vui. Bèn xẩy ra những tranh giành, cách chức, xâu xé lạc quyên, xổ số. Ôi, Mộ Dung Bắc võ học, văn học, mưu trí ngút trời, tình non sông nặng hơn Thái Sơn, chuyện nhà nhẹ như bấc mã, rốt cuộc, đành xuống tóc đi tu. Thì cái đám ễnh ương phục quốc lọ làm nổi sự tích gì ?


Đến ngay Mộ Dung Phục kia, say mê phục quốc đến nỗi cô đơn rồi phát khùng đã khiến ta cảm khái. Điều ta cảm khái nhất là thái độ phục quốc của những bậc trượng phu Đặng Bách Xuyên, Công Dã Càn, Bao Bất Đồng, Phong Bá Ác. Kiều Phong đã cảm nổi chất quân tử và hào hiệp của đám quần thần nhà Mộ Dung. Đó là những người không biết trả thù vặt, không biết nói xấu ai vắng mặt, không biết chụp mũ ai chống lại cái chí hướng của mình. Khi Mộ Dung Phục chơi trò Hàn Tín, khuất thân nhận Đoàn Diên Khánh làm dưỡng phụ, hy vọng trở thành hoàng tử nước Đại Lí rồi sẽ cướp Đại Lí, đánh Đại Tống, Đại Liêu phục Đại Yên, Bao Bất Đồng nói :


- Công tử đường đường họ Mộ Dung nước Đại Yên. Việc phục hưng Đại Yên vẫn biết khó, gian nan đến cùng cực, nhưng bọn ta cúc cung tận tụy mà làm thành sự là hay mà chẳng thành vẫn là tuấn kiệt. Nay công tử nhận họ Đoàn làm cha, luồn cúi nhục nhã, dẫu có trở thành hoàng đế sẽ không hiển vinh gì. Cuộc mưu đồ của công tử tuy lớn lao song hóa ra kẻ bất trung, bất hiếu, bất nhân, bất nghĩa không khỏi tự thẹn với lương tâm và bị thiên hạ chê cười. Vậy cái ngôi hoàng đế đó, ham chi ?


Mộ Dung Phục nổi giận phóng chưởng giết Bao Bất Đồng. Đám gia thần họ Mộ Dung còn lại, cảm thấy không thể thị phụng Mộ Dung Phục được nữa. Đặng Bách Xuyên nói :


- Cổ nhân dạy : "Hợp thì ở, chẳng hợp thì đi". Người quân tử tuy đã tuyệt giao nhưng không nói xấu nhau.


Than ôi, kiếm sao nổi Bao Bất Đồng để dạy lũ Trương Như Tảng đang nhận Đặng Tiểu Bình làm bố, Lí Quang Diệu làm ông ? Than ôi, kiếm sao nổi Đặng Bách Xuyên để dạy bọn Hoàng Cơ Minh, Phạm văn Liễu câu "Người quân tử đã tuyệt giao nhưng không nói xấu nhau" ? Hợp thì ở mà chia chác địa vị, lạc quyên. Chẳng hợp thì đi gây dựng công ty phục quốc khác. Nói xấu nhau, bêu nhục nhau làm chi. Đấy, Đại Yên đã có Bao Bất Đồng, Đặng Bách Xuyên mà vẫn không thể phục hưng. Mộ Dung Bắc đi tu. Mộ Dung Phục phát điên. Thì Đại Nam mong gì phục hưng với đám ễnh ương xách giép cho Bao Bất Đồng chưa xứng, lau kiếm cho Đặng Bách Xuyên chưa đáng.


Lịch sử nhân loại đã thay đổi theo sự tiến hóa của nhân loại. Cung cách phục quốc của những kẻ mất nước hôm nay không còn, không thể giống cung cách phục quốc của những kẻ mất nước đời xưa, nhưng tinh thần phục quốc thì nó vẫn vậy. Người ta phải thành thật truy nã tâm hồn người ta. Rằng, người ta đã xứng đáng là Trùng Nhĩ, là Mộ Dung Bắc chưa ? Rằng, trước ngày lưu vong, người ta đã để lại quê hương người ta những gì để, khả dĩ, ngoại nhân có thể cảm phục ? Một Trùng Nhĩ cũng chưa đủ. Trùng Nhĩ đã nản chí, đã mê gái, đã thèm vui chơi với thời gian phục quốc xa lơ xa lắc. Phải có đám tòng vong, những tay kiệt hiệt Triệu Thôi, Ngụy Thù, Giới Tử Thôi ... Những tâm hồn rực rỡ này, đồng lao cộng khổ ròng rã bốn chục năm mà vẫn keo sơn gắn bó. Không một ai đã nghĩ chuyện bỏ rơi lãnh tụ, cách chức ... lãnh tụ hay cách chức lẫn nhau. Không một ai bày mưu kế lạc quyên, xổ số, gây dựng cây mùa xuân kiếm chác tí vốn còm. Người ta phục quốc, người ta tôn vinh lãnh tụ bằng tấm lòng Giới Tử Thôi. Đất nước thoát ách bạo tàn, dân chúng ấm no, hạnh phúc là người phục quốc thỏa mãn mọi hy sinh gian khổ, người phục quốc bằng lòng cõng mẹ vào hang núi chịu chết cháy thui. Khi chưa có Trùng Nhĩ, Mộ Dung Bắc, chưa có Giới Tử Thôi, Ngụy Thù, Triệu Thôi, Bao Bất Đồng, Đặng Bách Xuyên thì chưa nên nghĩ chuyện phục quốc.


Và nữa, phục quốc và mưu bá đồ vương khác nhau. Cái thế phục quốc hôm nay của những kẻ hô hoán trình diễn áo quần, khăn quàng là cái thế phục hồi quyền bính cũ. Những người phục quốc chân chính không thể chấp nhận. Người ta dấn thân chiến đấu là để tạo dựng một tương lai huy hoàng cho tổ quốc và nòi giống. Người ta không chiến đấu để phục hồi dĩ vãng quyền bính của những ông tướng bất tài vô tướng, những ông tá tham nhũng - những kẻ bỏ lính đào ngũ trước giờ ban lệnh đầu hàng. Người ta cũng không chiến đấu để phục hồi địa vị cho những ông chính khách chuyên nghiệp, thời cơ chủ nghĩa, cho những ông dân biểu, nghị sĩ bị lính Mỹ đạp, đá trên đường chạy trốn ở Tòa đại sứ Huê kì, ở phi trường Tân Sơn Nhất. Chiến đấu phục hồi dĩ vãng là chiến đấu trong hư ảo. Dĩ vãng đã buồn thảm, đã tanh ươn và đã chết. Chỉ có tương lai mới hấp dẫn, môi thơm nồng, mới quyến rũ và sống. Chiến đấu cho tương lai là chiến đấu lí tưởng, chiến đấu cho hạnh phúc của dân tộc, cho tự do, dân chủ của quê hương. Những kẻ bệnh hoạn, những tâm hồn vàng bủng không thể, không được phép tham dự vào cuộc chiến đấu tạo dựng tương lai.


Cuộc chiến đấu tạo dựng tương lai, làm lại lịch sử là cuộc chiến đấu của tuổi trẻ. Bất kể tuổi trẻ trong nước hay ngoài nước, tuổi trẻ tù đầy hay tuổi trẻ lưu vong. Bởi vì, cái ưu thế của tuổi trẻ hôm nay là họ chưa hề ngụy chưa hề phỉ, họ chưa hề làm tôi mọi cho một thứ quyền lực quốc tế nào, tư bản cũng như cộng sản. Liên xô cũng như Hoa kỳ. Dĩ vãng họ vằng vặc mặt trăng. Hiện tại họ hừng hực mặt trời. Họ chiến đấu vì cần thiết phải chiến đấu. Do vậy, dân tộc đã chọn tuổi trẻ, chọn nhiêt tình và lòng tự phụ của tuổi trẻ làm niềm tin tưởng tuyệt đối cho sự giải thoát đất nước. Tuổi trẻ hôm nay chính là những Giới Tử Thôi, những tâm hồn Giới Tử Thôi.


Những kẻ đã mất hết chất ngọc tuổi trẻ lãng mạn và can đảm nên lặng lẽ rút vào bóng tối. Để sạch sẽ lối cho tuổi trẻ lên đường phục quốc.


Đồng Nai Tư Mã
2-1985

Ý kiến bạn đọc
16 Tháng Tư 20117:00 SA
Khách
Hay va` du'ng kho^ng chiu duoc. Toa`n mo^t lu~ co? duo^i cho' ma` phu.c quo^'c no^~i gi..
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn