BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73241)
(Xem: 62215)
(Xem: 39399)
(Xem: 31151)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Khước Từ Gốc Mít Luận

17 Tháng Bảy 200912:00 SA(Xem: 1822)
Khước Từ Gốc Mít Luận
51Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
51

Tình cờ, ta nhặt được tạp chí Nhất Việt số 7 tháng 4 năm 1983 xuất bản tại Paris. Bèn đọc bài "Quá khích có ích lợi gì ?" của vĩ nhân Lê Bá Kông. Phàm những kẻ thích dẫn chứng vĩ nhân để bào chữa cho tiểu nhân là những kẻ ham trở thành vĩ nhân hoặc có tâm hồn ... vĩ nhân vậy. Ta không chú í sự miệt thị của vĩ nhân Kông dành tặng "một số báo lao cải, do những ông văn dốt vũ nát hoặc loại "siêu quốc gia", quá khích cực đoan làm chủ nhiệm kiêm chủ bút cả kí "giả" kiêm quảng cáo viên..." Ta cũng không chú í câu quảng cáo "Mặt trận Quốc gia Thống nhất Giải phóng Việt Nam vừa chính thức ra mắt, dưới sự lãnh đạo của tướng Hoàng Cơ Minh. Vậy ai có nhiệt huyết và hoàn cảnh thích hợp thì hãy xung phong gia nhập". Ta chỉ ­để mắt ngó cái đoạn vĩ nhân Kông bênh vực những người khước từ Việt tịch gia nhập Mỹ tịch, Úc tịch, Pháp tịch, Gia tịch vân vân. Vĩ nhân Lê Bá Kông, có thể, nay đã là Kông Bá Lê hoặc Robert Kong Kaka. Ngài đã nhập Mỹ tịch và đã nhập luôn cả Mỹ tịch giùm Ziên Hồng, translate Ziên Hồng into Zieleks ! Và ngoài cổ võ "bảo tồn văn hóa" bằng cách chụp lại những bản dịch truyện Tầu. Văn hóa Zieleks, như thế, rất tiện. Khỏi phải trả tác quyền và mặc sức tái bản sách cũ vì không hề có thỏa hiệp tác quyền giữa Việt Nam và Hoa kỳ. Đó là cái lợi đầu tiên của vĩ nhân Kong Zieleks. Sâu sắc lắm thay ! Vĩ nhân Kong Zieleks phán : "Định cư ở một nơi nào, chúng ta cần tìm mọi cách để được hưởng quyền lợi bình đẳng với dân xứ đó, có vậy mới khá được. Không nhập tịch chúng ta bị thiệt thòi về nhiều phương diện : công ăn, việc làm, học bổng, tiện nghi sưu tầm và khảo cứu, quyền ứng cử và bầu cử, v v ... Riêng về phương diện doanh thương, không nhập tịch ta bị thiệt thòi rất nhiều. Khi du hành để kiếm thị trường, cầm thẻ du lịch (travel document) hoặc giấy phép tại nhập (permis to re-enter), ở khoản nói quốc tịch, người ta ghi mình là "stateless" (vô quốc tịch) mà tiếng Pháp ghi là "apatride". Nếu ghi quốc tịch là "Vietnamese", thì mình chịu nhận là công dân của nước Việt Nam Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa, tức là Việt Nam Cộng sản !" Sau hết, vĩ nhân Kong Zieleks "nêu vài trường hợp ­điển hình" :



* Ông David Ben Gurion (1886-1973), vị quốc phụ của nước Do thái tân lập, sanh tại Ba lan ; trước khi về Trung Đông kháng chiến dành ­độc lập, dĩ nhiên ông ­đã là công dân Ba lan (chẳng lẽ làm công dân Palestinian hoặc Jordanian ? !)



* Ông Menachem Begin, đương kim thủ tướng Do thái, không những đã có quốc tịch Ba lan mà còn là sĩ quan trong quân đội Ba lan nữa. Nay có ai nói ông là kẻ vong bản không, hay ông chỉ nhận quốc tịch Ba lan ­để được huấn luyện quân sự và nhờ những tiện nghi học ­đường của Ba lan ­để trau giồi kiến thức ?



* Bà Golda Meier trước ­đây là công dân Hoa kì, tốt nghiệp đại học Hoa kì, nhưng nghe tiếng gọi của cách mạng Do thái, bà đã qua Trung Đông tham gia hàng ngũ kháng chiến rồi dần dần lên tôi chức thủ tướng. Bà có vong bản không, hay là người thực tế, được cả thế giới tôn sùng là phụ nữ xuất sắc nhất thế kỷ 20.



Tuy chưa là vĩ nhân ­được thừa nhận, nhưng những dấu chấm than, chấm hỏi của Kong Zieleks ­đã là khẩu khí của "vĩ nhân" rồi đấy. Ta có lời biểu dương. Cứ gẫm Kong viết K ­đã thấy ông trí thức Kông Ka (xin đừng bao giờ đọc là Kông ka ka) khác thường. Từ khi chữ quốc ngữ thăng hoa và có Việt Nam tự ­điển, thì sau Hồ Chí Minh lập dị viết D thành Z, dễ chừng chỉ có ông Kông Ka. Mẫu tự của ta không có Z. Thế mà ông Kông Ka chơi bạo, biến ­đổi Diên Hồng lịch sử ra Ziên Hồng lai căng. Ta tra tự điển không thấy Kông, chẳng thấy Ziên. Kông và Ziên ­đã vô nghĩa thì trí thức Kông và văn hóa Ziên , có lẽ, vô nghĩa luôn. Nghĩ cũng buồn thật, buồn cho Kông ka và Ziên dét. Bây giờ luận về tư tưởng nhập tịch mới của "vĩ nhân" Kong Zieleks. Ta hoàn toàn đồng í với người Kong Zieleks về mọi lợi lộc, tiện nghi của ai khước từ quốc tịch Việt Nam, tuyên thệ trung thành với tổ quốc Hoa kì, Gia nã Đại, Pháp ... để mang quốc tịch Mỹ, Gia, Pháp ... Chẳng nên buồn bã vì cái thế "chẳng đặng đừng" vô quốc tịch mới. Cũng chẳng nên ồn ào phô trương sự "­thi đậu" vô quốc tịch mới đến cái độ tổ chức khao vọng lố bịch. "Vĩ" vĩ nhân Kong Zieleks lên giọng kẻ cả :"Nếu chúng ngu si dại dột thì bảo ban chúng ngưng ngay hành động vô í thức". Lời "vĩ" nhân là lời vàng ngọc, là hoa thơm cỏ lạ rất đáng học hỏi, bắt chước. Nên ta "bảo ban" ông Lê Bá Kông có một điều ông sai lầm và ba điều ông chưa đủ tư cách so sánh. Điều sai lầm của ông Kông ca là khẳng ­định "Nếu ghi quốc tịch là "Vietnamese" thì mình chịu nhận là công dân của nước Việt Nam Cộng Sản". Trước hết, không hề có Nước Việt Nam Cộng Sản, chỉ có chế độ cộng sản đang thống trị dân tộc Việt Nam trên đất nước Việt Nam. Chính ông Kông Ka ­đã viết : "Tổ quốc chúng ta vẫn còn mãi mãi. Quê hương của chúng ta hiện nằm dưới ách của chế độ hà khắc và tàn bạo." Vậy thì mãi mãi không có Nước Việt Nam Cộng Sản. Tĩnh từ stateless, vô quốc tịch hay vô tổ quốc dành riêng cho bọn tội đồ của bất cứ một quốc gia nào đó đào tẩu khỏi quốc gia mình tha phưóng cầu thực xứ người. Bọn vô tổ quốc đã bị chính quốc gia, dân tộc chúng khu trừ. Chúng không còn đường về quê cha đất tổ nữa. Chúng đích thị là bọn vô quốc tịch. Thí dụ rõ rệt Cao văn Viên, Đặng văn Quang, Nguyễn văn Thiệu ... Còn chúng ta, chúng ta là người tị nạn. Chúng ta đã chiến đấu bảo vệ tổ quốc chúng ta. Chúng ta bị ­đồng minh phản bội, chúng ta thua trận đầu ­để sẽ tự tạo trận thắng cuối. Chúng ta di tản, vượt biên đi tìm tự do, đi chiến đấu giành tự do, dân chủ và giải thoát quê hương Việt Nam yêu dấu của chúng ta thoát ách thống trị cộng sản. Vì tổ quốc, chúng ta ra đi. Vì tổ quốc chúng ta trở về. Tổ quốc không hề khu trừ chúng ta. Tổ quốc gửi gấm sứ mạng tiêu diệt cộng sản cho chúng ta. Chúng ta còn đường về quê hương vinh quang. Chúng ta còn tổ quốc ­để về. Thế giới đã công nhận chúng ta là dân tị nạn cộng sản. Cao Ủy Tị Nạn Quốc Tế đã lo, đang lo và còn lo cho chúng ta. Chúng ta, người tị nạn được thế giới bảo vệ bằng Convention de Genève 1951. Chỉ những kẻ ngu xuẩn không biết phân biệt giữa những người tị nạn và những người vô quốc tịch mới dám nói người Việt Nam tị nạn là người vô quốc tịch, vô tổ quốc. Những kẻ ngu xuẩn ấy là ngoại nhân, chúng ta có thể tha thứ hoặc, vì cần chỗ dung thân, chúng ta đành nhẫn nhịn. Nhưng là tư tưởng của ông Kong Zieleks thì, làm đúng lời dạy của "vĩ" nhân Kông ka, chúng ta "phải có ngay biện pháp đối phó thích nghi và quyết liệt". Người Việt Nam tị nạn có quyền nhập quốc tịch mới ­để hưởng lợi và đồng thời, có luôn cả quyền khước từ nhập quốc tịch mới để không hưởng lợi, để mãi mãi là người Việt Nam. Anh cứ vô quốc tịch Mỹ song anh bảo tôi không vô quốc tịch Mỹ là vô tổ quốc thì tôi tống giẻ vào miệng anh. Một điều sai lầm của Ziên Hồng hóa kiếp Zieleks là thế. Ông "vĩ" nhân Kông ka miệt thị "những ông văn dốt vũ nát: làm "chủ nhiệm kiêm chủ bút" của "một số báo lá cải", xét ra "vĩ" nhân chẳng hơn gì tiện nhân. Tiện nhân viết dốt, "vĩ" nhân nghĩ ngu !



Sang ba điều ông Kông ka chưa đủ tư cách luận bàn là ông dẫn chứng các đấng lãnh tụ Do thái ra làm nền tảng cho tư tưởng khước từ Việt tịch. Ông viết : "Tổ quốc của chúng ta vẫn còn mãi mãi, may mắn hơn dân tộc Do thái trước đây, vì quốc gia của họ bị ­đế quốc La mã xóa khỏi bản đồ". Xin thưa với ông rằng, người Do thái mất tổ quốc và trở thành vô tổ quốc. Do đó, tá túc ở quốc gia nào, bắt buộc họ phải cam đành nhận quốc gia ấy là tổ quốc của họ. ông Manachem Begin, ông David Ben Gurion sinh tại Ba lan, đương nhiên, hai ông ấy đã là công dân Ba lan từ bụng mẹ, cần chi xin vô quốc tịch Ba lan. Bà Golda Meier sinh tại Hoa kỳ, hiển nhiên hộ tịch Mỹ đã ghi quốc tịch Hoa kỳ vào khai sinh của bà ấy. Họ trở thành vĩ nhân của dân tộc Do thái không phải vì vô hay không vô quốc tịch Ba lan, Hoa kỳ. Điều này sẽ bàn sau. Hỏi ông Kong Zieleks, có mấy ông Menachem Begin, mấy ông David Ben Gurion, mấy bà Golda Meier của dân tộc Do thái ? Và họ có làm nghề in lậu sách không nhỉ ? Họ có chụp truyện Tầu rồi to miệng hô hào "bào tồn văn hóa dân tộc" không nhỉ ? , vĩ nhân Begin, Gurion, Meier không thèm làm công việc đê tiện đó. Thì Mít tờ Kong Zieleks quả là bất xứng khi đem họ ra dọa dẫm kiến thức của mình. Ta vốn ít học nên phán xét theo kiểu học ít : Đứa văn dốt làm chủ nhiệm báo lá cải chỉ đáng thương hại. Đứa thức giả ưa lộng ngôn nghị luận thiên hạ, lại học ­đòi dạy dỗ thế gian bằng cung cách tiêu bạc giả, in lậu sách thì ­đáng khinh bỉ.



*



Trở lại vĩ nhân Do thái "trường hợp ­điển hình" của "vĩ" nhân Kong Zieleks. Tại sao họ trở thành Menachem Begin, David Ben Gurion, Golda Meier ? Người Do thái có lịch sử lưu vong dài gấp hàng chục lần lịch sử lập quốc Hoa kỳ. Tổ tiên của Begin, Gurion, Meier đã đặt những bước chân rướm máu oan khiên trên đất khách. Họ trải dài nỗi thống khổ, nhục nhằn của họ hết kiếp đời này sang kiếp đời khác. Ở bất cứ nơi nào người Do thái tá túc, họ đều bị ngược ­đãi, hất hủi. Bằng nghẹn ngào, cay đắng, người Do thái khôn lớn và thấu hiểu những giọt nước mắt lưu vong. Họ gần gũi nhau, gắn bó nhau, ngậm hoài trái cô đơn ­để còn là Do thái biết ước mơ ngày về ­đất mẹ. Trăm năm rồi nghìn năm, ở Âu châu no lành hay ở Phi châu ­đói rách, mầu da ­đã đen nháy hay mầu da đã trắng bạch, người Do thái vẫn bào tồn ngôn ngữ, văn tự, phong tục, tập quán của họ và luôn luôn tự hào họ là Do thái cả trong nỗi chết hãi hùng. Càng bị xua đuổi, họ càng vững tin niềm tin hồi hương phục quốc. Họ nhẫn nại làm việc, làm giầu. Họ nhìn xa trông rộng. Và rồi họ khuynh loát nhiều chính phủ mạnh trên thế giới bằng tiền bạc, hậu thuẫn mà họ kiến tạo từ thống khổ, ­đọa đầy. Nỗi thống khổ, lò thiêu người, đã đưa dân tộc Do thái về quê hương cũ của họ. Thuở họ rời đất nước họ, chưa có UNHCR, chưa có Convention de Genève, chưa có chế ­độ định cư, chưa có tiền trợ cấp cho người tị nạn ! Họ ­đau đớn khôn cùng. Và họ có kinh nghiệm xa xứ. Chúng ta di tản bằng máy bay Mỹ tối tân. Chúng ta vượt biển, nguy hiểm lắm, nhưng chúng ta có Mã lai, Nam dương, Phi luật tân ghé vào. Chúng ta ­được các nước cho đất định cư, được hưởng nhiều thứ trợ cấp. Nỗi khổ của chúng ta thấm tháp gì so với Do thái. Chúng ta mới có 10 năm lưu vong, chưa mảy may kinh nghiệm xa xứ. Do đó, chúng ta gấu ó nhau, tranh giành nhau, bêu nhục nhau, lừa gạt nhau. Chúng ta được chiêu ­đãi nên chúng ta hư hỏng. Và chúng ta chưa thể nghĩ tới chuyện hồi hương. Nỗi thống khổ dạy ta làm người. Niềm cô ­đơn dạy ta suy tư. Cả hai đều thiếu trong cái ồn ào hưởng thụ của chúng ta hôm nay. Đặt vấn đề vô quốc tịch mới hay không vô quốc tịch mới là thừa, nếu chúng ta chưa thể nghiệm nổi những xót xa đòi đoạn của người có tổ quốc mà phải xa tổ quốc. Hãy cứ vô quốc tịch mới, nếu anh thích. Hãy cứ không vô quốc tịch mới, nếu anh thích. Điều quan trọng chẳng bao giờ là cái quốc tịch Mỹ hay Pháp mà là tâm hồn Việt Nam đích thực trong anh, trong con anh, trong cháu, chắt anh... Anh không vô quốc tịch Mỹ mà anh quên nói tiếng Việt, quên viết chữ Việt, quên lịch sử, quên nòi giống anh thì anh cũng đâu còn là người Việt Nam. Anh vô quốc tịch Mỹ mà anh vẫn nói giỏi tiếng Việt, viết giỏi chữ Việt, thuộc lịch sử, nhớ rõ cội nguồn thì anh rất xứng đáng là người Việ Nam. Và anh đừng quên ­điều này : Khi nào tổ quốc anh kêu gọi anh, anh hãy noi gương ông Begin, ông Gurion, bà Meier về Việt Nam chiến đấu, đừng bắt chước ông Kong Zieleks chỉ tri mà không hành, dẫu ông ấy thích trở thành "vĩ" nhân và dẫu "Mặt trận Quốc gia Thống nhất Giải phóng Việt Nam" của "tướng Hoàng Cơ Minh" hô hào về nước "kháng chiến" mà ông ấy đầy "nhiệt huyết" nhưng ... không chịu về !



*



Cái ngậm ngùi hóa Mỹ của ta hẳn không vừa lòng "vĩ" nhân Kong Zieleks và những kẻ bầy đặt khao vọng linh đình khi "­đậu thi" nhập tịch mới. Xưa có tên cuồng sĩ, trước cảnh đổi đời nhố nhăng, đã vi vút bốn vần thơ nhại Tú Xương :



Sến kia rầy ­đã nên Bà

Đứa là me Mẽo, đứa là me Phi


Đêm nghe nó nói To Be


Giật mình cứ tưởng con ki sủa nhằng



Than ôi, xưa và nay sao vẫn giống nhau ! Mỗi cành đổi đời là một chua xót khôn nguôi. Chán ngán nhân tình, thi sĩ ngâm vang :



Thế nên ­đĩ điếm thầu văn nghệ

Trọc phú đầu tư núp áo dài


Yêu nước ngứa nghề anh bếp Mỹ


Thương nòi đ­ú đ­ởn chú bồi Tây



Rồi lạc đường vào lịch sử. Ta đã đọc pho phóng sự Khao của Đồ Phồn thấy thương anh cu ly đồn điền cao su về Bắc khao vọng ­để được làng xóm thừa nhận là ... phó thường dân. Nay, nghe chuyện mấy anh Mít mở party ­để enjoy cái quốc tịch Mỹ mình vừa ... trúng tuyển, lòng ta tự dưng tê tái. Há những kẻ đó chưa ­đọc thơ Đặng Dung, chưa biết tích Tôn Thất Thuyết ? Người buồn bã thù nước chưa kịp trả, đầu đã bạc phơ. Người lưu vong leo lên ­đỉnh núi, rút gươm chém đá cho nguôi sầu mất nước. Theo "vĩ" nhân Kong Zieleks, vô quốc tịch Mỹ chỉ nhằm mục đích khấm khá quyền lợi, có chi đáng tự hào đến nỗi phải khao vọng rùm beng, chơi kiểu Mỹ, mời khách dự tiệc ghi rõ rượu chè mang đến, kẹo bánh đem theo ! Đã không biết nhục nỗi Mỹ giấy, lại chẳng thẹn khi nghĩ đến bằng hữu, chiến hữu thèm từng cục đường, điếu thuốc thơm trong tù ngục quê nhà và đồng bào ruột thịt quặn đau dưới gót giầy thống trị cộng sản, party khao vọng là khiêu vũ trên bãi tha ma. Phải, làm sao đổi được mầu da ? Và đừng tưởng thành công dân Mỹ là anh đầy đủ quyền lợi như người Mỹ trắng. Anh biết Mỹ đen đã sống bao lâu ở nước Mỹ và vẫn được đối xử ra sao ? Anh còn dưới hạng Mỹ đen về công lao đối với nước Mỹ. Anh tưởng anh sẽ ứng cử và đắc cử à ? Đừng hòng. Chẳng bao giờ anh chui nổi vào cơ cấu lãnh đạo nước Mỹ đâu. Anh sẽ chỉ là công chức trung cấp nếu anh thật xuất sắc. Muốn lobby các thế lực chính trị Mỹ, anh phải có 500 năm kinh nghiệm Do thái. Tiếc thay, anh chưa có mảy may tâm hồn Thân Bao Tư. Hôm nào, anh thử sang Thái lan chơi. Anh sẽ gặp những con mắt soi mói, rè bỉu của viên chức Thái ở phi trường và anh sẽ thấm cái thân phận Mỹ mít của anh. Vậy thì, người anh em thân mến, vô quốc tịch Mỹ để mưu sinh thuận lợi, ta rất hoan nghênh. Đã vì miếng cơm manh áo, xét ra không nên khoe khoang nỗi nhục. Cứ im lặng vô quốc tịch mới. Khao vọng linh đình là cái dấu hiệu của mất gốc, vô liêm sỉ. Anh hãy soi gương nhìn anh thật kỹ, anh Jimmy Mít, anh Tony Ổi, anh sẽ bẽ bàng. Càng bẽ bàng khi anh cần thiết nước mắm chấm chả giò và mắm tôm ăn bún riêu !



Đồng Nai Tư Mã



7-85


Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn