BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73244)
(Xem: 62215)
(Xem: 39401)
(Xem: 31151)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Hôn Em, Kỷ Niệm (5)

25 Tháng Năm 201112:00 SA(Xem: 1552)
Hôn Em, Kỷ Niệm (5)
50Vote
40Vote
31Vote
20Vote
10Vote
31

CHƯƠNG NĂM


Chúng tôi không ở phố huyện Tiền Hải. Mà ở cách xa huyện lỵ chừng hai cây số. Người ta quen gọi nơi này là ngã ba chợ huyện. Thực ra, cách một con sông đào, bên kia đã thuộc về phủ Kiến Xương. Chợ nằm trên đất thôn trung của làng Trình Phố, bên này là xã Thư Điền. Một tháng có sáu phiên chợ nhằm những ngày mùng hai, mùng tám, mười hai, mười tám, hăm hai, hăm tám. Chợ phiên tấp nập với những bè nứa, bè tre bương từ sông lớn thả xuôi giòng qua Cổ Rồng và neo san sát bên bờ sông đào. Lái trâu, lái bò phương xa kéo đến tạo cho ngã ba chợ huyện một sinh hoạt phong phú. Như phù sa sông Trà Lý bồi đắp những cánh đồng hạnh phúc Tiền Hải, những cánh đồng chẳng bao giờ biết lụt lội, mất mùa; những cánh đồng còn bảng lảng linh hồn Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ. Bố tôi thuê hai căn nhà liền nhau. Một căn để ở và một căn để phát động cuộc cách mạng xe đạp. Trước cửa nhà có cây gạo sù sì gai góc thâm niên cốc đế. Không một loài chim hiền lành nào tụ tập trên cây, ngoài lũ quạ khoang bẩn thỉu suốt ngày hoan hỉ cái giọng điệu gớm ghiếc. Xế nhà tôi, một quán cơm trống tung bốn bề, chỉ hoạt động vào những ngày phiên chợ. Ngày thường một bọn trẻ con độ ba bốn đứa, bằng tuổi tôi hoặc lớn hơn, tụ tập hát nhảm và chửi nhau. Đó là những thằng oắt chuyên nghề móc túi ở các chợ quanh vùng. Khi gia đình tôi xuống đây, biển vừa chớm động. Bố tôi bảo nếu tôi là chim, bay một thoáng sẽ gặp bãi biển Đồng Châu, một bãi biển đẹp vô cùng. Tôi chưa hề biết biển và vẻ đẹp của biển. Đêm khuya, chợt trở giấc, nghe nỗi giận hờn ngấm ngầm của biển vọng về tôi bắt sợ hãi. Biển động ầm ì. Cơ hồ tiếng máy bay gầm trên không trung. Biển động toát ra những lớp khói buồn. Và những lớp khói buồn đó phong tỏa ngã ba chợ huyện. Ở đây buồn gấp ngàn lần ở Phụ Dực. Tàn mỗi phiên chợ, cảnh tượng đìu hiu. Như thể lột được từng miếng sầu ngổn ngang đây đó.

Bố tôi lại tiếp tục mở hiệu sửa chữa và cho thuê xe đạp. Có việc làm ngay. Tôi xin vào học lớp nhì trường tiểu học huyện Tiền Hải, mỗi ngày cuốc bộ bốn cây số đi về. Thầy giáo lớp tôi là thầy Cầm, nhà ở trong chợ, sát nhà người giết lợn, thầy cũng cuốc bộ trên con đường lổn nhổn đá củ đậu như tôi. Không hiểu có phải vì thầy nghiện thuốc phiện hay vì thầy bất mãn cách mạng tháng tám mà thầy cho nghỉ học liên miên hoặc giao bài cho anh trưởng lớp đọc và kiểm soát lớp học. Tôi được thầy nhờ mang bài tới trường hay thư báo tin thầy ốm. Do đó, thầy Cầm thương tôi. Bố tôi “muốn con hay chữ” đã chân thành cho thầy mượn chiếc xe đạp để thầy trò chở nhau những ngày mưa nắng. Nhưng thầy Cầm thích nằm nhà hơn. Và suốt năm lớp nhì, tôi đi học ca hát, học thù giặc Pháp và học diễn kịch. Tôi rất khoái học như thế. Cái cực hình lên bảng giải toán đố đã biến mất. Trưởng lớp là thằng Hiển yêu tôi lắm. Nó không sinh ở Tiền Hải. Gốc gác nó ở mãi tận Thái Ninh. Gia đình nó lập nghiệp tại phố huyện ba năm nay. Mẹ nó chết hồi nó còn nhỏ. Bố nó làm nghề lái thuốc Bắc. Lại thuốc Bắc. Hiển có một người chị. Chị nó săn sóc nó thay mẹ nó. Bố Hiển thường lên tỉnh cân thuốc. Những ngày ấy, nhà nó chỉ có hai chị em. Dạo đó, chúng tôi học hai buổi, sáng và chiều. Học trò xa trường phải nắm cơm, ép giữa miếng mo cau khô cùng dúm muối vừng hay vài con tôm kho mặn mang theo ăn trưa. Tôi cũng mang cơm nắm. Buổi trưa, chúng tôi ăn cơm ở lớp, ngủ trên bàn ghế rồi thức dậy học tiếp. Hiển, khi đã thân tôi, rủ tôi vào nhà nó ăn cơm nghỉ ngơi. Rồi nó gạ tôi ở luôn nhà nó trọ học, cuối tuần hãy về ngã ba chợ huyện. Bố tôi vào phố huyện thăm thú “nhà trọ”. Bố tôi bằng lòng ngay vì bố tôi quen sơ bố nó. Tôi bắt đầu biết xa cách gia đình.

Một ngày Chủ nhật tôi về thăm nhà. Hôm đó, nhằm buổi nhi đồng làng Thư Điển ồn ào diễn hành cổ động tuyển cử. Tôi thấy những thằng nhãi nhà quê mặc quần đùi, đội mũ “ca lô” giấy, vác súng gỗ và cả rễ tre gộc giống hình khẩu súng. Có đứa mũi chảy thò lò, có đứa mắt đầy dỉ, có đứa đang diễn hành thì bị đứt giây rút phải dừng bước kéo quần, bèn phá ra cười. Thằng chỉ huy tiến lại chỗ tôi đứng, thộp cổ áo tôi:

- Mày chế nhạo nhi đồng cứu quốc hở?

Tôi “phanh” nụ cười như “phanh” xe đạp vội vã trước miệng hố. Và lắc đầu sợ hãi:

- Không.

Thằng chỉ huy xoắn áo tôi kỹ hơn:

- Đi bầu là yêu nước. Mày chế nhạo tổng tuyển cử thì mày là Việt gian bán nước!

Việt gian, eo ôi, tôi sợ tái xanh mặt. Việt gian Tư Mi, Việt gian Ban đều đã bị bắn chết. Tôi năn nỉ thằng chỉ huy:

- Tôi không dám cười các anh đâu. Tự nhiên tôi buồn cười, anh ạ!

Nó hỏi:

- Nhà mày ở đâu? Tên mày là gì?

Tôi đáp:

- Tôi ở ngã ba, chỗ sửa xe đạp. Tên tôi là Long.

Nó buông tôi sau khi đẩy tôi ngã ngửa. Tôi lồm cồm ngồi dậy và chạy biến. Buổi chiều, đang ngồi chơi với thằng em, tôi thoáng nghe khẩu hiệu “Đả đảo thằng Long” . Tôi hơi chột dạ. Một lát, bọn nhi đồng cứu quốc Thư Điền đã kéo tới, tập hợp trước cửa nhà tôi. Chúng nó hát:

- … Ai là dân nước Việt Nam

Lòng hy sinh đương cơn nung nấu.

Mau tiến tới phá hết xích xiềng…

Bài hát vừa dứt, một khẩu hiệu anh dũng:

- Đả đảo thằng Long!

Hẳn là những cánh tay đưa cao, hô lớn:

- Đả đảo…

Lũ quạ khoang trên ngọn cây gạo sù sì hoảng khiếp, vỗ cánh bay đi. Ý chừng chúng bay tị nạn. Chúng sợ khẩu hiệu. Tôi run rẩy. Khoảnh khắc suy nghĩ vụng dại, tôi tưởng tôi đã là Việt gian. Một nụ cười hồn nhiên biến thành một tội nặng nề.

- Đả đảo thằng Long!

- Đả đảo…

- Đả đảo thằng Long!

- Đả đảo…

Bố tôi phải xuất hiện giữa làn sóng cách mạng và đương đầu với các nhà ái quốc chí tình này. Ông hỏi nguyên do và xin lỗi nhi đồng Thư Điền. Bố tôi chịu đựng thật giỏi. Nhi đồng bắt bố tôi dẫn tôi ra. Bố tôi “vâng lời”. Tôi bị điệu ra, bị nghe đả đảo mười lần nữa, bị cảnh cáo và bị dọa nạt. Tại sao hôm đó tôi đã không khóc. Tôi cố nhớ và tôi tin rằng trí nhớ của tôi không phản phúc, riêng chuyện này. Lúc bố tôi cầm tay tôi, nhẹ nhàng nâng tôi đứng dậy, ông mĩm cười độ lượng: “Nào ra đi chú nhỏ. Hãy can đảm con ạ. Đây là bí mật quý nhất của đời con. Nó dạy con hiểu thế nào là bị oan uổng và biết hối hận khi kết tội ai oan uổng. Và còn nữa, biết coi thường nếu con bị hiểu lầm”... Tôi hết sợ hãi, theo bố tôi bước ra cửa. Nhờ bố tôi, tôi đã không khóc hôm đó, không khóc nhiều lần sau đó, khi gặp nghịch cảnh. Và những giọt nước mắt của tôi dành cho những lần tầm thường, đối với tất cả, nhưng thật ý nghĩa, đối với riêng tôi. Tôi không thể quên khuôn mặt thằng chỉ huy nhi đồng Thư Điền. Tôi gặp lại nó, tám năm sau, ở khuôn mặt thằng nhi đồng khác tại quê tôi. Bấy giờ Pháp thua trận Điện Biên Phủ và rút khỏi Thái Bình. Tôi về thăm làng cũ xem những ngày mình ở vùng tề, quê mình đã bao nhiêu thay đổi. Vài tên nhi đồng xét giấy vào làng. Mẹ con tôi đưa thẻ căn cước quốc gia. Một thằng xé nát. Tôi nóng nảy gây sự với nó. Nó đổ riệt cái tội chửi chính phủ lên đầu tôi. Mẹ tôi năn nỉ nó, quả quyết tôi chửi mẹ tôi chớ không dám chửi ai. Thằng nhãi cười: “Ừ nó chửi bà thì được. Nó không lạc hậu”! Tôi quay trở lại thị xã, chẳng một chút luyến lưu làng xưa. Thay đổi quá nhiều rồi. Bây giờ, có dịp hồi tưởng, tôi cố lái đôi chân ký ức để nó đừng đậu trên hai khuôn mặt rách nát của một thời đại.

Sau hôm bị đả đảo, tôi nhớ thằng Hải và tôi trách tôi đã quên người bạn tốt những đêm “làm cách mạng” dưới chân những cột đèn, góc phố. Bạn tôi đã là nạn nhân của cách mạng. Mỗi cách mạng có bao nhiêu nạn nhân oan uổng. Có bao nhiêu kẻ chết vì nụ cười. Có bao nhiều người bị kết tội bỡi một lũ cuồng tín, ngu xuẩn. Tôi tự hỏi khi trưởng thành. Bố tôi muốn cuối tháng tôi thăm nhà một lần. Tôi đang mong thế. Và tôi ở lì phố huyện với chị em Hiển. Phố huyện Tiền Hải vui hơn phố huyện Phụ Dực. Cách mạng đã gỡ cái trống trên chòi canh nên đêm đêm tôi không được nghe tiếng trống cầm canh, sang canh và, chiều chiều, hồi trống thu không đã biệt âm. Ôi, hồi trống gợi cảm, linh hồn của huyện lỵ cũng là nạn nhân khốn khổ của một thứ cách mạng! Thiếu những tiếng trống trên chòi canh, huyện lỵ chẳng có chút gì để nhớ nhung. Tôi bỗng tương tư tiếng trống và tưởng tiếng buồn ấy nhập vào hồn tôi tự thuở nào. Rất xa. Nó đã cùng tiếng nhạc ngựa và mầu sắc của những chiếc thắt lưng chìm khuất trong lớp sương mù của cách mạng dầy đặc.

Chị em Hiển không giống chị em Hải. Họ săn sóc tôi chu đáo nhưng ít hỏi han việc học hành của tôi. Có lẽ, Hiển đã hiểu rõ việc học hành. Nó thay thầy Cầm. Nó chấm điểm luôn cả bài thi! Chị Hạnh nhỏ nhắn, đôi mắt to tròn, nụ cười thật xinh, song giọng nói của chị, với tôi, không dịu dàng tha thiết bằng chị Hiền. Chị giặt cả quần áo giúp tôi và thích chải tóc tôi bắt chấy. Vào thời kỳ này, xà phòng là hàng xa xỉ, kể chi thuốc đánh răng, nước hoa, son phấn. Bọn học trò nhà quê không biết chú ý tới đầu tóc. Chúng tôi tắm ao, tắm sông, ngụp lặn, dùng mười đầu ngón tay gãi đầu cốt sạch đất cát. Mấy tháng mới một bận gội đầu bằng nước bồ kết. Bởi vậy: Đầu tóc sinh chấy. Chấy tung hoành để tôi được gãi sung sướng. Chị Hạnh lấy lược dầy, bắt tôi cúi đầu trên miếng kính rồi chải. Chấy mẹ, chấy con, chấy trứng và gầu rơi lả tả. Chị giết chấy lách tách. Móng tay cái của chị đầy máu chấy. Chị “khiếp quá” luôn miệng. Hạnh phúc cho thằng Hiển đã có người chị tốt. Nhưng thằng Hiển không hiểu cái hạnh phúc đó. Nó nhường tôi. Hiển hay cãi lại chị Hạnh. Thường thì chị Hạnh khóc và trách Hiển không ngoan ngoãn như tôi. Chị đã đưa tôi ra bãi biển Đồng Châu, dẫn tôi vào ngôi nhà nghỉ mát của viên công sứ Pháp.

Năm ấy, chị Hạnh mười tám tuổi. Tôi nhớ mãi chuyến đi Đồng Châu với chị. Có vài anh phố huyện đi theo. Một anh hát rất hay, đêm nào cũng lên sân khấu hát, và được vỗ tay tán thưởng, tên là Dần, hỏi han chị Hạnh làm quen. Chị nín thinh. Chị nắm chặt tay tôi ý chừng che giấu sự thẹn thùng. Anh Dần khen chị đủ điều. rồi anh trổ tài, hát điệu … Tô Vũ mục dương.

Qua bến đò ngày năm xưa.

Anh với em chung một chuyến đò.

Đôi môi thắm tươi như một bông hồng.

Đôi mắt mơ màng như ngất núi sông.

Quá yêu em …

Bạn anh cổ võ nhiệt liệt. Tới bãi biển, anh bám sát chị Hạnh, hát thêm hàng chục bài vừa yêu nước vừa yêu gái. Anh gãy đàn lục huyền cầm Hạ uy di …miệng bản Đôi mắt huyền và ca:

Nhớ đôi mắt dịu huyền.

Đôi mắt thầm kín như nước hồ thu.

Nhìn ai như muốn thu lấy linh hồn.

Đôi mắt nàng đó, anh đã thầm mơ.

Càng nhìn càng say, càng nhìn càng đắm.

Càng nhìn càng mê, càng nhìn càng yêu…

Nhưng anh Dần thất vọng. Chị Hạnh lơ là những lời tỏ tình của anh. Anh bỏ về trước. Người ca sĩ huyện lỵ đã thiếu may mắn. Tiếng tơ lòng của anh không làm rung động hồn chị Hạnh. Ngay tối hôm đó, đi xem kịch, tôi không thấy anh Dần lên sân khấu hát bài Hồn Việt Nam quen thuộc. Không bao giờ anh lên sân khấu nữa. Anh đã tình nguyện vào bộ đội đi diệt giặc Pháp giành độc lập để quên đôi mắt huyền. Tôi khoái anh Dần vì anh đã dạy tôi một bài tán gái nhập môn rất văn nghệ! Tôi thuộc lòng mấy câu hát lãng mạn của anh. Một tối sáng trăng, Hiển rủ tôi ra chợ rong chơi. Chúng tôi đã chán kịch. Tái diễn mãi những vở Bán nước cầu vinh với  Vô lý không có nhẽ . Gặp bọn con gái tụ tập đàn đúm, chúng tôi sà tới. Tôi vốn nhút nhát. Nhờ thằng Hiển, tôi mạnh dạn. Và mạnh dạn quá, tôi biến thành anh hùng rơm. Bọn con gái khích chúng tôi hát giúp vui. Hiển biểu diễn bài Thề một lòng . Tôi cảm khái hát điệu Tô Vũ mục dương của anh Dần. Thay vì được vỗ tay, tôi bị một nhi đồng con gái đạp một cái ngã chúi. Con nhãi xa xả nói:

- Mày chế mắt tao chột là mắt mơ màng, hả?

Nó chồm lại đè tôi như đô vật. Bọn con gái hò hét, khuyến khích nó chơi một trò chơi quái đản. Con nhãi hăng máu đánh tôi thùm thụp. Tôi không trả đũa nỗi trái nào. Nó nhè mặt tôi mà cào cấu. Hiệp sĩ Hiển nhào vô cứu bạn. Bị bọn con gái đánh dạt. Một đứa hét:

- Giặc đến nhà đàn bà phải đánh!

Một đứa reo:

- Ha ha, tập trận giả! Tiêu diệt hai tên thực dân Pháp!

Chúng tôi ăn đòn no nê, cố vùng dậy chạy thoát thân. Bài học nhập môn tán gái của anh Dần đã hỏng. Chắc tại con bé mắt chột. Cũng còn, chắc nữa, tại con gái ở quê hương nhà cách mạng gộc Ngô Duy Phớn thích giết giặc hơn là thích yêu. Chị Hạnh lại mất công bôi thuốc lên những vết cào cấu trên mặt tôi. Chị khuyên tôi nên xa lánh lũ con gái kẻ chợ. Tôi hết ham ở phố huyện, đòi về sống với gia đình. Chị Hạnh an ủi và cố giữ. Tính ra, tôi đã “trọ học” được ba tháng, chả học thêm chữ nào với thầy giáo Cầm mà cuối tháng vẫn đứng thứ nhì sau thằng Hiển. Bố tôi xem học bạ lấy làm sung sướng. Tội nghiệp bố tôi! Chuyện bị con gái bắt nạt, ít hôm sau tôi quên ngay. Nhưng chuyện kế tiếp xảy ra đã khiến tôi nhớ suốt đời. Vào một buổi tối, hôm đó bố chị Hạnh vắng nhà, có tiếng gõ cửa. Chị Hạnh hỏi:

- Ai đó?

Người bên ngoài đáp:

- Tôi.

- Có việc gì?

- Tôi muốn nói chuyện với cô Hạnh.

- Tôi không có gì để nói.

Tiếng bàn tán. Hắn với vài người trai phố huyện.

- Tôi mua ít ô mai.

- Hết rồi.

- Táo tầu.

- Hết rồi.

- Mua em vậy, em Hạnh của anh!

- Đồ mất dạy.

Giọng người khác tàn nhẫn:

- Nó nuôi giai trong nhà. Nó đã lấy thằng oắt con làm chồng rồi. Nó yêu thằng oắt. Để mai hỏi tội thằng oắt.

Chị Hạnh nhổ nước bọt qua kẽ hở của cánh cửa gỗ:

- Bọn khốn nạn!

Khi đám trai huyện bỏ đi, chị Hạnh cầm tay tôi:

- Em có sợ không?

Tôi khóc. Chị vuốt tóc tôi. Thằng Hiển xiết chặt hai trái đấm nghiến răng ken két. Chị Hạnh tắt đèn dìu tôi vào nhà trong. Và, dưới ngọn đèn nhỏ, tôi thấy mắt chị long lanh như muốn khóc. Chị thở dài:

- Con trai ở đây thô lỗ và mất dạy.

Bấy giờ, tôi không hiểu tâm sự của một cô con gái đẹp, có chút chữ nghĩa, đã sống một khoảng thời gian ở thành thị, phải trải chuỗi ngày hoa mộng trên vùng đất buồn tẻ và mặn nồng chất muối. Mà chỉ hiểu rằng chúng tôi bị bắt nạt. Tôi thương chị Hạnh vô vàn. Chị nhìn tôi, giọng chị dịu dàng và thiết tha – hơn chị Hiền, bây giờ tôi mới biết - :

- Nó bảo chị yêu em.

- Em yêu chị…

Chị cười và chớp mắt:

- Em yêu chị?

Tôi gật đầu:

- Vâng, em yêu chị như em yêu mẹ em.

Có gì xót xa trong câu trả lời của tôi? Chị Hạnh đưa cánh tay quệt ngang mắt:

- Nó bảo chị lấy em làm chồng.

- Nó nói láo, chị ạ! Em chỉ đáng làm em chị.

- Nếu em lớn em có lấy chị không?

- Em oắt con mà.

- Nhưng nếu em lớn. Lớn thì không còn là oắt con nữa.

- Không chị ạ. Em lớn thì chị sẽ lớn hơn em và lúc nào chị cũng là chị của em.

Chị Hạnh khóc. Chị khóc thành tiếng. Chị bảo tôi đi ngủ kẻo mai dậy muộn đến trường trễ giờ. Tôi cứ ngỡ chị khóc vì bố chị không có nhà tối nay để chị bị bọn trai phố huyện tới chọc ghẹo. Và tôi tiếc đã chẳng lén lút học võ chú Phương nhớn. Giá tôi giỏi võ, giá tôi là thằng Còm của ông Lê Văn Trương, chị Hạnh sẽ không khóc. Tiếng khóc của chị Hạnh, hai mươi năm sau tôi mới hiểu, khi một người con gái quen tôi, đưa cho tôi những chiếc vòng “xơ men” của nàng, bảo rằng nếu tôi đeo vừa thì nàng yêu tôi, lấy tôi. Tôi đã thử. Những chiếc vòng quá nhỏ. Người con gái khóc. Tiếng khóc của nàng đánh thức dĩ vãng của tôi. Và tôi oán trách tôi ngu đần. Phải chi tôi khôn ngoan một chút, tôi sẽ nói với chị Hạnh:

- Vâng , lớn lên, em sẽ lấy chị…

Thì chị Hạnh đã không khóc. Nhưng chị không khóc tôi đã không nhớ chị suốt đời. Chiều hôm sau, tan học, tôi về luôn ngã ba chợ huyện. Chị Hạnh có vẻ buồn. Chị nhìn tôi, không nói năng. Cơ hồ đôi mắt chị vướng hạt bụi nhỏ.

 Còn Tiếp
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn