BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73245)
(Xem: 62216)
(Xem: 39402)
(Xem: 31152)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Hôn Em, Kỷ Niệm (3)

19 Tháng Năm 201112:00 SA(Xem: 1737)
Hôn Em, Kỷ Niệm (3)
51Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
51

CHƯƠNG BA


 Quan huyện Phạm Gia Đĩnh cho đòi tất cả những người buôn bán ở phố huyện vào hầu quan. Quan hỏi thăm sự buôn bán và truyền mỗi người đóng một khoản tiền để quan xây tường huyện. Bố tôi về, than thở:

- Làm ăn khó rồi.

Ông nói nhỏ:

- Thằng này ăn tiền.

Tôi hỏi:

- Quan huyện ăn được tiền hở bố.

Bố tôi đưa tay bịt miệng tôi:

- Con quên câu vừa hỏi đi. “Thằng này” là thằng bố mày đây này! Quan huyện mới phúc hậu lắm. Quan cho mọi người uống trà Tàu.

Quan huyện mới có chiếc ô tô đít vịt, sơn đen bóng loáng. Tiếng còi xe của quan huyện làm nhiều người sợ hãi. Chính quan huyện đã hò hét lính lệ đốc thúc tội nhân và phu phen ở các làng gửi lên phá bỏ hàng giậu bìm. Không đầy một tháng, dinh quan huyện được vây quanh bởi bốn bức tường gạch cao. Một trong bốn bức tường án ngữ tầm nhìn của tôi. Những con cuốc biến mất, những con bìm bịp biến luôn. Biến luôn những con ong đen cả ngày lởn vởn trên những chùm hoa mò hèn mọn. Tôi chẳng còn thấy những vạt nắng thả hoàng hôn tím xuống giậu bìm. Và tôi chạnh nhớ bờ giậu bìm hôm nào, tiếng cuốc kêu hôm nào. Tôi ghét tường gạch cao. Tôi ghét đổi mới, ghét quan huyện mới. Nhưng một thằng bé con mà nói với người lớn về nỗi buồn thì người lớn cười rộ và thường cho nó chiếc kẹo hay đồng bạc. Thế là nó hết buồn. Tôi chẳng biết nói với ai rằng tôi nhớ giậu bìm, nhớ tiếng chim cuốc, nhớ vạt nắng chiều, nhớ chiếc xe song mã của quan huyện cũ. Hình tưởng một ông nhãi ranh cố vươn dài đôi tay mà chẳng ôm gọn một nỗi tương tư, tôi thấy yêu ông nhãi quá. Cuộc đời huyện lỵ mới chỉ nghe một gợn sóng chứ thực ra quan huyện Đĩnh chưa ném viên đá xuống ao tù.

Tôi vẫn học trường huyện, đã leo lên lớp ba. Trường lớp, đối với tôi không có gì quyến luyến cả. Nó đã trở thành bãi tha ma từ hôm tôi đau bụng “vãi” ra quần. Cả trường chế giễu tôi là “thằng đủn ìa” . Mẹ tôi đến quét rửa lớp học, rồi mang kẹo bánh “biếu” từng đứa học lớp tôi, van xin chúng tha tôi, đừng chế giễu tôi. Chúng đã không tha. Đã chẳng có đứa nào giống thằng bé đại lượng trong bài tập đọc tiếng Pháp “L’ enfant généreux.”  Và tôi, tôi cứ phải tới trường làm tấm bia chịu muôn vàn mũi tên nhọn hoắc. Vào dịp này, bố tôi đã chọn được nghề mới: Nghề buôn bông. Ông mua ba chục chiếc cán bông, thuê người cán loại bỏ hạt ra. Mỗi sáng ông ngồi trên xe bò đi cân bông ở các chợ. Người chú họ của tôi giúp bố tôi công tác kéo xe bò. Chú làm bò. Người quê nội tôi làm bò! Ông Năm chân đơn là em ruột ông nội tôi. Ông có hai con trai: Chú Phương nhớn và chú Phương hen (Cũng hen như bác Khoát bên ngoại)! Chú Phương nhớn học võ với ông Tôi Đại Hồng ở Ô Mễ. Chú cao lớn, khỏe mạnh, các bắp thịt no tròn. Chú là con rể ông đồ Bảng. Chú Phương nhớn thường cõng tôi đi tắm. Có chú, tôi không bị bọn nhãi lấy quần áo dấu trên ngọn cây phải cởi truồng khóc sướt mướt chạy về nhà. Chú Phương dậy thực sớm luyện võ ở sân. Một hôm, tôi gặp chú luyện võ, tỉnh ngủ ngay. Tôi hỏi:

- Này chú, chú tập võ để làm gì?

- Để khỏi bị bắt nạt và có sức khỏe bênh vực những người yếu đuối bị bắt nạt. Võ giỏi mới thành hiệp sĩ.

Hiệp sĩ. Hai tiếng mới mẻ và quyến rũ tôi một cách lạ lùng. Tôi lại hỏi:

- Hiệp sĩ là gì hở chú?

Chú xoa đầu tôi:

- Là kẻ trừ gian, diệt bạo.

Chú Phương nhớn kém bố tôi năm, sáu tuổi. Chú học hết lớp ba trường làng, không có tiền lên tỉnh học tiếp, chú xoay sang học võ và cắt tóc. Chú định mở hiệu cắt tóc trước cửa nhà tôi nhưng bố tôi nhờ chú kéo xe bò.

- Tại sao chú không đi trừ gian diệt bạo?

Chú cười:

- Cháu hiểu gian là gì bạo là gì không đã nào?

Tôi lắc đầu

- Cháu không hiểu.

Chú thở dài:

- Vì chưa giỏi lắm chú đang tập luyện thêm.

- Rồi chú sẽ giỏi chứ?

- Khi nào chú hết phải … kéo xe bò! Nhưng cần gì, cứ biết võ như chú cũng chẳng ai dám bắt nạt. Cháu có bị ai bắt nạt không?

- Có.

- Nào, kể chú nghe họ đã bắt nạt cháu của chú ra sao?

Tôi kể cho chú Phương nhớn nghe những nỗi khổ cực mà một đứa bé yếu đuối như tôi cam chịu. Chú tôi cười ròn rã:

- Cháu phải học võ.

Ngay buổi tối, chú Phương nhớn dạy tôi đánh côn. Chú nhặt một khúc tre đực vừa tầm tay tôi, chỉ dẫn tôi múa khúc tre. Múa mỏi tay. Múa toát mồ hôi. Hôm sau tôi cầm đũa ăn cơm, tay rời rã. Chú Phương nhớn lấy rượu thuốc bóp. Chú khích lệ:

- Tay cháu sẽ chai đá. Đứa nào đấm cháu, đứa ấy … gẫy tay.

Tôi thích lắm. Khi tay tôi bớt ê ẩm, chú dạy tôi đỡ đòn. Chú dùng một khúc tre, đánh cho tôi đỡ. Tôi sốt ruột “báo thù” thường hỏi chú:

- Tập bao lâu sẽ làm chúng nó gẫy tay?

- Chóng mà.

- Chóng là mấy tháng?

- Tập đi, cháu. Đừng hỏi. Cháu sẽ không làm chúng nó gãy tay đâu.

- Sao thế chú?

- Vì trông thấy cháu, chúng nó đã sợ hãi.

Tôi tập côn được hơn một tháng mới chợt nhớ không đứa nào đánh đập tôi bằng gậy. Chả lẽ, lúc nào mình cũng mang theo cây côn? Tôi bảo chú tôi:

- Chú dạy cháu võ tay chân đi.

- Cháu muốn học quyền cước à.

- Quyền cước là gì?

- Là đấm đá.

- Dạ cháu muốn học đấm đá.

Chú Phương lớn chiều tôi, dạy tôi cách gồng mình, xuống tấn. Rồi chú dạy bài Mai hoa quyền. Tôi vừa thuộc bài Mai hoa quyền thì bố tôi biết tôi học võ. Ông cấm chỉ. Chú Phương nhớn chối quanh: “Em dạy cháu tập thể dục”  Bố tôi nói riêng với tôi:

- Con nên học chữ. Chữ giỏi sẽ làm quan và sẽ bắt nhốt hằng trăm tên cướp giỏi võ bằng một lời nói. Học võ ăn thua gì. Giỏi như chú Phương mày thì cũng chỉ đi đến nước … đi hớt tóc rong.

Chú Phương không dám dạy võ tôi nữa. Nhưng chú dạy tôi đọc truyện kiếm hiệp. Chú dấu giếm đưa tôi cuốn Quỳnh Giao nữ hiệp  của tác giả Thanh Đình. Tôi đọc tới đâu mê tới đó. Và thương hại chú Phương nhớn. Chú là một hiệp sĩ. Bây giờ nhớ tới người chú họ. Tôi mường tượng một hiệp sĩ cô đơn. Trời đất thừa chỗ. Chỉ thiếu một chỗ dung thân cho kẻ trừ gian diệt bạo. Đên nỗi chú tôi phải kéo xe bò, phải làm anh thợ hớt tóc rong qua ngày đoạn tháng. Tôi đọc Quỳnh Giao nữ hiệp, mê nhất những đoạn người hiệp sĩ nửa đêm phi thân qua cổng thành vào dinh tên quan huyện gian ác, nhảy lên mái nhà, rở một viên ngói nhìn xuống thấy tên quan huyện gian ác đang đếm tiền vàng. Người hiệp sĩ phóng một mũi dao nhọn từ trên cao cắm phập xuống mặt bàn với một tấm giấy. Tên quan huyện tay chân rụng rờI, mãi mới rút mũi dao, gỡ tấm giấy ra coi “Súc sinh, hôm nay ta tha chết cho mi, khi khác sẽ trở lại lấy đầu mi” ! Tên quan huyện chưa kịp nhìn lên, hiệp sĩ đã buông một chuỗi cười ngạo mạn, tung mình biến mất trong đêm tối. Những đoạn này thật sảng khoái. Nó làm tôi nghĩ lại giấc mơ đào một đường hầm. Nó ảnh hưởng ghê gớm đến đoạn đời viết báo của tôi sau này. Đọc xong Quỳnh Giao nữ hiệp, chú Phương nhớn dúi vào tay tôi cuốn Không không nhi , tiếp theo Quỳnh Giao nữ hiệp. Rất tiếc chú đã không sống với chúng tôi lâu hơn để tôi được đọc nhiều tiểu thuyết kiếm hiệp.

Nghề buôn bông của bố tôi thất bại. Nghề bật bông se cúi cũng thất bại. Thất bại luôn nghề kéo sợi. Cái “cơ sở” tiểu công nghệ của bố tôi giải tán. Nhân công gồm toàn đàn bà, con gái người làng Tường An, quê nội nhà tôi, lần lượt vác cán bông, guồng sợi, xa chỉ về làng. Chú Phương nhớn vác hòm hớt tóc đi mưu sinh. Và bố tôi buồn rầu ngồi ôm cây lục huyền cầm, dài cổ ngâm nga những câu vọng cổ trác tuyệt mà tưởng tiếc miền có sầu riêng, măng cụt. Hôm chú Phương nhớn ra đi, chú đòi lại hai cuốn truyện kiếm hiệp rồi cho tôi cuốn sách mỏng. Chú dặn dò:

- Cháu đọc kỹ, bắt chước thằng Còm mà chịu đòn sẽ hết bị bắt nạt.

Tôi nhớ lời chú dặn, gối đầu giường cuốn Thằng Còm phục thù  của Lê Văn Trương. Thằng này giống tôi in hệt. Nó còm nhom và bị bắt nạt khổ sở. Ông bõ già dạy nó cách chiến thắng. Nó hết hèn nhát. Đánh lại bất cứ đứa nào bắt nạt nó. Thua cũng đánh. Hôm nay thua mai hẹn đánh nữa, đánh sưng vù mặt mày vẫn đánh tiếp. Đánh đến khi địch thủ sợ hãi sự gan lì, can đảm của Thằng Còm , dơ tay hàng và không dám bắt nạt nó. Thằng Còm chiến thắng bạn bè. Thằng Còm, sau này phục thù cho bố nó. Tôi phục chú Phương nhớn. Tôi tin chú tôi muốn giúp tôi hết bị đứa nào bắt nạt hôm nay và mai sau. Tôi đã bắt chước Thằng Còm. Và tôi bị đánh thâm tím mắt. Bố tôi không phải là ông bõ già trong truyện. Ông hỏi tôi tại sao đi đánh nhau. Tôi thưa chú Phương nhớn dạy tôi cách chiến thắng. Bố tôi dậm chân, rít qua kẽ răng:

- Phương nhớn, cái thằng chó chết!

Bố tôi không hỏi tôi những đứa nào đã đánh tôi. Ông đích thân lấy muối đắp vào miếng bông thấm nước nóng, ấp vô mắt tôi. Ông nhẹ nhàng nói:

- Con phải chăm học. Giỏi chữ, nhớ chưa? Chữ giỏi sẽ chiến thắng tất cả.

Chăm học, tôi rất muốn. Nhưng bố tôi nào hiểu muốn được chăm học, muốn được giỏi chữ, tôi phải bắt được những đứa chuyên bắt nạt tôi giơ tay hàng; phải được chơi ngang nhau với trẻ con phố huyện, đứa nào đấm tôi đau, tôi đấm lại nó đau, đứa nào vồ tiền của tôi, tôi đè nó ra, lấy lại đủ. Bố tôi nào hiểu tôi học dốt chỉ vì tôi sợ trường lớp, bạn bè.

- Chúng đánh con trước.

- Thì con chạy.

- Chúng nó chế giễu con.

- Thì con nhịn.

- Con chạy, con nhịn chúng nó không tha.

- Chạy mãi, nhịn mãi chúng nó phải tha.

- Thế hèn nhát, thế không can đảm.

- Con ạ, nhịn nhục được, kiên nhẫn được mới là người can đảm.

Bố tôi hỏi tiếp:

- Hằng ngày con đều thấy những tên cướp giỏi võ bị trói giật cánh khỉ bị dẫn vào nhà lao huyện chứ?

Tôi trả lời:

- Vâng.

- Tại sao con biết không?

- Tại họ ăn cướp.

- Con sai rồi. Tại họ không có chữ mà chỉ có võ.

Tôi nhớ chú Phương nhớn đã nói về người hiệp sĩ trừ gian diệt bao, bèn thưa:

- Tại họ chưa giỏi võ lắm.

Bố tôi quát:

- Tại chúng nó ít học, cậy sức khỏe vũ phu nẩy ý đầu trộm đuôi cướp bắt nạt người yếu. Không một tên tướng cướp nào có học cả. Có học đã không làm tướng cướp.

Tôi không dám làm theo lời chú Phương dặn nữa. Và tôi lại đi học, lại tiếp tục khúm núm sợ hãi. Như vậy, sự học của tôi chả đi tới đâu. Tôi đội sổ đều đều. Tôi lủi thủi một mình với cái súng cao su gạc ổi, săn đuổi những con chim sẻ hèn mọn. Đó là niềm vui duy nhứt của thời thơ ấu của tôi. Ít ra, tôi cũng bắt nạt được lũ chim. Niềm vui ấy đã phải trả một giá quá đắt. Một hôm, viên đạn đất sét “suýt chết chú chim sẻ” – luôn luôn suýt chết và suýt được – của tôi lạc vào trán thằng nhóc chăn bò sữa cho quan huyện. Nó là con lão bếp. Thằng nhóc lăn ra ăn vạ. Tôi chạy về mặt tái mét, lên giường đắp chăn trốn nấp. Bố nó bắt đền bố tôi năm chục đồng. “Nếu không, sẽ trình quan”. Lão bếp dọa bố tôi. Bố tôi muốn yên thân, phải đền. Cái súng cao su của tôi bị chặt nát. Bố tôi không đánh mắng tôi. Ông lại bình thản ngồi đánh đàn, hát vọng cổ, mường tượng sân khấu Nam kỳ, nơi ông đã ước mơ đóng vai thiên tử và ban lệnh chặt đầu phường giá áo túi cơm, chặt đầu quân gian ác.

Người lãng tử mơ làm thiên tử, bây giờ, mở hiệu bán bánh kẹo. Bán buôn, bán lẻ. Ông chú Phương hen của tôi được gọi từ quê tới. Mỗi sáng sớm mang cái ngăn kẹo bánh đầy đem bán ở ngôi chợ bên kia đường số 10. Ông này hay ăn gian, ăn bớt nên tối nào cũng xảy ra cuộc tính tiền và cãi mắng. Chú Phương hen cả đời mong mỏi một điều. Được diện chiếc áo the thâm, chiếc quần chúc bâu và ăn vã một cân giò lụa. Chắc chú tôi ăn bớt tiền của bố tôi cho sự mong mỏi đó. Chưa bao giờ tôi thấy chú tôi mặc quần dài trắng. Ngày tôi bỏ nhà vào Sài Gòn, tôi còn nhìn rõ chú tôi kéo xe bò dưới nắng hạ. Hai người vợ của chú (chú hen mà lấy những hai vợ) đẩy xe, mồ hôi tầm tã. Chú là một người vô sản chính tông, một bần cố nông cùng mạt. Xã hội chủ nghĩa hẳn đã không đáp ứng sự mong mỏi của chú tôi. Chẳng biết, ở miền Bắc, chú tôi còn sống để tiếp tục thay bò kéo xe? Tháng Ba năm Ất Dậu, chú thoát chết đói nhờ sống với gia đình tôi. Mẹ chú thì chết đói. Bà nội tôi chôn giùm mẹ chú bằng manh chiếu. Ba năm, sau “cách mạng tháng tám thành công”, hai người con trai về làng cải táng mẹ, vẫn không đủ tiền mua cái tiểu sành, phải bỏ xương mẹ vào cái cong đựng nước. Có đảo chính, có cách mạng nhiều người quê nhà tôi cứ nghèo khổ và cứ cải táng bố mẹ mình, anh em mình và cứ bỏ xương cả vào những cái nồi chân*. Nghề bán kẹo bánh có vẻ phát đạt. Nên đầu năm Giáp Thân, bố tôi hoan hỉ phóng ngọn bút lông viết bài khai bút mà tôi chỉ còn nhớ năm câu cuối:

Mai Viên chữ hiệu rõ ràng.

Vườn mai đua nở vẻ vang đời đời.

Viết mau đem dán lên chơi.

Dán cho thiên hạ kẻ cười người khen.

Trần ai ai biết ai hèn.

Niềm hoan hỉ của bố tôi không kéo dài. Mùa xuân mẹ con tôi đi chơi hội chợ Đồng Bằng, bố tôi nằm nhà hát vọng cổ. Chúng tôi trú chân tại nhà bác Bằng, bạn của bố tôi.

Chúng tôi đã xem đua thuyền, xem bơi trải … Buổi trưa một mình tôi leo lên gác, ra sân thượng chơi. Tôi không biết phía dưới sân thượng có người ta ở. Mót đái quá, tôi đã đái bừa. Chốc lát, tôi nghe thấy tiếng ồn ào dưới nhà. Tôi trở vào, đứng trên đầu cầu thang nhìn xuống. Một người đàn ông tay chỉ lên gác, miệng chửi thô lỗ. Ông ta nhất định đòi lên gác “đập vỡ mặt đứa nào đái xuống vại nước của nhà ông” . Tôi bắt đầu run sợ. Bác Bằng níu chặt ông ta, ghìm chân ông ta. Mẹ tôi chạy vội lên, đứng trước mặt tôi. Mẹ tôi bằng lòng đền tiền cả nước lẫn cái vại sành. Ông hàng xóm nhà bác Bằng không chịu. Ông ta chỉ muốn đánh tôi. Mọi việc rồi cũng xong. Buổi chiều mẹ đưa anh em tôi về, thay vì ngủ lại một đêm. Tôi ngồi trên xe tay, suy nghĩ lời dạy của chú Phương nhớn và của bố tôi. Và trong lòng tôi nhóm dậy một tia lửa oán hờn. Tôi ghét cay ghét đắng những kẻ cậy khỏe. Họ thiếu độ lượng với tôi, một thằng bé gầy còm, yếu đuối. Nhịn nhục những kẻ hung bạo có phải là một hành động can đảm? Tôi muốn hỏi bố câu đó. Nhưng tôi biết bố tôi sẽ trả lời tôi bằng câu thành ngữ “Tránh voi chẳng hổ mặt nào” ! Tôi nhớ chú Phương nhớn, nhớ công việc của một hiệp sĩ là trừ gian diệt bạo. Tại sao cuộc đời có tướng cướp? Chắc gì tất cả các tướng cướp đều vô học? Thắc mắc này lởn vởn ở đầu óc tôi trên đường về huyện lỵ. Về tới nơi, nó tiêu tan vì cậu Dzực bảo bố tôi vào huyện hầu quan từ trưa, có lẽ, từ lúc tôi vô tình đái xuống vại nước của người đàn ông vũ phu. Mẹ tôi khóc. Cậu Dzực an ủi mẹ tôi đủ điều. Chập tối bố tôi về, dáng dấp thiểu não. Ông gom hết tiền mặt, chút ít nữ trang của mẹ tôi, đem vô huyện nộp quan lớn Phạm Gia Đĩnh. Bố tôi thản nhiên không than vãn, không cằn nhằn. Ông nhẹ nhàng gỡ bài Khai bút, gấp nhỏ, cất đi. Và, dù lúc đó mẹ tôi chưa nguôi tiếng khóc tiếc của, bố tôi vẫn bắc ghế giữa sân, tay đàn miệng ca vọng cổ thương nhớ viễn phương. Còn tôi, tôi mơ làm hiệp sĩ trổ mái ngói, phóng mũi dao nhọn xuống bàn quan huyện Phạm Gia Đĩnh với bức thư báo tử.

Một thằng bé không được tham dự những cuộc chơi với những thằng bé bằng tuổi nó thì nó buồn lắm, nó mơ mộng và thơ thẩn như một thi sĩ. Tôi đã mộng mơ làm hiệp sĩ và thơ thẩn trên những bờ ruộng cánh đồng sau phố huyện. Những buổi sáng mặt trời dậy muộn, nhìn về phía Kiến An, tôi thấy dãy núi nằm dài giống con voi phủ phục. Đó là núi Voi. Trong sương mờ, hàng chục chiếc xe tay nối đuôi nhau chạy qua Ninh Giang, tôi tưởng những bước chân phu xe và bánh xe chạy, quay lơ lửng giữa bầu trời đục. Cảnh đẹp của riêng tôi chẳng chịu cùng tôi quyến luyến mãi. Một vụ cướp hàng, giết người, phá xe đã xảy ra gần bến đò Ninh Giang, thuộc huyện Phụ Dực, mở đầu cho những vụ đánh cướp và cho những hình phạt tàn bạo từ tháng giêng năm sau, năm Ất Dậu. Ăn Tết xong, bỗng nhiên, thóc cao gạo kém lạ thường. Trộm cướp nổi lên như rươi. Mỗi sáng, tuần đinh dẫn lên huyện hằng chục tên trộm cướp. Thoạt tiên, quan huyện Phạm Gia Đĩnh bắt hai người tuần đinh dùng cây tre đực dài, đánh đập tội nhân. Tội nhân in hệt miếng sắt nung đỏ đặt trên cái đe. Và hai người đánh là hai ông thợ rèn. Tội nhân kêu thét hãi hùng. Tội nhân say đòn đái ỉa cả ra quần mà không hề biết. Nhiều đứa trẻ trèo lên những cây gáo bên đường, xem quan huyện chứng kiến tuần đinh đánh tội nhân. Tôi thì tôi sợ hãi. Tiếng kêu xin tha, tiếng kêu đau khổ bay qua bức tường gạch dầy khiến tôi nhớ lại cảnh xử trảm ở pháp trường trong truyện kiếm hiệp. Tôi vụt mơ vai người hiệp sĩ đơn thương độc mã lao vào pháp trường vung gươm chém hết đao phủ và giải thoát tội nhân.

Kẻ phạm pháp càng ngày càng đông. Tuần đinh, lính lệ đánh đập từ sáng sớm tới tối mịt vẫn không xuể. Và nhà giam chật chỗ. Cả ngày, phố huyện bị nghe những tiếng thét rợn người. Một ông lục sự xin quan huyện xét lại hình phạt, bị quan huyện đè ra, sai lính lệ nhét phân của tù nhân đầy miệng, bắt ông lục sự nuốt chững. Quan huyện bày thêm hình phạt mới. Là cắt gân tội nhân. Ông xếp nhà thương bỏ công việc phát thuốc, tiêm thuốc cho bệnh nhân, hằng ngày tới cổng huyện theo lệnh quan. Tội nhân bị trói tay vào cây gáo, sát cổng huyện. Hai tên lính lệ giữ chặt để tội nhân hết giãy dụa. Ông xếp nhà thương lấy con dao thật sắc, cắt gân ở trên gót tội nhân và hứng máu chảy vào cái “xô”. Tội nhân rú lên như con lợn bị chọc huyết. Tên lính lệ khác đạp đá tội nhân, đe dọa còn rú sẽ bị cắt nốt gân bên chân trái. Nhưng tội nhân vẫn rú thét kinh hoàng.

Dân phố huyện chỉ dám xem cắt gân một lần. Họ bỏ về hết. Trẻ con bịt tai, nhắm mắt cút dần. Thân nhân của tội nhân không dám bén mảng. Họ chờ chồng, cha, anh của họ xa hàng cây số. Cắt gân một tội nhân xong, ông xếp nhà thương dùng bông thấm “canh ky dốt” đắp lên chỗ bị cắt và băng lại. Tội nhân rú lần cuối và thiếp đi. Người ta cởi trói tội nhân để trói tội nhân khác. Tội nhân đã chịu hình phạt bị lôi ra một chỗ. Ở đó, khi ông ta tỉnh, ông ta lăn lộn, rên xiết, quằn quại. Cắt gân tội nhân là tội nhân phải bỏ nghề trộm cướp và huyện khỏi mất công nuôi tù. Mỗi ngày, ít nhất ông xếp nhà thương cắt gân chừng hai mươi tội nhân. Đến tối mịt, quan huyện ra lệnh phóng thích tội nhân, mặc họ lết trên đường đá răm tìm về làng. Thân nhân họ chờ họ, chở họ bằng cáng hay cõng họ. Tôi đã nhìn những người bị cắt gân vừa bò lết vừa rên xiết trên đường. Phố huyện khi lên đèn, buồn thiu và cô quạnh. Nhà nhà đóng hết cửa liếp. Lúc đó, phố huyện cơ hồ bãi tha ma. Và những người chịu hình phạt của quan huyện Phạm Gia Đĩnh cơ hồ ma qủy kéo nhau đi dự một bữa tiệc đầu lâu.

Không còn gì rùng rợn và thảm não hơn cảnh tượng này. Cứ thế mà tiếp tục, quan huyện Phạm Gia Đĩnh đã bắt ông xếp nhà thương cắt gân hằng chục người mỗi ngày. Ông xếp nhà thương bị dọa “mất gân” nếu không chịu cứa lưỡi dao sâu hơn vào gót tội nhân. Quan huyện rất bằng lòng hình phạt cắt gân, hình phạt khiến kẻ chịu đựng kêu rú, quằn quại và tàn phế suốt đời. Và thân nhân của những kẻ chịu đựng hình phạt đã khóc cạn nước mắt. Tại sao người ta phải đi ăn trộm, ăn cướp? Theo bố tôi thì tại người ta dốt chữ. Bấy giờ, nếu tôi hỏi tại sao người ta dốt chữ, bố tôi sẽ trả lời tại người ta lười học. Trẻ con không có quyền đặt những câu hỏi hoặc chẳng bao giờ nó được thỏa mãn những câu hỏi của nó. Tôi không mấy tin những người bị cắt gân trước cửa nhà tôi là những người lười biếng. Nhưng tại sao họ trở thành tướng cướp , tôi chưa đủ trí khôn tìm hiểu. Chỉ biết tôi không thích ai bị cắt gân, tôi thương hại những người bị cắt gân, tôi ghét quan huyện. Và tôi mơ làm hiệp sĩ, nửa đêm rở ngói dinh quan huyện, ném xuống một lưỡi dao nhọn đính kèm bức thư đòi mạng.

Còn tiếp

 *Nồi chân là thứ nồi đất lớn, thường dùng đựng nước tiểu. Ở nhà quê miền Bắc, mỗi nhà có một cái nồi chân đặt dưới gốc cây chuối vườn sau để đi tiểu vô đó và lấy nước tiểu tưới rau.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn