BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73173)
(Xem: 62202)
(Xem: 39375)
(Xem: 31130)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Đồi Fanta (11-16)

04 Tháng Mười 201012:00 SA(Xem: 4151)
Đồi Fanta (11-16)
511Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
511
Chương 12

Hôm nay, tổ tôi trực cơm nước và tôi nằm ở nhóm trực trại trưa. Chia cơm, bây giờ, rắc rối. Ngày tôi mới về trại, cơm gom chung một nồi, chia đồng đều. Người ta bày đặt vấn đề bình bầu mức ăn, thành thử, cơm phải khuân ba nồi. Nồi bốn phần, mức ăn 18 cân. Nồi tám phần, mức ăn 13 cân rưỡi. Nồi 44 phần, mức ăn 15 cân. Cơm bữa sáng thì không định mức ăn. Tích cực hay trây lười cũng lưng chén nhỏ. Tôi nghĩ chúng tôi không được ăn đúng mức. Trước hết, bọn trật tự, bọn nhà bếp ăn bớt phần của chúng tôi. Nhà bếp còn sén cơm để thuê những thằng bổ củi. Sau hết, cách bếp vài chục thước có chuồng heo của cán bộ, mười con heo đã tích cực ăn giùm chúng tôi khối cơm. Do đó, phần cơm teo mòn thê thảm. Những thằng bị ăn 13 cân rưỡi hậm hực, thù hận những thằng ăn 18 cân. Bốn thằng ăn no, tám thằng ăn đói. No, đói rình mò lỗi lầm, nghe ngóng lời ăn tiếng nói để báo cáo cán bộ, bảo vệ 18 cân và ngoi lên 18 cân. Cái không khí đội luôn luôn khó thở vì mức ăn. Nhờ quy định mức ăn, cán bộ ngoài hàng rào có thể nắm vững tình hình sinh hoạt bên trong hàng rào.

Trong khi tôi chia cơm, canh thì "Mai Bím" làm cá, kho vội. Nó xuống bếp lượn một vòng xin dúm muối, trái ớt, đút cái cóng vào bếp lửa hừng hực. Năm con cá mè, "Mai Bím" thân “tặng” "Đồng Thổi" một con, đội phó "Tí Ngầu" một con và bé Hai con nhỏ nhất. Hai đứa tôi, với cóng canh nhái rau cải trời, hai chú cá mè, lùa cơm một cách sung sướng. Buổi trưa trôi đi bình thản. Buổi chiều sẽ trôi đi bình thản. Tôi đếm từng ngày bình thản. Ở trại lao cải, đời sống không bình thản dài dài đâu, mà đầy rẫy bất ổn, lo sợ nên sự bình thản tính từng buổi mà sự thèm khát bay nhảy, ăn uống thì vô cùng. Để lấp kín sự thèm khát và để quên nỗi lo sợ, tù nhãi, không thằng nào rủ thằng nào, mỗi tháng cố tìm một công việc nào đó, ngoài lao động vẹt người ngoài bãi, cho khuây khỏa. Có thằng kiếm được miếng i nốc, mài thật sắc, thật công phu, đi nài nỉ cạo mặt những thằng khác, cạo giùm không ăn công lao gì cả. Có thằng lượm được sợi dây điện, hì hục thửa bộ đồ móc ráy tai để lấy ráy cho những thằng khác, coi việc lấy ráy tai là nguồn vui của mình. Có thằng mài kim, se chỉ khâu vá lung tung. Hết đồ vá, xé luôn áo mình ra khâu lại. Có thằng ngồi kiên nhẫn hàn cóng, gò gô giúp anh em. Có thằng xem nhiều phim chưởng, phim cao bồi, kể vanh vách. Và nhiều thằng bu quanh nghe… “chiếu phim”. Có thằng đánh cờ không thiết ngủ. Có thằng đan giỏ, đan lưới rồi gỡ tung ra đan nữa, đan hoài, đan tới, đan lui y hệt những mụ điên.

Tất cả đều là những đứa không biết hy vọng. Tôi thấy chúng nó ít buồn mà nhiều hận thù. Nhưng chúng nó không bộc lộ sự thù hận và không bao giờ nói mình thù hận ai, thù hận cái gì. Hiện thời, những thằng ăn 13 cân rưỡi và một số thằng ăn 15 cân đang hận thù thằng "Đức Méo". Tôi sợ, tháng sau, chúng nó sẽ thù hận tôi. "Đức Méo" hiền lành, ít nói. Ở bãi, nó vận chuyển cây xếp đống. Ở nhà, nó chúi mũi vào bàn cờ. Tự nhiên, cán bộ cho nó ăn 18 cân, chứ nó không xin xỏ, không báo cáo anh em. Vậy mà "Đức Méo", thằng nhãi được cả đội thương hôm qua, bị nửa đội thù ghét hôm nay. Thù ghét vô lý. Chúng nó chỉ nhìn bát cơm vơi. Nạn nhân của sự biểu dương lao động, "Đức Méo" bây giờ lủi thủi như con chó. Tôi thương hại "Đức Méo" nhưng không dám gần gũi nó. "Mai Bím" cảnh cáo tôi bằng câu thơ tù nhái: “Trong tù thấy việc bất bình thì câm.” Tôi đành câm mà lòng vương vướng cái gì thật bùi ngùi.

Buổi tối, bé Hai sang chỗ tôi bàn tiếp dự định đón mừng Chúa Giáng Sinh. Thằng bé khoái tôi chắc vì nó biết tôi cũng thờ phụng Chúa như nó. Ông thánh tông đồ Phao lô có khổ bằng Phao lồ Hai không nhỉ? Bé Hai có thể thành linh mục, thành thánh nếu mẹ nó không cho các bà xơ và nếu Chúa gọi nó. Chúa đã không gọi nó, Chúa còn bắt nó đi lao cải. Chúa thử thách bé Hai làm chi, hỡi Chúa?

- Anh ạ, em nghĩ xong rồi.

- Em nghĩ xong cái máng cỏ hở, bé Hai?

- Không, một cái cây Giáng Sinh.

- Nói anh nghe.

- Em chặt một cây nhỏ, hái ít hoa dại và lượm vỏ ốc trắng máng lên cây. Em để cây Giáng Sinh ở đầu chỗ em nằm, chả đứa nào biết cây gì đâu, anh nhỉ?

- Ừ.

- Em làm hang đá, nặn tượng Đức Mẹ, tượng Chúa hài đồng, tượng các vua, tượng thiên thần cũng được; nhưng em sợ chúng nó dẫm chân lên Chúa.

- Cây Giáng Sinh của em là lòng em dâng lên Chúa, bé Hai ạ.

- Còn anh?

- Anh sẽ dâng Chúa cóng canh tàu bay. Mình đâu có gì dâng Chúa?

- Cóng canh tàu bay nấu với ốc, nhái đi anh. Chúa chưa được ăn món đó.

- Rồi.

- Em sẽ lận ít nghêu.

Bé Hai dễ yêu vô cùng. Các bà xơ đã san sẽ một phần tâm hồn mình cho nó. Giá nó lớn hơn và hư đốn, nó sẽ trốn viện mồ côi, gia nhập đời sống vỉa hè, nó không còn dễ yêu nữa. Chắc chắn, bé Hai sẽ phỉ báng Chúa, ăn nói mất dạy và dính vào khối tội ác.

- Em có mong ngày về không, bé Hai?

- Mong lắm chứ anh.

- Em về đâu?

- Em đi tìm ma xơ của em. Ma xơ sẽ định đời em. Ma xơ bảo đời em thuộc về Chúa. Anh có tin Chúa dẫn mình về không?

- Tin.

- Tin bao nhiêu?

- Tin nhiều, tin vô tận.

Bé Hai làm dấu, đọc một “Kinh Kính Mừng” dài và về chỗ của nó. Tôi chưa hỏi bé Hai xem nó có gặp đám bạn bè ở viện mồ côi cũ không, nhưng bé Hai chỉ thích đến với tôi, nói chuyện Chúa với tôi nên tôi cứ hiểu rằng, ở trại lao cải Phú Văn, bé Hai là trẻ mồ côi xấu số, tôi là trẻ có gia đình bất hạnh. Hai chúng tôi đều là thần dân của Chúa và đều bị đầy đọa giống nhau. Tôi muốn ví bé Hai như thiên thần. Nó xứng đáng làm thiên thần giữa cái xã hội tù nhãi bầy nhầy, mất nết. Thiên thần bé Hai hàng ngày, ngồi dưới gốc cây giống con cóc, nhìn lên đỉnh ngọn thấy Chúa ngó lơ, hàng đêm đọc kinh cầu nguyện và thấy Chúa hiện về im lặng. Thiên thần bé bỏng, tội nghiệp ấy sẽ lận nghêu nấu nồi canh cải trời mừng Chúa Giáng Sinh. Thiên thần quả quyết Chúa sẽ khen ngon vì chưa ai dưới thế dâng Chúa món ăn đó. Bình yên cho em. Bé Hai…

Hôm nay là ngày 24 tháng 12 năm 1975, ngày loài người đón mừng vị Chúa Giáng Sinh, cũng là một trong ba ngày lễ lớn của cách mạng. Tính ra, tôi đã xa nhà năm tháng. Năm tháng trời xảy đến cho tôi biết bao tai biến. Tôi không ngờ tôi đã đủ sức bơi lội giữa dòng nghịch lũ lầm than. Bao giờ tôi mới vào bờ, leo lên, về nhà mình? Tôi không biết và cũng chẳng một ai biết. Họa may có Chúa biết. Nhưng Chúa im lặng từ thuở Chúa bị đóng đinh trên thánh giá, trả lại nỗi trầm luân cho nhân loại. Chúa tịnh khẩu. Tôi hỏi ai ngày nào tôi về?

Đêm qua đội tôi xáo trộn dữ dội. Tám thằng ăn 13 cân rưỡi đã ra mặt chửi bới bốn thằng ăn 18 cân, bất chấp đội trưởng, đội phó. "Đức Méo" bị dồn vào thế phải trả đũa. Nó dọa sẽ báo cáo cán bộ và nhận nó là chó săn. Bọn 13 cân rưỡi nhào tới đánh hội đồng "Đức Méo". Nó chống cự quyết liệt. "Năm ra phan", "Tí Ngầu" sáp vô bênh "Đức Méo". Một số thằng 15 cân, bạn thân của bọn 13 cân rưỡi, sáp vô luôn. "Đồng Thổi" can ngăn không nổi. Nhà trưởng "Hoà Đen" cử người gác quanh nhà, hễ thấy bóng vệ binh thì báo động để “cuộc chiến” khỏi bị gián đoạn. Cái máu dân vỉa từ xưa chưa tan lỗng trong đám nhóc vô lại. Chúng vẫn thích đánh nhau, giết nhau. Rốt cuộc, "Đồng Thổi" lâm trận. Rồi "Mai Bím" đứng cạnh "Đồng Thổi" với "Hoà Đen", "Tư Pạc Cú", "Sáu Nâu". Thêm ít thằng lâm sản bên "Đồng Thổi" nữa. Lực lượng 13 cân rưỡi yếu kém bị lực lượng 18 cân đàn áp và hạ gục.

Sáng hôm sau, ra bãi lao động, "Đồng Thổi" báo cáo sinh hoạt đội với cán bộ quản giáo. Nhiệm vụ của đội trưởng là mỗi sáng phải báo cáo tình hình cho cán bộ dễ dàng “nắm” mà giáo dục. Tám thằng 13 cân: "Rô be", ""Mẫm Điếc"", "Lợi đầu bự", "Tấn ghẻ", "Cu la"i, "Đức hô", "Hùng phốc" cùng bốn thằng 18 cân đi làm việc. "Đức Méo" kể lể sự tình. Cả đội ngưng lao động, hồi hộp theo dõi vụ án. Quan tòa quản giáo đã rút sợi dây điện cầm sẵn trong tay. Bé Hai mon men lại chỗ tôi. Mặt nó tái mét, chân tay nó run lẩy bẩy. Nó nhắm mắt cầu nguyện.

Cán bộ quản giáo đứng dậy, mặt mũi đằng đằng sát khí. "Rô Be" bước khỏi vành móng ngựa. Ngọn roi dây điện quất lên mặt nó. "Rô Be" giơ tay đỡ. Nó chụm tay kín khuôn mặt. Cán bộ quất lên cổ, lên mình mẩy nó một hồi không rõ bao nhiêu roi, chỉ nghe thấy tiếng roi vun vút. "Rô Be" gào la xin cán bộ tha tội. Nó ngã cái bịch, lăn lộn. Cán bộ đá nó những cú chí tình vào bụng, vào mạng mỡ. "Rô Be" mềm nhũn, nằm rên rỉ. "Mẫm Điếc" bước khỏi vành móng ngựa. Ngọn roi ngon trớn và khoái quất người liên tiếp quất nó. Nó lạy van, khóc rống. Kệ nó, ngọn roi không có tai và không có luôn cả trái tim, quất "Mẫn Điếc" tàn bạo hơn quất "Rô Be", vì nó đã quen tay. Bé Hai cầu nguyện rõ lời. Tôi bịt miệng nó, mắt vẫn căng mở nhìn ngọn roi dây điện quất trẻ con. Một dúm cơm điểm tâm, chắc chắn không đủ hơi chịu đòn. Tôi có thể tính từ hột cơm từng ngọn roi quất tê buốt da thịt, thấu xương. Đến Lợi đầu bự, Tấn ghẻ, "Cu Lai", Đức hô, Hùng phốc thì một trận “tam roi hợp bích” diễn ra. Hai vệ binh vào cuộc vui. Ba ngọn roi tới tấp rơi xuống thân thể bọn chống đối. Giữa rừng, đám trẻ tù khốn nạn mặc sức la rống, chẳng ai nghe. Roi cứ tìm da thịt. Đám trẻ cởi trần, mặc xà lỏn, da thịt càng phơi sự thèm khát, sự ham muốn của roi. Và của chân đá, tay đấm. Tám đứa 13 cân rưỡi nằm co quắp, rên siết sau khi đã lăn lộn tránh đòn.

Cán bộ bảo "Đồng Thổi" bắt chúng nó ra lao động ngay. Tám đứa gắng gượng đứng dậy, đầu tóc bơ phờ, mình mẩy chằng chịt lằn roi ứa máu, lê lết về khu lao động của mình. "Đồng Thổi" truyền lệnh lao động. Cả đội thở phào, vô lao. Bé Hai vút về gốc cây của nó. "Mai Bím" và tôi chặt tầng rễ thứ năm của cây sao thẳng vút, hiểm hóc. Chúng tôi nín thở lao động. Không khí hiện trường ngột ngạt sự sợ hãi. Mấy đứa 15 cân tham dự cuộc ẩu đả hôm qua được thoát nạn. Thoát nạn sáng nay thôi. Còn chiều nay, sáng mai, ngày mai, vô tận. Bọn 13 cân rưỡi không được phép nằm hong vết đòn. Chúng phải tích cực gấp ba, gấp bốn để chứng tỏ chúng đã ăn năn sám hối. Vì tư tưởng thể hiện trong lao động. Tôi đã được lên lớp thế.

Đến giờ giải lao, đâu lại vào đó. Mọi việc ở trại lao động đều xảy ra thật khẩn trương và đều được lãng quên thật khẩn trương. Cái làm chúng tôi quên lãng là miếng ăn. Ai cũng cần sống. Muốn sống phải no bụng. Nghĩ tới cái bụng mình đã hụt sức, hơi đâu nghĩ chuyện tầm phơ. Quanh bếp của "Năm ra phan", ca cóng lại ồn ào. Lại nướng bọ cạp, rắn rết, chia nhau chút xíu nhóp nhép cho đỡ thèm thịt. Chẳng đứa nào ái ngại dùm Rô be, Năm điếc, Hùng phốc, "Cu Lai"… Buổi sáng lao động trôi đi buồn bã. Tôi vẫn nhớ hôm nay 24 tháng 12. "Mai Bím" đã chộp cho tôi năm chú nhái. Nó buộc thành một xâu trông gớm ghiếc. Tôi nói với "Mai Bím" và cóng canh với nhái rau tàu bay tối nay của tôi. "Mai Bím" tưởng tôi khoái ăn nhái nướng. Nó ao ước giá có nước mắm, tỏi, nghệ, tiêu và ướp nhái rồi nướng thì tuyệt vời.

- Tao buồn lắm, Vũ ạ. - "Mai Bím" nói. - Tại tao ngu quá, tao xía vô chuyện của chúng nó làm mẹ gì nhỉ!

- Mày có bị lôi thôi đâu. - Tôi nói.

- Nhưng chúng nó bị ăn đòn sầu thảm. Tao từng bị giám thị Tế Bần đục, chả thấm tháp gì với đòn lao cải. Tao buồn vì tao đã uýnh chúng nó đêm qua. Vậy là chúng nó ăn đòn đúp.

"Mai Bím" cằn nhằn:

- Sao mày không níu tao lại? Mày níu tao như tao níu mày thì tao đã khỏi phải buồn bã.

Tôi nín thinh, ân hận.

- Bận sau tao nổi cơn, mày nhớ níu tao lại nhé!

Tôi gật đầu:

- Tao sẽ nhớ.

Tôi kể cho "Mai Bím" nghe chuyện làm việc với cán bộ của tôi hôm qua. Nó cười.

- Vậy là Chúa của mày giúp mày rồi đó. Nó sẽ hết hỏi mày vụ ấy. Nó sẽ quên cho mày ăn 18 cân. Quên là nghề của cai tù. Đù má, cai tù chó đẻ giống nhau, ngụy hay cách mạng một lũ gian ác hết.

Tôi tin vào sự phán đoán của "Mai Bím", không sợ mình sẽ trở thành "Đức Méo" trong đội và sẽ có thêm tám thằng ăn roi dây điện nhừ thịt, nát da.

- Mày bảo tao vồ nhái làm món gì đấy?

- Canh rau tàu bay.

- Để tao lột nhái cho xong, bày đặt mày lột chi nữa?

- Tao tập. Mày khuyên tao nên tập làm đủ thứ trong tù mà.

- Nấu canh buổi chiều à?

- Ừ.

- Mời đứa nào?

- Mời Chúa!

- Ủa, mày khùng hồi nào vậy?

- Hôm nay Chúa Giáng Sinh.

- Nô en rồi hả?

- Ừ.

- Dẹp đi mày, Chúa nào ăn canh nhái rau tàu bay. Mày mời ổng, ổng giận mày chết.

- Mày chả biết một tí gì về Chúa hết. Mày còn thua bé Hai.

- Tao đếch cần biết. Tại Chúa của mày tao mới khoái, chứ Chúa của thằng khác, tao thây kệ.

- Không phải Chúa của tao.

- Thế Chúa của ai?

- Của mọi người, của mày nữa.

- Tao đếch có Chúa. Dân vỉa vô nhà thờ chỉ rình chôm, nạo. Thấy ông Chúa ngó mình, dễ giận! Chúa không ưa dân móc túi, ổng ưa con nhà giàu, mặc quần áo đẹp đẽ.

- Chúa con nhà nghèo, mày rõ chưa?

- Nhưng ổng không móc túi! Tao móc túi, ổng ghét tao. Tao cóc cần ổng thương, tao sẽ khắc tặng mày ông Chúa của mày. Tao phải kiếm miếng gỗ mun mới tuyệt, đổ ni-lông là xoàng.

- Nghe tao, "Mai Bím"…

- Tao không nghe. Mày cứ làm như mày là cố đạo. Giá có hình ông Chúa để mày bày lên cóng canh thì thiêng ra phết mày nhỉ?

- Nghe tao, "Mai Bím", Chúa thương tất cả mọi người.

- Cam đoan ổng ghét dân móc túi. Mày ngu bỏ mẹ đi ấy, tao đã móc túi cố đạo, móc bóp bà xơ, Chúa nào thương tao. Họa có mày thương tao thôi, Vũ ơi! Tao ngủ nhờ cổng nhà thờ, cố đạo đuổi đi ơi ới. Chúa thương thì ổng đã không sai cố đạo đuổi.

- "Mai Bím"…

- Đánh chết tao, tao cũng đếch tin Chúa mày thương tao.

- Thì thôi, có ngày mày sẽ tin.

"Mai Bím" nhất định không chịu tin rằng Chúa đoái thương nó. Nhưng nó rất nhiệt tình với tôi về Chúa của tôi. Nó câu sáu con cá mè cho tôi để tôi mời Chúa. Nó lăng xăng hỏi tôi “cúng” lúc nào, “cúng” xong “hạ cỗ” lúc nào. Cả buổi trưa, tôi không ngủ, nằm nhớ Giáng Sinh năm ngoái và cái máng cỏ dự thi của tôi. Trường tôi là trường đạo, mỗi năm vào dịp Giáng Sinh, tất cả các học sinh lớp nhỏ phải tham dự cuộc thi làm máng cỏ. Tôi không biết làm, đem tiền tới cổng nhà thờ Tân Định mua một cái, được giải bét. Em tôi chế nhạo tôi mãi. Năm ngoái, tôi dự lễ nửa đêm ở nhà thờ Chúa Cứu Thế, năm nay, tôi làm lễ nửa đêm… 9 giờ rưỡi trong nhà tù, trên cái sàn tre khấp khểnh ngay chỗ tôi nằm. Không có ngỗng quay, không có bánh, không có đèn sao, không có cây Nô en nhấp nháy, không có ông già Nô en phúc hậu. Chỉ có một cóng canh nhái rau tàu bay và sáu con cá kho mặn. Chúa sẽ hài lòng. Bởi vì, dẫu Chúa sinh ra ở nhà tù lao cải với những ngọn roi buốt gấp mấy ngàn lần ngọn gió bấc Bê Lem. Chúa thấy không, thằng nhóc Phao lồ Hai. Trưa nay, lụi cụi bên bờ suối mò ốc để nấu canh cải trời mừng Chúa. Nó chẳng bao giờ mò ốc, nấu canh. Nó bằng lòng với cơm canh trại phát cho nó. Nhưng nó đã mò ốc đón Chúa, đón Chúa với cây Giáng Sinh giá trị nhất loài người của nó.

Bé Hai và tôi trông đợi bóng tối chìm ngập trại Phú Văn. Đêm nay, chắc chắn, bầu trời này chỉ có hai đứa tôi ngước nhìn. Tôi nôn nao và không thấy buồn ngủ trưa. Buổi chiều ra bãi, tôi vẫn nôn nao sao ấy. "Mai Bím" bảo nó sẽ hạ cây sao chào mừng năm 1976, nghĩa là, hai đứa tôi tà tà chặt rễ. Trại không hề nhắc đến ngày Giáng Sinh. Hẳn người ta đã nghĩ bọn đầu đường xó chợ vô tôn giáo. Mẫn điếc và "Cu Lai" nghỉ lao động chiều nay. Chúng nó khai bệnh. Đội ra bãi năm mươi tư đứa. Tổ chất đốt làm việc tích cực. Chúng đang đốt một cành cây to tướng. Mùa này khô ráo, châm lửa bốn phía, gió thổi một phía là lửa bốc ào ào. Như thường lệ, những đứa phụ trách đốt đứng xa chỗ đống cháy hai, ba thước, reo cười thích thú. Đã quen việc rồi, chẳng có chuyện gì xảy ra. Mùa lạnh, sáng sớm, đứng gần đống cháy còn sướng rên. Bất ngờ, một tiếng nổ rầm trời. Đống cháy tung lên, lửa than tới tấp bay tro vào không gian.

Vệ binh bắt chúng tôi nằm hết xuống. "Mai Bím" và tôi có chỗ nấp tối tân. Chúng tôi ngồi dưới cái lỗ đã bơi móc mấy hôm rày. Ngồi cho tới lúc Ban giám thị của trại đổ xô ra bãi, chúng tôi mới được gọi lên. Một quả bom chưa nổ chìm dưới đất. Lâu ngày lá cây phủ kín. Đống đốt chất trên quả bom. Và quả bom nổ. Năm thằng tù chết. Thằng văng tay, thằng bay đầu, thằng lòi ruột, thằng cụt chân, thằng vỡ mặt! Biên bản làm tại chỗ: tai nạn lao động, năm trại viên tử nạn. Ban giám thị cấm không cho đốt trong giờ lao động. Từ giờ trở đi, chỉ đốt trước khi về trại, đốt buổi chiều. Trong số năm thằng chết có Hùng phốc, Đức hô, hai thằng ăn no roi dây điện hồi sáng. Chúng tôi được thu cất dụng cụ sớm, chuẩn bị về trại. Xác năm thằng trại viên lao cải bỏ đó, lát nữa, bọn lâm sản sẽ kéo chúng lên ngọn đồi và vùi chúng nông hay sâu tùy ý. Ngọn đồi cách xa trại khoảng năm thước. Tôi chưa trông thấy cái nghĩa địa buồn thiu ấy.

Tôi có một cây Giáng Sinh đẫm máu bạn tù. Bé Hai chờ lệnh vệ binh cho về dưới gốc cây. Luôn luôn, bé Hai giống con cóc ôm gốc cây nhìn lên đỉnh ngọn thấy Chúa ngó lơ. Chắc bé Hai đang thầm hỏi Chúa tại sao Chúa bắt cái đám tù khốn nạn này chết thảm vậy. Tôi vẫy bé Hai. Nó chạy tới, nước mắt nhễ nhãi.

- Ghê quá anh ạ, ghê quá! - Bé Hai nức nở.

- Quên đi bé Hai. - Tôi vỗ về nó.

- Sáng đánh đập, chiều tan xác, Chúa ơi, tội nghiệp chúng con.

- Em khóc nó sẽ đánh cả em đấy.

Bé Hai đưa tay quệt nước mắt. Tôi thấy nước mắt bé Hai trong vắt như những giọt sương. Và, dường như, trong mỗi giọt sương đều chập chờn đôi cánh của Thiên thần. Một hồi còi rít lên the thé. Đội chúng tôi tập họp. Ban giám thị lên lớp tại bãi.

- Tai nạn vừa rồi là do các em vi phạm kỷ luật lao động. Cán bộ cấm đốt mà các em cứ đốt. Cán bộ cấm đứng gần mà các em cứ đứng gần. Đội trưởng, đội phó không chịu đôn đốc tích cực. Các em phải rút kinh nghiệm, đề cao cảnh giác. Điều trước mắt, Ban giám thị yêu cầu các em đừng buồn. Các em hãy vui cười đi. Ai không vui cười là chống đối cách mạng. Nào, vui cười, hát lên. “Như có bác Hồ”… hai, ba…

Như có bác Hồ trong ngày vui đại thắng
Lời bác nay…

Chỉ có Ban giám thị hát.

- Hát lên, em nào không hát lên thì bảo!

Chúng tôi đành hát theo, dở khóc, dở mếu:

Việt Nam
Hồ Chí Minh
Việt Nam
Hồ Chí Minh

- Vỗ tay lớn, cười lên!

Chúng tôi vỗ tay và cười. Hô hô. Hi hi. Ha ha ha… Nước mắt bé Hai ứa ra không cầm nổi. Ha ha ha! Vui ghê! Hi hi. Hố hố hố. Chúng tôi nhìn nhau, mặt thằng nào thằng ấy méo xệch.

- Các em vui thế là tốt, là yên tâm cải tạo! Các em về tắm nhé! Ngày mai các em được bồi dưỡng cơm.

Vệ binh dẫn chúng tôi về suối. Quản giáo theo Ban giám thị. "Mai Bím" không thiết câu cá. Nó tâm sự rằng, đêm qua, nó đã đấm thằng Hùng phốc một quả tím bầm mắt. Nó hối hận lắm, chừng chết nó mới hết hối hận. Nó sợ gặp Hùng phốc dưới suối vàng. Hối hận chán, nó cằn nhằn Chúa của tôi.

- Ông biết tỏng, Chúa của mày là Chúa ghét cay ghét đắng dân vỉa hè.

- Bậy bạ, "Mai Bím".

- Tại sao ổng bắt tụi nó chết thảm?

- Chúa không bắt ai chết, Chúa không cứu ai sống. Chúa chỉ ban sự bình yên cho mọi người và bảo mọi người thương yêu nhau.

- Chúa của mày bảo thằng cai tù quất nát thịt bọn tao, ổng chỉ thương mày thôi. Ổng không thiêng, nếu thiêng ổng đã để bom nổ chết bọn cai tù.

- Tao nói Chúa thiêng hồi nào?

- Mà tao nói ổng không thiêng.

- Kệ mày. Từ nay mày đừng nhắc chuyện Chúa với tao nữa.

- Ậy, rỡn mày. Tao sẽ khắc hình ổng trên gỗ mun.

Chúng tôi vào trại sớm nhất, vào trại trước cả giờ tan lao. Phía sau nhà chúng tôi, mỗi thằng có một cái bếp. Hễ chăm kiếm củi, đem cóng về nấu nướng. Hễ lười thì nấu ngoài bãi hoặc lượn xuống bếp xin xỏ. Chiều nay, tôi nấu canh ở bếp nhà. "Mai Bím" giúp tôi làm nhái, làm cá. Tôi không thể nào giận "Mai Bím". Nó là mật ngọt của đời sống tôi. Tôi hứa với nó rằng, nếu nó được về, nó sẽ về nhà tôi, chúng tôi sẽ đi học, đi chơi và "Mai Bím" sẽ quên hẳn vỉa hè ô nhục, đầy đọa. Nó im lặng. Tôi nghĩ nó cũng khoái sống dưới mái nhà ấm cúng. Khi chúng tôi nấu xong cóng canh, kho xong ca cá, chia xong cơm nước thì các đội lục tục về trại. Chúng nó vào nhà 2 hỏi thăm về vụ bom nổ. Vụ bom nổ ở đội phát hoang gây chấn động, cả trại bàn tán xôn xao. Cán bộ trực trại phải cấm các đội khác không được tới nhà 2, nhưng chúng nó vẫn cứ tới. Nhiều thằng bạo miệng, chửi bới um sùm. Nhiều thằng khoái được chết bằng bom, để khỏi lao động teo người, ăn vài chén cơm sống vất vưởng.

Tôi dặn "Mai Bím" là chúng tôi sẽ ăn cơm sau giờ kẻng ngủ. Nó bằng lòng. Lúc đầu nó đòi ăn ngay, ăn ngoài sân, sợ ăn trong nhà hôi mùi phân tiểu. Tôi đã chứng kiến cảnh thằng ngồi ăn nhìn thằng ngồi ỉa, cách nhau hai, ba thước. Cầu tiêu không cửa, “Trường Sơn đông nhớ Trường Sơn tây” là thường. Thằng ỉa cứ rặn, thằng nhai cứ nhai. Hai bên chẳng cần thỏa hiệp, vẫn tôn trọng lẫn nhau. Cảnh ăn của tù lao cải là thế đó. Ăn sát thùng phân, ăn nghe đạn nổ ra phan, pạc cú thối um. Ăn chung với ruồi nhặng! Tôi cũng chả thích ăn trong nhà, hiềm vì, hôm nay tôi muốn dự tiệc nửa đêm. Ca cóng rất kỹ, tôi xuống chỗ bé Hai chơi. Cây Giáng Sinh tả cho tôi nghe, bé Hai đã mang về. Đó là một cây bằng lăng nhỏ xíu, bé Hai nhổ cả rễ. Nó ngắt hoa dại xanh, đỏ, tím, vàng xen giữa lá. Bé Hai buộc những con ốc ma chết, vỏ trắng ở mỗi đầu cành. Tôi gạ nó đem cây Giáng Sinh lên chỗ tôi đêm nay dự tiệc chung, bé Hai chịu liền. Hai đứa tôi bá vai đi dạo quanh trại, điểm số xong, đi dạo nữa.

Gió lạnh thổi vi vu. Trời tối sạm rồi tối mù. Những đống lửa rừng đốt ban chiều cháy theo gió thổi, chập chờn trước mặt chúng tôi. Tôi nhìn lên. Trời không trăng, nhưng đầy sao. Một vì sao tít tắp, đơn độc đang nhấp nháy cơ hồ đang run rẩy giá buốt. Tôi bảo bé Hai:

- Em nhìn kìa!

- Vì sao nhỏ xíu hở, anh? - Bé Hai hỏi.

- Không, Chúa đấy.

- Chúa à? - Bé Hai đăm đăm nhìn vì sao, làm dấu.

- Chỗ ấy là mùa đông Bê Lem. Chỗ này là mùa đông Phước Long. Phúc cho những đứa trẻ bị tù đày gian khổ vì nó được nhìn rõ Chúa và đời sống của Chúa.

- A men…

Tôi im lặng, mắt vẫn ngước vời trông vì sao tít tắp trời cao xa. Bé Hai giục tôi:

- Đọc Phúc âm nữa đi, anh!

- Anh không thuộc.

- Đọc những câu như anh vừa đọc.

- Phúc cho những đứa trẻ bắt nhái, bắt ốc nấu canh rau tàu bay, rau cải trời dâng Chúa vì nó chẳng còn gì để chúc tụng Chúa.

- A men…

- Phúc cho những đứa trẻ bữa nào cũng đói, ngày nào cũng khổ vì nó còn giữ niềm tin nơi Chúa.

- A men…

Tôi hết biết đọc thêm câu gì. Tự nhiên bé Hai quỳ xuống, làm dấu và nhìn tôi:

- Xin Chúa che chở anh.

Tôi cũng làm dấu, nâng bé Hai dậy:

- Chúa che chở cho bé Hai vì nó xứng đáng là con Chúa.

Chúng tôi, tay nắm tay, mắt nhìn mắt, tưởng chừng chỗ chúng tôi ở là máng cỏ Bê Lem một nghìn chín trăm bảy mươi nhăm năm trước. Bóng tối không trùm kín hai đứa tôi. Chúng tôi nhìn rõ đường đi rướm máu chân Chúa và hoa thơm mọc ngay từ mỗi giọt máu rơi. Bé Hai cất giọng khẽ hát thánh ca. Nó hát mấy bài hay đến nỗi sau này tôi chẳng còn được nghe giọng thánh ca nào màu nhiệm và truyền cảm và bí ẩn bằng giọng ca bé Hai. Tôi nghĩ nhân loại không ai thiết tha bằng bé Hai, đứa trẻ mồ côi mất viện, mất ma xơ lang thang ngoài thành phố và bị bắt làm tù lao cải. Tôi nghĩ Chúa đã xúc cảm đến rơi lệ khi nghe bé Hai vọng tiếng hát lên trời. Cuối cùng, kẻng báo ngủ khua vang. Hai đứa tôi chậm rãi bước về, cùng ca bài “Đêm đông lạnh lẽo Chúa sinh ra đời, Chúa sinh ra đời nằm trong hang đá nơi máng lừa… Ôi Thiên Chúa tòa Giáng Sinh thấp hèn…” Bài hát chấm dứt lễ nửa đêm của chúng tôi.

"Mai Bím", bé Hai và tôi dự tiệc mừng Chúa của tôi - nói theo "Mai Bím" - bằng sáu con cá mè kho, cóng canh rau tàu bay nhái, cóng canh rau cải trời ốc và ba phần cơm tiêu chuẩn 15 cân. Chúng tôi ăn rất ngon, rất no. "Mai Bím" ngắm cây Giáng Sinh của bé Hai tiếc rẻ:

- Giá có hình ông Chúa thì tuyệt!

Nó thắc mắc:

- Thế chúng mày không làm lễ gì cả à?

Bé Hai nhìn tôi cười mím. Chúng tôi mò mẫm dọn dẹp rồi đi ngủ. Bình yên cho cả nhà 2, cả trại, tôi thầm chúc. Nhưng không một chút bình yên nào cho nhà 2, cho đội 1 của tôi, thật đáng buồn. Nửa đêm về sáng, có tiếng rú thét ghê rợn. Cả nhà vụt tỉnh giấc. Im lặng. Nghe rõ tiếng dãy dụa, tiếng ú ớ. "Hoà Đen" gỡ cây đèn máng cửa cầu tiêu, soi chỗ có tiếng dãy dụa thuộc đội tôi. Nó hét lớn:

- Giết người, giết người!

"Hoà Đen" la hoảng:

- Báo cáo cán bộ nhà 2 chúng nó giết nhau! Báo cáo cán bộ nhà 2 có người chết!

Nó căn dặn:

- Chỗ nào nằm yên chỗ đó, chờ cán bộ điều tra.

"Đồng Thổi" hỏi:

- Thằng nào bị giết?

"Hoà Đen" đáp:

- "Đức Méo"!

"Đồng Thổi" nằm chung khoang của tôi. Nó tung màn, ló đầu ra.

- Tao biết đứa nào giết nó rồi. Coi chừng "Mẫm Điếc", "Cu La"i. Báo cáo nữa đi!

"Hoà Đen" chụm hai bàn tay vô miệng:

- Báo cáo cán bộ nhà 2 chúng nó giết nhau!

Bọn trật tự đã hăm hở xuất hiện, hỏi han loạn xì ngầu. "Cung Củ Đậu" ra oai:

- Thằng nào giết người?

Hai bóng đen phóng khỏi cửa, đứa trước, đứa sau. Chúng nó xô ngã mấy thằng trật tự chận cửa.

- Báo cáo cán bộ hai đứa giết người trốn trại!

"Đồng Thổi" nhảy xuống sàn nhà. Nó vén màn "Mẫm Điếc", "Cu Lai".

- Biết ngay hai thằng khốn kiếp. Nó báo hại tao rồi!

Vệ binh nổ súng báo động. Bọn trật tự đuổi bắt. Cả trại thức dậy. Từng nhà, nhìn qua khung cửa sổ nhỏ theo dõi cuộc truy lùng không thương xót. Vệ binh đã vào trại nườm nượp. Cán bộ trực trại, cán bộ quản giáo kéo vô. Những tia đèn bấm quét thành những hàng ngang dọc. Chẳng mấy chốc, người ta tóm cổ được "Mẫm Điếc" và "Cu Lai". Không nhìn thấy gì nhưng nghe rõ tiếng roi dây điện quất veo véo và tiếng "Mẫm Điếc", "Cu Lai" gào rống. Người ta trừng phạt những thằng trốn trại không nương tay, người ta trừng phạt những thằng giết người còn dữ dội hơn nữa. "Mẫm Điếc" và "Cu Lai" bị đạp, đá từ sát hàng rào vô giữa sân trại. Roi dây điện quất không hề mệt mỏi, người ta hò hét, chửi bới hai đứa đã làm người ta mất giấc ngủ, tốn vài viên đạn và ít pin. Bọn trật tự cũng sáp tới đánh hội, đánh gỡ. Đến khi "Mẫm Điếc" và "Cu Lai" bặt tiếng gào rống, roi dây điện mới chịu ngừng quất. Người ta trói tay chân chúng nó lại, bỏ nằm giữa sân, trong bóng đêm của mùa đông lao cải. Lúc ấy, Chúa Cứu Thế Giáng Sinh.

Sau hết, người ta vào nhà 2, bảo bọn trật tự khiêng xác chết đẫm máu của "Đức Méo" lên phòng y tế. "Đức Méo" bị đâm nát cổ, nát ngực bởi một miếng thép mài nhọn bén hình thù giống lưỡi dao găm không chuôi. Tang vật còn đẫm máu. Cán bộ trực trại sai "Cung Củ Đậu" lượm cất, để mai trình báo. Một hồi còi rít lên kèm theo mệnh lệnh toàn trại đi ngủ, cấm chỉ bàn tán huyên náo. "Cung Củ Đậu" oang oác truyền lệnh. Chúng tôi chui vô mùng, im thin thít.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn