BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73240)
(Xem: 62215)
(Xem: 39397)
(Xem: 31149)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Chàng Cao Bồi Họ Lục

03 Tháng Ba 201612:00 SA(Xem: 1973)
Chàng Cao Bồi Họ Lục
55Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
55
Đến xế chiều thì chàng ra khỏi khu rừng già. Con tuấn mã chưa tỏ vẻ gì mệt mỏi sau nửa ngày rong ruổi đường trường.

Nó vẫn phi mau. Chàng ghì cương, thúc mạnh chân vào bụng ngựa. Tên đầy tớ trung thành và kiên nhẫn hiểu ý chủ, phóng nước đại leo đồi. Lên tới đỉnh ngọn đồi trọc, chàng ghìm cương ngựa, buông lỏng cương, vỗ về :

– Mi sắp được nghỉ ngơi rồi con ơi ! Tha hồ ăn uống con nhé !

Con tuấn mã dơ cao hai chân trước, hí hí mấy tiếng vui mừng.

Không xa lắm, dưới chân đồi lác đác nhiều nóc nhà hứa hẹn có quán trọ cho cả người lẫn ngựa và “saloon” nhậu nhẹt. Chàng thắt lại chiếc khăn quàng cổ, rút súng kiểm soát đạn kỹ càng. Đoạn, theo thói quen, chàng quay súng vài vòng tuyệt diệu rồi, mới nhẹ nhàng tra súng vào bao. Huýt sáo một điệu nhạc của những kẻ chăn bò miền Tây, chàng cho ngựa chậm rãi xuống đồi.

Mặt trời đã xuống gần ngọn cây.

2-

Thị trấn mang một cái tên khá rùng rợn : “Tử Địa”. Cách đây mấy năm, vùng này còn hoang vu lắm. Nhưng từ ngày chính phủ dự định thiết lập con đường sắt xuyên Nam Bắc và đặt một nhà ga xép ở đây thì thiên hạ ùn ùn kéo nhau tới chiếm đất cư ngụ. Người ta hối hả dựng nhà cửa một cách sơ sài, hy vọng rằng khi xe lửa mang sự phồn thịnh đến, sẽ phá đi, kiến thiết lại.

Thoạt đầu, chỉ có người miền Bắc Nam phần, người miền Nam Trung phần và dân cư địa phương. Dần dần, bọn lái buôn Khờ-me dồn bò, luôn thể dồn cả bọn chăn bò sang, khiến thị trấn ồn ào trong vòng vô trật tự. Những gã chăn bò mặt mày hung ác, uống rượu đế như uống nước mía, bắn súng như điên, đua ngựa mù đường. May mắn là chúng chưa bắn chết một người nào nên cũng chẳng ai cần lo chuyện mướn “sê-ríp” cho thị trấn.

Ngày kia, có kẻ khám phả ra mỏ vàng. Tin ấy lan tràn rất nhanh. Người ta vội quên xe lửa, quên đường rầy, quên những toa sắt nặng nề, câm nín. Tâm hồn người ta rực lên vì viễn ảnh mới : vàng. Vàng, vàng, vàng. Khắp nơi nói chuyện vàng, hỏi thăm vàng… Dân tứ chiếng đổ xô về đây nuôi giấc mộng vàng. Họ không thất vọng. Túi đầy chất kim khí quyến rũ đó rồi, họ bắt đầu sợ bọn chăn bò Khờ-me. Họ góp tiền mướn “sê-ríp”. Thị trấn có một con mắt theo rõi kẻ bất lương. Văn phòng “sê-ríp”, tự nhiên, mọc gai trong tâm hồn cướp bóc của tụi Khờ-me. Rồi, bất thình lình, “sê-ríp” bị bắn sau lưng. Người ta mướn “sê-ríp” khác. Cứ thế, năm “sê-ríp” gửi năm xương tàn ở đất khỉ ho cò gáy này. Bọn chăn bò Khờ-me lộng hành. Chúng đặt ra pháp luật và trị dân bằng súng sáu.

Chẳng bao lâu chúng chia rẽ. Một nhóm theo tên Phong Lai, một nhóm theo tên Phong Thổ. Không muốn thanh toán anh, Phong Thổ kéo đồng đảng rút khỏi thị trấn, lập sào huyệt dưới chân một ngọn núi thuộc dẫy Trường Sơn. Bọn Phong Lai cai trị thị trấn rất khắc nghiệt. Chúng vơ vét, bóc lột tàn nhẫn. Đến nỗi, thị trấn tuy náo nhiệt mà không có kẻ lạ mặt nào dám lai vãng. Hễ ai tới là Phong Lai cho bộ hạ thủ liêu ngay. Thi trấn, vì vậy mang tên là “Tử Địa”.

Chàng kỵ mã trẻ tuổi, lạ mặt của chúng ta đã lọt vào thị trấn “Tử Địa”. Cho ngựa đi nước kiệu, chàng đưa mắt quan sát cảnh vật. Tới quán “Âm Hồn”, chàng dừng ngựa. Từ bên trong, âm nhạc kích động hòa với tiếng cười ầm ỷ chạy ào ra ngoài. Chàng mỉm cười. Buộc ngựa cẩn thận, chàng leo lên thềm quán, đẩy cửa bước vào.

Không khí đang tưng bừng, bỗng im lặng. Mọi người ngó chàng bằng những đôi mắt dò hỏi. Chàng ngạc nhiên, khẽ nhún vai rồi kiếm chiếc bàn trống gần góc quán. Treo mũ vào mắc, chàng lên tiếng :

– Một bình hoàng hoa, một miếng sườn nướng, tửu quán !

Tửu quán dạ một tiếng to. Hắn hối hả bưng rượu tới bàn của chàng. Chàng dục :

– Cho ngựa của ta ăn uống đầy đủ nhé, chú mình !

– Dạ !

– Hoàng hoa thứ thiệt hay thứ ba tầu Chợ Lớn đây ?

– Dạ, dạ thứ thiệt chính cống nhãn hiệu hoa vàng.

– Nướng miếng sườn còn tươi nghe. Nhớ giã nát hành, trộn tiêu, ướp nước mắm Phú Quốc và nướng cho khéo nhá !

– Dạ ! Thưa hiệp sĩ…

– Gì ?

– Thưa…

Tên bồi run rẩy khiến chàng cáu tiết :

– Thưa gì, ta đang đói đây !

Tên bồi ấp úng :

– Thưa ăn xong… xin mời… hiệp sĩ… lên đường ngay cho !

Chàng gắt :

– Tại sao ta phải lên đường ngay ?

– Thưa ở đây nhiều người bắn súng giỏi lắm ạ !

Chàng vỗ vai tên bồi, nhếch mép cười hơi kiêu ngạo :

– Đừng lo, chú mình, ta sẽ lên đường ngay.

Tên bồi giàu lòng nhân đạo sung sướng vì hắn tưởng vừa cứu sống được một mạng người. Kinh nghiệm những năm bán rượu cho tụi chăn bò dạy hắn ta rằng, hễ khách ăn uống xong mà chần chừ không chịu lên đường thì thế nào cũng bị khích bác đến phải đấu súng. Và đã rút súng, khó lòng thoát chết trước đồng bọn Phong Lai. Tên bồi đi khỏi, chàng gọi :

– Kích động nhạc chơi hài “Tuổi đôi mươi” đi !

Ban nhạc trố mắt nhìn chàng. Các cô ca sĩ, các cô chiêu đãi viên xanh mặt sợ hãi. Họ chờ đợi một sự hãi hùng sắp xảy ra. Bọn chăn bò Khờ-me có bốn đứa, từ nãy, vẫn thản nhiên ngôi chơi bài cào. Lúc này, một thằng đứng lên, vươn vai, ngáp, rồi trề môi trả lời chàng :

– Không có “Tuổi đôi mươi”“Tuổi tám mươi” khụ khị già cốc đế, ông bạn thích không?

Chàng lắc đầu. Tên chăn bò lững thững tiến về phía chàng. Nhiều người nốc cạn ly, vất tiền trên bàn, kéo nhau rời khỏi quán. Chàng búng ngón tay vào bình rượu, huýt sáo. Tên chăn bò nhào tới chàng, nắm chặt cánh tay trái của chàng, nham nhở hỏi :

– Mấy giờ rồi ông bạn ?

Chàng vén ống tay áo, nhìn đồng hồ nói :

– 6 giờ thiếu 20.

Tên chăn bò cười sặc sụa. Nó bô bô với đồng bọn :

– 6 giờ thiếu 20 rồi chúng mày ơi !

Nó khôi hài :

– Đồng hồ “oắt toe put, ăng ti ma nhê tích” đánh bốc thi bơi hẳn hòi.

Bỗng nó nín cười, giả vờ nghiêm trang hỏi chàng :

– Có “luy mi nơ” không ?

Chàng thản nhiên đáp :

– Có.

Tên chăn bỏ lại ôm bụng cười, nó trở về bàn của nó. Tên khác bắt chước bạn, rút thuốc lá ngậm miệng, nện giầy lộp cộp sang bàn chàng. Nó xăn lay áo, bất thần, chộp lấy ngực chàng, toét miệng cười, nháy mắt :

– Có diêm không ?

– Có.

– Thì mồi dùm điếu thuốc đi ông bạn !

Chàng móc túi đưa ra một que diêm đưa cho tên chăn bò. Nó hỏi :

– Hộp đâu ?

– Không có hộp.

– Thế quẹt bằng gì ?

– Quẹt bằng đế giầy.

Tên chăn bò hất hàm rất hỗn :

– Diêm Mỹ hả ?

– Không diêm Việt.

– Diêm Việt quẹt bằng đế giầy đâu có cháy ?

– Cháy mà !

– Nhỡ không cháy thì sao ?

Chàng nâng ly, tợp một hơi hoàng hoa tửu. Điệu bộ của chàng có vẻ như chàng không muốn sinh sự với ai. Chàng nói :

– Cháy mà…

Tên chăn bò dọa chàng :

– Không cháy thì biết tay nhau.

Nó nhấc gót giầy, quẹt lia lịa. Nhưng que diêm nhất định không thèm cháy. Chàng nhìn tên chăn bò đang sục sôi vì tức giận, rút một que diêm khác quẹt vào gót giầy của mình. Ánh lửa lòe cháy. Chàng mời tên chăn bò mồi thuốc. Nó ngạc nhiên hỏi chàng :

– Ông bạn có phép hả ?

– Không, chỉ có vỏ bao diêm dán ở gót giầy thôi.

Tên chăn bò “à” một tiếng thất vọng. Nó hơi xấu hổ, lỉnh về chỗ cũ. Chàng ngồi trầm ngâm bên bình rượu chờ sườn heo nướng. Thiên hạ vẫn hồi hộp đợi một pha gay cấn.

– Ê, tửu quán, sườn nướng gì lâu thế ?

Một tiếng nện chát chúa trên mặt bàn bọn chăn bò. Chai rượu đế vỡ tan tành. Tên chăn bò thứ ba khuỳnh tay đứng dậy. Nó trả lời thay tên bồi :

– Không có sườn nướng ở đây !

Chàng lễ phép nói :

– Thưa ông bạn, tôi có dám hỏi ông bạn đâu ?

Tên chăn bò nhổ nước miếng xuống nền nhà. Nó nhe răng, quệt ngón tay trỏ ngang miệng, văng tục :

– Đồ cóc chết, ai thèm bạn bè với mày !

Chàng dịu giọng :

– Ông làm ơn chỉ bảo giùm tôi phải xưng hô như thế nào ?

– Xưng hô hả ?

– Dạ.

– Có một cách xưng hô hay nhất.

– Xin ông cho biết ?

– Là im cái mồm hôi thối của mày đi !

Chàng gật gù cái đầu ra chiều phục thiện :

– Nhưng tôi vẫn được ăn sườn nướng chứ ?

– Mày không có quyền ăn sườn nướng.

– Nhỡ tôi cứ thích ăn sườn nướng thì sao ?

– Thì những viên đạn này bắn vỡ sườn mày ra.

Tên chăn bò Khờ-me cao hứng rút súng quay biểu diễn. Nó hỏi chàng :

– Chịu vỡ sườn hay chịu ăn sườn heo nướng?

Chàng lặng lẽ đứng dậy. Khoan thai tiến về phía quầy rượu. Bốn tên chăn bò, bộ hạ của tướng cướp Phong Lai, theo rõi chàng từng cử chỉ. Tên khốn nạn lập lại câu hỏi cũ:

– Chiu vỡ sườn hay chịu ăn sườn heo nướng ?

Chàng gọi tên hồi. Song sợ quá, tên bồi đã lủi đâu mất.

– Trả lời đi chứ, thằng chó chết kia !

Chàng đưa tay trái vuốt tóc. Rồi, với giọng của kẻ cả, chàng hỏi tên chăn bò :

– Chú mình năm nay bao nhiêu tuổi ?

– Mày hỏi làm gì ?

– Hỏi để biết trước khi ta chọn một trong hai thứ sườn.

– À, thằng chó chết này lớn gan dữ đa. Ông nội mày năm nay hai mươi tám tuổi.

– Hai mươi tám tuổi ! Uổng quá, chú mình còn trẻ quá.

– Đừng ba hoa, nào muốn sườn gì ?

Chàng rút thuốc, châm lửa. Thở một chiếc vòng tròn bay về phía tụi chăn bò. chàng quả quyết :

– Tôi chịu ăn sườn heo nướng !

Lập tức bốn tên chăn bò Khờ-me xô ghế đứng lên thủ thế. Chùng vờ không thèm chú ý. Tên khốn nạn dục :

– Rút súng di !

Chàng đùa :

– Chấp chú mình rút trước hai phút.

Tên chăn bò chạm tự ái, rút súng liền. Nhưng nhanh hơn nó chục lần, chàng đã kịp khạc đạn. Hai khẩu súng cơ hồ hai lần chớp lóe trên bầu trời đêm, vừa ra khỏi bao là nổ ngay bốn phát. Bốn phát khô khan. Không hơn không kém. Tên chăn bò hỗn xược thách thức ôm ngực chết tức tửi. Còn ba tên kia bị bắn vào cánh tay cảnh cáo. Trước khi tra súng vào bao, chàng quay súng đủ ba mươi kiểu khiến những tên chăn hbò Khờ-me lè lười khiếp phục. Chúng không ngờ chúng đã gặp người bắn nhanh của thời đại.

Các cô ca sĩ, các cô chiêu đãi viên lồm cồm bò dậy đứng ngẩn người chiêm ngưỡng chàng. Tên bồi trốn lủi đâu đây đã ló mặt. Chàng bảo nó :

– Ta vẫn thích ăn sườn nhe chú mình !

Ten bồi lăng xăng :

– Có ngay hiệp sĩ. Nhưng ăn xong hiệp sĩ nhớ lên đường đa !

Chàng cười :

– Ta nhớ.

Quay vô phía ban nhạc, chàng ra lệnh :

– Kích động nhạc chơi bài “Tuổi đôi mươi” đi !

Ban nhạc vâng lời chàng. Tiếng đàn, lời ca trỗi lên. Người ta ngạc nhiên nhưng người ta sung sướng vô kể. Chàng ngồi thoải mái ăn hết miếng sườn heo này tới miếng sườn heo khác. Hoàng hoa tửu đã vơi gần hại bình. Tên bồi lo ngại số phận chàng. Hắn ta tin rằng thế nào Phong Lai cũng đến tìm chàng rửa hận cho bộ hạ.

3-

Quả nhiên Phong Lai đến. Lúc hắn ta xô cửa xồng xộc bước vào, âm nhạc chết liền trong khoảnh khắc. Phong Lai râu rậm, mắt diều hâu. Trông hắn, người yếu bóng vía đủ quỵ rồi chứ đừng nói chuyện chống đối làm chi cho mệt. Thị trấn “Tử Địa” nằm dưới chân Phong Lai không cựa quậy nỗi, có lẽ, cũng nhờ cái tướng dã man của hắn.

Phong Lai cùng bộ hạ vừa làm ăn một chuyến lớn. Chúng đón đánh xe chở vàng của ông Thống đốc tiểu bang Hà Khê và bắt cóc ái nữ của ông định đem về làm vợ. Phong Lai đang vui mừng chiến công này thì nhận được tin bộ hạ của hắn bị một tay kỵ mã trẻ tuổi lạ mặt cho nếm đạn đồng. Phong Lai lồng lộn như cọp bị thương. Hắn phi ngựa như bay về thị trấn, xua quân vây quanh quán “Âm Hồn”.

Còn hắn, vốn mang giòng máu ngang tàng của thứ tướng cướp, hắn hiên ngang một mình tìm gặp kẻ thù.

Quán “Âm Hồn” hây giờ giống hệt bãi tha ma. Vắng đến độ mỗi bước đi của Phong Lai là mỗi bước vang vọng tâm hồn những kẻ ẩn nấp. Phong Lai đứng cách chàng hai chục tlurớc, hét lớn :

– Thằng khốn kiếp kia, mày ở đâu tới đây ?

Chàng điềm nhiên đáp :

– Ở quê hương cụ Đồ Chiểu.

Phong Lai đá tung ghế :

– Mày có biết đây là nơi nào không ?

– Không, biết làm cóc khô gì !

– Đồ mù, đây là vùng “Tử Dịa”, giang sơn tao tức quốc vương Phong Lai. Mày đến đây thì chỉ có chết.

Chàng trêu Phong Lai :

– Sống chết có số, lo gì ông Phong Lai.

Phong Lai nghiến răng ken hét :

– Tên mày là gì ?

– Tôi có làm “quốc vương” như ông đâu mà cần xưng tên.

– À, mày hỗn hả ? A lê, ra ngoài đường ông cho biết tay !

Chàng cười :

– Ra thì ra, ông thách tôi đấy nhé !

Phong Lai lùi dần, lùi dần tới cửa. Hắn chạy vội sang bên kia đường. Chàng chụp mũ lên đầu, nhét đạn vào súng rồi theo hắn ra. Tên bồi chạy đến níu lấy chàng, run rẩy nói thầm. Hắn cho chàng biết để đề phòng tên bộ hạ thân tín của Phong Lai chuyên môn bắn lén mỗi khi Phong Lai đấu súng tay đôi. Chàng vỗ nhẹ vai tên bồi tỏ vẻ cám ơn. Giây lát, chàng đã lạc vào vùng tử địa.

Trời mùa hạ nên, dù mặt trời đã lặn, vẫn còn sáng sủa. Nghe tin Phong Lai đấu súng với một hiệp sĩ lạ mặt, dân thị trấn lén xem. Từ các cửa sổ, từ các kẽ hở của những bức vách ván, hàng trăm con mắt hồi hộp theo rõi. Chàng bình tĩnh. Phong Lai một phút bốc đồng, dở thói “anh hùng cá nhân”, tưởng dọa kẻ thù chơi. Nào ngờ kẻ thù là đứa bướng bỉnh, thích đánh đu cùng súng đạn, nhận lời ngay. Đến phút cái chết treo trên sợi tóc này, Phong Lai mới biết mình dại. Nhỡ kẻ thù hạ chết thì ai lấy con gái mỹ miều của ông Thống đốc tiểu bang Hà Khê đây. Và ai sẽ ngự trị trên vùng “Tử Địa” ?

Phong Lai toát mồ hôi. Biết vậy, xua quân bắn phứa phựa, thế nào chẳng hạ nỗi thằng chết dấp kia. Nhưng đã hứa rồi, lùi bước chắc chắn sẽ bị bộ hạ cười thối óc. Mà tiến bước thì lòng dạ hoang mang. Phong Lai vừa đi vừa cầu nguyện. Tới điểm quyết định của cuộc đời, hắn dừng lại, quan sát vẩn vơ, ra lệnh ngầm.

Chàng ung dung bước. Cách Phong Lai hai mươi thước rồi mười lăm thước. Chàng rút súng. Tay trái bắn ngang, tay phải bắn thẳng. Hai tiếng nổ kết liểu hai mạng người. Một tên bắn lén hèn hạ và một tên tướng cướp khát máu. Thấy chủ tướng chết không kịp dẫy dụa, bọn chăn bò Khờ-me quăng hết súng xin hàng. Chúng chỉ chỗ nhốt hai thục nữ. Chàng băng nhanh đi giải thoát.

Trong chiếc xe song mã, có tiếng khóc thảm não. Chàng mở cửa xe và suýt ngất đi vì nhan sắc tuyệt vời của thục nữ. Chàng ngả mũ chào hỏi rất lịch sự :

– Xin hai cô cho biết quý danh và trường hợp bị Phong Lai bắt ?

Người thục nữ có nhan sắc tuyệt vời rút mùi xoa lau nước mắt, rồi kể lể :

– Tên em là Kiều Nguyệt Nga, còn con bé này là tỳ nữ của nhà em, tên nó là Kim Liên. Quê em ở quận Tây Xuyên nhưng cha em làm Thống đốc nhậm chức ở miền Hà Khê cách đây vài chục cây số.

Chàng nhìn Nguyệt Nga đăm đăm, khiến nàng e lệ. Nguyệt Nga nói nhiều, rất nhiều. Tiếng nói của nàng như những cơn gió mát thổi vào tâm hồn chàng. Chàng quên hẳn hình bóng của nàng Vũ Thái Loan nơi chân trời quê hương. Buổi tiễn chàng lên đường rong ruổi, nàng Thái Loan dặn đi dặn lại “Xin đừng tham đó bỏ đăng, Có lê quên lựu có trăng quên đèn” và chàng đã hứa rằng“… Như lửa mới nhen, Dễ trong một bếp lại chen mấy lò. Lòng người như bể khôn dò, Chớ ngờ Ngô Khởi hay lo Mài Thần”. Thế mà giờ đây, đứng trước Kiều Nguyệt Nga, chàng ngẫn ngơ vì tiếng nói ngọt ngào và mùi nước hoa “chanel” số 5 của nàng. Nguyệt Nga rút chiếc trâm cài đầu tặng chàng. Giọng oanh vàn thỏ thẻ :

– Em xin tặng hiệp sĩ vật nhỏ mọn này gọi là chút ơn đầu của em.

Chàng xua tay, lắc dầu :

– Thân nàng đáng giá ngàn vàng mà nàng đền ơn ta chiếc trâm không đầy năm lượng thôi à ?

Nguyệt Nga “thin” nết na lại. Nàng bối rối :

– Thưa… thưa… em chẳng còn gì hơn nữa. Hay mời hiệp sĩ theo em về nhà em rồi hiệp sĩ muốn gì em xin tặng đủ.

Chàng cười duyên dáng :

– Ta nói rỡn nàng đó. Tiếc rằng lời ăn nói khôi hài của ta kém tài bắn súng nên nàng tưởng ta thô lỗ phải không ?

Đôi mắt Nguyệt Nga sáng ngời, tim nàng rạo rực. Nàng nhìn chàng như muốn hứa hẹn một điều gì thật xa xôi nhưng thật gần gũi, thật mơ mộng nhưng thật thực tế : Nàng muốn kết duyên cùng chàng.

– Hiệp sĩ ăn nói có duyên lắm đấy chứ !

Chàng nghe nàng nịnh, sướng con ráy.

– Thật hả ?

– Dạ, thật.

– Nói dối thì chịu tội gì ?

– Dạ, tội gì cũng được.

Chàng trèo lên xe. Con Kim Liên nhanh trí khôn vội xuống, nhường chỗ cho chàng. Nó ước ao giá chàng mang theo một chàng tiểu đồng có phải đẹp biết mấy. Câu chuyện trên xe song mã nhỏ dần, nhỏ dần…

4-

… Đến khi tiếng ồn ào vây quanh xe, chàng mới giật mình tìm súng. Chàng hé mở cửa, Tim chàng đổi nhịp ngay. Vì đám đông chỉ là những người dân hiền lành của thị trấn “Tử Địa”. Thấy mặt chàng, họ hoan hô vang động. Chàng cúi thấp chào họ. Một người kính cẩn thưa :

– Xin hiệp sĩ cho biết tên.

Chàng khiêm tốn đáp :

– Thưa quý vị, tôi là Lục Vân Tiên !

Họ kể lể mọi nỗi niềm cay đắng dưới triều Phong Lai, họ ghi ơn chàng và cuối cùng van nài chàng ở lại nhậm chức “sê-ríp”. Nhưng Vân Tiên dứt khoát hẳn lập trường :

– Thưa đồng bào, tôi xin cám ơn đồng bào đã quá yêu mà bầu làm “sê-ríp”. Song tôi chì làm cách mạng chứ không thèm làm chính trị. Làm cách mạng là xử dụng khẩu súng cho thật “cừ” để bắn vỡ óc bọn độc tài, cường hào, ác bá, tướng cướp… Làm chính trị, làm “sê-ríp” tức là ham danh, thèm chức “sê-ríp” mà giết Phong Lai. Không, không bao giờ. Thay lời tức cụ Đồ Chiểu đã dạy tôi không nên làm chính trị. Đồng bào sẽ chọn người khác làm “sê-ríp”. Còn tôi, tôi lại lên đường với đôi súng thần tốc, nguyện vì đời mà làm cách mạng, ở đâu có độc tài, gia đình trị, ở đấy sẽ có Lục Vân Tiên này.

Kiều Nguvệt Nga nghe Lục Vân Tiên diễn thuyết, nở nang từng khúc ruột. Dân thị trấn “Tử Địa” cảm phục đức độ của chàng, hoan hô như điên. Một vị nhân sĩ phát biểu :

– Nhưng chúng tôi chưa có gì đền ơn nhà… cách mạng ?

Lục Vân Tiên búng, tav “tách” một cái. Nguvệt Nga hiểu ý, ngó đầu ra cửa xe. Sắc đẹp của nàng làm xẹp nhiệt tình của đám đông, làm rung lòng đám mầm non đợt sóng mới.

Vân Tiên kiểu cách :

– Thưa đồng bào, đồng hào khỏi cần lo ân huệ. Tôi đã có người trả ơn đây rồi.

Rồi để mặc đám đông ngơ ngác. Vân Tiên dục Kim Liên lên xe. Chàng cầm cương giật mạnh. Đôi ngựa chuyển bước. Một lát sau, người ta chỉ còn trông thấy một chấm nhỏ trên con đường cát đỏ bụi mù dẫn về Hà Khê.

Duyên Anh

(Mười ngày sau 1-11-63)
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn