BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73161)
(Xem: 62197)
(Xem: 39370)
(Xem: 31126)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Duyên Anh, Trong Tâm Tưởng

31 Tháng Mười Hai 201512:00 SA(Xem: 1967)
Duyên Anh, Trong Tâm Tưởng
51Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
51
Tôi vẫn nghĩ, muốn nói hay viết về một người nào cách trung thực, có lẽ, chỉ nên làm việc này khi người ấy đã nằm xuống. Với ý nghĩ đó, tôi viết về Duyên Anh, bạn tôi, người đã vĩnh viễn ra đi năm 1997.

 Tôi biết Duyên Anh những năm cuối thập kỷ 1960. Hồi đó, Duyên Anh đang tung hoành trên báo chí Sài gòn. Những bài viết trên Tuần Báo Con Ong, và các Nhật Báo Xây Dựng, Sống, v.v… của Duyên Anh, ký tên Thương Sinh, Nã Cẩu, Bếp Nhỏ, v.v… đã khiến độc giả, phần lớn là giới trẻ, say mê theo dõi. Đặc biệt, giới học sinh đã vô cùng yêu mến Duyên Anh khi anh chủ trương Tuần Báo Tuổi Ngọc, những năm đầu thập niên 1970.

Từ Đà lạt, tôi viết một vài ca khúc gửi Duyên Anh đăng báo Tuổi Ngọc; do đó, quen và thân với Duyên Anh. Những lần về Sài gòn, tôi hay đến thăm Duyên Anh ở 225 bis Công Lý. Vợ chồng Duyên Anh rất hiếu khách, thường giữ tôi ở lại ăn cơm. Phải công nhận là chị Duyên Anh, tuy là phụ nữ miền Nam, nhưng nấu món Bắc thật tuyệt vời. Ba con của Duyên Anh, các cháu Vũ Nguyễn Thiên Chương, Vũ Thiên Hương, và Vũ Nguyễn Thiên Sơn, rất ngoan và dễ thương.

Nói chuyện với Duyên Anh về quê hương Thái Bình, tôi kể cho anh nghe kỷ niệm những ngày cuối năm 1953, tôi cùng đơn vị, Tiểu đoàn Khinh quân 711, hành quân diệt địch tại các vùng ven biên thị xã Thái Bình. Sau mỗi đợt hành quân, tiểu đoàn kéo quân về thị xã, cho lính nghỉ xả hơi. Hồi đó, tôi là Trung Úy Đại đội trưởng, thường lái Jeep, cùng với mấy sĩ quan trong đơn vị, ra quán cà phê ngồi chơi. Tại đó, tôi gặp và nói chuyện với một số thanh niên 18, 20 tuổi, cũng đến quán uống cà phê. Một trong những thanh niên ấy, Nguyễn Thịnh, đưa cho tôi xem bản Ươm Mơ, một tình khúc Thịnh vừa sáng tác.

Hai mươi năm sau, nghe tôi kể lại chuyện này, Duyên Anh cho tôi biết, anh là bạn thân của Nguyễn Thịnh; và cũng chính Nguyễn Thịnh là người đã khai sinh bút hiệu Duyên Anh. Anh cũng từng ra ngồi quán cà phê đó, và rất ngưỡng mộ mấy sĩ quan Việt Nam trẻ tuổi mà anh có dịp nói chuyện. Rất tiếc, ngày ấy, Duyên Anh và tôi chưa có duyên quen nhau, để biết nhau nhiều hơn.

Sống nhiều năm ở Đà lạt, tôi ít có dịp gặp Duyên Anh, nhưng tình thân vẫn gắn bó. Mỗi lần về Sài gòn, tôi đến thăm bạn, mang theo chai rượu chát. Chị Duyên Anh lại có dịp trổ tài làm món nhậu cho chúng tôi.

Năm 1974, tôi xuất bản tập ca khúc Gọi Người Yêu Dấu, Nhạc Tình Vũ Đức Nghiêm. Duyên Anh đề tựa tập nhạc này, ân cần giới thiệu bằng lời văn thắm thiết vô cùng.

Sau tháng tư 75, Cộng Sản cưỡng chiếm miền Nam. Tôi ngậm ngùi đến thăm Duyên Anh, và từ biệt bạn, trước ngày trình diện đi tù. Chiếc xe Pinto còn rất mới của Duyên Anh, phủ vải bạt, nằm im lìm trong sân. Thấy tôi nhìn chiếc xe, Duyên Anh khẽ nói: "Có lẽ, mình sẽ cho nó một mồi lửa!" Tôi dè dặt: "Cậu làm thế, tụi nó không để cậu yên đâu."

Sau hơn 13 năm tù, tháng 9, 1988, tôi được trả tự do. Về tới Sài gòn, được tin Duyên Anh bị hành hung đến tàn phế, tôi xót xa vô cùng. Nhất là khi được biết, trước đó vài năm, anh đã viết một bài thật cảm động, Lãng Mạn Ngục Tù, về tôi, như "một biểu tượng sĩ quan trong sạch và oan khiên nhất của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa", trong đó anh lên án giới lãnh đạo Hà nội về chính sách áp dụng ở miền Nam của họ:

"Người Cộng Sản khoe chủ nghĩa của họ ưu việt, cái nôi của loài người. Thực ra, họ lạc hậu và ngu xuẩn. Cộng Sản Việt Nam chỉ là một bọn trả thù vặt và hèn hạ. Thủ phạm chiến tranh 20 năm ở Việt Nam là Mỹ, họ quả quyết thế. Họ chỉ dám xử tội Mỹ bằng mồm, và vẫn van lạy xin theo Mỹ. Còn sĩ quan của chúng ta là nạn nhân của chiến tranh ý thức hệ chó má hay là những kẻ gây ra máu lửa, những tội đồ của chiến tranh? Tại sao Cộng Sản Việt Nam bắt nhốt họ, đầy đọa họ hơn 10 năm ròng rã? Bọn cai thầu chiến tranh đang phè phỡn ở Mỹ, không bắt được chúng, Cộng Sản Việt Nam giận cá chém thớt. Nếu Cộng Sản Việt Nam còn một chút liêm sỉ tối thiểu, thì họ phải thả hết các sĩ quan Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa khỏi các trại tập trung khổ sai lao động. Những sĩ quan hôm nay còn nằm tù chỉ vì đã có dĩ vãng trong sạch, và nghèo. Tôi biết đích xác nhiều sĩ quan bị Cộng Sản liệt vào thành phần ác ôn như sĩ quan cảnh sát đặc biệt, trung ương tình báo, v. v… được trả tự do sớm sủa, được cấp xuất cảnh sang Âu Châu, Mỹ Châu xum họp gia đình, đều đã nộp vàng, và dâng hết tài sản cho Cộng Sản để được ra đi. Vũ Đức Nghiêm, vợ buôn thúng bán bưng nuôi con, nuôi chồng tù, lấy tiền đâu nộp cho Cộng Sản ?…."

Duyên Anh đã kết luận Lãng Mạn Ngục Tù bằng lời kêu gọi và thách thức đanh thép:

"Người Cộng Sản Phạm Văn Đồng, Trường Chinh, Lê Duẩn, Tố Hữu! Tôi đã trình bày chính xác con người trung tá Vũ Đức Nghiêm và con người nghệ sĩ Vũ Đức Nghiêm. Cả hai con người trong một con người đều vô tội! Tôi xin ghi lại một câu chưa rõ nghĩa: "Khi một con người hành hạ một con người mà nó thấy con người bị nó hành hạ thương hại nó, tha thứ cho nó, nó còn dám hành hạ thêm không?" Các ông trả lời " Hành hạ tiếp, thê thảm hơn." Tôi ghê tởm các ông! Các ông trả lời "lòng các ông chùng xuống". Thành thật cám ơn, và xin - tôi nhấn mạnh tôi xin - các ông hãy thả Vũ Đức Nghiêm ra, thả hết các nhà văn, nhà thơ ra khỏi ngục tù. Thả ra, thả hết họ ra, tôi sẽ công khai bày tỏ lòng cảm phục thái độ của các ông…"

Tháng 11, 1990, biết tôi đến Mỹ, Duyên Anh từ Texas gọi điện thoại sang thăm tôi. Đang chuyện trò tâm sự, thì có tín hiệu trong máy. Tôi xin lỗi Duyên Anh và bấm flash để nói chuyện với đường giây thứ hai. Nhưng sau khi nói xong vài câu, tôi quay trở lại đường giây cũ, thì Duyên Anh đã buông máy. Tôi không biết Duyên Anh đang ở số điện thoại nào để gọi lại anh. Sau đó, Duyên Anh không gọi lại cho tôi nữa. Tôi cứ ân hận mãi, vì biết bạn giận mình, mà không làm sao gọi xin lỗi được. Mãi đến tháng 8, 1992, tôi mới có dịp sang Pháp, gặp Duyên Anh. Thấy bạn bị tàn phế, lòng thương cảm vô cùng. Tôi đề cập tới mấy lời đồn đại về Duyên Anh trong những ngày tháng lao tù, và bày tỏ lòng tin tưởng của mình nơi sĩ khí của bạn. Tôi bảo Duyên Anh, chắc là những người ghen ghét anh đã thêu dệt để nói xấu anh mà thôi. Duyên Anh bùi ngùi "Cám ơn anh đã không nghĩ xấu về tôi. Tôi bị liệt tay phải, nay tôi viết bằng tay trái; VÌ TAY TRÁI Ở GẦN TIM TÔI HƠN". Suốt bữa ăn trưa ở vườn nhà Vũ Đức Anh, thành phố Villeneuve Leroi, Duyên Anh không ăn gì, chỉ uống rượu chát. Tôi can anh không nên uống quá nhiều, nhưng Duyên Anh chỉ cười.

Tháng 8, 1995, tôi đến chơi nhà Vũ Trung Hiền và gặp Duyên Anh ở đấy. Ba anh em chúng tôi ăn với nhau một bữa tối giản dị, với cơm nóng và rau muống cắt ở sau vườn nhà, xào lên với tỏi.

Tháng 10, 1996, Duyên Anh lên San José, phổ biến tác phẩm Hồn Say Phấn Lạ của anh. Biết Duyên Anh ngồi ở quán ăn của Sao Biển, đường Alvin, tôi đến gặp anh khoảng 9 giờ sáng. Quán vắng. Anh ngồi một mình một góc bàn. Tôi mua ủng hộ một bộ sách. Duyên Anh ký tên xong, tôi hỏi anh buổi tối ngủ ở đâu, anh bảo ngủ ở nhà Vũ Bình Nghi. Tôi rủ anh đi ăn trưa với tôi, Duyên Anh nói không được, vì buổi trưa có hẹn với bạn ở quán Sao Biển rồi.

Chẳng ngờ, đó là lần cuối cùng được gặp Duyên Anh.

Đến nay, Duyên Anh đã ra đi được gần ba năm rồi. Khi viết lại mấy dòng này, gọi là để tưởng niệm Duyên Anh, tôi bồi hồi nhớ lại những kỷ niệm vui buồn với anh. Đọc lại những gì anh đã viết về tôi trong Lãng Mạn Ngục Tù, tôi ứa nước mắt. Đã có mấy ai hết lòng vì bạn, như Duyên Anh đã đối với tôi?

Điều làm tôi quan tâm nhất là những dư luận về Duyên Anh trong thời gian ở tù Cộng Sản. Tôi biết chắc, Cộng Sản là những người quỷ quyệt, rất giỏi kỹ thuật ly gián, gây mâu thuẫn trong vòng kẻ thù của họ. Chắc chắn, chính cộng sản đã mớm những tin đồn về Duyên Anh cho những người ghen ghét anh, để dùng chính những người này hạ uy tín của anh.

Trong tâm tưởng tôi, hình ảnh Duyên Anh vẫn là một chiến sĩ đả cộng dũng mãnh nhất, với hàng chục tác phẩm lẫy lừng, đánh thốn tim những người cộng sản.

Tôi hy vọng, những người bạn tù ở chung trại với Duyên Anh, một lúc nào đó, sẽ lên tiếng, làm sáng tỏ trường hợp Duyên Anh, đánh tan những hiểu lầm, cùng những điều xuyên tạc về tư cách của anh, để bảo vệ danh dự cho một nhà văn đã đi vào lịch sử văn chương, và văn hóa dân tộc.

San José, 31 tháng 12, 1999
Vũ Đức Nghiêm
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn