BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73355)
(Xem: 62245)
(Xem: 39432)
(Xem: 31177)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Vũ Trung Hiền Phỏng Vấn Lê Quý An

31 Tháng Mười Hai 199912:00 SA(Xem: 2106)
Vũ Trung Hiền Phỏng Vấn Lê Quý An
51Vote
40Vote
30Vote
20Vote
11Vote
32
Giáo sư Lê Quý An, giám đốc cơ sở Avitek Trang Châu, là một trong những người bạn thân của Duyên Anh từ thuở còn chân ướt chân ráo vào Nam, cùng ở Nhà Hát Tây (nằm ngay góc đường Tự Do-Lê Lợi, về sau trở thành nơi họp của Hạ Nghị Viện, Việt Nam Cộng Hòa) với nhau.

Lê Quý An cũng là người cùng đi ăn với Duyên Anh và Trần Đình Thục tại quán Ngân Đình, buổi trưa định mạng 30 tháng 4, 1988.

Sau thời gian dài giữ yên lặng, vì nhiều lý do, ông Lê Quý An đã quyết định lên tiếng, để cho biết tất cả những gì mình đã chứng kiến, cùng những nhận định riêng của ông về vụ hành hung Duyên Anh.

VTH: Thưa giáo sư Lê Quý An, xin ông vui lòng cho biết những gì đã xảy ra từ lúc ông cùng đi với họa sĩ Trần Đình Thục và nhà văn Duyên Anh đến khu Bolsa Mini Mall.

LQA: Hôm đó, Duyên Anh gọi tôi lúc 9 giờ sáng, hẹn gặp tôi lúc 10 giờ tại thương xá Lê Lợi, gần nhà hàng Song Long, để đi chơi với anh. Đúng hẹn, tôi đến nơi, gặp Duyên Anh đi cùng với họa sĩ Trần Đình Thục và người em trai của anh Thục. Chúng tôi nói chuyện với nhau chừng mười phút, rồi tất cả cùng lên xe của anh Thục, lái vòng quanh khu phố Bolsa, để Duyên Anh ngắm sinh hoạt của Little Saigon. Xe chạy từ khu Song Long tới Magnolia thì vòng lại, qua khu Phước Lộc Thọ, dọc theo đường Bolsa hướng về phía đường Euclid, Harbor, Fairview. Cuối cùng, gần 12 giờ trưa, tôi mời Duyên Anh và anh em Trần Đình Thục đi ăn trưa. Tôi đưa ra một loạt các món ăn tiêu biểu của địa phương, như bò 7 món Pagolac, cơm phần kiểu Bắc ở nhà hàng Nguyễn Huệ, cơm Tầu ở Đồng Khánh… Duyên Anh đề nghị món bún chả, và chúng tôi đồng ý sẽ ăn món này ở nhà hàng Ngân Đình.

Tới đây, tôi xin được nói sơ qua về tình hình chính trị lúc bấy giờ trong cộng đồng Việt Nam ở Mỹ, cũng như tại quận Cam.

Ở thời điểm 1988, chuyện chuyển tiền, gửi quà, và du lịch về Việt Nam là những điều người tị nạn không thích, và dễ gây phẫn nộ. Lúc ấy vẫn còn là thời đại vàng son của mặt trận Hoàng Cơ Minh. Phong trào này có nhiều thành viên mặc áo nâu, rất sùng tín. Tôi có một người bạn thân từ hồi học cùng lớp đệ nhị, đệ nhất Chu Văn An, Saigon, anh PHC, một trong những nhân vật lãnh đạo Mặt Trận ở Houston, tiểu bang Texas. Khi biết tin Võ Đại Tôn về nước mưu chuyện phục quốc, và sa vào tay giặc, anh C. chẳng những không thương xót, mà lại còn có những lời lẽ coi thường, mặc dù anh biết, không những tôi, mà đa số đồng bào hải ngoại lúc ấy, coi trọng, và ủng hộ việc làm của anh Võ Đại Tôn…

VTH: Thưa ông, tôi xin phép được ngắt lời ông. Chuyện ông PHC và ông Võ Đại Tôn có liên hệ gì đến Duyên Anh không?

LQA: Liên hệ trực tiếp thì không. Tôi chỉ muốn kể lại chuyện này, để nói lên sự kiện là vào thời điểm ấy, Mặt Trận chỉ muốn mọi người biết đến họ thôi. Họ không muốn cho ai, hay tổ chức nào nổi hơn họ hết.

Riêng ở quận Cam, không khí ngột ngạt hơn, khi chủ nhiệm Việt Press, anh Nguyễn Tú A, công khai đi về Việt Nam làm ăn, và viết bài tường thuật chuyến đi trên báo của mình.

Tôi cũng được biết, trước khi đến quận Cam, Duyên Anh có dừng chân tại San Francisco, cư ngụ ít ngày ở nhà bác sĩ Bùi Duy Tâm, người đã chủ trương hủy bỏ bản quốc ca Việt Nam Cộng Hòa, do nhạc sĩ cộng sản Lưu Hữu Phước làm từ thời chống Pháp, và dùng bài Việt Nam, Việt Nam của Phạm Duy để thay thế. Có thể Duyên Anh không biết là việc anh liên hệ với nhóm của Bùi Duy Tâm đã rất bất lợi cho anh; bởi vì đa số dư luận lúc ấy phẫn nộ với chủ trương của nhóm này.

Cũng trong thời gian đó, một số bài phiếm luận của Duyên Anh trong mục Phép Phù, báo Ngày Nay ở Kansas, đã đụng chạm tới Mặt Trận và một số tướng lãnh Việt Nam Cộng Hòa, mà anh cho là bất xứng. Ngoài ra, còn có vụ Tạ Tỵ, Mai Thảo, và một số người cầm bút bới móc những chuyện liên quan đến Duyên Anh trong thời gian tù tội. Duyên Anh đã phản pháo dữ dội những người này trong các bài viết và tác phẩm của anh.

Tóm lại, thời điểm 1988, riêng tại quận Cam, tình hình rất bất lợi cho Duyên Anh …

VTH: Xin ông vui lòng trở lại câu hỏi của tôi về buổi sáng 30 tháng tư, 1988.

LQA: Vâng, khi chúng tôi về tới Bolsa Mini Mall, thì vừa lúc gặp đoàn biểu tình tuần hành trên đường Bolsa, với khí thế chống Cộng hăng say vô cùng. Mọi người hô vang "Boycott, Boycott Vietnam", "Đả Đảo Cộng Sản Việt Nam". Xe chúng tôi phải chờ đoàn biểu tình đi qua, trước khi quẹo vào khu Bolsa Mini Mall. Tôi nhìn thấy trong ban an ninh của đoàn biểu tình có một số thành viên của Mặt Trận đang hướng dẫn và chỉ huy những người biểu tình.

Chờ đoàn người đi qua hết, xe chúng tôi tiến vào khu thương xá, bên cạnh khu vực có phòng chụp quang tuyến của bác sĩ Nguyễn Mạnh, ngã tư Bolsa và Bushard.

Trên đường đi bộ tới nhà hàng Ngân Đình, Duyên Anh gặp nhà văn Mai Thảo, và hai ông bạn của Mai Thảo, là bác sĩ, kiêm nhà văn Ngô Thế Vinh, tác giả " Vòng Đai Xanh", và bác sĩ Nguyễn Mạnh. Duyên Anh dừng lại, nói chuyện với những người này một lúc lâu.

Tôi ngạc nhiên, vì biết giữa Mai Thảo và Duyên Anh đã có những đụng chạm, chỉ trích lẫn nhau trên báo chí, sách vở; sao bây giờ gặp nhau lại đứng nói chuyện, như chưa hề có việc gì xảy ra.

Lúc chia tay, hai người còn hẹn hò ngày mai gặp nhau, cùng ăn nhậu. Mai Thảo dặn Duyên Anh "ngày mai mang rượu lại, có món giả cầy đấy."

Đến cửa nhà hàng Ngân Đình, bên trong đông khách quá, chúng tôi phải đứng chờ. Tôi nói chuyện gẫu với Duyên Anh. Tôi nói "Ông và Mai Thảo đụng chạm nhau trên sách vở, tôi thấy ghê quá. Ở trường hợp tôi, nóng quá, thì thượng cẳng tay, hạ cẳng chân, rồi bỏ qua, chứ viết vào sách vở làm chi, lưu xú vạn niên, khó rửa lắm!"

Duyên Anh trả lời "Bọn chúng nó dựng chuyện, tấn công tôi, tôi phải tự vệ, và trả đòn chứ? Tôi cũng biết như vậy là không phải, nên khi đến Mỹ, tôi đã bảo nhà xuất bản Xuân Thu đục bỏ mấy đoạn ấy đi, nhưng nó nói sách đã gửi đi in ở Đài Loan rồi, không sửa được"…

VTH: Ông nghĩ thế nào về lời giải thích ấy?

LQA: Tôi cho rằng đó là cách nói của nhà xuất bản thôi. Đối với họ, sách càng chửi bới nhau, họ càng hốt bạc. Phương châm của họ là "sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi" thôi.

VTH: Xin ông kể tiếp. Đã đến đoạn mọi người vào trong nhà hàng rồi.

LQA: Vâng, tôi quên chưa kể là trước lúc bước vào Ngân Đình, tôi có đi ngang qua tiệm phở gà Bolsa, thấy mấy thanh niên hướng dẫn trật tự cho đoàn biểu tình ngồi trong đó. Tôi coi là thường tình thôi, không để ý gì. Đến khi ngồi vào chỗ rồi, tôi linh tính có điều gì không lành, vì trước đó mấy tháng, trong một buổi nói chuyện tại đại học San Francisco, do bác sĩ Bùi Duy Tâm tổ chức cho Duyên Anh, ban tổ chức đã phải bảo vệ cho Duyên Anh lúc ra về. Do đó, tôi để Duyên Anh ngồi sát tường, tôi ngồi phía ngoài, bên cạnh lối đi, đối diện là hai anh em họa sĩ Trần Đình Thục.

Chúng tôi ăn xong lúc hơn 1 giờ chiều. Bước ra khỏi tiệm, hai anh em Trần Đình Thục đi đầu, tôi và Duyên Anh đi sau.

Vừa ra khỏi cửa tiệm ăn, tôi gặp một nhóm 5, 6 thanh niên đã đứng chờ sẵn. Họ chào tôi, tôi cũng vui vẻ gật đầu chào lại, rồi đi luôn. Tới sát mặt đường Bolsa, Trần Đình Thục quay lại, dặn tôi đưa Duyên Anh đi chơi tiếp, rồi đến chiều, đưa Duyên Anh trả lại nhà Thục. Tôi đồng ý.

Anh em Thục chia tay chúng tôi, đi được một quãng, tôi nghe tiếng chân chạy "huỳnh huỵch" phía sau lưng. Hai thanh niên vượt lên, một người vỗ vai Duyên Anh, để anh đứng lại. Tôi nghĩ người đó là độc giả của Duyên Anh, muốn thăm hỏi gì đó, nên tôi cứ tiến bước, và chờ anh đi tiếp. Bỗng thanh niên thứ hai trờ tới, dang tay lấy thế, đấm thật mạnh vào màng tang bên trái của Duyên Anh; rồi thanh niên này đứng tấn, và móc tay trái một quả nữa vào mũi Duyên Anh. Tôi thấy Duyên Anh từ từ té xuống như cây chuối đổ, không kịp la một tiếng nào hết. Máu từ mũi anh bắt đầu chảy ra.

Phản ứng tự nhiên, tôi dậm chân, và hét lớn "Sao các cậu đánh người ta thế này?" và kêu lên "Thục ơi, chúng nó đánh Duyên Anh!"

Trần Đình Thục nghe tôi la, bèn lật đật quay trở lại, cùng tôi đuổi theo tên thanh niên đấm Duyên Anh. Tên này cắm đầu chạy thật nhanh, chúng tôi đuổi không kịp. Sẵn có máy ảnh, Trần Đình Thục chụp lia lịa mấy tấm, nhưng chỉ chụp được phía sau lưng tên đã đấm Duyên Anh, và một tấm khác, hình các thanh niên bỏ chạy, tay còn cầm lá cờ vàng ba sọc đỏ bằng giấy, khổ cuốn vở. Khi thấy Duyên Anh bị đấm hai quả, tôi cho là nhẹ thôi, nên cố xốc anh đứng lên. Nhưng Duyên Anh như cây chuối đổ bật rễ, không đứng dậy được nữa. Tôi nhìn quanh, trong tư thế bảo vệ, e rằng nhóm thanh niên quá khích có thể quay lại, dùng dao và súng ám hại Duyên Anh. Lúc ấy, tôi chỉ lo bảo vệ Duyên Anh, không dám rời anh để đuổi theo bọn thanh niên tháo chạy vào khu Bolsa Mini Mall. VTH: Theo ông, cá nhân hay phe nhóm nào đã đứng đằng sau vụ hành hung này, và họ nhắm đạt được mục đích gì?

LQA: Tôi nghĩ, đây chỉ là một hành động nông nổi, tức thời của nhóm thanh niên quá khích. Rất có thể, trong lúc chúng tôi đang ngồi trong Ngân Đình, một người nào đó thù ghét Duyên Anh, đã rỉ tai mấy thanh niên ấy, đại khái "có thằng làm việc cho Việt Cộng từ Paris tới đó". Trong bối cảnh căm thù Cộng Sản sôi sục hôm ấy, phản ứng của nhóm thanh niên cũng là tự nhiên thôi. Điều không may, là Duyên Anh đã có mặt tại địa điểm ấy, ngay vào thời điểm đó. Tôi cho rằng, nếu không phải Duyên Anh, mà là Nguyễn Tú A lai vãng khu Bolsa Mini Mall lúc ấy, thì cũng đã bị hành hung rồi.

VTH: Ông có cho là Việt Cộng đứng đằng sau vụ này không?

LQA: Tôi thấy, dù Việt Cộng coi Duyên Anh là kẻ tử thù của họ, họ không trực tiếp hành hung Duyên Anh hôm đó đâu. Chỉ là cảnh "quân ta đánh lầm quân mình" thôi.

VTH: Nhưng ông có nghĩ là dù không trực tiếp hành hung Duyên Anh, Việt Cộng đã tung tin bẩn về Duyên Anh, nhằm cô lập anh với những người Việt quốc gia chống Cộng Sản không, đưa đến vụ hành hung ấy không?

LQA: Dĩ nhiên rồi. Ly gián kẻ thù, tạo mâu thuẫn cho kẻ thù đánh lẫn nhau, vẫn là ngón nghề của Việt Cộng mà.

VTH: Theo ông, thì vì sao các cơ quan an ninh và điều tra Hoa Kỳ đã không thành công trong việc tìm ra thủ phạm hành hung Duyên Anh?

LQA: Sau khi Duyên Anh bị hành hung, cơ quan an ninh Hoa Kỳ đã gặp tôi nhiều lần, lần nào họ cũng đưa ra những cuốn album hình những người, mà tôi nghĩ, thuộc thành phần bất hảo; và hỏi tôi có nhận ra kẻ nào đánh Duyên Anh không. Tôi cố gắng gợi lại trí nhớ, nhưng không nhận ra được người nào cả. Tôi nghĩ, người đánh Duyên Anh không phải thuộc thành phần bất hảo, chỉ là một người cực đoan về phương diện chính trị thôi; vì bị khích động, mà hành động như thế thôi.

Ba tháng sau, tôi ghé lại cơ quan an ninh, hỏi họ đã điều tra đến đâu rồi. Người đại diện cơ quan cho tôi biết, họ đã ngưng cuộc điều tra vì: Thứ nhất, cộng đồng Việt Nam muốn quên chuyện này đi rồi, rất ít người bằng lòng hợp tác với họ. Thứ nhì, nạn nhân Vũ Mộng Long đã kín đáo, và âm thầm về Pháp, nên nếu có bắt được thủ phạm, cũng không có ai khởi tố vụ này cả. Họ bảo mọi chuyện tạm gác lại; khi nào ông Vũ Mộng Long trở lại Mỹ, sẽ tính sau…

VTH: Ông có lần nói đến việc người ta đã từ chối, không giúp ông điện thoại, gọi xe cấp cứu Duyên Anh. Xin ông cho biết chi tiết hơn được không?

LQA: Vâng. Khi tôi xốc và vực Duyên Anh vào nằm ở vỉa hè, trước cửa phòng quang tuyến của bác sĩ Nguyễn Mạnh, cả khu phố lúc ấy đã náo động lên, vì cảnh người hành hung người kinh khủng quá. Chắc chắn những người ngồi trong đó, đều phải biết tin này rồi. Nhưng khi tôi lật đật kéo cửa phòng, nhờ cô thư ký bấm 911, gọi cảnh sát và xe cứu thương tới, cô ta từ chối, và bảo tôi ra tìm điện thoại công côäng mà kêu.

Duyên Anh nằm bất động ở vỉa hè, bên ngoài cửa phòng quang tuyến, mà không được săn sóc gì cả, trong khoảng thời gian dài, có thể từ 20 phút đến nửa giờ sau, xe cứu thương mới tới. Đây có thể là lý do khiến tình trạng thương tật của Duyên Anh nặng nề thêm.

VTH: Ban nãy, ông có nói về hai ông bác sĩ đã cùng nhà văn Mai Thảo đứng nói chuyện với nhà văn Duyên Anh, trước khi Duyên Anh và ông vào quán ăn. Theo ông, vì sao họ đã ngồi yên trong văn phòng, không ra giúp đỡ hay ngó ngàng gì đến Duyên Anh đang nằm gục bên ngoài?

LQA: Sau một lúc kiếm không ra điện thoại công cộng, Trần Đình Thục chạy vào bên trong văn phòng, cầu cứu hai ông bác sĩ. Trần Đình Thục đã gặp hai ông bác sĩ đang ngồi nói chuyện với nhau. Tại sao họ không bước ra bên ngoài, làm đúng theo tinh thần "cứu nhân độ thế" của người lương y, tôi không thể hiểu được. Tôi cố hiểu, mà không thể nào hiểu được, vì trước đó, chừng hơn một tiếng đồng hồ, họ đã đứng nói chuyện vui vẻ với Duyên Anh và Mai Thảo.

VTH: Câu hỏi chót, ông nghĩ thế nào về sự ra đi vĩnh viễn của Duyên Anh? Ông có kỷ niệm thân thiết nào với Duyên Anh không?

LQA: Là một trong những bạn thân của Duyên Anh từ thuở mới trôi dạt vào Nam, lúc còn hàn vi làm bạn với nhau, tôi tự hào có người bạn văn nghiệp lừng lẫy như anh. Duyên Anh qua đời là một mất mát lớn cho văn học Việt Nam. Riêng cá nhân tôi, khi nghe tin Duyên Anh mất, tôi đã sững sờ, và bật khóc khi gọi điện thoại, báo tin ngay cho những người bạn thân của anh, như Cao Thế Dung ở Washington DC, Phạm Ngọc Quế ở Sacramento, Trần Minh Công ở Santa Ana... Kỷ niệm thân thiết, thì tôi nhớ đến những lần lái xe 6 tiếng, từ Hòa Lan sang Paris thăm Duyên Anh, khoảng thời gian 1983-1985, khi tôi còn ở Âu Châu. Đã hẹn sẵn qua điện thoại, tôi thường chờ Duyên Anh ở trạm xe điện ngầm khu Paris quận 13. Chúng tôi ăn uống, chuyện trò tâm sự với nhau nhiều lần ở quán Đào Viên. Chúng tôi chia xẻ với nhau bao kỷ niệm, chuyện quá khứ, dự tính tương lai, nhắc đến những bạn bè, như Dương Hải Trân, Vũ Thế Bắc, Phạm Ngọc Quế, Nguyễn Hữu Thúy, Nguyễn Trọng Thủy,… kẻ còn người mất, trôi dạt khắp bốn phương trời. Duyên Anh ra đi rồi, tôi thương tiếc lắm, và chỉ còn biết cố gắng làm xong một vài việc anh đã giao phó lúc còn sống thôi.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn