BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73233)
(Xem: 62214)
(Xem: 39392)
(Xem: 31148)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Người Cầm Bút và Bạo Lực

12 Tháng Mười Một 201512:00 SA(Xem: 1917)
Người Cầm Bút và Bạo Lực
54Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
54
 Đến từ bất cứ phía nào, do bất cứ ai, nhân danh bất cứ cái gì, bạo lực phóng xuống người cầm bút, ở bất cứ không gian và thời gian nào đều khốn kiếp. Bản chất của bạo lực vốn đã khốn kiếp ngay cả trường hợp bạo lực đối diện bạo lực. Văn hào V.C. Ghorghiu chống phát xít, nhưng khi thấy những kẻ chống phát xít tàn bạo hơn phát xít, Ghorghiu vẫn chống phát xít, đồng thời chống luôn những kẻ chống phát xít. Người cầm bút nhân bản ấy đã tự chọn một thái độ sống, thái độ viết. Và thái độ của ông đã dẫn ông vào con đường oan khiên. Ông bị cái quá khích giai đoạn dầy vò, hất hủi. Cuộc đời nhỏ mọn chụp lên đầu ông thứ mũ thân phát xít. Ông hoàn toàn cô đơn dù tín hiệu của Giờ thứ hai mươi lăm, của Niềm may thứ hai, của Kẻ ăn mày phép lạ đã rạch một vệt sáng trên nền trời u ám trong đang độ chiến tranh ý thức hệ. Vệt sáng của 40 năm qua chói lọi hơn: Văn minh kỹ thuật và văn minh chính ủy không đủ khả năng tạo hạnh phúc cho loài người. Ghorghiu dùng trực giác nói lên một sự thật. Rốt cuộc, văn hào đành khoác áo tu hành, rao tin mừng ở giáo đường để quên lãng những bãi nước miếng đã khạc nhổ vào mặt mình về tội chống bạo lực đến từ bất cứ phía nào.

Nhà văn Nhượng Tống (l ) bị ám sát ờ bờ hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội. Ông là nhà văn tài hoa của dân tộc, là người cầm bút thứ nhất bị bạo lực khu trừ. Đến bất cứ phía nào, do bất cứ ai, nhân danh bất cứ cái gì thì những viên đạn găm vào thân thể nhà văn Nhượng Tống cũng chỉ là những viên đạn bẩn thỉu không vinh danh chủ nghĩa ưu việt, không vinh danh lãnh tụ vĩ đại. Bạo lực đã vinh tôn người cầm bút. Trên tất cả, Nhượng Tống là nhà văn. Hình tưởng một nhà văn gầy yếu, võ khí chỉ có ngòi bút, suốt đời chiến đấu cho Sự Thật, Cái Tốt, Cái Đẹp; cho sự gần gũi con người; cho hòa bình và hạnh phúc của loài người. Hình tưởng một nhà văn thao thức trong cô đơn, quằn quại trong túng thiếu, nhả những sợi giây máu tâm tưởng cống hiến cuộc đời. Và hình tưởng đám côn quang của chủ nghĩa, lũ lâu la của thống trị, bọn ăn cắp của thời đại, dùng súng bắn nát tim nhà văn, dùng ngục tù giam nhốt nhà văn, dùng thủ đoạn tước đoạt công trình sáng tạo của nhà văn. Thế thôi, đã đủ phẫn nộ chưa? Nhân danh cái gì bạo lực sát hại nhà văn? Sự khiếp nhược và lòng sợ hãi của bạo lực. Từ ngàn xưa, tư tưởng của người cầm bút đã chuyển vần thành đao binh. Có đao binh vì chính nghĩa. Có đao binh vì tà nghĩa. Song, đao binh đều xuất xứ từ tư tưởng. Người cầm bút tạo ra cách mạng. Người cầm bút tạo ra công bằng, lẽ phải. Bạo lực cộng sản hôm nay phát xuất từ tư tưởng người cầm bút Karl Marx và Friedrich Engels. Bạo lực này quán triệt giá trị của tư tưởng đối kháng. Do đó, đối tượng nguy hiểm của nó là nhà văn có chính kiến. Tất cả những nhà văn có chính kiến đều bị nó tống vào nhà tù, nhà thương điên, trại trừng giới để chết dần chết mòn hoặc để sống mà như chết. Những chế độ độc tài, quân phiệt, dân chủ giả hình thì sợ hãi sự thật. Mà nhà văn có chính kiến là nhà văn thừa can đảm soi sáng sự thật bị dấu kín tận đáy tim của kẻ thống trị. Bởi vậy, bạo lực của chế độ độc tài, dân chủ giả hình là chụp mũ nhà văn về những thứ tội nhơ nhuốc để đủ lý do giam nhốt và thô bỉ hơn, kiểm duyệt tư tưởng, tịch thu tác phẩm, bao vây kinh tế nhà văn, khủng bố tinh thần vợ con họ. Với lũ quyền uy ảo tưởng, bạo lực có phần dơ dáy hơn. Nó cũng dùng tiền lạc quyên của dân chúng nhẹ dạ, mướn bọn giết mướn ám hại người cầm bút. Đến bất cứ từ phía nào, do bất cứ ai, nhân danh bất cứ cái gì, bạo lực phóng xuống người cầm bút, ở bất cứ không gian và thời gian nào cũng khốn kiếp. Và nhân danh nhân quyền, dân chủ, tự do, chúng ta phải lên án nó, ở bất hoàn cảnh nào. "

Nhà văn Chu Tử bị mưu sát ở hẻm Trương Tấn Bửu, Gia Định trên đường đi lên tòa soạn nhật báo Sống, Sàigòn. Đến bất cứ phía nào, do bất cứ ai, nhân danh bất cứ cái gì thì những viên đạn găm vào thân thể nhà văn Chu Tử cũng chỉ là những biên đạn bẩn thỉu của bọn chủ mưu đê hèn(2). Điểm son của vụ mưu sát Chu Tử là toàn thể báo chí Sàigòn, kể cả những báo chống cá nhân Chu Tử và lập trường Sống, nhất loạt lên án bạo lực giáng xuống thân phận người cầm bút. Tổng Giám đốc Cảnh sát quốc gia, ông Phạm Văn Liễu tuyên bố cung cấp vũ khí tự vệ cho người cầm bút. Trong buổi diễn thuyết tại Viện Quổc Gia Âm Nhạc và Kịch Nghệ, sau vụ mưu sát Chu Tử một tuần với đề tài Nỗi cô đơn của người cầm bút, tôi đã xác định rõ rệt thái độ của người cầm bút và khước từ mang súng phòng thân. Võ khí của người cầm bút là ngòi bút. Tên, đạn, gươm giáo của y là tư tưởng. Người cầm bút tự đánh mất giá trị và vinh dự sống hay là chết nếu y kè kè khẩu súng lục. Nhà văn không giết ai. Nhà văn đã xóa bỏ chủ nghĩa phi nhân và không sát nhân. Đeo súng dành cho văn nô cộng sản và những tên cầm bút lộn sòng, những tên công an văn nghệ, những tên mật vụ báo chí. Nhượng Tống đã chết vinh quang. Chủ nghĩa ưu việt bách chiến bách thắng đã khiếp sợ một ngòi bút. Bạo lực của chủ nghĩa đã bắn chết Nhượng Tống. Nhà văn ngã gục trên vũng máu hiên ngang, tư tưởng của ông vẫn tồn tại. Tác phẩm ông vẫn còn tồn tại. Mãi mãi tồn tại.

Nhà báo Vân Sơn Phan Mỹ Trúc bị sát hại ở quán cà phê góc ngã ba Bùi Thị Xuân-Bùi Chu-Ngô Tùng Châu khi ông ngồi uống cà phê, sau giờ nhật báo Đông Phương, do ông làm chủ nhiệm, lên khuôn tại cơ sở ấn loát Nguyễn Bá Tòng. Ông là người cầm bút thứ ba bị bạo lực khu trừ. Hồi đó, người ta đặt nhiều nghi vấn quanh cái chết của ông. Đến bất cứ phía nào, do bất cứ ai, nhân danh bất cứ cái gì thì những viên đạn găm vào thân thể nhà báo Phan Mỹ Trúc cũng chỉ là những viên đạn bẩn thỉu của bọn chủ mưu đê hèn. Đáng lẽ, vụ sát hại Phan Mỹ Trúc sẽ được soi sáng sau khi chế độ Nguyễn Văn Thiệu sụp đổ. Bất hạnh cho ông ta cho cả dân tộc, cộng sản thôn tính miền Nam. Vụ ám hại ông chìm vào quên lãng. Bọn chủ mưu, đứa di tản, đứa vào trại tập trung cải tạo. Tháng 8 năm 1978, tôi gặp ký giả nhiếp ảnh ĐKT ở phòng 19 khu FG Chí Hòa. Anh ta kể cho Hoàng Mạnh Hùng (hiện định cư ở Los Angeles), Đằng Giao và tôi nghe vụ ám sát bỉ ổi này. Nhật báo X. họp mật. Em vợ của cây bút chủ lực nhật báo X. lãnh nhiệm vụ thanh toán ông Phan Mỹ Trúc. Bắn chết Phan Mỹ Trúc, sát nhân chạy đến Pôle Nord, đường Nguyễn Huệ, ngồi uống bia chờ đợi. Buổi chiều một thanh niên lái chiếc Jeep dân sự tới Pôle Nord trao tiền và xe cho sát nhân tạm lánh ở Đà Lạt. "Tôi là thanh niên ấy", ký giả ĐKT nói. Anh ta bảo, vì lương tâm cắn rứt, anh ta cần kể ra, coi như một thú tội trong bóng tối. "Nếu tôi thoát đời tù, tôi sẽ tìm cách sang Mỹ phanh phui sự thật. Đàn anh xui tôi dính vào vụ này rồi đàn anh cướp vợ tôi", ĐKT hằn học. "Đàn anh còn ở Việt Nam, tôi sẽ bắn nó". Tôi mong ước ĐKT sang Mỹ. Để thấy chủ báo X. đang hô hoán chiến đấu chống bạo lực trên báo Mặt Trận với tư cách... chiến sĩ. Theo ĐKT, cảnh sát đặc biệt của ông tướng Bình "nắm vững" vụ này. Họ lờ đi và nhật báo X. phải huỳnh huỵch "chửi" ấn Quang để chuộc tội!(3).

Tôi đã không ngạc nhiên, qua đài BBC, nghe tin ký giả Đạm Phong bị sát hại. Thời gian này, tôi còn ở Việt Nam. Tôi càng không ngạc nhiên nghe tin ký giả Trần Trung Quân bị mưu sát. Đến từ bất cứ phía nào, do bất cứ ai, nhân danh bất cứ cái gì thì những viên đạn găm vào thân thể ký giả Đạm Phong, găm vào thân thể ký giả Trần Trung Quân cũng chỉ là những viên đạn bẩn thỉu của bọn chủ mưu đê hèn. Tôi rất xúc động đọc bản Tuyên Cáo của 37 tạp chí xuất bản tại Hoa Kỳ lên án hành động mưu sát ký giả Trần Trung Quân. Chưa từng thấy, từ hơn 10 năm qua lưu lạc quê người, nhưng người làm báo có thể gần gũi nhau vì một mục đích: Lên án bạo lực. Bạo lực nào đã găm đạn vào thân thể ký giả Trần Trung Quân? Cứ theo Trần Trung Quân (Sàigon Thời Báo số 16, xuất bản tại Houston ngày 1-6-1986) thì bạo lực đến từ phía Mặt Trận quốc gia thống nhất giải phóng Việt Nam. Kỷ giả Trần Trung Quân khẳng định "Hoàng Cơ Minh đã bắn tôi". Người ký giả này đưa ra những luận cứ rằng anh ta hiểu một cách chính xác về sự bịp bợm của Mặt Trận của ông Hoàng Cơ Minh, rằng, anh ta từ chối không đăng tải thông cáo tin tức liên quan tới Mặt trận của ông Hoàng Cơ Minh, để kết luận rằng " Hoàng Cơ Minh đã bắn tôi". Và ký giả Trần Trung Quân truy tố đích danh ông Hoàng Cơ Minh trước pháp luật. Theo tạp chí Làng Văn số 23, xuất bản tại Toronto, Canada tháng 7-1986, Mặt trận của ông Hoàng Cơ Minh, đã họp báo ở Houston, Texas, Hoa Kỳ, chiều 7-6, "phủ nhận những lời buộc tội của ông Quân". Mặt Trận của ông Hoàng Cơ Minh phổ biến tin minh xác "Không hề có việc cơ sở Mặt Trận chủ trương mưu sát hay hành hung bất cứ ai ". Ông Vụ trưởng Vụ Tuyên vận của Mặt trận của ông Hoàng Cơ Minh, vẫn theo tạp chí Làng Văn, trả lời báo Ngày Nay Houston qua điện thoại, cho biết về việc ký giả Trần Trung Quân kiện ông Hoàng Cơ Minh: "Nếu ông ấy muốn kiện tụng thì ông ấy cứ làm. Ở xứ này cũng còn có luật lệ chứ đâu phải là chỗ chơi luật rừng. Vậy ông ấy cứ làm và pháp lý soi sáng những bàn tay bẩn đã trả tiền mướn bọn giết người".

"Ở xứ này cũng còn có luật lệ, chứ đâu phải là chỗ chơi luật rừng". Xứ này, nước Mỹ dân chủ, tự do đấy. Bạo lực nào đã găm đạn vào thân thể ký giả Đạm Phong? Pháp lý nào đã giải quyết ngót 200 xác chết lưu dân vô tội? Không, quả thực là đã không có luật lệ, không có pháp lý nào dành cho những kẻ gây tội ác trong cộng đồng Việt Nam tỵ nạn. Xứ này, người Việt Nam đã "chơi luật rừng" với người Việt Nam. Luật rừng thu thuế siêu thị, luật rừng thẩy lựu đạn, luật rừng đốt nhà, luật rừng đăng tải bài báo không cần ghi xuất xứ, luật rừng súng gỗ thiếu cơ bẩm, luật rừng của cương lĩnh, luật rừng cạnh tranh chính trị, luật rừng cạnh tranh thương mại, luật rừng chụp mũ cộng sản... Những thứ luật bất thành văn đó làm nên bạo lực. Với thứ quyền uy ảo tưởng, bạo lực nghiệt ngã nhất.Vì nó có tổ chức, có tiền bạc, có ban hành động để chơi luật rừng. Đến bất cứ từ phía nào, do bất cứ ai, nhân danh bất cứ cái gì, bạo lực lộng hành bất cứ ở đâu, cho bất cứ ai, nó cũng chỉ được khoác hai tĩnh từ khốn kiếp và hèn mọn. Nhưng tại sao, mãi hôm nay, mới Tuyên Cáo phản kháng và lên án bạo lực? Và mới có 37 tạp chí, chưa phải là toàn thể báo chí Việt Nam hải ngoại? Những nhà trí thức đã góp gió thiện chí làm thành giông bão bạo lực đâu? Tại sao chưa phản tỉnh để lên án bạo lực? Uy vũ bất năng khuất dấu kỹ chỗ nào? Những nhà văn hàng đầu, nhà văn của bốn mươi năm" hiển hách, thi sĩ của "năm 1985" nghỉ hè nơi mô? Sao chưa lên án bạo lực đến từ bất cứ phía nào? Sứ mạng văn nghệ và sức mạnh văn nghệ để làm gì nhỉ? Có phải để chiến đấu chống bạo lực, để soi sáng chân lý, đề vinh tôn sự thật? Hay chỉ đề viễn mơ, để lim rim đôi mắt say rượu đấu láo, nhả nọc độc ám hại anh em, gật gù sảng khoái những lời tâng bốc thù tạc và thả hồn về dĩ vãng với vinh quang bình thường.

Không phải vì ký giả Trần Trung Quân, cũng chẳng phải vì ký giả Trần Trung Quân buộc tội ông Hoàng Cơ Minh bắn mình mà Người cầm bút và bạo lực được đặt thành một vấn đề. Vấn đề là ông Trần Trung Quân cầm bút như tất cả những ai cầm bút. Đừng đề cập nổi danh hay không nổi danh. Đừng đề cập khuynh hướng, lập trường. Cái lập trường phải có là chống cộng sản quyết liệt, rõ ràng. Đối lập là quyền báo chí ở thế giới tự do. Đối lập làm thăng hoa dân chủ. Ông Trần Trung Quân là ký giả chống cộng quyết liệt. Sàigòn Thời Báo có lập trường chống cộng vững chắc. Chống bạo lực giáng xuố¸ng Trần Trung Quân là bảo vệ chiến sĩ chống cộng, là bảo vệ người cầm bút và sứ mạng cầm bút. Vì thế, tiếng nói của nhà văn rất cần thiết trong chiến đấu chống bạo lực đến từ bất cứ phía nào. Sức mạnh của văn chương vô cùng. Một bài hịch của Trần Hưng Đạo làm nức lòng tướng sĩ chiến thắng quân thù vĩ đại. Một bài hich của Trần Lâm làm Tào Tháo khiếp sợ. Cái khí phách và tài năng cũa nhà văn còn truyền tụng muôn đời.

Giữa rừng gươm giáo của bạo lực, của quyền uy sinh sát, thi sĩ Phùng Quán đã ngạo nghễ:

 Bút tôi ai cướp mất rồi
Tôi sẽ dùng dao khắc văn lên đá.


Những kẻ tự nhận mình là nhà văn, sống yên ổn giữa thế giới tự do, sợ hãi bạo lực của quyền uy ảo tưởng, không chịu bày tỏ thái độ. Mà chỉ gục đầu nịnh hót ca sĩ kiếm rượu và phun nọc độc. Mà chỉ thừa can đảm chụp mũ cộng sản lên đầu đồng nghiệp, hả hê bơi móc nỗi đau đớn vượt biển của vợ con đồng nghiệp, hoan lạc cướp vợ của người khác. Mà chỉ dơ sự trơ trẽn hiêu hiêu tự mãn cái quá khứ ếch ngồi đáy giếng quê xưa. Biết rõ người công chính bị hãm hại, không dám mở miệng. Biết rõ bọn bất lương dối gạt niềm tin của đồng bào, không dám phanh phui sự thật. Biết rõ kẻ cắp tước đoạt công trình sáng tạo văn chương, không dám tố cáo. Tròn như hòn bi để được lòng tất cả. Câm như hến tránh vạ vào thân. Thế gọi là đạt tới chân, thiện, mỹ ư? Thế gọi sứ mạng của người cầm bút ư? Thế gọi là "một ngòi lông là chiêng là trống" ư? Thế gọi là "thốn tâm thiên cổ ư? Kẻ vũ biền Nguyễn Khánh đã sai lầm khi vinh tôn "Mỗi ngòi bút có sức mạnh bằng một sư đoàn". Và kẻ Việt cộng đã ân hận khi phán xét "Mấy thằng biệt kích văn nghệ đã kéo dài chiến tranh". Tưởng những kẻ tự nhận là nhà văn, nhà thơ tròn như hòn bi, nghìn năm không chính kiến, nay ngửa tay nhận tiền Juspao, mai khom lưng lãnh bạc Asia Foundation chả nên đọc thơ Phùng Quán, luận chuyện Nễ Hành. Bởi vì họ không dám chống bạo lực. Bạo lực đến từ bất cứ phía nào, phóng xuống người cầm bút và bất cứ ai. Họ còn mỗi chút can đảm thôi. Là chống cộng sản bằng mồm. Ở nước Mỹ chưa có Tòa đại sứ Việt cộng!

Than ôi, dễ chừng chỉ mới một mình V.C. Ghorghiu chống bạo lực đến từ bất cứ phía nào. Để bị bọn ngu xuẩn kết tội thân phát xít và bị tưởng thưởng những bãi nước miếng khạc nhổ vào mặt mình cho sự thật và sứ mạng văn chương nhân bản.

Duyên Anh

(Paris. 6-1986)

(l) Tác giả tiểu thuyết Lan và Hữu, dịch giả Nam Hoa Kinh, Sử ký Tư Mã Thiên, nhà văn tiền chiến.

(2) Cho đến khi chết giữa biển khơi vì bị Việt cộng pháo kích, Chu Tử vẫn tưởng phe nhóm của Thượng tọa Thích Thiện Minh hại mình. Nhờ bị thẩm vấn về tội bêu nhục cờ đỏ sao vàng trong cuốn Đàn Bà, được nghe Việt cộng nói: "Phúc cho anh, nếu biệt đội đối phó, anh đã chung số phận với Chu Tử", tác giả bài này biết rõ bọn mưu sát Chu Tử là cộng sản.

(3) Sẽ có dịp tôi nói rõ tên thật tên báo X. và chủ nhiệm của nó, nếu vị chủ nhiệm không "hoàn lương" trở về đúng cương vị nghệ sĩ.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn