BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 72811)
(Xem: 62102)
(Xem: 39197)
(Xem: 31055)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Người Có Tội

27 Tháng Tám 201412:00 SA(Xem: 1721)
Người Có Tội
52Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
52

XÓM TÔI vừa tới cư ngụ lả xóm lao động khu Hòa-Hưng. Nhà cửa san sát, chen chúc như muốn xô đẩy nhau. Sống lâu ở đây mới thấy vài căn nhà gạch còn toàn vách ván mái lá, nghèo nàn đến nỗi chẳng ai dám mơ ước điều gì trừ hai bữa cơm no. Mùa mưa, cống rãnh bí tắc, nước ngập đường đi. Người lối ngõ làm việc đầu tắt mặt tối cả ngày trở về, lội bì bõm, vừa dò bước chân vừa than thân phận. Ánh điện ngoài lộ không hắt được vào khoảng trời tăm tối. Đèn đường hẻm vàng khè, yếu đuối cơ hồ tiếng khóc của trẻ thơ trễ sữa mẹ trước giờ ngủ. Gần nhà tôi trọ có trường tiểu học Chí-Hòa. Học trò trai gái riu rít cắp sách tới học, hết lớp này tan, lớp kia bắt đầu, suốt ngày từ 7 giờ sáng mãi đến khi phố xá lên đèn mới ngưng tiếng ê a của trò, tiếng quát mắng, tiếng roi vọt của thầy, của cô.


Tôi thường ghé mắt qua cửa số căn gác sép nhìn đàn em bé tuổi chừng 7, 8, học "xuất" 11 giờ - 1 giờ trưa dưới mái tôn hừng hực nắng lửa miền Nam. Không biết nóng nực thế có làm thui chột trí tuệ của đàm em nhỏ ? Tôi cũng thường nhìn các cô giáo trẻ mệt mỏi vì bụng mang dạ chửa, chán nản bỏ lớp, mặc tụi ranh con đùa nghịch ầm ỹ, học chữ nào hay chữ ấy, ra đứng ngoài hành lang mơ mộng hoặc nói chuyện vải xấu vải đẹp, chuyện chồng con, chuyện ngày sinh tháng đẻ, chuyện tiền lương, ngạch trật vân vân... Tự nhiên tôi mắc bệnh suy nghĩ vớ vẩn.

Bà chủ nhà nấu cơm tháng, cứ mỗi lần bắt gặp tôi ghé mặt qua cửa sổ căn gác sép là rút bớt gạo. Vì bà để ý những lần suy nghĩ vớ vẩn ấy, tôi chỉ cằn nhằn, chỉ thở dài, ăn rất ít và đôi bận buồn quá, tôi bỏ cơm. Nhưng sống lâu rồi quen dần dần. Hai tháng sau tôi khỏi bệnh, đúng dịp thằng Lựa tới nhập tịch nhà bà Tư.

Thằng Lựa làm nghề đánh giầy dép. Nó trạc 13, 14 tuổi, nước đa đen tựa củ tam thất, đầu tóc rối bù trông phát sợ. Tôi vốn ghét những thằng đánh giầy. Không phải chúng nó dốt nát, vô giáo dục mà tại chúng nó lười biếng, ham cờ bạc, lại hay đua đòi : nghiện thuốc lá, nghiện coi tuồng và, có đứa tồi tệ hơn, nghiện cả gái. Cuối cùng kiêm nghệ ma cô. Mặt mũi thằng nào thằng nấy gớm ghiếc.

Thằng Lựa tuy vậy dễ chịu và dường như dễ bảo. Thoạt đầu bà Tư bắt nó nằm dưới bếp. Nó chịu. Ban ngày nó đáp xe buýt lậu vé lên Sài-gòn làm việc, trưa ăn cơm đầu đường xó chợ, tối về ăn cơm hàng bà Tư. Nó chỉ trả 100 đồng một tháng song bà Tư sai vặt nó liên miên. Thế mà bà vẫn khoe khoang khắp xóm rằng thương hại nó mồ côi, rằng trước quen ba má nó, nay mới cho nó ăn, chứ dễ gì.

Một hôm chẳng hiểu nghĩ sao, bà Tư nói với tôi để thằng Lựa ngủ chung trên căn gác sép. Tôi toan từ chối nhưng nhìn thẳng vào đôi mắt như van nài của nó và nhìn đôi cánh tay nó lấm tấm đầy nốt muỗi đốt, tôi bằng lòng. Tối thứ nhất nó nằm một mình không chăn, màn, gối. Nó lại lạ nữa nên rệp đốt khắp người. Sáng sau tôi hỏi nó :

- Mày có ngủ được không ?

Nó lễ phép đảp :

- Thưa... ngủ đưực.

Nó chưa dám gọi tôi bằng anh, đành nói trống không. Tôi bảo nó :

- Gọi tao là anh, tao lớn hơn mày mà.

Nó khép nép :

- Dạ.

- Rệp đốt mày mà mày cũng ngủ được à ?

- Dạ, cháu quen rồi.

Tôi phì cười, đoạn ngồi gần nó. Vỗ vai nó, tôi thân mật truyện trò.

- Xưng là em, đừng xưng là cháu, Mày sợ tao ư ?

- Dạ.

- Sợ gì, tao thì đáng sợ cái nỗi gì ?

- Thưa, tại anh lớn.

Tôi ngạc nhiên :

- Ai dạy mày nói thế ?

Nó rơm rớm nước mắt :

- Ba em.

Rồi chẳng cần đợi tôi hỏi han thêm, nó ngồi kể lể một mạch về gia đình nó. Tôi mới rõ nó mồ côi bố năm 6 tuổi. Mẹ nó bán hàng vặt vãnh nuôi nó. Dạo Bình-Xuyên phản loạn xả súng bắn bừa bãi, mẹ nó trúng đạn chết ở Khánh-Hội. Giá mẹ nó còn sống thì bây giờ nó biết đọc biết viết thông thạo chứ không đến nỗi dốt nát, mù chữ. Nó kể rằng đêm hôm trước khi tử nạn, mẹ nó có hứa với nó mai mốt sẽ cho nó đi học. Nói tới đoạn này nó ôm mặt khóc tấm tức. Truyện của nó lung tung lắm nhưng tôi cũng hiểu là hiện thời nó tứ cố vô thân như tôi. Tôi bỗng thương hại nó, điều này chắc nó biết vì nó cứ nhìn tôi chằm chằm bằng đôi mắt ngây dại. Tôi khuyên nó :

- Mày phải đi hớt tóc ngắn ngay lập tức và năng tắm giặt cho sạch sẽ thì tao để mày ngủ chung màn với tao kẻo muỗi và rệp nó tha mày ra đường cái.

Tối hôm ấy tôi về muộn, bỏ bữa ăn. Tôi vội vàng leo lên gác ngủ thì đã thấy màn buông sẵn và thằng Lựa đầu tóc gọn gàng, áo quần sạch sẽ, ngồi bỏ gối chờ tôi. Cảm động về cách cư xử của nó, tôi nói :

- Bận sau mày ngủ trước nhé ! Chờ tao mất công, có khi tao đi suốt đêm chờ sao nổi. Mà mày cởi quần áo ra, mặc một cái quần cụt đủ rồi, nghèo mà tươm tất thì có ngày ở trần.

Nó nghe lời tôi răm rắp. Đêm nó ngủ không ngáy, không gác, không nói mê lảm nhảm, không đạp tung màn. Bấy nhiêu thứ không, làm tôi hài lòng.

°
° °


Ít ngày qua, thằng Lựa dạn dĩ. Nỏ bớt khúm núm đối với tôi. Những buổi chiều mưa, Lựa lười nằm nhà. Tôi cũng hết đường lên thư viện đọc sách. Đền bù vào khoảng thời gian trống rỗng, tẻ nhạt đó, tôi bắt nó thuật cho tôi nghe quãng đời lưu lạc đánh giầy của nó. Nó chỉ lắc đầu từ chối. Tuy vậy, Lựa vui lòng trả lời những câu hỏi của tôi :


- Tại sao mày lại xâm tay thế hả Lựa ?

Nó nheo mắt cười thích chí rồi ung dung đáp :

- Đua nhau cả bọn anh ạ ! Bốn năm thằng lận.

- Bạn mày à ?

- Dạ.

Tôi lạ lùng ngắm 4 cbữ T.N.P.B. nổi xanh như mạch máu trên làn da cánh tay phải của nó.

Nó thú thật nó mù chữ mà. Tôi nâng tay nó lên quan sát.

- Lựa này.

-Dạ.

- Bốn chữ này nghĩa là gì ?

- Thù Người Phản Bạn.

Nó trịnh trọng đọc bốn tiếng như thể mọi người nhắc nhờ một điều gì thiêng liêng. Tôi không ngờ chung quanh thằng Lựa lại còn ẫn náu nhiều điều bí mật thế. Nâng cánh tay trái của nó, tôi hỏi :

- Còn năm cái chấm tròn này nghĩa là gì ?

Nó chỉ ngón tay vào từng chấm tròn xâm theo hình vuông, bốn góc bốn nốt và một nốt ở giữa, đoạn nó nói :

- Tứ hải giai huynh đệ.

Rồi sợ tôi không hiểu, nó vội cắt nghĩa:

- Nghĩa là đi đâu cũng gặp anh em thương mình anh ạ !

Tôi cười. Nó cũng cười. Tôi bỗng thích thằng Lựa. Vào những dịp khác, tôi thường gợi chuyện nó :

- Thế thực tâm mày có thù người phản bạn không ?

- Có chứ, thù em mới xuống đây.

- Chúng nó bóc lột mày à ?

Lựa ngơ ngác nhìn tôi :

- Anh nói gì ?

- À, chúng nó bắt mày nộp nhiều tiền cho chúa đảng hả ?

- Em không có chúa đảng. Chúng em có năm đứa thân nhau nên mới thề sống chết có nhau và xâm tay. Được hơn một năm mỗi thằng bỏ đi đánh giầy một miền. Em bị bọn khác bắt nạt, em mới thù chúng nó.

- Thù thì mày làm gì ?

- Em không thèm gặp mặt tụi nó nữa.

Thằng Lựa thật là chất phác. Tôi muốn xem nó có giống bọn đánh giầy khác không, bèn gạ gẫm :

- Buồn quá, mày biết đánh bài cào hở Lựa?

- Dạ không.

- Tao thấy tụi mày ưa đánh ăn tiền lắm cơ mà ?

- Em thì không.

- Sao lạ vậy ?

- Má em hồi còn sống bảo ba em chỉ vì mê bài bạc nên mẹ con em mới khổ ?

- Tiếc ghê, tưởng mày biết, chúng mình chơi cho vui.

- Thiếu gì trò vui hở anh !

- Mày thích trò gì ?

- Giá anh đọc truyện cho em nghe hay đọc chương trình cải lương.

- Tao đâu có chương trình tuồng.

- Em có.

Lựa lôi trong túi áo ra tấm chương trình vở ""Bát cơm nước mắt" trao tay tôi. Chiều ý nó, tôi đọc một hồi. Nó thích thú và ao ước đọc nổi để khỏi nhờ tôi. Nó tâm sự :

- Nhiều khi em nhờ người ta đọc dùm họ còn mắng. Những lúc ấy ức quá trời, muốn đi học nhưng chẳng kiếm được thầy dạy.

Bỗng nhiên tôi thương hại nó. Tôi bảo :

- Lựa này.

- Dạ

- Tên Lựa là do ba má mày đặt hay ai đặt ?

- Dạ, ba em đặt.

- Mày cố đọc trúng xem nào ?

Nó tròn xoe đôi mắt :

- Chi vậy anh ?

- Thì mày cử đọc đi.

Nó nghi ngờ giây lát rồi cố đọc :

- Lửa,

- Sai rồi, Lựa.

- Lửa.

- Lựa.

- Lư ... ợ... a.

- Được đấy, mày còn muốn học không ?

- Còn, bao giờ em cũng muốn học.

- Mai tao dạy mày.

Mắt thằng Lựa sáng rực cơ hồ thắp lửa. Nỏ run run hỏi :

- Thật hả anh, mai à ?

- Ừ, tối mai.

°
° °


Thằng Lựa mua vở, bút chì và đang đợi tôi trên gác. Tôi sắp sửa lên dạy vỡ lòng chữ quốc ngữ cho nó thì thằng bạn tôi tới rủ đi xem chớp bóng. Tôi đi ngay, dặn Lựa mai hãy học. Nó có vẻ hơi buồn nhưng không dám nói. Tội nghiệp nó, đáng lẽ được học tôi buổi tối thì tình cờ bạn tôi kiếm duùm chỗ kèm trẻ thành thử giờ dạy nó tôi phải dạy trẻ thiên hạ để trả tiền cơm bà Tư. Tôi muốn mang nó theo, song ngại chủ nhà tôi kèm con cái họ biết thằng Lựa là đồ đánh giầy thì danh dự của tôi tiêu tan. Tôi đành khất lần nó. Có bận nó nài nỉ tôi dạy nó buổi sáng hay buổi trưa, nó sẽ bỏ đánh giầy mỗi ngày một buổi cho tới khi biết chữ. Tôi cũng ái ngại thật đấy. Khốn nỗi hiện thời tôi thất nghiệp, cần phải lấp thời giờ buồn tênh ấy bằng cách cặm cụi ở thư viện đọc sách kiếm chút kiến thức. Chứ, mai mốt có việc làm, có vợ con, công đâu mà đọc nữa. Nghĩ vậy, tôi nói dối thằng Lựa rằng tôi bận ban ngày. Tôi phải lo thân tôi chứ. Thằng Lựa van xin tôi dạy nó ngày chủ nhật. Tôi hứa cho nó vui lòng. Rồi chủ nhật tôi lại kiếm cớ tới thăm người yêu bỏ mặc thằng Lựa với tập vở còn trinh trắng,


Nó vẫn nín lặng, không hé răng than phiền. Đối với tôi, càng ngày nó càng tử tế, ngoan ngoãn. Nó năng nhặt các tờ giấy chương trình hay bất cứ thứ giấy gì người ta phát ngoài phố đem về nhờ tôi đọc rồi vuốt phẳng phiu, cất kỹ trong hòm gỗ. Nó kể cho tôi mọi truyện ở trường tiểu học Chí-Hòa. Nào là buổi sáng khi xách hòm đánh giầy lên phố, nó đã đứng nhìn lũ học trò vào trường tới lúc cổng trường đóng lại nó mới đi. Nào là buổi tối lớp Bách-Khoa học có bao nhiêu người lớn, nó đứng ngoài xem không buồn ngủ. Nó cứ nói đi nói lại chuyện học khiến tôi sốt ruột. Cuối cùng, một hôm nó khóc sướt mướt, nó lạy tôi dạy học, chỉ cần đọc nổi tấm chương trình tuồng cải lương. Tôi mủi lòng đôi chút nhưng vội quên ngay, quên cả lời hứa đã tưởng mang lại ít nhiều tin tưởng cho cuộc đời thằng Lựa.

Thời gian trôi đi đần dần, tôi cũng quên hẳn chuyện dạy nó học và đôi khi quên cả sự có mặt của nó. Mấy tháng sao, tôi lên Ban-mê-thuột dạy học, chưa dám nói vĩnh biệt khu Hòa-Hưng, vì tôi còn nợ tiền hai tháng cơm của bà Tư.

°
° °


Đến một ngày cuối năm về Sài-gòn, tôi trở lại thăm xóm cũ và thanh toán nợ nần. Lúc vào nhà xưa, đúng bữa ăn tối, không thấy thằng Lựa đâu, tôi hỏi :


- Thằng Lựa nó đi chơi hở bà Tư ?

Bà Tư điềm tĩnh trả lời :

- Đi chơi gì, nó đi tù rồi.

Tôi tưởng bà Tư nói đùa nên gặng hỏi :

- Tù thật hở bà Tư, nó con nít mà.

Bà Tư bĩu môi phân trần :

- Con nít à, không ngờ thằng ấy là việt cộng. Hừ, nuôi giặc trong nhà. Chú chả về mấy tháng trước mà coi, nó ôm một sấp truyền đơn Việt Cộng đi phát cùng xóm. Cảnh sát thộp cổ nó, nó kêu oan rồi đổ tội người này người nọ đưa cho. Bây giờ thằng ôn dịch ấy nằm trong khám rồi. Cho đáng kiếp.

Tôi đứng suy nghĩ, tâm tư rối loạn, hoang mang. Giây lát, tôi trả tiền bà Tư rồi rời khỏi xóm tối.

Sáng sau, tôi đến tòa án xin tờ khai tư pháp lý lịch để bổ túc hồ sơ giáo sư khế ước của lôi. Chờ mãi chưa tới giờ phát mẫu đơn, tôi thả ra ngoài lộ kiếm hàng thuốc lá. Tình cờ tôi ngoái lại nhìn chiếc xe cam nhông chở tù nhân vừa qua cổng tòa án. Đột nhiên, tim tôi đập liên hồi, mắt mờ đi. Nhìn kỹ tôi mới nhận ra đúng là thằng Lựa tay bị còng khóa sắt với mụ đàn bà có vẻ đĩ điếm. Nó cúi gầm mặt. Bỗng xe thắng gấp tránh người qua ẩu, nó giật mình rướn người lên. Và cùng lúc ấy, nó nhìn thấy tôi đang nhìn nó. Lựa sững sờ khoảnh khắc rồi không hiểu vì thói quen hay vì lý do gì khác, nó nhổ nước miếng xuống sàn xe. Đôi mắt nó mở thao láo. Nó đặt môi dưới vào giữa hai hàm răng, nghiến mạnh đến trắng bệch ra. Rồi nó quay mặt về phía khác.

Lúc này tôi hối hận khôn xiết. Muộn màng quá. Nước mắt tôi ứa ra khi nghĩ tới bãi nước bọt khinh bỉ của thằng Lựa. Chắc nó đã chửi tôi những tội ích kỷ, giả đạo đức. Phải chi tôi dạy nó biết đọc, dù chỉ biết đọc tấm chương trình cải lương để nó phân biệt với truyền đơn việt cộng.

Mảnh bằng tú tài và bao nhiêu sách dày, sách mỏng trong các thư viện tôi đã đọc chẳng mang nổi một ánh tin tưởng cho em bé đánh giầy. Than ôi ! Tôi vẫn tưởng kiến thức mình rộng lớn lắm.

Thằng Lựa rắc truyền đơn. Cộng sản đưa đẩy nó vào vòng tù tội và hèn nhát cướp công của nó làm điều vinh dự cho mình. Tôi đã trót hèn nhưng còn dám nhận rằng chính người có tội không phải thằng Lựa mà là Cộng sản và Tôi.

Duyên Anh


Hoa Thiên Lý

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn