BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73353)
(Xem: 62245)
(Xem: 39432)
(Xem: 31177)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Trích MÙA THU CUỐI LỐI (Hoàng Hôn - Tủ sách Người Dân - 1994)

12 Tháng Ba 200912:00 SA(Xem: 1501)
Trích MÙA THU CUỐI LỐI (Hoàng Hôn - Tủ sách Người Dân - 1994)
56Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
56
Lại còn chuyện mấy ông văn nghệ sĩ:
Huy "bị" ở cùng phòng đã đành, còn "phải" ăn chung "mâm", ngủ chung mùng với hai ông, cùng là văn sĩ, mà là hai thái cực. Ông Doãn Quốc Sỹ thì cứ như cụ Khổng, không thái quá, không bất cập, lắm lúc Huy đến... phát sốt ruột! Còn ông Duyên Anh thì thật là kiêu bạc, cái gì cũng thái quá, cái gì cũng bất cập, lắm lúc Huy đến... phát phì cười! Ông hỏi Huy:
- Ông có đọc sách của tôi không?
- Không!
- Ông không đọc sách của tôi thì sống làm đ... gì?
- Huy cười ngất:
- Ừ, đúng rồi. Đáng kiếp. Bây giời nằm đây thì cũng là hết sống vậy.
Thực ra, thời Mỹ mang đô la sang rải ở Việt Nam, vật giá leo thang, lương quân nhân công chức lo thức ăn cho dạ dày còn chưa đủ, lấy đâu ra thức ăn tinh thần.
Ông Duyên Anh vào tù rồi mà vẫn tiếp tục gây sự với đủ mọi hạng người: tướng tá, tổng bộ trưởng, dân biểu, cha cố, sư mô, khoa bảng, tư sản..., nghĩa là không ngần ngại gây ác cảm với bất cứ kẻ nào mà ông cho là có tội trong việc làm mất miền Nam.
Ông lại cũng khoái ăn ngon mặc đẹp, thi đua với các anh tù tư sản, nên thường giấm giúi với đám cán bộ, thuê họ về nhà lấy tiếp tế. Những người không ưa ông liền xầm xì với nhau là ông làm "ăng ten"!
Thế cũng chưa đủ, một buổi trưa, cán bộ Vũ trực gác hành lang. Vốn ăn chịu nhiều, anh ta pha bình trà và mở khóa giả bộ gọi ông ra "làm việc", rồi hai người ngồi ở đầu cầu thang uống nuớc nói chuyện. Trong phòng, mọi người ngủ trưa. Riêng Huy vẫn theo dõi. Hết phiên gác, cán bộ Vũ mở khóa, trả ông lại phòng.
Ông liền bô bô:
- Mẹ kiếp, cán bộ lái xe "gíp" cho ra ngoài ăn hủ tíu uống cà phê đá đã đời.
Mọi người đưa mắt cho nhau, biểu đồng tình.
Huy lườm ông ta:
- Vì lý do gì mà ông phét lác ghê vậy?
Ông rỉ tai:
- Dọa cho "chúng nó" ngán.
- "Chúng nó" ngán hay ông rồi khổ với "chúng nó"?
- Ăn thua mẹ gì! Sao ông cứ đếm xỉa đến lũ đó.
Sau ông Duyên Anh đi lao động tại Hàm Tân, Xuyên Mộc. Thỉnh thoảng có bạn đồng tù được tha về, lại thăm Huy. Người cho tin ông làm "ăng ten", bị bạn tù đánh lòi con ngươi; người bảo ông bị đánh gãy tay; người bảo ông đã bị chôn sống. Ai cũng nói chính mắt trông thấy. Đến khi ôn được thả, vượt biên, tới đảo, biên thư về, Huy vừa nhận được, thì một ông bạn hớt hải đến báo:
- Duyên Anh rủ người vượt biên cho Việt Cộng bắt. Bây giờ sợ bị thanh toán, Việt Cộng mang giấu trên An Khê. Nó đang viết thư gài mọi người đấy. Đứng có liên lạc với nó mà nguy nghe!
Huy đưa thư cho ông bạn. Ông đọc xong, nói:
- Nó làm cò mồi giăng bẫy ông đó. Lờ đi, không có lôi thôi to.
Tội nghiệp cho ông Duyên Anh. Vậy mà sau này Huy thấy ông chứng nào vẫn tật ấy, không chừa. Có tài, có danh, có tiền, lại cứ ngứa mồm, làm gì mà tai họa chả kè kè một bên!
Ông Nguyễn Mạnh Côn thì lại ngông một cách khác. Nhiều người trong phòng không ưa ông. Các nhà văn tự nhận là đàn em ông xúm vào tố khổ:
- Anh là lý thuyết gia chống cộng. Anh dạy chúng tôi chống cộng. Sao bây giờ anh lại bảo đâu chống cộng?
Ông cười hềnh hệch:
- Chức lý thuyết gia chống cộng là các cậu phong, chứ tớ có bao giờ tự xưng đâu. Tớ cả đời chỉ phục vụ có nàng tiên nâu. Ai tớ nhiều tiền hơn là tớ viết. Cộng sản bây giờ thuê, tớ cũng viết vậy.
Đoàn Kế Tường buông luôn một câu:
- Anh là đồ vô liêm sỉ!
(Nhưng sau này, chính Đoàn Kế Tường lại viết cho cộng sản. Huy thấy chuyện đời thật lắm éo le).
Quý vị Duyên Anh, Đắng Giao, Đặng Hải Sơn, Dương Đức Dũng bực lắm, chê ông không giữ lập trường. Huy không đồng ý với các ông nhà văn nhà báo đó. Chàng cho rằng ông Côn thừa thông minh để biết cộng sản chẳng tha ông. Trước sau gì ông cũng chết trong tù, với thể chất hom hem, thiếu thuốc, thiếu tiếp tế của ông. Nếu thuốc lương thiện, ông cứ im lìm nhận mình là lý thuyết gia chống cộng đến cùng, chết trong ngục tù cộng sản để mọi người suy tôn. Nhưng ông là người thức thức lương thiện, không chấp nhận hào quang giả tạo, và có can đảm tự nhận chỉ là kẻ nghiện, lấy thuốc phiện làm lẽ sống.
Ông Duyên Anh cằn nhằn:
- Cái nhà anh "giáo dỉ" này chuyên nghề ngụy biện!
Tuy nhiên, Huy vẫn nói với ông Côn:
- Anh là chứng nhân lịch sử, biết nhiều chuyện ở hậu trường. Tuổi chúng mình thì cầm bằng gửi xác trong tù rồi. Anh nên kể lại mọi cái cho các anh em trẻ, để sau này họ đính chính lại lịch sử.
Mà thực thế, thời Nhật, thời "Cách Mạng", thời Pháp trở lại, thời Ngô Đình Diệm, thời Nguyễn Cao Kỳ, thời Nguyễn Văn Thiệu, ông Côn đều tham gia ở những cương vị độc đáo, có khi không ở bề nổi, nhưng chắc chắn thừa thỏa mãn chí tang bồng và nhu cầu nha phiến.
Ông có vẻ đồng ý, và chiều chiều họp một số anh em trẻ đồng tù đàm đạo dưới hình thức kể chuyện giải khuây. Huy không biết rồi sau này, có ai sẽ viết lại những điều ông kể chăng?
Sau, ông với Duyên Anh, Đằng Giao, Đặng Hải Sơn, Dương Đức Dũng cùng đi "lao cải" và ở chung phòng. Rồi có người cho Huy tin ông chết trong tù do... Duyên Anh báo cáo!
Huy không tin. Và khi gặp Đàng Giao, Đặng Hải Sơn, Dương Đức Dũng được thả, Huy hỏi về vụ ông Côn. Cả ba cùng cho biết mọi tin đồn đều thất thiệt. Không làm gì có chuyện Duyên Anh hại ông, mà chỉ vì ông, dù tự hào là hiểu cộng sản, đã không lường nổi sự thâm độc của họ. Họ coi mạng người như rác, cố tình để ông chết. Ông chỉ tuyệt thực mà họ cúp luôn cả phần nước. Họ lại tách giam ông với tù hình sự để không còn được anh em tiếp tế!
Mấy người đó đều nói với Huy khi có dịp sẽ nói lên sự thật về vụ này. Chẳng có gì giống như mọi người tưởng.

Mùa thu cuối lối - Hoàng Hôn - Tủ sách Người Dân - 1994
 Trang 193, 194, 195, 196
 Nhân vật Huy chính là ông Hoàng Mạnh Hùng, nguyên giảng sư đại học Bách Khoa Sài Gòn trước 1975. Hiện nay ông đang điều hành tờ Người Dân.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn