BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73310)
(Xem: 62227)
(Xem: 39416)
(Xem: 31160)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Duyên Anh và Tôi (11-12-13-Phụ lục)

07 Tháng Tám 200912:00 SA(Xem: 6294)
Duyên Anh và Tôi (11-12-13-Phụ lục)
59Vote
40Vote
30Vote
20Vote
11Vote
4.610


Chương 12

Sau buổi ra mắt ở Người Việt, Duyên Anh và NN lên San José. Theo lời anh kể lại cho tôi, trong thời gian ở trên đó, anh tiếp xúc với Vũ Bình Nghi, Hoàng Anh Tuấn, Đỗ Vẫn Trọn, Mai Hân. Đặc biệt, anh gặp lại một độc giả ái mộ, một búp bê thời thập niên 60. Cô này là một bác sĩ đang hành nghề trên đó. Cô mời Duyên Anh đi ăn trưa, và chở anh đi chơi lòng vòng thành phố. Không biết trong lúc nói chuyện, cô có hứa hẹn hay nói gì, khiến Duyên Anh chớm hy vọng, cô búp bê thuở nào sẽ chờ đợi anh sang Mỹ định cư luôn, và sống với cô những ngày còn lại.

Liên hệ giữa Duyên Anh và cô bác sĩ không thoát khỏi sự để ý của NN. Vừa khi Duyên Anh và NN trở lại Los Angeles, túi quần anh bị khám. Tên và số điện thoại của búp bê còn nằm trong đó.

NN hạch hỏi Duyên Anh. Dĩ nhiên, anh chối. Thế là, sóng gió nổi lên. Duyên Anh gọi điện thoại cho tôi, hôm sau:

- Đ.m, con NN này hỗn quá. Nó dám tát anh!

Anh kể hết đầu đuôi cho tôi, và kết luận:

- Anh chán nó quá rồi! Mình phải tìm chỗ khác ẩn thân thôi.

Sẵn tiền bán sách, Duyên Anh làm một chuyến thăm bạn bè tại vài tiểu bang, rồi trở về ở Paris vài ba tháng…

Khi Duyên Anh trở lại California, ra đón anh ở phi trường Los Angeles, tôi hỏi :

- Bây giờ, anh em mình về đâu?

- Ghé nhà Đỗ Sơn đi. Hôm nọ, nó bảo anh, nhà nó vừa chữa lại, có một phòng trống dành cho khách. Nó mời anh đến ở.

Tôi lái xe xuống Orange County, tới nhà Đỗ Sơn. Bấm chuông, chờ một hồi. Lại gõ cửa. Nhưng không có ai ở nhà.

Chúng tôi ghé nhà Nguyễn Kim Dung. Định ngồi chơi một lát, chờ gọi điện thoại cho Đỗ Sơn. Nhưng không ngờ, vợ chồng Nguyễn Kim Dung cùng khẩn khoản mời Duyên Anh ở đấy chơi ít hôm. Ít hôm ấy, chẳng ngờ, đã trở thành nửa năm. Nguyễn Kim Dung, vợ và ba con trai sống trong một apartment hai phòng ngủ, khu chung cư bình dân gần trung tâm Little Saigon. Vợ chồng con cái ngủ trên gác. Phòng khách và phòng ăn ở dưới nhà. Dung kê một giường cá nhân ở phòng khách cho Duyên Anh nằm nghỉ. Anh sống chan hòa với gia đình Nguyễn Kim Dung, chia xẻ những bữa cơm giản dị , dạy dỗ các cháu, và khuyên bảo, hướng dẫn Dung về nhiều mặt. Trong phần phụ lục, sẽ có những trang dành cho gia đình Nguyễn Kim Dung chia xẻ kỷ niệm với Duyên Anh.

Thỉnh thoảng, tôi ghé lại, ăn cơm với gia đình Dung và Duyên Anh. Anh đọc cho tôi những bài mới viết, Đại Ngu Văn Bút Sử Luận, Văn Cáo, Văn Cầy, Văn Cơm Luận. Anh cũng đọc cho tôi nghe những đoạn viết tiếp tiểu thuyết Người Con Gái Ngồi Đợi Một Chuyến Tầu Về, nhưng cho biết, anh viết không nhanh và dễ như trước nữa. Thời gian này, tôi đã hoàn thành hai bản dịch Anh ngữ cuốn Những Đứa Trẻ Con Mỹ Hẩm HiuMột Tù Binh Mỹ ở Việt Nam. Tôi nhờ người đánh máy bản dịch, đóng lại thành tập, đưa cho Duyên Anh xem. Anh xem qua, và rất hài lòng. Duyên Anh dặn tôi cố gắng đưa hai tác phẩm này vào thị trường sách Mỹ. Cho đến ngày tôi viết những giòng chữ này, gần bốn năm sau khi hoàn thành bản dịch, hai tập đánh máy vẫn còn nằm trong ngăn kéo bàn viết của tôi. Tôi đã nhờ các anh Lê Hồng Long, Hoàng Mạnh Hùng liên lạc xin phép chị Duyên Anh để phổ biến, nhưng không được trả lời. Tôi ngại chuyện kiện tụng lôi thôi, nên không thể tự ý tiến hành việc in và phổ biến bản Anh ngữ hai tác phẩm này, theo ý nguyện của Duyên Anh được.

Tháng 3, 1996, Duyên Anh cho tôi xem mấy dòng anh viết cho Đặng Xuân Côn, để anh Côn trả lại anh số tiền hai ngàn Duyên Anh gửi khi trước. Anh viết mấy dòng đó trên tờ photocopy một tấm check, theo Duyên Anh, anh đã mượn của một người ở Pháp. Người ta đòi, và anh muốn trả món nợ ấy. Hai tuần sau, Đặng Xuân Côn gửi ngân phiếu qua, trả hết số tiền ấy cho Duyên Anh.

Trong mấy lần gọi điện thoại cho tôi, anh Côn nhờ tôi chuyển lời mời Duyên Anh trở về Texas sống với anh như xưa. Theo tôi nhận xét, Đặng Xuân Côn đã tỏ ra chí tình với bạn. Anh muốn Duyên Anh ở gần, để có dịp săn sóc, giúp đỡ người bạn thân nhất của mình. Nhưng tôi biết, Duyên Anh không về với Đặng Xuân Côn nữa, một phần lớn là do tự ái của anh đã tổn thương vì những lời phê bình quá thẳng thắn của anh Côn.

Khi đánh máy những tác phẩm sau cùng của Duyên Anh, Đặng Xuân Côn đã đề nghị Duyên Anh bỏ đi nhiều đoạn anh thấy không cần thiết, hoặc không xuất sắc, y như anh đã từng làm từ hai ba chục năm trước, lúc còn ở Saigon. Nhưng bây giờ, Duyên Anh không bằng lòng bỏ. Cũng chẳng bằng lòng sửa chữa. Đặng Xuân Côn kể với tôi, anh đã bảo Duyên Anh như thế này: "Tao ví những gì mày viết như vàng pha lẫn đá và sạn. Bổn phận của tao là đãi lọc đá và sạn ra, để cho tác phẩm của mày chỉ là vàng ròng thôi. Nếu mày không nghe tao; nếu mày coi những cái mày viết đó là châu ngọc, là vinh quang của mày, thì mày cứ đem in đi. Vinh quang ấy, không có tao trong đó." Tôi nghĩ, Duyên Anh cảm thấy lời phê bình thẳng thắn ấy là thái độ hất hủi từ người bạn chí thân của anh. Có lẽ, anh bắt đầu xa Đặng Xuân Côn từ đó. Cho nên, khi nghe tôi, hai lần, nhắn lại lời anh Côn muốn mời anh về Texas, Duyên Anh chỉ yên lặng, không nói gì với tôi cả.

Thời gian ở nhà Nguyễn Kim Dung, Duyên Anh xem lại lần cuối cùng bản thảo Hồn Say Phấn Lạ, và quyết định giao cho Dung việc xuất bản tác phẩm này. Bộ tiểu thuyết gồm hai tập, dày hơn 800 trăm trang, thêm phụ bản mười một bài nhạc Duyên Anh sáng tác. Bìa do họa sĩ Triều Khê vẽ. Ấn loát tại Mr. Print, một cơ sở của mấy anh em trẻ có lý tưởng dân tộc. Theo ý muốn của Duyên Anh, chỉ in có 500 bộ thôi. Vì thế, một số nơi muốn đặt mua sách, đã không còn sách gửi đi.

Duyên Anh viết một tờ flyer quảng cáo thật bạo, và cũng thật hỗn, theo một số người không ưa anh nhận xét. Chỉ tờ Con Cò của Đỗ Sơn, và Việt Báo ở Denver của Nguyễn Ngọc Bích, dám đăng tờ quảng cáo này. Dưới đây là một đoạn tiêu biểu:

ĐOÀN VIÊN, ĐẢNG VIÊN, HỘI VIÊN CỦA MẶT TRẬN, LIÊN MINH, LỰC LƯỢNG, PHONG TRÀO, ĐẢNG PHÁI KHÔNG THÍCH ĐỌC, KHÔNG MUỐN ĐỌC, KHÔNG THÈM ĐỌC, KHÔNG CÓ CHỮ ĐỂ ĐỌC HỒN SAY PHẤN LẠ, THÌ ĐỪNG HỌC ĐÒI CHỐNG CỘNG, ĐẢ CỘNG, PHẢN CỘNG, THÙ CỘNG, ĐÁNH CỘNG LÀM DÁNG NỮA.
Phải đọc HỒN SAY PHẤN LẠ mới biết cung cách diệt cộng sản Việt Nam một cách thần sầu
.

Tôi được Nguyễn Kim Dung nhờ giới thiệu chương trình buổi ra mắt Hồn Say Phấn Lạ. Hai tuần trước đó, chúng tôi đã gửi đi khoảng năm trăm thiệp mời. Nơi ra mắt: Hội quán Lạc Hồng, trên đường Westminster, thành phố Garden Grove.

Buổi chiều ngày 11 tháng 8, 1996, đúng 2 giờ, tôi bước lên chào mừng quan khách và thân hữu. Phòng họp thiếu không khí ấm cúng của hội trường báo Người Việt. Hệ thống âm thanh không được tốt lắm. Số người tham dự không đông như chúng tôi mong đợi.

Ở hàng ghế đầu, tôi nhận ra ông xếp cũ của Duyên Anh, nguyên tổng giám đốc thanh niên Cao Xuân Vỹ, nhạc sĩ Phạm Duy, và ông chủ tịch cộng đồng Việt nam toàn thế giới Bùi Bỉnh Bân. Ở phía sau, trong số các thính giả, tôi thấy các cựu đại tá Lại Đức Nhung, trung tá Vũ Đức Chỉnh, giáo sư Bùi Quý Chứ, và một cựu sĩ quan phi công, tuy đã tàn phế, vẫn chống nạng đến chúc mừng Duyên Anh.

Chiều theo ý Duyên Anh, tôi đã không mời nhà văn, hay quan khách nào phát biểu, và hoàn toàn không có phụ diễn văn nghệ. Chỉ có một độc giả Hoa Kỳ lên bày tỏ cảm nghĩ khi đọc tác phẩm của Duyên Anh. Sau đó là bài nói chuyện của Nguyễn Kim Dung, phần tặng tác phẩm Hồn Say Phấn Lạ cho một số người trẻ, và vài lời tâm sự của Duyên Anh.

Độc giả Hoa Kỳ, Linda Adams, là người tình nguyện đánh máy bản Anh ngữ Những Đứa Trẻ Con Mỹ Hẩm HiuMột Tù Binh Mỹ ở Việt Nam. Do đó, bà có cơ hội đọc thật kỹ hai tác phẩm này. Linda Adams làm cùng sở với tôi, nên đã mấy lần gặp gỡ và nói chuyện với Duyên Anh, khi tôi chở anh đến sở. Linda Adams thích học tiếng Việt, ao ước được đến Việt Nam truyền giáo, nên đã có ý định mời Duyên Anh về ở chung nhà một vài tháng, để dạy bà nói tiếng Việt. Duyên Anh cũng đồng ý rồi. Nhưng suy nghĩ lại, thấy không có ai nấu cơm canh Việt nam cho mình trong thời gian ở đấy, anh cám ơn Linda, và từ chối lời mời này.

Linda ca tụng tư tưởng nhân bản của Duyên Anh trong tác phẩm viết về người tù binh Mỹ, dù gặp muôn vàn khổ nhục, vẫn thương xót kẻ hành hạ mình, để rồi cảm hóa được ngay cả kẻ thù. Bà bày tỏ lòng thán phục lối kể chuyện sống động của tác giả khi mô tả cuộc sống hãi hùng trong trại giam tù binh, lối mô tả khiến người đọc cảm thấy như mình đang trải qua cùng một kinh nghiệm với nhân vật chính.

Sau đó, tôi mời Duyên Anh lên tặng bộ Hồn Say Phấn Lạ cho một số người trẻ trong vùng đã có những đóng góp đặc biệt về văn hóa và phục vụ cộng đồng. Những bạn trẻ này là: Charlie Nguyễn, người thực hiện phim Thời Hùng Vương thứ 18; Bùi Đức Khánh, phụ tá đạo diễn phim này; Nguyễn Xuân Huy, võ sư chưởng môn võ đường Tây Sơn Bình Định; Nguyễn Ngọc Huy, giám đốc nhà in Mr. Print; Nguyễn Lê Gia, tổng thư ký đoàn thanh niên Phan Bội Châu; và Nguyễn Lê Định, võ sinh xuất sắc của võ đường Tây Sơn Bình Định.

Tiếp theo, tôi giới thiệu Nguyễn Kim Dung trình bày tính cách tiên tri của văn chương Duyên Anh trong Hồn Say Phấn Lạ đối với đề tài chính trị thời thượng, "Chia Tay Ý Thức Hệ". Dung cũng nói đến ảnh hưởng tư tưởng chính trị của Duyên Anh và các tổ chức đấu tranh. Sau hết, Nguyễn Kim Dung đề cao vai trò của văn nghệ sĩ trong đấu tranh xây dựng dân chủ.

Duyên Anh được mời lên sau cùng. Anh tâm sự bằng một giọng chán nản, pha lẫn chua chát, rằng ra mắt sách trong thời buổi này cũng không khác gì một người ăn xin ngồi bên đường, chờ ông đi qua bà đi lại rủ lòng thương xót, mua ủng hộ tác giả một cuốn, để người in sách có phương tiện tiếp tục công việc bạc bẽo đó. Duyên Anh cho biết anh không oán trách, không thù hận người đã hành hung, gây thương tật cho anh.

Lời than thở trong lần ra mắt sách cuối cùng trong đời Duyên Anh cứ theo ám ảnh tôi mãi cho tới hôm nay: "Văn chương bây giờ xuống giá quá rồi! Những người có lòng với văn chương chẳng còn bao nhiêu. Quý vị có mặt hôm nay là những người thương yêu văn chương, trong lúc tôi là kẻ hành khất, kẻ ăn mày tình thương văn nghệ. "

Chủ tịch Bùi Bỉnh Bân không cho tôi biết trước là ông muốn phát biểu. Mãi sau khi tôi cám ơn "quý vị quan khách, quý thân hữu" và tuyên bố bế mạc, ông chủ tịch mới đứng lên yêu cầu được nói vài lời với Duyên Anh, đại khái "lúc nào tôi cũng ở sau lưng anh; anh làm gì, cứ cho tôi biết, tôi sẽ sẵn sàng hỗ trợ. "

Lúc đó, thiên hạ đã lục tục kéo nhau ra về. Cho nên dù tôi mời mọi người ở nán lại vài phút, cũng đã quá muộn. Ông chủ tịch cộng đồng Việt nam toàn thế giới đã không được sự chú ý, lẽ ra phải có, dành cho một nhân vật nổi tiếng như thế! Mấy hôm sau, nhân ngày giỗ thân mẫu của Duyên Anh, vợ chồng Nguyễn Kim Dung làm món "lươn um củ chuối", y như cách Duyên Anh mô tả trong Ca Dao Quyện Lấy Miếng Ngon Dân Tộc. Theo lời Duyên Anh, chính mẹ anh đã dạy anh nấu món này. Chỉ có gia đình Dung, Duyên Anh, và một số rất ít thân hữu của anh, trong số đó có tôi, tham dự ngày giỗ này. Chúng tôi chẳng ai ngờ, đó là lần cuối cùng được cùng anh thưởng thức món đặc biệt ấy.

Từ ngày Duyên Anh trở lại Westminster, ở với gia đình Nguyễn Kim Dung, anh ít khi ra khỏi nhà. Đôi lần, Đỗ Ngọc Yến tìm tới, đón Duyên Anh đi uống rượu với Mai Thảo. Một độc giả yêu mến Duyên Anh, Kim Hùng, đến thăm, đón Duyên Anh đi chơi, đưa anh vào một tiệm bán rượu, nài nỉ anh chọn chai rượu nào ngon nhất, để mua biếu anh.

Bùi Đức Khánh, một đạo diễn trẻ tuổi, tìm gặp Duyên Anh, xin anh cho sử dụng tiểu thuyết Luật Hè Phố để quay thành phim. Duyên Anh và tôi bàn chuyện làm phim với Khánh ở quán Viễn Đông. Duyên Anh bảo Bùi Đức Khánh "Em làm được, thì cứ làm đi. Anh không đặt điều kiện tiền bạc gì cả." Khánh đã viết xong phân cảnh bằng Anh ngữ, nhưng chưa thực hiện, thì dự án nhà sản xuất hứa hẹn, bị hủy bỏ.

Một số đoàn thể trẻ, như Liên Đoàn Thanh Niên Sinh Viên Học Sinh Việt Nam, tổ chức Hưng Việt,… tìm đến gặp Duyên Anh, nhờ anh góp ý, cố vấn, hướng dẫn cho hoạt động của họ. Duyên Anh thường nói chuyện với những đại diện của các đoàn thể này tới quá nửa đêm. Anh cho những bạn trẻ này biết anh luôn luôn sẵn sàng góp sức với họ.

Trong khi ấy, NN thấy Duyên Anh không còn tìm đến với mình nữa, bắt đầu theo đuổi anh trở lại. NN gọi điện thoại thường xuyên thăm hỏi anh, và nài nỉ anh trở về chung sống. Nhưng lúc này, Duyên Anh đã quyết định không dại dột nữa. Anh lấy cớ phải làm việc, bận chuyện nọ chuyện kia, để thoái thác.

Một chiều, tôi đến thăm Duyên Anh. Đang ngồi chơi với anh, thì từ ngoài cửa, NN bước vào, trong bộ đồ mầu hồng, khá mỏng, gần giống như loại áo ngủ. Mấy ngày trước đó, NN gọi xuống, xin được ghé thăm anh, nhưng Duyên Anh dặn ở nhà nói anh đi vắng. Bữa nay, bị đột kích bất ngờ, anh không còn chỗ nào lẩn tránh nữa. NN ngồi bên cạnh anh, cố gợi chuyện, nhưng Duyên Anh chỉ ậm ừ, miễn cưỡng, và khó chịu ra mặt. Tôi nghĩ cách giải thoát cho anh. Tôi giả vờ đưa tay xem đồng hồ:

- Chết rồi, đến giờ mình phải đi rồi đó, anh. Tụi nó hẹn phỏng vấn anh trên đài phát thanh. Anh xỏ giầy mau, em đưa anh đi.

Duyên Anh nhìn tôi. Thấy cái gật đầu của tôi, anh hiểu ý ngay:

- Ừ, không có em nhắc, anh cũng quên mất.

Anh quay sang NN:

- Em ngồi đây chơi với vợ của Dung. Anh phải đi lên đài với Hiền nhé.

Toàn, vợ của Dung, từ bếp bên cạnh, tiến ra nói chuyện với NN, đỡ đòn cho ông anh cả. Tôi kéo Duyên Anh ra xe, mở cửa trước cho anh bước vào. Nguyễn Kim Dung lên băng sau. Có lẽ, giác quan thứ sáu của phụ nữ đã giúp NN biết đây chỉ là một màn kịch do tôi dàn dựng. Tôi vừa nổ máy xe, thì NN từ phía nhà Dung chạy tới. Người đàn bà đập thình thình lên nóc xe, ra hiệu cho tôi ngừng lại. Tôi bấm nút cho kính xe phía Duyên Anh hạ xuống. NN hét lên như một người điên, tặng cho chúng tôi một số lời khen ngợi khá thân ái! Tôi nói "Chúng tôi nghe rõ rồi, bà ạ!", rồi rồ máy cho xe hướng về phía Magnolia. Duyên Anh vẫn bình tĩnh, ngồi im như một pho tượng.

Tôi quay sang hỏi:

- Mình đi đâu bây giờ đây anh?

Trong lúc Duyên Anh yên lặng, Nguyễn Kim Dung gợi ý:

- Hay là mình ra xem lớp dạy võ của Nguyễn Xuân Huy đi.

Chúng tôi tới một công viên của thành phố Westminster. Tại đó, chừng hai ba chục võ sinh đang tập luyện. Trong lúc chờ đợi Nguyễn Xuân Huy, ba anh em chúng tôi ngồi ở một bàn xi măng, ăn món gà nướng tôi đem theo. Gió chiều mát rượi; cây cỏ hoa lá chung quanh rực rỡ nắng. Thấy khuôn mặt Duyên Anh chưa hết nét đăm chiêu, tôi hỏi anh:

- Anh thấy em có nhanh trí khôn không?

Anh cười:

- Ừ, không có em ở đấy thì anh cũng chẳng biết xoay xở làm sao nữa.

Tôi đùa:

- Bây giờ anh đã thấy sợ chưa?

- Đ.m, cái giống đàn bà nó vậy đấy! Chưa có gì thì làm bộ làm tịch lắm. Đến khi bén mùi rôài, cứ làm như mình là của riêng nó không thôi. Anh chán lắm rồi! Bây giờ, anh chỉ muốn được yên thân mà viết thôi.

Nguyễn Xuân Huy biết chúng tôi có ý đợi, giao lớp học cho một võ sinh trông coi, rồi tới ngồi, nói chuyện với chúng tôi. Huy cho biết lớp võ Tây Sơn Bình Định của anh hoàn toàn miễn phí. Mục đích của anh là đào tạo một thế hệ trẻ Việt nam ở hải ngoại có sức khỏe để tự vệ, và biết tự hào về nguồn gốc dân tộc. Trong lớp võ của anh, Huy chỉ dùng tiếng Việt. Anh khuyến khích võ sinh nói tiếng Việt với nhau khi đến tập võ. Tôi hỏi Huy có gặp khó khăn nào không. Anh cho biết cũng có đôi chút trở ngại đến từ một số người không muốn cho anh sử dụng danh xưng của võ phái anh đang theo đuổi và truyền bá, vì họ cho là chỉ nhóm của họ mới là chân truyền.

Duyên Anh khen ngợi Nguyễn Xuân Huy, và khuyến khích Huy tiếp tục theo đuổi lý tưởng phục vụ đó. Chúng tôi ngồi chơi ở công viên cho tới khi nắng tắt, mới về lại nhà Nguyễn Kim Dung. Toàn, vợ Dung, ra mở cửa:

- Bà ấy ngồi lại có một lát thôi. Về lại trên Los rồi. Tội nghiệp, lặn lội mấy chục dặm xuống đây, chỉ mong gặp anh thôi, mà không được cái gì cả!

Duyên Anh nói:

- Nó phải hiểu rằng, mình chưa là gì của nó cả, mà nó đã hỗn với mình như thế, anh đâu có thể về được nữa.

* * *

Duyên Anh bay lên San José dự đám cưới của con trai lớn anh, Vũ Nguyễn Thiên Chương. Trong vài ngày tạm trú trên đó, anh ở cùng phòng khách sạn với anh Đặng Xuân Côn. Khi về lại Orange County, Duyên Anh cho tôi biết, anh và anh Côn rất ít khi trò chuyện với nhau. Duyên Anh ở lại San José ít ngày. Sáng sáng, anh thường ra quán của nhà báo Sao Biển, ngồi uống với một vài người bạn thân. Những độc giả yêu văn chương Duyên Anh tìm đến quán gặp anh, và mua bộ Hồn Say Phấn Lạ. Duyên Anh cho tôi biết, trong số đó, có cả nhà ngữ học nổi tiếng, giáo sư Nguyễn Đình Hòa, và nhạc sĩ Vũ Đức Nghiêm. Anh kể:

- Có một thằng bé, chừng mười bảy, mười tám thôi, đến tìm anh ở quán của Sao Biển. Lúc ấy, quán vắng. Bạn bè anh đã về hết. Chỉ có anh và thằng bé ngồi nói chuyện thôi. Nó bảo nó đã đọc hầu hết các sách của anh. Nó nhớ nhiều chi tiết trong các truyện ấy, và hỏi anh những câu thông minh lắm. Thằng bé ấy rất giống em thuở hơn ba mươi năm về trước. Anh chợt nhớ lại hình ảnh em hồi tụi mình mới gặp nhau. Thằng bé làm anh rất cảm động. Ít nhất, những gì mình viết ra cũng được hai ba thế hệ yêu mến. Như thế, đối với anh cũng là phần thưởng lớn rồi.

Tháng 9, 1996, Duyên Anh về Pháp. Trước khi rời Mỹ, Duyên Anh bảo tôi:

- Anh sẽ về vài ba tháng thôi, rồi lại sang đây. Phải lo cho xong việc vào dân Tây cái đã.

Trước khi rời Mỹ hai hôm, Duyên Anh ghé về nhà NN, và nhờ tôi đưa anh từ đó ra phi trường. Anh giải thích:

- Anh ở nhà nó vài hôm thôi. Dù sao, mình cũng từng đến với nó. Bây giờ, nếu từ nhà chú Dung về thẳng Paris, thì có vẻ tàn nhẫn quá. Anh không nỡ.

Tôi tới đón NN và Duyên Anh khoảng 8 giờ tối. Anh ăn mặc giản dị. Vẫn chiếc áo thun, áo veste khoác ngoài; đôi giầy thể thao có giây gài bằng velcro. Đậu xe sát khu departure trên lầu, tôi mở cửa cho anh xuống. Dặn anh và NN ngồi chờ ở ngoài, tôi lái vào bãi đậu xe rồi trở lại, đưa anh vào chỗ cân hành lý và trình vé. Duyên Anh chỉ đem theo túi xách nhỏ. Anh có hai va ly, một đựng các bản thảo đang còn ở nhà tôi. Va ly kia, đựng một ít quần áo và mấy master nhạc của anh, do Quỳnh Giao, Mai Hương trình bày, nằm ở nhà NN.

Duyên Anh dặn tôi thật kỹ: Chỉ khi nào anh gọi điện thoại, bảo tôi đưa bản thảo cho ai, tôi mới đưa cho người ấy thôi. Đúng như anh tiên đoán, lúc anh về Pháp rồi, một vài người quen của anh đến tìm tôi, yêu cầu tôi đưa bản thảo Duyên Anh cho họ in. Tôi nhất định không đưa, vì Duyên Anh không hề dặn dò gì tôi về mấy người đó cả. Chín giờ rưỡi đêm, tôi lại quầy vé, nhờ nhân viên hãng hàng không cung cấp xe lăn để đưa Duyên Anh lên máy bay. Trong lúc chờ xe tới, nhân lúc NN đi vào phòng vệ sinh, Duyên Anh bảo tôi:

- Chuyến này về, anh nhất định bỏ nó thôi. Tiếp tục dính dáng chỉ thêm mệt!

Người đẩy xe lăn đã tới. Tôi bắt tay Duyên Anh thật chặt, nói "Anh đi bình yên", một câu quen thuộc tôi đã nói với anh trong các dịp đưa anh ra phi trường. Đã quá quen với những lần đưa anh đi, đón anh về, tôi đinh ninh sẽ gặp lại anh, như các lần trước.

Nào ngờ, đó là lần cuối cùng tiễn Duyên Anh ra phi trường!

* * *

Duyên Anh về Paris được một tháng, thì gọi sang, bảo tôi đến NN, lấy va ly của anh đem về nhà tôi. Tôi đến nơi, NN không bằng lòng đưa, lấy lý do Duyên Anh đã hứa sẽ trở về. Tôi nghĩ thầm "Thật giống các bà vợ bé ngày xưa giữ ô và tráp của chồng, để buộc họ trở lại với mình" và tự nhiên, thấy tội nghiệp cho người đàn bà này. NN đã lầm tưởng Duyên Anh có ý định gắn bó suốt quãng đời còn lại với mình, nên vẫn tin lần này sang Mỹ, Duyên Anh sẽ trở lại. NN đâu có ngờ Duyên Anh đã nói với tôi những điều hoàn toàn khác hẳn.

Tôi gọi sang hai lần, lần nào cũng gặp chị Duyên Anh, nên chỉ hỏi thăm qua sức khỏe của anh, chứ không dám đề cập gì đến va ly đựng mấy master nhạc.

Hai tuần sau, tôi gọi cho NN, lấy cớ Duyên Anh dặn tôi phải đem các master ấy đến trung tâm băng nhạc THT ở quận Cam bán cho người ta, để lấy tiền mua vé máy bay cho anh trở lại Los Angeles. Tôi thòng thêm một câu: "Duyên Anh nhắn là rất nhớ, và mong gặp NN lắm đấy". Và thế là, NN bằng lòng để tôi ghé, lấy va ly băng nhạc anh gửi tại đấy, trước khi anh đến ở nhà Nguyễn Kim Dung. Va ly này, đựng những master nhạc Duyên Anh, do Quỳnh Giao và Mai Hương hát, cùng một va ly đựng bản thảo tất cả những tác phẩm chưa in của Duyên Anh, tôi đã trao lại cho hai con trai của Duyên Anh, Thiên Chương và Thiên Sơn, tại nhà tôi, tháng 3, 1997, trước sự chứng kiến của anh Hoàng Mạnh Hùng, bạn thân của Duyên Anh.

(Mấy tháng sau, khi Duyên Anh vừa qua đời, NN gọi cho nhiều thân hữu của Duyên Anh, kể cả tôi, nói rằng hồn Duyên Anh nhập vào mình, và hướng dẫn bà viết cả trăm trang giấy. Tôi nghe nói, NN đã trao những trang này cho một ông nhà văn (hay nhà báo) vùng Orange County, nhờ viết lại, và dự tính cho xuất bản!? Tôi chờ, nếu chuyện ấy thực sự xảy ra, tôi sẽ lên tiếng, để cho biết tất cả sự thật về cái hiện tượng gọi là "hồn ma Duyên Anh" này.)

Giữa tháng 12, 1996, tôi gọi sang, hỏi Duyên Anh bao giờ qua Mỹ. Anh có vẻ mệt mỏi, chán nản:

- Chưa biết nữa. Mấy tuần nay, anh có vẻ như bị cảm. Cứ nằm một chỗ thôi. Chẳng làm được gì cả.

- Anh có ăn uống được gì không?

- Ăn ít lắm. Anh cũng chẳng thấy đói gì cả.

Duyên Anh cho biết từ cuối tháng 9 đến giờ, anh chẳng viết thêm được gì. Chỉ lo xong việc vào quốc tịch Pháp thôi. Tôi hỏi:

- Anh vào dân Tây rồi, có lấy tên Tây không?

Có tiếng cười khan trong máy:

- Đ.m, thì mình cũng lấy chơi cho vui thôi. Duyên Anh bây giờ thành Denis Ange. Cũng bắt đầu bằng hai mẫu tự DA.

- Có quốc tịch Pháp, chắc lần này sang Mỹ sẽ dễ dàng hơn nhỉ?

- Chưa biết nữa. Có lẽ cũng dễ thôi…

Nói chuyện chừng năm phút, tôi từ giã Duyên Anh, và nói mong sớm gặp lại anh.

Ngày 1 tháng 1, 1997, tôi gọi sang Paris. Duyên Anh nói, anh không được khỏe lắm, nhưng dặn tôi "cứ yên chí đi, thế nào anh cũng trở lại California. " Ngay tối hôm đó, anh lên cơn đau dữ dội, ở nhà phải đưa anh vào bệnh viện cấp cứu. Mãi một tuần sau, tôi mới được biết tin Duyên Anh nằm bệnh viện. Một người bạn anh, dấu tên, gọi sang chỗ tôi làm việc, cho tôi số điện thoại phòng anh nằm, chuyển lời Duyên Anh nhắn tôi gọi sang anh gấp.

Đêm 9 tháng 1, 1997, tôi ngủ được hai tiếng, rồi giật mình thức dậy, không ngủ thêm được nữa. Thao thức mãi, tôi ngồi dậy, qua phòng bên cạnh, gọi điện thoại cho Duyên Anh. Lúc ấy, bên Pháp là 10 giờ 46 phút sáng. Tôi nghĩ, lúc ấy chắc anh đã thức dậy, có thể tỉnh táo nói chuyện được với tôi. Đầu giây bên kia, có tiếng một phụ nữ Pháp trả lời. Với số vốn liếng Pháp ngữ không lấy gì làm dồi dào, tôi hỏi, và được người nữ y tá cho biết Duyên Anh được đưa đi thử máu và chụp quang tuyến. Bà ta bảo tôi nên gọi lại trong vòng vài tiếng nữa. Tôi trở về phòng ngủ, nhưng chỉ nằm đó, không ngủ tiếp được. Đầu óc tôi quay cuồng với nhữõng hình ảnh, những kỷ niệm về Duyên Anh. Nằm nghe hết hai mặt cuốn băng nhạc Ru Đời Phù Ảo của anh, đôi mắt tôi vẫn mở trơ trơ. Tôi lại sang phòng bên, quay số nhà thương. Lúc ấy đã gần 12 giờ trưa bên Pháp. Cũng vẫn giọng người y tá ban nãy. Duyên Anh chưa về lại phòng. Tôi nhờ bà ta nói với Duyên Anh, là có em trai anh từ Los Angeles gọi sang; và đến chiều, tôi sẽ gọi lại.

2giờ 41 phút chiều, giờ Pháp, ngày 10 tháng 1, 1997, Duyên Anh nói chuyện với tôi, hoàn toàn tỉnh táo. Vừa nhấc ống nghe, anh nói ngay:

- Anh đây.

- Lần thứ ba, em gọi cho anh đấy.

- Anh biết. Cô y tá Tây có nói lại với anh.

- Anh đi đâu về vậy?

- Họ đưa anh đi thử máu. Thử ruột nữa.

- Họ có biết anh đau gì chưa?

- Chả biết nữa. Thử đủ thứ hết. Mà anh có bệnh gì đâu. Nó thử, là thử thế thôi. Hôm nọ, lúc em gọi sang chúc mừng anh năm mới, thì đến đêm, ruột gan nó như cào cấu mình vậy. Anh đau quá, đến nỗi ngất đi cơ mà. Thế mới phải đem vào bệnh viện cấp cứu đấy chứ. Chẳng biết thế nào cả. Mẹ, chán ghê lắm cơ! Thế rồi, hôm qua, anh mới nhờ thằng H. gọi hộ cho anh…

Tôi nhớ ngay đến dược sĩ Đ.H., người bạn thường đem rượu ngon đãi Duyên Anh, mà anh thường kể cho tôi nghe. Tôi hỏi:

- Anh Đ.H., phải không anh?

- Ừ. Chỗ này nó không cho mình gọi đi; chứ gọi được, thì anh đã gọi cho em rồi. Ừ…

- Cô y tá nói gì với anh?

- Nó bảo "Ông có người em trai tên là Hiền ở Mỹ. Ông ấy bảo, lát nữa sẽ gọi lại đó."

Tôi cười:

- Em nói tiếng Tây bồi, mà nó cũng hiểu. Hay thật!

Duyên Anh cười sảng khoái:

- Con y tá ấy nó tử tế lắm. Ai quen anh, nó cũng biết hết. Ban nãy, anh vừa về đến phòng, là em gọi đó. Anh phải nhịn đói từ hôm qua cơ. Rồi rửa ruột, nên anh phải uống đến bốn lít thuốc. Cho nó tiêu đi đó…

Sau một tiếng ho khan, Duyên Anh tiếp:

- Anh bây giờ cô đơn lắm. Anh cũng chẳng muốn nói chuyện với ai nữa…

- Nghĩa là thế nào?

- Thực sự, anh cô đơn lắm rồi. Anh không muốn ai biết đến anh nữa, nghe không? Anh sống có một mình thôi. Cuộc đời chán lắm cơ! Thành ra, anh mới nhờ thằng H. gọi cho em đó. Gọi mấy lần mới được đấy chứ.

Lần đầu anh Đ.H. gọi cho tôi, thứ tư 8 tháng 1, tôi không đi làm, vì phải ở nhà dựng lại hàng rào gỗ bị cơn giông đêm thứ hai thổi sập. Anh Đ.H. nhắn hai lần vào trong máy. Bữa sau, anh gọi lại, chỉ xưng là một người bạn của Duyên Anh. Anh bảo, Duyên Anh muốn tôi gọi sang Pháp ngay cho anh. Tôi nhờ anh nói lại với Duyên Anh, tôi đang ở sở, chưa gọi ngay được; nhưng về nhà, tôi sẽ gọi sang liền. Khi tôi xin anh cho biết tên, anh bảo điều đó không cần thiết.

Duyên Anh dặn tôi:

- Nếu có thằng nào hỏi bây giờ anh ra sao rồi, em cứ bảo là không biết anh ra làm sao cả, nhé?

Tôi hơi ngạc nhiên, hỏi lại anh:

- Anh bảo gì? Anh nói lại coi.

Duyên Anh nói thật rõ:

- Nếu đứa nào có hỏi, rằng anh ra sao…

- Vâng…

- Thì em cứ bảo nó rằng em chẳng biết anh ra làm sao cả, em không liên lạc gì với anh, nên không biết gì cả, nhé. Để nếu mình có chết đi đó, thì cũng chỉ như….( Duyên Anh nói gì, tôi không nghe rõ)

Chưa kịp hỏi lại, anh đã chuyển qua chuyện khác:

- Anh Anh đã gửi bản thảo cho em chưa?

Trước đó khoảng hơn một tháng, Vũ Đức Anh, anh ruột tôi, đến thăm Duyên Anh. Anh tôi và Duyên Anh cùng tuổi Hợi. Biết Duyên Anh cô đơn, tôi thường dặn anh tôi "Anh rảnh, thì đến thăm Duyên Anh hộ em. Anh nhớ, làm được cái gì cho Duyên Anh, tức là làm cho em đó. " Khi anh tôi chào từ giã, Duyên Anh kín đáo đưa cho anh một tập hồi ký viết tay, dặn gửi sang cho tôi. Theo anh Vũ Đức Anh, tập hồi ký này dày khoảng vài ba trăm trang, chữ nhỏ…

- Chưa, em chưa thấy anh ấy gửi sang.

- Vậy em giục anh ấy gửi sang ngay đi. Hôm nọ, anh có nhắc anh Anh đó. Ông ấy bảo lúc này nhiều việc quá… Hì hì… nhiều việc chó gì? Ông ấy có việc gì đâu mà nhiều? Ừ…

Ngừng lại một vài giây, Duyên Anh tiếp:

- Không biết hôm nay vì sao, anh nói được nhiều. Mấy hôm trước, nói không được nữa. Hy vọng rồi thì nó sẽ khá hơn. Mà muốn khá, thì cũng phải hết tháng này. Bây giờ, thì họ còn tìm xem các thứ bệnh. Chưa biết mình bệnh gì cả. Họ đào xới tất cả các thứ trong ruột mình ra, thì mới biết được. Nhưng mà, anh hỏi thằng V., thằng PKV đó, thì nó nói "Năm nay ông bị bệnh mà. Nhưng mà ông yên chí đi. Ông bệnh, nhưng không bệnh nặng đâu. Tháng hai, nó sẽ qua đi, ông sẽ khỏe lại à." Thì mình cũng yên chí vậy thôi. Nhưng mà, có lẽ thằng V. nó nói đúng đấy. Nó bảo anh chẳng có bệnh gì cả…Ờ, nhưng mà hôm nó trở bệnh đó, em không có thể tưởng tượng được là nó đau như thế nào đâu. Nó từ chỗ này, nó sang chỗ khác; nó đau như rút ruột mình ra. Mình té xuống, nó lôi mình lên. Kinh khủng lắm à! Lần đầu tiên, anh bị đau như thế đấy. Anh chán đời lắm rồi! Biết vậy, chẳng thèm về lấy cái thẻ Tây làm chó gì…

Duyên Anh nói tiếp:

- Thôi được rồi. Đã gặp và nói chuyện với em hôm nay, là sướng rồi.

Tôi nói:

- Anh cố khỏe đi. Lần tới anh sang Mỹ, sẽ có người đi đón. Người đẹp Phố Tàu bảo là sẽ học lái xe để đưa anh đi chỗ này, chỗ nọ đấy.

Duyên Anh cười:

- Úi dào! Cái mẹ ấy, cũng dẹp luôn cho rồi. Tôi chán nó lắm rồi…

- Cô ấy vẫn hỏi thăm anh luôn đấy.

- Em ạ, đàn bà thường thường nó hay mơ danh vọng nhiều lắm, em hiểu chưa? Thà rằng mình sống riêng biệt một thân một mình, có lẽ dễ chịu hơn.

Nói chuyện đã hơn mười phút, Duyên Anh có vẻ thấm mệt. Anh bảo tôi:

- Thôi, anh nói với em như thế, là đủ rồi nhé. Nội một tuần lễ, em gọi cho anh nhé. Tuần sau, nhớ gọi anh, xem là bệnh anh có suy giảm chưa, há?

- Vâng, em sẽ gọi.

- Tuần sau, hy vọng là anh sẽ khỏe lại rồi đó.

- Vâng, em mong anh khỏe lại nhé. Em rất lo, không biết anh đau như thế nào…

- Bây giờ, thì chẳng biết bệnh gì cả. Nằm chung phòng với một ông Tây già, đêm nào ông ấy cũng rên, cũng hét, anh chẳng ngủ được gì cả. Khổ lắm cơ! Chỗ này là bệnh viện cứu cấp, cách nhà anh chừng mười phút lái xe thôi. Tên nhà thương là Antoine Béclère, thuộc thành phố Clamart. Chẳng ai biết anh ở đây cả. Chỉ thằng H. với em biết thôi. Mà…thằng H. cũng là người tốt đấy. Nó gọi hộ cho mình đó… Thôi, em nghỉ nhé. Anh mệt lắm rồi, em nhá… Anh nghỉ nhá…

Và Duyên Anh buông máy.

Tối thứ bảy 18 tháng 1, 1997, tôi gọi sang nhà Duyên Anh, nói chuyện với Thiên Sơn, con trai út anh. Sơn cho biết, bác sĩ nói Duyên Anh bị viêm gan. Tôi nhờ Sơn trao máy cho chị Duyên Anh để tôi hỏi thăm thêm. Tôi vừa mở miệng, chị mắng tôi tới tấp về tội "âm mưu với Duyên Anh và bao che cho anh, chứa chấp anh khi anh sang Mỹ." Chị cũng đòi lại những bản thảo Duyên Anh nhờ tôi cất giữ, kể cả tập hồi ký cuối cùng của Duyên Anh, mà anh đã trao tay cho anh tôi,Vũ Đức Anh.

Đây không phải là lần đầu tiên chị Duyên Anh chửi tôi, nhưng tôi nghĩ, chị đang buồn bực vì anh nằm bệnh viện, nên tôi không nói lại, chỉ yên lặng nghe chị thôi.

Sau đó, tôi gọi sang anh Vũ Đức Anh, nhờ anh đem bản thảo tập hồi ký đến bệnh viện, giao lại choThiên Sơn. Anh tôi đã làm y như vậy, chiều hôm sau, chúa nhật 19 tháng 1, 1997. Đi thăm Duyên Anh về, anh tôi gọi điện thoại, báo tin ngay cho tôi. Đây là lời tường thuật của Vũ Đức Anh, tối hôm đó:

" Anh đến chơi với Duyên Anh gần một tiếng đồng hồ. Anh ấy bết bác quá rồi, da mặt vàng như nghệ. Anh ấy nằm rên hừ hừ, chân tay co quắp, ra vẻ đau đớn lắm. Bụng Duyên Anh sưng lên, và hơi cứng lại. Lúc anh tới, 3 giờ chiều, trong phòng Duyên Anh chỉ có người bạn thân của Duyên Anh là Đặng Xuân Côn túc trực bên giường bệnh. Anh chờ một lát, Duyên Anh tỉnh dậy, có vẻ tỉnh táo. Anh ấy nói:

- Tụi bác sĩ ở đây nó condamner tôi chết, anh ạ. Tôi không sống nổi đâu!

Một lúc sau, anh ấy nhếch mép cười chua chát, rồi nói:

- Anh ạ, cuộc đời chẳng có nghĩa lý gì hết. Tôi khổ lắm, anh ạ!

Anh cầm tay anh ấy, an ủi:

- Anh cố ăn uống và vui vẻ, cho chóng khỏi.

Duyên Anh chỉ nhắm mắt, không nói gì.

Anh đưa gói kẹo sâm, nói anh ấy ngậm cho khỏe, nhưng Duyên Anh không để ý, cũng chẳng cầm lấy. Thế rồi, anh ấy cứ há miệng, thở hắt ra. Anh Côn bảo:

- Ban nãy Duyên Anh chỉ đi tiểu được một chút thôi. Mấy hôm nay, không ăn uống được gì, chỉ vào nước biển thôi, nên mặt mũi hốc hác. Vào đây từ hôm mùng hai, tới nay là mười bảy ngày rồi.

Một lát sau, chị Duyên Anh cùng cháu Sơn vào, với sư huynh Trần Văn Nghiêm, và mấy người nữa. Tất cả là chín người trong căn phòng chật hẹp. Sư huynh Nghiêm đã 89 tuổi rồi, đầu tóc bạc phơ. Ông ấy đến để làm phép thêm sức, hay là xức mình thánh gì đó, anh không rõ. Lúc làm lễ, Duyên Anh chỉ mở mắt yếu ớt, nói "buồn ngủ", rồi lại nhắm nghiền mắt, ngáy khò khò một cách mệt nhọc, vừa ngáy vừa nhăn nhó, vẻ đau đớn. Anh nghe ông frère dặn dò anh ấy "Con hãy dọn mình trước mặt Chúa, để ra đi cho êm ả."

Anh ra hành lang, nói chuyện với mấy người y tá săn sóc Duyên Anh. Họ bảo, đây là chứng cancer gan, khó chữa khỏi lắm. Nếu mà mổ thì đi đứt ngay. Duyên Anh bảo muốn về nhà, để được chết ở nhà. Bác sĩ cũng cho phép. Nhưng chị Duyên Anh không muốn đưa anh về, vì ở nhà không có phương tiện đầy đủ như ở nhà thương. Anh thấy tình trạng anh ấy như thế là nguy kịch lắm rồi. Một ông hàng xóm của anh, cũng cancer gan, đau đớn nhiều, gia đình nhờ bác sĩ mổ liều, để xem may ra…Nhưng mổ là chết liền. À, ban chiều lúc thăm Duyên Anh, anh ngồi bên cạnh anh ấy cả giờ, cầm tay cầm chân anh ấy. Anh sờ đầu Duyên Anh, không thấy sốt gì cả.Huyết áp là 13/7. Y tá bảo, như thế là bình thường, không có gì cả. Anh hỏi Duyên Anh có muốn nhắn gì cho em không, thì anh ấy chỉ lắc đầu, có vẻ mệt mỏi lắm. Ngoài trời rất lạnh, nhưng trong phòng bệnh có máy sưởi ấm áp. Duyên Anh không chịu đắp chăn, cứ đạp tung chăn ra…"

Thứ hai 20/1/97, lúc 6 giờ 55 chiều, tôi gọi sang. Đầu giây bên kia là anh Đặng Xuân Côn.

- Duyên Anh thức hay ngủ, anh Côn?

- Thức, nhưng mà hơi mệt.

- Tình trạng anh ấy ra sao?

- Mệt. Lúc tỉnh lúc mê.

- Anh thấy có hy vọng khỏi không?

- Thì cũng vẫn còn chờ đây. Chưa biết nó ra thế nào cả.

- Ở Cali này, em biết hai người. Một người bị ung thư gan, và người kia, ung thư tụy tạng. Bác sĩ đã bó tay, cho về nhà. Nhưng một ông đông y sĩ Việt nam gốc Tầu đã cứu sống hai người này. Anh thử bàn với gia đình anh Duyên Anh. Nếu bác sĩ Tây không chịu chữa nữa, thì để em đem thuốc Bắc của ông thầy này sang, cho anh ấy uống.

- Ờ, thì bệnh viện họ bảo gan của Duyên Anh bị chai…

- Cirrhosis phải không?

- Ừ, cirrhosis. Nó ảnh hưởng đến mật. Thành ra, da hơi vàng.

- Anh ở đó với ai vậy?

- Chỉ có mình anh với Duyên Anh thôi.

- Anh sang mấy hôm rồi?

- Ba hôm.

- Anh sẽ ở lại bao lâu?

- Cũng chưa biết nữa. Để xem tình trạng anh ấy ra sao đã.

- Anh bàn với chị Phương và các cháu. Nếu muốn cho anh Duyên Anh dùng thuốc Bắc, cho em biết, em sẽ đem sang.

- Nếu có thì tốt chứ sao.

- Anh thử hỏi Duyên Anh, xem anh ấy có thể nói được với em câu nào không.

Anh Đặng Xuân Côn trao máy cho Duyên Anh. Tôi nghe tiếng anh yếu ớt:

- A lô.

- Duyên Anh ơi, em đây.

- Ừ.

- Nghe tiếng em, anh biết không?

- Anh biết chứ. Anh biết chứ.

- Anh thấy trong người như thế nào?

- Ui! Tâm hồn nó…( Duyên Anh nói gì, tôi không nghe rõ )

- Tâm hồn nó làm sao, anh?

- Ui! Anh thê thảm lắm nhé!

- Nghĩa là làm sao ạ?

- Ui… Ui!…Anh passer cho em nhé?

- Passer hả? Passer gì?

- Ui…Ui!

Nước mắt tôi bắt đầu ứa ra. Tôi hoảng hốt:

- Anh làm sao vậy? Anh đau lắm hả?

Duyên Anh cố thều thào:

- Anh …anh…thê thảm lắm!

Tiếp theo là những tiếng rên " Ui…Ui"

Anh Côn đỡ lấy điện thoại từ tay Duyên Anh:

- A lô.

- Anh Côn có hiểu anh ấy nói gì không?

- Không. Anh ấy còn đang mê sảng đó. Bây giờ, bà y tá vừa vào, đánh thức anh ấy dậy, cho anh ấy ăn. Anh ấy thèm bún chả. Bà y tá Việt nam làm bún chả ở nhà, đem vào cho anh ấy.

- Bà y tá Việt nam tử tế quá nhỉ!

Có tiếng Duyên Anh từ phía sau. Anh Côn bật cười, nhắc lại:

- Anh ấy vừa nói "Chỉ là y tá thôi". À còn thuốc Hiền nói, là thuốc viên, hay phải sắc lên?

- Phải sắc lên, anh ạ.

- Tình trạng ở đây như thế này: Họ vẫn truyền nước biển cho anh ấy, cùng với thuốc ngủ và morphine cho giảm đau. Thuốc ngủ làm anh ấy hơi mệt. Rồi họ cho cả laxative để chống táo bón nữa.

- Khi nào Duyên Anh tỉnh, anh Côn hỏi anh ấy có muốn dùng thuốc Tầu không, em sẽ đem sang.

- Được rồi, anh sẽ hỏi.

- Buổi tối, có ai ở lại với anh ấy không?

- Tối hôm qua, anh định ở lại, nhưng họ cho anh ấy uống thuốc ngủ. Thành ra anh lại về nhà, cho anh ấy ngủ yên. Buổi sáng, anh ấy tỉnh hơn, còn ngồi dậy, ăn uống được đôi chút. À, bây giờ anh lấy lại muốn đi pi. Hiền chờ một chút, anh ra gọi bà y tá nhé…

Tôi giữ điện thoại. Yên lặng một lúc. Rồi có tiếng anh Côn:

- Gan anh ấy bị sưng. Thành ra, họ cho truyền nước biển có pha trụ sinh. Chẳng biết cho uống thuốc bắc vào có công phạt gì không.

- Vậy anh nhớ hỏi Duyên Anh và bàn với gia đình nhé. Quyết định như thế nào, báo ngay cho em biết.

- Hiền cứ chuẩn bị ở bên ấy đi. Anh còn theo dõi bệnh tình của Duyên Anh, xem tiến hay lùi đã.

- Anh ấy có tỉnh táo hơn chưa? Anh đưa điện thoại cho Duyên Anh đi.

Duyên Anh cầm lấy điện thoại. Anh nói tiếng Pháp:

- Oui.

Tôi hỏi:

- Anh có điều gì dặn em không? Có việc gì muốn em làm cho anh không?

- Không, em ạ. Anh…anh…không cần phải nhắn gì nữa nhé.

Duyên Anh bắt đầu thở dốc.

- Anh có ăn uống được gì không?

- Anh…anh …thường…thường…ăn…thịt….thịt…heo kho.

- Vâng.

- Ừ…đại khái…úi giời…anh…anh…uống…lăng nhăng,…nhưng mà…em cứ…chán rồi.

- Vâng.

- Anh…em…cứ…kiên…nhẫn đi.

Lúc này, Duyên Anh có vẻ đã mê sảng trở lại. Anh cứ ú ớ những âm thanh ngọng ngịu, tôi chẳng biết anh muốn nói gì nữa. Anh Côn đỡ lấy điện thoại. Tôi hỏi anh Côn có hiểu Duyên Anh muốn nói gì không. Anh Côn nói, cũng chẳng hiểu gì hết. Anh bảo tôi đọc số điện thoại ở sở, ở nhà, và giờ giấc thuận tiện, để anh gọi lại.

Chờ đợi hơn một tuần, không thấy anh Côn gọi lại, tôi liên lạc với anh tôi, và được biết tình trạng Duyên Anh càng ngày càng bi đát hơn. Tôi quyết định sang thăm anh một lần, e rằng không có dịp gặp lại anh nữa. Sau khi tham khảo với anh Côn, lúc ấy đã trở về Texas, và nói chuyện với Thiên Sơn, tôi tìm đến cụ đông y sĩ 80 tuổi ở thành phố Rosemead. Sau hơn một tiếng chờ cụ tiếp xong hết khách và bốc thuốc cho họ, tôi tiến đến, ngồi trước mặt cụ. Ông cụ hỏi:

- Ông đau gì?

- Thưa cụ, cháu tới xin cụ bốc thuốc cho ông anh cháu, bị bệnh cứng gan, đang ở bên Pháp.

Cụ đông y sĩ lắc đầu:

- Không được. Tôi phải xem mạch, rồi mới ghi toa, và bốc thuốc được.

- Thưa cụ, cháu là anh của cô N., bị ung thư tụy tạng, cụ đã chữa cho cô ấy. Cháu nghe danh cụ, nên tới đây, xin cụ chữa giúp cho anh cháu, gia đình cháu đội ơn cụ lắm.

- Tôi phải xem mạch, để biết nó là gốc ở gan hay thận, thì mới có thể chữa cho khỏi được.

- Cháu được biết cụ đã chữa cho anh G., bạn của cô N. Anh này cũng bị ung thư gan, nhà thương Mỹ đã chê rồi, mà cụ còn chữa được. Bây giờ, cháu xin cụ chỉ nghe cháu kể bệnh trạng của anh cháu, rồi cụ cứ cho những vị thuốc tương tự như thuốc cụ đã cho anh G. uống…

Ông cụ ngắt lời tôi:

- Ông nói vậy, nhưng tôi còn trách nhiệm của tôi chứ. Ngộ nhỡ, đưa thuốc sang, anh của ông uống không khỏi, tôi lại mang tai mang tiếng.

- Thưa cụ, cháu xin hoàn toàn nhận trách nhiệm về việc này. Chỉ xin cụ vui lòng giúp cho thôi. Bên đó, các bác sĩ Tây đã đầu hàng rồi.

Ngẫm nghĩ một lát, sau cùng, ông cụ tặc lưỡi:

- Thôi được, ông kể bệnh trạng của anh ông cho tôi nghe đi.

Trong lòng hớn hở, và tràn ngập hy vọng, tôi bắt đầu kể. Nghe xong, cụ đông y sĩ nói:

- Bệnh này, ngoài thuốc tôi sẽ bốc cho, ông còn phải đi tìm thêm một loại củ nữa, nấu chung với thuốc, thì mới công hiệu được.

Mừng rỡ, tôi hỏi cụ:

- Cụ bảo củ gì vậy ạ?

- Củ chuối nước. Ông biết cây chuối nước không? Cây này, lá giống lá dong, hoa màu vàng hay đỏ, củ to như củ riềng đó. Ông đi tìm cho tôi một chục củ lớn, đem đến đây, nếu thấy đúng, thì tôi sẽ bốc thuốc cho anh ông.

Tôi nhìn đồng hồ. Đã gần bảy giờ tối. Tôi tính nhẩm, từ nhà cụ đông y sĩ về đến nhà, tìm củ chuối nước, đào xong, có trở lại thì chắc cụ cũng đã đi ngủ rồi. Tôi hẹn cụ, hôm sau trở lại.

Tối hôm đó, tôi ra vườn, đào được hơn một chục củ chuối nước, củ nào củ nấy mập mạnh, rễ dài tua tủa. Đem đống củ chuối ra ao rửa sạch đất cát xong, tôi dùng vòi nước xịt lại cho thật sạch, trước khi bỏ vào bao, treo lên cho ráo nước, để mai đem đến cho ông cụ xem.

Bữa sau, y hẹn, tôi trở lại nhà cụ đông y sĩ. Cụ xem kỹ từng củ, tỏ ý ngạc nhiên sao tôi tìm được nhiều và nhanh thế. Tôi chẳng biết có phải cụ muốn dùng mấy củ này để thử xem tôi có thực sự cần cụ giúp tới mức nào không. Theo cụ đông y sĩ, những củ chuối này, khi sắc chung với thuốc, sẽ bồi bổ lại đôi quả thận đã bị suy yếu, và từ đó tác động vào gan, làm cho thông tiểu, và hết vàng da.

Tám thang thuốc của cụ đông y sĩ, cùng bao củ chuối, tôi xếp đầy một sắc tay, đem lên phi cơ, rời phi trường Los Angleles lúc 9 giờ tối 5 tháng 2, 1997. Ruột tôi nôn nao suốt hơn mười tiếng đồng hồ bay. Trong những phút ngủ chập chờn, tôi mường tượng ra khuôn mặt Duyên Anh, ánh mắt rạng rỡ và tiếng cười hào sảng của anh. Tôi định bụng, tới phi trường Orly, sẽ nhờ anh Vũ Đức Anh đưa tới bệnh viện thăm Duyên Anh ngay; sau đó tôi sẽ về nhà anh tôi, sắc thuốc với củ chuối, sáng sớm mai đem vào cho anh uống. Cụ đông y sĩ đã căn dặn là cho thật nhiều nước, sắc còn hai chén, uống dần trong ngày. Chờ Duyên Anh uống thuốc xong, tôi sẽ chuyển lời thăm hỏi của các bạn bè anh bên Mỹ. Tôi sẽ nhắc lại lời anh Phạm Kim Vinh nhắn Duyên Anh "Còn sống ngày nào, anh sẽ làm mọi việc, để nhân loại không thể quên thiên tài Duyên Anh." Tôi sẽ nói lại với anh những lời tâm sự người bạn thân hơn bốn mươi năm của anh, anh Phạm Thế Truyền, gọi cho tôi đêm 4 tháng 2, hứa sẽ ấn loát và phổ biến Những Đứa Trẻ Thái Bình. Tôi cũng sẽ chuyển tới anh tình cảm chân thành, đôn hậu của một người bạn thân khác, anh Phùng Quang Chiêu, từ Georgia gọi sang. Tôi sẽ nhắn với anh lời dặn dò ân cần của CBG, mong giúp Duyên Anh bình an chấp nhận nhũng hệ quả của nghiệp mình. Tôi cũng sẽ nói cho Duyên Anh biết, tất cả những anh em, bạn bè của anh ở Cali, những Julie, Khúc Lan, Trần Đình Thục, Nguyễn Kim Dung, Nguyễn Đức An, Kim Hùng, Mai Trọng Lý, Lê Quý An, Đỗ Sơn,….vẫn yêu mến và cầu mong cho anh sớm bình phục.

Hôm nay, đã là ngày cuối năm. Những ngày Tết, tôi sẽ túc trực trong bệnh viện với anh. Tôi biết Duyên Anh chờ đợi tôi. Chắc chắn, anh sẽ vui lắm khi gặp lại tôi.

Ý kiến bạn đọc
08 Tháng Giêng 20177:07 CH
Khách
Chung ta chi can co 10 ong DA thoi Viet Nam se kha hon.
11 Tháng Mười 20147:00 SA
Khách
Rất cảm động trước tình bạn cao quý của ông Vũ trung Hiền .Tiếc thương mến phục Duyên Anh mãi mãi ...
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn