BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73321)
(Xem: 62233)
(Xem: 39421)
(Xem: 31168)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Duyên Anh và Tôi (11-12-13-Phụ lục)

07 Tháng Tám 200912:00 SA(Xem: 6295)
Duyên Anh và Tôi (11-12-13-Phụ lục)
59Vote
40Vote
30Vote
20Vote
11Vote
4.610
Chương 11

Sáng hôm sau, chủ nhật, chúng tôi dậy muộn hơn ngày thường. Tôi pha hai phin cà phê. Ấm nước sôi đặt trên bếp điện vặn nhỏ, chờ pha trà. Duyên Anh mở băng nhạc Mai Hương hát mười bản của anh hồi 1987. Trong tiếng nhạc êm đềm, buổi sáng thanh vắng, ở sau vườn nhà tôi, Duyên Anh kể lại bước đầu làm nhạc:

- Hồi ấy, mới sang Pháp, anh có biết lý thuyết sáng tác nhạc là gì đâu. Nhưng tự nhiên thấy thích viết nhạc. Anh thử viết một bài, đưa cho Lam Phương xem. Anh ta chỉ sơ qua cho anh cách viết thế nào để bản nhạc được cân đối. Lam Phương bảo "Chẳng cần sửa gì hết. Như vậy được lắm rồi". Anh vẫn chưa tin. Bèn đem hỏi Võ Đức Tuyết. Ông ta bảo "Nhạc anh viết hay lắm. Tôi cũng chỉ viết được đến thế mà thôi." Vậy là, anh cứ thế mà viết thôi. Bản nhạc đầu tiên, viết hơi khó, sửa đi sửa lại mãi. Đến những bản sau, dòng nhạc cứ tràn lan, anh viết một mạch tới gần một trăm bản. Lựa lọc, bỏ đi dần dần, chỉ giữ lại những bài anh thật ưng ý thôi. Kinh nghiệm này cho anh thấy, hễ mình thích cái gì ghê gớm lắm, cố tâm làm cái ấy, là có thể làm được thôi. Trên đời, chẳng có cái gì khó hết.

- Bản nhạc đầu tiên anh viết là bản nào?

- Ru Đời Phù Ảo.

Duyên Anh vừa cười, vừa kể tiếp chuyện tối hôm trước:

- Anh nhớ thêm một chi tiết nữa. Căn nhà ở Biên Hòa đó, thằng Vũ Bình Nghi chung với một người bạn, sĩ quan Trường Bộ Binh Thủ Đức. Đứa con gái lai ấy, từ bên Lào về, bố mẹ chết hết rồi. Nó ở chung với ông bà nội, cũng là dân lai. Nhà nó ngay ở tòa báo Xây Dựng. Mỗi lần thấy anh đến, nó cứ gọi " Ê, Dung, Dung Đakao", chứ không gọi là"Dũng"…

- Cô ta nói tiếng Việt có rành không?

- Khá rành. Anh thấy nó có vẻ khoái mình, bèn rủ đi chơi. Nó chịu liền. Hôm ấy, thằng Vũ Bình Nghi phải rủ người bạn sĩ quan đi chỗ khác, nhường nhà trống cho anh. Về sau, chơi chán rồi, anh giới thiệu nó cho thằng HNL…

- HNL "ĐQ Mũ Đỏ" đó hả?

- Ừ. Thằng L. này dở bỏ mẹ! Rủ con nhỏ đến chỗ ngủ, không chịu ngủ ngay, còn bảo nó ngồi chờ, để mình đi tắm. Nó tức mình, bỏ về luôn. Gặp anh, nó nói bằng tiếng Tây "Thằng cha ấy, em ghét quá. Ngủ thì ngủ luôn đi, lại còn đi tắm! "

- Làm nó mất hứng?

- Chứ gì nữa. Nó đã sướng từ lúc chịu đi với mình về nhà rồi. Đến nơi, phải làm cho nó sướng liền chứ. Bắt nó chờ, nó bỏ đi là phải.

- Về sau, cô ta làm gì?

- Nó về Tây. Dân Tây mà. Bây giờ, nó cũng phải trên dưới năm chục rồi.

Duyên Anh trầm ngâm một vài giây, rồi tiếp:

- Thực ra, hồi đó, anh cũng léng phéng với một số người. Nhưng nói thật lòng mình, thì anh chỉ yêu có một cô thôi. Cô này anh quen nhân dịp Tết, hồi anh còn dạy ở trường bán công Hòa Hảo. Lẽ ra, mình về Saigon ăn Tết; nhưng lang thang qua Chợ Mới, gặp cô ta về quê chơi, anh làm quen, rồi ở lại đó ăn Tết luôn. Cô ta là con gái một ông điền chủ giầu có. Mấy ngày đầu Xuân, cô ta dẫn anh đi thăm vườn trái cây, chèo thuyền ngắm cảnh sông nước, thơ mộng lắm. Chỉ có hai đứa thôi. Lúc thuyền ghé vào một hàng cây râm mát ở khúc sông vắng, anh ghé môi, chạm nhẹ vào môi cô ấy. Cô bé nhắm mắt lại, toàn thân run lên. Nhưng chỉ có thế thôi, không có gì sâu đậm cả. Cô ta là nữ sinh Gia Long, mười tám tuổi, trọ học ở Saigon với người chị đã có chồng. Bẵng đi một dạo, anh lập gia đình, thành ra không để ý đến cô ta nữa. Một thời gian sau, khi anh đang làm báo Xây Dựng, tình cờ gặp lại cô ta. Nói chuyện một lát, cô ta mời anh về nhà. Cô ta vẫn chưa lấy ai. Lúc này, cô ta như một trái cây đã chín mùi. Đẹp không thể tả được! Số anh, yêu toàn mấy em đẹp không thôi. Em còn nhớ trong phim April Love, cô tài tử gì đóng chung với Pat Boone không?

- Shirley Jones phải không?

- Ừ, đúng rồi. Cô ta có nụ cười và đôi mắt đẹp như Shirley Jones vậy. Anh nhớ ra rồi. Tên cô ta là Thủy. Chị cô ta tên Đạm.

- Và rồi đôi trẻ yêu nhau?

- Yêu quá xá đi chứ! Thủy thú thật với anh là đã yêu anh ngay từ buổi trưa trên sông vắng, khi anh hôn nhẹ lên môi cô ta. Mấy năm trôi qua, cô ấy vẫn mong chờ mình, nên không yêu ai được nữa. Thủy nói, bây giờ gặp lại anh rồi, cô ta muốn hiến dâng hết, không cần anh hứa hẹn gì cả. Dĩ nhiên, cô ta biết anh đã có gia đình. Anh ứa nước mắt, lần đầu tiên ngủ với Thủy, vì biết cô ta còn trong trắng; nhưng đã bằng lòng trao hết cho mình. Anh yêu Thủy lắm, vì mối chân tình cô ta dành cho anh. Suốt mấy tuần liền, anh lái chiếc Renault, chở Thủy đi chơi Thủ Đức, Lái Thiêu, Biên Hòa. Hai đứa quấn quýt như đôi vợ chồng mới cưới. Một buổi tối, gần nhau xong, anh từ giã Thủy để về nhà, như thường lệ, thì cô ta ôm chặt lấy anh, thì thầm "Em yêu anh, và chỉ ao ước được làm vợ anh thôi. Nhưng anh đã có gia đình rồi. Em sẽ mãi mãi chẳng bao giờ được chung sống với anh. Nhiều đêm anh về rồi, em trằn trọc mãi với ý định phải chiếm đoạt anh làm của riêng. Nhưng rồi suy nghĩ lại, em bỏ ý định đó. Em không muốn vì em, mà vợ con anh đau khổ. Bây giờ, em không ân hận gì nữa, vì chúng mình đã trọn vẹn với nhau. Long ơi, anh có biết em đang sung sướng lắm không?"

Anh gỡ nhẹ tay cô ấy ra, và hẹn mấy hôm nữa sẽ đến. Nhưng hai hôm sau, chị cô ta đến báo tin, Thủy chết rồi! Thì ra, buổi tối cuối cùng gặp nhau, anh ra về, Thủy đã uống nguyên một ống thuốc ngủ. Đưa đến nhà thương quá muộn, không cứu được nữa. Anh đến nhìn mặt Thủy lần chót ở nhà thương Đô Thành, trước khi người nhà tẩm liệm. Nhìn cô ta như đang say ngủ, qua làn nước mắt, anh thì thầm "Thủy ơi, tha lỗi cho anh!" Anh cúi xuống, áp mặt mình vào ngực Thủy, và cảm thấy như một nửa phần đời mình đã chết theo cô ta rồi. Lúc ấy, anh mới biết mình yêu Thủy tha thiết như thế nào. Anh ân hận mãi, khi biết, cô ta đi tìm cái chết vì quá tuyệt vọng, vì biết sẽ chẳng bao giờ có thể chung sống với mình. Trong mấy năm gần đây, những lúc đau khổ vì bà vợ, anh đã nhiều lần tự hỏi, giá hồi ấy, mình ly dị, và sống với Thủy, biết đâu cuộc đời mình lại đã chẳng sung sướng hơn.

Tôi nhìn Duyên Anh, thấy mắt anh long lanh ướt. Anh nói thật khẽ:

- Chuyện vừa rồi, anh chưa kể với bất cứ ai, ngoài em ra.

Tôi hỏi:

- Anh có sử dụng những chi tiết ấy trong một cuốn tiểu thuyết nào chưa?

- Chưa, anh vẫn còn cất kỹ. Nhưng chắc chắn, anh sẽ nhắc đến cô Thủy, trong hồi ký anh sắp viết.

- Anh có đổi tên cô ấy không?

- Không, anh sẽ viết tên thật: Thu Thủy, người thiếu nữ quê ở Chợ Mới.

* * *

Không đầy một tuần sau, tôi đang ngồi uống cà phê với Duyên Anh, thì chị Duyên Anh gọi tới. Sau khi kể tội Duyên Anh "nói xấu" chị với Trần Kim Tuyến, để Vĩnh Phúc gọi sang hạch hỏi chị, chị quay sang chửi Bích Thuận và "mấy con đĩ ngựa" đã họp nhau ở quán Đào Viên, nói sau lưng chị. Sau cùng, chị chửi tôi tối tăm mặt mũi về tội chứa chấp Duyên Anh trong nhà. Trước khi cúp máy, chị nói "Chú coi chừng, bữa nào tôi kêu cảnh sát đến còng đầu chú đó! Đ.m. nó! Để cho mẹ con người ta yên chứ!"

Tôi kể lại những điều ấy cho Duyên Anh nghe. Anh nhìn tôi, buồn bã:

- Bây giờ, thì em hiểu vì sao anh bỏ nhà ra đi, và chắc anh không trở về nữa đâu. Anh chịu đựng đã hơn ba mươi năm rồi. Em cũng đừng buồn vì những điều bà ấy nói.

Tôi lắc đầu:

- Không sao đâu anh. Có như thế, em mới thông cảm được nỗi khổ tâm anh chia xẻ với em trong thời gian anh chưa sang đây.

Duyên Anh dặn tôi:

- Nếu bà ấy có gọi sang, nói tử tế với em, em hãy nói "Tôi đã mời anh ấy đi rồi", còn nếu dùng lời lẽ tục tằn, em cứ bảo "Anh ấy không còn ở đây nữa. Tôi đuổi anh ấy đi rồi!"

Buổi tối, NN gọi cho Duyên Anh. Dứt điện thoại, Duyên Anh hớn hở:

- Em cho anh đến nhà con NN đi.

Nhận địa chỉ Duyên Anh đưa, tôi mở bản đồ, dò đường thật kỹ, ghi exit và những chỗ ngoặt lên mảnh giấy nhỏ, dán vào tay lái.

Vừa lên xe, Duyên Anh cười:

- Đ.m, giờ phút thử lửa sắp tới. Lâu quá rồi!

Tôi đùa, hỏi Duyên Anh bằng cách nhắc tên tờ báo trong Hồn Say Phấn Lạ:

- Đạn đã lên nòng chưa?

Duyên Anh hớn hở:

- Đạn dược đầy đủ. Sung sức là đằng khác. Đ.m, ban nãy, anh bảo nó "Em mời anh lại chơi, là anh ở đó ngủ luôn đấy nhé!" Nó nói "Gớm, anh cứ đùa em mãi".

- Rồi anh nói sao?

- Anh bảo "Không, anh yêu em thật mà. Em phải cho anh ngủ với em, để anh chứng tỏ anh yêu em như thế nào chứ."

- Cô ấy bằng lòng không?

- Đời nào đàn bà nó nói bằng lòng ngay. Đ.m, tán gái phải tán như vậy chứ.

- Anh tán bạo thật đấy! Nhưng em nghĩ, mời anh đến chơi giờ này, là cô ấy bật đèn xanh rồi đó…

Chúng tôi đến nơi sau mười lăm phút trên xa lộ. Tôi đậu xe trước một condo hai tầng. Nhấn chuông. Đèn ngoài cổng bật lên. Một khuôn mặt phụ nữ xuất hiện ở cửa sổ trên gác. Khuôn mặt biến mất ngay, và không đầy một phút sau, người phụ nữ nhỏ nhắn, son phấn khá kỹ, mở cửa mời chúng tôi lên nhà.

Sau màn giới thiệu và vài câu xã giao, tôi chào từ giã. Người phụ nữ khách sáo "Anh ở lại đây chơi đã"; nhưng tôi biết, ở lại thêm phút nào, là chỉ kéo dài thêm sự nôn nóng của cả hai người mà thôi.

Hai hôm sau, Duyên Anh gọi tôi đến đón anh về. Tôi hỏi:

- Mọi sự tốt đẹp cả chứ anh?

Duyên Anh cười vui:

- Thắng lợi. Thành công. Đại thành công! Lúc đầu anh cũng sợ lâu ngày không làm chuyện đó, mình sẽ gặp trở ngại tác xạ. Nhưng đạn bắn rất tốt. Không kẹt phát nào cả. Đ.m, nó chiều anh lắm! Anh tắm, nó vào kỳ lưng cho anh. Quần áo anh thay ra, nó giặt ủi cẩn thận. Cơm nước, nó làm cũng ngon lắm.

Tôi đùa:

- Như vậy, coi như Thượng Đế đã đền bù cho anh rồi đấy.

- Có thể như vậy. Nhưng đền bù một vài ngày thôi. Chứ cứ suốt cả tuần, thì chỉ có nước nằm một chỗ thôi. Mình còn phải về để làm việc chứ.

Những ngày kế tiếp, hễ cuối tuần, Duyên Anh và tôi đều có mặt ở nhà in của Triều Khê và Kim Khôi. Ngày thường, khi cần xuống quận Cam, Duyên Anh đi với tôi đến sở lúc 7 giờ sáng, chờ đến 8 giờ, thì thường là có Julie, và một lần, Khúc Lan, đến chở anh tới nhà in.

Một hôm, tôi đi làm về, không thấy Duyên Anh đâu cả. Tìm quanh vườn sau, phòng tắm, ngõ trước, chẳng thấy đâu. Nhìn quanh bàn ăn, bàn phòng khách, cửa tủ lạnh, xem anh có để lại mảnh giấy nhắn tin nào chăng, cũng không có. Mãi gần 10 giờ đêm, tôi đang lo lắng, không biết anh đi đâu rồi, thì Duyên Anh gọi về:

- Anh đang ở nhà con NN đây. Sợ em mong, anh gọi về cho em biết.

- Ai đưa anh đi vậy?

- Ông già Đinh Văn Ngọc.

- Ông bầu thể thao đó hả?

- Ừ. Ông ấy gần tám chục rồi, mà lái xe còn ngon lành lắm. Sáng nay, anh gọi điện thoại thăm, ông ấy đòi đến chơi. Ngồi nói chuyện một lúc, ông Ngọc cho biết, vẫn còn thích làm báo, và nhờ anh phụ trách một mục cho tờ Viễn Xứ của ông ấy.

- Anh có nhận không?

- Phải nhận chứ. Nhưng chẳng biết có thì giờ viết hay không.

- Rồi lúc nào anh mới đi?

- Mãi gần 11 giờ sáng, anh mới nhờ ông ấy chở lại đây.

- Làm sao anh nhớ đường?

- Có gì đâu mà không nhớ được? Hôm nọ, lúc em chở đi, anh để ý quan sát. Từ xa lộ vào, quẹo trái một cái, rồi quẹo phải là tới thôi mà?

Tôi phải phục trí nhớ và óc quan sát của Duyên Anh. Anh vừa nói chuyện với tôi, vừa quan sát đường đất, mặc dù lúc đó trời đã tối.

- Ông Ngọc có ở lại chơi không?

- Ở lại chừng mười lăm phút thôi. Lúc anh tiễn ông già ra cửa, ông ấy bảo anh "Mày giỏi thật! Tìm được một em chim sa cá lặn như vậy, đâu phải dễ. "

- Lúc ấy là buổi trưa. Không có ai ở nhà, phải không?

Duyên Anh cười:

- Chỉ có anh với nó thôi. Và thế là phe ta nhập cuộc. Anh đá liền một quả phạt đền. Ăn cơm, ngủ trưa xong, lại làm bàn một phát nữa. Không ngờ mình vẫn còn khỏe như vậy!

Đang cao hứng, Duyên Anh chợt nói thật nhanh:

- Nó vừa ở phòng tắm ra rồi. Thôi nhé, mai anh sẽ liên lạc với em.

* * *

Đầu tháng mười, in xong bốn cuốn sách. Duyên Anh sang Denver, Colorado, nơi Nguyễn Ngọc Bích và Việt Báo tổ chức một buổi cho anh gặp gỡ độc giả cùng thân hữu. Trước khi rời Los Angeles, anh giao cho tôi việc tìm địa điểm tổ chức buổi giới thiệu bốn tác phẩm mới của anh.

Từ Denver, Duyên Anh gọi về, cho biết buổi ra mắt sách tại đó thành công. Duyên Anh nói:

- Ra mắt sách ở đây vui lắm. Có khoảng một trăm người tham dự. Ba bốn đại tá, trung tá dù, trước đây là độc giả của anh, cũng tới dự. Có ông bảo "tưởng không bao giờ còn được gặp ông nữa chứ." Cảm động nhất, là có một thằng bé chừng hai mươi tuổi. Nó sang Mỹ khi mới ba bốn tuổi gì đó. Vậy mà nó tập đọc tiếng Việt, đọc được các truyện thiếu nhi của anh. Nó bảo nó thích nhất Giặc Ô Kê, vì ở trong đó, anh cho mấy đứa bé bụi đời quay về trường học. Nó bảo "đọc truyện nào của chú, cháu cũng thấy chú đều nói về tình người." Anh nói "thế thì cháu còn giỏi hơn chú rồi!"

Rời chỗ ra mắt sách, Duyên Anh đi thăm đài truyền hình Việt Nam ở Colorado, do Nguyễn Ngọc Bích và mấy người trẻ tuổi thực hiện. Anh kể:

- Mình phải cảm phục sự thông minh và cách làm việc của tụi nó. Chỉ có vài ba đứa trẻ trên dưới hai mươi tuổi, mà cũng thành được một đài truyền hình. Chính bọn chuyên viên đài truyền hình 41 của Mỹ ở đây cũng phải nể phục bọn trẻ. Đến nỗi, tụi chủ đài phải phước thiện luôn, không lấy tiền thuê đài của nhóm trẻ Việt Nam này. Mà chúng nó có tiền mua dụng cụ chuyên môn và đầy đủ đâu? Cái gì cũng vá víu cả. Vậy mà chúng nó làm được, mới hay chứ! Thế nào, về Cali, anh cũng phải viết một bài ca tụng chúng nó mới được. Bọn trẻ này, thực là nhất thế giới đấy!

Tôi hỏi:

- Hôm nay, anh có vẻ vui hơn mấy bữa trước?

Duyên Anh cười :

- À, anh vừa đi ăn với thằng TVM về. Nó học trường Trần Lãm ở Thái Bình với anh từ gần năm mươi năm trước. Đ.m, vui lắm! Hai thằng cứ cười ngất ngưởng khi nhắc những kỷ niệm thơ ấu của nhau. Cười bò cả ra bàn. Cười phụt cả cơm ra ngoài nữa. Cười quá đi mất thôi! Nó bảo "Tao không ngờ mày lại trở thành một thằng nhà văn, mà lại là một nhà văn nổi tiếng nữa!" Chắc đã ba mươi năm rồi, mới gặp lại nó. Thành ra, ngồi chơi nói chuyện với nó lâu lắm. Bây giờ mới về đến tòa soạn của thằng Bích đây. Bên trong, chúng nó đang đàn địch, hát xướng ghê quá. Anh thấy, đời sống ở Denver này cũng tốt lắm, vì có nhiều người thương mình. Em cứ yên tâm về anh. Lúc nào anh cũng cố giữ, để mọi người thương mình. Bây giờ, chả hơi đâu mà hung hăng chửi bới thiên hạ nữa. Trước khi cúp máy, Duyên Anh dặn tôi cố gắng dịch cho xong tiểu thuyết Những Đứa Trẻ Con Mỹ Hẩm Hiu, để anh nhờ người đưa vào thị trường xuất bản Mỹ...

Hôm sau, tôi bàn chuyện ra mắt sách Duyên Anh với Tư Đầm Đầm, chủ nhiệm tuần báo Con Cò. Tư Đầm Đầm đề nghị ra mắt ở một vũ trường. Tôi nghĩ, sách viết về kho tàng ca dao của dân tộc mà ra mắt ở tiệm nhảy, e không được thích hợp cho lắm. Nên tôi không nhờ anh xúc tiến việc này nữa. Tôi nói chuyện với N. Anh đề nghị dùng "trụ sở" của văn bút miền Tây, một địa điểm nhỏ hẹp và hơi xập xệ, chưa đủ tiêu chuẩn tối thiểu của một hội trường. Cho Duyên Anh ra mắt sách ở đó, là thiếu sự trang trọng đối với anh, tôi nghĩ vậy.

Tôi gọi điện thoại đến Người Việt, hỏi Tống Hoằng, tôi có thể mượn, hoặc thuê hội trường của Người Việt không. Tống Hoằng vui vẻ cho mượn ngay, và bảo tôi nói chuyện với Trần Đại Lộc để giữ chỗ. Trần Đại Lộc và tôi bàn qua bàn lại vài ba ngày, chúng tôi quyết định từ 2 giờ đến 5 giờ chiều thứ bảy 4 tháng 11, 1995, sẽ dành hội trường cho buổi ra mắt bốn tác phẩm của Duyên Anh. Tôi gọi cho Nguyễn Thiện Cơ, chủ bút Người Việt, hỏi Cơ có thể cho tôi ghi trên thiệp mời, Người Việt là một trong số những cơ quan truyền thông bảo trợ buổi ra mắt không. Nguyễn Thiện Cơ bảo, không có gì trở ngại cả. Sơ hở của tôi, là tôi đã quên khuấy mất linh hồn của Người Việt, Đỗ Ngọc Yến. Nguyễn Thiện Cơ, trong tình bạn thân thiết đối với tôi, cũng đã sốt sắng nhận lời, không kịp hội ý với Đỗ Ngọc Yến.

Mấy hôm sau, Nguyễn Thiện Cơ điện thoại cho tôi, cho biết Đỗ Ngọc Yến rất không hài lòng việc anh và Tống Hoằng cho Duyên Anh ra mắt sách ở Người Việt. Cơ nói, Người Việt sẽ không thể đứng tên trên thiệp mời, như anh đã nhận lời với tôi hôm trước được. Cơ đề nghị tôi tìm một địa điểm khác. Tôi khá ngỡ ngàng, vì tôi đã thông báo trên chương trình phát thanh VOV của Đỗ Sơn, tức Tư Đầm Đầm, về ngày giờ buổi ra mắt bốn tác phẩm Duyên Anh tại hội trường Người Việt rồi.

Tôi hỏi, và được Nguyễn Thiện Cơ cho biết, lý do chính Đỗ Ngọc Yến không hài lòng là bài viết của Duyên Anh trên Con Cò năm 1991 về Lê Đình Điểu. Tôi phải công nhận, bài viết đó nặng nề quá! Nhóm Người Việt có giận Duyên Anh cũng không có gì là lạ cả. Tôi gọi cho Đỗ Ngọc Yến, đề nghị với anh, tôi sẽ làm gạch nối, để tái lập mối giao hảo giữa Duyên Anh và nhóm Người Việt. Đỗ Ngọc Yến đồng ý với tôi, phải bắt đầu với Lê Đình Điểu trước tiên.

Mấy hôm sau, Duyên Anh trở về Los Angeles, sau khi đã ghé qua Wichita nhận lại va li bản thảo trước đây nhờ Vũ Băng Đình giữ hộ. Lúc này, anh không còn ở nhà tôi nữa. Duyên Anh đến tạm trú ở nhà NN. Hằng ngày, chúng tôi nói chuyện điện thoại ít nhất cũng vài lần. Một buổi chiều, trên đường từ sở về, tôi ghé thăm anh và ở lại đó ăn cơm luôn. Sau bữa cơm, trong lúc NN rửa bát phía sau, Duyên Anh và tôi ngồi nói chuyện ngoài phòng khách. Tôi biết tính Duyên Anh, cao ngạo và tự ái nhiều. Nếu nói thật với anh mọi chuyện, Duyên Anh sẽ nổi nóng ngay. Anh sẽ bắt tôi tìm một địa điểm khác, hoặc bỏ luôn chuyện ra mắt sách ở Cali. Mối bất hòa giữa Duyên Anh và nhóm Người Việt, không những không được giải tỏa, sẽ còn nặng nề hơn. Cho nên, tôi mở đầu bằng cách báo tin vui:

- Trong lúc anh còn ở Wichita, em đã tìm được hội trường để anh ra mắt sách rồi. Chỗ này không rộng lắm, nhưng ấm cúng và thân mật. Âm thanh và ánh sáng cũng rất tốt.

- Chỗ nào vậy?

- Hội trường báo Người Việt. Nguyễn Thiện Cơ, bạn em, hiện làm chủ bút Người Việt. Anh còn nhớ Nguyễn Thiện Cơ chứ? Hồi anh xuống Long Xuyên nói chuyện ở trường Thoại Ngọc Hầu, Nguyễn Thiện Cơ và em tổ chức buổi nói chuyện ấy, để anh ra mắt cuốn Phượng Vĩ đó.

- À, anh nhớ ra rồi.

Tôi tiếp tục nói về liên hệ thân hữu giữa tôi và Người Việt, đặc biệt với Nguyễn Thiện Cơ và Lê Đình Điểu (Cơ và tôi học cùng lớp ở ĐH Sư Phạm Saigon; anh Điểu cũng học ở đó, trước chúng tôi sáu năm). Tôi cũng cho Duyên Anh biết, trong nhiều năm qua, tôi vẫn nhận được báo của Người Việt gửi tặng, tuy thỉnh thoảng mới đóng góp một bài. Nhất là khi tôi ngỏ ý muốn dùng hội trường để ra mắt sách Duyên Anh, Tống Hoằng vui vẻ bằng lòng ngay. Tôi đề nghị với Duyên Anh, kết lại mối thân hữu với Người Việt, vì anh em ở đó đối với tôi rất tốt. Nhắc lại bài viết về Lê Đình Điểu trên Con Cò năm 1991, tôi hỏi:

- Anh căn cứ vào đâu để viết bài đó?

- Lúc ấy, anh đang ở Texas. Thằng Đ. gọi sang, cho anh biết.

- Bài đó có những điều không đúng sự thật. Anh nghĩ, có nên nhân dịp này, nói lại với Lê Đình Điểu một vài câu, cho vui vẻ cả không?

Duyên Anh nói ngay:

- Được chứ. Mình viết sai, thì phải xin lỗi người ta chứ.

Hôm sau, tôi gọi điện thoại, báo tin vui cho Đỗ Ngọc Yến. Tôi cũng gọi cho Lê Đình Điểu, hỏi anh có bằng lòng nói chuyện với Duyên Anh không, để tôi nói Duyên Anh gọi cho anh. Lê Đình Điểu bảo "Duyên Anh muốn nói chuyện, Hiền cứ cho anh ta số điện thoại của tôi." Ngay hôm ấy, Duyên Anh gọi cho Lê Đình Điểu.

Buổi chiều, tôi hỏi Duyên Anh, anh đã nói gì với Lê Đình Điểu. Duyên Anh trả lời:

- Thì anh nói "nếu những gì tôi viết đã làm ông buồn, thì tôi xin lỗi ông."

Hôm sau, tôi gọi cho Lê Đình Điểu. Thời gian này, anh phụ trách đọc báo Mỹ, và dịch trực tiếp những tin quan trọng cho thính giả VNCR nghe, khoảng 15, 20 phút mỗi sáng, từ 6giờ 15 trở đi. Tôi thường nghe Lê Đình Điểu nói, trên đường lái xe đi làm. Gần 7 giờ, đến sở, tôi hay gọi cho anh, hỏi lại mấy chỗ nghe không rõ, hoặc để chia xẻ với anh vài nhận xét về những bản tin anh loan. Bao giờ anh nhấc máy, tôi cũng đều nghe một giọng vui vẻ "Điểu đây."

Sáng hôm ấy, sau vài câu chuyện thường lệ, tôi hỏi:

- Hôm qua, anh Duyên Anh gọi đến xin lỗi anh rồi chứ?

Lê Đình Điểu hơi ngập ngừng trước khi hỏi lại tôi:

- Tại sao Hiền hỏi như vậy?

- Hiền muốn nghe từ chính anh, để có thể, mai mốt đây, viết cho chính xác về Duyên Anh.

Lê Đình Điểu:

- Ừ, thì anh ấy cũng nói lại về bài báo trên tờ Con Cò, và xin lỗi tôi rồi. Tôi cũng không còn nghĩ ngợi gì nữa.

- Thế anh có nghĩ liên hệ giữa anh và Duyên Anh, từ nay trở đi, sẽ khá hơn chứ?

Lê Đình Điểu chậm rãi:

- Tôi vẫn quan niệm Quân tử chi giao, đạm nhược thủy mà. Nếu anh ấy chưa xin lỗi mình, thì mình không nói chuyện, không bắt tay. Còn bây giờ, anh ấy đã nói như thế rồi, thì gặp anh ấy ở đâu, mình sẽ chào hỏi, bắt tay. Có vậy thôi.

Mấy hôm sau, tôi đề nghị với Duyên Anh đến thăm nhà Lê Đình Điểu, sau đó, ghé thăm tòa soạn Người Việt, và buổi trưa, ra tiệm ăn với mấy anh em trong nhóm Người Việt.

Tôi cho Đỗ Ngọc Yến và Lê Đình Điểu biết ý định của Duyên Anh và tôi. Hai anh đều có vẻ vui lòng. Đỗ Ngọc Yến nói anh sẽ cùng Nguyễn Xuân Hoàng đến nhà Lê Đình Điểu lúc 9 giờ sáng thứ bảy 28 tháng 10. Duyên Anh và tôi cũng sẽ có mặt ở nhà Lê Đình Điểu lúc ấy. Tất cả sẽ gặp gỡ, nói chuyện thân mật ở đấy, rồi sẽ tới báo quán Người Việt. Sau đó, sẽ đi ăn trưa với nhau.

Sáng thứ bảy, tôi đến đón Duyên Anh ở nhà NN lúc 8 giờ. Chưa tới 9 giờ sáng, chúng tôi đã có mặt ở nhà Lê Đình Điểu. Anh chị Lê Đình Điểu tiếp đón chúng tôi niềm nở. Chị Điểu pha trà đãi chúng tôi. Duyên Anh và Lê Đình Điểu ngồi chung một ghế sofa. Tôi ngồi ghế riêng, nghe hai người nói chuyện. Họ nói về những người quen ở Pháp, và những chuyện xảy ra trong thời gian hai người còn ở tù cải tạo. Không khí nói chuyện cởi mở; rất nhiều tiếng cười. Lê Đình Điểu vào phòng lấy máy ảnh, nhờ tôi chụp hình anh và Duyên Anh ngồi cạnh nhau.

Chúng tôi ngồi nói chuyện tới 9 giờ rưỡi, thỉnh thoảng nhìn đồng hồ, có ý chờ Đỗ Ngọc Yến và Nguyễn Xuân Hoàng. Hỏi Lê Đình Điểu, anh bảo không biết vì sao hai người đó chưa thấy đến. Tới gần 10 giờ, chúng tôi từ giã Lê Đình Điểu. Anh nói không thể đi ăn trưa với chúng tôi, vì đã hẹn đi thăm con anh sáng hôm ấy rồi.

Tôi chở Duyên Anh xuống khu Westminster. Bước vào tòa báo Người Việt sau hai mươi phút lái xe. Nguyễn Xuân Hoàng và Nguyễn Thiện Cơ ra đón, đưa chúng tôi vào bên trong, thăm chỗ làm việc của ban biên tập, văn phòng ban quản trị, thư viện. Tôi ra xe, lấy mấy bộ sách, để Duyên Anh ngồi ký tặng một số anh em trong Người Việt.

Tôi hỏi Nguyễn Xuân Hoàng về buổi hẹn ở nhà Lê Đình Điểu. Nguyễn Xuân Hoàng cho biết "Đỗ Ngọc Yến lái xe chở moi đến nhà Điểu, nhưng không hiểu sao, lại đi lạc vào khu Mỹ đen. Đi lòng vòng mãi, không tìm ra nhà Điểu. Thành ra, Yến phải chở moi về lại đây. Bây giờ không hiểu người lại đi đâu mất rồi."

Ngồi nói chuyện một hồi, Nguyễn Xuân Hoàng mời Duyên Anh và tôi vào thư viện Người Việt, để anh phỏng vấn chúng tôi, trong chương trình văn học nghệ thuật anh phụ trách cho đài VOA.

Lý Kiến Trúc, một cộng tác viên của Người Việt, cũng vào ngồi tham dự, nhưng không đặt câu hỏi. Anh chỉ muốn thu băng buổi phỏng vấn, để dùng trong chương trình phát thanh của anh tại vùng Pomona. Một thời gian sau, Lý Kiến Trúc thôi làm với Người Việt. Anh ra làm tờ Văn Hóa, kiêm luôn chủ nhiệm, chủ bút.

Sau ba mươi phút phỏng vấn, chúng tôi ra Kim Sư ăn trưa. Chỉ có bốn người: Nguyễn Xuân Hoàng, Nguyễn Thiện Cơ, Duyên Anh, và tôi. Suốt thời gian ngồi ở Người Việt, tôi tưởng Đỗ Ngọc Yến sẽ về lại tòa soạn, để đi ăn trưa với chúng tôi, như đã dự tính. Nhưng anh không đến. Tôi nghĩ, có thể Đỗ Ngọc Yến muốn lánh mặt, vì e ngại số đông thân hữu của anh sẽ không vui, khi họ thấy anh tỏ ra thân thiện, đi ăn chung với Duyên Anh.

N. gọi cho tôi, bàn về việc làm thiệp mời thân hữu và độc giả đến tham dự buổi ra mắt sách. Trong thành phần Ban Tổ Chức và Bảo Trợ, ngoài Nhà Xuất Bản, còn dự tính ghi thêm một số tờ báo và cá nhân liên hệ đến việc tổ chức. N. đề nghị tôi ghi thêm tên một ông bác sĩ nữa. Tôi từ chối ngay, vì ông này chưa hề liên hệ gì đến dự tính của chúng tôi cả. Quyết định vội vã đó của tôi, phải sau này, tôi mới thấy không được khôn khéo, ít nhất là về phương diện giao tế.

Chỉ vài hôm sau, N. gọi cho tôi:

- Anh Hiền, nguy lắm rồi, người ta phản đối dữ lắm. Chắc người ta sẽ không đến tham dự đâu. Ông K. bảo đừng để tên ông ta, hay Văn Bút của ông ta vào thư mời nữa. Ông K. cũng sẽ không đến dự, và không muốn dính dáng gì đến buổi ra mắt ấy đâu.

Tôi ngạc nhiên. Mới mấy tuần trước, theo Duyên Anh kể cho tôi nghe, anh ở chơi nhà Lê Quý An. Duyên Anh gọi điện thoại cho ông K. Ông K. đến chơi ngay, và đề nghị tổ chức ra mắt sách cho Duyên Anh. Nay, tôi không hiểu tại sao ông ta lại thay đổi thái độ như vậy.

(Sau này, Duyên Anh cho tôi biết, Viên Linh, Chủ Tịch Văn Bút Tây Nam Hoa Kỳ, đã chỉ thị cho ông K., và các thành viên của tổ chức này, tẩy chay buổi ra mắt sách của Duyên Anh.)

Tôi hỏi N.:

- Anh bảo người ta phản đối và sẽ không đến dự. Người ta đây là những ai vậy?

- Tôi không thể cho anh biết người ta là ai được.

Tôi hơi bực mình:

- Nhưng mà, anh N., mình có mời những người ta ấy đâu, mà có chuyện họ không đến tham dự?

N. trổ tài vặn vẹo:

- Như vậy, anh không muốn ai đến tham dự buổi ấy, phải không?

- Không phải là tôi không muốn mời ai, nhưng anh nói không rõ ràng như thế, làm sao tôi biết ngoài nhóm của ông K., còn những ai không ưa Duyên Anh, để mình khỏi phải mời họ?

- Tôi không thể cho anh biết tên những người đó được.

Tôi không hài lòng trước thái độ của N. Tôi thất vọng, vì cứ ngỡ, Duyên Anh đã tin tưởng anh, nhờ anh cùng tôi tổ chức buổi ra mắt đó; nếu có chuyện gì khó khăn, anh sẽ cho tôi biết chi tiết, để chúng tôi tìm cách giải quyết. Hoặc khi biết những cá nhân, hay phe nhóm nào có ý định phản đối người bạn của anh; nếu thực lòng muốn giúp đỡ bạn mình, tôi nghĩ, anh cũng nên cho tôi hay, để cùng đối phó. Nhưng rất tiếc, có lẽ vì tôi đã thiếu khôn khéo, vội vàng từ chối đề nghị của anh hôm trước, làm mất lòng anh, nên nay, có vẻ như N. muốn đứng ngoài cuộc rồi.

Tôi gọi điện thoại, cho Duyên Anh biết diễn biến công việc. Anh bực mình, dặn tôi nhờ N. nhắn lại với NTK - nguyên văn lời Duyên Anh- "Bảo với thằng NTK, nó là cái con c. gì mà ghê gớm vậy?" Duyên Anh nói thêm "Chẳng cần nhờ chúng nó nữa. Đứa nào muốn phản đối, cứ để cho chúng nó phản đối. Em cứ tiếp tục làm một mình đi. Trong thư mời, em cứ đứng tên nhà xuất bản thôi, không cần nhờ ai, hay tờ báo nào, đứng chung tên với mình làm gì."

Tôi nghe lời anh, thảo một thư mời ngắn, và chương trình buổi ra mắt.

Thư Mời
Trân trọng kính mời quý độc giả và thân hữu
Tham dự buổi ra mắt 4 tác phẩm mới nhất của
Duyên Anh
1. Về Với Ca Dao
2. Vỡ Lòng Ca Dao
3. Ca Dao Quyện Lấy Miếng Ngon Dân Tộc
4. Những Đứa Trẻ Con Mỹ Hẩm Hiu
do nhà xuất bản Vũ Trung Hiền ấn hành
Chiều Thứ Bảy 4 tháng Mười Một, 1995
2:00 Thân hữu gặp gỡ, giải khát
3:00 Bắt đầu
Nơi gặp mặt:

PHÒNG SINH HOẠT NHẬT BÁO NGƯỜI VIỆT
14091 Moran St, Westminster, CA 92683
Sự có mặt của quý vị là điều vinh dự cho tác giả và nhà xuất bản.
Kính Mời
NXB Vũ Trung Hiền
(818) 797-4560


Tôi fax ngay thư này xuống cho Đỗ Ngọc Yến, Tống Hoằng, và Nguyễn Thiện Cơ, nhờ Người Việt cho đăng lên báo. Tôi gọi cho Đỗ Sơn Tư Đầm Đầm. Anh hứa sẽ cho làm một băng đờ rôn treo làm nền sân khấu. Nguyễn Kim Dung sốt sắng, cho biết sẵn sàng làm những gì tôi cần. Tôi nhờ Dung lo việc giải khát chiều hôm đó. Tôi thảo một thư mời bằng tiếng Anh, gửi cho thị trưởng và cảnh sát trưởng thành phố Westmisnter, kèm theo bản sao bài thường thuật vụ hành hung Duyên Anh bảy năm trước, đăng trên tờ Los Angeles Times. Tôi tin chắc, không cần phải nhờ chính quyền địa phương bảo vệ an ninh, họ cũng thừa biết bổn phận của họ. Những thư mời khác, tôi gửi cho các đài truyền hình và những tờ báo trong hai hạt Los Angles và Orange County.

Chiều thứ tư 1 tháng mười một, Valerie Takahama, nữ phóng viên nhật báo lớn nhất Orange County, tờ Register, gọi đến, nhờ tôi dàn xếp để được phỏng vấn Duyên Anh. Tôi hỏi ý Duyên Anh, anh bảo "cứ việc cho nó đến." Valerie đến chỗ tôi làm việc lúc 4 giờ 30 chiều, trao đổi một vài câu chuyện với tôi, và chờ tới khi tan sở, để tôi dẫn đường đi gặp Duyên Anh.

Đến chỗ Duyên Anh tạm trú, chúng tôi ngồi chờ khoảng nửa tiếng trong lúc Quỳnh Trang của Little Saigon Television phỏng vấn Duyên Anh. Sau đó, Valerie hỏi Duyên Anh một số câu. Tôi thông dịch cho Valerie hiểu những điều Duyên Anh nói. Valerie mời Duyên Anh và tôi đến thăm trụ sở tờ Orange County Register để chị có dịp nói chuyện thêm, và để chuyên viên chụp hình tại đó chụp ảnh Duyên Anh đăng báo, kèm theo bài tường thuật của chị.

Sáng 3 tháng 11, Duyên Anh và tôi đến trụ sở tờ Register. Valerie xuống phòng khách đón, và dẫn chúng tôi thăm một vài văn phòng, giới thiệu Duyên Anh với mấy nhân vật có trách nhiệm, tôi đã quên tên. Chúng tôi vào một hội trường nhỏ. Valerie soạn sẵn một số câu hỏi về cuộc đời và kinh nghiệm sáng tác của Duyên Anh. Anh trả lời vừa xong, thì Anna Venegas cũng bước vào, chụp cho Duyên Anh hai cuộn phim đủ kiểu đứng, ngồi, hút thuốc, không hút, nhìn thẳng, ngó nghiêng…

Khoảng một tuần trước ngày 4 tháng 11, Julie gọi cho tôi:

- Anh Hiền, em rất lo người ta phá buổi ra mắt sách của anh Duyên Anh. Anh có chuẩn bị gì chưa?

- Có. Anh chuẩn bị rồi. Julie đừng lo gì. Mà Julie nghe nhóm nào định phá vậy?

- Em nghe nói có một số cựu quân nhân hay cựu sĩ quan gì đó. Họ không ưa anh Duyên Anh. Em nghĩ, anh nên nhờ anh Du Tử Lê nói với những ông đó, để họ khỏi phá anh Duyên Anh.

- Vì sao Julie nghĩ anh Du Tử Lê làm được chuyện đó?

- Em thấy anh ấy quen biết nhiều, và có uy tín với các cựu sĩ quan ở dưới này.

Tôi nói:

- Anh không bao giờ làm chuyện đó đâu. Julie cũng đừng nhờ anh Du Tử Lê làm gì. Julie yên chí, sẽ chẳng có chuyện gì xảy ra đâu.

Julie hỏi:

- Thế còn hai bài em sẽ hát, anh đã đệm piano thử chưa?

Tôi bối rối. Trước đấy hai tuần, Julie ngỏ ý muốn hát vài bản trong buổi ra mắt tác phẩm Duyên Anh. Tôi đề nghị Julie hát mấy bài nhạc Nhật, lời Việt trong cuốn băng Ngàn Năm Vẫn Đợi, phổ biến năm 1987. Julie bằng lòng, và nhờ tôi đệm piano. Tôi nói cho Duyên Anh biết, anh cũng đồng ý.

Nhưng vào tuần lễ cuối cùng, trước buổi ra mắt, Duyên Anh đổi ý. Anh bảo tôi, anh không muốn nhờ Julie hát trong buổi chiều 4 tháng 11 nữa. Duyên Anh nói, ra mắt sách, phải thuần túy văn chương thôi. Không nên có thêm màn phụ diễn ca nhạc. Quyết định này của Duyên Anh khiến tôi khó xử, không biết phải nói thế nào cho Julie khỏi buồn anh.

Cuối cùng, tôi đành nói:

- Anh đệm rồi. Cũng dễ thôi. Nhưng có lẽ, để lần khác Julie sẽ hát. Thứ bảy này, sẽ có nhiều người lên nói. Chắc không đủ thì giờ để thêm phần ca hát đâu.

Đêm thứ sáu 3/11/95, Julie gọi cho Duyên Anh. NN tỏ ra khó chịu. Hai người đàn bà lời qua tiếng lại, khá nặng nề. Julie gọi đến, phân bua với tôi:

- Cái bà NN thật là cà chớn! Em vừa làm cho con mẹ ấy một mách, phải cúp điện thoại luôn.

Tôi hỏi:

- Đầu đuôi như thế nào?

- Thế này nhé, em gọi đến, xin nói chuyện với anh Duyên Anh. Bà ấy bảo anh ấy đang bận. Bà ấy còn nói, ai muốn nói chuyện với Duyên Anh, phải qua bà ấy, vì chị Duyên Anh đã giao cho bà ấy công việc săn sóc anh Duyên Anh rồi. Em tức mình, nói "Giao cho bà, rồi bà lấy luôn anh ấy, phải không?". Bà ấy không nói gì được, phải cúp máy. Rồi anh Duyên Anh gọi lại, xin lỗi em về thái độ của bà ấy.

Một lát sau, đến lượt NN gọi đến tôi, kể lể. Nguyên do, NN có vẻ muốn độc quyền, không chịu chia xẻ Duyên Anh với bất cứ ai, về bất cứ phương diện gì. Lúc ấy, đã gần 11 giờ khuya. Tôi bực mình, to tiếng với NN:

- Mấy người không biết tội nghiệp cho Duyên Anh sao? Làm ơn im đi, cho tôi nhờ một chút. Đợi chiều mai, xong xuôi rồi; lúc ấy, muốn cắn xé nhau, thì tha hồ!

Hôm sau, thứ bảy 4 tháng 11, 1995, tôi có mặt ở Người Việt từ hơn 12 giờ trưa. Một lúc sau, Nguyễn Kim Dung tới nơi, cùng ba người con trai. Bố con Dung khuân nước ngọt, đá lạnh, ly nhựa, khăn giấy vào, xếp trên hai bàn cuối hội trường. Ở ngay cửa vào Phòng Sinh Hoạt, chất đống gần một chục thùng quần áo của một trung tâm công giáo gửi cứu trợ đồng bào ở trại tị nạn Phi Luật Tân. Dung và tôi ì ạch khiêng được một vài thùng vào nhà kho đựng báo bên cạnh hội trường. Rất may, nhà văn Hoàng Khởi Phong tìm được chiếc xe đẩy hai bánh; và chính anh tự tay đẩy số thùng còn lại vào kho, giúp chúng tôi.

Tấm băng đờ rôn bằng nhựa vàng, chữ đỏ và xanh, do Tư Đầm Đầm gửi tới:

Buổi Ra Mắt Sách Tác giả Duyên Anh
1. Về Với Ca Dao
2. Vỡ Lòng Ca Dao
3. Ca Dao Quyện Lấy Miếng Ngon Dân Tộc
4. Những Đứa Trẻ Con Mỹ Hẩm Hiu
Nhà Xuất Bản Vũ Trung Hiền phát hành

Tôi ra phía sau nhà kho, tìm được cái thang. Nguyễn Kim Dung cùng tôi và mấy đứa con của Dung thay phiên nhau leo lên, vừa dùng giây cao su cột, vừa lấy băng keo dán, sau gần nửa giờ, cũng đã treo được ngay ngắn tấm phông này lên bức tường phía sau bục gỗ.

Tới phần thử âm thanh, ánh sáng. Lại cũng nhờ tay Hoàng Khởi Phong điều chỉnh từ gác xép bên trên lối vào hội trường.

Khoảng 1 giờ rưỡi, quan khách bắt đầu tới. Đúng 2 giờ, Duyên Anh được một người bạn của NN chở đến. Tôi ra xe, khuân hai thùng sách vào, bày lên bàn ở cửa ra vào. NN và cô bạn thân ngồi thu tiền sách. Những cuốn này đều có chữ ký của Duyên Anh ở trang đầu. Khách tham dự tiến đến bàn, mua sách. Đặc biệt, người đầu tiên mua sách là cựu sĩ quan dù Phạm Đình Cung, một bạn tù của Duyên Anh.

Phạm Đình Cung bắt tay Duyên Anh:

- Nghe nói mày ra mắt sách, tao đến đây mừng cho mày. Bây giờ, thì tao phải đi làm, không ở lại tham dự được.

Đến 2 giờ rưỡi, người tham dự đã ngồi gần đầy phòng. Một vài thân hữu thúc giục tôi lên bắt đầu chương trình, nhưng tôi nói, đã ghi trong thiệp mời giờ nào, phải theo giờ ấy.

Đúng ba giờ, tôi bước lên chào mừng quan khách, và giới thiệu Nguyễn Thiện Cơ, chủ bút báo Người Việt. Cơ bày tỏ sự vui mừng khi biết Duyên Anh viết văn trở lại. Anh nhắc lại kỷ niệm lần Duyên Anh xuống Long Xuyên nói chuyện văn chương và ra mắt cuốn Phượng Vĩ. Sau cùng, Cơ chúc Duyên Anh thành công trong việc làm sống lại ca dao, một đề tài dường như đã bị lãng quên, nhất là trong giới trẻ, không những ở hải ngoại, mà cũng tại Việt Nam nữa.

Sau đó là phần phát biểu của, Cao Thế Dung, Nguyễn Kim Dung, Đỗ Sơn, Đinh Quang Anh Thái, Phạm Kim Vinh.

Cao Thế Dung kể lại lần uống rượu và tâm sự suốt đêm với Duyên Anh ở Paris, như một người bạn. Ông nhân danh một độc giả yêu mến văn chương Duyên Anh, bày tỏ lòng ngưỡng mộ một tài năng của dân tộc. Theo Cao Thế Dung, nhà văn có sứ mạng nói sự thật. Và khi lên tiếng, nhân danh sự thật, nhà văn coi thường mọi chống đối. Cũng theo Cao Thế Dung, ở hải ngoại không có nền văn chương chống cộng. Chỉ có văn chương dân tộc hay phi dân tộc mà thôi.

Nguyễn Kim Dung lên án những kẻ đứng đằng sau vụ hành hung Duyên Anh, và ca tụng nghị lực phi thường của nhà văn khi tập viết lại bằng tay trái. Theo Nguyễn Kim Dung, Duyên Anh là tiếng nói của tuổi trẻ, và đã thay mặt đồng bào, gióng lên tiếng thét phẫn nộ, khi niềm tin bị Mặt Trận làm cho mất mát.

Đỗ Sơn cho biết, anh từng là hàng xóm của Duyên Anh, tuy lúc Duyên Anh đã thành danh, anh vẫn còn là một cậu học sinh trung học. Đỗ Sơn kể chuyện lúc đóng đồn ở biên giới, anh và các chiến sĩ trong đơn vị đều ưa thích đọc các bài viết của Duyên Anh. Có hôm đang đọc, Việt cộng pháo kích vào đồn. Mọi người nhảy vào hầm tránh pháo kích, nhưng vẫn ôm bụng cười hê hê, vì những bài văn trào lộng của Duyên Anh.

Đinh Quang Anh Thái kể lại thời gian ở tù chung với Duyên Anh tại Phan Đăng Lưu. Trong phòng giam có một người tù từng là sĩ quan biệt kích, chuyên môn đánh những người tù làm ăng ten. Nhưng riêng với Duyên Anh, anh biệt kích này tỏ vẻ quý trọng đặc biệt. ĐQ Anh Thái tố cáo một số xảo thuật của Việt cộng nhằm bôi nhọ và triệt hạ uy tín của những người chống đối họ cách hữu hiệu. Duyên Anh là một trong những người này. Anh nhắc lại lần gặp Duyên Anh hai năm trước đó tại Paris, khi Duyên Anh nói chuyện với Thái về chính văn, ngụy văn. Thái đề nghị Duyên Anh nên tập trung viết chính văn, không nên viết ngụy văn nữa. Theo ĐQ Anh Thái, ngụy văn là loại văn trào lộng, châm chọc, khiêu khích người khác.

Trong lúc ĐQ Anh Thái đang nói, Duyên Anh vẫy tôi lại, nói nhỏ:

Nguyễn Trọng Nho bảo anh, nó muốn lên nói, nhưng ngại em không cho nó nói.

Tôi bảo anh:

- Anh ấy muốn lên nói, thì để em giới thiệu, không có vấn đề gì đâu.

ĐQ Anh Thái vừa dứt lời, tôi lên bục, giới thiệu "vua xuống đường, một trong những lãnh tụ sinh viên thập niên 60, luật sư Nguyễn Trọng Nho."

Nguyễn Trọng Nho bày tỏ sự ngưỡng mộ văn chương và tư tưởng Duyên Anh, đặc biệt khi anh vào thư viện trung ương Los Angeles, thấy khu sách tiếng Việt tràn ngập tác phẩm Duyên Anh. Nhưng sau đó, có lẽ vì không chuẩn bị sẵn, anh chuyển sự ngưỡng mộ của mình sang nhà văn nữ Dương Thu Hương, trước khi dứt lời, khiến một số người tham dự cảm thấy hơi ngỡ ngàng.

Nhà văn Phạm Kim Vinh mở đầu bài phát biểu bằng lời mạnh mẽ kết án bộ mặt giả nhân giả nghĩa của Mỹ, quốc gia đứng đầu thế giới tự do, nhưng thật ra, chỉ là một bọn buôn bán nhân quyền. Theo Phạm Kim Vinh, Duyên Anh tung hoành trong làng văn chương với tám mươi tác phẩm đã xuất bản. Thế mà, anh vẫn chưa dám xưng là nhà văn; chỉ khiêm tốn tự nhận mình là thợ viết thôi.

Phạm Kim Vinh cũng cực lực lên án bọn ngu muội và tàn bạo đã hành hung Duyên Anh, với ý định cướp đi ngòi bút sắc như dao của một chiến sĩ dũng mãnh trên mặt trận quốc tế vận, người đã chiến đấu cho chính nghĩa tự do của người Việt quốc gia chống Cộng.

Phạm Kim Vinh kết luận bằng cách diễn ý câu nói của Alexandre Dumas, để ca ngợi Duyên Anh như một mẫu người can đảm phi thường, gặp bao oan khiên khổ ải mà vẫn vươn lên, vượt thắng mọi trở ngại. Theo Phạm Kim Vinh, một người có tâm hồn càng cao, thì thử thách càng lớn.

Kế đó, tôi mời Duyên Anh lên nói chuyện với cử tọa. Anh tâm sự về tai nạn xảy đến cho mình, những nỗi đau đớn đã nếm trải, cả về thể xác lẫn tinh thần trong mấy năm vừa qua. Anh nói về những khó khăn trong bước đầu tập viết lại bằng tay trái. Anh nhắc tới lời khen ngợi của những y sĩ Pháp điều trị cho anh, lời chúc mừng của một nữ bác sĩ Pháp, rằng anh có hai đời văn trong một đời người. Anh nói mình "không còn tứ khoái như những con người bình thường nữa." Theo Duyên Anh, bây giờ anh chỉ còn được hưởng ba cái thú là ngủ, hút thuốc lá, và viết mà thôi. Duyên Anh khẳng định, trong các thứ nghệ sĩ, nhà văn là loại nghệ sĩ cô đơn nhất.

Sau phần nói chuyện của Duyên Anh, tôi mời cử tọa đặt câu hỏi gián tiếp, bằng cách viết ra giấy, đưa lên phía trước. Tôi sẽ đọc những câu hỏi này lên, và Duyên Anh sẽ trả lời ngay tại chỗ. Tôi muốn tránh trường hợp đã xảy ra trong buổi nói chuyện của Duyên Anh ở San Francisco, Bùi Duy Tâm tổ chức cho anh, khi một vài người trong cử tọa đứng dậy, đặt những câu hỏi có tính cách khiêu khích, và Duyên Anh mất bình tĩnh, nổi nóng lên, khiến buổi nói chuyện biến thành một cuộc đối đầu.

Trước hôm có buổi ra mắt sách, tôi đã suy nghĩ, và quyết định, thà mất lòng một số người tham dự không thích lối đặt câu hỏi này, mà mình chủ động trong việc điều hợp chương trình, còn hơn là để ai muốn hỏi gì thì hỏi, có thể sẽ xảy ra những bất ngờ không hay.

Câu hỏi đầu tiên là của một bạn trẻ. Em này muốn biết Duyên Anh có ý coi thường văn hóa Mỹ hay không, khi nhà văn chê thậm tệ các món hamburger, hot dog, pizza, v.v…Duyên Anh trả lời bằng cách mô tả sự đa dạng của thức ăn Việt nam, từ các món điểm tâm đơn giản, bình dân, đến những món cầu kỳ hơn, và kết luận văn hóa Việt nam phong phú hơn văn hóa Mỹ.

Một ông lớn tuổi đưa mảnh giấy, cho biết ông là độc giả Con Ong ở Saigon thuở xưa, và muốn hỏi Duyên Anh có định cho sống lại tờ báo này không. Duyên Anh nói lúc nào cũng thích làm báo trào phúng. Nhưng bây giờ thì chưa có điều kiện thuận lợi để làm báo trở lại.

Một nữ thính giả, tự nhận mình là thi sĩ, đặt vấn đề với Duyên Anh về sự cô đơn của nghệ sĩ. Bà cho rằng Duyên Anh nói chỉ nhà văn mới cô đơn, là không đúng. Theo bà, cả thi sĩ cũng cô đơn nữa. Trong gần năm phút, Duyên Anh và bà thi sĩ cứ giằng co mãi hai chữ cô đơn này. Để rồi cuối cùng, Duyên Anh đành phải nhường người đẹp: "Thôi được rồi, thi sĩ các bà cũng cô đơn. Như tôi vậy!"

Vào cuối buổi họp mặt, một phụ nữ khoảng ngoài bốn mươi, đến gặp tôi. Bà cho biết, vừa mua mấy cuốn sách ở bàn ngoài, lật thử vài đoạn trong cuốn ca dao, và rất ngỡ ngàng khi thấy Duyên Anh của thời bà còn là búp bê, bây giờ khác xưa nhiều quá. Tôi hỏi bà thấy khác ở chỗ nào. Người phụ nữ, độc giả trung thành của Trang Búp Bê ba mươi năm trước, nói "Ông Duyên Anh, ông ấy viết bạo quá! Đọc tới chỗ ông ấy tả mấy con vật làm chuyện đó với nhau, tôi phải đóng sách lại. Định mua về cho đứa con gái mười lăm tuổi ở nhà xem, nhưng tôi nghĩ, phải đợi mấy năm nữa, mới cho cháu xem được." Tôi nói:

- Thưa bà, chắc bà biết tai nạn xảy đến cho Duyên Anh cách đây mấy năm có thể đã ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt của ông ấy. Có lẽ, vì không còn bình thường như trước, Duyên Anh đã phải cho những ẩn ức đó thoát ra ngoài, qua những gì ông ấy viết. Ban nãy, chắc bà đã nghe ông ấy tâm sự, rằng chỉ còn được ba cái thú là ngủ, hút thuốc lá, và viết văn?

Bà độc giả, cũng như nhiều người, không biết, là khi đọc lại bản in thử, tôi đã đề nghị Duyên Anh cắt bỏ nguyên một trang, trong đó anh cực tả một cảnh nài hoa ép liễu quá dữ dội. Lúc đầu, Duyên Anh không chịu. Tính anh vẫn thế. Viết ra cái gì rồi, rất ít khi bằng lòng cho ai sửa. Tôi phải nói "Anh để nguyên đoạn đó, cuốn sách chỉ dày thêm một trang thôi, nhưng sẽ không có lợi cho tiếng tăm của anh đâu. Anh nên nghe em đi."

Cuối cùng, anh bằng lòng cắt đoạn đó.

Ngày 5 tháng 11, trên trang Metro của Orange County Register có đăng tấm ảnh mầu chụp hơi nghiêng của Duyên Anh, kèm với bài viết của Valerie Takahama. Sau đây là nguyên văn bài này (những chữ trong ngoặc đơn là chú thích của người dịch):

SỰ TÁI SINH CỦA MỘT NHÀ VĂN VIỆT NAM

Duyên Anh, một trong những nhà văn nổi tiếng nhất Việt nam, thường nhắc lại lời vị y sĩ điều trị nói với ông sau vụ hành hung ở Garden Grove (thực ra là ở Westminster) đã khiến ông bán thân bất toại và tạm thời không viết được. Bà bác sĩ người Pháp đã nói với Duyên Anh:

- Ông phải sung sướng, vì ông có hai đời viết văn trong một đời người. Duyên Anh ăn mừng sự khởi đầu cuộc đời thứ hai của ông tạï buổi tiếp tân, thứ bảy 4 tháng 11, ở Little Saigon. Buổi sinh hoạt tổ chức tại Nhật Báo Người Việt đánh dấu việc phát hành bốn trong số những tác phẩm mới viết của ông. Nhà văn bộc trực Duyên Anh viết xong những tác phẩm này khi đã hồi phục sau trận hành hung có thể vì lý do chính trị thúc đẩy. Nhà văn Cao Thế Dung đã nói trước cử tọa khoảng 100 người, gồm các văn hữu và độc giả yêu mến Duyên Anh:

- Người ta có thể cướp giật cây bút khỏi tay chúng ta, cây bút vẫn là cây bút. Tôi vui mừng có mặt ở đây để chứng kiến sự tái sinh của một Duyên Anh.

Nhà văn Duyên Anh, năm nay 60 tuổi, được các nhà phê bình người Pháp gọi là Mark Twain Việt Nam. Ông đã trải qua quá nhiều thăng trầm và hệ lụy trớ trêu, đến nỗi cuộc đời Duyên Anh, nếu có thể viết thành tiểu thuyết, người ta cũng khó có thể tin là sự thật được. Những tác phẩm viết về lớp người cùng khổ, cô thế trong xã hội, đã khiến Duyên Anh được nhiều người yêu mến. Nhưng chính nghiệp viết văn đã đưa Duyên Anh vào kiếp tù đày sau ngày Saigon thất thủ, và cũng là lý do đưa ông từ Paris trở lại Little Saigon.

Phần lớn tác phẩm Duyên Anh viết hồi còn ở Việt nam; nên tôi đã phải tìm hiểu ông qua một số thông dịch viên, thân hữu, và độc giả của ông. Những người này đều mến mộ sự chân thành, óc khôi hài, và lối viết thẳng thừng của ông.

Quỳnh Trang, chủ tịch ban quản trị Little Saigon Radio & Television, cho biết:

- Tôi yêu mến văn chương Duyên Anh từ lúc tôi còn ấu thơ, ở Việt nam.

(Valerie Takahama gặp Quỳnh Trang chiều 1 tháng 11, lúc Quỳnh Trang đưa chuyên viên thu hình đến và phỏng vấn Duyên Anh. Buổi phỏng vấn truyền hình được phát đi lúc 9 giờ sáng thứ bảy, 4 tháng 11. )

Quỳnh Trang nói tiếp:

- Trong bài trần thuyết đầu tiên ở trường, tôi chọn một tác phẩm Duyên Anh viết về trẻ bụi đời. Ông dùng chữ bụi đời để mô tả những trẻ em này, vốn bị xã hội coi thường như bụi bặm.

Tiêu biểu cho hàng chục cuốn tiểu thuyết Duyên Anh viết về du đãng và tầng lớp cùng khổ trong xã hội là Đồi Fanta. Đây là truyện kể về những trẻ mồ côi và bụi đời (bị Việt cộng đày đọa trong một trại tập trung ở tỉnh Phước Long ). Khi các tù nhân thiếu nhi này qua đời, vì không có bia mộ, phải dùng chai nước ngọt Fanta đánh dấu nơi chôn cất các em.

Quỳnh Trang nói thêm:

- Duyên Anh là người rất bộc trực. Trong xã hội Việt nam, người ta cho rằng, nếu có vấn đề gì, thì mình không nên nói về vấn đề ấy. Nhiều người không chấp nhận sự bộc trực của Duyên Anh. Họ ghét ông ta.

Duyên Anh, bút hiệu của Vũ Mộng Long, sinh năm 1935 ở Thái Bình, Bắc Việt, trong một gia đình nông dân nghèo. Khi mới lên bảy, Duyên Anh đã phải ra đồng làm việc, bắt cá con về cho gia đình có thêm thức ăn.

Nhưng số ông không phải ở lại quê nhà. Ở tuổi 19, ông di cư vào Nam, làm đủ mọi thứ nghề để nuôi thân, trong đó có cả nghề giữ xe đạp, quảng cáo cho gánh xiếc…

Trong những năm đầu thập niên 60, ông bắt đầu viết, rồi làm chủ bút các tờ Con Ong, Người. Ông nổi tiếng về tài châm chọc những cảnh thối nát, bất lương trong đám lãnh tụ cộng sản, những người quốc gia, và giới lãnh đạo quân sự thời ấy. Cũng trong thời gian đó, Duyên Anh tạo cho mình thành một trong những tiểu thuyết gia có sách bán chạy nhất Việt nam.

Tiểu thuyết đầu tiên của Duyên Anh, Thằng Vũ, viết về những cuộc phiêu lưu hào hứng, nghịch ngợm của một thiếu niên, thường được coi như tương đương với The Adventures of Tom Sawyer (tiểu thuyết của nhà văn Mỹ Mark Twain ).

Cuộc đời Duyên Anh thay đổi một cách phũ phàng sau khi cộng sản chiếm miền Nam. Ông bị bắt giữ vào tháng tư, 1976, và trải qua năm năm rưỡi trong các nhà tù và trại cải tạo.

- "Cuộc sống ở đó đau đớn lắm. Con người không còn là người nữa. Họ đối xử với chúng tôi như những con vật", Duyên Anh đã mô tả như thế về nhà tù Chí Hòa, thành phố Hồ Chí Minh, nơi ông bị giam giữ gần một năm.

Ông được ra khỏi tù vào tháng 9, năm 1981. Cộng sản cho ông biết, họ thả ông vì chính sách khoan hồng của chính phủ, nhưng Duyên Anh tin rằng nhờ áp lực của tổ chức Ân Xá Quốc Tế, và Văn Bút Quốc Tế, mà ông được tự do.

Vợ và hai con của Duyên Anh được phép xuất cảnh đi Pháp, nhưng ông không được đi theo. Tháng 3, năm 1983, Duyên Anh vượt biển tới Mã Lai sau chuyến hải trình kéo dài 10 ngày. Ông đến Paris tháng 10, 1983.

30 tháng 4, 1988, đúng dịp kỷ niệm 13 năm ngày Saigon thất thủ, Duyên Anh bị hành hung trong lúc viếng thăm Hoa Kỳ. Nhà văn đã sống sót qua bao thăng trầm, giờ đây tật nguyền vĩnh viễn.

Ông bị ba hay bốn người tấn công (thật ra là bốn người đã vây lấy Duyên Anh, nhưng chỉ một người đánh anh thôi ) ở bên ngoài thương xá Bolsa Mini Mall, ngay lúc chấm dứt cuộc biểu tình chống cộng tại thương xá này. Tuy không có ai bị bắt sau vụ hành hung Duyên Anh, cảnh sát cho biết có thể ông đã là nạn nhân của bạo lực chính trị. Nhà xuất bản Vũ Trung Hiền tin rằng việc Duyên Anh bị hành hung là kết quả việc Cộng Sản Việt Nam phao truyền những tin đồn về ông. Ông Vũ Trung Hiền quả quyết Cộng Sản Việt Nam đã tạo dựng những chuyện dối trá, rằng Duyên Anh hợp tác với bọn cai tù. Mục đích của họ là bôi nhọ danh tiếng của Duyên Anh, và triệt tiêu ảnh hưởng của ông.

Dù bất cứ lý do gì đưa đến vụ hành hung Duyên Anh, nó cũng đã khiến ông hôn mê trong năm ngày. Khi tỉnh lại, ông mất trí nhớ, và không nói được. Tay phải và chân phải hoàn toàn tê liệt.

Từ khi trí nhớ hồi phục, Duyên Anh tự học lại tiếng Việt, và tập viết bằng tay trái. Ông đã hoàn thành nhiều tác phẩm, trong số đó, có bốn cuốn ra mắt hôm thứ bảy: ba cuốn viết về ca dao, và một cuốn viết về trẻ con Mỹ lai.

- "Tôi không thù ghét, hay giữ lòng oán hận bất cứ ai, kể cả những người đã đánh đập tôi tàn nhẫn," Duyên Anh nói. Thi hào Nguyễn Du đã dạy chúng tôi:

Đã mang lấy nghiệp vào thân,
Cũng đừng trách lẫn trời gần, trời xa.


* * *

Dưới đây là phần viết lại cuộc phỏng vấn Duyên Anh trên chương trình Little Saigon Television, phát hình lúc 9 giờ sáng thứ bảy 4 tháng 11, 1995.

Quỳnh Trang: Thay mặt cho Little Saigon TV, chúng tôi hân hạnh chào mừng nhà văn Duyên Anh đến thăm Hoa Kỳ.

Duyên Anh: Tôi tới đây, với tư cách của một nhà văn, theo lời mời của nhà xuất bản Vũ Trung Hiền, là người chịu trách nhiệm giới thiệu bốn tác phẩm mới của tôi. Đó là những cuốn Vỡ Lòng Ca Dao, Về Với Ca Dao, Ca Dao Quyện Lấy Miếng Ngon Dân Tộc, và Những Đứa Trẻ Con Mỹ Hẩm Hiu. Lẽ ra, tôi định cho xuất bản luôn sáu cuốn tôi đã hoàn thành năm 1994, nhưng Vũ Trung Hiền không có đủ điều kiện in tất cả sáu cuốn một lúc.

QT: Thưa nhà văn Duyên Anh, vì sao trong thời gian gần đây, ông lại viết về đề tài ca dao, thay vì loại tiểu thuyết ông thường viết?

DA: Thưa bà, sau khi bị thương, tôi nằm suy nghĩ, và thấy những cái lãng mạn và tình tự cao siêu nhất đã có sẵn trong ca dao. Chúng ta không cần phải tìm đâu xa hết. Những người trẻ muốn tìm sự lãng mạn, tình yêu, và sự chân thành, cứ đọc ca dao đi, sẽ thấy trong đó có hết. Ca dao là nguồn gốc của văn hóa Việt nam. Tôi thấy những nhà văn trẻ có thể đến với ca dao, khai thác ca dao để tìm cảm hứng sáng tác. Bởi vì ca dao, tự nó, đã có đủ mọi thứ rồi.

QT: Thưa ông, nếu ông còn ở Việt nam, ông nghĩ ông có thể viết những sách về ca dao như thế này không?

DA: Nếu tôi còn ở trong nước, có lẽ không có những cuốn này đâu. Bây giờ, ở trong nước, người ta lơ là với ca dao; còn ở ngoài nước, thì quên hẳn ca dao rồi. Tôi nghĩ, các bậc làm cha mẹ, cần để ý đến việc dạy ca dao cho con cái mình. Bởi vì, những người trẻ, nếu không thuộc một câu ca dao nào, thì tôi cảm thấy, họ đã mất đi cái gốc gác của mình rồi. Trong những sách tôi viết về ca dao, tôi chỉ gắng sức ca ngợi ca dao hết lời thôi. Tôi nghĩ, mỗi người viết về ca dao, đều có cách thức riêng của mình để ca tụng ca dao. Bởi vì, ca dao đã là chiếc áo gấm rồi. Ca tụng thì cũng vậy thôi. Cái chính là để cho người đọc thấy, người bây giờ nghĩ như thế nào về người thời xưa.

QT: Xin ông cho biết thêm về tác phẩm Những Đứa Trẻ Con Mỹ Hẩm Hiu.

DA: Tôi viết về những đứa trẻ lai Mỹ trắng, Mỹ đen. Truyện tôi viết cũng hơi lạ, nhưng không khác gì những chuyện đã xảy ra trên trái đất này. Nhân vật của tôi yêu quê mẹ Việt nam của chúng nó lắm. Có những đứa sang được đến Mỹ rồi, viết thư về, khuyên những đứa chưa đi, rằng hãy ở lại Việt nam, đừng sang Mỹ làm gì nữa. Bởi vì, sang đến Mỹ, con trai lai Mỹ phải đi làm trộm cướp, con gái lai Mỹ phải làm gái giang hồ trước tuổi của mình. Ẩn ý của tôi là cho người Mỹ thấy, thái độ của họ đối với trẻ Việt nam lai Mỹ không tốt đẹp gì cả.

QT: Như vậy, trong cuốn sách này, ông có lên án hay gửi ra một thông điệp nào không?

DA: Lên án, thì tôi không lên án ai cả. Qua tiểu thuyết này, tôi chỉ muốn cho độc giả thấy những đứa trẻ lai Mỹ cũng yêu quê ngoại Việt nam của chúng như bất cứ người Việt nam nào khác thôi.

QT: Trước 75, ông đã viết và xuất bản rất nhiều sách viết về trẻ con, Thằng Vũ, Thằng Khoa, Con Thúy, Bồn Lừa, Dzũng Đa Kao, v.v…Có thể coi những tác phẩm đó tương đương với những cuốn Mark Twain viết về Tom Sawyer và Huckleberry Finn không?

DA: Thì tôi cũng muốn nhận vơ là như thế. Nhưng có những người bất mãn với tôi. Họ bảo "Duyên Anh sức mấy mà bằng Mark Twain được?" Nhưng khi các nhà phê bình người Pháp nhận định về cuốn Những Đứa Trẻ Thái Bình của tôi, thì họ đã viết rằng "Đây là một Mark Twain của Việt nam".

QT: Ông có nhận thấy là từ khi ra ngoại quốc, lối viết của ông có đổi khác đi không?

DA: Có chứ. Một nhà xuất bản Pháp đã nói với tôi như thế này "Nếu anh viết truyện của anh, mà nhân vật là nhân vật Pháp, thì đã có nhiều người viết như thế rồi. Chúng tôi không cần đến anh đâu. Nhưng nếu anh viết về quê hương anh, thì độc giả của chúng tôi sẽ hiểu được nhân sinh quan của anh, tình cảm của dân tộc anh, xem dân tộc anh lãng mạn như thế nào. Đó là những cái người ta muốn tìm hiểu." Do đó, tôi cố gắng viết làm sao cho thuần túy là Việt nam.

QT: Khi còn ở Việt nam, với những tác phẩm viết về tuổi trẻ, thí dụ như cuốn Ngựa Chứng Trong Sân Trường, rất nhiều người trẻ đã mến mộ ông, coi ông như thần tượng. Ngược lại, có một số người lớn tuổi và giáo sư thời ấy cho là ông đã vô trách nhiệm trong việc giáo dục tuổi trẻ. Ông nghĩ như thế nào?

DA: Tôi có bốn tiểu thuyết viết về tuổi trẻ và du đãng là Điệu Ru Nước Mắt, Trần Thị Diễm Châu, Sa Mạc Tuổi Trẻ, và Vết Thù Hằn Trên Lưng Con Ngựa Hoang. Tôi cho là quý vị phụ huynh và quý vị giáo sư ấy chưa nghĩ kỹ đó thôi. Thử hỏi các nhân vật du đãng của tôi trong các tiểu thuyết đó có bẩn thỉu không? Tôi xin nói vì sao tôi viết những cuốn ấy. Đó là thời gian sau khi đảo chánh. Ông tướng này chỉnh lý, hạ bệ ông tướng kia, rồi ông tướng kia lại bắt giam ông tướng nọ. Tôi thấy thời đại lúc ấy không còn thần tượng nữa. Tôi buồn quá, bèn cho du đãng làm thần tượng của tuổi trẻ. Thực ra, thần tượng của chính tôi nữa. Do đó, tôi cho các nhân vật du đãng của tôi sống sao cho đáng sống. Du đãng trong tiểu thuyết tôi có hai loại. Một loại ăn chơi đàng điếm, độc ác, hà hiếp người lương thiện. Loại thứ nhì là du đãng có lý tưởng làm đẹp cuộc đời. Loại thứ nhì này sẽ phải tìm cách diệt loại thứ nhất. Cũng giống như mọi truyện. Chỉ có vậy thôi.

QT: Như vậy có phải ông muốn làm một cuộc cách mạng giáo dục?

DA: Cách mạng giáo dục, thì tôi phải nói đến Ngựa Chứng Trong Sân Trường, có thể coi như cuốn sách tôi ưng ý nhất. Cuốn thứ nhì là Bò Sữa Gặm Cỏ Cháy, trong đó tôi đả kích những người lãnh đạo thời ấy nuôi bò mà chỉ cho nó gặm cỏ cháy, thì làm sao nó có sữa tốt để nuôi con nó được. Giá họ để ý đến nhi đồng và thanh niên, thì họ đã không làm thế. Và đã không có ngày hôm nay, chúng ta phải ngồi đây nhìn nhau mà nói những chuyện dĩ vãng đau xót.

QT: Thưa nhà văn Duyên Anh, mấy năm trước, ông có cho ra hai bộ hồi ký Nhà TùTrại Tập Trung. Xin ông cho biết thêm về hai tác phẩm này.

DA: Nếu tôi được nói vắn tắt cho đúng thì tôi xin nói như thế này. Trước đây mấy hôm, nhà văn Như Phong Lê Văn Tiến, tác giả trường thiên tiểu thuyết Khói Sóng, gọi điện thoại cho tôi. Như Phong cám ơn tôi đã viết về ông ấy trong Nhà Tù, nhờ đó mấy người bạn Mỹ của ông ấy mới biết Như Phong còn sống, và bảo lãnh ông ấy sang đây. Về việc người ta đánh tôi, Như Phong nói " Khi nghe tin cậu bị đánh, thì chính ra, không phải không phải chỉ mình cậu bị đánh đâu; mà cả tôi, cả những anh em khác, cũng bị đánh nữa." Tôi đã xem lại cuốn Nhà Tù, và tôi lấy làm lạ, là trong đó, tôi chỉ toàn viết về việc giam giữ các nhà văn nhà báo thôi. Tôi có viết về các ông sĩ quan cải tạo nào đâu, mà các ông ấy đòi, hễ gặp tôi ở đâu, là đánh ở đấy? Các ông ấy có đọc tôi bao giờ đâu. Cho nên nói với những người không đọc mình, không có ích lợi gì. Trong cuốn Nhà Tù, tôi viết về cái tĩnh của đời tù. Còn trong Trại Tập Trung, tôi viết về cái động bên ngoài của tù nhân. Cái động không hay bằng cái tĩnh đâu. Cho nên, nhiều người nói đọc Nhà Tù thích hơn đọc Trại Tập Trung. Nếu có thì giờ, tôi sẽ viết lại hai cuốn này…

QT: Ông định viết lại, hay viết thêm?

DA: Tôi viết thêm. Để chứng tỏ cho mọi người biết rằng, tôi đã viết như vậy, là tôi còn hiền phần nào đấy. Chứ nếu tôi viết tất cả, thì các ông ấy chán lắm!

QT: Thưa ông, đã có nguồn dư luận cho rằng ông từng làm ăng ten hại các bạn tù, rồi ra hải ngoại, lại đả kích người khác. Ông nghĩ sao về việc này?

DA: Tôi đã ở trong tù ba năm, khổ lắm. Nhưng tôi không làm ăng ten. Sau đó, thì ra trại tập trung. Mới đầu là Sa Ác. Cũng chẳng có gì là ăng ten cả. Từ Sa Ác, tôi bị chuyển về Hàm Tâm. Hai trại này chỉ cách nhau có một dãy núi thôi. Đó là dãy núi Mây Tào. Từ bên đây sang bên kia, thế là tôi đã trở thành ăng ten rồi! Cô phải biết, ăng ten ở trong tù chẳng thể hại ai được cả. Những người bảo tôi là ăng ten, khi ai hỏi họ có ở chung trại với tôi không, thì họ bảo chỉ nghe đồn vậy thôi. Nghe đồn mà làm hại danh dự của người ta như vậy đó! Cô biết câu chuyện Người Đi Đường và Con Chó trong Quốc Văn Giáo Khoa Thư chứ? " Than ôi, sức mạnh con người không có gì bằng lời nói", Quốc Văn Giáo Khoa Thư đã kết luận như vậy đó. Những người kết án tôi, toàn dựa vào tin đồn, tin đồn, và tin đồn mà thôi. Cho nên, bây giờ, tôi chẳng để ý gì đến họ nữa. Tôi chỉ để ý làm sao cho văn chương của mình mỗi ngày một hay thêm mà thôi.

QT: Thưa ông, trong số các bạn đồng tù của ông, đã có ai lên tiếng đả kích ông chưa?

DA: Tôi không thấy. Tôi còn nghe một vài người ở cùng trại đã viết bài bênh vực tôi, nhưng tôi chưa đọc, và tôi cũng không cần đọc nữa.

QT: Ông trở lại Westminster sau bảy năm. Ông có cảm nghĩ gì khi đi ngang qua chỗ người ta đả thương ông không?

DA: Tôi chẳng có cảm nghĩ gì cả. Sau bảy năm, đã có nhiều đổi thay lắm; và chuyện của tôi, tôi đã quên nó đi rồi. Tôi phải nói thêm về sự khinh bỉ mà cộng sản nó dành cho tù nhân miền Nam. Chúng nó bắt trí thức, tướng tá, nhà văn nhà báo miền Nam đi cải tạo, mà chúng nó chỉ đưa những đứa từ 18 đến 23 tuổi để giáo dục các anh thôi. Nó có gửi tướng tá, hay nhà văn nào đến giảng dạy cho các anh đâu? Các anh không hiểu điều ấy để mà thù hận chúng nó. Các anh chỉ tìm những người cùng phe với các anh để thù hận thôi. Tôi nghĩ, người ta nên suy nghĩ lại một tí, để bớt chửi bới lẫn nhau đi. Cô nên nhớ, là cộng sản không cần phải đến nhà, bắt các ông sĩ quan đi cải tạo. Họ chỉ ra một cái thông cáo thôi. Là các sĩ quan ngoan ngoãn trình diện ngay. Còn nhà văn như tôi, thì mười thằng công an, nửa đêm đến nhà khám xét, khóa tay tôi lại, và đưa đi tù. Thế thì, nhà văn đã hơn sĩ quan nhiều chưa?

QT: Ông đã trả giá cho những tin đồn coi như thất thiệt ấy bằng năm ngày hôn mê, và nửa phần thân thể bị tê liệt. Ông có hận thù gì trong lòng không?

DA: Tôi chẳng hận thù gì nữa cả. Tôi cũng không biết nhóm nào đánh tôi nữa. Thì cứ coi như cái nghiệp thôi. "Sinh ư nghệ, tử ư nghiệp" mà. Tôi chẳng biết cái nghề viết văn của tôi có sinh ra để chết vì viết văn không. Nhưng cái nghiệp, mà ông Nguyễn Du đã dạy, thì đúng lắm.

Đã mang lấy nghiệp vào thân
Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa


Tôi không trách móc ai cả.

QT: Thưa ông, trong lúc ông đang dưỡng bệnh thì lại được tin con gái và con rể ông tử nạn máy bay. Ông có tự hỏi tại sao tai họa lại dồn dập như thế không?

DA : Tôi lại học được câu nói của tổ tiên tôi. Đó là "Họa vô đơn chí, phúc bất trùng lai." Tôi không thể giải thích được tại sao tai họa lại đến với mình liên tiếp như thế được. Nhưng mà cũng từ ngày bị thương, tôi lại tin vào tướng số. Thầy tướng nói với tôi, là từ năm tôi sáu mươi tuổi trở đi, hai mươi năm đau khổ sẽ qua, và đời tôi sẽ lên hương. Chắc là trời sẽ thương tôi, và cho tôi một cái phúc nào đó, cái này mình chưa biết được. Trời thương tôi, nhưng có thể cũng giao cho tôi một sứ mạng nào đó. Trời bắt tôi viết bằng tay trái, nhưng lại viết hay hơn ngày xưa. Cho nên vì thế, tôi vẫn tiếp tục viết…

Ý kiến bạn đọc
08 Tháng Giêng 20177:07 CH
Khách
Chung ta chi can co 10 ong DA thoi Viet Nam se kha hon.
11 Tháng Mười 20147:00 SA
Khách
Rất cảm động trước tình bạn cao quý của ông Vũ trung Hiền .Tiếc thương mến phục Duyên Anh mãi mãi ...
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn