BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73233)
(Xem: 62214)
(Xem: 39392)
(Xem: 31148)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Hưng Việt phỏng vấn các nhân vật về Duyên Anh

13 Tháng Sáu 201012:00 SA(Xem: 5569)
Hưng Việt phỏng vấn các nhân vật về Duyên Anh
510Vote
40Vote
30Vote
21Vote
10Vote
4.711

Phỏng Vấn Hà Thượng Nhân
về Duyên Anh


Hưng Việt: Thưa xin được biết tiểu sử của bác.

Hà Thượng Nhân: Trước tôi ở ngoài kháng chiến. Năm 1952 trở vào thành đi dạy học. Năm 1954, thời ông Ngô Đình Diệm, tôi vào quân đội làm phó giám đốc ngành chiến tranh tâm lý, lúc bấy giờ tôi chỉ là đại úy thôi. Năm 1958 tôi làm phó trưởng Phòng 5 bộ tổng tham mưu. Bấy giờ Phòng 5 không có trưởng phòng. Thời đó các chức vụ có tính cách chính trị đều do Đảng (Cần Lao) nắm cho nên bộ trưởng quớc phòng gọi là phụ tá bộ trưởng quốc phòng, thực tế là bộ trưởng như ông Trần Trung Dung. Năm 1960 thì tôi làm giám đốc nha vô tuyến truyền thanh tức đài phát thanh Sàigòn. Rồi sau đó tôi làm chủ nhiệm báo Tiền Tuyến cho tới năm 1973 thì giải ngũ.

HV: Thưa bác có quen biết hoặc liên hệ với nhà văn Duyên Anh?

HTN: Quen biết thì chắc chắn là quen biết rồi vì ngày trước tôi làm báo nên những người trong báo chí tôi đều biết hết. Tuy nhiên biết nhưng không thân vì anh ta nhỏ tuổi hơn tôi nhiều mà tôi cũng không để ý đến anh ta nhiều. Tôi là người đưa anh Nguyễn Mạnh Côn vào quân đội và làm báo. Đó là báo "Chỉ Đạo" có anh Ngô Quân là phó trưởng ban tố cộng. Một hôm Nguyễn Mạnh Côn có đưa cho tôi coi "Con Sáo Của Em Tôi" rồi nói:

- Anh à, cái thằng này nó viết được lắm.

Tôi coi xong rồi nói: "Ừ, viết được lắm". Thế thì sau này Duyên Anh coi như là đàn em văn nghệ của Nguyễn Mạnh Côn. Tính tình Duyên Anh tôi không biết nhưng mà theo tôi hiểu, là Duyên Anh có một cái ngang bướng của một người tự ý thức được khả năng của mình. Cho nên mặc dù là đàn em của Nguyễn Mạnh Côn nhưng có khi anh ấy cũng nói với Nguyễn Mạnh Côn những câu ngang bướng. Dễ hiểu thôi. Nhiều anh em nói với tôi cam đoan Duyên Anh không là ăng-ten bao giờ nhưng mà bị nhiều người ghét vì Duyên Anh hay nói móc họng lắm. Điều đó là tại sao những người như anh Nguyễn Mạnh Côn có nhiều khi Duyên Anh rất phục, cũng có nhiều khi Duyên Anh không phục bởi vì Duyên Anh là người có tài. Tôi nghĩ rằng đó chẳng qua là thái độ của những người hiểu được, ý thức được khả năng của mình và đó là thái độ của kẻ sĩ cho nên Duyên Anh có thể có những lúc làm phật lòng đến những người chung quanh.

HV: Bác nghĩ sao về dư luận cho rằng nhà văn Duyên Anh là "ăng-ten"?

HTN: Tôi nghĩ dư luận đó chỉ là một sự hiểu lầm. Người mà viết được những vần thơ như thế không thể là kẻ hèn được. Người ta có thể dối trá mọi thứ nhưng không thể dối trá trên văn chương được. Thí dụ khi anh khóc giả, đến như Tố Hữu là người khóc giả tuyệt vời nhất mà vẫn không lừa được người khác. Bây giờ có nhiều thơ chống cộng chửi Hồ Chí Minh lắm nhưng mà chẳng thấy có bài nào cho ra hồn cả. Những bài thơ mà Duyên Anh viết về tướng lãnh đọc nghe đau đớn ghê lắm, quằn quại ghê lắm. Một người mà có tâm như thế không thể là người hèn.

HV: Chỉ Với "Thơ Tù", Giáo sư Channu - người Pháp - giới thiệu với công chúng Pháp rằng Duyên Anh là "môt thi sĩ lớn, một vinh quang quốc gia". Tại sao từ ngày ấy cho đến nay, chưa có một nhận định, một đánh giá đúng đắn nào về thơ Duyên Anh mặc dù ở hải ngoại đã có vô số sách báo, công trình nghiên cứu, đánh giá về giòng văn học Việt Nam hải ngoại?

HTN: Tôi nghĩ là như thế này: Duyên Anh là người nổi tiếng về văn trước khi nổi tiếng về thơ. Anh ấy chỉ cho thơ là nghề tay trái. Và những người làm thơ như tôi thì lại không được biết đến Duyên Anh như là một nhà thơ. Nếu không có cô Mai Nguyên thì tôi không biết thi sĩ Duyên Anh. Anh bạn tôi, Vũ Đức Nghiêm, là người rất quí mến Duyên Anh, đã thường nói với tôi về Duyên Anh nhưng tôi chưa được đọc thơ Duyên Anh. Chắc vì Duyên Anh là người nhiều tài quá bởi vì tôi nghe nói anh ta làm cả đến nhạc. Con người đó nhiều khả năng quá. Những bài thơ của Duyên Anh, tôi đọc, tôi kinh dị ra. Sau khi đọc xong tôi nói với cô Mai Nguyên: "Cô nên dịch ra, thơ ấy nên được dịch ra Anh ngữ…"

Hôm trước tôi có nói chuyện với người anh của Lý Tống. Anh đó có đến xin mấy bài thơ của tôi để dịch. Tôi đã nói với anh ta:

- Anh hãy dịch thơ của Duyên Anh đi. Đừng dịch thơ tôi. Thơ ấy đáng dịch vì thơ Duyên Anh ý nhiều hơn lời.

Thơ mà về tranh đấu thì thơ Duyên Anh, tôi chỉ mới thấy có một thôi, chứ chưa thấy hai. Thơ Nguyễn Chí Thiện cũng ghê gớm lắm nhưng mà tôi thấy khẩu hiệu nhiều hơn. Đó là chính trị chứ chưa phải nghệ thuật. Nó gần với nghệ thuật chứ chưa phải nghệ thuật. Thơ Duyên Anh là nghệ thuật.

HV: Chỉ với những bài thơ "Nhân Danh Những Gì Tôi Biết" trong "Sĩ Phu Nước Việt" - tác giả Mai Nguyên - bác đã thật sự xúc động và khâm phục tài năng của "thi sĩ" Duyên Anh. Bác có thể cho biết sự xúc động ấy như thế nào?

HTN: Đọc xong tôi mới tỉnh ra: "Chết chửa, một người tài năng cỡ này mà mình không biết, bậy quá!" Vì tôi tự cho tôi là người yêu nghệ thuật, yêu thi ca lắm, không có một chỗ nào mà tôi không đọc hết. Tôi quan tâm đến văn chương lắm. Ngay cả đến anh Võ Phiến. anh ấy đang làm công chức nhỏ trong một tỉnh nhỏ nhưng mà trên tờ báo của Lê Phương tôi thấy bài của ảnh, tôi bảo anh này là một nhân tài. Tôi đã tìm đến ảnh, tôi bảo:

- Anh là con cá kình. Anh không thể ở luồn rạch được. Anh phải ở Sàigòn.

Nói về thơ có một cái lạ thế này. Có một người bạn của tôi, giáo sư Nguyễn Duy Cần, lúc đó đã 84 tuổi, sau khi tôi ra tù có đến thăm tôi, trao cho tôi 1 tập thơ và bảo:

- Anh đọc qua, đây là thơ tôi viết.

Tôi bảo:

- Anh làm thơ à? Tuổi này mà anh bắt đầu làm thơ à?

Anh ấy nói:

- Phải. Tôi làm thơ và đây là thơ của tôi, của chính tôi làm, không phải thơ ai khác. Phạm Quỳnh, ai cũng có thể làm được, chỉ cần chịu học là được. Nhưng Tản Đà thì không. Anh là người của Trời. Đó là tiếng lòng mà ra, chẳng cần học chó gì, chẳng cần biết gì cả, anh chỉ cần nói lên tiếng lòng của anh, cho nên về già tôi mới làm thơ. Thơ tôi chắc dở nhưng tôi tự ngâm lấy. Tôi tự trình bầy, anh nghe dùm tôi.

Thế thì Võ Phiến, Duyên Anh, Mai Thảo cũng thế. Viết thơ là viết tiếng lòng mình ra.

HV: Bác đã là một thi sĩ nổi danh tự thuở xưa. Do đó đánh giá, nhận định của bác về thơ không thể nào không chính xác. Theo bác, một số người làm thơ hay, hùng tráng, nổi tiếng nhưng khó thể gọi những người đó là thi sĩ. Bác có thể phân tích thêm về nhận định ấy?

HTN: Tôi không dám cho những nhận định của tôi là chính xác nhưng tôi là một người sống cả cuộc đời cho thi ca thì chắc rằng những nhận xét của tôi là khách quan. Đạo Công Giáo sang Việt Nam đến mấy trăm năm rồi, không có ai làm cho tôi cảm động được thơ của họ viết về Thiên Chúa. Nhưng mà người duy nhất nói lên được nỗi lòng của mình đối với Thiên Chúa là Hàn Mặc Tử. Tôi không phải là người Công Giáo nhưng tôi đọc thì tôi cảm động lắm. Thế thì thơ chống cộng có biết bao nhiêu nhà chính trị đã làm nhưng họ làm những khẩu hiệu. Họ làm bằng cái trí chứ không phải bằng cái tâm. Duyên Anh làm bằng cái tâm. Anh nhớ là ngày xưa những người đi thi, họ đỗ Trạng Nguyên, Bãng Nhãn, Thám Hoa, đó là những học vị cao nhất. Thường là sau khi thi xong, vua thiết đãi yến tiệc, các ông ấy làm thơ lưu niệm lại. Thế thơ ấy có ai nhớ không? Anh thấy có ai nhớ không? Vì thơ đó không phải là thơ. Còn những người như Đỗ Phủ, Lý Thái Bạch đi thi có đỗ đâu nhưng mà họ là thi sĩ. Không có nghĩa là thơ của họ làm đúng hơn thơ của các ông Trạng Nguyên vì nếu nói về quy luật làm thơ thì các ông đi thi là phải giỏi hơn cả. Nhưng thơ của họ là nghệ thuật, nó khác. Cho nên nếu làm thơ cho đúng, ca tụng Thiên Chúa cho đúng thì đâu có ai qua mấy ông Linh Mục, Giám Mục. Đúng nhưng mà không thuyết phục được về mặt nghệ thuật.

Anh nghĩ coi, người ta khóc giả như ở ngoài Bắc người ta khóc mướn ấy mà. Người ta khóc lâm ly ai oán lắm nhưng mà không cảm động được vì đó là khóc giả. Họ khóc không phải cho cha mẹ ruột của họ nên thiếu sự chân thành.

HV: Bác có thể cho biết sự khác biệt giữa thơ Duyên Anh và thơ những người bác đã được đọc qua và đã gây cho bác nhiều cảm xúc?

HTN: Khác nhiều lắm. Khác là vì thơ Duyên Anh có sự sống. Người đọc vào sẽ thấy cảm giác bừng bừng lửa. Lời thơ tranh đấu thường là lời thơ chết, chẳng hạn như chửi Hồ Chí Minh. Riêng thơ Duyên Anh, mỗi câu đều có sự sống ở trong đó, có tấm lòng ở trong đó. Đó là những lời thơ mà tôi đọc vào làm tôi rớt nước mắt. Tôi không thể tưởng tượng được một con người tài hoa đến thế.

HV: Văn, thi sĩ Việt Nam, các nhà nghiên cứu văn học Việt Nam, theo bác, sẽ đánh giá, phân tích thơ của Duyên Anh ra sao?

HTN: Vấn đề đó thì tôi không hiểu được nhưng mà nó sẽ thuyết phục được. Thí dụ như bài thơ "Tống Biệt Hành" thì lúc đầu nó có gì đâu nhưng mà nó thuyết phục được người khác bởi vì nó có giá trị thật. Không có gì có thể che dấu được sự thật. Cái tài năng thật thì không thể che dấu được. Và nếu anh có muốn xuyên tạc thế nào cũng vứt đi. Không ai che dấu giỏi bằng cộng sản nhưng sự thật vẫn là sự thật. Cho nên có nhiều người nói, Duyên Anh là thế này, là thế kia, tôi không biết, nhưng giá trị thật của Duyên Anh thì làm sao phủ nhận được? Bây giờ anh chửi tôi à? Đó là việc của anh. Nhưng mà 50 năm nữa, 100 năm nữa thì nó khác. Anh nên nhớ văn tài lỗi lạc như Dostoievsky trước khi qua Pháp người ta không thèm để ý đến. Mãi đến năm 1923 thì người ta mới công nhận, người ta mới biết đến.

HV: Thơ, cũng sẽ giống như các tiểu thuyết khác của Duyên Anh, sẽ đi sâu vào tâm khảm của những độc giả ái mộ văn thơ Duyên Anh?

HTN: Điều đó là đương nhiên.

HV: Thông thường, các thi sĩ thường được xếp vào các trường phái thơ khác nhau. Thí dụ, trường phái thơ tự do, song thất lục bát, cổ điển... Theo bác, thơ của Duyên Anh sẽ được xếp vào trường phái thơ nào?

HTN: Việc xếp thơ vào trường phái là một sự gượng ép. Thơ là gì? Thơ là một sự diễn tả mình trước sự vật, trước cuộc đời. Muốn diễn tả như thế thì anh thấy cái nào thuận tiện cho anh thì anh diễn tả. Còn như người ta nói, đẻ ra thể thơ này, thể thơ khác chẳng qua chỉ là lối nói thôi chứ đã là thi sĩ rồi, tôi không nghĩ phải là trường phái thơ lục bát hay song thất gì cả. Nhưng mà theo tôi, thơ Duyên Anh là thơ mới.

HV: Theo bác, thơ Duyên Anh có chỗ đứng nào trong văn học sử Việt Nam?

HTN: Tôi chưa biết được. Cái đó thì không ai biết được anh ạ. Nhưng mà tôi chắc chắn rằng thơ đó sẽ phải tồn tại, không thể nào khác được.

HV: Sự khác biệt giữa thơ Duyên Anh và các thơ khác?

HTN: Thơ Duyên Anh là một thứ thơ tranh đấu. Rõ ràng là loại thơ đó không phải thơ tình yêu trai gái. Chất thơ nói lên niềm phẫn uất của cả một thế hệ trước những bất công của xã hội. Thể thơ đó có một chỗ đứng riêng của nó.

HV: Có thể nói thơ Duyên Anh là một khám phá mới của nền Văn học Việt Nam hải ngoại?

HTN: Nếu nói về thể thơ tranh đấu thì có nhiều rồi nhưng mà chưa có ai đạt được đến như vậy. Tất nhiên con người khi qua những khổ cực lớn sẽ hình thành những tác phẩm lớn để nói về những nỗi khổ cực đó. Tôi nghĩ không bao giờ mất cả. Chúng ta chưa có là vì chưa đủ thời gian để nó ngấm vào trong máu. Chẳng lẽ bao nhiêu năm tù tội như thế mà chỉ có các hồi ký, bút ký? Phải có cái gì ghê gớm hơn nhưng mà chưa có. Nỗi đau thương lớn thì phải đẻ ra tác phẩm lớn. Đấy là việc đương nhiên. Chứ ai ngờ là có những bài thơ như vậy của Duyên Anh đâu? Đó là do niềm đau nó kết tụ lại. Duyên Anh là người nói lên được tiếng nói của thời đại chứ còn như Tố Hữu là người đã nói lên được tiếng nói của cộng sản. Đó cũng là một tiếng nói giỏi đấy nhưng mà giả trá vì nó thuần túy là tuyên truyền. Còn thơ Duyên Anh không tuyên truyền vì đấy là sự phẫn nộ của một người có tâm, có tình với non sông đất nước; nói lên tiếng nói của mình trước những bất hạnh xã hội, trước những tướng tá bòn rút của cải của nhân dân, đàn áp người cô thế. Vì thế chúng ta mới mất nước. Vì thế chúng ta mới ngồi ở đây.

Tôi nghĩ rằng Duyên Anh phải được người ta để ý đến. Chứng cớ là như các anh, những người thuộc thế hệ sau, thua Duyên Anh phải đến mấy chục tuổi, vẫn quan tâm đến Duyên Anh. Điều đó khiến cho những người như tôi mừng đấy. Mừng là vì tâm sức thật của Duyên Anh không bị người ta quên. Các anh không có họ hàng thân thích gì với Duyên Anh, không có tình gì với Duyên Anh cả nhưng mà yêu mến một người có tâm, có trí, có nhiệt huyết nên các anh mới làm công việc này. Và tôi, nói về Duyên Anh thì thật tình ngày xưa tôi đâu có để ý gì đến Duyên Anh đâu. Nhưng mà khi tôi đọc được Duyên Anh, tôi sợ, tôi phục. Bởi vì một người làm thơ và yêu thơ như tôi cũng không làm nổi những bài thơ như thế này vì tôi không có những cái đau đớn nói về đấu tranh. Tôi không đáng bằng Duyên Anh. Tôi không nói được. Tôi hỏi anh thơ mới là thơ gì? Mới là cách nhìn sự việc mà người khác không thấy.

Lý Bạch nhìn trăng, nói như thế này, anh có thấy không?
Kim nhân bất kiến cổ thì nguyệt
Kim nguyệt tằng sinh chiếu cổ nhân

Người bây giờ không thấy trăng ngày xưa nhưng trăng ngày xưa vẫn chiếu người bây giờ. Điều đó ai lại chẳng thấy nhưng mà lại không nói được.
Nhân phan minh nguyệt bất khả đắc
Minh nguyệt hành khước giữ nhân tương tùy

Anh có thấy được không và anh có nói được không? Tiếc rằng tôi không được biết Duyên Anh tường tận trước kia. Tôi chỉ gặp qua sơ sài lắm khi Duyên Anh đến Cali.

HV: Bác có thể phân tích chi tiết hơn những vần thơ của Duyên Anh? Bài thơ nào, ý tưởng gì... gây cho bác nhiều xúc động nhất?

HTN: Trong dịp nào khác anh đem thơ Duyên Anh đến, tôi sẽ phân tích cho anh hiểu.

HV: "Ca sĩ chẳng thương gì ca sĩ", "nhà văn chẳng thích gì nhà văn", nhưng với bác là một trường hợp ngoại lệ. Tuy tuổi đã cao, bác vẫn thẳng thắn nói lên những điều mà vô số các nhà văn, thi sĩ khác không hề muốn đề cập đến, là ca ngợi tài năng của thi sĩ Duyên Anh. Vậy bác có lời nhắn gởi gì đến với những người yêu thơ nhưng chưa có dịp được đọc thơ Duyên Anh?

HTN: Duyên Anh là một nhà thơ có cái nhìn mà người bình thường không nhìn ra. Tôi ngạc nhiên lắm khi đọc thơ Duyên Anh. Nó nói lên những việc rất nhỏ, rất tầm thường nhưng có thể trở thành cái lớn, cái vĩ đại. Thí dụ những bài thơ nói về các tướng tá tham nhũng tiền tử tuất, những người vợ lính phải bán thân nuôi đàn con dại... Đau đớn lắm! Người ta biết nhưng người ta không nói được. Không nói được vì sợ, vì không thấy được hoặc không nhìn ra được hoặc cho là chuyện nhỏ không đáng nói. Nhưng ở đây chính cái sai nhỏ đã làm hỏng đại sự. Nhiều lúc mất đi chính nghĩa xuất phát từ việc nhỏ như thế. Tôi là một người 85 tuổi, đọc thơ từ nhỏ, làm thơ đã 70 năm nhưng chưa có người nào mà tôi phục bằng Duyên Anh.

Tháng 11 Năm 2003
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn