BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73165)
(Xem: 62197)
(Xem: 39370)
(Xem: 31127)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Một chuyến đi dài

26 Tháng Ba 201212:00 SA(Xem: 1487)
Một chuyến đi dài
50Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
00
 thôi em trở lại anh đi
 hai mươi bữa có sá gì mà lâu
 giang san thay đổi nhịp cầu
 thân trai trót đã nhuốm màu phong sương. 

 Nhà không còn tiền. Mẹ tôi đem chiếc xe đạp “mini” bán cho người hàng xóm được hai mươi ngàn đồng! Số tiền nầy vừa đủ để đóng cho - hai mươi ngày đi “Học Tập Cải tạo”! Theo như thông báo của Ủy ban cách mạng.

 Buổi chiều trước ngày 25 tháng 6 năm 1975. Trời miền đông mưa tầm tã, nước chảy hai bên đường đỏ ngầu như màu máu, căn nhà tranh vách lá của mẹ tôi rung lên bần bật tưởng chừng như không chịu nổi trước những cơn gío giật. Nhìn năm đứa em gái và một thằng em trai út mới tám tuổi đầu ngồi co ro... mà trong lòng vô cùng xót xa! Cha tôi mất từ lâu. Một mình mẹ tần tảo nuôi nấng đàn con. Tôi là con trai đầu nhưng rày đây mai đó trên chiến trường, tiền lính, tính liền! Nên không giúp được gì cho gia đình ngoài một vài món qùa vào những dịp lễ tết!

 Ngày “giải phóng”! Tôi về quê không còn một thứ gì trên người ngoài bộ quần áo dân sự! - “Hòa bình rồi con còn sống về nhà là mẹ mừng lắm! Về đây làm phụ với mẹ lo cho các em của rồi lập gia đình . Xin cảm ơn Chúa!” . Mẹ tôi nói như vậy. Nhưng niềm vui chưa được bao lâu thì chính quyền ra lệnh: “Những người ngụy quân- ngụy quyền". Trong khi chờ đợi gọi đi “học tập cải tạo”, hằng ngày tập trung về trụ sở ấp để đi - gỡ mìn chung quanh công sự, đồn bót cũ...!

 Nghe tin mọi người sững sốt - tưởng như sét đánh ngang tai!

 Khoảng vài ba ngày tin chỗ nầy có người chết, chỗ kia có người bị thương. Thật là thê thảm! Chỉ nghe tin có một tiếng nổ là: Cha, mẹ, vợ, chồng, con cái, bà con hoảng hốt chạy đi xem ai còn ai chết? Ai bị thương? Có người thân của mình trong số đó hay không?! Chung quanh đồn bót cỏ mọc um tùm... biết chỗ nào có mìn mà gỡ? Dù có biết chút ít cũng không ai dám gỡ. Vì không phải ngành chuyên môn, và sơ đồ đã thất lạc. Bị thúc bách của chính quyền. Anh em chúng tôi dùng thân cây chuối chặt ra từng đoạn chừng một thước đóng cọc tre hai đầu rồi cột dây dài ném vào đám cỏ tranh lẫn gai mắt cỡ - nằm xuống kéo từ từ, nếu vướng mìn thì sẽ nổ. Cứ thế, chúng tôi miệt mài làm với tâm trạng lo âu, sợ hãi! Buổi sáng ra đi không biết buổi chiều có còn sống hay lại chết tan thây, bầu trời đầy tang thương bao trùm lên khắp xóm!

 Ngày lên đường đi ” học tập”, trong lòng ai cũng mừng là vì không còn sợ bị chính quyền kêu đi gỡ mìn nữa. Tất cả tập trung về Ủy ban nhân dân xã. Chúng tôi gồm có 30 người đủ các thành phần, được dồn hết lên chiếc xe đò. Cơn mưa chiều hôm trước nước hai bên đường vẫn còn chảy đục ngầu. Xe chạy đến cầu Suối Cát thì tài xế bị lạc tay lái đâm ra thành cầu chỉ tích tắc là cả xe và người nhào xuống dòng sông đang mùa nước lớn và chảy xiết. Cũng còn may là thắng lại kịp.

 GIAI ĐOẠN ỦY BAN QUÂN QUẢN 1975 - 1976

 Nhưng một nỗi lo âu khác lại về xâm chiếm tâm hồn chúng tôi. Không biết “họ” đưa chúng tôi đi đâu? Có bị thủ tiêu hay không? Trên khuôn mặt mỗi người đầy vẻ đăm chiêu lo lắng...! Ba mươi người chúng tôi mỗi người một giòng suy nghĩ, chiếc xe đò vẫn lặng lẽ chạy về hướng Long Khánh. Đến nơi “họ” dồn chúng tôi vào trường tiểu học Bùi thị Xuân. Người bộ đội nói giọng miền bắc dẫn chúng tôi đi nhận một chiếc chiếu nhỏ, rồi ra lệnh: “Các người tự tìm chỗ ngủ trong các phòng trống đấy!... Ngày mai làm thủ tục khai báo và nộp tiền ăn.Tôi thấy số người đến trước khá đông từ các nơi: Bà Rịa Vũng Tàu, Bình Dương, Sài Gòn, lâm đồng…



  Trại “K4”. Trước kia nguyên là ty "CSQG của VNCH", thuộc tỉnh Long Khánh, nằm trên quốc lộ 1, đối diện là khu vườn của thống tướng Lê văn T, cách thị xã khoảng hơn hai cây số, hướng đi ra miền trung. Bên hông ty CSQG cũ là khu Gia binh và nhà thờ tuyên úy Công Giáo. Phía sau là ấp Đòan Kết với rừng cao su bạt ngàn. Sau ngày “giải phóng”, bộ đội vào chiếm giữ. Từ trường Bùi thị Xuân, “họ” chở chúng tôi thẳng vào khu trại K4. Đón chúng tôi là ông Bí thư của Trại, dáng người cao lớn, mặt bự, tóc hớt đầu đinh, mắt bị lé trông dữ dằn. Mở miệng ra là chửi phủ đầu:



 -“Bọn ngụy các anh là những người bại trận! Đầu hàng vô điều kiện! Các anh đã gây ra không biết bao nhiêu tội ác cho nhân dân đất nước, làm tay sai cho đế quốc Mỹ, cho bọn đế quốc thực dân mới... Đáng lý ra chúng tôi bắn bỏ cũng chưa hả giận, nhưng chính sách nhân đạo của đảng, của cách mạng, rộng lượng khoan hồng tha chết cho đi học tập cải tạo. Giấy thông báo đi học tập cải tạo là hai mươi ngày, nhưng hai mươi ngày mà các anh học tập cải tạo không tốt thì thời gian có thể kéo dài: Một năm, hai năm, ba năm, sáu năm, mười năm và lâu hơn nữa. Muốn được về sớm, phải khai báo thành thật không dấu diếm. Các anh nên nhớ rằng: Hồ sơ cá nhân của các anh cách mạng đang nắm giữ. Sau cùng là phải lao động tốt! - “Lao động là vinh quang”! Lao động là thước đo kết quả để trại xem xét... nếu có tiến bộ! Thì trại sẽ có "nghị quyết" cho viết thư về thăm gia đình!”.

 Thời gian nầy bên ty "CSQG" cũ là khu A - khu gia binh là khu B. Sau khi hết thời gian quân quản, khu A trả lại cho công an huyện. “Cải tạo viên” dồn hết qua khu gia binh, và nơi đây trở thành khu A. Trại trưng dụng hai mươi mẫu vườn của thống tướng Lê văn T và sáu mươi mẫu của dân làm nông trang canh tác.

 Chúng tôi lẳng lặng nhìn nhau ngầm hiểu rằng, “họ" đã nuốt lời! Hai mươi ngày chỉ là một lời hứa suông! Tương lai mù mịt, đành phó thác mạng sống. Từ nay mỗi người hãy chuẩn bị tinh thần bước vào con đường tù khổ sai - tù không có án thì làm sao biết được ngày về? Tôi lặng lẽ ôm túi xách theo chân người “khu phó” cũng là người cải tạo, đi về đến dãy lô, ông ta chỉ tôi vào căn thứ ba trong đó đã có khoảng bảy tám người trải chiếu nằm ngồi la liệt dưới đất. Nhà không có cửa, trống huơ, trống hoác, không có lấy một tấm ván để nằm nghỉ, khu gia binh nầy hình như chưa xây dựng xong là đến ngày “giải phóng. Suốt dãy chỉ có một bóng đèn tròn ngoài hành lang, Toàn trại chỉ có một vòi nước ở nhà bếp chỉ để nấu ăn, còn tắm giặt cũng như nước uống cho cá nhân đều dùng nước suối. 

 Bên kia đường đối diện với trại K4 là nông trại của thống tướng Lê văn T, rộng chừng hai chục mẫu đất. Trong khu vườn trồng nhiều loại cây: Cà phê, vú sữa, sapoche, mít, xoài, chuối, cốc, dừa…giữa vườn có một ngôi nhà sàn lớn, bên trên để ở, bên dưới nhà và chung quanh nhà đều tráng ciment, có một cái sân cũng tráng ciment rất rộng để phơi cà phê…, chung quanh nhà cây trái sum suê, đặc biệt có hai cây hoa quỳnh cao bông rụng trắng sân. Trong vườn có một con suối lớn nước chảy thường xuyên, dọc theo hai bên suối trồng nhiều dừa, thân cây dừa cao vút nghiên ra bờ ao. Trong vườn có nhiều ao dọc theo con suối, trong số đó có một cái ao dài được thiết kế theo mô hình chữ " S " .Giống y chang như bản đồ Việt Nam, chung quanh bờ ao xây kè bằng những viên đá ong, Ao cá mang hình chữ "S" có dòng suối chảy ngang qua tượng trưng cho dòng sông “Bến Hải”! Một chiếc cầu bằng sắt rộng hai mét, dài khoảng mười mét, bắt ngang con suối, tượng trưng cho cây cầu “Hiền Lương”. Nối đôi bờ hai miền Nam Bắc.

 Chạy suốt hai bên bờ suối mọc đầy loài rau "diệu...", chính loài rau diệu nầy đã giúp cái bao tử đói chúng tôi trong những tháng ngày lao động khổ sai. Thời gian tắm, giặt chỉ được mười lăm phút...! Xong chạy lên bờ đứng xếp hàng theo tổ, dãy, ai chậm trễ sẽ bị la mắng!

 Sau ngày “giải phóng” khu đất vườn của thống tướng Lê văn T do “Ủy ban quân quản huyện LK trưng thu” sau đó giao lại cho trại K4. quản lý. Vợ chồng người quản gia trang trại của thống tướng Lê văn T vẫn được tiếp tục ở lại chăm sóc. Khi anh chị em cải tạo ra làm vườn và thâu hoạch đều đến nghỉ trưa tại đây. Người quản gia, tôi không nhớ tên, nhưng vợ chồng họ rất tốt. Họ được quyền nói chuyện với chúng tôi, cũng như giúp chúng tôi những việc nho nhỏ. Sau nầy vợ chồng họ cũng bị bắt nhốt như chúng tôi vì không chịu ký vào biên bản bàn giao khu trang trại của thống tướng Lê văn T cho trại K4. Chúng tôi kính phục, vì người quản gia trung thành và làm việc cần mẫn, chính trực, thà chịu tù đày còn hơn mang tiếng giao đất của chủ mình cho người khác.

 Trong ba tháng đầu, trại bắt chúng tôi khai lý lịch cá nhân. Khai nháp trước- khai đi khai lại rất nhiều lần, rồi mới viết vào tờ khai chính bằng mẫu in sẳn. Sau đó chọn những người cải tạo viên viết chữ đẹp viết vào mẫu in chính, nếu các lần khai không khớp nhau thì phải khai lại, đôi khi cán bộ trại không tin lời khai thì phải khai lại từ đầu. Do đó, chúng tôi gần như thuộc lòng những lời khai của mình. Cải tạo sang năm thứ ba vẫn còn khai lý lịch. Vừa khai lý lịch vừa học tập chính trị, nội dung tài liệu quanh quẩn cũng là: “Lên án đế quốc Mỹ đi cướp đất của Việt nam và các nước trên Thế giới, bóc lột tài nguyên các nước nghèo đem về nước làm giàu cho bọn tư bản - còn đời sống nhân dân Mỹ rất cơ cực, đói khổ! Bọn Ngụy tay sai bán nước cho Mỹ…xã hội miền Nam là xã hội thối nát, tham nhũng - phồn vinh giả tạo…Ba giòng thác cách mạng sẽ nghiền nát bọn Tư bản chủ nghĩa bóc lột - đang giẫy chết…” .

 Hằng ngày chúng tôi chứng kiến từng đoàn xe nối đuôi nhau chở những cái “phồn vinh giả tạo” như: Xe Honda, xe đạp, TV, tủ lạnh, bàn ghế, cho đến hàng hóa, quần áo, vải vóc, vật liệu xây dựng…chất đầy trên trần xe đò nườm nượp chạy ra miền Bắc “Xã hội chủ nghĩa”!

 Nói thật ra, có gì để mà “học tập cải tạo” cả - “giáo án” quá thấp nhằm để tuyên truyền cho những thành phần ít hiểu biết. Chỉ có chửi… và chửi! Khủng bố tinh thần, hạ nhục là chính, nào là: “Không khai báo tốt, không lao động tốt, không chấp hành nội quy tốt…, sẽ ảnh hưởng đến ngày về, cũng như ảnh hưởng đến thân nhân ở địa phương”. Hạ nhục bằng nhiều cách: Cho ăn đói, uống khát, ăn độn cũng không đủ no, mặc rách, chăn chiếu thiếu thốn. Các phòng không được nói chuyện với nhau. Ban đêm đi tiểu tiện cũng phải la lớn lên: “báo cáo cán bộ, tôi đi vệ sinh”! Sau nầy không còn báo cáo nữa vì đã có thùng vệ sinh trong phòng.

 Báo chí thì năm khi mười họa mới có một vài tờ “nhân dân, quân đội nhân dân” cũ mèm! Dùng hình thức kỷ luật để biệt giam hành hạ đủ mọi cách. Chẳng những đối với bản thân người tù mà cả với những người thân cũng bị ảnh hưởng như: Không cho thăm nuôi, không cho viết thư… Cấm tiệt không được học tiếng Anh, thánh Kinh, không được hát nhạc vàng phản động, không được kể chuyện quá khứ liên quan đến chuyện làm tay sai, bán nước, không được mặc quần áo ngụy. Khi nhắc đến người “Liên xô”, tuyệt đối phải xưng bằng… “ông”! Ai vi phạm sẽ bị kỷ luật rất nặng.

 Mỗi buổi sáng, đúng 5 giờ khi nghe kẻng báo thức tất cả dậy ra trước hiên tập thể dục và hát những bài hát cách mạng như: “Giải phóng miền Nam, chúng ta cùng quyết tiến bước, diệt đế quốc Mỹ phá tan bè lũ bán nước. Ôi xương tan máu rơi lòng hận thù ngất trời, sông núi bao nhiêu năm tách rời…” hoặc “Mùa thu rồi ngày hăm ba ta ra đi theo tiếng ca sơn hà nguy biến, rền khắp trời lời hoan hô…”

 .Cứ thế, ngày nào, sáng nào, tối nào. Chúng tôi cũng cố: Gào…!Gào..! Gào…! Thật to. Cứ như chính bản thân mình cũng vác AK đi ra bưng nằm vùng chống Mỹ. Ngày xưa đọc những cuốn sách nói về đệ nhị thế chiến do “Người sông kiên” dịch. Lính Đức Quốc Xã bắt những người Do Thái, Ba Lan trong những trại thiêu người hát những bản nhạc ca tụng nước Đức hằng ngày. Sau khi tập thể dục xong là làm vệ sinh cá nhân. Những tổ - toán - đến phiên trực thì lo đi nhận thức ăn về phân chia. Số người lao động bên ngoài được nhận luôn khẩu phần ăn trưa. Những dụng cụ lao động cũng vậy, mỗi buổi sáng sau khi tập thể dục xong là - tổ, toán trực trong ngày chạy ra kho nhận dụng cụ về phân phát lại cho những người trong tổ tùy theo ngành nghề mà nhận dụng cụ. Chiều, sau khi đi lao động về, tổ toán trực gom trả đầy đủ. Thủ kho sẽ kiểm tra, nếu mất hoặc hư thì phải làm báo cáo nêu rõ lý do.

 Chính trị viên tên Ba Y – Ba K còn nói: “Văn hóa miền Nam là văn hóa đồi trụy chỉ dạy thanh thiếu niên làm tình, để tóc dài…, và thanh niên miền Nam ăn chơi “hiện sinh, sống gấp” lêu lỏng, mặc quần loe ống túm chạy theo văn hóa suy đồi đó. Cho nên cách mạng chúng tôi vào giải phóng, dẹp hết tàn dư Mỹ - Ngụy” để cứu nước.

 Một bữa, tôi và mười chín cải tạo viên lên xe vào nông trường Cẩm Mỹ đốn tre, “cán bộ” đi theo mãi mê bắn chim. Một số anh chị em thanh niên xung phong nói: “ Các anh Sĩ quan cải tạo chạy trốn đi! Mau lên! Chúng tôi sẽ canh giữ mấy "tay du kích" nầy không cho chúng nó đuổi theo các anh”. Tôi lắc đầu và suy nghĩ…” Các anh còn không chạy được, thì chúng tôi làm sao chạy cho thoát”!

 Hai mươi ngày theo lệnh tập trung đã qua từ lâu! Nhũng người tù cải tạo vô cùng thiếu thốn những vật dụng cá nhân như: Hết kem đánh răng, bàn chải các loại, xà phòng, dao cạo râu, gương, lược. .. sống như người tiền sử! Thấy vậy, trại có cho mượn một bộ đồ hớt tóc và “cải tạo viên” - Nguyễn Ph, Nguyễn Thanh V, đứng hớt tóc cho anh em - đôi khi Công an, bộ đội và ban Chỉ Huy Trại cũng đến hớt tóc ké..! Có lần ông Bí thư Trại đến hớt tóc. “cải tạo viên” Nguyễn Ph chơi khăm lấy cái khăn choàng làm bằng vải bao cát choàng vào người ông ta. Ông ta nổi xung điên quát mắng…”Anh biết tôi là ai không? Mà dám lấy tấm vải bao cát của tụi ngụy choàng lên người tôi? “cải tạo viên” Nguyễn Ph - hoảng vía xin lỗi lia lịa “Bởi chúng tôi không có tấm khăn nên phải sử dụng vải bằng bao cát!”. Ông Bí thư Trại ra lệnh xuất cho hai mét vải trắng để làm khăn! Sau nầy ở chỗ riêng tư. Tôi nói đùa cùng bạn Nguyễn Ph rằng, “Hồi đó cậu mà lấy con dao cạo cắt cuống họng bí thư Trại - thì cậu là người anh hùng còn hơn cả Kinh Kha ngày trước”.

 Trại có mở một cái “căng tin” nhưng chỉ bán vài bánh thuốc lào và kẹo, hầu như không ai có tiền để mua. Một vài anh em có tiền mua thuốc lào thì trở thành người “giàu có”! Những người nghiện thuốc rất khổ sở, hay lân la đến xin - đâu có thuốc mà xin hoài? Nhưng thèm qúa đành năn nỉ hưởng chút sái nhì cho đỡ thèm! Có một anh đại úy hút thuốc lào chưa quen, say xỉn té úp mặt vào đống lửa, bị phỏng nặng!

 Quần áo anh em chúng tôi rách bươn, mục nát, bởi mồ hôi trong lúc lao động mà không có xà phòng để giặt. Tôi và những anh em khác moi móc bao cát vải trong những công sự chiến đấu cũ đem giặt sạch đất để vá aó quần. Kim may thì bẻ cọng kẽm mài cho nhọn một đầu - đập dập đầu còn lại và đục một cái lỗ để xỏ chỉ, chỉ may cũng là chỉ bao cát. Có một số anh em dùng vải bao cát may nguyên một bộ quần áo để đi lao động, hoặc kết lại thành tấm lớn làm mền đắp cho khỏi lạnh. Thân thể chúng tôi lúc nào cũng âm ẩm mùi mồ hôi. Ban đêm rệp từng đàn từ trong kẽ gỗ, trong tường gạch lốc bò ra tha hồ hút máu, cũng như ghẻ, lác, chí, rận đầy người…Những ngày được nghỉ, buổi sáng nắng lên. Những người có ghẻ cởi trần mặc quần xà lỏn ra ngồi ngoài sân phơi nắng.

 “LAO ĐỘNG LÀ VINH QUANG!” Lao động - nhổ cỏ bằng tay không trong vườn cà phê của thống tướng Lê văn T, đầy cỏ gai nhưng không có dụng cụ: Cuốc, xẻng, dao, rựa..., hỏi cán bộ thì được trả lời: “cái khó (ló) cái khôn”! Chúng tôi lay nhổ những cây cọc sắt hàng rào kẽm gai, đập bằng một đầu rồi đo đúng một gan tay bẻ gập lại thành lưỡi cuốc. Đầu còn lại cũng đập nhỏ lại làm cán cuốc! Cứ như vậy, hằng ngày lên liếp trồng rau lang, rau muống, bầu, bí , khổ qua, mồng tơi, rau dền…Một bữa chúng tôi trồng ba hàng cây cãi trên một luống rau, ông bí thư Trại đi ngang qua thấy. Ông kêu chúng tôi lại chửi như tác nước vô mặt! “Các anh là những thằng tù - vào tù mà còn nhớ đến cờ ba que, muốn ở tù rục xương phải không...? Từ đó, làm bất cứ công việc gì chúng tôi đều né con số ba!

 Không có nồi, soong để nấu nước uống thì cũng…cái khó (ló) cái khôn! Chúng tôi cạy những tấm tôn trên những công sự cũ đem đàn ra cho thẳng. Gò thành nồi to, nồi nhỏ, thùng đựng nước có quai xách, hộp, khay đựng thức ăn…Phải công nhận rằng, rất nhiều anh em khéo tay! Người nào làm không được thì có thể trao đổi thứ khác, hoặc kiếm hai miếng tôn đưa cho người “thợ gò”, sau vài ngày lấy lại một cái xô, hay cái nồi!

 Sau nầy được thăm nuôi, thì lon guigoz mói là người bạn đồng hành trên mọi nẻo đường gian lao. Về mặt tình cảm, hằng ngày nhìn cái lon guigoz là nhớ đến cha mẹ, vợ con ở nhà; như một hình ảnh sống gián tiếp gần gũi làm vơi bớt những thương nhớ cồn cào ở trong lòng. Đêm nằm lấy cái lon để gối đầu và giòng suy nghĩ về người thân với những kỷ niệm một thời - giấc ngủ hiện về mang theo ước mơ - đó là ngày trở về! Khi đi lao động, lon guigoz rất đa năng, nhờ dẫn nhiệt nhanh nên nấu nước hay thức ăn mau sôi, mau chín. Nếu có bị xẹp lép cũng không sao, nắn lại là y nguyên.

 Trong những ngày nghỉ, có số người tìm những ống nhôm M-72 (loại súng chống tank đã qua sử dụng), cưa ra từng khoanh đem mài, dũa, rồi chạm trỗ thành những vòng đeo tay nhìn rất đẹp, hoặc làm những cái lược rồi khắc tên tuổi vợ con hay người yêu. Chêm thêm hoa lá cành vào cho có màu mè! Ai có tay nghề khắc "Long- Lân- Quy -Phụng!". Những bao cát bằng ny lông chúng tôi moi lên trút bỏ cát đất giặt sạch, rút ra từng sợi nối lại và se dây đan thành những cái võng để nằm. Đan những cái giỏ lưới để xách đồ đạt, thức ăn, nước uống... Hai năm sau khi được phép thăm nuôi chúng tôi gửi đem về làm vật kỷ niệm!

 Tôi được các anh ở miền biển Bà Rịa, Long Điền dạy cho cách đan lưới, đan võng và tôi trở thành tay đan võng giỏ “chuyên nghiệp”! Khách hàng tôi không ai khác hơn là anh em tù cải tạo. Người giúp tôi nối sợi và quay dây là anh Đỗ văn B, đồng hương và cũng ở chung phòng. Năm đầu còn thời giờ rỗi rãnh nên đan được nhiều, những năm sau công việc lao động nặng nhọc, hơn nữa trại cấm làm vật dụng cá nhân. Có những ngày mưa dầm suốt ngày không đi lao động tôi cùng anh Đỗ văn B ở trần truồng như nhộng ra phía sau dãy trại quay dây để đan giỏ. Sở dĩ ở trần vì trời mưa quần áo ướt không có chỗ để phơi!

 Tôi và anh Đỗ văn B còn có một kỷ niệm đáng nhớ: Những cần xé đựng cơm sau khi phân phát xong nhà bếp xịt nước gom lại cho vịt. Đói qua ngủ không được, đợi trời tối tôi làm “đặc công” bò vô hốt một mớ đem về giao cho anh Đỗ văn B gạn lọc bỏ cát đất, rác và hấp lại ăn!

 Năm nào trại K4 cũng thanh lọc lý lịch chuyển người đi trại khác như: Trại “Bàu Lâm - Long Giao - Z-30C - K3- Ông Đồn - miền Bắc. Mỗi lần chuyển trại. Bí thư Trại bắt chúng tôi mang hết đồ đạt cá nhân ra sân ngồi dưới nắng cả buổi chờ gọi tên. “cải tạo viên” nào được gọi tên thì đứng dậy xách túi vật dụng cá nhân theo cán bộ ra xa xếp hàng, không được nói chuyện với người còn ở lại. Trong đợt nầy tôi có ba người bạn thân cùng làng với tôi ra đi đó là: Tr/úy Nguyễn Ph, Th/úy Nguyễn Th và Đ/úy Nguyễn Tr.

 Những người còn ở lại được sắp xếp chỗ ở mới. Trại luôn luôn xáo trộn mọi “nề nếp” cũ...để tránh phe nhóm và gài “ăng ten” kiểm soát. Không biết vô tình hay hữu ý, tôi và anh Đỗ văn B quen nhau ngày lên xe đi cải tạo, bởi chúng tôi cùng ngành và cũng đồng hương cùng ở chung một xã . Sau bao nhiêu lần chuyển chỗ ở anh em chúng trôi vẫn ở cùng phòng gần ba năm. Coi như anh em, anh lớn hơn tôi mười tuổi. Anh lớn tuổi nên lao động nội khu, còn tôi thường xuyên theo xe be hằng ngày đi vào rừng cưa gỗ súc đem về cho xưởng gỗ của trại. Tôi thường tranh thủ gom một bó củi và rau tàu bay đem về. Anh ở nhà “chế biến” món ăn. Số rau tàu bay tôi mang về nhiều - anh thường hay phân phối cho anh em trong phòng. Sau nầy được “thăm nuôi”. Gia đình anh thăm và tiếp tế hằng tháng - thực phẩm nhiều, anh thường chia xẻ cho tôi. Tôi ăn nhiều bởi sức trẻ, nhưng tôi nhịn đói cũng rất giỏi, có nhiều ăn nhiều, không có thì nhịn hay ăn ít cũng không sao. Chính vì sự ở chung và thân quen nầy không ngờ là một “tai họa” cho chúng tôi về sau. Khi lũ “ăng ten” ganh ăn báo cáo chúng tôi âm mưu cướp súng công an thả tù vào ngày sinh nhật “bác Hồ”. Anh Đỗ văn B bị bắt giam vào “nhà đá” tra tấn liên tục kể cả chích điện nhưng nhất định anh không khai cho anh em, cũng như nhận tội - đau quá anh khai luôn cho công an quản giáo và vợ của họ…

 Cuối cùng tôi cũng bị bắt vào lúc sáu giờ chiều khi đang ngồi ăn tối trước hiên. Tôi thấy hai công an quản giáo xăm xăm đi về phía tôi và chĩa súng AK vào đầu - miếng vải đen nhanh chóng bịt mắt tôi lại dẫn lên văn phòng – tháo miếng vải đen xuống và bắt đầu tra khảo…Tôi không nhận tội và cũng không khai gì cho anh Đỗ văn B cũng như các anh em khác.Tôi cương quyết không nhận tội. Cuối cùng trại phó Tư H - lúc nầy xuống làm phó. Còn ông Bí thư lên nắm trưởng trại – ông ta đi vào phòng cởi trói cho tôi và nói trống không -“ Về trại đi, tụi nó báo nênTrại phải bắt!” .

 Bảy ngày sau tôi bị bắt lần thứ hai và biệt giam hơn ba tháng! Còn anh Đỗ văn B biệt giam hai năm. Sau hơn ba tháng tôi ra khỏi phòng biệt giam và chỉ định về Tổ anh nuôi. Hằng ngày vào buổi sáng, trưa, chiều - tôi và các anh trong Tổ phát thực phẩm, gánh thức ăn, nước uống cho các phòng biệt giam - kỷ luật. Khi đi theo Tổ phát thực phẩm đến khu “nhà đá” tôi không thấy anh Đỗ văn B cũng như anh em biệt giam trong đó, vì tối om - chỉ có cái cửa nhỏ để đưa thức ăn, nước uống vào. Nhưng anh em ở bên trong nhìn qua lỗ châu mai thấy rõ chúng tôi. Tôi nghe giọng anh Đỗ văn B vọng ra - anh không kêu tên tôi - anh chỉ nói trống không -“nhắn chị đến xin thăm nuôi!”. Tôi chỉ nghe được chừng đó. Nhưng thật sự tôi không ngờ “ăng ten” trong nhóm cho tù kỷ luật ăn báo cáo lên trại là: “Tôi có ý định cướp súng công an giải thoát cho anh Đỗ văn B và các anh em cải tạo khác vào ngày lễ 30.4 – 1.5. Thật đáng buồn! Tôi và anh Đỗ văn B biết mặt tên “ăn ten” đó, nhưng không có ý trả thù. Sau nầy có một số “anten” định cư ở Hải ngoại nhưng không bao giờ dám chường mặt ra, mặc dầu anh em chúng tôi tha thứ. Xem như chuyện đã qua vì đôi khi các anh em đó cũng bị bắt buộc phải bán đứng đồng đội. Nhưng trong lòng họ cũng rất đau khổ không ít.

 Vậy là, tôi bị bắt lần thứ ba và bị giam bảy ngày! Lần nầy không bị đánh nhưng hăm dọa: Không được “liên hệ” với anh Đỗ văn B và gia đình anh ấy. Sau nầy có thời gian tôi phụ trách ở phòng thăm nuôi gặp chị H vợ anh, nhưng tôi không dám chào, vì bị theo dõi...! Khi được thả khỏi nhà biệt giam anh Đỗ văn B ở phòng riêng, lao động cũng ngồi riêng một mình, thân hình anh tiều tụy, tong teo như que củi mục, ghẻ lở…! Chân vẫn bị cùm hai cái “U”, tay lúc nào cũng xích sợi dây sắt dài khoảng sáu tất. Hằng ngày ngồi đập đá một mình trước hiên, anh em đi qua không dám ngó, sợ “ăng ten” báo cáo lại khổ thân. Tôi vẫn bị theo dõi nên không giúp gì cho nhau! Mắt tụi nó lúc nào cũng như loài cú vọ.

 Mỗi lần tiếng kẻng do anh Nguyễn ngọc A phụ trách vang liên tục và trên loa phóng thanh “Thông báo tất cả cải tạo viên toàn bộ vật dụng tư trang ra sân tập họp!” Linh cảm biết có chuyển trại tiếp tục, hoặc đổi chỗ ở từ phòng này qua phòng khác, dãy này qua dãy khác. Anh em chúng tôi buồn lắm! Không biết ai ở, ai đi. Không có thời gian nói lời tạm biệt chia tay dặn dò hoặc chia sớt cho nhau những vật dụng cần thiết. Nói thiệt ngày chia tay vợ con cha mẹ để đi tù chúng tôi cũng đâu có khóc! Vậy mà, lúc chia tay đột ngột bạn bè trong tù dù mới quen nhau không bao lâu. Chúng tôi nhìn nhau, bậm môi cố nuốt cảm xúc vào lòng! Hối hã xếp hàng bước lên xe bít bùng, kẻ ở lại người ra đi…không biết đi đâu - về đâu…?!

 Chuyển “cải tạo viên” cũ đi. Hằng năm trại vẫn nhận những “cải tạo viên” mới. Đầu tiên là năm 1976, nhận những người “phản động” theo tàn quân vào rừng chống phá “cách mạng” trong nhóm nầy cũng có các anh em "sĩ quan VNCH". Năm 1977 là những người vượt biên “phản quốc”! Khoảng 100 người toàn nữ, trong số đó có ba người là gái mãi dâm. Năm 1978 nhập trại toàn thành phần hình sự, trọng án, khoản 300 người. Trại giao cho chúng tôi “kèm cặp” họ. Tôi “quản lý” 17 phạm nhân có trọng án từ 10 năm đến 20 năm (Quân, Cán, Chính VNCH đi cải tạo đều gọi chung là: “Phạm” như tội phạm hình sự). Số trọng án nầy cùm hai chân suốt ngày ở trong phòng, thời gian sau mới cho ra đập đá trước hiên. Tất cả số anh em hình sự, trọng án đều phải khai lại lý lich, cũng khai nhiều lần, mặc dù đã có án và thụ án. Họ cũng bị đánh đập còn hơn chúng tôi.

 Một buổi chiều sau khi đập đa trước hiên xong, dọn dẹp cho anh em tắm và ăn uống. Tất cả leo lên sạp ván và tra hai cái cùm chữ U vào cổ chân, chờ tôi xỏ cây sắt cỡ 16 ly, dài 11, 7 mét, từ bức tường phía sau xuyên suốt qua các cùm “U” của anh em thẳng qua bên ngoài bức tường phía trước. Tôi có nhiệm vụ lấy miếng thép có lổ chặn phía trong đầu cây sắt và móc cái khóa vào cái lổ ở đầu cây sắt phía bên ngoài - là xong. Ban đêm bất cứ giờ nào công an quản giáo cũng bất ngờ xuống kiểm tra ổ khóa của các phòng trọng phạm. Chìa khóa công an quản giáo giữ.

 Có một đêm, tôi móc khóa nhưng chưa bóp lại, vì mê đọc tờ báo mới mượn. Bất ngờ ông Trưởng và phó trại từ đâu, cứ xăm xăm đến cái bàn chỗ tôi ngồi. Hai ông mặt mày đỏ kè, nồng nặc mùi rượu. Một trong hai ông nhìn thấy ổ khóa tôi chưa bóp. Thế là hai ông sững cồ lên rút hai cây súng ngắn “colt 45” chĩa vào đầu tôi nói: “Định thả tù trọng phạm đêm nay phải không? Tại sao không bóp khóa lại? Tôi suy nghĩ rất nhanh, nếu nói sai là chết liền - vì hai ông đều “say sỉn”! Còn hai mũi súng lạnh ngắt thì đang chĩa vào đầu - dù hai ông không có ý bắn, nhưng hai ông không còn tĩnh táo lỡ cướp cò là toi mạng. Chết một cách oan uổng, chết một cách vô duyên. Mồ hôi trong người tôi túa ra…nhưng tôi vẫn bình tĩnh nói: “Thưa Trưởng trại, tôi đăng ký cả tháng nay mới đến phiên đọc được tờ báo Văn Nghệ. Tôi mê tờ báo…” tôi đang nói thì ông ta cướp lời “ Nếu không cẩn thận để phạm nhân thoát ra, thì người chết trước là - các anh chứ không phải chúng tôi. Đây là bài học về sự cảnh giác đề phòng là trên hết. Nói cho biết thôi!”. Hai ông khệnh khạng bỏ đi. Tôi bóp ổ khóa, và cảm thấy như… từ địa ngục trở về!

 Hai năm sau trại cho viết thư về thăm gia đình cũng như cho “thăm nuôi”. Trại ra lệnh không được khóc khi ra gặp thân nhân. Ai vi phạm lần sau sẽ không cho thăm nữa. Còn thân nhân đến “thăm nuôi” ngồi ở phòng chờ cũng được cán bộ trại sinh hoạt trước là: “Đừng khóc lóc, không được chụp ảnh nếu có. Hãy động viên các anh học tập tốt! Lao động tốt! Để sớm trở về đoàn tụ với gia đình”! Cha mẹ, vợ chồng, anh em, được gặp lại nhau sau gần hai năm biệt xứ. Cầm tay nhau mừng... mừng… tủi... tủi...! Gượng cười mà hỏi thăm chuyện nhà, chuyện xóm…, nhưng phải nói lớn; không nói lớn cũng không được vì ngối đối diện nhau được ngăn cách bởi một cái mặt bàn rộng một mét hai. Miệng luôn nói những điều tốt ở trong trại - cái gì cũng đủ… và động viên nhau theo đúng bài bản của “cách mạng” đã được sinh hoạt trước!

 Thực phẩm thân nhân đem cho đổ bung ra hết để kiểm tra và kiểm tra rất kỹ trước khi cho vào bao bì trở lại: Bánh tét, bánh chưng xẻ làm đôi. Những món ăn đựng trong lon guigoz phải đổ ra cái thau, dùng đũa bới tung ra kiểm tra xem có dấu thư từ tài liệu “phản động” hay không? Thời gian “thăm nuôi” chỉ có ba mươi phút ngắn ngủi! Tôi chưa có vợ, nhưng có người yêu. Mẹ tôi tảo tần nuôi mấy đứa em của tôi nên không thể đến thăm tôi thường xuyên. Thỉnh thoảng vài ba tháng mẹ tôi ghé thăm cho tôi một lon “guigoz” mắm ruốt kho chung với mỡ và sả thật mặn...tôi để dành ăn, hoặc pha loãng ra nấu canh với rau cãi tàu bay, rau diệu. Một ký đường tán mắt tre. Đồ thăm nuôi mang vào chỉ có thức ăn tươi thì được đem về phòng, thực phẩm khô và tiền phải gởi ở kho hậu cần. Chỉ được phép lấy ra đủ ăn trong ngày. Nói đúng ra, trong thời gian “quân quản” chúng tôi còn được ăn một chén cơm, nhưng qúa ít, còn canh chỉ được một chén canh “toàn quốc”! Lưa thưa vài cọng rau, một chút cá, chút thịt kho lớn cỡ bằng đầu ngón tay và nước muối. Đói triền miên! Nên tâm trí chúng tôi lúc nào cũng nghĩ về cái ăn. Nhớ về những ngày huy hoàng thuở trước, và kể cho nhau nghe những món ăn đã từng ăn qua. Những thức ăn qua kiểm tra “đào xới” đem về phòng đa phần bị thiêu.



 CHUYỂN QUA CÔNG AN & THÀNH LẬP CÁC ĐỘI SẢN XUẤT QUY MÔ

 Toàn vùng đất K4 quản lý là đất đá ong nổi trên mặt đất lềnh khênh còn trong lòng đất cũng cùng loại đá ong sâu hàng chục thước. Trưởng trại lên lớp: “ Trại chúng ta trực thuộc bộ nội vụ . Do đó chúng ta hạ quyết tâm hoàn tất những công trình trại đã đưa ra. Tổ chức lại ban đại diện cải tạo viên. Thành lập các đội - tổ sản xuất. Hiện nay trại chúng ta không còn được nhà nước bao cấp toàn diện, cho nên phải tự lực cánh sinh. Từng bước chúng ta phải hoàn thành các chỉ tiêu”:  

 

 Tiếp tục mở một con đường dài trên ba cây số từ khu A ra khu B. Đường rộng 6 thước, mặt đường cao 5 tất rải đá 1x2. Trên đoạn đường nầy phải bắt một cây cầu chắc chắn, cầu dài 20 thước. rộng 4 thước bảo đảm cho xe tải chạy qua. Bản vẽ do kỹ sư công chánh Bùi Hữu T đảm nhiệm và trực tiếp giám sát công trình. Tất cả đều làm bằng tay.

 TÌNH CẢNH NHỮNG NGƯỜI NGỒI ĐẬP ĐÁ

 Tình cảnh những người nầy thật là thê thảm. Đa phần họ là những “cải tạo viên” bị kỷ luật và đối tượng hình sự và thành phần theo các tổ chức “phản động”. Trong số người “phản động” nầy cũng có các sĩ quan, lính và viên chức VNCH họ vô rừng tiếp tục chiến đấu. Không ra trình diện. Họ bị cùm bằng cái cùm hình chữ "U" vào cổ chân, nhẹ thì bị cùm một cái "U", nặng thì cùm hai cái "U". Nếu nặng tội hơn, thì ngòai hai cái "U" cùm ở hai chân, còn bị xiềng hai tay bằng một đoạn dây xích dài sáu tất. Cây sắt luồng tất cả cùm chữ “U” dài mười một thước (phi 16), cùm trung bình mười lăm đến mười bảy người trong một cây sắt! Khi đến giờ ra lao động đập đá trước hiên. Cán bộ quản giáo xuống mở khóa, rút đầu sắt có lổ khóa ra khỏi bức tường, người nào chân bị cùm hai cái “U” thì được giảm một cái. Cái “U” còn lại đều nằm bên chân phải, hoặc chân trái tùy theo thiết kế của mỗi phòng . Sau đó cán bộ bóp ổ khoá lại, mọi người đồng loạt nâng cây sắt từ trên sàn gỗ bỏ xuống đất, đứng xoay người qua một bên, cho cây sắt nằm dọc trên mắt cá chân. Người đầu, người giữa và người cuối cây sắt, cột bổn phận nắm sợi dây kéo cây sắt lên, để khi di chuyển cây sắt không bị đè xuống và cái cùm chữ “U” sẽ làm trầy cổ chân! Tất cả những thao tác trên người tù tự làm lấy. Cán bộ chỉ có nhiệm vụ khóa và mở khóa.

 Tất cả chân không bị cùm đứng qua một bên, người đứng đầu hô một...! Chân không có cùm bước tới - hô hai! Chân có cùm bước tới..., mang theo cây sắt dài. Cứ thế, đi ra hiên. Người sau cùng có nhiệm vụ xách cái thùng tiêu, tiểu. Hàng chục “xâu người!” ngồi đối diện nhau trước hai hàng hiên của dãy nhà lô. Khoảng cách giữa hai dãy lô rộng sáu thước.

 Những “cải tạo viên” không bị kỷ luật đưa cho mỗi người một cái ghế nhỏ cao cỡ hai tấc, một cái búa tay, một cục đá dẹp nặng chừng mười ký lô làm cái đe để đập đá... ăn uống và vệ sinh tại chỗ!

 Buổi chiều - bốn giờ - gom hết sản phẩm...,quét dọn hiện trường, dụng cụ đưa vào kho. Đi tắm! “xâu người!” ngồi đầu dãy đứng dậy. Người đầu hô một...! Tất cả bước đi rất nhịp nhàng kéo theo cây sắt đến cái giếng nước cách chỗ làm 40 thước. Trên miệng giếng có cái ròng rọc và dây kéo. Người đứng đầu chuyền dây cho những người sau kéo gàu nước lên và chuyền cho nhau tắm vội vã trong vòng mười phút để cho những “xâu người” sau tiếp tục tắm. Người đi sau trở thành người đi đầu. Hô một...! Tất cả “xâu người” đồng loạt kéo lê cây sắt về phòng. Không bao giờ dám quên cái thùng tiêu tiểu!

 Về đến phòng cán bộ mở khóa, “cải tạo viên” trưởng dãy có trách nhiệm rút cây sắt ra khỏi cùm chữ U (omega) mọi người “khẩn trương” thay quần áo - quần áo ướt đem ra phơi phía sau. Xong, leo lên sạp gỗ ngồi và chụp cái U sắt vào cổ chân ngồi đợi. Người một “U” thì có quyền đổi “U” từ chân trái qua chân phải và ngược lại, còn người bị hai”U” thì đành chịu. Người trưởng dãy ở phía sau bức tường đút đầu cây sắt vào trong phòng. Người ngồi đầu sát tường phía bên trong cầm ngay lấy đầu cây sắt và xỏ vào cái “U” trên cổ chân mình. Người ngồi kế chuẩn bị và cũng làm như vậy, làm cho nhanh và chính xác, bằng không đầu cây sắt sẽ đâm thủng da chảy máu. Người ngồi ngoài cùng gần cửa chính, nâng đầu cây sắt lên hô mọi người phụ đẩy ra phía ngoài bức tường. Cán bộ quản giáo chờ sẵn chỉ việc chụp miếng gỗ chặn vào bên trong cái lổ đầu cây sắt và móc khóa lại. Kể thì lâu. Nhưng mọi thao tác những người tù làm rất nhanh chóng; không làm nhanh chóng sao được khi cán bộ quản giáo đứng bên ngoài hối thúc, chửi rủa đôi khi còn bị đạp vào ngực bật ngữa ra sàn!

 Đập đá “khẩn trương” ngày đêm cho đủ lượng đá trải mặt đường. Người ngồi đập đá trong tư thế bị cùm tuy khổ sở, nhưng chỉ mỏi hai tay, ngồi lâu đau lưng có thể đứng lên cho đỡ mỏi. Còn những anh em trong đội đào đá và cung cấp đá, họ quần quật túi bụi: Nào cạy đá lên, lớn quá phải dùng nêm, búa tạ 5 ký & 10 ký chẻ nhỏ ra cỡ đầu gối, chuyển vào “xưởng” rồi lại chuyển “sản phẩm” ra. Hầu như họ ở trần suốt ngày chỉ có cái quần cụt, vì mồ hôi lúc nào cũng tươm ra đầm đìa…! Nhiều công trình nhu cầu đá 1x2 nên đội đập đá vẫn làm miệt mài.

 Hoàn thành con đường dài hơn ba cây số cho hai làn xe chạy rộng rãi không thua gì đường quốc lộ. Hằng ngày những người tù “cải tạo” chúng tôi trên vai vác dụng cụ lao động đi làm, hoặc khiêng những hoa màu thu hoạch theo từng thời vụ đi về trên con đường do chính công sức mình làm ra, và có cả sự đóng góp của gia đình hằng tháng thăm nuôi: Cho từng ký gạo, mắm muối, tiền bạc…trong lòng vô cùng đau xót! Đau xót hơn nữa là nhìn (họ) ăn chơi phè phỡn trên thành qủa mà chính chúng tôi - những người tù cải tạo lao động làm ra!

 LỰC LƯỢNG ĐÀO AO, - Hàng ngày ba bốn trăm người đào ba cái ao mỗi ao dài 100 x 60 thước. Đáy ao toàn đá, chưa kể những ao khác trong khu vườn thống tướng Lê văn T. Người tù đứng suốt ngày dưới sình chuyền tay đất đá lên bờ, xeo, nạy những tảng đá nặng hàng tấn, chỉ dùng sức người đưa lên khỏi ao. Chân trần nên bị những mảnh đá cắt chảy máu, toét da như cơm bữa. Chúng tôi sử dụng những sợi dây kẽm gai bện lại thành những dây thừng dài quấn vào tảng đá, người trên bờ kéo hoặc dùng ròng rọc quay còn người ở dưới ao lót cây, ván dùng đòn bẩy nhích từng chút. Sình lầy trơn nhớt nên tuộc dây tảng đá lăn xuống ao, tai nạn dập tay, dập chân là chuyện hằng ngày…, có ai đâu mà quan tâm chuyện “lặt vặt” đó! Cùng lắm trại cho đưa về trạm xá nghỉ một buổi, uống vài chục viên “Xuyên-Tâm-Liên” là hết bịnh ! Tất cả đáy ao toàn đá và đá tảng. Hai cây xà beng mỗi cây nặng “bốn mươi chín ký!” Thật ra nếu không có hai cây xà beng “khủng long” nầy cũng khó nạy những phiến đá to hàng tấn. Chúng tôi gọi là “tên lủa”. Trên bờ sử dụng đã khó, huống chi dưới ao thì bùn đất nhão nhẹt trơn nhớt…! Dùng xà beng nhỏ moi móc tìm ra khe đá… sau đó bốn người kéo cây “tên lửa” dựng đứng chọc vào khe đá và lắc từ từ, hai cây thay phiên cho đến khi tảng đá bung ra. Có khi nạy mất đà cả người và xà ben cùng ngã nhào - xà beng đè lên dập tay chân, bong gân, chảy máu…! Sức yếu, xà ben nặng, đá nặng. Làm chậm, công an quản giáo đứng trên bờ thúc giục…suốt ngày lặn hụp dưới sình không thua gì con trâu! Đói mệt, nhưng còn phải đếm để kiểm soát lẫn nhau!

 Do ăn uống qúa thiếu, khẩu phần ăn toàn khoai mì lát khô ẩm mốc, con mọt đục lổ chằng chịt, đem nấu nhừ sền sệt múc cho mỗi người một bát có khi lẫn phân chuột và con mọt. Nhiều quá, đội anh nuôi không cách gì rửa cho sạch được. Chén canh trong veo như nước suối, lưa thưa một vài cọng rau, chút cá hay thịt, trứng bằng đầu ngón tay út… Rất ngon là vì nó “mặn”! Có lúc ăn bánh bột khoai mì, mỗi người được ba miếng nhỏ, để khô cứng như đá! Chúng tôi gọi là “bánh xe lịch sử”! Sau cùng là ăn bo bo - ăn bo bo thì đỡ hơn nhưng cái vỏ không tiêu được nên nhiều người bị đau dạ dày.

 Đói thường xuyên nên đầu óc chúng tôi không còn suy nghĩ cái gì cả chỉ biết làm. Làm để chờ đến bữa nhận khẩu phần ăn - ăn xong là: Trông chờ bữa ăn kế tiếp! Cứ thế, ngày này qua ngày khác đầu óc chúng tôi chỉ nghĩ đến cái ăn. Trong lúc lao động bắt được con rắn, con chuột, cua, ếch, cóc, bọ cạp, châu chấu, dế… Đợi đến giờ nghỉ là nướng “làm đẹp” tại chổ! Rau rừng, cỏ dại cũng hái nấu ăn cho đầy bao tử đói! Còn các loại củ thì ăn sống...Những con trùn khoan cổ dài cỡ gang tay. Anh Nguyễn Hữu G bắt về dùng que tre lộn ngược ra, rữa sạch bằm nhuyễn nấu cháo “bồi dưỡng” rất bổ! Anh gọi con trùn là “thổ long”. Anh nói: “tù cải tạo ngoài Bắc trước năm 1975. Họ cũng ăn như vậy”. Mới đầu tập ăn cũng thấy ghê ghê… nhưng ăn quen…thì cũng không còn trùn để mà ăn nữa!

 Đào xong ao là xây bờ kè ao bằng đá chẻ, làm đường rộng sáu thước chung quanh hồ, rải đá mi. Chung quanh làm chuồng heo, chuồng thỏ, chuồng gà, chuồng bồ câu, nhà kho chứa thực phẩm nuôi gia súc… Giữa ao cuối cùng xây một nhà “thủy tạ” lớn hình chữ T . Làm toàn bằng gỗ tốt, mái hình lục giác, chạm trổ hoa văn: "Long - Lân - Quy - Phượng". Từng cây cột, từng cây xà nhà , nhiều họa tiết hoa văn rất chi tiết, công phu…như những cung đình vua chúa. Có đặt tượng điêu khắc hình “bác Hồ” tươi cười vẫy tay…Trên bờ ao xây một khách sạn (restaurant) 2 tầng đồ sộ; có phòng trà, ca nhạc, đầu bếp phục vụ, bãi đậu xe. "ban tiếp tân và bếp trưởng" cũng là người tù cải tạo được chọn lọc rất gắt gao. Riêng nữ phục vụ thì tuyển những ngưòi phụ nữ trong số tù vượt biên…trồng và chưng bày những chậu cây cảnh đắt tiền: "lão mai, mai chiếu thủy, thiên tuế, vạn tuế, tùng bách…".

 Dưới hồ có "thuyền rồng" cho du khách bơi. Có bắp nổ sẵn - du khách nào thích xem cá thì rãi bắp xuống ao - cá bơi đến ăn tha hồ mà xem…! Đặc biệt các ao hồ ở đây mỗi lần cho cá ăn chỉ cần đánh một hồi mõ tre là cá tập trung lại từng đàn… “tù cải tạo” chúng tôi cũng không thua gì con cá...! Tuỳ theo giờ giấc - hễ nghe từng hồi kẻng là biết phải làm gì. Có điều “văn minh” hơn là không ồn ào dành giật như loài cá! Đã vậy còn phải... "đếm liên tục" theo từng số thứ tự để kiểm soát lẫn nhau…! Ban đêm điện sáng trưng không khác gì một nơi nghỉ mát của những nhà tỷ phú. Cái ao có nhà thủy tạ ưu tiên nuôi cá chép, các ao còn lại nuôi cá trắm cỏ, cá tra. Cá trắm cỏ hằng ngày có đội chuyên đi cắt cỏ về cho ăn. Cá tra thì thức ăn “đặc biệt” hơn! Trại bắt đóng mười cái thùng gỗ kín chứa phân của “cải tạo viên” thải ra hằng ngày, nước tiểu để riêng dùng tưới rau. Buổi sáng từ khu B, cứ hai người khiên một thùng phân đi hơn ba cây số mang ra đổ xuống ao cho cá tra ăn, xong rửa sạch thùng phơi khô chiều lại mang về.

 Tất cả cá tra nuôi dưới ao duy nhất để dành đãi đằng các đoàn quan khách, cán bộ các cấp ở mọi nơi đến “tham quan”! “cải tạo viên” tuyệt đối không bao giờ được thưởng thức loại cá tra ngon đặc biệt nầy (?)

 Để tạo một “nông trang” trù phú trên vùng đá ong không phải một ngày, một bữa là có! Vậy mà ông Trưởng Trại ra lệnh: "bằng mọi gía phải đạt “chỉ tiêu” trong vòng ba năm phải hoàn thành tất cả các công trình đã duyệt… nếu không các anh đừng hòng chúng tôi sẽ xét cho các anh về nhà sớm. Hơn nữa khi hoàn thành, trại K4 vinh dự chào đón các phái đoàn trên tỉnh và trung ương về thăm. K4 là trại học tập cải tạo tiên tiến trực thuộc Bộ Nội Vụ! Gặt hái được nhiều thành qủa trong lao động và học tập”!



 Nhiều người nghĩ rằng trại tù cải tạo ở trong miền nam sẽ "đỡ khổ hơn là bị đưa ra ngoài bắc "Nghĩ như vậy là chưa hiểu biết gì về cs. Dưới chế độ cs, từ LX tới Đông Âu - Cu Ba -TQ - Bắc Hàn - đến VN…Chính sách đối với tù “cải tạo” đều giống nhau. Khác nhau chăng là ở mức độ đối xử tùy theo cảm tính mỗi vùng, mỗi cá nhân.

 ĐỘI XÂY TƯỜNG THÀNH & ĐỘI NÔNG SẢN

Muốn có đất trồng trọt, chúng tôi phải gom hết số đá lởm chởm trên mặt đất và xây một bức trường thành chung quanh ‘nông trang” sáu mươi mẫu đất, theo hình tháp. Chân tường thành rộng ba thước, cao hai thước năm, ở trên xây nhỏ lại còn một thước. Trung bình mỗi ngày khoảng năm trăm người gom chuyển đá, Dùng dây kẽm gai bện lại thành những chiếc gióng, đá nhỏ hai người khiên, đá lớn bốn người. Đá xếp chồng lên nhau theo hình chữ công. Do chiều cao hai thước rưỡi, nên khi đưa những viên đá nặng lên bên trên rất khó và nguy hiểm! Đá lăn trở xuống xãy ra tai nạn hoặc dập móng tay là chuyện thường ngày, dập móng là về trạm xá rút móng, cắt bỏ. Uống vài ba chục viên “thuốc thần xuyên -tâm-liên” nghỉ hai ba ngày rồi làm việc nhẹ ở nội khu - tức khu khu A. Khu A cũng xây trường thành chu vi bốn mẫu đất, bên trên rào kẽm gai, bên trong đào giao thông hào sâu cắm chông và giăng dây điện nhằm không cho cải tạo viên trốn trại.

 Trên chòi canh khu A lúc nào cũng có công an canh gác, không cho lao động gần hàng rào. Tuy nhiên năm 1977 vẫn có năm người tù “cải tạo” vượt rào trốn trại và họ đã chạy thoát! Gồm có các anh: Lê văn T, Lê C, Phan văn K... Riêng anh K trốn về quê ở Bà Rịa vô rừng tiếp tục chiến đấu...! Một tiểu đoàn bộ đội bao vây kêu gọi đầu hàng...sức cùng, lực kiệt, anh tự tử! Ông Trưởng Trại bị bẽ mặt, tức tối lồng lên ra lệnh tập họp chúng tôi ra sân chửi và hăm dọa…! Từ lần trốn trại nầy, trại gài “hệ thống ăng ten” khắp các dãy và thành lập cái gọi là “ban tư tưởng”. Do cải tạo viên “Huỳnh Tấn B - Huỳnh thiện Ph" đảm trách. (họ là những sĩ quan biệt phái cho ngành giáo dục. Những người làm "ăng ten" mở "hộp thư chết" bằng cách viết báo cáo đem dấu dưới tảng đá đã được chỉ định sẵn. Chúng tôi không còn dám tụm năm, tụm ba bàn tán và trao đổi thông tin cho nhau thoải mái như trước. Tất cả đều cảnh giác từng lời nói, từng việc làm… dù trước kia là bạn thân của nhau.

 Xây trường thành - tuy không là vạn lý như bên Trung Quốc, nhưng cũng đủ để cho người tù trút bỏ hàng trăm cái móng tay, móng chân, ngón tay ngón chân, và những người khiên quá nặng bị cụp xương sống, lọi mắt cá chân, mang thương tật suốt đời. Máu đổ ra nơi chiến trường không tiếc! Vậy mà giờ đây nhìn những giọt máu túa ra trên những thân xác ốm tong teo trên mảnh đất đá ong mà xót xa cho thân phận người tù! Xót xa cho cha mẹ, vợ con nơi quê nhà! Bởi máu người tù cải tạo cũng là máu của thân nhân họ đỗ xuống. Bằng mồ hôi, nước mắt thăm nuôi hằng tháng. Người tù cải tạo họ không khóc - Đất đá ong không bao giờ thấm lệ, chỉ thấm máu, mồ hôi!

 Xây tường thành xong. Đất đai thành khoảnh, bắt đầu đào lỗ trồng xoài - đào lỗ trồng xoài cũng như đào giếng, đất đá ong, nên phải ngồi đục cả tuần mới xong một lổ. Sâu một thước năm, đường kính một thước. Xoài giống là những cây xoài ghép cao hai thước trại mua về hàng trăm cây trồng ở cả hai khu A&B. Tốn nhiều công sức là trồng ba mẫu nho và năm mẫu tiêu. Riêng cây cọc để trồng tiêu, phải là cây căm xe đường kính từ hai tất rưỡi trở lên, chiều dài bốn thước đến bốn thước rưỡi. Cây làm dàn cho những dây nho là gỗ xẻ; tốn rất nhiều cây gỗ cho hai công trình nầy. Khoảng năm công ruộng lúa nước, thâm canh ba vụ. Số đất còn lại trồng bắp, đậu phộng, đậu xanh, đậu đen, đu đủ, đậu bắp, khổ qua, dưa leo, đậu đũa, đậu nành và nhiều nhất là cây thuốc lá. Thu hoạch các loại hoa màu đều chuyển về khu A.

 Xây chuồng nuôi heo cũng bằng gỗ. Nuôi đàn heo nái. Heo nái đẻ được bao nhiêu là nuôi thành đàn heo thịt hàng mấy trăm con..., phân heo cho cá ăn, làm phân bón. Xây chuồng nuôi hàng ngàn con thỏ cũng bằng gỗ, cọng thêm sử dụng hàng trăm tấn đá tạo thành những cái hang như thiên nhiên để thỏ chui vào ở. Cà phê, và các loại trái cây thâu hoạch trong vườn thống tướng Lê văn T cũng đem về khu A. Nói chung tất cả hoa màu thâu hoạch đều chuyển về khu A để chế biến và phơi phong. Kỹ thuật canh nông trồng trọt khu B trại giao cho hai “cải tạo viên” lớn tuổi “lão nông tri điền” là: anh Năm H và anh Dương văn B - phụ trách. Tường thành ngày nay vẫn còn

 ĐỘI CẮT CỎ - có hai toán, mỗi toán mười người buổi sáng mang theo đôi gióng, đòn gánh, liềm. Do một công an dẫn đi. Họ đi vào trong những khu vườn, hàng rào, rẫy của dân, bờ mương, khe, suối, các nơi:Gia Liêu, Bảo Định, Tân Phong. Ông Quế, Bảo Vinh A và B, Bình Lộc, Suối tre, Tân lập, và trong rừng cao su…Tùy theo từng mùa mưa hay nắng mà chọn nơi đến cắt cỏ. Đi và về chừng hai chục cây số là chuyện thường. Đi xa thì đi một chuyến, còn gần phải đi hai chuyến bất kể: Nắng, mưa, gío, bão! Miễn sao đủ cỏ cho đàn bò, cá trắm và thỏ ăn. Ngày chúa nhật muốn được nghỉ, thì ngày thứ bảy phải cắt gấp đôi số cỏ. Không cung cấp đủ cỏ thì bị chửi, đánh, nhốt là chuyện bình thường - thân tù cũng như thân lươn “thân lương bao quản lấm đầu”! Anh Trần bội Ch - phụ trách đội nầy. Trước kia anh cũng phụ trách đội đi rừng trong đó có tôi và anh Phan Văn Th, Ngô Văn B, Đoàn văn H. Lê văn T

 ĐỘI THỢ HỒ -Xây một tháp nước để ép cá đẻ cao năm thước, một hồ tròn đường kính năm thước. Cá chép lớn đã chọn kỹ và chích thuốc kích thích cho vào trong hồ, mở nước tạo dòng nước xoáy ly tâm rất mạnh để ép cá đẻ trứng; trứng đẻ ra được đưa ra hàng loạt hồ nhỏ bên ngoài nuôi thành cá bột, bán cá giống ra bên ngòai dân. Anh Nguyễn H người chịu trách nhiệm chăm sóc 10 hồ nuôi cá bột giống. Đội thợ hồ ngoài việc xây công trình cho trại còn phải xây nhà cho cán bộ và các cơ quan khác trong huyện.

 Khủng khiếp nhất là làm nhà cho trưởng trại. Sử dụng toàn gỗ tốt cho khung nhà, bộ cửa sổ làm bằng gỗ căm xe nặng bốn người khiên. Thợ mộc bào không láng là coi như người phụ trách trực tiếp bị đánh nhừ đòn. Anh Nguyễn trong T, cán nền nhà bằng ciment mặt còn ướt - ngồi chờ ráo để qua bay cho láng! Không may cho anh! Ông Trưởng Trại k4 đi đến, ngó thấy nền còn sần sùi. Vậy là ông ta lấy cây đánh anh Tuấn với lý do làm dối...! Anh trình bày lý do kỹ thuật thì bị ghép cho tội chống đối, cãi bướng - đem nhốt!

  ĐỘI NUÔI CÁ - ĐỘI NUÔI HEO - ĐỘI NUÔI THỎ -

 ĐỘI NUÔI BÒ & BỒ CÂU

 Nuôi hàng chục ngàn con cá. Hàng vài trăm con heo thịt. Hàng chục con heo nái. Hàng ngàn con thỏ thịt và hàng trăm con thỏ giống. Hàng trăm con bò. Hàng ngàn con chim bồ câu. Trong điều kiện thiếu thốn, chăm sóc cho chúng tăng trưởng hằng ngày là vô cùng vất vã. Sợ nhất là khi chúng bị bệnh dịch chết! Lúc nào (họ) cũng nói là chúng tôi cố tình phá hoại tài sản “Xã Hội Chủ Nghĩa” hoặc “chây lười lao đông!” không chịu làm hết sức để cho gia cầm chết, cá chết! Ông Trưởng Trại đè đánh chúng tôi không thương tiếc! Bắt chúng tôi nằm sấp xuống như cha mẹ đánh con! Lấy gót giày nện trên lưng, trên đầu, trên cổ chúng tôi. Mỗi khi đánh tay ông ta lúc nào cũng cầm cây súng "k54", nếu chúng tôi phản ứng là ông ta bắn ngay! Nằm cho ông ta đánh hết nổi thì thôi! Bị thương tích khi về phòng anh em lấy dầu xoa bóp…!

 Bị đánh chửi nhiều nhất là các anh Trưởng, phó khu ( anh Vũ Dương Th - trưởng khu, bị đánh nhiều đến nổi chai lỳ! Anh là giáo sư, mang cấp bậc trung úy quân đội biệt phái qua ngành giáo dục). Vì tội “vị nể, không quyết tâm động viên tập thể hăng say lao động”. Miệng ông ta lúc nào cũng kêu chúng tôi là những thằng tù, bọn ngụy phản động, bán nước. Có lần ông ta dẫn đứa con trai khoảng mười tuổi vào trại, thấy chúng tôi - nó cũng kêu chúng tôi là "thằng tù”! Dạy cho đứa bé lòng thù hận như vậy thật là khủng khiếp! Trời nắng hạn nhiều ngày. Ông ta cầm súng bắn ba phát lên trời:” Tao bắn vỡ sọ thằng giặc trời, vì tội mầy không làm mưa”! Lộng ngôn đến cỡ đó. Đa phần các đội ngành nghề chuyên môn làm ra sản phẩm ít nhiều đều bị Trưởng Trại đánh và kỷ luật. Vì lợi nhuận và để báo cáo chỉ tiêu với cấp trên…cuối cùng là quyền lợi cá nhân : Thăng chức! Cho nên chúng tôi như những “con cá nằm trên thớt!’ - muốn đánh, muốn giết lúc nào cũng được…!

 Gia súc, gia cầm chỉ có bò là ít bị bệnh. Ngoài ra như: Heo, thỏ, vịt, gà…thường xuyên bị bệnh vì nuôi quá nhiều mà thuốc men lại thiếu thốn đủ thứ. Hoặc thời tiết thay đổi mưa nắng gió chướng bất thường. Sau một đêm ngủ dậy những anh chị em phụ trách đội chăn nuôi sợ toát mồ hôi hột khi thấy gia cầm, gia súc chết. Bị ghép tội phá hoại…sau đó là biệt giam đánh đập là điều không thể tránh được. Đội nầy còn chịu trách nhiệm cái máy xay thực phẩm cho gia súc. Xay cỏ dinh dưỡng và các loại ngũ cốc…

 ĐỘI ĐI RỪNG LẤY GỖ: Tất cả những công trình xây dựng tại trại k4 đều có dính dáng đến gỗ. Toán đi rừng lấy gỗ gồm có mười hai người. Anh Trần bội C làm trưởng toán, anh Ngô B, anh Đoàn văn H, anh Phan văn Th, anh Nguyễn văn Kh, anh Đinh văn T… trong đó có tôi. Phải trẻ và có sức khoẻ! Tuổi đời toán lấy gỗ trung bình hai mươi lăm, hai mươi tám tuổi, cao đều nhau. Hằng ngày chúng tôi lên xe be vào rừng. Rừng lấy gỗ là rừng Bàu Cối - Suối Nho chạy dài giáp ranh với tỉnh Bình Thuận và Lâm Đồng, đường xe be đi lấy gỗ sình lầy rất xấu. Trưởng Trại đích thân huy động ba trăm cải tạo viên vào san đồi, bạt núi, bắt cầu làm đường hằng tháng. khổ nhất là mùa mưa; mưa miền đông - mưa rừng dai dẳng lại thêm ve, vắt, muỗi, mòng! Lạnh lùng, đói khổ! Xe chở cây gỗ chạy qua, đường chỗ nào lún sụt, mọi người lập tức chặt cây, khiên đá san bằng cho đến khi con đường hoàn thiện và thường xuyên tu bổ.

 Đầu năm 1982, thả một đợt khoảng 140 người, trong đó có tôi. Ông Trưởng Trại nói: “Đợt nầy xét thả về nhiều, trong số các anh đã giác ngộ đường lối, chính sách khoan hồng của cách mạng - trước sau như một tha chết cho các anh. Đa số các anh được trả quyền công dân tại chỗ. Tuy nhiên các anh kèm cặp thêm 200 người sửa sang con đường đi lấy gỗ trong Bàu Cối, thời gian một tháng. Khi xong chúng ta dự tiệc “liên hoan” chia tay! Hôm qua các anh là kẻ thù, hôm nay các anh là bạn!”

Bảy năm chịu đựng còn chịu được, huống hồ một tháng - Anh em chúng tôi đều nghĩ như vậy nhưng không dám nói ra.

 Phá rừng không thương tiếc. Ban đầu rừng còn nhiều gỗ nên chọn lựa gỗ lớn, tốt khai thác. Dần dần rừng cạn kiệt phải đi xa nên cây lớn nhỏ, tốt xấu đều cưa sạch! Nhất là cưa gom cho đủ hàng ngàn cọc cây căm xe, để trồng hàng ngàn cọc tiêu, cũng như hàng chục ngàn khối gỗ làm củi cho trại nấu ăn. Để tiết kiệm xăng dầu Ông Trưởng Trại không cho cần cẩu dùng dây cáp kéo gỗ súc lên xe, ngoại trừ những súc nào qúa nặng hay ở lưng chừng sườn đồi. Hầu hết số gỗ, đội đi rừng đều chuyển lên xe bằng cách khiên trên vai. Sợ nhất là trời mưa cây trơn và đường cũng trơn!

 Khi tìm được cây và đốn hạ xong, chúng tôi phải dọn đường cho xe chạy vào, có khi phải dọn hàng hai ba trăm thước. Địa hình bằng phẳng xe "dze" đến tận nơi. Còn nền đất yếu, sình lầy chúng tôi phải khiên ra xe. Áo quần toán đi rừng rách bươn, vá chằng chịt bằng vải bao cát, không có giày, mang dép “râu” là chính, khi khiên súc gỗ lên xe không được mang dép, sợ vướng vấp té bị gỗ đè. Qúa cực khổ tôi và anh Đoàn văn H…, lợi dụng trong lúc đi tìm cây, đã bỏ trốn hai lần nhưng không thoát được. Sau nầy anh Đoàn Văn H cùng anh Hồ Phát Ph - làm ở tổ anh nuôi, chuẩn bị lương thực trốn một lần nữa nhưng cũng không thoát. Lần nào ló đầu ra cũng gặp bộ đội. May mà không bị lộ diện. “Rừng vàng…!” nên chặt phá không thương tiếc. Nhiều khi chúng tôi nghĩ: “Chính tù cải tạo mới là người trực tiếp phá rừng - phá khủng khiếp…” phá rừng còn được thưởng “lao động tốt !”

 ĐỘI MỘC & ĐIÊU KHẮC .Với hàng trăm “thợ mộc” cải tạo viên ngày đêm làm ra những sản phẩm như: Di văng, Tủ, Tủ thờ, Ván bộ, giường, sa lon, bàn ghế các loại, khung sườn nhà, các loại khung cửa và các loại cửa, các loại ván sàn, ván đóng vách. Ngoài ra còn làm các công trình khách sạn, nhà thăm nuôi, các loại nhà kho, bãi, nhà giam những cải tạo viên bị kỷ luật, chuồng, trại, văn phòng, nhà của, trong và ngoài trại... Đặc biệt làm một cái Hội Trường lớn chứa hơn hai ngàn người có đầy đủ ghế ngồi dựa và một sân khấu, làm hàng trăm sạp ván tập thể có chỗ cho “cải tạo viên” nằm ngủ nghỉ.

 Những tác phẩm điêu khắc gỗ tuyệt đẹp được làm ra từ đôi tay tù cải tạo như: Tượng Bác Hồ, Lê Nin, Các Mác, Mao trạch Đông và những anh hùng cách mạng… Người đội trưởng có đôi tay tài hoa đó chính là anh Lê quang Nh. Tất cả sản phẩm gỗ làm ra được trưởng trại đem đi tiêu thụ... Người làm ra sản phẩm đứng nhìn trong nuối tiếc!

 Đội nầy thường xuyên bị ban Chỉ Huy Trại trù đập vì thường khi những vị khách đặt hàng mộc quá gấp làm không kịp - thế là bị chửi rủa! Nhiều khi làm không giống. Có lần nhìn cái tượng của Bác sao hao hao trông giống như ông: Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu. Thế là bị đánh đập xong lôi vào chuồng bò, nhà đá cùm hai chân tay, cho ăn đói! Sản phẩm làm ra bị khách hàng chê hoặc hư, cũng bị ghép tội phá hoại tài sản “XHCN”! Công trình để đời của đội mộc là làm một cái hội trường dài 70x30 mét, trang bị bàn ghế đủ cho hai ngàn chỗ ngồi và một cái sân khấu rất hoàng tráng. Chung quanh trồng cây kiểng và những cây xoài tứ quý cho trái trĩu cành…

 ĐỘI CƯA DÂY .Có ba máy cưa xẻ gỗ, ván thành phẩm, lúc nào cũng chạy hết công xuất. Ban ngày xẻ không kịp, thì thay nhau làm ca đêm. Bị út Nhân đánh chửi là chuyện thường với những lý do như: Mảnh đạn trong thân cây làm đứt lưỡi cưa, ra gỗ không đủ yêu cầu; không đúng quy cách; không tận dụng lấy hết gỗ, chừa ván bìa quá nhiều…Những súc gỗ nặng nề phải dùng sức người đưa vào đường ray rất là cực nhọc. Máy cưa cũ thường trục trặc, thiếu phụ tùng thay thế; lưỡi cưa tận dụng nhiều lần nóng, đứt. Trong khi chỉ tiêu lúc nào cũng bắt buộc phải hoàn thành! Tai nạn trong khi cưa xẻ gỗ luôn xãy ra, nhưng thuốc men cũng chỉ có “xuyên-tâm-liên” mà thôi!

 Quang cảnh ở đội cưa dây vui nhất là khi toán đi rừng về. Mười hai người chúng tôi mỗi người đều có mang về một bó củi lớn và một bao cãi rừng - tàu bay. Khi thấy xe be về là anh em nhào ra phụ chuyển và chia chác rau tàu bay. Số còn lại không quen biết, hay không có phần thì chờ xe be xuống hết gỗ là xúm nhau lại róc vỏ cây đem về phơi khô làm củi nấu nướng. Chỉ một loáng là các súc gỗ đều “ở trần”!

 ĐỘI CHẺ ĐÁ & ĐỘI ĐÀO GIẾNG. Các công trình xây dựng đều sử dụng đá. Chẻ đá theo theo quy cách các cỡ để làm móng nhà, làm taluy đường. làm bồn bông trong công viên, làm cổng, xây thành giếng, xây hàng rào…Đá phải đặt theo yêu cầu và đẻo gọt bằng phẳng, đúng góc cạnh. Cổng trại k4 xây không dùng ciment, chỉ sử dụng những tảng đá chẻ được đẻo gọt theo bản thiết kế của anh Hồ H và người trực tiếp thi công là anh Đỗ văn B. Dùng cốt sắt câu những tảng đá lại với nhau. Gồm cổng chính cao tám thước tính cả chóp, rộng năm thước, có vòm. Hai lối đi phụ hai bên rộng một thước hai, cao hai thước hai, đều có vòm nhưng thấp hơn, bề dày cổng hai thước. Trời mưa đứng dưới vòm không bị ướt. Số đá chuẩn bị xây cổng là sáu tháng, có ngày số người làm lên đến cả trăm! Ngày khánh thành ban Chỉ Huy Trại mời “Các ban ngành đoàn thể trên Tỉnh, Huyện” về làm lễ sau đó là tiệc tùng suốt ngày…

 Đội chẻ đá ở trại K4 làm không ngơi nghỉ; do nhu cầu đá để xây nền móng các công trình nhà trong trại và ngoài trại: Các cơ quan ban nghành trong huyện cũng thường xuyên đặt hàng, kể cả người dân nhu cầu rất nhiều vì đá trong trại “cải tạo” làm đúng quy cách và gọt dũa đẹp. Nhân lực đội chẻ đá trên một trăm người toàn những “cải tạo viên” trẻ, phân nửa thuộc hình sự, (năm 1977 &1978) có “nhân thân” tốt và thường xuyên thăm nuôi đầy đủ. Nếu không có sức lực không thể nào sử dụng hai cây xà beng “tên lửa” nặng đến “bốn mươi chín ký!”. Hằng ngày từng khối đá khổng lồ được nạy lên nặng hàng đôi ba tấn trông phát khiếp! Người thợ đội trưởng xem thớ đá và cho người đục lổ mồi, mỗi lổ cách nhau mười lăm phân. Đục lổ nhiều hay ít tùy theo bề dài của tảng đá, lổ sâu cỡ bốn, năm phân. Không được rộng, phải vừa vặn với kích cỡ cái nêm sắt. Sau khi đã tra nêm và dùng búa tay gõ chặc nêm. Sau đó dùng búa tạ nặng mười ký nện đều đặn trên đầu hàng nêm thật chính xác không được trật búa. Cho đến khi nghe tiếng rắc…tảng đá rã làm đôi. Sau đó tuần tự chẻ nhỏ theo từng quy cách đã được quy định. Có một số đá theo đơn đặc hàng cỡ lớn phải đẻo gọt bằng phẳng, đúng thước tất và góc cạnh như: Ghế đá, bàn đá trong công viên, vườn hoa, trong sân vườn của những nhà cán bộ, và các cơ quan…Đủ các dạng mẫu mã theo ý thích của khách hàng.

 Giếng đào sâu trung bình khoảng chín thước, đường kính rộng ba thước, từ trên mặt đất cho đến đáy toàn đá. Người thợ đào giếng phải thay phiên nhau ngồi đục…thời gian hoàn thành có khi từ hai tháng hoặc hơn là chuyện thường. Đôi khi cứng quá đục không nổi hoặc tốn quá nhiều thời gian. Đề nghị trại đặt chất nổ.

 Trong suốt thời gian “cải tạo” chúng tôi đều sử dụng nước giếng do chính những người anh em “cải tạo viên” chúng tôi đào. Tai nạn trong nhóm chẻ đá là khá cao do văng nêm sắt vào người; văng miểng dăm đá vào mắt; dập tay, dập chân. Toán đập đá, chẻ đá, cũng bị đánh đập, chửi bới không thua gì những toán khác. Kỷ luật, biệt giam do không hoàn thành chỉ tiêu hàng chục ngàn khối đá bê tông 1x2 cho các công trình. Hàng chục triệu viên đá chẻ theo từng quy cách khác nhau cung cấp cho toàn huyện.

 ĐỘI THỢ RÈN & ĐỘI GÒ - HÀN. Có công rất lớn - Rèn cung cấp một số lượng rất lớn dụng cụ cầm tay các loại lớn nhỏ cho hai ngàn lao động. Đồng thời liên tục cải tiến mẫu mã càng ngày càng gọn nhẹ và có nhiều tính năng cho sản xuất sản xuất như: Cuốc, rựa các loại. Dao các loại. Cào các loại. Sạc lay, liềm các loại. Búa các loại. cúp các loại, vá len các loại. Xà beng các loại lớn nhỏ (đặc biệt có hai cây xà ben nặng 49 ký)! kéo các loại. Các loại nêm chẻ đá, gọt đá. Đỉa các loại cho xưởng cưa và đội đi rừng. Các loại bản lề. Các loại lưỡi bào. Các loại đục. Các loại đinh cho trại mộc…Đặc biệt là rèn các loại cùm để cùm tù Cải tạo như: Cùm chữ U các loại. Dây xích các loại…

 Khung nhà tiền chế, các loại xe đẩy tay. Các loại ống máng xối. Các loại xô thùng gánh nước, đựng nước.Các loại nồi áp xuất nồi áp suất. Sản phẩm làm ra cung cấp cho trại và bán cho các đơn vị tập đoàn sản xuất trong huyện. Đội trưởng là anh Bùi viết N. Tay nghề rèn của anh rất giỏi! Để đủ sắt thép làm ra sản phẩm đội phải đi lùng sục các nơi trong vùng… Đôi khi còn nguy hiểm đến tính mạng do đào những công sự chiến đấu cũ. Đội nầy cũng đem lại nguồn lợi nhuận to lớn cho trại. Nhưng ban Chỉ Huy Trại vẫn bắt anh Buì viết Niêm nhốt như thường vì không cung cấp đủ đồ rèn, đồ hàn cho khách.



 ĐỘI XẮT THUỐC LÁ. Thuốc lá trồng chung với đậu nành. Cuối mùa mưa là bắt đầu thu hoạch từng đợt lá thuốc đem về ủ cho lá trở thành màu vàng. Đội xắt thuốc hầu hết là “cải tạo viên” vào năm 1978. Họ đa số ở vùng Phương Lâm - Định Quán - Lâm Đồng - Cây gáo - Bàu Hàm - Hưng Lộc- Long Khánh đảm nhận. Ban đêm xắt và trải ra vỉ tre, ban ngày có toán khác trông coi phơi nắng, phơi sương, khi nào khô dùng báo cũ “nhân dân” gói thành từng cây; mỗi cây trung bình một ký. Cứ thế mỗi năm thâu hoạch trung bình khoảng bốn đến năm tấn thuốc lá.

 Đến mùa xắt thuốc, đội nầy hầu hết làm ban đêm. Cho nên ưu tiên “bồi dưỡng” nhiều như: Khẩu phần ăn gấp ba gồm: Thỏ, cá gà, trái cây…đội xắc thuốc được ban Chỉ Huy Trại rất…”cưng chiều”! Chẳng qua là ông ta khoái hút thuốc rê, và lợi nhuận mang về cho trại qúa cao!

 Thuốc lá thành phẩm được phân chia làm ba loại và cuối cùng là thuốc đọt. Loại thuốc nấy trại “phân phối” cho anh em cải tạo viên với giá thấp hơn một chút. Mỗi mùa trại thâu hoạch trung bình 5 đến 6 tấn thuốc. Khi hết mùa xắt thuốc, đội trở về chuẩn bị vụ mùa sau: Làm vườn, ươm cây giống…

 TỔ Y TẾ & ĐỘI TRỒNG CÂY THUỐC NAM. Tổ y tế hằng ngày khám bệnh: Có toàn quyền phê cho người bịnh làm việc nhẹ hay nghỉ dưỡng tại Trạm Xá Có toàn quyền đề nghị Trại chuyển người bịnh nặng ra bệnh viện Huyện, cũng như đề nghi Trại cho thân nhân người bịnh được gửi thuốc vào chữa trị.

 Đội trồng cây thuốc nam - trồng các loại cây thuốc do Trại chỉ định và thâu hoạch, bằm nhỏ vô bao để ở trạm xá chữa bệnh cho cải tạo viên. Đa phần là "cây xuyên-tâm-liên" xay nhuyễn ép lại thành từng viên. Thuốc trị "bá bịnh!". Ban Chỉ Huy Trại ra lệnh trồng cây bạc hà chưng cất lấy tinh dầu. Bán cho mỗi người cải tạo viên (10 cc) để chữa cảm cúm; sưng trặc trong lúc lao động. Nếu muốn mua gửi về cho gia đình trong dịp thăm nuôi trại cũng cho phép bán. Đội trồng thuốc nam trực thuộc tổ y tế. Đội nầy ít bị ban Chỉ Huy Trại hỏi thăm “sức khỏe”! Anh Đoàn T và anh Nguyễn ngọc X làm ở đội nầy. Tôi thường được hai anh cho lon nước nấu bằng rễ tranh, rễ mã đề nấu với mía lau. Coi như “bồi dưỡng”! Tôi cũng nhớ và mang ơn, hồi còn bên khu A.năm 1976. Thiếu tá BS Ph đã chích cho tôi một mũi thuốc đau lưng, (thuốc riêng của BS) nhờ đó mà tôi đi lại lao động được cho đến ngày được tha.

 ĐỘI TRỒNG TIÊU & ĐỘI TRỒNG NHO. Trồng hàng ngàn cây nọc tiêu bằng trụ cây căm xe không phải là chuyện đơn giản bởi đất bên dưới toàn đá. Dùng xà ben lớn, búa và đục sắt, đào lổ đường kính một thước, sâu một thước. Trồng trụ xong, nhặt cho hết đá ong lớn nhỏ đem ra xây bờ thành, sau đó làm gờ chung quanh, đổ phân chuồng xuống lấp đất tưới nước, khoảng một tuần sau là xuống dây tiêu giống; tiêu giống được tuyển và ươm từ trước. Do được chăm bón tận tình và đúng kỹ thuật canh nông nên dây tiêu phát triển rất nhanh. Chung quanh vườn tiêu trồng những hàng cây chuối, cây vông hoặc so đũa để chắn gió. Hằng năm thâu hoạch từ bốn đến năm tấn tiêu, đem lại cho trại nguồn tài chánh rất lớn.

  Đất trồng nho cũng như đất trồng tiêu, phải nhặt hết đá ong lớn nhỏ, đào lổ bón phân, sau đó làm giàn cho dây nho leo lên. Dây nho giống từ "Phan Rang - Đà Lạt" chuyển về. Làm giàn cho bốn mẫu nho ngốn một lượng gỗ khủng khiếp. Trồng nho tốn rất nhiều công sức chăm nom, bắt sâu, tỉa lá, tỉa cành..., công phu gấp nhiều lần trồng tiêu và thuốc lá nhưng không đem laị hiệu qủa kinh tế nhiều bằng tiêu và thuốc lá. Nhưng ban Chỉ Huy Trại đó là “thành qủa” to lớn để báo cáo lấy điểm với tỉnh; với trung ương để được lên chức. Nho thâu hoạch để sử dụng cho nhà hàng trại, cho cán bộ và làm qùa tặng cho quan khách cao cấp trên tỉnh; các cơ quan, đoàn thể trong huyện...

 ĐỘI TRỒNG & CHĂM SÓC CÂY CẢNH. Những đoàn du khách vào thăm trại k4 hằng ngày đều trầm trồ khen ngợi thành qủa do người tù khổ sai…làm ra! Đội thường xuyên tiếp cận du khách. Nhưng phải lầm lỳ, im lặng mà làm phận việc của mình, dù những người du khách có gợi chuyện cũng nín thinh hoặc tránh đi chỗ khác.” Họ có gợi ý nói chuyện: Khen giàn hoa lan đẹp, bông thược dược đủ màu đẹp, hoa huớng dương hoặc từ những cái cây làm sao uốn thành con nai, con rồng trông rất đẹp? Kỹ thuật làm như thế nào”? Người tù vẫn làm thinh không được trả lời. Đôi khi họ làm như vô tình làm rơi… bao thuốc lá, vài ba cây kẹo… Khi họ đi rồi thì lượm lên đem giao nộp cho quản giáo đứng nhìn chăm bẳm ở gần đâu đó. Nếu lấy bỏ túi mà bắt gặp coi như “tiêu đời”! Đập cho mấy cái, còng tay, bịt mắt dẫn về tống vô nhà đá cho ăn đói, cho rệp cắn thoải mái…! Chân bị cùm hai cái “U”! Ít nhất cũng vài tháng! Khi được thả, thân thể tong teo, đi không nổi; ghẻ lở đầy người…

 Nhiều người dân nhìn chúng tôi với ánh mắt thiện cảm! Nhưng chỉ biết nhìn, nếu cho đồ và lân la đến hỏi thăm sẽ bị bắt nhốt và ghép tội thông đồng với tù âm mưu giải thoát trốn trại cũng như trao đổi tài liệu phản động.

 Hằng ngày chúng tôi đi từ khu A ra khu B, lao động phải băng ngang quốc Lộ 1. Đoàn người tù cải tạo đi lao động gồm sáu, bảy trăm người di chuyển hai hàng. Trên vai mang phần ăn trưa, nước uống. Còn phải mang đủ thứ dụng cụ cuốc, xẻng, xà ben, thùng xô, phân bón, cây gỗ, những thùng phân cho cá… Chiều về, ngoài dụng cụ mang đi phải mang về. Còn phải gồng gánh nông sản thu hoạch như: Chuối, lúa, khoai, lá thuốc, bắp đậu, rau…(Ngoại trừ những đội chuyên môn họ ở lại). Mỗi lần băng ngang QL 1 đều có công an đứng chặn xe hai đầu đường. Một hôm chúng tôi vừa ra khỏi cổng đã thấy bốn đứa bé mặt mày lem luốt, quần aó sơ sài, trông ốm yếu. Đứa chị gái lớn khoảng mười hai tuổi ẵm đứa em nhỏ, còn hai đứa kế đứng co ro trông thật tội nghiệp! Khi tôi đi qua chừng năm thước. Tôi nghe tiếng kêu giật giọng: “Ba ơi! Ba ơi! Ba…! Ba…! Mẹ đi nửa tháng nay không về con và nội đói lắm ba ơi!” Tôi nhìn lại và thấy một cải tạo viên bước ra khỏi hàng định chạy đến với mấy đứa trẻ… Nhưng người công an dùng bản súng đẩy anh “cải tạo viên” ấy trở lại hàng, và “đoàn quân” vẫn tiếp tục di chuyển xem như không có gì xãy ra...

 Sau nầy được biết - đó là bốn đứa con của anh Nguyễn H, nhà anh ở ngã ba Bảo Chánh, cách trại K4 khoảng hai mưoi cây số. Anh ấy rất buồn và những ngày sau đó trông anh như người mất hồn...! Nghĩ lại bản thân cùng chung cảnh ngộ, mà chúng tôi bùi ngùi, xót xa! Các con anh còn đến năm ba lần nữa chờ nơi cổng, để được nhìn thấy anh Nguyễn H! Nhưng không dám kêu ba như lần trước vì... sợ công an quản giáo! Cho đến một ngày được thăm nuôi, chúng tôi thấy một cụ gìa lọm khọm dẫn bốn đứa cháu đến thăm anh - không có gì để nuôi!

 ĐỘI CHỀ BIẾN PHÂN , đội nầy gồm những “cải tạo viên” gìa, yếu không đủ sức làm việc nặng. Họ không ngại hôi thối, hằng ngày họ gom rơm, rạ, dây đậu các loại, rác đốt lấy tro - cộng với tro nhà bếp đem ủ với phân bò, phân thỏ, phân heo, phân gà, phân “cải tạo viên” thải ra. (Trừ mười thùng phân người hằng ngày bắt buộc phải đem ra khu B cho cá tra ăn) số còn lại đem ủ. Sau đó trải ra phơi gió cho khô rồi vô bao. Nhu cầu phân bón rất lớn, nhất là đầu vụ mùa, đội chế biến phân rất cực nhọc, phần vì sức khỏe kém, - ban Chỉ Huy Trại không cho dùng những người khoẻ vào đội chế biến phân. Hơn nữa suốt ngày ngửi mùi phân tươi các loại và bụi phân khô mà không có khẩu trang che miệng.

 Nước tiểu ngâm trong bồn để riêng cho đội trồng rau xanh sử dụng tưới rau…bác Goang. Người bắc đội trưởng đội phân nói chuyện với tôi mà gần như tâm sự: “Ngày trước ở ngoài bắc bác cũng bị đi "cải tạo" ba năm, cũng làm ở trong tổ phân, hằng ngay phải đội những thúng phân trên đầu, nước rỉ chảy xuống mặt... làm riết rồi cũng quen. Năm 1954 di cư vô nam - tưởng thoát nạn đâu ngờ trở lại “nghề cũ”! Tận dụng tối đa, không bỏ sót một chút gì trong thân thể người tù. Nói trắng - là thải chất thải trong người ra, và chừng một tuần lễ sau là ăn lại chất thải của chính mình thải ra đó là rau - rau cãi xanh các loại!

 ĐỘI RAU XANH. Thâm canh trên trên mẫu đất. Sử dụng nhân lực toàn người già, yếu, người bị bịnh nhẹ; người bị thương trong lúc lao động nhưng còn đi đứng được. Đội trồng đủ các loại rau: Bắp cải, cải bẹ xanh, cải cay, cải ngọt, cải xà lách, cải củ, dưa leo, dưa chuột, cà tím, cà đỉa, khổ qua, rau dềnh, mồng tơi, đậu đũa. đậu cove, đậu rồng, đậu ván, đậu bắp, cây môn, rau mống và các loại rau thơm, hành, tỏi…Do thâm canh nên rau cải luôn phủ đầy mặt đất. Nước tưới kéo từ giếng lên; đào nhiều giếng mới cung cấp đủ nước. Riêng ở khu B trồng hàng chục ngàn cây ớt các loại. Rau xanh cung cấp bữa ăn cho trại, nhưng đa số là bán cho những người buôn bán rau ngoài chợ Thị Trấn vào cân sĩ. Đội rau xanh cũng đem lại lợi nhuận cho trại rất nhiều...Nhân lực thường xuyên ở đội rau xanh là các chị em hằng ngày bắt sâu, làm cỏ, bón phân, che nắng những luống rau mới trồng, bầu cây con. Nhiều khi thiếu lao động nam, các chị em cũng phụ kéo nước từ giếng lên…

 Ở tù đã khổ, nhưng với phụ nữ lại cành khổ sở gấp nhiều lần nam giới. Nước tắm không đủ ,lại không sạch gây viêm nhiễm, ghẻ lở. Quần áo thiếu thốn, nhất là (bông băng…nội y). Thức ăn độn quá nhiều và ăn lâu dài khiến cho các chị em sinh bệnh… Do đó, các “cải tạo viên” nam đồng ý gánh ăn độn thêm chút nữa, để nhường phần cơm ít ỏi cho… “phái đẹp”! Một phong cách thể hiện đầy nam tính dù đang ở trong tù và cũng đói khác như nhau. Những chị em phạm tội đại nghịch là vượt biên chạy theo đế quốc Mỹ, nên bị ghép tội là: “phản quốc”, tội nầy cũng không thua gì tội làm “tay sai, bán nước” như chúng tôi. Đôi khi nhìn các chị lao động nhọc nhằn, phần thương nhớ chồng con, mà cảm thấy như có một phần lỗi lầm do chính mình gây ra…!

 ĐỘI PHƠI PHONG & BẢO QUẢN. Làm không ngớt việc, hằng ngày phơi lúa, rê cho sạch lúa lép, đập tách hạt đậu nành, đậu xanh, bắp, sàng sảy phân loại ngũ cốc ra từng loại vô bao chuyển vào kho, phơi cà phê… Nhưng sợ nhất là phơi ớt khô và đâm nhuyễn ớt khô làm bột...! Những ngày mưa đội rất khổ! Mưa dầm, nông sản thâu hoạch về phải đốt lửa sấy, thức đêm, thức hôm làm không ngơi tay, đã vậy còn bị đánh đập, chửi rủa! Ghép tội phá hoại tài sản "XHCN", nếu nông sản bị hư mốc. Nông sản phơi ngoài sân phơi, đội phải cắt người trông chừng, ăn uống tại chỗ, nhìn trời chuyển mưa là đánh kẻng báo động cho những đội khác làm gần chạy tới tiếp ứng! “Tăng cường - tiếp ứng” là chuyện thường xuyên. Đôi khi những đội đi làm xa vừa về đến nơi nghe tiếng kẻng báo động..., thì lập tức chạy đến tiếp ứng. Không những chuyện phơi phong; tất cả mọi ngành nghề khi đến mùa vụ đều phải có nhu cầu tiếp ứng mới làm kịp. Ngoại trừ ngành nghề kỹ thuật. Sau khi bớt công việc đội nào về đội nấy. Thành thật mà nói, đội phơi phong và bảo quản rất cực vì giờ giấc không bao giờ được ổn định. Đương ăn, đương ngủ nhưng khi nghe tiến kẻng giục giã là tung người chạy ra sân nhận nông sản chuyển về và “xử lý”, mệt mà không được nghỉ! Đôi khi điều động nhân sự hai ba trăm người là chuyện thường.

 Nói đến đánh kẻng. Toàn trại K4 dù người ra đi hay ở lại đều nhớ

Anh Nguyễn Ngọc A. Anh dáng người cao, nhưng ốm yếu, tính tình ít nói nhưng vui vẻ, hiền lành nên anh em mến. Anh phụ trách đánh kẻng trong nhiều năm bất kể mưa gió! Khi nhận được lệnh thấy anh cầm cái dùi sắt đi lơn tơn ra chòi canh, có khi vội vội, vàng vàng là biết có chuyện gì sắp xãy ra…

 TỔ ANH NUÔI. Hay đội nhà bếp. Chúng tôi thường gọi là đội (cân, đo, đong, đếm…), bởi vì chế độ cộng sản bất cứ việc gì cũng có tiêu chuẩn. Đội anh nuôi ban đầu có hai mươi người, nhưng sau vì nhu cầu công việc bên ngoài thành ra giảm bớt còn phân nửa, còn lạị mười người. Lo ăn cho trên hai ngàn năm trăm cải tạo viên. Ban đêm còn phải cung cấp phần ăn bồi dưỡng cho các đội làm ca đêm hoặc gánh thức ăn cho hàng trăm “cải tạo viên” bị kỷ luật đang “thụ án” trong hai nhà đá và khu chuồng bò. Hằng tuần, vào ngày thứ hai đầu tuần đẩy xe “cải tiến” theo công an dẫn ra chợ Thị Trấn mua cá biển, thịt heo, trứng, muối... đem về kho mặn và phân chia ra làm sáu ngày ăn. Cá nuôi trong các ao ban Chỉ Huy Trại không bao giờ cho vớt lên ăn (?). Còn rau xanh trồng rất nhiều nhưng mỗi bữa ăn chén canh cũng chỉ có nước, loe ngoe một vài lá rau! Thức ăn chính của tù cải tạo là khoai mì lát, bột mì, bắp hạt, bo bo, nấu chín rồi còn phải cân đo đong đếm phân chia ra từng dãy. Đến bữa ăn các dãy cử tổ trực đến nhận về chia lại cho các phòng - trong phòng tự phân chia đến tay mỗi người. Cuối tuần mới có một bữa cơm, nhưng qúa ít, và đôi khi cũng độn khoai! Mùa mưa càng khổ hơn vì củi thấm nước khó cháy.

 Tổ trưởng anh nuôi lâu nhất là anh Thái sỹ Th. Còn cho tù biệt giam ăn uống là anh Nguyễn văn Ph. Anh có sáng kiến thay vì đến mỗi buồng giam người tù cải tạo đưa cái chén ra là anh múc cho một muỗng cơm hay khoai tuỳ bữa và một muỗng nước muối, thường múc không đều tay cho nên đến buồng giam cuối cùng thì thức ăn còn lại ít hơn. Từ đó, anh không dùng vá múc nửa mà anh tính và cân ra phần ăn mỗi bữa được bao nhiêu gram, sau đó vo tròn lại từng nắm bằng cái trứng ngỗng đều nhau. Khi cho ăn, không ai phân bì ít hay nhiều. Chúng tôi thường gọi anh là bố! Trong nhóm đi chợ thì có Nguyễn văn V, anh Nguyễn thiện Đ, đảm nhiệm.

 Ngày lễ, ngày tết Ban chỉ huy Trại cũng cho Đội anh nuôi tăng phần ăn lên gấp đôi ngày thường. (Nấu các món cà ry, rau sống ăn với bún cũng có chút thịt heo luộc và một lát bánh tét!). Được nghỉ lao động một ngày Tổ chức văn nghệ ca hát ở Hội trường và thể thao như: Bóng chuyền. Kéo dây… tranh tài cờ tướng có thưởng! Anh em chúc tết với nhau – “hy vọng năm mới sớm được tha”! Dù muốn, dù không - anh em chúng tôi vẫn tham gia vui chơi để cho vơi đi nỗi buồn nhớ nhà. Nhớ cha mẹ, anh em, vợ con trong những ngày đầu xuân...!

 KHU C - XÃ XUÂN PHÚ. Trại trưng thâu bốn mươi mẫu ruộng đất, ruộng tại xã nầy. Cách trại khoảng hai mươi lăm cây số, đi về hướng ngã ba Ông Đồn, nằm bên phía tay mặt, phía sau nhà thờ “Tu hội nhà Chúa”. Bên hông nhà thờ có đường đất rộng xe hơi chạy vào được. Từ quốc lộ 1 vào đến khu ruộng khoảng một cây số. Vùng nầy mùa nắng không có một giọt nước. Giếng đào xuống toàn đá và nước nhiễm phèn lạnh rất nặng. Múc lên để lâu nước ngã sang màu vàng và có lớp váng phèn trên mặt.Toàn vùng nầy như vậy, cho nên buộc phải ăn uống, tắm giặt!

 Trại cho dựng một ngôi nhà gỗ lợp tranh giữa đồng. kê hai dãy sạp bằng ván đủ chỗ cho ba mươi người nằm và văn phòng . Một nhà bếp kiêm nhà kho chứa dụng cụ canh tác... một nhà cho đội công an bảo vệ, một sân phơi. Khu trưởng trông coi khu C là “cải tạo viên” - Phạm huy C, anh nầy người cao lớn, tính tình hiền, dễ mến! Trước là võ sư “Thiếu- Lâm -Tự” Anh cùng với anh Nguyễn Văn Q là hai tay đập của đội bóng chuyền cải tạo K4. Ban chỉ huy Trại thường “mượn” các anh khoác màu áo Công an vào đi thi đấu với các đội trong huyện và nhiều nơi khác.

 Mưa xuống, đất thì chúng tôi trồng đậu nành, đậu xanh, đậu phộng và bắp. Ruộng chúng tôi gieo mạ, cấy lúa. Đầu mùa vụ cần người nên mỗi ngày từ khu A tăng cuờng ra hai đến ba trăm người, số người nầy buổi chiều có xe đưa về trại. Sáu tháng sau anh Phạm huy C có lệnh về trại nhận công việc khác. Tôi ra thay thế và người cùng gánh vác công việc với tôi là anh Nguyễn Văn Ph. Anh to con nhưng lại rất hiền lành, dễ mến. Ruộng đất nơi nầy xấu, đất pha sỏi, cát, còn mưa còn nước, hết mưa mười ngày nữa tháng thì nước thiếu vì không có hệ thống thủy lợi..., ruộng khu C cần phân bón nhiều, nông sản mới có năng xuất. Tôi phụ trách khu C được một năm. Ban Chỉ Huy Trại rút tôi về phụ trách hậu cần. Sau nầy anh Đỗ văn B ra phụ trách khu C. (Anh Đỗ văn B và anh Đỗ Minh G, hai anh từng bị biệt giam trong xà lim hơn hai năm. Lý do: Tổ chức cướp súng công an (?) Sau được “phục hồi” và cho ra Khu C chỉ huy sản xuất. Chẳng qua Ban Chỉ Huy Trại K4 tận dụng và lợi dụng cái “đầu” của ảnh mà thôi.

 Thời tôi phụ trách đất, ruộng thì chỉ có làm một vụ. Nhưng thời anh Đỗ Văn B phụ trách thì công việc nặng nhọc hơn. Phải đào con kênh thủy lợi dài hàng chục cây số dẫn nước về thâm canh hai ba vụ. Nông sản làm ra rất nhiều, trại ngày càng giàu lên, nhưng đời sống người tù không được cải thiện vẫn trông chờ vào người thân, gia đình! Người ta thường hay nói: “Nước sông công cải tạo” - quả là đúng!

 BAN THĂM NUÔI”. Ban Chỉ Huy Trại cho xây một nhà “thăm nuôi” bên sát cổng trại, bên trong chừng năm thước xây bốn phòng cho thân nhân cải tạo viên ở lại đêm. Điều kiện cho thân nhân ở lại là cải tạo viên phải là “Lao động tốt - Học tập tốt!” Cuối tuần, tự chúng tôi từng tổ bình bầu theo thang bậc: “Kém - Trung bình - Giỏi!” Danh sách những người giỏi đưa lên trại quyết định. Chính chuyện nầy, nên mới có những đứa trẻ trong giấy khai sinh ghi: "Ngày, tháng, năm sinh trong thời gian cha còn ở trong tù". Lúc phỏng vấn đi tỵ nạn chính trị “H.O” một số anh em bị bác đơn cũng tại cái lý do: Ở trong trại cải tạo làm sao có con?

 Nhằm hoàn thành chỉ tiêu cái “nông trang” khu B. Ban Chỉ Huy Trại cho thân nhân tù cải tạo mang thực phẩm thăm nuôi không hạn chế như trước. Nhất là gạo cho đem tối đa, cũng như tiền bạc. Ở bên ngoài người thân cũng đói khổ, đa phần đi “kinh tế mới”! Một số ít thăm nuôi hằng tháng, còn lại - hai hoặc ba tháng. Có khi sáu tháng hay một năm không chừng. Tuy nhiên những ai có thăm nuôi, thì khẩu phần ăn tiêu chuẩn hằng ngày chia sớt cho những người không có thăm muôi...Từ năm cải tạo thứ sáu trở về sau Trại cho vợ chồng đệ tử là "Hg & Th" ban đêm mở “căng tin” tại hội trường bán thức ăn, rượu bia và đồ nhậu...Từ năm thứ năm không còn học chính trị nữa. Buổi tối tập trung lên hội trường xem truyền hình; để nghe diễn văn của các nhà lãnh đạo. Từ khi có kinh doanh ăn uống thì buổi tối ai có tiền thì lên mua bia rượu ăn uống nhưng hạn chế.

 BAN HẬU CẦN. Ban hậu cần Trại hoàn toàn do “cải tạo viên” đảm nhiệm. Lập danh sách tài sản của Trại: Bất động sản bao nhiêu, từng vùng đất canh tác và loại hoa màu hay cây công nghiệp trên đó, kể cả ao hồ, giếng nước…Các loại nhà cửa, kho bãi, công cụ sản xuất, xăng dầu xe cộ, máy móc…

 Động sản - gồm: Lúa, hoa màu trái cây các loại hằng ngày, hằng tuần, hằng tháng, hằng năm. Thâu hoạch mang về đều phải qua hậu cần ghi vào sổ và chỉ định phân phối hay phơi phong bảo quản. Bảo quản và phân phối những thục phẩm “thăm nuôi” và tiền mặt của thân nhân cải tạo viên gửi vào và xuất lại cho họ vào buổi tối theo sự ấn định của Ban chỉ huy trại. Riêng tiền mặt chỉ cho xuất vào tối thứ bảy và cũng chịu theo sự ấn định…

 Ban hậu cần trại cũng nắm tất cả các loại gia cầm… thủy cầm…và theo dõi sự tăng trưởng cũng như dịch bệnh. Cân đối lương thực cho toàn trại. Tổ anh nuôi trực thuộc hậu cần. Nhân sự ban hậu cần trung bình tám người. Chức vụ cao nhất là Khu phó phụ trách hậu cần. Những người giữ phần vụ nầy : Anh Vũ dương T, Nguyễn văn M, Nguyễn văn B, Trần văn T .Và tôi phụ trách ở đây khoảng một năm trước khi được tha.

 BAN THƯ KÝ LIÊN LẠC. Liên lạc giữa các khu do các anh Bùi văn C, anh Trương Vĩnh T… Các anh nầy thường nhận những chỉ thị từ trưởng trại và chạy bộ chuyển mệnh lệnh đến các tổ công tác. Làm biên bản các cuộc họp và học tập chính trị. Thông báo người được thăm nuôi vào ngày thứ bảy hằng tuần - bốn tuần thăm một lần.

 Còn ban chỉ huy cải tạo gồm: Khu trương, các khu phó, các dãy trưởng, các đội tổ trưởng sản xuất. Đúng 5. 30 chiều mang sổ sách lên Ban Bí Thư trại báo cáo tình trạng sản xuất trong ngày và đề xuất công việc ngày hôm sau. Đồng thời nhận lệnh mới. Ban đêm từng dãy tổ lên danh sách số người gác đêm. Canh gia súc đẻ và dịch bệnh cũng như tự canh gác cho nhau mà ngủ. Thỉnh thoảng quản giáo công an cũng đi tuần kiểm tra đột xuất. Guồng máy cứ thế mà trôi chảy êm xuôi, không một ai dám ăn cắp hay tơ hào đến “tài sản XHCN” dù một cọng rau, hay trái chuối!

 BAN VĂN HÓA. Trại có mở một lớp “Bổ túc văn hóa” cho những người không biết chữ hoặc những người ít chữ. (đa phần diện tội phạm hình sự và cán bộ). Lớp học vào ban đêm. Khi hoàn tất chương trình được cấp bằng. Từ lớp một đến lớp năm. Giáo viên là mấy vị “Giáo sư Ngụy” dạy theo chương trình của xã hội mới “XHCN”. Lớp học cũng khá đông, không phân biệt cán bộ, hình sự trộm cướp gì hết, miễn thấy… “dốt” là “đăng ký” học!

 Có một anh chàng học sinh hoàn thành chương trình, được cấp “bằng bổ túc”! Mừng quá! Xin phép viết một lá thư “tình mùi mẫn” gửi về cho “nàng” .Ở nhà. nàng nhận được thư cũng mừng nhưng nửa tin nửa ngờ. Vội vàng sắm sửa chạy đi thăm nuôi để nhìn “kết quả” tận mắt.

 NHỮNG CÁI CHẾT TỨC TƯỞI!

 Trong trại có hai công sự chiến đấu của "VNCH". Cái thứ nhất gần cổng đúc bằng bê tông có cửa sắt, nền nổi trên mặt đất bốn tất, rộng chừng hai chục thước vuông có lỗ châu mai. Caí thứ hai ở phía sau cách cái thứ nhất chừng hai trăm thước, nền âm xuống khỏi mặt đất chừng một thước, xây bằng đá ong có lổ châu mai; có cửa sắt rất kiên cố. Ngoài ra còn có một cái "conex" bằng sắt. Ba nơi nầy là những nhà biệt giam “cải tạo viên” cứng đầu, chống đối lại chính sách nhà nước.

 “KHU CHUỒNG BÒ - KHU NHÀ ĐÁ - LÔ CỐT - CONEX Bốn chỗ nầy là nơi Ban Chỉ Huy Trại K4 giam giữ tù biệt giam. Riêng khu chuồng bò cho xây mười phòng giam bằng gỗ, sạp ván cao sáu tất, mỗi phòng giam từ mười đến mười lăm người. Chung quanh toàn là bò, mùi phân và nước tiểu hôi thối hằng ngày người tù phải ngửi. Khổ nhất là ban đêm hai chân bị cùm, không được tắm, thân hình ghẻ, lở, hôi hám! Rệp với ghẻ là bạn đồng hành muôn thuở của người tù. Hơn nữa qúa chật chội chúng tôi không đủ chỗ để nằm ngữa hết, nên phải thay phiên: Phân nửa nằm ngữa - phân nửa nằm nghiên và ngược lại! Tiếng khua sắt thép va chạm kêu suốt đêm, rất khó ngủ.

 Mỗi ngày đêm, mỗi người bị giam chỉ được một lít nước uống. Một nắm cơm độn mì lát, bắp hạt vo tròn bằng cái trứng ngỗng. Một chén nước muối! Trong phòng giam có một cái thùng để tiểu và tiện chung; có nắp đậy, có quai và một cây móc sắt, khi người nào cần… thì kéo qua, kéo lại và kéo lên trên sạp tiểu vào!

 Khi đi cầu. Người bị cùm “U” một chân kéo thùng phân lại, xoay người ngồi xuống đi cầu hay tiểu. Người bị cùm “U” hai chân, không xoay người được nên phải móc thùng phân để hẳn lên trên sạp mà ngồi đi cầu. Khi có người đi cầu, anh em tù giam chúng tôi lấy tấm đắp phủ lên đầu! Khổ nhất là không có giấy vệ sinh, chúng tôi nhín chút nước uống để làm vệ sinh! Tình trạng trong lô cốt và nhà đá còn khốn khổ hơn chúng tôi, vì tội” nặng” hơn, ngoài cùm “U” còn bị xích hai tay - nhốt ở nhà gỗ chuồng bò ít ra cũng còn có khe ván để nhìn ra bên ngoài. Trong lô cốt và nhà đá thì tối tăm mù mịt - chịu chết! Khoảng mười ngày, hay nửa tháng quản giáo đi kiểm tra cái “U”, xem cái “U” của chân người nào do ốm đói mà lỏng, có thể rút chân ra được, là thay ngay cái “U” nhỏ hơn…!

 Do không có nước tắm, nên hầu hết anh em chúng tôi đều bị ghẻ. Còn rệp thì ban ngày cũng như đêm thường xuyên ra “thăm viếng” chúng tôi! Móng tay dài chúng tôi dùng răng cắn; còn râu tóc thì cứ việc mọc dài “vô tư”. Thỉnh thoảng cũng được trại cho người đến “thanh lý” các râu tóc. Ăn thì ăn bốc, muỗng nĩa cấm tiệt vì sợ đâm nhau hay tự tử.

 Tôi được giam vào phòng số ba. Trong phòng có mười lăm người, Có một người giam chung nằm cạnh với tôi. Anh ta khoe làm “chấp pháp ”, nói giọng Bắc. Anh ta nói bị tội tham nhũng… ở chung khoảng mươi bữa rồi chuyển đi đâu chẳng ai biết. Thời gian nhốt chung cứ mở miệng ra là nói toàn những lời “phản động”! Anh ta nói: “ Vũ khí các anh mạnh, tại sao không đánh thẳng ra bắc? Các anh đánh ra sớm chúng tôi không đến nỗi khổ sở - miền nam giàu có, chúng tôi có giải phóng gì cho các anh đâu?”. Chúng tôi cảnh giác nên im lặng là vàng.

 Giao thông hào chung quanh khu A, đều cắm chông nhọn . Ban đêm cho chạy điện, Trại bắt chúng tôi từng dãy tự canh gác cho nhau ngủ. Chính điều nầy vô hình trung làm cho chúng tôi cảm thấy là những “Người-tù- nguy-hiểm!”. Tính mạng bị uy hiếp! Hơn nữa cái chết của anh Nguyễn văn T ! Người tù đầu tiên của trại làm cho chúng tôi hoang mang, sợ hãi! “Nơi nào có áp bức, nơi đó có đấu tranh”! Anh Nguyễn văn T đã đấu tranh bằng đối thoại trong giờ học chính trị, cãi không lại nên Trại bắt giam anh T - đánh đập tra khảo, bỏ đói khác…hơn một tháng anh T chết! Sau đó đổ thừa là tại anh ấy tự tử. Nửa đêm âm thầm đem anh T chôn sau ấp Đòan Kết! Giết anh Nguyễn vănT, là sự “dằn mặt” chúng tôi - rằng đừng có mà chống đối vô ích! Trưởng Trại nói: “Các anh muốn chống cộng, khi nào được tha trở về nhà hãy chống”.

 Sau cái chết của anh T, anh em chúng tôi tuy trong lòng không ai dám nói ra, nhưng đều có ý nghĩ …trốn trại nếu có dịp. Trại cũng đoán biết nên tăng cường kiểm tra, thanh lọc, ban đêm xiềng một số “cải tạo viên” cho là “cứng đầu”! Và tưởng rằng sẽ đè bẹp được ý chí của chúng tôi. Rồi chuyện gì đến cũng sẽ đến. Sáng mồng bốn tết năm 1976, tiếng kẻng báo động vang lên từng hồi, khi chúng tôi tập họp điểm danh xong và ngồi xuống sân. Trưởng Trại nói: “Đêm hôm qua có năm người trốn trại. Nhưng tụi nó sẽ chạy không thoát. Chúng tôi đã thông báo cho địa phương và bắt tụi nó".

 Người chết thứ hai là anh Bùi thiện Th, anh là Xã đoàn trưởng xây dựng nông thôn, tỉnh đoàn Bà Rịa. Anh từng làm huấn luyện viên "vovinam" tại trung tâm chí linh Vũng Tàu. Anh có tài xem tướng số. Một hôm anh đang vẽ sơ đồ bát quái trong lòng bàn tay trước dãy nhà, ông Trưởng Trại từ sau đi tới, anh Th hoảng hồn - xóa! Ông Trưởng Trại nghi anh Th vẽ sơ đồ trốn trại vậy là bắt giam anh Th cho đến chết. Âm thầm chôn trong đêm ở trên đồi đá ấp Đoàn Kết. Anh Bùi thiện Đ - là em ruột cùng cải tạo chung hay tin anh ruột mình chết oan nhưng không dám khóc!

 -Người chết thứ ba là anh Nguyễn văn H, anh bị nhất trong “conex” nóng… khát khô mà chết! Lý do anh H phụ trách chăn nuôi heo ở nội khu. Trong tổ nuôi heo có cô "Ph..." xinh đẹp! Không rõ ai báo với trại là anh H có “quan hệ” thân mật với cô nầy. Vì lý do đó mà anh H bị kỷ luật và qua đời!

 -Người chết thứ bốn là anh Đỗ D! Anh chống đối và ngủ trong giờ học chính trị. Bị bắt biệt giam cho đến chết.

 -Người chết thứ năm là anh Điểu S. Không rõ lý do. Và…bao nhiêu nữa tôi không nhớ hết vì tôi đã được tha về.

 Đầu năm 1978, ban Chỉ Huy Trại cho bắt anh Đặng Tr - anh là đại úy biệt phái qua bộ giáo dục - anh là giáo sư dạy học. Với tội danh tổ chức cho tù trốn trại gồm có các anh: Nguyễn hữu G - La văn M - Mã văn H. Cũng may cho anh Đặng Tr - hai tháng sau anh có danh sách chuyển đi ra bắc! Không biết anh chết sống như thế nào?

 Bắt anh Năm H là: xã trưởng ở Long Điền Bà Rịa, anh lớn tuổi, anh em chúng tôi rất nễ trọng. Anh có công rất nhiều trong việc sản xuất khu B. Trại bắt anh Năm H với tội danh tổ chức trốn trại (?) cùng bắt với anh Năm H có các anh: " Trương vĩnh T - Huỳnh Đ -Trần anh D - Đỗ trọng Đ - Mai Hữu Th – Trương Long K và nhiều người khác...!

 Tiếp tục bắt nhóm: Anh Đỗ văn B – Trương phước X - Nguyễn văn Đ - Trần phước H - Đỗ minh G. Lý do: Tổ chức cướp súng của công an thả tù vào dịp lễ "30.4 và lễ lao động 1.5". Trường hơp anh Đỗ minh G, rất là thương tâm! Bị đánh đau qúa...! Anh không dám khai bậy cho các anh em khác trong trại. Nên anh liều khai cho vợ con của anh cũng có tham gia cướp súng công an giải thoát tù cải tạo... Trại tức tốc cho người về quê anh bắt vợ và bốn đứa con nhỏ của anh về giam ở công an huyện hơn một năm! Đa phần anh em biết thủ đoạn tàn độc của Ban Chỉ Huy Trại K4 là dựa theo bọn "ăng ten" báo cáo láo, để rồi dàn dựng lên cái cớ để bắt bớ…tra tấn, đánh đập để lập công, thăng chức! Bị đánh đau qúa nhiều anh em khai luôn cho công - an - quản - giáo - giúp- đỡ - trốn trại. Hoặc như trường hợp của anh Đỗ văn B. Anh khai là: Có ngủ với các bà vợ của những cán bộ trại…

 Anh Trương phước X được Trưởng Trại tin tưởng cho phép gặp phái đoàn " nhân đạo ” nào đó đến thăm. Anh không nói theo lời dặn của Trại. Mà anh thật tình trình bày với phái đoàn về các vấn đề: “Ăn uống thiếu thốn; lao động quá cực khổ, quần áo không có đủ mặc, hạn chế thăm nuôi…”! Phái đoàn ra về và “thật thà” đưa thư trình bày nội dung lời nói của anh Trương phước X cho tỉnh. Thế là, anh bị trù dập…không cho vợ con anh thăm nuôi. May là anh thoát chết!

 Phía sau trại là ấp Đoàn Kết, đồi đá thoai thoải, đào xuống chừng ba tất là đụng đá bàn. Những người tù cải tạo bị tra tấn, giam cầm hoặc bị thương tích dẫn đến cái chết, đều được đem chôn ở đấy. Chôn vào ban đêm. Tuyệt đối không cho “cải tại viên” bén mảng ra khu vực “Nghĩa Trang Đặc Biệt” đó! Đào đụng đá chôn không kín xác chết thì gom đá chất thành đống - thành nấm mộ đá! Có những đêm nhìn ra khu đồi đầy cỏ tranh ấy mà nghĩ: Bao giờ đến phiên mình? Mỗi lần đi cắt cỏ ngang qua khu mộ. Mắt len lén và thầm nói: ” Mấy anh phù hộ chúng tôi bằng an, khi được về chúng tôi sẽ tìm cách báo cho thân nhân vợ con các anh đến cải táng!” (tôi được biết anh Nguyễn thiện T được gia đình bốc mộ, Vợ và con trai anh đã được định cư ở Hoa Kỳ theo danh sách “H.O” !).

 Ông Trưởng Trại lúc nào cũng nói: "Nhà nước tốn cơm nuôi cho chúng bay ăn để "học tập cải tạo". Nhà nước nuôi chúng tôi ư? Hay là chính chúng tôi - những người tù cải tạo "lao động là vinh quang" ! Làm ra lương thực cho nhà nước! Còn người tù cải tạo chúng tôi: Ốm đói, bệnh tật, như những bộ xương biết đi! Chỉ biết trông cậy vào sự thăm nuôi hằng tháng của gia đình. Người đời ai cũng lao động làm của cải để nuôi bản thân và gia đình. Nhưng ở đây lao động như một ngọn roi quất thẳng vào người tù không án với những toan tính trả thù - “Cho ăn đói - phải làm cho đến kiệt sức”! Và, những người buông súng đầu hàng - họ đã kiệt sức! Không được người anh em “Chiến thắng!” bố thí cho một chút tình nghĩa! “Tụi chúng nó ta bắt đi bỏ cải tạo. Nhà cửa của chúng nó ta tịch thu. Vợ của chúng nó ta lấy. Con của chúng nó ta sai khiến”! Thật thê thảm!



 NÓI LÊN NỖI LÒNG!

 Trong suốt thời gian bảy năm cải tạo, hầu như tôi lao động qua nhiều “nghề” nhưng khi về đến nhà tôi chẳng có nghề nào khả dĩ có thể làm ra tiền để nuôi sống gia đình và bản thân! Cuối cùng thì cũng đành: “Bứt râu thằng cha nọ cắm cằm mụ kia”, đắp đổi qua ngày tháng.

 Nhằm khi ở đời, hễ gieo gió thì gặt bão! Bàn tay của Ông Trưởng trại K4 đã thấm máu, mồ hôi của người tù “cải tạo” và hàng chục mạng người tù chết tức tưởi, oán hờn! Bao năm trời đọa đày đói khác, rách rưới...! Lúc lìa đời không thấy mặt vợ con, cha mẹ, anh em! Trong cái gọi là: “Học -Tập- Cải -Tạo”! Một manh chiếu rách quấn xác người tù không có án, vội vã khiên ra gò hoang lúc nửa đêm với mấy cây súng hằm hè…, như sợ linh hồn người tù sống dậy vặn cổ để trả thù bởi vì chết tức tưởi...! Còn người sống thì sao? Ngày đi tướng tá phương phi. Ngày về mang thương tích đầy mình, bởi không “cải tạo, tẩy não” được họ. Cũng không thể giết hết được họ - dù đã giết! Nên thẳng tay trả thù bằng cách chà đạp “Nhân Phẩm & Danh Dự” của họ và gia đình thân nhân của họ. Không có luật lệ gì ở đây - cho dù luật tù binh cũng không có!

 Ngày "Mười V" ông thầy và là chỗ dựa của ông Trưởng Trại K4 - bị treo cổ! Ông và đám đệ tử của ông tan hàng về làm dân! ÔngTrưởng Trại đâu có ngờ rằng: Cái ngày trở về làm người dân thường đến với ông qúa nhanh! Những đứa con gái của ông bị nạn bất ngờ chết cháy. Căn nhà gỗ - ông bắt anh em “cải tạo” chúng tôi làm cho ông toàn những loại gỗ quý từ trong xưởng cưa Trại đem ra. Ông cũng thừa biết đó là của “Nhà nước”. Nhưng là do anh chị em cải tạo chúng tôi trực tiếp làm ra, cũng như các loại cây trái chúng tôi trồng thành khoảnh trong vườn cho ông thụ hưởng. Giờ thì nó cũng vẫn còn theo ông hay quay trở về “nguyên quán” của nó!

 Ông Trưởng Trại đâu có còn nhớ khi xưa đã từng ép số chị em trẻ mang tội “vượt biên là phản quốc!” ra khu nhà nổi khách sạn - khu B – “đày đọa” họ! Cũng như những oan hồn anh em cải tạo chết tức tưởi dưới bàn tay của ông. Cũng như hàng chục người cải tạo mang trong người đầy những thương tích theo họ suốt cuộc đời nầy trong đó có tôi!

 Tôi hoàn toàn không tin chuyện “Đời cha ăn mặn, đời con khác nước” hay “định mệnh”. Nhưng, thảm cảnh xãy ra đối với gia đình của Ông Trưởng Trại! Trong lòng tôi vô cùng thương cảm và đau xót! Bởi vì hơn bao giờ hết, tôi là một con người - cho nên tôi biết đau cái đau của một con người và đồng loại. Và tôi đã đau bảy năm nay rồi kia mà! Đã mất đi thời tuổi trẻ chẳng những đối với tôi, mà còn dây dưa đến đời con, đời cháu của chúng tôi!

 Tôi nghĩ: Tại nạn đến với gia đình ông Trưởng Trại là: Tai nạn thường tình, hơn là sự "trả giá" như mọi người thường hay liên tưởng đâu đâu… Nhưng một số người dân cả cái huyện LK - XL cũng như hơn hai ngàn người “cải tạo” thì ai cũng nói đó là sự... "qủa báo nhãn tiền!". Bởi vì họ qúa uất ức! Mất đất, mất nhà, vợ con khổ cực! Cuối cùng họ cũng bị vào tù!

 Ngày còn sống trên "đỉnh vinh quang của quyền lực, tiền bạc phủ phê. Có một nhà báo viết một bài báo ca ngợi: "Ổng Trưởng trại K4 có nhiều công trạng - đã biến một vùng đất đá ong trên trăm mẫu đất thành một khu "giải trí cao cấp"! Đã dày công "cải tạo" hàng ngàn quân, cán, chính VNCH lao động làm ra rất nhiều của cải cho Nhà nước và những công trình để đời cho "cách mạng"! Và, đã được trung ương nhiều lần khen thưởng! Tấm lòng nhân ái “đạo đức cách mạng” của ông đã cải hóa những người Nguy Quân, Ngụy quyền lầm đường lạc lối! Trở thành những công dân tốt cho xã hội mới…”.

 Tôi đã đọc bài báo đó. Suy cho cùng, Ông Trưởng Trại K4 là một cán bộ nằm vùng chữ nghĩa tuy không bao nhiêu. Nhưng so với những người cùng thời thì ông vượt trội hơn hẳn về thủ đoạn trong việc leo lên nắm lấy quyền lực và tạo vây cánh. Chúng tôi cũng công nhận ông ta có đầu óc kinh doanh, có tầm nhìn kinh tế. Ông ta sắp xếp các ngành nghề và nắm bắt cơ hội thị trường giá cả, từ đó bắt những người tù nai lưng làm ra những của cải đồng thời tận dụng tối đa tiền bạc, lương thực của thân nhân người tù qua cánh cửa “thăm nuôi!”. Ngày trước VNCH chúng tôi gọi là: Tiếp tế. Ngày tôi đi "học tập cải tạo" tôi vừa tròn hai mươi lăm tuổi, chưa lập gia đình. Sau bảy năm lao động khổ sai ở trong nhà tù nhỏ! Tôi được tha về sống trong xã hội mới mang lý lịch “NGỤY - VIỆT GIAN” suốt đời!

 Bây giờ, thời gian cũng đã đi trôi qua - ba mươi bảy năm rồi còn gì! Nhưng dư âm những việc các ông làm vẫn còn đọng lại trên gia đình mỗi người “tù cải tạo” chúng tôi không bao giờ kể cho hết được. Nhưng cá nhân tôi và gia đình không bao giờ có ý nghĩ thù hằn hay căm giận gì các ông, tôi nghĩ các anh chị em khác cũng có thể cùng ý nghĩ như tôi thôi! Hơn nữa một số trong các ông đã chết hoặc không còn quyền lực. Không lẽ chúng tôi tìm đến mộ hay đến nhà các ông mà đào bới - chửi rủa hay sao? Chúng tôi là người lính tuy ngã ngựa đầu hàng nhưng quyết không bao giờ làm những chuyện của kẻ hèn, kẻ tiểu nhân thù vặt, hạ cấp. Trái với lương tâm, đạo đức của dân tộc Việt Nam. Chúng tôi - người chiến sĩ VNCH rất tôn trọng “DANH DỰ - TRÁCH NHIỆM” trong bất cứ hoàn cảnh nào.

 Tôi xin cảm ơn Mẹ và các em tôi đã tảo tần, nhịn ăn để “thăm nuôi” an ủi tôi trong suốt bảy năm trong ngục tù! Tôi xin cảm ơn người phụ nữ chưa một lần thấy mặt. Đã ném qua hàng rào kẽm gai cho tôi một đòn bánh tét vào sáng mồng ba tết năm 1976! Thời gian nầy chưa được phép gặp gia đình. Khi tôi đang tưới rau cạnh hàng rào. Đón tết trong lao tù lần đầu bằng đòn bánh tét mang hơi hướm miền Trung, trong lòng tôi càng đau xót hơn - tôi cũng sinh ra từ vùng quê đó! Đòn bánh tét đó không phải của người thân của tôi - của một người phụ nữ chưa một lần thấy mặt vì cảm cảnh cho số phận tù đày của chúng tôi. Món nợ tình cảm thân thương nầy suốt đời tôi làm sao có thể quên trong những lúc xuân về!

 Tôi xin cảm ơn người bạn gái Phạm thị M - lặn lội từ Sài gòn xuống thăm và cho tôi 20 viên thuốc trị đau bao tử! Nếu không có những viên thuốc nầy không biết chuyện gì xãy đến cho tính mạng của tôi. Ngoài những viên thuốc ra còn lại là những xót xa nặng trĩu trên đôi mắt tưởng chừng như có thể xé nát chiếc áo tù trên thân thể tôi. Phải chi được phép khóc thì nơi đây đã là một dòng suối!

 Tôi xin cảm ơn anh công an quản giáo có một giây phút “mềm lòng” nào đó! Đã làm ngơ trong lúc dẫn chúng tôi đi cắt cỏ, đi rừng. Để cho chúng tôi được có chút thời gian nghỉ - đi hái rau rừng về "cải thiện" bữa ăn! Cũng như làm ngơ cho chúng tôi nhận chút thức ăn từ những người dân còn thương hại chúng tôi! Cũng như làm ngơ cho tôi nhận thức ăn và những bi đông rượu từ người dân cho tôi trong những ngày ở khu C - làm lúa tại Xuân Phú.

 Tôi cũng không bao giờ quên những anh em "cải tạo viên" không may nằm xuống vĩnh viễn trong trại! Cầu xin Thượng Đế cho linh hồn các anh được thanh thản nơi miềm cực lạc! Mong linh hồn các anh về mách bảo thân nhân vợ con tìm ra mộ các anh mà đem về hương khói!

 Một chuyến đi tưởng chỉ có hai mươi ngày theo như thông báo của chính quyền cách mạng. Thế mà trở thành “một chuyện đi thật dài” đối với tôi, với Mẹ tôi và những đứa em của tôi. Phải chịu đựng nhiều năm để nuôi tôi thành người ” tốt ” trong xã hội mới “xã hội chủ nghĩa!”. Tôi như một anh chàng sinh viên sau bảy năm đã tốt nghiệp đại học. Đại học K4, không biết học ngành gì? Môn gì? Nay đã ra trường với mảnh bằng “giấy ra trại” loại ưu! Được trả quyền công dân tại chỗ!

 Đã qua ba mươi mấy năm. Chiến tranh đã nguội lạnh, những lô cốt, chiến hào cũng đã san bằng, thay vào đó là những vườn tượt xanh màu cây trái. Những con người trong cuộc cũng theo giòng thời gian gậm nhấm xác thân. Nhưng sao nhìn mặt nhau, nắm tay nhau mà vẫn chưa thấy bằng lòng. Sự ngăn cách vô hình cứ đeo đẳng không dừng. Người sống đã vậy còn người chết không mồ, không mả - ai là người tìm kiếm; cho dù có mồ, có mả cũng lạnh lẻo khói nhang! Buồn thay!

 Viết lại những giòng nầy không có nghĩa là hận thù hay nuối tiếc gì. Bởi lịch sử có bao giờ quay lại đâu. Nhưng viết ra để cho lớp lớp những thế hệ con cháu mai sau biết đường mà đi. Biết đường mà tránh những bi kịch tang thương không đáng có đối với một dân tộc có một lịch sử vẻ vang, anh hùng. Lịch sử dân tộc Việt Nam không thiếu những tấm lòng nhân ái đối với những người bại trận, đầu hàng. Như vua Lê Lợi tha cho quân thù, và cấp lương thực ngựa cho về nước. Họ là người ngoại bang còn tha thứ được, còn thể hiện tấm lòng của người quân tử. Còn người cùng một nguồn cội thì sao?

 Rất tiếc ngày 30.4. 1975 - người “chiến thắng”! Lại không có một: Tinh thần mã thượng, nhân ái, đang tâm vùi dập người ngã ngựa đầu hàng chính là anh em ruột thịt cùng cha mẹ sinh ra! Phải chăng chủ thuyết tự thân đã là như vậy! Và hằng năm diễu hành, tung hô mừng ngày anh em ruột đánh nhau là chiến thắng “Thần Thánh” của toàn dân tộc Việt Nam!

 Ngày nay, trại K4 vẫn còn, và vẫn còn mãi. Bởi không ai có thể xoá hết những công trình đồ sộ đó! Mặc dù khu A , nội khu đã đập bỏ "cái cổng đá và bức trường thành bằng đá ong ở mặt tiền”. Thay vào đó là cho xây những dãy phố một trệt một lầu hoặc hai lầu liên kế nhau trông rất đẹp mắt!

 Khu B, gồm cả khu vườn thống tướng Lê văn T đã chuyển sang "kinh doanh du lịch - nhà hàng khách sạn - thể thao bơi lội…!". Bên ngoài mặt tiền đường Quốc lộ 1. Xây một cái cổng lớn bên bảng đề hàng chữ: “Khu Du Lich Hòa Bình”!

Trang Y Hạ

Theo Blog Trang Y Hạ

Xin cảm ơn tất cả anh chị em K4 gom góp cho tài liệu để viết bài nầy!

Cũng xin cúi đầu tưởng nhớ đến những anh chị em không may đã chết trong các trại “học tập trại tạo” với bất cứ lý do gì.

Xin cảm ơn những người thân một thời “thăm nuôi” chúng tôi, và khổ cực cũng không khác gì đi “học tập cải tạo”!

Thời gian trôi qua gần 40 năm rồi còn gì. Vết thương cũng đã lành, nhưng vẫn còn đau nhức khi trái gió trở trời…!!
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn