BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73233)
(Xem: 62213)
(Xem: 39392)
(Xem: 31148)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Sự thật về tung hô tôn sùng lãnh tụ

21 Tháng Chín 200712:00 SA(Xem: 1236)
Sự thật về tung hô tôn sùng lãnh tụ
51Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
51


Những chân dung Hồ Chí Minh luôn sạch bụi, trang trọng nằm giữa bàn thờ tổ tiên trong nhiều gia đình truyền thống Việt Nam từ nông thôn đến thành thị là một thực tế không thể chối cãi. Hơn thế nữa, Hồ Chí Minh là cá nhân Việt Nam rõ nét nhất của thế kỉ hai mươi có ảnh được đặt vào ngôi đền anh hùng dân tộc cùng các tên tuổi chống ngoại xâm thành công suốt chiều dài lịch sử như Ngô Quyền, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung… Đó là chủ tố quan trọng đắp đổi thêm cùng huyền thoại, chính thống hóa quyền lực lúc sinh thời của ông và dọn cho ông một chỗ đứng trong kí ức dân tộc sau khi ông qua đời.

 
Dù kẻ muốn người không, Hồ Chí Minh vẫn là một nhân vật không thể thiếu trong các tài liệu lịch sử Việt Nam. Việc góp phần tự tạo dựng huyền thoại về mình của Hồ Chí Minh càng chứng tỏ ông rất am tường quá khứ dân tộc, cũng như con người và xã hội Việt Nam trong thế kỉ hai mươi. Điểm hơn người của ông ở đấy, và muốn luận được mất của ông chuẩn xác nhất cũng phải bắt đầu từ đấy. 

 

 

 

 

 




Đoạn kết bài viết “Chuỗi luận lịch sử trong huyền thoại Hồ Chí Minh” này của tác giả Trương Thái Du đã ít nhiều cảnh báo chúng ta về một thực tế khách quan trong mối quan hệ tình cảm “ngộ nhận” của nhiều gia đình truyền thống Việt Nam từ nông thôn đến thành thị đối với ông Hồ. 

Cần kiềm chế mọi dị ứng quá đà, mọi định kiến không mấy khách quan cũng như những miệt thị vung vít nặng tính thóa mạ để thỏa mãn cảm tính nhất thời không cần thiết khi có những tranh cãi về nhân vật lịch sử chỉ “một không hai” này, nhất là đối với những ai biết tôn trọng sự thật và muốn nói lên sự thật. Lại càng cần thiết cho những ai có tâm thức với quê hương cho dù ở hải ngoại hay quốc nội đang miệt mài đóng góp tâm sức trong công cuộc vận động dư luận quần chúng đấu tranh cho một tiến tình dân chủ hoá đất nước với một nền kinh tế thị trường ổn định, phát triển, công bằng, bền vững và lành mạnh. 

Loại trừ, hóa giải những ngộ nhận đáng tiếc của đa số quần chúng trong nước phải là một bắt buộc. Muốn vấn đề nhạy cảm này đạt được kết quả chúng ta cần kiên trì từng bước tháo gở những xảo trá chằng chịt, vạch trần những bịp bợm tung hứng, những thật giả đan xen nhau về mọi mặt của đảng cầm quyền CSVN trong mưu đồ tôn vinh xưng tụng ông Hồ trước công luận trong cũng như ngoài nước. 




- Bằng những lý luận, những phân tích có hệ thống, ôn tồn, nhẹ nhàng, hòa nhã, giải thích vấn đề hợp lý, có dẫn chứng, đáng tin cậy và có sức thuyết phục với tinh thần tôn trọng sự thật lịch sử. 

- Tế nhị nắm bắt tâm lý sinh họat đơn giản, thực tế của đại đa số quần chúng ngõ hầu tranh thủ nhân tâm mà đánh đổ từng mảng tư tưởng cũng như thần tượng “hữu danh vô thực” mà chủ nghĩa độc tài toàn trị này tung hê để bám vào với mục đích sống còn. 




Ở phần 1 của bài viết “Từ Trong Cõi đến Chuyện Ở Sân Sau” đã minh chứng đầy đủ cái gốc họ Hồ của ông Hồ mà bấy lâu nay đảng CSVN cứ khăng khăng bưng bít. Với phần 1 này, mục đích của người viết chỉ cần có vậy, việc nói tốt hay nói không tốt về ông Hồ bởi những phần dẫn chứng mà người viết đã trích dẫn từ những nguồn khác nhau cũng không ngoài tham vọng làm giàu thêm sức thuyết phục của bài viết. Có điều người viết luôn tâm niệm là tôn trọng tính khách quan và sự thật để chia sẻ cùng độc giả phải là một bắt buộc. 

Tung hô tôn sùng lãnh tụ 

Hoan hô ông Tạ Đình Đề
Trước làm gián điệp sau về với ta
Hoan hô anh Lê Quảng Ba
Trước là thổ phỉ sau ra hàng mình
 

Đây là 4 câu thơ dân gian được trích từ bài thơ châm biếm truyền miệng thuộc dạng Bút Tre, 

Hoan hô ông Tạ Đình Đề 
Trước làm gián điệp sau về với ta
Hoan hô anh Lê Quảng Ba
Trước là thổ phỉ sau ra hàng mình
Hoan hô đồng chí Trường Chinh
Trước thân Trung Quốc sau hình như không
Hoan hô bác Phạm Văn Đồng
Lâu năm thủ tướng nhưng không làm gì
Việt Nam ta nhỏ tí ti
So với thế giới cái gì cũng hơn.
 

Ở hai câu đầu của bài thơ châm biếm trên có đề cập đến nhân vật Tạ Đình Đề, ông này định ám sát ông Hồ, nhưng đã không thực hiện được ý định. 



Là người quyền biến tài trí ông Hồ chẳng những đã không bị ám sát mà ngược lại đã thu phục được nhân tâm Tạ Đình Đề. Chuyện truyền miệng trong dân gian như sau: Ông Tạ Đình Đề được địch giao nhiệm vụ phải ám sát Bác. Để thực hiện âm mưu đen tối này, Tạ Đình Đề đã lẻn vào phòng bác ngủ và rình núp trên trần nhà, chờ đêm tối Bác vào là ra tay. Nhưng Tạ Đình Đề đã phải ngỡ ngàng vì Bác là người tài trí, mọi sự Bác đều có linh cảm trước nên vừa bước chân vào phòng ngủ Bác đã hỏi ngay “Chú Đề, chú làm gì mà trốn trên ấy, có xuống không thì bảo?”. Tạ Đình Đề xanh mặt vội xuống mà qui phục Bác. 

Người viết nắm bắt được câu chuyện vỏn vẹn chỉ có vậy và vì muốn tìm hiểu thêm về nhân vật Tạ Đình Đề này để bổ sung cho phần “tung hô tôn sùng lãnh tụ”, người viết đã cầu cứu đến tác giả ”Đêm Giữa Ban Ngày”, anh Vũ Thư Hiên và đã được anh Vũ Thư Hiên hoan hỉ thỏa mãn ngay, chẳng những qua email mà còn gọi điện thoại trực tiếp đến người viết. Cảm ơn anh Vũ Thư Hiên nhiều, tiện đây người viết cũng đính kèm email trao đổi giữa người viết với tác giả ”Đêm Giữa Ban Ngày”, xem như một kỷ niệm “đấu tranh” và cũng chắc rằng người viết nào đang lúc viết mà ít nhiều không gặp phải những khó khăn này, cũng mong độc giả thông cảm. 



Subject: Nhờ anh Vũ Thư Hiên giải thích hộ

 
Anh Vũ Thư Hiên thân mến,

SôngLô đang viết dở dang một bài về ông Hồ, viết đến phần “tôn sùng lãnh tụ“ trong đó có một đoạn liên quan đến ông Tạ Đình Đề cũng như ông Lê Quảng Ba thì lơ tơ mơ, không nắm rõ cho lắm về cuộc đời của hai nhân vật này. Nếu được mong anh giải thích cặn kẽ công việc làm, chức vụ cũng như nội dung câu chuyện về 2 nhân vật này giúp SôngLô anh nhé. Cảm ơn anh trước.

SôngLô 

TB. Trong dân gian có thơ như sau:
Hoan hô ông Tạ Đình Đề
Trước làm gián điệp sau về với ta
Hoan hô anh Lê Quảng Ba
Trước là thổ phỉ sau ra hàng mình 

 

 




Email trả lời của tác giả “Đêm Giữa Ban Ngày”


Chào Sông Lô,

Nhân vật Tạ Đình Đề có thật, không phải là huyền thoại. Nhưng có nhiều chuyện thêu dệt về nhân vật này. Trước hết là huyền thoại về tài bắn súng (ngoài trăm bước bắn trúng ngọn nến“ là không có. Tạ Đình Đề bắn súng lục cũng như các loại súng khác không tồi cũng không xuất sắc, Đối với tôi, anh là bạn vong niên. Hơn tôi cả chục tuổi nhưng Tạ Đình Đề chơi với tôi như bạn chứ không như đàn anh. Sau khi tôi ra tù (năm 1976) chúng tôi còn nhiều lần chè chén với nhau. Anh Đề là một người ít học, tính tình hào sảng, khí phách ngang tàng (loại người “giữa đường thấy sự bất bình mà tha?“), có tinh thần đồng đội cao, trung thành với bằng hữu. Thời kỳ trước 1945, anh Đề có qua Trung Quốc rồi được Quốc dân đảng Trung Hoa đào tạo nghề tình báo (đúng hơn là nghề trinh sát) sau đó phụ trách đội biệt động thành Hà Nội trong thời gian kháng chiến chống Pháp. Vì lối sống không chịu luồn cúi, TĐĐ không được lòng “bề trên“. Người ta đưa anh ra khỏi lực lượng vũ trang, cho làm cán bộ ở Tồng cục Đường sắt. Ở đây TĐĐ được cử làm giám đốc một xưởng sản xuất vợt bóng bàn (ping-pong) bằng cao su. Rồi anh bị vu cáo và bị đưa ra toà trong một vụ án nổi tiếng gọi là vụ Tạ Đình Đề. Quần chúng vây quanh toà án để theo dõi và biểu thị sự ủng hộ anh. Anh được trắng án, nhưng không được tiếp tục làm giám đốc, mà ngồi chơi xơi nước cho đến tuổi về hưu. Tôi có nhiều kỷ niệm với anh ấy.

Về Lê Quảng Ba thì tôi không biết. Chuyện trước kia LQB là thổ phỉ, Lê Trọng Tấn là lính khố đỏ…, sau theo cách mạng, ai cũng biết cả, nhưng tôi không rõ Lê Quảng Ba làm thổ phỉ ở vùng nào – khu vực rừng núi Quảng Yên, Hòn Gai hay Cao Bằng, Lạng Sơn. Đáng tiếc là ở ngoài này cũng chẳng ai biết về Lê Quảng Ba. Không biết ở trong nước có cuốn hồi ký nào về cuộc đời Lê Quảng Ba không? Ông này ở trong số các tướng ít học, không dính vào các “vấn đề“, sống an toàn cho đến khi chìm vào quên lãng. 

Thân
Vũ Thư Hiên
 



Ngoài ra anh Vũ Thư Hiên còn nhiệt tình bổ túc thêm và đề nghị trao đổi bằng điện thoại:

“Chuyện Tạ Đình Đề ám sát ông HCM là chuyện bịa đặt hoàn toàn, do ngành tuyên truyền tạo ra. Một số huyền thoại, thí dụ tài bắn súng là do anh em biệt động đội thêu dệt để tăng uy tín cho đội công tác thành Hà Nội.
Thân,
Vũ Thư Hiên


TB. Còn thức không? cho số điện thoại, mình sẽ gọi lại nói chuyện với SôngLô. Già rồi, viết chậm và lười nữa. 

Cùng trong mục đích thần tượng hóa ông Hồ, ngoài những câu chuyện đại loại như trên đã nêu, trong dân gian còn biết bao nhiêu câu chuyện nói tốt về “Bác“ đựợc truyền miệng: 




- Rằng, Bác là người yêu nước thương dân nên không màn đến hạnh phúc riêng tư, sống đời độc thân để dễ dàng phục vụ cho dân cho nước. 

- Rằng, Bác vẫn thường nói, bác có hai cái xấu là hút thuốc và không lấy vợ (cần chú ý ở 2 điểm này, ngay cách hút hai loại thuốc cũng là một trò mỵ dân và không lấy vợ cũng vậy) 

- Rằng, Bác là tiêu biểu cho đạo đức, cho trí tuệ, cho lương tâm của loài người 

- Rằng, Bác là người không bao giờ sai 

- Rằng, Bác nói đựợc nhiều thứ tiếng mà nói sõi ít nhất là 7 thứ tiếng. 

- Rằng, Bác là nhân vật có tầm vóc quốc tế, ai cũng kính trọng và nể phục v.v...& v.v... 




Xem như tất tần tật bác là số một (I) La Mã. Tinh vi hơn, việc tôn sùng lãnh tụ còn được biệt phái sang lãnh vực thi ca và trao cho thi ca phải xuất sắc làm tròn cái thiên chức được giao phó này. Bài thơ “Đêm Nay Bác Không Ngủ” sau đây là một điển hình. 
Anh đội viên thức dậy
Thấy trời khuya lắm rồi
Mà sao Bác vẫn ngồi
Đêm nay Bác không ngủ

 Lặng yên như bếp lửa
Vẻ mặt Bác trầm ngâm
Ngoài trời mưa lâm râm
Mái lều gianh xơ xác Anh đội viên nhìn Bác
Càng nhìn lại càng thương
Người cha mái tóc bạc
Đốt lửa cho anh nằm 


Rồi Bác đi đắp chăn
Từng người, từng người một
Sợ cháu mình giật thột
Bác nhón chân nhẹ nhàng 


Anh đội viên mơ màng
Như nằm trong giấc mộng
Bóng Bác cao lồng lộng
Ấm hơn ngọn lửa hồng 


Thổn thức cả nỗi lòng
Thầm thì anh hỏi nhỏ
-Bác ơi Bác chưa ngủ
Bác có lạnh lắm không? 


-Chú cứ việc ngủ ngon
Ngày mai đi đánh giặc...
Vâng lời anh nhắm mắt
Nhưng bụng vẫn bồn chồn 


Không biết nói gì hơn
Anh nằm lo Bác ốm
Lòng anh cứ bề bộn
Vì Bác vẫn thức hòai 


Chiến dịch hãy còn dài
Rừng lắm dốc lắm u
Đêm nay Bác không ngủ
Lấy sức đâu mà đi 


...Lần thứ ba thức dậy
Anh hốt hoảng giật mình
Bác vẫn ngồi đinh ninh
Chòm râu im phăng phắc 


Anh vội vàng nằng nặc
-Mời Bác ngủ bác ơi
Trời sắp sáng mất rồi
Bác ơi, mời bác ngủ. 


-Chú cứ việc ngủ ngon
Ngày mai đi đánh giặc
Bác thức thì mặc Bác
Bác ngủ không an lòng 


Bác thương đoàn dân công
Đêm nay ngủ ngòai rừng
Rải lá cây làm chiếu
Manh áo phủ làm chăn. 


Trời thì mưa lăn thăn
Làm sao cho khỏi ướt
Càng thương càng nóng ruột
Mong trời sáng mau mau 


Anh dội viên nhìn Bác
Bác nhìn ngọn lửa hồng
Lòng vui sướng mênh mông
Anh thức luôn cùng Bác 


Đêm nay Bác ngồi đó
Đêm nay Bác không ngủ
Vì một lẽ thường tình
Bác là Hồ Chí Minh




Thoạt đầu mới nghe, bài thơ gây được cảm giác xúc động bởi những từ ngữ mộc mạc dân dã có tính toán cùng nội dung câu chuyện cũng không mấy khó khăn nếu gieo vào lòng người bình dân dễ tính. Nhưng nếu tinh tế phân tích tính hợp lý của nó người đọc sẽ không mấy ngạc nhiên khi bài thơ ca tụng Bác nổi tiếng một thời này chẳng những đã bị thiên hạ dèm pha, thậm chí còn bị châm biếm nhại lại theo kiểu Bút tre,
Anh đội viên thức dậy
Thấy ba lô mất rồi
Đôi dép râu ngược đời
Nằm trong ngoài mỗi chiếc

 Anh đội viên nhìn Bác
Bác nhìn ngọn lữa hồng
Mặt Bác lạnh như đồng
Làm sao không nghi được 


Hay 
Đêm qua Bác không ngủ
Sáng nay bác ngủ bù v.v...

 Vì bài thơ không thật ngay từ những câu đầu,

Người cha mái tóc bạc
Đốt lửa cho anh nằm
Rồi Bác đi đắp chăn
Từng người, từng người một
Sợ cháu mình giật thột
Bác nhón chân nhẹ nhàng 


Và chính những cái không thật của những câu đầu trên của bài thơ đã kéo theo hàng loạt cái không thật của những câu sau mà chỉ tổ phơi bày cái nhược điểm của nó là tâng bốc quá lộ liễu. Nó chẳng khác nào bài thơ “Đời đời nhớ ông” của Tố Hữu được sáng tác sau đó vài năm khóc thương Stalin khi ông này qua đời, 
Yêu biết mấy nghe con tập nói
Tiếng đầu lòng con gọi Stalin

 Thương cha, thương mẹ, thương chồng
Thương mình thương một, thương ông thương mười 


Chắc rằng mấy ông quan văn nghệ hậu duệ của Tố Hữu đã cảm nhận được điều này nên hai bài thơ trên đã ít khi được nhắc đến, còn nếu có, thì chỉ trong giới văn thơ, nghệ sĩ với không ngoài dụng ý là châm chích để cùng được cười vui với nhau.

Cũng cùng một thái độ, ngay sau khi ông Hồ mất Tố Hữu vội sáng tác bài thơ khóc ông Hồ, 
Bác ơi
Tố Hữu
(06/09/1969)

 Ôi, phải chi lòng được thảnh thơi
Nǎm canh bớt nặng nỗi thương đời
Bác ơi, tim Bác mênh mông thế
Ôm cả non sông, mọi kiếp người

Bác chẳng buồn đâu, Bác chỉ đau
Nỗi đau dân nước, nỗi nǎm châu
Chỉ lo muôn mối như lòng mẹ
Cho hôm nay và cho mai sau... 


Cũng vậy, sau đây là những trích đoạn trong hàng loạt các bài thơ ca tụng ông Hồ được xếp vào danh sách những bài thơ hay, viết về Bác. Mời độc giả cùng bước vào thế giới của cảm xúc với muôn hồng nghìn tía mà cũng đầy ảo tưởng. 
Gửi lòng con đến cùng Cha
Thu Bồn
(tháng 9-1969)

Hàng cây Bác đã xanh rì
Bóng râm tỏa mát đường đi loài người
Bác gieo giống bốn phương trời
Một ngòi bút cũng sáng ngời lưỡi lê
Bác nằm lòng trải ven đê
Quả tim khuya sớm đi về miền Nam

 … 

Quê Bác
Nguyễn Trọng Oánh
(1959)

Tôi như chim nhỏ giữa rừng
Bác như nắng đẹp sưởi hồng ban mai
Lời đâu mà nói hết lời
Mái tranh còn mãi dấu Người thân yêu
Ra về bãi mía nhìn theo
Thuyền ai lên Rộ nước triều dâng dâng
Đất vui đất có anh hùng
Ta vui ta sống giữa lòng quê hương.
… 


Giếng nước Bác Hồ
Phan Thị Thanh Nhàn
(Quảng An, 9-1969)

Cả làng đau mắt xưa nay
Bác về, như có bàn tay diệu kỳ
Tình thương lòng Bác chở che
Giếng sâu trong vắt bốn bề khơi lên 


Bác cho con gái mắt huyền
Cụ già mắt sáng trẻ em mắt tròn
Tin đâu sét đánh làng con
Bác không còn? Bác không còn! Bác ơi!
… 


Những trích đoạn trên trong những bài thơ được gọi là những bài thơ hay viết về Bác đã được sáng tác bằng lý lẽ của những trái tim nóng bỏng, bằng xúc cảm của những tấm lòng thành, điều này không một khả năng phủ nhận nào có thể thuyết phục tuy biết tỏng tòng tong rằng thực chất tác giả của những bài thơ này chỉ là nạn nhân của một trò bịp tinh vi.

Đã vậy, các bậc thi bá đắc thời, những cây đa cây đề vang bóng của thi ca đang là những ông quan văn nghệ đương đại cũng tranh nhau uốn cong ngòi bút với những thi tập tung hê lãnh tụ được tung ra như là một chuẩn mực cho đám hậu duệ noi theo, nào là: “Sáng tháng năm” (Tố Hữu). “Khóc trước lăng người” (Chế lan Viên), “Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người” (Thơ - Nhiều tác giả) v.v... 

Chẳng riêng ở lãnh vực thi ca, ở lãnh vực âm nhạc cũng không chịu nhường một tấc đất nào cho công cuộc xưng tụng ông Hồ dưới cây gậy chỉ huy tuyệt đối của ban Văn hóa Tư tưởng Trung ương. Những nhạc phẩm như: 


- Bác đang cùng chúng cháu hành quân “Đêm nay trên đường hành quân ra mặt trận. Trùng trùng đoàn quân tiến bước theo con đường của bác, nở ngàn hoa chiến công ta dâng lên người...”
-Hồ Chí Minh đẹp nhất tên người
-Ai yêu Bác Hồ Chí Minh như chúng em nhi đồng
-Bác Hồ - Người cho em tất cả (Tập nhạc - nhiều tác giả) v.v... & v.v...



Đã một thời không ai là không thuộc, cho dù không muốn thuộc cũng phải thuộc vì nó cứ ra rả bên tai hàng giờ, hàng ngày. 

Trong văn học cũng vậy, cuốn Hồ Chí Minh toàn tập, Bác Hồ (Hồi ký Nhiều tác giả), Ca ngợi Hồ Chí Minh (Hồi ký Nhiều tác giả), Chúng ta có Bác Hồ (tập I và tập II nhiều tác giả) cũng v.v...& v.v... thôi thì không biết bao nhiêu mà kể. Giả dụ như ông Hồ còn sống và để cho ông cầm bút viết lại tất cả những gì mà người ta tung hê ông, người viết chắc rằng sống với trăm tuổi và bắt đầu là từ 1 tuổi chưa hẳn ông chép được hoàn tất. 

Lại nữa, nhận định về thơ “Nhật ký trong tù” của ông Hồ, sách giáo khoa của nhà nước CHXHCNVN viết:
Thơ “Nhật ký trong tù“ có bài hồn hậu như thơ dân gian, lại cũng có bài trang trọng, bát ngát như thơ Đường, thơ Tống. Giữ cốt cách Á Đông mà thơ vẫn rất hiện đại. Giản dị, phong phú mà vẫn có phong cách riêng. “Nhật ký trong tù“ là một tập thơ có nghệ thuật đặc sắc.

 Sinh thời, Hồ Chủ Tịch chưa bao giờ tự nhận mình là một nhà văn, nhà thơ. Chưa bao giờ người nghĩ chuyện làm văn, làm thơ theo nghĩa thuần túy của những từ này. Khi được hỏi về tập thơ “Nhật ký trong tù“ của mình. Hồ Chủ Tịch đã nói:

"Các chú không nhắc, thì Bác cũng không nhớ nữa. Bác không phải là người hay thơ, mà thơ của Bác cũng không hay. Mười mấy tháng bị nhốt trong cái phòng u ám và quạnh hiu, một mình một bóng, không được nói chuyện với ai, không có việc gì làm. Muốn du lịch thì chỉ đi dọc chỉ năm bước, đi ngang chỉ bốn bước. Để tiêu khiển ngày giờ, chỉ có cách nghêu ngao vắn tắt ghi lại sinh họat của người tù cho khuây khỏa thế thôi, phải thơ phú gì đâu.” 

Đối với Bác thì chỉ như vậy, còn với chúng ta “Ngục trung nhật ký” không những là một văn kiện lịch sử vô giá mà còn là một tác phẩm văn học lớn, có tác dụng giáo dục sâu sắc phẩm chất, đạo đức cách mạng cho tất cả chúng ta ngày nay. 

Theo những nhà nhà nghiên cứu và phê bình văn học cuốn “Ngục trung nhật ký” còn gọi là “Nhật ký trong tù của ông Hồ có nhiều điểm nghi ngờ về thi phong cũng như bút pháp để đưa đến kết luận ở một khả năng tác giả tập thơ ấy là của một người khác, cũng hoạt động chính trị bị sa cơ ở cùng tù với ông. Trước khi mất, muốn gửi gắm lại tâm sự của mình nên đã nhờ ông cất giữ. 

Theo lời của học giả Lê Hữu Mục, tiến sĩ Văn chương, nguyên giáo sư Đại học Văn khoa và Sư phạm Sài Gòn, nhà biên khảo, nhà phê bình văn học, nhà nghiên cứu triết học và tôn giáo có thuật lại: 


“Ngay giáo sư Đặng Thái Mai, bố vợ Võ Nguyên Giáp cũng thắc mắc về soạn niên cuốn nhật ký. Ông là nhà giáo nổi tiếng, một học giả, lúc đó đang nhận nhiệm vụ hiệu đính lại cuốn thơ. Ông đặt câu hỏi thẳng với Hồ Chí Minh; Hỏi ai dám đề năm tháng kỳ quặc là năm 1932-1933, đây là tác phẩm của lãnh tụ cao nhất nước? Hồ Chí Minh không trả lời. Sau này bí thế quá, Viện Văn Học trả lời vắn tắt rằng: Đề năm 1932-33 là sai, phải là năm 1942-43 mới đúng. Cách trả lời rất vắn tắt, không có lời giải thích minh bạch, thỏa đáng.”



Trong bài viết “Về Huyền Thọai Hồ chí Minh” của mình học giả Lê Hữu Mục đã nhận xét về nguồn gốc của “Ngục Trung Nhật Ký” như sau: 




“Khi cuốn sách của tôi ra mắt độc giả, chắc chắn là giới văn nô cộng sản bên kia đại dương cũng đọc. Họ bồn chồn, nhức nhối phải tìm cách đối phó lại sự thật qua những luận lý vững chắc, hợp lẽ phải. Họ tập trung chất xám lại ra một cuốn sách dày gấp bốn sách của tôi để tìm cách chứng minh là Bác của họ cũng biết làm thơ. Nhưng trước sau gì cũng giấu đầu hở đuôi. 

“Họ đánh lừa độc giả trong nước là cuốn sách của tôi ra sau tập sách của họ. Họ nói sách tôi ra năm 1990, còn sách họ ra năm 1989. Sự thật là các bài viết của tôi đã đăng từng kỳ trên tạp chí “Làng Văn” từ năm 1989, đến năm 1990 mới in thành sách. Còn sách của họ phát hành năm 1990, nhưng đề lui năm lại là 1989! 

“Lại nữa, đề sách đã là lời thú nhận: “Suy nghĩ lại về Ngục Trung Nhật Ký” . Tại sao lại phải suy nghĩ lại, có vấn đề mới phải suy nghĩ lại. Họ xác nhận là trong thời chiến họ phải dùng những lời đao to búa lớn để tuyên truyền, họ thú nhận là đã “cường điệu”, mà cường điệu là exagerate, là lớn lối, bịa đặt thêm. Họ bảo phải làm thế để tạo một quan niệm sáng tác gương mẫu, là phải theo hướng sáng tác như thơ của bác, bình dân và trong thơ phải có thép (chiến đấu tính). 

“Trước sau gì chỉ là một vụ bịp, một tấn kịch đóng rất vụng. Hồ Chí Minh úp mở nhận là thơ của mình. Đám nô bộc văn nghệ cung đình dùng ống đu đủ thổi phồng lên rất lố bịch. Một chứng cớ không thể chối cãi là chữ ghi ngoài bìa sách năm tác giả bị tù là 29-8-1932 đến 10-9-1933. Năm đó thì Hồ Chí Minh chỉ bị Quốc Dân Đảng bắt và cầm tù ở bên Tầu vào năm 1942-1943 thôi. Thời gian cách xa nhau 10 năm trời. Trong Tổng Tập Văn học của Hà Nội tại tập 38 trang 507 có in lại hình bìa, nhưng lại xóa bỏ ngày tháng tù của nguyên bản. Rõ ràng có sự che giấu, khuất tất.
“Ngục trung nhật ký” thực sự là của ai, viết trong hoàn cảnh nào, cơ hội nào ông Hồ có được, những đoạn nào có thể chứng minh một cách thuyết phục là tập thơ này không do chính ông Hồ sáng tác? 

Có một điều khó hiểu cần phải nói ra là trên cả trăm bài thơ trong thi tập do ông sáng tác không có một bài thơ nào đề cập đến thực dân Pháp đang đô hộ đất nước Việt Nam hay nhân dân Việt Nam đang khốn khổ sống trong gông xiềng của thực dân cũng như trên cả trăm bài thơ đó không một bài thơ nào đề cập đến quê hương đất nước Việt Nam”. 

Trong khi đó lại có bài thơ tác giả tỏ ra uất ức vì không được cùng chung vui với nhân dân Trung Hoa nhân ngày Quốc Khánh. 

Có một vài bài tác giả lại đề cao nhân dân Trung Hoa nổi dậy kháng chiến chống Nhật thì lại càng khó hiểu hơn nữa. 




Trong bài viết “Ngục Trung Nhật Ký của Hồ Chí Minh?” tác giả Tâm Việt đã có những phân tích, nhận xét và dẫn chứng phủ nhận “Ngục Trung Nhật Ký” là của ông Hồ Chí Minh 




Tập thơ hồi ký giãi bày lòng yêu nước và ước mơ tươi đẹp cho tổ quốc .... 中華 

Tổ quốc nào và lòng yêu nước của tác giả để ở đâu? 

Qua bài viết về chiếc gậy, (Ngục đinh thiết ngã chi sĩ-đích (Stick)/ Lính ngục đánh cắp chiếc gậy), chúng ta biết được độ tuổi và địa vị của tác giả. 

Chiếc gậy đã là bạn đồng hành của tác giả qua bao nhiêu năm dài. (Huề thủ đồng hành kỷ tuyết sương) , mà chiếc gậy này chắc chắn không phải là chiếc gậy thường vì giá trị của nó đi với uy thế của tác giả - đó là sự chính trực và kiên cường của vị quan thanh liêm (Nhất sinh chính trực hựu kiên cương) . Cộng thêm bài viết than già nhận mình là lão tóc bạc và răng rụng (Lạc liễu nhất chích nha) , chúng ta có thể đoán được tác giả phải vào tuổi lục tuần (55 tuổi trở đi). 

Qua bạn bè và liên hệ quyền thế, chúng ta có thể biết địa vị chức vụ của tác giả. 

Tác giả là một vị quan của Quốc Dân đảng nên trong thời gian bị nghi ngờ vẫn được quyền lợi hơn hẳn những người tù bình thường (bài “Mông ưu đãi” ), ông cũng ca ngợi đưa chi tiết tài đánh giặc từ Hồ Nam, Chiết Giang, Miến Điện đến Vân Nam của tướng bạn và vui mừng khi bạn được thăng chức, tướng Liang Huasheng (bài “Lương Hoa Thịnh tướng quân thăng nhậm phó tư lệnh” ). Khi ở tù, ông cũng được các viên chức đến thăm viếng (bài “Ngũ khoa trưởng, Hoàng khoa viên” ). 

Với sự quen biết thân thiết với tướng Liang Huasheng, ông đã có giọng văn kẻ cả với đàn em đệ tử của vị tướng này (bài “Tặng Tiểu Hầu (Hải)” ) trong câu “Vô phụ Lương công giáo dục tình” . Thêm nữa qua câu “Thượng trung đảng, quốc, hạ trung dân” , chúng ta biết tác giả đảng viên đã sống theo câu nói này mà truyền lại cho người nghe là Tiểu Hầu. 

Ngoài ra tác giả còn đề cập đến thống tướng lãnh tụ đảng Tưởng Giới Thạch, tác giả ghi nhận sự cô đơn khó nhọc mồ côi cha của Tưởng giới Thạch và nể phục sự cố gắng của vị lãnh tụ này, bài Độc Tưởng công huấn từ. Trong bài này, Đỗ văn Hỷ dịch sai “Cô thần nghiệt tử, nghĩa đương nhiên” không phải là “Thù nhà nợ nước, nghĩa đương nhiên. Cô thần nghiệt tử, có ý là đứa con không may mắn sống cô độc, nên lý đương nhiên là phải cố gắng. Thân thế của tác giả cũng được biểu lộ, là người có đủ kiến thức về luật pháp để viết các đơn kiện cho các bạn tù, với sách luật có sẵn để tra cứu... “Phụng thử” , “đẳng nhân”, “kim thủy học” (bài “Thế nạn hữu mẫn tả báo cáo” ). 

Vì là bạn thân lâu đời của tướng Lương Hoa Thịnh nên tác giả được cung cấp mọi nhu cầu từ kinh tế đến tư tưởng. Vì biết nhau đã lâu nên các chiến công đánh Nam dẹp Bắc của tướng Liang Huasheng đều được tác giả ghi nhận và ca ngợi”. 




Sự thật “Ngục Trung Nhật Ký” là của ai, thiết nghĩ ít nhiều đã sáng tỏ. Nếu độc giả nào muốn tìm hiểu thêm, người viết giới thiệu 2 link tại đây và tại đây có khả năng giải đáp một cách thuyết phục rằng “Ngục Trung Nhật Ký” không phải là của ông Hồ.

Sông Lô 

Trích DCVOnline 







 



 



 







Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn