BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 72811)
(Xem: 62102)
(Xem: 39197)
(Xem: 31055)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Thế Này Thì “kiểm sát” Ai ?

02 Tháng Mười 200812:00 SA(Xem: 947)
Thế Này Thì “kiểm sát” Ai ?
52Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
52


Tin ông Ngô Phạm Việt, Kiểm sát viên Phòng Kiểm sát án Kinh tế Viện Kiểm Sát Nhân Dân TP.HCM “một tay vung vẩy khẩu súng ngắn, một tay cầm gậy cao su (loại công cụ hỗ trợ)” “rượt đánh một số tài xế xe ôm đang đứng chờ khách trước siêu thị Big C và khách sạn Tân Sơn Nhất” và gí súng vào đầu nhiều người đi đường” lúc 19g30 ngày 30/9/2008 (thứ Ba), “đánh bị thương nhiều người” làm cho người đọc không khỏi kinh hãi bởi tính “xã hội đen” và xem thường pháp luật của ông Kiểm sát viên (Tuổi Trẻ ngày 02/10/2008).

Mới có 19g30 (tức 7 giờ 30 tối, sau giờ làm việc 2 giờ rưỡi), mà ông Kiểm sát viên đã bí tỉ đến mức “múa súng” lung tung ngoài đường phố, vì trước đó ông đã đã tham gia hai chầu nhậu tại Q.1 và Q.Gò Vấp” và đi chơi với gái lạ nên mới bị móc bóp, tìm không được cô gái nên ông Việt mới tức “quậy” tưng bừng. Suy ra, ông Kiểm sát viên này đã nhậu nhẹt trong giờ làm việc, nếu không thì ông có là thánh mới có thể “hoàn thành” ngần ấy “việc” trong 2 giờ rưỡi đồng hồ.

Dư luận “kinh hãi” ông Kiểm sát viên Ngô Phạm Việt một thì khi đọc đến câu trả lời của bà Nguyễn Ngọc Điệp, Viện phó Viện Kiểm sát nhân dân TP.HCM- lãnh đạo của ông Việt, lại càng “kinh hãi” bà Điệp gấp mười lần.

Báo TT cho hay “Theo bà Điệp, cơ quan sẽ tổ chức kiểm điểm, xử lý nghiêm hành vi của ông Việt. Trả lời câu hỏi: cơ quan có cấp súng cho ông Việt sử dụng hay không, bà Điệp cho rằng bà không biết việc này”.

Điều 137 Hiến pháp nước CHXHCN VN hiện hành quy định:
“Viện kiểm sát nhân dân tối cao thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp, góp phần bảo đảm cho pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất.

Các Viện kiểm sát nhân dân địa phương, các Viện kiểm sát quân sự thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp trong phạm vi trách nhiệm do luật định”.

Điều 1 Luật Tổ chức Viện Kiểm sát Nhân dân quy định: “Viện kiểm sát nhân dân thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp theo quy định của Hiến pháp và pháp luật”.

“Kiểm sát” (không phải “kiểm soát” như nhiều người vẫn nhầm) là từ ghép của 2 cặp từ “kiểm tra” và “giám sát”. Như vậy, hoạt động của Viện Kiểm sát là thực hành quyền công tố trong các vụ án hình sự, kiểm tra và giám sát việc nghiêm chỉnh tuân thủ pháp luật các hoạt động tư pháp khác trong phạm vi trách nhiệm do Hiến pháp và pháp luật quy định.

Theo lẽ thường, người kiểm tra, giám sát người khác phải có trình độ chuyên môn nghiệp vụ hơn đối tượng bị kiểm tra, giám sát thì mới phát hiện được những sai sót (vô tình hoặc cố ý) của đối tượng, nếu không thì bị chính đối tượng đó “phù phép” qua mặt khỏi cần bóp kèn, mà dân gian gọi là bị “quay như dế”. Vì vậy, có thể hiểu về mặt trình độ pháp luật thì “công lực” Viện Kiểm sát phải cao hơn Công an, Tòa án, Thi hành án… ít nhất 1 bậc mới có thể “kiểm sát” các cơ quan này được.

Viện phó VKSND Thành phố Hồ Chí Minh -một Thành phố trực thuộc trung ương lớn nhất nước - là Trung tâm kinh tế - văn hóa - chính trị - xã hội, như bà Nguyễn Ngọc Điệp lẽ nào không hề biết nội dung Quy chế quản lý vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (Ban hành kèm theo Nghị định 47/CP ngày 12/8/1996 của Chính phủ), trong đó Điều 38 Quy chế và theo Thông tư 10/2002/TT-BCA ngày 26/8/2002 thì Viện trưởng, viện phó Viện Kiểm sát, Kiểm sát viên, cán bộ Viện kiểm sát (không làm nhiệm vụ bảo vệ cơ quan) đều không phải là đối tượng được phép sử dụng công cụ hỗ trợ.

Khoản 2 Điều 1 Quy chế này giải thích rõ “Công cụ hỗ trợ gồm: Các loại roi cao su, roi điện, gậy điện, găng tay điện; lựu đạn cay; súng bắn hơi cay, ngạt, độc, gây mê; bình xịt hơi cay, ngạt, độc, gây mê; súng bắn đạn nhựa, cao su; súng bắn laze, súng bắn đinh, súng bắn từ trường và các loại công cụ hỗ trợ khác”.

Thông tư 10/2002/TT-BCA ngày 26/8/2002 “Hướng dẫn thực hiện Nghị định số 73/2001/NĐ-CP ngày 05/10/2001 của Chính phủ về hoạt động và tổ chức lực lượng bảo vệ cơ quan, doanh nghiệp” của Bộ Công an quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trang phục, trang bị, trình độ nghiệp vụ của lực lượng làm nhiệm vụ bảo vệ cơ quan, doanh nghiệp. Người làm công tác bảo vệ cơ quan, doanh nghiệp buộc phải có giấy chứng nhận đã qua lớp đào tạo nghiệp vụ bảo vệ do Tổng cục An ninh (thuộc Bộ Công an) hoặc Công an tỉnh, Thành phố trực thuộc trung ương cấp.

Tại Mục 4, tiểu mục 4.2 Thông tư quy định: “Những cơ quan, doanh nghiệp nhà nước có nhu cầu cần thiết trang bị vũ khí quân dụng và công cụ hỗ trợ cho công tác bảo vệ thực hiện theo quy định tại điểm g Mục I Điều 8 Chương II và điểm e Mục 1 Điều 38 Chương V Quy chế Quản lý vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ ban hành theo Nghị định số 47/CP ngày 12/8/1996 của Chính phủ”.

Như vậy, cho dù công cụ hỗ trợ là của Viện Kiểm sát Nhân dân Thành phố HCM- là cơ quan ông Việt đang công tác thì ông cũng không được phép sử dụng dù ông đang là Kiểm sát viên tại cơ quan này.

Đặc biệt, tại Mục 1 Khoản 3 Thông tư 05/TT-BNV(C13) ngày 28/9/1996 của Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) “Hướng dẫn thực hiện một số vấn đề trong Nghị định số 47/CP ngày 12/8/1996 của Chính phủ về quản lý vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ” quy định rõ: “Các loại giấy phép về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ chỉ cấp cho tổ chức, không cấp cho cá nhân (trừ súng săn)”.

Đáng lẽ, với cương vị Viện phó VKSND Thành phố HCM, khi được phóng viên hỏi thì bà Nguyễn Ngọc Điệp phải trả lời ngay lập tức là VKS không có thẩm quyền cấp công cụ hỗ trợ cho ai, hai thứ công cụ hỗ trợ mà ông Ngô Phạm Việt lấy dùng sai mục đích đó thuộc quyền quản lý của VKSND Thành phố HCM.

Thật thất vọng khi bà Viện phó VKSND Thành phố HCM trả lời rằng bà “không biết việc này”. Người nghe có thể hiểu câu trả lời của bà theo hai hướng: Một là, bà Viện phó VKSND Thành phố HCM mù mờ về pháp luật; Hai là, bà Viện phó VKSND Thành phố HCM muốn bao che cho ông Kiểm sát viên Ngô Phạm Việt? Bà Viện phó VKSND Thành phố HCM mù mờ (hay cố tình mù mờ) về quy định pháp luật như vậy thì liệu bà có đủ khả năng để “kiểm điểm, xử lý nghiêm hành vi của ông Việt” như bà nói ?

Tạ Phong Tần

02-10-2008
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn