BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73343)
(Xem: 62242)
(Xem: 39427)
(Xem: 31174)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Vụ án tướng Quắc và hai nhà báo : không có hành vi phạm tội xảy ra

13 Tháng Năm 200812:00 SA(Xem: 989)
Vụ án tướng Quắc và hai nhà báo : không có hành vi phạm tội xảy ra
58Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
58
Thông tin 2 nhà báo, Thượng tá Đinh Văn Huynh và Thiếu tướng Phạm Xuân Quắc bị khởi tố không làm ai ngạc nhiên, khi mà thời gian gần đây “xác ướp trở lại” bệ vệ, đỏm dáng phô trương khắp nơi với hoa tươi rực rỡ sắc màu, thì người ta có thể hiểu rằng số phận Tướng Quắc và những người có liên quan vụ án đã “được” định đoạt rồi.

Điều gây ngạc nhiên là họ bị khởi tố về “Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” (Điều 281 BLHS) là nhóm tội tham nhũng, trong khi họ không tham nhũng một đồng xu nhỏ nào.

Không có hành vi phạm tội theo Điều 281 BLHS



Điều 281 quy định đặc điểm cấu thành tội là: “Người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái công vụ gây thiệt hại cho lợi ích của Nhà nước, của xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân…”.

Như vậy, hành vi các bị can phải có đủ 3 yếu tố:

- Động cơ vụ lợi (hoặc động cơ cá nhân khác);

- Lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái công vụ;

- Gây thiệt hại cho lợi ích của Nhà nước, của xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân.

Theo Thiếu tướng Vũ Thanh Hoa - người phát ngôn Bộ Công an, “trong quá trình điều tra vụ án: "Bùi Quang Hưng và Bùi Tiến Dũng cùng đồng bọn phạm tội tổ chức đánh bạc và đánh bạc" và "cố ý làm trái các quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, đưa và nhận hối lộ; tham ô tài sản tại Ban quản lý dự án PMU 18", đã có nhiều báo đưa tin liên quan đến cán bộ tiêu cực, tham nhũng, chạy án, hối lộ... Trong đó, có bài: "Bùi Tiến Dũng khai đã đưa tiền chạy án cho gần 40 nhân vật quan trọng" (báo Thanh Niên). Ngay sau bài báo này, Bộ Công an đã chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ điều tra làm rõ. Kết quả điều tra cho rằng, có những thông tin đưa lên báo không đúng sự thực, trong đó có tin đang trong quá trình điều tra, có tin không có trong hồ sơ vụ án...”.

Như vậy, theo Bộ Công an, rõ ràng tất cả 4 bị can đều được loại bỏ động cơ vụ lợi.

Theo báo Tuổi Trẻ, báo Thanh Niên, 2 nhà báo bị bắt



đều là “nhiệt huyết, chín chắn, và có nhiều bài viết dũng cảm đấu tranh chống tiêu cực” nhằm mục đích “hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng, Chính phủ quyết liệt đấu tranh chống tham nhũng mà không quản vất vả, hiểm nguy để săn tin, kiểm chứng thông tin, đưa đến bạn đọc những thông tin chính xác và nóng nhất”. Không thể nói mục đích nêu trên là “động cơ cá nhân khác” để làm căn cứ buộc tội hình sự.

Về động cơ của Tướng Quắc ư? Hãy nghe ông trả lời bị can Tôn Anh Dũng (Dũng Huế): “Tôi là lão Quắc già đây. Cuối năm nay tôi về hưu. Tôi làm việc này là vì đất nước chứ chẳng tranh giành quyền chức với ai cả. Tôi biết anh trước kia có mối quan hệ rất rộng với khá nhiều người có chức, có quyền. Anh nhận xét, đánh giá thế nào về những cán bộ anh từng quan hệ như Bùi Tiến Dũng, Nguyễn Việt Tiến... Theo anh, họ tốt hay xấu, họ có thật sự vì dân vì nước hay không? Điều này anh không cần trả lời với tôi”. (Vietnamnet ngày 17/2/2007).

Căn cứ Điều 15 Luật Báo chí (sửa đổi, bổ sung), 2 nhà báo tiếp cận nhiều nguồn tin, trong đó có cơ quan điều tra, để đưa thông tin nhanh nhất, sớm nhất đến bạn đọc là thực hiện đúng quyền và nghĩa vụ của mình chớ không hề “lợi dụng chức vụ quyền hạn làm trái công vụ”.

Điều 7 Luật Báo chí còn quy định thêm: “Đối với vụ án đang được điều tra hoặc chưa xét xử thì các cơ quan tiến hành tố tụng có quyền không cung cấp thông tin cho báo chí, nhưng báo chí có quyền thông tin theo các nguồn tài liệu của mình và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung thông tin”. Vì vậy, việc có những bài báo “tin không có trong hồ sơ vụ án” mà theo tài liệu riêng của nhà báo là nằm trong phạm vi Luật Báo chí cho phép, không phải là hành vi sai trái như quy kết của người phát ngôn Bộ Công an.



Đối với ông Phạm Xuân Quắc, vào thời điểm ông cung cấp thông tin vụ án cho báo chí thì ông đang giữ chức vụ Trưởng Ban chuyên án, Cục trưởng Cục CSHS, là các chức vụ đứng đầu cao nhất tổ chức, đơn vị đó nên ông Quắc có quyền quyết định việc cung cấp tin hay trả lời phỏng vấn báo chí, không thể nói là ông “lợi dụng chức vụ quyền hạn”. Điều 7 Luật Báo chí cũng quy định: “Trong phạm vi quyền hạn, nhiệm vụ của mình, các tổ chức có quyền và nghĩa vụ cung cấp thông tin cho báo chí, giúp cho báo chí thông tin chính xác, kịp thời và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung thông tin”. Ngày 29/11/2007 Thủ tướng Chính phủ mới ban hành Chỉ Thị 27/2007/CT-TTg về “Thực hiện chế độ người phát ngôn” giao về một đầu mối được phân công chịu trách nhiệm phát ngôn cho cơ quan, tổ hcức đó, người khác không được quyền thay mặt cơ quan, tổ chức phát ngôn nếu không được phân công. Ông Quắc cung cấp thông tin cho báo chí vào tháng 4/2006, trước thời điểm Chỉ thị 27/2007/CT-TTg ban hành. Do đó, không thể quy kết ông Quắc cung cấp thông tin cho báo chí Nhà nước là “làm trái công vụ” được. Thông tin do ông Quắc cung cấp không hề sai sự thật vì sau đó, “Thiếu tướng Phạm Quý Ngọ, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, Thủ trưởng Cơ quan CSĐT đã trực tiếp thông tin cho PV Thanh Niên biết: "Trong vụ án này, có việc 40 cán bộ nhận tiền của Bùi Tiến Dũng, bị vô hiệu hóa, bị mua". Băng ghi âm đoạn trích này đã được Báo Thanh Niên chuyển tới các cơ quan chức năng và người có trách nhiệm”.

Thông tin về tham nhũng không phải là bí mật Nhà nước

Thiết nghĩ cần nhắc lại, Điều 1 Pháp lệnh Bảo vệ bí mật Nhà nước (số 30/2000/PL-UBTVQH10, ngày 28-12-2000) quy định: “Bí mật Nhà nước là những tin về vụ, việc, tài liệu, vật, địa điểm, thời gian, lời nói có nội dung quan trọng thuộc lĩnh vực chính trị, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, kinh tế, khoa học, công nghệ, các lĩnh vực khác mà Nhà nước không công bố hoặc chưa công bố nếu bị tiết lộ thì gây nguy hại cho Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.

Như vậy, ta có thể hiểu ngay cả những tài liệu chưa công bố, nếu tiết lộ mà gây nguy hại cho Nhà nước CHXHCN VN thì mới coi là bí mật Nhà nước, còn những tài liệu mặc dù chưa công bố, nhưng nếu tiết lộ mà không hề gây nguy hại nào cho Nhà nước thì không phải là bí mật Nhà nước.

Điều 3, Nghị định 33/2002/NĐ-CP ngày 28/3/2002 của Chính phủ “qui định chi tiết thi hành Pháp lệnh Bảo vệ bí mật Nhà nước” như sau:

Căn cứ vào phạm vi bí mật Nhà nước quy định tại các Điều 5, 6, 7, Pháp lệnh bảo vệ bí mật Nhà nước, người chịu trách nhiệm lập danh mục bí mật nhà nước hoặc người được ủy quyền có nhiệm vụ:

1. Lập danh mục bí mật Nhà nước xác định độ "Tuyệt mật" và "Tối mật" trình Thủ tướng chính phủ sau khi Bộ Công an đã thẩm định;

2. Lập danh mục bí mật nhà nước thuộc độ Mật gửi Bộ trưởng Bộ Công an;

3. Vào quý I hàng năm, xem xét đề xuất việc sửa đổi, bổ sung, giải mật danh mục bí mật Nhà nước độ "Tuyệt mật", "Tối mật", "Mật" gửi cấp có thẩm quyền qui định tại khoản 1, khoản 2 của Điều này.”

Khoản 2 Điều 7 Nghị định 33/2002/NĐ-CP quy định: “Khi soạn thảo văn bản có nội dung bí mật nhà nước, người soạn thảo văn bản phải đề xuất mức độ mật từng tài liệu, người duyệt ký văn bản chịu trách nhiệm quyết định đóng dấu độ mật và phạm vi lưu hành tài liệu…”. Không ai được quyền tùy hứng theo cảm tính cá nhân muốn cho vụ việc nào là “bí mật” thì gán cho nó nhãn hiệu “bí mật”, bất chấp quy định pháp luật được.

Căn cứ vào các quy định pháp luật nêu trên, không hiểu nội dung "Bùi Tiến Dũng khai đã đưa tiền chạy án cho gần 40 nhân vật quan trọng" có nằm trong danh mục tài liệu bí mật Nhà nước của Bộ Công an từ quý I năm 2006 theo đúng quy trình quy định tại Nghị định 33/2002/NĐ-CP hay không? Và thông tin này đã “gây nguy hại cho Nhà nước CHXHCN Việt Nam” như thế nào?

Cần lưu ý là đối tượng bị thiệt hại quy định trong tội này là Nhà nước, chớ không phải tổ chức, đoàn thể, cá nhân.

Không cần thông minh lắm cũng thấy chắc chắn nội dung "Bùi Tiến Dũng khai đã đưa tiền chạy án cho gần 40 nhân vật quan trọng" không hề nằm trong danh mục tài liệu bí mật Nhà nước của Bộ Công an từ quý I năm 2006. Nếu có thì một người như Tướng Quắc từng “đánh Đông dẹp Bắc” xóa sổ nhiều băng nhóm “xã hội đen” tràn đầy “kinh nghiệm chiến trường” không dại gì đem cái “bí mật bị cấm” ra đưa cho mấy anh nhà báo.

Nếu ai đó cho rằng "Bùi Tiến Dũng khai đã đưa tiền chạy án cho gần 40 nhân vật quan trọng" thuộc danh mục tài liệu bí mật Nhà nước của Bộ Công an từ quý I năm 2006 thì vụ này đáng đưa vào kỷ lục chuyện lạ “Chỉ có ở Việt Nam”. Tham nhũng lại thuộc loại bí mật Nhà nước thì còn ai dám chống tham nhũng nữa, và lời kêu gọi chống tham nhũng từ các vị lãnh đạo cao cấp Đảng và Chính phủ Việt Nam hóa ra là trò đùa hay sao?

Hy vọng lịch sử đừng lặp lại

Loạt bài “CIMEXCOL - 20 năm oan án” (báo Pháp Luật Thành phố HCM) về cuộc đời làm cách mạng cay đắng, oan khiên cho đến chết của ông Lê Văn Bình - Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Minh Hải còn nóng hổi. Hy vọng rằng lịch sử đừng lặp lại, nếu “Cây chân lý chỉ mọc trên nấm mồ” thì chân lý đối với các nạn nhân có còn ý nghĩa gì?

Tạ Phong Tần

13-05-2008

_____________________

“Khuyến mãi” thêm:

Công văn của Bộ Y tế có phải là “bí mật Nhà nước”? (Tuổi Trẻ -9/5/2005)
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn