BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73353)
(Xem: 62245)
(Xem: 39432)
(Xem: 31176)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Hành vi của Nguyễn Văn Hải - Dương Thị Tân không cấu thành tội trốn thuế

26 Tháng Tư 200812:00 SA(Xem: 964)
Hành vi của Nguyễn Văn Hải - Dương Thị Tân không cấu thành tội trốn thuế
51Vote
40Vote
30Vote
21Vote
10Vote
3.52
Lời tác giả:

Báo Công an Thành phố HCM ngày 22/4/2008 đăng bài viết “Khởi tố kẻ trốn thuế cho thuê nhà” về việc “vợ chồng Hải - Tân đã trốn thuế thuê nhà không nộp cho nhà nước là 400.534.062 đồng. Ngày 10-4-2008, Cơ quan CSĐT CAQ3 và Viện kiểm sát nhân dân Q3 đã thống nhất quan điểm khởi tố vụ án, khởi tố bị can Nguyễn Văn Hải - Dương Thị Tân về hành vi trốn thuế, tội phạm và hình phạt được quy định tại điều 161 Bộ luật Tố tụng hình sự nước Cộng hòa XHCN Việt Nam”.

Vì không có điều kiện tiếp xúc với hồ sơ vụ án nên trong phạm vi bài viết này tôi chỉ bình luận vụ án trên cơ sở vận dụng hệ thống pháp luật Việt Nam hiện hành và bài viết trên tờ báo nêu trên.

 

1. Đặc điểm pháp lý của tội trốn thuế quy định tại Điều 161 Bộ Luật Hình Sự (1999):

Điều 161. Tội trốn thuế

1. Người nào trốn thuế với số tiền từ năm mươi triệu đồng đến dưới một trăm năm mươi triệu đồng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi trốn thuế hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 153, 154, 155, 156, 157, 158, 159, 160, 164, 193, 194, 195, 196, 230, 232,233, 236 và 238 của Bộ luật này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ một lần đến năm lần số tiền trốn thuế hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến hai năm.

2. Phạm tội trốn thuế với số tiền từ một trăm năm mươi triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng hoặc tái phạm về tội này, thì bị phạt tiền từ một lần đến năm lần số tiền trốn thuế hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

3. Phạm tội trốn thuế với số tiền từ năm trăm triệu đồng trở lên hoặc trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng khác, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ một lần đến ba lần số tiền trốn thuế.

Trách nhiệm hình sự được xác định đối với người vi phạm là tổng số tiền trốn thuế trong một lần thực hiện hành vi vi phạm, không phải là tổng số tiền của nhiều lần. Nếu cùng một hành vi mà được thực hiện nhiều lần với các thời điểm khác nhau thì được coi là phạm tội nhiều lần.

Các dấu hiệu cấu thành tội phạm đòi hỏi:

- Số tiền trong 1 lần thực hiện hành vi phạm tội bắt buộc ít nhất phải là “năm mươi triệu đồng”, nếu chỉ có 40.999.999 đồng thì vẫn không đủ só lượng tiền theo BLHS quy định.

- Tình tiết “đã bị xử phạt hành chính về hành vi trốn thuế”: Nghị Quyết 01/2006/NQ-HĐTP của Hội Đồng Thẩm Phán Tòa Án Nhân Dân Tối Cao giải thích như sau:

Về tình tiết "đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm” quy định tại một số điều luật của BLHS

6.1. Đối với các tội mà điều luật có quy định tình tiết "đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm” và đã được hướng dẫn tại các văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan có thẩm quyền thì thực hiện theo đúng hướng dẫn của các văn bản đó.

6.2. Đối với các tội mà điều luật có quy định tình tiết "đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm” nhưng chưa có hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền thì phân biệt như sau:

a) Đối với điều luật quy định một tội (tội đơn) thì "đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm” là trước đó một người đã bị xử phạt hành chính về một trong những hành vi được liệt kê trong tội đó bằng một trong các hình thức xử phạt theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, nhưng chưa hết thời hạn để được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính mà lại thực hiện một trong những hành vi được liệt kê trong tội đó.

Ví dụ: A đã bị xử phạt hành chính về hành vi đặt chướng ngại vật trên đường sắt để cản trở giao thông đường sắt, chưa hết thời hạn để được coi là chưa bị xử phạt hành chính (tức tròn 1 năm), A lại thực hiện một trong các hành vi (đặt chướng ngại vật trên đường sắt; làm xê dịch ray, tà vẹt; khoan, đào, xẻ trái phép nền đường sắt, mở đường trái phép qua đường sắt...) quy định tại Điều 209 của BLHS để cản trở giao thông đường sắt.

Như vậy, người vi phạm đủ yếu tố cấu thành tội khi:

- Thứ nhất, theo Thạc sĩ Luật học Đinh Văn Quế- Chánh Tòa Hình Sự TAND Tối Cao, “hành vi trốn thuế có những biểu hiện khác nhau như: khai bớt doanh thu, khai man hàng hóa, gian lận trong việc hạch toán hoặc có những thủ đoạn gian dối khác để không phải nộp số thuế mà theo pháp luật họ phải nộp”. “Nếu người phạm tội không có thủ đoạn gian dối để trốn thuế mà chỉ có hành vi chây ỳ không chịu nộp thuế, thì không phải là hành vi trốn thuế mà tùy trường hợp người chây ỳ nộp thuế có thể bị xử phạt hành chính theo quy định của pháp luật về hành vi chậm nộp thuế. Nếu người có nghĩa vụ nộp thuế, nhưng trốn tránh việc nộp thuế bằng cách rời khỏi nơi cư trú hoặc bỏ trốn để không phải nộp thuế thì bị coi là trốn thuế”. “Số tiền trốn thuế được xác định là số tiền người phạm tội có ý định trốn tránhviệc nộp thuế khi đã dùng thủ đoạn để khỏi phải nộp số tiền thuế”.

- Thứ hai, trốn thuế với số tiền mỗi lần thực hiện hành vi vi phạm là từ 50 triệu đồng trở lên;

- Thứ ba, đã bị xử phạt hành chính bằng Quyết định xử phạt hành chính của cơ quan có thẩm quyền về hành vi trốn thuế mà chưa hết thời gian được coi là chưa bị xử phạt hành chính (1 năm tròn kể từ ngày có Quyết định xử phạt) nay tiếp tục trốn thuế và số tiền vi phạm cho một lần trốn thuế dưới 50 triệu đồng;

- Thứ tư, đã bị kết án về tội quy định tại các Điều 153, 154, 155, 156, 157, 158, 159, 160, 164, 193, 194, 195, 196, 230, 232,233, 236 và 238 BLHS mà chưa được xóa án tích (xem Chương IX BLHS) nay tiếp tục trốn thuế và số tiền vi phạm cho một lần trốn thuế dưới 50 triệu đồng.

Nếu trốn thuế dưới 50 triệu đồng mà trước đã đó đã bị xử phạt hành chính hay bị kết án (như đã phân tích ở trên) thì mới đủ yếu tố cấu thành tội này.

Nếu số tiền trốn thuế trên 50 triệu đồng thì không cần điều kiện kèm theo cũng đủ yếu tố cấu thành tội.

 

2. Hành vi của Nguyễn Văn Hải - Dương Thị Tân không đủ yếu tố cấu thành tội trốn thuế theo Điều 161 BLHS





Theo Giáo sư-Tiến sĩ LÊ HỒNG HẠNH - Viện phó Viện Khoa học Pháp lý, Bộ Tư pháp: “Nếu cùng quy định về một lĩnh vực mà có sự xung đột, không thống nhất giữa luật chuyên ngành và luật chung thì phải theo áp dụng luật chuyên ngành. Ngoài nguyên tắc này, còn có nguyên tắc luật nào ban hành sau hành thì phải ưu tiên áp dụng luật đó”.

Các văn bản pháp luật về Thuế là luật chuyên ngành, BLHS điều chỉnh một loại quan hệ xã hội khác nhưng chỉ có duy nhất 1 Điều luật điều chỉnh vi phạm về thuế thì ưu tiên áp dụng Luật Quản Lý Thuế (và các văn bản hướng dẫn thực hiện kèm theo).

Tất cả những hành vi vi phạm về thuế phải do ngành Thuế lập hồ sơ, xử lý, nếu hành vi vi phạm vượt mức của ngành Thuế xử lý thì ngành Thuế sẽ chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra xử lý theo quy định của BLHS. Cơ quan điều tra không có quyền làm thay công việc của ngành Thuế.

Căn cứ khoản 2, khoản 3 Điều 110 Luật Quản Lý Thuế thì việc cho thuê nhà không nộp thuế của Nguyễn Văn Hải và Dương Thị Tân chỉ bị xử lý hồi tố từ ngày phát hiện có hành vi vi phạm đến thời điểm về trước 5 năm tròn, quá thời gian 5 năm thì chỉ bị truy thu thuế chớ không bị xử phạt hành chính. Đương nhiên, vi phạm hành chính mà còn không xử phạt được thì làm sao xử lý hình sự được.

Giả sử thời gian phát hiện ông Hải- bà Tân không nộp thuế là ngày 31/12/2007 (tính tròn) thì thời gian có thể hồi tố để xử lý là đến ngày 01/01/2003. Việc ông Hải, bà Tân không nộp thuế từ ngày 01/01/2003 trở về trước thì chỉ co thể truy thu thuế chớ không thể coi là hành vi vi phạm để xử lý được.

Vì vậy, cơ quan điều tra Công an Tp.HCM cho rằng ông Hải, bà Tân vi phạm từ ngày 1-6-1999 là không có căn cứ và trái quy định Luật Quản Lý Thuế.

Ông Hải và bà Tân phải nộp bao nhiêu tiền thuế và nộp như thế nào?

Theo bài báo thì số tiền thu được từ cho thuê nhà có thể chia làm 2 giai đoạn:

* Giai đoạn 1: Từ ngày 1/1/2003 đến ngày 1/7/2005, giá thuê 1.400 USD/tháng, tương đương 21.091.839 VNĐ/tháng.

Căn cứ Thông Tư số 134/2007/TT-BTC ngày 23/11/2007 “Hướng dẫn thi hành Nghị định số 24/2007/NĐ-CP ngày 14/2./2007 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật thuế thu nhập doanh nghiệp” mức thuế được người viết tạm tính là:

Vì doanh thu đã bao gồm giá vốn, chi phí, không thể tách ra nên cơ quan thuế dùng biểu tỷ lệ 512 để nhằm ấn định doanh thu chịu thuế mà cá nhân đó phải chịu.

- Doanh thu chịu thuế GTGT = 21.091.839 VNĐ x 80% = 16.873.471 VNĐ

→ Thuế GTGT = 16.873.471 VNĐ x 10% = 1.687.347 VNĐ

- Doanh thu chịu thuế TNDN = 21.091.839 VNĐ x 40% = 8.436.736 VNĐ

→ Thuế TNDN = 8.436.736 VNĐ x 28% = 2.362.286 VNĐ

(80% x 10%) + (40% x 28%) = 19.2%

Trong đó 10% là thuế suất thuế GTGT và 28% là thuế suất thuế TNDN

80% : Tỷ lệ chịu thuế GTGT trên doanh thu.

40% : Tỷ lệ chịu thuế TNDN trên doanh thu.

Tổng thuế phải nộp cho hoạt động cho thuê nhà là 4.049.633 VNĐ/tháng, chiếm 8,10% của 50 triệu đồng.

* Giai đoạn 2: từ ngày 2/7/2005 đến ngày 31/12/2007, giá cho thuê 1.600USD/tháng, tương đương 27.791.933 VNĐ/tháng.

Áp dụng công thức tính như trên, số tiền thuế phải nộp là 5.336.051 VNĐ/tháng, chiếm 10,67% của 50 triệu đồng.

Mặt khác, theo lời ông Nguyễn Văn Hải (lúc chưa bị bắt) thì ông Hải và bà Tân đã có Quyết định công nhận thuận tình ly hôn cách đây 6 năm và đã chia tài sản chung của vợ chồng xong. Nếu lời ông Hải là đúng thì tất cả những con số tiền thuê nhà kể trên đều phải giảm một nửa, mỗi người chỉ chịu trách nhiệm về phần tài sản riêng của mình, chịu trách nhiệm về hành vi riêng của mình chớ không thể cộng chung như bài báo đã viết.

 

Luật Quản Lý Thuế và các văn bản hướng dẫn kèm theo quy định các bước tổ chức thực hiện thu thuế như sau:

1. Ông Hải, bà Tân cho thuê nhà thuộc diện “cá nhân kinh doanh không có đăng ký kinh doanh, không đăng ký thuế” (điểm b khoản 1 Điều 38 Luật Quản Lý Thuế) thì cơ quan Thuế có trách nhiệm “thông báo bằng văn bản cho người nộp thuế về lý do ấn định thuế, căn cứ ấn định thuế, số thuế ấn định, thời hạn nộp tiền thuế” (Điều 40 Luật Quản Lý Thuế).

2. Nếu đã thông báo mà đương sự vẫn chây ì, dùng thủ đoạn gian dối để không phải nộp thuế hoặc để nộp ít hơn số thuế đúng ra phải nộp thì cơ quan thuế có quyền “Áp dụng các biện pháp trong thanh tra thuế đối với trường hợp có dấu hiệu trốn thuế, gian lận thuế” (Điều 88 Luật Quản Lý Thuế).

3. “Căn cứ vào kết quả kiểm tra thuế, thanh tra thuế, thủ trưởng cơ quan quản lý thuế ra quyết định xử lý về thuế, xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền hoặc đề nghị người có thẩm quyền ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế” (Điều 76, Chương XII- Cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế- Luật Quản Lý Thuế).

4. Đã thực hiện các bước trên nhưng đối tượng vẫn ngoan cố không nộp thuế thì chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra đề nghị truy cứu trách nhiệm Hình sự theo quy định của pháp luật (khoản 2 Điều 115 Luật Quản Lý Thuế).

Trở lại vụ án của ông Hải, bà Tân, đối chiếu với các quy định của Luật Quản Lý Thuế và thực tế sự việc cho thấy:

1. Cơ quan Thuế quận 3 chưa hề thông báo và ấn định mức thuế phải nộp cho đương sự biết; nên cũng chưa hề có việc đương sự phản ứng số tiền thuế phải nộp là thấp hay cao, không có hành vi dùng thủ đoạn gian dối để không phải nộp thuế hay để nộp thấp hơn mức ấn định;

2. Không có quyết định thanh tra, kiểm tra của thủ trưởng cơ quan thuế đối với đương sự, không có quyết định cưỡng chế nộp thuế, quyết định xử phạt hành chính hành vi vi phạm về thuế.

“Tổ chức, cá nhân chỉ bị xử phạt hành chính thuế khi có hành vi vi phạm pháp luật về thuế” (Khoản 2 Điều 104 Luật Quản Lý Thuế), nếu cơ quan thuế chưa thực hiện bước 1 nêu trên thì không có quyền ra quyết định xử phạt.

Trường hợp cơ quan Thuế ra quyết định xử phạt thì mức phạt hành chính căn cứ vào số thuế phải nộp từng tháng làm căn cứ ấn định mức phạt, đúng nguyên tắc “Một người thực hiện nhiều hành vi vi phạm pháp luật về thuế thì bị xử phạt về từng hành vi vi phạm” (khoản 4 Điều 104 Luật Quản Lý Thuế).

3. Không có văn bản đề nghị truy cứu trách nhiệm hình sự của cơ quan thuế đối với ông Hải, bà Tân về hành vi trốn thuế.

4. Việc cho thuê nhà của ông Hải, bà Tân đã kéo dài từ năm 1999 đến nay, người thuê và người cho thuê đều hoạt động công khai, không hề dùng thủ đoạn gian dối để che giấu giao dịch (cho thuê nhà);

5. Số tiền thuế phải nộp (mỗi lần vi phạm) rất nhỏ so với con số 50 triệu đồng (đã tính ở phần trên).

Từ 5 căn cứ trên cho thấy không hề có hành vi trốn thuế xảy ra nên hành vi của Nguyễn Văn Hải - Dương Thị Tân không cấu thành tội trốn thuế theo Điều 161 BLHS

  

4. Những khuất tất đằng sau quyết định khởi tố

- Bài báo viết “Sau khi hết hạn hợp đồng, thay vì hai bên phải tái ký hợp đồng thuê nhà nhưng vợ chồng Hải - Tân đã thỏa thuận làm gia hạn hợp đồng với bà Thủy để cho thuê tiếp 3 năm”. Có lẽ tác giả bài báo không biết rằng hệ thống pháp luật VN hiện hành không hề có quy định hết hạn hợp đồng thì phải ký lại hợp đồng mà không có quyền gia hạn hợp đồng; gia hạn hay ký tiếp hợp đồng mới là quyền tự định đoạt của các bên trong giao dịch dân sự, pháp luật không can thiệp bằng biện pháp hành chính (Xem Bộ Luật Dân Sự).

- Tác giả bài báo viết tiếp: “Cơ quan CSĐT CAQ3 đã nhiều lần mời Nguyễn Văn Hải lên làm việc nhưng y cố tình lẩn trốn”. Có lẽ tác giả nên đọc lại Từ Điển tiếng Việt và Bộ Luật Tố Tụng Hình Sự, Luật Cư trú để hiểu rõ định nghĩa các khái niệm “mời”, “trốn” là như thế nào.

Mời thì phải tỏ thái độ tôn trọng, lịch sự (nếu không muốn nói là cầu xin) đối với người được mời, và chấp nhận lời mời hay không là quyền của người được mời, mời mà kèm theo đe dọa, “mời nhưng không đi là không được” thì không phải là “mời” theo đúng nghĩa tiếng Việt, đúng theo phong tục tập quán của người Việt; mà là “mời” theo tiếng lóng của giới xã hội đen (“Rượu “mời” không uống muốn uống rượu phạt”), nói theo từ chuyên môn của pháp luật có nghĩa là bắt cóc, bắt người trái pháp luật.

Trường hợp vụ án đã khởi tố, cơ quan điều tra có quyền sử dụng giấy triệu tập theo đúng quy định của Bộ Luật Tố Tụng Hình Sự, có quyền áp giải nếu đương sự không chấp hành giấy triệu tập. Ở đây, ông Nguyễn Văn Hải chưa hề nhận được giấy triệu tập của cơ quan điều tra để làm việc về vụ án trốn thuế lần nào.

Luật cư trú (có hiệu lực từ ngày 1/7/2007) quy định công dân Việt Nam có quyền cư trú bất cứ nơi đâu trong phạm vi lãnh thổ nước CHXHCN Việt Nam (trừ khu vực cấm) mà không cần phải xin phép tạm vắng ở nơi thường trú. Do đó, ông Hải có quyền đi bất cứ nơi đâu mình muốn, không thể nói là “lẫn trốn” được.

- Ai cũng biết rằng Hiến pháp Việt Nam quy định “Không ai bị coi là có tội và phải chịu hình phạt khi chưa có bản án kết tội của Toà án đã có hiệu lực pháp luật” (Điều 72), ông Nguyễn Văn Hải mới bị bắt ngày 19/4/2008, ngày 22/4/2008 báo Công an Thành phố HCM đã đăng bài với tít: “Khởi tố kẻ trốn thuế cho thuê nhà”, cố ý dùng những đại từ miệt thị, khinh thường như “kẻ”, “y” (“y cố tình lẩn trốn”) để gọi ông Nguyễn Văn Hải, tự cho mình cái quyền đứng trên pháp luật là kết tội công dân thay cho Tòa án (“Đây là bài học đắt giá cho những kẻ cố tình gian lận hòng trốn thuế của nhà nước”).

Tôi tự hỏi không biết tác giả Xuân Hồng muốn nói đến “bài học” nào? “Bài học” cho ông Nguyễn Văn Hải - bà Dương Thị Tân, “bài học” cho Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát quận 3, hay “bài học” cho những ai làm báo mà lại tự mình phô bày sự hụt hẫng của mình ra cho bàn dân thiên hạ thấy cái sự thiếu trong sáng, thiếu văn hóa báo chí, thiếu kiến thức xã hội lẫn thiếu kiến thức pháp luật???

- Cần lưu ý là số tiền người thuê trả cho người chủ nhà là trả theo tháng, không phải trả một lần hết giá trị hợp đồng nên nếu nộp thuế thì cũng nộp theo tháng, mỗi tháng không nộp là mỗi lần vi phạm, và số tiền vi phạm là số thuế phải nộp trong tháng đó. Nhưng ở đây cơ quan điều tra đã cộng gộp làm một cục để nâng tổng số tiền thuế lên thành con số thật to, nhằm hợp lý hóa việc áp dụng Điều 161 Bộ Luật Hình sự trái pháp luật là nhằm động cơ, mục đích gì???

 

Viết đến đây tự dưng tôi nhớ đến câu chuyện đời xưa, chuyện kể rằng anh em nhà kia có mảnh vườn do ông bà để lại rất màu mỡ trồng táo, di chúc chỉ để sản xuất hoa màu, không được bán. Thằng em mỗi ngày đi qua khu vườn táo đều hái một quả táo to ăn trước mặt thằng anh mà hắn không nói gì. Một ngày kia, thằng anh lén cắt đất vườn bán cho lão hàng xóm giàu có, bị thằng em phát hiện phản đối. Thằng anh bèn làm đơn tố cáo lên quan trên: “Trong 10 năm nay, nó công nhiên chiếm đoạt của tôi hết 1 tấn quả táo”. Quan trên mới ngủ, dậy mắt nhắm mắt mở, chỉ đọc được mấy chữ “1 tấn quả táo” thấy số lượng quá nhiều, bèn hạ lệnh bắt bỏ ngục thằng em.

Tạ Phong Tần

26-04-2008
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn