BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73392)
(Xem: 62246)
(Xem: 39435)
(Xem: 31178)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Chống tự diễn biến

12 Tháng Ba 201212:00 SA(Xem: 1138)
Chống tự diễn biến
50Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
00
Vươn mình lên khỏi mặt đất, cây cỏ đâm chồi, nẩy lộc.

Ra khỏi lòng Mẹ, con người dấn thân vào vô số suy nghĩ, vô số hành động. Từ đó, con người trưởng thành…

Sống đồng nghĩa với vận động. Vận động chính là sự phô diễn đời sống trong cõi dương gian. Tuy nhiên vận động không hề là, không thể là một đường thẳng trơn tuột không biến cố, không trở ngại. Đứng trước mỗi bế tắc của dòng đời, con người cần phô diễn đời sống bằng cách đưa ra những ứng biến hợp lý. Đó là chân ý nghĩa của nhóm chữ “tự diễn biến”.

Khi một người ăn phải thực phẩm độc hại, lập tức người này nôn mửa để tống xuất thực phẩm kia ra khỏi cơ thể. Như vậy là người bị ngộ độc đã tự diễn biến về mặt sinh lý.

Khi một người bị kẻ khác dùng gian mưu để chiếm đoạt tài sản. Người này học lấy kinh nghiệm đau đớn kia và lòng tự dặn lòng sẽ sống cẩn thận hơn và khôn ngoan hơn. Như vậy là nạn nhân của vụ lường gạt đã tự diễn biến về mặt tâm lý.

Tự diễn biến và đời người gắn bó với nhau như hai lá phổi gắn bó với khí trời. Thế nhưng, mới đây đảng CSVN lại kêu gọi người dân, đặc biệt là giới đảng viên hãy sống hùng sống mạnh nhưng cấm “tự diễn biến”. Câu chuyện chống tự diễn biến như sau:



Ngày 03/08/2009, bằng một bài viết đăng trên báo Nhân Dân điện tử, ông Tô Huy Rứa, ủy viên Bộ Chính Trị, bí thư Trung Ương Đảng, trưởng ban Tuyên Giáo Trung Ương đã nêu bật chủ trương rằng: “ Cần chủ động phòng chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” và đấu tranh chống các quan điểm sai trái, bác bỏ các luận điệu tuyên truyền phản động, làm thất bại âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình”, gây bạo loạn, lật đổ, hình thành lực lượng đối lập của các thế lực thù địch”

Những trình bày của ông trưởng ban tư tưởng đảng rất lòng vòng, rất lơ mơ. Trong cái lòng vòng và lo mơ kia, dư luận đều hiểu rằng ông Tô Huy Rứa đang cố gắng chống lại ba điều diễn biến trong nội bộ đảng CSVN:

-Diễn biến một là loại bỏ chế độ độc tài, tham ô và bán nước. Bán nước đến độ thà mất nước chứ không mất đảng”.

-Diễn biến hai là từ bỏ luận điệu chấp nhận làm nô lệ cho Trung Quốc với lý do “Trong chiến tranh trước 1975, “ta” nợ Trung Quốc quá nhiều”. Nợ ở đây chỉ là CS Việt nợ CS Tàu. Món nợ kia không thể xóa tan quyết tâm của nhân dân Việt Nam: quyết tâm chống Trung Quốc xâm lược, quyết tâm bảo vệ lãnh thổ của Cha Ông

-Diễn biến ba là xây dựng chế độ dân chủ đa nguyên đi kèm với giáo dục nhân bản, nhân chủ như là phương pháp luận hữu hiệu nhất trong việc thực hiện diễn biến một và hai.

Điều đáng quan tâm là thay vì chỉa mũi dùi vào “Âm mưu diễn biến hòa bình của thế lực thù địch” như thường lệ, lần này, Tô Huy Rứa đã đặc biệt nói tới hiểm họa “Chuyển biến nội bộ”. Điều này cho thấy: Ngày nay, nội bộ đảng CSVN đang có những đảng viên tự diễn biến theo ba diễn biến kể trên. Trào lưu tự diễn biến kia xuất phát từ thái độ bất bình của một số đảng viên lão thành đối với lãnh đạo đảng về tham ô, về bauxite, về phản ứng yếu hèn của Hà Nội trước hành động xâm lược một cách trịch thượng của Bắc Kinh. Nhằm thuyết phục đảng viên CSVN hãy ngưng ngay mọi ý định tự diễn biến, hãy tiếp tục ngoan ngoãn sống dưới quyền thống trị của đảng và ách đô hộ của Trung Quốc, Tô Huy Rứa trình bày hai luận cứ:

Về đối nội và đối ngoại: Tô Huy Rứa nhận định: “Bối cảnh quốc tế và trong nước diễn biến phong phú, khẩn trương và phức tạp”…

Tô Huy Rứa tiếp tục nhận định bâng quơ: “Xu hướng cạnh tranh giữa các nước, nhất là các nước lớn sẽ ngày càng gay gắt, quyết liệt hơn, đặc biệt trên địa bàn chiến lược, trong đó có biển Đông”.

Sau cùng ông trưởng ban tư tưởng đảng kết luận: “Tình hình mới đó sẽ tác động nhiều mặt đối với nước ta, cả tích cực và tiêu cực trong thời gian tới”

Đặc biệt trong toàn bộ bài tham luận dài một cách dị thường của Tô Huy Rứa, người đọc không hề nhìn thấy bóng dáng của “các nước XHCN anh em” cũng như hình ảnh hách dịch của “Trung Quốc vĩ đại”

 Về phương pháp luận dành cho công tác chống tự diễn biến:

Tự diễn biến không có nghĩa là muốn biến theo hướng nào cũng được. Có hai hướng diễn biến căn bản: Một là lội ngược dòng lịch sử. Đây là hướng tự sát. Hai là biến đúng theo hướng phát triển của lịch sử. Đây là hướng giúp cho đất nước thăng hoa, toàn dân hạnh phúc. Đảng CSVN, qua Tô Huy Rứa, chống tự diễn biến có nghĩa là đảng muốn toàn đảng và toàn dân chấp nhân đi theo hướng biến do đảng chỉ đạo. Hướng đó là hướng nào? Tô Huy Rứa căn cứ vào Mác-Lenin và tư tưởng Hồ Chí Minh để trả lời rằng: “Tiếp tục làm sáng tỏ nhận thức, quan niệm về CNXH, con đường đi lên CNXH của nước ta”.

Không cần phải lý luận dông dài, mọi người đều thừa biết: Bám lấy Mác Lenin tức là bám lấy duy vật sử quan. Sử quan duy vật bao giờ cũng lớn tiếng xác định: giai cấp vô sản phải toàn thắng. Thực tế ở Việt Nam đã cho thấy phe vô sản càng ngày càng đông, càng đói rách-kiệt quệ. Phe vô sản đại bại. Đảng CSVN nhờ lợi dụng chiêu bài vô sản đã trở thành phe đại gia. Trong xã hội Việt Nam ngày nay, chỉ có phe đại gia là phe đại thắng. Thắng ở đây thắng theo kiểu kẻ cướp thắng khổ chủ.

Hình ảnh những anh đại gia nghênh ngang trong cảnh sống đế vương nhưng miệng vẫn ê a Marx Hồ, tay vẫn cầm lấy Duy Vật sử quan là hoạt cảnh tố cáo rằng: từ lâu CSVN đã ném Duy Vật sử quan vào thùng rác, và rằng “Tiến Lên CNXH” chỉ là một khẩu hiệu làm cho ra vẻ CSVN ngày nay vẫn là một chánh đảng đi theo đường lối Marx Lenin, chứ không là một băng đảng Mafia. Trong thực tế CSVN vừa cấm đảng viên và quần chúng không được tự diễn biến, vừa độc quyền dẫn đạo xã hội diễn biến theo cung cách của giới hoạt động chính trị không sử quan, giới đi biển không hải bàn. Không hải bàn đồng nghĩa với lạc đường lịch sử, lội ngược dòng lịch sử.

Rõ ràng là: bằng vào bài viết ngày 03/08/2009, Tô Huy Rứa, nhân danh đảng CSVN, đã đòi hỏi toàn đảng, toàn dân phải đi theo con đường diễn biến do đảng độc quyền dẫn đạo. Thế nhưng, quan điểm “huề vốn” về tình hình quốc nội và quốc tế, cộng với sự việc quái tượng tư tưởng Marx-Hồ vẫn được viện dẫn như kim chỉ Nam của công tác dẫn đạo tư tưởng đã biến đảng CSVN trở thành giới lãnh đạo mắt mù, tư tưởng trống rỗng nhưng lòng tham quyền và tham tiền thì vô hạn. Đối diện với tình huống vừa trình bày đảng viên tiến bộ và quần chúng Việt Nam không thể không dành lấy quyền tự diễn biến.

Một trong những qui luật trọng tâm của Dịch Học là luật phản phục. Trong âm có ẩn phục dương, trong thịnh có ẩn phục suy, trong hạnh phúc có ẩn phục đau khổ. Trong “Lội ngược dòng lịch sử” có ẩn phục lực điều chỉnh lịch sử, buộc xã hội phải vận hành đúng hướng tiến của lịch sử. Lực điều chỉnh lịch sử kia chính là lực tự diễn biến. Những điều vừa trình bày nhằm minh chứng: Tự diễn biến là phản ứng xuất phát từ quy luật phản phục của Dịch Học. Quy luật triết học bao giờ cũng có tính khách quan và khoa học. Quy luật triết học xảy diễn bất chấp con người muốn hay không muốn. Như vậy Tô Huy Rứa cùng với đảng CSVN không cách chi dập tắt trào lưu tự diễn biến. Nói đúng hơn tự diễn biến sẽ khuất phục đảng CSVN. Quy luật triết học không là công cụ bói toán. Vì vậy quy luật triết học không thể xác định ngày giờ chế độ Hà Nội gục ngã. Thế nhưng quy luật triết học mạnh mẽ xác định: tự-diễn-biến chắc chắn sẽ đẩy đảng CSVN vào hố cáo chung./.

 

Đỗ Thái Nhiên

Posted in Uncategorized | Leave a comment


NHẠC SĨ NHẬT NGÂN VÀ HỒN NƯỚCPosted on March 11, 2012 by dothainhien

NHẠC SĨ NHẬT NGÂN VÀ HỒN NƯỚC

Đỗ Thái Nhiên

Thông thường, quan hệ giữa chữ và nghĩa là quan hệ thống nhất. Chữ nào thì nghĩa đó. Tuy nhiên trong một số trường hợp đặc biệt, chữ và nghĩa lại rơi vào tình huống tuy gần mà xa, tuy xa nhưng cũng rất gần. Mỗi lần phải đối diện với trạng thái xa xa gần gần vừa kể, con người tỏ ra vô cùng bối rối trong việc sử dụng ngôn ngữ để trao đổi tư tưởng. Người phương Tây giải quyết bối rối kia bằng kiểu nói xoáy vào trọng tâm của sự việc: nói duy lý. Thế nhưng duy lý làm cho nghĩa của chữ trở nên khô cứng và bó hẹp. Người phương Đông giải quyết bối rối kia bằng kiểu nói tượng. Nói tượng là phương pháp diễn đạt tư tưởng không bằng một số ngôn từ trực tiếp mà bằng cả một câu chuyện, một dòng âm thanh, một chuỗi màu sắc… “Người nghe” tiếp nhận những vui buồn trong câu chuyện, những nhanh chậm trong âm thanh, những sáng tối trong màu sắc… sẽ cảm nghiệm được những gì “người nói” muốn phô diễn. Ở vào trường hợp nói tượng được du nhập vào thế giới ca nhạc, chúng ta có những bài hát tượng. Bây giờ, kính mời bạn đọc thưởng thức một bài hát tượng của nhạc sĩ Nhật Ngân.

I.- Hát tượng.

Yêu quê hương là tình cảm tự nhiên của mỗi người. Sau thời gian sống ly hương, không ai không muốn quay về. Quay về để thăm lại bè bạn cũ, người yêu xưa. Quay về để được đi đứng cười nói trong một thành phố đầy ắp kỷ niệm tuổi học trò. Thế nhưng, đối với Nhật Ngân, ngày nay trên quê hương Việt Nam, “… em ở xa quá xa… bạn trôi nổi khắp nơi… đâu còn ai nơi đó…” :

“Vẫn biết em ở xa quá xa, vẫn biết em chẳng còn nơi đó, nhưng sao tôi vẫn muốn quay về thăm Đà Nẵng một thời yêu thương.

 Vẫn biết bạn nổi trôi khắp nơi, vẫn biết đâu còn ai nơi đó, nhưng sao tôi vẫn muốn quay về, thăm thành phố một trời yêu thương.

 Ôi Đà Nẵng, Đà Nẵng của tôi ơi! Nơi cho tôi những mơ mộng đầu đời. Nơi cho tôi hạnh phúc tình lên ngôi, Phan Châu Trinh đón đưa chiều tan trường, ai nỡ đành vội vàng sang sông.

 Ôi Đà Nẵng, Đà Nẵng của tôi ơi, mưa rơi rơi ướt bao chiều kỷ niệm, em thơ ngây Hồng Đức của tôi ơi! Đôi môi xinh biết bây giờ phương nào, nay có còn nụ cười năm xưa?

 Tuy cách xa mà đâu thấy xa, trong trái tim tình tôi vẫn đó, nơi phương xa tôi vẫn mơ về, ôi Đà Nẵng một trời yêu thương.”

 (Vẫn Mơ Về Đà Nẳng. Nhạc và lời: Nhật Ngân)

II.- Gỉai thích tượng.

Như vậy, quay về chỉ là quay về với quê hương trống rỗng. Do đâu quê hương trở thành trống rỗng? Trả lời câu hỏi vừa nêu chúng ta không thể không nhắc tới những vết hằn của xã hội Việt Nam cuối thế kỷ 20, đầu thế kỷ 21. Những vết hằn kia là tác hại của hai đại họa.

_ Đại họa kinh tế:

Từ 1975* đến 1990 do chính sách cai trị hà khắc và nghèo nàn văn hóa, đảng CSViệt Nam đã đẩy kinh tế Việt Nam xuống đáy của nghèo đói. Kinh tế Việt Nam trong giai đoạn này có tên là “kinh tế bo bo”. Bo bo thay lúa gạo là sự kiện đương nhiên và bình thường. Chén cơm trắng xuất hiện trên bàn ăn là sự kiện bất bình thường, là dấu hiệu của tư sản, có thể bị “đảng” đánh.

Từ 1990 cho đến ngày nay (2012), CSViệt Nam quyết định từ bỏ kinh tế CS, chạy theo kinh tế thị trường. Nhờ vậy kinh tế Việt Nam được quốc tế nhìn nhận là “phát triển với tốc độ cao”.

Tuy nhiên, mức độ thịnh suy của một nền kinh tế không thể được xác định một cách đơn giản bằng những con số trên giấy tờ. Muốn biết kinh tế của một quốc gia thịnh hay suy, “người quan sát” phải nhìn vào cái áo người dân mặc, chén cơm người dân ăn, nhà thương người dân chữa bệnh, trường học người dân thọ giáo. Người dân ở đây phải là nông dân: 90% dân số Việt Nam theo nghề nông. Những điều “nhìn vào” vừa nêu xác nhận: Việt Nam là một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới. Lợi nhuận có được do kinh tế phát triển đều trở thành tài sản riêng của “đảng tư sản đỏ”. Người dân vẫn tiếp tục nghèo đói, tiếp tục ngụp lặn trong đại họa kinh tế.

_ Đại họa văn hóa: từ 1975* đến 1990, CSViệt Nam tôn xưng văn hóa Marx Lenine là “văn hóa mới”. Nhà cầm quyền Hà Nội triệt tiêu văn hóa dân tộc, buộc văn hóa dân tộc phải nhường ngôi cho “văn hóa mới”. Hàng triệu người dân không ai được tự xưng là hoặc được gọi là “Bác”. Chỉ có ông Hồ mới là “Bác”. Chú công an 18 tuổi nói chuyện với ông cụ 80 tuổi, vẫn xưng “anh anh tôi tôi” một cách rất “văn minh” Mọi nghi thức thờ tự, cúng giỗ đều bị đồng hóa với mê tín dị đoan. Đám cưới gọi là “lễ tuyên hôn” do đảng chủ trì, cha mẹ đôi bên có mặt hay vắng mặt không thành vấn đề. Văn học nghệ thuật của miền Nam trước 1975 bị kết án là đồi trụy. CSViệt Nam tìm đủ mọi phương cách giúp cho văn học nghệ thuật của “văn hóa mới” được mở rộng và bay cao với điều kiện là những cao và rộng kia không được phép vượt ra ngoài cái lồng chim của tư tưởng “Như có Bác Hồ trong ngày vui giải phóng”! “Văn hóa mới” dành hai chữ lao động cho riêng những người đốn gỗ trên rừng, đào đất ngoài ruộng. Nhóm chữ “lao động trí thức” chỉ là một thuật ngữ rỗng tuếch, vô nghĩa. Vì vậy, đối với giới văn nghệ sĩ, CSViệt Nam tùy nghi: nay quyết trói, mai cởi trói. Giữa trói và không trói là tiếng thơ nửa như bông đùa, nửa như phẩn hận:

“Đù mẹ cây bông!

Mày không lao động !

Đéo cho mày trổ bông!”

( Thơ Nguyễn Đức Sơn – Sao Trên Rừng )

Đầu thập niên 1990 do nhu cầu phải đầu hàng kinh tế thị trường tự do để sống còn, CSViệt Nam không còn nói tới “văn hóa mới” nữa. Thay vì trở về với văn hóa dân tộc, đạo đức dân tộc, CSViệt Nam đã di chuyển từ “văn hóa mới” qua “văn hóa cướp nhà, cướp đất của nhân dân”, “văn hóa bằng giả”, “văn hóa tham ô, nhũng lạm đằng sau tấm bảng bí mật quốc gia”, “văn hóa lường gạt là khôn ngoan, lương hảo là dại khờ”…

Đại họa kinh tế và đại họa văn hóa đã làm cho đời sống nhân dân trở nên cực kỳ nghèo khó. Nghèo cơm áo. Nghèo đạo đức. Nghèo tình người. Nghèo tự do dân chủ. Người đời thường nói “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu” nhưng “đồng nghèo triệt để và toàn diện” kiểu nhân dân Việt Nam ngày nay, quê hương trở nên trống rỗng, con người trở nên vô cảm. Thế nào là vô cảm? Bùi Giáng diễn tả thế giới vô cảm bằng hai câu thơ, lời lẽ rất nhẹ nhàng nhưng hàm chứa cả một tâm tình tan nát trước cảnh “người Việt đói” quay lưng lại với “người Việt rách” :

“Những tưởng đầu đường thương xó chợ,

Ai ngờ xó chợ chẳng thương nhau.”

(Bùi Giáng)

Không muốn nghĩ tới nỗi buồn xó chợ, Nhật Ngân cất tiếng hát:

“Vẫn biết em ở xa quá xa, vẫn biết em chẳng còn nơi đó…

 … Vẫn biết bạn nổi trôi khắp nơi, vẫn biết đâu còn ai nơi đó…”

Tại sao biết trước là “quay về” sẽ phải đối diện với cô đơn nhưng Nhật Ngân vẫn quyết tâm quay về? Đi tìm nguyên nhân “quay về” tức là đi tìm mối quan hệ giữa quê hương và cá nhân của mỗi người dân. Quê hương là một thực thể được ra đời do sự kết hợp của ba thành tố:

_ Thành tố tự nhiên của quê hương bao gồm: đất, nước, núi, sông, mưa nắng, lúa gạo, hoa quả…

_ Thành tố tư tưởng của quê hương hàm chứa bên trong hình tượng Rồng Tiên, đạo đức truyền thống, ca dao, tục ngữ, phong tục tập quán, lịch sử dựng nước và giữ nước…

_ Thành tố xã hội của quê hương thể hiện bằng đường xá, cầu cống, phố thị, quan hệ giữa nhà cầm quyền và quần chúng, tinh thần xã thôn tự trị, ý thức về công lý, tính linh động trong ngôn ngữ, phong cách pha chế ẩm thực…

Ba thành tố nêu trên thường hằng quấn quyện vào nhau cả về tinh thần lẩn thể chất, nương vào nhau để cùng tồn tại, nương vào nhau để tạo thành quê hương Việt Nam. Từ tổ tiên, ông bà, cha mẹ đến cá nhân mỗi chúng ta không ai là không được sanh ra, được nuôi dưỡng và giáo dục bởi ba thành tố tạo thành quê hương. Mỗi người là một tổng hợp của tự nhiên, tư tưởng, xã hội. Mỗi người là một chi thể của quê hương lớn. Mỗi người là một quê hương nhỏ. Quan hệ giữa quê hương lớn và quê hương nhỏ là quan hệ song phương xoay chiều trên cả hai mặt tâm hồn lẫn thể xác. Sự thể này giải thích sức cuốn hút của quê mẹ đối với con dân. Sức cuốn hút kia chính là Hồn Nước. Hồn nước là cội nguồn tâm lý của thái độ quay về. Hồn Nước là gốc rễ của cảm hứng để Nhật Ngân chuyển thành lời nhạc:

“Tuy cách xa mà đâu thấy xa. Trong trái tim tình tôi vẫn đó…”

 (Vẫn Mơ Về Đà Nẵng – Nhật Ngân)

“Tuy cách xa mà đâu thấy xa”, tuy nhiên, quay về với quê mẹ, lòng vẫn thấy ấm hơn. Thế nhưng lòng chưa kịp ấm, tim đã đau nhói trước tình huống “xó chợ chẳng thương nhau”. Nhật Ngân đã tự chữa bệnh nhức tim do tác động của vô cảm bằng cách mơ về một quá khứ xa xăm, trong đó tình người, tình đồng bào xôn xao cùng với nắng ấm:

Ôi Đà Nẵng, Đà Nẵng của tôi ơi! nơi cho tôi những mơ mộng đầu đời. Nơi cho tôi hạnh phúc tình lên ngôi. Phan Châu Trinh đón đưa chiều tan trường, ai nỡ đành vội vàng sang sông.

 Ôi Đà Nẵng, Đà Nẵng của tôi ơi, mưa rơi rơi ướt bao chiều kỷ niệm, em thơ ngây Hồng Đức của tôi ơi! đôi môi xinh biết bây giờ phương nào, nay có còn nụ cười năm xưa?”

 ( Vẫn Mơ Về Đà Nẵng _ Nhật Ngân )

Quá khứ là “nụ cười năm xưa”. Hiện tại là đôi mắt vô cảm ở “xó chợ”. Vậy thì tương lai sẽ đi về đâu? Chân lý hằng cửu đã khẳng định:Tĩnh là ổn định. Động là bất ổn định. Động bao giờ cũng tìm về tĩnh. Giông bão bao giờ cũng trở về với mưa thuận gió hòa. Vô cảm sẽ phải tìm lại tin yêu. Tin yêu chỉ có thể nẩy mầm và phát triển trên miếng đất công bằng và ổn định. Biến tư tưởng công bằng và ổn định thành sinh hoạt hiện thực của xã hội chính là nổ lực làm cho tự do dân chủ phải thăng hoa trên quê mẹ. Hồn nước hối thúc muôn dân về với quê mẹ không phải chỉ để muôn dân nhìn nhau trong vô cảm. Do đó, trong tận cùng của tâm tình “quay về” là ươc mơ nồng cháy dành cho một Việt Nam tự do dân chủ. Đó là trọn vẹn nội dung tinh tế mà nhạc sĩ Nhật Ngân muốn bộc bạch bằng kiểu hát tượng trong câu chuyện “Vẫn Mơ Về Đà Nẵng” vậy.

Đỗ Thái Nhiên

11-03-2012

Theo Blog Đỗ Thái Nhiên

* GHI CHÚ: Bài viết này chọn thời điểm 1975 vì đây là mốc thời gian ghi nhận CSViệt Nam thống trị toàn lãnh thổ Việt Nam. Tội ác của CSViệt Nam khởi đi từ 1945 chứ không phải 1975.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn