BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73311)
(Xem: 62230)
(Xem: 39417)
(Xem: 31162)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Cách Gì Để Quên

12 Tháng Ba 201212:00 SA(Xem: 1465)
Cách Gì Để Quên
50Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
00

 Anh! Bốn mươi năm, thời gian dài của đời, của những chuyện để quên, để nhớ -Như chuyện tình chúng mình - Ngày tháng đong đưa, mái tóc cũng vắng dần những sợi đen nghĩa là đã khá đủ để quên, như nhiều người vẫn nói - Hãy quên đi quá khứ để nghĩ tới tương lai - Em cũng là người được thường xuyên nhắc nhở, khuyên nhủ - Quên đi, đoạn tuyệt để mà đi tới, hoặc tha thiết dịu dàng như lời mẹ em nói, lúc người sắp từ giã các con để về cõi khác.


NG-T-ĐH

 ***


 - Hà, mẹ thương con hơn hết thảy trong tất cả chị em các con, mẹ đặt thật nhiều, nhiều vô cùng tận, tình yêu của mẹ cho con, bởi vì con đã âm thầm, ủ ê, mãi với hình bóng nó (ý mẹ nói về anh đấy) Mấy chục năm rồi, có ít gì đâu, sao con vẫn níu kéo với những nhọc nhằn đau khổ vào lòng như vậy - Nó đi biết bấy nhiêu năm, không ai nhìn thấy, chẳng ai gặp một lần, vậy thì nhất định là nó đã không còn nữa - Nếu còn sống, cách gì nó lại bỏ hết tất cả, không đoái hoài? - Mẹ thấy con vò võ với những hình ảnh cũ, những dằn vặt của dĩ vãng để rồi chịu khổ một mình, mẹ xót xa quá - Nay mẹ cũng sắp đi rồi, luật của Trời như thế - Các em con đã yên phận với đời sống riêng của chúng, mẹ an tâm. Riêng con, hôm nay mẹ nói những lời cuối cùng: Quên đi con ạ, cố mà quên để lo cho mình con nhé - Con cứ giữ mãi như thế này thì mẹ có đi cũng chẳng siêu thoát được!".

 - Mẹ ơi! Con có nhớ gì đâu - Chuyện của con và người ta chỉ là những kỷ niệm vụn thuở học trò, toàn là các trò chơi lẩm cẩm chứ có gì đâu mẹ - Người ta có đời riêng, con cũng vậy - Mẹ thấy đấy, các cháu của mẹ đang lớn từng ngày, học giỏi nữa - Và với chồng, con cũng chu toàn bổn phận, lo lắng mọi việc ổn thoả - Mẹ nghĩ coi, nếu có gì thì gia đình con làm sao có được cuộc sống như bây giờ? - Mẹ đừng nói nhiều mệt, để con lấy nước mẹ uống nhé!

 - Không, con ngồi yên, mẹ chưa nói hết - Mọi người đều biết và thấy như vậy, con đang có phước, đang hưởng hạnh phúc, nhưng con ơi! Mẹ là mẹ của con mà - Nỗi niềm của con mẹ thấu hiểu hết - Những giờ của sớm mai, những ngày trời chợt đổi thay, mẹ đã nhìn thấy việc con làm và có thể biết con nghĩ gì - Cái cột xe buýt kia nó còn đó, thì con làm sao nói đã quên với mẹ được.

 Em không thể hứa với mẹ là quên hết, bỏ lại phía sau quá khứ, để chăm chút cho hiện tại và tương lai an biết không? Em chỉ có thể nói với mẹ là: "Con cố gắng, mẹ dạy thì con phải nghe" - Nhưng thật lòng, em đang nói dối mẹ, thâm tâm mình đang dóng lên tiếng gào thét: "Mày ngoa ngôn, lừa mẹ, dối mình - Mày đang giữ chặt trong lòng, ôm cứng lấy cuồng si dĩ vãng để nâng niu, để hiu hắt với những bình minh se lạnh, để xót xa với những hoàng hôn cô quạnh - Mày có phải là đã thật sự tuân theo những di ngôn của mẹ đâu" - Em đã khóc đấy anh ạ, khóc thương mẹ, khóc cho em vì không thể dứt khoát và em cũng khóc cho anh nữa, khóc cho anh có phần nhiều hơn đấy anh.

 Nói cho đúng thì em đã quên đấy chứ, quên thật sự cuộc tình chúng mình, rũ bỏ tất cả những mật ngọt, những tự tình cho nhau, nồng nàn, âu yếm đã xưa cũ, đã rã mục ngay từ lúc anh bặt tin, không một lần đoái hoài, đâu phải đợi mọi người nhắc nhở, đâu phải để đến ngày lâm chung mẹ dặn dò, khuyên nhủ trong hơi thở sương khói, với bàn tay tái lạnh đặt hờ trên tay em - Phải, vì thế em mới quên được tất cả những gì mình cho nhau - Em quên anh để mà sống, chuyện tình yêu giữa anh và em - Em quả quyết gạt bỏ và đã quên nó thật nhanh.

 Để em nghĩ coi, thời gian là bao lâu thì em không còn nghĩ đến những lời nói, những nụ hôn nồng trong vòng tay quấn chặt! Mất khoảng chừng năm hay sáu tháng gì đó - Như thế là khá nhanh đấy chứ đối với tình yêu đầu của một nữ sinh phải không? - Sau những ngày từ thể xác đến tâm hồn trống rỗng, nhẹ tênh với những bước đi chao đảo từ nhà đến trường. Trong tâm tưởng luôn có bóng đen vây chặt, dìm em xuống với nỗi hận. Nhưng sau đấy thì em quyết lòng là phải quên anh, có gì đâu mà phải cay đắng với chính mình, phải giam nhốt mình trong những hờn giận với ước mơ bỗng trở thành uổng ước - Những đứa bạn em, những đứa em trong gia đình đã thôi không "tội nghiệp" và cũng đã hớn hở đón nhận sự trở về của nụ cười trên môi em và lại cùng nhau nối những bước chân chim di, lách tách trên lề đường, trên những con phố vắng sau giờ học.

 Ngày tháng lần lượt qua đi, một năm, rồi hai ba năm anh vẫn bặt tăm, chẳng hề một lần quay lại chốn xưa! Quên mối tình đầu thì em quên thật rồi - Sự phụ bạc đã hiển nhiên, chẳng còn gì để biện bạch, để vời vẫy - Nhưng anh ơi! Nói là quên thì đúng, mà sao em vẫn thắc mắc, hoài nghi về sự "vắng mặt" của anh. Có điều gì lạ lùng, đột nhiên mất dạng. Giả như anh chỉ là một người bình thường, một công chức, một giáo sư, hoặc nói cho đúng hơn anh cũng như tất cả những người đàn ông khác, thì tâm tư em đã không bị đẩy đưa vào nỗi băn khoăn và có cái gì giả trá với chính mình - Bởi lẽ anh là lính, người lính của trận mạc, người lính từng giờ, từng ngày luôn luôn đi dưới bom đạn, gian khổ, hiểm nguy và tàn nhẫn - Em đã dấu diếm tất cả, từ mẹ, các em, bạn bè, nỗi ưu tư này và có chăng chỉ cái cột xe buýt trước hiên nhà, cái ghế dựa em đặt ngay cửa, em vẫn ngồi lúc bình minh, ít nhất cũng nửa giờ sau đó mới đi học. Hai vật vô tri đó dường như đã có linh giác và nhận hiểu được nỗi âm u của hồn em - Quên nữa, em cũng cần nói thêm để anh biết một thói quen mà em cho là vớ vẩn, chẳng giống ai, nhưng em cũng vẫn cứ tự buộc mình vào với nó - Thói quen nảy sinh từ lúc anh đi biệt - Hàng năm, cứ đến ngày lần đầu tiên anh đứng tựa lưng nơi cột xe buýt, đột nhiên anh bước về phía cửa nhà em, nói thật nhỏ: "Đi học đi em, có lẽ trễ giờ rồi đấy" - Bàng hoàng và em cảm thấy luống cuống, nín bặt không biết nói gì để trả lời, em vội vàng rời ghế, chạy vụt vào trong với tay lấy chiếc cặp da và dắt xe đạp ra để đến trường - Lúc ra cửa thì vẫn là anh, người lính với bộ đồ trận giống như Nhảy Dù, nhưng nón đội trên đầu không phải vì màu của nón là nâu đậm, lạ hoắc đối với em lúc đó.

 Anh biết không, hôm đó sau lúc đạp xe đi được một khoảng đường khá xa, em định thần bình tĩnh trở lại, liếc nhìn đồng hồ trên tay mới tá hỏa, nếu anh không nhắc, em đã bị trễ giờ học ; cô giám thị sẽ bắt đứng ngoài không được vào lớp và tự nhiên em thấy bực tức với anh và thấy anh xí xọn, vô duyên, đáng ghét - Khi không xía vô chuyện đi học, giờ giấc của người ta. Suốt buổi học hôm ấy, em chẳng nghe được lời thày dạy - Môn Hóa học ghi chép đầy những trang giấy, nhưng hoàn toàn do vô thức, có hiểu gì dâu - Trong óc, tai vẫn đang còn lùng bùng với câu nói của anh. Đuổi mãi nó vẫn không chịu bỏ đi, tức muốn chết anh ạ! Các bạn em có lẽ nhìn thấy bộ mặt khó ưa của em, bèn suy diễn này nọ và hè nhau chọc ghẹo - Có đứa thô bỉ như con nhỏ Duyên, ghé tai con Nguyệt nói thầm, nhưng lại cố ý để âm thanh dội vào tai em: "Ê mày, con Hà đêm qua đái dầm, má nó chửi quá chừng, các em nó cười chị Hai gần chết luôn" - Em nín không được bỗng dưng quạu vô cớ: "Hai con chó ! Bộ mày ngủ dưới gầm giường tao hay sao? Tao có đái vào người mày không?"

 Nguyệt đã dịu dàng với em:

 - Hà! Mày quạu chi vậy, Duyên nó thấy mày hơi khác mọi bữa, nên chọc cho vui thôi mà, giận làm cho cho mệt. Có gì nói cho tụi tao nghe với, có thể bàn với mày được không?

 - Có gì đâu, tao thiếu ngủ, để tao yên.

 Và, cho đến hết giờ học, ra về, em cũng vẫn cứ thấy khó chịu vì câu nhắc nhở của anh - Nhưng cũng là lúc em chợt hiểu ra bóng dáng người lính mũ nâu đã gần một tháng rồi, cách hai ngày lại đến ngay cột xe buýt trước nhà em, đứng dựa lưng vào đó chờ tự bao giờ, đang xâm lấn vào hồn và khỏa lấp mọi ý nghĩ của em về những việc khác - Bao nhiêu là câu hỏi - Bao nhiêu là đoán chừng và người lính nơi cột xe buýt, quanh quẩn trong đầu - Về đến nhà, em vội vàng thảy cái cặp sách lên bàn, thay vội áo dài, chẳng kịp rửa mặt. Em gọi con bé Ngân, đứa em kế nóivới nó:

 - Sáng mai, hễ thấy thằng cha lính rằn ri đứng dựa cột ô tô buýt cửa nhà mình, Ngân đuổi chả đi chỗ khác cho chị nha - Bực mình quá!

 Ngân tròn mắt ngạc nhiên:

 - Chi lạ dữ vậy chị Hai, người ta chờ xe mắc mớ gì mà đuổi họ - Bị tát tai không chừng đó chị - Mà sao chị làm gì kỳ cục thế - Người ta có làm gì mình không đã - Quyền gì để đuổi khách chờ xe buýt? Lạ không? Chị ra mà đuổi người ta.

 - Tao nhờ có nhiêu đó mày không dám làm há mày? - Bữa nay chị vô lý ghê nơi, đi học về cái mặt quạu đeo rồi nói năng lạng quạng không giống ai - Bộ thằng cha dở trò cà chớn với chị hả chị Hai?

 - Không phải, thằng chả không làm gì bậy hết á! nhưng vô duyên ghê nơi đó mày.

 - Xí! vô duyên là sao? Khi không bà nói người ta vô duyên? Chắc bữa nay chị Hai của tôi ấm đầu quá!

 - Không vô duyên, mà mày biết không; sáng nay tao tập thể dục xong, tao ngồi nghỉ trên ghế ngoài hàng ba, thằng chả đang đứng chờ xe buýt, tự dưng quay ngoắt lại, nói tao trễ giờ rồi đi học đi - Làm như chả căn giờ tao mỗi ngày đó mày!

 - Thiệt tình em không hiểu chị Hai ra sao? - Người ta có ý tốt với mình, hổng cám ơn thì thôi mà còn bày dặt quặu - Có ngon, sáng mai chị ra cám ơn hoặc đuổi chả đi - Ổng là Biệt động quân đó! Ngầu lắm nha - Như vậy là không chừng thương rồi à nhe!

 - Ê, nói sảng nghe em, mắc mớ gì mà có chữ "thương" ở đây mày. Mà sao em biết ổng là Biệt động quân?

 - Có gì khó đâu? Bộ chỉ có mình chị để ý ổng hay sao hai bữa một lần, sáng sớm em đã thấy ổng đứng dựa nghiêng vai trên cột xe buýt rồi. Còn điều này nữa chắc chị hổng thấy, ổng bị thương ở vai hay sao đó - Mỗi lần lên xe buýt em thấy ông ta dùng tay trái, níu cửa để bước lên, còn tay mặt thì bị quấn băng trắng, có sợi giây cột, đeo vòng lên cần cổ.

 - Ủa, như vậy là ông ấy bị thương, sao chị không thấy kìa?

 - Bà thấy sao được mà thấy - Tướng tá ổng được quá nên bị mà con mắt rồi, hoảng hồn, hoảng vía, tim nhảy loi choi thì còn nhìn thấy gì nữa.

 Em mắc cở, giả bộ nạt con bé Ngân:

 - Nín mày! nói bậy nữa chị vả miệng đó!

 - Hứ! Thích thấy mồ còn giả ngộ - Em méc Ba à nhe!

 Sau đó nó chạy xuống lầu ào ào.

 Anh - Những ngày sau đó, dường như có sức mạnh nào ở trong tim óc, thúc dục em hãy ra cửa để coi có thấy anh đứng chờ xe trước hiên nhà không? - Em cố cưỡng lại, óc em cứ quanh quẩn với những ý tưởng vu vơ - Anh ở đâu - Tại sao anh lại để ý giờ em đi học. Chưa hết anh ạ, em còn tự khoác lên dáng đứng của anh bên cây cột sắt vẻ cô đơn, lạc lõng - Những ngày sau đó, kể từ bữa anh hắc giợ em có lúc đã len lén núp sau cửa sổ trên lầu (vì em sợ ba má, con bé Ngân biết) nên cứ phải giả bộ lau mấy cái song cửa để dõi mắt đợi bước chân anh đến trên hè phố ! Rồi em cũng được như ý - Qua đến sáng thứ ba của những buổi "lau cửa sổ", em nhìn thấy anh đang từ xa, phía ngã tư Bảy Hiền, đi những bước chân không vội, nhưng có vẻ cứng, ngượng của những người lính. Em để mắt theo anh đến gần cửa nhà. Anh tệ thật, không hề nhìn vào cửa, thản nhiên, thản nhiên đứng đấy quay lưng trong lúc em hồi hộp, sợ vớ vẩn: "nhỡ anh nhìn lên thấy em đang nấp sau cửa sổ thì sao" - Em trở lại việc chuẩn bị cho buổi học với những ấm ức trong lòng: "Người gì mà thấy ghét, đứng im như tượng, không nhìn ngang, chẳng quay nghiêng - Càng dễ ghét hơn là lúc em dắt xe ra ngay sau lưng anh, cố ý gây tiếng động của sợi xích xe. Anh nhất định vẫn không quay lại - Đồ nhà quê, em nghĩ thế và tức anh ghê nơi, tự nhiên đến nói với người ta một câu lãng xẹt rồi nín luôn tới bữa nay - Thật đáng ghét!

 Thời gian kéo dài đâu chừng một tuần lễ, lúc thì ngày nào anh cũng đứng ở đấy, khi thì hai hoặc ba ngày mới lại thấy anh - Thật ra với tuổi em lúc đó, sự tò mò thúc dục em "theo dõi" anh nhiều, chưa hẳn là những dấu hiệu của tình yêu. Nhận thấy anh có vẻ kỳ quái hơn mọi người. Nếu nói về lính thì đâu thiếu gì - Ngày, giờ nào cũng có những người lính đi tới đi lui trên đường phố, vả lại anh biết đấy, vùng ngã ba Ông Tạ có lẽ lính nhiều hơn dân, gia đình nào mà chả có, hơn nữa bộ đồ rằn ri mà anh mặc thì nhiều vô kể, nhưng họ là Nhảy Dù, không phải binh chủng của anh - Anh là một người lạc lõng ở nơi đó, sự lạc lõng của anh đã khiến em "lưu ý" tới anh vậy thôi.

 Anh ơi! nếu nói người ta bị ràng buộc bởi định mệnh chắc có lẽ đúng anh ạ! Chuyện chúng mình đã đến với nhau bằng những bất ngờ, trớ trêu của định mệnh - Dù có tò mò, có ấm ức do cái vẻ kỳ lạ của anh, nhưng em vẫn yên bình với bài vở, vẫn vui thú với các em khi ở nhà và nhởn nhơ với bạn bè nơi sân trường. Ác nghiệt thật! Anh đến với em như một cơn gió lốc. Em còn nhớ hôm ấy là trưa thứ năm, ngày 16 tháng 9-1965. Em vừa về đến nhà, còn đang loay hoay gỡ vạt áo dài gài nơi phía sau xe đạp, thì anh xuất hiện - Từ trên xe jeep bước xuống, anh đi thẳng tới chỗ em đứng (rất may lúc đó trong nhà em không có ai) đưa cho em miếng giấy (không có bao thơ) gấp nhỏ: "Hà, cho anh gởi, em cầm lấy và đọc sau nhé" - Em cuống lên, sợ muốn hụt hơi, ba má hay mấy đứa bé nhìn thất thì em chết chứ còn gì nữa - Phản ứng tự nhiên em xòe tay nắm vội mảnh giấy, cúi đầu lấy sức đẩy mạnh chiếc xe đạp lên thềm nhà. Lúc định thần quay lại thì xe jeep đã mang anh đi rồi. Em lại phải giả vờ mở cặp đựng sách tìm cái gì và bỏ vội thư anh vào - Cũng từ giờ phút này, em cảm thấy mình hấp tấp, vội thay áo dài. Chẳng kịp rửa mặt, em đi thẳng lên lầu, mở cửa phòng học của em, Ngân và bé Hoàng để đọc thư anh: "Hà, anh xin em cho anh buổi sáng - Ngày mai 17-9-65, anh đợi em ở cửa nhà hành Thanh Bạch, từ 7 giờ đến 10 giờ, vì sáng thứ bảy anh phải về đơn vị - Xe đã đến để chờ chở anh trở lại với đơn vị, với đồng đội - Em đến nhé! Hà đừng để anh uổng công đợi - Anh".

 Đúng là chuyện từ trên trời rơi xuống, khi không viết thư hẹn ngang xương. Biết làm sao bây giờ! Em suy nghĩ mãi, đã quen anh đâu! Chưa hề nói với anh một lời, làm sao có thể đến nơi anh đợi được? Mà sao lại có cả chuyện anh biết cả tên em nữa, thắc mắc này kéo theo sự tò mò hối thúc, khiến em quyết định :"Hãy cứ tới, miễn mình chủ động thì có gì phải ngại" - Nguyên do chính đẩy em sẽ tới nơi hẹn là: "Sáng thứ bảy, anh phải về đơn vị rồi !".

 Những tháng thấp thỏm, mong ngóng. Những sớm mai không có anh đứng đợi, dáng nghiêng bên cột xe buýt, đã mấy tháng em rơi vào tâm trạng đứng ngồi không yên - Mong anh về để được cho nhau vònng tay ôm xiết, gởi trên môi nụ hôn nồng và cũng có cả những âu lo ngổn ngang trong đầu - Anh lại ra trận nữa, biết có an toàn hay không? Anh biết không, kể từ lần đầu đến với anh ở nơi hẹn để rồi nghe anh nói, nhìn anh tư lự ngồi đưa tầm mắt xa ngoài đường phố, em cảm thấy thương anh vô cùng - Có lẽ em đã chấp nhận tình yêu giữa hai người, đến với nhau trong nỗi ngu ngơ của tình đầu - Và đón nơi anh những ân tình, những thủ thỉ mật ngọt, cuồng si trong nhau bằng tất cả mê đắm.......

 Trung bình, cách khoảng ba hay bốn tháng thì anh lại về thành phố, về với em một ngày, có khi chỉ được vài giờ bên nhau. Người ta chỉ cho anh "tạt" qua nhà, chứ không phải là phép. Khoảng thời gian ngắn ngủi ấy, chẳng đủ đền những nhung nhớ dằn vặt dằng dặt - Đưa nhau đi qua những phố vắng, quán thưa người, chân cố cho bước đi chậm và ngắn lại, nhưng đường cũng chẳng dài thêm và đồng hồ cũng chẳng cho được phút giây ân sủng nào.

 Anh! Những tưởng cuộc tình rồi sẽ mãi mãi là trăng sáng, là hoa ngát mùi hương, dù trong cái cuồng say ấy, nỗi sợ hãi, nguồn âo lo luôn luôn đeo theo từng ý nghĩ, đến cả trong khuya vắng nó có mặt bên giấc ngủ chập chờn - Em cứ hỏi mình: "Tình yêu này lỡ một ngày nào đó vụn vỡ như bong bóng nước mưa - Và một ngày nào đó anh không về nữa thì em sẽ ra sao nhỉ - Xua đuổi mây đen đi, bóng tối lại kéo đến vùi lấp em trong đó - Cố lãng xa nó mà không được anh a! Nỗi sợ hãi chiến tranh mang anh đi, bỏ em ở lại, khủng khiếp quá anh ơi!!!"......

Nó đã đến, ngày anh đi biệt, chẳng đoái hoài, không đến cả một lời hay một bộ điệu tàn nhẫn dành cho em cũng không có - Anh đã bặt tin....


* * *


 - Chị Hà, xin chị cho phép tôi được thưa chuyện với chị một việc có ít nhiều liên quan đến chị đã khá lâu! Chị cho phép?

 - Vâng, xin mời anh ngồi, uống nước đã - Chuyện quan trọng không ? sao lại có tôi trong đó? À, mà xin lỗi, sao anh biết tên tôi nhỉ?

 - Chị tha lỗi, rất mong chị bỏ qua cho tột đường đột nhé! Tôi sẽ trình bày nguyên do tôi biết chị - Thưa, tôi là Dũng, bạn của Thuận, Biệt Động Quân - Chị còn nhớ anh Thuận chứ ạ? Một lần nữa xin được tha thứ. Tôi ở cùng một "lán" trong cùng một trại tù cộng sản với anh Thuận BĐQ - Lẽ ra tôi không được phép làm phiền chị như thế này - Nhưng tất cả mọi lời nói của tôi hôm nay, hy vọng là sẽ giải tỏa được những nghi ngờ, những oan khiên mà mấy chục năm, anh Thuận phải đeo mang - Cũng như hôm nay, sau buổi gặp chị, những gì tôi tường trình với chị, sẽ giúp cho linh hồn Thuận được siêu thoát. - Hà kêu khẽ:

 -Trời! Thuần chết hả anh, bao lâu rồi, tại sao vậy?

 -Theo tôi nhớ thì Thuần chết đến nay vừa đúng 24 năm - Vâng, Thuần bị xử bắn ngày 20 tháng 01- 1976 trong trại giam cộng sản - Anh ấy có lẽ là người đầu tiên bị cộng sản đem ra xử tử, trong lúc họ gọi chúng tôi là "học tập cải tạo".

 Dũng chậm rãi lấy từ trong túi áo jacket tấm hình bằng cỡ bàn tay, đã cũ, vàng ố, đưa cho Hà:

 - Vì tấm ảnh này và câu chuyện Thuần đã nói cho nghe, nên tôi đã cố công tìm chị suốt bốn năm nay, ngay sau lúc đến định cư tại tiểu bang này, với hy vọng được trao tấm hình này cho chị và cũng xin ccho phép tôi được kể lại chuyện mà bạn tôi nhờ chị ạ!

 Hà đón tấm hình từ bàn tay Dũng: Cô nữ sinh đang ngồi học bài dưới ánh đèn, mái tóc buông nghiêng - Dù hình đã cũ, đã úa, nhưng vẫn còn nét đẹp - Hà nhìn hơi lâu lên mặt mình. Sau đó úp tấm ảnh lên mặt bàn, Hà nhẩm đọc những con chữ nhỏ viết đầy lưng ảnh: "Hà, em sẽ chẳng bai giờ tha thứ cho anh tội bội bạc, nhưng cũng đành vậy. Bởi "Ước mơ thành người Quang Trung" như ý em gởi trong cuốn sách đã tặng anh. Đã gãy rồi em, con chim bay lên chỗ mơ ước đã bị bắn rơi - Anh đã tàn - Chân trái bị đạn - Vô dụng Hà ơi ! Vĩnh biệt nhé - Thôi anh đành nghiến răng để chịu đau....

 Hà không tự chủ được nữa, dòng nước mắt đang rơi từng giọt lên mặt bàn, lên tấm hình.....

 ....Dũng im lặng, cầm lon Coke lạnh hờ hững nơi tay, mắt nhìn hoang ra cửa, xa một chút là con suối giả, đang để cho dòng ước bò quanh hòn đá cũ.... Dũng cũng đang nhìn thấy cái đầu nát bấy của Thuần - biến dạng đến khó có thể nhận diện - Hai lỗ phá toang hoác ngay nơi gò má trái, viên thứ hai quậy nát sống mũi, còn là một khoảng thịt bầy nhầy, xương và máu - Lỗ phá thứ ba - Phát súng ân huệ - Thủ tục cuối cùng dành cho tử tù - Tuy nhỏ hơn, nhưng nó đi ngược từ lồ tai phải lên chỏm đầu, cất đi mảng xương sọ - Oùc trắng, tóc đen, máu đỏ quấn quýt lấy nhau, nằm nhoe nhoét trên lỗ phá của đầu.....

 Hà đã lau nhẹ nước mắt, quay nhìn Dũng nói:

 - Thưa anh, thật ra anh Thuần và tôi quen và yêu nhau cũng chẳng được bao lâu - Mọi chuyện đều phát xuất từ anh ấy - Lúc đó tôi đang đi học mà - Mười bảy tuổi, tôi đã biết gì đâu anh - ngu và nhát nữa. Hai người đến với nhau cũng như tình cờ, rồi lúc chia lìa cũng đột ngột - Lần sau chót anh ấy về thăm Sàigòn, thăm tôi. Lúc hết phép ra đi anh ấy còn dặn: - Em ráng học cho giỏi nha -Nếu đậu Tú tài năm nay (năm đó tôi đang học Đệ nhị ban C) - Anh về sẽ tặng em món quà đẹp và mình sẽ dong chơi đủ một tuần - Nhưng tháng này tiếp qua tháng khác, cứ biền biệt ở đâu ấy - Anh Thuần đã chẳng về mà tuyệt nhiên không có một lời nhắn hay vài chữ gửi Bưu điện - Và tôi đã thi rớt năm đó. Dẫu sao tôi cũng cảm thấy mình bị coi thường, bị xem nhẹ - Vừa tức, tuyệt vọng chờ tin - Nản lòng, tôi đã bỏ học, khóc với ba má mà xin nghỉ. Với cha mẹ tôi, bỏ học là một tội bất hiếu, nhưng đành cúi chịu - Tôi không muốn học nữa - Đến bây giờ gặp anh, tôi thoáng biết chút ít thôi - Xin anh có thể tiếp tục kể lại dùm tôi những điều anh Thuần đã cậy nhờ anh.

 - Vâng, tôi nghĩ là sẽ nói và một lần nói cho hết. Thật ra, trước ngày vào trại tập trung của cộng sản, tôi chỉ quen với Thuần, nhưng chưa được anh ấy xếp vào hàng tri kỷ, vì lẽ tôi không cùng đơn vị, không cùng binh chủng, nhưng doanh trại thì lại đóng sát hàng rào nhau, cách bởi ba vòng kẽm gai concertina chồng lên nhau - Thuần là Biệt động quân, tôi thuộc binh chủng pháo binh, do đó chúng tôi thường gặp nhau trong các cuộc họp hành quân, các lần nói chuyện vớui nhau trên tần số máy truyền tin khi đơn vị Thuần cần chúng tôi bắn yểm trợ đạn pháo - Ngoài ra những ngày không hành quân, nghỉ tại trại, Thuận và tôi cũng gặp nhau ở quán cơm - Cả cái tỉnh lỵ hiu quạnh có mỗi một nhà hàng bán nhiều thứ, cơm, hủ tiếu, đồ nhậu v...v... - Độc thân, gồm cả lính và quan thường tới để ăn hai bữa, nhậu vui với nhau - Chúng tôi hay ngồi chung bàn, ăn thì riêng của mỗi người - Thỉnh thoảng cũng có nán ngồi lại uống ly cà phê, cả hai chúng tôi không biết và cũng không tập nhậu - Mỗi lần uống cà phê sau bữa ăn, Thuận hay nói : "Ở lại một lát đã anh Dũng, về trại giờ này sao thấy nó hiu hắt quá, bốn bề cao su vây phủ. Anh không hiểu sao, riêng tôi thì thấy mình cô tịch quá!"- Được ít lâu, chừng tám hay mười tháng gì đó, cả hai đơn vị chúng tôi đi hành quân chung trong vùng rừng rậm, đồi cát, giáp ranh của hai quân khu III và II chiến thuật. Trong một cuộc chạm súng cũng không mạnh lắm, vì địch ít, Biệt Động Quân xua tụi VC chạy tuốt vào sâu mãi trong rừng già phía Tây. Nhưng tin báo trên máy có một sĩ quan Đại Đội Trưởng bị thương, đạn bắn bể xương bánh chè đầu gối trái - Và, khoảng 4 giờ chiều tôi được biết sĩ quan bị thương là Thuận.

 Những ngày Thuận trị thương ở quân y viện, tôi cũng không có dịp đi thăm, vì chiến sự ngày càng tăng mạnh, Pháo binh phải hành quân liên tục, để yểm trợ đạn pháo cho các đơn vị bạn, theo yêu cầu - Lâu ngày không gặp, phần lu bu, tôi cũng quên mất Thuận, đúng ra không còn giờ để nhớ, thậm chí đến cả quán cơm cũng không ghé, vì anh em binh sĩ làm bếp giùm cho mình ăn. Thỉnh thoảng chợt nhớ ra, tôi cứ yên trí là Thuận đã nhàn tản rồi, sẽ không phải lặn lội ngày lại ngày theo các cuộc hành quân như đồng đội - Có thể anh giải ngũ rồi không chừng. Thời gian dài đâu chừng một năm, đột nhiên Thuận trở lại đơn vị, bây giờ chân thấp, chân cao, cẳng trái đơ đơ, có vẻ khó khăn mỗi lần bước tới. Lẽ ra tôi cũng không biết Thuận trở lại đơn vị cũ - Nhưng ngay sau thủ tục trình diện, Thuận qua bên trại tôi thăm và mừng gặp lại bằng một bữa cơm gà quay tại nhà hàng quen thuộc. Lúc ăn Thuận buồn lắm, nếu không muốn nói là những thất vọng, chán chường hằn trên mặt. Thuận cho tôi biết anh xin được phục vụ tại đơn vị gốc, dù vết thương đầu gối khiến anh mất khả năng tác chiến. Anh được ưu tiên chọn nơi làm việc hoặc có thể xin giải ngũ và Thuận bảo rằng anh không xin ra khỏi quân đội vì thấy đời đã gắn chặt với quân đội - Không được xông pha đây đó, tham dự cùng đồng đội trong những cuộc hành quân lùng, diệt địch là nỗi buồn lớn. Thuận thở dài:

 - Anh Dũng nghĩ coi, bạn bè, anh em, họ như những con mãnh sư, nay đuổi, mai truy kẻ thù chỗ này, chỗ kia, còn mình vò võ ngày qua ngày với cái phòng bé tí, cái bàn làm việc bề bộn giấy má - Tôi bây giờ cáo chỉ huy cho làm Ban I/Liên đoàn. Thật đáng chán vô cùng, không gian chỉ còn bấy nhiêu đó. Tôi đã phải an ủi Thuận: - Quân đột thì kẻ ở hậu cứ, người ở ngoài, anh cũng đang phục vụ chứ có ở không đâu - Việc của anh hiện tại coi vậy chứ quan trọng lắm đó Thuận.

 - Dĩ nhiên là mình cuĩng làm việc, nhưng anh em, bằng hữu nó vọt lên hết, mình đứng yên, ở hoài một chỗ, sao tôi thấy cuồng chân quá!

 Sau đó vài tháng thì tôi được thăng cấp đặc cách, nhờ kết quả thắng lớn của các đơn vị hành quân trong đó có tôi góp sức nên cũng được hưởng công - Gắn cấp bậc mới xong, tôi được điều động đi nơi khác, thànnh lập đơn vị pháo binh mới theo nhu cầu quân đội - Thuận và tôi mất liên lạc, cho đến ngày cộng sản chiếm trọn miền Nam của chúng ta. Tôi đến trình diện bọn quỷ sứ ma vương theo lệnh của lũ quân quản, để được đi "học tập cải tạo" tại trường Tabert, tình cờ lúc ngồi ở gốc cây, đợi khai sơ yếu lý lịch lại gặp ngay Thuận cũng đến ngồi chung - Dĩ nhiên trong nỗi đau nhục khốn cùng, trong những ngày đê mạt ấy, Thuận với tôi thân nhau khăng khít và đã trơ? Thành tri kỷ từ đó. May mắn là từ ngày đầu tiên cho đến ngày Thuận bị chịu khổ nạn hành hình, chúng tôi đã sống cạnh nhau - Ngủ chung một mùng, vì Thuận đến trại tù chỉ có một cái túi vải nhẹ tênh, bên trong là mấy bộ quần áo và dụng cụ dùng cho vệ sinh cá nhân - Thuận nói với anh em: "ĐM tụi nó, trước sau gì cũng đọa đầy mình cho chết, mà chết đểu, chết mòn mỏi - chết đi từng centimet trong cơ thể - Do đó tôi nghĩ thà tôi tự làm tôi chết - Nằm cho muỗi chích cũng là một cách để chết".

 Chúng tôi làm sao để bạn mình nằm co thân nơi nền đất cho muỗi bu, tôi dứt khoát bắt Thuận phải ngủ cùng mùng, đắp chung một chăn - Tôi nói với Thuận:

 - Cách gì chúng mình cần phải khỏe mạnh, phải giữ mạng sống để về với gia đình.

 - Anh nên nhớ giùm tôi điều này nghe Dũng, từ cái giờ phút bọn CS chiếm được Sàigòn, thì tôi coi là mình đã chết - Tôi đã nhất định không về nhà, chị tôi đã nhắn chú lính thương tôi như anh đến gặp, báo tin mẹ, anh, em của tôi đã thoát được từ ngay mấy hôm trước, chỉ còn lại bà chị Hai vì đợi chồng, đợi con cùng đánh giặc ở xa nên kẹt ở lại - Vậy thì tôi thảnh thơi rồi, lo gì nữa - Quân đội mạnh như cuồng phong, như vậy mà thua thì mình có đáng gì nữa - Tôi nghĩ mình chả còn điều gì đắn đo, gìn giữ - Kệ cha tụi nó, sống được bao nhiêu hay bấy nhiêu - Nhưng tôi khác với anh à nhe anh Dũng! Mỗi người có một hoàn cảnh riêng. * * * Như tất Cả mọi buổi sáng, đúng 5 giờ, không gian còn mờ đục - Tiếng kẻng báo thức được đánh lên thân một quả bom câm bằng cái dùi sắt - Tiếng rền bò xoài theo từng ốc cao su vào tận trong sâu hút của rừng, rồi lại dội về, âm u như chuông báo tử - Dũng nghĩ vậy, như tất cả các anh em tù cộng sản khác, mệt, bệnh cỡ nào khi nghe tiếng kẻng báo thức đều phải bỏ mùng, tung chăn, xếp hàng hai đi ra cửa cho mấy tên bộ đội gác tù đếm đầu, điểm danh - Vệ sinh, ăn sáng sau. Dũng xếp gọn túi đeo bằng vải của Thuận để trên đầu nằm, sắp rơi xuống đất - Nỗi buồn chợt ùa tràn trí óc. Thuận đã bị giam hơn bốn tháng rồi - Bống tháng dài đăng đẳng bị hạ ngục chỉ vì một lá thư viết lén gởi ra ngoài, với hy vọng thư về được đến tay người chị thân yêu, mong ngóng ngày về của em mình.

 Tiếng loa từ văn phòng cái gọi là Ban chỉ huy trại cải tạo Long Giao, đang đọc một lệnh khẩn:

 -"Tất cả các cải tạo viên chú ý, đây là lệnh khẩn trương của trại - Tất cả các anh hôm nay được nghỉ lao động, nhanh chóng tập họp tại hội trường của trại, K nào ngồi theo K đó - Tất cả phải tuân theo nghiêm lệnh của các đồng chí quản giáo và các anh "nhà phó" sẽ lo điều hành, riêng các anh "nhà trưởng" sẽ theo đồnng chí Mùi, cán bộ trực trại lên tập trung tại hội trường của K.6, lúc 7 giờ 30 là phải xong. Tất cả các cải tạo viên khẩn trương tập trung tại hội trường trại. Đề nghị các đồng chí quản giáo xuống ngay các lán phụ trách để triển khai chi tiết công tác.

 Linh cảm có điều gì bất thường sẽ đến với số phận mình, nên các anh em đều lặng lẽ trở ra sân để tập họp - Có người đang ăn sáng cũng vội bỏ miếng khoai mì luộc vào túi áo - Từ phía dãy nhà bên cạnh bỗng nổi lên có tiếng nói to:

 -Tao cá với mày tụi mình sẽ được tha, ở hơn một năm rồi, tiến bộ rồi, lao động tốt rồi thì cho về chứ, cách mạng giữ lại làm gì?

 - Ê, thằng tây đen ăn mắm tôm, hôm nay mày được về là cái chắc - Mày được về thẳng Mạc Đĩnh Chi nữa à nhe Hảo.

 - ĐM, nói chuyện với mấy cha nản quá - bàn ra không, nghe thối chí quá - Tôi hỏi mấy cha, vậy chử nuôi mình hao tốn quá, giữ làm đ. Gì, tha phứt cho rồi.

 - Im lặng, anh nào ồn ào sẽ bị nghiêm trị ngay - Tiếng viên quản giáo nói ngọng quát lên . Tôi nhắc lại, tất cả ác anh im lặng, tuyệt đối trật tự, không được bàn tán, chuyện riêng, chuyện công, cấm tuyệt đối - Muốn gì các anh phải có lệnh của cán bộ quản giáo - Khẩn trương tập trung lên hội trường - Không một ai được ở lại lán.

 Mọi người đã ngồi thành những hàng thẳng, không một tiếng nói dù rất nhỏ, hoàn toàn tĩnh lặng - Tất cả các quản giáo đã nhận xong báo cáo nhân số từ nhà phó của mỗi đội, an ninh chung quanh do các chú cảnh vệ phụ trách, những thiếu niên bộ đội mặt đanh lại, vẻ căng thẳng, nghiêm trọng - súng AK luôn chĩa thẳng mũi vào những anh em tù. Ngẫu nhiên, Hảo - người mà trước đó mấy phút vẫn yên trí hôm nay được về - ngồi kế bên Dũng theo hàng ngang, cách một lối đi, Dũng nhìn thấy nét mặt Hảo lộ vẻ hoang mang trước hiện trạng bí hiểm, trầm trọng. Hảo dùng ngón tay viết nhanh trên nền đất hội trường:"có biết gì sẽ tới? sao lạ quá" - Dũng lắc đầu, khẽ nhún vai. Sự im lặng ngộp thở phủ chụp cả hội trường, kể luôn cả cán cộng - Nhưng lần tập trung trước, bọn này thường hay đùa dỡn với nhau tuy không ồn ào , Sáng nay cũng trở thành những khuôn mặt ngáo.

 8 giờ 2 phút, không khí được pha loãng bằng sự xuất hiện của tên trại phó chính ủy - tên Hai Tần - người miền Nam, quê Tầm Vu (đám lá tối trời) Long An - Theo lời hắn nói về bản thân: "Thoát ly theo cách mạng đi kháng chiến lúc mới 12 tuổi, nhân một buổi đi chăn trâu, giác ngộ cách mạng - Theo lời dạy của "bác", đương sự đã dẫn hai con trâu của chủ vào khu (trong lá tối trời) để hiến tặng và xin được đi theo phục vụ "cách mạng". Kiên trì một lòng với "cách mạng" trong thời gian kháng chiến, được đảng dạy dỗ, nên đã có ngày hôm nay, được nâng lên hàng chính trị viên, trại phó cải tạo Long Giao.

 Tần nở nụ cười, như cái ngoác miệng của con cá mập, nói: - Chào các anh, đợi cũng lâu đấy nhỉ - Nào để tranh thủ - Tôi quán triệt các anh ngay sau đây - Các anh phải tuyệt đối chú ý những điều tôi sắp tuyên bố - Trưa, chiều hoặc tối nay, các anh sẽ còn đem ra sinh hoạt tổ để thảo luận rút kinh nghiệm - Tần nghiến răng, môi mím chặt: Như tất cả các anh đã biết, cách mạng đã thành công toàn diện. Đế quốc Mỹ đã thua, chế độ Ngụy đã tan tành - Các anh vì lòng "nhân đạo" của cách mạng, lượng khoan hồng của "đảng", nên đã được cho đi "học tập cải tạo", để mau chóng trở thành ngưòi "lương thiện", lúc đó được cho về với gia đình, tham gia vào đội ngũ lao động cùng với nhân dân ta anh hùng. Vậy mà, hắn ngừng nói, nhìn khắp lượt hội trường, ánh mắt loang loáng, sắc và nhanh như mắt chồn. Tia nhìn đậu lạo ở chỗ lá B.5 - lán của Dũng và Thuận. Thật chậm rãi, tên chính ủy đưa tia nhìn theo chiều dọc hàng người, từ người ngồi gần hắn nhất - hàng đầu- kéo dài tới chỗ Dũng ngồi - Hàng cuối - Đột nhiên tên chính ủy lớn tiếng:

 - Cách mạng đã dạy dỗ các anh, nuôi các anh, chỉ mong các anh ra sức mà cải tạo, cố công để sửa mình , nói chung, đa số các anh đã có tiến bộ tương đối. Thế nhưng, trong thành phần các anh vẫn còn một số ngoan cố, không chịu cải tạo, trây lười lao động - Ngấm ngầm cấu kết với nhau, có cả tay sai Mỹ Ngụy còn cài lại - Gián điệp địch đã chỉ huy những phần tử xấu, manh động phá rối, móc ngoặc với bên ngoài, để mong lật ngược trào lưu cách mạng - Những tên phản động nguy hiểm này đã lần lượt sa lưới "cách mạng". Ngưng một giây để lấy hơi, tên phó trại tù gằn giọng: - Các anh nên nhớ, "cách mạng" và "đảng" tuy khoan hồng độ lượng, nhưng rất kiên quyết tiêu trừ "tận gốc bốc tận ngọn" những mầm mống phản động, cấu kết với nhau manh tâm phản loạn. Tóm lại như thế này, hôm nay trại quyết định để các anh nghỉ lao động, trừ tố anh nuôi vẫn lo bữa ăn - Tất cả tập trung ở hội trường để nghe lát nữa đây, tòa án lưu động quân khu 7 sẽ xử một tên phản động, cực kỳ nguy hiểm. Nếu cách mạng không chặn kịp thời, tên phản động đó đã cùng đồng bọn quấy phá cách mạng rồi không chừng, đó là tên ngụy Lê đức Thuận, ở lán B5 - đã bị các đồng chí cảnh giác bắt được tài liệu móc nối với tàn dư bên ngoài, để âm mưu nổi loạn.

 Tên chính ủy Tần quay người vẫy tên quản giáo B5 gọi :" Đồng chí Nơ lại bảo" - Tên Nơ bước sát đến bên cạnh Tần, hai mái đầu chụm nhau thì thầm - sau đó tên Nơ lớn tiếng:

 -Ngay bây giờ, đồng chí Tần sẽ về K6 dự phiên tòa xử tên phản động Lê đức Thuận. Các anh có ý kiến thắc mắc gì không, đạo đạt nhanh chóng, đồng chí sẽ quán triệt cho thông?

 Hội trường lặng ngắt, mọi người nghe được tiếng thở của nhau, tất cả cúi đầu như một cử chỉ truy niệm. Dũng nghe được tiếng đập gấp gáp của tim mình - Máu đang dồn căng cứng lên đầu, dọc hai bên thái dương. Cảm giác bóng đen đang che chắn tầm nhìn, Dũng cố nhướng để liếc qua bên trái, anh bắt gặp khuôn mặt Hảo mét xanh và dường như đều khắp, tất cả đang chới với, bơi trong bất ngờ.

 Thật tình, việc Thuận bị bắt giam nhốt trong ống cống, với tội danh lén lút gởi thơ ra ngoài, bị an ninh chìm của trại chặn bắt được - Ai cũng cho là việc này sẽ phải xảy ra như một đòn dằn mặt, để Thuận khiếp sợ và khuất phục - Anh em đã dự đoán việc Thuận phải trả giá, vì ngay từ những ngày đầu, anh đã tỏ rõ sự ngang bướng - muốn là nói văng mạng, khiến mọi người cũng ê càng. Lao động thì Thuận hay nại cớ đầu gối đau, do vết thương gây ra để không làm hoặc bỏ ngang công việc - Bị cảnh cáo, "kiểm điểm", cũng được chừng một tuần - Duy nhất một việc nếu có giao cho B5, là Thuận tìng nguyện xin đi - Công tác ra khỏi trại, vào rừng cao su vác cây khô về làm củi - Không được cắt cử, Thuận năn nỉ đội trưởng để có tên, hoặc đi thế cho người khác. Từ những chuyện ra ngoài, Thuận đã dấu lén viết thư gởi về, qua những người từ Saigòn, các nơi khác, đến trọ nhà dân trong vùng, với hy vọng được nhìn, hoặc biết tin thân nhân đang trong trại tù. Giờ phút này, cả cái trại tù lao cải này, mới biết cái giá sẽ trả của Thuận to lớn và nặng nề, chứ không là cảnh cáo, dằn mặt như họ đã suy diễn.

* * *

 Tiếng nói từ hệ thống âm thanh được thiết trí nối liền từ hội trường đến phòng xử án K6 vang lên:

 - Đây là Toà án quân sự đặc biệt lưu động quân khu 7. Hôm nay, về đây, trại học tập cải tạo Long Giao để xét xử vụ việc tên phản loạn ngụy quân Lê Đức Thuận, đã không chấp hành lệnh của cách mạng là học tập cải tạo, y đã ngoan cố âm mưu móc nối với tàn dư Mỹ Ngụy bên ngoài để chống phá cách mạng, để hy vọng thay đổi thực trạng - cố tìng đi ngược lại dòng thác cách mạng. Phiên toà quân sự đặc biệt quân khu 7 hôm nay do các đồng chí:

 Thiếu tá Nguyễn Trực - Chủ từ.

 Thượng úy Lê cảng Ngác - Ủy viên công tố.

 Các đồng chí Trung úy Nguyễn đại Duy, Thiếu úy Vũ Mùi - Phụ thẩm và tôi: Thượng úy Lê trọng Đang, thư ký toà.

 Bảo vệ an ninh toà do các đồng chí cảnh vệ trại K6 phụ trách.

 Toà bắt đầu họp - Các đồng chí cảnh vệ giải tên Lê đức Thuận ra trước toà để nghe xét xử.

 - Lê đức Thuận, hãy nghe cho rõ. Tuyệt đối cấm bị cáo không được phát biểu hay nói dài dòng về bất cứ vấn đề gì khi toà không cho phép. Bị cáo Thuận chỉ được trả lời : Có hay Không, Đúng hay Sai khi được toà hỏi. Bây giờ Thuận trả lời câu hỏi thứ nhất, mời đồng chí ủy viên công tố thẩm vấn bị cáo - Lê cảnh Ngác:

 - Tên anh là Lê đức Thuận, sinh năm 1942 ở Hà Nội đúng không?

 - Đúng, tôi tên như vừa đọc.

 - Anh đi lính ngụy trong đơn vị quân biệt động, cấp chức Thiếu tá, đúng không?

 - Hoàn toàn đúng.

 - Anh đi lính ngụy, tay sai cho Mỹ bao nhiêu năm?

 - Tôi là sĩ quan Quân Đội Việt Nam cộng Hoà, không làm tay sai.

 Rầm, tên chánh án Nguyễn Trực đập bàn:

 - Im ngay, anh chỉ được trả lời,không nói ra ngoài - Đi lính Ngụy bao nhiêu năm?

 - Mười hai năm, kể cả thời gian học.

 - Anh phạm tội gì với cách mạng biết không?

 - Không.

 - Anh làm mà không biết?

 - Tôi có làm gì đâu.

 - Đứng ở đây, trước toà án mà chưa chịu nhận tội, nếu anh thành khẩn, hối lỗi, nhận đi thì may ra còn được hưởng lượng khoan hồng của cách mạng...

 - Nhưng tôi không phạm tội gì cả - Tôi đã có hành động nào gọi là phản dộng đâu - Tôi cũng không trốn trại, do đó tôi nghĩ là mình vô tội.

 - Anh viết thư cho ai? Móc nối với tổ chức gián điệp nào bên ngoài để âm mưu phản loạn?

 - Làm gì có chuyện đó, tôi viết thư cho chị tôi mà thôi.

 - Nhất định là anh có ý đồ, móc nối, dự mưu trốn trại để làm loạn.

 - Tôi chưa hề có ý đồ đó!

 - Ai cho phép anh viết thư gửi ra ngoài? Tỏ chức nào? Bọn chúng là những tên nào, hôm nay, ngay bây giờ anh phải khai chúng ra cho đầy đủ, cho đúng, để còn được khoan hồng. -Thưa quý toà, giờ này, đứng ở đây, trước mặt quý toà, tôi xin lập lại lời khai của tôi đã khai với cán bộ chấp pháp của trại dòng dã khai thác hơn một tháng về vấn đề này - Tôi hoàn toàn làm một mình, viết thư cho người nhà, chị tôi - Nhất định là chưa có một tổ chức hay một người nào móc nối, liên lạc với tôi - Lời khai của tôi hết.

 Ngoan cố, tên này cực kỳ ngoan cố, phản động - Tên "chủ từ" phiên xử lại rít lên - Được, để xem bị can chối quanh như thế nào khi toà đã có đủ chứng cứ - Đồng chí thư ký toà hãy đọc thặt to, đoạn tên Thuận này chứng tỏ âm mưu làm loạn. - Thưa đồng chí chủ từ - Tên thượng úy thư ký toà cao giọng tiếp - Đây là những gì nói lên tội trạng của tên Thuận:

 .......Chị nói với mọi người, đừng bao giờ gả con gái cho bộ đội - đúng hơn là không bao giờ có con rể là cán bộ - Em xin chị hãy đổi họ tên của ba đứa con nhỏ của chị đi, đừng cho các cháu mang họ của ba nó - sẽ bị "ám", bị truy đuổi, rẻ khinh cho đến già, đến chết mà thôi, chẳng làm được việc gì đâu - Tốt nhất là tìm cách nào đi khỏi nước là đẹp nhất.....

 .......Em ở trong trại nhưng có nghe nói, còn một số bạn bè, đồng ngũ và những anh em lính của em họ còn ở ngoài, chưa bị giam nhốt ở các trại tập trung, chị thử cố gắng tìm hiểu xem họ đang ở đâu? đang làm gì - Nếu có kết quả tìm cách cho em biết nha chị.

 .......Chị Hai, chị phải kiên trì để dạy các cháu, đừng nản lòng, em của chị đâu dễ gì khuất phục, đầu gối em nó cứng đơn rồi, không qụy đâu - Một ngày nào đó ra khỏi nơi này, em nhất định không chịu khoanh tay ngồi yên đâu chị ..... - Thế nào anh Thuận? Lê trọng Đang hỏi: Đủ chứng cứ chưa? Còn chối quanh nữa không - Ngay bây giờ anh thú nhận vẫn còn kịp.

 - Thưa quý toà, tôi vẫn chẳng thấy mình phạm tội gì, nếu quý toà cho tôi cắt nghĩa để quý toà hiểu được ý tôi muốn viết trong những đoạn thư quý toà vừa đọc.

 Tên Thiếu tá Trực nói giọng ôn tồn:

 - Anh Thuận, anh không còn cơ hội nào nữa, cách mạng đã tạo cơ hội nhiều lần rồi, anh vẫn không nhận - Tính phản động - âm mưu nổi loạn đã ở trong máu rồi - Hôm nay, cách mạng cho lập phiên toà này để hỏi cho rõ tội trạng của anh và nếu trong lúc xử, hỏi cung, anh hối lỗi nhận tột thì hoặc may, nhưng anh còn phản động ngoan cố hơn, qua thái độ, kiểu dáng của anh. - Các đồng chí cảnh vệ, giải tội nhân vào phòng đợi - Toà nghỉ để nghị án. Đề nghị các đồng chí vào phòng họp kín.

* * *


 Thuần bị kết án tử hình vì tội danh phản loạn, âm mưu móc nối với gián điệp địch còn sót lại bên ngoài xã hội để hòng lật đổ cách mạng.......

 Sáu loạt súng AK nổ vang ngoài bãi cỏ trống ở ngoài bờ đai đất của trại - Vốn là một căn cứ quân sự cũ - Trong lúc bọn CS họp để nghị án thì chúng tôi gồm bốn người chơi thân với Thuận va ngủ gần nhau là : Ân, Trung, Dũng và Bảo được lệnh rời chỗ ngồi, theo cán bộ chấp pháp lên ban chỉ huy trại - Chúng tôi hồi hộp và ngộp thở, đầu gối muốc sụm trong lúc theo sau tên chấp pháp. Hú vía, chúng tôi được lệnh khiêng chiếc quan tài bằng gỗ mộc ra pháp trường - Tôi nghĩ: "Thôi, thế là hết, Thuận ơi! vĩnh biệt" - Cả bốn đứa khônng giữ được mà cùng khóc thành tiếng. Thằng Trung lớn giọng nhất - Mày ngu quá Thuận, chết yểu quá Thuận, mũi giãi chảy đầy cả ngực - May mắn hai thằng lính vác súng đi kèm cũng cứ để cho chúng tôi khóc thoả thuê. Chị Hà, đau đớn khi nhìn xác bạn treo trên cọc tử, trong tư thế Chúa Jesus bị đóng đinh - Cả thân mình phía trước không còn gì - Ước chừng 15 tới 20 lỗ đạn, xuyên phá, quậy nát người Thuận - Riêng cái đầu thì có còn gì đâu - Như tôi đã nói cho chị nghe lúc nãy. - Thuận là người chết đầu tiên của những sĩ quan VNCH đi cải tạo, sau đó là các sĩ quan trại khác như Hóc Môn, Suối Máu... những Quách Hồng Quang, Phạm Văn Bé, Thịnh.. mà kỳ lạ, họ toàn là quân nhân của Biệt Động Quân. Bạn tôi chết đi mà còn chưa yên, hôm 49 ngày của nó, ông thày chùa Thích Giác An, anh Hải (quên họ) trong lúc cắt cỏ tranh, họ đã ghé vào tảo mộ, thắp hương và tụng kinh cho Thuận, còn đang lúi húi bên mộ thì họng súng chĩa màng tang đem về trại để được thưởng thức treo ngược lên xà nhà đủ mười ngày và đánh cho gần chết.

* * *


 Anh!

 Anh chết như thế đấy, chị anh bị truy hỏi mấy tháng trời, đuổi đi kinh tế mới. Bạn anh bị hành hạ như thế đấy - Con người cư xử với con người như thế mà họ lại cứ luôn miệng rêu rao, kêu lên thê thiết: Thời gian lâu rồi, hãy quên tất cả đi để mà hoà thuận với nhau, để sống cho đẹp, để cùng mưu cầu cơm no áo ấm cho người khác - Thật lòng thì cũng có những cái nên quên đi để sống, như chuyện tình yêu của hai chúng mình - Em phải quên vì anh biệt tăm, biệt tích, chả lẽ lại cứ ôm lấy hình bóng nhạt nhòa, khinh miệt để cay đắng, hại mình? Quên mối tình mỏng như khói của hai người thì em quên lâu rồi (không quên làm sao lấy chồng được) - những kỷ niệm của anh thì em không thể quên, chẳng hạn như lần em trốn học lên tận nơi anh đang đóng, miền Đức Hoà, vừa tới chưa quá 10 phút thì anh được lệnh dẫn lính đi tìm giặc - Em đã khóc như một mất mát khủng khiếp của đời mình.

 Anh!

 Giờ này thì em đã hiểu sự "mất tích" của anh, biết rõ sự tàn bạo, man rợ của những người lấy mạng anh, thì em lại cành không thể dễ dàng QUÊN HẾT ĐI, để mà cùng nhau xây dựng - Dựng cái gì? Dựng mộ bia hả anh?! Lẽ ra phải dành cho anh vành khăn trắng trên mái tóc, nhưng thời gian tang chế đã mãn lâu rồi. Và, em viết những dòng này để nói với anh: Từ ngày anh "đi biệt không về", mỗi năm, đúng hôm nay em viết thư gửi anh như trước đây em đã viết - Xong, em xé bỏ - Hôm nay em vẫn giữ thói quen cũ, nhưng khác trước, viết xong em đốt, để ở đó, anh đọc nhé!- Sẵn đây em nhắc lại cho anh yên lòng - Ai kêu gào, ai bảo quên, kệ họ - Em vĩnh viễn không muốn nói chuyện - Lỡ chẳng may các con em có tỏ lời trách cứ hay thắc mắc, em sẽ nói với chúng nó:

 - "Các con ạ! Từ quá khứ đến bây giờ, tại quê hương mình, có nhiều dã thú, chồn cáo, làm sao người ta sống chung lẫn lộn vào được - Chúng nó cắn chết con ạ!"

25 tháng 6 năm 2006

NG-T-ĐH
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn