BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 78743)
(Xem: 63548)
(Xem: 41036)
(Xem: 32626)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Gặp Nhau Trong Muộn Màng

12 Tháng Ba 201212:00 SA(Xem: 1969)
Gặp Nhau Trong Muộn Màng
50Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
00
 Đời tôi có hai lần biệt xứ, lần thứ nhất vào năm 1954 sau khi cha tôi tử trận tại Điện-Biên-Phủ khi phục vụ trong binh đoàn Nhảy Dù, một lực lượng Việt-Nam đầu tiên tham chiến tại đây. Thế rồi trong những giây phút bàng hoàng, hốt hoảng, mẹ tôi đã dẫn tôi chạy theo lớp sóng người ùn ùn bỏ nhà cửa, ruộng vườn xuống tàu vào Nam trốn tránh làn sóng đỏ Cộng-Sản.

 Những ngày đầu tiên bỡ ngỡ tại miền Nam, mẹ con tôi đã theo gia đình ông bà Bá là người họ hàng bên Bố tôi, vốn giàu có khi ở miền Bắc, về sinh sống tại Mỹ-Tho. Ông bà đã mua được một ngôi nhà khá to lớn rộng rãi, khang trang cùng một gian hàng nho nhỏ tại chợ Mỹ-Tho và mở hàng làm bánh cuốn bán. Ngoài ra ông bà còn bán thêm những hàng đặc sản khác như bánh dầy, bánh giò, bánh chưng, chả lụa... Cuộc sống có vẻ như mau chóng bắt kịp sự hòa hợp sinh hoạt của người dân tại đây. Mỹ-Tho, thành phố này thuở đó đường xá có những cây me già cao ngất rợp bóng mát, tựa như đường Nguyễn-Du hay đường Thống-Nhất của Sài-Gòn vạây. Những cây me gìa bị gió thổi lao sao trên cành, lá me lún vún bay trông đến đẹp mắt, thường hay đáp xuống bình yên trên đầu tóc những người khách bộ hành. Niềm vui thích nhất là một chùm me chín, cuống già khô bị gió thổi mạnh rụng xuống, khiến những đứa trẻ như chúng tôi vô tình được thưởng thức những lộc hái tự trên cành cây cao vậy. Con sông Mỹ-Tho có chiếc tàu chiến bị đắm, chìm lửng lơ đưa hai ống khói lên cao khỏi mặt nước. Có cảnh vườn hoa Lạc Hồng trông rất đẹp, khu phố chợ sát bờ sông về đêm với những cảnh ồn ào sinh hoạt từ các vựa trái cây được vận chuyển từ những ghe lớn lên bờ như mận, ổi, vú sữa, dừa, dưa hấu, xoài, cam, trái khóm, sầu riêng... họ chất thành những đống cao ngất, trước khi đem về vựa chất chứa phân phối đến các tay buôn, qua những tiếng nói lao xao dưới anh đèn măng-xông sáng tỏa. Nhìn qua phía bên kia sông là là hướng Bình-Đại, miền đất có nhiều loại trái cây, đặc biệt là dừa, loại dừa xiêm uống nước rất ngọt và dừa bị để lấy cùi dừa. Mọi người dân ở đây thường mua từng xe bò gáo dừa khô, sau khi đã nạo để chụm lửa nấu bếp giá rất rẻ... Đó là thuở bình an khi Việt-Cộng còn chưa xuất hiện. Quê hương nếu cứ mãi thế này thì thật là một sự hạnh phúc vô vàn cho mọi người dân quê.



 Thời gian ngắn độ chừng ba bốn tháng sau đó, mẹ tôi lại đem tôi về trại định cư Tân-Sơn-Hòa, gần ngã ba ông Tạ để tiện việc buôn bán sinh sống và học hành cho tôi. Gia đình nhỏ bé mẹ con tôi cũng có được ngôi nhà như mọi gia đình khác, tại đây, thưở ấy việc nhà cửa ở trại định cư dễ dàng lắm! Ai muốn cất nhà thì được chính quyền trợ cấp để mua vật liệu như cây gỗ, lá dừa nước để làm nhà.

 Có một dạo lúc ban đầu nhằm tạo sự ổn định đời sống. Chính phủ khuyến khích ai thích sống với nghề nông làm ruộng, làm vườn thì về Rạch-giá. Ruọâng đất ở đây lúc ấy ai muốn làm bao nhiêu thì cứ mặc sức cắm đất dành phần cho mình. Có người chưa biết sự thật thế nào và đã đi thăm dò... Sự thật là thế, nên hàng ngàn gia đình lại ghi danh tái định cư một lần nữa! Nhà cửa ở đây lại bị bỏ trống nên có nhiều người họ lấy thêm cho gia đình mình vài căn nhà nữa. Sau này có số nhà thì họ xin số nhà để hợp thức hóa là xong. Ở đây lúc ấy đất trống còn rất nhiều, những người khôn ngoan biết lo xa họ cắm đất làm thêm nhà cửa nữa! những người này về sau trở thành giàu có vì đất trở nên có giá trị, họ mở thành những cửa hàng buôn bán trên các mặt đường lộ như đường Thoại-Ngọc-Hầu hay Trương-Minh-Giảng. Năm đó mẹ tôi chẳng may bị bạo bệnh và mất đi khi tôi vừa được mười lăm tuổi, khi mới vào miền Nam mới được chín năm, một sự mất mát và thiệt thòi thật to lớn với tôi khi tôi vẫn còn quá thơ dại để bước chân vào cuộc sống côi cút, đường đời đầy gian nan sóng gió đang chờ đợi ở ngày mai. Tôi muốn tự kiếm cho mình một việc làm gì để tự lo sinh sống. Nhưng qua nhiều ngày đi tìm kiếm việc làm mà vẫn không thể kiếm đươc. Tôi không biết làm sao nữa và ngày mai sẽ ra sao! Ở cái xứ sở này không phải dễ mà tìm được một việc làm ở vào cái số tuổi đời, kinh nghiệm sống non nớt như tôi. Sau cùng tôi đành thúc thủ, đánh liều về xin giúp đỡ trú ngụ, nuôi dưỡng ở nhà Ông Bốn là anh họ của mẹ tôi, đang ở quận 3 thành phố Sài-Gòn. Ông có 4 người con, người con trai lớn lúc đó đang là một sĩ-quan làm việc tại Bộ-Tổng-Tham-Mưu QLVNCH, còn hai người con gái làm công chức và chị út cũng lớn hơn tôi vẫn còn đi học. Ở đây tôi được tiếp tục đi học tới năm 18 tuổi. Dù sao tôi vẫn được cưu mang, nhưng tự thấy mình rất buồn tẻ, cô đơn, nhiều lúc thấy mình tủi cực trong cuộc đời quá non dại. Năm cuối cùng của học sinh trung học thì tôi đã đi theo bước đường của người đi trước, sống theo kiếp trai thời ly loạn. Sau những tháng quân trường tôi được bổ xung về binh chủng Biệt-Động-Quân, rồi được đi thụ huấn khóa Rừng Núi sình lầy. Ngày về Đơn vị tôi đã yêu đời lính chiến kiếp phong sương rày đây mai đó với chiếc mũ nâu đội lệch trên đầu, đôi giày saut lê gót khắp nơi.

 Sau năm Mậu-Thân 1968, Việt-Cộng thường hay pháo kích vào thủ đô Sài-Gòn. Chúng hay dùng ghe máy gắn hỏa tiễn 122 ly vào đáy ghe di chuyển lén lút đưa vào rừng Sát rồi thừa cơ lúc về đêm dựng dàn phóng vào Sai-Gòn gây sự hoang mang, kinh sợ cho dân chúng. Liên-Đoàn 6/BĐQ đặt bản doanh tại Nhà-Bè trực thuộc điều động các Tiểu-Đoàn 34 - 35 - 51/ BĐQ hành quân tảo thanh vòng đai ven đô, rừng Sát, Lý-Nhơn-Mạnh, Mỹ-Hạnh, Vĩnh-Tín chạy dài qua đồng chó ngáp về Bà-Tà, Tân-Nhựt, Tân-Bửu, Long-An... Đây là thời gian vàng ngọc kéo dài từ sau năm 68 Mậu-Thân cho đến khoảng tháng 4/1970 chúng tôi rất đỡ vất vả, vui thú nhất vì Lính thành phố là như vậy.



 Có một lần đi ăn sáng, cố tìm một ly cà-phê thật ngon.. qua điếu thuốc khói tỏa mơ màng! Chợt ngước lên tôi bắt gặp người con gái có khuôn mặt cân đối thật dễ thương, với đôi mắt to trong sáng và hàm răng trắng đều như những hạt bắp trông thật là xinh ! mạnh dạn lúc nàng đi qua tôi vội hỏi:

 - Này cô ơi! cô tên là gì vậy hả cô?

 - Dạ, em tên là Lệ ạ!

 - Tên là Lệ chắc là nhiều nước mắt lắm, chắc cô là em bà chủ quán ở đây?

 - Dạ, thì cũng là em mà em bà con thôi!

 - Mấy lần trước tôi lại đây không gặp cô?

 - Những lúc đó em không có ở đây anh ạ!

 Rồi từ đấy tôi đã quen nàng, thế là suốt mấy tháng trời liên tiếp tôi đã tập tành bắt đầu biết trồng cây si.. Để rồi mãi từ Nhà Bè,Tân-Bửu, Bình-Điền, giòng Ông Đông, Phú-Hữu... Bất cứ khi nào có thể được, là tôi chịu khó về đây để uống cà-phê ngồi lặng yên, vẻ mặt tư lự nhìn về phía xa xa.. trong khói thuốc tỏa đang tan dần mà lòng dệt những mộng cùng mơ. Hoặc qua vài câu thăm hỏi thật vu vơ chẳng ăn nhập chi cả! Còn nàng trông ra có vẻ cũng có nhiều thiện cảm với tôi lắm! Bằng chứng nàng rất vui mừng mỗi khi gặp lại. Nếu độ vài ngày không đến, nàng hỏi rối lên đi đâu, mắc bận gì...? Đời nhà binh chúng tôi phải đi theo Đơn-vị hành quân đó đây. Bẵng đi mấy tháng tôi mới có dịp trở lại. Nhưng không còn có dịp gặp nàng nữa! Hỏi thăm thì được biết nàng đã về quê giúp đỡ cha mẹ trông coi việc làm ăn buôn bán của gia đình. Cũng từ đó mỗi lần đi qua quán cà phê Gió Nam ở gần cổng xe lửa số 6 đường Trương-Minh-Giảng, tôi chỉ còn sống trong giấc mộng đã qua mà lòng tiếc hùi hụi cho mình đã không biết nói gì cả! Bây giờ thì chỉ là quá khứ mà thôi! Khoảng độ ba tháng trước đây nằm trấn đóng ở một ngôi làng gần cầu Bình-Điền đặt bản doanh phía trước và phòng khách một căn nhà ngói khá to, người trong nhà chỉ có hai ông bà già ước chừng độ 65 đến 70 tuổi và một cô con gái vào khoảng tuổi đôi mươi. Cô tên Hương dáng người rong rỏng, tròn trĩnh và rắn chắc, cô có một bộ ngực thật đồ sộ nở nang, khuôn mặt sáng sủa coi cũng khá lắm!

 Hôm nay Trung-Đội chúng tôi được chỉ định nằm giữ an ninh một ngôi chùa gần sân bắn ở Bình-Thới của Cảnh Sát Quốc Gia. Đường dẫn vào chùa hai bên là hai dãy nhà dân chúng ở, chùa tọa lạc trên một khu đất rộng lớn, phia sau chùa có đầm nước, lá sen xanh ngát và hoa sen nở rộ, ngoài ra còn có cả rau muống mọc ngoài xa hoặc xen kẽ nhìn thật thơ mộng. Chùa có 5 ông sư coi còn trẻ, dáng dấp rất khỏe mạnh, tướng tá như không phải là chân tu vì trông rất bặm trợn, ông nào cũng có đôi mắt sắc như dao cạo, dáo dác láo liên... Có một điều rất là lạ! Chúng tôi ở đây đã cả tháng rồi mà chùa chẳng hề thấy một Thiện, Nam tín Nữ nào đến chùa cúng Phật hết cả! Mỗi ngày mặt trời lặn xuống, đêm về thì các ông ấy cũng tụng kinh, cửa chùa đóng kín mít chẳng hề thấy gì được ở bên trong, bên ngoài đầm sen và rau muống ếch nhái cũng thi nhau kêu inh ỏi . Bỗng dưng một hôm có người con gái đến chùa, nàng rảo bước trên sân chùa, thấy lạ nên tôi cũng tiến lại gần xem sao khi đến gần nhìn kỹ thì ra là cô Hương ở Bình-Điền, cô bước lẹ hơn! Nhưng tôi đã chận trước, khiến cô phải lên tiếng:

 - Anh Đạt, các anh ở đây à! Hôm nay em xuống đây thăm ông anh của em.

 - Ồ!!! Thì ra cô có anh tu ở đây?

 - Dạ! Anh em ở đây ạ!

 Nói xong cô đi thẳng vào chùa. Người đàn ông trọc đầu mở cửa đủ để cô lọt vào và đóng cửa lại ngay. Tôi rất bỡ ngỡ và cũng không có quyền gọi cửa, nếu không lại vi phạm, không tôn trọng nơi thờ phượng và đụng chạm vào nơi tín ngưỡng, chỗ tu hành thì lại khốn đốn thôi! Nhưng có điều lạ cô Hương không về mà cứ ở miết trong chùa với các mãnh tăng, chỗ đâu mà nằm, mà ngủ cho một thiếu nữ cơ nhỉ?

 Sáng hôm sau cửa chùa hé mở, cô Hương dáo dác trước sau, bước ra vội vã như sợ ai vồ. Nhưng không qua khỏi mắt chúng tôi đang ngó lơ nhưng thật tình không bỏ sót một chi tiết nào. Bỗng có tiếng chửi đổng từ phía nhà dân:

 - Đồ đĩ thõa ngủ một đêm trong chùa để lấy tinh nọc giống hổ mang hả?

 Cô Hương cúi mặt vội vã bước mau không dám nói lời nào cả, thì ra là như vây! Lòng tôi chợt dâng lên nỗi căm hờn lũ người đội lốt thầy tu, chỉ có bọn nằm vùng phá nát, làm hoen ố cửa thiền. Khoảng một tuần lễ sau vào một đêm tối trời. Chúng tôi nhận được một văn thư mật từ bên Cảnh sát Quốc Gia về việc tránh ngộ nhận tại tọa độ XT...... trên bản đồ. Một trang trại nuôi gà, có 4 ao nuôi cá tra, cá phi cách xa chùa không là bao. Trong 4 ao nuôi cá, có 1 ao có gò nổi ở giữa nước chi ngập độ nửa thước. Cảnh Sát họ đã dùng 4 máy bơm nước tát cạn và khui được một hầm súng nơi có gò nổi trong thùng bọc thiếc không thể thấm nước được, ngoài ra súng còn được bao bọc mỡ bò kỹ lưỡng. Cảnh Sát đã tóm gọn súng ống, gia chủ. Đồng thời 5 ông sư ở gần đấy cũng bị bắt đưa đi về Tổng Nha vì họ đã có tin tình báo rất chính xác.

 Kể từ tháng 4 năm 1970 Liên-Đoàn 6/BĐQ chúng tôi không còn lẩn quẩn đóng ven đô nữa! Tiểu-Đoàn 51/BĐQ chúng tôi tham dự chiến trường ngoại biên cả thảy 5 lần. Rồi sau đó về Tây-Ninh hoán chuyển nhiệm vụ với những Đơn-vị Nhảy-Dù hành quân dọc theo hành lang biên giới qua những căn cứ hỏa lực như Hoàng-Diệu, Vân-Đồn, Quang-Trung, Bố-Túc qua tới Tống-Lê-Chơn. Đầu tháng 4 năm 1972 Đơn-vị được vận chuyển tới phi-trường Phú-Bài Huế. Sau đó được lệnh di chuyển qua Phong-Điền về hướng Mỹ-Chánh chiến đấu ngăn bước quân thù phương Bắc.. Cổ thành Quảng-Trị đã được tái chiếm. Đơn-vị tôi lại được lệnh di chuyển đến chiến trường Tây nguyên bàn giao trách nhiệm cho Đơn-vị thuộc Sư-Đoàn 1/B.B. khi Tây-nguyên- Kontum đã chiếm lại được. Chúng tôi lại được lệnh chuyển quân đến Mộ-Đức - Đức-Phổ - Sa-Huỳnh thuộc tỉnh Quảng-Ngãi. Mãi tới cuối năm 1972 Đơn-Vị chúng tôi mới được trở về An-Lộc, Bình-long.

 Trong một cuộc hành-quân tại vùng phía nam Chân-Thành, chúng tôi đã đụng và giao tranh với cả Sư-Đoàn Sao Vàng Việt-Cộng, cộng thêm sự yểm-trợ của một Trung-đoàn Pháo. Với ý-định xóa tên Tiểu-Đoàn 51/BĐQ. Nhưng chúng tôi đã đặt mình trong thế quyết tử và cuối cùng sau gần một ngày giao tranh, chúng tôi đã vuột khỏi vòng vây công hãm sắt thép của Việt-cọâng. Sư-Đoàn này trước đây chúng tôi đã từng đụng độ ở Tây-Nguyên. Cuộc sốn lính chiến là rày đây mai đó, chúng tôi lại được lệnh chuyển quân về vùng lửa đạn ngút trời, đó là Bồng-Sơn, Tam-Quan tỉnh Bình-Định. Nơi đây chúng tôi đến từ đổ vỡ, điêu-tàn bởi Việt-Cộng đe dọa khắp nơi. Nhưng các Đơn vị Biệt-Động-Quân chúng tôi đã đổ bao xương máu và chúng tôi đã chiến thắng và chiến thắng kẻ thù phương Bắc đem lại sự an lành cho mọi người dân ở đây, chợ búa hàng quán đã trở nên đông người, nói lên có sự sống và tươi sáng đang trở lại. Tháng 3 năm 1975 chúng tôi lại di quân về Pleiku để chuẩn bị cho một cuôc ác chiến với Cộng quân.

 Nhưng vận mệnh đất nước đã tới hồi mạt vận... Lệnh di-tản chiến thuật phi lý, thảm hại cho dân quân miền Nam và có lợi cho kẻ thù cho tới ngày miền Nam sụp đổ. Giặc Bắc phương nhuộm đỏ nốt phần đất miền Nam còn lại bởi súng Tiệp-Khắc, Đại bác chiến xa của Nga-xô đã cưỡng chiếm được miền Nam, phủ đỏ cả miền đất hiền hòa tràn đầy truyền thống thương yêu bằng sự cường bạo, vô nhân, vô đạo lý... đè nặng trên thân phận con người với sự cùng cực hà khắc, người dân chẳng còn có gì gọi là tự do dù tối thiểu. Lũ giặc phương Bắc đã vồ được cơ hội ngàn năm nên chúng tận sức thu cướp tài sản, nhà cửa... của đất nước, của dân chúng miền Nạm. Lập nên không biết bao là cơ man là trại tù khổ sai với danh ngụy là : "trại cải tạo", vợ con của những người Quốc gia mà chúng gọi là : " Ngụy Quân, Ngụy Quyền " những ai có nhan sắc thì chúng tìm đủ mọi cách dụ dỗ, đe dọa, gài bẫy, mua chuôc... bằng vật chất hay tiền bạc để hưởng lạc, thỏa mãn thú tính phá nát gia cang những kẻ thù địch, đó là do chính sách của Đảng, Nhà Nước mà tên Cán bộ cao cấp Nguyễn-Hộ đã lớn tiếng khuyến khích, kêu gọi.

 Tôi thân một mình cũng dễ xoay sở thôi! tội gì không tìm thú mênh mông làm quen với biển cả trong cuộc sống chơi vơi ngoài vùng tù túng bởi hệ thống Công-an Nhà nước chằng chịt như hệ thống kẽm gai. Tôi đã ra Vũng-Tàu sống với một gia đình người bà con làm nghề đi biển ở đây. Khai lính đào ngũ đã lâu, vào hộ khẩu hợp thức hóa để được cấp giấy phép đi biển đánh cá. Nhưng rồi, cũng chẳng được bao lâu! Tôi tham dự vào việc lén lút đưa người vượt biên, bị bại lộ vì chở người ra thuyền lớn mà chẳng thấy thuyền lớn đâu cả! nhưng dù sao cũng thành công đưa người vào bờ an toàn không một ai bị bắt. Đã có lần thuyền chở đầy người cũng không tìm được thuyền lớn trên đường trở về lúc ban đêm thuyền bị chết máy trước căn cứ Hải quân cũ khoảng chừng 500 mét. Tại đây có hai chiếc P.C.F (khinh tốc đỉnh, loại tàu của VNCH để lại) đang nằm canh chừng, thế mà tôi không bị bắt vì đã nhờ được chiếc thuyền của bạn bè khác đi qua kéo về cầu mới Long-Hương Bà-Rịa an toàn vào lúc 4 giờ sáng. Tôi cho người lên bờ ra bến xe trở về Saigon. Hôm sau tôi không bao giờ trở lại Vũng-Tàu nữa, nếu có chỉ là lén lút mà thôi! Cũng từ đây sống ngoài vòng cái gọi là pháp luật Nhà nước cách mạng, không nơi ăn chốn ở, có nhiều đêm phải ngủ ở bến xe, trạm xe lửa để tránh sự bắt bớ.

 Tôi chưa bao giờ từ bỏ ý định vượt thoát, dù biết bao trở ngại trải qua! Lần này tôi đưa một chiếc thuyền kiểu Nam có mui che mua ở Long-An về xóm Củi. Đêm đến một số người là thanh niên, thiếu nữ ăn mặc hóa trang, xuống thuyền ngủ, đúng 4 giờ sáng trời còn tối từ mấy trạm xe bus gần đấy thêm một ít người kịp thời xuống thuyền trong im lặng nằm im chờ đợi. 4 giờ 15 Công-an cho phép thông thương vận chuyển trên sông là thuyền lập tức ra khỏi sông Saigon theo con lạch ở Rạch Miếu, đi theo đường Giòng ông Đông, quẹo con sông nhỏ chạy dọc Phước-Lý rồi ra ngã ba hướng Đồng Tranh, nơi đây bên dưới là sông bên trên chà là mọc kín mít.

 Bỗng có chiếc thuyền Việt cộng xuất hiện phía lái cắm cờ đỏ sao vàng gió cuốn kêu phần phật đang xả hết ga về hướng ghe của tôi.

 - Cho tấp ghe vào bờ gấp, Tôn theo tôi xuống ghe giả vờ sửa chân vịt bị vướng, "mọi người trên ghe tuyệt đối im lặng nằm dán người xuống sàn gỗ, nén hơi thở" Tôi nói lớn đủ mọi người cùng nghe.

 - Chơi cú liều, chết còn không sợ, ngán gì tù. Tôn tự trấn an lẩm bẩm nói.

 Lúc đó nước đã xuống nhiều, thuyền nằm sát một bên mé bờ. Tôn đang lặn hụp sửa chữa. quả nhiên chiếc ghe Việt-cộng trờ tới, chạy tránh sang một bên và bị mắc cạn. Trên ghe có 3 thằng bộ đội và 3 thằng Công-an súng ống kè kè.

 - Tôn mau lại giúp ghe Nhà nước mắc cạn, tôi gọi Tôn.

 - Có em ngay anh Đạt! Tôn tiến lại phụ tôi dùng vai đẩy chiếc ghe ra chỗ sâu.

 - Biếu các anh mỗi người một gói " Điện biên " thuốc lá hảo hạng ngoài Hà-Nội chúng tôi sản xuất, các anh dùng thử.

 - Cám ơn các anh, Tôi và Tôn cùng nói. Đã không bị ướt vì có người đẩy ghe ra cho, chúng tặng thuốc lá rồi chạy thẳng. Tôi đợi ghe Công an chạy trước một khúc khá xa rồi nổ máy chạy theo sau, mắt dõi nhìn không chợp mắt.

 Hồi lâu thấy phía trước chiếc ghe Công an đã bắt được một chiếc ghe khác chở người đang lố nhố... Tôi tấp vội bên lề cho Tôn dẫn người đi dấu trong rừng Sát và hẹn đến chiều khoảng 3 giờ 00 khi nước lớn sẽ trở lại đón. Chiều đến thấy bề yên tĩnh tôi trở lại đón mọi người về đến chợ Cầu ông Lãnh vào lúc khoảng 8 giờ tối mọi người lên bờ an toàn thế là tôi lại bị bể mánh thêm một lần nữa!

 Vào giữa tháng 10 năm 1978, tôi lại tham dự chuyến đi ở Vũng-Tàu do bố con ông Ngoạn và con trai lớn là Tính tổ chức, bốc người ở bãi sau Vũng Tàu, hướng Nam Đồng đi ra. Tại đây có một căn nhà nhỏ để chứa nông cụ kín đáo, ghe bốc người sẽ đến từ Bến Đá, thuyền lớn cũng từ Phước-Tỉnh chạy lại điểm hẹn. Nhiệm vụ của tôi dẫn khoảng 40 người ra bãi bốc. Trời còn chưa tối với đoàn người dài lê thê chẳng phải chuyện dễ khi vượt qua xóm nhà dân để đến nghĩa địa rồi băng qua chồi thông, đồi cát để đến bãi bốc. Nhưng thật may như trời giúp, cơn mây đen bỗng từ đâu ùn ùn kéo đến độ 10 phút sau trời đổ mưa to. Lập tức kéo quân đi như chạy băng qua xóm nhà dân, vượt qua nghĩa địa rồi đến những đồi cát. Chợt như có tiếng xe chạy bên dưới bãi biển, mọi người vào chồi thông cao khỏi đầu người ngồi chờ đợi cho xe Công an đi thám thính xong trở về rồi lại tiếp tục di chuyển đến bãi bốc.

 Tôi thành công trong chuyến đi này và cũng là lần từ biệt quê hương lần thứ hai. Trong chuyến đi này cũng chỉ thành công được một phần ba trong kế hoạch dự tính vì thuyền nhỏ không tìm được thuyền lớn nên đã giải tán cho người ra về thì thuyền lớn chờ đến hừng sáng đánh liều bỏ neo lái đâm đầu vào bờ hốt được tất cả 35 người ra đi mà thôi! Thuyền chạy hướng đông 150 độ đến gần tối thì thấy từ đàng xa có hai chiếc tàu đánh cá quốc doanh của Công an đang chạy đâm đầu lại. Rồi chừng 30 phút sau đó có một chiếc máy bay kiểu Cessna chừng như thám thính chỉ đường cho hai chiếc tàu quốc doanh vây bắt, thấy nguy ngập tôi vội nói:

 - Cho tắt hết đèn trên tàu và tăng thêm tốc độ khẩn cấp Việt-cộng đang theo dõi chúng ta. Bấy giờ trời đã tối mịt mùng thế là chúng tôi đã thoát nạn vì đã chạy rất xa, đêm nay chúng tôi sẽ có mặt tại hải phận Quốc tế... thuyền tiếp tục chạy, chạy mãi tính ra đã được 3 ngày 2 đêm, phỏng định bây giờ thuyền chúng tôi đang ở hải phận Mã Lai và giáp giới với hải phận Thái-Lan. Lúc ấy vào khoảng giữa trưa, tôi đã ngồi lái thuyền từ hồi sáng sớm nên cảm thấy thấm mệt, giao lại tay lái cho anh em khác chui vào hầm máy đánh một giấc lấy lại sức...như có tiếng ồn ào, xôn sao bên ngoài. Tôi tỉnh giấc chui ra thì thấy thằng Tính con trai ông Ngoạn đang điều khiển con thuyền chạy lại một chiếc tàu đánh cá Thái Lan to lớn bằng sắt, hai tầng rất kiên cố đang kéo chã (lưới), Trên bong có 8 thằng Thái-lan quấn sà-rông lưng trần đen trui trũi. Tôi hét lớn:

 - Tại sao dám cho thuyền lại gần tàu Thái-lan chi vậy. Tụi Thái-lan là tụi cướp của, giết người, hãm hiếp đàn bà con gái sẽ không tha một ai.

 Miệng nói tay bẻ quẹo tay lái, con thuyền quay đầu trở lại 180 độ xả hết ga chạy thẳng. Bọn Thái-lan giả vờ hiền lành dấu kín nanh vuốt để kẻ ngu ngơ lại gần mới giở thủ đoạn. Chợt thấy tình thế thay đổi, bọn chúng biết cơ mưu bại lộ, chúng liền hò hét thị oai cướp tinh thần. Tay tua tủa chúng dơ cao những dao búa, gậy gộc ...Tàu gầm rú ga, một thằng định chặt giây Để đuổi bắt lại con mồi hụt. Chợt có tiếng thét vang:

 - Bắn, bắn những tiếng nổ đoành, đoành, đoành... 3 phát ngay bong chỗ phòng lái.

 Con tàu Thái-lan bị bể kiếng khiến chùn lại, không dám tiến, bỏ ý-định đuổi! Thì ra chúng cũng biết sợ chết. Nếu yếu đuối, tỏ ra sợ sệt thì chỉ là con mồi cho mèo dữ, hơn nữa cũng may mà chúng không có súng, chứ nó mà đuổi thì làm sao mà chạy cho kịp, trên thuyền có 8 người đàn bà đa số là thân nhân của ông Ngoạn. Họ là các con dâu, các cháu gái và con gái ông Ngoạn và là khách của ông Ngoạn. Hôm đó chỉ châm trễ một chút xíu thì tính mạng, tài sản mọi người sẽ ra sao? Bố con ông Ngoạn thấy mình làm sai nên vô cùng bẽn lẽn, tiu nghỉu... Chiếc thuyền PT. 2035 của Chiến do tôi điều động đã đưa tất cả mọi người đến đảo Pulautenga, trại tỵ nạn Cộng-sản an toàn.

 Thời gian ở đảo có một kỷ niệm khó quên tuy đã xảy ra đến nay đã 26 năm rồi! Trong chuyến đi có một nàng con gái tên Nga, nàng là cháu gái ông Ngoạn, gọi ông là bác, trên thuyền nàng là người xinh đẹp nhất. Lúc ấy nàng tuổi độ mười chín, đôi mươi, có nước da trắng hồng, làn môi đỏ mọng. Nga thích mặc quần short ngắn để được mát mẻ, thoải mái cùng khoe cặp chân thon dài trắng muốt, đôi mông tròn chắc nịch của thời kỳ con gái. Nàng cũng thích mặc những loại áo hở cổ để nhô phần ngực đồ sộ nõn nà mà nàng đã may mắn hơn nhiều người khác. Trên carbin thuyền có tôi, Chiến, An, Thành ... đêm hôm đó vì một cử chỉ đẹp gọi là để biết ơn ông chủ thuyền, lưu một chút tình nơi xa xôi miền hải đảo... Nàng chen vào nằm giữa tôi và Chiến mà nằm ngủ tỉnh bơ. Làm sao mà có thể ngủ được khi có một người đẹp khác phái quấy rầy nằm sát bên cạnh. Nga ngủ mê nàng sải cánh tay trên ngực tôi, vì cho là cử chỉ vô tình nên nằm yên không dám cựa quậy. Hồi lâu thấy khó chịu tôi nhẹ cầm tay Nga để nhẹ lại trên ngực nàng. Chợt liếc ngang thấy bộ ngực trần, trắng hồng, chắc nịch, quá khổ đang phập phồng thoi thóp thở. Động lòng tham lam tôi để yên tay mình ngự trị trên đỉnh cao ấy, lấy một chút hơi ấm áp thoát ra tự ngực nàng... mãi rồi cũng muốn thay đổi vị trí, khám phá những cánh đồng, thảo nguyên xa lạ êm như nhung, mượt mà như lụa. Đem quân xuôi dần xuống phương nam thám thính, chợt phát giác địch quân đã chiếm lĩnh và ngự trị vùng đồi cấm địa có con suối nước chảy... không biết tự thuở bao giờ. Tam nhân cứ ngủ mê, hay giả vờ cho đến sáng như từng chưa có chuyện gì xảy ra, nghe cũng lạ! Nghiệt tình oan trái cũng là thế. Thuở ấy nơi miền hải đảo xa lạ này, có một chàng tên Lý-Khôn, chàng nói được tiếng Mỹ, Tàu, Việt, Chàng rất nổi danh vì chàng có rất nhiều vàng kiếm được. Dường như chàng là người " vô tổ quốc" bằng chứng thuyền chở đầy người Tàu đi công khai tới đảo. Chàng Đại diện cho Cảnh sát Mã-lai nói tiếng Các chú:

 - Các nị muốn lên bờ mỗi người phải đóng 2 cây Cảnh sát họ mới chịu. Người Tàu vốn sẵn vàng, họ chịu chi lắm! Miễn được sự dễ dãi như ý là đươc.

 Còn thuyền người Việt đi chui Khôn hỏi:

 - Lên bờ mỗi người 1 cây thôi! Không có, chàng bớt đòi 5 chỉ.

 Còn thuyền tôi, ngoài bố con ông Ngoạn ra thì toàn là vàng thứ thiệt thôi! Do đó thuyền không được lên bờ, thả neo đậu ngoài xa.

 Thuyền bị giam ngoài xa đã 1 tuần rồi! Hôm đó trời nổi cơn dông lên dữ dội, nhìn hướng gió biết thuyền sẽ dạt vào bờ. Lập tức tôi hò hét anh em chặt đứt dây neo để thuyền nương theo cơn sóng xô mạnh vào bờ, những cơn sóng kế tiếp càng đưa con thuyền lên cao cho đến khi nước rút thì thuyền đã nằm trên gò cao chênh vênh.. Chẳng có ai mà có thể xô đẩy nổi con thuyền dài đến 20 mét trở lại với mặt nước nữa! Thế là sau cùng mọi người được lên bờ dù là không có một chỉ vàng nào cả! Mùa lễ phục sinh năm 1979 giã từ đảo Pulautenga đầy thơ mộng nhưng nhiều ngang trái lên Kuala Lumpur để đi Mỹ. Sau khi hoàn tất thủ tục khám sức khỏe, giấy tờ tôi sang Mỹ ngày 3 -2- 79 tại Alberquerque, New Mexico. Tại đây vừa đi học vừa đi làm đến ngày 4-7-79 lại sang Tiểu bang Washington cùng gia đình người bạn. Nơi đây gặp Lệ, cô nàng càphê quán Gió Nam năm xưa mà tôi đã đi khắp chốn quê hương cố công tìm kiếm.

Còn đâu gặp gỡ nên chi
Trăm năm dệt mộng duyên thì còn đâu
Trải bao năm tháng dãi dầu
Một hôm gặp lại nhìn nhau ngỡ ngàng


 Thế là đã hơn mười năm trôi qua, Lệ người đi qua trong hồn tôi thuở còn ngu ngơ, vụng dại. Bây giờ gặp lại nàng đã có chồng và con gái đầu lòng, còn tôi cảm thấy như ngày xưa mình đã làm mất vật gì quí báu mà không thể tìm lại được. Tôi đã gặp một người con gái đảm đang tính tình đôn hậu, hiền hòa... cũng đã thành hôn. Lúc ấy, tôi có được ba đứa con trai kháu khỉnh ra đời, cuộc sống sớm ổn định vì tôi và Hằng đều có việc làm tốt có đủ quyền lợi và điều kiện cho cuộc sống. Chạnh nhớ năm xưa lúc mới qua cái xứ sở xa lạ này nghe nói người ta trọng và nâng niu đàn bà, phụ nữ lắm! Nhưng tôi thoáng thấy vài lần có một người đàn bà còn trẻ lắm! Nàng đẹp, dáng vẻ rất dịu dàng mà sao chân không chạy ngoài đường vắng giữa đêm khuya giá lạnh với khuôn mặt buồn thảm nước mắt nhạt nhòa! Đến gần thì hỡi ơi lại là Lệ. Sao tình duyên gia đạo nàng buồn thảm quá! Chồng nàng thật là tục tằn, đanh ác, vũ phu khác hẳn với phong tục xứ sở này. Một hôm Giai rủ tôi đến nhà Ấn chơi, chúng tôi nhà cũng gần nhau thôi! Vừa đến cửa dợm bước chân vào nhà chợt nghe Sáu Ấn chồng nàng lớn tiếng từ trong nhà thoát ra:

 - Đ.m. con cái mà mày để nó khóc lè nhè hoài! Bộ hết chỗ khóc rồi hay sao mà may để nó khóc trong nhà. Bộ mày muốn phá giấc ngủ trưa của tao hả?

 -Thì anh để em rửa chén xong. Đang lỡ tay, xong xuôi em bồng con ra sân sau nhà để anh ngủ, ráng một chút mà!

 - Đ.m. tao nói thì nghe, không phải để mày cãi nghe chưa?

 Lệ vội buông chén đũa đang rửa bồng con đi. Giai vội nháy mắt kéo tôi ra về. Ở xứ Mỹ mà xử cảnh " chồng chúa vợ tôi" như vậy thật là hiếm quí.

 Sáu Ấn cũng rất thích chơi thể thao, nhất là môn đá banh. Kể ra thì hắn lừa banh, đưa banh cũng lão luyện lắm! Lần ấy đội banh của Ấn chơi thật xuất sắc. Sáu Ấn đã cướp được banh của đối phương đang tiến gần đến gôn, hắn tính sút một cú để làm bàn. Nhưng thằng Tạo thủ gôn nhanh như cắt đã lao người ra chụp banh và đưa nguyên cái vai vào đầu gối Ấn, một âm thanh khô khan phát ra: cụp!!!

 - Ối chết tôi rồi ! Ấn đau đớn lăn lộn nằm ôm chận

 - Gọi xe ambulance gấp, Ấn bị gãy chân rồi!

 Mọi người chạy lại đỡ Ấn di nhà thương.

 Lệ vừa đẹp, tuyệt vời săn sóc chồng khỏi chỗ chê. Từ hôm Sáu Ấn bị thương gãy chân, việc tắm rửa nàng dìu Ấn ngồi trên cái ghế trong bồn tắm, rồi dùng vòi nước ấm ấm xối khắp người đến xoa xà bông kỳ cọ kỹ lưỡng cho chồng.

 - Đ.m. bộ mày tính giết tao hả con ác phụ.

 Sẵn cái nạng kế bên, Ấn với tay phang trên đầu vợ nghe cái: "cốp " Lệ mặt mày tóa hỏa tam tinh, thấy đầu óc choáng váng thấy toàn là những sao là sao. Thế mới biết tại sao người ta gọi là thấy tám ông trời.

 - Lỡ tay đụng vào chỗ đau. Bộ tui muốn sao mà anh lại uýnh tụi.

 Lệ đứng dậy bỏ đi nước mắt nhạt nhòa... Vì mưu kế sinh nhai gia đình Ấn và gia đinh Giai di chuyển về Louissiana làm nghề đi biển đánh cá. Thế rồi mười mấy năm trôi qua cuộc sống chịu đựng, dồn nén... nàng càng bị đày đọa hơn dù nàng luôn là người đàn bà mẫu mực, hy sinh. Đã thế Ấn còn có tính mèo mỡ lăng nhăng nữa. Rồi một hôm nàng đã bỏ nhà cửa, xe cộ, tàu bè... cắp con bỏ trốn khi Ấn đi biển. Lệ không còn chịu đựng nổi cảnh áp bức, đày đọa, đia ngục trần gian nữa!

Duyên em phận gái hồng nhan,
Một khi lỡ bước muôn vàn đớn đau.
Bước đi nặng trĩu âu sầu!
Cô đơn tủi nhục giãi dầu tháng năm.


 Hôm nay ngồi xem lại cuốn video "Những nẻo đường quê hương" chạnh lòng cảm thấy ngậm ngùi khi xem đến nơi quê hương của Lệ mà năm xưa đã được nghe Lệ kể. Bây giờ không biết nàng ở đâu, cuộc sống thế nào, có được chuỗi ngày bình an không? Thầm ước nàng được những ngày may mắn!

 Chiều nay Hằng cảm thấy hơi mệt nên tôi đi dự đám cưới con một anh bạn có một mình. Ô kìa! sao lai có Lệ ở đây? Đã từ lâu có ý trông tin Lệ mà không biêt nàng ở đâu, bây giờ gặp lại khiến tôi vô cùng mừng rỡ.

 - Lệ sao em lại ở đây, về Tiểu bang này tự bao giờ. Sao anh không biết?

 - Em về đây đã 3 năm rồi, cuộc sống cô quạnh. Muốn yên tĩnh nên em chẳng đi đến đâu cả! Hôm nay đi dự tiệc cưới con anh Thảo thì lại được gặp anh em thật vui mừng!

 - Em có ở gần đây không, sự sống thế nào?

 - Cám ơn anh. Cũng ở vùng ngoại ô Seattle nay thôi! Và vẫn đi làm để lo cho sự sống của em và con em anh ạ! Còn anh chị ra sao?

 - Gia đình anh cũng được bình an. Anh cũng đã có được 3 cháu trai rồi em ạ!

 - Em thành thật chúc mừng anh chị!

 Kể từ đó tôi vẫn thường thăm hỏi nàng luôn. Đã có lần tôi hỏi nàng về chuyện ngày xưa. Tôi có nói kể từ lúc nàng về quê, không biết nàng ở đâu... và không có cơ hội gặp lại nàng nữa, mặc dù thâm tâm tôi vẫn mong ước có ngày gặp lại nàng. Đến khi gặp thì thật bẽ bàng chuyện xưa đã lỡ. Nàng nói:

 - Duyên số cả anh ạ! Khi xưa gặp anh em vẫn nghĩ anh đâu có yêu em. Em cũng đã chờ đợi mãi mà chẳng bao giờ nghe anh nói gì!

 - Quả thật lúc đó anh còn quá ngây ngô, vụng dại... Đến lúc em đi rồi, muốn nói thì chỉ nói một mình thôi! Nhưng anh vẫn nghĩ còn sống thế nào cũng sẽ gặp lại em, đến khi gặp thì thật bẽ bàng!

 - Em không biết duyên kiếp ngày xưa em mắc nợ Ấn thế nào mà sao khổ sở qua! Cuối cùng thì em bỏ cuộc. Thế rồi!

 Kể từ khi gặp nàng. Chúng tôi thường hay trò chuyện, thăm hỏi, nó cũng gợi lại trong tâm trí tôi lúc ngày xưa mới quen thuở còn ngây ngô, vụng dại chưa biết những cử chỉ và ngôn ngữ tình yêu.

 Thời gian vẫn không làm Lệ thay đổi là bao nhiêu. Nàng vẫn giữ được nét tươi đẹp, dáng mai thon gọn, mượt mà nóng bỏng. Vẫn nụ cười với hàm răng trắng đều như những hạt bắp ngày xưa, đôi mắt to trong sáng, làn môi mọng với mái tóc xõa bồng bềnh. Quyến rũ nhất là nàng có giọng nói êm dịu, ngọt ngào, khuyên bảo và bắt tôi phải tuân phục:

 - Anh ạ! Anh biết lòng em như thế nào với anh, em không tiện và được phép nói ra xin anh đừng bao giờ bắt em phải nói. Nhưng vì quí, mến em, những gì anh muốn nói ra em cũng đều biết cả. Xin anh cũng đừng bao giờ nói ra cả! Chỉ tiếc ngày xưa anh đã không nói. Bây giờ hãy giữ như vậy đến hơi thở cuối lúc lìa đời, nghe anh!

 - Thế em cũng không cho phép anh lâu lâu được đến gặp thăm hỏi em nữa sao?

 - Anh ạ! Thật là tội nghiệp cho em. Lòng em thì muốn lắm, tha thiết lắm, nhưng em không chiều theo sự yếu đuối của lòng mình. Em cần giữ thể diện cho con gái em và anh cũng cần giữ với các con trai của anh, với chị nhà nữa! Em rất mến và thương chị nhiều, chị là người đàn bà rất tốt.

 - Muộn màng rồi em nhỉ! Anh xin nghe theo những gì quí giá em mong mỏi. Nhưng anh vẫn có em bên cạnh cuộc đời.

 - Cám ơn anh! Chúng mình sẽ giữ những gì đẹp nhất cho nhau trong quãng đời còn lại.

16/06/05

Nguyễn Văn Thịnh

KBC.3505
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn