BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73353)
(Xem: 62245)
(Xem: 39432)
(Xem: 31177)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Để cho tháng lụn năm tàn

12 Tháng Ba 201212:00 SA(Xem: 1350)
Để cho tháng lụn năm tàn
51Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
51
Chiếc xe taxi vàng giảm tốc độ cặp sát lề đường rồi ngừng lại, một chút bụi bay theo gió phủ mờ khuôn kính. Nguyên mở cửa bước xuống, hơi nóng chụp lên cơ thể, ngạt thở. Miền Nam đang mùa nắng, Nguyên có cảm giác khó chịu vì sự thay đổi, mát trong xe, nóng ngoài trời - đối nghịch - một chút xíu choáng váng - Nguyên nhìn đồng hồ, mới 10 giờ, không khí đã oi nồng, mặc dù nơi này ở trên cao, không có những tòa nhà cao khuất lấp - Nguyên đang đứng bên lề đường Lái Thiêu-Dĩ An, nay đã thành xa lộ - hai bên là nghĩa trang khá to, rộng, nơi định cư hài cốt của những người đã khuất trước kia (1975) an nghỉ tại các nghĩa địa ở nội, ngoại ô thành phố Sàigòn - Và bây giờ, vong linh những người này được tập trung tại đây, theo nhu cầu và chỉ thị của những người cầm quyền giải tỏa tất cả để lấy đất xây nhà, làm công viên.

 Nguyên đưa tay che ngang mắt, tránh tia nắng rọi thẳng vào mặt, chợt thấy bỡ ngỡ và lạc lõng - Mới xa quê hương có hơn mười năm, lần đầu về thăm lại cố hương, quả nhiên Nguyên nhận ra khác với lúc mình chưa đi tái định cư, tất cả dường xa lạ - thật chứ còn dường gì nữa, Nguyên nhủ thầm như vậy, từ con người đến cảnh vật, đường phố đổi thay đến chóng mặt - Hơn mười năm sống ở xứ người, nay về, sao bỗng có gì ngăn cách, vẫn có điều gì đầy u uẩn trong lòng. Nguyên không hiểu nổi, lẽ ra Nguyên cũng chẳng quay lại, nơi gia đình, bà con thân tộc đã phải trải qua bao điều lao nhục, tỵ hiềm, phân chia và cả đói khổ nữa - Còn gì để trì kéo, để mời gọi tiếng "quay về" ở hồn Nguyên - Dù rằng nỗi nhớ về cố hương vẫn ăm ắp trong lòng - từng đêm, hình ảnh quê nhà vẫn lảng vảng qua từng cơn mê - dịu dàng và có cả những cay đắng, kinh hoàng lẫn lộn trong đó để dằn vặt, quay quắt với giấc ngủ chập chờn - Quê hương thì mượt mà xanh ngắt yêu thương, nhưng tình người thì khiếp đảm khôn cùng - Địa ngục và dương gian chẳng sao phân biệt được, vì dường như cũng là một - Người với người lăng nhục, trả thù, đọa đày nhau bằng những đòn phép, đến Thượng đế ở trên cao, nếu có nhìn xuống cũng chẳng ngờ được, có một miền đất nhỏ nhoi dưới chân Ngài, lại có những kẻ mang vóc dáng con người - mà trí tuệ không phải của con người - Thượng Đế sẽ ngạc nhiên đến sửng sốt và sẽ hỏi: "Bọn chúng là những kẻ nào, có phải là những đứa con của ta đã tạo dựng ra không?- Nhất định không phải, con ta đâu thể nào vô nhân tính như thế!"

 - Dạ, con mời cô ghé quán mua dùm ít vàng nhang và đồ cúng. Chắc cô đi viếng mộ!

 Cùng với lời mời chào là cử chỉ níu nhẹ lên cánh tay. Nguyên giựt mình - Chợt hoảng lên như vừa qua cơn đồng thiếp tỉnh ra. Nguyên nhận ra mình đã đứng ngây người bên lề đường từ lúc bước ra khỏi cửa taxi không biết bao lâu - Nhìn xuống con bé khoảng 13, 14 tuổi - nhỏ thó, quần áo lam lũ nhưng sạch sẽ, nó đang níu cánh tay Nguyên bằng tay trái và tay kia chỉ vào căn lều dựng sâu phía trong, núp dưới tàn cây Điệp tây - Nguyên mỉm cười:

 - Ừ, cô đi thăm mộ, quán của con đâu, dẫn cô vô!

 Con nhỏ mừng rỡ nói liến thoắng:

 - Đó, đó, trỏng đó cô, chỗ bác con đang ngồi đó,mát lắm. Cô vô nghỉ đỡ chút đỉnh rồi mua dùm bác con ít vàng, hương và đồ cúng cô nhé!

 Nguyên muốn ghẹo con nhỏ:

 - Cô đạo công giáo đâu có mua vàng nhang, đồ cúng của con được,

 Như bong bóng bị châm kim xì hơi, con bé trầm giọng:

 - Cô là người đầu tiên con mời. Bác con từ sáng chưa bán được đồng nào. Cô mở hàng dùm con làm phước mà!

 - Khoan, để cô vô quán nghỉ và gặp bác con coi sao đã. Mới nói nhiêu đó mà đã muốn khóc hả con?

 - Dạ không, nhưng con lo ế, bữa nay không bán được hàng tụi con đói.

 - Nguyên theo đứa nhỏ vào quán, sau khi nói với người tài xế taxi đi đâu đó tuỳ ý - một giờ sau trở lại đón. Nguyên bước vào, quán là một cái chòi mái lợp tôn, phía sau là vách lá - Còn lại ba phía đều trống. Gió lùa tự do, một cái chõng tre, trên đó là những món hàng bày sẵn - khoảng một chục thẻ nhang, mấy xấp giấy mạ vàng, mấy xấp tiền giả (gọi là tiền âm phủ) - Một cái sào ngang, gác trái qua phải của lều, trên đó treo bốn nải chuối còn xanh - một nải đã bắt đầu chín. Ngoài ra, phía đầu cùng của chõng còn có cái khay gồm sáu tách trà, cái bình thuỷ cũ nhưng được giữ vệ sinh khá sạch - Có lẽ chỉ có bấy nhiêu. Nguyên đang lưỡng lự, có nên ngồi xuống chiếc ghế gỗ tự đóng dài chừng nửa thước, đặt phía trước cái chõng, vì thấy nó xiêu vẹo dường sắp bung ra từng miếng riêng rẽ.

 - Bác ơi! Có khách tới nè! Con nhỏ gọi với vào trong.

 Từ sau vách lá, một người đàn ông nhảy lò cò ra, anh bị cụt chân trái và hai bàn tay cũng bị thương tật vì cánh tay trái cũng co lên mà không thấy bàn taỵ. Lạ hơn nữa, người này đeo kính đen (kính mát) có một tròng bên trái - mắt phải không có tròng kiếng, trống lỗng - Anh mặc chiếc áo sơ mi ngắn tay careau nâu, cũ nhưng lành lặn chưa rách chỗ nào. Anh cất tiếng:

 - Thưa, chào bà, chắc bà đi thăm người thân an nghỉ trên này? Xin bà vui lòng ngồi tạm chiếc ghế tôi đóng lấy - Nó vụng về nhưng chắc, không gẫy đâu - Bà ngồi nghỉ một chút cho mát rồi đi thăm sẽ thoải mái hơn. Gần tết ta rồi, thời tiết này nắng nóng lắm.

 Nguyên nghiêng đầu chào người đàn ông nói nhỏ:

 - Phiền ông cho tôi nhờ một chút được không ạ?

 - Dạ không có gì phiền, xin bà ngồi tạm một chút. Nếu tôi làm được việc gì sẽ không dám từ chối. Thưa việc gì đó bà?

 Nguyên ngồi xuống chiếc ghế gỗ do con bé vừa đẩy xích xuống gần chân nàng.

 - Việc tôi nhờ thì nhỏ thôi. Bây giờ ông có thể cho tôi mua vài món đồ cúng đã.Ông cho một nải chuối, hai thẻ nhang loại thơm nhất và năm xấp vàng thỏi, năm xấp vàng lá và hai chục ngàn tiền âm.

 - Trân ơi! Con vô phía sau lấy dùm bác cái túi xách bằng giấy ra đây dể đựng hàng cho bà đi con.

 Nói xong người đàn ông nhảy lò cò hai bước tới chỗ để khay tách, dùng khoeo tay trái kẹp lấy cái ly thủy tinh, tay phải cầm bình thủy dơ ngang miệng, dùng răng mở nút bình rồi rót ra hai phần ba ly nước - nhảy lò cò về chỗ anh ngồi trên chiếc ghế dựa của mình, bên này chiếc chõng. Lúc này anh ta mới đưa tay gỡ chiếc kính mát một tròng - Nguyên chợt hiểu, anh bị mù một mắt, cũng bên trái - chỉ còn cái hố sâu, dòng nước đang chảy ra bên khóe. Nguyên nhìn kỹ hơn một chút, mặt mũi tay chân đều thay đổi - dị dạng hết trơn, nhưng tiếng nói nghe vẫn quen quá - và cặp chân mày kia nữa, thật xanh đậm nhưng thanh tú, như hai đường chỉ lớn kẻ trên hai bờ mi - Nguyên thầm nghĩ: "Tiếng nói, giọng của người đàn ông này giống hệt như tiếng của Khánh - bạn của Vĩnh Tường, chồng nàng - Đâu có lẽ nào - Làm sao Khánh lại có thể trở thành người tàn tật khốn khổ trước mắt mình như thế này. Nguyên nhớ lại là lần sau cùng, Vĩnh Tường nói với nàng là đơn vị Khánh đã rút về gần Sàigòn, đang hoạt động tại vùng Tây Ninh - Đó là tháng 2-1975 - Từ đó Khánh không về - Vợ chồng Nguyên không bao giờ gặp lại Khánh lần nào nữa - Chắc Khánh đã là anh dũng, trả xong nợ nước ở vùng đất heo hút nào rồi. Vĩng Tường vẫn thường nói:

 - Một là nó chết vì đạn trong lúc giao tranh với địch, hoặc là những giờ phút cuối cùng của miền Nam - Khánh bị giặc bắt sống đem đi bắn bỏ rồi - Anh biết nó quá mà, thằng đó gan dạ lắm, nó không chịu đầu hàng đâu.



 Năm này qua tháng nọ, kể từ lúc bóng dáng giặc thù theo xe tăng T.54 kéo nhau tràn ngập Thủ đô Sàigòn, rồi Vĩnh Tường đi tù, đi trả nợ oán cừu, rồi được thả về. Vợ chồng Nguyên chỉ được biết tin Trần Đình Tự - Tiểu Đoàn Trưởng TĐ 38/BĐQ, cũng không đầu hàng - Bị bắt, chửi nhau tay đôi với giặc, bị tên giặc răng vẩu dùng dao găm mổ phanh bụng, chết thảm - Đối với Khánh thì biệt mù tăm tích - Khánh đã chết, nhất định thế - Nếu còn Khánh cũng đã trở về, lẽ nào lại mất bóng luôn, chẳng một phút đoái hoài vợ con? Nguyên thấy bị dằng xé với ý nghĩ: Chẳng lẽ ông này là Khánh? Có nên hỏi ông ta không? Hỏi cách nào để không đụng chạm, tổn thương tâm hồn ông ta.

 - Lúc nãy bà có nói là sẽ nhờ tôi một việc, thưa, tôi có thể biết đó là việc gì không ạ!

 - À, dạ quên, tôi nghĩ việc nhờ ông rất nhỏ. Tôi ở xa, lâu ngày không về và cũng ít có dịp lên thăm mộ người thân, nay thấy lạ hết trơn rồi. Con đường này mở thành xa lộ, những dấu mốc hai bên lề cũng dọn sạch nên tôi nhận không ra. Xin ông chỉ dùm mộ phần của anh em Cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm ở đâu. Bố chồng tôi cũng để gần đấy, cách khoảng vài ngôi thôi. Hôm nay người nhà tôi ở Sàigòn bận quá, không có ai đi cùng, nên phải phiền đến ông.

 - Tưởng chuyện gì, việc này thì dễ quá. Ngay sau lưng cái lều này là lối mòn đi vào chỗ mộ phần anh em Tổng thống Diệm. Mấy năm trước lề đường còn ở ngoài kia đến 4,5 mét, có hàng rào bông giấy, đường mở rộng, cây Điệp tây này trở thành sát lề, lều của tôi cách đây ba, bốn năm không ở đây. Tôi bán bên khu nghĩa địa người Hoa, trước mặt. Đa số người Hoa thờ cúng ông bà, nên tôi bán được nhiều hơn bên này. Tôi dựng chỗ bán ở đây cũng vì muốn được gặp người mình nhiều hơn. Vả lại thời gian gần đây có nhiều Việt kiều ở các nước về thăm quê, đi viếng mộ, lạ lẫm, rất lúng túng trong việc tìm kiếm. Tôi trấn ngay đầu lối mòn, để mục đích chỉ dẫn bà con giáo dân, đến viếng mộ các cụ Diệm, Nhu. Còn ông Cẩn phía bên tay phải tôi hai chục mộ. Xin lỗi bà tôi nói hơi nhiều. Bây giờ bà vào trong đó, lối đi ở phía sau lều, đi thẳng chừng 25 mét sẽ nhìn thấy. Và bà có thể tìm được mộ người thân.

 Nguyên tỏ cử chỉ làm thân, trước khi hỏi về đời tư người đàn ông:

 - Xin ông cho tôi miếng nước trà, trời nắng khát quá ông ạ!

 - Dạ, xin bà tự nhiên. Mong bà thông cảm, tôi nói thật không dám mời, vì sợ bà ngại vấn đề nước, dụng cụ không được vệ sinh.

 Vừa với tay cầm cái bình thủy mở nắp để rót nước, Nguyên đột ngột:

 - Anh Khánh, bao nhiêu năm rồi, xa lạ gì mà anh khách sáo thế, Nguyên đây này - vợ của Vĩnh Tường đây, anh không nhận ra được hay anh không muốn nhận?

 Không gian bỗng tĩnh lặng, có tiếng quạ kêu xa trong nghĩa địa, con bé Trân đứng nhìn Nguyên và Khánh kinh ngạc.

 - Nhận ra chứ, nhận ra ngay lúc con cháu Trân nói chuyện với Nguyên ngoài kia - Nghe tiếng nói là đã nhận được rồi. Nhưng Khánh đâu còn nữa. Tôi đã chết từ ngày 17-2-1975 rồi mà - Tôi không thể quên được bất cứ ai, đã là người thân, Nguyên, Tường và Diệu Khoa, vợ tôi - Nhưng tôi đành quyết định cố mà quân đi - Rồi thời gian cũng sẽ là tháng lụn năm tàn, cuộc sống của mọi người sẽ bằng phẳng như con nước trôi vậy thôi - Tôi vẫn thường cầu mong được phút giây nào đó mình sẽ thanh thản, sẽ vô ưu, dù là bấy lâu nay nó chưa đến với tâm tư mình.

 Nguyên bật khóc, khiến con bé Trân hoảng lên:

 - Cô, cô sao dzậy? Con sợ quá cô! Bác, bác ơi sao dzậy?

 Khánh dùng khuỷu tay choàng vai bé Trân đang dựa vào ngực mình:

 - Con đừng la hoảng lên, cô Nguyên là bạn của bác mới ở xa về, nhận ra bác con hiểu không!

 Nguyên nói trong tiếng sịt mũi:

 - Anh vụng tính quá anh Khánh ạ, vợ chồng tôi có lúc nào không nhắc, không nghĩ tới anh. Anh có biết là Diệu Khoa và cháu Diệu Chi khổ ải, đau thương biết bao nhiêu từ ngày bặt tin anh. Anh Vĩnh Tường nói với tôi cũng như các bạn: " Tôi và thằng Khánh bốn mươi năm bằng hữu, chiến hữu của nhau. Nó với tôi hiểu nhau như biết rõ chính mình.Bao nhiêu kỷ niệm, bao nhiêu biến cố xảy ra trong cuộc đời, hai đứa đều có chung với nhau, từ nỗi thống khổ của đứa học trò nghèo, đi xe buýt cọp. Đi học không tiền uống sữa đậu nành, hay ăn đậu đỏ bánh lọt, hai đứa đành chịu khát, chịu thèm lảng xa quán nước. Bặt tin thằng Khánh thì trăm phần nó chết dấp dúi chỗ nào rồi. Tôi biết bạn tôi không bao giờ nó đang tâm bỏ lại hết mọi người như thế này đâu".

 - Nguyên à! Chuyện dài ngàn trang, nói vài câu làm sao đủ - thời gian vài phút làm sao nói hết - Hãy khoan nói chuyện của tôi, xin cho tôi biết về bạn tôi, thằngVĩnh Tường đã - Anh chị cuộc sống thế nào? sau đó nếu tiện thì xin cho biết về Diệu Khoa và cháu Diệu Chi - con gái tôi - Nhưng tuỳ Nguyên, không tiện nói thì thôi cũng được. Thế này nhé! chuyện hôm nay chắc là phải nói nhiều với nhau, sau khi bán hàng thì anh đi đâu? Anh cư ngụ chỗ nào? Anh cho phép tôi có ý kiến nhé!

 - Ý kiến gì, tôi định như vầy, nếu Nguyên đồng ý thì làm ngay - Cháu Trân, con người lính truyền tin của tôi ngày trước, bây giờ bố nó với tôi là anh em kết nghĩa và tôi đang ở nhà nó, trong ấp 4, gần cầu ông Bổn, ngoài ngã ba Bình Dương đó - Cháu Trân nó sẽ dẫn Nguyên vào thăm mộ, tôi dọn hàng vô giỏ đệm và túi xách - Xong lễ, Nguyên ra đây tôi mời về nhà - Nói chuyện dễ và được nhiều hơn.

 - Tôi cũng vừa định đưa ý kiến là bữa nay anh nghỉ sớm, dẫn tôi về chỗ ở

 . Đến đây cũng là lúc chiếc taxi quay trở lại - Người tài xế mở cửa bước xuống đi vào quán, anh nói:

 - Bữa nay ngày thường vắng quá, tôi ra Lái Thiêu ăn hủ tiếu và mua cho bà xã ít trái cây - Khách thăm mộ ít thế này, anh bán hàng chắc cũng "hẻo" nhỉ.

 Nguyên đã trở lại nhìn anh tài xế cười:

 - May qua, anh trở lại đúng lúc, đang lo không biết cách nào gọi anh, vì tôi không có cellphone,

 - Sao thế ạ!

 - Tôi gặp ông anh, ảnh là con bác tôi, thật là hên hết sức, tôi đang tìm thì bữa nay gặp - Do đó anh tôi nghỉ bán, tụi tôi về sớm, sợ anh quay lại hổng cẳng hết trơn - Bây giờ anh giúp dùm tụi tôi về nhà, sẵn mời anh ghé chơi luôn.

 Nguyên nói tiếp với người tài xế:

 - Phiền anh chuyển giúp mấy cái túi hàng lên xe, mình về nhà anh tôi.

 Khánh dùng tay phải chống nạng, khuỷu tay trái đặt lên vai bé Trân, đeo chiếc kính đen một tròng lên nói:

 - Có người nói tôi lắp hòn bi vào mắt. Nhưng kệ nó, tôi muốn đeo kiếng kiểu Moshe Dayan của Do Thái.

 - Độc đáo thật đó anh Khánh ạ, nhưng thay vì miếng da, ông lại đập bỏ mắt kiếng bên kia, nhìn có vẻ quái và dị nữa

 - Thì tôi nói rồi, cố ý mà!

 Người tài xế vui vẻ mở cửa sau, đỡ phụ lưng Khánh để anh vào xe, theo sau là con bé Trân.

 - Hai mươi chín năm, hôm nay mới được ngồi xe "ô tô" lại là yellow cab nữa, thật đã quá!

 Nguyên ngồi ghế trước, ngoái xuống nó:

 - Hàng ngày, anh đi bán hoặc tới lui đây đó bằng cách nào, phương tiện gì?

 - Nói thật nha Nguyên, sáu năm rồi đi xa nhất của tôi là về tới Lái Thiêu - Sàigòn thì tuyệt không, đoạn giao, cắt đứt - Tôi để cho nó còn trong tưởng nhớ thôi - di chuyển trong nhà thì nhảy lò cò cho tiện, khỏi phải dùng nạng, hoặc vịn chỗ này, bám chỗ khác nhảy tới cũng được - Hàng ngày đi bán, đã có thằng Mười "đầu vịt", nó chở cả người và hàng bằng chiếc xe ba gác, cứ đạp thủng thẳng cũng tới. Sau đó Mười "đầu vịt" đi chở thuê cho bạn hàng: rau trái, bông hoa, hoặc nông sản - Gặp gì nó chở nấy lấy tiền công - Cũng đỡ là nó có bà xã giỏi, bán canh bún ngoài chợ, khách khen ngon, hàng bán chạy, cũng đỡ "hom hem" đôi chút - Nguyên cười, anh taxi góp chuyện:

 - Sao lại có tên là Mười "đầu vịt" vậy anh?

 - Chuyện như thế này - Khoảng năm 1969, đơn vị tôi phòng thủ vòng đai Sàigòn, bảo vệ Biệt Khu Thủ Đô - Một lần đi hành quân ở Cầu Tràm, Cần Giuộc - Đám Thám Báo của đơn vị "tó" được hai thằng du kích ngậm ống nylon nằm dưới rạch, kèm theo 2 AK.47 nữa - Trở về vị trí đóng quân ở Phú Lâm, lúc đó đơn vị tôi trừ bị cho Liên đoàn nên gần mặt trời - là thành phần ứng chiến, xung kích không phải phân tán, gác vòng đai Bộ chỉ huy Liên đoàn - Ông Đại Tá Liên Đoàn Trưởng thưởng cho đám Thám báo một số tiền nhỏ - tiền riêng của ổng - Anh em đi mua vịt nấu cháo , rượu đế "nổ chụp" ăn nhậu với nhau - Chả hiểu nhậu xỉn hay thách đố nhau sao đó, thằng Mười (chưa có hai chữ đầu vịt) - mang máy truyền tin đi với tôi - cũng nhậu trong đám - nó lấy cái đĩa, chặt đầu con vịt từ cổ trở lên, đã luộc chín, bê cái đĩa đầu vịt với ly "nổ chụp" đi tìm ông Đại tá để kiến (biếu) ngài - Mấy thằng kia hoảng quá cản lại - Nó la toáng lên: "Gì mà ngán mày?Tao mời Đại tá cái đầu vịt để kính trọng và tỏ tình thày trò - trò biếu thày mà mày! Sang nhất con vịt là cái đầu mà mày!" Bữa đó ông Đại tá đi họp tại BTL/BKTĐ, nếu ở nhà, không biết ông ấy xử ra sao, vì thằng Mười cũng hơi xỉn xỉn rồi - Từ đó, nó chết luôn cái tên Mười "đầu vịt", là như vậy. Như chợt nhớ ra mình đã lỡ miệng, nói luông tuồng trước người lạ - Khánh trầm giọng:

 - Chết cha! Tôi quên mất, lỡ dại kêu mấy ông "cách mạng" là thằng du kích - Xin anh bỏ qua cho nhe! Tôi không cố ý, lỡ một chút thôi.

 - Ông thày! Em là tài xế ở Đại đội 110 Quân vận đây này. Em đóng ở đường Trần Quốc Toản, Sàigòn, hồi đó tụi em thường đến chở đơn vị ông thày đi hành quân ven đô hoài - Phải công nhận mấy cha BĐQ hồi đó ngon và dữ dằn thiệt - Mấy thằng du kích là nói nhẹ đấy ông thày - Mình là người nhà mà, xin cứ thoải mái.

 - Ủa, té ra anh cũng là VNCH hả? Anh cùng đơn vị, cùng binh chủng với hai người bạn tôi, Thiếu Tá Sơn cùng khóa và ông Thổ tả Chấn, bạn học.

 - Vui quá, vui quá ông thày ơi ! Thiếu tá Sơn là xếp trực tiếp của em, còn ông Thổ tả có qua BĐQ mà.

 - Ừ, sau đó nó được đi học khóa đạo diễn điện ảnh, rồi đi mất mẹ nó luôn - Nhờ vậy năm 75 nó thoát khỏi tay lũ chó sói đây!

 Khánh nhoài người về phía trước chỉ cho anh taxi quẹo trái vào con đường làng, đất đỏ nhưng khá rộng, đủ cho xe cỡ lớn lưu thôn.

 - Anh quẹo vô con lộ đất ấy, chạy thẳng chừng 150 mét, đến căn nhà mái ngói nâu mới, có sân rộng thì vào luôn, đó là nhà thằng Mười "đầu vịt". Giờ nó nhận tôi là anh, cho tá túc qua ngày. Tôi cũng chịu ơn vợ chồng nó cưu mang, nhất là mấy năm mới ở tù về, trăm bề khốn khổ, đau đớn, bơ vơ và đói nữa - Nó vẫn một lòng giúp đỡ chăm lo - Có đêm tôi đau nhức không ngủ được, nó đi tới, đi lui, thoa dầu nóng còn bóp chân cho tôi nữa. Nghĩ đến thân phận, nhiều lúc nản quá, tôi muốn tự chấm dứt đời mình, nhưng nhìn lại nó, vợ 6 đứa con, dắt díu nhau làm đủ mọi việc để tự tồn - Gia đình nó sống rất bình thản, yên ổn tâm tư, điều đó đã giúp tôi quên được nhiều thứ để còn hiện hữu.

-/-

 Tin chiến sự thay đổi từng giờ từ khắp các vùng chiến thuật, phần bất lợi dang nghiêng về phiá VNCH. Sau khi Ban Mê Thuột bị giặc chiếm - Như con đê không ngăn được cơn hồng thủy, chỗ này lở, chỗ kia bị cuốn trôi- Cuộc chiến giữa ta và địch cũng vậy, "di tản chiến thuật" chỗ này, chỗ kia bị áp đảo, tràn ngập với quân số đông gấp 10-11 lần hơn - Đạn pháo xe tăng xử dụng tối đa. Sức chống trả của QLVNCH dù có kiên cường, thiện chiến cách mấy cũng cứ hao hụt dần , như sức chịu của anh khổng lồ, dang tay đỡ bức tường đang sập xuống - Theo kế hoạch tái phối trí của chiến lược mới, đơn vị Khánh được lệnh triệt xuất khỏi vùng rừng rậm, giáp ranh vùng Lưỡi Câu của Kampuchia, về phía Tây Bắc Sàigòn - Bỏ dở cuộc hành quân dang tiếp diễn tại biên giới Việt-Miên, di chuyển khẩn cấp về nhận nhiệm vụ mới. Sau khi vị Liên Đoàn Trưởng đi họp về, ông đã gọi các sĩ quan đơn vị trưởng dưới quyền để thông báo kế hoạch và mệnh lệnh mới, nhiệm vụ của Liên Đoàn sẽ phải thi hành ngay mà ông cũng vừa nhận được từ Bộ Tổng Tham Mưu/QLVNCH.

 Ông nói vắn tắt: "Ngay sau khi tôi ban lệnh mới, các ông về cho con cái chuẩn bị thật nhanh, để sẵn sàng di chuyển trong vòng một giờ nữa - Mình sẽ về nhận nhiệm vụ phòng thủ Tây Ninh - Bọn "chúng nó" (VC) đang di chuyển từ các mật ku Dương minh Châu, Tam giác Sắt để tiến về vùng cao su Cầu Khởi, Chà Là, Truông Mít, để cắt quốc lộ 22 và đồng thời tấn công Sàigòn - Mình sẽ giữ từ Suối Cao (Quận Hiếu Thiện) xuống đến Khiêm Hanh, Bầu Đồn và một đơn vị trách nhiệm lưu động tại cao su Cầu Khởi ngược lên Truông Mít - Cùng vào vùng với mình có một Tiểu đoàn ĐPQ và một Pháo đội 155 ly - Tất cả phải di chuyển ngay khi có lệnh từ Liên đoàn.

 Trên trục chuyển quân, Đại đội Trinh sát đi đầu, thỉnh thoảng cũng có xảy ra những cuộc chạm súng lẻ tẻ, mức độ giao tranh nhỏ, do các toán đóng chốt hoặc các toán tiền đồn của địch - Thoáng chốc là đơn vị Trinh sát đã nhổ, diệt gọn mấy chú vịt con này. Do đó, cuộc chuyển quân tuy phải băng rừng đi vòng vèo, khó khăn vì địa thế, nhưng vẫn xuôi chèo mát mái, không bị chặn lại hay đánh lớn - kế hoạch được thi hành đúng với lệnh ban ra.

 Đơn vị Khánh chịu trách nhiệm hoạt động từ Truông Mít đến Cầu Khởi vùng đồn điền cao su, nối liền qua tới Bến Cát, bến Đồng Sổ, Michelin và một địa danh đặc biệt là vùng Thị Tính (tỉnh Bình Dương) - Khánh nhận lệnh phải chú trọng đặc biệt đến khu vực Cầu Khởi, đây là tuyến di chuyển của địch. Đối với miền đất này Khánh cũng không lạ gì, bơi từ những ngày còn là Trung đội trưởng, Đại đội trưởng, đã từng cùng các anh em binh sĩ tuần tiễu, phục kích, hành quân truy diệt địch lên đến tận sông Thị Tính - Mặt trận tuy có nặng nề, nguy hiểm, nhưng cái cảm giác không như lần quay lại chốn cũ này. Vừa rải quân xong, ngồi dưới bóng mát của một cây bàng lăng, dở bản đồ nghiên cứu lại địa thế hoạt động, trong không khí lặng ngắt và âm u của rừng cao su bát ngát - Khánh chợt bắt gặp cảm giác nhờn nhợn chạy dọc theo chiều xương sống và rõ ràng Khánh cũng cảm nhận mình đang cô độc, cả đơn vị đang chịu đựng một hoàn cảnh bơ vơ và dường như bị quên lãng - Ngay sau lúc cầm ống liên hợp truyền tin nghe các đơn vị nhỏ báo cáo do các thẩm quyền gọi về và Khánh đích thân gọi lên Liên đoàn báo đã hoàn tất việc bố trí quân và công tác trong vùng trách nhiệm bắt đầu - Khánh cũng chỉ nhận được hai lệnh ngắn: "Cố gắng hoạt động tối đa, lưu ý đặc biệt hướng Thị Tính - và gởi ngay bản hỏa tập pháo binh về cho Ban 3 Liên đoàn - chấm dứt - Hoàn toàn yên tĩnh kỳ lạ.

 Khánh nhìn quanh, những đứa em - các chiến hữu của mình cũng yên lặng, tư lự nhìn mông lung lên đỉnh cao su, chỉ còn tiếng động duy nhất hướng Tây Bắc xa xa, tiếng ỳ ỳ như xe ủi đất đang làm việc vọng tới - Nghi ngờ chợt nẩy ra, Khánh lại gọi lên Liên đoàn hỏi :"Phía Tây Bắc của đơn vị mình có đơn vị bạn nào hoạt động không? nghe có tiếng ỳ ầm như xe tăng chạy? -Trả lời: " Vùng tự do" không có ai - có lẽ Bulldozer của cao su đang làm việc - Khánh chửi thầm :"Bulldozer cái mả mẹ mày, thằng chó đẻ cao su nào dám đưa xe ủi đất đến lúc này ở đây" - Trách nhiệm của người chỉ huy và linh cảm điều không lành sẽ đến - Một lần nữa Khánh cầm máy ra lệnh: "Tất cả mọi người phải lo làm công sự phòng thủ - đào hố cá nhân, giao thông hào, vì không có bao cát, hãy cố gắng đắp bờ đất cho chắc chắn, nện kỹ. Tuy nhiên trước khi đào hầm hố, phải cho các toán tiền đồn ra xa, nằm giữ an ninh và hạn chế tối đa gây tiếng động - Đặc biệt chỉ nổ súng khi địch xuất hiện chính xác - Nổ súng thì phải có "thịt" - tuyệt đối không nổ sảng - nguy hiểm. Mọi diễn tiến trong vùng nếu quan sát thấy, báo về ngay theo những ám hiệu đã dặn dò kỹ lưỡng cho các âm thoại viên - không nói trong máy, địch đã có thể kiểm thính và nghe được mình nói gì - Nó cũng đang rình mình sát nút đấy.

 Những ngày tiếp theo, Khánh tung các đứa con từ cấp nhỏ nhất - Toán Thám sát - đến cấp Đại đội tuần thám, hành quân sâu hơn vào cao su, tiếnsát về ranh giới của Bến Cát-Bình Dương, nhưng mức độ giao chiến vẫn không gia tăng cường độ, vẫn lẻ tẻ, năm ba tên du kích hay toán liên lạc của chúng - Nhưng ban đêm mới là điều gây lo âu cho Khánh và đơn vị phía bên kia của rừng cao su - thấp thoáng ánh đèn xe và tiếng máy gừ gừ, đúng là địch đang nghênh ngang di chuyển . Pháo binh từ Khiêm Hanh, từ Suối Cao, từ chi khu Hiếu Thiện bắn xuống, nhưng số lượng đạn cũng chỉ rải cầm chừng, 5,7 trái nổ rồi thôi - Đèn tắt, tiếng gừ gừ nghẹn lại - pháo ngưng lại tiếp tục như chưa bắn, đèn bật sáng, tiếng gừ gừ đều đều, xa, gần kéo dài cả giờ. Khánh linh cảm chỉ ngày một, ngày hai, thế nào chúng cũng húc đơn vị Khánh, địch quân phải dọn sạch chỗ này, để dễ bề đưa quân ra lộ 22 - thẳng đường về Sàigòn.

 Tình hình chiến sự thay đổi hàng ngày, thậm chí hàng giờ - Vùng I chiến thuật triệt thoái - Vùng II CT di tản, tái phối trí - tin xấu bay theo tiếng nói từ BBC, VOA trong gió lộng không gian - Anh em binh sĩ đã có phần nao núng, nhưng vẫn tận tụy với nhiệm vụ, nét mệt nhọc uể oải đã hiển hiện, Khánh cũng có chung cảm giác ấy. Bóp đầu, vò tóc, nghiêng qua, ngó lại, nhìn tới lúc tấm bản đồ muốn mòn đường mực in, nét vẽ. Khánh tận dụng sự suy nghĩ tìm giải pháp nào tốt nhất, để áp dụng lúc địch tới "hỏi thăm" - Cách nào giảm tối đa thiệt hại và cách nào triệt thoái để sống còn - Trước sau gì nó cũng táp một miếng lớn - Nhất định không cho nó ngoạm được miếng ngon, sự sống của anh em binh sĩ là tối ưu - Giờ này họ cũng "nóng như hơ" - vì sự yên bình của gia đình, vợ con kẹt lại trong các trại gia binh - Từ cái nhìn dáo dác, thái độ nhấp nhổm, đứng ngồi không yên của họ, Khánh hiểu rằng anh em đang cần biết một sự thật, mọât lời nói nào đó tạm gọi là yên lòng anh em - Họ lo lắng cho sự an nguy của gia đình, từ lúc radio đưa tin VC pháo kích lai rai vào Long Bình, phi trường Biên Hòa, và cũng là lúc địch chốt chặn cắt ngang đường đi Đà Lạt.

 Các chi khu Maragoui, Bờ Sa địch đã chiếm, lực lượng đồn trú di tản - Chi khu Định Quán đang vật nhau để giành phần thắng, Phương Lâm cũng xong rồi. Chúng nó từ phía sông La Ngà, khu định cư Trà Cổ cũ, kéo ra Chốt Kiềng , Chốt Tỏa - phong bế mọi di chuyển Đà Lạt - Định Quán và kể luôn đường về Dầu Giây - Đường đi miền Tây cũng không sáng sủa gì - những chốt, đắp mô, phục kích tại khoảng cách Long An - Mỹ Tho - luân phiên đổi chủ - mọi nỗ lực của các đơn vị bạn - SĐ 7 BB, SĐ 25 BB và Địa Phương, giải tỏa, quét sạch những tên đặc công cố bám chặt con đường, khống chế giao thông - Giải tỏa xong, xe cộ thông đường, chuyển vận ban ngày xong, đêm vì thiếu quân giữ đường, địch lại kéo ra đào hố, gài mìn v...v...và lại nghẽn đường, lại tắc - Cường độ giao tranh mỗi lúc ác liệt hơn, mãnh liệt hơn về phía địch - Đạn dược, pháo kích v...v... bắn thoải mái - Có lẽ chúng bắt đầu chơi xổ chấp với QLVNCH - đánh công khai ban ngày. Phòng không địch bắn lên, tưởng như đàn chim bay đầy trời, những cụm khói đặc kín không gian - Phi cơ của KQ/VNCH dù giỏi, dù gan dạ và nóng lòng muốn cứu nguy cho bạn bè phía dưới cách mấy, cũng có lúc phải nhợn vì cái lưới lửa giăng đầy bầu trời, tưởng chừng con bồ câu bay cũng khó lọt qua, huống hồ chiếc F.5, A.37 hay Skyraider, đã có những chiến sĩ của "Tổ quốc không gian" bị trúng đạn địch, cùng hy sinh với con tầu, cắm thẳng xuống lòng đất - Cũng có những cánh dù bọc gió đong đưa, nhưng rồi cũng biệt tăm, không về nữa, cánh dù đã rơi vào vùng địch chiếm.

 Đã một tuần rồi, Khánh, viên sĩ quan phó và sĩ quan hành quân, ba người cùng trong tình trạng suy kiệt sức khỏe, mỗi đêm họ thay phiên nhau chợp mắt - chứ không phải là ngủ - Ba người họp, bàn, liên lạc với các đơn vị bạn - lần mò trong đêm, đến với từng người lính ngoài tuyến phòng thủ - dùng ám hiệu truyền tin để nhắc nhở các đứa con làm ăn xa thật cẩn trọng - và cái chính là Khánh muốn nói với các anh em nằm ngoài là sau lưng họ, cấp chỉ huy cũng thức, cũng căng mắt theo dõi mọi biến động nhỏ - Mọi người đang cùng nhau quyết tử với địch ở chốn vô danh này của tổ quốc - Khánh cũng nhắc với anh em dưới quyền, cấp chỉ huy của họ là Khánh không cần và không dùng đến loại mệnh lệnh "bằng mọi giá phải tử thủ" hoặc "bằng mọi giá phải chiếm cho được mục tiêu" - Lối ra lệnh này Khánh hoàn toàn không ưa, mà coi như cái thứ lệnh chỉ nhằm mục đích xác nhận ta là cấp chỉ huy, bắt mày phải thi hành - loại lệnh mù quáng và giựt le - cũng ví như cho người ta 3 dollars, bắt thuê phòng khách sạn 5 sao - Luôn luôn cá nhân Khánh và các cấp chỉ huy trong đơn vị đều cùng một nhận định , đã đến lúc ăn thua đủ với nhau rồi - không nói ra, nhưng cảm giác cô độc, quạnh quẽ một dúm người với nhau, sắp sửa cùng chết sống chỉ còn gang tấc, mọi liên lạc đã khó khăn bế tắc - Đạn dược đang hao hụt dần, loại súng M.79 mỗi khẩu chỉ còn 4, 5 viên - M.72 chống chiến xa cũng hạn chế tối đa rồi. Tóm lại Khánh và đồng đội đánh bạc đang bị cạn láng - Ngay cả lương thực cũng còn rất ít, ăn cầm chừng vì đường tiếp tế nghẽn tắc - Tình trạng đang ở giai đoạn cuối - Nhưng Khánh đã cố không nghĩ đến hai chữ "tuyệt vọng", hơn một tuần, xe cộ đã dừng lại ở hai đầu và cuối quận Củ Chi, giặc nằm trong ấp Tân Phú Trung, bộ binh đánh ngày đêm, chúng vẫn chưa rút chạy - và hình như sau một đêm, cái màng nhện của chúng lại được dăng lưới kỹ hơn và mở rộng hơn - Thương vong của quân bạn đang tạo thêm lo ngại. Dĩ nhiên phía địch quân chúng phải chết nhiều hơn, nhưng nó đã dốc toàn lực, nên lợi dụng bóng đêm để bổ sung quân số.

 Cuối cùng thì việc dự đoán cũng đến - Tối 15-2-1975, toán Thám báo do Trung sĩ Cao được giao nhiệm vụ vào sâu, qua khỏi cao su Cầu Khởi, đến sát con lộ dẫn về phía Bến Cát, để dò xét, theo dõi sự di chuyển hoặc khám phá vị trí tập trung của địch - Đích thân Khánh và Thắng, sĩ quan hành quân trực tiếp liên lạc, theo sát công tác của tiểu đội Cao đi làm ăn. Đúng 11:40 giờ đêm 16 tháng 2 năm 1975, Khánh nhận được báo cáo của Cao, địch đang di chuyển rất đông, đi thành từng toán, ước chừng ba, bốn chục người một toán - Khánh hỏi :"Từ đâu đến và đi về hướng nào - Đáp: " miệt Thị Tính đổ ra, hướng về Sàigòn - Cao có vẻ xao xuyến tiếp: xe tăng đi sau bộ binh" - Khánh đang định nói với Cao ráng ẩn nấp cho kỹ, để pháo binh bắn - Nhưng ngay lúc đó, Cao dùng bạch văn: "Lôi Phong, nó thấy tôi rồi" - Tiếng súng lớn nhỏ nổ rộ lên liên tục chừng 10 phút thì yên tĩnh trở lại - Toán Thám báo hoàn toàn mất liên lạc. Khánh đã gọi pháo binh từ Khiêm Hanh bắn lên, rải dài theo con đường, nhưng không cách nào gọi được toán của Cao - Anh hiểu rằng với mười tay súng thám báo chỉ vừa đủ cho vài trái đạn 100 ly trên xe tăng - Nghĩa là Cao và đồng đội đã hy sinh.

 Lệnh báo động khẩn cấp, tất cá các quân nhân ra vị trí tác chiến, các toán "ăn sương" ở xa cho gọi về gần gia đình - Nếu địch tấn công, đánh cầm chân, đánh báo động rồi rút về với anh lớn hoặc kẹt quá phân tán mỏng - Tin từ Liên đoàn: địch bắt đầu pháo kích dữ dội, 122 ly, 130 ly và cả Organ de Staline (dàn pháo 107 ly) hai Tiểu đoàn bạn và một TĐ Địa Phương Quân tăng phái cũng cùng tình trạng như Liên đoàn - Như vậy chúng nó đánh toàn diện rồi và mình cũng sẽ đến lượt - Chờ - 1 giờ 15 phút sáng , tiếng súng nổ ngoài vòng phòng thủ xa, đều khắp - Đồng loạt các toán tiền đồn đều chạm địch và xin lui về - Địch quá đông, đi ngờ ngờ trong đêm, dưới ánh đèn xe, ẩn hiện - Khánh chấp thuận, trao ống liên hợp máy truyền tin cho Mười đầu vịt, với tay lấy cái áo giáp mặc vào người thì đủ mọi loại đạn rơi vào vị trí đóng quân, ba hướng - chính Bắc, Tây Bắc, Tây nam đều bị tấn công - Có lẽ lạ nhất trong chiến tranh, xe tăng địch dàn hàng từ xa, dùng đại bác 100 ly, thượng liên 12 ly 8 bắn dồn dập, bắn liên tục và chúng pha đèn chói lòa trong lúc bắn - Ngưng bắn thì đèn cũng tắt. Xe vẫn nằm yên, bộ binh (đơn vị đặc công) xung phong - Biết rõ mức độ nguy nan của trận đánh, anh em binh sĩ đã bắn cẩn thận, bắn chính xác vào những tấm bia thịt đang đi, chạy, bò lổm nhổm ngoài vòng đai phòng thủ. Do đó các đợt xung phong của chúng bị dập gẫy liên tiếp - Dù vậy, tình hình vẫn đen dần - đạn sắp hết - các công sự bằng đất bị xới tung - giao thông hào bị lở, lấp từng khúc - thương vong đã khá nhiều rồi - Sĩ quan ban 3 trúng đạn 130 ly, sập hầm - tan tác- hy sinh cùng với tất cả những đứa em bao quanh - Sĩ quan phụ tá bị thương nặng, nằm thiếp với chiếc băng vải quấn quanh đầu - Khánh bỏ hầm chỉ huy cùng với mấy người lính hộ tống và các âm thoại viên cõng máy di chuyển liên tục dưới giao thông hào, đến với từng tổ, từng cá nhân chiến đấu - Có lẽ với tâm trạng có bỏ chạy cũng chẳng thoát, thà cả "tao và mày" cùng chết - nên anh em đánh nhau với địch bình tĩnh và còn có vẻ thong dong - Địch xung phong từng đợt, sau khi xe tăng bắn đại bác, mỗi lần cách khoảng từ 15 tới 20 phút - Đến 4 giờ sáng thì tự nhiên im tiếng súng - Yên lặng hoàn toàn, nhưng tiếng gừ gừ của xe tăng địch vẫn còn ở ngoài, hơi xa - Đúng 5 giờ 1 phút, tiếng gầm rú của xe tăng địch hực lên ầm ầm, tiếp theo là tiếng bánh xích lăn. Đạn lại rơi tới tấp, tiếng xe di chuyển mỗi lúc một gần hơn - Khánh nhận ra xe thiết giáp địch chạy trước, vừa bắn vừa xung phong, theo sau là bộ binh quân phục chính quy. Anh đã nghe thấy tiếng la hét, kèm theo là tiếng ự hự của lưỡi lê đâm - Giọng Nam, giọng Bắc của các chiến sĩ VNCH, bị tiếng Bắc (gian) của địch quân át giọng - Khánh muốn phì cười khi nghe tiếng la chói lói:

 - Đ.t mẹ mày, ông đâm cho mày bỏ "nàng" (làng) nuôn! - Và cùng khắp, vang vang tiếng hò hét, tiếng chân chạy, tiếng đập nhau bằng báng súng - Rồi im lặng - thế là hết - Đơn vị đã tan tác, đã thua thật rồi - mất hết rồi - Cái chết đã đến với Khánh, với các chiến hữu anh em binh sĩ của Khánh - Anh nhắm mắt, một thoáng hình ảnh Diệu Khoa và con gái Diệu Chi trong trí tưởng - Vợ anh còn trẻ quá, 27 tuổi, con gái 2 tuổi rưỡi - Thôi từ giã em, con - quân thù đang chạy qua, chạy lại, tiếng chân nghe thình thịch chung quanh.

 - Thằng chỉ huy mày đâu, không chỉ ông chém bay đầu.

 - Chỉ cái con c.. ĐM mày !

 Tiếng hự vang lên sau đó là dãy dụa - Khánh đưa mắt nhìn quanh, bên cạnh mình còn Mười đầu vịt, Út ghẻ, Tân heo - trừ Mười, còn lại Út và Tân, hai trong số 8 quyết tử quân, lúc nào cũng bám sát Khánh, có lần chúng nó tự đùa, nhận mình là tám ngàn đệ tử đất Giang Đông theo Hạng Võ.

 - A! đây rồi, địt mẹ mấy thằng chỉ huy trốn đây này, bắn chết cha chúng nó đi!

 - Không được, các đồng chí bắt sống chúng nó cho tôi - Tiếng Bắc kỳ gian ra lệnh.

 Một nhát lưỡi lê đâm vào vai Khánh, tiếng báng súng đánh lên lưng, lên đầu các đệ tử Giang Đông - "Có hàng không?".

 - Con c... Đù má mày! Bắt được muốn làm con c.. gì thì làm, ba mày đéo hàng, đù mẹ bắn đi

 - Một loạt AK nổ dòn, Khánh liếc thấy Út ghẻ (thằng con bà Phước, đi lạc ra chợ An Đông rồi đi lính - Nó vẫn thường nói về nó như vậy), một thằng lính chẳng biết cha mẹ là ai - ăn ở sạch sẽ nhưng thường hay bị ghẻ ở cổ chân - Đối xử với cấp trên thì đàng hoàng, với đồng đội thì vui, hòa đồng , nhưng hễ ra khỏi đơn vị thế nào cũng có độ đánh lộn - Đánh ai mà thắng thì nó cắn cổ kẻ bại để lấy thẹo chơi - Đầu Út ghẻ vỡ toang hoác, óc, máu văng lênh láng trên bờ giao thông hào - Thôi xong rồi, đệ tử đất Giang Đông đã tan tác ở Cai Hạ - Không, ở cao su Cầu Khởi - Nhìn qua Tân ghẻ và Mười đầu vịt bị trói thúc ké, sợi giây thừng quàng qua cổ thòng xuống háng, kéo ghịt thân hình hai thằng em, còng lưng như con tôm - Chẳng biết vì giận, vì nghẹt thở hay vì sợ hãi mà cả hai, mặt xanh như đít nhái . Khánh cũng bị trói quặt hai tay ra sau lưng, nhưng không như Tân và Mười. Tên chỉ huy ra lệnh:

 - Xé ngay cái cổ áo nó, chết đến nơi còn đeo quân hàm - Có lẽ thấy Khánh im lặng, không phản ứng, thằng Bắc kỳ gian dịu giọng:

 - Các anh phải mừng rỡ, phải vui mới đúng, cách mạng đã thành công, giải phóng các anh khỏi đế quốc từ hôm nay rồi.

 - Vâng, cám ơn "cách mạng", nhưng ở đây tôi xin các anh nhẹ tay với mấy người lính vừa bị bắt kia, họ làm theo lệnh của tôi. Tôi chịu tội chứ họ không phải.

 - Yên chí - cách mạng quang minh chính đại - đâu có đó, anh đừng có no nắng.

 Tên chỉ huy ra lệnh:

 - Đi ngay vào "X", máy bay ngụy sắp đến bây giờ - Các đồng chí khẩn trương.

 Khánh bị dẫn đi sâu vào rừng cao su, về phía Tây Ninh cùng với những người lính của mình - Rời khỏi vị trí đóng quân để là tù binh, cũng là lúc Khánh hiểu ra - Anh em thương binh đã bị bắn bồi cho gọn - thanh toán hết.

-/-

 Nguyên lấy khăn giấy lau nước mắt - Nhìn thân hình xác xơ tàn phế của Khánh, cảm giác xót đau dâng cao trong hồn - Ai tưởng được người sĩ quan cao ráo, tuy không đẹp trai như ý nghĩ thông thường, nhưng Khánh có nét đẹp của người "dỡn mặt tử thần" - Còn nhớ nhiều lần nhắc đến Khánh - chồng nàng thường nói: "Thằng Khánh du côn nhưng tốt bụng với bằng hữu - lạ một điều nó đi đánh giặc mà cứ như đi đánh lộn thuở học trò"- Khánh còn có tên Khánh đen, đến nỗi Vĩnh Tường vẫn đùa: "Nó nằm trong phòng tối từ sáu tháng tới một năm, lúc bước ra, da mặt vẫn đen như đít nồi - Đó, người sĩ quan da ngăm đen, cặp chân mày xanh đen, thanh tú, đôi mắt ranh mãnh, nghịch ngợm, bây giờ thế này đây - Tay trái còn có cái cùi, chân trái còn một khúc, mắt trái là cái lỗ, đục lờ nước rỉ, quần áo tuy sạch sẽ, nhưng làm sao khoả lấp được vẻ tiều tụy - Nguyên cầm chiếc quạt mo cau, phẩy nhẹ trên khuôn mặt nhiều mồ hôi của Khánh và quạt cho mình nữa - Lúc này chỉ còn hai người - Con bé Trân đã dẫn Hạnh, anh Taxi vào vườn mua trái cây. Nguyên hỏi:

 - Lúc bị bắt, anh nguyên vẹn, thế vì sao mà anh lại ra cớ sự này? Anh đâu còn đánh trận nữa mà mang thương tật? Bị bắt rồi sau đó nó mang anh đi đâu?

 - Dĩ nhiên tôi lành lặn, mấy ngày đầu bị bắt, chúng nó áp giải chúng tôi đi ngược về rừng Tây Ninh, xuyên qua Kà Tum, Bổ Túc, xuyên qua Sóc Con Trăng, đến Tống Lê Chân. Nó để đó 15 ngày, thả hết những người từ Trung sĩ trở xuống - Lý do: "cánh mạng đã thành công, tha cho các anh về địa phương học tập" - Còn các sĩ quan lại tiếp tục con đường tù, chúng tôi được dẫn xuyên rừng, cũng có lúc được cho đi xe - xe của cao su - Trạm sau cùng là một nơi thuộc vùng Bù Gia Mập - Phước Long. Tại đây chết vô số kể vì sốt rét - Nó là khu rừng già và rừng tre nguyên sinh mà - còn nhiều sơn lam, chướng khí - Ở trại này làm khổ dịch, chặt tre, đốn nứa, cắt tranh, phá đất rừng để trồng khoai mì, bắp - "Lao động vinh quang" như vậy được ba năm, thì chúng nó lại xóa, nhập - gọi là biên chế - chuyển một số người khoảng hai trăm người ra trại Xuân Phước - Phú Yên, lý do bọn ngoan cố không chịu học tập, âm mưu chống phá - cần được cách mạng quan tâm đặc biệt, để học tập cho tốt - Tôi cũng có trong số anh em được giải giao cho Xuân Phước. Tại nơi này, tôi ở trong đội "phá sơn lâm", nghĩa là chặt cây, khai hoang, dọn sạch gốc rễ cây để lấy đất canh tác - Một hôm, khoảng tháng 6, hay 7 năm 1979, tôi đào gốc cây, bổ trúng trái bom bi còn sót lại trong rừng, nổ chết hai người, còn tôi bị thương ở tay trái, mắt, chân trái luôn, nhưng chưa có bộ phận nào như bây giờ - Anh em xé vải áo băng bó, chở về trại. Tên trại trưởng bảo đưa xuống trạm xá, để một thằng y công (y sĩ VC) chữa trị - rửa vết thương bằng nước lá ổi, uống thuốc Nam - một tuần sau, cả mấy chỗ bị thương đều làm độc, có mủ và cả dòi nữa - Được đưa ra bệnh viện Phú Yên - sau một tuần nữa để đợi quyết định ở trên. Kết quả :mắt trái con ngươi đã nổ, thúi mục - tay và chân trái phải cắt để cứu phần còn lại.

 May mắn nhờ thuốc ở bệnh viện và thuốc của anh em bệnh nhân cho, nên bốn tháng sau vết thương lành - Xuất viện, về lại Xuân Phước và nhờ cụt, đui, què tùm lum, tôi ở tù thêm một năm nữa thì được phóng thích làm phước.

 - Được thả ra anh về đâu?

 - Về Sàigòn - Tôi nhờ xe ôm chở ngang qua nhà, vòng tới, lui có lẽ cả chục lần, nhìn thấy vợ, con trong nhà đấy chứ, rồi nhìn lại thể xác, tôi quyết định bảo anh xe ôm chở tôi ra chợ - bất kỳ chợ nào cũng được - Anh ta cho tôi xuống chợ An Đông, còn cho thêm 15 đồng và gói thuốc Vàm Cỏ - Hôm sau anh xe ôm quay lại cho tôi chiếc mền cũ - Hỏi, mới biết anh ta là lính nhảy dù ở Ngã Ba Ông Tạ, gần nhà của ba má Vĩnh Tường.

 - Rồi làm sao anh sống?

 - Thế mới tài chứ, sau khi tiêu hết 55 đồng, gồm 40 đồng trại phát và tiền xe ôm cho - Tôi đi ăn mày - Đúng, tôi ăn mày thật sự, vì gặp hai thằng phế binh của mình , cùng binh chủng, nhưng họ chỉ biết tôi cũng là phế binh như họ, thế là kết hợp rủ nhau đi ăn mày - Một thằng biết đánh đàn sơ sơ, đệm ghi ta cho tôi và thằng kia hát - Xin quanh quẩn mấy quán ăn, chợ búa vậy mà đủ sống, lại có ngày được nhậu nữa - Cũng vui lắm chứ!

 - Thôi, đừng nói nữa Khánh. Đủ rồi, anh nói đủ rồi!

 - Ừ! quá dư thừa rồi. Nguyên kể chuyện Vĩnh Tường, Diệu Khoa, cháu Chi cho tôi nghe nhé!

 - Anh Tường đi làm, lớn tuổi nên anh ấy chỉ học được cái bằng Technician về computer, đi làm đủ nuôi các cháu - chúng nó ra trường đi kiếm ăn riêng hết rồi - Còn Diệu Khoa, kể từ lúc bặt tin anh, nó khổ vô cùng, đem con về nương nhờ mẹ ruột, giao con cho bà ngoại, lúc đầu còn có chút vốn, bán đồ xe đạp, Việt cộng tịch thu hết, lý do làm ăn tuỳ tiện kiểu tư bản bóc lột - không cho phép - Hết vốn, nó phải đu xe lửa lên Long Khánh đem từng trái mít, củ mì về xẻ, luộc bán ở ga Hòa Hưng, lấy tiền nuôi con - May, đến năm 1984, anh ruột nó bảo lãnh bà mẹ và hai mẹ con nó đi Mỹ - Tôi qua cũng ở gần nó - Nhờ chính phủ Mỹ trợ cấp, ăn học không phải lo, cả hai mẹ con cùng đến trường - Diệu Khoa làm phụ tá pháp lý cho một luật sư Mỹ gốc Hoa - Năm 1999, cháu Diệu Chi chuyển qua miền Đông Hoa Kỳ để học, vì nó được cấp học bổng toàn phần. Diệu Chi học giỏi lắm!

 - Nguyên trước kia có đọc cuốn truyện "Hãy để ngày ấy lụi tàn" không nhỉ?

 - Có, tôi đã khóc lúc đọc, mà sao tự nhiên anh lại hỏi ngang vậy... À tôi hiểu rồi!

 - Cảm ơn Nguyên nhiều lắm - Khánh nhớ Vĩnh Tường và Nguyên cho đến lúc chết - Tôi vẫn là người thân của hai bạn.

-/-

 Người tài xế taxi đã bước vào nhà, đến giờ Nguyên về Sàigòn - đã 3 giờ chiều rồi.

 - Khánh à, bây giờ thì Nguyên phải về, chiều nay sẽ gọi phone về Mỹ báo cho Tường biết tin vui này - Đồng thời sáng ngày mốt, chừng 10 giờ hoặc hơn một chút Nguyên sẽ đến đón Khánh, vợ chồng Mười đầu vịt và cháu Trân về Sàigòn chơi một hai ngày - Nguyên mở bóp, lấy ra 200 dollars bỏ vào túi áo của Khánh:

 - Nhỏ lắm nghe Khánh, cầm cho Tường-Nguyên vui với bạn nhe! - Mốt mình gặp lại sẽ nói chuyện nhiều nữa!

 Khánh lại nhảy lò cò ra cửa để tiễn chân Nguyên - Taxi rồ máy, lăn bánh trên con lộ đỏ để ra đường cái về Sàigòn.

 Trên đường về, Nguyên trầm ngâm - Buồn và thấm đau đè nặng hai vai, thật ngộp thở, xót xa như bóp muối trong lòng.... và..., Nguyên cũng đã nhận ra Khánh nói đúng - Nguyên sẽ không cho Diệu Khoa và Diệu Chi biết là đã tìm thấy Khánh như lời dặn: "Cố tìm cho được tin tức của Khánh cho Khoa Nguyên nhé!"

 Nguyên quyết định - Thôi, cứ để cho Tháng lụn Năm tàn... mọi chuyện rồi cũng xong.

Tháng 12-2005

Thiên Lôi
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn